Cái Khạp Da Bò

Nơi chia xẻ với nhau những tâm sự, cảm xúc...trong cuộc sống hằng ngày

Moderators: littlehoney999, Ngươi vien xu, A Mít

Cái Khạp Da Bò

Postby Thuvang » 30 Sep 2017

Cái Khạp Da Bò
----------------------------

Image

Thêm một ngày không nắng, thêm một buổi chiều buồn... chỉ ngần ấy thôi, đủ sức để khơi lại trong lòng người những chuyện thuộc về hôm qua, những gì thuộc về quá khứ.

Dù muốn dù không, thời gian cứ trôi, ngày đêm tiếp nối, bằng phẳng, vui tươi hay gai góc, ta rồi vẫn sống để đong đầy thêm cái thi vị của cuộc đời.

Quay cuồng theo nhịp điệu đòng đưa của đời sống, trong cái bộn bề, xô đẩy của mưu sinh, trong sự chèn ép vô tình giữa người với người, những dòng ký ức trung thành kề cận mãi với chủ nhân mình qua mọi biến chuyển cuộc đời. Nếu có dịp nào buông thả, chẳng làm gì hết, ngồi mà nhớ lại sẽ khiến cho lòng dạ vốn dĩ thăng trầm được phép chùng xuống, nhẹ nhàng, bình yên hơn, và có thể có một nụ cười nửa miệng, nhưng không kém phần mãnh liệt của yêu thương.
Thế gian này dù đông đúc, chật chội nhưng tâm hồn con người đôi khi có những khoảng lặng với cảm giác trống trải, cô đơn, trìu trũi khó mà ai chia sớt và bù lấp được.
Đưa mắt nhìn khoảnh sân đầy lá rụng, nhìn buồng cau kiểng oằn trũi những trái nhỏ ly ty, ngó mái ngói màu hồng hồng… thường dễ cho những người lưu vong vì lý do gì đi nữa chợt nhớ về quê nhà nhiều nhất, cứ như là nghe đâu đó văng vẳng tiếng cười đùa hồn nhiên của một thời hạnh phúc, mặc dầu lúc bấy giờ luôn phải luôn đương đầu với bao nhiêu là thiếu thốn.
Nhìn cây Palm nhớ cây dừa nghiêng nghiêng mé sông, nhìn con chim sâu nhớ ngay chim cu đất đậu nhánh mù u, nhìn đồng cỏ mênh mông nhớ bãi ruộng lúa bên đường làng...
Tôi lại sắp đi vào động tác lên dây thều cho chiếc đồng hồ ký ức cũ kỹ được chạy lại để rồi nghe nhịp tim mình đang quay bước trở về một thuở xa xưa. Nhón gót đi lần về phía nhớ nhung một cách nhẹ nhàng, thật nhẹ, từ từ chậm chậm, thật chậm, chậm thôi để không làm đánh thức hàng loạt ký ức, để tránh sự nhẫn tâm bỏ sót nào đó cảm xúc của mình.

Thật là kỳ diệu, một trái tim nhỏ bé mà chứa đựng bao điều to tát, mênh mông. Hình như cả bầu trời và mây bay trong giây phút đó xuyên qua mọi sự chuyển động chỉ là để chuyên chở một luồng hương thơm quen thuộc tự xa xôi quê nhà về cạnh bên mình.

Có lẽ do nỗi nhớ quá mênh mông, nỗi nhớ quá lớn, quá thiêng liêng, trầm khuất tận sâu thẳm trái tim nên chẳng tìm được từ ngữ nào có thể diễn tả cho vừa khít, do đó vỏn vẹn từ lâu vẫn là ba chữ Nhớ Quê Hương.
Ba chữ đó, có người luôn buột miệng nói thành lời, có người ôm giữ nó một cách thinh lặng và chỉ chờ dịp để bung ra, tuôn chảy vỡ òa trong cuộc sống đời thường của mình.

Nhớ về quê hương là nhớ về những điều quen thuộc đã gắn bó ngày ngày tháng tháng với cuộc sống.
Quê hương với bao là hình bóng tôn thờ, kính mến của những người thân yêu.
Quê hương là những hình ảnh rất cụ thể, rất bình thường như cây đa, bến đò, chiếc võng, cây sáo trúc, chiếc đòn gánh...
Quê hương là của mình, là có mình trong đó, là duy nhất nên rất gần gũi, nhắm mắt lại ta vẫn có thể nhìn thấy rõ như in.
Riêng đối với tôi, có lẽ do bản tính lục đục của người phụ nữ Nam Bộ hay có lẽ tại phận mình là nhi nữ thường tình, thủ phận kim chỉ, bếp núc nên hình ảnh mấy cái lu nước bên hiên nhà là hình ảnh khiến tôi thúc thít thương nhớ nhiều nhất.

