Viết Tiếp Câu Chuyện Về Ngô Thái Hoàng Em

Những tin tức hay, lạ, vui, và hữu ích cho đời sống.
Xin đừng tranh luận về chính trị, tôn giáo, sắc tộc ...

Moderator: A Mít

Viết Tiếp Câu Chuyện Về Ngô Thái Hoàng Em

Postby Thanh Tran » 27 Jun 2009

Kỳ 1: Ngô Thái Hoàng Em, quá khứ và hiện tại

1. Tai nạn kinh hoàng

“Khoảng 8 giờ sáng ngày hôm đó, mọi việc vẫn diễn ra bình thường khi em đứng canh chừng cối ép gạch ống để cán xuống khuôn, thì không hiểu vì lý do gì mà một cái tuộc-nơ-vít rơi vào cối. Bằng phản xạ tự nhiên, em thò tay trái vào để lấy cái tuộc-nơ-vít ra. Khi thấy tay bị cuốn vào trong cối, lại bằng một phản xạ tự nhiên khác, em cho tay phải vào để kéo tay trái ra.”

Bằng giọng kể đều đều và gương mặt thật buồn, Ngô Thái Hoàng Em kể lại thời khắc mà em vĩnh viễn bị mất đi đôi tay của mình. Ðó là vào một ngày gần cuối Tháng Năm 2007, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) loại giỏi, ở tuổi 15, Hoàng Em xin má cho theo anh trai đi làm thêm với mục đích kiếm tiền mua chiếc xe đạp cho năm học mới. Nhưng tháng lương đầu tiên chưa kịp lãnh, chiếc xe đạp vẫn còn là niềm mơ ước thì tai nạn đã xảy ra: cánh tay phải của Hoàng Em đã rớt ra trên đường đến bệnh viện, còn cánh tay trái thì bị cối ép gạch ép dài ra.

“Ngay lúc đó, em như mơ mơ màng màng, không hề có cảm giác gì cả, không ý thức được điều gì cả, ngay cả sự đau đớn, nhưng em vẫn tỉnh, không khóc hay rên la gì,” cũng bằng giọng nói nhẹ nhàng, Hoàng Em tiếp tục câu chuyện của mình.

Ông chủ lò gạch lấy nhanh chiếc khăn rằn quấn quanh em, đặt em lên chiếc xe Honda do anh trai em lái và đưa em đến trạm y tế cách đó 5 cây số trên con đường nhỏ hẹp để băng bó tạm. Từ trạm y tế, xe cứu thương đưa em lên bệnh viện tỉnh Vĩnh Long, và Hoàng Em đã bất tỉnh trên đường chuyển viện đó bởi mất máu quá nhiều.

Hoàng Em không biết thời gian mình tỉnh dậy trong bệnh viện là khi nào, em chỉ biết rằng em cảm thấy rất khó chịu, và ngay lập tức em nhận ra tình cảnh của mình: hai cánh tay em đã không còn.

Em không làm gì được hết, không xoay xở gì được hết, muốn cầm lấy cái gì, muốn nắm lấy cái gì, em cũng đều không thể. Mọi sự hoàn tất sụp đổ. Em khóc. Em chỉ mới 15 tuổi, em có những hoài bão, em có những ước mơ, mà ước mơ nhỏ nhoi là một chiếc xe đạp để đến trường khi đường đi học ngày càng xa hơn em vẫn chưa thực hiện được, thì giờ đây em làm gì được nữa khi mà không phải chỉ hai bàn tay mà là cả hai cánh tay cũng không còn? Tất cả mọi thứ với em ngay tại thời điểm đó đều là sự chán nản và tuyệt vọng đến cùng cực. Nhưng cũng không một lời rên la, than thở. “Em chỉ khóc.”

Lớn lên trong một gia đình có 7 anh chị em, trong đó Ngô Thái Hoàng Em là con út. Ba Em, một người lính thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến của quân lực VNCH, mất đột ngột khi em được 9 tuổi. Các anh chị của Hoàng Em đều đã có gia đình riêng, sống trong cảnh nghèo và lấy công việc phụ lò gạch, giúp chuyển gạch xuống ghe làm phương kế sinh nhai. Mẹ Em không đủ sức làm công việc nặng nhọc đó nên lên Sài Gòn đi giúp việc nhà cho người ta, kiếm thêm tiền nuôi em.

