Nói xong, vô cùng sung sướng tôi nắm lấy bàn tay Thúy Hà. Tiếp lời, tôi nói:
- Anh quá mừng vui, hạnh phúc. Đời anh, có được em là đủ. Em là cả một giấc mơ. Anh ước mơ có em không chỉ kiếp này thôi, mà bao nhiêu kiếp sau nữa.
- Có hai tuần lễ nghỉ hè mà anh mơ đến cả trái đất.
- Đúng rồi, tên em, trên trái đất này chỗ nào cũng tìm thấy. Và tên em, là những hoa thơm cỏ lạ.
- Em cám ơn anh. Em sẽ ở mãi bên anh, không còn xa anh nữa đâu.
- Em ạ. Thực ra, chỉ có giấc mơ cho anh ở gần bên em thôi. Với cuộc đời, chúng ta mỗi người mang lấy một số phận.
Tôi đưa Thúy Hà lên nhà ga. Chỉ có một vài thay đổi trong cách bài trí ở ngoài phòng đợi, còn hầu như vẫn nguyên vẹn. Ngày trước, bác T. làm Trưởng ga này là bạn thân với ba tôi. Nhờ bác, ba tôi có được miếng đất để làm nhà, và từ ngày ấy, sự gần gũi của chúng tôi với gia đình bác vô cùng thân thiết.
Tôi nói với Thúy Hà:
- Bác gái mất trong thời kỳ chiến tranh. Chuyến xe lửa bị giật mìn.
Với cặp mắt ngây thơ, cái nhìn ngơ ngác, người vợ của tôi có một vẻ đẹp lạ lùng. Cửa bán vé mở. Một giờ nữa có chuyến tàu từ Đông Hà vào, sau đó, đi Huế, rồi chuyển tiếp hành khách đi tàu suốt vào miền Nam.
- Em đến Sài Gòn chưa?
- Chưa.
- Anh đã đến Sài Gòn. Thành phố đó to lớn, đông vui lắm.
- Anh biết nhiều nơi nhỉ.
- Anh biết Đà Lạt nữa. Đó là thành phố đẹp nhất trên vùng cao nguyên.
- Anh đi nhiều nên suốt đời cứ sống trong mơ mộng.
Phía ngoài phòng đợi, những hành khách đi tàu đã đến. Có xe lam và xe xích lô từ dưới phố đưa khách lên.
Đã hai giờ chiều. Chúng tôi rời ga, lên xe đạp thong thả theo con đường Trần Hưng Đạo đổ xuống dưới phố xa chừng độ bốn cây số. Khi trên đường ngang qua nhà cũ, vẫn là quán ăn như hồi trước, tôi nhìn lại bóng dáng ánh nắng trên sân, mái tôn, cây trứng cá, hàng rào cây ngăn với xóm nhà bên cạnh nằm dưới bên cạnh con dốc đi ra phía sau hồ nước và gặp lại cánh đồng hướng lên quốc lộ, chỉ trong giây lát nhìn lại, tôi biết thời gian đã thay đổi quá nhiều.
Có tiếng còi tàu vang vọng, trôi giạt, như thể hẳn còn xa lắm.
Khi vượt qua khỏi ngã tư, Thúy Hà đụp xe chậm lại. Tôi hỏi:
- Em có muốn ghé thăm những bạn cũ của em không?
- Không, em chỉ thích ở bên anh thôi.
- Chốc lát nữa, em phải mời anh uống nước sinh tố.
- Sinh tố không ngọt bằng nước đường.
- Ấy, anh thích mùi vị thơm của trái cây.
- Giọng nói của em chua lắm.
- Nước trái cây, thêm chút giọng nói của em cho vào uống ngon lắm.
Giọng đùa vui và nhỏ, Thúy Hà nói bên tôi:
- Hai ngày nay, anh uống sữa của em nhiều rồi.
- Anh uống thật ngon, cảm giác lúc nào cũng lâng lâng, ngây ngất.
Giọng bình thường trở lại, vợ tôi bảo:
- Em chỉ muốn nhìn lại khu phố cũ và căn nhà mình ở.
- Anh và em sẽ đến nơi đó.
Ngôi nhà bệnh viện có sân cỏ rộng, mái ngói đã cũ. Chúng tôi đang trên đường đi xuống tỉnh.
- Anh biết em có một người bạn rất thân ở đây.
- Hẳn nhiên, không chỉ một thôi mà nhiều lắm.
- Có một người thôi.
- Thôi, đừng có đố tìm. Làm như hồi đó, em có quen anh.
- Cô bé Thúy Hà ơi.
- Chà, nghe lạ không? Nhớ cô nào đó ngày xưa, gọi tên cô ấy đi.
- Em có nhớ câu chuyện lúc nãy em nói không?
- Sao mà không nhớ.
- Cô bé à.
- Nữa. Bộ muốn trêu em hay sao?
