Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

XIV

Tôi cùng các bạn lên phi cơ về Sài Gòn buổi chiều ngày thứ sáu trước lễ Noel một tuần. Trong anh em, người nào cũng được hai tuần nghỉ phép, sau đó tự động đến trại khóa sinh trình diện để bắt đầu khóa học.
Chỉ có một số bạn gia đình ở miệt lục tỉnh mới thực sự đi phép về thăm nhà, còn hầu hết những anh em ngoài miền Trung không mấy ai muốn về thăm quê lúc này, mà ở chơi Sài Gòn mua sắm và hưởng không khí mùa lễ Giáng Sinh cùng Tết dương lịch. Sài Gòn, thành phố này ai ở xa đến cũng đều muốn được vui chơi, thỏa thích với cảnh sinh hoạt xô bồ, náo nhiệt ở đô thị. Những ngày chơi phố, anh em nào trong khóa của tôi cũng chưng diện đồ vàng, cầu vai đeo alpha, đội nón cát két, có anh đội nón kao lô không gắn lon. Và, trong thời gian cả khóa về Sài Gòn, viên Đại úy Đoàn trưởng cũng về theo nhân chuyến công tác ở Bộ Tư Lệnh. Anh em đều hay biết vị Đoàn trưởng có về, lúc vào ngày thường, lúc thứ bảy chủ nhật ông hay chạy xe quanh những phố chính quan sát cách đi đứng của các SVSQ thấy bạn nào có dắt bồ dạo phố, ông hài lòng chấm điểm cho bạn đó bằng một nụ cười. Nhớ lại, sau lễ gắn alpha, ngày đầu tiên xuất phố ra Nha Trang, trọn một ngày đó, trên các ngả đường nơi nào có bóng SVSQ cũng thấy ông xuất hiện. Sự quan tâm của ông thể hiện một tinh thần trách nhiệm của cấp chỉ huy, nơi con người ông là sự liên đới từ tình cảm cá nhân đến đồng đội, và chính ông đã tạo cho lớp SVSQ khóa 69B một phong cách độc đáo, hào hoa.
Ngày về lại Sài Gòn, tôi khác nhiều. Những người thân bên ngoại, các cậu, các dì ai cũng thấy tôi lạ hẳn, trông chững chạc, tư cách qua quân phục, không còn xuềnh xoàng như trước đây nữa. Thực ra tôi biết mình vẫn vậy, chẳng qua quần áo mới được cấp phát, cắt may vừa vặn, mặc vào trông dễ coi. Tuy nhiên trong những ngày này nghỉ phép, tôi mặc đồ dân sự cho tiện. Và, trước nhất tôi đem một số truyện ngắn, mỗi truyện chừng năm, sáu trang không dài lắm đến các tuần báo và nhật báo gởi đăng để kiếm tí tiền còm, mua sắm ít sách vở học, cần nhất một cái máy cassette để thu các bài giảng về nhà nghe. Học Anh ngữ đi Mỹ, cần nhất nghe và đàm thoại. Khả năng nghe là chính yếu, nếu bạn nghe không rõ, câu trả lời sẽ không đúng, có đúng, cũng là rùa. Khi tôi đến tòa soạn Tiểu thuyết thứ năm, ông Chủ bút Thanh Thủy đã nghỉ việc, về miền Tây trở lại nghề dạy học, nay tạm thời việc bài vở do ông Quản nhiệm coi sóc. Ông Thế là Quản nhiệm vẫn còn nhớ ra tôi, và khuyến khích tôi viết. Hai tờ báo còn lại là Văn Nghệ Tiền Phong và Độc Lập cùng nằm trên đường Võ Tánh.
Sau khi mang mấy truyện cho các tòa báo xong, tôi đến trường Hành Chánh tìm Lăng.
Trường Hành Chánh nằm bên dường Trần Quốc Toản gần Viện Hóa Đạo. Đây là lần đầu tới, tôi hỏi thăm các sinh viên đứng ở ngoài, được biết lớp Lăng đang có giờ học nên tôi đi ra phía cổng ghé vào quán cóc kiếm nước uống, ngồi đợi bạn.
Không lâu lắm, hết giờ học, tôi đi vào cổng đến chỗ bãi gởi xe, vừa lúc gặp Lăng. Hai đứa cùng ngạc nhiên. Rồi tôi lên xe Honda ngồi sau, Lăng chở đến một quán ăn bình dân ở Nguyễn Tri Phương.
- Anh có tính về Huế không?
- Không. Với lại thời gian phép cũng ít.
- Chừng nào anh nhập khóa học?
- Sau Tết tây một ngày.
- Xong khóa Anh văn là đi Mỹ.
- Đúng vậy.
- Rồi thời gian học lái máy bay là bao lâu?
- Cũng từ sáu đến tám tháng.
- Tính ra, học xong có kết quả cũng mất gần hai năm.
- Có thể.
Quán cơm nằm phía đầu đường, cạnh ngã tư. Trong lúc chờ, tôi gọi một chai bia lớn và hai ly có đá. Người chạy bàn đem ly ra, và khui bia đổ vào ly.
- Nào, cụng ly một cái.
- Hút thuốc lá đi.
- Không hút được.
Tôi uống một ngụm bia rồi đốt điếu thuốc.
- Học bổng của Lăng có khá không?
- Cũng khá.
Tôi nói:
- Tôi vẫn còn ăn lương cũ, ra trường, lúc đó đời mình mới khá hơn được.
Nhìn tôi, Lăng nói:
- Nếu biết việc thi cử không thành, hồi đó, xong Tú Tài I anh đi ngay, giờ cũng ngon lành rồi.
- Ờ, mình cũng vụng tính. Như hồi đó, thay vì vào Không quân, mình đi Sĩ quan Bảo An, giờ được đồng hóa với Bộ Binh làm việc ở các Tiểu khu.
- Anh cũng quá lận đận.
Bữa cơm phần dọn ra ba món mặn, một món canh. Trời chiều đã muộn, hai bạn cùng đói nên ăn ngon miệng.
Tôi hỏi:
- Sang năm, Lăng ra trường chưa?
Lăng gật đầu, vừa giải thích:
- Ban Cao học, học hai năm thôi.
Hết một chai, tôi gọi một chai lớn nữa, người chạy bàn đem ra rót thêm vào hai cái ly lớn.
- Ông cho thêm ít đá.
- Có ngay.
Nhìn Lăng, tôi hỏi:
- Có ai chưa?
- Cũng có. Nhưng tôi chưa ý định gì cả.
- Có cho dì biết không?
- Trời, mẹ tôi, bà sốt ruột. Ở Huế, không biết là bao nhiêu đám đi làm mai. Không chỉ cho tôi, bà còn lo cho cả anh nữa.
- Tội, rất là thương dì. Bữa ăn xong, bên ngoài đèn đường sáng. Dọc theo con phố, những xe bán hàng rong, và các sạp quán vỉa hè bắt đầu hoạt động.
Tôi nói:
- Tôi ở Không quân, có được chữ thợ, và cái mác bên ngoài thôi. Chứ nhìn tương lai, cũng chưa thấy màu hồng.
- Rồi đến sang năm, anh cũng ra trường.
- Tôi mới nghe tin mười người khóa trước đi học bay bị loại, lên đường về nước rồi.
- Trường hợp bị loại, họ cho học ngành gì.
- Không rõ, nhưng số đó phần nhiều bị đưa qua Thủ Đức.
Lăng im lặng, không hỏi gì thêm trong ý tưởng bi quan của tôi.
- Bác đang ở đây, hay đi công tác?
- Bác ra Huế rồi.
- Anh về có gặp không?
- Không. Hình như, bác tìm mua nhà trong này.
- Bác có thư cho anh?
- Bác bàn chuyện với dì Hồng. Có căn nhà dưới Thị Nghè bác tính mua.
- Ở ngoài quê không còn ai, nên chi phải có cơ sở tại đây để phòng chiến tranh.
- Tôi cũng nghĩ như Lăng vậy.
Hút xong điếu thuốc, tôi nhìn đồng hồ tay.
- Anh đang ở nhà ai?
- Nhà dì Hồng.
Tôi gọi người chạy bàn đến trả tiền. Lúc đợi lấy tiền thối, tôi nói:
- Tôi có mấy truyện ngắn vừa gởi đi, chắc trong tuần này đăng tôi có được ít nhuận bút.
- Anh không gởi truyện cho Văn?
- Sức mình chưa đủ. Cứ theo dạng này, mình kiếm được ít tiền tiêu vặt.
Hai người rời quán ra xe. về tới nhà dì Hồng, Lăng còn ở chơi chuyện trò đến mười giờ khuya mới về. Lúc này, Lăng đang ở nhà cậu Nghiêm. Khi được giải ngũ ra ngoài dân sự, cậu đi làm Luật sư, cuộc sống thật dễ chịu, thoải mái. Nhiều vụ cãi, cậu phải đi xuống miền Tây và các tỉnh xa.
Những ngày nghỉ phép vẫn thong dong. Từ hôm về lại Sài Gòn, tôi chỉ có đi chơi với Lăng, ghé tới nhà mấy người bạn cũ là lưu học sinh trong những năm học ở Đà Lạt.
Một hôm tôi tìm đến nhà Khánh, lại gặp Phượng. Cô vẫn nhận ra tôi, lên tiếng hỏi:
- Lâu nay anh đi đâu?
- Anh đi học ngoài Nha Trang mới về?
- Anh vào nhà ngồi chơi đợi anh Khánh.
- Anh Khánh vẫn làm việc ở hãng cũ?
- Ủa, anh Khánh đi lính rồi, anh không hay à.
- Không, lâu chưa?
- Bây giờ anh làm việc ở Biệt Khu Thủ Đô.
- Khánh được ở Sài Gòn là hay lắm.
- Anh ra Nha Trang học gì?
- Anh đi bên Không quân.
- Anh có lái máy bay không?
- Không, anh làm việc dưới đất.
Nhìn Phượng, tôi có thấy đổi thay và trên vẻ mặt cho một ý nghĩ nay Phượng đã có gia đình.
Khánh về nhà, ngạc nhiên thấy tôi đến. Gặp nhau vui mừng, tôi ở nhà bạn ăn cơm, sau đó, hai đứa lại ra quán nước ở ngoài đường.
Nhà Khánh vẫn ở đường Cô Giang. Khu phố này vẫn như xưa, không mấy thay đổi. Thiệu em của Khánh, năm đó học Đệ Tứ và Khánh đã có ý bảo tôi đến dạy kèm nhưng rồi tôi đi lính.
Tôi nói:
- Tao định viết thư cho mày, nhưng quên địa chỉ.
- Mầy tính sao có lợi cho mầy thì làm.
- Biết vậy rồi. Nhưng sợ mầy trông.
- Tao có ý đợi, nhưng nghĩ chắc mầy xin được việc.
- Thực ra, tao có làm việc ở tòa báo mấy tháng rồi đi lính.
Ngồi ở quán nước bên đường, trong bóng ánh đèn điện, gương mặt hai bạn trông khác xưa nhiều.
- Mầy đi khóa mấy?
- 9/68.
- Đến chừng nào lên Thiếu úy?
- Còn bốn tháng nữa.
- Mày, sao?
- Tao đi lính Không Quân một thời gian, giờ được cho đi học Sĩ quan hoa tiêu.
- Vậy mầy được đi Mỹ.
- Chưa biết. Vì, tao đang còn chờ học một khóa Anh ngữ.
- Học ở trường sinh ngữ quân đội.
- Đúng.
Tôi đốt điếu thuốc. Trong ý nghĩ riêng mình, tôi thấy Khánh là người bạn tốt, chân thực. Vào thời còn đi học, xa nhà học sinh ở chung gác trọ với nhau, lúc ấy, tình bạn của tuổi niên thiếu khác bây giờ. Khi đến tuổi trưởng thành, người ta mới có được ý nghĩ rằng cuộc sống hằng ngày cần được xây dựng từ trong hai ý niệm: thời gian và bằng hữu. Và, khi có được mối liên hệ căn bản này bạn sẽ thấy, cá nhân là của xã hội.
- Mầy có gặp mấy đứa không?
- Chúng nó ở đây cả. Trừ tao ra, đứa nào cũng đã xong Đại Học.
- Mầy có đi học lại không?
Tôi kể vắn tắt về mình trong mấy năm qua. Khánh nói:
- Tao cũng muốn đi học cho xong, nhưng ít thì giờ quá.
- Ở giai đoạn này chiến tranh đang leo thang, mình có muốn cũng vô ích.
- Rồi sao, vợ con gì chưa?
- Chưa nên gì cả, làm sao tính chuyện đó được. Còn mày?
Khánh cười bảo:
- Tao cũng như mầy thôi.
- Không đâu, mầy quá dễ dàng.
- Mầy tin vậy sao?
- Hoàn toàn. Nói đi, bà xã làm gì?
- Bà làm việc ở ngân hàng.
- Lúc nãy vào nhà tao không thấy.
- Bà về bên nhà ngoại.
- Mấy mống rồi.
- Một.
- Phượng thì sao?
- Mầy thương nó không?
- Nếu tao được làm em mầy là nhất.
Tôi và Khánh đứng dậy rời quán. Trở lại nhà Khánh, tôi nói cho người bạn nghe về những ngày mới đây ở quân trường và ước vọng sẽ trở thành phi công của mình. Vừa nghe tôi nói, Khánh đặt bàn tay trên vai bạn.
Dừng lại bên ngoài lối đi vào con hẻm, Khánh nói:
- Thứ bảy, chủ nhật ra ngoài ghé tao chơi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

XV

Trại khóa sinh Không quân còn có một cái tên thân quen là Tent City, tọa lạc trên một diện tích đất khá rộng, cổng gác nằm trên con đường phụ, rẽ phải là hướng đi Tân Sơn Nhất, rẽ trái, ra đến ngã ba con đường chính là thấy quận Gò vấp. Từ ngã ba này, đi xuống phía Phú Nhuận là về Sài Gòn, đi ngược lên là đường tới Trung Tâm huấn luyện Quang Trung, đường này cũng sẽ gặp quốc lộ I đi Tây Ninh,
Đây là một khu vực gồm nhiều dãy nhà kho tiếp liệu cũ của người Mỹ, sau khi đơn vị này rút đi, họ để lại những nền nhà trống, và BTL/KQ đã chọn địa điểm này làm nơi tập trung khóa sinh học Anh ngữ. Quân số khoảng gần một ngàn được chia ra một nửa học lớp buổi sáng, một nửa học lớp buổi chiều. Thành phần đông nhất của trại là SVSQ, hơn sáu trăm người.
Hai dãy nhà lều đầu tiên trông ra phía cổng gác là nơi dành cho khóa 69B mới đến, Khóa này quá đông quân số nên được phân làm hai Đại Đội 701, 702. Sự phân chia này không chọn lựa, lấy thứ tự từ kết quả đậu cao thấp về khóa thi quân sự ở Nha Trang.
Tôi thuộc Đại Đội 702, học lớp buổi chiều. Lúc sáng nay tập họp nghe nội quy, xong tan hàng về lều dọn chỗ ở, anh em người nào cũng vui phấn khởi.
Trong mỗi căn lều đã có sẵn giường sắt cá nhân và đèn điện, về mặt sinh hoạt, trại có sân chơi bóng chuyền, câu lạc bộ, thư viện đọc sách báo và các quán ăn ở khu gia binh. Một nhà thầu lo chuyện cơm nước cho khóa sinh ngày hai buổi, ai muốn ăn, đóng trước tiền cơm tháng để nhận phiếu ăn. Giờ ăn rộng rãi trong ngày cho hai bữa trưa và chiều. Nếu không ăn cơm nhà thầu, tự do xuống khu gia binh. Ở nhà thầu, không cho ghi sổ, nhưng dưới khu gia binh, anh em được ghi có giới hạn.
Khi đến lều nhận chỗ ở, tôi chọn ngay giường đầu bên cửa lều. Một cái giá để đồ nhẹ, anh em cất ba lô, túi xách, còn sac marin nặng để ngay phía góc giường.
Hai tuần qua nghỉ phép, tôi mua được một ít thứ đồ cần dùng và sách học tiếng Anh. Tôi cảm thấy phấn chấn, yêu đời, yêu thành phố và ước mong mình giữ được tuổi trẻ một cách hồn nhiên. Trong khoảng khắc đó, tôi tự yêu lấy mình, cho rằng chỉ còn có mình hiểu được mình thôi. Nhưng rồi, tôi nhận ra một sự vắng bóng lạ thường. Người con gái tôi nhớ nhiều nhất là Huê. Nhưng Huê đang ở đâu, tôi không biết. Tôi hỏi Thúy, tìm đến nhà cũ, nhưng vẫn không có được tin. Một buổi chiều thứ bảy ngồi quán cà phê nhìn ra ngoài trời mưa, tôi thấy nhớ đến Huê hơn lúc nào hết. Và ở Sài Gòn tôi vẫn thấy nhớ Sài Gòn, nhớ đến Huê nữa, nàng cho tôi cũng nhiều kỷ niệm, tình yêu vừa là em gái, Huê ở đâu?, tôi khát thèm được nghe giọng nói của Huê và những chuyện vui Huê kể.
Trong cuộc sống nếu có sự trớ trêu như vậy là thường tình. Nhưng rồi, có hay là không vẫn chỉ lấy làm một. Một điều may mắn, là mấy truyện ngắn tôi đem gởi cho các báo, truyện nào cũng được đăng, tiền nhuận bút cả ba truyện tôi nhận vừa đúng hai ngàn. Với số tiền lương còn lại, cộng thêm tiền nhuận bút may mắn đến lúc cần, tôi yên tâm để dành cho mình trong thời gian của khóa học.
Tính ra số truyện tôi viết từ bốn năm qua gom góp lại mà in sách cũng được hai ba tập, nhưng tôi không thể in được, vì truyện tôi viết mới là cảm xúc chưa có gì lấy là độc đáo, đặc sắc. Với lại, do cuộc sống khó khăn nên khi viết tôi nghĩ tới, tìm tới nơi báo nào đăng được để có tiền nhuận bút. Tuy nhiên, rồi cũng đến ngày, nghiệp văn sẽ là đời của tôi. Lúc ấy, cuộc sống hàng ngày không thể thiếu cái phần thời gian quý giá giúp tôi dành cho công việc viết văn.
Phượng Nga đang dạy học ở Quảng Trị, nơi quê hương nghèo khó của tôi. Và, nàng đã nói với tôi rằng nàng thật sự hạnh phúc với việc dạy học, cùng mối tình cảm êm dịu, vừa thương yêu của nàng với thành phố, với lòng người dân, nhất là các em học sinh.
Mỗi tuần, Phượng Nga chỉ dạy trong ba ngày. Với đồng lương lãnh được, quá đủ cho nàng trong các sinh hoạt thường nhật. Trong mấy ngày rảnh rỗi, nàng vẽ tranh, đề tài của nàng rất phong phú, tranh phong cảnh, tranh lụa, tranh tĩnh vật. Những bức tranh nàng vẽ, thể hiện cả tâm tính và thiên hướng của nàng. Nàng học được các bậc thầy hội họa trong cách dùng chất liệu màu, cách bố cục một bức tranh, nhất là thể hiện tinh thần bức tranh qua nét vẽ. Với nàng, hội họa không phải là bắt chước mà là sáng tạo. Sự sáng tạo cho thấy đời sống thực của con người qua mỗi cách diễn tả. Nga nhận ra sự tự tin của mình khi đứng trước giá vẽ, và thấy, những nét vẽ mỗi ngày có một sắc.
Nếu không dùng vào thì giờ vẽ, nàng nghe nhạc qua những băng cassette. Trong nhiều cuốn băng đã có sẵn và mua thêm sau này, nàng chọn lọc được nhiều bài hát nàng thích, rồi thu lại làm hai cuốn riêng. Hai cuốn này nàng dể dành những lúc bên Nguyên, hai người trong không khí ấm áp của ly cà phê, trong vòng tay ôm ấp, và hạnh phúc trong mỗi lời tự tình của bài hát.
Nga đọc sách cũng khá nhiều. Với một năm học ở lớp Dự bị, kiến thức của Nga đã có phần mở rộng về hai mặt cảm xúc và suy tưởng. Trên kệ sách của nàng, có mấy cuốn truyện tiếng Pháp của Sagan, Balzac, Flaubert loại livre de poche. Nàng có mua một ít sách khảo luận văn học, và khá nhiều truyện dịch của tạp chí Văn xuất bản. Trong cuốn truyện Buồn Nôn của nhà văn Jean Paul Sartre, nàng rất thích câu cuối cùng của tác phẩm: Ngày mai, mưa sẽ rơi trên thành phố Bouville. Nàng đọc xong câu văn, im lặng ngồi rất lâu, và tưởng như nó là nguyê n vẹn một ly cà phê đậm thật ngon để trước mặt nàng. Không đâu cô, đây là câu nói giã từ của chàng Roquentin khi rời bỏ thành phố này để đi lên Paris.
Có một ít tuần báo Nga thường hay mua đọc, sở thích là báo Kịch Ảnh. Ở Quảng Trị có đến bốn hiệu sách, hiệu nào cũng có nhiều sách và báo. Khi ghé vào hiệu sách, đứng ở quầy báo, Nga thường coi qua để chọn mua vài tờ đọc giải trí. Nếu tình cờ, trong mấy tuần báo này có đăng truyện của Thụy, Nga mừng vui, mua ngay. Trên đường về, nàng hình dung các chàng trai, những người lính, các cô gái, và không khí các quán cà phê trong thành phố, không khí chiến tranh, đó là những chi tiết, bối cảnh rất quen thuộc trong nhiều truyện ngắn của Thụy. Nga và Thụy, hai người thật là tâm đắc, quý mến nhau với sự chân tình, trong sáng. Phượng Nga bỗng nhớ đến cát trắng ở làng quê nội của Thụy, nàng hay nghĩ, cát trắng thật là sạch sẽ.
Nàng cũng hay trao đổi tâm tình thư với Thụy, cứ mỗi truyện Thụy viết, đọc xong, nàng viết thư cho anh nêu ra mấy nhận xét thẳng thắn, đề nghị một số chi tiết nên sửa đổi hay làm sáng tỏ, và giọng nàng trong lá thư luôn thân tình, vừa dí dỏm. Với những lúc được đọc truyện ngắn của Thụy, rồi cứ đến những buổi dạy học ở các lớp nhỏ về ba môn Họa, Văn và Địa lý, đó là một chuỗi hạnh phúc của nàng. Về Thụy, ở xa mỗi lần Thụy nhận được thư của Phượng Nga hay Thúy Hà là anh có một niềm vui, nhưng rồi sau đó lại buồn. Thúy Hà ơi, tình yêu ở nơi đâu mà cứ gây nỗi nhớ bâng khuâng, buồn bã, đơn độc để hai người cứ ở mãi một bên trời lận đận. Phượng Nga rất hồn nhiên, đẹp sáng trong nắng thu. Khi được đọc thư Phượng Nga, anh rất mến yêu nàng, thân quý san sẻ bao nhiêu kỷ niệm của gia đình trong đó, và khi viết thư cho nàng hai điều anh lo ngại nhất là sợ nàng buồn ở một nơi chốn xa nhà, thứ hai, là công việc dạy học mới vào đời của nàng. Thế nhưng, nàng luôn cảm thấy hài lòng vì nàng được học sinh ham thích học môn nàng dạy và các em rất quý mến nàng. Đến cả đồng nghiệp, dù nàng không thân riêng một ai, bên nam cũng như nữ, nhưng họ rất quý trọng, lịch thiệp, không tỏ ra một điều gì gây cho nàng sự dị nghị hay khó xử. Vì, luôn luôn bên nàng có Nguyên.
Trưa, đã tới giờ cơm. Những khóa sinh học lớp sáng đã về trại, tất cả cùng tấp luôn vào nhà ăn trước khi về lều nghỉ. Từ mười giờ, nhà thầu đã ra cơm, và những khay cơm đã dọn sẵn trên hai dãy bàn. Khi vào ăn mỗi người dưa phiếu cho người quản lý xong đến bàn nhận phần ăn. Những lớp học mới ra về hôm nay là khóa sinh đã ở đây trước, riêng khóa 69B ngày mai, hai Đại đội mới nhập trường.
Vì giờ ăn đang đông nên tôi lên thư viện ngồi đọc báo cho qua thì giờ. Báo Lý tưởng phát hành đều đặn hàng tháng. Anh Dương vẫn làm công việc Tổng thư ký tòa soạn. Trong tòa báo, nay có thêm một vài người mới. Hình như những người này là hạ sĩ quan đồng hóa. Từ ngày rời tòa soạn đến nay tôi không có gởi bài, với lại, tôi có ý định đem những bài ký và truyện sáng tác tôi dành cho báo ngoài để kiếm ít tiền nhuận bút. Chẳng qua, có được thêm khoản này đỡ với đồng lương, chứ tài năng của tôi, chưa lấy gì là cao lắm. Và, tôi cũng chẳng mong nghĩ tới những truyện của mình viết sẽ được đăng trên báo Văn hay Bách Khoa.
Buổi chiều, anh em trong khóa đang từng nhóm vui chuyện, chơi cờ bỗng nghe có lệnh tập họp. Rất nhanh, từ các lều đi ra ngoài, họ tập trung mau chóng thành hàng như ở quân trường.
Viên Trung úy hỏi:
- Anh nào là Trưởng khóa?
Trong hàng, một bạn bước ra.
- Kể từ nay, có gì anh liên lạc với tôi.
- Rõ.
Sau đó, viên Trung úy giới thiệu tên và nói trách nhiệm của mình ở trại. Ông là người được Ban Giám đốc giao việc đảm trách về sinh hoại nội vụ của khóa sinh.
- Các anh có biết tập họp làm gì không?
- Không.
Một nụ cười trên miệng và giọng vui, ông nói:
- Thấy các anh ở nhà buồn, đưa xuống Sài Gòn chơi.
Một vài bạn vui giọng đáp lời.
- Hai tuần phép đi chơi nhiều rồi, Trung úy.
- Vậy giờ các anh muốn đi đâu?
- Về lều nghỉ.
- Dễ thôi.
Cứ tưởng không có gì, ông Trung úy sắp cho tan hàng. Nhưng rồi, một giọng nghiêm ông nói:
- Ngày mai các anh bắt đầu nhập học. Bây giờ tôi đưa các anh qua thăm trường, sau đó, các anh sẽ nhận sách mới để học. Xin các anh giữ trật tự khi đi, khi về, và nhất là trong khi thăm viếng đừng trò chuyện ồn ào.
Viên Trung úy quay sang Trưởng khóa, bảo:
- Anh cho hàng quân di chuyển.
- Đàng trước, bước.
Rất đều bước và tác phong như ở quân trường.
- Cho bắt bài hát.
Tự động, trong hàng một quản ca bắt giọng. Tiếng hát cất lên, khúc Không Quân Hành Khúc rộn ràng trong nhịp bước hăng hái.
Tới phía cổng, đoàn khóa sinh dừng lại. Viên Trung úy đến, ra hiệu cho người lính gác mở cổng cửa. Đoàn khóa sinh tiến qua khi cổng gác cất cao lên.
Vào khu vực của trường mọi người yên lặng, nhất nhất theo sự hướng dẫn của viên Trung úy.
Rồi cả đoàn đứng ở ngoài sân trông ra phía cổng chính của trường Anh ngữ.
Không đợi lâu, một viên Đại úy đảm trách phần học vụ xuất hiện, trước khi nghe lời ông phát biểu anh Trưởng khóa hô lệnh nghiêm nghỉ trình diện.
Viên Đại úy hỏi:
- Các anh ở Nha Trang mới về phải không?
- Phải.
Viên Đại úy giới thiệu tên và trách vụ của mình. Sau đó, ông vào đề, khi ông nói, anh em im lặng lắng nghe và ghi nhớ những điều quan trọng.
Sau hai mươi phút nói chuyện, viên Đại úy và cả viên Trung úy hướng dẫn khóa sinh đi thăm toàn cảnh bên ngoài và bên trong trường.
Trường tọa lạc trên khu đất rộng, có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có một căn nhà riêng khá rộng. Lớp học là một dãy nhà đôi dài, mái ngói xi măng, thoáng mát có đến hơn hai mươi phòng. Trong số phòng học, có phòng thính thị, và phòng chiếu phim vừa giải trí là hai căn phòng vừa lớn, và tiện nghi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Lần lượt đến mỗi nơi, người thuyết minh là viên Đại úy. Ông là người Bắc, nói tiếng nghe ấm và rõ. Rồi sau khi tham quan các lớp, khóa sinh được gặp các nhân viên văn phòng và ban giảng huấn. Nhân viên văn phòng có ít người, còn ban giảng huấn đông hơn với một phần ba Việt Nam, hai phần ba là lính Mỹ. Những giảng viên người Mỹ, hầu hết là những anh binh nhì, hoặc hạ sĩ quan bị động viên nhưng người nào cũng đã tốt nghiệp ở Đại học chuyên về ngành giáo dục, và họ ở trong cơ quan viện trợ quân sự và văn hóa. Khi đi dạy, họ mặc đồ lính bốn túi, mang súng M16. Giảng viên Việt Nam là các Sĩ quan từ cấp Chuẩn úy đến Trung úy. Những Sĩ quan này đều là thành phần sinh viên và tốt nghiệp Đại học ở ngoài dân chính, về chuyên ngành Anh ngữ, họ được qua một lớp huấn luyện Anh ngữ ở trường Lackland Hoa Kỳ.
Trong lúc bên ngoài có thăm viếng, trong lớp học, các khóa sinh đang nghe giảng viên giảng bài.
Thời gian thăm viếng một tiếng. Trước khi về, khóa sinh được phát sách học mới. Đây là loại sách dành cho lớp sơ cấp ghi số 1100 nằm trong bộ American English Course gồm 10 cuốn. Bốn cuốn sơ cấp, bốn cuốn trung cấp và hai cuốn cao cấp. Như lời viên Đại úy cho hay, mỗi cuốn thời gian học ba tuần, hết sơ cấp thì lên trung cấp, ở bậc trung cấp chia hai giai đoạn, và cuối giai đoạn 2 bậc trung cấp thi ra trường, khóa sinh được đủ điều kiện du học phải đạt được số điểm 80 ECL. Bài thi ra trường gồm có 120 câu, 80 câu nghe và trả lời, còn lại 40 câu viết.
Sách được cấp phát rất là mới. Giấy cứng và trắng tinh, chữ rõ ràng, mỗi bài từ bốn đến năm trang in, trong đó phần chính là đàm thoại, những câu hỏi, cách phát âm và sau hết là phần văn phạm.
Kết thúc buổi thăm viếng trường, anh em theo viên Trung úy hướng dẫn ra về. Khi trở lại cổng Liên đoàn, ông cho mọi người giải tán.
Buổi chiều đang nắng, bỗng thấy mây đen kéo tới. Trời sắp mưa, anh em tản mác trở về lều của mình. Không chờ đợi lâu, cơn mưa xuống trút nước. Tôi nhìn ra mưa, thấy một ngày sắp hết nhưng như hẳn còn chờ đợi. Tôi mới viết thư về thăm nhà, nói với Thư em gái tôi gởi mấy lời thăm chị Phượng Nga. Ngày xa ấy, buổi đầu mới nhập ngũ tôi lên đường ra Nha Trang bằng tàu thủy. Sau ba tháng học quân sự, lễ mãn khóa tân binh, tôi và anh em cùng khóa được cấp bằng hẳn hoi. Ngày hôm sau, anh em lên đường đi phép, tôi vẫn còn ở trại chờ coi kết quả thi Tú Tài I. Thực là may, mấy hôm thi tôi làm bài được nhưng cũng có nhờ hai thí sinh ngồi gần bàn giúp đỡ nữa nên khi có kết quả đậu cả hai loạt, tôi mừng khôn kể.
Buổi chiều ngày chủ nhật tôi đi ra phố chơi, ghé quán nước giải khát rồi vào rạp hát xem phim Le temps d’aimer et le temps de mourir. Cuốn phim dựa theo tiểu thuyết của nhà văn người Đức Erich Maria Remarque. Tôi đã đọc cuốn truyện dịch, nên lúc coi phim có nhiều câu đối thoại bằng tiếng Pháp tôi hiểu được, không cần nhìn xuống dòng phụ đề.
Khi đèn rạp hát sáng lên, tôi vẫn ngồi trên ghế. Ý nghĩa về cái chết của người lính trong chiến tranh thật là buồn. Tình yêu của nàng và người lính, nương tựa vào lá thư, vậy mà lá thư anh ta cầm trên tay chỉ đọc được ít giòng, rồi anh ngã gục, lá thư buông trôi trên dòng nước.
Phố chính đường Độc Lập bừng dậy trong không khí nhộn nhịp, rất đông người ngày cuối tuần. Hai bên, những cửa hiệu buôn bán nối nhau, nhiều quán hàng ăn, quán giải khát chỗ nào cũng đông khách ra vào, và ồn lên tiếng nhạc kích động.
Tôi ghé tiệm phở, lúc bước vào thấy đông khách, nhưng tôi không đợi lâu. Tiệm ăn sạch sẽ, mùi phở thơm ngào ngạt làm tôi cảm thấy đói. Tôi gọi tô lớn, lúc người chạy bàn mang ra, có bao nhiêu thứ gia vị để sẵn trên bàn tôi cho mỗi thứ một chút, rồi một mình thưởng thức bữa ăn ngoại lệ của mình. Trong lúc ăn, tôi muốn quên đi cảnh đời khó khăn của gia đình, ba mẹ, các em đang ở Huế, và quên đi số phận mình là người lính dù không bị súng đạn đe dọa, nhưng cuộc sống không cách nào nhìn thấy ngày mai đây sẽ trở nên tốt đẹp.
Tôi ăn hết tô phở, vừa đủ no và ngon. Bên kia đường là một hiệu sách có bày nhiều tranh ảnh đẹp treo ra phía ngoài. Trên phố nãy giờ luôn nhộn nhịp, đông vui, và những gương mặt người tân binh hay SVSQ các quân trường trông rất tươi trẻ. Hạnh phúc cho các thiếu nữ và các chàng trai đang có người yêu đi bên cạnh mình. Tôi dừng lại giây lát trên bờ đường nhìn ngắm mái tóc, những tà áo duyên dáng, mơ mộng của các cô gái trong thành phố này. Và, mai đây như thế nào thì đó là chuyện của thời gian trả lời.
Ở trên chiếc bàn dài thấp gần quầy tính tiền là nơi đặt báo. Tất cả đều mới, tạp chí, tuần báo đến nhật báo. Báo Văn, số này là tuyển tập thơ văn. Lúc báo này ra mắt số đầu tiên, tôi rất thích, khi mượn được của người bạn trong tuần đầu tôi đã đọc hết. Và, báo này đã gợi lên trong tôi niềm ước ao sự có mặt tên tuổi của mình. Thời gian qua, tôi không dán gởi bài vì lượng sức mình chưa đủ. Những truyện ngắn tôi sáng tác, chỉ vừa trong trình độ của nhật báo, tuần báo thôi. Nhìn báo Văn, truyện muốn được đăng bạn cần có một cách viết lạ trong ngôn ngữ và ý tưởng mới. Một lần thất bại của tôi là truyện ngắn viết về Thúy Hà, người bạn gái tôi vô cùng yêu thương. Khi nhận được thư tòa soạn, tôi hiểu ra cái non nớt, yếu kém của mình không là nội dung câu chuyện, mà ở cách viết. Tuy nhiên, tôi rất hài lòng với chi tiết tả buổi sáng ở lớp học cùng với nàng đánh cờ ca rô, bất giác, trong phút giây xúc động của tình yêu, nàng để cho tôi mở rộng bàn tay nâng mái tóc nàng lên nhìn nàng qua một vẻ đẹp trên khuôn mặt.
Buổi chiều đang xuống, nắng dần trôi xa. Khi ra khỏi hiệu sách, bên tay tôi là một cái túi nylon đựng một cuốn truyện dịch và mấy tờ báo.
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày

Tôi bước đi thanh thản, vừa sống với những giờ khắc hạnh phúc. Mỗi nơi chốn mang đến, từng thứ một thật là nhẹ nhàng.
Buổi chiều thân tình như một người bạn. Tôi chưa muốn trở về trại, vì hôm nay là ngày cuối ở Nha Trang, và sáng mai chiếc túi sac marin, chiếc ba lô đeo vai, tôi sẽ giã từ quân trường.
Bỗng nhiên, tôi dừng bước đưa tay dụi mắt. Một bóng người đàn bà áo trắng vụt hiện, đứng ngay trước mặt tôi thật lạ lùng. Tôi hết sức bối rối, ít giây sau mới nhận ra. Và, tôi thấy nàng thay đổi rất nhiều. Nàng đứng yên đó, cập mắt bất động nhìn tôi.
Tôi thấy nàng (có hơi mờ đi), và hơi e thẹn, ngập ngừng.
- Ông Thụy, nàng khẽ nói.
Người lính mỉm cười, vẻ mặt bỡ ngỡ.
- Ông không nhận ra tôi?
Một vài giây sau.
- Có, tôi đáp nhỏ tiếng.
- Ông biết tên tôi không?
- Cô Thùy.
Nàng cười, đưa tay cho tôi bắt. Nhìn quanh, tôi nhận ra đây là khu Phước Hải ngày xưa, không thay đổi nhiều. Phía bên đường là nhà thờ Chánh tòa xây bằng đá. Tôi nhớ lại những buổi tối tôi và một người bạn ra nhà thờ ngồi chơi, hóng mát, gió nhẹ rung lên khi buổi chiều vừa tới giờ chuông đổ, sau một lúc, có tiếng còi tàu từ nhà ga vọng tới.
- Cô Thùy vẫn còn ở Đà Lạt?
Nàng cười bảo:
- Tôi đâu còn là học sinh nữa.
- Tôi cũng vậy, mới đi lính mấy tháng.
- Ông có nhà ở đây?
- Không, tôi đang ở quân trường.
Quán nước mía bên đường có căng tấm bạt rộng. Tôi và nàng đến đó, ngồi xuống ghế nhỏ bên chiếc bàn vuông thấp. Nước mía mang ra, mỗi ly có ống hút.
- Cô Thùy được mấy cháu rồi?
- Chưa.
- Sao vậy?
- Đừng hỏi lôi thôi, ông bạn.
- Không lẽ, cuộc sống gia đình không có gì vui?
- Bộ ông muốn nhảy vô hả.
- Không dám.
Nàng cười nhìn lại người bạn cũ.
- Anh Thụy vẫn trẻ con như ngày đó.
- Tôi vẫn nhớ buổi đầu tiên gặp Thùy. Những kỷ niệm về Đà Lạt của tôi nằm trong ngày đó.
Nàng chỉ mỉm cười không nói.
- Nước mía uống thật ngon.
- Anh có viết thư thăm thầy Phiên không?
- Có. Cậu tôi đã được giải ngũ.
- Rồi đến lúc nào anh ra trường?
- Tôi vừa mãn khóa học. Ngày mai, tôi trở về Sài Gòn.
Ly nước mía bên nàng đã vơi một nửa. Nàng nói:
- Gia đình Thùy vẫn ở Đà Lạt.
- Đường Phan Bội Châu?
- Sao mà nhớ ghê vậy?
- Có cây si trồng ở đó, chặt đứt không?
Nàng cười, ánh mắt dịu lên một vùng sáng. Bên cạnh người lính, còn một chiếc ghế trống. Và, nàng vừa mở rộng bàn tay cho chàng được nắm lấy.
- Đà Lạt, kỷ niệm đẹp trong thời đi học.
- Rồi sương mù, rồi cỏ, những đồi thông, rồi… nhiều nữa.
- Thùy sinh ở Đà Lạt hay ngoài miền Bắc.
- Trên đất Bắc.
- Ngôi nhà cũ…
- Ở đường Phan Bội Châu.
- Con đường có đồi khế, màu đất đỏ.
- Cám ơn anh Thụy đã nhớ.
- Tại sao Thùy không mặc áo tím?
Thời gian đã làm cho kỷ niệm lắng xuống rất sâu. Và, nếu tôi nhớ lại rõ nét, nói ra tên con đường, vẽ lại từng màu sắc chiếc áo, vẽ lại được cả từng hạt mưa, thì những hình bóng cũ ấy cũng đã là một sự mất mát, muộn màng thật cảm động. Vì thế, tôi đã ngăn được ý nghĩ của mình khi muốn gợi ra một câu hỏi về những lá thư tôi trao tận tay nàng, về những điều nàng đã biết tại sao tôi yêu nàng, và trong đó nữa có một tấm lòng của nàng đối với ba mẹ tôi ở xa, khi đã có những lần nàng ghé qua trạm bưu điện bỏ giúp những lá thư tôi gởi về nhà.
Ngồi chuyện trò cũng khá lâu, trời đã tối, đường phố sáng đèn. Tôi cùng đi bên cạnh nàng một đoạn đường, tới ngã tư gần đó hai người dừng bước.
Thùy ngước mắt, nàng nói:
- Bao giờ cũng vậy, gặp lại nhau là biết kỷ niệm vẫn còn nhớ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017


Câu chuyện cũ về người bạn gái, tôi đã có kể lại cho Huê. Kể xong, tôi lại nhớ đến vị Trung úy trưởng trại, nhớ chữ ký của ông và khuôn dấu đỏ. Tôi rất nhớ cái bắt tay rất chân tình cùng lời từ giã ông nói, trong đó, ngày mai tôi sẽ đi xa không hy vọng gặp lại ông nữa. Ông rất quý mến tôi, và riêng tôi đã có sự đóng góp làm tờ Đặc San cho một khóa học, tuy gấp gáp vì thời gian quá ngắn nhưng thể hiện được điều ông mong muốn.
- Anh có món quà dành cho em.
- Đâu nào?
- Anh để bên nhà.
- Anh cho em món quà gì?
- Một tờ Đặc San anh và các bạn làm ở quân trường.
- Hay quá, chịu khó về mang qua cho em.
- Sáng mai, anh đem qua cho.
- Không, về lấy đi anh.
Tôi biến mất như cái bóng. Thúy ra mở cửa khi nghe có tiếng chuông
- Anh đi đâu về?
- Đi với người bạn.
Tôi đi nhanh lên gác, vội vàng mở túi xách lấy tờ báo. Rồi tôi vụt chạy xuống cầu thang lúc ấy, trong nhà cũng đang vui tiếng chuyện trò của mấy người bạn dì Hồng ngồi ở nhà sau.
Huê vẫn một mình trong phòng khách trống vắng. Khi thấy tôi trở lại nhìn vẻ mặt tôi nàng không thể nhịn cười. Tôi đặt tay lên vai nàng, giữ lâu trong chốc lát.
Hai người ngồi xuống bên nhau trên chiếc ghế xô pha rộng. Tôi cầm chén nước trà đưa lên miệng uống từng hớp. Ý nghĩ về ly cà phê dậy chút men, tôi ngồi im mắt không rời khỏi những ngón tay Huê đang giữ lấy từng trang báo. Khi thấy bài tôi ký tên, nàng ngừng lâu. Nàng chợt mỉm cười, tôi nói:
- Có em trong đó.
Huê đọc thêm một đoạn, rồi lật trang. Tờ giấy vàng đục, chữ đánh máy đen đậm trong đó mang dấu vết ngày tháng in sâu nỗi buồn nhân thế. Tôi chẳng hề tâm sự với ai, nhưng tôi đã viết. Tôi viết về Huê, trong bóng dáng và tên gọi của nàng tôi đã lẫn lộn biết bao nhiêu điều chỉ muốn nói về một người bạn gái của mình. Và, ngồi đây bên cạnh một cô gái không phải là người yêu, tôi nghĩ rằng mình đang trốn khỏi một cuộc chiến. Tôi rất ngạc nhiên, vì nó đã vây hãm cuộc sống của tôi những ngày trước đây đến đỗi sống ở Sài Gòn tôi vẫn lo sợ, nhất là, nhận diện rõ ràng qua quần áo mặc của mình.
Huê gấp tờ báo lại, cô nói:
- Hay quá, anh đã thực hiện được tờ báo này.
- Chỉ trong vòng mười ngày.
- Anh kể chuyện mấy tháng ở quân trường cho em nghe.
- Ngày nào anh cũng tắm nắng và đổ mồ hôi.
- Anh quá lãng mạn.
Tôi rót thêm đầy tách nước, rồi đưa qua cho Huê.
- Cám ơn anh.
Tôi cầm tờ báo lên xem qua. Đồng hồ trên tường đổ chuông. Rồi sau đó, tôi và Huê hai người giúp nhau chuẩn bị bữa ăn tối. Khi ở trong căn nhà trống vắng, ánh đèn điện sáng lên đó là sự ấm cúng, điềm đạm, vừa chừng mực, đó cũng là một dấu hiệu về lương tri. Chàng và nàng như là hai anh em ruột thịt sống bên nhau trong những ngày ở xa gia đình. Cách đây hơn một giờ, tôi ngồi với Minh ở quán ăn bên khu chợ Thái Bình. Tôi và Minh, hai người gặp lại nhau sau một năm. Ở Đà Nẵng Minh vào Sài Gòn, không phải mong học tiếp mà tìm kiếm việc làm. Rồi hắn đổi ý, và hắn còn đợi chờ mười ngày nữa đi chuyến bay quân sự lên Đà Lạt đặt chân vào trường Võ Bị.
Dứt một giây hồi tưởng, tôi hỏi Huê:
- Em có nghĩ tới hạnh phúc cho mình trong tương lai.
- Em vẫn sống bình thường, tự nhiên.
- Anh luôn luôn nghĩ đến hạnh phúc của em.
- Bây giờ không có gì cả là hay nhất.
- Thật vậy sao?
- Anh có chọn nghiệp văn cho đời mình không?
- Em hãy chọn cho anh.
- Em không biết.
- Anh cảm thấy vui khi em còn ở Sài Gòn.
Có bóng người đi qua bên ngoài. Tôi cảm thấy nôn nao muốn nói với Huê:
- Không, sự ràng buộc đời tôi là Thúy Hà. Tôi yêu nàng, vì tôi nghĩ nàng đã sống với tôi trong bao nhiêu tình cảnh người vợ qua những kiếp luân hồi. Trên miệng lưỡi, hễ gọi tên nàng là tôi nhận ra dư vị cay đắng lẫn ngọt ngào.
Tôi để lộ ra một bộ mặt si dại, ngớ ngẩn. Huê buông đũa, cười lớn tiếng, tiếng cười dồn đổ nghe như là một trận mưa. Trong người tôi nón rang lên như cơn sốt, ngay lúc đó, tôi để ngửa lòng bàn tay.
Vậy rồi, buổi tối đó qua đi mà chàng cũng đã che giấu hết sức vội vàng. Chàng được ở bên cô gái đến nửa đêm. Hai người chơi đánh bài, trong lúc chơi chàng luôn chú ý những con bài cơ hồng đỏ hình trái tim, nó rạo rực trên mấy ngón tay của nàng.
Bỗng tiếng cô gái nói:
- Thôi, anh về đi. Đã khuya rồi.
Chàng không muốn nghe giọng ái ngại ấy làm gì. Rồi không thể nào tránh được sự cám dỗ của quỷ, chàng đã ôm gọn lấy thân cô gái, rồi thật yên lặng cô để cho chàng đặt môi hôn, nhưng một lúc sau nghe tiếng cô khóc. Cô gái khóc, chàng nói những lời dỗ dành, vừa nghe tiếng hạt mưa và tiếng mình nói xúc động, hai thứ cùng trộn lẫn với hương vị của mái tóc.
Về nhà, tôi thao thức không ngủ được. Tôi cảm thấy mình hối hận vì nghĩ đến Thúy Hà. Sau đó, tôi gặp nàng trong giấc mơ. Bên cánh cửa nàng bồng đứa con trai nhỏ. Tôi đứng yên lặng sau lưng nàng một lúc rất lâu, bỗng nhiên, trên tường vôi trắng tôi trông thấy nàng ngồi một mình xõa tóc. Không biết nàng tìm thấy ai đó trong dĩ vãng.
Sáng hôm sau thức dậy, tôi vẫn còn nuối tiếc giấc mơ. Tôi không lo âu, sợ hãi, nhưng nghĩ rằng Huê vẫn còn khóc. Nàng khóc vì ức chế, chứ không có gì giận dỗi ai cả. Tôi lại rời nhà, cùng đi với Lăng suốt ngày. Hai đứa đi xe đạp, đến thăm gia đình họ hàng. Ai cũng thấy tôi thay đổi, trông vẻ mặt đầy nghị lực, tin tưởng vào cuộc sống. Và, những lời khuyên chân tình của bà con làm tôi xúc động, tự hứa với mình cố gắng trở lại với sách đèn.
Qua tuần lễ sau, tôi trở lại nhà dì Hồng và đi qua nhà Huê. Tôi mạnh dạn bước lên bậc thềm, vừa gọi tên, vừa bấm chuông.
Huê ra mở cửa, thấy tôi nàng hỏi:
- Đi đâu cả ngày nay?
Tôi nhìn đồ đạc đang bỏ lung tung trên bàn ghế.
- Em đang làm gì?
- Ngày mai em dọn nhà.
Tôi cầm lấy tay Huê.
- Anh còn muốn gì nữa?
- Anh rất nhớ em.
- Bày vẽ ra.
- Em cần anh giúp em một tay không?
- Thích làm giúp thì nhảy vô.
Tôi để Huê sắp xếp quần áo, còn sách vở, mấy thứ linh tinh anh dọn giúp nàng. Cô gái nói:
- Em cũng thật bê bối với những thứ đồ đạc của mình.
- Ngày mai thì sao?
- Giúp cho tôi một tay.
- Em không dịu ngọt chút nào cả?
- Người em hay nổi nóng, lên cơn lắm.
- Còn anh lúc nào cũng thèm đi xa. Có em, anh thấy lòng mình vui.
- Anh liều với em, không chỉ một lần đâu.
Giọng Huê rất giản dị, lắng sâu. Tôi không đáp lời, chỉ thu xếp những thứ còn lại vào túi xách.
Trước khi rời nhà, buổi sáng Huê mời tôi uống cà phê. Khi Huê hỏi chuyện về sự liên hệ của tôi với dì Hồng, tôi nói rõ hơn.
- Em là bạn thân của Thúy.
- Anh biết.
Một giờ sau, Huê và tôi cùng đi chuyến xe lam đến nhà người chị. Người mẹ đi vắng, hai đứa nhỏ vòng tay chào đón khách. Huê có căn phòng riêng ở nhà dưới. Tôi giúp nàng dọn dẹp căn phòng.
- Công việc này làm anh luôn nhớ đến em.
Tôi vừa nói, vừa đặt khung ảnh của nàng treo ngay ngắn trên tường chỗ có đặt bàn học. Khi đã có được chút nồng nàn với cô gái, lúc này trong lòng bạn cũng đầy ắp hương vị của tình yêu. Treo bức ảnh xong, tôi lùi lại một bước nhìn đăm đăm bóng dáng người đẹp. Trong lòng tôi, nắng ấm chan hòa, ánh sáng của ngày vừa đổi mới.
Xong việc dọn nhà, Huê mời tôi đi ăn cơm trưa. Tôi không đói lắm, nhưng từng giây phút được ở bên cạnh nàng là một dịp tôi sống với cuộc đời hạnh phúc khi có được tình yêu. Yêu một người con gái, và được gần gũi nàng vui tiếng chuyện trò, dù cho chưa gì với nhau cả, mình cũng cảm thấy được tình yêu. Huống gì, vào buổi tối ấy, sự đâm liều của tôi nó may mắn như một người trúng vé số. Nhà Huê ở trong khu bàn cờ, gần đấy là khu chợ, và đi ra đầu đường là gặp phố chính. Dọc con phố, nhà nào cũng là cửa hiệu buôn bán, quán ăn, quán giải khát. Quán ăn của người Hoa luôn đông khách. Hai người ngồi phía dãy ngoài mái hiên, Huê cầm menu gọi món ăn, và tôi có hơi ngạc nhiên khi cô gọi cả bia nữa.
Tôi lên tiếng:
- Ông cho một chai bia lớn, hai ly.
Không đợi lâu, bữa ăn dọn ra ngay sau đó ít phút. Cả cơm và thức ăn nóng tràn hơi khói. Tôi cầm chai bia rót vào ly Huê trước xong đến mình.
Tôi bảo Huê cầm ly lên, cụng một cái trước khi uống. Và, tôi nói:
- Rượu bia này uống chơi.
Nàng nhìn lại tôi hỏi:
- Khi nào mới uống thiệt?
- Đâu biết. Chuyện của em mà.
Huê nói:
- Em không cám dỗ anh đâu.
- Không, thì thôi.
Bữa ăn trong sự yên lặng. Nhưng không có gì đáng tiếc xảy ra cho hai người. Sau bữa ăn, tôi đưa Huê về nhà rồi chia tay.
Không biết đi đâu, và cũng chưa muốn về nhà, ra tới trạm xe buýt gặp xe tôi bước lên và theo chuyến xe về tới bến.
Sài Gòn luôn đông vui. Một mình lang thang trên phố, người lính trẻ luôn nhìn xa gần, chung quanh, và trong ý nghĩ luôn ước mong gặp một ai quen để nói ra những lời tâm sự.
Trên vỉa hè Lê Lợi có rất nhiều bán sách báo cũ. Qua mỗi sạp, tôi dừng lại trong chốc lát. Tôi mua được mấy cuốn sách, và một số tạp chí Sáng Tạo cũ. Tôi cứ đi hết con đường lên tới nhà hát thành phố. Và rồi, tôi vòng qua bên đường đi ngược trở lại dọc theo hè phố, đến quán Mai Hương ghé vào gọi một ly cà phê đá.
Người ngồi trong quán hút thuốc nhiều làm tôi bị sặc khói. Nhưng, tôi vẫn đốt thuốc để uống cà phê. Ngồi trong quán ai cũng nhìn ra con đường rất đông người đi dạo trên phố chính. Những tà áo dài của các cô gái đi ngang qua làm dịu mát buổi chiều. Những tà áo thật đẹp, đem cho mỗi người một niềm vui, và có cả sự buồn nhớ nữa. Trời sắp tối, tôi ra về Quán vẫn đông khách, và bắt đầu ồn lên cùng với tiếng nhạc, lời ca, vọng từ dĩa hát.
Về nhà dì Hồng, tôi gặp Lăng. Hôm nay là ngày giỗ của mẹ dì Hồng Tôi nói lời xin lỗi dì rồi đi đốt hương. Khi tôi trở vào, cô Thúy nhìn tôi với cặp mắt dò xét. Ngồi quanh chiếc bàn tròn có Lăng, dì Hồng, và Thúy, tôi nói chuyện về những ngày nghỉ phép đã qua.
Sau đó, bữa cỗ dọn lên. Chuyện trò vui, tôi hăng hái nói chuyện về đời lính, về tương lai của một chuyên viên Không Quân mà tôi tin tưởng là sẽ đem lại nguồn vui cho cuộc sống của mình.
Thúy nói:
- Anh đi lính rồi trông trẻ hẳn ra.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì có được sự dịu nhẹ mối nghi ngờ trong mắt Thúy.
- Anh khỏi lo chuyện quân dịch nữa.
- Rồi anh có đi học lại không?
- Thong thả, qua năm tới.
Tôi hỏi qua Lăng:
- Có định về thăm dì không?
- Không. Tuần đến tôi đi Đà Lạt.
- Đi chơi.
- Không. Tôi đi dạy.
Không hiểu sao, tôi chợt có cảm giác mình đang bị thành phố bỏ rơi.
- Lên trên đó ở luôn.
- Không, sang năm tôi về.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

