Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương - M. Stedman

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Image


Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương


M. I. Stedman


Hồ Thị Như Mai dịch
Nhà XB Trẻ 2015
488 tr.; 20cm.
Nguyên bản: The light between two oceans.


Trích Ánh đèn giữa hai đại dương
“Em cũng không muốn tò mò. Chỉ vì… anh có cả một cuộc đời, một câu chuyện, mà em thì đến trễ. Em chỉ muốn hiểu mọi thứ. Muốn hiểu anh. Cô ngập ngừng, rồi hỏi nhỏ nhẹ, “Nếu không được nói về quá khứ, vậy có được nói về tương lai không?”
“Chẳng bao giờ có thể nói về tương lai cả, nếu em nghĩ cho kĩ. Ta chỉ nói được về những thứ mình tưởng tượng ra, ước ao tới. Những thứ đó đâu phải là tương lai.”
Tom im lặng một lúc. “Cuộc sống. Chừng đó với tôi là đủ rồi.” Anh hít một hơi sâu rồi quay lại nhìn cô. “Còn em thì sao?”
“Ôi, em ước nhiều thứ lắm, lúc nào cũng vậy!” cô thốt lên. “Em ước gì trời thật đẹp mỗi khi trường học Chủ nhật đi dã ngoại. Em ước… anh đừng cười nha… em ước có một người chồng tốt, có nhiều con cái. Tiếng bóng cricket bay vào cửa sổ, mùi thịt hầm trong bếp. Con gái hát những bài Giáng Sinh và con trai chơi đá bóng…”

Trích Ánh đèn giữa hai đại dương
“… Tôi ước gì em có thể thấy
cảnh bình minh và hoàng hôn nơi đây. Và cả những vì sao nữa: bầu trời mỗi đêm đầy sao, nhìn các chòm sao lướt qua trên bầu trời mà giống như đang xem kim chạy trên mặt đồng hồ. Mỗi khi sao giăng tôi thấy mình được an ủi, cho dù ngày hôm đó có tồi tệ đến đâu, mọi thứ hỏng hóc đến mấy nữa. Khi còn ở Pháp cũng thế. Trời sao khiến ta nghĩ xa hơn - những vì sao đã có từ lâu, trước khi con người xuất hiện. Chúng cứ chiếu sáng, mặc cho đời trôi. Tôi cũng nghĩ như vậy về ngọn hải đăng; như một mẩu sao từng rơi xuống thế gian: chỉ biết chiếu sáng, mặc sự đời. Mùa hạ, mùa đông, bão tố, trời quang. Người ta luôn có thể tin cậy vào hải đăng…”
Tác phẩm đầu tay gây tiếng vang, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Giải thường Sách của năm của ngành xuất bản Australia.
Thuộc danh mục sách bán chạy theo xếp hạng của New York Times.
“Hấp dẫn… mê đắm… một câu chuyện tuyệt diệu hút mắt ta ngay từ trang đầu tiên.”
(oprah Magazine)

Đọc giả review
Đọc cuốn sách này là một trải nghiệm tràn đầy cảm xúc đối với tôi. Tôi đã khóc thật nhiều, thật lâu khi đọc đến những đoạn bi kịch nhất, sâu sắc nhất và đau đớn nhất, khi phải chứng kiến quá nhiều người bị ảnh hưởng bởi hành động của những con người tội nghiệp, rốt cuộc cũng chỉ vì số phận quá khắc nghiệt mà khiến họ trở thành những tội đồ. Nhưng có thật họ là tội đồ hay không, có thật họ đã sai khi lựa chọn hành động như vậy? Và liệu thực sự có chuyện đúng sai khi nhắc đến tình mẫu tử, đến khát khao làm mẹ, đến sự uất nghẹn trước việc mất lần lượt 3 đứa con cuối cùng đã dẫn họ đến chỗ yêu thương một đứa bé mà lẽ ra họ không được phép yêu thương như chính con ruột của mình?
Sự thanh thản có lẽ đã đến với Tom và Isabel, trong những giờ phút cuối đời khi bà nằm trong vòng tay người đàn ông mà bà đã được định sẵn sinh ra để yêu, hoang mang tự hỏi không biết mình có được tha thứ. Sự thanh thản ấy cộng hưởng một cách hoàn hảo trong nỗi hoài nhớ về những ký ức rời rạc từ 4 năm ngắn ngủi của cô bé Lucy-Grace bên Tom và Isabel trên hòn đảo Janus Rock, làm nên một cái kết vừa có hậu vừa ám ảnh về một tấn bi kịch không bao giờ định rõ đúng sai. Bởi chính như cái tên của hòn đảo – Janus, vị thần Hy Lạp có hai khuôn mặt nhìn về hai phía – và vị trí của nó nằm giữa biển Ấn Độ Dương và Nam Đại Dương, Lucy-Grace sẽ luôn là ngọn hải đăng soi đường cho cả hai phía của 3 con người mà cuộc đời đã được buộc chặt với nhau bằng một lằn ranh mờ ảo chia đôi hai nửa khuôn mặt của vị thần và rẽ nhánh ra hai đại dương khác biệt.


Image
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Phần 1

Mở đầu

Ngày 27 tháng tư năm 1926
Vào cái ngày màu nhiệm đó, Isabel quỳ bên vách đá, sửa lại chiếc thánh giá nhỏ mới tạc từ gỗ dạt. Một đám mây mũm mĩm, đơn độc trôi chầm chậm trên bầu trời cuối tháng Tư. Bầu trời mênh mông, in bóng xuống mặt nước đại dương bên dưới. Isabel rẩy thêm vài giọt nước và đắp lại đám đất quanh bụi hương thảo vừa trồng.
“… và xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ,”1 cô thì thầm.
1 Kinh Lạy cha (The Lord's Prayer) - một bài cầu nguyện phổ biến của đạo Cơ đốc (ND)
Trong một thoáng, tâm trí như muốn lừa phỉnh Isabel - cô nghe đâu đây có tiếng trẻ sơ sinh khóc. Cô cố lờ đi ảo giác đó, chăm chút nhìn vào đàn cá voi đang bơi ngược lên phía bờ biển, bổ vào những dòng nước ấm áp hơn. Thỉnh thoảng những chiếc đuôi cá lại lộ ra, như mũi kim nhịp nhàng đâm lên xuống trên mặt thảm thêu. Lại có tiếng trẻ khóc, lần này tiếng khóc nghe còn lớn hơn trong cơn gió nhẹ buổi sớm mai. Không thể nào…
Đứng bên phía này đảo chỉ thấy biển trời bao la trống trải, cho đến tận châu Phi. Nơi đây Ẩn Độ Dương hòa vào Nam Đại Dương, tạo thành một tấm thảm nước vô tận ngay dưới mỏm đá. Hôm đó đất trời vô cùng tĩnh tại, làm Isabel tưởng chừng như từ đảo có thể đi bộ giữa hai tầng xanh biếc ra tận Madagascar. Nửa bên kia đảo như đang sợ sệt nhìn về phần lục địa Úc Châu chỉ cách đó chưa đầy trăm dặm. Hòn đảo không hẳn thuộc về nước Úc, mà cũng chẳng tự do độc lập hoàn toàn. Đảo Janus Rock cũng là đỉnh cao nhất trong một chuỗi những dãy núi nhô lên giữa đại dương, như những chiếc răng trên bộ hàm lởm chởm, chỉ chực nuốt chửng những con tàu vô tội vội vã cập bờ.
Như một sự bù đắp, trên đảo có ngọn hải đăng tầm quét sáng ba mươi dặm. Mỗi đêm không khí trên đảo lại hát theo nhịp đèn quay rì rầm đều đặn. Ngọn đèn cứ quay đều, quay mãi; nhịp nhàng, không thèm trách cứ đám đá dữ tợn, cũng không sợ hãi những đợt sóng biển, chỉ biết lặng lẽ soi đường cứu rỗi.
Tiếng khóc vẫn dai dẳng. Từ xa, cánh cửa trên hải đăng mở đánh choang, vóc dáng cao kều của Tom hiện ra trên vọng đài. Anh đưa ốm nhòm nhìn khắp đảo. “Izzy”, anh la lên, “có thuyền!” rồi chỉ tay về phía vịnh. “Trên bãi biển - có thuyền dạt!”
Tom biến mất vào trong, rồi lại hiện ra trước mắt cô. “Hình như có người,” anh nói to. Isabel vội vã chạy về phía Tom. Anh nắm lấy tay cô, hai người từ từ đi xuống lối mòn dốc đứng đổ ra bãi biển nhỏ.
“Đúng là thuyền dạt,” Tom tuyên bố. “Mà… trời đất! Có người nhưng mà…” Người trên thuyền ngồi gục bất động trên ghế. Tiếng trẻ con khóc vẫn không dứt. Tom chạy đến, cố lay người đàn ông dậy rồi tìm quanh chỗ mũi thuyền nơi có tiếng khóc. Anh ôm ra một cái bọc len: Một chiếc áo len phụ nữ mềm mại màu tím hoa oải hương quấn lấy một em bé đang gào khóc.
“Trời đất ơi!” Tom thốt lên. “Trời đất ơi, Izzy. Là…”
“Em bé! Lạy Chúa trên cao! Ôi Tom! Tom! Đưa đây… mình đưa đây cho em!”
Anh đưa cô bọc vải rồi cố lay tỉnh người đàn ông trong thuyền một lần nữa: Không có mạch. Anh quay nhìn Isabel, lúc này đang mải ngắm nghía sinh linh bé bỏng. “Ông ấy đi rồi, Izz à. Đứa nhỏ thì sao?”
“Không hề gì. Không trầy xước gì cả. Nó bé bỏng quá!” Isabel nói, rồi quay mặt nhìn đứa nhỏ, nựng nịu. “Ngoan, ngoan. Không sợ gì nữa, cưng ơi. Không sợ gì hết, cưng xinh quá à!”
Tom đứng yên, nhìn thi thể người đàn ông, nhắm nghiền mắt lại rồi mở ra, chỉ để chắc là mình không nằm mơ. Đứa bé đã thôi khóc, đang hớp lấy khí trời trong vòng tay của Isabel.
“Trên người ông ta cũng không có dấu vết gì, không có vẻ đau ốm bệnh tật gì cả. Chắc cũng chưa dạt lâu… Nhìn là biết.” Tom dừng lại. “Mình ẵm đứa nhỏ vô trong nhà đi Izz. Để tôi đi lấy đồ che.”
“Nhưng mà…”
“Ông như vầy khó kéo lên dốc lắm. Nên cứ để đây vậy, chờ khi nào có người đến giúp. Chỉ sợ chim chóc ruồi nhặng… nhưng trong kho còn mấy tấm bạt cũng đủ che.” Giọng Tom bình tĩnh, nhưng đôi tay và gương mặt của anh lạnh cóng, như thể những bóng hình xưa cũ vừa hiện về, loang lổ cả màu nắng thu trong.

Đảo Janus Rock là một dặm vuông xanh biếc, đủ cỏ để nuôi mấy con cừu, con dê và một đàn gà, thêm lớp đất mặt chỉ vừa trồng ít rau củ sơ sài. Trên đảo không có cây cối gì trừ hai cây thông Norfolk cao sừng sững, do đội xây dựng hải đăng từ Mũi Partageuse đưa ra đảo trồng đã hơn ba mươi năm trước, hồi 1889. Mấy ngôi mộ quây quần bên nhau trên đảo là nơi yên nghỉ của nạn nhân vụ đắm tàu khá lâu trước khi có hải đăng. Con tàu Pride of Birmingham từng đâm sầm vào bãi đá hung dữ ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Sau đó người ta mang đèn biển từ tận Anh quốc ra đảo, cũng đi trên một con tàu giống như vậy. Đèn hiệu Chance Brothers hẳn hoi — nhãn hiệu tối tân thời bấy giờ. Đèn đó thì ở đâu cũng lắp được, cho dù xa xôi hiểm trở đến mấy.
Dòng hải lưu cuốn vào đảo đủ thể loại hầm bà lằng: Đồ tạp nham trôi xoắn xít như mắc vào chân vịt; mấy mảnh tàu vỡ, những chiếc rương trà, đám xương cá voi. Tất cả thủng thẳng dạt lên đảo, mỗi món một kiểu dạt trôi. Trạm đèn đứng sừng sững ngay giữa đảo. Nhà ở của người gác đèn và đám nhà phụ nép vào trạm đèn, né gió quật đã mấy chục năm.
Trong bếp Isabel ngồi bên chiếc bàn cũ, tay vẫn ôm đứa nhỏ mới được bọc lại trong chiếc chăn lông vàng mềm mại. Tom chậm rãi dụi đế ủng lên tấm chùi chân. Anh bước vào bếp và đặt bàn tay chai sạn lên vai cô. “Vừa che xong cho ông ấy. Tội quá. Đứa nhỏ sao rồi?”
“Là con gái,” Isabel vừa nói vừa mỉm cười. “Mới tắm xong. Thấy cũng cứng cáp.”
Đứa bé quay nhìn Tom, mắt mở to, tò mò. “Không biết nó đang nghĩ gì nhỉ?” Tom buột miệng.
“Cưng uống sữa rồi, phải không?” Isabel nựng nịu, như đang hỏi đứa bé. “Ôi, nó mới xinh làm sao, Tom à,” rồi cô khẽ hôn đứa bé. “Có Chúa mới biết nó đã phải chịu những chuyện gì.”
Tom mở tủ bếp bằng gỗ thông, lấy xuống chai brandy, rót ra một ít rồi uống cạn. Anh ngồi xuống bên vợ, nhìn ánh nắng nhảy múa trên gương mặt cô trong khi cô mãi nhìn báu vật trong vòng tay mình. Đứa nhỏ nhìn theo đôi mắt Isabel, như thể sợ cô sẽ bỏ đi nếu nó rời mắt.
“À, cưng à,” Isabel ngâm nga, “tội nghiệp cưng quá à.”
Đứa nhỏ dụi mặt vào ngực Isabel. Tom nghe giọng Isabel nghẹn ngào, nỗi mất mát vẫn còn hiện hữu lơ lửng giữa hai người.
“Nó có vẻ thích mình,” anh nói. Rồi, như tự nói một mình, Tom tiếp, “làm tôi nghĩ giá mà…” Anh nhanh chóng thêm vào, “Ý tôi là… tôi không có ý làm mình buồn. Chỉ là tôi thấy mình ôm nó thật tự nhiên, có vậy thôi.” Anh đưa tay vuốt má cô.
Isabel ngước lên nhìn chồng. “Em hiểu mà. Em hiểu ý mình mà. Em cũng thấy vậy.”
Tom choàng tay quanh Isabel và đứa nhỏ. Isabel ngửi thấy mùi rượu brandy trong hơi thở của anh. Cô thì thầm. “Ôi Tom, ơn Chúa là mình kịp tìm thấy nó.”
Tom hôn cô, rồi đặt môi lên trán đứa nhỏ. Cả ba cứ ở nguyên đó trong một lúc lâu, tới khi đứa nhỏ bắt đầu ngọ nguậy, giơ nắm tay ra khỏi chiếc chăn nhỏ.
“Được rồi,” Tom vươn vai đứng dậy, “Tôi sẽ đi phát tín hiệu báo có thuyền dạt, để họ còn ra chở ông ấy về. Rồi còn đón tiểu thư đây nữa”
“Khoan đã!” Isabel vừa nói vừa nắm lấy mấy ngón tay em bé. “Ý em là đi đâu mà vội thế. Đằng nào ông ấy cũng đi rồi. Còn em bé chắc đã quá ngán thuyền bè. Từ từ thôi mình. Cho nó hoàn hồn đã.”
“Cũng phải vài tiếng họ mới ra tới đây. Nó sẽ không sao cả. Mình cũng đã dỗ nó êm rồi, thật là tội nghiệp.”
“Thì cứ chờ lát đi mình. Đằng nào thì việc cũng đã rồi.”
“Phải ghi hết vào sổ. Mình cũng biết là tôi phải báo cáo sự vụ ngay lập tức.” Đúng là anh phải báo cáo tất cả những sự việc xảy ra ở quanh trạm đèn, từ tàu thuyền đi qua đến thời tiết, đến thiết bị trục trặc.
“Hay đợi đến sáng vậy?”
“Nhưng nếu chiếc thuyền con đó là thuyền cứu hộ của một tàu lớn thì sao?”
“Chỉ là một cái xuồng nhỏ, không phải thuyền cứu hộ,” cô đáp.
“Vậy thì có khi mẹ đứa nhỏ đang đợi nó trên bờ, chắc đang vò đầu bứt tóc lo lắng. Mình cứ nghĩ nếu là con mình thì sao?”
“Mình cũng thấy chiếc áo len rồi đó. Người ta hẳn là bị rớt xuống biển và chết đuối rồi.”
“Cưng à, tụi mình chẳng biết gì về người ta cả. Cũng không biết ông kia là ai.”
“Thì chắc là vậy thôi chứ còn gì nữa? Con nít chừng này chẳng đi đâu mà không có cha mẹ.”
“Izz, chuyện gì cũng có thể xảy ra được. Mình làm sao mà biết hết.”
“Nhưng làm gì có chuyện em bé nhỏ xíu thế này đi trên thuyền mà không có mẹ?” Isabel ôm đứa bé lại gần thêm chút nữa.
“Đây là việc nghiêm trọng. Có người chết, Izz à.”
“Nhưng đứa nhỏ thì còn sống. Mình không thương nó sao Tom?”
Có gì đó trong giọng Isabel làm Tom sững lại, anh không cự nữa. Anh đứng yên đó và nghĩ đến lời khẩn cầu của cô. Có lẽ cô cần thêm một ít thời gian với đứa bé. Có lẽ anh còn nợ cô điều đó. Cả hai im lặng, rồi Isabel nhìn anh van vỉ, không nói gì. “Thôi thì,…” anh nhượng bộ, mấy lời nói thốt ra khó nhọc, “để sáng mai tôi phát tín hiệu báo vậy. Nhưng sẽ phát ngay lúc sáng sớm. Ngay lúc tắt đèn.”
Isabel hôn anh, siết chặt lấy cánh tay.
“Giờ tôi đi lên buồng đèn. Khi nãy đang dơ tay thay ống hơi,” anh nói.
Tom đi xuống lối mòn, anh nghe thấy giọng Isabel hát ru ngọt ngào, “Gió thổi về nam, về nam, về nam, gió thổi về nam trên mặt biển xanh lam.” Giọng hát thật du dương nhưng vẫn không làm Tom yên lòng khi anh đi lên bậc thang trong tháp đèn, cố gạt đi cảm giác áy náy sau quyết định nhượng bộ vừa rồi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Chương một

Ngày 16 Tháng Chạp năm 1918
“Vâng, tôi hiểu,” Tom Sherbourne đáp. Anh ngồi trong một căn phòng đơn sơ, không đỡ nổi cái nóng hầm hập bên ngoài. Những giọt mưa mùa hạ Sydney trút xuống lộp độp trên cửa sổ, người trên vỉa hè lập cập tìm chỗ trú mưa.
“Nói thiệt là cực lắm đó nghe.” Người đàn ông ngồi đối diện chồm người về phía trước, cố nhấn mạnh. “Chẳng thư thả gì. Vịnh Byron không phải là trạm đèn cực nhất, nhưng tôi muốn anh lường cho hết rồi hẵng xin làm.” Ông ta lấy ngón cái nhận thuốc vào tẩu rồi châm lửa. Đơn xin việc của Tom có cùng câu chuyện như phần lớn thanh niên thời đó: Sinh ngày 28 tháng Chín năm 1893; nhập ngũ chiến đấu; có kinh nghiệm về Mã tín hiệu liên lạc quốc tế và Morse; sức khỏe tốt; giải ngũ danh dự. Luật đã chỉ rõ rằng cựu quân nhân được ưu tiên khi xin việc.
“Không lý…” Tom dừng lại, rồi nói tiếp. “Nói xin phép ông, ông Coughlan, tôi không nghĩ việc này cực hơn nhiệm vụ ở Mặt trận phía Tây.”
Người đàn ông nhìn lại mấy chi tiết trên giấy tờ giải ngũ, rồi nhìn Tom, như tìm kiếm điều gì đó trong mắt anh, trên gương mặt anh. “Phải rồi. Có lẽ anh nói đúng.” Ông ta nói nhanh qua mấy điều khoản: “Anh tự trả chi phí đi đến trạm công tác. Vì anh chỉ đổi gác cho nhân viên chính thức nên sẽ không có ngày phép. Nhân viên biên chế được nghỉ phép một tháng sau mỗi hợp đồng ba năm.” Ông ta cầm cây viết mập lù ký đơn ngay trước mặt anh. Vừa lăn con dấu lên miếng mực, ông ta vừa nói, “Hoan nghênh anh” - ông ta ấn con dấu xuống tờ giấy ba lần - “vào ngành Hải đăng Khối Thịnh vượng chung.” Trên tờ đơn, dòng chữ “Ngày 16 tháng Chạp 1918” còn lóng lánh mực ướt.