Người miền Tây nào, đa số lúc sinh ra cũng nhìn thấy một dòng sông, đôi khi ngay trước cửa nhà mình.
Những dòng sông, con rạch luồn lách chở đầy phù sa vun đắp cho ruộng vườn, cây cối xanh tươi.
Những dòng sông êm đềm, mượt mà theo con nước lớn, ròng len lỏi chảy vào dòng đời của từng người một từ lúc sanh ra, lớn lên, già nua và khuất bóng.
Những dòng sông vàng màu phù sa, không bao giờ cạn này đã cho ta múc từng thùng nước đổ vào khạp, lóng phèn để mang nguồn sống đến mọi nhà, mọi người trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Có mái nhà là có cái khạp, cái lu. Khi con cái lập gia đình, ra riêng, nhiều Cha Mẹ đã sắm sửa cho con mình một cặp lu xem như là của hồi môn và cũng là thay lời chúc hạnh phúc, cuộc sống gia đình luôn tròn trịa đầy ắp với một tương lai tốt đẹp.
Cái khạp là hình ảnh biểu tượng bản chất bình dị của người dân xứ mình chịu đựng gian khổ, dầm mưa dãi nắng với tấm lòng thương yêu.

" Câu hò tôi đựng một khạp da bò
Tôi quên đậy nắp nó bò hết trơn"

Câu hò đồng dao, cái khạp da bò... Một thứ hạnh phúc vô cùng đơn giản gắn liền với đời sống mọi người.

Khạp da bò, lu mái dú, lu con rồng...
Khạp thì đầu đuôi bằng nhau dùng hứng nước mưa để dành uống, để đựng gạo... có lẽ đầu đuôi bằng nhau cho dễ xúc, dễ lau chùi.
Lu thì thường cái đoạn giữa hay nôm na gọi là cái bụng thì phình ra, dung tích thì lớn hơn cái khạp, có cái phải nói là to đùng, bự tổ chảng.
Hầu hết trong mọi sân nhà, ta đều nhìn thấy một dãy lu được đặt bên hông, bên chái bếp. Nếu được xếp ngay ngắn, thẳng hàng, tươm tất thì coi như nhà này tương đối khá giã, bằng không tệ lắm cũng có một cặp. Tuổi thọ của chúng tương đối rất thọ, bằng chứng là cứ nhìn vào sự có mặt của nó từ đời ông bà đến cháu chít, có cái còn được kiềng lại chung quanh để tránh sự nứt bể, xài tới bốn năm đời hay hơn nữa.

Image

Vào thời của tôi thì cái lu mái dú phần lớn đã được thay thế bằng lu con rồng cũng với màu da bò nhưng bóng láng hơn. Tôi vẫn còn nhớ như in cái động tác khòm lưng, chổng cẳng, đầu thì phải chúi vào trong để múc nước khi mực nước cạn gần tới đáy.
Lu hay khạp mà hễ đựng nước thì đều có lăng quăng, nên mỗi lần hứng nước mới đều phải xúc rửa, nắp lu luôn giữ sạch và đậy thật kín.
Xế xế chiều, hôm nào mà đói bụng, lục cơm nguội xong ra bờ hè, mở nắp khạp nước, múc một gáo mà uống ực vào thì ôi thôi cái cảm giác mát mẻ chạy từ cuống họng lan dần đến tim, từ đầu đến chân, sự thỏa mãn hưởng thụ này không sao tả nổi, coi như đủ đầy tất cả.
Cái thông dụng thứ hai của khạp là dùng để đựng gạo, gạo chứa trong đó thì không sợ chuột, mèo quậy phá vì khạp đều có nắp đậy rất chắc chắn, và khá nặng nề. Gạo để trong khạp ít bị sâu mọt nếu chen vào giữa vài cục than khô sạch. Chuối chưa chín, xanh chành mà đem dú vào khạp gạo thì chuối sẽ mau chín và sau đó ánh lên màu vàng au nhìn thấy là muốn ăn ngay. Khạp còn được xử dụng để làm dưa chua, làm mắm, làm giá, ủ tương hột, dùng lóng nước tro từ than củi để gội đầu hay ngâm nếp gói bánh tét, bánh ú.

Khạp, lu gắn liền với đời sống con người mặc dù không thông qua văn bản, không ghi thành văn tự.

Nhưng, điều làm tôi rung động, hảnh diện nhất trong cái sâu thẳm tấm lòng mình là hình ảnh cái khạp nước thí được đặt trước cổng nhà cho khách bộ hành, người lở đường qua lại dừng chân giải khát. Cái khạp da bò với những giọt nước trong veo đầy ắp nghĩa tình.

