Khám Phá Nepal Huyền Bí - Trịnh Thanh Thủy

Những tin tức hay, lạ, vui, và hữu ích cho đời sống.
Xin đừng tranh luận về chính trị, tôn giáo, sắc tộc ...

Moderator: A Mít

Khám Phá Nepal Huyền Bí - Trịnh Thanh Thủy

Postby mithott » 10 Jan 2019


Khám phá Nepal huyền bí


Image
Bảo tháp Tây Tạng Boudhanath



Nepal là một xứ sở xa xôi, thời tiết có tới 5 mùa phải nói là khắc nghiệt. Tuy nhiên nơi này là chốn lui tới rất nổi tiếng của dân leo núi Everest và rặng Hy Mã Lạp Sơn. Ngoài ra nếu bạn chán cảnh văn minh tân tiến, ưa nét đẹp thiên nhiên và những cái lạ kỳ ít nơi nào có, hãy đến đây bạn sẽ tìm thấy thiên nhiên hoang sơ, những điều thú vị của nếp sống văn minh lùi lại hàng nhiều niên kỷ trước.

Tôi đã đến Nepal theo một tour du lịch vào tháng 10 là tháng mà khách du lịch có thể chụp hình dãy Hy Mã Lạp sơn rõ nhất (tháng 11 và tháng 12) ít có mây và mưa. Ngoài các bạn trẻ ngoại quốc, tôi gặp các em trẻ Việt Nam với những chiếc balô cao ngất ngưởng ôm mộng chinh phục đỉnh núi cao nhất Everest.

Image
Đỉnh Fish tail của dãy Hy Mã Lạp Sơn


Muốn leo núi Everest, bạn phải bắt đầu bay từ thành phố Kathmandu qua Lukla, rồi bắt đầu leo núi để tới Mount Everest Base Camp. Phi trường Lukla là một phi trường vang danh là một trong những phi trường đẹp và nguy hiểm nhất thế giới trong vòng 20 năm nay. Nó nguy hiểm vì phi đạo hẹp và ngắn(chỉ có1729 feet) mà còn có mưa thường xuyên, bị mây bao phủ, tầm nhìn hạn chế. Một đầu phi đạo nằm trên một vách đá cao 2000 feet, đầu kia là một bức tường đá với đường phi đạo nghiêng 11 độ. Người phi công bay được ở đây phải là những phi công xuất sắc và tài ba bậc nhất vì chỉ trông chờ vào kinh nghiệm và may rủi của thời tiết, đã vậy còn không có hoa tiêu trợ lực nữa. Các chuyến bay thường bị trễ hoặc hủy vì điều kiện thời tiết rất nguy hiểm.

Image
Everest Base camp


Đền đài lăng miếu ở Nepal là những kiến trúc cổ rất đẹp với các nét chạm trổ mỹ thuật tỉ mỉ trên các cánh cửa, cửa sổ, rường cột, hay các vật dụng ở đền thờ, cung điện. Những trận động đất, gần đây nhất là trận động đất lớn năm 2015, đã tàn phá và tiêu hủy nhà cửa và nhiều đền đài cung điện ở Nepal. Chính quyền, UNESCO, và một vài quốc gia như Nhật, Trung Hoa, Hoa Kỳ …đã giúp trùng tu lại các công trình quí giá đã và đang bị sụp đổ. Vì 80% dân số người Nepal theo đạo Hindu(Bà La Môn) và 10% theo đạo Phật nên phần lớn đền chùa ở đây đều thuộc đạo Bà La Môn. Khu Hanuman-dhoka Durbar Square là trung tâm phố cổ Kathmandu, cũng nơi qui tụ các cung điện và đền đài Bà La Môn cũng như Phật Giáo từ thế kỷ 12 tới 18. Khu này thuộc sự bảo tồn và gìn giữ của tổ chức UNESCO.

Image
Khu Durbar Square


Pashupatinath Temple, là một ngôi chùa cổ Hindu nổi tiếng rất thiêng nằm bên bờ sông Bagmati phía đông bắc của thung lũng Kathmandu. Đường vào chùa có rất nhiều khỉ được nuôi và tôn thờ vì khỉ vốn là Thần vật của đạo này. Toàn thể khuôn viên chùa đã được UNESCO bảo tồn và gìn giữ như một di sản lịch sử và văn hoá. Đó cũng là nơi người ta đem xác người chết đến để thiêu. Du khách, thân nhân và người đi đưa đứng ngồi từ một khu đất cao nhìn xuống phía dưới là bờ sông của ngôi chùa. Sau các nghi lễ Bà La Môn, người chết không có quan tài, được đậy bằng hoa do các con trai và họ hàng khiêng đi đến bờ sông. Củi được chất vào và các người con trai sẽ nổi lửa thiêu. Người giàu có tiền mua đủ củi đốt, xác cháy hết thì vất tro xuống sông, còn nhà nghèo không đủ củi, xác và xương chưa rã họ cũng cho xuống sông luôn. Theo đạo Bà La Môn thì sự sống chết là sự tự nhiên, họ không buồn khổ hay than khóc cho người đã mất. Giống người Ấn Độ ở sông Hằng, họ rất thích tắm và vất xác, tro người, xuống dòng sông thiêng này, vì tất cả các con song, kể cả sông ở Ấn Độ, đều xuất phát chảy từ nguồn ở Tây Tạng, là nơi có ngọn núi Ngân Sơn là ngọn núi thiêng của Phật Giáo. Ở Ấn Độ người ta cũng vất xác, tắm, và lấy nước dòng sông Hằng về uống. Theo đạo Hindu chết là trở về với dòng nước thiêng, do đó mới có tục đốt và vứt xác xuống sông.

Image
Người thân khiêng xác



Image
Chùa Pashuptinath và dòng sông thiêu xác.


