Chuyện Một Chuyến Đi

Nơi chia xẻ với nhau những tâm sự, cảm xúc...trong cuộc sống hằng ngày

Moderators: littlehoney999, Ngươi vien xu, A Mít

Chuyện Một Chuyến Đi

Postby Thuvang » 15 Dec 2018

Image

Chuyện Một Chuyến Đi

Một người Mẹ trẻ bồng một đứa bé sơ sanh.
Hình ảnh đó thật đẹp trong tôi.

Một con đường dài thênh thang trong cuộc sống đang mở ra cho bà Mẹ này đây..
Đứa bé đang trên tay Mẹ, nhắm nghiền đôi mắt ngủ ngon lành, nó đâu cần lên tiếng nói, là nó đang cần gì đâu.

Khởi đầu, tôi cũng là một đứa bé tí tẹo như đứa bé trên tay người Mẹ này thôi.

Tôi sanh ra, được lau chùi chăm sóc sạch sẽ, được ẵm bồng, được đút móm thức ăn, được dạy dỗ, được dẫn đến trường học rồi được đi làm cho đến ngày hôm nay.

Tôi không cần lầu son, tôi không cần cung vàng điện ngọc. Tôi cứ sống theo nguồn gốc đạo đức, theo quy luật cùng với sự thèm khát sống cùng với mọi người.

Sống không chỉ để chờ chết. - Sống để trả ơn sanh thành dưỡng dục, sống để đền đáp những gì mình nhận được từ những người chung quanh.

Cuộc sống sẽ trở thành thiên đường mà không cần bạn là vĩ nhân đâu.
Cuộc sống của con người với những thăng trầm, rồi cũng có lúc nào đó, ai trong chúng ta cũng sẽ cần có một bờ vai để dựa, một lời nói để nâng đỡ bước tới, một bàn tay kéo mình đứng dậy... vực mình ra giông bão của cuộc đời.
Tâm niệm đơn giản, sống bình thường và nở nụ cười cho người và mình sẽ có nụ cười tươi hơn nữa.

Tự tìm một lý do để mỗi ngày được thức dậy, dù chỉ là để ăn tô mì gói. Đó là sự sống của mình, sự thèm sống của một cơ thể còn sống.

Trong muôn ngàn lý do, để có một cuộc sống bình thường, tôi quyết định một chuyến về thăm quê Mẹ.

Thăm lại một bầu trời đầy nắng, đầy gió, đầy mưa đã góp phần nuôi tôi lớn khôn.

Một đêm thức trắng của Mẹ, canh cho mình được một giấc ngủ ngon khi đau ốm, cũng đã góp phần cho mình có cuộc sống như ngày hôm nay, huống hồ gì cả mấyngàn đêm, mấy chục năm nuôi dưỡng.

Còn rất nhiều điều, cứ ngày này sang ngày khác nuôi cho mình được sống, ngay cả một giấc chiêm bao, một cái nắm tay, một lời nói nửa chừng cũng đã khiến cho ta ngẫm nghĩ, ta như thế nào, ta có sao không, ta có cần làm gì không... Vì sao vậy, vì lý do là để được tiếp tục cuộc sống của riêng mình.

(còn tiếp)
Thuvang
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $7,118
Posts: 578
Joined: 14 Jun 2017
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thuvang từ: Que Huong, Ngươi vien xu, Tố Cầm, Tàn Thu

Re: Chuyện Một Chuyến Đi

Postby Thuvang » 18 Dec 2018

Nếu mà, vô tình nghe ai nói rằng:
"Quên rồi, đã thật sự quên rồi..." Tôi nghĩ, đó là lời nói dối, đời ta sẽ không có ta nếu thiếu đi bao kỷ niệm của một thời đã qua. Thế nào rồi, cũng có nhớ, không nhiều thì ít.

Lần nào đặt vé về thăm quê, tôi đều chọn chiếc ghế sát gần cửa sổ, vừa có thể dựa đầu vào một bên để ngủ mà không làm phiền người bên cạnh và cũng để nhìn thấy quê hương mình trong ngay giây phút mình còn ở lơ lửng trên bầu trời.

Tiếng thông báo từ phi hành đoàn, cho biết máy bay đang vào địa phận sân bay Tân Sơn Nhất, tôi vội vàng ngồi thẳng người lên, xoay mặt, đưa mắt nhìn ra bên ngoài, và tôi biết, cũng có nhiều người đã có cùng một tư thế ấy, không riêng gì mình tôi đâu. Đó mới biết, thế nào là niềm tự hào, sự kết nối thiêng liêng giữa con người và đất Mẹ.

Kìa rồi, những dãy nhà li ti, nho nhỏ, cao thấp san sát nhau, đủ màu sắc, đang ngoằn ngèo, uốn éo dưới kia. Những cây cối, hoa lá vẫn còn màu xanh... Một dãy đất trên quê hương đang mở rộng trước mắt tôi.

Trong bốn tuần lễ tới, tôi sẽ được nằm trong vòng tay của mảnh đất này. Không cần phải nuôi hy vọng gì lớn lao, không sợ thắng thua, không cần phải đau khổ hay thất vong.

Tôi, với cảm xúc lúc bấy giờ như một người đang vươn tay cố lấy vật gì và cuối cùng, vật muốn lấy đã nằm trong bàn tay. Sung sướng, thỏa mản, vui mừng, mong đợi, nôn nao... trộn lẫn vào nhau. Tôi nhoẻn miệng cười theo sau cái rưng rưng lòng dạ, mặc dầu đây không phải là lần đầu tiên về thăm quê.

