Nếu Em An Lành, Đó Là Ngày Nắng - Bạch Lạc Mai

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Nếu Em An Lành, Đó Là Ngày Nắng - Bạch Lạc Mai

Postby bevanng » 08 Feb 2020

Tụ tan lưu luyến


Có những người, đáng để bà dùng thâm tình một đời để miêu tả, có những người, lại cần bà dùng sự bình đạm để ở bên, còn có những người thì lại để mặc cho bà tùy ý phụ rẫy.

Có người nói, cuộc đời của Lâm Huy Nhân giống như một vở kịch, tuy không có quá nhiều cao trào nhưng cũng có dăm ba cơn sóng. Những người khách qua đường đến đến đi đi trong sinh mệnh của bà, ra trận làm tướng quân, vào triều làm tể tướng trên sân khấu, bận rộn vô cùng. Cũng có người nói, cuộc đời của Lâm Huy Nhân là một tập thơ diễm lệ, giữa tháng Tư nhân gian viết khúc ngợi ca thanh xuân. Còn có người nói, cuộc đời của Lâm Huy Nhân giống như một nồi cháo gạo nếp, dùng bếp lò thời gian từ từ ninh nhừ, càng lâu càng thơm.
Trong lòng ngàn vạn người, có ngàn vạn Lâm Huy Nhân khác nhau, cho nên đối với tính cách nhân vật và câu chuyện tâm tình của bà, nếu có tranh cãi thì cũng là lẽ bình thường. Giống như lịch sử xa xôi, đã sớm mất tăm tích trong gió bụi của thời gian, chúng ta cũng chỉ có thể dựa vào một số sách vở điển cố để nhìn thử ngày hôm qua mơ hồ không rõ đó. Người phụ nữ tên gọi là Lâm Huy Nhân đã rời xa chúng ta chỉ mới mấy chục năm, cho nên những chuyện xưa cũ về bà vẫn còn rõ mồn một như hiện ra trước mắt. Nếu như thật sự có duyên, hồn phách của bà sẽ có trăm ngàn ức hóa thân, còn chúng ta chắc chắn sẽ gặp gỡ với bà theo phương thức mà mình muốn.
Vạn vật trên thế gian đều có linh tính, cho nên cho dù không phải là Lâm Huy Nhân phong hoa tuyệt đại, cũng có thể biến hóa ra rất nhiều tư thái tuyệt mỹ. Cho dù là kẻ phàm phu không biết một chữ, cũng có thể khiến cuộc sống tràn đầy tình thơ; cho dù là một người phàm tục chẳng hiểu lấy một câu kệ, cũng có thể lĩnh ngộ được ý thiền sâu sắc. Ở phàm trần huyên náo này, chúng ta đều cần có nơi thích hợp với mình để an trí cho linh hồn. Có lẽ là một tòa trạch viện an tĩnh, có lẽ là một bộ kinh thư không có chữ, có lẽ là một con đường nhỏ bến mê, chỉ cần là nơi trái tim mình hướng về, thì đều là trạm dừng chân, chặng đường tương lai sẽ không còn mông lung nữa.
Mấy năm này, Lâm Huy Nhân dường như đã ngừng tưởng nhớ những chuyện cũ, dồn hết cả tinh lực vào sự nghiệp, không còn chìm đắm trong trong những tình cảm hư vô nữa, không còn tính toán thành bại được mất nữa. Bốn mươi bảy tuổi, đối với một phụ nữ khỏe mạnh, vẫn còn đủ tinh lực để ứng phó với những vụn vặt của cuộc sống, nhưng Lâm Huy Nhân bệnh tật lâu ngày lại cảm thấy mình đã đến tuổi xế chiều, và những gì bà muốn làm, chính là để bản thân nở đóa hoa đẹp nhất trong buổi chiều tà.
Điều ấy khiến tôi liên tưởng đến hoa quỳnh, hoa quỳnh luôn chọn bung nở trong buổi chiều tối, khi nở cực kỳ rạng ngời, dường như phải phóng thích hết thảy vẻ đẹp của cả đời chỉ trong khoảnh khắc. Nhưng sự thực chính là như thế hoa nở chỉ có đêm nay, ngày mai lại khó gặp. Cái gọi là hoa quỳnh vừa nở đã tàn, người thưởng hoa lại ngủ gật, bỏ lỡ mất quá trình hoa nở đó, sau đỉnh điểm chính là biến mất mờ nhạt. Lâm Huy Nhân là cây hoa quỳnh đó chăng? Thời tuổi trẻ bà là một đóa hoa sen trắng, một mình thanh nhã dưới ánh trăng, đến nay dung nhan bị tuế nguyệt mài mòn đã không còn như năm nào. Bà lựa chọn làm một đóa hoa quỳnh, nở bung rực rỡ một lần rồi thôi.
Lâm Huy Nhân tự cho rằng mình có thể tranh thủ thời gian không còn nhiều ở trần thế này. Bà hiểu rõ bệnh tình của mình, cho nên không nỡ lãng phí thêm một ngày nào nữa. Năm 1951, Lâm Huy Nhân vì công nghệ Cảnh Thái lam1 truyền thống sắp dừng sản xuất nên thân mang bệnh cùng Cao Trang, Mạc Tông Giang, Thường Sa Na, Tiền Mỹ Hoa, Tôn Quân Liên thâm nhập công xưởng để điều tra nghiên cứu, và thiết kế ra một loạt các hoa văn mới mẻ mang phong cách dân tộc, làm quà để tặng đoàn đại biểu văn hóa Liên Xô, Hội nghị Hòa bình khu vực châu Á và Thái Bình Dương, được đông đảo quần chúng yêu thích.
1 Đồ đồng, có phủ men màu trên bề mặt. Ban đầu, men chủ đạo của nó thuần một màu lam thẳm, do chế từ ngọc lam tuyền xay mịn. Tương truyền men lam này được phát hiện vào đời vua Cảnh Thái nhà Minh. Tên gọi Cảnh Thái lam có từ đây.
Lâm Huy Nhân thực sự là một tài nữ, trên phương diện thiết kế bà có nhãn quang độc đáo và kiến giải xuất chúng. Thành tựu của bà, một nửa là nhờ sự nỗ lực của bà, và nhiều hơn cả lại là nhờ vào linh tính bẩm sinh của bà. Cho dù là sáng tác thơ ca, hay là tác phẩm thiết kế, đều không tách rời được linh tính này. Cho nên, chúng ta không cần tìm tòi sâu các sự vật liên quan đến Lâm Huy Nhân, liền đã nảy sinh một cảm giác vừa gặp mà như quen biết từ lâu. Khí chất ưu nhã, tài hoa nổi bật của bà giống như một ngọn gió xuân lướt qua cõi lòng của mỗi người, trong lành tươi mới, ấm áp, dịu dàng đẹp đẽ mà sinh động.
Năm 1952, Lương Tư Thành và Lưu Khai Cừ chủ trì công trình thiết kế bia tưởng niệm anh hùng nhân dân, Lâm Huy Nhân được bổ nhiệm làm ủy viên ủy ban kiến trúc bia tưởng niệm anh hùng nhân dân. Rất nhiều thân hữu bên cạnh đều khuyên bà nên nghỉ ngơi một thời gian, tìm một nơi thanh tịnh để dưỡng bệnh, nhưng Lâm Huy Nhân cố chấp vẫn ôm bệnh tham gia công tác thiết kế, cùng với trợ lý Quan Triệu Nghiệp, nghiêm túc cân nhắc, nghiên cứu đi nghiên cứu lại, đã hoàn thành thiết kế đồ án Tu Di tọa1. Tu Di tọa, vô tình đã giúp Lâm Huy Nhân kết duyên với Phật. Từng cánh từng cánh hoa sen đã gột bỏ lớp trang điểm của trần thế, có một vẻ đẹp tĩnh lặng khó diễn tả bằng lời.
1 Tu Di tọa trước dùng chỉ đài, bệ đặt tượng Phật, Bồ Tát; sau này mở rộng hơn dùng để chỉ các bệ trang sức của công trình kiến trúc.
Tháng 5 cùng năm, nhằm đón nhận trào lưu kiến thiết sắp tới, Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành phiên dịch cuốn sách Tái thiết các khu vực bị tàn phá trong chiến tranh vệ quốc Liên Xô, in ấn và phát hành tại Long Môn thư cục Thượng Hải, cung cấp tài liệu tham khảo cho việc kiến thiết quốc gia. Những ngày sau đó lại càng không thể nhàn nhã tự tại, Lâm Huy Nhân đã nhận lời hẹn với tạp chí Quan sát mới, trong một thời gian cực ngắn đã tuyển chọn một nhóm bài viết Trung Sơn đường, Công viên Bắc Hải, Thiên đàn, Di Hòa viên, Ung Hòa cung, Cố cung để giới thiệu về kiến trúc cổ Trung Quốc. Thành quả như vậy, khiến người ta thán phục không thốt nên lời, có lẽ trên thế gian này chỉ Lâm Huy Nhân mới có thể làm được.
Trước sau tôi luôn tin rằng, mỗi một việc chúng ta bỏ tâm sức để làm, thực ra đều là để thành toàn cho chính mình. Đây là một quá trình tích lũy, từ không đến có, rồi lại từ có đến không; từ bỏ được đến không nỡ bỏ, rồi lại từ không nỡ bỏ đến bỏ được. Chỉ vì đến ngày rời khỏi nhân thế, có thể bớt đi chút vướng mắc, bớt đi chút tiếc nuối, không vì viên mãn, mà chỉ cầu tâm an. Kỳ thực đi suốt chặng đường, mỗi một mùa đều có tàn khuyết, mỗi một câu chuyện đều có vết thương sâu kín. Tình cảm hư hư thực thực, tháng ngày lúc sáng lúc tối, muốn bản thân mình làm được tỉnh táo thấu triệt, thực sự là không dễ. Thứ bạn muốn chưa chắc đã thuộc về mình, thứ bạn có được lại chưa chắc đã là điều bạn mong đợi.
Mỗi lần sắc chiều buông xuống, gió muộn chui vào ô cửa sổ, Lâm Huy Nhân vẫn chẳng có cách nào khống chế cảm xúc trong lòng. Mất đi Từ Chí Ma, nhìn tưởng như bà sống một cách kiên định, nhưng sự ra đi của Từ Chí Ma trước sau vẫn luôn là một vết thương âm thầm của mùa xuân. Cho dù Lâm Huy Nhân có nỗ lực biết bao để che đậy tâm tình của mình, đều không thể chữa lành vết thương. Lương Tư Thành bên cạnh yêu chiều bà, còn có Kim Nhạc Lâm luôn kính trọng, thương xót bà, song tình yêu của họ chẳng sưởi ấm nổi góc nhỏ lạnh lẽo trong trái tim bà.
Góc nhỏ thuộc về Từ Chí Ma đó, Lâm Huy Nhân đã giam cầm nó lại, để cho cỏ dại mọc điên cuồng, để cho mưa dầm rả rích không ngừng. Bà bằng lòng vì một linh hồn đã qua đời làm một lễ tế phi thường, nhưng không có ai phát giác được, bởi vì Lâm Huy Nhân không muốn cho bất cứ ai bước vào nơi tịnh thổ đầy thi ý đó. Bà dùng cuộc đời đẹp đẽ của mình viết nên một tập thơ vừa vặn, đợi chờ có một ngày, khi trùng phùng với Từ Chí Ma ở một thế giới khác, sẽ bảo ông giảng giải về tiền duyên hậu thế.
Tâm tình thực sự chỉ cần một người hiểu, Từ Chí Ma là người đàn ông có thể cùng bà xây mộng, còn Lương Tư Thành lại là người cùng bà nhen khói bếp, Kim Nhạc Lâm là người nguyện ý lặng lẽ đợi chờ và chia sẻ với bà đủ mọi vinh nhục cuộc đời. Có những người, đáng để bà dùng thâm tình một đời để miêu tả, có những người, lại cần bà dùng sự bình đạm để ở bên, còn có những người thì lại để mặc cho bà tùy ý phụ rẫy.

Ký Ức

Khúc ca đứt đoạn, đêm đẹp nhất,
dịu dàng nhất,
cùng bầu trời đầy sao.
Trên cành cây ký ức, ai chẳng có
đôi ba đóa hoa yểu điệu, đầy cảm xúc
bung nở vô cớ
hương thơm của hoa sen,
từng cánh dưới ánh trăng.
Gió lướt trên mặt hồ, tóc rối, hoặc là
Sóng nước xao động như vảy cá.
Bốn bề mênh mông, như giấc mộng
quá khứ trôi dạt quẩn quanh ở giữa
không để lại dấu vết, ai nấy đều
biết bức tranh đó,
chiếc bóng của ký ức,
đã chìm sâu dưới đáy nước!


Thực sự viết rất hay, trên cành cây ký ức, ai chẳng có đôi ba đóa hoa yêu kiều, đầy cảm xúc, bung nở vô cớ. Nhưng không phải hết thảy ký ức đều nở hoa, mà cũng có cả đắng chát và điêu tàn. Không phải tất cả quá vãng đều là tốt đẹp, còn có rất nhiều tàn tích mà chúng ta muốn xóa đi nhưng không xóa được. Có người nói, có thể lựa chọn quên lãng những chuyện xưa đau lòng, nhưng cho dù quên đi, cũng không có nghĩa là nó thực sự không tồn tại. Đã là quá trình không thể tỉnh lược, thì đành âm thầm chịu đựng, chỉ coi như đó là những lỗi lầm vô tri năm xưa còn nhỏ tuổi chưa hiểu thế sự nên phạm phải.
Không có duyên phận nào có thể duy trì cả đời, bữa tiệc hoa lệ đến đâu cũng có ngày tàn. Đã biết như vậy, thì hà tất phải tụ tan lưu luyến. Chúng ta đều là khách qua đường trong khung cảnh nhân sinh, khung cảnh này có thêm vài người tới, khung cảnh kia lại vài người đi mất. Nếu chúng ta không giữ nổi ước hẹn, thì chớ nên dễ dàng thề thốt, cho dù tháng năm già đi, vẫn có thể một mình thưởng thức chén rượu ngon được ủ từ phiền não lẫn vui sướng đó.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Nếu Em An Lành, Đó Là Ngày Nắng - Bạch Lạc Mai

Postby bevanng » 08 Feb 2020

Nhẹ nhàng cáo biệt


Mười năm này, bà vừa cô độc mà vừa đầy đủ, chân thực, vừa vất vả lại vừa thỏa mãn. Bà dùng thời gian mười năm để sáng tạo nên truyền kỳ cuối cùng trong sinh mệnh, cũng dùng sự quên lãng suốt mười năm, để kết thúc duyên phận cuối cùng của bà với trần thế phồn tạp này.