Với hoàn cảnh gia đình như vậy, Hoàng Em biết mình đã trở thành gánh nặng. Vốn đã là một cậu bé rất ngoan và ít nói, giờ đây, Hoàng Em lại càng im lặng nhiều hơn nữa. Hình như tất cả những nghiệt ngã mà em gánh chịu không bao giờ bật ra thành lời mà lại dồn hết vào đôi mắt buồn vô hạn và những cái mím môi như cố che giấu cảm xúc của mình khi em kể chuyện.

2. Trở về với cuộc sống học trò

Sau hai tuần ở bệnh viện, Hoàng Em trở về nhà trong sự lo lắng, giúp đỡ của mẹ, của các anh chị và nhiều nhà hảo tâm khác. Cuộc sống xáo động lên trong chốc lát khi mà một số đài truyền hình và báo chí trong nước viết về trường hợp của Ngô Thái Hoàng Em, mà theo như lời của người bác sĩ điều trị ở bệnh viện Vĩnh Long cho biết thì: từ ngày có cối ép gạch, hàng ngàn tai nạn lao động đã xảy ra, nhưng trường hợp của Hoàng Em là nặng nhất. Giá như chỉ còn một động mạch chủ thôi thì bác sĩ cũng sẽ cố gắng nối lại cánh tay cho em, đằng này... Như đã nói, Hoàng Em chỉ nghe kể lại là một cánh tay đã rớt ra trên đường đến bệnh viện, cánh tay còn lại bị cối ép gạch ép dài ra, bởi khi ấy, các anh của em đã không cho em nhìn thấy điều khủng khiếp đó.

Ngô Hoàng Thái Em bắt đầu làm quen với cuộc sống mới bằng cách nhờ vào đôi tay của người mẹ. Tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày của Hoàng Em, từ việc đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, thay quần áo, ăn uống, vệ sinh, nhất nhất đều phải có bàn tay của mẹ. Cuộc sống lặng lẽ đó kéo dài khoảng một tháng cho đến ngày em thấy mình cần phải chuẩn bị cho việc trở lại trường học.

Khi đó, mỗi ngày em vẫn hay ra chiếc võng phía trước nhà nằm. Nhìn các anh chị lớp 12 bắt đầu trở lại trường ngay khi mùa Hè đang còn, trong lòng Hoàng Em bỗng trỗi lên niềm khao khát: “phải trở lại trường học. Và em bắt đầu tập sử dụng đôi chân của mình để mà viết,” Hoàng Em kể.

“Lúc đầu chỉ là những nét hí họa, coi chân có thích hợp để dùng bút không. Rồi càng viết em càng cảm thấy dễ dàng hơn.” Nhưng dẫu có dễ dàng đến mấy thì tốc độ viết bằng chân vẫn không thể bằng tay được. Cho nên trở lại trường học là cả một nghị lực của cậu bé lớp 10 khi đó.

“Việc học của em gặp rất nhiều khó khăn trong việc chép bài và tiếp thu bài vở. Trong lớp chỉ có mình em là khác mấy bạn... Vào lớp, em xin ngồi trên chiếc ghế cuối lớp để không làm phiền đến ai. Em để tập lên ghế và viết bài.”

Học trò bình thường tốn một công sức cho việc học thì với Ngô Hoàng Thái Em, công sức cho việc học phải tốn gấp nhiều lần hơn. Em kể, “bởi không chép bài kịp trên lớp, em phải mượn tập của bạn về nhà chép tiếp, có hôm nhiều bài quá, không chép xuể, em cũng đành buông để dành thời gian làm bài tập.”

Không muốn bỏ học dở dang, nhưng cũng không tránh khỏi có những lúc Hoàng Em rơi vào trạng thái chán nản và muốn buông xuôi. Ðó là “những lúc bài nhiều quá, hay những khi nhìn các bạn làm thực hành cho các môn Lý, Hóa, Sinh, hay khi phải vẽ hình cho môn Toán hình học không gian.” Chuyện học bình thường trên lớp đã khó, mỗi lần có bài kiểm tra lại càng khó khăn hơn.