Trong sáu tháng ở Vịnh Byron trên bờ biển New South Wales cùng với gia đình của hai người giữ đèn, Tom học được những điều sơ đẳng về cuộc sống ở các trạm hải đăng. Sau đó anh có làm một thời gian ngắn ở Maatsuyker, hòn đảo hoang phía nam Tasmania, nơi hầu như ngày nào cũng mưa và mỗi khi trời bão thì đám gà qué lại bị thổi bay ra biển.
Ở hải đăng, Tom Sherbourne có nhiều thời gian để nghĩ về cuộc chiến. Về những gương mặt, những giọng nói của đồng đội từng sát cánh bên anh, từng cứu anh bằng kiểu này hay kiểu khác, những lời trăn trối mà anh chứng kiến, cả những tiếng thều thào sau cuối anh không nghe ra nhưng vẫn gật đầu theo.
Chân của Tom chưa từng bị đứt rời đến nỗi chỉ còn nối với cơ thể bằng mấy sợi gân. Anh cũng chưa từng bị thương kiểu ruột xổ ra thành những búi lươn trơn trượt. Phổi của anh chưa từng bị nung chảy, não chưa từng nhũn ra vì khí độc. Nhưng có khác gì, vì khi đó anh đã sống trong hình hài của một người khác, một người đã làm những việc cần phải làm. Anh vẫn mang chiếc bóng của con người đó, khắc sâu trong tâm khảm.
Anh cố không nghĩ đến: Anh từng thấy nhiều người bị ám ảnh đến nỗi sống mà như đã chết. Vậy nên anh cứ tiếp tục sống, quanh quẩn bên rìa nỗi lòng không gọi được thành tên. Khi nằm mộng về những năm đó, anh thấy mình chỉ là đứa trẻ lên tám đứng giữa khói lửa, trên tay vấy máu. Đứa trẻ một mình chống lại những tay súng và lưỡi lê, mải lo nghĩ đến chiếc tất đồng phục đã bị tuột xuống mà không kéo lên được, vì muốn kéo tất lên phải thả súng xuống, mà nó thì bé bỏng không cầm nổi súng. Mà mẹ thì đi đâu mất rồi.
Rồi anh tỉnh dậy, nhận ra mình đang ở một nơi chỉ có gió, sóng và ngọn đèn biển cùng với thứ máy móc phức tạp để giữ lửa cháy và đèn quay đều. Lúc nào cũng quay, trông chừng mọi hiểm nguy.
Nếu anh có thể đi đủ xa - để mà tránh được cả con người và ký ức, biết đâu, thời gian rồi cũng sẽ chữa lành.

Đảo Janus Rock nằm trên bờ biển phía Tây, cách Sydney đến hàng ngàn dặm, cũng là điểm xa ngôi nhà thơ ấu của Tom nhất dù cùng nằm trên lục địa Úc châu. Nhưng ngọn hải đăng Janus cũng là dấu vết cuối cùng của đất Úc mà Tom nhìn thấy được tù trên tàu chở quân nhân đi Ai Cập năm 1915. Mùi khuynh diệp từ Albany vương vấn trên sóng nước tới vài dặm, và khi mùi hương nhạt nhòa đi, tự dưng Tom thấy nhói lòng, như vừa mất đi điều gì đó mà anh còn không biết mình sẽ nhớ thương. Rồi, mấy giờ sau, ngọn hải đăng với ánh đèn lóe sáng năm giây một hiện ra, rõ mồn một, sừng sững, từ chính điểm xa ngôi nhà của anh nhất. Ký ức ấy theo anh trong suốt những năm tháng địa ngục sau đó, như một nụ hôn từ biệt. Vậy nên tháng Sáu năm 1920, khi hải đăng Janus đăng tin tuyển người, anh thấy như thể ngọn đèn đang gọi anh đến.
Janus đứng chênh vênh trên rìa lục địa Úc châu, là trạm hải đăng chẳng mấy người muốn nhận gác. Mặc dù bậc lương trạm Janus nhỉnh hơn chút do được xếp loại gian khó mức I, những tay gác đèn lâu năm đều nói rằng chẳng đáng gì, bèo bọt cả thôi. Người tiền nhiệm của Tom là Trimble Docherty. Ông này có lần báo cáo rằng chính bà vợ mình đã dùng một chuỗi cờ màu trong Mã tín hiệu liên lạc quốc tế để báo hiệu cho tàu bè qua lại, gây ra không ít ồn ào. Nhà chức trách không hài lòng với báo cáo của Docherty vì hai lý do: Thứ nhất, Phó giám đốc Cục Hải đăng từ mấy năm trước đã cấm việc dùng cờ làm tín hiệu trên đảo Janus, bởi tàu bè có thể gặp nguy khi tiến tới gần chỉ để đọc tín hiệu; thứ hai, bà vợ nói trên vừa mới lìa đời.
Vụ việc tốn khá nhiều giấy mực, mỗi văn bản được sao thành ba, gởi đi chuyển lại giữa Fremantle và Melbourne. Phó giám đốc Cục ở Fremantle cố bảo vệ Docherty, dẫn ra quá trình công tác xuất sắc nhiều năm, trong khi đó trụ sở chính ở Melbourne chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc, chi phí, và luật lệ. Cuối cùng hai bên cũng dàn xếp ổn thỏa, theo đó, Cục sẽ thuê một người gác đèn tạm thời còn Docherty được nghỉ phép sáu tháng để dưỡng bệnh.
“Thường tụi tôi không cử đàn ông đơn chiếc ra Janus - chỗ đó hoang vu lắm, có vợ con thì đỡ vất vả hơn, chứ không phải chỉ đỡ buồn thôi,” Nhân viên Quận nói với Tom. “Nhưng mà anh chỉ làm tạm thời… Anh thu xếp hai ngày nữa đi Partageuse,” ông ta vừa nói vừa ký hợp đồng sáu tháng với Tom.

Cũng chẳng có gì để thu vén. Không có ai để từ biệt. Hai ngày sau Tom bước lên ván cầu ra tàu, trên tay chỉ có mỗi chiếc túi xách đựng áo quần. Con tàu hơi nước1 Promethus chạy dọc theo bờ biển nam Úc, dừng lại ở các trạm giữa Sydney và Perth. Mấy buồng hạng nhất ít ỏi nằm ở boong trên, gần mũi tàu. Trong khoang hạng ba, Tom ở chung buồng với một thủy thủ già. “Đi tàu này đã năm chục năm rồi - tụi nó còn không dám đòi tiền vé. Làm vậy xui lắm, chú biết không,” lão thủy thủ vui vẻ nói, rồi quay lại với chai rượu rum lớn cực mạnh, không màng gì khác. Để tránh mùi cồn nồng nặc, ban ngày Tom đi bộ trên boong tàu. Buổi tối ở boong hầm dưới thường có bày chiếu bạc.
1 Nguyên văn SS: Steamship: Tàu thủy chạy bằng hơi nước (ND)

Chỉ cần nhìn qua cũng biết trong chiến tranh ai đi lính, ai ở nhà. Cứ như ngửi mùi người cũng biết. Họ đứng theo từng nhóm riêng. Nơi đây gợi lại cho Tom những kỷ niệm về những chuyến tàu chở quân nhân, ban đầu là đến Trung Đông, rồi sau đó là Pháp. Chỉ trong chốc lát sau khi lên tàu, họ đã đoán ra được, cứ như thể bằng một thứ bản năng của con vật, người nào là sĩ quan, người nào cấp bậc thấp hơn, rồi từng làm nhiệm vụ ở đâu.
Và cũng như trên tàu lính, họ cố nghĩ ra trò gì đó để tiêu khiển trong suốt hành trình. Cuối cùng họ chọn một trò khá quen thuộc: Xem ai thó một món từ khách khoang hạng nhất đầu tiên. Nhưng không phải món gì cũng được mà phải là một chiếc quần lót nữ. “Tiền thưởng tăng gấp đôi nếu lấy được ngay lúc khổ chủ mặc trên người.”
McGowan, kẻ đầu têu có bộ ria mép và mấy ngón tay vàng khè vì hút thuốc Woodbines, nói rằng hắn ta vừa đấu láo với một nhân viên trực buồng: Tình hình là sẽ có rất ít lựa chọn. Khoang hạng nhất có tất cả mười buồng. Vợ chồng một ông luật sư - nên tránh xa ngay từ đầu; vài cặp già cả, hai bà cô già (cũng có vẻ hứa hẹn), nhưng nghe được nhất là một tiểu thư nhà giàu đi tàu một mình.
“Tao nghĩ cứ trèo lên thành tàu rồi chui vô đường cửa sổ,” McGowan tuyên bố. “Đứa nào theo tao?”
Sự liều lĩnh đó không hề làm Tom ngạc nhiên. Anh đã nghe hàng tá chuyện như vậy từ ngày giải ngũ. Toàn những kẻ thích đùa bỡn với mạng sống, chuyên nhảy ào qua thanh chắn đường tàu hay bơi ra dòng nước xiết để xem mình có thoát nổi không. Nhiều người từng lừa được cái chết ở ngoài mặt trận giờ đây lại như nghiện sức hút của thứ cảm giác mạnh đó. Nhưng dù sao thì đám này chẳng phải lính tráng gì nữa. Có lẽ chỉ khoác lác vậy thôi.

Đêm sau đó, khi những cơn ác mộng trở nên tồi tệ hơn bình thường, Tom quyết định không ngủ, đi bộ trên boong tàu. Hai giờ sáng. Giờ đó muốn đi đâu cũng không ai cản. Tom thong thả rảo bước, ngắm ánh trăng phản chiếu trên mặt nước. Anh leo lên boong trên, tay nắm chặt lấy lan can để đỡ bị lắc lư. Lên đến nơi anh dừng lại, tận hưởng gió trời mát mẻ và màn đêm đầy sao nhấp nháy nhịp nhàng.
Anh thoáng thấy ánh sáng phát ra từ một buồng khách. Người ở khoang hạng nhất cũng có khi khó ngủ vậy, anh ngẫm ngợi. Rồi, dường như giác quan thứ sáu trong anh bừng tỉnh — một thứ bản năng nhận biết hiểm nguy vừa quen thuộc vừa khó giải thích. Anh khe khẽ đi về phía buồng khách, nhìn qua cửa sổ.
Trong ánh đèn mờ anh nhận ra một cô gái nép sát vào tường, mặc dù gã đàn ông đứng ngaỵ trước chưa đụng vào cô. Hắn kề sát vào mặt cô, một cái nhìn dâm dật mà Tom từng thấy nhiều lần. Anh nhận ra người quen ở boong hầm dưới, rồi nhớ lại giải thưởng của trò thách đố khi nãy. Lũ ngốc khốn nạn. Anh đẩy cửa vào. Cửa mở ngay.
“Để cô ấy yên,” Tom vừa nói vừa bước vào buồng. Giọng anh bình tĩnh nhưng đanh thép.
Hắn ta quay lại để xem ai vừa lên tiếng, rồi nhe răng cười khi nhận ra Tom. “Trời đất! Tướng ông anh là nhân viên chứ! Đã vậy thì giúp một tay luôn… Đàn em vừa chỉ mới…”
“Tôi nói để cô ấy yên! Đi ra. Ngay.”
“Nhưng đã xong đâu. Đàn em chỉ định vui vẻ chút.” Người hắn nồng nặc mùi rượu và thuốc lá.
Tom đặt bàn tay lên vai hắn, siết thật mạnh cho tới khi hắn thét lên. Hắn ta thấp hơn Tom cũng phải tấc rưỡi nhưng vẫn loay hoay cố đấm anh một quả. Tom nắm lấy cổ tay hắn, bẻ ngược lại. “Tên? cấp bậc?”
“McKenzi. Binh nhì. 3277.” Mã số quân nhân không hỏi mà vẫn bật ra, như một thứ phản xạ có điều kiện.
“Binh nhì McKenzi, anh xin cô đây tha lỗi, rồi về lại phòng, không được ra boong tàu cho tới khi tàu dừng. Rõ chưa?”
“Rõ!” Hắn ta quay lại phía cô gái. “Xin cô thứ lỗi. Tôi không có ý hại cô.”
Cô gái vẫn còn khiếp vía, chỉ khẽ gật đầu.
“Đi ra ngay!” Tom nói. Hắn ta tiu nghỉu, bừng tỉnh hẳn và loay hoay ra khỏi buồng khách.
“Cô không sao chứ?” Tom hỏi.
“Tôi… tôi nghĩ vậy.”
“Nó có làm gì cô không?”
“Hắn không…” cô ta vừa nói với anh, vừa như tự nhủ, “thực ra hắn chưa đụng chạm gì tôi cả.”
Tom nhìn gương mặt cô gái - đôi mắt màu xám trông có vẻ bình tĩnh hơn. Mái tóc sẫm màu buông xuống, gợn sóng trên hai cánh tay. Bàn tay vẫn nắm chặt lấy cổ áo ngủ. Tom với lấy áo choàng treo ớ móc trên tường xuống, khoác qua vai cô gái.
“Cảm ơn anh,” cô nói
“Chắc nó cũng sợ khiếp vía. Tôi e là nhiều đứa bọn tôi giờ không quen tiếp xúc với người đường hoàng nữa.”
Cô ta không nói gì.
“Nó không dám làm gì cô nữa đâu.” Anh sửa lại chiếc ghế bị ngã xuống khi nãy. “Tùy cô muốn báo cáo sự vụ hay không. Tôi thấy nó cũng chẳng yên ổn gì.”
Đôi mắt cô ta nhìn Tom như muốn hỏi lại.
“Đi về người ta thay đổi lắm. Đúng sai không còn rõ ràng như xưa nữa.” Anh quay lưng bước đi, nhưng ngoái đầu lại. “Cô có quyền truy nó tới cùng. Nhưng tôi nghĩ nó cũng khổ sở lắm rồi. Như tôi nói đó, tùy cô vậy,” rồi anh biến mất sau cánh cửa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Chương hai

Mũi Partageuse được các nhà thám hiểm người Pháp đặt tên khi vẽ bản đồ vùng đất nhô ra từ góc phía tây nam của phần lục địa Úc Châu, khá lâu trước khi người Anh đổ bộ chiếm đất này làm thuộc địa năm 1826. Di dân dần dần kéo đến, phía bắc từ Albany, phía nam từ Swan River Colony, định cư trên những cánh rừng hoang sơ trải dài hàng trăm dặm giữa hai xứ đó. Người ta dùng cưa tay để đốn những cái cây cao như tháp nhà thờ rồi san mặt đất thành đồng cỏ nuôi bò. Di dân nước da còn xanh tái cùng với những đàn ngựa thồ chặt cây mở đường, nhẫn nại lấn từng tấc đất khó nhọc. Mảnh đất trước đó còn chưa từng có dấu người, giờ đây bị cào xới, bị đốt trụi, rồi đo đạc vẽ vời bởi bàn tay của những kẻ bỏ xứ, đi thử vận may ở một phương trời xa lạ, vừa sợ bỏ mạng vừa mơ đổi đời sung sướng.
Người Partageuse cùng nhau trôi dạt như bụi trong gió, cuối cùng cắm rễ ở nơi hai đại dương gặp nhau bởi có dòng nước ngọt, hải cảng tự nhiên và đất đai màu mỡ. Cảng ở đây chẳng bì được với Albany nhưng cũng tiện lợi cho dân địa phương vận chuyển gỗ súc, gỗ đàn hương hay thịt bò. Những cơ sở kinh doanh nhỏ mọc ra, rồi bám lại như địa y trên mặt đá núi. Dần dần thị trấn có trường học, vài nhà thờ mỗi cái một vẻ, hát những bài thánh ca cũng không giống nhau, rồi thêm mấy căn nhà gạch đá kiên cố cùng với rất nhiều nhà ván tấm lợp tôn. Rồi có thêm cửa hiệu, tòa thị chính, có cả một nhà phân phối nông cụ Dalgety. Và tửu quán. Rất nhiều tửu quán.

Từ thuở ban đầu, người Partageuse đã có một thứ niềm tin thầm lặng rằng “thời sự” chỉ diễn ra ở nơi nào khác. Tin tức từ thế giới bên ngoài nhỏ giọt vào Partageuse, như nước mưa đọng trên cây rả rích rơi xuống, thi thoảng rộ lên tin vặt chỗ này, đồn đại chỗ kia. Năm 1890 thị trấn được lắp đường dây điện báo, khiến mọi thứ cũng mau mắn hơn một chút. Rồi thêm vài hộ có điện thoại. Partageuse cũng từng gởi quân tham chiến ở Transvaal năm 1899, số thương vong đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng nhìn chung, cuộc sống ở xứ Mũi đều đều như một màn diễn phụ, chưa bao giờ xảy ra chuyện gì quá hay ho hay quá tệ hại.
Những thị trấn phía Tây khác thì đương nhiên không giống vậy. Chẳng hạn như Kalgoorlie, nằm sâu trong đất liền hàng trăm dặm, nơi có những con sông vàng chảy ngầm dưới đất, ngay dưới bề mặt sa mạc khô cằn. Khi mới đến Kalgoorlie người ta mang theo xe cút kít và đồ đãi vàng, khi đi ra thì lái xe ô tô mua bằng cục vàng to như con mèo, chạy bon bon trong thị trấn chỉ mới có vài con đường, lại được đặt những cái tên đầy mai mỉa như Croesus1. Cả thế giới muốn thứ mà Kalgoorlie có được. Sản vật của Partageuse, những gỗ súc, gỗ đàn hương chỉ là bọt bể: chẳng bì lại được với Kalgoorlie đang gặp thời phất lên vùn vụt.
1 Trong sử cũ Hy lạp Croesus là vua nước Lydia từ năm 560 trước công Nguyên cho tới khi bị quân Ba Tư đánh bại. Croesus nổi tiếng giàu có nhờ chinh phạt những vùng đất láng giềng-ND
Năm 1914 thời cuộc đổi thay. Partageuse cũng có thứ mà cả thế giới mong muốn. Đàn ông. Thanh niên. Trai tráng. Những con người cả đời chuyên cầm rìu, kéo cày, dạn dày gió sương giờ trở thành miếng mồi ngon lành nhất trên bàn toan tính chiến sự ở một phương trời xa xôi.
Năm 1914 chỉ có những lá cờ tung bay và mùi da thuộc còn mới trên quân phục. Mãi đến một năm sau mới bắt đầu khác đi. Người ta nhận ra Partageuse không còn là màn phụ đều đều nữa. Thay vì mừng rỡ đón người chồng và đứa con trai rắn rỏi trở về, đàn bà xứ Mũi chỉ còn nhận điện tín. Những mẩu giấy rơi xuống từ bàn tay run rẩy, bị cuốn phăng đi trong gió phần phật, báo tin rằng đứa con trai mà họ từng cho bú mớm, tắm rửa, la mắng và có khi làm họ phải khóc lóc giờ đây… chẳng còn nữa. Partageuse hòa vào thế giới rộng lớn bên ngoài, trong một cơn vượt cạn đau đớn.
Đương nhiên, chuyện mất con cũng là một phần của cuộc sống mà nhiều người phải kinh qua. Chẳng có gì đảm bảo rằng bào thai có thể sống từ chỗ tượng hình cho tới khi được sinh ra, hoặc cứ sinh ra là sẽ cứng cáp mà lớn lên. Tạo hóa chỉ cho phép những kẻ khỏe mạnh và may mắn được dự phần ở cái thiên đường chớm nở này. Cứ nhìn vào bìa trong của cuốn Kinh thánh ở mỗi nhà là thấy ngay. Nghĩa trang kể lại câu chuyện của những em bé bị rắn cắn, bị ngã xe ngựa, không còn khóc nữa, ngủ yên mãi, như thể cuối cùng cũng chịu nghe lời mẹ dỗ dành “cái ngủ mày ngủ cho ngoan”. Bọn trẻ con sống sót dần quen với việc dọn bàn ăn khuyết đi một chỗ, cũng như từng quen với chuyện phải nhích dọc theo băng ghế khi có thêm đứa em nữa. Như cánh đồng lúa mì, không phải hạt nào gieo xuống cũng đến ngày gặt hái, Chúa thi thoảng lại ban phát con trẻ, rồi lại mang chúng đi, theo một thứ lịch thần bí, không ai hiểu nổi. Nghĩa trang thị trấn luôn ghi lại trung thực điều đó, những tấm bia mộ nằm trơ trọi như những chiếc răng lỏng lẻo, cáu ghét, thật thà kể lại câu chuyện của những kẻ yểu mệnh vì cúm, vì chết đuối, vì gỗ đè và cả sét đánh. Nhưng đến năm 1915 chúng bắt đầu nói dối. Đàn ông trai tráng khắp xứ chết như ngả rạ, nhưng nghĩa trang vẫn lặng thinh không kể gì nữa.
Sự thật là thân xác họ bị vùi dưới bùn đất nơi xa xôi. Nhà chức trách làm mọi thứ có thể: Khi điều kiện và lịch hành quân cho phép, họ đào huyệt; khi có thể nhặt được tứ chi, gom góp cho đủ một con người, họ sẽ cố hết sức mà làm vậy, rồi chôn cất có nghi lễ nọ kia. Tất cả đều được ghi lại. Sau đó người ta chụp ảnh ngôi mộ. Với 2 bảng 1 shilling 6 xu, gia đình có thể đặt thêm một tấm bia tưởng niệm. Về sau nữa các đài tưởng niệm mọc lên ở khắp nơi, nhưng không phải để ghi nhớ sự mất mát, mà chỉ nhắc đến vinh quang và chiến thắng. “Chiến thắng mà chết chóc,” ai đó lầm bầm, “là một thứ chiến thắng nghèo nàn.”