Thuở thiếu niên, có lẽ vì tuổi hoa xanh mướt, cho nên thích mùa thu sương đẫm cây phong, mong mỏi trên con đường núi trải đầy lá phong đỏ cứ thế tiến về phía trước không hề dừng lại, cho dù là trăng phủ bến đò, cũng không cần lo lắng không tìm thấy đường về hồng trần. Khi đó đã từng nói, một người là thơ, hai người là họa. Tháng năm già đi, thì bắt đầu không thể kìm chế sự tham luyến mùa xuân muôn hồng ngàn tía, luôn hy vọng ngày tháng tương lai có thể mùa nào cũng gặp mùa xuân. Ý nghĩ xa xỉ như thế cũng chẳng ngăn nổi hoa rơi lả tả, từng cánh từng cánh hoa, cũng không biết rằng đã rơi vào mắt ai.
Lâm Huy Nhân giống như một đóa hoa khoe sắc trên đầu cành mùa xuân, nở liền bao nhiêu năm, cứ chần chừ không chịu tàn úa. Tuy bà cam tâm tình nguyện cúi xuống hồng trần, cùng với số đông sống những ngày ấm lạnh đan xen, nhưng trước sau với sự tao nhã tột cùng, bà vẫn khiến người đời mến mộ. Có một đoạn văn viết như thế này: “Xưa nay, Lâm Huy Nhân luôn là trung tâm của đám đông, cho dù là những người ngưỡng mộ từ xa, hay là những người thường xuyên tham dự những buổi salon ở nhà bà, chúng ta đều thấy một cảnh tượng là một đám đàn ông ngẩng đầu ngước nhìn bà giống như đèn ở chân tường, dùng ánh sáng dịu dàng tôn bà lên, càng làm nổi bật ánh mắt long lanh, phong thái thu hút của bà.”
Xuất thân từ danh môn, thời thiếu nữ cùng cha ngao du nhiều nước, thưởng lãm nhân thế phồn hoa là bà. Thời chiến tranh, sống ru rú ở Lý Trang, mặc áo quần giản dị, xách chai ra phố mua dầu mua muối vẫn là bà. Được vô số người hâm mộ nâng niu như một vì sao lấp lánh nhất trên bầu trời là bà, vì công tác khảo sát mà lặn lội ở hang cùng ngõ hẻm, những vùng quê nghèo khó, những chùa chiền hoang lạnh cũng là bà. Mặc một bộ váy lụa trắng, nhan sắc khuynh thành là bà, bệnh tật quấn thân, dung nhan thay đổi cũng là bà. Người phụ nữ như thế, cho dù ngắm nghía từ bất cứ góc độ nào, đều là một phong cảnh đặc biệt đẹp đẽ. Trên người bà, mãi mãi có một câu chuyện sâu sắc khiến người ta phải tìm tòi. Đây chính là Lâm Huy Nhân.
Tháng 10 năm 1953, Lâm Huy Nhân được chọn làm cán bộ thường trực Hội Kiến trúc học, và đảm nhiệm ủy viên ban biên tập báo Kiến trúc học báo. Sau đó lại được mời tham dự đại hội đại biểu những người làm công tác văn học nghệ thuật toàn quốc khóa hai, trong bản báo cáo của Hiệp hội Mỹ thuật gia, Giang Phong đã cực kỳ khẳng định và đánh giá cao đối với thành quả hoạt động cứu trợ Cảnh Thái lam của Lâm Huy Nhân và nhóm Đại học Thanh Hoa, còn thiết kế hoa văn của Cảnh Thái lam lại trở thành tác phẩm thiết kế sau cùng trong đời Lâm Huy Nhân. Vì sau đó, bà không còn tham gia bất cứ thiết kế kiến trúc cổ nào nữa, cũng không còn là người khách đi qua non non nước nước của những thành đô thôn xóm lạ nữa.
Xưa nay, Lâm Huy Nhân đều chèo đò giữa nhân gian, có chim âu làm bạn, có ánh sao tiễn biệt. Cho dù là bèo nước tương phùng, hay là giao tình sâu sắc, bà đều đối đãi như nhau. Không nồng nhiệt như lửa, càng không lạnh lẽo tựa băng, chỉ là có thêm một phần thân mật và bình hòa trong lúc qua lại. Cả đời này, bà đã gặp rất nhiều người, có người khắc cốt ghi tâm, cũng có người quay lưng là quên. Nhưng vào cái ngày bà rời đi, những nhạt nhẽo hay sâu sắc đều trả lại hết cả. Cho dù nhung nhớ chẳng quên thì cũng chẳng có cách nào bù đắp nổi, đây là quy tắc của nhân thế, chúng ta đều phải tuân theo.
Năm 1954, Lâm Huy Nhân năm mươi tuổi được chọn làm đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố Bắc Kinh. Bà giống như vầng trăng sáng, luôn được đội cho một vầng hào quang đẹp đẽ, chỉ là vầng hào quang có đẹp hơn nữa, chói lóa hơn nữa thì trước khi bình minh đến vẫn cứ biến mất. Giống như mùa xuân dưới ngòi bút của Lâm Huy Nhân, bà là cô gái bị khóa kín trong tháng Tư nhân gian, nhưng cuối cùng có một ngày sẽ phải bước ra, buộc phải nói lời cáo biệt với thời gian.
Những ngày buồn chán, Lâm Huy Nhân đón chào mùa thu của cuộc đời. Có lẽ là đã quen với sự ấm áp của mùa xuân, nên không chịu nổi sự tiêu điều của thu lạnh. Lâm Huy Nhân không chịu được gió lạnh ở ngoại ô, bèn từ Thanh Hoa viên chuyển vào sống trong nội thành. Không lâu sau, bệnh tình vẫn luôn bị bà khổ sở đè nén cuối cùng đã bạo phát vào những ngày cuối thu, vì bệnh tình chuyển biến xấu nên bà phải nhập viện Đồng Nhân. Mấy năm này, bà luôn kiên cường chống lại bệnh tật, để hoàn thành sứ mệnh mà năm tháng đã trao cho bà một cách hoàn mỹ nhất.
Người phụ nữ tưởng chừng như yếu đuối này, kỳ thực lại có trái tim mạnh mẽ hơn bất cứ người nào khác. Vào lúc sa sút chán nản, vào lúc nằm trên giường bệnh, bà vẫn không chịu khuất phục một chút nào. Cây bút trong tay chưa từng ngừng nghỉ, cho dù là nghiêm trọng tới mức bốn năm liền nằm bệnh không dậy nổi, thì bà vẫn sáng tác rất nhiều bài thơ, hơn nữa còn viết rất nhiều báo cáo học thuật quan trọng và sách về kiến trúc cổ. Theo cách nhìn của bà, bất cứ sự từ bỏ nào đều là phản bội, đều là phụ rẫy. Kiêu ngạo như bà, không cho phép cuộc đời có quá nhiều tàn khuyết, thứ bà muốn là không hối hận, là sự hoàn mỹ.
Khi đọc được đoạn văn này, tôi càng thêm phần kính phục Lâm Huy Nhân, và càng có nhận thức sâu sắc về bà. Tiêu Càn tiên sinh trong cuốn tuyệt bút Tài nữ Lâm Huy Nhân có viết: “Nghe nói Huy Nhân mắc bệnh phổi rất nghiêm trọng, còn thường xuyên phải nằm trên giường để nghỉ ngơi. Nhưng cô ấy nào có giống một bệnh nhân, mặc đồ cưỡi ngựa… Lúc cô ấy nói chuyện, người khác đừng hòng xen lời vào. Thói quen nói thao thao bất tuyệt của Huy Nhân tuyệt đối không phải là chứng nói dông dài lòng vòng của mấy cô sau khi lấy chồng, mà thường là những lời phê bình có học thức, có kiến giải, lanh lợi sắc bén. Cô ấy chưa từng rào trước đón sau, mập mờ nước đôi. Kiểu phê bình học thuật đơn thuần này cũng chưa từng gây thù chuốc oán với ai. Tôi thường tin phục vào ngộ tính nghệ thuật hơn người của Huy Nhân.”
Chính là nhờ vào sự lạc quan và khoáng đạt của Lâm Huy Nhân, bác sĩ hơn mười năm trước đã từng nói với Lương Tư Thành, Lâm Huy Nhân chẳng còn sống trên đời được bao lâu nữa. Vốn dĩ bác sĩ cho rằng nhiều nhất chỉ được chừng dăm ba năm, nhưng với nghị lực phi phàm, bà đã chống chọi được mười năm.
Mà mười năm này, Lâm Huy Nhân không sống trên giường bệnh, bà dùng mười năm trân quý nhất đời này để giành lấy thành tựu to lớn trong công việc nghiên cứu kiến trúc cổ đại Trung Quốc. Mười năm này, bà vừa cô độc mà vừa đầy đủ, chân thực, vừa vất vả lại vừa thỏa mãn. Bà dùng thời gian mười năm để sáng tạo nên truyền kỳ cuối cùng trong sinh mệnh, cũng dùng sự quên lãng suốt mười năm, để kết thúc duyên phận cuối cùng của bà với trần thế phồn tạp này.

Thời gian

Mùa của nhân gian không ngừng
chuyển biến mãi
Mùa xuân em để lại bao khoảng
hoa rụng, nhẹ nhàng cáo biệt,
Không muốn khi quay lại than thở về
mùa thu cùng ai!

Giờ đây mây thu lá vàng đã rụng rơi
Trong xa xăm, xám xịt một khoảng trời
Em có nỡ nghe gió lạnh thầm thì,
giữa đơn côi?


Mùa xuân của Lâm Huy Nhân dường như đã để lại nhiều khoảng hoa rụng, chính là thực sự nhẹ nhàng cáo biệt. Bà là một người phụ nữ xuất chúng, đến cáo biệt cũng nhẹ nhàng như vậy. Không có mấy nỗi thê lương, mà chỉ có thở dài nhàn nhạt, giữa mùa thu mây biếc khắp trời, lá vàng lả tả. So với bất cứ ai, bà càng hiểu rõ rằng, các mùa của nhân gian xưa nay đều không ngừng chuyển biến, chỉ sắc xuân trong lòng là có thể không đổi dung nhan. Đã nhìn quen cây cỏ tươi tốt khô héo, trăng thu tròn khuyết rồi, thì tụ tan vô thường của nhân sinh từ lâu đã không coi là gì cả. Có lẽ là có chút buồn thương man mác, nhưng rốt cuộc vẫn khiến người ta không nói nổi lên lời.
Lâm Huy Nhân lúc đó đang ngồi dưới một gốc cây ngô đồng cổ thụ trong bệnh viện, ngắm lá rụng tao nhã chao liệng rớt xuống đất. Đã lâu không ngắm thời gian chậm rãi trôi đi như thế, không ngắm tất cả sinh vật từng chút trưởng thành và già đi dưới ánh mặt trời như thế không ngửi thấy mùi của gió mát như thế không đau lòng vô cớ vì một con côn trùng mùa thu1 như thế. Bà nhớ ra tối qua soi gương mới thấy hai bên tóc mai đã có vài sợi bạc, mới biết, thiếu nữ thanh thuần mặc váy trắng đó đã thực sự già rồi.
1 Từ Chí Ma có một bài thơ tên là Côn trùng mùa thu.
Là bản thân đã luyện thành một lưỡi dao sắc bén, tàn nhẫn đẽo gọt năm tháng, còn nỗi gầy gò yếu ớt bấy giờ cũng đành một mình nếm trải. Cho dù đời này Lâm Huy Nhân chưa từng thực sự cô độc, Từ Chí Ma đối với bà trăm ngàn lưu luyến, Lương Tư Thành đối với bà yêu thương có thừa, Kim Nhạc Lâm không xa không rời với bà. Thơ văn của bà đã trở thành một phong cảnh không thể thiếu trên văn đàn thời đại đó, sự nghiệp của bà càng là vinh quang mà rất nhiều phụ nữ thời đại đó chưa từng có được. Cho nên, bà hẳn là không hối hận, dù hôm nay đối mặt với lá thu rơi rụng, nhưng trong tấm gương sáng thời gian, đóa hoa xuân ngày hôm qua vĩnh viễn không phai tàn.
Kỳ thực, cuộc đời Lâm Huy Nhân được coi là sáng sủa, đi liền một mạch, tuy không phải là con đường quá bằng phẳng, nhưng cũng không đến mức nhảy múa trên lưỡi đao.
Số mệnh đời người tuy có quá nhiều vướng mắc, nhưng Lâm Huy Nhân vẫn luôn là một người có lý trí, từng nét bút từng bức họa đều nắm chắc cực kỳ chừng mực, cho nên không cần phải tô tô xóa xóa sửa đổi quá nhiều. Song tuế nguyệt vì có thiếu sót mới hoàn mỹ, đời người có sửa đổi mới chân thực.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong, Thuvang

Re: Nếu Em An Lành, Đó Là Ngày Nắng - Bạch Lạc Mai

Postby bevanng » 08 Feb 2020

Thịnh yến hạ màn


Bà bắt đầu mong mỏi thế giới của một người, một chén trà, một quyển sách, sống như một chú bướm, cô độc mà thanh tịnh, lạnh lẽo. Bà bắt đầu hiểu rằng, cuộc đời này, chỉ có khoảnh khắc này mới thực sự yên tĩnh.

Nếu em an lành, đó là ngày nắng. Lần đầu tiên đọc được câu này ở đâu, tôi cũng không còn nhớ nữa, rốt cuộc nguyên tác là của ai, tôi càng không biết. Tôi tin rằng người đã từng đọc câu nói này trong lòng sẽ nảy sinh ít nhiều ấm áp, giống như một lời chúc phúc dành cho cố nhân đi xa, lại giống như một tiếng dặn dò dịu dàng đối với người mình yêu. Dường như chỉ cần đối phương hạnh phúc, thì thế giới này từ đây không còn mưa rơi, chỉ còn ngày nắng.
Đã nói ra những lời trân trọng như thế thì nên có một cuộc ly biệt đẹp đẽ. Trước lúc hạ màn, đôi bên lại nắm tay nhau một lần, đôi bên cùng nhìn nhau một lần nữa, sau đó, yêu hay không yêu, gặp hay không gặp, đều không còn quan trọng. Tôi luôn cho rằng, trong vô vàn mối qua lại của cuộc đời, bất cứ một lần ngoái nhìn tình sâu nghĩa nặng nào đều khiến bản thân mình vạn kiếp bất phục. Kỳ thực cái gọi là tình sâu nghĩa nặng chẳng qua là trao đi hết thảy, quên lãng thời gian, quên lãng chính mình, không chừa lại cho mình bất cứ con đường lùi nào.
Biết bao người không kìm được trước sự mê hoặc của phồn hoa trên bờ, đã không biết rẽ vòng mấy lần, tại sao bản thân vẫn si tình ở lại chỗ cũ? Nghĩa nặng tình thâm của quá vãng đã sớm chẳng đáng để nhắc đến trong tháng năm im lìm. Đừng hỏi người đến là ai, khách về là ai, chỉ coi đó là tương phùng đường hẹp, đôi bên trao cho nhau một ánh mắt, rồi sau đó tiếp tục lao về hành trình phía trước, đi về nơi xa. Tất cả chuyện xưa đều có một cánh cửa dày, có lẽ khép hờ, có lẽ đóng chặt, nhưng đều thuộc về đã từng. Chúng ta có thể lựa chọn đẩy ra, cũng có thể lựa chọn khóa kín, bất cứ sự lựa chọn nào đều là lẽ đương nhiên cả.
Trong căn phòng bệnh yên tĩnh, Lâm Huy Nhân mơ một giấc mộng, bà mơ thấy trời đổ mưa. Khi tỉnh dậy, bà bật khóc, không biết là lỗi của bầu trời, hay là lỗi của bà. Bầu trời sau cơn mưa trong vắt vô ngần, dường như hết thảy sự vật đều có thể trở lại, hết thảy đều có thể bắt đầu lại từ đầu. Hoa cỏ có thể mọc lại, côn trùng có thể trút bỏ chiếc áo hoa của ngày hôm qua để quay lại dáng vẻ ban đầu. Chỉ là người đã già đi, còn có thể trở lại dung nhan thanh xuân hay không?