Thoạt đầu, em xin các thầy cô cho em được trả bài miệng thay cho việc kiểm tra viết. Nhưng sau đó, “em cũng muốn làm kiểm tra viết như các bạn khác. Có điều thường em chỉ làm được một nửa bởi không đủ thời gian.”

Một số thầy cô tốt bụng chịu khó soạn đề trắc nghiệm cho Hoàng Em làm, nhưng phần lớn em vẫn phải sử dụng đôi chân mình để mà học cùng các bạn, để vẫn có thể đạt được danh hiệu học sinh khá ở năm lớp 10 và học lực trung bình ở năm 11, bởi những đòi hỏi ngày càng cao hơn, mà em không thể đáp ứng được khi không có sự hỗ trợ của đôi tay.

3. Một giấc mơ đời thường

Ngoài ước mơ có chiếc xe đạp đến trường, Ngô Thái Hoàng Em còn ao ước là sẽ trở thành người thông dịch viên, dịch sách báo, bởi sở thích duy nhất trước giờ của Hoàng Em là đọc sách về thiên nhiên, về các nhà khoa học.

Nhưng ngay tại thời điểm này, Ngô Hoàng Thái Em đang háo hức chờ đợi ngày mà em sẽ được lắp đôi tay giả. Chưa ai có thể nói trước mức độ thành công sẽ là bao nhiêu, em chỉ biết nếu có thể sử dụng được đôi tay, “việc đầu tiên em làm sẽ là đi đánh răng” bởi đó là công việc khó khăn nhất đối với mẹ của em. “Em chỉ ước mơ được sống một cuộc sống bình thường, không cần phải có sự giúp đỡ của mẹ về sinh hoạt hằng ngày, để mẹ không phải vướng bận đến em nữa.”

“Ðược sống một cuộc sống bình thường” là điều mà hầu hết mỗi chúng ta không cần phải mơ ước, nhưng với Ngô Thái Hoàng Em, điều đó sẽ mãi là niềm khao khát cháy bỏng nếu như không có những cánh tay chìa ra để đưa em đến với ước mơ rất đời thường đó. Mong lắm thay!

Image
Gương mặt rạng rỡ của Hoàng Em khi chuẩn bị thao tác viết bằng chân.

Image
Hoàng Em đã sử dụng đôi chân của mình viết thay cho tay để có thể đến trường.

Image
Gương mặt thật buồn khi Ngô Thái Hoàng Em kể về câu chuyện của mình.

Image
Chữ viết bằng chân của Ngô Thái Hoàng Em.

Image
Không chỉ viết, em còn sử dụng chân của mình trên các bàn phím khi xài computer.


(Kỳ tới: Nỗi niềm người mẹ)
<=====T=====>


.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.


d(^_^)b


╔╗╔╗╔══╗╔══╗╔══╗╔╗╔╗
║╚╝║║══║║══║║══║║╚╝║
║╔╗║║╔╗║║╔═╝║╔═╝╚═╗║
╚╝╚╝╚╝╚╝╚╝ • N E W Y E A R 2 0 1 2
User avatar
Thanh Tran
Sơ Mít
Sơ Mít
 
Tiền: $32,334
Posts: 875
Joined: 24 Sep 2005
 
 

Re: Viết Tiếp Câu Chuyện Về Ngô Thái Hoàng Em

Postby Thanh Tran » 27 Jun 2009

‘Con đừng khóc, má sẽ ở nhà không bỏ con nữa đâu!’

Ðó là câu nói đầu tiên mà bà Nguyễn Thị Cúc, mẹ của Ngô Thái Hoàng Em, nói trong nước mắt với đứa con bất hạnh của mình ở bệnh viện khi nhìn thấy nơi trước đây là đôi tay của đứa con thân yêu đang độ tuổi trưởng thành, giờ chỉ là hai khối băng trắng toát.

Tâm sự với phóng viên Người Việt hôm Thứ Tư, 24 Tháng Sáu tại Westminster, California, bà Nguyễn Thị Cúc kể, “Khi nó xảy ra chuyện, tui đang làm mướn ở Sài Gòn. Nghe các anh chị nó gọi điện thoại báo tin, tui tức tốc đón xe chạy về liền, không kịp mang theo hành lý gì hết.” Ðể bà có thể yên tâm phần nào trên hành trình từ Sài Gòn về đến Vĩnh Long, các chị của Hoàng Em chỉ nói với bà rằng, “Em bị tai nạn nhưng không có gì nghiêm trọng.”