Không có đàn ông, xứ Mũi dần trống vắng, hoang hốc như khoanh phô mai Thụy Sĩ đầy lỗ. Nhưng xứ Mũi chưa bao giờ có lệnh cưỡng bách tòng quân. Chưa ai từng bị bắt đi lính.
Trớ trêu nhất vẫn là những kẻ mà ai cũng gọi là “may mắn”. Họ trở về, được đám con cái ăn mặc sạch sẽ ra đón, đến con chó cũng được cột nơ trên cổ để chào mừng. Thường chính con chó sẽ nhận ra sự khác lạ đầu tiên. Không chỉ là chuyện người trở về bị mất một mắt hay cẳng chân; mà đúng hơn là một sự vắng mặt khác, vẫn là một kiểu mất tích trong khi làm nhiệm vụ mặc dù thân xác vẫn còn đó. Billy Wishart ở xưởng cưa Sadler: vợ hiền, ba con thơ, những tưởng không muốn gì hơn. Wishart bị ngạt khí trong chiến tranh, giờ đây cầm thìa mà tay run bần bật như máy cắt rơm, súp bắn tung tóe đầy bàn. Anh ta run tay đến nút áo cũng không cài được, hằng đêm mặc nguyên áo quần ngoài nằm bên vợ, co quắp người lại, khóc tu tu. Hay cậu Sam Dowsett hãy còn trẻ, sống sót qua đợt đổ bộ đầu tiên ở Gallipoli, rồi lại mất cả hai tay và một nửa gương mặt ở Bullecourt. Hằng đêm bà mẹ góa bụa lại ngồi lo nghĩ rồi đây ai sẽ chăm sóc cho cậu một khi bà nằm xuống. Con gái xứ này không ai dại gì mà lấy Sam nữa. Những lỗ thủng trong khoanh phô mai Thụy Sĩ. Hoang hốc mất mát.
Một thời gian khá lâu, người ta vẫn còn bàng hoàng, như đang dự một trò chơi mà luật chơi bất ngờ thay đổi. Người ta cố xoa dịu mình bằng cái suy nghĩ rằng con trai xứ Mũi đã không chết vô ích: chúng đã trở thành một phần của một cuộc chiến chính nghĩa vĩ đại. Rồi có những lúc họ cũng tin được điều đó, và nuốt xuôi được cả nỗi giận dữ và tiếng thét tuyệt vọng, chỉ chực gào xé cổ họng mà bật ra như tiếng kêu giận dữ của chim mẹ vừa mất con.

Sau chiến tranh người ta cố gắng châm chước với những người may mắn trở về, giờ đây đổ ra rượu chè, gây gổ đánh nhau hoặc không làm nổi việc gì quá vài ngày. Công ăn việc làm trong thị trấn cũng chỉ ổn định có chừng. Kelly vẫn giữ tiệm chạp phô. Lão Len Bradshaw vẫn bán thịt, mặc dù cậu con trai nóng ruột thay cha lắm rồi: cứ nhìn cách cậu lấn lướt chỗ của ông già dưới quầy mỗi khi rướn người lấy một khúc sườn hay một cái má heo là biết ngay. Bà Inkpen (bà này dường như chỉ có họ mà không có tên, mặc dù cô em gái vẫn gọi riêng là Popsy) đứng ra trông coi xưởng đóng móng ngựa khi ông Mack chồng bà không về sau trận Gallipoli. Gương mặt bà cứng cỏi lạnh lùng như miếng sắt móng ngựa, tính khí bà cũng vậy. Những tay đàn ông lực lưỡng làm việc cho bà, cứ một điều “Thưa bà Inkpen”, hai điều “Dạ bà. Đủ ba túi đầy rồi thưa bà Inkpen”, mặc dù ai trong số họ cũng dư sức nhấc bổng bà lên chỉ bằng ngón tay.
Người xứ Mũi biết rõ ai có thể cho mua chịu, ai phải đòi trả ngay, ai nói thật ai nói dối khi họ mang hàng đến trả đòi lại tiền. Cửa hàng vải vóc và kim chỉ của Mouchemore làm ăn được nhất quanh dịp Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, mấy tháng đầu đông còn tranh thủ bán thêm len đan áo cũng khá chạy. Cả mấy thứ đồ nho nhỏ không tiện nói thẳng của đàn bà con gái. Larry Mouchemore thường vuốt hàm râu nhọn mỗi khi sửa lại cách người ta đọc tên lão (“đọc là ‘mu’ chứ không phải ‘mao’”) rồi lo sợ và hằn học khi bà Thurkle có ý định mở hiệu da lông thú ngay kế bên. Hiệu lông thú? Ở xứ Mũi? Tin nổi không? Lão mỉm cười hiền lành sáu tháng sau đó khi bà Thurkle dẹp tiệm. Lão nhanh tay mua hết đám hàng tồn kho, thôi thì cũng là “hàng xóm tắt lửa tối đèn”, rồi kiếm cũng khá sau khi bán lại cho một tay chủ tàu đi Canada, nghe đâu ở đó người ta chuộng mấy thứ này lắm.
Cho đến năm 1920, Partageuse đã khoác vẻ vừa kiêu hãnh mong manh, vừa dạn dày sương gió như một thị trấn phía Tây điển hình. Ngay giữa bãi cỏ vuông vức gần trung tâm có một đài tưởng niệm bằng đá hoa cương, ghi tên đàn ông trai tráng xứ Mũi, nhiều kẻ chưa đầy đôi tám, nhưng sẽ mãi không quay lại để làm đồng, đốn cây hay học nốt bài vở, mặc cho nhiều người ở nhà vẫn nín thở chờ đợi. Dần dần những mảng đời dệt lại với nhau, như một thứ vải vóc tiện dụng, trên đó những sợi chỉ đan xen qua trường học, công việc, gia đình, làm dày dạn thêm những mối quan hệ dường như vô hình với người xứ khác.
Còn Janus Rock chỉ nối với xứ Mũi bằng con thuyền tiếp tế một năm bốn lần, lơ lửng ở mép tấm vải đó, như một chiếc nút áo lỏng lẻo, dễ dàng rơi tõm xuống Nam Đại Dương.

Cây cầu tàu dài hẹp ở Mũi Partageuse đóng bằng gỗ bạch đàn, thứ gỗ vẫn va vào nhau rầm rập trong những khoang xe lửa chạy trên cầu trước khi được kéo lên tàu thủy. Nước biển ở vịnh ngay dưới chân thị trấn Partageuse trong xanh như lam ngọc. Ngày tàu của Tom cập bến, mặt nước óng ánh tựa thủy tinh vừa mới được lau bóng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Đàn ông trai tráng luôn chân luôn tay bốc dỡ hàng, thở hồng hộc đánh vật với đám kiện hàng, thỉnh thoảng lại hò hét hay huýt gió. Trên bờ cũng tấp nập không kém, người ta qua lại, vẻ gấp gáp, kẻ đi bộ, kẻ lại cưỡi ngựa hay đánh xe.
Lạc lõng giữa quang cảnh làm việc khẩn trương đó là một cô gái đang rải bánh mì cho đàn hải âu. Cô cười lớn, ném vụn bánh ra đủ hướng và ngắm bầy chim quang quác cãi nhau, sốt sắng tranh giành phần thưởng. Một con hải âu sải cánh vừa mới ngoặm lấy và nuốt chửng một mẩu bánh đã lại tiếp tục tham lam ngụp lặn để tìm mẩu tiếp theo, khiến cô bật cười khanh khách.
Mấy năm rồi Tom mới nghe một giọng cười như vậy, một giọng cười không hề có chút chai sạn hay chua chát nào. Hôm đó là một buổi chiều mùa đông nắng dịu, anh chẳng vội đi đâu, cũng chẳng phải làm gì. Vài ngày nữa anh sẽ ra Janus, sau khi gặp những người cần gặp và ký những thứ cần ký. Nhưng giờ đây, anh vẫn chưa cần ghi nhật ký hải đăng, chưa phải lau lăng kính hay đổ nhiên liệu vào bể. Giờ đây, nơi này, có một người đang cười đùa. Tự dưng Tom thấy như chiến tranh đã thực sự chấm dứt. Anh ngồi trên băng ghế gần cầu tàu, để ánh nắng ve vuốt trên gương mặt, ngắm cô gái cười khanh khách, những lọn tóc đen bay bay dệt lưới trong gió. Anh nhìn theo mấy ngón tay thanh mảnh in bóng xuống mặt nước xanh. Dần dần một lúc sau anh mới để ý là cô khá xinh. Lâu hơn một chút anh nhận ra cô đẹp.
“Anh cười gì vậy?” cô gái gọi với theo, khiến Tom giật mình.
“Xin lỗi cô.” Anh thấy mặt mình đang đỏ lên.
“Cười mà có gì phải xin lỗi!” Cô gái reo lên nhưng giọng nói không hiểu sao vẫn thoáng buồn. Rồi gương mặt cô sáng bừng hẳn. “Anh không phải là người xứ Mũi.”
“Ừ.”
“Còn tôi ở đây cả đời rồi. Bánh mì không?”
“Cảm ơn cô nhưng tôi không đói.”
“Không phải cho anh, ngốc ạ! Là để cho hải âu kia.”
Cô với tay đưa cho anh một mẩu bánh. Nếu là một năm trước, mà có khi chỉ một ngày trước thôi có lẽ Tom đã từ chối và quay gót bước đi. Nhưng tự dưng, vẻ ấm áp, sự tự nhiên và nụ cười của cô gái rồi cả một điều gì đó anh không thể gọi thành tên khiến anh nhận lấy món quà nhỏ.
“Cá là tôi sẽ dụ được nhiều hơn anh cho coi,” cô nói.
“Được thôi, thử xem nào!” Tom đáp lời.
“Bắt đầu đi!” cô tuyên bố. Cả hai thi nhau ném những mẩu bánh lên trời hoặc theo góc xiên xẹo rồi thụp người tránh đám hải âu đang quang quác sà xuống, đập cánh va vào nhau ầm ĩ.
Cuối cùng khi đã hết bánh mì, Tom vừa cười vừa hỏi. “Vậy vừa rồi ai thắng?”
“Ôi, tôi quên đếm mất.” Cô gái nhún vai. “Thôi coi như hòa vậy.”
“Được thôi,” anh nói, đội mũ lên và cầm lấy chiếc túi xách. “Tôi phải đi đây. Cảm ơn cô. Vui thật”
Cô mỉm cười. “Chỉ là trò vớ vẩn mà.”
“Ừ thì,” anh đáp, “cảm ơn cô đã nhắc tôi rằng trò vớ vẩn cũng rất vui.” Anh vác túi qua đôi vai rộng rồi quay gót trở vào thị trấn. “Chúc cô vui nhé,” anh nói nốt.
Tom bấm chuông một nhà trọ trên phố chính. Chủ nhà là bà Mewett chừng hơn sáu chục tuổi, người thấp, mập mạp như ống xay tiêu, chưa gì đã đe anh. “Trong thư anh có ghi anh còn đơn chiếc, là người phía Đông, vậy nên phiền anh nhớ cho giờ đây anh ở Partageuse. Đây là nhà có đạo, tuyệt đối không rượu chè thuốc lá gì hết.”
Tom vừa định cám ơn bà đã đưa chìa khóa, nhưng bà ta vẫn giữ chặt nó trong tay, rồi nói tiếp, “Không có lề thói ngoại quốc gì ở đây hết. Tôi quá rành rồi. Tôi sẽ thay ra trải giường khi anh đi khỏi, tôi không muốn phải mắc công vò giặt, anh hiểu ý tôi chứ. Nhà đóng cửa lúc mười giờ tối, bữa sáng dọn lúc sáu giờ, nếu anh không có mặt thì nhịn. Năm rưỡi thì dọn cơm chiều, cũng y vậy. Bữa trưa anh ăn ngoài.”
“Cảm ơn bà,” Tom đáp, cố không mỉm cười, biết đâu cười cũng phạm luật thì sao.
“Dùng nước nóng thì tính thêm mỗi tuần một shilling. Tùy anh có muốn dùng hay không. Tôi thấy đàn ông trai tráng dùng nước lạnh cũng chẳng hại gì.” Bà ta ném chìa khóa về phía Tom. Khi bà ta cà nhắc về cuối hành lang, Tom tự hỏi liệu có một ông Mewett nào đã khiến bà trở nên “ưu ái” đàn ông đến vậy.
Trong căn phòng nhỏ ở phía sau nhà, Tom mở túi xách lấy đồ ra, đặt bánh xà phòng và đồ cạo râu gọn gàng lên kệ. Anh gấp đồ lót và bít tất cho vào ngăn kéo, treo ba cái sơ mi, hai quần dài với áo complet lành lặn và cà vạt vào chiếc tủ hẹp. Anh nhét cuốn sách vào túi quần rồi bắt đầu đi dạo phố.

Việc cuối cùng của Tom ở Partageuse là ăn tối với Cảng vụ trưởng và phu nhân. Đại tá Percy Hasluck phụ trách trông coi mọi tàu thuyền qua lại ở cảng, theo thông lệ thường mời người gác đèn ở Janus đến nhà ông ăn tối trước khi họ lên đường ra đảo.
Chiều hôm đó Tom tắm rửa, cạo râu sạch sẽ, vuốt keo Brilliantine vào tóc, cài nút vạt cổ áo xuống, khoác complet. Ánh nắng những ngày trước giờ đã bị thay thế bởi những đám mây đen và cơn gió hung dữ thổi vào từ Nam Đại Dương, nên anh mặc thêm áo bành tô.
Vẫn lượng đường sá như ở Sydney, lại e đi bộ lạ đường nên Tom trừ hao nhiều thời gian. Anh đến nơi khá sớm. Chủ nhà mời anh vào với nụ cười thoải mái. Khi Tom lên tiếng xin lỗi vì đã đến sớm, “Phu nhân Đại tá Hasluck”, theo kiểu ông chồng gọi bà, liền chắp tay rồi nói. “Ôi chao, anh Sherbourne! Anh không phải xin lỗi vì đã đến đúng giờ, nhất là khi anh lại mang theo hoa đẹp như vậy.” Bà ta hít hà bó hoa hồng cuối mùa mà Tom hái từ vườn nhà bà Mewett, đương nhiên là mặc cả trả tiền. Vóc người thấp bé, bà ta ngước nhìn anh, “Ôi chao! Anh cao cũng gần bằng hải đăng!” Nói xong bà ta cười khúc khích ra điều hóm hỉnh.
Đại tá nhận lấy mũ và áo khoác của Tom rồi mời, “Anh vào phòng khách đi.” Bà vợ liền thêm ngay vào “Nhện mời ruồi”1
1 Bà Đại tá đùa, có ý nhắc đến câu đầu trong bài thơ “The Spider and the Fly” của Mary Howitt (1799-1888). Trong bài thơ con nhện gian xảo cố dùng kế dụ con ruồi ngây thơ vào bẫy. Nguyên văn câu đầu:
“Will you walk into my parlour?” said the Spider to the Fly,
- (ND)

“Nhà tôi rất nhộn, anh thấy đó!” Đại tá lên tiếng. Tom bắt đầu thấy ngại một buổi tối lê thê.
“Anh dùng rượu sherry không? Hay port vậy?” bà vợ mời.
“Thôi thôi làm ơn đi, đem cho cậu đây một ly bia, Đại tá phu nhân à,” ông chồng vừa cười vừa nói. Ông ta vỗ tay lên lưng Tom. “Anh bạn trẻ ngồi xuống rồi kể hết chuyện anh cho tôi nghe.”
Ngay lúc đó chuông cửa reo lên, Tom như được giải cứu. “Vô phép anh,” Đại tá Hasluck nói. Tom nghe tiếng ông ở ngoài phòng khách “Cyril. Bertha. Thật quý hóa. Để tôi cất mũ cho.”
Bà vợ quay lại phòng khách, mang theo một chai bia và mấy cái ly đặt trên chiếc khay bạc, vừa đi vừa nói, “Tụi tôi có mời thêm mấy người nữa, để giới thiệu anh với dân xứ Mũi. Partageuse hiền lành dễ chịu lắm.”
Ông Đại tá dẫn mấy người khách mới đến vào, một cặp vợ chồng mặt mày khắc khổ: ông Cyril Chipper mập mạp thấp bé, chủ tịch của Hội đồng Đường sá địa phương cùng với bà vợ Bertha người gầy như củi khô.
“Anh thấy đường sá xứ này sao?” Cyril hỏi ngay sau khi vừa được giới thiệu. “Không cần lịch sự khách sáo gì hết. So với phía Đông, anh thấy đường xứ này được mấy điểm?”
“Thôi nào, để anh ấy yên, Cyril,” bà vợ lên tiếng. Tom thấy nhẹ cả người, không chỉ nhờ bà vợ can thiệp mà còn vì chuông cửa lại vừa reo tiếp.
“Bill. Violet. Mời ông bà vào,” ông Đại tá vừa mở cửa vừa nói. “A, tiểu thơ càng ngày càng xinh.”
Rồi ông ta dẫn tiếp vào phòng khách một người đàn ông dáng vẻ chắc nịch, ria mép bạc đi cùng bà vợ đậm người, mặt ửng đỏ. “Ông Bill Graysmark và bà Violet, với cô con gái…” Ông ta xoay người lại. “Ủa đâu rồi? Mới thấy đây mà, chắc vô giờ. Bill là thầy hiệu trưởng của trường Partageuse.”
“Rất hân hạnh,” Tom nói, bắt tay người đàn ông và khẽ gật đầu lịch sự với bà vợ.
“Vậy,” Bill Graysmark lên tiếng, “anh nhắm có làm nổi ở Janus không?”
“Tôi sẽ sớm biết ngay thôi,” Tom đáp.
“Ngoài đó rầu lắm, anh biết không.”
“Tôi có nghe nói”.
“Ở Janus không có đường sá gì hết.” Cyril Chipper cắt ngang.
“À, đúng là không có,” Tom trả lời.
“Tôi thì cứ chỗ nào không có đường là không được,” Chipper nói tiếp, giọng điệu ra ý đúng sai rạch ròi.
“Thực ra không có đường là chuyện nhỏ nhất trên đảo, con trai à,” Graysmark nói.
“Thôi mà ba,” cô con gái bước vào, Tom vẫn đứng xoay lưng ra cửa. “Ảnh không cần nghe thêm mấy chuyện rầu rĩ chán đời của ba đâu.”
“À, nói rồi mà, cô ấy đây,” Đại tá Hasluck lên tiếng. “Đây là Isabel Graysmark. Isabel, đây là anh Sherbourne.”
Tom đứng dậy chào cô gái, họ nhìn nhau, nhận ra người quen. Anh vừa định nhắc đến đám chim hải âu, nhưng cô đã lên tiếng trước, “Hân hạnh gặp anh, anh Sherbourne.”
“Cứ gọi tôi là Tom,” anh nói, đoán thầm chắc buổi chiều hôm đó đáng ra cô phải làm việc khác, chứ không chỉ đứng ngoài biển rải bánh cho chim ăn như vậy. Rồi anh tự hỏi không biết còn có thêm bí mật nào nữa đằng sau nụ cười láu lỉnh đó.
Buổi tối hôm đó cũng không đến nỗi. Vợ chồng ông Đại tá kể lại lịch sử xứ Mũi và việc dựng hải đăng, từ thời ông cụ thân sinh. “Rất quan trọng với giao thương,” Cảng vụ trưởng quả quyết. “Mặt biển Nam Đại Dương rất là khắc nghiệt, chưa kể tới dãy núi chìm đó nữa. Nên giao thông có an toàn mới giao thương được, ai cũng biết vậy.”
“Nhưng đương nhiên, muốn có giao thông an toàn thì đầu tiên đường sá phải tốt,” Chipper lại bắt đầu, chuẩn bị bới lại đề tài duy nhất của mình theo kiểu mới. Tom cố tỏ ra chăm chú nhưng bị Isabel làm xao nhãng. Ghế cô ngồi khuất tầm mắt của những người khác. Isabel liên tục làm mặt nghiêm trọng mỗi khi Cyril Chipper lên tiếng, cứ như màn phụ họa theo lời nói của ông ta.
Màn biểu diễn của Isabel vẫn tiếp tục, Tom cố lắm mới giữ được mặt nghiêm, cho đến khi cuối cùng không chịu được nữa anh bật cười to, rồi nhanh chóng giả vờ đang ho sặc sụa.
“Anh có sao không Tom?” bà vợ ông Đại tá hỏi thăm. “Để tôi lấy nước cho anh.”
Tom vẫn không ngước nhìn lên được, vẫn phải giả vờ ho, vừa ho vừa nói. “Cảm ơn bà. Để tôi đi cùng bà. Không biết sao tự dưng lại ho vậy.”
Khi Tom đứng dậy, Isabel nói, mặt mày tỉnh khô, “Lát nữa khi anh ấy quay vào, bác phải kể chuyện làm đường bằng cây bạch đàn nữa nhé.” Quay về phía Tom, cô dặn. “Anh đừng đi đâu quá. Bác Chipper đây toàn chuyện hay thôi,” rồi cô mỉm cười ngây thơ, cặp môi chỉ khẽ rung lên khi Tom nhìn thẳng vào mắt cô.