Bầu trời sau cơn mưa

Tôi yêu bầu trời sau cơn mưa,
Đây một bình nguyên xanh cỏ!
Trong trái tim tôi, không ngừng nổi gió,
Gió thổi:
Thổi bay cỏ thơm, lá rụng,
Thổi bay áng mây, như khói -
Giống như khói.


Thích bầu trời sau cơn mưa, có thể khiến mảnh đất vắng bóng cỏ cây trở nên xanh mướt, có thể khiến một trái tim bụi phủ đầy trở nên sáng rõ thuần khiết. Trời nắng sau cơn mưa càng đẹp đẽ hơn bất cứ lúc nào, cho dù không có cầu vồng, cũng có một đám mây trắng mỉm cười với bạn. Tâm tình như thế chẳng liên quan gì với chuyện tình gió trăng, chỉ là lòng yêu mến nồng nhiệt với thiên nhiên mà thôi.
Nhiều năm rồi, chỉ có khoảnh khắc này mới cảm thấy thời gian giống như một ly nước tinh khiết, lại giống như một làn khói mông lung. Lâm Huy Nhân ốm yếu đã không còn tính xem bắt đầu câu chuyện như thế nào, kết thúc tình tiết ra sao. Bà hiểu, hết thảy hoa tươi và tiếng vỗ tay trong thế giới của bà đều sắp sửa hạ màn, đã từng lung linh biết bao, nhưng rồi cũng sắp hoang lạnh rơi xuống như pháo hoa. Đúng thế, cho dù bạn có được vinh quang chí cao, đến phút chót, vở kịch nhân sinh này vẫn là tự mình khép lại.
Lâm Huy Nhân vào bệnh viện Đồng Nhân, không còn sống cuộc sống được mọi người vây quanh như trước kia nữa. Vì bệnh nặng, cho nên bà cần tĩnh dưỡng thực thụ, thậm chí bà còn cảm thấy rằng, sinh mệnh của mình thật giống như chiếc lá thu đang từ từ khô úa. Mỗi lần có bạn bè đến viện thăm, Lâm Huy Nhân trước đây thích cười nói lại trở nên kiệm lời. Nhưng, trong lúc bà yếu nhất, bà lại đề nghị muốn gặp Trương Ấu Nghi một lần. Tại sao phải gặp Trương Ấu Nghi, có lẽ chúng ta đều hiểu, vì Trương Ấu Nghi chính là vợ cũ của Từ Chí Ma, giữa hai người bọn họ có một duyên phận khó có thể diễn tả bằng lời.
Duyên phận, cho dù là thiện duyên, hay là nghiệt duyên, đều coi là duyên phận. Lâm Huy Nhân và Trương Ấu Nghi không phải là nghiệt duyên, bọn họ chỉ là yêu cùng một người đàn ông. Trương Ấu Nghi từng có nhận xét như thế này về Lâm Huy Nhân, khi bà biết Từ Chí Ma yêu người nào, bà từng nói “Bạn gái của Từ Chí Ma là một cô gái có tư tưởng phức tạp, tướng mạo xuất chúng, và đôi chân hoàn toàn tự do.” Trương Ấu Nghi kỳ thực không có ý thù địch đối với Lâm Huy Nhân, tuy bà không có được tài hoa và sự tu dưỡng như Lâm Huy Nhân, nhưng bà cũng biết, chuyện tình cảm thực sự không thể cưỡng cầu.
Nhưng cuối cùng thì Trương Ấu Nghi vẫn trách Lâm Huy Nhân, Từ Chí Ma vì Lâm Huy Nhân mới rời xa Trương Ấu Nghi, còn Lâm Huy Nhân đã yêu Từ Chí Ma nhưng lại không ở bên ông. Trương Ấu Nghi trách Lâm Huy Nhân đã trốn chạy trong khoảnh khắc cuối cùng, để Từ Chí Ma cô độc. Mà bà lại không trách Lục Tiểu Mạn, cho dù Lục Tiểu Mạn đã khiến Từ Chí Ma yêu đắm say chẳng quản núi đao biển lửa, cuối cùng thậm chí còn chết vì Lục Tiểu Mạn. Nhưng bà không oán hận, bà hiểu, đã là yêu thì nên gánh chịu, giống như Lục Tiểu Mạn, vì Từ Chí Ma nên cũng gánh chịu rất nhiều.
Lâm Huy Nhân muốn gặp Trương Ấu Nghi, vì trước sau bà không quên được sai lầm đã phạm phải thời thiếu nữ đó. Cho dù Từ Chí Ma chưa từng yêu Trương Ấu Nghi, nhưng nếu như không có sự xuất hiện của bà, ông cũng không tuyệt tình quay lưng đến thế. Cho nên trước khi bà rời bỏ cõi đời, bà muốn đích thân nói một tiếng xin lỗi với Trương Ấu Nghi. Bà không quên được Từ Chí Ma, người đàn ông đã rút khỏi sinh mệnh bà suốt bao năm đó, người đàn ông bà đã từng yêu sâu đậm đó.
Sau này, trong tự truyện của mình Trương Ấu Nghi từng nhắc đến lần gặp mặt khi Lâm Huy Nhân bệnh nặng. “Một người bạn đến nói với tôi, Lâm Huy Nhân đang ở trong bệnh viện, vừa mới trải qua cuộc đại phẫu lao phổi, có lẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tại sao Lâm Huy Nhân muốn gặp tôi? Muốn tôi dẫn theo A Hoan cùng cháu đi. Bà ấy yếu đến nỗi không nói chuyện được, chỉ nhìn chúng tôi, đầu lắc qua lắc lại, giống như đánh giá tôi, tôi không biết bà ấy muốn nhìn gì. Hẳn là tôi không được ưa nhìn, mặt mày cũng không dễ chịu… Tôi nghĩ, lúc đó bà ấy muốn gặp tôi một lần, là vì bà ấy yêu Từ Chí Ma, cũng muốn gặp con của ông ấy. Cho dù bà ấy đã lấy Lương Tư Thành, thì vẫn luôn yêu Từ Chí Ma.”
Tôi nghĩ dù Trương Ấu Nghi còn có ít nhiều oán trách với Lâm Huy Nhân năm xưa, thì lúc này cũng nên tháo gỡ hết hiềm khích. Đối với một người sắp từ giã cõi đời, còn có gì không thể tha thứ được? Càng huống hồ năm đó không phải là lỗi của Lâm Huy Nhân, bà chỉ là lựa chọn con đường mình muốn đi. Một thiếu nữ mới mười sáu tuổi, không cần vì mối tình đầu mông lung mà phải trả cái giá cả một đời. Lâm Huy Nhân của khi đó chỉ hiểu thế nào là yêu nhau, chứ không biết ở bên nhau như thế nào. Một người từng nếm trải sâu sắc mùi đời đứng trước tình cảm cũng khó tránh khỏi phạm phải rất nhiều lỗi lầm khác nhau, huống hồ cô gái nhỏ đang đắm chìm trong mộng đó, cô yêu một người đàn ông đã có vợ, thì sao có thể thản nhiên tự tại cho được?
Lục Tiểu Mạn dám bất chấp tất cả yêu Từ Chí Ma, là vì bà đã từng kết hôn, nên thực sự hiểu rốt cuộc mình muốn gì. Bà không còn sợ hãi gió mưa thế tục, chỉ cảm thấy trước kia đã lãng phí biết bao ngày tháng, cho nên phải sống hết mình vì bản thân một lần. Đến nay, ngẫm thấy sự kết hợp giữa Lục Tiểu Mạn và Từ Chí Ma quả thật giống như một sự tất nhiên, nếu như cuộc đời họ không có mối tình này thì thực sự quá đáng tiếc. Cho dù tình yêu của họ sau đó cũng có quá nhiều vụn vỡ, nhưng vì mối tình này, mà cuộc đời họ đã không sống uổng phí.
Trương Ấu Nghi đi rồi, Lâm Huy Nhân không còn muốn gặp ai nữa, bởi vì bà thực sự đã quá mệt mỏi. Bà bắt đầu mong mỏi thế giới của một người, một chén trà, một quyển sách, sống như một chú bướm, cô độc mà thanh tịnh, lạnh lẽo. Bà bắt đầu hiểu rằng, cuộc đời này, chỉ có khoảnh khắc này mới thực sự yên tĩnh. Khi tĩnh, mới ngừng phiêu dạt, không mệt mỏi vì ngoại vật, chỉ nói chuyện với trái tim của chính mình.

Ngồi lặng yên

Mùa đông sắp tới,
Buốt lạnh như hoa,
Hoa có hương thơm, mùa đông có hồi ức.
Một bóng cành khô, sắc khói xanh mỏng manh,
Phác một nét vẽ trước cửa sổ chiều;
Nắng nhạt trong hơi lạnh, chênh chếch…
Giống như là
Khi đợi người khách nói chuyện
Tôi ngồi trong tĩnh mịch, lặng lẽ uống trà.


Sau khi chiếc lá cuối cùng của mùa thu rụng xuống, mùa đông sẽ đến như vậy. Lâm Huy Nhân trước kia tuy thích hoa tuyết nhẹ nhàng, nhưng lại sợ cái lạnh thấu xương của mùa đông. Nhưng bà bắt đầu mong mỏi mùa đông này kéo dài một chút, bởi vì đến chính bà cũng không chắc là có thể chờ được đến mùa xuân khác hay không. Bà sợ trong lúc mình đang ngồi lặng yên sẽ vô tình chết đi, sợ không có một đóa hoa đào nào sẽ nhàn nhạt đưa tiễn bà.
Bà bắt đầu quên đi lời thề của mình, quên đi những buổi thịnh yến long trọng của quá vãng. Đúng thế, cuộc đời của ai chẳng từng thề thốt, nhưng ai có thể nói rằng đã thề thì nhất định làm được. Khi đi đến cuối con đường, thì sao còn bận tâm rằng lựa chọn năm xưa là đúng hay sai. Một chặng đường non nước, một người khách đi đường, một câu chuyện, khi ra đi, ai cũng không cần phải trao cho ai. Đã là số mệnh phải chia cách, thế thì tôi và bạn ở chân trời, ai nấy tự an lành, là trời nắng hay không, đã không còn quan trọng nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Nếu Em An Lành, Đó Là Ngày Nắng - Bạch Lạc Mai

Postby bevanng » 09 Feb 2020

Hóa sinh trăm nghìn


Giữa tháng Tư nhân gian, hoa nở muôn tía ngàn hồng, mỗi một đóa hoa đều là Lâm Huy Nhân, là Lâm Huy Nhân đang chúm chím môi cười, là Lâm Huy Nhân đang đa tình hát ca. Còn chúng ta nguyện làm bươm bướm rập rờn trong bụi hoa, mang theo giấc mộng lạnh giá của Trang Chu hơn hai nghìn năm trước, đến với ước hẹn hoa nở trăng tròn.