Nhưng linh cảm của người mẹ đã “nói” với bà nhiều hơn những điều đó.

“Tui gần như muốn xỉu khi chạy vào bệnh viện nhìn thấy có đông đủ anh chị của nó và các gia đình sui gia. Nhìn mắt ai cũng đỏ hoe là tui biết nó bị không có nhẹ,” giọng bà mẹ chân chất vẫn nghẹn ngào khi nhớ lại câu chuyện xảy ra cho con trai mình.

Cuối năm 1975, bà Cúc bụng mang dạ chửa theo chồng hồi hương về quê Vĩnh Long cùng hai đứa con thơ bắt đầu cuộc đời làm thuê làm mướn. Các đứa con khác lần lượt ra đời trong cảnh nghèo chồng chất. Tiền không đủ ăn thì nói gì đến việc lo cho các con đến trường. Ðứa này vừa kịp lớp thì đã phải cùng mẹ cùng cha hòa vào cuộc mưu sinh để kiếm tiền nuôi những đứa em nhỏ hơn.

Thế nhưng cuộc sống nghèo khó đâu chỉ dừng lại ở đó. Trong một lần can ngăn người hàng xóm đánh lộn, chồng bà đã bị người ta xô té, phải nằm liệt giường một thời gian. “Khi đó tôi cũng đã chăm sóc và đút cho ổng ăn như đang chăm sóc và đút cho Hoàng Em bây giờ,” bà bùi ngùi nhớ lại. Sau đó, chồng bà hồi phục nhưng sức khỏe không cho phép ông có thể làm bất kỳ công việc gì, ngoại trừ chăm sóc bản thân, và 18 năm sau thì ông mất. Bao nhiêu gánh nặng cuộc sống dồn hết lên đôi vai người mẹ nghèo lam lũ.

Tất cả 6 người anh chị của Hoàng Em không ai học qua hết lớp 6. Chính vì như thế cho nên bao nhiêu hy vọng, ước mơ bà mẹ và các anh chị lớn đã dồn hết vào cho Hoàng Em, đứa con, đứa em nhỏ nhất nhà.

“Nó là niềm hy vọng của gia đình tui. Ngay từ nhỏ tui đã muốn lớn lên nó sẽ trở thành bác sĩ. Nhưng tui cũng biết hoàn cảnh gia đình mình nghèo quá nên có lẽ không bao giờ vươn tới nổi điều đó, nên tui chỉ mong sao nó sẽ làm một giáo viên.” Thế nhưng niềm mong mỏi đơn giản đó của người mẹ đã hoàn toàn sụp đổ khi bà nhìn thấy Hoàng Em trong bệnh viện.

Cũng bằng giọng nói chân phương của người phụ nữ miền Nam, bà kể, “Khi y tá ra kêu người nhà vào lau cho nó vào sáng hôm sau, các chị của Hoàng Em không cho tui vào, tụi nó sợ tui xỉu. Ðến trưa, người ta lại kêu vô. Lần này tui chạy vô đại. Khi nhìn thấy tui, nó khóc, tui cũng chỉ biết khóc, tui không nói được câu nào, tui không làm được gì cả...”

Còn nỗi đau nào lớn hơn cho người mẹ khi nhìn thấy con mình trong tình cảnh đó. Ðứa con ngoan nhất trong nhà, niềm hy vọng nhiều nhất của gia đình, tất cả đặt hết vào Hoàng Em, thế mà bây giờ... Con sẽ làm được gì đây khi mà đôi cánh tay đã không còn? Con sẽ xoay xở sao đây để gọi là sống trong cuộc đời? Con chỉ mới 15 tuổi đầu, con còn cả một tương lai phía trước, dù là tương lai của những giấc mơ bình dị nhất.

Con nhìn mẹ, khóc. Mẹ nhìn con, khóc.

Nếu như ngay khi xảy ra tai nạn, Ngô Thái Hoàng Em cũng đã điếng người đến không còn cảm giác gì hết, chỉ mơ mơ màng màng thì mẹ em, ngay trong lúc đó, cũng không làm được gì, dù chỉ là lau mắt cho con. Bà cũng gần như chết điếng.

