Khi Con Nói Dối

Nơi cho các bậc Cha Mẹ trao đổi kinh nghiệm

Moderators: tiếu lâm, A Mít

Khi Con Nói Dối

Postby tiếu lâm » 03 Sep 2008

Image


Nói dối là một hành vi rất thường thấy ở trẻ em và nó khiến cho không ít các bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng, thậm chí tỏ ra nghiêm khắc. Vậy đâu là nguyên nhân của hành vi nói dối ở trẻ và bố mẹ nên làm gì trong trường hợp này?


Trẻ “học” nói dối từ bao giờ?


Nói dối là một trong những điều trẻ “học” được từ rất sớm. Trên thực tế, nhiều nhà khoa học tin rằng trẻ em luôn có những mối quan hệ phức tạp (do hoàn cảnh hay do chính chúng tạo ta) mà không phải lúc nào cha mẹ cũng hiểu hết được. Học cách để đối phó với những hoàn cảnh đó là một trong những khía cạnh của việc hình thành và phát triển nhân cách.


Tiến sĩ Bella DePaulo tại đại học California, một trong những người tiên phong nghiên cứu về sự lừa dối cho biết: “Để giao tiếp thành công với người khác, bạn cần phải biết làm cách nào để diễn đạt ý của mình và thể hiện những thay đổi trên nét mặt để gây ấn tượng với người đối diện. Trẻ con làm quen với các mối quan hệ bằng cách cân bằng giữa việc nhận dạng được cảm xúc của mình và tìm cách làm sao để truyền tải đến được với người nghe để khiến họ hiểu đúng như ý mình mong muốn”.



Chẳng hạn, khi còn nhỏ, bé mỉm cười khi bé muốn mẹ cười với bé. Nụ cười đó không nhất thiết chứng tỏ rằng bé đang vui mà chỉ là bé muốn nhận được một cử chỉ ấm áp từ mẹ mà thôi. Trẻ con học cách để đọc được suy nghĩ của người khác trước khi học nói.

Nhiều khi, trẻ nói dối để thăm dò ý kiến và phản ứng của người khác. Đó là khi chúng nói với bố mẹ một điều gì đó không đúng. Nếu bố mẹ tỏ ra không mấy hào hứng, thậm chí trả lời rằng: “Con thật là lắm chuyện và rắc rối” thì rất có thể họ đã làm tình hình tồi tệ thêm lên. Câu trả lời trẻ muốn nhận được trong lúc đó là: “Điều gì khiến con làm như thế? Hay con chỉ nói đùa bố/mẹ thôi vậy?”
Nếu trẻ bị giao ra nhiệm vụ quá khó khăn hay một mục tiêu quá lớn mà chúng lại không đạt được, chúng có xu hướng nói dối. Điều này xảy ra rất thường xuyên ở trường học. Khi trẻ thất bại, chúng nói dối về kết quả, hoặc chúng an ủi bố mẹ rằng: “Thực ra điều đó không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập cuối cùng của con cả”. Cách nói thứ hai có vẻ dễ được tha thứ hơn, tuy nhiên lại làm cho trẻ chịu đựng thêm nhiều áp lực không chỉ về sự bẽ mặt trước thầy cô và bạn bè mà còn phải làm sao vượt qua được chính nỗi buồn của chính mình nữa.

Nói dối tự nó không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Bố mẹ cần phải tìm ra được nguyên nhân dẫn đến hành vi nói dối ở trẻ. Tuy nhiên, những lời tra hỏi trực tiếp và có phần gay gắt dường như lại phản tác dụng và làm mất đi khả năng nói ra sự thật của trẻ.

Tại sao trẻ lại nói dối?

Không chỉ riêng trẻ con mới nói dối, tuy nhiên cách thức và nội dung nói dối của trẻ khác với những người lớn tuổi. Trong một nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Depaulo đưa ra kết luận rằng chỉ có 1 trong số 77 sinh viên đại học viết nhật ký riêng nói ra sự thật về những điều mình đã trải qua. Hơn nữa, hầu hết những lời nói dối đều mang tính chất “tự định hướng”. Với những lời nói dối kiểu như vậy, người nói mong muốn làm cho hình ảnh của mình tốt đẹp hơn, hay để bảo vệ chính mình khỏi sự lúng túng, xấu hổ, sự trừng phạt, hoặc để có được thứ mà người đó muốn.



Chẳng hạn, một lời nói dối “tự định hướng” của người lớn có thể là: “Xin lỗi, tôi đến muộn. Tôi bị tắc đường”. Trong khi đó, trẻ con thì nói: “Đó không phải là lỗi của con, tại con chó nhà mình nó gặm mất bài tập của con rồi đấy chứ”. Lời nói dối đôi khi là vì cảm xúc của người nghe, chẳng hạn người lớn nói: “Trông em không giống như đang lên cân chút nào cả”. Trong khi trẻ con: “Món quà này thật tuyệt, nội ạ!”.




Image


Những lời nói dối theo cách nào đi chăng nữa đều xuất phát từ những động cơ gần giống nhau: để xoa dịu sự lo lắng, tránh sự xung đột, vòng vo về một điều không hay và để tránh cho người nghe khỏi những cảm xúc không thoải mái. Trong trường hợp này, nói dối giúp điều hoà cảm xúc của người nói và khiến họ cảm thấy nhẹ nhàng hơn là những lời nói thật. Chúng ta thường gọi đó là những lời nói dối có thiện ý.
Trẻ con học cách nói những lời nói dối có thiện ý từ rất sớm. Trường Đại học Queen ở Ontario, Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu rất thú vị đối với những đứa trẻ từ 5 đến 7 tuổi. Chúng được đưa cho xem tấm hình về một người đàn ông với cái mũi rất to và xấu xí. Sau đó, người đàn ông trong tấm ảnh tiến đến và hỏi chúng rằng: “Trông ta trong bức ảnh có ổn không?”. Hầu hết chúng trả lời rằng: “Trông bác rất tuyệt” và điều đặc biệt là cách nói của chúng rất tự nhiên, đến nỗi những người chứng kiến khó mà nhận ra rằng chúng đang nói thật hay nói dối.