Chúng ta luôn thích ví nhân sinh là một ván bài, mỗi người đều muốn đánh thật tốt những lá bài trên tay, biết rõ rằng thắng thua là số phận định sẵn, nhưng không đến phút cuối thì không ai chịu nhận thua cả. Kỳ thực trên đời này không gì ngoài bạn, tôi, anh ta, hôm nay bạn thắng, thì chính là anh ta thua; ngày mai anh ta thắng, chính là tôi thua. Nhưng mỗi một lần lật bài, luôn không kìm được hỏi, liệu người thua đó, có phải là ta không?
Nhưng rốt cuộc thế nào mới coi là thua? Chỉ cần sinh mệnh không đứt gãy, bất cứ sự thua cuộc nào đều có thể chuyển bại thành thắng. Chỉ có khoảnh khắc ngừng thở đó, thì thực sự là một kẻ thua cuộc, dứt khoát cáo biệt với hết thảy thế gian, không mang theo thứ gì cả. Chỉ là một người thuần túy mà sạch sẽ, ra đi tay trắng, thì thực sự là thua cuộc sao? Thời gian cũng sẽ học được cách trầm lặng, đó là vì nó từ lâu đã hiểu được buồn vui của thế nhân, hiểu được những tình tiết dù có phức tạp hơn nữa, những câu chuyện dù có đẹp đẽ hơn nữa, đều sẽ hạ màn.
Những người tự cho mình là thông minh đó, từ lâu đã viết một bản phác thảo hoàn hảo cho kết cục đời người, nhưng lại không biết, thế sự vô thường, sẽ không tuân theo ước nguyện của bạn. Kết quả thường trái lại với phương hướng mà bạn sắp đặt, trong lúc bạn không có chút phòng bị nào sẽ hại bạn đến mức không kịp trở tay. Đó là vì con người quá nhỏ nhoi, mà nhân gian mênh mông này lại quá rộng lớn, quá xa xôi. Thần linh thao túng vận mệnh đã không thể thành toàn cho sự sống của chúng ta, đồng thời cũng không thể thành toàn cái chết của chúng ta, mà cuối cùng giáng xuống bản thân là may mắn hay bất hạnh, thì chỉ trông chờ vào tạo hóa của chính mình.
Đây là một mùa đông dài dằng dặc, dường như sắp phát tán hết những giá buốt và lạnh lẽo, mang đến ý xuân nồng hậu cho nhân gian. Chúng ta có thể vô số lần thản nhiên đối mặt với sự luân hổi của các mùa các tiết, nhưng luôn khó có thể đàm luận về sinh lão bệnh tử một cách tâm bình khí hòa. Phải biết rằng, núi sông cỏ cây nếu như khô kiệt, thì sẽ có lúc trở lại; còn sinh mệnh con người quý giá nhường nào, hễ từ biệt thế gian, thì mặc bạn có trăm ngàn hô hoán cũng không thể quay đầu. Lâm Huy Nhân xưa nay đều hiểu thấu đạo lý này, cho nên bà trân trọng sinh mạng, trong bất cứ tình cảnh nào đều yêu tháng Tư nhân gian một cách nồng nhiệt.
Có lẽ là trời cao thương xót bà tính tình u nhã, cho nên ban cho bà một cái chết đẹp đẽ. Lâm Huy Nhân thân mang trọng bệnh trải qua mùa đông lạnh giá, đã được nắm tay với mùa xuân như ý nguyện. Bà ngắm nhìn chim chóc bay xuyên qua lá liễu, mây tự do tự tại trôi bên ngoài khung cửa sổ, ngắm hoa nở trên từng cây từng cây, cảm nhận được sự ấm áp của ánh dương và hy vọng của sắc xanh. Bỗng nhiên, bà dường như hiểu ra, cái chết là một sự sống mới, ly biệt là một phương thức khác để trùng phùng. Buông bỏ hết thảy chấp niệm, đi qua phù sinh phù thế, không phải là bị lưu đày, không phải là từ bỏ, mà là tìm thấy chốn về của linh hồn.
Mỗi một ngày, dáng điệu vội vã như thế không phải là đang tìm kiếm chốn về sao? Có lẽ Lâm Huy Nhân từng kỳ vọng, chốn về của bà là trở lại cổ thành Hàng Châu nơi bà chào đời. Một khoảng sân phủ rêu một cánh cửa sơn son, mấy cây hoa lê trắng tựa tuyết, còn có những dây leo bò đầy bức tường cổ đó. Non nước phía xa như ẩn như hiện, giống như một bức tranh thủy mặc trong trẻo dưới bầu trời xanh. Bao năm trước chính là dáng vẻ này, bao nhiêu năm sau vẫn là phong nhã không đổi như lúc ban đầu. Vận mệnh lại ban cho Lâm Huy Nhân một chốn về khác, một chốn về thực sự thuộc về linh hồn.
Ngày 1 tháng 4 năm 1955, Lâm Huy Nhân năm mươi mốt tuổi bệnh nặng qua đời ở bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh. Cái chết của bà lại càng khiến tôi tin vào thuyết nhân quả, vì bà ra đi vào đúng tháng Tư nhân gian mà bà đã yêu trọn đời. Tôi tin rằng, khi bà chết, nhất định bà không đau đớn, chính vào trong đêm muộn say đắm gió xuân nào đó, lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng. Bên cạnh bà ngoài Lương Tư Thành và con cháu của bà, có lẽ còn có Kim Nhạc Lâm nữa. Hoặc là không có ai cả, chỉ có vầng trăng khuyết bên bà say giấc.
Mỗi người đều hy vọng một đời của mình có thể sống rực rỡ như hoa mùa hạ, chết đi lại đẹp đẽ và yên tĩnh như lá mùa thu. Lâm Huy Nhân đã làm được, cả đời này của bà có lẽ không dài cũng chẳng ngắn, tuy có chút tiếc nuối so với người trường thọ. Nhưng cả đời bà hoa mỹ, so với những người bình thường, thì đúng là không có gì phải hối hận. Lúc còn sống bà thích được mọi người vây quanh, sống mỗi ngày trong sự náo nhiệt. Khi chết đi lại muốn một mình có ước hẹn cuối cùng với mùa xuân. Bà giống như một chú chim xanh mệt mỏi mà biết quay về, và ra đi vào sáng sớm khi ánh trăng chưa tắt hẳn.
Ngày 2 tháng 4, Nhật báo Bắc Kinh đăng cáo phó của Ban tổ chức tang lễ do nhóm mười ba người gồm Trương Hề Nhược, Chu Bồi Nguyên, Tiền Đoan Thăng, Tiền Vĩ Trưởng, Kim Nhạc Lâm… phụ trách. Có lẽ người đau lòng nhất không ai khác chính là Kim Nhạc Lâm, người đàn ông này chưa bao giờ thực sự có được bà, nhưng lại che chở cho bà cả một đời. Đến nay Lâm Huy Nhân đã ra đi, Kim Nhạc Lâm chỉ có thể dựa vào hồi ức mỏng manh để chống đỡ sống hết kiếp này, vì trong sinh mệnh của ông ngoài Lâm Huy Nhân ra thì không còn người khác. Còn Lương Tư Thành lại không giống như vậy, nhiều năm trước ông đã biết Lâm Huy Nhân không còn sống lâu trên đời, càng huống hồ tuy vợ chồng tình sâu, nhưng Lâm Huy Nhân lại không phải là toàn bộ trong cuộc đời ông. Cho nên nhiều năm sau, Lương Tư Thành có thể lấy học trò của mình là Lâm Thù, còn Kim Nhạc Lâm lại vì người mình yêu nhất mà cả đời không lấy vợ.
Ngày 3 tháng 4, chùa Hiền Lương ở ngõ Kim Ngư cử hành lễ truy điệu, đưa di thể của Lâm Huy Nhân đặt tại Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn. Kim Nhạc Lâm viết tặng một đôi câu đối cho Lâm Huy Nhân: “Nhất thân thi ý thiên tầm bộc, vạn cổ nhân gian tứ nguyệt thiên.”1 Đôi câu đôi xác đáng này diễn tả một đời tươi đẹp đầy ý thơ của Lâm Huy Nhân. Ông thấu hiểu người phụ nữ này, chỉ Q là rất đáng tiếc, vận mệnh định sẵn đời này không đem lại được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho bà. Điều duy nhất ông có thể làm cho bà, chính là lặng lẽ làm bạn với bà lúc sinh tiền, rồi lại âm thầm đợi chờ bà sau khi đã mất. Yêu cả đời như vậy, yêu đến mức khiến những người chứng kiến cũng phải xúc động, vì thế mà nước mắt chứa chan.
1 Tạm dịch: Lâm Huy Nhân tài hoa xuất chúng, thi ý tràn đầy như thể nghìn ngọn thác tung bay uốn lượn, bà chính là tháng Tư đẹp nhất của mùa xuân vạn cổ nhân gian.
Kỳ thực chúng ta càng muốn biết, sau khi chết hồn phách của Lâm Huy Nhân liệu có gặp lại Từ Chí Ma không. Đời này không hoàn thành ước hẹn, thì kiếp sau liệu có thể nối tiếp tiền duyên, yêu nhau đậm sâu, bên nhau cả đời hay không. Có lẽ, điều Lâm Huy Nhân muốn luôn chỉ là yêu nhau, không cầu bên nhau. Nhưng tôi nghĩ, hồn phách của bà chắc chắn muốn đến Cambridge một lần, vì ở đó cất giữ những tháng ngày đẹp nhất của đời bà, điêu khắc dấu ấn ghi tâm khắc cốt nhất của đời bà. Chỉ là Cambridge đó liệu có già đi không, khi già đi, có còn chờ đợi giấc mộng xưa trở lại hay không?
Đã lựa chọn quay người hoa lệ, thì không nên ngoái nhìn thâm tình nữa. Giống như khi Từ Chí Ma rời khỏi Cambridge, đã từng nói một câu: “Anh lặng lẽ ra đi, như anh lặng lẽ đến, anh phất phất tay áo, bỏ lại đám mây màu.” Từ Chí Ma nhìn tưởng chừng như phóng khoáng, há chưa từng gửi hồn lại Cambridge sao, chỉ là ông không định quay lại để kiếm tìm, mà chỉ muốn gửi lại giấc mộng đẹp thanh xuân này ở trong sóng nước dịu dàng của Cambridge, trong mỗi ngày gió nổi, đôi bên còn có thể hít thở mà ngửi thấy lẫn nhau.
Năm 2007, tấm bia kỷ niệm tài nữ một thời Lâm Huy Nhân đã được đặt tại công viên Hoa Cảng Quan Ngư của Hàng Châu. Trên tấm bia kỷ niệm tinh tế mới mẻ này, tượng nhân vật và văn chương toàn bộ đều chạm rỗng. Bia kỷ niệm do chính quyền thành phố Hàng Châu và Học viện Kiến trúc Đại học Thanh Hoa cùng kiến tạo. Trên bia mộ Lâm Huy Nhân viết: “Mộ của kiến trúc sư Lâm Huy Nhân”. Cho dù một đời này của Lâm Huy Nhân có mối duyên chặt chẽ với thơ văn, nhưng thành tựu và vinh quang lớn nhất của bà lại chính là sự nghiệp kiến trúc. Hoặc là thế nhân còn có dụng ý khác, nhưng hết thảy đều không còn quan trọng nữa. Chúng ta chỉ cần biết, rốt cuộc thì bà và tòa cổ thành Hàng Châu vẫn kết một duyên phận sâu sắc.
Sinh ra ở Hàng Châu, sau khi qua đời vẫn làm đóa sen trắng ở Tây Hồ, vươn cao lên mặt Tây Hồ với tư thái yểu điệu thanh nhã, cả đời này của Lâm Huy Nhân tuyệt đẹp! Băng Tâm từng nhắc đến Lâm Huy Nhân, nói: “Bà ấy rất xinh đẹp, rất có tài năng.” Các chị em họ cùng lớn lên với Lâm Huy Nhân, gần như có thể miêu tả một cách chi tiết cách ăn vận, cử chỉ nói năng của bà năm xưa đã khiến họ khuynh đảo như thế nào. Trong lòng tất cả mọi người, Lâm Huy Nhân chính là đóa hoa sen trắng thuần khiết không vướng bụi trần, cho dù bà đã trải qua bao nhiêu sương gió, đều không một chút ảnh hưởng tới vẻ xinh đẹp đoan trang, tao nhã trời ban của bà. Chỉ là hoa sen rụng còn có lúc nở, còn vị hồng nhan tuyệt đại này, một khi đã già đi, muốn gặp lại khuôn mặt xinh đẹp, thì biết đi nơi nào để tìm?
Vẫn là câu nói đó, Lâm Huy Nhân hóa sinh thành trăm ngàn vạn, dùng trăm ngàn vạn tư thái để gặp gỡ chúng ta. Giữa tháng Tư nhân gian, hoa hở muôn tía ngàn hồng, mỗi một đóa hoa đều là Lâm Huy Nhân, là Lâm Huy Nhân đang chúm chím môi cười, là Lâm Huy Nhân đang đa tình hát ca. Còn chúng ta nguyện làm bươm bướm rập rờn trong bụi hoa, mang theo giấc mộng lạnh giá của Trang Chu hơn hai nghìn năm trước, đến với ước hẹn hoa nở trăng tròn. Tôi luôn cho rằng mình chính là người khán giả thờ ơ đó, xem một vở kịch chẳng liên quan tới mình, nhưng đến cuối cùng, người chìm xuống đáy thẳm lại là chính mình, người rơi nước mắt nhiều nhất vẫn là mình. Anh là những ngày tháng Tư nhân gian, là mây khói trong bầu trời ban sớm của tháng Tư, là hoa sen trắng đợi chờ trong giấc mộng, là tình yêu, là hơi ấm… Những câu thơ như thế giống như những âm thanh của thiên nhiên, thuần tịnh mà nhẹ nhàng. Người phụ nữ viết những vần thơ này, tên là Lâm Huy Nhân. Người một thân váy trắng, quẩn quanh trong ngõ dài mùa xuân, ngắm hết cỏ hoa nhân gian, ngắm hết thời gian già đi. Trong kết cục không lời này, cần lấy gì để nhẹ nhàng đưa tiễn người?
Mấy chặng non nước, như ngàn câu chuyện, đều thành thành bong bóng ảo mộng. Giống như chúng ta, Lâm Huy Nhân vội vã đến nhân gian một chuyến, kết thúc trần duyên, rồi lại đi đến một bờ khói nước khác. Giã biệt tại đây thôi, hóa thành hạt bụi cũng được, tan thành hoa rơi cũng được, đời này không còn gặp lại được nữa. Như thế cũng tốt, vẫy tay tiễn biệt, cười với gió xuân, đừng quên để lại một câu này: Nếu em an lành, đó là ngày nắng.
Bạch Lạc Mai
Thái Hồ, mùa xuân 2011.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Nếu Em An Lành, Đó Là Ngày Nắng - Bạch Lạc Mai

Postby bevanng » 09 Feb 2020

Phụ lục 1 Tuyển tập thơ Lâm Huy Nhân


Anh là những ngày tháng tư nhân gian
- Lời ca tụng tình yêu -


Em bảo anh là những ngày tháng Tư nhân gian;
tiếng cười sáng bừng gió xung quanh,
như nhẹ nhàng múa lượn giữa nắng xuân.

Anh là khói mây giữa sáng tháng Tư,
là gió mơn man buổi hoàng hôn, là các vì sao
vô tình lấp lánh, là mưa nhỏ rơi trước hoa.

Nhẹ nhàng, diễm lệ, anh là,
vòng hoa tươi thắm đội đầu, anh là
thơ ngây, trang nghiêm,
anh là vầng trăng tròn đêm đêm.

Màu vàng óng tuyết tan, giống như anh;
tươi non như mầm xanh mới nẩy,
chính là anh; dịu dàng vui sướng
Đóa sen trắng anh đợi chờ trong mộng,
xao động mặt nước.
Anh là hoa nở bừng trên cây,
là én ríu rít giữa xà nhà,
Anh là tình yêu - là hơi ấm - là hy vọng
Anh là những ngày tháng Tư nhân gian!

Đêm khuya nghe tiếng nhạc

Trong đêm khuya nghe thấy tiếng nhạc
Đây nhất định là do ngón tay của anh,
Khẽ gẩy,
Trong đêm khuya, suy tư ngổn ngang.
Không kìm nổi má em ửng hồng,
Lặng nghe,
Trong đêm khuya tiếng đàn sinh động.
Nghe thấy tiếng đàn chảy thấu trái tim em,
Quá thê lương
Em hiểu, nhưng em biết đáp lại thế nào?

Sinh mệnh đã sớm ghim chắc dáng hình của nó,
Quá yếu ớt
Là tưởng tượng đẹp đẽ của con người.
Trừ phi có một ngày như thế trong giấc mộng
Em và anh
Cùng gẩy cung đàn hy vọng.

Tình nguyện

Em nguyện thành một chiếc lá rơi,
Mặc gió mưa thổi tới muôn nơi;
Thành mây trôi trên trời xanh biếc,
Mặt đất kia chẳng vấn vương gì.

Nhưng ôm chặt đau thương chẳng rời đi,
Để chạm tới nỗi buồn còn lơ lửng;
Giữa hoàng hôn, đêm tĩnh, chân hờ hững,
Vắng dịu dàng, tràn ngập nỗi mênh mang.

Quên ngày xưa, có thế giới, có anh;
Tiếc thương ai đã từng yêu say đắm;
Hoa trút hết trong giọt sầu lệ đắng,
Cảm xúc này, có lẽ, để quên đi.

Rồi một ngày hết thảy chẳng còn gì,
Không bằng cả một tia sáng nhỏ,
Không bằng dù chỉ một cơn gió nhẹ,
Anh phải quên, thế giới từng có em.

Vẫn

Anh vươn lên giống như một đám mây trắng
giữa hồ nước vươn lên trời xanh
lại như một dòng suối mát, trong vắt cho em men theo bờ rừng truy tìm
suối nguồn của anh:
Em vẫn ôm ấp muôn nỗi hoài nghi
Với từng chiếc bóng rọi xuống anh!

Anh bung xòe như một đóa hoa ngàn cánh!
Từng cánh hoa thắm tươi,
hương thơm thấm đẫm,
Hương thơm lan tỏa, bầu bạn với màn đêm

Em nói hoa ơi,
đây chính là mùa xuân trêu ghẹo,
lấy trộm mối tình si của con người!
Anh học theo trang sách bị gió thổi phần phật,
phô bày từng suy tư, từng ý nghĩ của anh.
Đôi mắt anh nhìn, em không ngừng muốn nói:
Em vẫn không có lời giải đáp,
tĩnh mịch mãi trói buộc linh hồn em.

Đêm đó

Đêm đó thuyền em ra khỏi dòng sông tim,
Trời xanh thăm thẳm giăng đầy sao chi chít.
Đêm đó tay anh và tay em cùng siết,
Đêm sao mênh mang khóa chặt nỗi sầu.
Đêm đó anh và em chia nhau phương hướng,
Mỗi người một dáng hình cuộc sống riêng nhau.
Đến nay thuyền em vẫn lênh đênh trên biển,
Trong sóng gió, cột buồm nhỏ luôn chao đảo.
Còn sau lưng mặt trời vẫn mãi quẩn quanh,
Bóng đêm tầng tầng chụp lấy người em.
Đến nay em vẫn còn nhớ bầu trời đêm đó,
Ánh sao, nước mắt, bờ sông sáng mờ!
Đến nay em vẫn nhớ ruộng đồng trên bờ cỏ:
Hoa đỏ hoa vàng muôn đóa xinh tươi.

Hôm đó em hy vọng sẽ đi tới đỉnh cao,
Nung ủ ký ức êm đềm như mật ngọt.
Hôm đó em muốn căng mũi tên lông vũ,
Ngắm bắn về phía vườn hoa anh.
Hôm đó anh sẽ nghe thấy tiếng ca lảnh lót,
Đó chính là em chờ đợi sự tán thưởng của anh.
Hôm đó anh sẽ nhìn thấy bóng hoa lấp lóa,
Đó là nơi em đã lẻn vào năm xưa!