Khi tiệc gần tàn, mọi người chúc Tom lên đường may mắn. “Anh trông có vẻ làm nổi đó,” Hasluck nhận xét, Bill Graysmark gật đầu đồng ý.
“Cảm ơn. Hôm nay được gặp mọi người thật vui quá,” Tom nói, bắt tay từng người đàn ông và gật đầu chào mấy người phụ nữ. “Cảm ơn cô, nhờ cô mà tôi không nhớ mất bài giới thiệu về đường sá miền Tây,” anh nói thầm riêng với Isabel. “Tiếc là tôi không có cơ hội đáp trả.” Rồi ai về nhà nấy trong đêm đông lạnh giá.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Chương ba

Theo như lời Ralph Addicott, mặc dù cũ kỹ nhưng con thuyền Hồn Gió chở hàng tiếp tế cho tất cả các trạm dọc theo vùng bờ biển vẫn đáng tin cậy, như con chó chăn bò vậy. Lão Ralph đã lái nó từ bao lâu nay, và lúc nào cũng nói rằng công việc của mình thực tốt nhất trần đời.
“A, chắc anh là Tom Sherbourne. Hân hạnh mời anh xuống thuyền!” ông ta nói, chỉ tay về phía boong gỗ trần trụi và mấy chỗ sơn trầy xước vì nước muối. Khi đó, trời còn chưa sáng, Tom vừa đến nơi, chuẩn bị chuyến hành trình đầu tiên ra Janus Rock.
“Rất hân hạnh gặp bác,” Tom vừa nói vừa bắt tay lão Ralph. Máy tàu vừa được khởi động, mùi khói diesel xộc đầy phổi Tom. Trong buồng lái cũng không ấm áp gì hơn không khí lạnh tê tái bên ngoài, nhung ít ra cũng đỡ được gió táp.
Một mớ tóc đỏ xoăn tít trồi lên từ khoang ngay sau buồng lái. “Chắc là đi được rồi đó bác Ralph à. Xong hết rồi,” người thanh niên tóc đỏ lên tiếng.
“Bluey, đây là anh Tom Sherbourne,” Ralph nói.
“Chào anh!” Bluey vừa nói vừa kéo người lên khỏi miệng hầm tàu.
“Chào cậu.”
“Đúng là thời tiết khỉ gió, lạnh kinh hồn! Hy vọng anh có mang theo mấy thứ đồ lót len. Nếu ở đây mà còn vậy thì ngoài Janus còn tệ hơn nữa,” Bluey nói, thở hơi ra bàn tay.
Khi Bluey dẫn Tom đi xem khắp thuyền người hoa tiêu già cũng đi kiểm tra lại lần cuối. Ông lấy mảnh vải cờ cũ chùi một đường trên tấm kính bị nước biển ăn, rồi gọi với theo. “Dây nhợ xong hết rồi. Chuẩn bị khởi hành nào.” Nói rồi ông mở van tiết lưu, bẻ lái, vừa làm vừa lẩm bẩm nói chuyện với con tàu. “Xong rồi gái già à, lên đường thôi.”
Tom nhìn bản đồ trên bàn điều khiển. Ngay cả khi vẽ theo tỷ lệ bản đồ đó, Janus cũng chỉ là một cái chấm trên vũng cạn xa bờ. Anh dán mắt vào đại dương bao la phía trước, hít đầy lồng ngực vị biển mặn chát, không ngoái đầu lại, sợ nhìn thấy bờ sẽ khiến mình đổi ý.
Nhiều giờ lần lượt trôi qua, dưới chân họ nước càng sâu hơn, nước biển trở màu, giờ đây cảm tưởng như một khối rắn. Thỉnh thoảng, Ralph lại chỉ ra thứ gì đó hay ho — một con đại bàng biển, một đàn cá heo đang đùa giỡn trước mũi thuyền. Có lúc họ thấy cả ống khói của tàu thủy hơi nước lượn lờ phía chân trời. Lâu lâu Bluey lại trồi lên tù buồng bếp, mang theo trà đựng trong mấy cái cốc sắt tráng men sứt mẻ. Ralph kể cho Tom nghe về những cơn bão ác nghiệt, những chuyện kinh hoàng trên các hải đăng dọc theo bờ biển vùng đó. Tom cũng kể lại chút ít về cuộc sống ở vịnh Byron và ở đảo Maatsuyker, cách đó hàng ngàn dặm về phía đông.
“Nếu anh chịu nổi Maatsuyker chắc cũng có hy vọng ở Janus. Biết đâu đó,” Ralph nói, rồi nhìn đồng hồ. “Sao không tranh thủ chợp mắt một chút? Vẫn còn xa lắm, con trai à.”

Khi Tom trở ra từ giường tầng phía dưới, Bluey đang thì thầm gì đó với Ralph, khiến lão lắc đầu.
“Cháu chỉ muốn biết có thật không thôi. Hỏi thôi thì có sao đâu?” Bluey nói.
“Hỏi tôi chuyện gì kia?” Tom lên tiếng.
“Hỏi là…” Bluey nhìn Ralph. Cậu chàng đang sốt sắng nhưng lại bắt gặp vẻ cáu kỉnh bực bội trên gương mặt Ralph, liền đỏ mặt rồi im lặng.
“Thôi vậy. Tôi không dự vào nữa.” Tom nói, rồi nhìn ra mặt nước, lúc này đã chuyển màu xám như da hải cẩu, xô dạt quanh thuyền.
“Lúc đó tui còn nhỏ quá. Má không cho tui khai gian tuổi để đi lính. Chỉ là mấy chuyện tui nghe kể…”
Tom nhìn cậu ta, hàng chân mày rướn lên như muốn hỏi tiếp.
“Nghe nói là anh được Huy chương Chữ thập,” Bluey buột miệng. “Ý tui là, tui rất hãnh diện vì đã được bắt tay một người anh hùng.”
“Chút đó không khiến ai thành anh hùng cả,” Tom nói. “Những người thực sự xứng đáng nhận huy chương thì không còn nữa. Nếu là cậu, tôi sẽ không nghĩ ngợi chuyện đó làm gì,” anh đáp, rồi cúi xuống đọc bản đồ tiếp.

“Đảo kia rồi” Bluey reo lên, đưa ống nhòm cho Tom.
“Nhà anh trong sáu tháng tới đó,” Ralph cười khùng khục.
Tom nhìn qua ống nhòm, thấy hòn đảo nhô lên từ mặt nước tựa như một thứ quái vật biển cả. Vách đá đứng một bên cũng là điểm cao nhất trên đảo, từ đó đổ thoai thoải xuống tới bờ bên kia.
“Lão Neville thấy tụi mình ra chắc là mừng lắm,” Ralph nói. “Lão bực lắm vì đã về hưu rồi mà còn phải đi đổi gác cho Trimble, nói thật với anh. Nhưng nói vậy thôi. Chứ đã là người gác đèn rồi… Người của bên Hải đăng mặc dù có ca cẩm kiểu gì thì cũng không bao giờ chịu để đèn trống. Tôi cũng phải nói trước với anh, Neville Whittnish đó lầm lì như xác chết, chẳng chịu nói năng gì đâu.”
Cầu tàu dài cũng phải tới ba chục mét, được dựng cao để chống đỡ thủy triều và những cơn bão dữ. Bộ ròng rọc vừa được kéo lên, sẵn sàng để móc hàng tiếp tế kéo lên dãy nhà kho ngoài trời. Một người đàn ông khắc khổ, thô tháp, chừng ngoại lục tuần đứng sẵn chờ tàu.
“Ralph. Bluey,” ông ta nói, gật đầu chiếu lệ. Ông ta chào Tom “Hẳn anh là người đổi gác.”
“Tom Sherbourne. Hân hạnh gặp ông,” Tom đáp, đưa tay ra phía trước.
Người đàn ông nhìn bàn tay, ngơ ngác một lúc mới nhận ra ý nghĩa của cử chỉ đó. Ông ta nắm lấy bàn tay Tom giật mạnh một cái, như thể thử xem cánh tay có rớt ra không. “Đi lối này,” ông ta lên tiếng, rồi không chờ Tom thu nhặt đồ đạc, ông ta lê bước về phía trạm đèn. Khi đó mới qua trưa, sau nhiều tiếng lênh đênh trên biển, cũng phải một lúc sau Tom mới lấy lại thăng bằng trên mặt đất. Anh nhặt túi xách rồi lão đảo đi theo người giữ đèn trong khi Ralph và Bluey chuẩn bị dỡ đồ tiếp tế.
“Đây là nhà ở của người gác đèn,” Whittnish nói khi cả hai đến gần một căn nhà thấp lợp tôn lượn sóng. Đằng sau nhà là ba bể nước mưa lớn, kế đó là dãy nhà kho ngoài trời cất giữ đồ đạc cho cả căn nhà ở và trạm đèn. “Anh cứ để túi ở phòng trước,” ông ta vừa nói vừa mở cửa. “Còn phải đi xem nhiều thứ lắm.” Whittnish quay gót lại, đi thẳng về phía tháp đèn. Có tuổi nhưng ông đi đứng khá nhanh nhẹn.
Lát sau, khi nói về hải đăng, giọng ông ta thay đổi hẳn, như thể đang nói về một con chó trung thành hay loài hoa hồng yêu thích vậy. “Đẹp thật, chừng đó năm rồi,” ông nói. Tháp đèn bằng đá trắng đứng dựa lên nền trời xanh xám, tựa như viên phấn khổng lồ. Tháp cao chừng bốn mươi mét, gần vách đá cao nhất trên đảo. Tom choáng ngợp, không chỉ vì tháp đèn cao hơn những hải đăng anh từng gác mà còn vì trông nó thật thanh mảnh duyên dáng.
Đằng sau cánh cửa sơn xanh mọi thứ gần giống như Tom hình dung. Bên trong chỉ rộng vài sải chân, tiếng bước chân của hai người liên tục vọng vào nền nhà xanh bóng và những bức tường trắng uốn cong, nghe như tiếng đạn lạc. Mấy thứ đồ đạc sơ sài - hai tủ kệ, một chiếc bàn nhỏ — cũng được uốn cong ở phía sau để khớp với tòa tháp, đứng nép vào tường như những tấm lưng gù. Ngay giữa tháp là một trụ sắt dày chạy mãi lên tới buồng đèn bên trên, bên trong chứa các quả nặng của hệ thống quay đèn đầu tiên.
Dãy cầu thang bề ngang rộng khoảng sáu tấc bắt đầu xoắn ốc dọc một bên tường, rồi lên cao và biến mất sau nền sắt dày ở tầng trên. Tom đi theo Whittnish lên đó. Tầng trên hẹp hơn, cầu thang xoắn ốc giờ nằm ở bên phía tường đối diện, tiếp tục chạy lên tầng tiếp theo, cứ thế cho tới tầng thứ năm, ngay dưới buồng đèn. Tầng năm cũng là trái tim điều hành của hải đăng. Trong phòng quan sát có đặt một chiếc bàn, trên bàn có sổ nhật ký, máy đánh Morse và ống nhòm. Đương nhiên trong tháp hải đăng các kiểu giường hay ghế nằm ngả lưng đều bị cấm tiệt, chỉ có một chiếc ghế gỗ lưng thẳng, tay vịn đã mòn, láng mịn dưới những bàn tay thô tháp của các thế hệ người gác đèn.
Chiếc phong vũ biểu có lẽ đến lúc phải đánh bóng lại, Tom để ý, trước khi thoáng thấy một vật gì đó ngay bên cạnh bản đồ hàng hải. Một cuộn len có mấy cây kim đan đâm qua và một chiếc khăn quàng cổ vẫn chưa đan xong.
“Của Docherty đó,” Whittnish gật gù nói.
Tom biết những việc người canh đèn thường làm trong buổi trực vắng vẻ: chạm trổ vỏ ốc linh tinh, tạc quân cờ. Đan len cũng không có gì lạ.
Whittnish nói qua về sổ nhật ký, các ghi chú thời tiết, rồi dẫn Tom vào ngay buồng đèn ở tầng trên. Mặt kính buồng đèn chỉ bị cắt ngang bởi những đường viền chồng chéo giữ các tấm kính cửa. Bên ngoài có vọng đài ban công sắt ôm lấy tháp đèn và một chiếc thang lắt léo đứng dựa vào vòm tháp, dẫn lên lối đi hẹp ngay dưới chong chóng gió đang quay phần phật.
“Đẹp quá,” Tom vừa nói vừa nhìn thấu kính khổng lồ đặt trên bệ xoay, cao hơn anh nhiều: một cung điện lăng kính, tựa như tổ ong bằng thủy tinh. Trái tim của Janus là đây, chỉ có ánh sáng, trong suốt và tĩnh lặng.
Dường như trên môi người gác đèn lớn tuổi chớm một nụ cười khi ông nói, “Từ khi tôi còn nhỏ xíu đã có hải đăng. Đẹp quá.”

Sáng hôm sau Ralph đứng trên cầu tàu. “Gần tới lúc khởi hành rồi. Chuyến tới anh có muốn tụi tôi đem báo ra không?”
“Trễ mấy tháng thì còn gì là tin tức. Tôi thà để dành tiền mua một cuốn sách hay còn hơn,” Tom đáp.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Ralph nhìn anh, xem mọi thứ đã đâu vào đó chưa. “Vậy là xong. Giờ thì không đổi ý gì nữa nhé con trai.”
Tom bật cười, ra vẻ rầu rĩ. “Chắc bác nói đúng rồi đó.” “Nói vậy chứ tụi tôi ra liền. Nếu đừng trông quá thì ba tháng cũng không lâu lắm.”
“Anh cứ đối xử với đèn cho đàng hoàng thì nó cũng không phiền gì anh đâu,” Whittnish khuyên. “Chỉ cần kiên nhẫn với tháo vát một chút là được.”
“Tôi sẽ cố”, Tom đáp. Rồi anh quay sang Bluey, đang chuẩn bị tháo dây khởi hành. “Hẹn ba tháng nữa vậy, Blue?”
“Anh cứ chờ đó.”
Con thuyền rời đi, khuấy tung làn nước phía sau, bật ngược gió trong tiếng máy gầm và mịt mù khói. Khoảng cách giữa thuyền với đảo mỗi lúc một xa, cho tới khi Hồn Gió hòa vào chân trời xám như một dấu vết trên tường vừa được đắp bột vôi lên, dần tan biến.
Rồi, một thoáng tĩnh tại. Không phải là sự im lặng: sóng biển vẫn xô vào đá, gió vẫn rít qua tai anh, và cánh cửa lỏng lẻo bên phía nhà kho vẫn đập rầm rầm như nhịp trống giận dữ. Nhưng có gì đó bên trong Tom thật tĩnh tại, lần đầu tiên sau nhiều năm.
Anh đi lên đỉnh vách núi rồi đứng lại. Chuông đeo cổ dê rung lên, hai con gà chọi nhau quang quác. Tự dưng những âm thanh nhỏ nhặt đó lại mang một ý nghĩa mới: âm thanh của những thứ còn sống. Tom leo hết 184 bậc thang lên đến buồng đèn rồi mở cửa ra vọng đài. Gió như một con thú dữ nhảy xổ lên người anh, cố dồn anh về phía cửa, cho tới khi anh lấy hết sức đẩy người ra ngoài, tay nắm chặt lấy lan can sắt.
Lần đầu tiên anh cảm nhận được quang cảnh nơi đó. Cách mặt biển đến hàng trăm feet, anh mê mải ngắm con nước đập vào vách núi rồi đổ lại vào đại dương. Làn nước xô dạt như sơn trắng, dày đục như sữa, lớp bọt thi thoảng lại tan ra, vừa đủ lâu để kịp lộ màu xanh sẫm bên dưới. Phía bên kia hòn đảo, một dãy đá núi to lớn chắn sóng lại, nước biển sau vách đá tĩnh lặng như nước trong bồn tắm. Tom cảm giác như anh đang treo lơ lửng trên bầu trời, chứ không phải bay lên từ mặt đất. Thật chậm rãi, anh quay lưng một vòng, nhìn hết cõi hư vô chung quanh. Cứ như thể hai lá phổi của anh không đủ lớn để hít khí trời, đôi mắt anh không thể nhìn hết không gian chung quanh và đôi tai cũng không thể nào nghe hết tiếng đại dương gầm gừ gào thét. Trong khoảnh khắc chóp nhoáng đó, anh thấy mình như tan vào cả thế gian.
Anh nháy mắt rồi lắc đầu thật nhanh. Anh thấy mình sắp bị cuốn vào cơn gió xoáy. Để kéo mình lại, anh chăm chú lắng nghe nhịp tim, cảm nhận mặt đất dưới chân và gót chân trong ủng. Anh đứng thẳng người dậy rồi tìm một điểm trên cánh cửa vào tháp đèn: một cái bản lề đã lỏng lẻo. Anh bắt đầu từ đó. Một thứ cụ thể. Anh phải tập trung nhìn một vật gì đó thật cụ thể, vì nếu không làm vậy, ai mà biết được tâm và trí anh sẽ trôi dạt về đâu nữa, như cái khinh khí cầu không có đồ dằn. Đó cũng là cách anh sống qua bốn năm máu me và điên loạn: luôn biết chính xác súng của mình ở đâu, ngay cả khi chợp mắt mười phút dưới hầm; luôn kiểm tra mặt nạ chống khí độc và phải chắc chắn rằng cấp dưới hiểu tường tận mệnh lệnh được giao. Không nghĩ đến tháng sau hay năm sau, mà phải nghĩ đến ngay giờ đó, và có lẽ là giờ tiếp theo nữa. Mọi thứ còn lại chỉ là phỏng đoán.
Anh đưa ống nhòm lên, quét khắp đảo tìm thêm có sự sống nào nữa không: anh cần thấy mấy con dê, con cừu, cần đếm từng con. Cứ tập trung vào những thứ rõ ràng. Những chi tiết bằng đồng cần phải được đánh bóng, những tấm kính phải lau chùi — đầu tiên là kính mặt ngoài của đèn, rồi đến các lăng kính. Tra dầu vào, giữ cho bánh răng cưa di chuyển trơn tru, đổ đầy thủy ngân cho đèn quay. Anh bám vào từng ý nghĩ như từng nấc trên chiếc thang để leo lên, trở về với những thứ khả tri, về với đời thực.

Đêm đó, khi châm đèn, anh di chuyển chậm rãi, cẩn trọng như vị tu sĩ từng châm ngọn hải đăng Pharos hàng ngàn năm trước. Anh leo lên thang sắt nhỏ xíu dẫn vào khoang đèn, thụp người chui vào máy đèn. Anh mồi lửa dưới đĩa dầu, hơi dầu bốc lên thành khí bám vào măng-sông. Rồi anh bật que diêm châm vào măng-sông, biến hơi dầu thành ánh lửa sáng trắng. Anh đi xuống tầng dưới, khởi động máy. Ngọn đèn bắt đầu quay với nhịp điệu đều đặn, chính xác, lóe sáng mỗi lần năm giây. Anh cầm cây viết lên, ghi vào cuốn sổ nhật ký bọc da lớn: “Bật đèn lúc 5 giờ 9 phút buổi chiều. Gió hướng Bắc/ Đông Bắc, 15 hải lý trên giờ. Trời âm u, gió mạnh. Biển động cấp 6.” Rồi anh thêm vào tên viết tắt của mình — “T. S.” Dòng chữ viết tay của anh tiếp tục câu chuyện bỏ dở của Whittnish, chỉ vài giờ trước đó, và trước đó nữa là của Docherty — Tom đã trở thành một phần trong chuỗi những người gác đèn không ngưng nghỉ, những nhân chứng của ngọn đèn.
Sau khi đã yên tâm là mọi thứ đã đâu vào đó, Tom trở về khu nhà ở. Anh thấy buồn ngủ rũ rượi, nhưng hiểu rõ rằng nếu không ăn uống sẽ không làm việc được. Trong kho bếp mấy lon thịt bò muối, đậu Hà Lan và quả lê ngâm nằm trên kệ, cạnh bên mấy hộp cá, đường và một hũ kẹo bạc hà cứng, nghe đâu bà Docherty quá cố rất thích thứ kẹo này. Bữa tối đầu tiên trên đảo, anh cắt một khúc bánh mì không men nướng tro mà Whittnish để lại, thêm một mẩu phô mai cứng và một quả táo héo nhăn nheo.
Trên bàn ăn trong bếp, ánh lửa đèn dầu thi thoảng lại chập chờn. Gió vẫn đập vào cửa sổ, như đang trả mối thù từ xa xưa, đi kèm với những ngọn sóng gào thét, ướt nhẹp. Tom thấy nhói lòng khi nghĩ rằng anh là người duy nhất nghe được những âm thanh này: người sống duy nhất trong vòng một trăm dặm quanh đó, tính theo mọi hướng. Anh nghĩ đến những con chim hải âu rúc vào những chiếc tổ rơm rác trên vách đá, những con cá điềm nhiên bơi lội trong bãi san hô, được bảo vệ bằng lớp nước lạnh như băng. Mỗi sinh vật đều cần có chốn ẩn mình.
Tom mang đèn dầu vào buồng ngủ. Bóng anh in lên tường, như một tên khổng lồ phẳng lì. Anh tháo đôi ủng và cởi quần áo ngoài, chỉ mặc quần lót dài. Tóc anh bết đầy muối biển còn da khô khốc vì gió. Anh kéo thẳng tấm trải giường, leo lên nằm rồi bắt đầu mộng mỵ, thân xác vẫn còn đong đưa theo gió và sóng. Cả đêm, ở trên cao, ngọn đèn đứng canh giữ, chém những nhát kiếm sáng vào bóng tối.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Chương bốn

Mỗi sáng sau khi tắt đèn lúc mặt trời mọc, Tom thường đi khám phá thêm một phần trên lãnh địa mới, rồi mới bắt đầu làm việc. Phía bắc hòn đảo là một vách núi đá hoa cương dựng đứng ngay trên mặt biển. Mặt đất thoai thoải về phía nam, nhẹ nhàng trượt xuống dưới mặt nước trong lòng phá cạn. Bên cạnh bãi biển nhỏ này là bánh xe nước, lấy nước ngọt từ suối về khu nhà ở. Những khe nứt gãy chạy từ đất liền suốt theo lòng biển, ra đến đảo và xa hơn nữa, từ đó những dòng suối nước ngọt kỳ bí chảy ra. Khi người Pháp mô tả hiện tượng này hồi thế kỷ mười tám, ngay lập tức người ta lên tiếng phủ nhận, cho đó là chuyện mê tín. Nhưng rõ là nước ngọt thậm chí còn xuất hiện ở nhiều chỗ ngay trên đại dương, cứ như tạo hóa đang làm trò ảo thuật.
Tom bắt đầu lên thời gian biểu hàng ngày. Theo quy định cứ mỗi Chủ nhật anh lại kéo cờ hiệu lên. Anh luôn làm đúng như vậy, cũng là việc đầu tiên trong ngày. Anh kéo cờ hiệu mỗi khi có tàu chiến đi ngang qua đảo, cũng theo đúng quy định. Tom biết nhiều người gác đèn vừa làm việc này vừa lầm bầm chửi thề, nhưng với anh chút lễ nghi lề thói đó lại khá dễ chịu. Làm những việc không có mục đích thực tế với anh cũng là tận hưởng chút xa xỉ, một thứ xa xỉ của thế giới văn minh.
Anh lên kế hoạch sửa chữa những món hư hỏng từ khi Trimble Docherty ngã bệnh. Quan trọng nhất chính là ngọn hải đăng, cần đắp thêm vôi bột vào mấy đường viền giữ mặt kính buồng đèn. Sau đó anh mài đá lên mặt gỗ ngăn kéo bàn đã phồng rộp vì gió cát, rồi quét sạch bằng chổi đầu cứng. Anh chấm sơn xanh lên mấy chỗ bị trầy xước hay đã mòn vẹt trên nền nhà. Cũng phải lâu lắm nữa người ta mới ra sơn quét hết lại cả trạm đèn.
Máy móc đáp lại sự chăm chút của Tom: những tấm gương ánh lên, những chi tiết bằng đồng sáng bóng, và ngọn đèn quay trên chậu thủy ngân nhịp nhàng trơn tru như con mòng biển lượn trên ngọn gió. Thỉnh thoảng anh cũng có thời gian đi xuống chỗ vách đá để câu cá, hay đi bộ dọc theo bờ biển cát mịn dưới phá. Anh làm bạn với cặp rắn mối đen sống trong nhà kho gỗ, lâu lâu lại mang ra cho chúng ít thức ăn của gà. Anh ăn uống dè sẻn: phải mấy tháng nữa mới có thuyền tiếp tế.
Công việc vất vả và bận rộn. Những người gác đèn không có hội đoàn gì, không như thủy thủ trên thuyền tiếp tế - chẳng ai đình công đòi tăng lương hay đòi cải thiện điều kiện làm việc cả. Sau một ngày làm việc anh mệt lả, nhức nhối, có khi lo lắng vì cơn bão sắp đổ đến, hoặc bực bội vì mưa đá vừa phá hết đám rau củ. Nhưng nếu không nghĩ ngợi quá lâu, anh vẫn biết mình là ai, đang làm gì. Anh chỉ cần giữ cho ngọn đèn cháy. Không có gì hơn.