Khi Trung Cộng lấn chiếm Tây Tạng, một số người Tây Tạng chạy qua Ấn Độ và Nepal xin tị nạn nên Nepal là nơi có rất nhiều người tị nạn Tây Tạng (khoảng 20 ngàn người) sau Ấn Độ (khoảng 150 ngàn người). Tình trạng di trú của họ là bất hợp pháp, sống rải rác trong 12 trại tập trung ở Nepal. Họ không được làm chủ bất động sản, cơ sở thương mại, không được thuê mướn hợp pháp, phần lớn đan may, làm ra các sản phẩm thủ công, quà tặng lưu niệm cho các du khách viếng thăm trại tị nạn của họ. Tuy nhiên đi tới đâu họ cũng lập đền chùa Phật Giáo theo phái Kim Cương Thừa.

Image
Trại tị nạn người Tây Tạng


Bảo tháp Boudhanath là 1 trong những ngôi bảo tháp Phật Giáo Tây Tạng lớn nhất Nepal và thế giới. Ngôi Bảo tháp Boudhanath là quốc bảo của Nepal, di sản văn hóa thế giới, xây dựng vào thế kỷ thứ 5 và được khôi phục với sự đóng góp của các tổ chức Phật giáo trên toàn thế giới. UNESCO cũng đã bảo tồn và sửa chữa những hư hại do động đất gây nên. Bảo tháp có mái vòm hình vuông với 1 khuôn mặt có vẽ 2 con mắt. Phía trên đôi mắt là hình tượng con mắt thứ ba, biểu trưng cho trí tuệ giác ngộ. Dưới đôi mắt là một dấu hỏi trông giống như chiếc mũi, có nghĩa là sự hợp nhất. Thân tháp là khối hình vuông, phía trên thân là đỉnh tháp với hình kim tự tháp có mười ba bậc, dẫn đến chiếc lọng tinh xảo- biểu trưng cho lộ trình tu tập dẫn đến sự giác ngộ, giải thoát. Và trên đỉnh tháp là một mái vòm mạ vàng, bên trên đó là hình chóp nón mạ vàng. Cái lọng ở trên đỉnh tháp là biểu tượng của hoàng gia. Du khách đến thăm rất đông. Trong khu buôn bán quá lưu niệm ở đây, có một tiệm phở VN do người Việt làm chủ.

Image
Bảo tháp Tây Tạng Boudhanath


Image
Một vị Lạt Ma đang cầu nguyện


Đến Nepal bạn còn được dịp thưởng thức hay mua sắm loại tranh vẽ tôn giáo Thangka mang về làm quà lưu niệm. Thangka (Tangka, Thanka) là loại tranh vẽ (hay thêu), cuốn lại được,treo ở các tự viện hay nơi thờ Phật tại gia đình. Tranh Thangka được dùng như một công cụ thuyết pháp, thể hiện cuộc đời của Đức Phật, các vị Lạt ma danh tiếng cùng chư Bồ tát, thánh thần. Đối với Phật tử khi chiêm ngưỡng những bức Thangka treo trên tường họ không chỉ cảm nhận vẻ đẹp trang nghiêm mà còn tin rằng sẽ nhận được những điều mầu nhiệm phát tỏa ra từ đó. Các Thangka vẽ các thần linh được coi là thần bảo hộ hoặc phù hộ tín đồ vượt qua khổ nạn, bệnh tật. Một đề tài đặc biệt phổ biến là Pháp luân. Loại Thangka màu thể hiện cả thần và nữ thần Hindu cùng các đề tài Phật giáo: Đức Phật tọa thiền, cuộc đời Đức Phật, Pháp luân, hay Mạn đà la ..v..v.. Mandala(Mạn đà la) là một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ, là nơi tâm thức của chư đại bồ tát an trụ.

Image
Tranh vẽ Mandala


Ở Nepal có rất nhiều lễ hội, một năm 365 ngày mà có hơn 50 lễ hội một năm. Dân chúng tối ngày lo mua sắm đón mừng lễ hội nhiều đến nỗi nhà cửa, đường xá hư vì động đất cũng không có thì giờ sửa chữa, cứ hẹn lần hẹn lữa đến mai và ngày mai chả biết bao giờ mới tới (lời của người dẫn đoàn).


Image
Những ngôi đền gần lâu đài Kumarighar


Chúng tôi được dạo phố Kathmandu, vài ngày trước ngày Lễ Hội Ánh Sáng Diwali(Tihar), nên người dân đi dạo phố mua sắm rất đông. Lễ hội này lớn thứ nhì ở Nepal, được ví như Tết Nguyên đán của Việt Nam hay Lễ Giáng Sinh của phương Tây, kéo dài quá 5 ngày với mục đích tôn vinh thú vật như quạ, chó, bò. Ngày thứ ba, họ tôn vinh Laskmi, nữ thần của sắc đẹp, thịnh vượng và may mắn. Ánh sáng được thắp lên khắp nơi, trong nhà, ngoài ngõ, để mỗi góc trong ngôi nhà đều tràn ngập ánh sáng bằng chiếc đèn dầu nhỏ bằng đất nung. Họ đã trao nhau những món ngon, quà tặng và đốt pháo bông chào mừng. Bột đủ màu sắc được bán ở chợ để tung, ném vào nhau vào ngày lễ. Mỗi màu đều có ý nghĩa khác nhau như màu đỏ cho tình yêu, xanh biển cho thần Krisna, lá cây cho mùa xuân và năm mới bắt đầu .v.v..

Image
Bột màu của Lễ Hội Ánh Sáng
mithott
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $22,648
Posts: 2039
Joined: 17 May 2011
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng mithott từ: Que Huong, Thuvang

Re: Khám Phá Nepal Huyền Bí - Trịnh Thanh Thủy

Postby mithott » 10 Jan 2019

Đi xem Thánh Nữ Đồng Trinh ở Nepal


Image
Thánh Nữ Đồng Trinh ở Nepal


Nếu bạn là người thích thuyện chưởng hay phim bộ kiếm hiệp hẳn bạn nhớ nhân vật nữ phụ của nhà văn Kim Dung có tên Tiểu Siêu (Tiểu Chiêu). Cô là 1 trong số những thiếu nữ yêu Trương Vô Kỵ trong truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Tiểu Siêu là con lai giữa Ba Tư, Hán, con gái Kim Hoa Bà Bà và Hàn Thiên Diệp. Nàng rất dịu dàng, thương yêu Vô Kỵ thầm lặng, không ghen tuông, không giận chàng. Nàng xinh đẹp, đảm đang, tính tình có phần trẻ con dễ thương. Nếu như nàng không quay về Ba Tư làm Thánh Nữ tức Giáo chủ Minh giáo Ba Tư để thay tội thất tiết cho người mẹ Thánh Nữ của mình, có lẽ mối tình giữa nàng và Vô Kỵ đã có kết thúc hoàn hảo. Tiểu Siêu là mẫu người con gái ngoan, đẹp, dịu hiền mà nhiều người trong phái nam rất thích để lấy làm vợ khi đọc Kim Dung.