Trẻ học nói dối ở đâu?

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ học cách nói dối từ những người bạn của mình, giống như sự lây lan của vi rút. Tuy nhiên, người lớn mới chính là những hình mẫu đầu tiên của chúng.

Thực tế là: phụ huynh cũng rất thường hay nói dối. Đôi khi, những lời nói dối đó hoàn toàn vô hại: ví như kể câu chuyện về một vùng xa xôi hẻo lánh nào đó để khuyến khích trẻ ăn đúng giờ hoặc nghe lời. Và tất nhiên, có rất nhiều vấn đề mà bố mẹ luôn phải tránh nói ra sự thật, như là cái chết, bạo lực, hoặc những sự nguy hiểm. Đơn giản bởi vì trẻ con còn quá non nớt để hiểu được những điều đó.

Ngoài ra, chúng ta thường xuyên nói dối để có những tác động tích cực đến con mình. Ví như chúng ta luôn nói với chúng rằng: “Ông già Noel vẫn thường xuyên liên lạc với bố mẹ để hỏi xem dạo này con có chăm học hay không?”, hoặc: “Nếu con không nghe lời thì bố mẹ sẽ nói với ông già Noel không tặng quà cho con nữa”. Vấn đề là chúng ta không tính những câu chuyện đó như những điều không đúng sự thật.

Sự nghiêm khắc có giúp trẻ không nói dối?

Chúng ta thường nhận được những lời khuyên rằng hãy trở thành tấm gương tốt cho trẻ bằng cách không hề nói dối chúng chút nào. Tuy nhiên, đây dường như lại là điều không thể. Thử thách đối với các bậc phụ huynh là phải biết cách cân bằng giữa việc đặt ra những chuẩn mực và việc chấp nhận sự không hoàn hảo của con người.

Với mong muốn có được những đứa con hoàn hảo, các bậc phụ huynh có thể đặt ra một luật lệ hà khắc là: “Trong gia đình, không bao giờ được phép nói dối”. Tuy nhiên, thực tế là họ sẽ phải đối mặt với sự thất bại của con mình trong việc chấp hành theo đúng những luật lệ đã được đề ra đó. Những luật lệ càng hà khắc bao nhiêu thì càng khó cho những đứa trẻ có thể hiểu ra và chấp nhận sự thiếu hoàn hảo của chúng bấy nhiêu. Vì thế, thay vì đặt ra những mục tiêu phi thực tế như trên, điều có ích hơn mà các bậc phụ huynh nên làm là đề ra những giới hạn có thể chấp nhận được của gia đình mình.

Đôi khi, việc dạy cho con cách nói dối thiện chí trong những trường hợp cụ thể là rất cần thiết để giúp chúng phát triển các kỹ năng về giao tiếp trong xã hội. Sẽ rất quan trọng khi bạn dạy cho con mình rằng thay vì nói: “Trông bạn thật xấu xí” hoặc: “Đồ chơi của tớ đẹp và đắt tiền gấp mấy lần của cậu” thì hãy tập cho bé cách nói lịch sự: “Thật vui khi được gặp cậu”, “Đồ chơi của cậu thật đáng yêu”.

Làm cách nào để khuyến khích trẻ nói thật?

Làm cách nào để có thể giúp bé thường xuyên nói thật thay vì nói dối? Bằng cách khuyến khích và đánh giá cao sự thật thà. Bằng cách kể những câu chuyện có những tấm gương về người nói thật được ngợi ca. Bằng cách nói chuyện với bé sau mỗi lần nhận ra bé nói dối không chỉ về nội dung lời nói đó mà còn về hậu quả của sự gian dối đó. Bằng cách cảnh cáo với bé về những hình phạt bé có thể phải nhận nếu bị phát hiện rằng mình nói dối...

Những điều trẻ cần được biết là bạn luôn mong muốn chúng làm những điều đúng đắn. Bạn cũng biết rằng không có người nào hoàn hảo cả. Hãy tạo cho trẻ tâm lý rằng nếu mắc lỗi, chúng có thể đến bên bạn kể hết mọi chuyện một cách thoải mái và yên tâm. Vì không những không bị trừng phạt, chúng còn có thể nhận được những lời khuyên nhủ và động viên từ bạn để có thể sửa sai và trở nên tốt hơn, ngoan hơn trong tương lai.

Những đứa trẻ sớm có được mối liên hệ gần gũi, yêu thương và đáng tin cậy từ gia đình sẽ biết tự đánh giá được giá trị của sự chính trực, chân thành trong tương lai, rằng đó sẽ là điều cơ bản khi xây dựng mối quan hệ của mình với bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh. Vì thế, nếu bạn muốn con mình trở thàn một người tốt, hãy bắt đầu bằng việc đảm bảo rằng gia đình luôn đem lại cho con sự yêu thương, ủng hộ, tôn trọng và luôn lắng nghe những điều chúng muốn kể.

ST
Một nụ cười bằng mười viên thuốc bổ.

Thở đi nhẹ một kiếp người.
Vui đi để có nụ cười thêng thang.
User avatar
tiếu lâm
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $36,747
Posts: 3570
Joined: 13 Dec 2007
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tiếu lâm từ: christiane

Return to Giáo Dục Mầm Mít



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 17 guests