Tôi mồ côi Mẹ từ lâu lắm. Người Mẹ hiền hậu của tôi đã ra đi thanh thản bên cạnh chồng con trên mảnh đất này, đó là lý do tôi phải quay về thăm Mẹ. Mẹ của ngày xưa và Mẹ trong lòng tôi hôm nay và mãi mãi.

Miên man suy nghĩ, miệng nhai miếng gum để phòng tránh ngật ngừ khi máy bay hạ cánh, tôi bận rộn quá rồi, quên cả người chung quanh, mà chắc họ cũng như vậy thôi.

Tiếng va chạm mặt đất từ những bánh xe nhỏ của chiếc phi cơ đã vực mọi người ra khỏi ý nghĩ riêng tư nào đang có trong đầu để hối hả quay về thực tại.

Xếp vội chiếc mềm nhỏ mình đã xử dụng trong suốt thời gian ở trên mây, tôi quơ tay lấy chiếc xách tay để dưới chân, quàng vào cổ, chờ người kế cận đứng dây. Ra khỏi hàng ghế, vói lấy chiếc cặp nhỏ là hành lý được phép mang theo bên mình, rồi cùng với mọi hành khách khác chuẩn bị ra khỏi máy bay. Ôi! đôi chân, bây giờ nó phình to hơn một tí rồi đó, cảm giác mang giày thấy chật hơn, nhưng phải đi thôi vì đất liền đang kề cận, không cho phép mình chần chừ gì thêm nữa.

Vừa bước ra khỏi phạm vi, mà tôi gọi là chiếc cầu giáp nối giữa máy bay và khu làm việc của sân bay, tôi tưởng chừng như bước ra khỏi một thế giới khác. Cái nóng quen thuộc hực lên mặt, tôi chấp nhận, không gọi gì là phàn nàn, khó chịu. Tôi nhắm mắt lại trong vài giây rồi mở ra ngay để thật sự biết mình đang vui cùng với một chút gì rưng rức đủ tạo nên cái nong nóng trong đôi mắt.

Giả vờ như mệt mỏi, tôi né tránh tối thiểu những ánh nhìn của nhân viên phi trường. Cúi đầu xuống, bước đi chầm chậm hơn so với những người khác, vì nghĩ rằng không cần vội vã chi nữa, tôi muốn thừa lúc này, một mình trong khoảnh thời gian vừa mới đến, có dịp để cho mọi cảm xúc tự sắp xếp, ổn định lại, sẳn sàng cho những ngày phép sắp tới.

Tư tưởng xa cách nửa quả địa cầu không còn chỗ đứng trong cảm xúc hiện tại nữa rồi. Xác định như vậy và bước nhanh về phía làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam. Nơi chôn nhau cắt rún của mình đây.

(còn tiếp)
Last edited by Thuvang on 15 Jan 2019, edited 1 time in total.
Thuvang
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $7,118
Posts: 578
Joined: 14 Jun 2017
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thuvang từ: Que Huong, Ngươi vien xu, Tố Cầm, Tàn Thu, Lien 53

Re: Chuyện Một Chuyến Đi

Postby Thuvang » 04 Jan 2019

Tôi biết, tôi sẽ không trở thành người mà tôi mơ ước từ nhỏ, nhưng tôi hiểu rằng, mỗi một con người sẽ phải trở thành một mẫu người khác theo thời gian, theo dòng xoay cuộc sống.
Cuộc đời còn đang tiếp diễn, đâu cần gấp rút đoán tất tật những gì về mình, hãy để mình như là cái gì bí mật của ai đó chung quanh, để còn chút tự hào về mình. Điều quan trọng cần thiết nhất là đừng để mình rơi vào tình trạng bất an trong tâm hồn.

Lấy nốt số hành lý của mình, tôi đẩy xe ra phòng để hòa mình trong không khí sống thực của người Saigon. Ồn ào, nóng nực, lắm tiếng kèn xe, đông người qua lại...

*******
Cuối cùng cho việc mở màn của một chuyến đi. Tôi đã bước vào căn phòng của một khách sạn, gần nhà người bạn thân hơn ba mươi năm nay.

Làm xong thủ tục thuê phòng. Lên lầu, mở khóa phòng, sau khi đảo mắt nhìn chung quanh, gọi là kiểm tra vệ sinh tối thiểu, không ưng gì mấy... cũng phải ở thôi.
Với tính tình, không thích trở thành gánh nặng cho ai, nên tôi chọn khách sạn để làm nơi tạm trú.

Soạn quần áo, tắm rửa, nhảy lên gường, nằm xuống, thở khì...

Một giờ sau đó, sau khi nhắn tin cho vài người bạn, tôi rời phòng.


Thành phố có tên gọi Saigon giờ là thành phố của "người bí mật". Mọi người hầu hết đều bịt kín mặt, mũi, ngay cả thân mình, chỉ chừa lại con mắt, đôi khi khó mà tìm ra màu da của chủ nhân.
Người lái xe, người bán hàng, người hành khách trên xe Taxi cũng bịt kín miệng...
--------
Chuyện ngày đầu
Sáng thức dậy uống cà phê sữa đá, ăn tô phở đặc biệt, ngồi ngắm người qua lại, nghe thèm thuồng âm thanh rao hàng, nhưng bây giờ thì được phát ra từ cái loa.Nghe rồi nhìn, nhìn từng người, nhìn vào dáng dấp, nét mặt mọi người với các tầng lớp trong xã hôi, đang đi vào sinh hoạt tất bật, để đi tìm miếng cơm manh áo. Một buổi sáng trên đất Saigon của tôi.