Sở dĩ tôi nhắc đến Thánh Nữ Tiểu Siêu của Kim Dung vì xin thưa với bạn trong chuyến viếng thăm Nepal gần đây tôi được đoàn du lịch dẫn đi xem Thánh Nữ Đồng Trinh (Kumari) của họ tại thủ đô Kathmandu, Nepal. Người Nepal rất tôn sùng và kính trọng vị thần sống (Living Goddess) này. Mỗi địa phương có riêng một Thánh Nữ, nhưng vị Thánh Nữ ở thủ đô Kathmandu là vị thần chung mà cả xứ Nepal thờ phụng. Vị thánh sống đương nhiệm mới được bầu lên hồi tháng 9, 2017 là một bé gái mới được ba tuổi, chứ không phải cô gái đương xuân xinh đẹp như Tiểu Siêu mà tôi lầm tưởng. Người dẫn đoàn bắt đầu giảng giải:

“Kumari, có nghĩa là Nữ Thánh Đồng Trinh, của chúng tôi là hiện thân của Taleju Bhavani - Nữ thần Rắn (Naga Goddess) (một trong các hóa thân của Nữ thần tối cao Durga).. Người ta tin rằng, Nữ thánh đồng trinh có một quyền lực siêu nhiên có thể bảo trợ vận mệnh cho Quốc vương, toàn bộ vương quốc, và làm cố vấn cho ngài mỗi khi có một vấn đề nan giải. Tục lệ này, xuất hiện trong xã hội Hindu giáo, đã có từ xa xưa tại Nepal và một số nơi tại Ấn Độ. Riêng ở Kathamandu truyền thống chọn Kumari hình thành trong cộng đồng người Newar, cùng sự kết hợp các yếu tố của Hindu giáo và Phật giáo"


Khi được người dẫn đoàn tiết lộ chúng tôi sẽ được đi thăm ngôi lầu đài Kumari-ghar là nơi cư ngụ của vị Thánh Sống này, tôi rất hồi hộp vì mình sắp được diện kiến vị thánh nữ tối cao đầy quyền lực của xứ Nepal huyền bí. Tôi định bụng sẽ chụp hình, phỏng vấn những người thân cận của cô bé để biết rõ hơn về đời sống kỳ lạ của một Thánh Nữ. Tuy nhiên khi vào toà lâu đài 3 tầng bằng gạch với rất nhiều cách cửa và cửa sổ bằng gỗ đen, đỏ và nạm vàng chạm trổ tinh vi những biểu tượng của thần, vật, tôn giáo, tôi đã hoàn toàn thất vọng. Chụp cái sân đền thì được nhưng họ không cho phép chụp hình Thánh Nữ, không cho tiếp xúc và mọi nơi, mọi chỗ đều có người canh gác, ai lỡ chụp hình sẽ bị tịch thu máy ảnh, hình chụp lập tức bị xoá. Người tour guide còn nói, nếu họ thấy có máy ảnh Thánh Nữ sẽ không xuất hiện, cho nên ai cũng phải tuân theo lệnh cấm một cách tuyệt đối.
Image
Thánh Nữ Trishna Shakya được người cha bồng

Image
Lâu đài Kumari-ghar

Lúc Thánh Nữ xuất hiện ban phép lành cho người đến chiêm ngưỡng, cô sẽ xuất hiện tại một ô cửa sổ ở tầng lầu 1 vào buổi sáng hay chiều tối. Trong bầu không khí nóng và khô nồng nã mùi nhang khói, tôi và mọi người đứng dưới sân đền, ai cũng im phăng phắc nhìn lên. Qua khung cửa sổ, một khuôn mặt bé nhỏ của cô gái 3 tuổi, trong y trang mũ mão đỏ với nhiều đồ trang sức hiện ra. Điều rất đặc biệt là khoé mắt cô được vẽ thêm một nét mi cong đen rất đậm kéo dài đến chân tóc. Còn trên trán điểm thêm một con mắt thứ ba coi rất lạ. Cô điềm tĩnh nhìn xuống khắp lượt mọi người như ban phát ân sủng của mình qua tia nhìn. Khuôn mặt thì lạnh lùng vô cảm, không cười, không nói, không vẫy chào rồi nhanh chóng lui vào, biến mất nhanh như lúc cô xuất hiện. Người dân sì sụp cúi lạy một cách kính cẩn với vẻ thoả mãn như vừa được gia ân.

Tôi vội chạy đến hỏi ông Tour guide người Nepal xin tiếp xúc với một người hầu cận của Thánh Nữ. Tôi được ông dẫn đến gặp một tu sĩ là người thân cận của Thánh Nữ để xin phỏng vấn thêm về tiểu sử của cô bé và ông vui vẻ kể như sau:
" Thánh Nữ 3 tuổi tên là Trishna Shakya. Cô là người được chọn trong số 4 cô bé được vào chung kết thuộc bộ tộc Shakya. Cô đã thay thế vị Thánh tiền nhiệm về hưu và cô sẽ ở đây khoảng 13 năm cho tới khi cô có kinh nguyệt tức là không còn tinh khiết nữa. Một khi cô đến tuổi 12, chúng tôi bắt đầu một cuộc tuyển chọn mới.