Gương mặt ông già tuyết má đỏ, râu rậm nhìn anh cười sảng khoái. “À, anh Tom Sherbourne, anh sống ra sao rồi?” Ralph không chờ câu trả lời, ném cho anh sợi dây ướt nhẹp để quấn quanh cột. Trông Tom rắn rỏi khỏe mạnh sau ba tháng, như những người gác đèn khác mà ông từng biết.
Trước đó Tom mải chờ hàng tiếp tế cho ngọn đèn là chính, không quan tâm nhiều đến những thứ đồ ăn cũng sẽ được mang ra. Anh cũng quên mất là con thuyền sẽ mang ra cả thư từ, nên khá bất ngờ khi nhận mấy phong thư từ tay Ralph lúc cuối ngày. “Suýt nữa thì quên,” lão nói. Thư từ Cán bộ Quận của Ngành hải đăng, xác nhận việc bổ nhiệm công tác cho Tom cùng với các điều kiện đi kèm. Thư của Cơ quan Hồi hương, ghi rõ các khoản phúc lợi dành cho quân nhân vừa trở về, bao gồm cả lương hưu thương binh và khoản vay lập nghiệp. Cả hai đều không liên quan đến Tom nên anh mở lá thư tiếp theo, một tờ sao kê từ Ngân hàng Khối Thịnh Vượng Chung, xác nhận anh vừa tích lũy được bốn phần trăm lãi suất trên số tiền năm trăm bảng trong tài khoản. Cuối cùng anh mới mở phong thư ghi địa chỉ bằng tay. Anh không nghĩ ra có ai lại viết thư cho mình, hơi lo là ai đó có ý tốt muốn báo tin của anh trai và người cha.
Anh mở thư đọc. “Tom thân mến, Tôi muốn biên thư hỏi xem anh đã bị gió thổi bay hay bị sóng cuốn ra biển hay chưa. Với cả chuyện không có đường sá có phiền anh lắm không…” Anh lướt xuống chữ ký “Thân mến, Isabel Graysmark.” Đoạn giữa đại để mong rằng anh không quá đơn độc ngoài đó, nhắn anh nhớ ghé qua chào một tiếng trước khi đi tới trạm công tác tiếp theo. Cô còn trang trí lá thư bằng bức ký họa người gác đèn đứng dựa vào tháp hải đăng, miệng huýt gió một điệu gì đó, đằng sau lưng là một con cá voi khổng lồ đang ngoi lên khỏi mặt nước, hàm há ra. Cô chú thích thêm vào: “Từ đây tới đó đừng để bị cá voi ăn thịt nhé.”
Bức thư khiến Tom mỉm cười. Bức ký họa thật kỳ khôi. Hơn nữa, thật ngây thơ. Tự dưng chỉ cần cầm bức thư trong tay cũng khiến anh thấy nhẹ cả người.
“Bác đợi thêm một lát được không?” anh hỏi Ralph, lúc này đang gom đồ đạc chuẩn bị cho chuyến đi về.
Tom chạy lên bàn, tìm giấy và viết. Anh ngồi xuống, định viết nhưng rồi nhận ra anh chẳng biết viết gì. Anh không muốn nói gì cả: chỉ muốn gởi cho cô một nụ cười.
Isabel thân mến,
Tôi vẫn chưa bị thổi bay hay bị sóng cuốn (xa hơn) ra ngoài biển, thật may thay. Tôi thấy nhiều cá voi rồi nhưng chẳng con nào muốn ăn thịt tôi cả: Chắc vì chẳng ngon lành gì.
Tôi cũng khá ổn, nói chung vậy, và vẫn chịu được chuyện ở đây không có đường sá gì. Tôi mong là cô vẫn cho đám chim xứ Mũi ăn uống đầy đủ. Tôi mong gặp cô trước khi rời Partageuse để đi… ai mà biết được là đâu?… sau ba tháng nữa.


Phải ký sao đây?
“Gần xong chưa?” Ralph gọi với lên.
“Gần rồi,” anh đáp rồi viết thêm, “Tom.” Anh dán bức thư lại, ghi địa chỉ và đưa cho người hoa tiêu. “Bác gởi bưu điện giùm cháu được không?”
Ralph nhìn địa chỉ, nháy mắt. “Tôi sẽ chuyển tận tay. Đằng nào cũng phải đi ngang qua đó.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Chương năm

Sau sáu tháng ở Janus, Tom lại được tận hưởng sự hiếu khách của bà Mewett thêm một lần nữa, vì lý do đột xuất: vị trí người gác đèn ở Janus bây giờ đã thành việc chính thức. Trimble Docherty không hề tỉnh táo lại, mà còn loạn trí hơn, và đã gieo mình xuống một vách đá núi hoa cương ở Albany có tên là Khoảng Trống. Lúc nhảy xuống ông ta vẫn đinh ninh là mình đang nhảy xuống con thuyền do bà vợ lái. Vậy là Tom được gọi vào bờ để nói chuyện công việc mới, làm giấy tờ và nghỉ ngơi trước khi nhận nhiệm vụ chính thức. Đến lúc này năng lực của Tom đã quá rõ ràng, Cục Hải đăng Fremantle không cần phải tuyển người ở đâu khác nữa.
“Có được người vợ tốt rất là quan trọng,” Đại tá Hasluck nói khi Tom chuẩn bị rời văn phòng cảng. “Bà Moira Docherty biết tự vận hành đèn, sống với Trimble quá lâu rồi mà. Cũng phải là kiểu phụ nữ đặc biệt lắm mới chịu sống ngoài Hải đăng. Khi nào tìm được đúng người là anh phải cưới liền tay. Nhưng mà, kiểu này thì anh lại phải đợi thêm một thời gian nữa…”
Khi Tom rảo bước về lại nhà bà Mewett, anh nghĩ về những món di vật ngoài hải đăng - đồ đan len của Docherty, lọ kẹo bạc hà của bà vợ vẫn nằm im trong bếp. Những cuộc đời qua đi, dấu tích còn ở lại. Rồi anh nghĩ về nỗi tuyệt vọng của người gác đèn bị giằng xé trong niềm nhớ thương người vợ đã khuất. Đâu chỉ có chiến tranh mới khiến người ta gieo mình xuống vách núi.

Hai ngày sau khi trở về Partageuse, Tom ngồi im như bộ xương cá voi trong phòng khách nhà Graysmark. Hai ông bà già trông chừng cô con gái, như cặp đại bàng giữ con mới nở. Chật vật lắm Tom mới nghĩ ra chuyện để nói, anh chỉ nói về thời tiết, gió máy - ở ngoài đảo thì vô vàn, rồi tới chuyện những người bà con nhà Graysmark sống tại các vùng khác ớ phía Tây. Cũng khá dễ dàng lái câu chuyện để không phải nói về bản thân anh.
Khi Isabel tiễn anh ra cổng sau đó, cô hỏi, “Bao giờ thì anh ra đảo lại?”
“Hai tuần nữa.”
“Vậy thì phải tận dụng cho hết,” cô nói, cứ như thể vừa rút ra kết luận sau khi bàn cãi khá lâu.
“Vậy sao?” Tom hỏi, thấy vừa ngồ ngộ vừa ngạc nhiên. Anh thấy như cô đang dìu anh nhảy bước waltz đi giật lùi.
Isabel mỉm cười. “Vậy đó.” Ánh đèn đậu trên mắt cô, anh tưởng tượng mình có thể nhìn sâu vào đó: anh thấy được sự trong sáng, vẻ cởi mở, như lôi cuốn anh vào. “Ngày mai anh lại ghé thăm nhé. Tôi sẽ chuẩn bị đồ đi dã ngoại. Ta có thể đi xuống chỗ vịnh.”
“Tôi nên xin phép cha cô trước chứ? Hay mẹ cô vậy?” Anh nghiêng đầu một bên. “Ý tôi là, nếu không đường đột quá, cho tôi hỏi cô bao nhiêu tuổi rồi?”
“Đủ tuổi đi dã ngoại.”
“Tức là…?”
“Mười chín. Sắp. Vậy nên anh để tôi lo chuyện ba má tôi,” cô nói, rồi vẫy tay chào và bước vào trong.
Tom trở về nhà bà Mewett, bước chân nhẹ như không. Tại sao vậy, anh không nói được. Anh không biết gì về cô gái này, chỉ trừ việc cô rất hay mỉm cười, và tự dưng trong lòng anh… thấy vui.

Ngày hôm sau Tom trở lại nhà Graysmark, không hẳn là hồi hộp mà là tò mò, không biết vừa mới đến hôm qua mà đã quay lại ngay thế này thì có sao không.
Bà Graysmark ra mở cửa, mỉm cười. “Chỉnh tề, đúng giờ,” bà nói, cứ như thể đang điền bảng chấm điểm vô hình. “Lính mà…” Tom đáp.
Isabel xuất hiện với chiếc giỏ mây đựng đồ dã ngoại, cô đưa ngay cho anh. “Anh làm sao đem tới đó mà còn nguyên,” cô nói rồi quay sang hôn lên má bà mẹ. “Tạm biệt má.”
“Nhớ đừng ra nắng. Coi chừng nổi tàn nhang,” bà dặn dò cô con gái. Bà nhìn Tom, cái nhìn có ý nghiêm nghị hơn mấy lời nói. “Đi chơi vui nhé. Đừng về trễ quá”
“Cảm ơn bà Graysmark. Tôi sẽ đưa cô về sớm.”
Isabel đi trước, hai người rảo bước qua những con đường trong thị trấn rồi ra biển.
“Đi đâu đây?” Tom hỏi.
“Bí mật.”
Họ đi qua con đường đất dẫn ra phía Mũi, hai bên cây cối rậm rạp. Những bụi cây ở đó không to lớn như cây trong rừng nếu vào sâu thêm khoảng chừng một dặm nữa, nhưng khá gai góc, chắc nịch, chống chọi được với muối và những cơn gió quật. “Đi hơi lâu. Anh có mệt không?” cô hỏi.
Tom bật cười. “Chắc cũng đủ sức đi mà khỏi phải chống gậy.”
“Ơ, tôi chỉ nghĩ ở Janus anh cũng đâu có chỗ nào để đi nhiều, phải vậy không?”
“Thực ra cả ngày đi lên xuống cầu thang cũng tốn sức lắm.” Anh vẫn dè dặt trước cô gái hay làm anh ngơ ngẩn trong thoáng chốc.
Họ đi tiếp, cây cối thưa đi và tiếng sóng biển mỗi lúc một to hơn. “Anh ở Sydney tới, hẳn thấy Partageuse chán lắm” Isabel buột miệng.
“Tôi cũng chưa ở đây lâu, nên không biết được.”
“Thì vậy. Nhưng Sydney… tôi tưởng tượng hẳn phải rộng lớn, nhộn nhịp và hoành tráng lắm. Chốn đô thành mà.”
“Cũng chưa là gì so với London.”
Isabel đỏ mặt. “Ô, tôi không biết là anh còn từng tới đó nữa. Hẳn thành phố lớn lắm. Biết đâu ngày nào đó tôi cũng sẽ đi.”
“Ở đây tốt hơn, tôi nói thật. London… khá ảm đạm. Tôi hay ghé qua khi có kỳ phép. Xám xịt, âm u, lạnh lẽo như xác chết. Tôi thích Partageuse hơn.”
“Ta sắp tới chỗ đẹp nhất rồi. Hoặc ít ra là đẹp nhất với tôi.” Phía sau hàng cây một eo đất lộ ra, nhô xa tới biển. Eo đất dài, trống trơn, bề ngang rộng chừng vài trăm thước, sóng liếm mọi bề. “Đây là Mũi của xứ Mũi Partageuse,” Isabel nói. “Chỗ tôi thích nhất là dưới kia, ở bên trái, nơi có mấy hòn đá thật to.”
Họ đi nữa, ra tới giữa eo đất. “Cứ thả giỏ xuống đó rồi theo tôi,” cô nói, rồi không nói gì thêm, cô tháo tung giày ra, chạy trên những mặt đá hoa cương màu đen ngả nghiêng xuống nước.
Tom đuổi kịp cô khi Isabel vừa ra đến rìa mũi. Ở đây vách đá quây vòng lại, bên trong sóng biển xô dạt, cuộn xoáy. Isabel nằm xuống mặt đất, nghiêng đầu về phía mép đá. “Nghe này,” cô nói. “Anh nghe tiếng nước không, cứ như đang ở trong hang động hay nhà thờ lớn vậy.”
Tom nghiêng xuống nghe.
“Anh phải nằm xuống kia,” cô nói.
“Để nghe rõ hơn hả?”
“Không, để không bị cuốn đi. Chỗ này dễ bị cuốn lắm. Nếu có đợt sóng lớn bất thần anh sẽ bị rớt xuống dưới ngay.”
Tom nằm xuống bên cạnh cô, ngóc đầu ra ngoài, nơi sóng nước vang vọng, gào thét, dạt dào. “Janus cũng vậy.”
“Ở ngoài đó ra sao? Toàn chuyện nghe nói nhưng không ai đi ra đó trừ người gác đèn và thuyền tiếp tế. À, có một ông bác sĩ nữa, hồi mấy năm trước, khi đó nguyên một con tàu bị cách ly ngoài đảo vì có người bị thương hàn.”
“Ở đó… ừm, chẳng giống nơi nào khác. Cứ như là một thế giới riêng vậy.”
“Họ kể ngoài đó khắc nghiệt lắm, là nói chuyện thời tiết đó.”
Cũng có lúc vậy.
Isabel ngồi bật dậy. “Có lúc nào anh thấy cô đơn không?”
“Bận quá nên cũng không thấy. Lúc nào cũng có thứ cần sửa, cần kiểm tra hay phải ghi chép lại.”
Cô nghiêng đầu về một bên, ý chừng như nghi ngờ câu trả lời, nhưng cho qua. “Anh có thích ở ngoài đó không?”
“Có.”
Đến đây Isabel bật cười. “Anh kiệm lời quá hả?”
Tom đứng dậy. “Đói chưa? Chắc tới giờ ăn trưa rồi.” Anh nắm lấy tay cô, đỡ cô đứng dậy. Bàn tay cô nhỏ, mềm, lòng bàn tay phủ một lớp cát mỏng. Tay cô nằm trong tay anh, thật nhỏ nhắn.
Isabel dọn ra bánh mì kẹp thịt bò bỏ lò và bia gừng, sau đó là bánh trái cây và táo giòn.
“Vậy, cô viết thư cho tất cả những người gác đèn ngoài Janus sao?” Tom hỏi.
“Có ai đâu mà nhiều,” Isabel đáp. “Lâu lắm rồi mới có người mới.”
Tom ngập ngừng trước khi hỏi câu tiếp theo.
“Tại sao cô viết vậy?”
Cô mỉm cười, nhấp một ngụm bia gừng rồi trả lời. “Vì đi cho chim ăn với anh rất là vui? Vì tôi đang chán? Vì tôi chưa bao giờ gởi thư ra hải đăng?” Cô vén tóc lên rồi nhìn xuống nước. “Anh không thích tôi viết hả?”
“Ôi không, tôi không… ý tôi là…” Tom chùi tay lên chiếc khăn. Lại choáng váng ngẩn ngơ. Một cảm giác thật mới mẻ, với riêng anh.

Tom và Isabel ngồi dưới chân cầu tàu ở Partageuse. Hôm đó là ngày gần cuối năm 1920. Gió đẩy những con sóng nhỏ liếm lên mạn thuyền, giật cả mấy sợi dây thừng trên cột buồm. Ánh đèn cảng chiếu xuống mặt nước, sao giăng đầy trời.
“Nhưng em muốn biết hết,” Isabel nói, đôi bàn chân trần đong đưa trên mặt nước. “Anh không thể cứ nói, ‘Không có gì để kể.’” Cô đã moi được chuyện anh học trường tư, có bằng kỹ sư Đại học Sydney, nhưng càng lúc càng thấy tức tối. “Em có thể kể anh nghe rất nhiều chuyện - chuyện bà em, rồi chuyện bà dạy em chơi dương cầm, những chuyện em còn nhớ về ông, mặc dù khi ông mất em vẫn còn nhỏ. Em có thể kể nghe chuyện làm con của thầy hiệu trưởng ở Partageuse. Em còn kể được về anh Hugh và anh Alfie, hồi nhỏ mấy anh em hay nghịch chiếc xuồng, đi câu cá dưới sông.” Cô nhìn mặt nước. “Em vẫn còn nhớ hồi đó lắm.” Cô vấn lọn tóc quanh ngọn tay, nghĩ ngợi gì đó, rồi hít một hơi. “Mỗi người cứ như là… cả một dãy ngân hà để khám phá. Em muốn biết về dãy ngân hà của anh.”
“Em muốn biết gì nữa?”
“Về gia đình anh chẳng hạn.”
“Tôi có một một người anh trai.”
“Em biết tên được không, hay anh quên rồi?”
“Dễ gì mà quên được. Tên là Cecil.”
“Còn ba má anh thì sao?”
Tom nheo mắt nhìn ánh đèn trên cột buồm, “Thì sao?”
Isabel ngồi thẳng lại, nhìn thẳng vào mắt anh. “Thực ra anh đang nghĩ gì?”
“Mẹ tôi mất rồi. Tôi không giữ liên lạc với cha.” Khăn choàng của cô tuột khỏi vai, anh kéo nó lên. “Em lạnh không? Đi về nhé?”
“Tại sao anh không muốn nói chuyện đó?”
“Nếu em muốn thì tôi sẽ kể. Tôi thực không muốn nói tới. Nhiều khi cái gì đã qua thì nên để nó qua đi.”
“Nhưng gia đình không bao giờ qua đi cả. Đi đâu mình cũng mang theo mà.”
“Vậy thì càng đáng tiếc.”
Isabel đứng thẳng dậy. “Cũng chẳng sao. Về thôi. Chắc ba má ở nhà đang lo không biết mình đi đâu rồi,” cô nói. Hai người rảo bước nhanh trên cầu tàu.