Ai yêu sự biến ảo không ngừng


Ai yêu sự biến ảo không ngừng,
con đường của nó?
Giục giã cơn mưa rào, rửa trôi mây màu,
trăng sáng, ánh sao, bóng ngày,
đều là dáng hình của nó, không cho
núi non và sông ngòi một phút an ổn.
Ngạo nghễ,
nó hiến dâng sứ mệnh hoang đường:
Ngắm cây nở hoa trở nên ứa tàn,
thiếu nữ thành bà mẹ;
Khiến sông suối đông thành băng tuyết,
trời đất biến hình;
Đô thị huyên náo thành màn đêm
mênh mông yên tĩnh!

Tuy ngàn vạn năm nằm trong tay
nó thao túng,
Nó chưa từng quên một mảy may
thấp kém nào.
Chẳng trách nụ cười của nó vĩnh viễn là
lời nói dối mà con người ngụy tạo,
để an ủi sự tan biến của tình yêu,
nỗi đớn đau của cái chết.
Nhưng ai có thể nhìn thấu luân hồi
biến hóa này,
Ai dám yêu sự biến ảo vĩ đại này?

Ngọn đèn hoa sen

Nếu như trái tim em là một đóa hoa sen,
Chính giữa đỡ một ngọn nến sáng,
Tỏa dìu dịu một tia sáng mong manh,
Em sẽ kiêu ngạo giơ cao nó huy hoàng.
Không sợ nó chỉ là ngọn đèn sen của riêng em,
Không chiếu nổi cuộc đời phía sau và trước,
Nó chìm nổi theo con sóng biển người
Sáng hay tối tự thành bí mật của nội tâm.
Chỉ là một tia sáng một đóa hoa -
Giống chiếc thuyền con lướt đi giữa giang hà
Uyển chuyển nương theo sóng trào vận mệnh
Đợi trận gió đẩy thuyền ra xa.
Như một lần khách đi qua chùa miếu,
biết được cuộc sống lung linh cái chết
thong dong, hành trình phiêu diêu này
cũng là - một giấc mộng
vô cùng tươi đẹp.

Đừng vứt bỏ

Đừng vứt bỏ
Nhiệt tình của quá khứ,
Giờ đây như nước chảy,
khẽ khàng
dưới đáy suối lạnh lẽo,
trong rừng thông đêm tối,
nhỏ nhoi như một tiếng thở dài,
Anh nhớ giữ sự chân thành ấy!
Vẫn là trăng sáng,
Vẫn là lửa đèn trong núi,
Bầu trời đầy sao,
Khiến người không thấy,
Lơ lửng như giấc mộng,
Anh hỏi đêm tối phải quay về
Câu nói đó - anh vẫn phải tin
trong hẻm núi còn giữ
tiếng vọng ấy!

Mùa thu, đây mùa thu,

Đây mùa thu, mùa thu,
Gió vẫn mơn man;
Thái dương vẫn mỉm cười,
tỏa nắng vàng, lấp lánh
Anh thực sự không còn nữa
Sớm tối xa xỉ nhất!
Nơi này nơi kia, trong mùa thu này,
Sắc màu hòa trộn ở mọi nơi
Trong rừng và giữa cành lá,
Như cánh bướm la đà say
cao quý tản đi, như san hô phỉ thú
lần lượt đậu xuống mặt đất.
Trái tim giống như một khúc ca,
ánh sáng lóng lánh trong dòng suối,
bọt nước bắn lên như ngọc,
núi đá ngân nga hát.
Nhiệt tình tràn ngập hiện giờ
đều là của anh, mùa thu hiểu được,
Mùa thu hiểu sự buông thả ấy,
Mùa thu yêu nỗi hỗn độn vô tình -
nỗi hỗn độn vô tình ấy!
Nhưng mùa thu, đây mùa thu,
Gắng gượng bữa tiệc như giấc mộng,
Chẳng vì niềm vui của bạn:
Nó xòe tay ra, một vốc chuỗi ngọc,
Biến hóa tựa hoa rơi,
mà vì nỗi bi thương bất định đó,
rốt cuộc kết lại giữa cuộc đời!
Một trận gió lạnh buốt, nổi lên từ
bên ngoài khung cửa sổ phía Tây đêm qua,
lay cây ngô đồng than khóc.
Ban đầu bạn hoài nghi:
Lá sen còn chưa tàn;
Đò nhỏ neo giữa dòng;
Tiếng thì thầm đêm mùa hạ,
xen lẫn tiếng côn trùng,
Đáng tin tưởng vẫn là
sự ấm áp dịu dàng bên tai đang kề sát;
Nhưng lá ngô đổng đưa hương hoa quế tới,
đã chạm vào ánh sáng của ngọn đèn.

Hết thảy đều khác nhau, nó chợt nói,
chỉ cần ngọn gió của màn đêm,
sự biến đổi của màn đêm.
Sương lạnh che kín đôi mắt tôi,
Giữa mùa thu sâu lắng như thế,
Anh tranh giành với ai? Mặt tối của hiện thực
có phải là hiện thực không, hoang đường,
quả trái có thuộc về hư ảo không đáng tin?
Nghi ngờ chẳng cản nổi sự tàn khốc giản đơn,
Đừng thương xót nỗi bi thương hoảng sợ
của máu chảy,
Trong một lần, phải nhận rõ
Tạo vật là những người thợ phá hủy.
Tín ngưỡng chỉ là một nén nhang nhỏ,
Đốm sáng đó không chịu nổi ngọn gió Tây
Thổi xào xạc qua cây ngô đồng!
Nếu như không quên được, không quên được
Tiếng chim hót đã cùng nhau nghe đó;
Đóa hoa đẹp đã cùng nhau ngắm đó;
tín ngưỡng
nên ngủ yên trong quá khứ.

Niềm kiêu hãnh của mùa thu là quả trái,
Không phải là mầm non - sinh mệnh
không cho phép bạn
Không dâng hiến hương thom bạn tích góp;
Trao đi từng lớp sắc màu đã từng nhận
hơi ấm của ánh sáng;
Từng chút từng chút một nhấm nháp cho
bằng hết nỗi xót xa khó chịu nhất của bạn.
Lúc này,
Đừng khóc, hoặc hô hoán;
Càng không cần nhắm mắt cầu nguyện;
(Đợi chờ vô vọng tương lai của tương lai);
Chỉ cần cúi đầu, trong tĩnh lặng, cúi mái đầu
đã mệt mỏi - để gánh chịu, gánh chịu
Đây mùa thu lá rơi
Nghe gió kéo căng dây đàn tự hát khúc
tiếc thương:
Đêm nay, đêm nay,
sự đổi thay biết mấy đau thương này!

Niềm tin trong lá đỏ

Hằng năm nếu không phải muốn ngắm lá đỏ
của núi Tây,
ai dám ngắm lá đỏ núi Tây? Không phải
muốn nghe tiếng chim hót lạ thường,
đậu trên
đầu cành cây u tĩnh,
là bước chân không thể tự đi -
đi, đi về phía thung lũng lý tưởng.
Tìm kiếm giấc mộng chưa từng kiếm tìm:
Một nhành hoa trong mộng, một mùi hương,
Ánh tà dương treo tứ phía, gió xao động,
vòng qua mây trắng, từng căn lầu cao bên góc.
Tiếng chuông đã buông lơi lưng chừng,
những cây thông
cùng đứng đợi, núi đồi
nhuộm đẫm muôn vàn sắc thu.
Giấc mơ ở đâu, một nụ cười của em,
một câu nói, tìm khắp giữa sóng mây
không biết lạc nơi nào? Nước trôi đã
dần dần lạnh buốt, chở lá rụng
xuyên qua cầu đá bắc ngang,
lan can trắng, khiến ta chẳng nỡ
nhìn lại, lá đỏ năm ngoái
và dấu chân như bốc cháy.
Nào, ngẩng đầu lên, đây là đỉnh cao,
Tim cuộn lên theo đám mây trắng
trôi qua bầu trời đó,
Đừng tính xem dừng chân ở đâu, hãy đi đi,
Tin rằng ngoài xa kia còn có ánh chiều tà,
Tựa hy vọng,
hãy nhớ sắc màu của ráng khói đó,
Không vì dệt ngày mai đẹp đẽ,
mà vì hát ca suông, lạnh lẽo suông,
vấn vương suông của phút này,
Cũng nên dũng cảm lên một chút,
Chớ sợ chạm đến những vết thương
loang lổ chồng chất từ lâu!
Hãy ngắm tiếp mỗi năm lá đỏ,
Núi non lại như chảy máu, núi rừng,
trái tim của đá chưa từng mượn
mơ mộng để chống đỡ,
Gió hằng đêm giống như dao sắc
quét qua đất đai,
Khi trời sáng bờ môi trầm mặc cháy bỏng,
Vẫn nhẫn nại ngửa lên trời xanh, gọi
Hoa quả chín trong sương gió,
rực rỡ bóng bẩy,
Đỉnh núi tự chảy máu, biến thành mộ phần!
Bình tĩnh, bước chân của ta,
hãy chậm lại một chút,
Chớ tin rằng ai có thể an bài giấc mộng tiếp theo!
Những cành cây khô trên đường,
chim ngừng hót ca,
Cỏ dại gió ngát từ lâu đã không
phải là mùa xuân.
Dừng lại! Dừng lại! Gió cùng mây,
nước cùng rong xanh gọi ta, nói giấc mộng
ở sau lưng, thung lũng lý tưởng
có bươm bướm vờn xích đu đâu
liên quan tới con đường sỏi đá
của hiện thực trước mắt này!
Càng là ánh trăng vàng kỳ diệu trong núi
treo trên ngọn cây, càng tin vào giấc mộng,
Ánh tà chói trong mộng bỗng chốc
hóa thành lời nói dối!
Nhưng trong lòng không tin!
Sự kiêu ngạo của hư ảo
Xoay vòng trong gió thu, trái tim vẫn thét gào
Tình yêu và cái đẹp của lý tưởng,
đọ sức cùng mây trắng; cười và
hôn cùng tà dương; cùng cây,
cùng hoa, cùng hương thơm,
và côn trùng mùa thu kêu nỉ non
trong kẽ đá, muốn nắm tay đi;
Cùng chú ếch nhảy nhót vui đùa trên mặt nước,
tiếp tục mù quáng đi tìm kiếm
những ngày tháng mù quáng,
muốn nhiệt tình của hiện thực
tô một bức tranh khác,
muốn nhặt lá đỏ khắp núi
xếp thành hoa!
Tiếng nghẹn ngào xào xạc không ngừng,
Lướt bên tai lạnh lẽo tái tê,
Chiếc bóng đung đưa trong ánh sáng
mùa thu, trái tim lại không tin rằng
ánh sáng còn có chuỗi nghi vấn!
Lòng vẫn không tin, chỉ vì buổi chiều,
Ánh dương trong rừng trúc đó chiếu xuyên qua
sưởi ấm tảng đá, làm hồng con dốc nhỏ,
Hai chiếc bóng ngả dài, bạn và tôi
từng so le trước tảng đá bên ngôi đình đó,
cạnh cây cổ thụ nhuộm ánh sáng lam nhạt!
Lời nói dối trong cuộc đời chẳng thể nào
diễm lệ hơn nhan sắc ấy!
Hãy khắc ghi bầu trời
màu vàng kim đó, những chiếc lá
lung linh như san hô
đung đưa trong gió thu,
cho dù chính mình cảm thấy
máu chảy trong nội tâm,
thì đâu biết nói năng như thế nào?
Ai có thể hỏi đằng sau vẻ đẹp này
là những gì?
Khi đánh cược, ánh mắt sáng ngời,
Chưa từng hối hận vì nỗi đơn côi mãnh liệt đó;
đều nói mọi nỗi đau khổ đều đổi
lấy một phần nào đó,
một chút, một mảnh lý tưởng!
Cho nên bước chân lúc này vẫn đang tiến tới,
Không thể cho mình ngừng lại! Tuy trong núi
một vạn loại nhan sắc, một vạn lượt
biến hình, muôn loại tỉnh mịch
đã bao vây chiếc bóng lẻ;
Nóng thành ấm, ấm lại thành lạnh,
Lá vàng khô vỡ vụn dưới bước chân,
Những mảnh vỡ của ngày hôm qua tan tác một cách tàn khốc,
Trái tim vẫn không hỏi bước chân
sao lại cố chấp đến thế,
tìm chẳng được con đường trong
giấc mộng - nhưng vẫn lưu luyến
phương trời vô định kia!
Núi Tây, tôi thề rằng, chỉ vào núi Tây,
Đừng quên,
ngày hôm nay tôi, bạn, lá đỏ, kết thành
một nỗi buồn thương màu đỏ máu!
Hãy biết rằng thời gian của ta chỉ là
vài ngày gấp gáp,
Nếu năm sau bạn và lá đỏ
lại rực cháy như ngọn lửa,
còn tôi đã chẳng còn…
Sắc tím đậm, trên đỉnh núi cần thêm
Một biểu tượng của nhiệt tình u uất,
Hãy nhớ rằng,
ngày hôm nay tôi đã vì lá đỏ
trong ngọn núi này,
Máu chảy thành một khối đức tin!

Không đề

Đến lúc nào mới lại có thể có
một khoảng tĩnh mịch;
thong thả đứng trong gió xuân,
đối mặt với núi, đối mặt
với dòng sông nhỏ?
Đến lúc nào mới có thể thế này
ôm đầy hy vọng;
sắc xanh non đung đưa,
thì thầm như tứ thơ,
trèo lên tháp canh,
nghe thấy tiếng chuông ấy?
Đến lúc nào, lại đến lúc nào, trái tim
mới thực sự hiểu được
khoảng cách của thời gian này,
tuổi tác của núi sông;
sự tĩnh lặng của ngày hôm qua, tiếng chuông
Người của ngày hôm qua
Sao lại vạch một chiếc bóng
xuống ngày hôm nay!

Ký ức

Khúc ca đứt đoạn, đêm đẹp nhất,
dịu dàng nhất,
cùng bầu trời đây sao.
Trên cành cây ký ức, ai chẳng có
đôi ba đóa hoa yểu điệu,
đầy cảm xúc bung nở vô cớ
hương thơm của hoa sen,
từng cánh dưới ánh trăng.
Gió lướt trên mặt hồ, tóc rối, hoặc là
Sóng nước xao động như vảy cá.
Bốn bề mênh mông, như giấc mộng
quá khứ trôi dạt quẩn quanh ở giữa
không để lại dấu vết, ai nấy đều
biết bức tranh đó,
chiếc bóng của ký ức,
đã chìm sâu dưới đáy nước!

Thời gian

Mùa của nhân gian không ngừng chuyển biến mãi
Mùa xuân em để lại bao khoảng hoa rụng,
nhẹ nhàng cáo biệt,
không muốn khi quay lại than thở
về mùa thu cùng ai!

Giờ đây mây thu lá vàng đã rụng rơi
Trong xa xăm, xám xịt một khoảng trời
Em có nỡ nghe gió lạnh thầm thì,
giữa đơn côi?

Bầu trời sau cơn mưa

Tôi yêu bầu trời sau cơn mưa,
Đây một bình nguyên xanh cỏ!
Trong trái tim tôi, không ngừng nổi gió,
Gió thổi:
Thổi bay cỏ thơm, lá rụng,
Thổi bay áng mây, như khói -
giống như khói.

Ngồi lặng yên

Mùa đông sắp tới,
Buốt lạnh như hoa,
Hoa có hương thơm, mùa đông có hồi ức.
Một bóng cành khô, sắc khói xanh mỏng manh,
phác một nét vẽ trước cửa sổ chiều;
nắng nhạt trong hơi lạnh, chênh chếch…
Giống như là
Khi đợi người khách nói chuyện
Tôi ngồi trong tĩnh mịch, lặng lẽ uống trà.