Thủ tục tuyển chọn Thánh Nữ rất gay go và khe khắt . Ở Kathmandu chúng tôi có 18 ngôi chùa của đạo Phật. Khi đến lúc phải tuyển, đêm đó chúng tôi âm thầm gởi một lá thư tuyển chọn đến các vị phương trượng của các chùa nhờ tìm người và xin họ giữ bí mật, không lan truyền rộng cho bá tánh biết. Đặc biệt người ứng tuyển chỉ được chọn trong hàng con cháu dòng họ Phật tử chứ bên đạo Bà La Môn không được tham dự. Mà các cô bé phải có 32 yếu tố hoàn hảo, gia phả là Phật tử ròng trong 7 thế hệ bên họ mẹ mới được. Lá số tử vi của Thánh nữ không được xung khắc với Quốc vương đang trị vì, và phải cực kỳ tốt để được đặt vào một Mandala (Mạn đà la-Vòng luân hồi) khổng lồ mà so sánh. Cơ thể cô bé không được có tì vết, thơm tho, sạch sẽ, không mắc bệnh truyền nhiễm (nhất là đậu mùa). Phải có những nét tượng trưng như: lông mi phải "dày rậm như lông mi bò", giọng nói phải "thanh như tiếng vịt", đùi như "đùi nai", ngực của sư tử...v..v.. Ngoài ra mắt và tóc phải đen mun, răng đủ 20 cái." Cô bé còn phải trải qua một cuộc thử nghiệm can đảm bằng cách đi vào một căn phòng tối tăm với những chiếc đầu động vật gớm ghiếc và những người mang mặt nạ rất ghê sợ mà cô không tỏ ra kinh hãi hay kêu khóc. Bởi vì sau khi đăng quang Thánh Lễ sẽ được tổ chức, Thánh Nữ phải chứng kiến việc tàn sát 108 con trâu, dê, gà, vịt và trứng theo đúng tục lệ cổ xưa."


Tôi hỏi vị tu sĩ, với một cô bé vào tuổi lên ba, hồn nhiên, vô tư, sao khuôn mặt Thánh Nữ trông lạnh lùng, thản nhiên, không cười nói hay làm cử chỉ gì ra vẻ ban ơn cho bá tánh vậy ? Ông trả lời rằng những cử chỉ hay cảm tính lộ trên nét mặt cô bé đều là những tiên tri hay điềm báo của thần linh. Cho nên khi thấy cô có khuôn mặt vô cảm tức là những người gặp mặt hôm đó đều may mắn, mọi ước nguyện đã được cô chấp nhận.
Image
Đám đông sùng bái Thánh Nữ xin ban ơn

Image
Đám đông trước lâu đài Kumari-ghar trong một buổi lễ

Ra khỏi đền Kumari-ghar, tôi còn ngẫm nghĩ tới lời của người dẫn đoàn giảng giải thêm về cuộc sống cá biệt, thần thánh như nữ tu mà một đứa bé 3 tuổi phải chịu đựng trong toà lâu đài. Cô chỉ được về thăm gia đình 13 lần một năm vào những dịp tế lễ và bị cho về hưu khi có kinh nguyệt hay bị chảy máu bất cứ đâu trên thân thể do sự mất thanh khiết. Để duy trì thanh khiết đi đâu cô cũng được bồng bế, hoặc khiêng kiệu để tránh đặt chân xuống đất. Sau này toà án cho phép gia sư vào toà nhà dạy riêng cho cô học chữ, văn hoá và tôn giáo. Tuy nhiên một số tổ chức nhân quyền đã coi đây là một hình thức bóc lột trẻ em. Họ cho rằng cuộc sống của Thánh nữ đã ngăn cản các cô bé này được vui chơi và học tập cùng bạn đồng trang lứa. Tuy lúc về hưu các Thánh Nữ được cấp dưỡng một số tiền để đời sống được ổn định, nhưng họ phải mất một thời gian dài mới đi đứng và hội nhập với cuộc sống đời thường được. Thế mà khi được hỏi các cô đều nói họ rất may mắn và ao ước được trở thành Thánh Nữ vì trong xã hội Nepal người phụ nữ bị đôi xử bất công rẻ rúng, làm Thánh Nữ ngược lại được tôn sùng, biệt đãi, ai cũng thích, trong khi các bậc cha mẹ rất hãnh diện vì có con là Thánh Nữ.


Các cô Thánh Nữ bên Ấn Độ thì bị đối xử tệ bạc hơn nhiều. Họ thường xuất thân từ con nhà nghèo bị cha mẹ bán đi và trở thành vật hiến tế cho thần linh từ khi được 10 tuổi. Đến lúc có kinh nguyệt bị cho về hưu, họ trở thành nô lệ tình dục cho các quan chức, tu sĩ. Họ không phải rời nhà để sống trong cung điện biệt lập như những Kumari Nepal. Vì thuộc thành phần của tầng lớp cùng đinh, thấp nhất xã hội, nên họ bị khinh miệt và ví như những "kỹ nữ nhà thổ" không có khả năng tự bảo vệ mình và buộc phải phục vụ tình dục khi được gọi đến. Khi không còn trẻ đẹp, họ trở về nhà và không được ai đếm xỉa, quan tâm. Thật tội nghiệp, suốt đời họ không thể có cuộc sống hôn nhân bình thường như những người khác. Các thánh nữ già lưu lại đền thờ sẽ phải sống những năm tháng đau khổ, trở thành người giám sát, quân sư cho những thánh nữ mới.

Nhớ lại Thánh Nữ của Kim Dung, tôi đoán, chắc ông đã từng biết đến tục lệ thờ Thánh Nữ ở Nepal và Ấn Độ. Trí tưởng tượng phong phú của ông đã làm nên một Thánh Nữ Minh Giáo Ba Tư hơi giống với Thánh Nữ Nepal, cũng đồng trinh. Tuy nhiên, Thánh nữ Tiểu Siêu của Kim Dung, hiền thục, xinh đẹp, giỏi võ công và dễ yêu hơn Thánh Nữ Nepal nhiều, phải không các bạn?.
mithott
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $22,648
Posts: 2039
Joined: 17 May 2011
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng mithott từ: Que Huong, Thuvang

Re: Khám Phá Nepal Huyền Bí - Trịnh Thanh Thủy

Postby mithott » 10 Jan 2019

Kiếp sau chớ làm phụ nữ Nepal


Image
Đây là chòi ở ở tận nơi hẻo lánh giành cho các chị em phụ nữ trú khi có kinh nguyệt . Ảnh của Anjana Saud/Tatapani


Sau chuyến du lịch Nepal, trên máy bay về Hoa Kỳ, chúng tôi bảo nhau, “Nếu có kiếp sau, Trời cho làm người, xin đừng cho chúng tôi làm người phụ nữ Nepal”.