XVI

Về lều, tôi phơi quần áo và khăn ở dây kẽm xong mặc quần áo đi ăn. Trong nhà ăn, vẫn còn đông người. Tôi mua thêm một chai nước xá xị có đá để uống cho dễ tiêu cơm.
Tôi cảm thấy đói, ăn ngon. Tôi vẫn thích một mình, không muốn kết thân với ai, và cũng bình thường không tỏ ra đơn độc. Từ buổi ấy ra đi, Thúy Hà luôn là một hình bóng cũ trong tâm tưởng và trí nhớ của tôi. Những giờ phút Thúy Hà thường đến là buổi chiều trời mưa, quán cà phê, hay trong bữa ăn hàng ngày tạm đủ như lúc này. Với tôi, nàng là một câu chuyện đem đến sự an ủi trong giọng nói trầm lặng, hiền dịu. Đời riêng của nàng, nàng luôn muốn nói hết với tôi, và lúc này, tôi như tìm ra được một cuốn tập vở cũ có để lại những dòng nhật ký.
Nàng viết:
Tôi đang nghĩ tới anh Thụy. Lá thư nào tôi viết cho anh cũng đầy kín hai trang giấy pelure. Và, mỗi lần nghĩ tới chuyện viết thư cho anh, tôi hay mỉm cười chế nhạo mình. Trong sự rung động của tình cảm và tiếng nói, tôi cũng có ý nghĩ về chuyện ngoại tình. Điều này vừa đúng, mà cũng không đúng. Tuy nhiên, nó đã được sự bao dung, thừa nhận. Anh Thụy khi quen tôi, đã tỏ cho tôi thấy ngay tình yêu của anh đối với tôi khi anh hoàn toàn chưa biết Duy. Buổi đầu mới gặp, tôi cũng có chút tình yêu dành cho anh. Rồi sau đó, đến với gia đình tôi anh gặp Duy và biết rõ mối liên hệ của chúng tôi. Từ ấy, dù biết mình yêu, thực sự yêu, nhưng anh chỉ có với gia đình tôi cũng như riêng tôi bằng một tình bạn chân thực. Tôi biết anh rất yêu tôi, ao ước có tôi, mỗi lần đến nhà chơi gặp tôi, được chuyện trò với tôi anh vui thích lắm. Và, dù tôi không nói ra, chắc anh cũng hiểu tôi có dành tình yêu thực sự cất giấu trong lòng tôi cũng như gởi cho anh bằng những câu chuyện, bằng những lá thư thăm hỏi, đến cả một vài bức hình làm kỷ niệm để đừng quên nhau. Và, dần qua thời gian, nay anh Thụy đã là thành phần trong gia đình tôi để chúng tôi coi nhau như anh em.
Khi trời sáng, mưa tạnh nhưng bên ngoài còn khoác cái vẻ u ám, ủ dột. Tôi rửa mặt xong trở lên gác, có ý định bắt đầu công việc một ngày nhưng chưa nghĩ ra. Tôi đứng bên cửa sổ, mở rộng hai cánh nhìn ra khoảng trống trông thấy bầu trời mang một vẻ thầm lặng, xôn xao, có vẻ như muốn hạ thấp để trải những lớp mây xám dày xuống những mái nhà ở dãy phố bên kia. Bên đó, trong lúc này con đường rè rè tiếng động của những tiếng còi xe, tiếng gọi văng vẳng, lúc thưa vắng, lúc vang dậy tiếng chân bước những người đi trên đường. Tôi chú ý đến hai người đàn ông đứng trên bờ đường. Một người đang nói chuyện với cử chỉ luôn vung tay, còn người kia đầu đội chiếc nón phớt nỉ, trên miệng ngậm điếu thuốc, và lúc ông ta rít một hơi đầy, những sợi khói mỏng manh tan ra.
Trên gác đèn sáng. Tôi mở máy thu thanh để nghe tin tức, nhưng ít phút lại tắt. Sau đó, tôi xuống nhà cùng với gia đình ăn sáng. Trên chiếc bàn khách trải khăn, bữa ăn sáng được dành riêng cho mỗi người một phần. Có bánh cuốn, bánh mì, bún. Tôi ăn bánh cuốn chả. Bữa ăn sáng nào, gia đình tôi cũng mua quà sáng ở một quán hàng cách nhà bốn căn. Đây là hàng quán ăn bán suốt ngày cho khách, cho công nhân bến tàu từ sáng sớm đến chiều tối. Hàng quán này luôn đông khách ra vào, và món ngon nhất ở đây là bún chả giò chiên, bún thịt nướng. Hai ngày cuối tuần, bữa quà chiều thường lệ của gia đình tôi là hai món này, ăn rất ngon. Vì vậy, đến 9 giờ đêm đóng cửa hiệu, gia đình tôi mới bắt đầu bữa ăn tối. Đó là lúc hạnh phúc nhất của gia đình trong ngày.
Ba tôi là người luôn mở đầu câu chuyện trong bữa ăn. Còn tôi, thường nối tiếp chuyện khi ông chợt bỏ dở, hoặc đang gợi nhớ. Bữa ăn trong gia đình tôi luôn có sự hòa hợp, vui vẻ với mọi chuyện về cuộc sống chung hay riêng, có khi ở một nơi xa, có khi là chuyện vừa mới xảy ra trong thành phố này, hoặc là một vấn đề thời sự mà tình hình miền Nam hiện nay đang xáo trộn chưa ổn định hẳn vấn đề chính trị. Với bất cứ đề tài nào, ba tôi cũng am tường, có nhận xét tương đối xác đáng, và ông luôn giảng giải cho cả nhà về vấn đề ông được hiểu. Những khả năng, kiến thức về sinh hoạt chính trị của ba tôi thu thập được là đọc báo, nghe đài. Ngày trước, ba tôi học ở trường Thăng Long hết Thành Chung, và ở trong quân đội thuộc ngành Bảo An. Có thể nói tôi là người sung sướng hơn cả, vì tôi luôn tỏ lộ niềm vui qua những nụ cười. Đôi khi, trong bữa ăn ba mợ tôi chợt nhớ lại những tháng ngày ngoài đất Bắc, trong nỗi nhớ đó, giọng nói của hai người như chùng lại. Nhân sự gợi nhắc lại quá khứ ở một vùng quê xa, tôi hay vui hỏi chuyện ba mợ tôi hồi đó đã quen nhau như thế nào, và ngày đám cưới vào thuở ấy ra sao? Trên tường, còn một bức ảnh kỷ niệm thật hạnh phúc của ba mợ tôi sau ngày đám cưới đi Hà Nội chơi. Bức ảnh chụp ở Hồ Gươm, quang cảnh trải rộng với những hàng cây, bóng dáng của Tháp Rùa, và cũng thấy cả những con đường chung quanh thành phố Hà Nội.
Bữa ăn sáng bao giờ cũng có một ly cà phê sữa dành cho ba tôi. Ba tôi thích ăn bánh mì trứng ốp la. Ông vừa ăn, vừa uống cà phê. Và, tôi cũng uống một vài hớp cà phê ba tôi để lại cho sau bữa ăn…
Trời buổi sáng nay vẫn âm u. Chỉ sau một vài dấu hiệu cây lá ngoài đường, cơn mưa đổ xuống. Mưa không ồn ào gây sự huyên náo, hoặc đe dọa, nhưng vẫn to hạt. Bữa ăn sáng vào ngày cuối tuần luôn kéo dài trong gia đình. Và, không lúc nào ba tôi lại không nhắc đến anh Thụy. Đôi khi vui chuyện trong nhà ba mợ, các em cùng trêu chọc tôi. Tôi chỉ cười, muốn giấu cái hạnh phúc và nỗi cảm động. Trong cử chỉ đó, cặp mắt tôi đang đầy những giây khắc thầm lặng chợt muốn mở to. Giọng nói của ba tôi đã cho cả nhà hay ông đang nghĩ đến anh Thụy đứa con trai lớn của mình, và ông đã nói về anh bằng những lời thật cảm động. Mỗi lần, có thư anh gởi về thăm là ông đọc cho cả nhà nghe, riêng thư của tôi, thì tôi giữ lấy thôi. Đôi khi, tôi nghĩ ba tôi thương anh Thụy còn hơn cả Duy, sắp là con rể của ông.
Hai người khách vào mua hàng bắt đầu một ngày sinh hoạt buôn bán cho cửa hiệu nhà tôi. Tôi thu dọn bữa ăn trên bàn, mang bát dĩa xuống nhà, rửa ở bể nước.
Trời vẫn còn mưa. Tôi trở lên gác thay quần áo, và mặc ngoài chiếc mưa màu lam.
Khi tôi xuống nhà, bên vai đeo túi xách nhỏ, mợ tôi hỏi:
- Con xuống nhà Duy.
- Không. Con tới nhà người bạn.
Trời mưa, nhưng ngoài đường ánh sáng có vẻ sạch sẽ, tươi xanh những hàng cây. Tôi đi bộ. Lúc nãy mợ tôi hỏi, tôi đã giấu không nói chuyện mình đi đến nhà Bưu điện bỏ thư cho anh Thụy. Dù rằng, trong nhà đều biết rõ anh Thụy thương yêu tôi, nhưng tôi không bao giờ tỏ lộ cho trong nhà chuyện riêng tư qua những lá thư, chỉ có Thúy Hiền hai chị em luôn tâm sự với nhau thôi.
Trên đường đi, buổi sáng nay mưa tôi nghĩ nhiều đến anh Thụy. Tôi đã yêu anh, viết thư cho anh và đi bộ tới một nơi bỏ thư bằng cả một tấm lòng. Duy vị hôn phu của tôi cũng biết tôi có cảm tình với anh Thụy nhưng tôi cũng không bao giờ nói với Duy về sự riêng tư giữa tôi và anh ấy. Có thể Duy vẫn thoáng nghĩ đến hai chữ ngoại tình, nhưng dù có vậy, cũng không có gì quan trọng đối với tôi. Tôi là người phụ nữ luôn trung thực với cách sống của mình. Từ ngày đó đến nay, anh Thụy và tôi viết rất nhiều thư cho nhau. Những lá thư này tôi không đưa cho Duy đọc, và chàng cũng không dám lục lọi. Thực ra, Duy cũng nhìn thấy gia đình tôi đã coi anh Thụy như là người con cả trong nhà.
Tôi vẫn không giấu được rằng, tôi luôn nhớ đến anh Thụy kể từ ngày anh đi Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Sáng nay, tôi đi tìm anh. Tôi đến một nơi bỏ thư để tìm anh, và cảm thấy gần gũi với anh khi lá thư được gởi đi.
Trời đang mưa, tôi đi trong hạnh phúc với một tâm hồn thương yêu, dào dạt.

Khi nghe tiếng chuông nhà thờ ở dưới phố chính vọng lên tới trên này, cả nhà cùng thức dậy. Tối qua, dù thức khuya phụ các em dọn dẹp bàn ghế, rửa hết các loại chén bất, ly tách, nhưng lúc lên giường Thúy Hà ngủ ngay thật ngon giấc, Nàng ngồi dậy, mỉm cười nói với Hiền.
- Em dậy quá sớm.
- Em không cảm thấy buồn ngủ.
Thúy Hà để Hiền lại một mình, nàng rời thang gác xuống nhà ra bể nước rửa mặt. Hôm qua, Vũ thay mặt gia đình xuống nhà Duy báo tin cho gia đình anh ấy hay là gia đình cậu bằng lòng cho tổ chức lễ cưới. Tự buổi trưa, cả hai bên cùng chuẩn bị.
Nhà Thúy Hà ở đầu phố Độc Lập, gần bến cảng. Từ ngày rời Quảng Trị vào trong này định cư, vợ chồng ông Kha không làm việc ở hiệu thuốc tây mà chuyển sang nghề chế tạo các loại mỹ phẩm, nước hoa là chính. Căn nhà thuê có bề rộng khoảng 5 mét, bề dài đến gần 20 mét nên dễ có điều kiện để ngăn chia từng phần. Nửa phần trên dài khoảng mười mét được dùng làm chỗ buôn bán, cũng vừa là nơi sinh hoạt cả nhà, với bàn ăn, những chiếc kệ, đi văng, giường ngủ sắp thật gọn, ngăn nắp. Trên lối đi hẹp xuống nhà sau, cạnh bên lối cửa trông có một căn phòng nhỏ, tất cả các loại hóa chất để pha chế thành nước hoa và mỹ phẩm được cất vào đó, đồng thời cũng là chỗ làm việc hằng ngày của ông Kha. Ồng là một con người cởi mở, hiếu khách, và rất siêng năng. Khi bắt đầu vào giờ làm, ông khoác chiếc áo blouse trắng, ngồi vào ghế, với cặp kính trắng đeo lên mắt, ông say mê công việc trong sự pha chế cũng như đo lường rất chính xác.
Hôm nay, căn phòng nhỏ này dược dùng làm phòng của cô dâu. Trời vừa hửng sáng, cả đoàn xe sáu chiếc của nhà trai tới. Trong đoàn xe, chiếc Toyota màu trắng là chiếc xe có kết hoa để rước dâu. Đoàn xe dừng lại bên ngoài lề đường, cách xa nhà cô dâu khoảng năm chục mét. Mọi người xuống xe, vội bước lên vỉa hè để sắp thành hàng đôi, đủ từng cặp. Người chủ lễ đứng hàng ngoài đếm lại số người đi, căn dặn một đôi lời, xong một mình hướng về nhà cô dâu để gặp gia chủ, và đây là lễ đầu xin giờ, đồng thời báo cho nhà cô dâu biết bên nhà trai đã đến, sẵn sàng.
Khi người chủ lễ quay bước ra, tới gần, ông phác tay ra hiệu cho đoàn người khởi sự di chuyển. Sáu cặp ở tốp đầu, người nào cũng mang mâm quả trầu cau, rượu, bánh trái, đồ nữ trang để nạp lễ. Duy mặc bộ đồ veston màu xanh đậm, bông hoa trắng tươi ghim trên túi áo. Duy cảm thấy hạnh phúc, luôn nở nụ cười. Đi bên Duy là người em họ, làm phụ rể.
Căn nhà cô dâu sáng rực đèn khi đoàn người bên nhà trai tới. Trong sự tôn kính buổi lễ, mọi người đều lặng im. Lễ vật cưới hỏi rất đầy đủ và bày thứ tự trên chiếc bàn dài. Một phút sau, người chủ lễ mới lên tiếng bằng một giọng nói đĩnh đạc, nghiêm trang. Trong lúc ông nói, thỉnh thoảng cơn gió buổi sớm thổi nhẹ vào lay động những dãi hoa giấy trang hoàng hai bên bức tường, cả phía mặt ngoài căn gác cũng có treo những chùm hoa đủ màu sắc rất tươi.
Hôm nay, cả bốn anh em Vũ đều biết là ngày quan trọng của gia đình. Những bộ quần áo mới cắt may, mặc rất vừa, nhưng trên vẻ mặt mỗi em đứng ở chỗ đó, riêng trong một góc nhìn mọi người, em nào cũng bỡ ngỡ, ngạc nhiên và cảm thấy mình còn thơ ngây.
Bên trong căn phòng nhỏ, lúc thấy người mẹ vào, Thúy Hà đứng dậy và cô phù dâu cũng đứng lên theo. Từng bước nhẹ, ba người đi bên nhau. Lúc ra ngoài, một mình Thúy Hà bước ra giữa, rồi đưa mắt mỉm cười nhìn Duy đang cầm bó hoa đi tới gần để trao tặng cho nàng. Khi Duy trao xong bó hoa, tiếng vỗ tay vui lên cùng tiếng cười chúc tụng. Rồi cô phù dâu tiến ra, nhận bó hoa từ tay của cô dâu, lễ cưới chính thức bắt đầu.
Duy cầm chiếc nhẫn cưới đeo vào ngón tay Thúy Hà. Nàng cúi mắt nhìn ngón tay anh đang đeo cho mình, trên đôi mắt nhỏ bé của nàng nụ cười sáng lên. Hình như, nàng đã nói với Duy một điều nguyện ước trong nụ cười đó. Đến lượt, Duy đưa tay cho người vợ trao nhẫn. Anh lặng im, lúc này chiếc nhẫn là vật tin cậy hơn hết mà nàng trao cho anh.
Bên ngoài, trời rạng sáng hẳn cùng lúc những ngọn đèn đường trên các dãy phố đều tắt. Bữa tiệc trà đơn sơ, vui vẻ, nhưng không kéo dài lâu, vì đã đến giờ rước dâu. Trong phút giây này, ba mẹ, và mấy anh em Vũ đều xúc động chảy nước mắt khi nhìn cặp mắt Thúy Hà vừa khóc, vừa nói những lời chào từ giã.
Dưới mái hiên cửa, lúc rời bước ra đường mọi người đều hướng về phía đoàn xe đang đậu. Chiếc xe trắng có kết hoa nằm ở hàng giữa. Và nổi bật hơn hết, đó là Thúy Hà trong bộ áo cưới thêu kim tuyến và chít vương miện trên đầu. Nàng vẫn đang khóc khi mới rời nhà, trên mắt nàng, những giọt nước mắt cứ nhạt nhòa.
Tiếng động của thành phố cũng bắt đầu ngày sinh hoạt ở vào giờ này. Đoàn xe di chuyển, thay vì đi ra hướng bờ sông, họ chạy thẳng theo con đường xuống phố chính. Sau đó, đoàn xe mất hút dần.
Ba mẹ Vũ và các em đều ở lại nhà, không có ai theo đưa tiễn. Đi đưa, chỉ có những người thân trong họ hàng thôi. Khi khách ra về hết, bốn anh em Vũ phụ giúp nhau dọn dẹp bàn ghế, ly tách đem xuống nhà dưới. Trên bàn khách chỉ còn để lại ghế và ly tách, bình trà để còn đón khách viếng thăm ngày hôm nay. Quanh tường, giây hoa trang trí vẫn để.
Thúy Hà không nhớ nghĩ gì đến những công việc mà các em nàng đang làm lúc này. Nàng cũng không nghĩ nữa, ba mẹ nàng có vui, hay băn khoăn gì nữa về chuyện nàng đi lấy chồng không. Nàng đang nghĩ tới một cuộc đời trước mắt, hôm nay, nàng trở thành người vợ của Duy rồi.
Từ nhà cô dâu về đến nhà Duy mất gần nửa giờ. Đoàn xe dừng lại trên con đường bên ngoài có trồng những hàng cây me. Ngay khi vừa bước xuống xe, cô dâu đã nghe tiếng ồn ào, tiếng khóc từ trong nhà vọng ra. Và cảnh tượng đó gây cho cô một sự ngỡ ngàng khi cô vừa bước qua khỏi cửa. Ông Lương còn nằm đó, đang hấp hối. Những tiếng khóc kể, nuối tiếc, cứ bám riết quanh chiếc giường ông nằm. Rồi người ta đánh thức ông khi đám cưới đã rước dâu về đến nhà. Nửa tỉnh, nửa mê, ông mở mắt. Duy đứa con trai út của ông và người vợ mới cưới đang đứng bên cạnh giường ông. Duy nói ấp úng:
- Thưa ba, vợ chồng con đây.
Ông đưa mắt nhìn về phía con dâu. Nàng đang cúi đầu chào ông, và nàng chỉ lặng im. Nàng không thể nói gì được, bỗng nhiên, nàng khóc lớn tiếng, nức nở. Nhà rất đông người, nhưng hầu như không ai hiểu được nỗi lòng của nàng. Nàng đang khóc lớn tiếng, tiếng khóc không kể lể với một ai, kể cả nàng, tiếng khóc như một khúc rẽ của cuộc đời mà nàng đã nhận ra, và như thế này, nàng sẽ không còn thay đổi gì khác nữa được.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Lễ nhập gia dành cho cô dâu bắt đầu. Trên chiếu, Duy và Thúy Hà đứng bên nhau vái lạy từ bàn thờ này qua bàn thờ khác theo nghi thức. Sau đó, Duy đưa vợ mình vào căn phòng riêng dành cho hai người. Nàng bước vào, cánh cửa đóng lại. Trong phút này, nàng nằm xuống nghỉ ngơi trong giây lát cho đỡ mệt. Duy vẫn ở bên nàng, nhưng hai người không trò chuyện gì với nhau nhiều. Nàng không còn khóc nữa, nhưng nàng cảm thấy mình xa lạ. Duy đang ở bên cạnh nàng, nhưng nàng vẫn có vẻ lãnh dạm như thể lúc này, nàng chỉ còn nghĩ đến một ai đó mới có thể giúp nàng có đủ sự tin cậy.

