Ba Mươi Năm Rồi Đó

Nơi chia xẻ với nhau những tâm sự, cảm xúc...trong cuộc sống hằng ngày

Moderators: littlehoney999, Ngươi vien xu, A Mít

Ba Mươi Năm Rồi Đó

Postby IFlyX5 » 31 Jul 2011

Sàigòn ơi, xa em ta mang đời viễn xứ
Trả lại em, bóng dáng con phố xưa
Và tình yêu, xanh tháng ngày muôn thuở
Sàigòn ơi, ta xa em mất rồi!


--- o0o ---


Ừ nhỉ, như vậy là cũng gần 30 năm rồi, từ ngày tôi bỏ nước ra đi. Tiếng hát của Khánh Ly trong cuộn băng cassette cũ mềm Hát Cho Người Ở Lại Quê Hương mà tôi đã nâng niu, cất dấu từ đêm đầu qua định cư tại Mỹ, đêm nay đem ra nghe lại. Cứ mỗi năm đúng vào ngày kỷ niệm tôi và gia đình đặt chân đến Mỹ, tôi lại mang cuộn băng này ra nghe. Nghe để nhớ rằng mình vẫn còn là một người Việt Nam da vàng, còn quê hương bỏ lại sau lưng, và những kỷ niệm của cuộc tình học trò đã ra đi mãi mãi. Sao nhớ quá Saigon ơi, nhớ hôm nào từ giã em ra đi, hẹn một ngày mai trở về thăm lại ngôi trường xưa, con đường cũ mà tôi và em đã đạp xe chung lối, thành phố yêu thương mà tôi đã nghẹn ngào để lại, cùng với mối tình đầu mà tôi không biết rằng sẽ vĩnh viển ra đi.

Tôi quen em khi còn ngồi ghế lớp 9P2 khối Pháp ngữ trường Phan Văn Trị (tên cũ là Hoàng Thụy Năm.) Năm đó, em học thua tôi một lớp, nhưng em học khối Anh ngữ. Thời đó, vào những năm đầu khi những người từ Bắc mới vào cướp lấy thành phố tôi, cứ mỗi sáng trước khi vào lớp, học trò mỗi lớp phải sắp hàng ngay ngắn trong sân trường, hát Tiến Quân Ca, hô khẩu hiệu Bác và Đảng, rồi mới được lên lớp. Năm ấy, tôi được bầu làm lớp trưởng và nhiệm vụ mỗi buổi sáng của tôi là phải đi kiểm duyệt hàng ngay ngắn, trật tự, không thì sẽ bị ban kiểm tra nhà trường xét phạt, không cho lên lớp. Hàng của lớp em nằm ngay bên cạnh lớp tôi, và tình cờ một hôm khi tôi đang đi lên đi xuống xem xét hàng ngũ, thì tôi chạm phải ánh mắt em đang đứng hàng bên kia nhìn qua tôi. Và em quay lại cười khút khít với mấy cô bạn trong hàng, rồi mọi người cứ nhìn qua tôi và cười. Tôi tự nghĩ, "Quái lạ, tại sao nhìn mình rồi cười?". Rồi chẳng nói chẳng rằng, tôi nghiêm mặt nhìn lại. Thế rồi từ hôm đó trở đi, cứ mỗi buổi sáng thì tôi siêng đi lên đi xuống nhiều hơn, cốt ý là được đi ngang qua chỗ em đang đứng và để nhìn lén qua một giây coi có ai đó đang nhìn mình và cười khút khít nữa không.

Cả gần 2 tháng sau lần đầu tiên để ý đến em, tôi mới dám viết một lá thư ngắn ngũn làm quen và nhờ một thằng bạn thân, nổi tiếng là ngỗ ngáo nhất lớp mang đến lớp của em và trao cho em. Thuở ấy khi còn là một cậu bé 14 tuổi học lớp 9, tôi đâu có dám gặp thẳng em để trò chuyện, hò hẹn, hay chọc ghẹo như những đứa nhỏ teenager bên Mỹ này. Gan lắm thì chỉ dám viết thư, rồi nhờ bạn đưa dùm. Rồi thư đi thư lại đến khi thân hơn thì mới dám mời đi ăn chè buổi trưa sau khi tan học. Mà có bao giờ dám đi một mình. Khi nào đi cũng phải rũ theo 1, 2 thằng bạn thân, rồi rũ thêm 1, 2 cô bạn gái thân của em, để khỏi mắc cỡ là có hẹn với bồ, lỡ đứa nào thấy rồi vô lớp hô ầm lên thì phải mất công đính chính và giải thích.

Đó, tình yêu của chúng tôi bắt đầu như thế đó. Nó đơn sơ và thô kệch, ngắn ngũi nhưng để lại trong tôi một vết khoét mà cứ mỗi lần nhớ đến, tôi lại đau buốt và tự hỏi, "Có phải đời người ai cũng có một cái số?"

Lần đầu tiên mời em đi chơi, tôi rũ một thằng bạn rất thân tên Cường và cũng mời thêm một cô bạn gái thân của em đi, rồi cả bọn 4 đứa đèo nhau lên 2 chiếc xe đạp. Lần đầu đi chơi với nhau, hai đứa cũng còn bỡ ngỡ lắm. Lúc đó cũng vào khoảng 6 giờ tối. Tôi đèo thằng bạn đạp xe đến gần trước hẽm nhà em, rồi em dắt chiếc xe đạp, chỡ cô bạn đạp theo sau. Đi được một đoạn dài, tôi mới dám tà tà chạy ngang bên hông và hỏi em có thích tôi chỡ không? Em không nói mà chỉ gật đầu. Tôi dừng lại rồi giao chiếc xe của tôi cho Cường để hắn chỡ cô bạn gái của em, còn tôi nhảy phóc lên chiếc xe đạp của em và đạp đi. Hai đứa đi bên nhau như vậy cũng hơn 10 phút tôi mới dám mỡ lời hỏi thăm. Bốn đứa chúng tôi đi ăn kem ở hồ Con Rùa rồi vội đạp trở về nhà vì em chỉ xin phép gia đình đi chơi có 1 tiếng thôi.