Đêm đó khi đã lên giường, Tom nghĩ về thời thơ ấu của mình, mà khi nãy Isabel đã rất hăng hái điều tra. Anh chưa bao giờ kể với ai. Nhưng giờ đây nghĩ đến những ký ức đó, anh thấy đau đớn chông chênh, như rà đầu lưỡi lên chiếc răng vừa gãy. Anh thấy mình là thằng bé con tám tuổi, kéo lấy tay áo cha và khóc lóc, “Đi cha! Cho mẹ về đi cha. Đi mà cha. Con thương mẹ quá!” Rồi cha hất bàn tay anh như phủi bụi. “Không được nhắc đến bà ấy thêm lần nào nữa trong nhà này. Nghe rõ chưa hả?”
Khi cha anh bước ra khỏi phòng, anh trai Cecil, lớn hơn Tom năm tuổi, khi đó đã cao hơn anh khá nhiều, liền đánh anh một cái vào sau đầu. “Tao nói rồi, thằng ngốc. Tao nói là đừng nói vậy” rồi bước theo cha, sải chân cũng trịnh trọng như thế, để đứa em nhỏ đứng một mình giữa phòng khách. Thằng bé rút ra một chiếc khăn mùi soa ren từ trong túi, vẫn còn vương vấn mùi hương của mẹ. Nó chạm khăn vào má, tránh dòng nước mắt nước mũi đầm đìa. Nó chỉ muốn có cảm giác được chạm vào chiếc khăn, muốn hít mùi hương đó, chứ không muốn lau chùi gì cả.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 08 Aug 2019

Tom nghĩ đến căn nhà trống trải, lạnh lùng: sự im ắng làm chết lặng mỗi căn phòng nhưng ở mỗi phòng lại có một cung bậc khác nhau. Anh nghĩ đến gian bếp nồng mùi xà phòng diệt khuẩn, sạch như lau như li dưới bàn tay của những người giúp việc. Tom nhớ mùi bột giặt Lux đáng ghét, nhớ mình đã đau khổ thế nào khi tìm thấy chiếc khăn mùi xoa được bà giúp việc tên Gì-đó giặt sạch, hồ cứng. Hẳn bà ấy đã thấy nó trong túi quần short của Tom, rồi đem giặt liền, làm mất sạch mùi hương của mẹ. Tom đã đi tìm khắp những góc trong nhà, những nơi tủ kệ, chỉ mong gặp lại mùi hương ngọt ngào, mờ mịt đó. Nhưng ngay cả trong phòng ngủ của mẹ cũng chỉ có mùi nước đánh bóng, mùi băng phiến, như thể bóng dáng mẹ cuối cùng cũng bị xua đuổi sạch.

Ở Partageuse, hai người ngồi trong Tiệm Trà, Isabel cố thêm lần nữa.
“Tôi không cố ý che giấu gì cả,” Tom nói. “Chỉ có điều đào xới lại quá khứ là việc vô ích.”
“Em cũng không muốn tò mò. Chỉ vì… anh có cả một cuộc đời, một câu chuyện, mà em thì đến trễ. Em chỉ muốn hiểu mọi thứ. Muốn hiểu anh.” Cô ngập ngừng, rồi hỏi nhỏ nhẹ, “Nếu không được nói về quá khứ, vậy có được nói về tương lai không?”
“Chẳng bao giờ có thể nói về tương lai cả, nếu em nghĩ cho kĩ. Ta chỉ nói được về những thứ mình tưởng tượng ra, ước ao tới. Những thứ đó đâu phải là tương lai.”
“Được rồi, vậy anh ước ao gì kia?”
Tom im lặng một lúc. “Cuộc sống. Chừng đó với tôi là đủ rồi.” Anh hít một hơi sâu rồi quay lại nhìn cô. “Còn em thì sao?”
“Ôi, em ước nhiều thứ lắm, lúc nào cũng vậy!” cô thốt lên. “Em ước gì trời thật đẹp mỗi khi trường học Chủ nhật đi dã ngoại. Em ước… anh đừng cười nha… em ước có một người chồng tốt, có nhiều con cái. Tiếng bóng cricket bay vào cửa sổ, mùi thịt hầm trong bếp. Con gái hát những bài Giáng Sinh và con trai chơi đá bóng… Em không tưởng tượng nổi sống mà không có con cái, anh thì sao?” Cô như mơ mộng ở tận đâu một lát, trước khi nói tiếp. “Đương nhiên là không phải bây giờ.” Cô ngập ngừng. “Không như Sarah.”
“Ai kia?”
“Bạn em, Sarah Porter. Ở cùng xóm. Tụi em hay chơi đồ hàng với nhau. Nó lớn hơn một chút, nhưng lúc nào cũng muốn làm má em.” Gương mặt cô trở nên xa xăm. “Nó… lỡ dại - khi mới có mười sáu tuổi. Ba má bắt đi Perth để khỏi ai thấy. Bắt nó đem con cho trại mồ côi. Họ nói rồi sẽ tìm người nhận nuôi nhưng mà, thằng bé bị khoèo chân.
“Sau đó nó lấy chồng, không ai nhớ tới đứa nhỏ nữa. Rồi tự dưng một ngày nó hỏi em có đi Perth với nó được không, để bí mật đi thăm trại mồ cô. “Trại Trẻ” chỉ cách nhà thương điên có vài căn. Ôi Tom, anh chưa bao giờ thấy cảnh tượng cả một nhà toàn trẻ con không mẹ. Không ai thương tụi nó hết. Sarah không thể mở miệng với chồng — kiểu gì anh ta cũng đuổi nó ra khỏi nhà. Anh ta không biết gì, cho đến giờ cũng vậy. Con nó vẫn còn ở đó: nó chỉ có thể nhìn thôi. Lạ lùng là em cứ khóc suốt. Nhìn mặt mấy đứa nhỏ em thấy không đành. Gởi vào trại mồ côi thì khác gì gởi xuống địa ngục.”
“Đứa trẻ nào cũng cần mẹ,” Tom nói, lạc đi trong chút suy nghĩ riêng tư.
Isabel kể tiếp, “Sarah giờ ở Sydney. Em không nghe tin gì của nó nữa.”

Trong hai tuần đó, Tom và Isabel cứ cách một ngày lại gặp nhau. Khi Bill Graysmark hỏi vợ rằng việc “đi lại” như vậy có “đường hoàng” không, bà Graysmark trả lời, “Ôi chao Bill à. Đời ngắn lắm. Nó là đứa khôn ngoan, biết mình muốn gì. Hơn nữa, thời buổi này dễ gì tìm được người nào còn nguyên cả tứ chi. Còn kén cá chọn canh gì nữa…” Bà cũng biết rằng xứ Mũi rất nhỏ bé. Không có chỗ nào mà hai người có thể làm gì mờ ám. Tai mắt khắp nơi sẽ báo ngay nếu có chuyện gì không “đường hoàng”.
Tom thấy ngạc nhiên rằng mình rất trông đến lúc gặp Isabel. Cứ như thể cô đã làm anh không còn cảnh giác nữa. Anh thích nghe những câu chuyện cô kể về cuộc sống ở Partageuse, về lịch sử xứ Mũi; chuyện người Pháp chọn cái tên đó cho vùng đất giữa hai đại dương, vì nó vừa có nghĩa là “chia sẻ” lại vừa có nghĩa là “chia cắt”. Cô kể chuyện trèo cây bị ngã gãy tay, chuyện mấy anh em nghịch, tô sơn chấm đỏ lên con dê của bà Mewett rồi gõ cửa nhà bà, nói rằng con dê chắc lên sởi rồi. Cô nói nhỏ nhẹ, dừng nhiều chỗ khi kể chuyện các anh hy sinh ở Somme, rồi cả chuyện cô ước gì có thể làm cho cha mẹ mỉm cười lần nữa.
Tom thấy ngại ngùng. Thị trấn thật nhỏ bé. Cô nhỏ hơn anh nhiều tuổi. Có thể sau khi ra đến đảo rồi anh sẽ không bao giờ gặp lại cô nữa. Những tay khác có thể đã chộp lấy ngay cơ hội, nhưng với Tom, ý thức giữ gìn danh dự lại như một liều thuốc giải cho những ngày tháng anh từng sống qua.

Isabel không thể nói thành lời thứ cảm giác mới mẻ… có lẽ là sự phấn khích… mỗi khi cô gặp người đàn ông này. Ở anh ta có gì đó bí hiểm — cứ như thể dưới nụ cười đó, anh ta vẫn còn đang ở tận đâu đâu. Cô muốn chạm được vào trái tim anh.
Nếu chiến tranh có dạy cho Isabel điều gì, đó chính là không thể dửng dưng chờ đợi: những chuyện quan trọng phải làm ngay. Đời có thể mang đi những thứ ta trân quý, rồi không bao giờ trả lại. Cô thấy nóng ruột, muốn nắm lấy cơ hội. Trước khi có ai khác tìm đến.

Buổi chiều trước khi Tom phải trở về Janus, hai người đi dạo dọc theo bãi biển. Mặc dù hôm đó chỉ mới ngày hai tháng Giêng, Tom cảm tưởng như anh đã đến Partageuse mấy năm rồi chứ không phải chỉ sáu tháng.
Isabel nhìn ra phía biển, vầng dương đang trôi xuống màu nước xám phía chân trời. Cô nói. “Em muốn nhờ anh làm một chuyện, Tom à.”
“Được thôi. Chuyện gì vậy?”
“Em đang tự hỏi,” cô nói, vẫn không chậm bước lại, “anh sẽ hôn em chứ.”
Tom tưởng như ngọn gió vừa thốt lên những lời đó, và vì cô vẫn không dừng bước, anh cố nghĩ xem thực ra cô vừa nói gì.
Anh đoán. “Đương nhiên là tôi sẽ rất nhớ em. Nhưng… có lẽ… lần về phép tới tôi sẽ lại gặp em?”
Cô nhìn anh lạ lùng, anh bắt đầu thấy lo lắng. Ngay cả trong ánh nắng đang dần tắt, gương mặt cô đỏ ửng.
“Tôi… tôi xin lỗi, Isabel. Tôi không giỏi nói năng… nhất là những lúc như thế này.”
“Như thế nào kia?” cô hỏi, thấy đớn đau vì chợt nghĩ chẳng lẽ đây là việc anh hay làm. Mỗi bến cảng lại có một người con gái.
“Tức là… nói lời chia tay. Tôi quen ở một mình. Có người khác cũng được. Nhưng thấy khó khăn khi đổi từ chỗ này sang chỗ kia.”
“Vậy để em giúp nhé, được không? Em sẽ đi luôn. Ngay bây giờ.” Cô quay gót chuẩn bị đi xuống biển.
“Isabel, Isabel, đợi đã!” Anh chạy theo cô, bắt lấy bàn tay cô. “Tôi không muốn em đi mà không… tôi không muốn em đi luôn như vậy. Tôi sẽ làm việc em nhờ. Tôi sẽ nhớ em. Tôi rất… rất vui khi được ở bên em.”
“Vậy thì đem em ra Janus đi.”
“Gì kia… em muốn ra ngoài đó chơi à?”
“Không. Ra ở luôn chứ.”
Tom bật cười. “Trời đất, nhiều khi em nói chuyện thật lạ đời.”
“Em nói nghiêm túc.”
“Làm gì có chuyện,” Tom nói, nhưng trong ánh mắt cô có gì đó khiến anh nghĩ có lẽ cô nói thật.
“Tại sao không?”
“Cả trăm lý do, mới nghĩ cũng ra. Thứ nhất người phụ nữ duy nhất được phép ra đó là vợ của người gác đèn.” Cô không nói gì nữa, anh nghiêng đầu thêm một chút, cứ như thể làm vậy sẽ khiến anh hiểu được cô.
“Vậy cưới em đi.”
Anh chớp mắt. “Izz… tôi chỉ mới quen em! Rồi còn nữa… tôi thậm chí còn… còn chưa hôn em lần nào, chứ nói gì…”
“À thì đây!” Cô nói cứ như câu trả lời quá rõ ràng, cô nhón chân và kéo đầu anh về phía mình. Trước khi anh kịp nhận ra chuyện gì, cô hôn anh, vụng về nhưng dữ dội. Anh né ra.
“Một trò chơi nguy hiểm, Isabel à. Em không nên hôn bừa như vậy. Đừng làm vậy trừ khi em thực sự muốn làm.”
“Nhưng em muốn mà.”
Tom nhìn cô, đôi mắt cô như muốn thách thức anh, chiếc cằm bé xinh bất động. Một khi anh vượt qua cái ranh giới đó, ai mà biết được rồi sẽ ra sao? Mặc kệ tất.
Mặc kệ những thứ phép tắc nọ kia. Quên luôn đúng sai ở đây. Trước mặt anh là một cô gái xinh đẹp, đang van xin được anh hôn. Mặt trời vừa lặn, mấy tuần phép vừa hết và giờ này ngày mai anh sẽ lại một mình ở nơi cô quạnh. Anh ôm lấy gương mặt cô và hôn cô chậm rãi, để thời gian trôi đi. Anh không thể nhớ được nụ hôn nào như thế cả.
Cuối cùng anh buông cô ra, kéo một lọn tóc vừa rơi xuống mắt cô. “Em về nhà đi, không thì ông bà sẽ cho lính đuổi theo tôi mất.” Anh khoác tay qua vai cô rồi dìu cô đi trên cát.
“Em nói thật đó, anh biết không, chuyện kết hôn đó.”
“Có loạn trí mới muốn lấy tôi Izz à. Gác đèn không phải là nghề xông xênh. Làm vợ người gác đèn cực lắm.”
“Em biết mình muốn gì, Tom à.”
Anh đứng im. “Em nghe đây. Tôi không muốn lên giọng dạy đời với em, Isabel à, nhưng… em nhỏ hơn tôi khá nhiều: năm nay tôi đã hai mươi tám rồi. Tôi đoán em trước giờ em cũng chưa quen ai.” Tom đoán được điều đó từ nụ hôn vụng về đầu tiên.
“Chuyện đó thì liên quan gì?”
“Chỉ là… không nên nhầm lẫn, chỉ vì lần đầu tiên. Nghĩ kĩ đi. Tôi cá với em, cá bằng hết thảy trà ở Trung Hoa rằng chỉ trong mười hai tháng em sẽ quên tôi.”
“Thì anh chờ xem,” cô nói rồi nhón chân hôn anh lần nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 09 Aug 2019

Chương sáu

Những ngày hè trong trẻo, đảo Janus như vươn mình, duỗi ra đến từng ngón chân, tưởng chừng có lúc ngoi khá cao lên khỏi mặt nước mà không phải chỉ bởi vì thủy triều lên xuống. Có khi cả hòn đảo biến mất trong cơn mưa bão, hóa trang như một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Rồi sương mù sôi lên: khí trời ấm, đầy những tinh thể muối ngăn cản đường đi của ánh sáng. Nếu có cháy rừng khói có thể lan ra đến tận đảo, mang theo thứ tro bụi ẩm ướt dày đặc, điểm xuyết chút đỏ và vàng óng lên trong những buổi hoàng hôn và ám nhọ đầy mặt kính buồng đèn. Chính vì vậy mà hòn đảo cần phải có ngọn đèn mạnh nhất, sáng nhất.
Từ ban công trên tháp đèn, tầm nhìn đến đường chân trời khoảng chừng bốn mươi dặm. Tom thấy thật lạ lùng rằng khoảng không bất tận đó lại tồn tại cùng thời với mặt đất từng bị tranh giành từng gang tấc, chỉ mới vài năm trước.
Người ta mất mạng chỉ để đánh dấu mấy tấc đất sình lầy là “của mình” thay vì “của họ”, để rồi mấy ngày sau tiếp tục bị giành lại. Có lẽ thứ ám ảnh đánh dấu đó đã khiến cho những người vẽ bản đồ phải chia dòng nước thành hai đại dương, mặc dù không thể nào tìm được điểm chính xác nơi nước biển chuyển dòng. Chia rẽ. Đánh dấu. Tìm cho được sự khác biệt. Có những thứ chẳng bao giờ đổi thay.
Ở Janus không cần nói năng. Tom có thể sống vài tháng mà không nghe đến cả giọng nói của mình. Anh biết nhiều người gác đèn thường có thói quen hát lên, như người ta bật thử máy để chắc rằng nó vẫn còn hoạt động. Nhưng Tom tìm thấy tự do trong sự im lặng. Anh lắng nghe tiếng gió. Anh quan sát những sự sống nhỏ nhoi trên đảo.
Thỉnh thoảng, như thể ngọn gió gợi nhớ, nụ hôn của Isabel lại trôi dạt vào tâm trí anh: làn da, sự mềm mại dịu dàng nguyên vẹn. Rồi anh nghĩ về những năm tháng xưa, lúc anh không thể nào hình dung đến những điều đó. Chỉ ở bên cạnh cô cũng khiến anh cảm thấy mình sạch sẽ hơn, tươi mới hơn. Vậy mà cảm giác đó lại tiếp tục dẫn dắt anh quay trở lại bóng tối, vào nơi của thịt da thương tổn, nơi tứ chi vặn vẹo. Nhưng làm sao hiểu được đây… Làm sao chứng kiến cái chết mà không bị ám ảnh nặng nề. Tại sao anh lại là người sống sót, nguyên vẹn trở về. Tự dưng Tom nhận ra mình đang khóc. Anh khóc cho những đồng đội từng kề vai sát cánh đã bỏ mạng, khi tử thần dường như không thiết tha gì với anh. Anh khóc cho cả những người mình đã giết.
Ở hải đăng ta phải nhớ từng ngày. Phải viết nhật ký, phải báo cáo những gì vừa xảy ra, phải trình chứng cứ rằng cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Rồi, khi những bóng ma hòa tan vào khí trời tinh khiết ở Janus, Tom mon men nghĩ đến cả cuộc sống còn đang ở phía trước — thứ mà hàng năm trời từng quá mông lung với anh. Isabel ở đó, trong suy nghĩ của anh, vẫn bật cười khanh khách vô lo, khao khát muốn biết về thế giới quanh cô và luôn sẵn sàng phiêu lưu. Khi anh đi vào nhà kho, lời khuyên của đại tá Hasluck lại vang lên trong tâm trí. Anh chọn lấy một đoạn rễ bạch đàn malle rồi mang vào xưởng.

Janus Rock
15 tháng Ba 1921

Isabel thân mến,
Tôi mong em vẫn khỏe. Tôi rất khỏe. Tôi thích cuộc sống ở ngoài này. Nghe có vẻ thật lạ, nhưng đúng vậy. Sự yên tĩnh phù hợp với tôi. Ở Janus có gì đó thật kỳ diệu. Không giống với bất cứ nơi nào tôi từng ở qua.
Tôi ước gì em có thể thấy cảnh bình minh và hoàng hôn nơi đây. Và cả những vì sao nữa: bầu trời mỗi đêm đầy sao, nhìn các chòm sao lướt qua trên bầu trời mà giống như đang xem kim chạy trên mặt đồng hồ vậy. Mỗi khi sao giăng tôi thấy mình được an ủi, cho dù ngày hôm đó có tồi tệ đến đâu, mọi thứ hỏng hóc đến mấy nữa. Khi còn ở Pháp cũng thế. Trời sao khiến ta nghĩ xa hơn - những vì sao đã có từ lâu, trước khi con người xuất hiện, chúng cứ chiếu sáng, mặc cho đời trôi. Tôi cũng nghĩ như vậy về ngọn hải đăng, như một mẩu sao từng rơi xuống thế gian: chỉ biết chiếu sáng, để mặc sự đời. Mùa hạ, mùa đông, bão tố, trời quang. Người ta luôn có thể tin cậy vào hải đăng.
Có lẽ dừng lảm nhảm ở đây thôi. Cái chính là, tôi gởi kèm thư đây một chiếc hộp nhỏ tôi làm tặng em. Tôi hy vọng em sẽ dùng được. Em có thể dùng đựng món trang sức hay kẹp tóc hay gì gì nữa.
Giờ đây có lẽ em đã đổi ý rồi, và tôi chỉ muốn nói rằng như vậy cũng không sao. Em là một cô gái tuyệt vời, và khi còn ở bên em tôi đã rất vui.
Ngày mai thuyền tiếp tế sẽ ra đây, tôi sẽ nhờ Ralph chuyển thư.
Tom


Janus Rock
15 tháng Sáu 1921

Isabel thân mến,
Tôi viết rất vội vì thuyền sắp đi. Ralph đã chuyển thư em. Được tin em tôi rất mừng. Tôi rất vui vì em thích chiếc hộp tôi gởi.
Cảm ơn em đã gởi hình cho tôi. Trông em xinh quá, nhưng không tinh nghịch như ở ngoài đời. Tôi đã biết sẽ treo hình ở đâu trong buồng đèn, để từ trong hình em có thể nhìn ra cửa sổ được.
Không, câu hỏi của em cũng không có gì lạ cả. Nhớ lại hồi chiến tranh, tôi biết khá nhiều tay lấy vợ ngay trong ba ngày nghỉ phép ở Anh, rồi trở lại chiến trường ngay, tiếp tục cầm súng. Phần lớn trong số đó nghĩ rằng họ không sống được lâu mà có lẽ vợ của họ cũng nghĩ vậy. Biết đâu phước phần của tôi dài lâu hơn, nên em cứ nghĩ cho kỹ. Tôi sẵn lòng thử vận mình, nếu em cũng chấp nhận. Tôi có thể xin nghỉ phép đột xuất cuối tháng Chạp, nên em có thời gian để nghĩ cho thấu. Nếu em đổi ý, tôi cũng hiểu. Còn nếu không, tôi hứa sẽ luôn chăm sóc em, và sẽ cố hết sức mình để làm một người chồng tốt.
Thương mến,
Tom


Sáu tháng tiếp theo trôi đi chậm rãi. Trước đó Tom chẳng có gì để chờ đợi - anh đã quá quen với từng ngày qua đi, chỉ có thế. Giờ đây đã có một ngày cưới định sẵn. Có những việc cần thu xếp, cần xin phép. Cứ mỗi khi rảnh rỗi anh lại đi quanh nhà, tìm thứ gì đó để sửa sang: cánh cửa sổ trong bếp không đóng kín được; vòi nước phải vặn bằng sức đàn ông mới chịu chảy. Ở đây Isabel sẽ cần gì? Khi chuyến tiếp tế cuối cùng quay lại anh đặt mua sơn để quét lại phòng ốc; một chiếc gương soi đặt trên bàn phấn; mấy cái khăn tắm mới, cả khăn trải bàn nữa; rồi cả mấy tờ in bản nhạc cho chiếc dương cầm cũ kỹ — anh chưa bao giờ đụng vào nhưng anh biết Isabel thích chơi đàn. Anh hơi ngập ngừng rồi viết thêm vào danh sách mua hàng mấy tấm ra trải giường, hai chiếc gối và một chiếc chăn lông vịt.