Những ngày cuối cùng của cụ Lương đã làm cho hai gia dinh bên tôi và Duy bối rối. Khi Duy cho tôi biết lời khẩn khoản của ba anh, tôi hiểu nhưng im lặng. Tôi ra Huế thăm Nhị Thảo ở chơi mấy ngày với người bạn trước khi cô bạn rời Việt Nam sang Pháp. Tôi ở Huế mấy ngày trong sự thư giản êm ái, và được gia đình Nhị Thảo đón tiếp như con trong nhà. Ở chơi ít hôm, tôi vào Đà Nẵng. Vừa lúc xuống ga, bỗng nhiên, tôi có nghe có tiếng ai gọi tên tôi. Một lúc sau, tôi mới nhận ra anh Thụ, ngày trước thời sinh viên anh mở lớp cours dạy học chúng tôi ở lớp nhỏ. Anh Thụ đi Đà Lạt, học trường Võ Bị. Anh mới về phép giờ trở lại quân trường. Trong lúc tàu ngừng đợi ở ga để tránh tàu ngược, anh Thụ mời tôi vào quán nước. Nhiều năm xa vắng, trong sự gặp lại anh nhìn tôi bỡ ngỡ. Tôi hiểu hết. Tôi hiểu rằng, tôi đã lớn. Tôi đọc được trong cặp mắt anh những điều muốn tỏ bày, mong gặp lại tôi và viết thư cho tôi khi ở xa. Khi nhìn thấy tay tôi đeo nhẫn, anh hỏi chuyện riêng về tôi, tôi gật đầu.
Đã đến giờ tàu chuyển bánh. Tôi cám ơn anh đã mời tôi uống nước. Và để lưu một chút tình cảm với người quen biết, tôi còn đứng lại ở sân ga vẫy tay chào anh khi con tàu chuyển bánh.
Rồi con tàu khuất dạng. Hình ảnh của anh như một đôi lời nhắn của một người bạn cũ gởi cho tôi.
Ra khỏi ga, tôi đón xích lô về nhà. Về đến nơi, thấy không khí trong nhà như có chuyện gì đó vừa xảy ra. Tôi không vội đi lên gác thay quần áo, mà ngồi lại ở bàn khách nghe ba mợ tôi nói chuyện.
- Bà Lương và cô My vừa mới về.
Tôi đã đoán hiểu, nhưng cứ hỏi:
- Có việc gì không mợ?
Ba mợ tôi nhắc lại chuyện vừa rồi, bà Lương và cô My đến thăm. Và rồi, bằng giọng khó khăn song thân nói đến chuyện cưới xin để chạy tang. Bà Lương cũng cho biết là ông đang hấp hối. Tôi điềm nhiên không chút xúc động, bàng hoàng, nhưng lúc ấy, trong miệng tôi đầy cảm giác vị mặn của nước bọt.
Buổi chiều hết sức yên tĩnh, cửa hàng đang vắng khách. Trong cửa hiệu đèn luôn để sáng. Ba mợ tôi hỏi ý kiến tôi như thế nào làm tôi suy nghĩ. Tôi đã không trả lời Duy khi chàng hỏi ý kiến tôi. Nhưng lúc này, tôi phải trả lời. Rồi sau đó, ba mợ tôi đưa ra lời giải thích là tôi mới hai mươi mốt tuổi. Nếu ông cụ của Duy qua đời, chỉ đợi hai năm mãn tang, vừa đúng thời gian chuẩn bị cho hôn nhân. Những điều ba mợ tôi nói ra rất hợp lý và còn sự trọng vọng về gia đình mà bác Hai tôi ở Sài Gòn cũng các chú nhà ngoài này đều mong muốn dự đám cưới của tôi là con gái đầu của ba tôi. Tôi hiểu những điều gia đình giải thích.
Tối hôm ấy Duy lên nhà tôi. Sự xuất hiện của Duy trong nhà đều hiểu. Nhưng ba mợ tôi không nói gì, để riêng mình tôi suy nghĩ và quyết định. Hai chúng tôi lên căn gác. Với vẻ mặt buồn mà tôi đoán không hẳn phải vì ba chàng đau nặng, mà về cuộc hôn nhân. Một giọng khô khan, chàng nói với tôi, ba của chàng gởi lời trối là được thấy chàng nên gia thất trước khi ông nhắm mắt. Từ lúc quen biết Duy, tôi biết chàng là con út trong nhà và rất được nuông chiều. Tôi cũng cảm thấy lo âu, lặng im không nói gì. Phía ngoài cửa sổ căn gác là một khoảng trống của bầu trời. Ánh trăng non mới xuất hiện. Bỗng dưng, Duy khóc. Chàng khóc gần như vô cớ. Tôi thản nhiên nhìn chàng khóc.
Khi quay sang tôi, chàng hỏi:
- Sao em không nói với anh?
Tôi nhìn lại cặp mắt chàng với sự dò đoán lương tâm. Trên vẻ mặt chàng thật buồn, ủ rủ. Khi chàng nắm lấy bàn tay và ôm tôi trong hai cánh tay chàng, một giọng chân tình tôi nói cho chàng hay về ý kiến của gia đình đã bàn chuyện với tôi lúc ban chiều. Sau khi nghe tôi giãi bày, chàng nói, với riêng chàng và tôi đã thương yêu nhau, thời gian đợi chờ không có gì ảnh hưởng, nhưng tình cảnh ông cụ sắp lâm chung, ước nguyện trong lời trối của cụ chàng rất mong được tôi chia sẻ.
Hơn lúc nào hết, trong vòng tay ấm áp, ôm ấp, chàng ôm giữ tôi với những lần nụ hôn kín khắp gương mặt như là nỗi sợ, ngày mai, khi có một việc gì xảy ra, chàng và tôi không được gần nhau nữa.
Tới gần nửa đêm, chàng đứng lên, khi rời căn gác tôi theo chàng xuống. Ra ngoài đường, đêm vắng, những ngọn đèn sáng lây lất trong gió, tự dưng chàng run lên như ớn lạnh.
- Thôi được rồi, em bằng lòng.
Chúng tôi cùng đi bộ một quãng đến ngã tư, dừng lại chia tay. Duy đón xích lô về nhà, tôi một mình trong bóng đem trở về lại nhà mình.
Chỉ có hai ngày chuẩn bị cho hôn lễ. Buổi sáng sớm hôm ấy, họ nhà trai đến. Lễ cưới tuy đơn giản nhưng rất trang trọng. Sau tiệc trà, bên nhà trai xin rước dâu. Tôi và Duy lên xe hoa, chiếc Toyota màu trắng có kết hoa. Trên tay tôi ôm giữ một bó hoa. Và, tôi có cảm giác như lúc nào tôi có sự liên đới cuộc đời mình với bó hoa đang cầm trên tay.
Con đường phố Độc Lập trải dài và sinh hoạt một ngày bắt đầu. Bên tôi, Duy lặng yên. Nhưng trong dáng vẻ của chàng, tiếng chàng nói chuyện với tài xế, tôi thấy chàng hài lòng, vui sướng.
Về đến nhà chồng, một cảnh tượng khác thường diễn ra làm tôi hụt hẫng chới với. Một bên là cảnh đón dâu rộn ràng, một bên là sự tang tóc đối với người thân sắp sửa lìa đời. Tôi cố giữ sự bình thản khi đi bên cạnh Duy vào nhà qua hai cánh cửa lớn mở rộng. Tất cả, hầu như im lặng trước ánh sáng và hương. Sau khi làm lễ gia tiên, tôi và Duy qua một căn phòng để riêng nơi ba của Duy dang nằm.
Khi chúng tôi đến, ông ngước mắt nhìn. Tôi nhận ra ông thực khác thường, với vầng trán cao, mái tóc được chải và bộ đồ mới được thay sạch sẽ. Với cặp mắt hiền từ, ông nhìn vợ chồng tôi rồi bình thản ra đi.
Tôi chẳng muốn nhớ thêm làm gì cái ngày buồn thảm đó trong hạnh phúc thời con gái của tôi khi đi lấy chồng. Tôi cũng không muốn gợi gì thêm đêm tân hôn của tôi và chàng trong căn phòng được trang hoàng lộng lẫy. Chàng nói, chàng tự mình trang hoàng lấy căn phòng này để bày tỏ hết tình yêu của chàng dành cho tôi. Căn phòng có chiếc tủ nhỏ, cái bàn viết đánh véc ni sáng bóng, trên tường treo một bức tranh của hai đứa nhỏ rất dễ thương. Tối hôm ấy, để làm dịu bớt nỗi buồn lo của tôi, chàng ôm ấp tôi trong vòng tay chàng vừa vuốt ve, vừa nói những lời dịu dàng, thân thương. Và, sau một nụ cười đằm thắm, tình tứ, chàng cúi xuống đặt nụ hôn trên cặp môi tôi. Từ từ, tôi khép kín đôi mắt.
Nửa đêm, giờ hợp cẩn mới bắt đầu. Theo nghi lễ, tôi rót một ly rượu nhỏ mời chàng uống. Khi uống xong, chàng để lại một nửa phần cho tôi để uống cạn.
Ba của Duy mất lúc mười giờ sáng ngay vào ngày cưới của tôi. Gia đình để quan tài và đón họ hàng, bạn bè thăm viếng ba ngày. Suốt ba ngày, tôi mặc áo tang và đứng vào vị trí những người con dâu trong gia đình. Nhưng riêng tôi, hầu như chỉ nhận ra mình là kẻ lạ. Khi có được giây phút nghỉ, tôi về phòng riêng của mình. Duy ở ngoài tiếp khách, sự vắng vẻ trong căn phòng làm tôi nghĩ ngợi nhiều về quãng đời đã qua của tôi. Rồi tối đến, bên Duy, chàng lại ôm ấp, cuồng si với cảnh ái ân, lúc ấy tự dưng, tôi chán buồn và nhận ra sự phóng đãng, bồng bột của mình trở nên vô ích.
Mãi hơn một tuần, đời sống bình thường trở lại. Và, chính lúc này tôi cảm thấy chán ngán khi nhìn cảnh sinh hoạt trong gia đình của Duy. Nhà này, đã là chỗ chứa cờ bạc. Không chỉ là thú vui nhỏ, mà là nơi tụ tập, sát phạt, ồn ào với những tiếng cãi cọ. Các phòng ở khuất bên trong, ở nhà ngoài, trên các tấm phản, mỗi nơi là một chỗ để khách và người trong nhà chơi bài. Chàng cũng là một con bạc ghiền nặng. Khi mà tôi đã thuộc về chàng, không có gì lo nghĩ nữa, thì tôi hầu như trở thành cái bóng lẻ loi, đơn độc. Tôi không thể ngồi bên chàng vui cùng chàng trên một chiếu bạc. Tôi chỉ còn đối diện với nơi ở của mình là căn phòng mà tôi coi như là sự tạm bợ. Vì tôi chưa tìm ra công việc làm, Duy cũng không có gì cả, nên chúng tôi chưa thể tìm một chỗ ở riêng được. Tôi có cảm giác, cuộc đời làm vợ của tôi đã trở nên tối tăm.
Thời gian cứ vậy trôi qua. Sau Tết, Duy bị gọi động viên. Khi nhận giấy gọi nhập ngũ, cùng lúc, chàng có giấy của Nha Học Chánh bổ nhiệm về dạy một trường trung học ở quận Điện bàn. Duy chỉ còn một tuần lễ bên người vợ mới cưới. Suốt tuần đó, Duy và tôi không rời nhau. Ngoài bữa ăn trưa và tối, chúng tôi ở lì trong phòng, đóng kín cửa. Chúng tôi cùng say đắm làm tình không mệt mỏi. Ngủ say, thức giấc nhìn nhau rồi lao vào sự dam mê ân ái, tôi và chàng trở nên phờ phạc. Nhưng sự khoái lạc đã cho chúng tôi cái cảm giác tới tuyệt đỉnh. Và mỗi đêm là một nghệ thuật trình diễn như một cảnh hấp dẫn trong phim. Và, có lúc, hai chúng tôi liều lĩnh muốn ghi lại bằng hình ảnh những giờ phút cảm khoái đầy hạnh phúc. Có một điều tôi chưa mong nghĩ đến, nhưng với Duy rất rõ ràng là chàng muốn tôi mang thai và chàng luôn chờ đợi tin vui tôi sẽ nói cho chàng biết. Nhưng thực sự vẫn chưa có gì động tĩnh cả. Đã qua gần một năm kể từ ngày chúng tôi lấy nhau. Và suốt tuần lễ này, với ngày đêm làm tình không ngơi nghỉ, Duy hy vọng tôi sẽ đậu thai, nhưng rồi chàng thất vọng. Đêm cuối cùng, cả tôi và Duy không ngủ. Những cảm xúc mãnh liệt dồn đầy lên hai thân xác chúng tôi. Có lúc tôi và Duy cùng khóc. Rồi nhìn nhau, mỉm cười.
Buổi sáng thứ hai, tôi đưa Duy lên Trung Tâm Nhập Ngũ ở gần Quân Trấn. Rất đông thanh niên ở lứa tuổi nhập ngũ như Duy. Những người này đến từ Quảng Trị, Huế, Quảng Tín, Quảng Ngãi. Rất đông người đưa tiễn. Ai cũng bịn rịn, khóc lóc. Tôi cố giấu đi những tình cảm yếu đuối của mình. Hôm nay, có một ban văn nghệ của Tiểu đoàn 10 CTCT tới giúp vui để cổ vũ tinh thần anh em. Buổi trình diễn dã chiến ngoài trời, với những bài hát vui, dí dỏm, ca tụng đời lính. Trên đời này, chỉ có đi lính là vui, và có nhiều bạn bè. Chỉ có đi lính mới thấy sự rung động trong nỗi nhớ chân thực về người yêu của mình. Chỉ có người lính mới tạo nên một bầu trời lãng mạn trong tâm hồn. Sau buổi giúp vui, mỗi người nhận được quà tặng một cặp áo mai ô, một cuốn tiểu thuyết viết về đời lính.
Khi chương trình văn nghệ chấm dứt sau một giờ, là quang cảnh biệt ly. Những thanh niên đứng trong hàng chờ đọc tên để bước lên xe. Duy ôm chặt tôi hôn đầy trên gương mặt rồi với cái túi xách đeo vai anh ra ngoài hàng tập trung. Trong túi xách của Duy, ngoài quần áo, tôi để nhiều thức ăn và trái cây khô.
Giữa sân nắng, thanh niên lên xe trước những lời đưa tiễn, hẹn hò. Đoàn xe chuyển bánh, từ đây, tất cả hướng về phi trường để đi chuyến bay vào Sài Gòn.
Khi đoàn xe khuất khỏi khu vực quân trấn, những người đưa tiễn ra về. Lòng tôi cũng buồn như họ. Tôi về nhà gia đình tôi. Chỉ có những người trong gia đình tôi mới làm tôi khuây khỏa nỗi buồn.
Qua đi hơn một tháng, tôi nhận được thư anh Thụy. Kỳ nào cũng vậy, gởi thư về thăm gia đình tôi anh luôn gởi hai lá, một cho ba mợ và một cho tôi. Thư anh đến làm tôi vui, bừng sống lại một phút giây trong ngày tháng cũ.
Tôi chưa mở thư anh ra đọc ngay mà đợi ba tôi đọc thư anh trước. Anh nói với ba mợ tôi là anh đã nhận được thư và ảnh đám cưới, anh xin chia vui cùng với gia đình và cầu chúc vợ chồng tôi trăm năm hạnh phúc. Anh cũng cho ba mợ tôi hay là những bức ảnh của tôi anh cất giữ trong cuốn album riêng của anh và gia đình anh.
Tôi lên gác của Thúy Hiền để đọc thư anh Thụy. Thúy Hiền và các em tôi đang học ở trường. Căn gác vắng, tôi có chút bồi hồi xúc động khi mở lá thư. Những lời thư anh viết rất giản dị, chân thực. Anh nói với tôi về những bức ảnh ba tôi gởi cho anh. Mỗi bức cho anh một nỗi niềm riêng. Trong cảm nghĩ mình, anh nhớ đến tôi rất nhiều. Anh hết sức cầu mong tôi hạnh phúc. Và bây giờ, anh được chúng tôi xem như người trong gia đình nên anh rất vui được có sự gắn bó. Hai chữ hạnh phúc anh nói trong thư thật là chân tình mà tôi hiểu rằng, anh rất yêu thương tôi mới viết vỏn vẹn hai chữ này. Thư anh viết đầy kín hai trang giấy. Trong thư chỉ là chuyện gia đình với nhau. Anh có mua một gói quà cưới và đã gởi cho tôi. Đọc đến những giòng này tôi thương anh lạ lùng. Tôi biết anh yêu tôi, vô cùng yêu tôi. Và, tôi cũng đáp lại tình yêu của anh, mỗi lần có thư của anh là tôi viết gởi ngay để anh đọc.
Thời gian đã trôi qua mấy năm, tôi không nhớ nữa. Chắc bây giờ anh đã đổi khác. Khi còn ở đây, anh và tôi học chung một trường, một lớp nhưng khác ban. Tuy nhiên chúng tôi thường gặp nhau ở giờ học ngoại ngữ. Vào buổi đầu gặp tôi anh rất mến tôi. Sau đó, rõ ràng, tôi biết anh yêu tôi. Tình yêu anh đối với tôi không nói bằng lời mà bằng đồi mắt. Anh Thụy có một khuôn mặt khắc khổ như định mệnh đã gắn liền với tên anh. Nhưng trong vẻ khắc khổ, u tối đó, đôi mắt sâu thẳm của anh thật đầy lòng nhân ái.
Hình như cái cơ duyên anh hợp với gia đình tôi. Ba mợ và các em tôi đều mến anh. Nhất là cậu em kế tôi. Khi nào ghé đên nhà chơi, thấy có tôi, lòng anh vui mừng ra mặt. Về sau này, anh Thụy có lần nói với tôi từ khi gặp tôi ở lớp nhiều lần đi ngang qua nhà trông thấy bóng tôi, anh rất muốn vào thăm tôi. Đã có lúc về đêm, đi ngang qua nhà tôi anh dừng bước bên kia đường nhìn qua khung cửa sổ hướng về căn gác mà nghĩ rất nhiều đến tôi. Thực là cảm động trước sự chân tình của anh đối với tôi.
Sau một năm học ở đây, anh đi xa vào Sài Gòn. Tối hôm đó anh ở lại nhà tôi ăn bữa cơm xum họp gia đình và để nói lời từ giã. Anh đi Sài Gòn tìm kiếm việc làm.
Ngay sau khi đến Sài Gòn, ổn định chỗ ăn ở, anh viết thư về tin cho Ba mợ tôi và cho tôi. Vừa đi học về, có thư anh tôi rất vui. Tôi cầm lá thư anh với một hạnh phúc hơn bao giờ hết. Thúy Hiền nhìn tôi mỉm cười, buột miệng nói ra những ý nghĩ thầm kín của anh ấy dành cho tôi. Chắc chắn, Thúy Hiền nói đúng. Và ba mợ tôi cũng hiểu rằng, anh rất thương tôi.
Tết đầu tiên ở xa, ngoài thư chúc tết, anh gởi từ Sài Gòn về cho gia đình một hộp bánh Bảo Hương, gọi là chút quà anh nhớ đến gia đình khi ở xa. Về phần tôi, nhận một tấm thiệp chúc tết rất đẹp, tôi nghĩ là anh đi tìm trong hàng ngàn tấm thiệp để chọn một tấm có rất nhiều ý nghĩa dành cho tôi. Với tình cảm của anh, tôi thực sự vô cùng thương anh.
Đôi lúc, tôi có suy nghĩ, biết làm như thế nào để làm lại lòng tốt của anh. Chắc hẳn, anh không trông mong tôi và gia đình tôi giúp đỡ anh điều kiện vật chất. Anh luôn giữ sự kính trọng với gia đình tôi, trong đó, riêng tôi, anh vừa coi như một người em gái, vừa có một sự ấp ủ chân thật ước ao trong cuộc đời này, anh muốn có được tôi bên anh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

XVII

Bin, con thầy Hiệu trưởng tên đi học là Lâm. Khi được học với cô Phượng Nga cả hai môn Vẽ và Việt Văn, nó rất thích, vui sướng như là có được quà. Vào mấy tuần lễ đầu, trong bữa ăn gia đình nó luôn nhắc đến cô giáo Phượng Nga với bao nhiêu là niềm vui, sự hớn hở. Thầy Hiệu trưởng và cô Ý Tâm cũng mến Phượng Nga. Ở trong thành phố nhỏ này, những ngày nghỉ dạy hay cuối tuần, Nga có đi phố cũng chỉ ghé vào các hiệu sách, hay đến chợ, thư viện, nhà giây thép, rồi về nhà, nàng không đến thăm chơi một nhà ai. Khi có Nguyên ra, một đôi lần, anh đưa nàng tới thăm người thầy cũ, chuyện trò chốc lát xong thì ra về. Và, lúc có được một ngày nghỉ, hai người luôn dành hết thời gian cho nhau.
Lâm ngồi ở bàn đầu. Trong lúc Nga nhìn xuống lớp, thằng bé ngẩn ngơ ngắm nhìn cô giáo với cặp mắt thơ ngây và ngưỡng mộ. Trong lớp, nó cũng là đứa học sinh khá về cả hai môn nàng dạy: Việt Văn và Vẽ. Dù rằng, Lâm là con thầy Hiệu trưởng, nhưng không vì thế nàng phân biệt với các em khác. Với nó, tuy còn nhỏ tuổi, nhưng rất hiểu biết, rất lễ phép, dễ thương, vừa mến bạn và kính trọng thầy cô. Vào giờ giảng văn, lớp này Nga dạy các em rất là rộn ràng, linh hoạt. Khi cô giáo Nga đặt những câu hỏi, rất nhiều em đưa tay xin trả lời, và câu nào cũng thấy Lâm đưa tay cao hơn hết. Thường khi được cô giáo gọi, Lâm đứng lên, chững chạc trả lời. Đến cuối tháng, Nga cho đề một bài luận, có khi làm ở lớp, có khi về nhà. Đề bài nàng ra với cốt ý giúp cho học sinh luyện văn, viết đúng câu tiếng Việt, và những ý trong nội dung bài thể hiện được sáng sủa, phong phú. Và, trong việc chấm bài, Nga đọc mỗi bài rất kỹ, cho điểm rất cẩn thận. Điểm qua tất cả, Nga nhận thấy có chừng mười em làm luận khá, trong số này có Lâm. Bài luận Nga chấm, điểm cao nhất nàng cho là 15/20, nhưng ở môn Vẽ, em nào xuất sắc có năng khiếu nàng cho đến 18/20.
Hôm nay, bài học là vẽ sự vật cố định. Nàng cầm lên một hộp giấy hình chữ nhật cho cả lớp quan sát, rồi nàng bắt đầu giảng giải các từ ngữ như trắc diện là mặt bên, chính diện là phía trước mắt, bình diện là một mặt phẳng. Khi quan sát một sự vật để vẽ, nàng giải thích cho các em là phần nào của sự vật mắt quan sát nhìn thấy, phần nào không. Riêng về mặt phẳng, mắt trần thấy nó là hình chữ nhật, nhưng trong không gian hình học, không gian hội họa, nó được nhìn như một hình bình hành.
Khi các em hiểu được về cách quan sát, nàng cầm chiếc hộp xoay từng mặt, mỗi mặt như vậy được đánh dấu bằng số cho dễ nhớ, rồi, sau cùng, nàng lật đáy hộp lên, đây là phần cuối của toàn thể một chiếc hộp.
Trước khi thực hiện hình vẽ trên bảng, Nga hỏi lại cả lớp, từ đầu phần bài giảng về cách quan sát.
Nàng hài lòng khi các em trả lời đúng. Bây giờ, nàng đem chiếc hộp để lại trên bàn, xong trở ra bục, nàng bắt đầu vẽ lên bảng. Nàng vẽ xong, cả lớp trầm trồ khen ngợi, vẻ mặt em nào cũng hớn hở, thích thú.
Vẽ xong chiếc hộp, nàng bắt đầu dẫn giải. Trước nhất là vị trí của người đứng quan sát, sau đó, khoảng cách giữa người quan sát và chiếc hộp. Từ điểm mắt người quan sát, nàng dùng những tia chấm tới toàn thể sự vật đã vẽ, qua những tia chấm này, học sinh thấy được phần nào là nhìn xa, phần nào là nhìn gần.
Hình vẽ chiếc hộp cho bài giảng đã xong. Bây giờ, dựa theo cách vẽ này, nàng cho đề bài vẽ chiếc bàn của nàng đang hiện diện trước mặt cả lớp.
Một chút sau, có em học sinh ở dưới lớp đưa tay cao. Nàng cho em đó đứng lên, và em chỉ nói:
- Ở xa, em không nhìn thấy rõ.
Nàng gật đầu, kéo chiếc bàn ra phía bục để cho cả lớp dễ thấy.
Xong, nàng nói:
- Các em nhớ, các em vẽ từ vị trí quan sát của mình.
- Dạ.
Tập vở croquis dùng để học vẽ có khổ giấy rộng, vào giờ vẽ, em cũng sẵn có bút chì, và nhiều em có cả hộp bút chì màu đem theo.
Bây giờ, Nga dành sự yên lặng cho các em vừa quan sát, vừa vẽ. Từ trên bục, nàng nhìn xuống lớp, trong giây khắc nàng cảm nhận được sự thân thiết, trìu mến của nàng.
Nàng chưa bắt đầu đi xem cách vẽ của các em, một mình, nàng bước đến cửa nhìn ra ngoài sân nắng.
Trong sân trường, những hàng cây bên hai bờ rủ xuống bóng im, và có những con chim đang chạy nhảy tìm mồi dưới nắng. Phía bên trái sân có một nhà chơi có lợp mái tôn, chỗ này cũng vừa là nơi ở của bác phu trường.
Ngày mai, Nga sẽ về thăm nhà ở Đà Nẵng. Nàng đi xe suốt, nhưng khi trở ra, nàng sẽ xuống Huế ghé nhà gia đình bên Nguyên một ngày, có thể chiều chủ nhật, hay sáng sớm hôm sau nàng đi Quảng Trị. Thường khi có Nguyên, nàng ở lại luôn ngày chủ nhật vui chơi với chàng, đến sáng sớm, Nguyên lái xe đưa nàng ra Quảng Trị sớm, ghé nhà trọ sửa soạn và thay quần áo xong là đến trường.
Những thoáng nghĩ đến hạnh phúc đem cho Nga niềm vui. Nhưng không đứng lâu, nàng quay trở lại lớp, đi qua từng bàn, nhìn các em cúi đầu chăm chú vẽ. Khi thấy có em nào vẽ sai, nàng dừng bước, chỉ vào tờ giấy vẽ chỗ em đã vẽ sai để sửa lại.
Trong các lớp dạy Vẽ, Nga thấy lớp B4 này, các em có nhiều năng khiếu và mau hiểu bài.
Hạnh phúc của Phượng Nga là các em nhỏ. Nàng luôn thướt tha trong dáng đẹp chiếc áo dài, và những buổi sáng hay chiều đến lớp dạy, cuộc đời làm cô giáo của nàng như là một dòng sông. Nàng rất vui trên mắt, niềm vui ấy, nhà thơ Xuân Diệu nhắc nàng nhớ đến hai câu:
Mỗi buổi sáng niềm vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Nàng trở lên bục giảng, vừa nói được mấy lời, một hồi trống tan trường bỗng nghe vang dội. Nàng nghe nhịp trống, với một phút nôn nao lạ thường. Thế nhưng không gấp vội, tiếng trống dứt, nàng nói hết lời giảng mới kết thúc buổi học.
Ngoài sân, học sinh vừa ra lớp ồn vui như đàn ong vỡ tổ. Nga rời khỏi lớp với chiếc cặp nhẹ xách bên tay, tới cửa văn phòng nàng đi vào. Một lúc, nàng tới bồn nước rửa tay, dùng khăn lau khô.
Khi hết buổi dạy về văn phòng, các giáo sư thường chưa về ngay còn đứng chuyện trò, đến khi nhìn ra sân thấy học sinh đã về hết họ mới chia tay.
Phượng Nga đi xuống sân cùng với ba cô bạn, họ đi về phía nhà chơi nơi gởi xe đạp. Trên đoạn đường ngắn, câu chuyện về cuốn phim La vérité đang chiếu trong rạp lớn ở tỉnh được trao đổi.
Hôm nay, màu áo xanh lá cây trông Phượng Nga lạ hẳn. Nhưng phải nhìn áo tím nàng mặc, bạn mới thấy hoa phượng rực rỡ sáng lên một mùa bên sông. Ở đây, chỉ có hoa phượng đỏ, nhưng nơi xứ người mùa hè là mùa của hoa phượng tím. Liên An đã đến phương xa, nàng viết thư gởi về Huế, cho Thư và Phượng Nga. Trong thư dành cho Nga, cô kể chuyện học, cuộc sống sinh viên, thời tiết cùng phong cảnh nơi thành phố cô ở. Gần cuối thư, cô hỏi thăm Nguyên và địa chỉ của Thụy.
Chỉ có một chiếc áo trắng trong bốn cô giáo. Khi ra khỏi cổng trường, một đôi tách nhau trên hai lối đường về nhà.
Bên cạnh Yến, Nga nói:
- Ngày mai mình về thăm nhà.
- Ở Đà Nẵng, nhà Nga ở đường nào?
- Hùng vương, ngay trung tâm thành phố.
- Sao Nga không xin dạy học trong đó? Nga hơi do dự, nhưng trong tình thân đồng nghiệp nàng nói với người bạn về mối tình cảm của nàng đối với quê hương chồng.
- Hay quá, Yến nói. Rồi tiếp lời - Nhưng một hai năm sau, Nga cũng nên về trong đó với gia đình.
- Yến nói đúng ý mình.
Nắng trưa dịu hẳn. Trên đường về, những đợt gió phất phơ, đôi khi nghe tiếng động lùng bùng rồi trông thấy những nhánh cây khô nhẹ nhàng rớt xuống.
- Nga ở nhà trọ chung với ai?
- Không có ai, một mình thôi.
Một giọng vui, Yến nói:
- Anh Nguyên trông hay lắm.
Nghe Yến nói về Nguyên, Nga hơi ngạc nhiên. Nhưng rồi, nàng nhớ ra một hai lần Nguyên từ Huế đi công tác, anh đến thăm Nga ở trường. Vào lúc đó trông thấy Nguyên, các thầy dạy và đến các cô giáo, ai cũng có cái nhìn thiện cảm với chàng. Với bộ quần áo trận, ba hoa mai thêu trên cổ áo, trông chàng có dáng vẻ hào hùng, lý tưởng. Và, họ cũng nhận ra ngay chàng và Nga thật đẹp đôi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 18 Mar 2017