“Ðau khổ và thất vọng lắm. Nhưng rồi tui hiểu mình cần phải dằn lòng để cố gắng mà lo cho con,” bà nói.

Chiều đến, khi y tá gọi người nhà vào để đưa Hoàng Em ra phòng ngoài, trông thấy mẹ, Hoàng Em lại khóc. Bà cố gắng nói đúng một câu, “Thôi, con đừng khóc, từ đây về sau má sẽ ở nhà với con, má không bỏ con đi nữa.” Chỉ một câu nói, bà nhắc lại sau hai năm, trong một giọng nói chùng xuống nghẹn ngào, tôi nghe như tim mình se thắt: bao nhiêu tình mẹ thương con dồn hết vào trong câu nói đó. Mộc mạc mà tha thiết, đau đớn đến mức nào. “Nhưng bà đi đâu mà bỏ nó?” như lời người y tá hỏi, “Tui đi làm mướn.” Ði làm mướn để kiếm tiền nuôi con, nuôi ước mơ cho con trở thành thầy giáo, nhưng giờ đây điều đó không còn là cần thiết nữa.

Bà Cúc nghỉ hẳn công việc ở Sài Gòn, đem đôi tay và tấm lòng người mẹ ra để bù đắp cho hai cánh tay của con mình. Từ ngày đó, bà không một lúc rời xa Hoàng Em. Tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày, Hoàng Em đều phải phụ thuộc hết vào mẹ. Ăn, mẹ đút. Tắm rửa, mẹ lo. Ði tiêu đi tiểu, thay quần thay áo, nhất nhất đều phải nhờ vào bàn tay của mẹ.

Như một lẽ thường tình, tâm lý của những người mà cuộc sống không như ý muốn, đặc biệt với những người ý thức được sự mất mát thua thiệt của mình, tránh sao khỏi những lúc quạu quọ, cau có. Hoàng Em cũng thế, tuy em không hề dám “chửi mắng hay rầy rà” mẹ, nhưng nhìn cử chỉ và thái độ, bà biết em có điều không vừa lòng, đôi khi chỉ vì cách bà chỉnh sửa lại chiếc quần, tấm áo không như em muốn. Nhưng bà có buồn lòng về điều đó không?

“Không,” bà Cúc cười. Người mẹ chỉ biết vui theo nỗi vui của con và buồn theo nỗi bất hạnh mà con mình đang gánh chịu.

“Không bao giờ tui cảm thấy bực bội khi làm mọi thứ cho nó. Khi chăm sóc cho nó, tui chỉ thấy thương nó và xúc động khi làm công việc đó mà thôi. Làm được bất kỳ điều gì cho nó, tui đều cảm thấy rất vui,” bà Cúc tâm sự.

“Tui vui nhưng thực ra tui buồn lắm. Tui nghĩ đến bất hạnh mà con mình đang phải chịu... Nhất là mỗi khi tui lau mặt hay tắm cho nó là tui buồn nhất... nhưng tui giấu điều đó trong lòng, không để cho con biết,” giọng người mẹ lại trở nên nghẹn ngào.

Không buồn sao được khi mà bà nghĩ đến một lúc nào đó bà không còn có thể dùng đôi tay mình để làm thay cho con thì ai sẽ lo lắng chăm sóc cho nó đây?

Chính từ tình thương và nỗi lo sợ mơ hồ đó mà không chỉ Ngô Thái Hoàng Em mà cả bà Nguyễn Thị Cúc đều mơ ước một ngày nào đó, Hoàng Em sẽ có được một đôi tay giả “để có thể tự chăm sóc cho bản thân, không cần phải có sự giúp đỡ của mẹ về sinh hoạt hằng ngày, để mẹ không phải vướng bận đến em nữa.”

Ước mơ là vậy nhưng cả gia đình đều hiểu rõ hoàn cảnh của mình. Nguồn sống hiện tại của hai mẹ con bà Cúc và Hoàng Em đều dựa hết vào số tiền giúp đỡ trước đó của các mạnh thường quân, tiền ủng hộ từ một quỹ dành cho trẻ em của tỉnh, tổng cộng chưa đến 1 triệu đồng một tháng (khoảng 60 đôla), tằn tiện cũng chỉ vừa đủ ăn thì làm sao dám mơ đến chuyện có một số tiền lớn để mà nghĩ đến chuyện lắp tay giả.