- Hãy nghe anh nhắc lại những điều em đã nói, để em biết rằng, quán hàng chúng ta vừa ghé chỗ đó là nhà cũ của anh. Ngày xưa đó, mẹ mở quán hàng cơm và giải khát. Rồi vào một buổi trưa, có một người đàn ông đeo kính mát và một cô bé khoảng 8 tuổi vào gọi cơm. Người đàn ông mang chiếc cặp đen, cô bé mặc áo hồng, chiếc quần tây xanh, và đeo bên vai túi xách màu vàng. Em là cô bé ngày đó, gặp em hôm đó, suốt đời anh nhớ mãi cặp mắt em.
- Thực vậy sao?
- Hoàn toàn trung thực. Với cơ duyên chứ không phải là nợ cuộc đời, anh hạnh phúc biết chừng nào khi em là vợ của anh.
Thúy Hà im lặng không nói gì. Tôi cũng không giãi bày thêm nữa. Nhưng sự yêu thương cho tôi có cảm tưởng, Thúy Hà đang nghĩ đến trọn vẹn đời mình từ một tuổi ngây thơ ngày đó, và thành phố hôm nay tôi và nàng trở về tìm lại. Hai chúng tôi đã trở về trong trí nhớ, cũng như trong tưởng tượng.
Phía bên trái, nằm trên quốc lộ là chiếc cầu bắc qua sông Thạch Hãn. Sông này phát nguyên từ Như Lệ, một ngôi làng nằm ở cạnh Trường Sơn, cách thị xã chừng 5 cây số. Nước sông sâu và xanh, đến ngã ba gặp sông Định Giang rồi đổ ra biển. Cửa Việt, nơi cửa biển này còn có nhiều con sông khác nữa tụ về.
Hai người đạp xe thong thả. Trần Hưng Đạo là con đường dài nhất từ nhà ga xuống đến Cổ Thành. Vào mùa đông, gió từ phía núi và cánh đồng trống thổi tới lạnh buốt vì ở quãng này không có nhà ở mà chỉ nhìn thấy đồng ruộng phía dưới.
Khu bệnh viện tọa lạc trên một diện tích đất rộng, tòa nhà xây lợp ngói đỏ, có một sân cỏ là nơi chúng tôi thường chơi đá bóng vào buổi chiều. Trên sân này, cũng có một vài trận đấu dành cho người lớn, hai đội có mặc áo cầu thủ, có trọng tài, đông khán giả và cũng là buổi chiều cuối tuần giải trí cho bệnh nhân được giờ phút thư giãn. Bây giờ, nhìn thấy lại cảnh cũ chỉ là sự hồi nhớ, và trong tôi hầu như vắng lặng. Tôi muốn nói với Thúy Hà, chính anh, mong em về thăm lại thành phố cũ của anh và cả thành phố đang mang nỗi nhớ mong, chờ em.
Nắng trưa hơi ngầy ngật, uể oải như dòng nước chảy chậm theo con sông.
- Em có vui không khi trở về thăm lại chốn cũ?
- Không, buồn quá sức.
- Đừng có giã bộ. Tôi biết lòng cô vui.
- Anh nói sai. Em đang buồn quá sức.
- Còn anh, rất vui.
- Tụi sao anh không khóc.
- Ủa, khóc để làm gì? - Người ta thường khóc vì xúc động trở về quê nhà.
- Đúng rồi. Anh khóc lúc về lại căn nhà cũ của mình.
- Tiếng khóc thành niềm vui khi anh có được em.
- Anh đừng xúc động quá, trời mưa bây giờ.
Chúng tôi vui trở lại câu chuyện. Lúc nãy, sự buồn nhớ trong tơ vương, trong tình cảm cổ điển gây mối chạnh lòng, về thăm lại Quảng Trị, tôi hồi nhớ những kỷ niệm tuổi nhỏ, thời đi học, nghe những tiếng nói luôn thuộc về nơi chốn mình đã sinh ra và lớn lên. Về lại Quảng Trị, thành phố này cũng đã bao dung một tâm hồn khắc khoải. Gia đình Thúy Hà rời miền Bắc vào miền Nam theo một triệu người di cư bỏ quê hương ngoài đó. Từ năm tám tuổi, Thúy Hà đã sống ở đây với những năm tháng lớn lên qua các trường tiểu học, trung học. Khi lên học Trung học, Thúy Hà không còn bé bỏng nữa, đã trở thành một thiếu nữ duyên dáng, xinh đẹp làm bao nhiêu anh học trò lớp trên cũng như bao nhiêu cậu học trò cùng lớp trồng cây si trên những con đường cô từ nhà đến trường cũng như từ trường về đến nhà. Không chỉ có một con đường ấy thôi, mà những đường phố trong tỉnh, nơi nào cũng có bóng bao chàng trai đứng lại trên vỉa hè nhìn ngắm cô dạo chơi vào ngày cuối tuần. Ai đó, ở trong lòng cô như là một tấm ảnh nhỏ mà tự tay tay cô viết một đôi giòng gởi tặng tồi. Và, bạn ngạc nhiên vô