Là một phụ nữ Việt Nam được sinh ra ở châu Á, tôi đã thấy ở đây, thân phận người phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi và bất công. Tuy nhiên có đi xa, có học hỏi và nghiên cứu đến thân phận của những người phụ nữ khác trên thế giới, tôi mới thấy phụ nữ chúng ta còn may mắn hơn nhiều nơi, nhất là Nepal. Sở dĩ tôi nói vậy, vì tôi sẽ kể bạn nghe những câu chuyện đường xa, nói về phong tục tập quán lạ đời đã chi phối trực tiếp đến đời sống những người lỡ sinh ra làm phụ nữ trên đất nước Nepal huyền bí.

Cách đây không lâu, ở ga tầu điện ngầm tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, một tấm tranh bích chương được treo trên tường nhà ga đã gây dư luận tranh cãi ầm ĩ. Đó là bức vẽ một thiếu nữ chơi môn trượt băng tuyết đang có kinh nguyệt với tư thế ngồi lộ rõ tâm điểm màu máu đỏ. Bên dưới đôi chân dang rộng là hàng chữ “It’s alright, I’m only bleeding”. Đây là một bức tranh nghệ thuật của Liv Strömquist. Những hành khách đi tàu điện đã sững sờ, có người cười, có người không vui, có người phản đối, không cho đó là nghệ thuật mà là sự kinh tởm, sự xúc phạm, dơ dáy, xấu hổ. Kinh nguyệt cần che đi, dấu kín chứ không phô diễn như vậy.

Theo tôi, hành động treo tấm tranh nghệ thuật ở đó của Liv Strömquist như một thách thức, đối đầu lại quan điểm thành kiến xã hội của con người về thời kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Nếu bạn có đến Nepal bạn mới thấy phụ nữ xứ này khổ sở biết bao với phong tục dành riêng cho người phụ nữ khi tới kỳ “thấy tháng”.

Image
Cô Pabrita Giri ngồi trong chòi của cô trong thời kỳ kinh nguyệt. Ảnh của AFP/ Getty



Tôi may mắn được tiếp chuyện với một vị giáo sư đại học về hưu ở Kathmandu, thủ đô Nepal. Ông am tường khoa học nhân văn và đã kể tôi nghe tường tận như sau về những phong tục tập quán, lề luật tôn giáo bộ tộc khắt khe của dân tộc ông.

Image
Vị giáo sư đại học Nepal(trái) và một vị Lạt Ma Tây Tạng


"Thời kỳ kinh nguyệt của mỗi người phụ nữ khác nhau, có người, trải qua 3, 5, 7 ngày hoặc hơn. Bao nhiêu ngày máu chảy là bấy nhiêu ngày người phụ nữ Nepal chịu đựng khổ nhục từ lúc dậy thì, bắt đầu có kinh cho tới lúc tắt kinh. Những luật lệ quy tắc đưa ra trói buộc và áp đặt trên cơ thể sinh lý, sức lao động, lợi tức, tình dục, hệ tư tưởng và kể cả danh tính của người phụ nữ .Tục lệ được thực thi từ đời tổ tiên của các bộ tộc tương truyền đến đời con, cháu, và đời sau vẫn phải áp dụng. Trong đức tin của đạo Hindu, kinh nguyệt của người phụ nữ là một cái gì xấu xa, ghê tởm, bẩn thỉu, không tinh khiết.

Suốt thời gian kinh nguyệt người phụ nữ, không được phép: vào nhà bếp, đền thờ, ngủ vào ban ngày, tắm, cài hoa, quan hệ tình dục, chạm vào nam giới hoặc nữ giới khác. Họ không được phép cưỡi ngựa, bò, voi, cũng không được lái xe. Phụ nữ được xem là không trong sạch và ô uế, và thường bị cô lập như những người không thể chạm vào. Ở thành thị thì phải vào chuồng thú sau nhà mà ở hay ngủ ngoài sân sau nhà, không gì che chắn. Ở ngoại ô nhất là trên vùng núi họ bị đuổi ra khỏi nhà, phải đi lánh mình vào một cái chòi cất sơ sài bằng cây, bốn bề không có vách, nơi không có ai lai vãng, kể cả cha mẹ và người thân. Người phụ nữ có kinh phải tự lo lấy bản thân mình cho tới khi qua thời gian hành kinh mới được trở về với gia đình. Ngay cả đến người chồng đầu ấp tay gối, cũng không được nhìn mặt, nói chuyện hay chạm tới họ, đụng vào sẽ bị vẩn đục. Ở thành phố, thoáng hơn nhưng họ phải mặc áo sari đỏ trơn không hoa văn để báo cho người khác biết họ đang trong thời gian có kinh nguyệt. Đồ dùng của họ không ai dám chạm tới, nếu không may đụng vào rất phiền phức vì phải đi ra suối, dùng nước suối thanh khiết để tẩy uế, nếu không sẽ bị xui xẻo cho bản thân và cả gia đình họ."

Ký giả Pragya Lamsan đã từng sống và làm việc ở thủ đô Kathmandu đã phát biểu như sau về vấn đề nan giải này:

"Tôi đã đến và chứng kiến sự việc này, càng xa ánh sáng đô thị, sự áp dụng luật lệ "Chhaupadi" này càng gắt gao. Nó không còn là vấn đề của một nét văn hoá riêng mà nó liên quan tới nhân quyền.