Nhưng cho dù cuộc sống có nặng nề với những bon chen vất vả, có nghiệt ngã với những số phận đáng thương thì đâu đó vẫn xuất hiện những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, để không chỉ có Ngô Thái Hoàng Em, bà Nguyễn Thị Cúc, mà còn là để cho tất cả mỗi chúng ta tin vào những điều tốt đẹp và lòng nhân ái của con người. Hay nói đúng hơn, chúng ta đang tin rằng mơ ước của người mẹ bất hạnh và đứa con đáng thương về một đôi cánh tay giả đang sắp thành hiện thực khi mà nhiều bàn tay nhân ái đã sẵn sàng chìa ra.

Ghi chú: Ngay khi bài báo này sắp sửa lên khuôn, chúng tôi được biết và đã gặp nhiều độc giả tìm đến để hỏi thăm và giúp đỡ cho Ngô Thái Hoàng Em. Xin tri ân tất cả những tấm lòng đó.

Ðịa chỉ của Ngô Thái Hoàng Em ở Việt Nam: Ấp 4, xã Chánh Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, điện thoại: 0703504008.

Mọi giúp đỡ, xin liên lạc Nguyễn Liên Hương ở số điện thoại: 714-539 4140, Nguyễn Kim Dung: 714-891-8579, Phạm Mộng Vân: 714-742 7601; hoặc thư về địa chỉ 13161 Brookhurst Street, Garden Grove, CA 92843.


(Kỳ 3: Những tấm lòng vàng)
<=====T=====>


.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.


d(^_^)b


╔╗╔╗╔══╗╔══╗╔══╗╔╗╔╗
║╚╝║║══║║══║║══║║╚╝║
║╔╗║║╔╗║║╔═╝║╔═╝╚═╗║
╚╝╚╝╚╝╚╝╚╝ • N E W Y E A R 2 0 1 2
User avatar
Thanh Tran
Sơ Mít
Sơ Mít
 
Tiền: $32,334
Posts: 875
Joined: 24 Sep 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thanh Tran từ: msn, littlehoney999

Re: Viết Tiếp Câu Chuyện Về Ngô Thái Hoàng Em

Postby Thanh Tran » 30 Jun 2009

‘Ðể giấc mơ của Em không bị cắt cụt một cách đau đớn’

LTS. - Trong số báo ra ngày Thứ Sáu, 26, và Thứ Bảy, 27 Tháng Sáu vừa qua, chúng tôi đã gửi đến quý độc giả kỳ 1 “Em chỉ mơ ước một cuộc sống bình thường” và kỳ 2 “Con đừng khóc, má sẽ ở nhà không bỏ con nữa đâu” của loạt phóng sự “Viết tiếp câu chuyện của Ngô Thái Hoàng Em,” hôm nay xin được giới thiệu kỳ 3 của bài, “Ðể giấc mơ của em không bị cắt cụt một cách đau đớn” nói về những tấm lòng vàng đã mở ra cho cậu bé Hoàng Em.

Ngọc Lan/Người Việt


Cơ duyên gặp gỡ

Sau khi tai nạn xảy ra, được sự giới thiệu của vị bác sĩ giám đốc bệnh viện tỉnh Vĩnh Long, đài truyền hình Vĩnh Long cùng một số báo chí trong nước đã có bài viết về tai nạn thương tâm của Ngô Thái Hoàng Em. Trong khi những nhà hảo tâm, những người không đành lòng trước số phận bất hạnh của Hoàng Em đã chung nhau góp sức giúp đỡ Em tại quê nhà, thì cách đó nửa vòng trái đất, Nha Sĩ Nguyễn Diệu Liên Hương cũng quặn lòng trước bi kịch thương tâm của cậu bé.

Nha Sĩ Liên Hương kể, “Buổi tối tôi vẫn thường có thói quen đọc báo trên net. Tôi biết đến trường hợp của Hoàng Em từ khi cháu còn ở nhà thương. Tôi cũng gửi tiền về Việt Nam giúp đỡ cho cháu ngay từ đầu, và cũng nghĩ rằng chỉ giúp một vài lần thôi.”