Chở em về đến gần nhà, em nói tôi đổi xe vì sợ có người quen thấy, rồi tôi và Cường lại đèo nhau về sau khi từ giã. Lần đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được đi chung với em. Ba tháng sau, vào cận Tết, gia đình tôi báo cho tôi biết là sẽ chuẩn bị vượt biên.

Ba tôi nói với tôi:
- Mùng 3 Tết này đi rồi nhe con!
- Ủa sao đi sớm quá vậy Ba?

Ba tôi không trả lời, rồi ông dắt xe ra hẽm đạp đi công chuyện. Tôi ngồi đó, bần thần không biết thật hay hư. Mùng 3 Tết thì chỉ còn sáu ngày nữa thôi, mà gia đình tôi mới vừa bán được căn nhà mà Ba Mẹ tôi mua được vài tháng trước ngày mất nước, và mới dọn về căn nhà cũ khi xưa, kế bên căn nhà của Ngoại tôi. Dọn về căn nhà cũ này thì nhỏ hẹp hơn, nhưng Ba Mẹ tôi bỏ túi được một vài cây vàng chuẩn bị cho cuộc vượt biên không biết nay sống mai chết ra sau. Cũng hên là bán nhà được, chứ không thì nó cũng sẽ lọt vào tay mấy tên Công An Phường khi biết nhà tôi vượt biên. Căn nhà bán gấp bán tháo chỉ được 3 cây vàng, mà chủ nhà mới chỉ trả trước 2 cây, hẹn trả nốt cây còn lại trong một tháng (trong khi Ba tôi đã bỏ ra một số vốn khá lớn để mua nó lại từ một ông chủ tiệm sơn xửa xe vì nó nằm ngay mặt đường). Đồ đạc còn để ngổn ngang vì chưa kịp dọn dẹp lại, rồi kế đến mấy hôm trước đây, khi mới dọn về nhà cũ, em gái tôi leo cầu thang lên trên gác chơi, rồi chẳng may khi trèo xuống, em bị trược chân, té rách môi và mẽ đi một góc răng. Những câu chuyện dồn dập xẩy đến, làm cho tôi càng hoang mang thêm.

Chiều mùng 2 Tết, có nghĩa là chỉ còn một ngày nữa trước khi nhà tôi chuẩn bị ra đi, tôi quyết định viết cho em một lá thư từ biệt. Cầm cây viết lên mà không biết mình sẽ viết gì đây, vì nhà đã dặn là không được tiết lộ cho ai biết chuyến đi này, và tôi cũng không biết sẽ viết như thế nào. Và rồi tôi cũng viết. Lá thư chỉ vỏn vẹn một trang giấy, mà phải viết đi viết lại bao nhiêu lần, cộng thêm những giòng nước mắt khi tôi nghĩ đến cảnh chia ly làm cho chữ phai nhoà đi.

Nguyệt Tiên...
Ngày mai P đi rồi. Đi xa lắm và không biết khi nào sẽ gặp lại Tiên.
Cám ơn Tiên đã cho P một hình ảnh quá trọn vẹn, mà khi xa Tiên rồi,
P sẽ hoài không quên...


Xếp lá thư làm hai, tôi cất vào trong túi, rồi leo lên xe, đạp đến nhà em. Đứng trước cổng nhà len lén nhìn vào, tôi thấy trong nhà rất nhộn nhịp, có lẽ là mọi người sắp ăn cơm. Tôi nhấn nhẹ cái chuông cổng, rồi thấy em đi ra. Tôi chào hỏi thăm và biết được là chị của em có mời mấy người bạn cùng lớp đến ăn cơm Tết. Em hỏi tôi có thích vào ăn chung không? Tôi hơi ngại, nên trả lời là đã ăn rồi. Em nói với tôi:

- Thôi P vào ăn thêm đi. Sẳn rồi Tiên giới thiệu với chị của Tiên luôn!

- Chắc P không dám... Ừ thôi, vào một chút rồi P về nha.

Tôi dắt chiếc xe đạp cũ kỷ theo em vào nhà, rồi em dẫn tôi giới thiệu cho chị và mấy người bạn. Chị Hồng lớn hơn em 2 tuổi thành ra cũng rất dễ hòa đồng. Chị nói:

- P đừng ngại nha! Coi như bạn bè trong nhà cả, đừng mắc cỡ.

Sau bữa cơm tối, tôi từ biệt mọi người và xin phép ra về. Em đi theo tiễn tôi ra cổng, rồi bất thần tôi quay lại, móc lá thư gấp hai trong túi đưa cho em. Em cầm lên, đọc nhanh qua, rồi hỏi:

- Ngày mai P đi đâu? Mà tại sao P nói cho Tiên biết trễ quá vậy?

Tôi không trả lời, chỉ đứng đó lặng im và rướm nước mắt. Em lại hỏi:

- Thôi, Tiên biết P đi đâu rồi... Nhưng mà mai mốt P có về lại thăm Tiên không? P nhớ về nha!

- Chắc không biết nữa Tiên. Nhưng nếu về được, P hứa P sẽ về thăm Tiên!

Tôi nắm vội tay em, rồi đứng thừ ra đó. Lần đầu tiên được nắm tay một người con gái, tôi thấy nó ra sao đó. Nhưng cái hình ảnh ngày mai phải ra đi lại trở về với tôi, và tôi lại rướm nước mắt. Em không nói gì, chỉ đứng nhìn tôi, rồi em lặng lẽ quay vô trong. Tôi cố nhìn theo em một lần nữa, hình như là cố ghi đậm lại hình ảnh cuối cùng của em trong trí óc tôi, rồi tôi đạp xe đi. Đi đâu, tôi cũng không cần biết. Tôi đạp và đạp, ra Phạm Viết Chánh, băng qua Hồng Thập Tự, lên Cống Quỳnh, đến Nguyễn Cư Trinh, rồi ghé vào nhà thằng Cường. Cường đi chơi không có nhà, mẹ hắn nói thế. Tôi lủi thủi đạp xe về.