Tôi hỏi một vài người bạn: "Saigon có gì là đặc sản" và chỉ có câu, trả lời "Saigon không có gì là đặc sản." Chấm hết và phì cười.

Saigon, tôi hình dung như đang sống trong cái chắp vá vì chạy theo sự đổi mới. Tôi bước trong Saigon, cố đi tìm cái gì thuộc về Saigon nhưng cái nhìn của mình cứ hoảng loạn... thay đổi nhiều quá rồi.

Ngay cả trong khu phố nhỏ thôi, cũng có những căn nhà đang xây cao hơn, theo thời đại hơn.. Đằng này đập, đàng kia xây, đó cũng là một trong những lý do khiến bụi bậm nhiều hơn, đường lưu thông nước chảy bị tắt nghẻn.
Đất không lành sao chim vẫn đậu? Saigon nhà cửa, người ở đông đúc, kẹt xe mỗi ngày, đùn tắt giao thông mỗi bữa vào giờ tan tầm.

Nhà cửa và mặt đường cứ kề nhau, mỗi lần băng qua đường là cứ phải tìm bàn tay ai đó dể dắt mình qua đường... sợ thật.


Xong buổi sáng, tự dán lên phong cách thảnh thơi. Tôi quay về phòng, chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai, về lại nơi "chôn nhau cắt rún".

Lui vào góc thật riêng tư nào đó, tôi sẽ về thăm lại người thân. Tôi muốn việc đến và đi của tôi thật bình thường, không gì rộn ràng, không gây sự chú ý cho ai, nên tôi chọn cách ăn mặc thật giản dị, tối đa.

Chẳng có gì cần so sánh, mình đang ở đâu. Tình yêu của tôi đối với quê nhà vẫn vậy, không phải là văn chương, mà là bổn phận, mặc dầu trong lòng vẫn có cái gì ngổn ngang, vẫn tìm thấy điều thiếu sót.

(còn tiếp)
Thuvang
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $7,118
Posts: 578
Joined: 14 Jun 2017
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thuvang từ: Que Huong, Ngươi vien xu, Tố Cầm, Tàn Thu, Lien 53

Re: Chuyện Một Chuyến Đi

Postby Ngươi vien xu » 05 Jan 2019

rất chân thật , chờ đọc tiếp nghe Thu Vàng
......
Em cứ đến cứ đi và cứ khóc
Ta đã đi rồi ta lại sẽ về

User avatar
Ngươi vien xu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $59,160
Posts: 1548
Joined: 28 Feb 2006
Location: USA
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Ngươi vien xu từ: Thuvang

Re: Chuyện Một Chuyến Đi

Postby Thuvang » 07 Jan 2019

Chào anh,

Cảm ơn Nguoi vien xu rất nhiều, đã luôn luôn động viên TV. Sẽ cố gắng viết những gì mình còn nhớ.
Phép thì bốn tuần, tuần lễ đầu khỏe mạnh, vui chơi thả ga, nhưng sang tuần thứ hai và cho đến lúc về, cái bụng cứ đau đau ngầm ngầm, hễ ăn là đau, nên muốn đi đây đi đó thì phải nhịn đói... hoặc ăn rất ít. Thiệt là...

Mến chúc anh đầu năm 2019 mọi sự tốt lành! :hoa:
Thuvang
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $7,118
Posts: 578
Joined: 14 Jun 2017
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thuvang từ: Ngươi vien xu

Re: Chuyện Một Chuyến Đi

Postby Thuvang » 12 Jan 2019

Ký ức có thể phai, nhưng có nhiều chuyện rất ngoại trừ, có những cái khắc sâu, đôi khi muốn quên cũng không thể nào quên được.

Làm sao biết bao điều chất chứa trong cuộc đời, để mà ngừa tránh cho khỏi khổ đau. Do đó, con người sống cứ mãi bận rộn với tính toan, sắp xếp.

Chỉ là một chuyến đi phép, mà suy cho cùng, đã phải tính toán, xếp đặt bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm rồi. Ngày mai, theo dự tính sẽ về thăm quê Nội, rồi lại cũng nằm trằn trọc, nhớ bao điều này nọ, nhớ khi xưa là vậy, hồi đó là vầy, vầy...

Làm sao biết mình đúng hay sai. Cứ làm sao thấy lòng dạ mình nhẹ nhỏm, không phải khiến ai chung quanh mình lo lắng là được.

Sự vui vẻ là cái cần thiết nhất đối với mọi người đang sống trên trái đất mà.

Sáng, thức dậy, làm vệ sinh, chọn quần áo. Với tiêu chuẩn là giản dị, chỉ mong đạt yêu cầu sạch sẽ, tươm tất, để không bị ai coi thường, và cũng không để ai có khoảng cách với mình, nên không chiếm nhiều thời gian gọi là "sắm tuồng".

Ngó trong kiếng lần nữa, xoay một vòng rồi nói thầm trong bụng... "vậy là xong, đi thôi"

Xe đang chờ, tôi lật đật xách túi xách, ra khỏi phòng, khẽ khép cửa, khóa lại và đi vào thang máy để xuống lầu.