Nụ cười


Nụ cười là đôi mắt, đôi môi,
và lúm đồng tiền tròn xoe bên miệng nàng,
Diễm lệ như hạt sương,
Từng nụ cười ẩn nấp trong
ánh sáng lấp lóa của hàm răng.
Đó là nụ cười - nụ cười thần kỳ,
nụ cười xinh đẹp;
Bóng soi xuống nước,
khúc hát lướt qua gió êm ái.
Nụ cười chính là làn tóc nàng buông lơi,
Lòa xòa che bên tai.
Như bóng hoa nhẹ nhàng và mềm mại,
Ngọt ngào tê lịm
ào ạt tràn vào trái tim ai.
Đó là nụ cười - nụ cười của thơ,
nụ cười của họa;
Dấu vết của mấy, gợn lan của sóng.

Cười tươi

Là ai cười ngọt ngào đến thế,
rạng ngời đến thế
Tròn đầy đến thế?
Từng chuỗi từng chuỗi châu ngọc
Sáng lấp lánh, vỡ òa vẻ thơ ngây!
Đáy dòng suối trong xao động, lan lên mặt nước, xán lạn, phân tán!
Là ai cười như một đóa hoa đẹp khoe sắc?
Nhẹ nhàng đến thế chẳng kinh động một ai.
Hương thầm vô ý bay theo gió,
Lướt qua tường thấp,
từng chút từng chút treo
trước tà dương vấn vương.
Là ai cười thành trăm tầng tháp cao vút,
khiến chim chóc lượn xoay vòng?
Là ai cười thành muôn vàn chuông gió
đung đưa, treo bên mái hiên lưu ly
bay vút lên trời mây?

Một buổi tối mùa hè trong núi

Một buổi tối mùa hè trong núi,
sâu thẳm tới mức
giống như không có đáy;
Bóng tối, rừng thông dày đặc;
Xung quanh không một tia sáng.
Chỉ có một ngọn đèn đối mặt với núi -
hai ngọn đèn
giống như đôi mắt của màn đêm,
đôi mắt của màn đêm đang nhìn!
Khắp núi gió đang nhón chân,
giống như đi đường;
né tránh những cành lá ở mọi nơi
những ngọn cỏ khắp chốn, lặng thinh.
Chỉ có nước chảy, không ngừng hát ca trên
trái tim của đá, miệng của đá trong sơn cốc.
Hết thảy tĩnh lặng, chụp xuống
giống như một tấm màn êm rủ.
Nghi vấn không còn nữa, trong bốn góc mơ hổ,
phải chăng giấc mộng đang lén quan sát?
Bóng đêm như đang cầu ước, lặng lẽ đợi chờ
Sự chân thành sâu kín lan tràn trong im lặng.

Một đóa Hoa đào

Hoa đào,
Cây đào đỏ rực ấy,
giống như một câu nói của mùa xuân;
từng đóa từng đóa tươi thắm diễm lệ
là những
câu chữ lung linh,
Từng cánh từng cánh tinh tế rạng ngời
lại là những
hơi thở nhẹ nhàng đều đặn;
e ấp cười,
Trong lúc hữu ý vô tình
ngóng đợi với phong thái đẹp xinh.
Nhìn xem,
Trong cơn gió nhẹ run rẩy ấy
Nàng dừng lại, khẽ khàng,
bên bờ môi của tháng Ba,
Liếc nhìn
Liếc nhìn dấu ấn đa tình!

Nỗi sầu tháng Tám

Vịt trắng nhởn nhơ bơi trong ao nước vàng,
Cành cao lương xanh mướt quá đầu người,
Trái tim nhảy nhót sao chẳng chịu yên nguôi,
Con đường nhỏ trong ruộng,
nỗi ưu sầu tháng Tám?
Bầu trời được cơn mưa tối qua rửa sạch bong,
Sườn núi nắng chiều để lại một chiếc bóng;
Bầy dê theo người đi chăn vào làng,
Bóng cây gieo hình trái tím xuống giếng trong!
Chưa từng nghe ai nói tháng Tám điều chi,
Mùa thu chưa tới, mùa hạ đã qua đi
Nhưng tôi nhìn những luông đất dưới
ruộng, quả dưa trên tường,
Vẫn không hiểu giấc mơ và đời thực
có mối liên quan gì?

Phấn khích

Tôi muốn mượn sự hào phóng và ung dung
của nhất thời, linh hồn tỉnh táo
đang uống những giọt sương trong lành
gọt ngào như nước suối,
Để vung thanh kiếm sắc của tư tưởng,
múa mũi nhọn sắc bén nhất đó,
giống như tuyết phủ giữa đồng hoang,
trắng xóa
dưới ánh trăng lạnh lẽo, sáng lóa,
Nhả ra ánh sáng lạnh buốt; - chém,
chém đứt những dai dẳng của thời gian,
và những tranh cãi như tấm lưới
nham nhở, lọc lấy sự trong vắt
không tì vết,
nhìn bạn một lần, hoàn mỹ,
sự trang nghiêm trần trụi của bạn.
Sau đó trèo lên
một đỉnh cao vòi vọt chạm tới mây trắng
và ánh ráng chiều đẹp như gấm,
vạch một đường
cầu vồng, nhìn xuống biển mênh mông,
Giữa bầu trời trong vắt tinh khôi,
viết ra những nỗi kinh ngạc và
hân hoan của tôi,
dâng tặng giọt lệ nóng bỏng nhất của tôi,
tín ngưỡng của tôi, chân thành tột độ,
và sức mạnh của tình yêu,
vĩnh viễn bái lạy,
bái lạy trước vẻ đẹp của người!

Đề trên chiếc gân lá bồ đề

Nhận ra bản thể trong suốt này,
Chiếc lá của trí tuệ rớt đâu giữa nhân gian?
Sa sút, từ bi thuần tịnh -
Ngọn lửa lạnh lẽo ngày hôm đó,
Chiếc lá rụng xuống đất trong lặng thinh,
chỉ chứng minh rằng trí tuệ rồi sẽ
cô đơn trơ trọi chết trước gió!
Ngày hôm qua lại ngày hôm qua, vẻ đẹp
vẫn chẳng thoát nổi sự uy nghiêm
của thời gian;
Hãy tin rằng nơi này là chốn yên nghỉ của
những hài cốt xinh đẹp nhất,
Một mảnh hồn phách lưu luyến bên mặt trăng,

Bóng râm trong lành dưới gốc bồ đề
chính là năm ngoái!

Hoàng hôn ngang qua thái sơn
Nhớ ngày hôm đó,
trái tim tựa như một dòng sông,
Hãy để hoàng hôn tới,
Vầng trăng treo trong lòng.
Giống như ngọn núi xanh thẫm này,
Hôm nay,
Trái tim là một bức màn cô độc mà cao ngạo;
xanh tươi,
chẳng quên được ráng trời ban tối,
vời vợi,
lại nghe thấy dưới chân gió nổi,
đêm đến rồi.

Kéo dài

Khi hết thảy tình cảm đều đổ vào nỗi ai oán,
như sông nhỏ, sông lớn, hội tụ chảy về
biển lớn vô bờ - bất luận
va đập thế nào, xoay vần ra sao,
Ngọn gió mạnh trên dòng sông ấy,
những viên đá cuội lớn nhỏ,
hợp thành mấy điểm ngược dòng,
những vịnh nước nhỏ, giống như
trong sinh mệnh, sự an tĩnh vô tình
né khỏi dòng chảy chính;
con sóng phẳng lặng của cảm xúc
ào lên nỗi sầu đau.
Dừng lại, dòng máu đang tuôn trào này;
đâu cần biếng nhác,
để gom thành nước mắt.
Chớ ngại xoay chuyển thêm vài lẩn,
Ngược dòng nước chảy,
Để mặc hết thảy rối ren trước mặt,
Tất cả, để xây dựng logic.
Đem kết luận tuyệt vọng, âm thầm
trì hoãn, kéo dài thời gian,
Kéo dài sự phán đoán của lý trí,
Sẽ lại cho tình cảm đơn thuần
một niềm hy vọng!
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Nếu Em An Lành, Đó Là Ngày Nắng - Bạch Lạc Mai

Postby bevanng » 09 Feb 2020

Phụ lục 2: Niên biểu Lâm Huy Nhân


Năm 1904: Chào đời
Ngày 10 tháng 6: Lâm Huy Nhân ra đời tại nhà ở ngõ Lục Quan, Hàng Châu, Chiết Giang.
Quê gốc ở Mân Hầu Phúc Kiến, ông nội Lâm Hiếu Tuân, đỗ tiến sĩ khoa thi Kỷ Sửu (năm 1889) niên hiệu Quang Tự, ban đầu làm hầu tuyển 1 huyện Chính Tri, từng nhậm chức ở các huyện Hải Ninh, Thạch Môn, Nhân Hòa ở Chiết Giang, ông tài trợ cho các học sinh trẻ tuổi đi du học ở Nhật, trong đó có nhiều người tham gia vào cuộc vận động cách mạng do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Bà nội Du thị, sinh được bảy người con trai con gái.
1 Hầu tuyển: Theo quan chế thời Thanh, quan kinh Ạ thành từ Lang trung trở xuống, quan địa phương từ Đạo viên trở lên, phàm ban đầu do thi cử mà được làm quan, đều phải đến bộ Lại báo cáo, nghe đợi tuyển dụng theo luật, gọi là hầu tuyển.
Cha của Lâm Huy Nhân là Lâm Trưởng Dân (sinh năm 1876), tự Tông Mạnh, là con trai trưởng của Lâm Hiếu Tuân, năm 1906 du học ở Nhật, không lâu sau về nước, tốt nghiệp trường Đông Văn ở Hàng Châu, sau lại đến Đại học Waseda Nhật Bản để học ngành Pháp luật và Chính trị; chú Lâm Huy Nhân là Lâm Thiên Dân (sinh năm 1887), tự là Hy Thực, cũng du học Nhật Bản từ rất sớm, theo học ngành Kỹ thuật điện khí; người cô cả là Lâm Trạch Dân, gả cho Vương Vĩnh Hân; người cô thứ hai chết sau khi sinh con gái; người cô thứ ba Lâm Nguyên Dân, gả cho Trác Định Mưu; người cô thứ tư Lâm Khâu Dân, gả cho Tăng Tiên Đan; người cô thứ năm Lâm Tử Dân, gả cho Lý Thạch San.
Người chú họ của Lâm Huy Nhân là Lâm Giác Dân, Lâm Doãn Dân đều là liệt sĩ cách mạng Hoàng Hoa Cương.

Năm 1909: 5 tuổi
Năm này, chuyển sang nhà lớn ở ngõ Sái Quan, Lâm Huy Nhân sống ở đó cùng với ông bà nội và các cô; được cô cả Lâm Trạch Dân dạy đọc sách vỡ lòng.

Năm 1910: 6 tuổi
Năm này, Lâm Trường Dân tốt nghiệp trường Đại học Waseda, giỏi thơ văn, thạo thư pháp, sau khi về nước cùng với bạn học là Lưu Sùng Hựu sáng lập trường tư thục Pháp luật Chính trị Phúc Châu, đồng thời làm hiệu trưởng.

Năm 1911: 7 tuổi
Năm này, bà nội Du thị qua đời vì bệnh tim ở Hàng Châu.
Năm này, sau khởi nghĩa Vũ Xương, Lâm Trưởng Dân đến Thượng Hải, Nam Kinh, Bắc Kinh… để tuyên truyền cho cách mạng Tân Hợi.

Năm 1912: 8 tuổi
Mùng 1 tháng 1, chính phủ lâm thời Nam Kinh được thành lập, Lâm Trưởng Dân là đại biểu của Phúc Kiến, nhậm chức thư ký trưởng của Tham nghị viện, đồng thời cùng đám người Thang Hóa Long khởi xướng tổ chức “Hội thảo Xây dựng Cộng hòa” ở Thượng Hải.
Năm này, Lâm Trưởng Dân sông tại Bắc Kinh, cả nhà từ Hàng Châu chuyển đến Thượng Hải, sống trong làng Kim Ích thuộc khu Hồng Khẩu, Huy Nhân và các chị em họ ngoại học trường tiểu học Ái Quốc gần đó, học lớp hai, và hầu hạ ông nội.

Năm 1913: 9 tuổi
Năm này, Lâm Trưởng Dân được chọn làm nghị viên Hạ viện, nhậm chức thư ký trưởng. Mẹ Lâm Huy Nhân là Hà Tuyết Viên (1882-1972, nhị phu nhân của Lâm Trưởng Dân, người Gia Hưng Chiết Giang) dẫn theo em gái Lân Chỉ (sau mất sớm) đi Bắc Bình, ở nhà cũ tại Tiền Vương Công Xưởng, còn Huy Nhân ở lại Thượng Hải.

Năm 1914:10 tuổi
Năm này, Lâm Trưởng Dân nhậm chức tham sự Quốc vụ viện chính phủ Bắc Kinh, cả nhà chuyển đến Bắc Kinh.
Ông nội Lâm Hiếu Tuân qua đời vì bệnh sỏi mật.

Năm 1916:12 tuổi
Tháng 4, sau khi Viên Thế Khải xưng đế, cả nhà chuyển đến đường Hồng Đạo ở tô giới Anh thuộc Thiên Tân, Lâm Trưởng Dân vẫn ở lại Bắc Kinh.
Mùa thu, cả nhà lại từ Thiên Tân trở lại Bắc Kinh.
Năm này, Lâm Huy Nhân và các chị em gái cùng vào học trường nữ sinh Bồi Hoa do Giáo hội Anh tổ chức.

Năm 1917:13 tuổi
Trương Huân phục chức, cả nhà chuyển đến ở Thiên Tân, chỉ có Huy Nhân ở lại Bắc Kinh. Sau đó Huy Nhân cùng chú Lâm Thiên Dân chuyển đến ở tại đường Tự Lai Thủy Thiên Tân, các cô các chị đến sau. Lâm Trưởng Dân thì từ Nam Kinh quay lại rồi một mình về Bắc Kinh.
Ngày 17 tháng 7, vì ủng hộ Đoàn Kỳ Thụy thảo phạt Trương Huân phục vị, Lâm Trưởng Dân được bổ nhiệm làm tổng trưởng bộ Tư pháp.
Tháng 8, cả nhà từ Thiên Tân trở lại Bắc Kinh.

Năm 1918:14 tuổi
Ngày 24 tháng 3, Lâm Trưởng Dân và Thang Hóa Long, Lam Công Vũ đi khảo sát ở Nhật. Cả nhà vẫn ở tại địa chỉ cầu Chức Nữ phố Nam Trường Bắc Kinh, Huy Nhân tự tin mình có thể lập mục lục cho các bức tranh chữ, khi cha quay về, đọc xong cho rằng không áp dụng được, nên hơi hổ thẹn. Nhưng Huy Nhân lo liệu việc nhà, chu đáo đến mức được cha khen ngợi.
Năm này, quen biết con trai của Lương Khải Siêu là Lương Tư Thành.

Năm 1920:16 tuổi

Mùa xuân, Lâm Trưởng Dân đi dạy học ở Anh, Lâm Huy Nhân cũng theo cha đi học trung học.
Tháng 3, Lâm Trưởng Dân đến Thụy Sĩ dự họp của Hội Quốc Liên (League of Nations), từ Pháp đi Anh.
Tháng 7, Lâm Huy Nhân cùng cha du lịch Paris, Geneva, Roma, Frankfurt, Berlin…
Tháng 9, về London, thi đỗ và học tập ở trường St. Mary's College với thành tích cao.
Ngày 24 tháng 9, Từ Chí Ma từ Mỹ đi Anh.
Thượng tuần tháng 10, lần đầu gặp gỡ Từ Chí Ma khi đang theo học tại Học viện Kinh tế London.