Nghĩ là vậy nhưng không ngờ bức hình Ngô Thái Hoàng Em lúc còn băng bó trong bệnh viện đã ám ảnh người phụ nữ đó. Cô tiếp tục theo dõi cuộc sống của Hoàng Em.

“Càng ngày tôi càng thấy cháu biết vươn lên từ bất hạnh. Cháu cố gắng tập viết, vui sống, không than thở, không vật vã. Thấy cháu có một nghị lực phi thường của một cậu bé 15 tuổi, tôi nghĩ cháu xứng đáng được giúp đỡ nhiều hơn,” Nha Sĩ Liên Hương tiếp tục câu chuyện.

Thế là người nha sĩ bắt đầu trăn trở nghĩ xem có cách nào giúp đỡ cho cậu bé sao cho có hiệu quả hơn trong cuộc sống hàng ngày không.

Hành trình cho một ý tưởng

Có lẽ trái tim người mẹ có cùng những nhịp đập yêu thương nên cô Liên Hương không chỉ nhìn thấy sự bất hạnh ở Hoàng Em, mà hơn hết, cô nhìn ra được sự bất hạnh còn có cả ở người mẹ của Em. Người mẹ ấy đã phải chịu biết bao cơ cực nay lại còn phải tiếp tục cực nhọc hơn, bởi nếu không có bà, thì Hoàng Em nhất định sẽ không có cuộc sống bình thường được.

Chính từ sự thấu hiểu tâm trạng của người mẹ, mà ý nghĩ “nên làm cho Em một đôi cánh tay giả” ra đời. Ðó không chỉ là cứu cánh cho cuộc đời Hoàng Em mà còn là sự giải thoát cho bà mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ.

“Lúc đầu tôi nghĩ chuyện này không khó, bởi tôi có người bạn là phi công bị mất hai tay, anh đã dùng tay giả nhưng sống thực rất giỏi. Tôi lạc quan nghĩ rằng nếu Hoàng Em có hai tay giả như người bạn tôi thì em sẽ tự mưu sinh được.” Nhưng càng lúc, cô Liên Hương càng thấy sự hiểu biết của mình “chưa tới mức.”

Cô liên lạc với các trung tâm phục hồi chức năng cho người tàn tật ở Việt Nam, rồi khi nghe có những phái đoàn bác sĩ từ Mỹ về Việt Nam công tác, cô cũng đề cập đến trường hợp của Ngô Thái Hoàng Em. Nhưng tất cả đều là những cái lắc đầu từ chối bởi kỹ thuật y tế Việt Nam không thể giúp được gì cho trường hợp bị mất hai cánh tay trên cùi chỏ như thế.

Thất vọng nhưng không bỏ cuộc, người nha sĩ nhỏ nhắn đó vừa phải chu toàn công việc kiếm sống của bản thân và gia đình, vừa canh cánh bên lòng về đôi tay giả cho cậu bé không thân thích ruột rà, không bà con lối xóm, ngoài cái nghĩa “đồng bào.”

Cô Liên Hương tiếp tục việc tìm kiếm trên Internet, trên các quảng cáo ở Mỹ về việc làm tay giả trong suốt nửa năm tiếp theo. Suy nghĩ đó ám ảnh cô đến mức gặp bất kỳ người nào có mang tay giả cô cũng đều hỏi thăm xem có tia hy vọng nào cho Hoàng Em hay không.

Sau cùng, Nha Sĩ Liên Hương đã tìm được đến cơ sở Biodesigns, Inc. ở Santa Monica, California, nơi chuyên làm tay chân giả cho các vận động viên tham dự giải Olympic dành cho người khuyết tật. Xúc động trước câu chuyện của Hoàng Em và bà Nguyễn Thị Cúc - mẹ em, hai vợ chồng chủ nhân cơ sở này đã quyết định không tính bất kỳ thù lao nào (trị giá $20,000, luôn cả chi phí cho việc hướng dẫn sử dụng đôi tay) ngoại trừ chi phí vật liệu ở mức $5,000.

