Page 1 of 1

Thuốc Lá Và Sức Khoẻ

PostPosted: 18 May 2008
by Nguyen Thuy
Thuốc lá và sức khoẻ



Thống kê của Centers for Disease Control & Prevention (CDC) của Hoa Kỳ cho thấy 20% người Mỹ trưởng thành hút thuốc lá, khoảng 50 triệu người. Trong số này, 80% hút thuốc lá hàng ngày, và nhiều lần trong ngày. Mặc dù số người hút thuốc lá đã giảm sút trong những năm 2004-2005, con số 50 triệu đứng nguyên tại chỗ từ năm 2006 đến nay, nghĩa là người ta vẫn tiếp tục hút thuốc lá.

Trẻ em bắt đầu hút thuốc lá càng sớm thì việc nghiện thuốc lá khi trưởng thành là điều khá chắc chắn. Hút thuốc lá trở thành một thói quen khó dứt bỏ hầu như ngay sau khi bắt đầu.

Ngày trước, các bài bản quảng cáo là nguyên nhân khiến trẻ em khởi đầu việc hút thuốc lá. Ngày nay, luật pháp khắt khe hơn, kiểm soát kỹ lưỡng các bài bản quảng cáo của những hãng chế tạo thuốc lá nên việc quảng cáo buôn bán với trẻ em không còn xảy ra nữa. Tuy nhiên, những chương trình truyền hình, phim ảnh vẫn có những hình ảnh “hấp dẫn” của các nhân vật hút thuốc lá nên trẻ em bị thu hút và muốn trở nên hấp dẫn như thế.

Các chuyên gia về giáo dục đã đưa ra kết quả từ các cuộc thử nghiệm:
1) Những trẻ em được theo dõi chăm sóc kỹ lưỡng qua những giờ xem truyền hình, nghe nhạc... tỷ lệ thấp hơn trong việc uống rượu, hút thuốc lá hoặc dùng ma túy so với những đứa trẻ khác.
2) Những trẻ em chơi thể thao, tham dự các sinh hoạt cộng đồng được tổ chức chặt chẽ (có người người giám sát, chăm sóc) ... tỷ lệ thấp hơn trong việc uống rượu, hút thuốc lá hoặc dùng ma túy so với những đứa trẻ khác.
3) Bác Sĩ nhi khoa có ảnh hưởng rất lớn trong việc khuyến dụ trẻ em trong những lần khám bệnh định kỳ, khuyên bảo chúng đừng khởi đầu việc hút thuốc lá hoặc giúp đỡ chúng trong việc bỏ thuốc lá.

Muốn ngăn trẻ em hút thuốc lá, cha mẹ phải là những người không hút thuốc lá, và cha mẹ cần rõ ràng về việc không muốn con em hút thuốc lá.

Tại Hoa Kỳ, nam nhân hút thuốc lá nhiều hơn phụ nữ ở bất cứ tuổi nào. Nhóm tuổi hút thuốc lá cao nhất là tuổi 18-44 (24.1%), kế đến là nhóm tuổi 45-64 (21.9%) và sau cùng, nhóm tuổi 65 + (8.6%).

Trong khi tỷ lệ số người hút thuốc lá thấp nhất là nhóm tuổi vàng, nhóm tuổi này lại là những người hút thuốc lá lâu năm nhất, trung bình là 40 năm lẻ, và là những người hút thuốc lá nhiều nhất hàng ngày. Vì thế đây cũng là nhóm người bị nhiều nhất những bệnh tật liên quan đến việc hút thuốc lá.

Về chủng tộc, người da trắng hút thuốc nhiều hơn so với người da đen, người Châu Mỹ La Tinh và người da vàng.

Những thành phố nằm ở trung tâm Hoa Kỳ và miền Nam có tỷ lệ hút thuốc lá cao hơn những nơi khác. Utah là nơi có tỷ lệ hút thuốc lá thấp nhất.

Số người chưa tốt nghiệp trung học hút thuốc lá cao hơn so với số người đã tốt nghiệp đại học.

Về yếu tố tâm lý, những người tự ti mặc cảm, những trẻ em mới lớn thiếu tinh thần kỷ luật, những người tàn tật và những người mắc bệnh tâm thần có tỷ lệ hút thuốc lá cao hơn so với những người khác. Bệnh trầm cảm và điên loạn là hai chứng bệnh có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất, 60% bệnh nhân hút thuốc lá trong nhiều năm.

Thuốc lá xuất phát từ một loại thảo mộc được trồng để lấy lá. Lá đem phơi, ướp, sấy khô rồi cắt nhỏ, bán như món “giải trí” để nhai hoặc cuộn thành điếu để hút. Thuốc lá chứa nicotine, một chất có dược tính và gây nghiện.

Ngoài nicotine, thuốc lá chứa 19 chất có tính “gây ung thư” (carcinogenic), gọi chung là “tar”, và hơn 4,000 chất khác bao gồm acetone, ammonia, carbon monoxide, cyanide, methane, propane và butane.

Trên 38 triệu người Mỹ đã bỏ thuốc lá nhưng vẫn còn 50 triệu người khác vẫn tiếp tục hút thuốc lá, và đa số muốn bỏ nhưng chưa bỏ được.

Trong khi một số người bỏ hút, số người dùng thuốc lá không khói (smokeless cigarette) lại gia tăng. Số người tiêu thụ này tin tưởng (lầm lẫn) rằng loại thuốc lá không khói an toàn cho sức khỏe. Thật ra, thuốc lá không khói cũng tai hại không kém.