Năm 1921:17 tuổi
Năm này, Từ Chí Ma và Lâm Huy Nhân có ý muốn cưới xin. Lâm Huy Nhân nói phải ly hôn với người vợ Trương Ấu Nghi thì mới có thể cưới.
Tháng 8, Huy Nhân cùng cả nhà Berlitte đến duyên hải miền Nam nước Anh nghỉ mát.
Ngày 14 tháng 9, nhà thuê hết hạn hợp đồng, do ngày về nước trì hoãn đến ngày 14 tháng 10, Huy Nhân ở nhờ nhà Berlitte, Lâm Trưởng Dân ở chỗ khác.
Ngày 14 tháng 10, Huy Nhân cùng cha từ Anh đi Pháp, lên tàu “Polo” về nước.
Từ tháng 11 đến tháng 12, Lâm Trưởng Dân và Lâm Huy Nhân đến Thượng Hải, Lương Khải Siêu cho người đón Lâm Huy Nhân về Bắc Kinh, và nhập học tại trường trung học nữ sinh Bồi Hoa, Lâm Trưởng Dân tạm thời ở Thượng Hải.

Năm 1922:18 tuổi
Học tập tại trường trung học nữ sinh Bồi Hoa.
Tháng 3, Từ Chí Ma đến Berlin, thông qua Kim Nhạc Lâm, Ngô Kinh Hùng làm chứng, ly hôn với Trương Ấu Nghi.
Mùa xuân, Lâm Huy Nhân và Lương Tư Thành đính ước, nhưng chưa định ngày tháng.
Tháng 9, Từ Chí Ma lên thuyền về nước, ngày 15 tháng 10 đến Thượng Hải, không lâu sau lại lên Bắc Kinh, Lâm Huy Nhân và Từ Chí Ma tạm thời không vui vẻ với nhau.

Năm 1923:19 tuổi
Học tập tại trường trung học nữ sinh Bồi Hoa.
Mùa xuân, Tân Nguyệt Xã thành lập tại số 7 ngõ Thạch Hồ Tây Đơn, Lâm Trưởng Dân, Lâm Huy Nhân tham gia chúc mừng.
Ngày 7 tháng 5, Lương Tư Thành dẫn theo Lương Tư Vĩnh đi xe máy tham gia đội ngũ diễu hành, đến phố Nam Trường bị một chiếc xe ô tô đâm gẫy đùi trái, phải nhập viện ở bệnh viện Hiệp Hòa. Lúc đó Lâm Huy Nhân đến bệnh viện thăm nom. Tháng 7, sau khi xuất viện, Lương Tư Thành bị tật ở chân cả đời.
Năm này, Lâm Huy Nhân thường cùng chị họ là Vương Mạnh Du, Tăng Ngữ Nhi tham gia hoạt động giải trí, hoạt động văn học của câu lạc bộ Tân Nguyệt Xã.
Năm này, Lâm Huy Nhân tốt nghiệp trường trung học nữ sinh Bồi Hoa, và thi đỗ học bổng du học bán phần.

Năm 1924: 20 tuổi
Ngày 23 tháng 4, nhà thơ - nhà triết học Ấn Độ Tagore đến thăm Trung Quốc, Lâm Huy Nhân và Từ Chí Ma đảm nhận phiên dịch.
Ngày 8 tháng 5, để chúc mừng sinh nhật lẩn thứ 64 của Tagore, Lâm Huy Nhân, Từ Chí Ma… diễn vở kịch thơ Chitra của Tagore ở hội trường Hiệp Hòa tại ngõ Đông Đơn Tam Điều, Lâm Huy Nhân diễn vai công chúa Chitra còn Từ Chí Ma diễn vai thần tình yêu Madana.
Trong thời gian Tagore ở Bắc Kinh, ông đều được Lâm Huy Nhân, Từ Chí Ma tháp từng, đã đến bái kiến Phổ Nghi, Nhan Huệ Khánh.
Tháng 6, Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành cùng Lương Tư Vĩnh đi Mỹ du học.
Ngày 7 tháng 7 đến Đại học Cornell ở Ithaca.
Lâm Huy Nhân chọn bộ môn Vẽ tranh phong cảnh ngoài trời và Đại số cao cấp; Lương Tư Thành chọn bộ môn Tranh tĩnh vật màu nước, Vẽ tranh phong cảnh ngoài trời và Lượng giác.
Tháng 9, kết thúc khóa học mùa hè của trường, Lâm Huy Nhân và Lương Tư Thành cùng đến Đại học Pennsylvania nhập học.
Cùng tháng, mẹ của Lương Tư Thành là Lý Huệ Tiên bị bệnh qua đời.

Năm 1925: 21 tuổi
Học tại Đại học Pennsylvania.
Ngày 18 tháng 1, Lâm Huy Nhân và Văn Nhất Đa cùng tham gia “Hiệp hội cải tiến hí kịch Trung Hoa” tại Mỹ.
Ngày 22 tháng 11, Quách Tùng Linh trở giáo làm phản ở Loan Châu, gửi điện báo tuyên chiến với Trương Tác Lâm, Lâm Trưởng Dân nhận lời mời làm Xứ trưởng chính vụ của “Đông Bắc quốc dân xa”.
Ngày 24 tháng 12, Quách Tùng Linh bại trận, Lâm Trưởng Dân bị trúng đạn lạc, mất ở đồn Tân Dân Tây Nam Thẩm Dương, thọ 49 tuổi.

Năm 1927: 23 tuổi

Tháng 9, Lâm Huy Nhân tốt nghiệp Đại học Pennsylvania, nhận học vị cử nhân, sau lại chuyển sang học tại Học viện Hí kịch thuộc Đại học Yale, học Mỹ thuật sân khấu ở phòng làm việc của giáo sư G.P. Baker trong vòng nửa năm.
Ngày 18 tháng 12, Lương Khải Siêu tổ chức lễ nạp sính cho hôn sự của Lương Tư Thành và Lâm Huy Nhân tại Bắc Kinh.

Năm 1928: 24 tuổi

Tháng 3, kết thúc khóa học Mỹ thuật sân khấu.
Ngày 21 tháng 3, Lâm Huy Nhân và Lương Tư Thành tổ chức hôn lễ tại nhà chị gái ở Vancouver, Canada. Sau đó, theo sự sắp xếp của Lương Khải Siêu, đi châu Âu thăm quan kiến trúc cổ, ngày 18 tháng 8 về Bắc Kinh.
Tháng 9, Lương Tư Thành, Lâm Huy Nhân nhận lời mời về công tác tại khoa Kiến trúc Đại học Đông Bắc, lần lượt được phân làm chủ nhiệm và giảng viên. Lâm Huy Nhân quay về Phúc Châu thăm người thân, nhận lời mời dự tiệc chào mừng của các đồng nghiệp tại trường tư thục chuyên khoa Luật pháp và Chính trị do Lâm Trưởng Dân sáng lập. Tháng 11, Lương Khải Siêu bệnh nặng phải nhập viện, Lương Tư Thành, Lâm Huy Nhân vội về Bắc Kinh.

Năm 1929: 25 tuổi

Ngày 19 tháng 1, Lương Khải Siêu qua đời, Lương Tư Thành, Lâm Huy Nhân thiết kế bia mộ cho ông.
Tháng 8, Lâm Huy Nhân từ Đông Bắc về Bắc Bình, sinh con gái tại bệnh viện Hiệp Hòa, đặt tên là Tái Băng, để kỷ niệm nhã danh thư phòng “Ẩm Băng Thất” của ông nội Lương Khải Siêu.
Cùng năm, Trương Học Lương phát động cuộc thi thiết kế huy hiệu trường Đại học Đông Bắc, đồ án “Bạch Sơn Hắc Thủy” do Lâm Huy Nhân thiết kế đã đoạt giải.

Năm 1930: 26 tuổi

Mùa thu, Từ Chí Ma đến Thẩm Dương, khuyên Lâm Huy Nhân quay về Bắc Bình để chữa bệnh.
Tháng 12, Lâm Huy Nhân vì bệnh phổi ngày càng nghiêm trọng, được bác sĩ của bệnh viện Hiệp Hòa khuyên lên núi tĩnh dưỡng.

Năm 1931: 27 tuổi
Tháng 3, Lâm Huy Nhân đến biệt thự Song Thanh tại Hương Sơn dưỡng bệnh. Lẩn lượt đăng các tác phẩm như Đêm đó, Ai yêu sự biến ảo không ngừng, vẫn, Phấn khích, Một đóa hoa đào, Một buổi tối mùa hè trong núi, Nụ cười, Đêm khuya nghe tiếng nhạc, Tình nguyện và truyện ngắn Khốn cùng.
Tháng 9, Lương Tư Thành, Lâm Huy Nhân nhận lời mời của Chu Khởi Linh, rời khỏi Đại học Đông Bắc, đến làm việc tại Hội Nghiên cứu Kiến trúc Trung Quốc. Lương Tư Thành nhậm chức chủ nhiệm tổ Kiến trúc Pháp, Lâm Huy Nhân làm “hiệu đính chỉnh lý”.
Mùa thu, Lâm Huy Nhân bệnh đỡ nên xuống núi.
Ngày 19 tháng 11, Lâm Huy Nhân có buổi diễn giảng về kiến trúc cổ đại Trung Quốc cho các đại sứ nước ngoài tại Trung Quốc ở hội trường Hiệp Hòa.
Cùng ngày, Từ Chí Ma vì muốn nghe báo cáo học thuật của Lâm Huy Nhân, đi máy bay gặp mưa mù, va vào núi Khai Sơn ở Đảng Gia Trang Tế Nam, tử nạn.
Ngày 22 tháng 11, Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành nhận được tin Từ Chí Ma mất, lập tức dùng lá cây vạn tuế, hoa trắng kết thành vòng hoa nhỏ, Lương Tư Thành cùng Kim Nhạc Lâm, Trương Hề Nhược đến nơi Từ Chí Ma gặp nạn để xử lý hậu sự. Cùng tháng, Lâm Huy Nhân chủ trì lễ truy điệu Từ Chí Ma tại Bắc Bình.
Ngày 7 tháng 12, đăng bài tản văn Thương tiếc Chí Ma.

Năm 1932: 28 tuổi

Trung tuần tháng 6, Lâm Huy Nhân lần nữa lên Hương Sơn dưỡng bệnh.
Mùa hạ, Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành đi chùa Phật Nằm, Bát Đại Xứ khảo sát kiến trúc cổ, và đăng bài Tạp lục về kiến trúc ở ngoại ô Bắc Bình.
Tháng 7 đến tháng 10, viết các bài thơ Ngọn đèn hoa sen, Đừng vứt bỏ, Bầu trời sau cơn mưa.
Tháng 8, sinh con trai Lương Tòng Giới.
Đặt tên này để kỷ niệm nhà kiến trúc học đời Tống, Lý Giới.
Cùng năm, Lâm Huy Nhân làm quen với hai học giả người Mỹ Phí Chính Thanh và phu nhân Lý Úy Mai trong một buổi tiệc.

Năm 1933: 29 tuổi

Năm này, Lâm Huy Nhân tham gia Salon văn hóa của Chu Quang Tiềm, Lương Tông Đại, mỗi tháng tụ họp một lần, ngâm tụng thơ ca và tản văn trong và ngoài nước.
Mùa thu, Lâm Huy Nhân và Văn Nhất Đa, Dư Thượng Nguyên, Dương Chân Thanh, Diệp Công Siêu… trù bị và sáng lập ra nguyệt san Học văn.
Tháng 9, Lâm Huy Nhân cùng Lương Tư Thành, Lưu Đôn Trinh, Mạc Tông Giang đi Đại Đồng Sơn Tây khảo sát hang đá Vân Cương.
Ngày 7 tháng 10, đăng tản văn Nhàn rỗi bàn luận vài tin tức vẽ kiến trúc cổ đại.
Tháng 11, Lâm Huy Nhân cùng Lương Tư Thành, Mạc Tông Giang đi Chính Định (Hà Bắc) khảo sát kiến trúc cổ.
Ngày 18 tháng 11, đăng bài thơ Mùa thu, đây mùa thu. Cùng tháng, Lâm Huy Nhân mời Tiêu Càn, Thẩm Từng Văn tới ngõ Bắc Tổng Bố nói chuyện về tác phẩm Tằm.
Tháng 12, sáng tác bài thơ Nhớ.

Năm 1934: 30 tuổi
Tháng 1, Hội Nghiên cứu Kiến trúc Trung Quốc xuất bản cuốn sách Quy tắc xây dựng cung điện thời Thanh của Lương Tư Thành, Lâm Huy Nhân viết phần Lời mở đầu cho cuốn sách này.
Tháng 2, tháng 5, đăng các bài thơ Cuối năm, Anh là những ngày tháng Tư nhân gian, truyện ngắn Những ngày chín mươi chín độ.
Đẩu năm, thiết kế trang bìa mang đậm vẻ đẹp kiến trúc cho nguyệt san Học văn một tháng hai kỳ do Diệp Công Siêu chủ biên.
Mùa hạ, Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành cùng vợ chồng Phí Chính Thanh, Hán Mạc đi Phẩn Dương, Hồng Động (Sơn Tây) khảo sát kiến trúc cổ.
Ngày 5 tháng 9, đăng bài tản văn Bên ngoài cửa sổ.
Tháng 10, Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành nhận lời mời của Sở Xây dựng Chiết Giang, đến Hàng Châu thảo luận về kế hoạch trùng tu tháp Lục Hòa, sau đó lại đi thị trấn Tuyên Bình, huyện Vũ Nghĩa phía Nam Chiết Giang và chùa Thiên Ninh thành phố Kim Hoa Chiết Giang khảo sát kiến trúc cổ.

Năm 1935: 31 tuổi

Tháng 3, Lâm Huy Nhân và Lương Tư Thành cùng viết luận văn Dự tra kỷ lược về kiến trúc cổ ở miền Trung tỉnh Sơn Tây.
Tháng 6, đăng bài thơ Điêu Vĩ Đức, truyện ngắn Chung Lục, Cát Công của hệ liệt Mô ảnh linh thiên.
Tháng 10, sáng tác các bài thơ Linh cảm, Trên thành lâu.
Ngày 19 tháng 11, đăng bài tản văn Kỷ niệm bốn năm Chí Ma qua đời.
Mùa đông, Lâm Huy Nhân thường cùng vợ chồng họ Phí ra ngoại ô tập cưỡi ngựa.

Năm 1936: 32 tuổi
Tháng 1 đến tháng 11, đăng các bài thơ Cười tươi, Tĩnh viện, Diều sáo, Ký ức, Không đề, Đề trên chiếc gân lá bồ đề, Hoàng hôn ngang qua Thái Sơn, Giấc mộng sớm, Nỗi sầu tháng Tám, Ngẫm nghĩ, Bốn chương ngoài không tưởng: Anh đến rồi - Ngày 18 tháng 9 dạo chơi - Trước hoa leo - Trong hành trình, Đi qua dương liễu, Ngồi lặng yên; tản văn Tơ nhện và hoa mai, Rốt cuộc là chuyện gì, truyện ngắn Văn Trân (hệ liệt Mô ảnh linh thiên).
Ngày 28 tháng 5, Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành… đến hang đá Long Môn Lạc Dương, Khai Phong (Hà Nam), và Lịch Thành, Chương Khâu, Thái An, Tế Ninh (Sơn Đông) để khảo sát kiến trúc cổ.
Tháng 9, đảm nhiệm ủy viên hội đồng bình chọn các tác phẩm văn nghệ gửi đến theo hoạt động kêu gọi của Đại Công báo.
Tháng 10, trong Tuyên ngôn với thời cuộc của giới văn hóa Bắc Bình - Thiên Tân, đề xuất tám yêu cầu kháng Nhật cứu nước với Quốc Dân đảng, Lâm Huy Nhân là một trong những người phát động của giới văn nghệ, và ký tên lên tuyên ngôn.
Cùng năm này, tuyển chọn và biên tập Tuyển tập truyện ngắn tùng san văn nghệ Đại Công báo và làm mục lục.