Vì bị giá rét(vùng núi cao của dãy Hy Mã Lạp Sơn ở Nepal lạnh kinh khủng, quanh năm bao phủ tuyết) và tình trạng vệ sinh kém mà phụ nữ có kinh nguyệt - bao gồm cả trẻ gái - đã chết trong những ngôi chòi cây. Chỉ một vài tháng trước đây, một phụ nữ đã chết ở Achham, một huyện lỵ xa xôi nằm ở phía tây của Nepal. Không có số lượng chính xác số người chết trong chòi vì không được báo cáo, nhưng người ta tin rằng hàng chục phụ nữ phải chịu đựng và con số chết hàng năm rất nhiều.

Cô gái Nepal 17 tuổi Kalpana Majhi, 17 tuổi, tâm sự, "Nỗi lo sợ lớn nhất của em là khi có kinh nguyệt, bị buộc phải ngủ trong một căn chòi ngoài trời." Cô sống ở Kuine, một ngôi làng nhỏ ở Tatopani ở miền trung Nepal. Cô rất ngại ngùng khi báo cho mọi người biết cô tới kỳ kinh. Cô sợ rắn, sợ cô đơn, lạnh lẽo, phải xa bạn bè người thân, và tự hỏi chính mình tại sao tôi không được ngủ trong nhà mình."

Bạn hãy tưởng tượng con, cháu, em gái bạn tuổi 14, 15, 16 bị bỏ bơ vơ ngoài chòi hoang trống hoác không vách, trên núi lạnh lẽo không ai lai vãng, bạn nghĩ sao? Các em phải tự mình đốt lửa sưởi ấm, thức ăn, quần áo, chăn mền phải đem theo, gió tuyết lạnh, và còn rắn nữa, trên cây rắn cũng có thể bò vào mà rắn ở đó rất nhiều. Có người chết vì khói xông lên từ đám lửa em thắp dưới đất để sưởi ấm. Có nơi phụ nữ sau khi sinh con phải ở ngoài chòi tới cả tháng mới được về nhà.

Với điều kiện nghèo, chậm tiến và kém vệ sinh, phụ nữ ở xa thành phố không dùng băng vệ sinh cá nhân, họ dùng những mảnh vải thừa quấn vào để thấm máu rồi giặt và phơi. Khi thời gian kinh nguyệt sạch sẽ họ phải ra suối tắm cho tinh khiết mới được cho phép về nhà. Có nơi sau khi tắm suối còn phải tắm nước đái bò để tẩy uế vì bò là thần vật của đạo Hindu.

Image


Tập tục này được gọi Chhaupadi, đã bị toà án tối cao Nepal cấm hành xử vào năm 2005, nhưng truyền thống này vẫn còn tràn lan. Một trong những lý do chính đằng sau sự liên tục áp dụng truyền thống này là các cơ quan thực thi pháp luật thường thấy kinh nguyệt như là một vấn đề của gia đình tư nhân. Vì là niềm tin đạo giáo nên nó được người dân địa phương bảo vệ ,vì sợ rằng kinh nguyệt phụ nữ không tinh khiết và nếu làm trái lại, các vị thần sẽ tức giận và trừng phạt gieo tai ách đến cho họ.

Tulasi Majhi, 50 tuổi, mẹ của Kalpana nói, "Chúng tôi lớn lên đã được dạy rằng thần thánh sẽ tức giận nếu để đàn bà kinh nguyệt bước vào nhà bếp hoặc chạm vào các thành viên nam trong nhà. Chúng tôi sợ làm trái, điều xấu sẽ xảy ra nếu chúng tôi phá vỡ các quy tắc. Chúng tôi yêu con gái chúng tôi lắm nên có nhà giữ con ngoài chòi 7 ngày, 5 ngày chúng tôi đã cho nó về nhà ".

Ngoài sự sợ hãi thần thánh, một lý do quan trọng khác khiến không ai dám thay đổi luật là sự sợ hãi bị cô lập từ xã hội. "Dân làng có thể giận dữ và tuyệt giao cũng như không đến nhà chúng tôi nữ nếu chúng tôi làm ngược lại truyền thống. Chúng tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé, không có khả năng thách thức cả bộ tộc".

Sự chịu đựng những tục lệ truyền thống quái dị của phụ nữ Nepal còn nhiều, chưa hết đâu như tục lệ vẫn tảo hôn(kết hôn trước tuổi vị thành niên) còn áp dụng ngày nay ở nước này. Xin bạn đọc theo dõi ở kỳ tới.
mithott
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $22,648
Posts: 2039
Joined: 17 May 2011
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng mithott từ: Que Huong, Thuvang

Re: Khám Phá Nepal Huyền Bí - Trịnh Thanh Thủy

Postby mithott » 10 Jan 2019


Phỏng vấn nhân chứng của tục tảo hôn và đa phu ở Nepal

Image
Một cặp cô dâu chú rể ở Nepal. Ảnh của Kathmandu Post


Chắc bạn đã từng nghe về tục tảo hôn, tức kết hôn trước tuổi vị thành niên hàng ngàn năm trước ở Việt Nam trong câu ca dao “Lấy em từ thưở mười ba/ đến năm 18 em đà năm con/ ra đường thiếp vẫn còn son/ về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.”. Bạn cũng không mấy ngạc nhiên nếu theo dõi tin tức thấy đâu đó trên thế giới vẫn còn tục tảo hôn, cha mẹ gả con gái đi lúc các em còn rất nhỏ. Tuy nhiên nếu bạn là người thích phim bộ và có xem bộ phim dài tập “Cô dâu 8 tuổi” kéo dài 8 năm đến 2016 mới dứt, bạn mới hiểu rõ và thấu đáo bi kịch của tục lệ tảo hôn ở Ấn Độ ra sao. Ở VN, bộ phim được xếp vào hạng top 10 với số lượng người xem cao nhất. Nó được công chiếu trong nhiều quốc gia trên thế giới. Phim đề cập tới các khía cạnh khác nhau trong vấn nạn tảo hôn ở Ấn Độ. Nội dung đánh thẳng vào sự đối xử bất công và ngược đãi phụ nữ, kể cả từ khi họ còn bé. Phim đã gây tranh cãi dữ dội trong xã hội Ấn suốt một thời gian dài tới bây giờ.