Tối mùng 2 Tết, ngoài đường nhộn nhịp hẳn lên. Người qua, xe lại, ồn ào náo nhiệt, nhưng trong tôi chỉ còn là một khoảng trống. Cái khoảng trống mà tất cả người Việt nào sắp vượt biên cũng phải trải qua. Ngày mai rồi sẽ ra sao? Có đi được đến bến bờ Tự Do hay sẽ vùi mình dưới biển Đông, làm mồi cho cá dữ? Nếu gặp hải tặc Thái Lan thì sẽ ra sao? Có khi nào mình sẽ trở về quê hương nữa không? Rồi mình và em sẽ ra sao? Bao giờ gặp lại nhau?

Sau 2 ngày 3 đêm xuất hành từ Cà Mau, gia đình tôi cùng 31 người hành khách của chiếc tàu đánh cá mong manh vượt biển Đông và đến được bến bờ Mã Lai. Trời vừa hừng sáng thì chiếc tàu cập vào được bãi cát của thành phố Terengganu, miền Đông của nước Mã Lai. Tôi thầm cám ơn Ơn Trên đã phù hộ và biết rằng phúc đức của những hành khách trên tàu cũng còn nhiều, vì mặc dù vùng biển chung quanh đây toàn là đá ngầm, mà tàu chúng tôi được cập vào một bãi cát an toàn, không một chút sức mẻ.

Bãi cát tàu chúng tôi cập vào nằm ngay cái đồn Cảnh Sát Mã Lai. Khi họ thấy tàu chúng tôi vừa cập đến, và đàn bà con nít ùn ùn nhảy xuống tàu lội vào bờ, thì một tốp lính Cảnh Sát cầm súng M16 chạy ra ngay. Việc trước tiên chúng làm là hét tháo bằng tiếng thổ ngữ Mã Lai và chĩa súng vào những đàn ông, thanh niên và bắt họ lột vòng vàng, đồng hồ, dây chuyền bỏ vào một bao cát, xong rồi chúng gom những người này lại đứng xa ra nhóm đàn bà, con gái. Sau lượt lột đồ quý giá của đàn ông thì bọn này quay lại và lột tiếp đồ trang sức quý giá của những người phụ nữ trên tàu. Tôi còn nhớ có một bà cụ cỡ khoảng trên 70, cụ có một chiếc vòng vàng đeo ngón tay áp út. Vì nước biển mặn làm xưng phù ngón tay, cụ không tài nào tháo được chiếc vòng để đưa nộp cho bọn chúng. Thấy cụ chần chừ, một trong những tên Cảnh Sát Mã Lai ra dấu và nói bằng tiếng Anh với một chị trong đoàn người rằng, nếu cụ không chịu gỡ ra thì nó sẽ lấy mã tấu chặt ngón tay cụ. Sau một vài phút cố gắng hết sức thì cụ cũng gở ra được chiếc vòng và nộp cho chúng.

Họ bắt chúng tôi ngồi trên bãi cát đợi chúng quay vô thông báo cho phái đoàn Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau thì chúng lùa tất cả mọi người vào một căn nhà lộp tôn dựng ngay kế bên đồn, và bảo chúng tôi ngồi đợi phái đoàn Cao Ủy tới phỏng vấn. Rồi khoảng 3 giờ chiều hôm đó, chúng tôi lại lên tàu Cao Ủy và được chở qua đảo Pulau Bidong nằm giữa đại dương mênh mông, để tiếp tục cuộc sống đợi chờ đi định cư ở một nước thứ ba.

Đứng mon men bên bong tàu đang chạy giữa lòng đại dương đen thẳm, tôi nhìn về hướng đảo Pulau Bidong mà chúng tôi đang đi đến, và chợt nhớ đến em. Mới vài ngày trước đây em còn đứng bên tôi và hỏi, "Khi nào P trở về thăm Tiên?" mà giờ đây tôi đang ở một nơi cách xa quê hương tôi hàng ngàn cây số, mà khi đại dương là cái hàng rào cách biệt. Quê hương tôi vẫn còn đó, nhưng hình như trong tôi, tôi cảm thấy nó đã mất đi thật sự rồi. Rồi mắt tôi cay cay, không phải vì tôi nhớ em, mà vì tôi chợt khóc khi nhận ra từ giờ phút này trở đi, tôi đã trở thành một người di tản trong dòng người di tản, mất quê hương, mất cuội nguồn, và mất cả niềm tin.

Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam, ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Và đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu...

Khi mới lên trại, gia đình tôi được sắp xếp cho ở dãy nhà khu C, gần sát bãi biển khu C của trại Pulau Bidong. Nói là căn nhà nhưng thật ra nó chỉ là một cái lều được dựng lên với những cành cây to mà những đồng bào vượt biên đến trước lên rừng chặt xuống, khiêng về và lộp lên một miếng nylon dày để làm mái. Vì nhà cửa còn thiếu, gia đình chúng tôi tạm ở chung với hai người đàn ông cùng đi chung chuyến tàu. Trong hai bác này, có một bác tên Trai, là anh vợ của người bạn rất thân của Ba tôi, khi Ba tôi còn làm việc ở ty Cảnh Sát Cần Thơ, vài năm trước ngày miền Nam bị mất. Bác Trai là người Huế và hình như đã từng học y khoa trường đại học Y Khoa Huế.

Gia đình chúng tôi ở chung với hai bác này được 3 tuần thì Ba tôi được mời làm Tổng Thư Ký ban điều hành trại, và được cấp cho một cái nhà 2 tầng nằm mãi tận khu F, đối diện với khu nghĩa trang Pulau Bidong. Gọi là cái nhà 2 tầng thì tôi cũng bật cười, vì nó chỉ là cái chòi to mà người cư dân trước đây có công sáng tạo dựng lên thành vách, và cây cầu thang bằng gỗ rừng dẫn lên tầng 2. Sàn lầu hai thì được làm bằng những thanh cây nhỏ, vuốt tròn, và đóng đinh sát vào nhau thành một dãy. Đây là chỗ ngủ tối của tôi, anh tôi, và người chú ruột. Còn Ba Mẹ và em gái tôi thì ngủ ở tầng dưới, trên một cái giường cũng dựng lên bằng những thanh cây nhỏ đơn sơ, đẽo tròn tương tự.