Năm 1937: 33 tuổi
Tháng 1 đến tháng 7, đăng các bài thơ Niềm tin trong lá đỏ, Độc hành tháng Mười, Thời gian, Cảnh xuân thành cổ, Trước sau, Mùa xuân trước; vở kịch nói Mai Chân cùng bọn họ, truyện ngắn Tú Tú (hệ liệt Mô ảnh linh thiên).
Cùng năm này, đảm nhiệm ủy viên biên tập của Tạp chí văn học do Chu Quang Tiềm chủ biên.
Cùng năm, Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành nhận lời mời của Cố Chúc Đồng, tới Tây An lên kế hoạch sửa chữa tháp Tiểu Nhạn, đồng thời còn đến Tây An, Trường An, Lâm Đồng, huyện Hộ, huyện Diệu khảo sát kiến trúc cổ.
Tháng 7, Lâm Huy Nhân cùng Lương Tư Thành, Mạc Tông Giang, Kỷ Ngọc Đường đi Ngũ Đài Sơn khảo sát kiến trúc cổ, Lâm Huy Nhân bất ngờ phát hiện niên đại kiến trúc của Vũ Hoa cung thời Tông ở Du Thứ và chùa Phật Quang thời Đường.
Ngày 12 tháng 7, đoàn người Lâm Huy Nhân đến huyện Đại, được tin “Sự biến Lư Câu kiều” nổ ra, thế nên vội vã quay trở lại Bắc Bình.
Tháng 8, cả nhà Lâm Huy Nhân từ Thiên Tân đáp thuyền đi Yên Đài, rồi lại từ Tế Nam đi tàu hỏa qua Từ Châu, Trịnh Châu, Vũ Hán xuống phía Nam, trung tuần tháng 9 đến thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam).
Hạ tuần tháng 11, máy bay Nhật oanh tạc thành phố Trường Sa, Hồ Nam, cả nhà Lâm Huy Nhân suýt chết. Không lâu sau, bọn họ rời khỏi Trường Sa, đi qua Thường Đức, huyện Hoảng, Quý Dương, Trấn Ninh, Phổ An, Khúc Tịnh đến Côn Minh.

Năm 1938: 34 tuổi
Tháng 1, cả nhà Lâm Huy Nhân sống tại căn nhà trên phố Tuần Luật của cựu thị trưởng ở khu Thúy Hồ, Côn Minh, không lâu sau, Mạc Tông Giang, Trần Minh Đạt, Lưu Chí Bình, Lưu Đôn Trinh cũng đến Côn Minh, thông qua liên lạc với Quỹ Khoản bồi thường năm Canh Tý Trung Mỹ, tổ chức một tổ nhỏ thuộc Hội Nghiên cứu Kiến trúc Trung Quốc ở miền Tây Nam.
Cùng năm đó, sáng tác các bài thơ Côn Minh tức cảnh - Tiệm trà, Côn Minh tức cảnh - Tiểu lâu.

Năm 1939: 35 tuổi
Đầu năm, vì máy bay Nhật ném bom, cả nhà Lâm Huy Nhân chuyển đến thôn Mạch Địa, thị trấn Long Tuyền ở vùng ngoại ô.
Ngày 5 tháng 2, đăng bài tản văn Bên này bên kia.
Ngày 28 tháng 6, đăng bài thơ Trừ Tịch ngắm hoa.
Mùa đông, Lương Tư Thành, Lưu Đôn Trinh… đi Vân Nam, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Tây Khang… khảo sát kiến trúc cổ, Lâm Huy Nhân thiết kế ký túc xá nữ sinh cho Đại học du Vân Nam.

Năm 1940: 36 tuổi

Đầu đông, Hội Nghiên cứu Kiến trúc cùng Ban Nghiên cứu Lịch sử Ngôn ngữ chuyển đến Tứ Xuyên, cả nhà Lâm Huy Nhân cũng chuyển đến thôn Thượng Bá thị trấn Lý Trang, huyện Nam Khê Tứ Xuyên. Không lâu sau, bệnh phổi của Lâm Huy Nhân tái phát, từ đó nằm trên giường bệnh bốn năm triền miên.

Năm 1941: 37 tuổi
Ở tại thị trấn Lý Trang.
Mùa xuân, em trai thứ ba là Hằng hy sinh trong một trận chiến với quân Nhật.

Năm 1942: 38 tuổi

Sống tại thị trấn Lý Trang.
Mùa xuân, viết bài thơ Một ngày.
Cùng năm, Lương Tư Thành nhận ủy thác, biên soạn cuốn Lịch sử kiến trúc Trung Quốc, Lâm Huy Nhân vì viết Lịch sử kiến trúc Trung Quốc mà ôm bệnh đọc hết bộ Nhị thập tứ sử, chuẩn bị tư liệu. Lâm Huy Nhân viết chương thứ bảy, phần thời Ngũ Đại, Tông, Liêu, Kim; đồng thời nhận công việc đọc rà soát và bổ sung toàn bộ bản thảo cuốn sách này.
Ngày 4 tháng 11, Phí Chính Thanh, Đào Mạnh Hòa từ Trùng Khánh ngược dòng Trường Giang, đến Lý Trang thăm hỏi Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành.

Năm 1944:40 tuổi
Sống ở thị trấn Lý Trang.
Cùng năm, sáng tác các bài thơ Thôn nhỏ tháng Mười một, Buồn bã, Khóc em ba Hằng.
Cùng năm, Phí úy Mai đến Lý Trang thăm Lâm Huy Nhân.

Năm 1945:41 tuổi
Sống ở thị trấn Lý Trang.
Tháng 8, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Cùng năm, Lương Tư Thành đưa Lâm Huy Nhân đến Trùng Khánh kiểm tra sức khỏe, bác sĩ nói với Lương Tư Thành, Lâm Huy Nhân không còn sống được bao lâu.

Năm 1946: 42 tuổi
Tháng 2, Lâm Huy Nhân được Phí Úy Mai hộ tống đi máy bay đến Côn Minh gặp hiệu trưởng Đại học quốc lập Liên hợp Tây Nam Mai Di Kỳ, kiến nghị Đại học Thanh Hoa mở thêm khoa Kiến trúc, ở trong tòa biệt thự hoa viên của tổ tiên Đường Kế Nghiêu để lại, trùng phùng với các bạn cũ Trương Hề Nhược, Tiền Đoan Thăng, Kim Nhạc Lâm…
Ngày 31 tháng 7, cùng tập thể giáo viên trường Đại học Liên hợp Tây Nam từ Trùng Khánh đi máy bay quay lại Bắc Bình. Thiết kế khu nhà ở dành cho giáo viên viện Thắng Nhân của trường Đại học Thanh Hoa.
Tháng 10, Lương Tư Thành nhận lời đến làm giáo sư thỉnh giảng của Đại học Yale Hoa Kỳ.
Ngày 24 tháng 11, đăng bài tản văn Một vùng ánh dương.
Cùng năm, sáng tác các bài thơ Nói với cành cây tàn, Nói với khu vườn phố Cửa Bắc.

Năm 1947: 43 tuổi
Mùa hạ, Tiêu Càn - tác giả đã trải qua cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, từ Thượng Hải tới Thanh Hoa viên thăm Lâm Huy Nhân, hai người trò chuyện rất lâu về những điều mình đã trải qua trong suốt bảy năm.
Năm này, Lâm Huy Nhân sáng tác các bài thơ Dành cho mùa thu, Cuộc đời, Kéo dài, Tạp thi trong lúc bệnh.
Tháng 12, làm phẫu thuật cắt bỏ thận.

Năm 1948: 44 tuổi
Ngày 18 tháng 2, sáng tác bài thơ Chú gà trống của chúng ta.
Tháng 2 đến tháng 5, đăng các bài thơ Hoàng hôn trống vắng, Côn Minh tức cảnh, Bài ca tuổi trẻ, Chín bài tạp thi trong lúc bệnh, Khóc em ba Hằng.
Tháng 11, nhà cầm quyền Quốc Dân đảng ép Đại học Bắc Bình phải di chuyển xuống miền Nam. Thanh Hoa viên triển khai đấu tranh phản đối di chuyển trường, Lâm Huy Nhân nói: “Chúng tôi không làm những Digan Trung Quốc”.
Năm này, trước khi Bắc Bình giải phóng, Trương Hề Nhược đến nhà Lâm Huy Nhân, mời Lương Tư Thành và Lâm Huy Nhân vẽ ra tiêu chuẩn bảo hộ kiến trúc cổ.

Năm 1949: 45 tuổi
Bắc Bình được giải phóng, Lâm Huy Nhân được mời làm giáo sư cấp một của khoa Kiến trúc Đại học Thanh Hoa.
Tháng 2, cùng Lương Tư Thành biên soạn và in cuốn Mục lục đơn giản kiến trúc văn vật quan trọng toàn quốc.
Mùa xuân, tiễn con gái Tái Băng tham gia đoàn công tác xuống miền Nam.
Tháng 7, ủy ban trù bị Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc quyết định giao nhiệm vụ thiết kế quốc huy cho Đại học Thanh Hoa và Học viện Mỹ thuật Trung ương. Đại học Thanh Hoa gồm bảy người Lâm Huy Nhân, Lý Tông Tân, Mạc Tông Giang, Chu Sướng Trung… tham gia công tác thiết kế.

Năm 1950: 46 tuổi
Tháng 6, sau ba tháng nỗ lực, bản thiết kế quốc huy của Đại học Thanh Hoa và Học viện Mỹ thuật Trung ương đã hoàn thành và được Hoài Nhân Đường ở Trung Nam Hải bình chọn, sau khi thủ tướng Chu Ân Lai trưng cầu ý kiến, bản thiết kế của đội Đại học Thanh Hoa đã được lựa chọn với bố cục chặt chẽ, hình vẽ trang nghiêm.
Ngày 23 tháng 6, Lâm Huy Nhân được đặc biệt mời tham dự Hội nghị Hiệp thương Chính trị toàn quốc khóa một, lần thứ hai.
Cùng năm, Lâm Huy Nhân được bổ nhiệm là ủy viên kiêm kiến trúc sư của ủy ban Kế hoạch Đô thị thành phố Bắc Kinh, đề xuất ý tưởng tu sửa và xây dựng “Công viên Tường Thành”.

Năm 1951: 47 tuổi
Năm này, nhằm cứu vãn công nghệ Cảnh Thái lam sắp bị ngừng sản xuất, Lâm Huy Nhân thân mang bệnh nặng cùng với Cao Trang, Mạc Tông Giang, Thường Sa Na, Tiền Mỹ Hoa, Tôn Quân Liên thâm nhập vào công xưởng điều tra nghiên cứu, và thiết kế ra một loạt hoa văn mới mẻ mang đậm phong cách dân tộc, để làm quà tặng cho đoàn đại biểu văn hóa Liên Xô, Hội nghị Hòa bình khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhận được sự yêu thích của các đại biểu tham gia hội nghị.

Năm 1952: 48 tuổi
Năm này, Lương Tư Thành, Lưu Khai Cừ chủ trì thiết kế bia tưởng niệm anh hùng nhân dân, Lâm Huy Nhân được bổ nhiệm là ủy viên ủy ban kiến trúc bia tưởng niệm anh hùng nhân dân, ôm bệnh tham gia công tác thiết kế, cùng với trợ lý Quan Triệu Nghiệp, trải qua quá trình cân nhắc nghiêm túc, nghiên cứu đi nghiên cứu lại, cuối cùng đã hoàn thành thiết kế hoa văn Tu Di tọa.
Tháng 5, nhằm đón nhận trào lưu kiến thiết sắp tới, Lâm Huy Nhân, Lương Tư Thành biên dịch cuốn Tái thiết các khu vực bị tàn phá trong chiến tranh vệ quốc Liên Xô, in ấn và phát hành tại Long Môn thư cục Thượng Hải, để cung cấp tài liệu tham khảo cho kiến thiết nước nhà.
Cùng năm, Lâm Huy Nhân nhận lời tạp chí Quan sát mới, viết một loạt bài viết giới thiệu kiến trúc cổ Trung Quốc như Trung Sơn đường, Công viên Bắc Hải, Thiên đàn, Di Hòa viên, Ung Hòa cung, Cố cung

Năm 1953: 49 tuổi
Tháng 10, Lâm Huy Nhân được chọn làm cán bộ thường trực Hội Kiến trúc học; và đảm nhiệm ủy viên Ban biên tập báo Kiến trúc hoc báo, được mời tham dự Đại hội Đại biểu văn hóa toàn quốc khóa hai, trong bản báo cáo của Hiệp hội Mỹ thuật gia, Giang Phong đã cực kỳ khẳng định và đánh giá cao đối với thành quả hoạt động cứu trợ Cảnh Thái lam của Lâm Huy Nhân và nhóm Đại học Thanh Hoa.

Năm 1954: 50 tuổi
Tháng 6, Lâm Huy Nhân được bầu làm đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân thành phố Bắc Kinh.
Mùa thu, Lâm Huy Nhân không chịu nổi gió lạnh của vùng ngoại ô, chuyển từ Thanh Hoa viên vào ở trong nội thành. Không lâu sau, vì bệnh tình trở nặng nhập viện Đồng Nhân.

Năm 1955: 51 tuổi
6 giờ 20 phút ngày 1 tháng 4, Lâm Huy Nhân trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện Đồng Nhân.
Ngày 2 tháng 4, Bắc Kinh nhật báo đăng cáo phó, Ban tổ chức tang lễ gồm nhóm mười ba người: Trương Hề Nhược, Chu Bồi Nguyên, Tiền Đoan Thăng, Tiền Vĩ Trưởng, Kim Nhạc Lâm…
Ngày 3 tháng 4, tổ chức lễ truy điệu tại chùa Hiền Lương ngõ Kim Ngư, di thể an táng tại nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn.

Một người, một quyển sách, một chén trà, một giấc mộng sau rèm.
Có lúc, nỗi cô đơn xui khiến lòng người rung động như thế, cũng chỉ có khoảnh khắc này, thế sự mới trở nên phẳng lặng đến vậy.
“Mỗi một con người đến thế giới này, đều là khách qua đường vội vã.
Có những người khi gặp gỡ họ, quay mình là quên; có những người lướt qua họ, buộc phải quay đầu.
Tất cả gặp gỡ và ngoái nhìn đều là duyên phận, khi bạn yêu một bóng hình nào đó, luyến lưu một ánh mắt nào đó, có nghĩa là trong tim bạn đã kết một đoạn tình duyên. Chỉ là duyên sâu duyên mỏng, bất cứ ai đều không thể nắm chắc, tụ tan không có lý do, chúng ta đều phải đối đãi bằng cái tâm bình thường.

- Trích Nếu em an lành, đó là ngày nắng –

Hết
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 29 guests