Nói là quê Nội, nhưng về là thăm Dì. Mẹ và Dì tôi, cả hai đều được người mai mối theo chồng, làm dâu xứ Bạc Liêu.
Lúc Mẹ mất, Dì là người lo lắng cho tôi, thay cho Mẹ tôi. Và cái đặc điểm thú vị, nếu thăm Dì là sẽ gặp Mẹ, Dì có hình dáng rất giống Mẹ, có thể nói là chín mươi phần trăm.
Mẹ, lúc sanh thời, thì thương Dì vô cùng, lúc còn sống Mẹ vừa chăm sóc cho Nội, chồng, con và cả cô em gái này.

Dì đã mất gần năm năm nay rồi, tính ra trước ngày Ba tôi mất hai tháng. Đó là điều rất tiếc trong đời tôi. Khi nghe tin Dì mất, thì Ba tôi bên này, bệnh tình trở nên rất xấu.

Bác sĩ đã nói với anh em chúng tôi:

- Người nhà hãy đem Bác về, để cùng con cháu vui chơi trong những ngày cuối trong cuộc đời của Bác.

Không có tin nào cắt ruột hơn tin này, nên lúc Dì mất, tôi không thể nào về để đưa tiễn được.

Sau đó, tôi có về. Về, chỉ để thắp nhang và để có thời gian một mình lặng lẽ nhìn Dì nở nụ cười hiền lành trên tấm ảnh thờ.

Nếu mà còn Mẹ, còn Cha, hay còn Dì, thì tôi chắc chắn vẫn là "một đứa trẻ", một đứa trẻ có hơi ấm tình Phụ Mẫu choàng quanh cuộc đời mình.
Sống trong thế gian này, sợ nhất không phải là đói, mà sợ lẻ loi!

(còn tiếp)
Thuvang
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $7,118
Posts: 578
Joined: 14 Jun 2017
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thuvang từ: Tố Cầm, Que Huong, Ngươi vien xu, Tàn Thu, Lien 53

Re: Chuyện Một Chuyến Đi

Postby Thuvang » 15 Feb 2019

Không còn giữ thói quen, tim đập thình thịch như hồi trẻ nữa, tôi đi đến đâu, làm gì cũng rất bình thường.

Mỗi buổi sáng thức dậy, khoác lên mình bộ quần áo, hòa theo dòng người, bước vào vòng quay của cuộc sống. Tất cả mọi vui buồn xảy ra cho mình, coi đó là một quy luật tự nhiên.

Mỗi một lần sai phạm, vấp ngã là mỗi một lần tự nhủ phải đứng lên, phải sửa sai. Và hiểu đó, chỉ là một trải nghiệm trong nghìn ngàn trải nghiệm của cuộc đời.

Đêm về, có trăng hay không trăng, rót một ly trà nóng, ngồi yên, vẻ mặt điềm tĩnh, cố tình không suy nghĩ, chỉ muốn lúc bấy giờ, mình sẽ dành tất cả thì giờ đó để chuyện trò, chăm sóc, dỗ dành cái tâm hiện hữu của mình trong một ngày vừa qua. Thói quen này, có lẽ rất hữu ích với tôi, vì về đêm, không khí yên tịnh, hương hoa, mùi gió dìu dịu, khiến con người trở nên thư giản, thanh thản và sau đó, cơn buồn ngủ tìm về nhanh chóng, nhẹ nhàng và ngon giấc hơn..

Mẹ thì không còn, Cha cũng mất rồi. Năm tháng trôi đi bây giờ luôn kèm theo sự thèm khát, nhớ nhung. Mỗi lần về quê là lòng dạ cứ tái tê, lãng tránh mọi người để một mình được gọi tiếng Mẹ ơi, Cha ơi. Một sự thiếu hụt, mất mát chỉ có thể vơi bằng những giọt lệ lăn dài trên má. Nước mắt của con sẽ không bao giờ cạn và con sẽ gánh vác mãi suốt cuộc đời này hình bóng và ơn nghĩa của Mẹ của Cha.

Quá khứ như thế nào không cần thiết lắm để nhìn lại, chỉ cần biết bây giờ mình vẫn còn đang hiện diện bên cạnh cuộc đời.

Cái thành bại, cái được mất đã đưa cuộc đời mình đi đi, về về một chỗ, một nơi, mà mình không có quyền quyết định, nên tốt hơn cứ vui cùng hiện tại (... bà cụ non rồi chăng?)
Nói thì nói vậy, nói nghe chừng như dứt khoát, nhưng thực tế là những kỷ niệm tôi đã có trong cuộc đời sẽ mãi mãi nằm yên tận cùng sâu thẳm trái tim, chẳng có ai có thể bứt rời ra khỏi tôi được.

Sáng nay, ngồi trên xe để đi về quê, tôi trở nên thinh lặng, hình như có chút gì thay đổi, hay là mình sắp bị bệnh chăng? Nhưng nhớ lại, tôi vẫn thường có những lúc như thế này mỗi khi có quá nhiều cảm xúc cùng một lúc, một hay hai ngày rồi sẽ lướt qua, trở về bình thường thôi.

Đi đâu, ở chỗ nào rồi cũng nhớ quê mình.
Một dòng sông nước đục, bên lở bên bồi, một cây dừa oằn nghiêng sai trái, một bụi chuối với những tàu lá chuối tưa tửa, một cây mít thấp lùn mà ôi thôi là trái... Hình ảnh đó, còn rất rõ trong tôi.

Ngồi trên xe, nhìn ra bên ngoài, những ngôi nhà dọc hai bên đường, bây giờ có dáng vẻ khang trang hơn, nhưng với tôi vẫn còn mang dáng dấp thật chân quê hiền hậu, xen lẩn đâu đây hình ảnh những người thân với những ngày xưa, giờ chỉ còn là quá khứ.