Yến hỏi:
- Anh Nguyên còn viết báo không?
- Có, nhưng không nhiều như hồi trước.
Yến nói:
- Huế trong năm 63 - 64 đầy biến động. Sinh viên học sinh Huế cùng đứng lên chống đối chính quyền của tướng Nguyễn Khánh. Tờ Sinh Viên Huế xuất hiện thời điểm đó.
Nga cười nói với bạn:
- Vậy mà mình hỏi đến, thì chẳng còn có một tờ báo nào anh giữ.
Yến nói:
- Anh Lập mình, bạn học ở trường Luật với anh Nguyên. Khi ra báo, anh Nguyên làm Chủ bút, anh Lập là Tổng Thư Kỹ.
- Anh Lập còn giữ không?
- Anh có đủ bộ.
Nga cười nói:
- Anh Nguyên không lưu giữ tờ nào cả.
- Mình rất thích những bài viết của anh Nguyên. Có một vài truyện ngắn, anh viết hay.
- Yến học sau anh Lập mấy lớp?
- Ba lớp.
Nga nói:
- Mình có gặp anh Lập một lần, và được anh Nguyên giới thiệu.
- Năm đó, anh Nguyên có ghé nhà mình.
Hai chiếc xe đạp bên nhau như là hai người bạn. Yến đã cho Nga về những tháng năm cũ, về kỷ niệm thời sinh viên của Nguyên, cả lý tưởng của chàng nữa. Nga thật hài lòng, nàng chợt nghĩ đến mẹ, và tự hỏi, nếu như mình chỉ có nghĩ đến sự yên bình với một cuộc đời đã có sẵn, không sóng gió, đấu tranh, không phải đương đầu với mọi nghịch cảnh, thì cái đẹp của nàng có sẽ dần mòn như bao nhiều lớp phấn son tàn tạ. Khi sống, mình biết yêu mến cuộc sống, thì cuộc sống mình hiện hữu sẽ giữ mãi lớp phấn son cho nhan sắc, cho cái đẹp của mình.
Ngừng lại đầu ngã tư phố chính, hai người chia tay. Yến hỏi:
- Chiều nay Nga có giờ dạy không?
- Có, hai giờ đầu.
- Chiều nay mình nghỉ.
- Làm gì chiều nay?
- Mình thích nghe nhạc, đọc sách?
- Đó cũng là cái thú của mình,
- Nga vẽ tranh được nhiều không?
- Một vài bức.
- Mình chưa được xem tranh Nga vẽ.
- Chiều đến nhà mình chơi.
Trong nụ cười, mắt Yến nhìn ra nắng.
- Nga hay uống cà phê không?
- Có chứ.
- Rồi, chiều mình ghé bạn xem tranh và uống cà phê.
Nga gật đầu, đôi bạn ra chiều vui trong ánh mắt khi có sự đồng cảm, Rồi, xe Yến rẽ lối phải về nhà. Một mình, Nga vẫn đạp xe chậm, thong thả. Trên đường phố, cảnh sinh hoạt gây huyên náo, ồn ào, nhưng mà trong lắng đọng tâm hồn, Nga nhớ nhiều đến Nguyên, đến bao nhiêu khuôn mặt thân thương trong gia đình của Nguyên. Nàng hiểu về gia đình chồng, về cuộc sống có ý nghĩa qua những thử thách và sự chọn lựa của mình.
Tới ngã ba nhà đèn, xe rẽ trái. Đây là con đường yên tĩnh. Nàng trông thấy con sông, thấy cánh đồng cỏ, thấy ngôi làng bên kia sông khi đi ngang qua trường Nguyễn Hoàng cũ đối diện với một ngôi đình, ngôi đình này trước đây như là công viên trồng nhiều loại hoa.
Gió sông thổi lên bờ khá mạnh, hất tung chiếc áo dài của Nga bay lên chấp chới. Và, chiếc xe đạp hơi bị chao khi Nga giữ lại thân áo, nhưng với ảnh tượng một tà áo trong cơn gió lộng thổi, trong ánh nắng, trên con đường miền quê, Nga thoáng nghĩ đến bức tranh mình sẽ vẽ nên được.
Nắng trưa mở rộng hai bờ. Dòng sông ánh lên dưới nắng, làm bạc đi một chút màu xanh của dòng nước.
Về đến nhà, Nga để xe dưới mái hiên rồi đi lên lối cầu thang. Kéo bức màn để thay quần áo, xong nàng xuống bếp làm bữa cơm trưa đơn giản.
Trong bữa ăn, Nga vừa đọc báo. Những tờ nhật báo Nga chỉ mua lúc thấy có tin quan trọng về một vài biến cố chính trị và tình hình thế giới. Những báo này Nga hay giữ, và đọc thong thả vào giờ ăn.
Hai giờ chiều, Nga đến trường. Lớp Đệ Thất B6, nằm ở căn giữa dãy nhà lợp tôn. Sau hai giờ ở lớp này, nàng rời trường. Hôm nay cũng là ngày cuối, xong mười tám giờ dạy của nàng trong tuần lễ. Ngày mai, không chỉ riêng nàng, chắc cũng có một vài đồng nghiệp về nhà ở Huế. Giáo sư dạy ở trường, cả Đệ nhất và nhị cấp đều từ Huế ra cả. Cũng có một số vị quê quán ở đây, và họ còn là cựu học sinh cũ của trường trở về dạy lại.
Sau ba tiếng trống, sân trường trở nên vắng lặng. Mùa chim én bay về trên bầu trời rộng, lễ Giáng Sinh và Tết dương lịch đã qua, lúc này đây sinh hoạt trong thành phố trỗi dậy niềm mong ước về một cuộc sống mới nẩy mầm.
Nga đi vào lớp học với dáng vẻ dịu dàng, hiền từ, và trầm lặng. Nàng đặt chiếc cặp trên bàn, xong mở ra, lấy một cuốn sách giảng văn của tác giả Nguyễn Quảng Tuân.
Nàng nói:
- Hai giờ hôm nay của các em, giờ đầu là chính tả, giờ sau là giảng văn.
Bên dưới, có tiếng lào xào rồi yên lặng. Trên bàn học, tập vở được mở ra, và em nào cũng chuẩn bị cho giờ viết chính tả.
Nga chọn bài “Cô hàng xén” của nhà văn Thạch Lam. Cuốn sách mở rộng trên tay nàng. Nàng đứng giữa lớp, cất tiếng đọc chậm, giọng đọc của nàng luôn theo đúng nhịp điệu của câu văn, để cho các em hiểu từng ý tác giả viết.
Bài chính tả dài hơn hai mươi dòng vừa đúng nửa trang sách. Đây cũng mới là một đoạn trích văn hay trong toàn truyện ngắn của tác giả. Truyện ngắn này được in chung trong tập Gió đầu mùa.
- Cô bắt đầu nhé.
- Dạ.
Cả lớp cùng đáp lời, Phượng Nga bắt đầu đọc. Nàng đọc xong, đọc lần nữa sau khi dừng ít giây. Những mái đầu cúi xuống chăm chỉ, nghe đọc, nghe viết, và bóng dáng Phượng Nga tay cầm cuốn sách với từng bước chân nhẹ nhàng giữa lối đi.
Tiếng nàng rõ, trong những chữ có dấu hỏi ngã, nàng nhấn giọng đọc để mỗi em phân biệt. Trong lớp, có một số em thuộc gia đình người Bắc, những em này, xác định hỏi ngã rất chuẩn. Nhưng để học sinh viết đúng hỏi ngã, những bài trước nàng đã giảng đầy đủ quy luật này.
Bài chính tả kết thúc. Nàng đọc lại lần nữa nguyên đoạn văn trích trong sách, sau đó, nàng bước lên bảng viết ba câu hỏi chọn trong sách. Trong ba câu này, một câu về đại ý, một câu giải nghĩa chữ khó, và câu chót là đặt câu với bốn từ ngữ được ghi ra.
Trong khi các em làm bài, Nga đi lại trên lối giữa và lối hai bên qua từng bàn xem xét bài của các em làm. Đây cũng là trách nhiệm, vừa là kinh nghiệm giúp cho nghề giáo của nàng. Không lúc nào, nàng dùng thì giờ làm bài của học sinh để làm công việc riêng khác như đọc sách, đọc thư hay viết thư cho gia đình. Ở lớp, từng giờ dạy là nàng làm tròn bổn phận trong chức năng của mình. Và, nàng luôn giữ tính cách độc lập, với ước mong các em học sinh chăm học, tiến bộ, không để bị cám dỗ trước lời khen của đồng nghiệp hay những lời yêu kính và mến mộ của học sinh.
Trước năm phút hết giờ đầu, các em làm bài xong. Nga gọi trưởng lớp đi thâu bài. Khi có lệnh này, các em tại mỗi bàn gom lại để ngay chỗ người ngồi ngoài đầu bàn.
Tiếng trống báo hết giờ. Nàng đếm lại từng tờ bài làm của lớp, xong chia làm hai rồi cất vào cặp. Chiếc cặp da mềm nhẹ, có hai ngăn chính và một ngăn phụ.
Phượng Nga cầm sách trở ra bục giảng đứng giữa, nàng nói số trang cho học sinh biết để mỡ sách.
Bài chính tả vừa mới đọc xong, nàng dùng luôn bài này làm giảng văn. Trước khi vào phần nội dung, nàng nói qua tiểu sử tác giả Thạch Lam.
Tay trái cầm cuốn sách được gấp trang chính giữa mấy ngón tay, tay phải nàng cầm phần ghi lên bảng con số năm sinh và tên quê quán của nhà văn.
Quay xuống lớp, vừa biểu thị với bàn tay, nàng nói:
- Trước khi giảng cho các em đoạn văn trích giảng này, cô sẽ phác qua vài nét cho các em biết về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trong đó nhà văn Thạch Lam là một thành viên. Nhóm Tự lực này, nhà văn Nhất Linh là người sáng lập. Kể từ năm 1930 đến nay, nhóm Tự lực Văn đoàn thực là đã có một công lao đóng góp cho văn học Việt Nam rất lớn. Khi nhóm này khởi sự hoạt động với hai tờ báo Phong Hóa và Đời Nay, tôn chỉ của nhóm nêu ra mười điều lệ được đăng trên báo Phong Hóa:
1/ Tự sức mình làm ra những sách có giá trị văn chương, chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước.
2/ Soạn hay dịch những cuốn sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và cho xã hội ngày một hay hơn lên.
3/ Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân. 4/ Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
5/ Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
6/ Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân. Không cổ tính cách trưởng giả quý phái.
7/ Trọng tự do cá nhân.
8/ Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9/ Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam.
10/ Theo một trong 9 điều này cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác.

Trong mười điều Nga vừa ghi lên bảng, có ba điều quan yếu là một, bốn, bảy nàng nhấn mạnh, dùng phấn xanh gạch dưới hàng chữ ghi các điều này. Rồi nàng nói:
- Trong đoạn chính tả cô vừa đọc cho các em viết, các em đã thấy, đã hiểu được một cách hành văn Việt Nam giản dị, trong sáng của tác giả Thạch Lam, đó chính là tôn chỉ của nhóm Tự lực văn đoàn. Với những thế hệ trước, đến thế hệ của cô, rồi bây giờ là các em, tiếng Việt chúng ta học và viết ra được một cách rõ ràng, dễ hiểu, sự kiện này cho chúng ta thấy cái công lớn mở đường một giai đoạn văn học mới, vừa sáng tạo, vừa có bản sắc dân tộc của Tự lực văn đoàn. Một sự kiện rõ nét nữa, là những nhân vật xây dựng trong các tác phẩm tiểu thuyết đều thể hiện được toàn vẹn tính cách người Việt, không một dấu vết ảnh hưởng người Trung Hoa hay người Pháp.
Lớp học vẫn luôn yên lặng khi cô giáo Nga giảng bài. Nàng biết, các em nhỏ mến nàng, rất ngoan ngoãn, đó cũng là một sự khích lệ cho nàng một sự tự tin, và sự xúc động luôn luôn nén giữ chặt trong lòng nàng. Không chỉ yêu mến cô giáo vì vẻ hiền hậu, giọng nói thân thương, mà ở tuổi này, các em cũng biết rằng cô giáo Nga rất đẹp, hoa khôi áo tím của trường.
Nga bắt đầu vào đoạn chính giảng văn sau mười lăm phút lược qua về tiểu sử nhà văn Thạch Lam và nhóm Tự lực văn đoàn. Để nắm ý đoạn văn, nàng lược kể nội dung truyện ngắn: Tâm là một cô gái miền quê hiền hậu, vừa có nhan sắc. Cô làm công việc buôn hàng xén trên một phố huyện để nuôi mẹ và lo cho em ăn học. Rồi đến tuổi lấy chồng, cô nhận lời lấy Bài, làm giáo viên trường làng. Nhưng về gia đình Bài, cô Tâm không nhờ vả được gì, còn gặp phải chồng khó tính, hay gắt gỏng, thêm mẹ chồng cũng là người rất cay nghiệt. Cuộc đời của nàng trở nên tối tăm, buồn tủi số phận, một thân với gánh hàng xén, lo nuôi mẹ, nuôi em, nuôi cả gia đình chồng. Trong hình ảnh đó, nàng chỉ còn nhìn thấy những tháng ngày trong chiều tối, trong mưa, trong gió lạnh, và trên bước đường đời, nàng chỉ đến một ngõ cụt.
Nói tới đây, giọng Nga rất buồn, nhỏ lại. Trên đôi mắt nàng một lớp nhung rêu phủ yên lặng, có em nữ sinh ngồi bàn đầu chăm chú nhìn nàng.
Qua đi vài giây xúc động, nàng tiếp bài giảng:
- Và, tác giả cũng đã cho ta thấy trong xã hội ta lúc bấy giờ, cô Tâm là tiêu biểu cho hạng phụ nữ thôn quê suốt đời chỉ biết hy sinh, sống trong sự tối tăm cùng khổ, không hề biết có ngày vui.
Nga dừng một lúc, lớp học lặng yên chờ nàng. Bên ngoài, những hàng cây buông rủ bóng im xuống và tràn vào cửa sổ. Và, tiếng động của gió, nghe rất nhỏ.
Nga trỏ lên bảng, nàng cầm phấn, vừa xem sách, nàng vừa ghi ra những từ ngữ tác giả sử dụng cho đoạn văn, rồi quay lưng hướng về lớp. Lúc này, nàng nói đến sự khéo léo của tác giả khi mô tả cảnh vật, sự vật, và sự biến chuyển trong mối cảm xúc của nhân vật.
Hồi trống dài báo hiệu giờ ra chơi. Còn một ý chót trong bài, Nga cố gắng giảng nốt cho xong trước khi cho các em rời lớp.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 20 Mar 2017

XVIII

Phượng Nga chăm chú nhìn cái bóng cây ngô đồng làm điểm chuẩn Lúc trông thấy nó rõ hơn, nàng quay đầu nói với người lơ xe.
- Anh cho tôi xuống đây.
Một em học sinh ngồi ghế bên hỏi:
- Không phải cô đi Đà Nẵng.
- Ngày mai cô mới đi.
Người lơ xe gọi lớn, anh tài xế nghe được liền cho xe giảm tốc độ lăn bánh một quãng chừng mươi thước, rồi ngừng hẳn.
Phượng Nga và một khách hàng buôn nữa cùng xuống. Nàng trả tiền, lơ xe nhận không nói gì, nhưng với người buôn anh ta còn kỳ kèo, đủ tiền nhét vào túi hắn mới chịu lên trần dỡ hàng xuống cho khách.
Với cái túi xách cầm tay nhẹ, vì chỉ có quần áo thôi, ở Quảng Trị không có hàng quà gì lạ nên nàng không mấy khi mua mỗi lần về thăm nhà. Những lần về, có chăng là những tấm ảnh chụp ngoạn cảnh lúc một mình, lúc có Nguyên. Có bốn tấm ảnh nàng chụp chung với các em trong mấy lớp dạy. Và, những ảnh này, nàng dành cho cuốn album của em Mỵ Châu.
Khi tới gần chỗ ngã ba, chiếc xe đò đã vượt qua khỏi nàng. Em học sinh ngoảnh đầu nhìn qua phía cửa hông hàng ghế bên kia tìm kiếm bóng nàng. Em chỉ thấy màu tím của chiếc áo, sau khi hình ảnh ấy khuất dạng nó không còn nhắc em nhớ gì thêm nữa.
Hai bên quốc lộ, những đồng ruộng trải dài. Ngày hôm trước có trận mưa nên các thửa ruộng nước còn đọng. Nơi đây, quang cảnh buổi sáng hẳn còn vắng, gió lộng trên cánh đồng, những chuyến xe khách đi qua, và gần đây có một quán hàng ăn và một ngôi trường tiểu học lợp ngói. Phượng Nga đi bộ một mình, con đường băng qua cánh đồng ruộng nhìn về hướng đông rất xa là dãy núi, xuất hiện trên ngọn đồi là căn cứ đóng quân đơn vị Trung đoàn của Nguyên.
Có tiếng xe phía sau, vừa nép vào bờ lề, Phượng Nga vừa quay đầu nhìn. Chiếc xe Jeep bỗng thắng gấp khi vượt qua khỏi nàng một đoạn ngắn. Nàng đọc bảng số xe, nhớ ngờ ngợ, bỗng thốt lên:
- Ủa, chú Trí. Anh Nguyên đâu?
- Đại úy đang họp ban.
- Chú mới đi đâu về?
- Lên Sư đoàn nhận văn phòng phẩm.
Nga lên xe ngồi ở ghế trên. Xe vừa lăn bánh, anh tài xế nói:
- Sao không nghe Đại úy bảo gì cả.
- Chú Trí nói sao?
- Có chị ghé thăm phải đi đón chứ.
Tôi tính đi luôn Đà Nẵng, nhưng tiện xe dừng khách ở đây tôi xuống thăm anh Nguyên.
- Ngày mai chị đi Đà Nẵng?
- Ờ, ngày mai.
Anh tài xế cười thú vị, nói:
- Hay lắm nghe. Ngày mai Đại úy đi họp trong Quân đoàn.
Lòng Nga vui lên. Nàng hình dung bóng dáng Nguyên với nhiều kỷ niệm trong ánh mắt nàng. Nàng nhớ khuôn mặt, nhớ chiếc nón vải, đôi giày sô, và gương mặt sáng, vừa thanh tú của chàng. Trước đây, Nga hay yêu cầu Nguyên mặc quần áo xi vin khi đi chơi phố, nhưng nay, nàng không cầu mong nữa, với Nguyên bộ quần áo lính trông hay hay, hào hùng, quyến rũ. Nguyên không chỉ đem niềm vui riêng một mình Nga thôi, trong các lần tiếp đón đoàn văn nghệ, hay đi thăm các trường học, anh là đối tượng một để cho các cô gái vui tìm đến gặp, vừa chuyện trò, vừa nghe những lời tán tỉnh rất thích thú. Đó là đặc điểm của Nguyên, với một tâm hồn cởi mở, không những Nga hiểu chàng mà còn hãnh diện mình có được chàng.
Lên khỏi dốc, xe vượt qua cổng gác rồi rẽ trái, chạy thêm một quảng chừng nửa cây số, xe dừng trước sân Ban 5 nơi Nguyên làm việc.
Vừa mới họp xong, anh em về chỗ làm việc. Nguyên đang ký tên vào những tờ trình đã đánh máy, chợt nhìn ra cửa trông thấy Nga xuất hiện. Nga vào một mình, trong khi tài xế Trí khuân thùng giấy lớn vừa nhận ở phòng tiếp liệu Sư đoàn.
- Gì đó, Trí.
- Văn phòng phẩm.
- Một thứ thôi.
- Một thôi.
Trí vác trên vai thùng giấy lớn xuống chỗ nhà kho, anh vừa nói chuyện với mấy bạn lúc đi ngang qua dãy bàn họ ngồi.
Nguyên vẫn làm việc, vừa hỏi:
- Em có gấp vào nhà không?
- Không.
- Ngày mai anh đi họp ở Quân đoàn.
- Em nghe chú Trí mới nói.
Vốn đã quen thuộc với nơi làm việc của Nguyên, nên khi trở lại đây sau những ngày vắng bóng, Nga vẫn tự nhiên và cảm thấy không khí quen thuộc như hồi nào.
- Anh cứ làm việc đi, em đọc báo.
Nguyên kéo ngăn hộc, đưa cho Nga tờ tạp chí Tiền Phong.
- Có bài của anh viết không?
Nguyên gật đầu. Bỗng nhiên, mắt chàng dừng lâu xuống đoạn cuối của bản tường trình, rồi đọc thật kỹ. Nguyên gật đầu, hiểu.
Nga tìm được bài viết của Nguyên. Nàng mỉm cười, vì bài viết chàng để tên chung của hai người. Không cần người thân hay bất cứ ai kể lại, Nga thật sự hiểu được khả năng sâu rộng của Nguyên về sử học, về chiến tranh, và tình hình thế giới. Những bài anh viết về tâm lý chiến rất có tác động, và hiệu quả trong cuộc chiến tranh miền Nam đang xảy ra từng ngày.
Nga lật đến trang thứ mười, bài mới kết thúc một phần.
- Anh viết dài ghê.
- Bài này anh phải viết đầy đủ.
- Số tới, báo đi tiếp.
- Đúng rồi.
- Anh viết cho báo Quân đội có nhuận bút không?
- Có chứ.
- Em cứ tưởng anh viết đóng góp.
- Ở Phòng Báo Chí của Cục, có ngân khoản để trả tiền bài cho tác giả.
- Ngày mai anh đi sáng hay trưa?
- Anh sẽ đi sớm với em.
- Anh họp mấy ngày?
- Hai ngày.
Nguyên ký xong giấy tờ, anh gọi Hạ sĩ Hóa, phụ trách văn thư đến nhận chuyển lên cho văn phòng Trung đoàn trưởng.
Hạ sĩ Hóa ngồi ở bàn nhì, nghe gọi đứng lên ngay. Khi tới bàn Nguyên, gặp Nga anh lên tiếng chào, ngạc nhiên nói:
- Lâu quá, không thấy chị Nga ghé.
- Tôi bận dạy học.
- Chị dạy ở Đà Nẵng?
- Không, ở Quảng Trị.
Hóa ôm các tạp bìa vàng trên tay, nghe lời Nguyên dặn xong trở gót. Kim đồng hồ trên tường chỉ gần mười một giờ.
- Em uống gì không?
Trong phòng, có một bình lớn nước lọc, một cái tủ lạnh để nước giải khát. Vào mỗi tháng có hàng quân tiếp vụ bán, quân nhân được mua theo tiêu chuẩn, còn các phòng ban, nhận được một số nhu yếu phẩm đặc biệt dùng để tiếp khách hoặc giải lao.
Nguyên đến mở cửa tủ lạnh lấy ra hai chai nước chanh. Nước lạnh sẵn nên Nguyên không lấy đá, chỉ mang lại bàn hai chai và hai ly.
Nhìn nhau, hai người vui. Nga rất thích ngắm cặp mắt của Nguyên lúc anh nhìn nàng. Và, đôi mắt của Nga luôn vui khi ở bên Nguyên, những lúc nhớ đến Mỵ Châu đôi mắt nàng mới tỏ sự buồn nhớ. Nàng cũng hay khóc thương cô em gái, khi quá cô đơn.
Nguyên hỏi:
- Em dạy học ra sao?
- Em dạy khá lắm.
- Học sinh ngoan ngoãn không?
- Rất là ngoan.
- Có đứa nào quậy phá bị cô Nga đánh thước kẻ không?
- Anh làm như em cũng dữ lắm.
- Học sinh quậy phá, đánh thước kẻ nó mới sợ. - Không đâu, Em rất thương học sinh, không phân biệt đứa nào cả. Chúng nó cũng rất mến em.
- Ở Quảng Trị, em thấy sao?
- Căn nhà thuê anh chọn cho em quá lý tưởng.
- Anh cứ ái ngại, sợ em dạy học xa nhà một mình.
- Không, anh đừng lo lắng. Em rất tự tin.
- Có cô em gái bạn anh, cũng dạy ở Nguyễn Hoàng.
- Yến, phải không?
- Đúng rồi, em của Lập.
- Hôm qua Yến đến em. Yến đến xem tranh em vẽ, và ngồi uống cà phê với em.
- Hai cô có nói chuyện gì nữa không?
- Cô Yến rất ngưỡng mộ anh. Hồi đó, anh cũng xách động học sinh xuống đường biểu tình, bãi khóa dữ ha.
- Anh có ra một tờ tuần báo nữa.
- Vậy mà, báo của anh, anh không giữ, để người khác giữ.
- Ai?
- Ở nhà, anh của Yến còn giữ đủ bộ.
Nguyên nói:
- Năm anh đi Sài Gòn, rồi bỏ hết. Ở nhà, mẹ cũng dọn chỗ ở nhiều nơi.
- Tuần tới, Yến sẽ mang báo ra cho em xem.
- Hay lắm.
Nga rót thêm nước chanh vào ly, Trí xuất hiện, hỏi Nguyên:
- Đại úy mua gạo không?
- Có chứ. Em mua cho bà già bao một tạ.
Nguyên mở nắp túi áo trên đưa tiền cho Trí. Có một hồi kẻng báo giờ nghỉ trưa.
Từ các phòng, quân nhân ra ngoài, đây đó, họ tìm đến câu lạc bộ và quán ăn nhà thầu.
Nguyên và Nga đi bên nhau. Vào câu lạc bộ, anh em trông thấy Nga họ ồn ào lên tiếng, nàng thật rất vui đưa tay vẫy vẫy chào.
Nguyên đưa Nga vào bàn chung với mấy vị Sĩ quan của Trung đoàn. Một người hỏi:
- Chị Nga đang dạy học phải không?
- Đúng rồi. Sao mà hay vậy?
- Chàng đây kể ra, còn ai nữa.
- Chị dạy trường nào?
- Tôi dạy ở Quảng Trị, trường Nguyễn Hoàng.
Bữa ăn chung dọn ra, hai đầu bàn hai tô cơm lớn và đầy. Trên bàn, có canh và ba món mặn. Thức uống là nước trà nóng và giải khát.
Những Sĩ quan trẻ của Trung đoàn hầu hết là dân trừ bị, từ lò KBC 4100 ra cả. Tuổi lính chưa ai quá 5 năm, ngồi đây chỉ có Nguyên và Thượng là đeo ba bông mai. Thượng ở đơn vị Tiểu đoàn mới về làm phụ tá ban 3 năm ngoái. Ít tháng nữa, Thiếu tá Quyền đi học lớp Tham Mưu, Thượng sẽ lên trưởng ban.
Bữa ăn vui, và Nga được nhiều anh em hỏi chuyện về cuộc sống, về công việc dạy học. Nàng nói, ở Quảng Trị thành phố cũng yên bình, chưa hẳn mất an ninh kể đến cả các quận lỵ và ngoại ô. Bây giờ, ở Quảng Trị không chỉ trường Nguyễn Hoàng có đủ lớp Đệ Nhị Cấp, các trường tư thục cũng mở nữa, học sinh toàn tỉnh giờ rất là đông.
Nga vẫn là hình ảnh thân thuộc của Trung đoàn. Với vị Trung đoàn trưởng và ban tham mưu, đến các Sĩ quan mỗi phòng, rồi anh em Hạ sĩ quan, binh sĩ, họ quý mến nàng vì trong thời gian những năm học ở Mỹ Thuật nàng hay đi cùng với Nguyên lên đơn vị, hai người hay la cà đến các quán nước, vào câu lạc bộ, đến cả quán ăn khu gia binh cùng các chiến hữu chuyện trò thật tự nhiên, thân tình như đã cùng sống, cùng hiểu nhau trong một đơn vị.
Trung đoàn 54 cố đô được thành lập ngay sau biến cố Tết Mậu Thân. Đây là một trung đoàn được sử dụng để bảo vệ Huế, vì thời gian vừa qua thành phố chịu cảnh tang tóc nhất ở miền Nam.
Từ mặt trận Khe Sanh, Nguyên trở về cùng với một số phóng viên báo chí trong và ngoài nước, và anh đã viết một bài phóng sự đầy đủ diễn tiến các trận đánh của đơn vị Hoa Kỳ, Sư đoàn dù và các Trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 1, cùng nhiều đơn vị yểm trợ khác. Bài anh viết cho nhật báo Tiền Tuyến lần lượt chạy bốn kỳ. Và, đó cũng là bài phóng sự cuối cùng đánh dấu ba năm anh phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến ở Đài truyền Hình và Phòng Báo Chí. Thời gian anh làm việc hai nơi này, với khả năng và kiến thức của một người viết báo, anh được các vị chỉ huy tin tưởng. Không cần phô trương, nhưng anh có quyền hãnh diện khi những bài phóng sự anh viết luôn được đi trên trang nhất, từ bốn đến tám cột.
Trưa hôm ấy, Trạch đến tìm Nguyên đang uống cà phê trong câu lạc bộ của đơn vị. Ngồi bên Nguyên là Lục, một nhà thơ quân đội. Lục rất thân với Nguyên, giới thiệu Nguyên với nhiều bạn văn trẻ khác cũng ở trong quân đội, họ là những người lính sống hào hùng, khí phách.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 20 Mar 2017