Khoảng hai tháng sau khi chúng tôi rời căn nhà ở khu C, thì tình cờ vào một đêm, Bác Khánh, một trong hai người đàn ông lúc trước ở chung với gia đình tôi, đến thăm Ba Mẹ tôi, và bác kể lại một câu chuyện. Số là buổi trưa hôm trước lúc bác đang nấu ăn chiều, thì bác thấy Bác Trai đi đâu về, mà đầu tóc thì bối nhầy, quần áo rách tã tơi, và hai cánh tay thì dính đầy máu. Lúc đầu khi bác hỏi thăm cho biết nguyên do, thì Bác Trai trả lời rằng bác đi chơi núi, chẳng may bị trợt té và va vào một tảng đá. Hỏi thêm một hồi thì Bác Trai mới thú thật là Bác mới định tự tử nhưng không may cành cây mà Bác buộc sợi dây thừng thắc cổ, vì quá khô, đã gãy. Rồi Bác Trai mới ngồi kể hết đầu đuôi câu chuyện cho bác Khánh nghe.

Khi còn là sinh viên y khoa trường Đại Học Y Khoa Huế, Bác Trai có một người yêu nhưng gia đình người yêu của Bác Trai không chấp nhận hai người quen nhau, và ép cô lấy một người bác sĩ chuyên khoa về tim, ra trường đã lâu và đang sống ở Saigon. Người yêu của bác lỡ đã có thai với bác, nhưng vì yêu cô, người chồng tương lai của cô đã không ngại lấy cô và nhận đứa bào nhi trong bụng làm con. Câu chuyện tình hai người tưởng đâu thế là hết, thì hơn hai mươi mấy năm sau, khi Bác Trai vượt biên chung với gia đình chúng tôi và vào trại Pulau Bidong, thì Bác Trai mới nhận ra được người yêu cũ của mình bây giờ là vợ của bác sĩ C., hiện là chủ tịch ban điều hành trại tỵ nạn Pulau Bidong. Vì quá đau buồn với kỷ niệm xưa, Bác Trai đã đi đến quyết định tự tử để khỏi phải đối diện với sự thật quá phũ phàng. Có lẽ số Bác Trai cũng chưa đến, nhưng cuộc đời ai cũng có số, vì sau khi Bác Trai được phái đoàn Úc chấp nhận cho đi định cư tại Úc, thì 3 tháng sau khi Bác Trai đặt chân đến Úc, Bác Trai đã tự tử một lần nữa, và lần này thì Bác đã ra đi vĩnh viễn.

Câu chuyện của Bác Trai, khi người ngoài cuộc nghe qua thì cho đó chỉ là kết thúc bi thảm của một chuyện tình không may, nhưng đối với Ba tôi, thì đó là một xúc động rất lớn. Người bác sĩ C. chủ tịch ban điều hành trại chính là một trong những người bạn thân thiết của Ba tôi, và đã cùng Ba tôi theo tàu Pháp ra cảng Hải Phòng, đón đồng bào miền Bắc lánh nạn Cộng Sản di cư vào Nam, sau khi hiệp định Genèva chia đôi đất nước được ký vào năm 1954. Ba tôi cũng là người tài công lái chiếc tàu vượt biên mong manh đem Bác Trai cùng với 34 người đồng hành khác từ Việt Nam qua đến Mã Lai.

--- o0o ---

Sáu tháng trên trại Pulau Bidong trôi qua thật nhanh, và gia đình tôi có tên đi định cư ở Mỹ. Ngày nghe tên mình được đọc lên loa phóng thanh trên đảo, ôi sao mừng quá! Phong tục của những người có tên rời đảo để đi định cư nước thứ ba là mỡ tiệc ăn mừng và ai có căn nhà nào còn tốt thì sẽ kiếm bạn bè thân để nhường lại. Kể ra thì cuộc sống trên đảo trong sáu tháng nay, bây giờ nghĩ lại, đối với tôi, một thằng bé 14 tuổi, thì giống như một thiên đường. Ngày ngày tôi thức dậy sớm, đi bộ qua dãy nhà cách nhà tôi một căn để học thêm tiếng Anh, vì đây là một trong những trường được dựng lên để dạy Anh Ngữ cho đồng bào trên đảo. Học đến khoảng 10 giờ rưỡi thì lớp tan, tôi đi về nhà làm bài tập, rồi kiếm một cái gì đó để làm hay phá, rồi phụ Mẹ tôi nấu cơm trưa. Ăn cơm trưa xong, tôi lãnh phần rữa chén bát và leo lên lầu 2 nằm ngủ. Khoảng 3 giờ trưa thì tôi rũ mấy thằng bạn nhà gần bên, hay mấy chú lớn tuổi hơn ở đối diện nhà tôi, rồi cả bọn xuống bãi biễn khu C tắm. Tắm đến chiều thì về nhà ăn tối, học bài, rồi đi ngủ để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Và cuộc sống của tôi, ngày qua ngày, trôi qua như vậy.