Tôi đã về đây rồi, về mà nhìn bầu trời vẫn xanh trong, về mà vui với gió mát, trăng thanh, về mà ngắm mây vẫn bay theo chiều dài non nước, giấu kín những giấc mơ tiên cảnh, để người trần gian cứ nuôi hoài ảo mộng cao xa.
Về với những con sông không biết buồn, cứ để con nước trôi lờ lững mãi, bỏ lại sau lưng những bến bờ cô quạnh. Hay, có thể là, con sông ấy luôn mang trong lòng một dòng tâm sự, nó luôn khổ sở với mối hẹn hò gì với ai đó nên không ngủ được, thao thức chảy hoài chảy mãi, lầm lũi cố tình đi tìm một bến bờ nào đó trong mong đợi.
Về rồi, về mà nghe vọng cổ, mà thấm thía bài Dạ Cổ Hoài Lang, nghe mê như bùa ngãi, nghe để bù lúc không được nghe. Lòng dạ không có vết thương nào mà sao nghe ran rát theo từng nhịp gõ song lang, từng tiếng đờn lên xuống, thiết tha u ẩn như tiếng lòng của con người xứ Bạc.

Những địa danh mở đầu bằng chữ Ngã, chữ Cái, chữ Cầu,có rất nhiều ở đồng bằng Cửu Long Nam Bộ chúng tôi. Ngã Năm, Ngã Bảy, Cái Răng, Cái Dầy, Cái Bè, Cầu Ngang... nhiều lắm, Những cái tên mà mỗi lần nhắc tới, mang âm thanh ngọt lịm chạy suốt len vào da thịt, riêng đối với tôi, phải thành thật mà nói là tôi rất nhạy cảm khi được nghe ai nói hay nhắc tới những tên này.

Hai cái Bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ thì được thay thế bằng chiếc cầu giăng dây hiện đại, những con rạch trong xóm thì nay hầu hết đều có những cây cầu đúc bê tông băng ngang.

Bạc Liêu, là một tỉnh lỵ không rộng lớn gì lắm, sự thay đổi chưa có gì đáng kể so với các nơi khác, ngoài Nhà Hát Cao Văn Lầu hay còn gọi là Nhà Hát Nón Lá, Tượng Phật Bà Nam Hải, Cánh đồng Điện Gió hay còn gọi là Cánh đồng Sống Ảo, vì cảnh tượng nơi ấy, người ta có cảm giác như đang ở một nơi nào đó ở Châu Âu.

Xứ thì nhỏ, người dân sống trên đất này rất hiền lành, cái hiền tự tâm tính có từ thuở xửa, thuở xưa.

Tôi, với cái ý muốn rất đơn giản, đơn giản không ai ngờ và khó có người tin. Đó là, chỉ muốn được đi tới chỗ mà mình sẽ được nhìn thấy đàn gà lục đục kéo nhau đi kiếm ăn như thế nào, bầy vịt với bộ lông trắng mướt đang bơi thong thả dưới ao hay đang rượt đuổi nhau làm ồn ã cả một góc trời dưới sông như thế nào. Cái bờ rào dựng bằng hàng cây dâm bụt, bằng cây bông giấy có còn giữ màu đỏ thắm cùng với những chiếc lá xanh che mát cổng nhà như lúc xưa hay không?
Rồi lại thèm được đưa tay chạm vào cái mát lạnh của một chiếc divan, bộ ngựa gõ nào đó. Gốc chuối, đụn rơm, giàn bầu, cây ớt... có khác gì không? Đám con nít còn đi phơi nắng, tát mương bắt cá, chơi nhà chòi như mình hồi nhỏ không?

(còn tiếp)
Thuvang
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $7,118
Posts: 578
Joined: 14 Jun 2017
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thuvang từ: Que Huong, Ngươi vien xu, Tàn Thu

Re: Chuyện Một Chuyến Đi

Postby Thuvang » 22 Feb 2019

Quê Nội - Quê Ngoại

Tôi, một mình miên man suy nghĩ với cảnh vật chung quanh, cho đến khi, bác tài chạy chậm lại để qua cổng đóng phí cầu đường. Lúc đó, là lúc tôi chợt biết mình đã loanh quanh, da diết tấm lòng với chỉ một con sông vừa nhìn thấy.
Những ngày sắp tới, chắc chắn tôi sẽ còn gặp rất nhiều con sông mà.
Cảm thấy thèn thẹn, vì biết mình có cái tật khó chừa, là thường hay lãng mạng hóa mọi thứ nhìn thấy, một dòng sông, một nhánh lục bình, một cái khạp da bò... cũng làm tôi ngập chìm trong tâm sự.
Cánh đồng quê thì có trước tuổi Cha Mẹ mà cứ còn trẻ mãi, mường mượt xanh tươi, bình dị, phơi phới như cô gái xuân thì, còn mình cứ sao là sao nhỉ, tôi mỉm cười với chính mình cho đỡ ngượng.

Xe tới trước cổng nhà Dì, tôi bước xuống xe. Ôi, gió đồng quê có khác, mát rượi, vờn qua da thịt tạo nên một cảm giác rất dễ chịu, tưởng chừng như đang có một người chủ nhà niềm nỡ tiếp đón khách vào nhà.