Làm nhanh bài tính nhẩm, nếu cộng luôn cả chi phí đi lại của hai mẹ con Hoàng Em nữa thì ước chừng khoảng $10,000. Ðó là số tiền không phải là rất lớn, nhưng với một cá nhân thì lại chẳng nhỏ. Nhưng đó là số tiền có thể thay đổi được toàn bộ cuộc đời của hai con người thì cũng nên lắm chứ.

Cô Hương nói rất tự nhiên, “Lúc đầu tôi cũng hơi hoảng khi không thấy có ai giúp đỡ trực tiếp hết, ngoài những lời hứa. Nhưng khi nghe mức chi phí đó thì tôi nghĩ cùng lắm là tôi ‘bao sân’ cũng được.”

Ước mơ sắp thành sự thực

Với suy nghĩ chân thành đó, Tháng Mười Hai năm 2008, Nha Sĩ Liên Hương trở về Việt Nam lo thủ tục đưa hai mẹ con Hoàng Em sang Mỹ để tiếp tục hành trình đi đến ước mơ về một đôi tay. Trải qua 3 lần phỏng vấn và bổ túc hồ sơ, tối Thứ Bảy, 20 Tháng Sáu vừa qua, Ngô Thái Hoàng Em cùng mẹ của mình đã có mặt tại California và tá túc ngay trong nhà của vị ân nhân Liên Hương.

Trả lời cho câu hỏi, “Xuất phát từ đâu mà cô đã tận tình giúp đỡ cho Hoàng Em đến vậy?” Cô Liên Hương tâm sự, “Tôi nhớ hoài câu nói của mẹ Em khi lần đầu về Vĩnh Long thăm gia đình bà. Bà nói, ‘Từ khi cháu bị nạn, tôi mới biết trên đời này còn biết bao nhiêu điều tốt.’ Chính vì câu nói đó, cùng tình thương của người mẹ, sự đứng dậy của một thiếu niên, bên cạnh tình yêu thương chia sẻ của đồng bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước đã khiến tôi xúc cảm rất nhiều.”

Niềm xúc cảm đó, hiện giờ không chỉ có trong Nha Sĩ Liên Hương mà nó đã bắt đầu lan tỏa trong cộng đồng chúng ta, “bởi nhiều cánh tay đã cùng vươn tới vỗ về giúp đỡ Em.”

Hôm qua, Thứ hai, 29 Tháng Sáu, buổi hẹn đầu tiên cho tiến trình lắp tay giả đã diễn ra.

“Thực tình, tôi không có nhiều kinh nghiệm là khả năng về việc sử dụng đôi tay giả sẽ đạt đến chừng nào, nhưng họ hứa cháu sẽ cầm được bút, cầm được muỗng và sẽ có một chức năng để cháu có thể kẹp vào ghi-đông xe đạp để điều khiển. Tôi vẫn ước muốn là cháu đi được xe đạp để giấc mơ của cháu không bị cắt cụt một cách đau đớn như vậy.”

Quả thực cái giá cho một chiếc xe đạp mà Ngô Thái Hoàng Em đã bỏ ra quá đắt, nhưng bù lại, những tấm lòng và vòng tay yêu thương mà bao người đã dành cho em cũng không gì có thể sánh được.

Có lẽ không chỉ tôi mà tất cả chúng ta đều hy vọng lần tới đây sẽ gặp lại Ngô Thái Hoàng Em trong đôi cánh tay có thể ôm lấy người mẹ thân yêu và người nha sĩ tuyệt vời Nguyễn Diệu Liên Hương bởi ước mơ về một cuộc sống bình thường của em đã thành sự thật.

Vâng, cầu chúc và hy vọng.
<=====T=====>


.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.


d(^_^)b


╔╗╔╗╔══╗╔══╗╔══╗╔╗╔╗
║╚╝║║══║║══║║══║║╚╝║
║╔╗║║╔╗║║╔═╝║╔═╝╚═╗║
╚╝╚╝╚╝╚╝╚╝ • N E W Y E A R 2 0 1 2
User avatar
Thanh Tran
Sơ Mít
Sơ Mít
 
Tiền: $32,334
Posts: 875
Joined: 24 Sep 2005
 
 


Return to Kiến Thức Đó Đây



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 7 guests