Rồi cũng tới ngày thuyền ra đón Tom về đất liền. Neville Whittnish bước lên cầu tàu, sẵn sàng đổi gác cho anh.
“Mọi thứ đâu vào đó chứ?”
“Mong là vậy,” Tom đáp.
Sau khi xem qua, Whittnish nói, “Anh biết cách đối đãi với ngọn đèn. Tôi chỉ nói vậy thôi.”
“Cảm ơn,” Tom đáp, cảm thấy xúc động thực sự trước lời khen đó.
“Sẵn sàng chưa?” Ralph hỏi khi thuyền chuẩn bị tháo dây.
“Có Chúa mới biết,” Tom trả lời.
“Trước giờ chưa nghe câu nào thực lòng hơn vậy.” Ralph quay nhìn về đường chân trời. “Đi nào, người đẹp ơi, tới giờ đưa Đại úy Sherbourne, hai lần Huy chương Chữ thập về với người trong mộng.”
Ralph nói về con thuyền như cách Whittnish nói về ngọn đèn - như những sinh vật thật sự, gần gũi với họ. Đều là những thứ mà một người đàn ông có thể đem lòng yêu mến, Tom nghĩ thầm. Anh mãi nhìn tháp đèn. Cuộc sống rồi sẽ thay đổi hoàn toàn khi anh thấy tháp đèn lần tới. Tự dưng anh nghe nhói trong lòng: không biết Isabel có yêu Janus như anh không? Liệu cô sẽ hiểu được cái thế giới của anh chăng?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 09 Aug 2019

Chương bảy

“Mình thấy không? Vì ở cao đến vậy nên ánh đèn bao quát cả đường cong quả đất, vươn khỏi đường chân trời. Đúng ra không phải chùm sáng vươn xa mà là quầng sáng, là bóng tỏa của ngọn đèn.” Tom đứng sau lưng Isabel trên vọng đài, choàng tay ôm lấy cô, cằm tựa xuống vai cô. Mặt trời tháng Giêng rải những vệt vàng trên mái tóc sẫm màu của Isabel. Năm 1922, ngày thứ hai kể từ khi họ trở lại Janus. Sau mấy ngày nghỉ trăng mật ở Perth, cả hai quay về đảo ngay.
“Cứ như đang nhìn vào tương lai vậy,” Isabel nói. “Mình có thể nhìn thấy tàu đang gặp nạn trước khi người trên tàu nhận ra.”
“Hải đăng càng cao, bậc của thấu kính càng lớn thì tầm quét sáng càng xa. Hải đăng này thuộc loại quét sáng xa nhất rồi.”
“Em chưa bao giờ đứng cao như vậy! Cứ như đang bay!” cô nói rồi buông người đi vòng quanh tháp đèn một lần nữa. “Mình gọi ánh đèn chớp là gì… có từ gì đó…”
“Đặc tính chớp. Mỗi hải đăng có một đặc tính chớp riêng. Ngọn này chớp nhóm bốn nhịp, chu kỳ hai mươi giây. Vậy nên mỗi con tàu đi qua khi nhìn thấy ánh đèn lóe trong năm giây thì biết rằng đây là Janus, không phải Leeuwin hay Breaksea hay ngọn đèn nào khác.”
“Làm sao họ biết được?”
“Tàu thuyền thường có danh sách các hải đăng trên hải trình. Với dân lái tàu thời giờ là tiền bạc. Ai cũng muốn đi tắt qua Mũi - muốn tàu mình đến nơi đầu tiên để dỡ hàng rồi bốc hàng mới. Rút ngắn ngày đi biển còn tiết kiệm được cả lương thủy thủ nữa. Ngọn đèn ở đây là để nhắc chừng họ, để họ đi cho đúng đường.”
Qua mặt kính Isabel thấy mấy tấm màn đen nặng nề trong buồng đèn. “Để làm gì vậy?” cô hỏi.
“Để bảo vệ! Thấu kính không phân biệt được ánh sáng nào cần khuếch đại. Nếu nó có thể biến ngọn lửa nhỏ thành ánh sáng của triệu ngọn nến, mình cứ hình dung ánh nắng mặt trời sẽ thành như thế nào vào ban ngày, khi mà đèn đứng yên. Nếu đứng cách mười dặm thì chẳng hề gì. Nhưng nếu chỉ cách gang tấc thì không ổn. Vậy nên phải bảo vệ ngọn đèn. Và bảo vệ chính mình nữa — ban ngày nếu đi vào buồng đèn mà không có rèm phủ hẳn sẽ bị rán chín. Mình vào đây, tôi chỉ cho xem.”
Cánh cửa sắt đóng sầm lại phía sau khi họ bước vào buồng đèn, đi tiếp vào bên trong đèn.
“Đây là thấu kính bậc một — loại sáng nhất rồi đó.”
Isabel ngắm những dải cầu vồng tỏa ra từ các lăng kính. “Đẹp mê ly.”
“Phần kính dày ở giữa mỗi mặt đèn là thấu kính bán cầu. Đèn này có bốn thấu kính như vậy, số thấu kính này tùy thuộc vào đặc tính chớp của mỗi hải đăng. Nguồn sáng phải ngay hàng chính xác để thấu kính có thể tập trung ánh sáng được.”
“Rồi còn những vòng kính quanh đó thì sao?” Các mảnh kính hình cung lắp quanh trung tâm thấu kính, như những vòng tròn trên bảng phóng phi tiêu.
“Tám cái đầu tiên khúc xạ ánh sáng: chúng uốn cong ánh sáng, nhờ đó mà ánh sáng không truyền thẳng đến mặt trăng hay xuống đáy đại dương một cách vô ích. Thay vào đó ánh sáng sẽ đi ra mặt biển. Như thể những lóp kính bắt ánh sáng phải rẽ ngang đường vậy. Mấy cái vòng kính ở trên dưới thanh sắt - mình thấy không? Có mười bốn cái như vậy, càng xa tâm thấu kính thì vòng kính càng dày hơn; chúng phản xạ ánh sáng trở lại, nhờ vậy mà ánh sáng tập trung thành một chùm thôi chứ không tản ra đủ hướng.”
“Vậy là không chút ánh sáng nào được lọt ra ngoài mà không phải đi qua hết chừng đó?” Isabel nói.
“Nói vậy cũng đúng. Còn đây là ngọn đèn,” anh nói, chỉ tay về phía thiết bị nhỏ đặt trên đế kim loại ngay chính giữa, bao quanh là lưới măng-sông.
“Trông không có gì ghê gớm.”
“Đúng vậy, lúc này thì không. Nhưng tấm lưới phủ đó là măng-sông tỏa sáng, nó làm cho hơi dầu cháy sáng như sao vậy, sau khi đã được khuếch đại. Tối nay tôi sẽ chỉ cho mình thấy.”
“Ngôi sao riêng của hai ta! Cứ như thể cả thế gian này chỉ để cho tụi mình vậy! Cả ánh nắng và đại dương nữa. Chỉ có mình và em thôi!”
“Nhưng mình ơi, mấy ngọn hải đăng thì hẳn nghĩ rằng chính tôi mới thuộc về tụi nó,” Tom nói.
“Không có hàng xóm nhiều chuyện, bà con nhàm chán.” Cô khẽ gặm tai anh. “Chỉ có mình với em thôi…”
“Với mấy con vật nữa. Cũng may là trên Janus không có rắn. Mấy hòn đảo ở phía dưới thì chỉ toàn rắn là rắn. Nhưng ở đây có vài con nhện độc ưa cắn, mình phải cẩn thận. Có…” Tom đang chật vật nói cho hết chuyện động vật trên đảo, nhưng Isabel cứ hôn anh mãi, khẽ gặm tai anh, rồi luồn tay vào túi quần anh, khiến anh thấy tập trung suy nghĩ còn khó khăn, huống gì nói cho trôi chảy. “Chuyện rất nghiêm túc…” anh lúng túng lên tiếng, “chuyện tôi đang nói đây cho mình nghe, Izz à. Mình phải cẩn thận coi chừng…” rồi anh buột miệng rên lên khi ngón tay cô chạm đích.
“Có mà coi chừng em…” cô cười khúc khích. “Trên đảo này em mới là thứ đáng sợ nhất!”
“Không phải ở đây, Izz. Không ở ngay giữa buồng đèn thế này. Để đi…” anh hít một hơi sâu, “đi xuống dưới.”
Isabel bật cười. “Không, ở đây kia!”
“Chỗ này là tài sản công.”
“Gì kia… mình định ghi lại trong sổ nhật ký hải đăng hả?” Tom húng hắng vụng về. “Nói đúng ra là phải ghi hết… Mấy thứ này rất là tinh vi, đắt tiền, cả đời tụi mình cũng không kiếm nổi. Tôi không muốn phải viện lý do vì sao đồ bị bể. Thôi mà, đi xuống dưới đi.”
“Nếu em không muốn đi thì sao?” cô trêu Tom.
“Thì, nếu vậy tôi phải…” anh nhấc bổng cô ngang hông, “bắt mình thôi, cưng à,” anh nói rồi bế cô đi xuống hàng trăm bậc thang hẹp.

“Ôi, đây đúng là thiên đàng!” Ngày hôm sau Isabel tuyên bố khi cô nhìn ra đại dương phẳng lì màu lam ngọc. Mặc dù Tom đã nói trước về thời tiết ảm đạm trên đảo, dường như gió máy đã quyết tạm ngừng chiến để chào đón cô. Mặt trời một lần nữa lại rọi sáng, ấm áp rực rỡ.
Anh dẫn cô ra phá. Một bể nước rộng, mặt nước tĩnh tại, xanh biếc, chỗ sâu nhất chỉ chừng một mét tám, hai người thỏa sức bơi lội.
“Cũng may là mình thích ở đây. Ba năm nữa mới có kỳ phép.”
Cô choàng tay qua anh. “Em đang ở nơi em muốn ở, với người em muốn ở cùng. Cần gì nữa đâu.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 09 Aug 2019

Tom khẽ quay cô một vòng, nói. “Có khi cá chui qua mấy khe đá vào trong này. Mình có thể lấy vợt bắt lên, hoặc bắt bằng tay cũng được.”
“Bể này gọi là gì?”
“Không có tên.”
“Cái gì cũng đáng được đặt tên chứ, mình không nghĩ vậy sao?”
“Vậy thì mình đặt tên cho nó đi.”
Isabel nghĩ ngợi một lúc. “Sau đây tôi xin rửa tội, đặt tên cho bể này là ‘Bể Thiên Đàng’”, cô nói rồi vẩy một vốc nước lên vách đá. “Chỗ này là bể bơi riêng của em.”
“Ở đây khá an toàn. Nhưng cũng phải để mắt trông chừng.”
“Ý mình là sao?” Isabel vừa hỏi vừa khỏa nước, không để tâm lắm.
“Cá mập thường không chui qua đá được, trừ khi thủy triều lớn hay bão hay gì khác, nên có lẽ không phải lo chuyện đó…”
“Có lẽ?”
“Nhưng phải cẩn thận về những chuyện khác. Nhím biển chẳng hạn. Mình phải coi chừng mỗi khi đi trên đá chìm, kẻo bị gai nhím đâm rồi nhiễm trùng. Cá đuối gai hay trốn trong cát gần mép nước - nếu mà đạp trúng gai trên đuôi cá thì rất nguy. Nếu đuôi cá vẫy ngược lên rồi đâm trúng tim, thì…” Anh để ý thấy Isabel im lặng không nói gì nữa.
“Mình ổn không, Izz?”
“Em thấy lạ khi mình cứ nói như vậy — tụi mình đang ở xa thế này, có kêu cứu cũng không ai nghe.”
Tom ôm lấy cô trong tay, rồi kéo cô lên bờ. “Tôi sẽ trông chừng mình. Mình đừng lo gì cả,” anh vừa nói vừa mỉm cười. Anh hôn lên đôi vai cô, rồi đỡ đầu cô nằm xuống dưới bãi cát và hôn lên môi cô.

Trong tủ đồ của Isabel, bên cạnh chồng áo len dày mùa đông còn treo vài chiếc áo đầm hoa — dễ giặt, khó rách, để cô mặc đi cho gà ăn, vắt sữa dê, hái rau quả hay lau chùi bếp. Mỗi khi đi quanh hòn đảo với Tom cô mặc một chiếc quần cũ của anh, ống quần xắn cao ba tấc, thêm áo sơ mi không cổ cũng của anh, thắt lại bằng chiếc nịt da đã nứt gãy. Cô thích cảm thấy mặt đất dưới bàn chân, lúc nào được cô đều đi chân trần, nhưng ở chỗ vách đá cô mang giày vải plimsoll để bảo vệ bàn chân trên mặt đá hoa cương. Cô đi khám phá những ranh giới trong thế giới mới mẻ của mình.

Một buổi sáng không lâu sau khi ra đảo, cô vẫn còn chuếnh choáng với tự do mới, bèn quyết định làm một thử nghiệm nho nhỏ. “Mình thấy bộ đồ mới này đẹp không?” cô hỏi Tom khi mang một chiếc bánh mì kẹp vào phòng quan sát vào buổi trưa, trên người không mặc gì cả. “Em thấy nếu trời đẹp như thế này thì không cần mặc quần áo.”
Anh nhướng một bên chân mày, nửa mỉm cười với cô. “Đẹp thật, nhưng mình sẽ chán ngay, Izz à.” Anh đón lấy chiếc bánh mì rồi vuốt cằm cô. “Có những chuyện ta phải làm để sống được trên những hải đăng xa bờ, mình à… tức là phải làm sao để bình thường: ăn đúng bữa; xé lịch hàng ngày…” anh bật cười, “với cả mặc áo quần. Mình cứ tin tôi đi.”
Cô đỏ mặt, quay về khu nhà ở và mặc vào đến mấy lớp áo quần - áo lót, váy lót, áo sơ mi, áo len, mang ủng cao su rồi đi đào khoai, động tác dứt dạc hơn ngày thường trong ánh nắng chói gắt.

Isabel hỏi Tom, “Mình có bản đồ đảo không?”
Anh mỉm cười. “Sợ lạc đường hả? Mình ra đây cũng được vài tuần rồi. Chỉ cần đi ngược lại hướng nước biển, kiểu gì mình cũng sẽ về tới nhà. Thêm ngọn hải đăng làm dấu nữa.”
“Em chỉ muốn có một cái bản đồ. Hẳn phải có chứ?” “Đương nhiên rồi. Có bản đồ của cả khu vực nếu mình muốn, nhưng tôi không biết có ích gì với mình không, ở đây đâu có nhiều chỗ để đi.”
“Thì mình cứ chiều em đi” cô nói rồi hôn lên má anh. Một lúc sau, cũng trong buổi sáng hôm đó, Tom đi vào bếp, tay cầm một cuộn giấy lớn. Anh đưa cuộn giấy cho Isabel, làm bộ nghi lễ. “Ước muốn của bà là mệnh lệnh của tôi, thưa Phu nhân Sherbourne.”
“Đa tạ,” cô đáp lời, cũng giả vờ làm điệu bộ, “Ta miễn lễ, khanh bình thân.”
Tom khẽ mỉm cười, xoa cằm. “Mình đang làm gì vậy hả tiểu thơ?”
“Mình không cần biết đâu!”
Mấy ngày sau đó, buổi sáng Isabel đi khám phá hòn đảo, đến chiều lại ở lì trong phòng ngủ, đóng chặt cửa, mặc dù Tom rất bận rộn với công việc.
Một buổi tối nọ, sau khi đã lau khô hết đám đĩa ăn, cô lấy cuộn giấy đưa cho Tom. “Tặng mình này.”
“Cảm ơn mình,” Tom nói, vẫn không rời mắt khỏi cuốn sách đã sờn gáy về các kiểu thắt dây thừng. Anh thoáng nhìn lên. “Mai tôi sẽ đặt nó vào chỗ cũ.”
“Nhưng em tặng mình mà.”
Tom nhìn cô. “Bản đồ, đúng không?”
Cô cười tinh nghịch. “Thì mở ra coi mới biết được, đúng không?”
Tom mở cuộn giấy ra, bản đồ đã thay đổi hoàn toàn. Những ghi chú nho nhỏ xuất hiện đầy trên đó, cùng với cả những ký họa và mũi tên có tô màu. Ngay lập tức anh nghĩ tới chuyện bản đồ là tài sản của Khối Thịnh Vượng Chung, lần thanh tra tới có mà sạt nghiệp. Những cái tên mới mọc đầy trên đó.
“Mình thấy sao?” Isabel mỉm cười. “Em thấy thật thiếu sót nếu mấy chỗ đó không được đặt tên. Vậy là em đặt tên cho tụi nó hết, mình thấy không?”
Những vịnh nhỏ, vách đá, tảng đá lớn và các đồng cỏ đều có chú thích bằng chữ viết kiểu cọ, được rửa tội đặt tên như Bể Thiên Đàng hôm trước, nào là Góc Bão Tố; Hòn Phản Trắc; Bãi Đắm Tàu; Vịnh Thanh Bình; Đài gác của Tom; Vách núi của Izzy và còn nhiều tên khác nữa.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chúng như những nơi chốn riêng rẽ. Với tôi thì tất cả chỉ là Janus thôi,” Tom nói, mỉm cười.
“Đảo là cả một thế giới đầy những khác biệt. Mỗi nơi chốn xứng đáng có một cái tên riêng, như các phòng trong một ngôi nhà vậy.”
Tom cũng hiếm khi nghĩ về ngôi nhà với những phòng riêng rẽ. Với anh, nó chỉ là “nhà” thôi. Anh thấy hơi chạnh lòng trước cách cô chia cắt hòn đảo, tách nó ra thành chỗ tốt, chỗ xấu, chỗ an toàn và chỗ nguy hiểm. Anh muốn nghĩ về nó thật nguyên vẹn. Hơn nữa, anh còn thấy hơi khó chịu với những chỗ có tên mình. Janus không thuộc về anh, mà anh thuộc về nó, như kiểu người bản xứ nghĩ về một vùng đất. Công việc của anh chỉ là coi sóc đảo mà thôi.
Anh nhìn vợ, cô đang mỉm cười tự hào trước chút khéo tay của mình. Nếu cô muốn đặt tên cho mọi thứ, có lẽ cũng chẳng hại gì. Và có lẽ rồi cô cũng sẽ hiểu được cách anh nghĩ về hòn đảo, biết đâu đó.