Về Bạc liêu, đến nhà và ra mộ thăm Dì, xong là đi ra chợ Bạc Liêu, ngắm Cầu Quay (nay là cầu Kim Sơn) ghé qua nhà Công Tử Bạc Liêu (là nhà ở của một gia tộc đến nay vẫn còn góp phần làm cho mảnh đất Bạc Liêu thêm nét đẹp), ăn vài món ăn truyền thống của bản xứ (bánh tai yến, tầm bì xíu mại, bánh củ cải...)

Tôi có một tuổi thơ êm ấm trong vòng tay của Mẹ, của Cha.

Bạc Liêu với cánh đồng muối trắng phau, mặn mà trong tình người, thủy chung chân chất như bài vọng cổ Tình anh bán chiếu.

Vĩnh Long với dòng sông bàng bạc bên màu xanh tươi cây lá, thật là một xứ sỡ làm mát lòng mát dạ mọi con người.

Những chi tiết vụn vặt chăn trâu, cắt cỏ, bắt cá, thả diều, tắm sông... thực sự tôi không có nhiều, vậy mà cái tình quê, cái hương đồng cỏ nội ấy cứ quấn quít, quyến luyến trong tâm hồn tôi mãi.

Nghĩ về ngày bé thơ có Mẹ, có Cha. Mỗi nơi mỗi chút, tôi rất mãn nguyện trong sự đi tìm lại hương vị quê nhà. Nội - Ngoại.

Con nít chúng tôi hồi đó, phần lớn là thiếu thốn, tôi biết có đứa lớn lên bằng con ốc, con còng, con cá bắt dưới bùn sâu, và đôi khi lớn lên bằng những hạt lúa mót rơi vãi ngoài đồng theo mùa gặt hái, lớn dần có khi chỉ bằng bình sửa nước cơm… nhưng tất cả chúng tôi chung nhau một điều là lớn lên bằng lời ru của Mẹ.

Mẹ tôi, cũng có thân phận giống như các phụ nữ khác. Mẹ không là cô gái đẹp, không danh tiếng, không là cô gái "múc ánh trăng vàng" trong ca dao xưa, nhưng Mẹ đã tồn tại trong trái tim tôi như một thần tượng, mà tôi suốt đời tôn thờ và ca tụng.

Mẹ là người con gái Vĩnh Long, lớn lên bằng lời ru của bà Ngoại, rồi theo chồng, xa Cha, xa Mẹ, lập gia đình, tự lo liệu hạnh phúc, tự xoay trở mọi việc trong, ngoài bên nhà chồng.
Rồi theo tự nhiên trời đất, Mẹ lại đóng vai trò làm Mẹ, Mẹ ẳm bồng, nuôi con như thể nuôi một con tằm, ngày nào tằm ăn không lá là Mẹ đứng ngồi không yên, và chắc chắn là bằng những lời ru của Mẹ, lời ru với hương thơm thảo đưa con càng ngày càng ghiền hơi Mẹ, và bằng lời ru Mẹ đã tặng cho con mình cả một tấm lòng, đưa con về trong một giấc ngủ thật an lành với bầu trời lóng lánh ánh sao mơ.

- Ầu... ơ... nghĩa ân mẹ tựa biển trời
Nghĩa sâu như biển ân dài như sông

- Ầu... ơ... kho tiêu kho ớt kho hành
Kho ba lượng thịt để dành cho con

- Ầu...ơ...Chiều chiều ngư phủ đi câu
Sóng bắt ngư phủ biết đâu mà tìm
Tìm vàng tìm bạc dễ tìm
Tìm câu nhân nghĩa khó tìm lắm thay

- Ầu... ơ... má ơi đừng gả con xa
Chim kiu vượn hú biết nhà má đâu
v.v...

Mà nghĩ lại, con nít chúng tôi, không cách nào hiểu được ý nghĩa trong những câu ru ấy, nhưng ngộ, đứa nào hễ được Mẹ ru là nằm ngủ ngon lành... và lớn sộn lên theo năm tháng.
Lời ru của Mẹ là huyền thoại diệu kỳ!

Vĩnh Long là nơi Mẹ tôi sanh ra và lớn lên. Vĩnh Long với địa hình được rất nhiều con sông bao bọc, uốn éo, luồn lách chảy quanh xóm làng, hiền lành, nhẩn nhục, lặng lẽ như những người Mẹ bên dòng nước Cổ Chiên.

Hồi nhỏ, thỉnh thoảng mới được Mẹ dắt về Vĩnh Long thăm ông bà Ngoại. Thường khi, mỗi lần về, vừa bước vào nhà, ông Ngoại liền hỏi ngay:

- Con về đây, còn "Thẳng" đâu?

Mẹ trả lời, Cha bận việc, thì ông nói tiếp:

- Ờ, vậy con ra nhà sau thăm Mẹ đi, rồi coi về sơm sớm đó, nghe không.

Ông Ngoại rất nghiêm khắc, coi trọng nề nếp gia phong, ngay cả với sự thương yêu con cái. Một mối tình phụ tử được giấu kín, bao che, gần như không bao giờ muốn bày tỏ cảm xúc ra ngoài. Từ khi con gái xuất giá theo chồng, Ông lại càng lo lắng, bảo vệ hạnh phúc của con gái mình hơn nữa.

Bấy nhiêu đó, khiến cho mỗi lần đi về quê là Mẹ cứ luôn cầm chặc cổ tay tôi ... từ bến xe cho tới nhà, việc này, tới lớn tôi mới hiểu là tại Mẹ muốn đi nhanh về sớm, không muốn tôi làm trễ nãi giờ giấc.