cùng, ngày đó, tôi không hề quen biết cô, mối cơ duyên để tôi và cô quen nhau và trở nên vợ chồng lúc này đây là hình ảnh chiếc áo nâu cô mặc vào một buổi sáng đó trong học giờ học chung môn tiếng Pháp, bởi rằng, chiếc áo đó, cô nhắc tôi nhớ lại hình ảnh mẹ tôi lúc còn trẻ. Về sau này, rất nhiều lần tôi nhìn tấm ảnh của mẹ tôi mà nhớ đến cô gái. Có lẽ, với đức tin về cái duyên trong đạo Phật, cô cũng tin rằng, hình ảnh người thân của tôi đã mang rất nhiều cái bóng dáng đích thực của cô trong một kiếp trước về sự liên hệ giữa hai người. Vào buổi sáng đó gặp cô, tôi có sự linh cảm về một mối tình tôi đã gặp cô đâu kiếp trước, và buổi gặp đầu tiên ấy, lại gợi nhắc tôi nhớ đến thành phố cô đang ở một ngày đó tôi đã dừng lại bước chân. Bởi vậy, tôi là người Quảng Trị duy nhất sống trong lòng Thúy Hà. Ít ra, tôi cũng nên nói rõ với bạn về cô, về những người thương yêu cô gái, và khi rời khỏi nơi này cô đã để lại không mang theo. Tuy nhiên, những kỷ niệm gồm thư từ, hình ảnh, những dòng lưu bút cô gái vẫn còn giữ. Tôi đã đọc, đã tìm lại những kỷ niệm đó thay cho cô trong những buổi chiều chúng tôi ở bên nhau trên căn gác. Với tấm lòng cởi mở của mình, tình yêu đối với cô luôn có thêm tình bạn. Nếu thiếu tình bạn, không bao giờ bạn được cô nhắc đến tên về sau này.
Bóng cây đổ xuống, che bớt nắng trên đường. Chúng tôi đã bắt đầu vào trung tâm thị xã. Xe cộ qua lại, những người đi bộ trên vỉa hè, và cả dãy phố đang buôn bán tấp nập. Tôi thấy lại những cảnh cũ còn nguyên vẹn, hơn nữa có sự đổi mới làm sáng sủa hơn. Trước đây, nhà ở hai bên vỉa hè thấp, có khoảng cách, giờ gần nhau hơn và có một số nhà xây dựng thêm một hai tầng làm cho dãy phố càng trở nên thanh lịch. Tôi thấy lại tiệm chụp ảnh Vĩnh Phúc, nhà sách Sáng Tạo, nhà sách Lương Giang.
- Anh đã ghé tiệm thuốc tây nhà em bao giờ chưa?
- Có chứ. Tiếc là hồi đó không thấy em?
- Em đâu có bán hàng. Tiệm thuốc tây của bác Trác mà.
- Thời kì đó, công việc của ba ra sao?
- Ba làm trong phần hành quảng cáo.
Nhà thuốc tây Giơ Neo nằm ở trung tâm chợ thị xã. Bên trái con đường nhỏ là Ty Thông Tin, và đối diện con đường vào chợ là nhà sách Tùng Sơn.
Khu chợ giờ này còn đông nên vợ chồng tôi phải gởi xe. Dù biết trước sự đổi thay, nhưng nhìn lại căn nhà cũ vợ tôi có một nỗi buồn in dấu trên gương mặt. Nếu như tiệm thuốc tây sang lại còn hoạt động, chúng tôi có thể ghé vào, mua một loại thuốc cảm cúm phổ thông để tiện dịp xem lại bên trong căn nhà ở trước đây, nhưng chủ mới đã sửa sang lại thành nhà ở và có xây thêm một tầng lầu nữa.
Tôi và Thúy Hà đi bộ trên con đường nhỏ đến trạm thông tin để nhìn phía bên hông nhà. Khi vợ tôi đứng lại nhìn khung cảnh cũ, tôi im lặng bên nàng. Tôi hiểu được những gì nàng suy nghĩ. Dù đây không phải là nhà riêng, nhưng đã có nhiều năm tháng nàng sống bên cạnh người thân thích của mình.
Thời gian cũ đã làm phai hết thảy mọi dấu vết. Có một quán nước rất là tiện để cho chúng tôi vào đấy nghỉ chân.
- Em còn nhớ gì thêm về thành phố này không?
- Có chứ.
- Không biết rạp hát Đại Chúng có đổi tên. Ở đây, có trường trung học Nguyễn Hoàng, có sân vận động, vui nhất là những ngày hè đi tắm sông.
- Em thấy anh rất là hạnh phúc.
- Không hoàn toàn cho anh, nếu không có em đi cùng.
- Anh cứ nhắc mãi.
Tôi cầm ly nước đưa lên miệng uống cùng hướng cặp mắt theo vợ tôi nhìn qua căn nhà cũ. Thực sự căn nhà đó không phải của gia đình mình nên đối với nàng cũng chỉ là một quang cảnh gợi lại ít nhiều về cuộc đời, về những người bạn, về một sự rung động có thể cảm thấy vui hơn là buồn.