Khi đi du lịch, đặt chân đến Nepal là một xứ theo đạo Hindu (Bà La Môn), tôi tình cờ được nói chuyện với một người từng là nạn nhân của hủ tục tảo hôn này. Ông xác nhận tục này vẫn còn tiếp diễn và xảy ra ở Nepal cũng như Ấn Độ. Ở Nepal, 37% phụ nữ lấy chồng trước 18 tuổi và 10% lấy chồng vào tuổi 15 trở xuống. Luật pháp Nepal quy định 20 là tuổi hợp pháp để kết hôn nhưng tục tảo hôn vẫn còn và người ta bất chấp luật lệ. Nepal đứng thứ ba trong các nước châu Á theo tục tảo hôn. Trong chuyến bay chuyển tiếp từ Ấn Độ qua Nepal tôi lại được may mắn ngồi chung với một chàng trai Ấn Độ trẻ đang dính dáng tới một cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt và anh chàng đã tuân theo một cách tuyệt đối.

Image
Tảo hôn ở Nepal. Ảnh của Olga Rani

Image
Trẻ em đi học ở thành phố Pokhara vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, Nepal. Ảnh của TTThủy


Giáo sư Aalam Mohddeein, người Nepal, một giáo sư đại học về hưu, ông là người thuộc một bộ tộc sống ở miền núi dãy Hy Mã Lạp sơn nhưng sau về thủ đô Kathmandu định cư và làm việc. Ông đã là nạn nhân của một cuộc hôn nhân xếp đặt của cha mẹ từ khi ông mới 11 tuổi và vợ ông khi ấy chỉ là cô bé 8 tuổi.

Ông kể:
“Sau khi 2 gia đình hứa hôn và làm đám cưới, cô ta về nhà tôi, nhưng tối đến, cô ngủ với bà nội tôi, tôi thì ngủ với bố tôi. Lúc cả hai đều trưởng thành độ 17,18 tuổi chúng tôi mới được phép ngủ chung với nhau. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn phải gắn bó cho tới chết. Tục tảo hôn của Nepal rất phổ biến và lưu hành đến ngày nay nhất là ở các bộ tộc miền núi. Lý do tại vì họ thiếu nhân lực. Bây giờ đàn ông con trai đi qua các nước khác lao động kiếm tiền nên số người còn ở lại ít và hiếm hoi. Các bộ tộc tìm cách kiểm soát không cho người lạ vào làng bằng tục tảo hôn. Hơn nữa, với quan niệm trọng nam khinh nữ, gả con gái đi, nhà gái phải sửa soạn của hồi môn rất hậu cho nhà trai, tùy theo nhà trai giàu hay nghèo, càng giầu của hồi môn càng hậu. Những gia đình nghèo có nhiều con gái đã nghèo lại càng nghèo hơn. Họ gả con đi lúc còn nhỏ để tiết kiệm tiền hồi môn, lại đỡ được một miệng ăn. Đàn ông miền núi làng tôi rất lười biếng, bao nhiêu việc đồng áng, trong ngoài đều do đàn bà làm cả. Ngoài ra phụ nữ còn là những cái máy sản xuất trẻ con, càng đông con càng hãnh diện, 10-15 đứa càng tốt. Suốt ngày các ông chỉ ngồi trong quán trà, hút thuốc tán dóc, tối đến qua quán rượu uống Raski. Vì giữ tục tảo hôn nên nhiều khi mẹ và con chỉ cách nhau 14 tuổi, và xem nhau như bạn bè. Tuy nhiên vì xa thành thị, không có y tá, bác sĩ và bệnh viện nên tỷ lệ tử vong rất cao.

Khi hai gia đình đã hứa hôn thì hai trẻ coi như đã là vợ chồng, nếu không may chàng rể tương lai mất sớm, trước hay sau khi thành hôn, cô bé kia coi như thành goá phụ suốt đời, dù còn rất nhỏ tuổi và còn trinh. Cuộc sống của cô bé goá phụ mới thật kinh hoàng. Cô bị mọi người cô lập, kể cả thân tộc xa lánh không dám lại gần vì sợ xui xẻo như cô. Cô không được đeo nữ trang, ăn mặc thô mộc tang chế, không được đến đền thờ, chỉ ru rú trong nhà vì ra khỏi nhà thì bị mọi người coi như hủi. Cô không được tái hôn hay làm lại cuộc đời mới. Cô là người bất hạnh nhất của xã hội phong kiến, chậm tiến này. Lề luật, phong tục của chúng tôi đi ngược lại văn minh thế giới cả ngàn năm, càng xa thành phố, đời sống càng hoang dã.

Chúng tôi có 36 bộ tộc, 36 lối sống khác nhau, văn hoá, quần áo dị biệt trong 1 đất nước Nepal nhỏ bé. Hơn 80% người dân theo đạo Hindu, mà trong đạo Hindu và ở Nepal người đàn ông làm chủ gia đình. Người vợ không được cho bát đĩa trong các bữa ăn. Sau khi nấu nướng cho gia đình, người vợ chỉ được ăn thức ăn thừa để lại trên đĩa của chồng mình. Ở thành phố, thái độ trọng nam khinh nữ thể hiện qua việc khi người vợ có mang. Vì họ chỉ muốn có con trai, nên nếu đi khám mà biết là con gái, họ có thể phá đi mà không thương tiếc. Ở một số bộ tộc, trong thời gian người phụ nữ có kinh nguyệt tất cả đàn ông không được vào bếp vì người phụ nữ phải khoả thân phân nửa người không được mặc váy. Nấu ăn xong phải do người khác nếm và người đó không được đụng vào thức ăn, họ mà đụng vào không ai dám ăn, vì thức ăn bị coi như đã vẩn đục.