Lục nhìn vẻ mặt ủ dột của Trạch, đoán ra, bạn ta có chuyện gì rắc rối.
- Này Nguyên, toa đi thay cho moa được không?
- Chuyện gì vậy?
Trạch trình bày buổi gặp sáng nay với Cục trưởng về việc ông thuyên chuyển anh ra đơn vị Trung đoàn tân lập ở Huế để giữ chức vụ Trưởng ban 5, vì ngoài đó, đơn vị trưởng đang cần.
Nguyên nói:
- Ông chỉ định toa, toa đi, sao lại đến tìm moa.
Một giọng thân tình, Trạch nói:
- Trong phòng, chỉ một mình toa có gia đình ở Huế. Vì thế, nhân có chuyện này, moa gặp toa, hy vọng được toa giúp.
Lục lên tiếng:
- Phòng mình, phóng viên đi ngoài rất ít. Nguyên mà đi, nhân sự phòng sẽ thiếu.
Với giọng kẻ cả, Lục tiếp lời:
- Lâu nay, ông làm việc ở văn phòng, có đi, cũng sinh hoạt quanh Sài Gòn.
Trạch nhìn Lục, nói:
- Nhưng chuyện này đâu phải của ông.
- Nhưng tôi thấy được tầm mức quan trọng.
Không tranh cãi với Lục, Trạch hỏi:
- Sao, Nguyên. Mong được toa giúp. Mình ra miền Trung xa gia đình, đơn phương.
Nguyên không trả lời.
Buổi chiều sau giờ làm việc, Lục chở Nguyên về nhà ở trong một con hẻm gần ngã tư Hàng Xanh. Căn nhà có cây trứng cá, có mái hiên lợp tôn, chỗ này để một bàn nhỏ làm chỗ uống cà phê và gặp bạn bè văn nghệ.
Vĩnh đến, gặp cả Nguyên và Lục. Một cách sảng khoái, anh lên tiếng chửi thề.
Lục hỏi:
- Mày mới uống ở đâu?
- Nhà thằng Nam.
Quay sang Nguyên, Vĩnh hỏi:
- Mày ở Khe Sanh về lúc nào?
- Mới về được bốn ngày.
Vĩnh để bàn tay lên vai Nguyên đập đập mấy cái.
- Mày được, tao chịu.
Tối hôm đó, ba ông Sĩ quan trẻ đấu láo đến khuya. Hai ngày sau, Cục trưởng gọi Nguyên vào trình diện:
- Sao anh lại xin đi?
- Trung úy Trạch không có gia đình ngoài đó, tôi nhận thay cho anh ấy.
- Anh đã nghĩ kỹ chưa?
- Thưa Đại tá, tôi làm việc ở đâu cũng được.
Nguyên được vị Đại tá mời nước ở phòng khách. Ông nói:
- Anh là một Sĩ quan trẻ có khả năng. Anh hơn rất nhiều người ở đây, có được một phóng viên năng động, giỏi dang như anh, tôi rất là cần. Nhưng nếu Trung úy Trạch không đi, ở đây, Cục cũng phải cử một người cho Trung đoàn tân lập. Anh tình nguyện, tôi rất lấy làm tiếc. Và, cũng thật khó vì không biết cử ai. Với lại lực lượng phóng viên còn thiếu.
Nguyên nói:
- Đại tá yên tâm. Về ngoài đó, có thì giờ tôi sẽ gởi bài cho báo Tiền Tuyến.
- Anh phải hứa nhé.
- Vâng, Đại tá yên tâm.
- Bài anh viết, sẽ được Tiền Tuyến trả nhuận bút cao.
- Tôi coi công việc nào mình làm cũng là phục vụ cho quân đội.
- Anh hơn được rất nhiều người.
Một giây thoáng nghĩ, vị Đại tá tiếp lời:
- Nếu lúc nào anh muốn trở về lại đây, cho tôi biết.
- Cám ơn sự quan tâm của Đại tá
- Tôi ký SVL cho anh thêm với hai tuần nghĩ phép.
Khi Nguyên gặp Lục thông báo cho bạn mình biết, Lục rất bất bình. Với Nguyên, Lục rất thân. Ngày Nguyên lên đường, Lục đưa ra trạm hàng không Tân Sơn Nhất. Nguyên nói:
- Thằng Thụy em tao ở đây một mình.
- Khỏi lo. Nó cũng là em của tao.
Về Huế, ngày trình diện Trung đoàn trưởng Nguyên có một buổi nói chuyện về cố đô Huế và về sự tổ chức của ban 5 với sự trình bày rất rõ ràng, chi tiết, biểu trưng tính hiệu quả thực tế và xác đáng.
Trong những ngày đầu làm việc ở đơn vị mới, với chức vụ quyền Trưởng ban 5 Nguyên tổ chức lại nhân sự, trong buổi họp ban anh nêu những công tác thực hiện quan trọng như dân sự vụ, xã hội, chính huấn. Và, chỉ sau một tháng hoạt động dân chúng Huế đã được biết rất nhiều về sinh hoạt của Trung đoàn cố đô qua chương trình phát thanh 45 phút hàng tuần ở Đài phát thanh Huế. Bất cứ việc nào trong ban đều có sự hiện diện của Nguyên, người giữ chức vụ trưởng ban. Và, không chỉ những hoạt động của Trung đoàn được biết ở địa phương, hay là cố đô Huế thôi, mà còn được phổ biến trên một số nhật báo dân sự, đặc biệt là tờ Tiền Tuyến. Những bài viết Nguyên gởi đi, không chỉ nói riêng sinh hoạt của Trung đoàn, mà còn đến các Tiểu đoàn, các Đại đội, trong đó anh nêu rõ danh sách những chiến sĩ xuất sắc được khen thưởng.
Về ngoài này, Nguyên được gần nhà, và chỉ sau hai tháng làm việc vị Trung đoàn trưởng hết sức hài lòng về anh. Một buổi thuyết trình có tướng Westy tham dự, anh đã trình bày đầy đủ những hoạt động của Trung đoàn ở tiền tuyến cũng như hậu phương. Những trận đánh của các tiểu đoàn được anh mô tả qua những sự kiện, về quân số, vũ khí, diễn tiến cuộc giao tranh, ở hậu cứ, các phòng ban của Trung đoàn, anh cũng nêu rõ từng hoạt động hữu hiệu, đặc biệt là hoạt động an ninh tình báo và chiến tranh chính trị.
Tướng Westy rất hài lòng, lúc kết thúc buổi thuyết trình ông cùng vị Trung đoàn trưởng bắt tay anh và bày tỏ những lời khen ngợi.
Ngày xa đó, Nguyên từ giã Sài Gòn không như một nhân vật tiểu thuyết, anh là một người lính, một phóng viên chiến trường, ra đi với chiếc ba lô đeo vai, túi sac marin, buổi sáng sớm người bạn làm chung phòng lái xe jeep đưa anh ra trạm tiếp liên nằm kế bên phi đoàn vận tải. Nguyên đi chuyến 030, đến Huế, anh nghỉ hết mười ngày phép xong trình diện đơn vị mới. Nguyên làm việc ở đây, với trung đoàn, với Huế đô, không chỉ chừng đó, anh còn có dịp gặp lại đông bạn bè cũ. Và, một năm sau, anh gặp Phượng Nga.
Bữa cơm đã xong, nhưng các chiến hữu vẫn còn ngồi lại uống nước chuyện trò. Khi hồi kẻng đánh lên, hết giờ nghỉ họ mới trở lại phòng làm việc.
Nguyên và Nga chậm bước bên nhau, lúc này Nga bỗng hỏi chuyện Thụy. Nguyên chỉ nói:
- Lâu nay nó không viết thư về nhà.
- Thụy học Anh ngữ chừng bao lâu?
- Khoảng ba bốn tháng.
- Ít nữa, cũng qua năm sau Thụy mới ra trường.
- Có thể.
Về tới chỗ làm việc, Nguyên thấy xe Jeep đậu trước sân, nhưng không thấy Trí.
- Em muốn về nhà nghỉ không?
- Ai đưa em về.
- Anh nói Trí đưa em về.
- Thôi, phòng ban có nhiều khi cần việc. Em ở đây chơi đợi anh.
- Hay thôi, để anh đưa.
- Anh phải làm việc.
- Không có gì. Anh cũng còn ghé qua Đài truyền hình nữa.
- Có phải muốn chìu em mà anh bỏ công việc.
- Em nói như là tình trong ca dao.
- Có thể em bị ảnh hưởng các bài giảng về môn văn.
- Em tính học thêm nữa không?
- Thôi, anh đã ngừng em cũng ngừng theo.
Vào phòng, Nguyên gặp Trung úy Dinh phụ tá, anh nhờ Dinh coi việc giúp, đưa Nga về nhà xong trở lại ngay.
- Đại úy tiện ghé qua Đài truyền hình.
- Tôi nhớ.
Hai người trở ra xe. Nguyên nói:
- Tết năm nay, còn cắm trại nữa.
- Kinh nghiệm Mậu Thân đắt giá quá mà.
Nguyên hướng xe ra cổng. Người lính gác trông thấy cấp bậc của anh đưa tay chào kính. Anh chào lại, rồi giữ chân thắng khi xe đổ dốc. Nơi đơn vị Trung đoàn đóng quân cách xa Huế mười cây số. Vào quốc lộ, xe chạy nhanh. Đến Huế, Nguyên ghé Đài truyền hình, xe dừng ngoài sân anh và Nga cùng đi lên phòng kỹ thuật ở tầng lầu hai.
Phục, chuyên viên của Đài đang làm việc thấy Nguyên và Nga đi vào, anh đứng lên. Nguyên tới gần bắt tay Phục và giới thiệu Nga.
- Xong rồi Đại úy. Tối mai phát lúc 8 giờ.
- Cho tôi xem qua được không?
- Dạ được.
Nguyên và Nga đi theo Phục vào phòng máy. Sau một lúc điều chỉnh các nút, Phục cho cuốn phim chạy một đoạn thử trên màn ảnh. Nguyên và Nga xem, chú ý quan sát từng điểm trên màn hình.
Đoạn phim sinh hoạt của Trung đoàn được chiếu thử trong hai phút. Nguyên hài lòng, anh nói lời cám ơn Phục.
Hai người trở ra xe. Một giọng vui, Nguyên hỏi Nga:
- Lúc nãy em ăn cơm lính ngon không?
- Bộ em mới ăn lần đầu với anh sao?
- Nhưng đã lâu rồi, nay em mới trở lại.
- Em rất quý mến anh em trong Trung đoàn.
Xe chạy vào phố chính. Những hàng cây trải dài, công viên im vắng, và dòng sông êm đềm dưới nắng.
- Không khí Huế thật là dễ chịu.
- Ở Quảng Trị ra sao?
- Phố chính, sinh hoạt ngày nào cũng ồn, xô bồ như Sài Gòn.
- Ban đêm bình yên không?
- Ban đêm không mấy yên bình.
- Em có nghe tiếng súng nổ không?
- Có. Ở trên núi vọng xuống.
Nguyên nói:
- Em dạy hết một năm, sang năm xin vào Đà Nẵng.
Một vài giây sau, Nga nói:
- Vào Đà Nẵng, không chắc em dạy được ở thành phố.
- Em đừng lo. Khi em chuyển trường, ba sẽ giúp em.
- Anh làm như em đẻ bọc điều. Bất cứ việc gì cũng có người khác lo.
Tới nhà, Nga và Nguyên cùng xuống. Hai người vào nhà, Phương reo lên ùa tới nắm tay Nga.
- Hôm nay Phương nghỉ.
- Em có lớp buổi sáng.
- Má đâu?
- Chơi bên nhà dì Quyên.
Ba người ngồi ở phòng khách. Bàn học của Phương đặt bên cửa sổ. Trên bàn những tập cours và sách học. Phương đang học năm thứ nhất ở Luật.
Nga hỏi:
- Anh uống đá chanh không?
- Uống, Nguyên gật đầu.
Một lát sau, Nguyên nói:
- Nói với má, mai anh Trí đem gạo về.
- Dạ.
Nga đi ra vườn hái mấy quả chanh tươi trong lúc Nguyên nói chuyện với Phương.
- A, nhà mới nhận được thư của anh Thụy.
- Đâu?
Phương đi lấy thư đưa cho Nguyên.
Nguyên cầm lá thư của Thụy, mở ra đọc. Một lúc sau Nga lên, thấy Nguyên đọc thư, nàng hỏi, vừa để ý thấy Nguyên đang vui mắt qua một nụ cười.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 21 Mar 2017

XIX

Thời gian ấn định cho khóa học Anh ngữ là sáu tháng. Những tập sách đầu từ 1100 đến 1400 dạy các phần căn bản trong đàm thoại tương đối dễ nên tôi học mau, cảm thấy hứng thú và đã khá tiến bộ. Nhưng khi lên sách xanh là trung cấp, phần bài học trở nên khó hơn, nhất là tốc độ đọc càng nhanh nên tôi nhận ra những trở ngại, khó khăn khi phải xét đoán đúng các câu hỏi ở những bài thi trắc nghiệm. Vì thế, tôi chuyển lớp chậm, cho đến khi học được lớp cuối, tôi cũng mất khá nhiều lần phải học lại. Trong bốn tháng đầu, số anh em điểm cao trên 70 ECL đã ra trường và làm thủ tục xuất ngoại.
Tôi bắt đầu lo lắng, cảm thấy bất an. Sau đợt thi lại cuối cùng lần thứ ba, chỉ có bốn khóa sinh đạt đủ điểm chuẩn 60 ECL. Tôi tiếc hùi hụi, vì chỉ thiếu có một điểm. Nhớ lại lúc ở trong phòng lab có một số câu do ngờ ngợ, không dám quả quyết, tôi đã đánh trúng lại xóa đi đánh vào câu khác, thành ra sai. Không chỉ phần nghe, cả đến phần viết nữa. Đúng là số con rệp. Với cái tuổi đời đã 26, biết khôn ngoan, hiểu rõ khả năng của mình và những cơ hội biết chọn đúng lúc, thì đời quân ngũ của tôi cũng khá sáng, đâu đến nỗi tệ như lúc này. Nếu có nên trách cứ, tôi hãy biết, tôi là kẻ tự làm cho mình đi lạc đường. Nhận định này không sai đâu, thời học sinh, tôi chỉ học vài ba môn mình thích, luôn chỉ chú tâm học các môn này thôi, tảng lờ những môn khác. Vào lính, thời gian ở Sài Gòn, cơ hội học lớp đêm dễ dàng với học phí nhẹ, không cao lắm, tôi lại không nghĩ đến mà chỉ dành thời gian tự học lấy, thành ra mất căn bản. Bỏ đi ba năm, không chịu xin đi học sĩ quan sớm, đó cũng là sự chậm lụt do tôi thiếu suy nghĩ. Rồi, gần đây nhất, cơ hội đi Mỹ được dành cho tôi với sáu tháng học Anh ngữ, tôi chỉ hăng hái lúc đầu, rồi tụt dần, do một phần mơ mộng, nhớ nhung những bóng dáng người đàn bà chỉ có trong tưởng tượng, một phần nữa, thay vì cố gắng học tiếng Anh cho khá, chưa thông được môn này, tôi lại còn kiểu cách đèo theo thêm môn tiếng Pháp nữa, để làm gì, khi mà tôi đã dứt khoát không có ý định thi tiếp Tú tài phần hai nữa. Học tiếng Pháp, tôi chỉ có biết thêm về ngữ vựng, nó giúp tôi hiểu để bổ sung cho tiếng Anh, thế nhưng, hai ngoại ngữ này, nghe và đọc rất là khác nhau, thật rất dễ vướng mắc, lầm lẫn. Và, rõ ràng, kết quả những kỳ thi vừa qua, từng giai đoạn chuyển cấp, cũng như ra trường, tôi rất yếu về phần nghe là phần chính yếu gồm 80 câu hỏi. Phần văn phạm tôi cũng yếu nữa, dù vậy, tôi còn làm được trên mức trung bình.
Số khóa sinh còn lại, năm mươi người đang chờ. Rất có thể đôi ba ngày nữa thôi, hoặc qua đầu tuần tới, tất cả số này sẽ được trường Anh ngữ trả về Bộ Tư Lệnh để giải quyết.
Tôi chẳng buồn tìm kiếm ai trò chuyện, hoặc hỏi dò tin tức. Hôm đó kết quả thi vừa yết xong, số anh em không may mắn đến tìm viên Đại úy phụ trách học vụ để hỏi, ông cảm thấy phân vân, rồi cho hay rằng, vì lý do tài khóa đã chấm dứt nên trường không thể giữ lại lâu thêm nữa. Thời gian ấn định là sáu tháng khóa sinh phải đậu ra trường, nếu không, thì trả về đơn vị gốc.
Rất thông cảm với số phận của anh em khóa sinh, ông nói:
- Tôi hy vọng, các anh sẽ được chuyển ngành.
- Không phải là chúng tôi sẽ qua trường Thủ Đức.
- Tôi hy vọng là không. Vì Không quân tuyển các anh vào binh chủng này mà.
- Nhưng ở binh chủng này không định rõ quy chế. Chúng tôi học xong quân sự giai đoạn II, lý ra phải được làm lễ tốt nghiệp để đeo lon rồi học tiếp ngành bay, nhưng bây giờ, rớt Anh ngữ, chúng tôi lại bị đưa qua Bộ Binh học giai đoạn 2 một lần nữa, vậy học quân sự ở Nha Trang với mục đích gì. Chúng tôi đi lính, đâu ai muốn kéo dài thời gian ở quân trường.
- Tôi không ở binh chủng Không quân nên không trả lời được.
- Chúng tôi hiểu.
Một khóa sinh phân trần:
- Những bạn chúng tôi, cùng một lượt vào Quang Trung, rồi Thủ Đức ai cũng đã ra trường và có cấp bậc. Còn chúng tôi qua Không quân, giờ thiệt thòi, nếu trở lại Bộ Binh.
Trên vẻ mặt và ánh mắt của viên Đại úy luôn giữ một vẻ điềm đạm, vừa cảm thông. Khi nghe từng lời tâm sự các khóa sinh đang đứng quanh ông, ông cũng thấu hiểu rằng, tổ chức trong quân đội miền Nam có rất nhiều sự bất hợp lý và bất công. Thử đem ra bàn xét, hãy khoan nói ngoài đơn vị mà đặt ngay trong quy chế của quân trường. Một thanh niên chỉ có bằng Trung học đi Bảo An, ra trường đeo lon Thiếu úy, trong khi đó, bạn anh ta có bằng Tú Tài đi Thủ Đức 9 tháng, ra trường chỉ đeo lon Chuẩn úy. Giữa trường Đà Lạt và Thủ Đức cũng khác nữa. Vào học Đà Lạt hai năm ra trường Thiếu úy, một năm sau lên Trung úy, còn ở Thủ Đức, khi ra trường là Chuẩn úy, đến khi được lên Trung úy thường niên thời gian là đúng ba năm sáu tháng. Tới lúc đó, thì các Sĩ quan xuất thân Đà Lạt đeo lon Đại úy hết cả rồi. Nhưng nếu xét nữa, Đà Lạt còn thua Biên tập viên Cảnh Sát, những ai học ngành này, ra trường mang cấp bậc Đại úy, le hơn cả mấy ông học ngành quân y ra trường chỉ mang lon Trung úy.
Bỗng có bạn hỏi:
- Đại úy học ở Thử Đức hay Đà Lạt?
- Tôi học Thủ Đức, khóa 14.
Có bạn khác với một giọng vui, nói:
Tôi vào Quang Trung khóa 9/68, giờ vẫn còn đeo con cá. Sau một hồi suy nghĩ, viên Đại úy đáp lời:
- Theo ý tôi, trường hợp các anh đã học xong phần quân sự phải ra trường có cấp bậc hẳn hoi, về phần Anh ngữ, phần đi học bay là thuộc chuyên môn, anh nào đủ khả năng thì học, thiếu khả năng bị loại thì đưa ra bộ binh, phần nào đó các anh không có lời ta thán, đằng này, các anh cứ trong tình trạng lơ lửng, chẳng biết đến lúc nào mới được ra trường. Mà, cho dù số khóa sinh, sinh viên qua Mỹ học bay, đâu có dễ dàng như học quân sự bộ binh, rồi rớt bên đó, về VN, lại qua Bộ Binh, vậy thời gian các bạn đó đeo alpha thực là quá lâu.
Viên Đại úy nói xong, có bạn phân trần:
- Tại sao Bộ Quốc Phòng không quy định rõ quy chế cho từng quân trường, Đại úy. Tôi có chút suy nghĩ, trường Bộ Binh đâu có phải là bãi rác, ai cũng đem ném vào đó được cả. Ở Không quân, ngành phi hành đâu chỉ có phi công lái máy bay, còn những ngành khác nữa như quan sát viên, điều hành viên, cơ khí viên, sao không cho chúng tôi qua các ngành đó học mà chuyển qua bộ binh.
Viên Đại úy cười một cách độ lượng, nói:
- Anh làm như tôi là Tướng Bùi Đình Đạm.
Rồi một giọng thân tình, ông nói:
- Có một số ông Tướng của mình chịu khó học lắm các anh. Tướng Cao Văn Viên và Bùi Định Đạm thi Tú Tài, rồi cử nhân đậu từng năm một.
- Ai mà đám đánh rớt mấy ông đó, Đại úy.
- Tôi chỉ biết là mấy ông ấy vẫn còn chí ham học.
- Nhưng mấy ông ấy đậu, chắc gì là theo khả năng.
Một bạn cắt ngang, hỏi:
- Bao lâu nữa, chúng tôi rời trường?
- Kể từ ngày mai, các anh không đến lớp nữa.
- Ngày mai chúng tôi không đi học nữa, sao?
- Phải, các anh cứ ở hên trại chờ quyết định của Bộ Tư Lệnh.
Viên Đại úy xin rút lui, trở về chỗ làm việc, ông nói lời cáo từ rất nhã nhặn, lịch sự.
Giờ tan học, khóa sinh ra về. Vẫn không khí bình thường như mọi ngày, nhưng hôm nay, riêng các bạn vừa thi rớt sắp sửa từ giã cuộc sống ở trại từ sáu tháng nay, có chút gì đó, ân hận và ngậm ngùi. Nỗi buồn của họ, vẫn đang cố níu theo những cánh tay và những bước chân rất nặng nề.
Sau bữa ăn, tôi đến thư viện tìm Kiêm nhưng không gặp. Có Trung úy Trân đang ngồi soạn thảo bài thuyết trình, bên cạnh ông là những sách tài liệu tham khảo.
- Tôi có biết ông qua Kiêm. Trông thấy tôi, ông ngừng viết, nói:
- Kiêm đi công tác chưa về.
Tôi ngập ngừng muốn rút lui, nhưng viên Trung úy bảo:
- Ngồi xuống đi.
Tôi kéo ghế ngồi, một giọng thân tình viên Trung úy hỏi:
- Anh Thụy học hành xong chưa?
- Tôi thi rớt rồi, Trung úy.
- Vậy hả. Chà, sao để rớt, cơ hội đi Mỹ cho anh mà.
- Hôm nay thi xong kỳ chót, chỉ có bốn người đậu.
- Anh Thụy được bao nhiêu điểm?
- 59, thiếu một, Trung úy.
- 60 điểm trường cho đậu. Đây là mức trung bình cho 120 câu thi.
- Dạ đúng vậy.
- Anh Thụy thi lần thứ mấy?
- Lần thứ ba. Lần thi nào vào final cũng bị rớt, điểm cứ suýt soát, một hai.
- Rồi, bây giờ sao?
- Anh em đang chờ về Bộ tư lệnh.
Sau điều tôi nói, viên Trung úy im lặng nghĩ ngợi. Vì không muốn làm mất thì giờ, tôi đứng lên kiếu từ. Viên Trung úy bắt tay tôi chúc sức khỏe và may mắn.
Khi trở về lều, nhìn cảnh trống vắng căn lều với những chiếc giường đã bỏ trống, tôi cảm thấy hụt hẩng.
Sự luyến tiếc và hối hận đặt tôi trong tình cảnh đơn độc, cố gắng đi tìm lấy sự an ủi. Và, hơn ai hết, giờ đây tôi đang nghe tiếng nói của Thúy Hà.
Trong cuộc sống mỗi người, cơ duyên là một ý nghĩa hiện sinh. Thúy Hà hẳn chỉ biết mình là một thiếu phụ. Nàng có rất nhiều hình bóng cũ và những kỷ niệm thân thương để luyến nhớ, nhưng nay, trong chiếc cặp da thời đi học nàng vẫn còn giữ, bao nhiêu thứ đó được đem cất. Thư từ, những lá thư đầu tiên đưa đến năm nàng mới mười hai tuổi. Rồi mỗi cái tuổi của nàng, không hẳn làm mới như đồng tiền lì xì, mà nó là tiếng động mùa thu của chiếc lá rơi nhẹ nhàng, nhưng được nghe thấy.
Vì Duy và những người bên gia đình chàng có điều tiếng không hay về nàng, cuối cùng, ông bà Kha khuyên nàng thôi làm công việc ở phi trường, tìm một việc khác, nếu không, ở nhà giúp đỡ công việc sản xuất nước hoa cho gia đình có thêm lợi tức.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 21 Mar 2017

