Đời Bán Máu

Nơi chia xẻ với nhau những tâm sự, cảm xúc...trong cuộc sống hằng ngày

Moderators: littlehoney999, Ngươi vien xu, A Mít

Đời Bán Máu

Postby trungnt » 09 Dec 2006

Không đành lòng để đứa con chưa đầy 8 tuổi phải nghỉ học, chị Trần Thanh Vân ở phường 5, quận 4, TP HCM, đã tìm đến Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM để bán máu. Và từ đó, chị gia nhập “đội quân” bán máu chuyên nghiệp quanh bệnh viện này.

Trời chưa sáng tỏ, ông Hùng ở quận Phú Nhuận đã hối hả đạp chiếc xe cà tàng hướng về Bệnh viện Truyền máu huyết học. Chốc chốc, ông lại lấm lét ngoái nhìn đằng sau, sợ có người quen phát hiện.

Mấy năm nay ông giấu vợ, dối con để đi bán máu. Dù chưa tới 50 tuổi nhưng trông ông chẳng khác nào một ông lão 70, da dẻ nhăn nheo, xanh lét. “Gần 7 năm nay, bà ấy bệnh liệt giường, mọi việc trong gia đình đều đổ hết lên vai tôi. Nào tiền ăn cho cả nhà, tiền thuốc men của bà ấy, tiền học của 2 đứa con", ông kể. Bởi vậy, khi tìm được chỗ bán máu là ông bám luôn nghề này.

Theo quy định của ngành y tế, trung bình 2 tháng mới được cho máu một lần nhưng tháng nào ông cũng bán. Để tránh sự phát hiện của bác sĩ, ông làm 2 thẻ hiến máu, một cái ở Bệnh viện Truyền máu huyết học và một cái ở Bệnh viện Quân y 175.

“Có ai muốn làm cái nghề này đâu, chẳng qua túng quá nên mới làm liều thôi", ông Nguyễn Văn Định ở Chợ Gạo, Tiền Giang, giãi bày. Ông mới hơn 40 tuổi nhưng có tới 9 năm hành nghề bán máu từ Tiền Giang lên Sài Gòn. Đến lúc các bệnh viện nhẵn mặt, không còn đường “kiếm ăn”, ông còn ra Bến xe Miền Đông năn nỉ mấy bác tài cho quá giang ra Hà Nội để… bán máu.

Có tháng ông bán tới 4 lần, có lần vừa được lấy máu xong là xỉu ngay tại chỗ. "Không bán thì lấy gì mà nuôi con", ông cười méo mó giải thích. Gia đình ông đông con, đứa nào học hết lớp 3, lớp 4 biết đọc, biết viết là cho nghỉ đi bán vé số. Ông Định còn cho biết, đàn ông làm “nghề” này còn xỉu lên, xỉu xuống, vậy mà có chị bụng mang dạ chửa cũng tìm đến đây bán máu.

Thâm niên 20 năm trong nghề, bà Thúy được coi là “đại ca” của nghề bán máu tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM. Hầu như chuyện gì ở đây bà cũng rõ như lòng bàn tay. Bà tiết lộ, không phải ai bán máu cũng là người khó khăn. Có nhiều người bán máu để lấy tiền đánh đề, cờ bạc, rượu chè…

Cò “hút máu”

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Truyền máu huyết học có khoảng 100 người đến bán máu. Để có thể bán được máu, bắt buộc người bán phải đi thật sớm để xếp hàng. Song, không ít người từ các tỉnh đổ về không thể đến sớm được. Thế là dịch vụ “xí chỗ” ra đời. Khoảng 3-4 giờ sáng, mấy đứa trẻ quanh đây lỉnh kỉnh nào gạch, nào báo… đem tới trước cửa bệnh viện xí chỗ. Một đứa có thể xí tới 4-5 chỗ, mỗi chỗ được bán với giá 5.000 đồng.

6 giờ sáng, “chợ bán chỗ” rã đám, nhường “sân” cho những người bán thuốc và nước. Bỏ trong túi quần, túi áo dăm bảy viên thuốc con nhộng to bằng đầu đũa, vài viên thuốc màu nâu to cỡ hạt đậu, mỗi buổi sáng tại Bệnh viện truyền máu huyết học, ông Phước có thể kiếm được 20.000-30.000 đồng. Mấy loại thuốc này tên gì, xuất xứ ở đâu chỉ có ông biết. Ông thường quảng cáo, những viên thuốc này có tác dụng tăng hồng cầu, người bán máu cứ vô tư mà vượt qua “cửa ải” xét nghiệm của các bác sĩ.

Còn theo lời giải thích của bà Mùi bán trà, thì việc uống thuốc với nước trà đường nóng không những tăng lượng hồng cầu trong máu mà còn tăng cả lượng máu nữa. Hầu hết những người bán máu chuyên nghiệp đều là dân lao động, trình độ văn hóa thấp nên dễ dàng bị những “cò máu” này dụ ngọt.

Tuy nhiên, những người như bà Mùi, ông Phước chỉ là làm ăn kiểu “cò con". Làm ăn "lớn" ở lĩnh vực bán máu phải kể đến bà Thúy, bà Hương, những người cho vay nặng lãi.

Chị Trần Thanh Vân kể, theo chỉ định của bác sĩ, ngày 20/11 là lấy máu, nhưng ngày 15 chị đã phải đóng tiền nhà trọ. Để có tiền, chị cầm chứng minh nhân dân, thẻ hiến máu thế chấp cho bà Thúy để vay 100.000 đồng. Ngày hôm sau, chị quay lại “mượn tạm” bà toàn bộ số giấy tờ của mình. Lúc này, bà Thúy đã dán một miếng giấy nhỏ có ghi dòng chữ 16/11 chồng lên dòng chữ 20/11 trong thẻ hiến máu. Chị cầm chứng minh nhân dân và thẻ hiến máu nộp cho Bệnh viện truyền máu huyết học.

Do quá đông người nên nhân viên của trung tâm rất khó phát hiện ra sự gian lận này, và chị đã bán được máu. Bán xong, cầm 150.000 đồng chưa nóng tay, chị đã phải trao hết cho bà Thúy, trong đó có 100.000 đồng tiền vay, 30.000 đồng tiền lãi và 20.000 đồng tiền công dán giấy thay đổi ngày lấy máu. “Nếu tôi không bán máu được, bà Thúy sẽ dẫn tôi đến bệnh viện Quân y 175, cũng với chiêu thức này tôi có thể bán được máu trả nợ cho bà", chị Vân kể.

Khi được hỏi đã có ai "xù" tiền chưa, bà Thuý khẳng định: "Đứa nào 'xù' bị xử đẹp ngay". Lúc nào bà cũng nắm đằng chuôi (giữ thẻ hiến máu, chứng minh nhân dân) nên người bán máu muốn kiếm cơm bằng cái nghề này thì phải ngoan ngoãn trả tiền gốc, tiền lãi cho bà đúng và đủ.
Image
User avatar
trungnt
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $32,320
Posts: 471
Joined: 24 Aug 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng trungnt từ: MuaThuDuoiMua, Minh Chau, NgÆ°Æ¡i vien xu, thuongmotnguoi

Return to Tuỳ Bút và Văn sáng tác



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 38 guests