Image

Cái khạp nước thí này có hồi nào tôi không biết vì từ lúc sanh ra tôi đã thấy sự hiện diện của nó rồi, và tôi chỉ thấy tại quê hương mình mới có mà thôi.
Khạp nước thí bộc lộ tấm lòng thương người, chịu khó, nhẫn nhục của dân quê mình, lúc nào cũng chỉ muốn làm mát lòng mát dạ chòm xóm láng giềng.
Mỗi lần nhhớ tới cái lu như nhớ về mái nhà, nơi mà thấp thoáng có một bóng dáng của Bà Nội, Bà Ngoại, lụm cụm, lom khom, nét mặt hiền từ, miệng nhai trầu bỏm bẻm, ngóng ngóng ngó ngó tìm con, tìm cháu. Rồi người nhớ nhất vẫn là Má mình, Má ho hen suốt một đời dãi dầu nắng mưa, cần cù, lam lũ, lo lắng trong ngoài cho đàn con no ấm.

Cái khạp, cái lu trải qua tháng ngày mưa nắng, trầy trụa, tróc đi cái võ xinh láng bên ngoài nhưng vẫn còn chứa hoài những giọt nước mưa ngọt ngào, mát mẻ, giống như người mẹ già, sức khỏe yếu dần nhưng lúc nào cũng mong mỏi, giang tay đón những đứa con của mình vào lòng để có thể che chở và yêu thương cho tới giờ phút cuối cùng.
Năm này qua tháng nọ, cái lu bên hiên nhà, vách bếp, vẫn ngóng trông những giọt nước đổ đầy vào một cách rất an nhiên, tự tại như là một đứa trẻ thơ chờ quà của Má.
Tôi thường ví cái lu có một tâm hồn giống như con người, chất chứa bao điều tốt xấu, rồi gạn trong lắng đục để có cuộc sống chan hòa với mọi người chung quanh.

Ngày nay, dọc theo hai bên đường đều có các quán nước nên muốn tìm lại cảm giác mát lạnh của gáo nước trong khạp da bò thật là điều hiếm có.
Hình ảnh cái lu nước và chiếc gáo dừa thân thương khó lòng mà quên được. Chỉ là cái khạp nước lạnh thôi mà, nhưng lại là một hình ảnh chắc nịch, tha thiết nghĩa tình vô cùng. Một nét đẹp tinh thần đáng được giữ gìn.

Chủ nhân những khạp nước thí đó không hề khoe khoang hay nhờ ai vinh danh tấm lòng từ thiện, mà chỉ lặng lẽ âm thầm trao đi những gì có thể.Thật là quá đẹp!
Rong ruổi trong những ngày phép, có dịp qua lại trên những dòng sông, một vài nơi trên đồng bằng sông Cửu Long, nhìn thấy những nhà vệ sinh và buồng tắm che phên, dựng vải sơ sài trên những con kênh, con rạch chằng chịt... tôi nghẹn ngào hiểu ra rằng, như thế nghĩa là chung một dòng nước mà tất cả mọi nhà ở nơi đó đều xử dụng cho sinh hoạt hàng ngày. Lúc đó, tôi chợt nghĩ, cái lu chắc chắn sẽ là một vật dụng hữu ích cho đời sống của họ.
Chỉ nghĩ đến đó, tôi như đang bị dìm xuống vào một cõi nào đó thật xa xôi, thinh lặng và tê liệt hẳn mọi ngôn từ... cho đến khi có cảm giác ấm ấm từ một giọt lệ len lỏi chảy ngược vào tim mới vực mình tĩnh dậy.

Một ngày ở trần gian biết bao nhiêu khổ đau... để lại những dấu vết trong tâm khảm mọi người. Những kỷ niệm được nhắc lại luôn là muôn vàn trăn trở với những nỗi niềm buồn vui, xót xa và pha lẫn ngậm ngùi.

Nhưng có một điều quan trọng là nếu có nhớ về kỷ niệm thì mới giúp cho chúng ta hiểu được điều trước đó, điều sau này, để thông cảm và cố sức mình hơn nữa, để làm tròn bổn phận, để giữ vững sự mong ước cuộc sống rồi sẽ nhẹ nhàng, đẹp đẽ hơn.

Bây giờ, nhà nào cũng xài nước máy, không cần múc từng ca nữa, cái lu cũng tự mình lui vào một góc của cuộc sống, nhường bước cho sự thăng hoa thời đại.

Sự văn minh tiến bộ đã làm biến mất đi bao điều cũ kỹ, làm phai mờ bao giá trị tinh thần nhưng cái khạp, cái lu, cũng như cái cự củi, chiếc ghe tam bản, và nhiều thứ nữa vẫn là hình tượng quê hương ẩn chứa một tâm hồn chân chất, thật thà, mộc mạc, đằm thắm yêu thương của người dân xứ mình.

Cái khạp da bò, cái lu mái dú, mấy chữ đó thôi bỗng dưng trở thành một tiết tấu đậm đà trong bản nhạc tình người quyến rũ réo rắt cung điệu một thời để nhớ và để sống tốt hơn trong lòng những người con xa xứ như tôi.

Thuvang
Thuvang
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $7,118
Posts: 578
Joined: 14 Jun 2017
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thuvang từ: Que Huong, Ngươi vien xu, truyenhoalan, anbuu

Return to Tuỳ Bút và Văn sáng tác



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 10 guests