Sau hơn một năm ở với gia đình bên chồng, ngày Duy rời quân trường Thủ Đức về, anh và nàng kéo ra ở riêng. Và, đó là ý của nàng. Nhà Duy rộng, nhiều phòng, có vườn cây ăn trái, nhưng Thúy Hà vì không chịu nổi những chuyện tranh chấp, cãi vã, và nhà ở còn là nơi tụ tập cờ bạc hàng ngày. Ngay trong năm đầu tiên mới lấy nhau, Thúy Hà đã khuyên Duy nên lánh xa những con bạc, vì nó không hay, và càng trở nên tệ hại. Duy rất yêu Thúy Hà, yêu vợ, nhưng anh mới là con sâu cờ bạc hơn cả những người khác bên nhà anh. Bởi một lẽ đó, Thúy Hà bỏ mặc, nàng đi làm việc cho một cửa hàng quân tiếp vụ Mỹ bên trong phi trường. Ngày đầu tiên, nàng gặp người cửa hàng trưởng, tên Anthony Clair. Nàng nói tiếng Anh rất lưu loát, làm anh ta hài lòng. Và, trong lúc hỏi chuyện nàng, anh ta cũng chú ý đến sắc đẹp của nàng qua đôi mắt và gương mặt. Kết thúc buổi phỏng vấn, anh ta bắt tay nàng, và trong ánh mắt nhìn, anh nói nhỏ tiếng:
- Cô đẹp quá.
Nàng rất hiểu lời khen của Clair. Ngày hôm sau, Clair dẫn nàng đi thăm cơ sở làm việc, có văn phòng, nhà kho, cửa hàng buôn bán, và cùng lúc giới thiệu nàng với các nhân viên trong cửa hàng. Chỉ có một phụ nữ Việt Nam làm văn phòng, hai công nhân ở nhà kho, còn phần đông là người Mỹ bên dân sự cũng như quân sự.
Trong khi dẫn Thúy Hà đi thăm cơ sở, Clair thích ngắm nàng, và cũng nói ra những lời tán tỉnh. Anh ta khen nàng mặc áo dài đẹp, đôi mắt, mái tóc nàng đẹp, và nàng có giọng nói hay. Thúy Hà chỉ mỉm cười, và khi được Clair hỏi, nàng thẳng thắn trả lời là nàng đã có chồng và một cháu nhỏ. Tiếp lời, nàng nói thêm chồng nàng là một sĩ quan, cấp Trung úy.
Hai người trở lại văn phòng, Clair đưa cho Thúy Hà một cuốn sách nhỏ chỉ dẫn, trong đó, có ba mươi điều lệ được in bằng chữ lớn và đậm.
Để cho Thúy Hà vui lòng, Clair hỏi:
- Cô cần mua hàng gì không?
- Cám ơn, Thúy Hà đáp.
Rồi nàng hỏi lại:
- Ông sắp cho tôi làm công việc gì?
Clair đáp ngay:
- Không gấp vội. Ngày thứ hai đầu tháng cô đến.
- Cám ơn ông.
Nàng bắt tay Clair. Từ phi trường, có xe thường xuyên ra vào, và Clair nói với Henry tài xế riêng của mình lái xe đưa nàng ra phố.
Trên đường, nàng và anh tài xế cũng vui chuyện. Thực sự, Henry một quân nhân điều từ một đơn vị tiền tuyến phía Nam ra ngoài này. Anh tới Việt Nam hơn một năm, nhưng đất nước này làm anh ta vui, phong cảnh xứ này đẹp nhất là biển. Nàng hỏi về Clair, anh ta chỉ biết, ông sếp của mình là người ở tiểu bang Tennessee, học về ngành Luật.
Người tài xế dừng xe bên ngoài đường, trước cửa hiệu nhà nàng. Nàng bắt tay, nói lời cám ơn.
Chiếc xe nhỏ của Clair sơn màu trắng. Từ đầu phố trên này, nhìn trong tầm xa bạn vẫn trông thấy rõ những sinh hoạt của phố chính dưới kia.
Henry mới 24 tuổi, quê nhà ở California, đã học xong hai năm ở trường Cộng đồng Golden West. Khi nàng đưa tay cho anh bắt, anh xin phép được hôn bàn tay nàng. Nàng mỉm cười, bằng lòng.
Bữa ăn trưa, gia đình đông đủ. Thúy Hà nói cho ba mẹ và các em trong nhà biết công việc mình sắp làm. Ông Kha ra dáng suy nghĩ. Thúy Hà không hiểu được ba cô đang nghĩ gì. Nàng nói:
- Mình có thể bán thêm thuốc lá và một số mặt hàng ngoại.
- Con đã hỏi ý của Duy chưa?
- Không cần, ba ạ.
Duy biệt phái ra đảo, khoảng ba tháng sau trở về nhà. Khi về, anh thấy có sự thay đổi, vừa hài lòng vì Thúy Hà làm ra nhiều tiền. Nhưng, lòng anh vẫn có mối lo vì số tiền lương anh lãnh được đã nướng hết vào những canh bạc. Duy đánh có ăn, lúc đỏ ăn lớn, nhưng rồi qua ngày khác anh lại thua.
Hôm đó, nàng đáp lời anh:
- Không, em không về bên nhà anh.
- Tại sao?
- Không sao hết. Anh về một mình đi.
- Tại sao cô không về dưới nhà.
- Không, tôi nói với anh là không.
- Cô thật là quái lạ.
- Tôi chán anh lắm rồi.
- Nhưng tôi đã làm gì?
Thúy Hà hét lớn:
- Anh đi làm, tiền lương đâu? Bao nhiêu tháng nay rồi…?
Duy sửng sốt. Anh nhìn Hà, tóc nàng rối bời, giận dữ.
Một lúc sau, niềm đau dịu xuống anh ngồi vào ghế, nhìn sang người vợ, giọng khô đặc anh nói:
- Anh xin lỗi em.
- Không, anh chẳng có lỗi gì với tôi cả.
- Ở xa, không có gì làm, anh đánh bạc cho đỡ buồn, rủi bị thua.
Thúy Hà không đáp lời. Nàng chẳng nhìn, cũng chẳng bận tâm hay nhủ lòng thương hại trong sự hối lỗi của Duy. Anh ngồi đó, mặt ủ rũ. Thúy Hà lấy quần áo đã phơi khô đem ra ủi. Xong việc, nàng vào phòng trong thay quần áo.
Khi nàng trở ra, Duy hỏi:
- Em đi đâu?
- Về nhà tôi.
Duy nén giận, nhưng anh cứ để cho Thúy Hà đi. Trong lúc Thúy Hà ngồi xích lô về nhà mình, Duy bỗng thấy có sự nghi ngờ vụt sáng qua đầu anh. Không kiềm chế được, anh mở các ngăn hộc, những giấy tờ để trong đó, anh lôi ra hết để xem xét. Có một lá thư của Clair gởi cho nàng, Duy cầm đọc, nhưng anh không hiểu hết ý.
Duy bỏ lá thư ra một bên, tìm kiếm tiếp. Sau đó, anh vào phòng Thúy Hà lục tìm từ trong tủ trang điểm, tủ quần áo và những chỗ khác trong phòng.
Bên trong chiếc áo vét, Duy tìm ra tiền của Thúy Hà cất giấu. Đó là tiền dollars đếm được hơn bốn trăm đồng. Duy bỏ tiền lại trong túi đi ra ngoài. Anh cầm lá thư của Clair gởi cho nàng và đặt cuốn tự điển cỡ trung một bên.
Duy đọc xong lá thư, hiểu lờ mờ, dù dã cố gắng tra nghĩa từng chữ. Duy cất lá thư trong túi.
Hôm nay chủ nhật, hàng bán được. Khi thấy nàng về, đứa bé mừng. Trong lúc nàng ôm con nựng nịu, bà mẹ hỏi:
- Duy về chưa con?
- Về rồi. Đánh bạc thua nữa.
Ông Kha lên tiếng:
- Tại sao lại có chuyện đó nhỉ.
- Con không khuyên bảo Duy?
- Vô ích, mợ ạ,
Bà mợ nói:
- Đang lúc này cũng may, con có được việc làm.
Đứa nhỏ ngồi trên chân mẹ. Nàng vuốt mái tóc nó, cảm thấy sự an ủi của nó dành cho nàng thật mềm mại.
Một người khách xuất hiện ở trước cửa lên tiếng chào, vừa hỏi:
- Hàng đóng xong chưa ông bà?
- Rồi, ông ạ.
Người khách bước vào, anh ta cầm tờ biên lai xem kỹ. Sau đó, anh ta rút một cọc tiền trong túi đếm lại để trả.
Ông Kha phụ giúp đưa hàng ra xe gắn máy cho khách. Hàng được buộc cẩn thận bằng nhiều sợi dây cao su hai lớp.
- Đi nhé ông.
- Vâng, chào ông.
Ông Kha quay vào nhà, ngồi xuống ghế cầm tách trà đã rót sẵn đưa lên miệng uống. Nhà vắng, bà mẹ cho hay các em đi học thêm. Thúy Hà hỏi:
- Ba có tính cho Vũ đi Không Quân không?
- Cậu xong Tú Tài II, ba cho đi ngành kỹ thuật.
- Ba không để cho em đi phi công?
- Tùy cậu. Nhưng vào Không Quân thôi, nếu không học lên Đại Học.
- Không biết anh Thụy đi Mỹ chưa?
- Chắc cậu còn học Anh văn đã.
Buổi chiều xuống yên bình. Vừa thấy các cậu và các dì về đứa nhỏ reo lên. Vũ tới bồng cháu, nhấc bổng, nó cười thích chí.
Nhà dọn lên bửa ăn sớm hơn thường lệ. Bữa ăn có bia, nhưng chỉ có ông Kha và Vũ uống.
- Anh Duy về chưa chị Hà?, Vũ hỏi.
- Về rồi, cháy túi.
- Trời đất, Vũ cười.
Hiền nói:
- Anh Duy sao không có chút trách nhiệm gì với vợ con.
- Chiếc xe Honda anh đi cầm lấy lại chưa? - Ông bán luôn rồi. Nhưng có phải cầm và chuộc lại, ông về xin tiền bên nhà.
Hôm nay, Thúy Hà ăn được nhiều. Khoảng mười giờ đêm, đứa nhỏ buồn ngủ nàng mới bồng con thuê xích lô về nhà.
Không biết Duy đi đâu, nhưng anh cũng vừa mới trở về. Thúy Hà đặt đứa nhỏ xuống giường ngủ, xong cầm tờ báo đọc. Nàng ở trong phòng riêng không ra ngoài.
Khi Duy đứng dậy đi tới bàn lấy một lá thư để trong cuốn sách, anh lên tiếng.
- Thúy Hà, em ra đây.
Im lặng, Thúy Hà vẫn xem tờ báo. Một lúc, Duy vào, anh cầm lá trên tay nói với Hà.
- Ra ngoài này anh nói chuyện.
- Không, không có gì nói với anh cả.
Duy nhìn Thúy Hà nói:
- Tôi xin tiền nhà bù vào tiền lương, đừng lo lắng.
- Tôi không cần tiền của anh.
- Nhưng lá thư này là của ai.
Thúy Hà đứng lên đi ra ngoài.
- Anh nói gì về lá thư?
- Ông Clair là ai, viết thư cho cô đây?
Thúy Hà hỏi:
- Anh đọc có hiểu không?
Duy ấp úng. Anh nói:
- Nhưng đây là lá thư tình cảm ông Clair gởi cho cô.
Nàng đáp:
- Anh cầm lá thư này nhờ bạn anh dịch cho.
Duy nghiêm vẻ mặt, nói:
- Không cần. Cô như thế nào tôi đã hiểu.
- Anh cứ cho tôi làm đĩ đi, không sao cả.
Duy nghe giật mình, đứng sững. Anh quay mặt, tránh cái nhìn của nàng. Anh nói một lời nhẹ nhàng.
- Cô đã nói ra những điều cô sẽ làm được.
Thúy Hà đáp:
- Anh nghĩ đúng.
Thúy Hà trở vào phòng lên giường, tắt đèn ngủ. Một mình, Duy xuống bếp đun nước sôi pha cà phê. Anh cho cà phê vào phin, nước chỉ nấu vừa một ly nhỏ nên mau sôi. Duy rưới qua chút nước rồi đổ đầy phin. Không đợi lâu, cất chiếc phin đi, Duy lấy hộp sữa đổ một lớp mỏng xuống cà phê, khuấy đều.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 21 Mar 2017

Duy đem cà phê lên, ngang qua phòng hai mẹ con ngủ anh dừng bước, rồi đi vào. Trên tay Duy, ly cà phê sữa đang nóng. Anh cúi gần xuống, nói nhỏ bên tai Thúy Hà.
- Có cà phê ngon, em dậy uống với anh.
Thúy Hà nằm im. Duy nắm lấy cánh tay Thúy Hà, lay nhẹ. Nàng mở mắt.
- Có cà phê ngon, dậy uống với anh.
Thúy Hà đáp:
- Mai tôi phải đi làm. Duy trở ra ngoài. Anh đến móc áo, tìm gói thuốc để trong túi jacket. Với gói thuốc, ly cà phê, Duy ngồi ở phòng khách một mình. Ánh đèn đêm cho anh một cảm giác mệt mỏi, gương mặt đã già đi.
Duy nhìn khói thuốc. Cà phê thật ngon. Anh không sợ mất ngủ, vì ngày mai anh nghỉ, có thể một hai hôm dưỡng sức anh mới vào tiểu khu trình diện. Lúc này, sự suy nghĩ của Duy là tìm ra một phương kế để làm giải tỏa sự bức xúc, mặc cảm trong gia đình.
Đồng hồ treo tường chỉ một giờ sáng. Thúy Hà thức giấc, nàng đi xuống nhà sau, khi trở lên vẫn thấy Duy đang ngồi viết thư.
Nàng trở về giường, ngủ lại.
Thời gian qua đi. Công việc làm ở phi trường giúp Thúy Hà kiếm được nhiều tiền. Clair đeo đuổi nàng, dành cho nàng những đặc ân. Anh ta mời nàng đi ăn, hai ba lần khẩn khoản nàng mới nhận lời. Và, một tối hôm đó, trong đêm vui dạ tiệc, nàng có uống rượu và nhảy với Clair, thêm một khách là lính Mỹ một số bản nhạc. Rồi, với phút giây tình cảm cởi mở, nàng đứng im để cho Clair ôm nàng. Nàng cũng hé môi đón nhận nụ hôn và Clair càng lúc thêm ngây ngất khi hôn say đắm trên cặp môi của nàng. Những nụ hôn cuối cùng, anh nuốt sâu làm cho Thúy Hà có cảm giác chênh vênh, tưởng như mình đã ngã quỵ.
Rất bất ngờ, tôi nhận được lá thư của Duy. Thư gởi về nhà dì Hồng. Lúc này, tôi đang học lên bậc trung cấp 2, sách 2300 và 2400, học xong bốn tuần lễ tôi sẽ thi một cái final test để lấy điểm ra trường. Không biết linh cảm về chuyện gì mà tôi cảm thấy nôn nao, lo lắng. Tôi sắp phải trải qua một kỳ thi quan trọng, từ lúc nhập khóa học đến giờ, tôi học tương đối là được, không xuất sắc lắm nhưng không đến nỗi quá tồi, và ở đây, những khóa sinh học trước đã lâu, thời gian định mức sáu tháng không đậu kỳ thi ra trường đã bị loại, những bạn này đành chấp nhận vào trường Thủ Đức để sau đó ra bộ binh.
Tôi nhớ Liên An, tôi đã viết thư gởi đi và đang trông đợi hồi âm. Có còn ai nữa không, tôi không thể nhớ nữa, nhưng giờ đây Liên An vẫn là áo trắng, bên tôi là bóng dáng cái tháp nước và tiếng còi vọng xa của con tàu.
Tôi đọc lại lá thư của Duy. Tôi đọc kỹ từng giòng, tự dưng cảm thấy lo ngại. Tình yêu tôi và Thúy Hà không bao giờ mất, vẫn được giữ trong con tim, trong nỗi nhớ. Khi gần gũi, đó là những tháng ngày đợi mong. Khi xa cách, hình ảnh hai người như bóng dáng đôi bờ trên con sông trong buổi chiều hay đó là vẻ đẹp buồn của ánh nắng có được sự thương yêu của dòng sông. Thế nhưng, đó là cuộc sống của những lý tưởng, của giấc mơ, không thuộc về thực tại.
Những ngày gặp lại Huê tôi nghĩ rằng mình đã có được một thành phố để gắn bó, thương yêu, và luôn hiểu rằng chỉ có những sự vật, những cảnh vật nói thay cho mình những cảm ý chân tình, và đúng nghĩa nhất. Hạnh phúc mà Huê tìm thấy nơi tôi là cuộc đời bình thản của một người lính, cho và nhận một cách vô thường, về phần mình, tôi có Huê như là một nơi chốn quen thuộc hàng ngày, đi đâu xa hay gần, trở về lại luôn nhận ra được mối tình thân của con đường, của ngôi nhà mình ở.
Tôi bỏ lá thư của Duy vào phong bì, ngẫm nghĩ:
- Mình viết gì đây cho Duy, cho Thúy Hà để hai vợ chồng hiểu được nhau.
“… Tôi với anh Thụy được biết nhau qua gia đình Thúy Hà. Riêng với nàng, tôi rất hiểu nỗi buồn của anh trong một tình cảm, đúng hơn trong một con tim anh cất giấu gương mặt nàng. Nhưng hơn ai hết, anh vẫn luôn có với tôi một tình bạn thật trong sáng, một sự tôn trọng dành cho Thúy Hà và cả tôi nữa, đúng thật anh là một con người của lòng tin. Thúy Hà rất là quý anh, tình cảm nàng dành cho anh có thể nói vượt cả tình bạn, tình yêu, tình chồng vợ, tôi hiểu anh và Thúy Hà hai người trong tâm hồn mãi mãi là của nhau. Thế nhưng, tôi đã có nhiều lầm lỗi với người vợ của mình, với cô em gái của anh, nên tôi nghĩ, không một ai khác ngoài anh ra nói được với nàng bằng một tiếng nói trung thực nhất…”
Hết hai ngày cuối tuần, khóa sinh lại đi học. Vào giai đoạn cuối này tôi rất cố gắng, luôn cầu mong đạt được điểm chuẩn để ra trường, chí ít cũng có được một lần sang nước Mỹ. Lúc này, không khí trong trại rất là náo nức, bồn chồn, mỗi buổi tối vào giờ phát thanh anh em đều lắng nghe tin tức về chương trình du học, về các tài khóa học, sau đó là tên những bạn được Bộ Tư Lệnh gọi về để làm thủ tục xuất cảnh. Những bạn này có tên, vì đã đạt được điểm tiêu chuẩn về kỳ thi Anh ngữ ra trường.
Tôi đã viết xong lá thư gởi cho Thúy Hà. Nàng nghe lời khuyên của tôi, tha thứ cho Duy. Hôm ấy, giờ nghỉ trưa Thúy Hà vào văn phòng làm việc của người cửa hàng trưởng Anthony Clair.
Anh ta rất vui khi tiếp đón nàng. Tự mình lấy nước mời nàng uống và hỏi chuyện về công việc nàng làm. Thúy Hà trình bày việc quan trọng của mình, Clair lấy làm ngạc nhiên, anh ngả người dựa lưng ghế để lấy chút bình tâm. Rồi anh hỏi:
- Cô Hà, có chuyện gì vậy?
- Không có gì cả. Chồng tôi thuyên chuyển nơi khác.
- Ông nhà đi đâu?
- Nha Trang (nàng phải nói dối)
- Tôi nghĩ cô cứ làm việc, rồi tôi sẽ tăng lương.
Một chập suy nghĩ, nàng nói:
- Chồng tôi không muốn tôi làm việc ở phi trường.
Trên vẻ mặt Clair lộ vẻ đăm chiêu. Anh nhìn Thúy Hà, không hẳn phải quyến luyến những ngày vui bên nàng, mà anh cần có sự hiện diện của nàng để anh làm chạy công việc.
Trước khi giã từ nhau, Clair tặng cho Thúy Hà một món quà, và đặc biệt cho nàng mua được những thứ hàng nàng cần trong quân tiếp vụ. Nhân buổi chia tay, Clair mời nàng đi ăn tối. Sau đó, hai người khiêu vũ ở hội quán, tới mười hai giờ đêm Clair đưa nàng về nhà.
Một buổi chiều chủ nhật, sinh nhật bà Uyên. Sau bữa tiệc vui trong gia đình, cả nhà cùng nghe ông Kha nói chuyện với Duy:
- Ba thấy con thiếu trách nhiệm với gia đình. Không hiểu sao, con không dứt nổi sự cám dỗ của cờ bạc. Hãy nhớ rằng, trong cờ bạc đỏ đen, nhân cách con người xuống rất thấp. Và, con là người thấy rõ. Những việc con làm do sự đỏ đen trong cờ bạc, tự nó, đã làm con mất hết giá trị của một Sĩ quan. Ai cũng có lúc vui, và chơi đúng người đúng cách. Ở đây, con đánh bài bạc với cả lính. Khi thua, con không thể tránh được, như con đã thấy, con mắc nợ lính, lính đến nhà đây đòi nợ. Nếu như con được bạc của họ, con nghĩ thế nào khi vợ con họ không có được đồng lương của chồng, của cha mang về để nuôi sống hàng ngày. Không có tiền lương, họ phải chịu thiếu thốn. Như vậy, chơi bài bạc, con thua lính được nhờ, con đánh ăn, lương tâm con đâu được yên bình.
- Vâng con xin lỗi ba và vợ con.
Duy đáp lời ngay sau khi ông Kha ngừng lời. Chừng đó, ông thấu hiểu không nói gì thêm.
Sự căng thẳng trong gia đình chỉ lo âu một chút, sau đó, vui trở lại. Duy ngồi bên Thúy Hà. nắm giữ lấy tay nàng.
Một lúc sau Duy nói:
- Em nhớ viết thư cho anh Thụy.
- Anh Thụy…
Nàng chợt ngừng lời, hình ảnh của nàng như chỉ cho bạn thấy một mái tóc rất đẹp, đen nhánh xõa xuống bờ vai.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 21 Mar 2017

