Nạn nhân thứ 19 chết trong tay công an năm 2014BÌNH THUẬN (NV) .- Một người đàn ông bị Công an phường tại thị trấn La Gi dẫn đi điều tra khoảng sau nửa đêm, đến sáng có tin ông ta “bỗng nhiên treo cổ chết” trong trụ sở công an phường này.
Bà Huỳnh Thị Sen, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Hạ, vô cùng thắc mắc về cái chết bất thường của chồng mình tại trụ sở Công an. (Hình: Người Lao Động)Theo tờ Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hạ (SN 1967) nhà tại khu phố 2, phường Tân An, thị xã La Gi, bị Công an phường Tân An, thị xã La Gi, bắt dẫn di khoảng sau nửa đêm 27 sang ngày 28/10/2014.
Vợ ông, bà Huỳnh Thị Sen, 48 tuổi, được báo Người Lao Động thuật lại rằng “vì sợ người ta đến đòi nợ nên bà Sen kêu chồng đi lánh mặt. Ông Hạ không đồng ý nên một mình bà đến nhà chị Mười hàng xóm để trốn chủ nợ. Khoảng 19 giờ, ông Hạ sang nhà chị Mười gọi vợ về nhưng bà Sen không chịu về. Đến 00 giờ, bà Sen về kêu cửa thì bị ông Hạ lấy chổi quét nhà quất đuổi đi.”
Vì vậy, tờ Người Lao Động kể tiếp: “Bà Sen tiếp tục tới nhà hàng xóm tá túc. Đến khoảng 1 giờ ngày 28-10, bà Nguyễn Thị Thu (SN 1961, chị ruột ông Hạ) chạy lên nói với bà Sen là ông Hạ vừa đốt xe máy của hàng xóm. Tuy nhiên, đến 5 giờ sáng 28-10, bà Sen mới dám về. Lúc này bà Sen nghe người khác nói chồng bà bị công an phường đưa đi trong đêm. Do bà Sen không có chìa khóa vào nhà nên bà đã đến Công an phường Tân An gặp ông Hạ để lấy chìa khóa thì được công an viên yêu cầu “lát sau quay lại lấy”.
Đến 7 giờ sáng 28-10-2014, nguồn tin trên nói bà Sen được bà Bùi Thị Hiệp (tổ trưởng tổ tự quản tổ 4, khu phố 2) báo tin “ông Hạ đã treo cổ chết ở công an phường”.
Con gái của ông Nguyễn Văn Hạ là chị Nguyễn Thị Diễm (21 tuổi) nói với nhà báo: “Lúc tôi lên thì thấy bố chết trong tư thế đứng treo cổ vào song cửa sắt, mặt quay ngược ra hướng cửa, chân cách nền 10 cm. Sợi dây treo cổ là sợi dây rút nhỏ ở quần, trong phòng không hề có ghế để đứng. Với tư thế đó rất khó để tự treo cổ”.
Chị Nguyễn Thị Diễm (bên phải), con gái nạn nhân, cũng cho rằng cái chết của bố chị có vấn đề. (Hình: Người Lao Động)Còn bà Nguyễn Thị Thu thuật lại với nhà báo cho biết, lúc bà được mời đến xem quá trình khám nghiệm tử thi thì thấy “từ phía cổ lên đến mặt ông Hạ bầm tím, bên sườn trái cũng bị bầm tím”. Không những vậy “trong phòng nơi ông Hạ thắt cổ có 1 cái quần xà lỏn vứt ở giữa nền. Lúc cởi đồ để khám nghiệm, bà Thu lại thấy ông Hạ mặc một chiếc quần dài, bên trong còn mặc 1 cái quần lửng” tờ NLĐ kể.
“Tôi không biết tại sao lại có chiếc quần thứ 3 này, vì em tôi không thể mặc một lúc 3 chiếc quần được” – bà Thu thắc mắc.
Khi được nhà báo hỏi về những bất thường trong cái chết đầy nghi vấn ông Hạ bị Công an phường Tân An tra tấn nhục hình đến chết, ông Nguyễn Long, Trưởng công an thị xã La Gi chỉ nói: “Hiện cơ quan công an đang điều tra nên không thể cung cấp thông tin gì cho báo chí”.
Ông Nguyễn Văn Hạ là nạn nhân thứ 19 chết trong tay công an CSVN sau khi bị bắt về trụ sở chỉ vài tiếng đồng hồ từ đầu năm 2014 đến nay. Ông Hạ cũng là nạn nhân thứ 6 bị Công an khai là “tự tử” dù trên thân thể có nhiều dấu vết của tra tấn, nhục hình. Năm nay là năm có số nạn nhân chết trong tay Công an vì bị tra tấn, nhục hình nhiều hơn hẳn các năm trước dù chế độ Hà Nội ký tham gia Công ước Chống Tra Tấn từ hồi tháng 11 năm ngoái.
Vu cho nạn nhân "tự tử" là cách giản dị nhất, dễ nhất để cho Công an chối tội giết người. Không thấy các vụ khám nghiệm tử thi có đòi hỏi chụp quang tuyến, trước khi giải phẫu và các loại xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân cái chết. Các vụ khám nghiệm tử thi do pháp y của công an làm theo chỉ thị để đưa ra các kết luận theo nhu cầu “ở trên”, không phải từ quan sát chuyên môn và khách quan.
Chế độ Hà Nội dự trù cho quốc hội phê chuẩn Công ước Chống Tra Tấn vào kỳ họp đang diễn ra. Tuy nhiên, ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước CSVN rào đón trước rằng “Không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước LHQ chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.”
Ông này còn diễn giải thêm là “Việc thực hiện các quy định của Công ước này sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi, có lại”. (TN)