Mỗi khi nhận được thư mời đi họp mặt tiểu đoàn, Tom đều hồi âm. Lúc nào anh cũng gởi lời thăm, kèm chút đỉnh đóng góp. Nhưng không bao giờ đến dự. Ừ thì làm việc trên Hải đăng, anh không thể nào đi được ngay cả khi muốn đi. Anh biết có những người thấy khuây khỏa khi gặp lại một gương mặt quen thuộc, kể lại câu chuyện xưa. Nhưng anh không muốn dự phần. Anh đã mất những người bạn — những người anh tin tưởng, từng chiến đấu, từng uống say và cả từng run cầm cập bên nhau. Anh nghĩ về thứ ngôn ngữ gắn kết họ lại với nhau: ngôn từ bật ra, mô tả những tình huống mà trước đó chưa ai từng gặp. Một “quả dứa”, một “hột rót”, hay một “bánh mận”: đều là các kiểu vỏ đạn khác nhau rơi vào chiến hào. Chấy rận được gọi là “chuyện phiếm”1, thức ăn thành “thừa thẹo” và vết thương kiểu “Blighty” là kiểu vết thương sẽ khiến ta được đưa ngay về bệnh viện ở Anh quốc. Anh tự hỏi không biết còn bao nhiêu người có thể nói được thứ ngôn ngữ bí mật đó.
1 Chấy rận là một bệnh thường gặp ờ những người lính chung chiến hào thời Thế chiến thứ nhất. Họ thường tẩy chấy cùng với nhau, nhưng gọi tránh là “đi nói chuyện phiếm” (to Chat), nên chấy rận còn được gọi là “chuyện phiếm”. Xem thêm: http://www.firstworldwar.com/atoz/bodylice.htm -ND
Đôi khi thức giấc bên cạnh Isabel anh vẫn còn thấy sửng sốt, và nhẹ nhõm, rằng cô vẫn còn sống. Anh nhìn kỹ hơi thở của cô, chỉ để chắc chắn. Rồi anh dựa đầu vào lưng cô, cảm nhận da thịt mềm mại, cơ thể cô khẽ nâng lên hạ xuống theo nhịp thở khi ngủ. Đó hẳn là điều kỳ diệu nhất mà anh từng thấy.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 09 Aug 2019

Chương tám

“Có lẽ khoảng thời gian trước khi gặp mình là một thử thách với tôi, để xem tôi có xứng đáng với mình không, Izz à.”
Hai người nằm duỗi trên chiếc chăn trải trên bãi cỏ, ba tháng sau khi Isabel ra Janus. Đêm tháng Tư trời vẫn còn ấm, lấp lánh sao. Isabel nằm đó, mắt nhắm lại, dựa lên cánh tay gấp của Tom. Anh vuốt ve cổ cô.
“Mình là một nửa bầu trời của tôi,” anh nói.
“Em không biết mình còn là thi sĩ nữa!”
“Ôi có phải tôi nghĩ ra đâu. Tôi đọc ở đâu đó — một bài thơ bằng tiếng Latin? Hay trong thần thoại Hy Lạp? Đại loại vậy.”
“Đúng là dân trường tư!” cô trêu anh.
Hôm đó là sinh nhật Isabel. Tom nấu bữa sáng và bữa tối, ngắm cô tháo chiếc nơ trên chiếc máy hát vặn dây cót mà anh đã “âm mưu” cùng với Ralph và Bluey mang ra đảo, để bù lại chuyện chiếc đàn dương cầm mà anh đã hãnh diện khoe với cô cuối cùng lại không thể chơi được sau nhiều năm bị bỏ quên. Cả ngày hôm đó cô nghe Chopin và Brahms, và giờ đây những giai điệu từ bản Messiah của Handel vang lên từ tháp đèn, nơi họ đặt chiếc máy hát để có tiếng nhạc vang vọng, tận dụng cái thính phòng tự nhiên đó.
“Tôi thích cách mình vuốt tóc, như thế này,” Tom nói, ngắm Isabel dùng ngón trỏ quấn lọn tóc thành một sợi lò xo rồi thả ra, rồi lại quấn một lọn khác.
Tự dưng cô thấy bối rối, “Ưm… má hay nói làm vậy chẳng hay ho gì. Nhưng em quen rồi. Em còn không để ý nữa.” Tom nắm lấy một lọn tóc của cô rồi quấn quanh ngón tay và thả ra như một lá cờ nhỏ.
“Kể em nghe một câu chuyện thần thoại nữa đi,” Isabel nói.
Tom nghĩ trong giây lát. “Mình có biết là tên đảo Janus cũng có nguồn gốc như tên tháng Giêng, hay không? Tên tháng cũng như tên đảo, cùng được đặt theo tên một vị thần. Ông này có hai gương mặt trước sau. Khá là xấu xí.”
“Ông đó là thần gì vậy?”
“Thần cửa. Luôn nhìn hai cả phía, bị giằng xé giữa hai lối nhìn. Tháng Giêng nằm giữa năm mới và năm cũ nên thấy cả quá khứ và tương lai. Còn hòn đảo thì nhìn về hướng của hai đại dương khác nhau, vừa xuống Nam cực vừa lên xích đạo.”
“Ừ, em biết mà,” Isabel đáp. Cô véo mũi anh rồi bật cười. “Em trêu mình đó. Em rất thích nghe mình kể chuyện. Kể em nghe tiếp chuyện các vì sao đi. Chòm sao Nhân mã ở đâu, mình chỉ lại đi?”
Tom hôn đầu ngón tay cô rồi duỗi tay cô ra cho tới khi thẳng hàng với chòm sao. “Kia kìa.”
“Chòm sao mình thích nhất đúng không?”
“Mình mới là chòm sao tôi thích nhất. Còn hơn hết thảy sao gộp lại.”
Anh trườn xuống, hôn lên bụng cô. “Đáng ra phải nói là, ‘cả hai là hai chòm sao tôi thích nhất’, đúng không mình? Hay sinh đôi thì sao nhỉ? Hay sinh ba?”
Đầu Tom nâng lên hạ xuống nhẹ nhàng theo hơi thở của Isabel khi anh nằm đó.
“Mình có nghe được gì không? Nó đã nói gì với mình chưa?” cô hỏi.
“Có, nó nói là tôi phải mang hai má con vào nhà đi ngủ trước khi trời đổ lạnh.” Rồi anh ôm người vợ trong vòng tay và nhẹ nhàng bế cô vào nhà, cùng lúc dàn đồng ca từ máy hát trong hải đăng vọng ra, “For unto us a Child is born”1
1 Rồi Hài nhi sinh ra vì ta - Lời bản Messiah của Handel - ND

Isabel rất hãnh diện khi nghĩ đến việc viết thư báo tin cho mẹ cô. “Ôi, em ước gì em có thể… em không biết nữa… bơi một vòng vào bờ hay gì đó, để mà báo cho ba má hay. Đợi thuyền ra thật sốt ruột!” Cô hôn Tom rồi hỏi, “Mình có viết thư cho cha của mình không? Cả anh trai nữa?”
Tom đứng dậy, loay hoay với đám đĩa ăn gần bồn rửa. “Không cần”, anh chỉ nói có vậy.
Vẻ mặt anh không thoải mái nhưng không phải giận dữ, khiến Isabel hiểu rằng chẳng nên nói gì nữa. Cô nhẹ nhàng lấy khăn lau đĩa từ tay anh. “Để em làm chỗ này,” cô nói. “Mình làm nhiều việc rồi.”
Tom chạm lấy vai cô. “Vậy để tôi đi đóng tiếp chiếc ghế cho mình,” anh nói, rồi cố gượng cười khi bước ra khỏi bếp.
Trong nhà kho anh ngắm mấy mẩu gỗ định dùng để đóng chiếc ghế bập bênh cho Isabel. Anh cố nhớ lại chiếc ghế mẹ anh đã ngồi ru anh, kể chuyện cho anh nghe. Cơ thể anh nhớ lại cảm giác được mẹ ôm - thứ cảm giác đã mất hàng mấy chục năm. Anh tự hỏi không biết đứa bé con mình sẽ giữ được chút ký ức về vòng tay của Isabel trong hàng chục năm tới không. Tình mẫu tử thật kỳ lạ. Người phụ nữ thật dũng cảm khi quyết định làm mẹ. Anh bâng khuâng nghĩ về người mẹ của mình. Nhưng Isabel có vẻ hoàn toàn chắc chắn với sự lựa chọn đó. “Tự nhiên mà, Tom. Có gì phải sợ?”

Anh lần ra dấu vết của mẹ khi vừa hai mươi mốt tuổi, mới tốt nghiệp kỹ sư. Cuối cùng anh cũng được tự do làm chủ đời mình. Địa chỉ mà tay thám tử đưa cho anh là một nhà trọ ở Darlinghurst. Anh đứng ngoài cửa, trong bụng rối bời vừa hy vọng vừa hoảng sợ, cứ như đột nhiên quay về lúc tám tuổi. Anh nghe thấy những âm thanh của những nỗi tuyệt vọng khác lọt ra từ khe cửa dọc theo hành lang hẹp lót gỗ. Một người đàn ông khóc nức nở ớ phòng bên cạnh rồi giọng một người đàn bà hét, “Không thể sống như thế này mãi được!”, kèm theo đó là tiếng trẻ con khóc. Văng vẳng xa xa vọng lại nhịp ván đầu giường gấp gáp đập vào tường, có lẽ người đàn bà nằm trên chiếc giường đó đang bận rộn kiếm miếng ăn.
Tom nhìn lại dòng chữ bút chì trên mẩu giấy. Đúng số phòng rồi. Anh rà lại trí nhớ, tìm lại giọng mẹ êm ái như hát ru. “Trộm vía, Thomas bé bỏng. Để mẹ lấy băng dán vào chỗ bị đau nhé?”
Tiếng gõ cửa không được đáp lại, anh thử thêm lần nữa. Cuối cùng, anh cẩn thận vặn nắm cửa, cửa mở ngay không chút khó khăn. Mùi hương không nhầm lẫn vào đâu được tỏa ra, nhưng chỉ trong giây lát anh nhận ra lẫn vào đó có cả mùi rượu rẻ tiền và thuốc lá. Trong căn phòng ảm đạm chỉ có chiếc giường không tươm tất và chiếc ghế bành cũ rách, cả hai đều có màu nâu nhưng đậm nhạt khác nhau. Cửa sổ nứt một đường, trong lọ cắm một cành hồng đơn độc đã héo khô từ lâu.
“Tìm Ellie Sherbourne hả?” Người đàn ông hói đầu gầy gò xuất hiện ở bên cánh cửa ngay sau lưng Tom cất giọng.
Nghe tên mẹ như vậy thật lạ lùng. “Ellie” — anh chưa bao nghĩ đến cái tên “Ellie” đó cả. “Vâng, tôi tìm bà Sherbourne. Khi nào thì bà ấy trở lại?”
Người đàn ông cười khẩy. “Không trở lại nữa. Tệ hơn nữa là vẫn còn nợ tôi nguyên một tháng tiền nhà.”
Thực tế sao mà ngang trái. Không giống chút nào với hình dung về cuộc hội ngộ mà anh đã định sẵn trong đầu, đã mơ đến hàng năm trời. Tim anh đập nhanh hơn. “Ông có địa chỉ chuyển thư không?”
“Chỗ bà ấy đi thì không chuyển được. Chết từ ba tuần trước rồi. Tôi tới để dọn hết đồ ra thôi.”
Trong tất cả những tình huống Tom tưởng tượng ra trước đó, không tình huống nào giống như vậy cả. Anh đứng đó, sững sờ.
“Anh định dọn vô hả? Hay dọn vô luôn bây giờ?” Ông chủ nhà hỏi, giọng cáu bẳn.
Tom ngập ngừng. Anh mở ví, lấy ra năm bảng. “Tiền nhà của bà ấy,” anh nói nhẹ nhàng, rồi bước ra khỏi phòng, cố nuốt nước mắt ngược vào trong.
Sợi chỉ hy vọng mà Tom từng nâng niu từ lâu đã đứt phụt: ngay trên con phố vắng ở Sydney, ngay trước thềm cuộc chiến. Chỉ trong một tháng sau đó, anh tòng quân, ghi tên và địa chỉ liên lạc của người thân gần nhất là mẹ và căn nhà trọ nơi bà ở. Bên tuyển lính cũng không để ý chi tiết gì.

Giờ đây Tom đưa tay mân mê miếng gỗ đã tiện sẵn, rồi cố hình dung anh sẽ viết gì trong thư gởi mẹ ngay hôm nay, nếu bà còn sống — anh sẽ báo tin đứa bé sắp chào đời với bà như thế nào.
Anh nhặt chiếc thước dây lên rồi quay sang miếng gỗ tiếp theo.

“Zebedee.” Isabel nhìn Tom, mặt tỉnh khô, khóe miệng chỉ hơi nhếch lên một chút.
“Gì kia?” Tom hỏi, ngừng tay đang bóp chân cho cô. “Zebedee,” cô lặp lại, rồi chúi mũi vào cuốn sách để anh không nhìn thấy ánh mắt cô.
“Mình đùa à? Tên kiểu gì…”
Gương mặt cô trở nên hờn dỗi. “Tên ông chú của em đó. Zebedee Zanibar Graysmark.”
Tom nhìn cô, cô nói tiếp, “Em hứa với bà nội khi bà hấp hối là nếu có con trai em sẽ đặt theo tên ông chú. Hứa thì phải giữ lời chứ.”
“Tôi đang nghĩ tên nào bình thường một chút.”
“Ý mình là ông chú của em không bình thường hả?” Isabel không nhịn được nữa, phá ra cười. “Chết mình chưa, ai biểu mình nghiêm túc quá chi!”
“Khỉ ạ! Mình sẽ hối không kịp vì dám trêu tôi kiểu đó!”
“Thôi, dừng mà! Dừng lại.”
“Không có dừng gì hết,” anh nói, rồi cù vào bụng và cổ cô.
“Em đầu hàng mà!”
“Không kịp rồi!”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Ánh Ðèn Giữa Hai Ðại Dương - M. Stedman

Postby bevanng » 09 Aug 2019

Cả hai đang nằm trên bãi cỏ hướng ra Bãi Đắm Tàu.
Trời đã về chiều, ánh nắng nhẹ nhàng tưới vàng bãi cát.
Đột nhiên Tom dừng lại.
“Mình sao vậy?” Isabel hỏi, nhướng mắt nhìn qua mớ tóc dài phủ mặt.
Anh vuốt cọng tóc khỏi mắt cô, rồi im lặng nhìn cô. Cô đặt tay lên má anh. “Tom?”
“Nhiều lúc tôi thấy choáng váng. Ba tháng trước thôi chỉ có tôi với mình, rồi giờ đây, lại có thêm một người nữa, từ đâu đâu xuất hiện, cứ như là…”
“Là một em bé.”
“Ừ, là em bé, nhưng đâu chỉ có vậy, Izz à. Ngày trước, khi tôi ngồi trong buồng đèn, trước khi có mình, tôi hay nghĩ cuộc sống là gì. Ý tôi là, so với cái chết…” Anh dừng lại. “Tôi lại lảm nhảm rồi. Tôi sẽ không nói nữa.”
Isabel đặt tay dưới cằm anh. “Mình hầu như chẳng nói gì những chuyện đó cả, Tom à. Mình nói em nghe đi.”
“Tôi không nói thành lời được. Sự sống từ đâu mà ra?”
“Thì sao chứ?”
“Thì sao?” anh hỏi lại.
“Chuyện bí ẩn đó. Chuyện chúng ta không hiểu được đó.”
“Có những lúc tôi muốn một câu trả lời. Tôi chỉ có thể nói với mình như thế. Những lúc tôi chứng kiến một người trút hơi thở cuối cùng, tôi muốn hỏi anh ta, ‘Anh đi đâu rồi? Anh mới ở đây, ngay bên cạnh tôi, chỉ mấy giây trước thôi, rồi mấy mảnh sắt đâm thủng da thịt anh, rồi đột nhiên anh ở một nơi nào khác. Làm sao lại thế được?’”
Isabel một tay ôm gối, tay kia với cọng cỏ gần đó. “Mình nghĩ người ta có nhớ gì đến cuộc đời này không, khi họ đi rồi? Mình có nghĩ rằng trên thiên đàng, ông bà em chẳng hạn, có đang ở cùng nhau không?”
“Tôi không biết đâu mình à,” Tom đáp.
Rồi đột nhiên, thật gấp gáp, cô hỏi. “Khi cả hai ta nằm xuống, Tom, Chúa sẽ không chia lìa hai ta, phải không mình? Chúa sẽ để ta được bên nhau chứ?”
Tom ôm lấy Isabel. “Xem tôi vừa làm gì này. Đáng ra nên im luôn mới đúng. Mà thôi, tụi mình còn đang chọn tên. Tôi còn đang cố cứu vớt đứa nhỏ tội nghiệp để nó khỏi lớn lên với cái tên Zebedee gì-đó Zanzibar. Còn tên con gái thì sao?”
“Alice; Amelia, Annabel; April; Ariadne…”
Tom nhướng mày. “Lại nữa rồi… ‘Ariadne!’ Chuyện lớn lên ở ngọn hải đăng đã là khó với một đứa nhỏ. Đừng gán cho nó cái tên nào để còn bị trêu nữa.”
“Còn mỗi hai trăm trang nữa thôi,” Isabel nói, nhe răng cười.
“Vậy thì đọc nhanh lên.”

Đêm đó khi anh đứng trên vọng đài, Tom trở lại với câu hỏi lúc nãy. Linh hồn đứa bé này từ đâu mà đến? Rồi sẽ đi đâu? Linh hồn của những đồng đội từng cười đùa, từng đưa tay chào, từng lê lết trong sình lầy với anh, đã ở đâu rồi?
Anh đang ở đây, lành lặn khỏe mạnh, với người vợ xinh đẹp và một linh hồn sắp sửa về với họ. Từ giữa hư không, từ nơi chốn tận cùng quả đất, một đứa bé tượng hình. Đã cận kề cái chết quá lâu nên chuyện sự sống giờ đây tìm đến với anh đến thật khó tin.
Anh trở vào buồng đèn rồi nhìn lại lần nữa tấm hình Isabel đang treo trên cửa. Bí ẩn lớn nhất. Bí ẩn của cuộc đời.

Một món quà nữa mà Tom nhận được từ chuyến tiếp tế cuối cùng là cuốn sách Cẩm nang nuôi con hiệu quả dành cho bà mẹ Australia của Bác sĩ Samuel B. Griffiths. Mỗi khi ngơi tay Isabel lại đọc ngấu nghiến.
Cô trích dẫn đủ kiểu thông tin cho Tom nghe. “Mình có biết đầu gối của em bé không có xương không?” Hay “Em bé lớn chừng nào thì mới ăn bằng muỗng được?”
“Tôi không biết đâu mình à.”
“Thì mình đoán đi!”
“Thiệt tình, làm sao mà tôi biết được?”
“Trời, mình chán thật!” cô phàn nàn rồi lại chúi vào sách, đọc thêm một đoạn.
Chỉ trong vài tuần trang sách đã quăn mép và vấy vết cỏ từ những hôm bị mang ra ngoài bãi đất.
“Mình sinh con chứ có phải đi thi đâu.”
“Em chỉ muốn làm cho đúng. Em đâu có chạy qua nhà ba má để hỏi được?”
“Ôi Izzy của tôi,” Tom cười.
“Gì hả? Có gì mà buồn cười?”
“Không có gì. Không có gì hết. Tôi muốn mình cứ như thế này mãi.”
Cô mỉm cười, rồi hôn anh. “Mình sẽ là một người cha tuyệt vời, em biết mà.” Cô nhìn anh như muốn hỏi điều gì.
“Chuyện gì hả mình?” Tom gợi ý.
“Không có gì.”
“Không, thực ra là chuyện gì hả mình?”
“Cha của mình đó. Tại sao mình không bao giờ nói về ông ấy?”
“Có tình cảm gì đâu.”
“Nhưng ông ấy là người ra sao?”
Tom nghĩ một lúc. Làm sao anh có thể diễn tả ngắn gọn về cha mình? Làm sao anh có thể giải thích cái nhìn trong đôi mắt ông ấy, cái khoảng trống vô hình bao quanh ông, để ông không bao giờ gần gũi anh. “Ông ấy luôn đúng. Lúc nào cũng đúng. Không cần biết là chuyện gì hết. Luôn biết rõ luật lệ, lúc nào cũng theo đó, bất kể tất cả.” Tom nghĩ đến dáng người cao lớn, đổ bóng lên khắp thời thơ ấu của anh. Cứng rắn và lạnh lùng như tấm bia mộ.
“Ông ấy nghiêm khắc lắm sao?”
Tom bật cười chua chát. “Nghiêm khắc là nói tránh.” Anh đặt bàn tay lên cằm, ra vẻ ngẫm ngợi. “Có lẽ ông ấy chỉ muốn chắc rằng mấy đứa con trai không bao giờ nổi loạn. Làm gì cũng bị ăn đòn. Thực ra thì tôi làm gì cũng bị ăn đòn. Còn Cecil lúc nào cũng mách lẻo — nhờ vậy mà không bị phạt.” Anh lại cười. “Mình biết sao không, thực ra nhờ đó mà kỷ luật quân đội với tôi cũng nhẹ nhàng. Vì tôi luôn nghĩ mình không bao giờ biết mọi thứ sẽ tồi tệ tới đâu nữa.” Gương mặt anh đanh lại. “Vậy nên cũng dễ dàng lúc tôi ra chiến trường, vì tôi biết rằng sẽ không ai phải đau khổ khi có điện tín báo tin.”
“Ôi Tom! Đừng nói vậy chứ!”
Anh kéo cô vào lòng, vuốt tóc cô trong thinh lặng.

Có những lúc đại dương chẳng còn là đại dương — không còn màu xanh, không chỉ là nước mà là cơn bùng nổ cuồng nộ, đầy sức mạnh và hiểm nguy: sự dữ dội chỉ có Chúa mới gọi đến được. Nước biển táp lên hòn đảo, quất lên đỉnh hải đăng, gặm nhấm cả vách đá khiến từng mảnh rơi ra. Âm thanh đó như tiếng gào thét của một con quái vật trong cơn giận dữ khôn cùng. Đó cũng là những đêm người ta cần đến ngọn đèn biển nhất.
Trong những trận bão dữ dội, khi cần Tom sẽ thức canh đèn cả đêm, ngồi bên chiếc lò sưởi đốt dầu, uống trà ngọt đựng trong phích nhỏ. Anh nghĩ đến những con người tội nghiệp đang ở trên tàu và anh cám ơn Chúa rằng mình được an toàn. Anh trông chừng tín hiệu đèn báo nguy, sẵn sàng thả chiếc xuồng cứu hộ xuống, nhưng biển trời như vậy thì ai biết chiếc xuồng liệu có ích gì.
Đêm tháng Năm đó Tom ngồi với cây bút chì và cuốn sổ nhỏ trong tay, cộng các con số. Lương hàng năm của anh là 327 bảng. Một đôi giày trẻ con bao nhiêu tiền? Theo lời Ralph thì bọn trẻ cần giày mới liên tục. Rồi còn áo quần. Rồi sách vở nữa. Đương nhiên, nếu anh cứ ở lại Hải đăng xa bờ thì Isabel sẽ phải dạy chúng học ở nhà. Nhưng trong những đêm như đêm đó, anh tự hỏi liệu có công bằng không nếu bắt ai đó, chứ chưa nói đến trẻ con phải sống cuộc sống trên đảo. Nhưng anh nhớ ngay đến lời Jack Throssel, một người gác đèn ở phía Đông. “Tốt nhất trên thế gian với trẻ con, tôi thề đấy. Cả sáu đứa con tôi đều ngon lành. Lúc nào cũng bày trò nghịch ngợm: hết thám hiểm hang động lại tự làm nhà chơi. Một đội tiên phong chính hiệu. Bà vợ tôi thì luôn đảm bảo chúng học hành đầy đủ. Cứ tin tôi đi - nuôi trẻ con trên trạm đèn dễ như không!”
Tom trở lại với những tính toán lúc nãy: làm sao để dành được thêm chút ít nữa, để chắc rằng có đủ mà lo áo quần, thuốc men rồi Chúa mới biết cái gì nữa. Ý nghĩ mình sắp làm cha khiến anh vừa hồi hộp, vừa phấn khích lại vừa lo lắng.
Khi anh mải nhớ lại những ký ức về người cha của mình, cơn bão bên ngoài cuồng nộ quanh tháp đèn, khiến anh không thể nghe được gì khác trong đêm. Không thể nghe được cả tiếng Isabel kêu khóc cầu cứu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 39 guests