PHẦN THỨ HAI

I

Bây giờ Thúy Hà đã dọn vào ở Hội An. Gia đình nàng tìm được nơi thành phố này một cuộc sống bình thường, êm ấm. Đứa con trai có tên là Vinh, cháu được hơn hai tuổi và trông rất giống mẹ. Nơi chỗ ở chỉ cách xa trung tâm chừng một cây số, căn nhà sân trước rộng, sau lưng là một khoảnh vườn có trồng cây ăn trái, và mấy thứ rau cải để dùng khi cần đến cho bữa ăn hàng ngày. Từ Quảng Tín Duy được thuyên chuyển ra Hội An, làm việc ở phòng tài chánh, chức vụ phát ngân viên. Còn Thúy Hà, làm bên công ty du lịch. Hội An tuy nhỏ, nhưng đây là một thành phố cổ xưa giữ lại được nhiều di tích lịch sử về các thời chúa Nguyễn. Còn nữa, có biển Cửa Đại, cát trắng rất sạch và đẹp.
Tôi cùng năm chục khóa sinh bên Không quân đã lên trường Thủ Đức nhập vào khóa trừ bị 6/70 để học lớp trung đội trưởng. Vài ngày sau tôi viết thư cho Thúy Hà, vừa lúc nhận được thư tôi gởi, nàng đáp lời ngay cùng kèm theo mấy tấm ảnh gia đình. Bao giờ cũng vậy, đọc thư nàng viết, lòng tôi luôn buồn nhớ. Những giòng, cũng như từng nét chữ thân thiết của nàng là bao nhiêu trong đó sự thương yêu của một người vợ. Từ buổi ấy ra đi, tôi không chỉ ôm giữ trong con tim mình hình ảnh của người yêu, mà còn cả những tấm ảnh nàng đã trao cho tôi nữa. Đến nay, ảnh và thư của Thúy Hà tôi vẫn cất giữ. Vào buổi sáng đó, lúc chiếc xe GMC vượt khỏi cổng gác chạy lên đường dốc, nhìn xuống phía bên trái thấy khung cảnh khu nhà tiếp tân trống vắng, tự dưng lòng tôi nhớ nôn nao đến Thúy Hà, nhớ ngày hôm đó tôi dẫn nàng đi, đến đây, nàng thăm chồng, còn tôi thăm một người bạn.
Tôi ở Đại đội 37 thuộc Tiểu đoàn 3. Khu doanh trại của Đại đội rất khang trang có trồng cây và đào giao thông hào, trên mặt hào, trải đều từng hàng bao cát. không chỉ để tránh đạn pháo kích, còn tiện làm chỗ ngồi nghỉ chân trong những giờ sinh hoạt tự do ngoài trời. Một dãy nhà ngói dài, chia bốn phòng ở cho bốn trung đội. Chỗ ngủ là giường sắt và được phát chiếu nylon để trải nằm.
Vào những ngày đầu mới đến, tôi vẫn mang nặng mặc cảm hay nghĩ đến số phận hẩm hiu về bao nhiêu tháng ngày qua trong đời quân ngũ của mình. Tôi cứ mãi hổ thẹn, vừa tiếc rẻ trong mối phân vân, đáng lý ra tôi nên xin đi học lớp sĩ quan sớm hơn, không cần thiết là được ở binh chủng Không quân thì đến lúc này tôi cũng đã có được hai bông hoa mai gắn trên ve áo trận rồi.
Sự tình cờ tôi quen biết Trương. Hôm ấy, hai bạn đứng cùng hàng và giá súng chung một chỗ trước khi vào phòng học lý thuyết môn chiến thuật. Hai giờ sau, cả đại đội cùng rời phòng với ba lô, súng đạn di hành ra bãi tập. Trên đường, đi hàng trước, hay hàng sau, phía nào cũng nghe ồn ào tiếng trò chuyện, cười nói rất vui vẻ. Tự dưng, nhìn qua Trương tôi cảm thấy thân mến với người bạn.
Buổi học sáng qua rất nhanh, tới giờ nghỉ có nhà bếp mang cơm trưa ra phân phát cho mỗi trung đội, xong đến từng người. Và giờ này, cũng có sẵn một đội quân bán hàng rong tiếp ứng. Sau bữa ăn, Trương lấy gói thuốc mời tôi một điếu. Thuốc nặng hiệu Bastos, nhưng cũng là gu của tôi. Đang đánh que diêm mồi lửa, tôi nghe Trương hỏi:
- Bạn là giáo chức hay bên hành chánh?
- Không cả hai, tôi đáp.
Tôi rít đầy khói thuốc, nói thêm:
- Tôi bị out bên Không quân nên phải sang bộ binh.
- Bên đó, bạn đi ngành kỹ thuật hay phi hành?
- Đi ngành phi hành, nhưng rớt.
- Bạn có qua Mỹ rồi?
- Không đi được. Tôi thiếu điểm Anh văn.
Trương đưa mắt nhìn qua tôi, không có ý dò xét, nhưng hiểu ra phần nào về tình cảnh người bạn mới quen. Khói thuốc khô, mệt mỏi trong nắng.
- Bạn dạy học ở đâu?
- Tôi dạy ở Quy Nhơn.
- Ra trường lâu chưa?
Trương cười nói:
- Vừa mới dạy học hai tháng bị kêu động viên.
- Nhưng bạn được biệt phái.
- Hy vọng như vậy.
- Chắc chắn rồi. Các anh không trở lại trường, kiếm thầy đâu ra để dạy học sinh.
- Bạn chắc có gia đình rồi?
- Bạn đoán tôi bao nhiêu tuổi.
- Trên ba mươi.
- Sai, tôi mới 26 tuổi.
- Trông bạn hơi già.
- Tôi thuộc thành phần lính xin đi học.
- Tính đến bây giờ, bạn có bao nhiêu năm quân ngũ?
- Năm năm.
Rồi tôi nói thêm:
- Tôi nhờ có bằng Tú Tài 1 mới được học khóa thường xuyên như các bạn.
- Vậy à. Tôi lại nghĩ, cả thường xuyên và đặc biệt cùng học chung.
- Không phải đâu.
Từ đó, Trương và tôi trở thành bạn thân. Trương tốt nghiệp Đại học Sư phạm ban Anh văn. Trương đọc rất nhiều sách về biên khảo và tiểu thuyết. Nói chuyện văn học, tôi nhận ra, Trương có cái nhìn rất mới và lạ. Chính nhờ vào người bạn, tôi tìm được cho mình một cách viết để vượt qua những sáng tác cũ mà tôi đã làm với tính cách mưu sinh.
Bỗng nhiên, Trương hỏi:
- Thụy có quen bạn văn nào ở Huế không?
- Không quen, nhưng có biết tên.
- Có đọc chứ?
- Có, trên tạp chí Văn.
- Thụy có truyện đăng trên Văn không?
- Không có. Tôi viết còn kém lắm.
- Về những cây bút của Huế thì sao?
- Anh em ngoài đó, ai cũng viết khá, nhưng đừng quá làm dáng thì hay hơn.
- Có lẽ, Thụy nói đúng.
- Anh em ở miền Trung phần đông viết giống nhau, như nhóm Tuy Hòa, chịu ảnh hưởng nhiều truyện ngắn của Y Uyên.
Trong quân trường Thủ Đức có khu sinh hoạt và khu gia binh rất nhộn nhịp ban ngày cũng như ban đêm. Mỗi khóa học có trên cả ngàn khóa sinh nên các quán ăn, quán giải khát, cà phê nhạc mọc lên trong hai khu này không lúc nào vắng khách.
Tôi và Trương thường đến quán của cô Giang nằm gần tuyến gác D chạy ngang qua cổng số 9. Cô Giang học ở trường nữ Gia Long, khá xinh. Và, ở nơi quán này, tôi và Trương, qua hình ảnh cô gái thường hay tâm sự với nhau về những chuyện riêng của mình. Trương có một cô bạn gái cùng lớp, đang dạy học ở Ninh Hòa. Khi nghe Trương nhắc đến quận lỵ này tôi bỗng nhớ đến Huân, người bạn thân thời niên thiếu. Từ sau ngày tôi vào miền Nam và lên học ở Đà Lạt, hai đứa không gặp nhau. Thế nhưng, kỷ niệm về Quảng Trị cả hai đều còn nhớ, riêng Huân, vẫn còn giữ lại nơi chốn đó hình ảnh gia đình chị Yên. Khi nghe những lời Trương kể chuyện, tôi thấy đôi mắt Trương đang ở bên bóng dáng người tình, và hình ảnh nàng ngồi yên đó, với một vẻ buồn sầu muộn, xa vắng. Về chuyện của mình, sau khi nói ra, trong số đó một người Trương biết rất rõ là Liên An, vì em gái của Trương là bạn học cùng lớp với An. Từ ngày Liên An ra đi, thắm thoắt thời gian cũng dễ đã một năm. Một năm thuộc quá khứ, hình ảnh của Liên An trong lòng tôi là kỷ niệm về một nhà ga, cái tháp nước, bóng dáng chiếc áo trắng, và những cây cầu bên con sông, mỗi một thứ đó là của Huế, và bây giờ đây với Trương, tôi có thêm một người bạn khá thân hiểu được mình.
Thời gian học quân sự của giai đoạn II là sáu tháng, nhưng rồi bị chậm trễ mất hai tháng, một tháng trong kỳ chiến dịch, một tháng tập dượt diễn hành cho ngày Quốc Khánh mồng một tháng mười một. Không có bạn nào rớt ở kỳ thi mãn khóa học. Trương ở trong số 600 người thuộc thành phần giáo chức biệt phái. Tôi đậu thấp, đi đơn vị Sư đoàn 2 đang trú đóng ở Quảng Ngãi. Khác với thời kỳ ở Nha Trang, học ở Thủ Đức, tôi thấy kiến thức về quân sự của mình qua hai mặt lý thuyết và thực hành trở nên vững vàng, tự tin hơn, trước khi tôi ra ngoài chiến trận đảm nhận cương vị một người lính trung đội trưởng. Và, không khí nơi quân trường bộ binh cũng cho tôi những kỷ niệm lãng mạn về chiến tranh qua những buổi học về chiến thuật. Năm 1970 cũng là năm chiến cuộc miền Nam lan rộng khắp cả bốn vùng chiến thuật, và luôn trong tình thế khẩn trương. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong một buổi họp với các Tướng Tư lệnh VNCH và Đồng Minh đưa ra một nhận định là để ngăn chận sự xâm lấn của Hà Nội vào miền Nam, cần phải có một cuộc hành quân vượt biên tấn công vào hai mật khu nuôi quân quan trọng của Hà Nội là Kampuchia và Lào, và sẽ đánh phủ đầu ngay tại hai trận chiến lớn chứ không để cho CQ xâm lăng vào lãnh thổ mới đối diện kẻ thù. Ngày 27/4/70 cuộc hành quân Toàn Thắng 42 khai diễn. Tư lệnh cuộc hành quân này là Trung Tướng Đỗ Cao Trí. Lực lượng tham chiến có Sư đoàn 18 BB, Trung đoàn 46/SĐ25, Liên đoàn 3 BĐQ, 4 Thiết đoàn Kỵ Binh và Tiểu đoàn 7 dù. Cuộc hành quân lớn này chia làm sáu giai đoạn. Năm giai đoạn đầu, quân lực VNCH phối hợp với Hoa Kỳ, giai đoạn cuối, một mình Quân đoàn 111 phụ trách. Mục tiêu của giai đoạn 1 và 2 là càn quét khu Mõ Vẹt từ biên giới tới Sway Rieng, giai đoạn 3 từ Sway Rieng lên đến vùng Đầu Chó phía Tây Bắc Tây Ninh, giai đoạn 4 khai thông Quốc lộ I từ Sway Rieng đến Konpong Trabeck, giai đoạn 5 tấn công vào đồn điền Chup và giai đoạn 6, tấn công chiếm đồn điền Mimot.
Khi cuộc hành quân này diễn ra, các báo hàng ngày ở Sài Gòn luôn cho chạy tin tức và phóng sự ngoài chiến trường lên trang nhất. Hình ảnh người lính bộ binh lội bộ, mưa nắng, dãi dầu mồ hôi, và không khí chiến tranh trong quân trường đã làm tôi mau chóng quên hết những tháng ngày nhàm chán ở thành phố, đời người lính Không quân dư thừa, nhàn rỗi nơi đô thị, đến cả Huê cũng như bao nhiêu hình ảnh thiếu nữ khác, sau cùng, tôi nhận thức rõ là mình sắp đối diện thực sự với chiến tranh.
Sau khi rời quân trường, giữ lời hứa với Trương, tôi cùng người bạn lên đường ra tới Nha Trang thăm Bảo. Gặp cô bạn gái của Trương ở một ngôi trường quận lỵ, có dịp chuyện trò với nhau ở một quán cà phê, ở lại thành phố biển Nha Trang một đêm sau đó, hai bạn lên xe ra Huế về thăm gia đình. Nhà Trương ở phố Gia Hội, còn nhà tôi vẫn căn nhà cũ bên dưới ga, trên con đường đi lên nhà máy vôi Long Thọ.
Tôi đã không dừng lại ở Đà Nẵng để vào Hội An thăm Thúy Hà. Về Huế, sau vài ngày nghỉ tôi đi ra Quảng Trị thăm Phượng Nga đang dạy học ở trường Nguyễn Hoàng. Không cần nói ra, tôi cũng biết Phượng Nga là hoa khôi của thành phố này. Tôi đi vào sáng thứ tư, vừa đúng ngày nghỉ thường lệ trong tuần của nàng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hình Bóng Con Tàu - Nguyễn Chí Kham

Postby bevanng » 21 Mar 2017

II

Ngày lên đường đến đơn vị mới, tôi mang theo hết quân trang nhét đầy chật trong túi sac marin còn chiếc ba lô, tôi bỏ một ít sách vở, đồ dùng cá nhân. Một thứ quý giá nhất, đó là cuốn album chỉ cất giữ những tấm ảnh của Thúy Hà. Dù rằng, nàng không phải là người vợ, nhưng đối với tôi, nàng luôn chiều ý đem tới cho tôi hết tất cả những hình ảnh của nàng.
Tôi đi chuyến xe sớm nhất. Trời mưa lúc xe rời thành phố, dù đêm qua thức khuya nhưng giờ tôi không cảm thấy buồn ngủ, lúc này, tôi buông thả tâm hồn với thời gian để nghĩ tới những ngày sắp tới đây của đời lính. Đã có bao nhiêu kỳ nghỉ phép, bao nhiêu lần trở về thăm gia đình rồi ra đi, nhưng không lúc nào tôi lại phân vân lo nghĩ nhiều như lần này. Tới Hải Vân, vừa kịp giờ đổ đèo nên xe đã không ngừng đợi. Mưa đã tạnh, mầu trời trở nên sáng, quang đãng. Ngồi bên cửa xe, tôi để những phút lãng mạn nhìn những tảng mây trôi từng lớp trên mặt biển, rồi trông thấy sương mù tan dẫn dần.
Xe ngừng trước những hàng quán nằm bên cạnh một ngả ba quốc lộ cho khách xuống nghỉ chân và dùng điểm tâm. Tôi vào quán ăn một tô bún và uống ly cà phê đen nóng. Mỗi lúc, quán trở nên đông vì có nhiều xe khác đến. Nhìn chung quanh, tôi tìm có ai quen nhưng không thấy. Và, trên lộ trình phía Nam xe nào cũng có một vài quân nhân đi công tác, hoặc đi phép trở lại đơn vị.
Những điếu thuốc hút, những sợi khói mỏng trườn lên, bất cứ lúc nào nhìn vào đó mà nghĩ ngợi lòng tôi luôn cảm thấy vương vấn, nặng nợ với tình yêu. Nhưng rốt cùng, tôi chẳng hề có, kể đến cả Thúy Hà là một người tôi yêu quý hơn hết tất cả một ai trong đời mình.
Nửa giờ sau đó, tài xế ra xe vừa gọi khách lên đường. Xe chạy suốt. Quốc lộ I trải dài, hai bên hầu hết là đồng ruộng, và trời có lúc mưa trên từng chặng, từng vùng. Khi cảm thấy mỏi mắt, buồn ngủ, tôi bật diêm đốt điếu thuốc. Lúc xe chạy qua Chu Lai, nhìn thấy những dãy đồi cát, tôi chợt nghĩ tới làng quê của mình. Nhưng ở đây, trông sao vắng lặng, buồn buồn.
Tới đầu buổi chiều, xe đến Quảng Ngãi, vào bến chính và đỗ hết khách. Xe dừng luôn ở đây, không tiếp tục chạy vào phía Nam.
Tôi bỗng thấy mình bỡ ngỡ, phân vân, không biết tìm chỗ nào có phòng trọ. Để có thì giờ, tôi ghé vào quán ăn, vừa lấy chỗ nghĩ chân cơm nước, rồi nhân đó mà định liệu cho công việc của mình.
Đứa gái nhỏ đến bàn tôi ngồi, cầm khăn lau dọn xong, hỏi:
- Chú ăn cơm hay mì?
- Có cơm phần không cháu.
- Dạ có.
- Cho chú phần cơm, và bình trà.
Trời không mưa, nhưng cảnh vật hiện lờ mờ, chênh vênh, rồi bỗng thấy nó trôi giạt. Ở đây cũng lạnh như ngoài Huế. Trong quán có đông khách ăn, một số cũng là quân nhân như tôi. Tôi mặc ngoài chiếc áo jacket, áo này không phải được cấp phát, mà tôi gặp may mua được ở chợ trời, nó vừa khổ người của tôi. Với số tiền chưa đến hai ngàn, từ hôm nay đến cuối tháng còn hai tuần nữa, nhưng tới lúc đó, tôi cũng chưa biết tình trạng đơn vị và lương bổng của mình ra sao. Ở bên trái túi áo trên, tôi cất riêng cả tờ sự vụ lệnh và giấy nghỉ phép từ quân trường Thủ Đức. Tôi cũng biết rằng, ra trình diện Sư đoàn 2 chưa phải là đơn vị phục vụ mà tôi còn nhận các giấy tờ khác nữa, từ Sư đoàn đưa ra Trung đoàn, rồi Tiểu đoàn.
Đứa gái nhỏ mang cơm nước đến dọn xuống chiếc bàn thấp. Cơm phần có ba món. Tôi cầm khăn giấy lau chén dũa, xong xới cơm. Tôi ăn thong thả, cảm thấy ngon miệng vì đang đói. Trong lúc này, tôi chợt nghĩ tới những người bạn văn nghệ mà tôi nghe tên tuổi, nhưng chưa hề gặp mặt Tôi chưa có truyện đăng trên tạp chí Văn, nhưng tờ báo này, thỉnh thoảng tôi có mua những số đặc biệt, và những số ngoài bìa đề là tuyển tập thơ văn để đọc. Qua tờ báo này, tôi lần quen tên những cây bút trẻ miền Trung. Nơi tỉnh nào cũng có thi văn đoàn và xuất bản một tờ đặc san. Và dù chưa hề gặp, nhưng tôi cũng hay biết rằng lớp trẻ văn nghệ luôn thích có được nhiều người bạn. Chỉ một lần gặp, trao đổi vài câu chuyện về thơ văn, là tình bạn hữu trở nên thân thiết, đậm đà. Trong tạp chí Văn luôn có dành hai trang sinh hoạt để giới thiệu sự ra mắt những tác giả và tác phẩm của các thi văn đoàn. Tôi rất yêu thích mục này, đang ngồi đây, tôi vẫn có thể hình dung ra mỗi khuôn mặt các tác giả trẻ, đồng thời, biết rõ từng nơi họ đang sống, làm việc. Có hai thành phần rõ rệt: giáo chức và quân nhân. Nơi thị xã này đây, tôi biết có bốn bạn văn, hai người làm thơ, hai người viết truyện. Nếu mà tình cờ gặp, chỉ cần bày tỏ chân thật cái duyên nợ văn chương, lập tức, tôi sẽ được các bạn này mời về nhà nghỉ ngơi, và khỏi cần lo nghĩ đến việc đi tìm phòng trọ.
Bên kia triền núi, sương mù đang xuống nhiều. Sau bữa ăn, tôi rót trà vào cái ly nhỏ, nhấp từng hớp, vừa hút điếu thuốc. Nơi chốn lạ này gây cho tôi một chút xao xuyến, vừa lạ lùng trong sự mơ tưởng. Có hai chuyến xe khách vừa rời bến đi ra hướng quốc lộ, một chốc lát sau có chuyến khác mới đến, và ngừng lại đỗ hết khách. Chung quanh bến, tiếng bước chân, tiếng chuyện trò, tiếng còi xe, và cả tiếng gọi nhau của đám trẻ bán quà rong, nhưng cảnh tượng không ồn ào, xô bồ, vẫn thấy sự trầm lặng, rời rạc.
Thôi thì, mọi chuyện cũng đã thành quá khứ. Tôi không thể nhìn tới nơi nào là xa cách, ở đâu là có sự yên bình, gần gũi. Khác đi rất nhiều với những năm khi tôi còn là người lính Không quân, tà tà buông trôi cuộc sống hàng ngày ở thành phố.
Khi trông thấy đứa gái nhỏ đi ngang, tôi gọi tính tiền. Tôi mua thêm một gói thuốc, rồi đứng lên vai đeo ba lô, tay bên trái cầm túi sac marin.
- Chuẩn úy di đâu?
Tôi dừng bước, hỏi người xích lô:
- ở đây có phòng trọ không anh?
- Có.
- Giá đắt không anh?
- Không, giá bình dân.
- Anh thấy chỗ nào gần, đưa tôi tới đó.
- Rồi, mời Chuẩn úy lên.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, chân gác lên túi sac marin để ngang bên dưới.
- Ở đây, giá sinh sinh hoạt có dễ không anh.
- Chuẩn úy ở đâu tới?
- Tôi mới ra trường, đơn vị là Sư đoàn 2.
- Vậy sao Chuẩn úy không vào ở trong cư xá.
- Tôi mới đến, chưa trình diện.
- Còn đang giờ làm việc, Chuẩn úy có muốn vào Sư đoàn không?
- Thôi, tôi ở tạm ngoài một đêm.
- Tôi nghĩ, Chuẩn úy nên vào trong Sư đoàn.
Tôi im lặng. Sự thể thật bất ngờ khi anh xích lô ngừng xe lại trước cổng Sư đoàn, và chỉ cho tôi đến trạm hướng dẫn nằm ở phía cổng phi bên trái.
- Anh cho trả tiền xe.
- Ba chục.
- Xin cám ơn anh giúp đỡ.
Người xích lô cầm tiền và nói thêm cho tôi biết một đôi điều.
- Cám ơn anh.
Tôi dời bước. Đến trạm hướng dẫn, tôi đưa giấy tờ cho viên Thượng sĩ xem, ông ta hỏi:
- Chuẩn úy có nhà quen ở ngoài không?
- Không có, Thượng sĩ.
Tôi cất lại giấy tờ, viên Thượng sĩ đứng lên chỉ lối đường cho tôi đến khu cư xá vãng lai.
- Dãy nhà nằm bên dưới Câu lạc bộ. Nhưng, Chuẩn úy phải vào chỗ Câu lạc bộ trước, gặp Trung úy Thành, ông ta sẽ giúp cho.
Tôi rời bước, hướng theo con đường dẫn đến Câu lạc bộ. Đang lúc này còn giờ làm việc, các phòng đều mở đèn sáng. Bỗng nhiên, tôi thấy vui hẳn lên khi nghe tiếng nhạc và giọng hát Khánh Ly.
Vào trong Câu lạc bộ, tôi thấy mấy bàn có khách, có một bàn có bốn chàng phi công đang ngồi đánh bài, anh nào cũng để bên cạnh ly cà phê, gói thuốc.
Tôi tới quầy, hỏi người đàn bà đang ngồi trông hàng. Bà ta bảo:
- Anh đi ra cửa sau, rẽ trái, phòng đầu tiên.
Thực may cho tôi, vừa lúc đó, viên Trung úy xuất hiện. Tôi đứng nghiêm chào kính, xong trình sự vụ lệnh.
Trung úy Thành hỏi:
- Anh về đây một mình?
- Không, có nhiều anh em nữa.
- Họ tập trung ở đâu?
- Tôi không rõ. Ngày ra trường, chúng tôi được hai tuần phép thăm nhà. Từ Huế, tôi vào đây.
- Giờ, anh cần gì?
- Tôi không có nhà ngoài. Nhờ Trung úy cho một chỗ nghỉ vãng lai.
- Anh không có nhà quen sao?
- Dạ không.
Viên Trung úy có vẻ nghĩ ngợi.
- Thôi được, anh theo tôi.
Tôi đi theo viên Trung úy ra lối cửa sau. Hai người vào văn phòng làm thủ tục tạm trú, sau đó, ông ta dẫn tôi đi đến một khu cư xá nằm biệt lập, xa câu lạc bộ khoảng chừng vài trăm mét.
- Cư xá vãng lai kín chỗ rồi. Anh qua đây ở tạm chung với Thiếu úy Thuyên.
- Đây là cư xá cơ hữu?
- Phải. Ngày mai có một số người đi, tôi sẽ đưa anh qua vãng lai.
- Sao cũng được, Trung úy. Tôi nghĩ, anh em chúng tôi có ở Sư đoàn cũng chỉ trong vài ba ngày rồi đi ra Trung đoàn.
- Tôi không rõ lắm, nhiệm vụ của tôi là giúp những người ở xa mới đến.
Lúc nãy, ở văn phòng Trung úy Thành đã có liên lạc điện thoại gặp Thiếu úy Thuyên được sự ưng thuận nên giờ mới dẫn tôi đi.
Khi hai người đến, Thiếu úy Thuyên đã sẵn chờ khách trước cửa phòng. Tôi được giới thiệu, viên Thiếu úy niềm nở bắt tay.
Trung úy Thành vội đi. Thiếu úy Thuyên đưa tôi vào bên trong, chỉ cho chỗ tôi bỏ túi xách và ba lô, rồi buồng tắm, buồng vệ sinh. Tôi đưa mắt nhìn quanh, rồi đồ đạc để xuống nền nhà bên góc sát chỗ giường nằm.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 23 guests