Quí Mẹ qua cái tâm tình luôn thương Cha nhớ Mẹ và yêu chồng. Có lẽ, vì vậy mà lời ru của người Mẹ nào cũng khắc khoải, chan chứa một nỗi niềm thầm kín.

Lần nào đi cũng vui, mà về thì có dáng vẻ buồn buồn.
Về, chỉ để nhìn lại quê nhà trong thinh lặng, hòa từng hơi thở của mình theo tí tách của thời gian, để mặc cho chiều từng chiều buông xuống, để lòng trìu trũi cái vẫn vơ, thả lòng trong tự do suy nghĩ.

Về, để ngày quay trở lại, lòng dạ lại có dịp gom góp, chất đầy nhớ thương vào trong va-ly mà mang về xứ lạ , để dành làm quà cho những ngày bể dâu mưa nắng nơi chốn xa xôi.

(còn tiếp)
Thuvang
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $7,118
Posts: 578
Joined: 14 Jun 2017
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thuvang từ: Que Huong, Ngươi vien xu, Tàn Thu, Lien 53

Re: Chuyện Một Chuyến Đi

Postby Thuvang » 02 Mar 2019

Phần cuối và hết: Có bước chân trở về...



Trong cuộc sống có nhiều thứ quý giá hơn tiền bạc, một trong những thứ đó, chính là tình thương yêu.

Ngoài tình thân của những người ruột thịt chung dòng máu, ta có một thứ tình len lỏi chút buồn, chút vui, có sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, theo thời gian trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống, đó là tình bạn.


Những người bạn thời mới lớn, thời con gái, những người bạn khi mới chập chửng trưởng thành biết đi làm, biết kiếm tiền đóng góp vào gia đình, phụ giúp một phần tảo tần cho cha mẹ, những người bạn trong thế giới ảo, nhưng tất cả đều là những mảnh ghép trong tâm hồn, nghĩa là trong khía cạnh nào đó, nó giúp con người tôi sống tròn vẹn hơn.

Gặp lại bạn bè, có người sau vài ba năm, có người gần ba mươi năm. Cảm giác thì nói sao bây giờ đây, khó mà diễn tả đầy đủ.
Những câu chuyện đẩy đưa, những ánh mắt trìu mến, vui buồn đều có cả, nhưng có cái rất chung nhau - Dễ dãi và yêu thương.

- XX...về hồi nào vậy?
- Khỏe không? Về rồi ở đâu?
- Mệt không, XX?

Khi biết mình về, tiếng phone reo, những dòng tin nhắn hiện lên, có khi đọc mà vui cả ngày.

- Thứ bảy này, ghé nhà chơi, tao cuốn chả giò đãi nha.
- XX nó ghiền cà phê lắm , YY... nhớ pha ngon ngon cho nó nghen...

Vì thời tiết và thức ăn thay đổi, nên sức khỏe tôi hay xảy ra những cơn choáng nhẹ, đều được sự chăm sóc và hỏi han.

- XX ăn cháo trắng với hột vịt muối nha...
- Khỏe chưa XX?
Hoặc chỉ là:
- Chị lúc nào cũng theo dõi bước chân em.

Không cần mỹ từ khách sáo, rất ngắn gọn mà tâm tình giữa người này với người kia cứ oằn oặn trao nhau.
Có phải, mái tóc càng bạc màu, lời nói càng chặt chẻ thương yêu.

Xin đừng ai hỏi tôi:
- "Sao không đi phép ở nơi nào khác mà cứ phải là Việt Nam?"
Vì tôi có sở thích là chuộng cái gì cũ kỹ. Mỗi lần, nhìn vào kiếng, biết mình chẳng đẹp, mà ngộ, chưa lần nào dám ước ao...
- "ước gì mình đẹp như người ta", "ước gì mình cao hơn tí nữa", "ước gì có đôi mắt to", "làn da mịn"...
Vì cổ lỗ xỉ hay vì nhút nhát tôi thích khép mình trong cái gì thuộc về mình nhiều hơn.

Cũng như mọi người, tôi thích sự bình yên, không phải vì cuộc đời vất vã hay lận đận, mà chỉ vì không muốn có những khoảng trống nào không có sự yêu thương trong đó. Đối với tôi, lúc ấy, trong khoảng trống ấy có cái hình dung, lòng người giống như là một chiếc lá sẽ bị quay cuồng, chông chênh dưới sức mạnh của cơn gió vô tình nào đó ập đến, lá sẽ không biết rơi về đâu, thật là tội nghiệp.

Ở Saigon hai ba bữa, ghé Bạc Liêu, Vĩnh Long rồi trở lại, trở tới, trở lui hai ba bận, suốt thời gian về phép.
Mặc dù, chỉ là những mẫu chuyện nhỏ và tiếng cười khúc khích nhưng tôi vẫn muốn nghe, muốn nhìn, và để mình có dịp thành một cánh chim, thênh thang dong ruổi trong một bầu trời bao la cò bay thẳng cánh, sông xanh màu lá, vi vu gió thổi, và cũng để cuộc trăm năm của một đời, mình được sống, đỡ phần nào nhớ nhung quê Mẹ.

Thú thật, tôi không có cảm tưởng mình là người lớn đâu, cho đến khi Mẹ mất, kể cả lúc đã có chồng, có con. Từ ngày không còn Mẹ, một mình tự học hỏi mọi thứ, chịu đựng, đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn, éo le. Từ ấy, có lẽ tôi mới trở thành người lớn.
Thân phận mồ côi Mẹ, khiến tôi rụt rè, dậm chân tại chỗ nhiều hơn, không thích phiêu lưu mạo hiểm, vì nghĩ rằng sẽ không còn ai bên cạnh để lo lắng và chăm sóc mình nữa.