Vì nhà tôi ở khu F, và nằm trên đường đi lên núi, cứ mỗi tối thì có vài ba tốp người, có khi đi lẽ tẽ, có khi đi cả cập, một tay cầm đèn pin, còn tay kia có khi cầm tờ báo, có khi cầm cái xẽng nhỏ, lấp tấp đi lên núi. Ngày đầu khi gia đình tôi mới dọn về căn nhà này, tôi không biết là họ đi đâu, mà sao tối nào cũng thấy có người đi. Khi hỏi ra thì mới biết là mấy người "đi thăm Bác". Bác ở đây là Bác Hồ kính yêu đó ạ. Đi thăm Bác đây có nghĩ là đi tiêu hay đi cầu, hay nói cho có vẽ văn hoa lên là đi "phóng uế". Trên đảo thì có xây nhà vệ sinh cao trên núi, có ống dẫn nước máy chạy lên, và cả ống cống to thông luôn xuống biển. Nhưng nhà cầu thì có, mà nước thì có ngày có, có ngày không. Có khi cả tuần cũng không thấy có nước. Thành ra người dân trên đảo ban đêm cầm đèn pin, "đi thăm Bác" trên núi để khỏi đi vào nhà vệ sinh hôi hám mà không có nước để dội. Kể ra thì cái chuyện "đi thăm Bác" cũng thú vị lắm, vì đảo Pulau Bidong nằm giữa đại dương mênh mông, mà núi thì ở trên cao, trời càng về chiều thì gió biển thổi vào càng mạnh, thành ra đi vệ sinh thì cũng giống như đi hóng mát trên núi. Cái đèn pin thì dùng để xoi đường đi, còn cái xẽng thì dùng để đào lỗ và để lấp đất dấu chỗ. Mà tôi cũng khâm phục sự tưởng tượng phong phú của những người đi trước khi họ đã nghĩ ra cái danh từ "đi thăm Bác". Chắc là để tỏ lòng nhớ ơn Bác và Đảng đã làm cho họ phải bỏ quê, bỏ nước ra đi.

Ngày rời đảo, loa phóng thanh trên đảo mở lên bài Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn với giọng hát của Khánh Ly để tiễn đồng bào ra đi định cư ở xứ người. Người ra đi tay bắt mặt mừng, còn người ở lại cũng rủ nhau ra đứng ở chiếc cầu nổi nhìn người ra đi mà lòng buồn vời vợi vì không biết khi nào đến phiên mình mới được phái đoàn cứu xét cho đi.

Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê
Gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi,
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ
Nghe buồn nhịp chân bơ vơ

Gia đình tôi rời đảo Pulau Bidong và đến tạm cư tại trại chuyển tiếp Kuala Lumpur, thủ đô của nước Mã Lai. Đây là nơi mà những người có tên đi định cư tại một nước thứ ba dừng chân để làm hồ sơ sức khỏe tổng quát và đợi chuyến bay về nơi mình cư ngụ. Hai tuần ở đây trôi qua thật nhanh và gia đình tôi có tên trên chuyến bay đi Mỹ để đoàn tụ với Ngoại tôi và bắt đầu một cuộc sống mới.

---- o0o ---

Silver Spring, Ngày... tháng... năm...
Nguyệt Tiên ơi,

P đã đi đến nơi rồi Tiên ơi! Mới đến Mỹ được 2 tuần thôi Tiên. Tiên bây giờ ra sao rồi, có thay đổi gì nhiều không? P thì đen hơn ra, cao hơn lúc trước, nhưng vẫn ốm như lần cuối gặp Tiên, vì 6 tháng trời ở đảo Pulau Bidong ngày nào cũng tắm biển và dang nắng, thành ra không giống như anh thổ dân Mã Lai là mừng rồi! Ngày còn ở đảo Bidong, P có viết 2 lá thư cho Tiên, rồi gởi qua bên Ngoại của P bên Mỹ và nhờ Ngoại chuyển dùm, không biết Tiên nhận được không? Mà P nghe thư từ cũng đi lâu lắm, vì Ngoại P phải chuyển thư qua một bà Đầm nào ở bên Pháp, rồi nhờ bà ấy gởi về Việt Nam, vì Ngoại nói Việt Nam chưa cho phép nhận thư từ bên Mỹ gởi về. Tiên có nhận được lá nào không Tiên?

Bây giờ chắc Tiên đã bắt đầu năm học mới rồi, phải không Tiên? P cũng mới đi học trường mới được 1 tuần rồi. Ngày P qua đến Mỹ là ngày bắt đầu niên học mới, thành ra Cậu Dì của P chạy đôn chạy đáo lo cho mấy anh em P khám sức khoẻ, rồi chở tới trường xin học. P bây giờ thì học lại lớp 9, vì khi qua đảo tị nạn, Ba Mẹ nghe người ta nói nên đổi tuổi nhỏ xuống để tiện viện đi học, thành ra Ba Mẹ P đã cho P sụt xuống 1 tuổi. Ngày đầu tiên đi học, trường kiếm được một cô người Việt dẫn P đi học mấy lớp chung với cô để mình quen lớp, quen trường mới. Bây giờ thì P cũng hơi quen rồi, đã tự đi vô lớp của mình, mà không đi theo cô nữa. Cô người Việt này cũng ở gần nhà của P (P ở chung cái cư xá với Ngoại và gia đình) thành ra sáng nào đi xe buýt của trường cũng gặp cô. Rồi chiều về cũng vậy. P cũng cám ơn cô mấy lần, nếu không có cô dẫn dắt thì không biết bây giờ P sẽ ra sau rồi...

Mấy ngày nay, P đi học mà không biết mình đang học cái gì. Hai tiếng đồng hồ học ESOL (là lớp dạy tiếng Anh cho những người ngoại quốc trong trường, như P), một tiếng học đánh máy (hình như người Mỹ gọi là typing thì phải), và mấy tiếng còn lại thì học lịch sử, vẽ, thể dục, thủ công, v.v. À mà lạ cái này nữa Tiên ơi, bên này mình phải sách cặp vở đến lớp của thầy cô, chứ thầy cô không đến lớp của mình dạy cho mình như ở VN. Có mấy thằng Mỹ học chung lớp, nó thấy mình người Á Đông, thành ra nó chạy lại hỏi chuyện. P nghe nó nói, mà có hiểu gì đâu? Ba năm học tiếng Pháp (mà học bao nhiêu thì trả lại thầy cô hết rồi), và 6 tháng học tiếng Anh ở đảo Bidong thì cũng đâu có vững được bao nhiêu đâu. Bây giờ mấy thằng Mỹ nó hỏi cái gì, P cũng không hiểu nên P trả lời đại Yes hay là No. P định là sẽ trả lời 2 câu Yes, thì 1 câu No, rồi sau đó xen kẽ Yes và No để cho tụi nó không biết mình là không hiểu. Có lần có một con Mỹ mon men lại hỏi chuyện, nó hỏi cái gì đó P cũng không hiểu, nhưng theo dự định sẳn, P trả lời câu đầu Yes, câu kế Yes, rồi câu sau No. Mà trả lời xong rồi, P lại thấy nó giơ tay giơ chân lắc lắc cái đầu, P đành cười cho qua chuyện. Chắc nó biết P không hiểu tiếng Anh rành, thành ra nó cũng bỏ đi.