Ngược lại, có vài bộ tộc miền núi dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn kể cả biên giới Tây Tạng và Ấn Độ, người phụ nữ của họ lại làm chủ gia đình và lấy nhiều chồng, phần lớn các ông chồng cùng là anh em trong nhà. Có những bộ tộc theo chế độ Mẫu Hệ. Một số phụ nữ của bộ tộc Sherpa đã theo tục đa phu. Người Sherpa phần lớn sống ở phía Đông của Nepal, một số sống gần thủ đô Kathmandu. Nguồn gốc và văn hoá của họ là người Tây Tạng, nhưng có nhiều nét dị biệt. Bộ tộc này nổi tiếng với những người leo núi tài giỏi nhất thế giới. Họ đoạt kỷ lục nhiều thứ hạng nhất trong việc dẫn đường, lãnh đạo và khuân vác thuê cho các người muốn leo núi trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Kinh tế của họ rất khá, chủ yếu với trồng trọt, chăn nuôi và dẫn đường, khiêng vác thuê cho dân ưa thích leo núi.

Còn có bộ tộc mà người vợ phải lớn hơn chồng mình 15 tuổi. Người vợ hành động gần giống như một bà ngoại bao bọc, bảo vệ cho người chồng. Khi làm việc gì họ đều phải hỏi ý vợ, và mỗi khi bà ra lệnh gì họ phải tuyệt đối nghe theo không được cãi lại. Bà ta kiểm soát mọi thứ trong nhà, kể cả giờ giấc đi ngủ, chồng cũng phải hỏi vợ. Điều kỳ lạ là đám cưới ở đó không giống một đám cưới mà giống một đám tang. Tất cả đàn ông đều khóc, kể cả cha mẹ của chú rể, mà không phải khóc chỉ 1 ngày mà họ khóc cả tuần!!! Đám cưới xong chàng rể phải theo vợ về nhà cô ta ở rể. Sở dĩ tục lệ này lưu hành ở đây, lý do vì đất đai và tài sản, họ không muốn chia chác cho người ngoài họ và ngoài bộ tộc.”

Image
Rajo Verma ôm con và 5 ông chồng là anh em trong làng Dehradun, dãy Hy Mã Lạp Sơn, ở Ấn Độ gần biên giới Nepal. Ảnh của Daily Mail

Image
Một gia đình đa phu ở Kimathanka, Nepal. Ảnh của iloveasia.travel

Image

Hai thế hệ đa phu ở Nepal. Hàng đứng bà vợ và hai ông chồng. Hàng ngồi, đứa con lớn của bà vợ ở trên khoảng 18,19 ngồi giữa ôm ông chồng 5 tuổi . Ảnh của iloveasia.travel

Chuyện giáo sư Aalam chia sẻ đã làm tôi ngẩn người. Chuyện kể của một anh thanh niên Ấn Độ trên chuyến bay chuyển tiếp của tôi, Nepal-Ấn Độ, càng xác định cho tôi rằng trên thế giới vẫn có những điều lạ lùng còn đang xảy ra mà tôi chưa hiểu rõ.

Anh, chàng trai Ấn trẻ, tuổi độ 26, khoẻ mạnh, vui vẻ, có nụ cười tươi, vẻ nhìn dễ gây thiện cảm với người đối diện. Anh là một Hoa Tiêu của một thương thuyền ở Singapore. Lịch làm việc của anh, một năm chỉ làm liên tục 6 tháng trên tàu. Sau 6 tháng làm việc xong, lần này anh về nhà và cũng để làm đám cưới với người vợ thua anh 3 tuổi mà anh chưa bao giờ gặp mặt. Nhà anh ở trong khu vực gần lâu đài Taj Mahal, thành phố Agra, cách thủ đô New Delhi Ấn Độ 31 dặm. Cô gái là người ở làng bên do gia đình anh định đoạt, sắp xếp và đã làm đám hỏi cho anh tự bao giờ. Mẹ anh dò xét, đi coi mắt con dâu rồi gia đình chỉ thông báo cho anh biết trước ngày đám cưới 2 tháng. Anh chỉ được phép xem hình và tiếp xúc qua điện thoại vài lần.

Tôi rất ngạc nhiên khi anh khoe tấm hình người vợ được hứa hôn cho tôi xem. Tôi chợt nghĩ đến những chuyện tương tự như thế này đã xảy ra từ hàng trăm năm trước, mà tôi đọc được qua sách vở.

Tôi hỏi thêm anh về chuyện tảo hôn trong phim bộ “Cô dâu 8 tuổi” có thật không? Anh xác nhận chuyện thật và vẫn còn xảy ra. Tôi hỏi anh là người có ăn học và giáo dục, lại làm Hoa Tiêu, đi khắp đó đây, tại sao anh vẫn chấp nhận làm chồng một cô gái chưa bao giờ gặp mặt. Ngay cả đến tiếp xúc, âu yếm yêu thương, hay mặt đối mặt xem có hợp nhau không, cũng chưa. Anh bảo tại anh tin vào cha mẹ và thần Shiva (đạo Hindu) một cách tuyệt đối. Anh chấp nhận hôn nhân sắp xếp vì cha mẹ anh có kinh nghiệm đời, họ luôn chọn cái hay, điều tốt cho anh nên anh tin họ chọn đúng.

Tôi hỏi nhỡ cô đó không đươc đẹp như anh mơ tưởng, có nhiều tật xấu hay tính tình không hợp với anh thì sao? Anh nói, anh tin vào thần Shiva là thần của đạo Hindu, đạo Hindu dạy con người về sự chấp nhận. Xấu đẹp, chỉ là phần bên ngoài của thân xác tạm bợ, mai này ai cũng già và xấu đi, chỉ cái đẹp tâm hồn là đáng kể. Anh tin cha mẹ anh đã tìm được cô gái đã có tâm hồn đẹp cho anh và anh sẵn sàng chấp nhận nàng.

Bước xuống phi cơ về lại Hoa Kỳ, tôi vẫn chưa hết kinh ngạc về những gì tôi nghe, biết được về Nepal, Ấn Độ và những phong tục kỳ lạ của họ.

Trịnh Thanh Thủy

Nguồn: Việt Báo
mithott
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $22,648
Posts: 2039
Joined: 17 May 2011
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng mithott từ: Que Huong, Thuvang


Return to Kiến Thức Đó Đây



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 9 guests