Mai đây, trời đang Xuân, Hạ, Thu hay Đông. Một mình bước về phía trước trong đám đông cuộc đời. Tôi, rồi sẽ nhớ những tình cảm chân thành, tha thiết của từng người.

"...Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, thương những đời như lục bình trôi" Bài hát Điệu Buồn Phương Nam, luôn làm trìu trũi nỗi lòng những người con xa xứ, làm những giọt nước mắt nóng hổi tự động lăn xuống khỏi khóe mắt, lúc nào không hay.
Xa nhau rồi, tôi dường như vẫn nghe văng vẳng tiếng nói của bạn bè ở bên tai. Xa nhau, nhưng tôi còn có những bức hình, tuy không ai là người mẫu nhưng vẫn trầm trồ, hít hà khi nhìn qua. Những nụ cười, ánh mắt, khuôn mặt, tin nhắn... vẫn còn đó, đâu đây.

Mối quan hệ tình cảm nào trong cuộc đời cũng đều mang tính chất mong manh. Hai chữ vô thường luôn kề cận trong cõi ta bà. Bền chặt hay không, chỉ là những thước phim trong ký ức, càng xem càng thêm lưu luyến.

Sau những ngày gặp gỡ ở đây, rồi mọi người sẽ quay về với công việc đời thường, nhưng đâu đã là chấm dứt, nên mới gọi là nợ nhau. Nợ tình, nợ nghĩa. Một món nợ ân tình mà mỗi người đã vay, ngay từ ngày mở mắt chào đời.

Về, rồi đi tìm, tôi biết nhiều thứ đã mất đi rồi.

Tìm đâu vệt khói lam chiều chạy ngoằn ngòeo, uốn éo rượt đuổi theo áng mây trôi, tìm đâu cái hàng giậu mồng tơi ngăn giữa hai căn nhà hàng xóm, tìm đâu tiếng hò giã gạo đêm trăng, tìm đâu ra chiếc cầu ao ai ngồi giặt áo, tìm đâu tiếng đánh đàn trên bắc Mỹ Thuận, tìm đâu một chén cơm nguội và vài cái càng ba khía mằn mặn mà mình thường ngồi ăn vụn trong góc bếp với vài cây củi khô đang chờ người nhúm lửa.

Thời gian trôi, chuyện gì cũng có hồi kết thúc. Chuyến đi này, ngày mai là chấm hết. Đúng bốn tuần ở quê hương.

Thời gian tôi đang có mặt tại Saigon, một cơn bão có tên là Số 9 đã hướng về Việt Nam (Nam Trung Bộ). Gió mưa, bão bùng, sấm sét gầm gừ, rạch trời xẻ đất, liên tục suốt hơn tuần lễ, đã để lại cho người dân thêm phần ưu tư, lo lắng cho cuộc sống sau đó. Trong cái bất chợt, mình là chứng nhân, tôi lại càng thương quê mình nhiều hơn nữa.
Những gì nhìn thấy, dù chỉ là thoáng qua cũng làm tôi xúc động khi nhớ lại.

Hôm cuối cùng ở Saigon, khó ngủ quá, thế là thức. Trằn trọc suốt một đêm.
Những lời từ giã có sẵn, chỉ cần mở miệng là nói lên thành tiếng, nhưng thật kỳ lạ, có sức mạnh nào đó đã kiềm giữ nó lại. Vội gì mà nói, có phải không, tôi?
Tất cả những gì trong chuyến đi đều được cất vào bên trong trái tim rồi, dù không nói lên được trong giờ phút này, nhưng sẽ có dịp nhớ lại tất cả khi đã trở thành kỷ niệm, khi mọi chuyện đã qua đi.

Buổi sáng cuối cùng còn lại ở Saigon, trong tâm hồn tôi tựa như có giấc mơ nào đang vỡ vụn, nhưng tuyệt nhiên, không tìm thấy điều gì để có thể gọi là trách cứ và phiền muộn.

Sau khi về, tôi chắc chắn sẽ trở lại với công việc bình thường, nhưng trong tâm tư rồi sẽ có thêm niềm vui thầm lặng nữa.
Chỉ bằng một thời gian ngắn thôi, mà đã cho cuộc đời mình có thêm một ý nghĩa để hy vọng và tiếp tục sống.

Bất cứ sự yêu thương nào cũng sẽ cho con người thêm sức mạnh và sẽ đem đến cho con người sự cố gắng tối đa.
Cha Mẹ luôn là người đi sau, rày la, uốn nắn, chỉ dạy, dìu dắt mình.
Bạn bè luôn là người đồng hành trên con đường trần với muôn ngàn chuyện như ý và không như ý xảy ra hàng ngày.

Những chiếc máy bay sẽ làm cho thế giới bao la này nhỏ lại, nên ngày gặp lại sẽ không là mơ hồ, viển vông đâu, cứ mở rộng lòng thương yêu và chờ đợi. Nghĩ được vậy, niềm vui lại về theo từng ngày trong cuộc sống.

Thuvang
Thuvang
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $7,118
Posts: 578
Joined: 14 Jun 2017
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Thuvang từ: Que Huong, Ngươi vien xu, Tàn Thu, Lien 53


Return to Tuỳ Bút và Văn sáng tác



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 3 guests