P nhớ Tiên nhiều lắm, nhất là lúc mới lên đảo Bidong. Có nhiều đêm thức khuya, nằm nghe chú của P nói chuyện với một hai chú ở nhà kế bên, P ghé đầu ra khỏi màn nhìn ra ngoài trời, thấy ánh trăng và mấy vì sao trên cao, rồi P tự hỏi, "Giờ này Tiên đang làm gì, và có biết rằng P đã đi đến bến bờ Tự Do rồi chưa?" P nhớ Tiên quá đi, nhất là lúc mình chia tay ở nhà Tiên! Khi đó, P muốn nói là P thương Tiên, nhưng mắc cỡ quá, rồi sợ Tiên giận thì khổ. Lúc P đạp xe về nhà, không biết đi đâu, P có định quay lại nhà Tiên để đứng ngoài nhìn vô Tiên một lần nữa trước khi đi, nhưng P không làm được.

...
Last edited by IFlyX5 on 31 Jul 2011, edited 1 time in total.
IFlyX5
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $102,590
Posts: 1147
Joined: 17 Aug 2005
 
 

Re: Ba Mươi Năm Rồi Đó

Postby IFlyX5 » 31 Jul 2011

Lá thư đầu gởi từ Mỹ về đến Việt Nam, cũng mất gần một tháng mới đến. Tôi xin Ngoại tôi cái địa chỉ bà Đầm bên Pháp một lần nữa cho chắc ăn, rồi kèm lá thư vào trong một bìa thư khác, đề địa chỉ bà Đầm, rồi gởi qua cho bà, nhờ bà chuyển về Việt Nam. Mà lúc đó tôi cũng khờ, quên không hỏi Ngoại tôi có nên viết vài chữ tiếng Pháp nào để cám ơn bà Đầm và nhờ bà chuyển dùm về Việt Nam không, nhưng có lẽ bà cũng hiểu, vì thư tôi đi được 2 tháng thì tôi nhận được thư em.

Hôm đó tôi mới đi học về, nhào vô bật máy TV để xem phim hoạt họa, thì một lúc sau Cậu tôi về tới. Cậu đưa lá thư cho tôi và nói, "Thằng Bình có thư gì ở Việt Nam nè." Bình là tên trong nhà gọi tôi. Hình như khi tôi còn bé, Mẹ tôi có dẫn hai anh em tôi lên chùa quy y, và được một vị sư trên chùa đặt cho cái pháp danh là Nguyên Bình, và từ đó mọi người trong gia đình đều gọi tôi là Bình, thay vì Bé 3 như mới lúc đẻ ra, vì trước tôi là anh tôi, mà mọi người vẫn thường gọi là Bé 2. Tôi nhận được thư em mà mừng gần chết, chạy ngay vào trong phòng rồi hồi hộp xé ra. Vì quá mừng nên tôi quên để ý là lá thư này em gởi thẳng cho tôi từ Việt Nam, mà không cần phải gởi qua bên Pháp rồi nhờ bà Đầm chuyển qua Mỹ cho tôi, như theo lời tôi dặn em trong thư rồi.

Saigon, ngày... tháng... năm...
P thương của Tiên,

Tiên mừng quá P ơi! Đây là lá thư đầu tiên của P mà Tiên nhận được. Tiên không có nhận được 2 lá thư mà P nói là P đã gởi cho Tiên khi còn ở đảo Bidong. À mà sao Tiên nghe tiếng đảo Bidong nghe quen quá, vì có bà dì hàng xóm nói con dì cũng đi vô được đảo Bidong gì đó, nhưng Tiên cũng không biết rõ đảo Bidong là nằm ở đâu.

Tiên cũng vậy P ơi. Tiên lên lớp 9 rồi, và lớp ở tuốt trên tầng 3, gần lớp cũ của P đó, gần cái cầu thang mà ngày nào P cũng đứng đó nhìn xuống lớp Tiên rồi khi thấy Tiên nhìn lên, P lại quay đi đó, P còn nhớ không? Tiên nghe P nói là P đi được đến bến bờ bình yên, không bị cướp bóc là Tiên mừng rồi. Ba hôm sau khi P đi, Tiên có lên chùa với Mẹ Tiên và Tiên có lạy Phật xin Phật phù hộ cho P đi được đến nên đến chốn bình an và không bị tai nạn gì cả. Như vậy từ nay là Tiên phải đi chùa mỗi tuần rồi đó P!

Chị của Tiên đã đi học bên Tiệp rồi P ơi! Ngày chị đi, Tiên buồn lắm, vì từ nhỏ tới giờ, nhà chỉ có hai chị em. Ba Tiên đã mất khi Tiên còn nhỏ như Tiên có kể cho P đó, mà mẹ Tiên lại đi làm cả ngày, thành ra ở nhà chỉ có hai chị em. Giờ thì chỉ còn có một mình Tiên với Mẹ. Đêm đầu sau khi chị đi, Tiên ngủ không được, cứ nằm quay qua hướng bên chị, rồi xoa xoa cái gối ngủ của chị, vì lúc chị còn ở đây, tối nào hai chị em cũng ngủ chung với nhau, và Tiên thường hay vò vò cái khuỷa tay của chị thì Tiên mới ngủ được.

Tiên bây giờ ít đi chơi với mấy đứa bạn lắm. Có khi tụi nó rũ đi ăn chè ở cái quán gần trường Bùi Thị Xuân mà lúc trước P có đi ăn với Tiên đó, mà Tiên cũng không đi. Vì đi mấy chỗ đó thấy nhớ P quá.

...

P nhớ giữ gìn sức khoẻ và viết thư đều cho Tiên nhe. Viết càng nhiều càng tốt. À mà Tiên gởi thẳng địa chỉ của P mà P đã cho Tiên bên Mỹ, không biết thư có đến không, còn nếu thư này đi không đến thì Tiên sẽ gởi qua bên Pháp như lời P dặn. Có mấy người hàng xóm nhà Tiên cũng gởi thơ cho con bên Mỹ mà họ cũng gởi thẳng đó P. Tiên gởi thử xem sao.

Tiên nhớ P nhiều lắm. Thôi Tiên đi ngủ đây. Nhớ viết thư cho Tiên nha P.


Rồi những lần thư đi thư lại, trung bình là cũng 2 tháng. Sau lần đầu tiên gởi nhờ qua bà Đầm bên Pháp, tôi nghe lời em gởi thư thẳng về Việt Nam. Tôi nghĩ chắc phải làm liều một lần rồi mới biết được hay không. Có lẽ các bạn cũng thắc mắc bà Đầm là ai, mà tôi cứ gọi là bà Đầm. Theo tôi biết, bà Đầm là có nghĩa là một bà người Pháp, tiếng Anh gọi là Madam, tiếng Pháp gọi là Madame, và tiếng Việt mình dịch thành Đầm cho dễ nói. Tôi cũng không có dịp hỏi Ngoại tôi bà Đầm là ai mà lại có lòng tốt với gia đình mình như vậy. Ngoại tôi bây giờ đã bị lẫn nhiều rồi (bịnh Alzheimer's), nên không biết nếu bây giờ tôi hỏi thì Ngoại còn nhớ không?

Tôi và em liên lạc được với nhau như vậy cũng gần được 8 tháng. Thời đầu thập niên 1980 ấy, chưa có ai dám đi về Việt Nam hay có chuyến bay nào bay thẳng về Việt Nam như ngày nay. Nói không có thì cũng không đúng, vì cũng có người trở về Việt Nam vào khoảng thời gian này, và phần đông là những phần tử được gọi là Việt Kiều Yêu Nước, mà đa số là sinh viên du học hồi xưa từ Pháp trở về cộng tác với Cộng Sản, hoặc là có bà con thân nhân đi tập kết kháng chiến chống Pháp hay là làm lớn trong guồng máy chánh quyền Cộng Sản mới dám hó hé đi về thăm. Nếu tôi nhớ không lầm thì đến gần khoảng giữa năm 1989, tôi mới nghe tin là Việt Kiều bên Mỹ này bắt đầu mua vé về Việt Nam thăm thân nhân.
--- o0o ---

Rồi bẵng đi một thời gian, tôi không nhận được thư em nữa. Tôi cứ viết, và cứ gởi, nhưng thư hồi âm thì không thấy. Tôi đợi và tôi đợi. Rồi đến một hôm, tôi nhận được một lá thư đề tên người gởi là một cô bạn thân của em, nhưng khi mở ra đọc thì thư được viết bằng giòng chữ của em.

Saigon, ngày... tháng... năm
P yêu dấu của Tiên,

Lâu lắm rồi, Tiên không có nhận được thư của P. Rồi hôm qua thì tự nhiên Nội của Tiên mới dúi cho Tiên lá thư cuối cùng mà P gởi cho Tiên. Bà nói rằng Mẹ Tiên đã nhận được mấy lá thư mà P gởi cho Tiên, xong rồi bà dấu và xé đi! Mẹ của Tiên bây giờ sắp là Đảng viên rồi, nên bà sợ liên lụy với người nước ngoài lắm. Nội thấy tội nghiệp nên Nội lấy dấu cái thư này rồi dúi cho Tiên. Bà nói thấy tụi con khổ sở như vậy, Nội không cam! Thôi thì P hãy gởi thư về địa chỉ của Hương (P còn nhớ Hương không?) rồi nhờ nó chuyển cho Tiên, P nha!

P biết không, mấy hôm nay Tiên nhớ đến P nhiều lắm và Tiên sợ mình sẽ không bao giờ gặp lại nhau lần nữa. Tiên sợ Tiên đã mất P thật sự rồi! P có nhớ là P đã hứa gì với Tiên khi mình chia tay nhau không P? P hứa là P sẽ về thăm Tiên. P còn nhớ không? Có một lần Tiên đọc được một cuốn truyện và trong đó viết rằng:

Tình yêu, khi ở xa, thì nó giống như là hai hột cát. Khi đến gần thì giống
như hai hột kim cương. Và khi mình biết nó rồi, thì đó là hai hàng nước mắt
.
...

Đọc đến đây thì tôi không còn cầm được nước mắt. Mấy tháng nay, tôi đã nghĩ oan cho em. Tôi đoán là em đã có người bạn mới rồi nên em quên tôi. Tôi nghĩ nếu chuyện đó thực sự xảy ra, thì tôi cũng đành cam chịu số phận, vì tôi đã bỏ em ra đi, chứ em chưa bao giờ bỏ tôi ra đi! Cho đến ngày nay, 30 năm sau, mỗi khi tôi đọc lại những giòng chữ đó, tôi vẫn còn rơi nước mắt, vẫn còn nức nở. Kỷ niệm cũ vẫn tìm về trong ký ức của tôi. Và nước mắt của tôi lại đang rớt xuống bàn phím. Người ta nói cuộc tình học trò lúc nào cũng đẹp, mà sao cuộc tình học trò của chúng tôi quá nhiều cách chia và đau khổ?

Rồi thư đi thư lại, chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc với nhau qua người bạn gái tên Hương, mà lần đầu tiên khi mới dám mời em đi ăn chè. Hương là một trong 2 người bạn gái thân của em mà tôi mời đi cùng. Rồi chúng tôi yêu nhau qua những lá thư đó. Những lá thư qua lại đều chứa đầy những lời lẽ yêu thương, những hứa hẹn chân thành, và những kỷ niệm lần đầu quen nhau được hoài nhắc lại.

Nếu câu chuyện được chấm dứt ở đây thì có lẽ hôm nay tôi đã không viết lên bài này. Vì cuộc đời ai biết được chữ ngờ.

Hai tháng tôi không nhận được thư em, rồi ba tháng, rồi sáu tháng... Cho đến một hôm tôi tình cờ nhận được một lá thư từ Việt Nam của Hương, nhưng lần này, giòng chữ trong thư không phải là của em, mà lại là của Hương.

Saigon, ngày... tháng... năm...
P thân,

Lần đầu Hương mạn phép viết cho P, trước hết là hỏi thăm sức khoẻ của P, hy vọng cuộc sống của P
bên đó được nhiều may mắn. Không biết P còn nhớ Hương không, nhưng Hương là người đã giữ nhiệm vụ đưa thư cho P đó.

Cho Hương chia buồn cùng P, vì Tiên đã chết rồi! Cách đây mấy tháng, Tiên có đi chơi với Hương rồi
khi về quá khuya, Tiên có đi tắm và chẳng may bị trúng gió và chết. Xác của Tiên đã được thiêu và
bây giờ thì được để gởi tạm trên chùa Phú Lâm. Tiên ra đi lẹ lắm P ơi! Chỉ trong vòng 2 tiếng thì Tiên
không còn nữa.

...

Lá thư từ trong tay tôi rớt xuống, và tôi cũng không thèm chạy theo nhặt lên đọc lại. Tôi ngồi thừ một chổ, bần thần, rồi tôi thay đồ, mang giày, rồi đi nhanh ra cửa. Tôi đi và tôi đi, mà không cần biết mình đi đâu. Tôi lần mò tới nhà thằng bạn thân tên Khoánh, và gỏ cữa. Tôi vào nhà nó rồi tôi ôm vai nó mà khóc. Khóc tức ta tức tưởi, khóc như chưa bao giờ tôi được khóc. Nó đỡ tôi dậy và hỏi tôi đầu đuôi câu chuyện. Rồi nó ngồi với tôi đến gần 2 giờ khuya mới lái xe đưa tôi về. Lúc bấy giờ, tôi mới có bằng lái xe Learner Permit thành ra chưa được phép lái xe ban đêm sau 8 giờ tối, mà tôi cũng không có xe để lái. Khoánh lớn hơn tôi 2 tuổi, và qua Mỹ sớm hơn, có cái xe cũ kỷ đời Chevelle '73 của ông già nuôi người Mỹ cho lại, nên hắn thường lấy xe chở tôi đi chơi.

Dịp Tết năm 1999, tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên sau đúng 20 năm trời xa cách. Ngày tôi đi, tôi đã bỏ lại quê hương "một niềm đau chôn dấu", một mối tình đầu, và một người yêu của tuổi học trò mà cả đời tôi sẽ không quên. Ngày tôi về, thì quê hương tôi vẫn còn đó, dù có đổi thay thật nhiều, nhưng vẫn là quê hương tôi. Nhưng cái mà tôi trở về để tìm lại, thì đã không còn nữa...

...

Trần Thị Nguyệt Tiên....

30 năm nay, đây là lần đầu tiên anh viết về lại cuộc tình của mình, và kể về em, về tình yêu của mình cho những người bạn của anh nghe. Ba mươi năm nay, những lá thư em gởi cho anh, anh vẫn còn cất giữ trong cái hộp nhôm mà như anh đã hằng cất giữ và nâng niu trong vòng 30 năm đó. Cuộc tình học trò anh đã trao cho em, mãi sẽ hoài là của em, và ngàn đời sẽ là của em. Dù thời gian có trôi qua đi, dù cuộc đời có thay đổi, dù tóc anh bây giờ đã bạc đi nhiều hơn, anh vẫn là của em!

Hôm nay, ba mươi năm sau khi mình xa cách, cho anh đốt hết những lá thư này của em, để anh mãi mãi nhớ rằng có một thời anh đã có em, và một lần anh đã yêu em...


...
Viết tại Florida, tháng Ba năm 2009
IFlyX5
IFlyX5
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $102,590
Posts: 1147
Joined: 17 Aug 2005
 
 

Re: Ba Mươi Năm Rồi Đó

Postby IFlyX5 » 31 Jul 2011

IFlyX5
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $102,590
Posts: 1147
Joined: 17 Aug 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng IFlyX5 từ: pleikey, Hai-Au-Phi-Xu-9, truyenhoalan, ll Nha Trang ll, LuyenThuong

Re: Ba Mươi Năm Rồi Đó

Postby littlehoney999 » 03 Aug 2011

chào huynh IFlyX5 đã chia xẻ câu chuyện tình riêng với nhiều kỷ niệm vui buồn :hoa: Tình tuổi học trò thật ngây thơ, trong sáng và hình như luôn để lại một ký ức dài trong lòng của người... :hoa:

Em không làm thi nhân hay thi sĩ
Em chỉ làm tri kỷ của riêng anh :luv: :ôm:

Một Nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ :) Không cười thì lỗ ráng chịu nghen ^_*

User avatar
littlehoney999
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $112,012
Posts: 6798
Joined: 01 Aug 2007
Location: trên cành cây, nơi có tổ ong ^_*
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng littlehoney999 từ: IFlyX5, Hai-Au-Phi-Xu-9, truyenhoalan, LuyenThuong

Re: Ba Mươi Năm Rồi Đó

Postby Ngươi vien xu » 09 Aug 2011

oh , hôm nay hân hạnh làm quen mod của Phòng tin học- hân hạnh - :bia:
Bài viết hay quá! buồn nhớ lại những ngày xa xưa vượt biên bỏ lại tất cả, với nỗi niềm chia cách chua cay.Hơn 30 năm rồi vết thương chưa
lành hẳn, vẩn còn nhức nhối trong bao người !! Chắc phải thêm 20 năm nữa mới đỡ hơn... :buồn:
Thanks IFLYX5 có một bài viết cảm dộng!
......
Em cứ đến cứ đi và cứ khóc
Ta đã đi rồi ta lại sẽ về

User avatar
Ngươi vien xu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $59,160
Posts: 1548
Joined: 28 Feb 2006
Location: USA
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Ngươi vien xu từ: IFlyX5, pleikey, Hai-Au-Phi-Xu-9, truyenhoalan, LuyenThuong


Return to Tuỳ Bút và Văn sáng tác



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 28 guests