Nicotine & sự nghiện ngập

Nicotine là một hóa chất trong thuốc lá tạo nên sự nghiện ngập. Ở một hàm lượng cao, việc cai thuốc lá càng khó khăn. Bộ Y Tế tiểu bang Massachusetts đã công bố rằng trong 6 năm qua, lượng nicotine trong thuốc lá gia tăng kể cả các loại thuốc lá có nhãn hiệu “thuốc lá nhẹ”. Tiểu bang này là một trong số các tiểu bang đòi hãng sản xuất thuốc lá phải nộp kết quả bản phân chất thuốc lá hàng năm.

Một số các chuyên gia cho rằng nicotine gây nghiện ngập như heroin. Thật như thế, vì nicotine có tác dụng tương tự như heroin và cocaine, các hóa chất này cùng ảnh hưởng đến một số vị trí trong não bộ.

Tùy theo số lượng sử dụng, nicotine có tác dụng “kích thích” (stimulant) hoặc gây buồn ngủ (sedative). Hút thuốc lá đem lại những kết quả sau đây:

1) Cảm giác dễ chịu, thoải mái, giảm phần nào sự buồn phiền
2) Ức chế cảm giác giận dữ
3) Gia tăng mức tập trung và trí nhớ ngắn hạn
4) Có cảm giác thoải mái

Những người hút thuốc lá đều cho rằng điếu thuốc đầu ngày đưa lại cảm giác thoải mái dễ chịu nhất, lý do là thần kinh não bộ thu nhận một lượng nicotine lớn (nicotine rush) sau giấc ngủ. Nicotine gia tăng tác dụng của dopamine, một hóa chất chế tạo tại não bộ, tạo ra cảm giác lâng lâng khoan khái, tương đương với cảm giác khoan khoái khi được khen thưởng.

Tuy nhiên, sau lúc khởi đầu, trong những giờ khắc kế tiếp, tế bào thần kinh trở nên “quen thuộc” (desensitized) với nicotine, những điếu thuốc sau đó không còn cảm giác khoan khoái lúc đầu. Vì thế, người hút thường gia tăng lượng thuốc lá để lấy lại cảm giác khoan khoái kia. Và người ta tiếp tục hút thuốc lá mỗi ngày một nhiều hơn.

Người hút thuốc thuốc có thể “quên" được cảm giác thiếu thốn, đòi hỏi của cơ thể khi vùng não bộ có tên “insula” bị hư hại. Theo tạp chí Science (2007) những người hút thuốc bị hư hại vùng insula (qua tai nạn) đều không nhớ gì về cảm giác cảm giác khoan khoái kia, và dễ dàng bỏ thuốc lá. Khám phá này giúp các chuyên gia về Dược Học tìm cách chế tạo các thuốc men chữa chứng ghiền thuốc lá.

Thuốc lá không khói

Thuốc lá không khói, còn có tên là thuốc lá nhai (rồi nhổ) hay “spit tobacco" bao gồm nhiều món, thuốc nhai, thuốc ngửi (snuff powder) và cả loại thuốc ngậm (lozenge). Những sản phẩm này đều chứa nicotine.

Từ thuốc lá không khói, nicotine ngấm qua màng nhày của miệng, mũi hoặc màng nhày lót bộ phận tiêu hóa. Thuốc lá không khói chứa 28 chất có thể gây ung thư. Theo tài liệu của viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ, nhai một miếng thuốc lá không khói 30 phút, lượng nicotine có thể tương đương với hút 3 điếu thuốc lá.

Thuốc lá không khói gia tăng 50 lần tỷ lệ ung thư miệng, viêm nướu răng và rụng răng.

Sự nguy hại của việc ngửi khói thuốc (secondhand smoke)

Dù không hút thuốc lá, sức khỏe của những người chịu khói thuốc thường xuyên cũng bị ảnh hưởng khá nặng. Khoảng 4 triệu trẻ em đau ốm mỗi năm do khói thuốc. Cha mẹ hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe con cái, ngay từ lúc sơ sinh, 2-10 tuần. Phổi của những trẻ sơ sinh này đều bị giảm chức năng, và ảnh hưởng kéo dài suốt đời.

Ngửi khói thuốc gia tăng tỷ lệ của suyễn, và gây ra những chuyến đi bệnh viện cấp cứu vì khó thở. Ngoài ra, ngửi khói thuốc cũng gia tăng 50% tỷ lệ của các chứng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (sưng phổi, viêm khí quản). Thống kê của các bệnh viện tại Hoa Kỳ ghi nhận rằng việc ngửi khói thuốc đưa đến 150,000 - 300,000 chuyến vào bệnh viện.

Triệu chứng của việc nghiện thuốc lá

Khi ngừng hút thuốc, người ta thường gặp nhiều triệu chứng, các triệu chứng này bắt đầu khoảng 30 phút, dữ dội nhất ở ngày thứ 3-5, sau đó giảm dần dần và dứt hẳn ở ngày thứ 14-18 sau khi ngưng hút.

Những triệu chứng ảnh hưởng đến thể xác:

-Kim đâm ở đầu ngón tay ngón chân
-Tháo mồ hôi
-Đau bụng,buồn nôn
-Nhức đầu
-Rát cổ, ho, và các triệu chứng của cảm lạnh.

Những triệu chứng ảnh hưởng đến trí não và tinh thần:

-Nóng giận bất chợt, không có lý do
-Bứt rút khó chịu, đứng ngồi không yên
-Thèm thuồng một điếu thuốc lá, hầu như tê liệt vì thèm
-Mất ngủ
-Lẫn lộn, khó tập trung trí não
-Hồi hộp lo âu
-Buồn rầu, không có sức lực để làm việc

Chứng trầm cảm kinh niên

Các triệu chứng kể trên ngừng hẳn sau vài tuần lễ, riêng chứng trầm cảm (buồn rầu mất sức) có thể kéo dài nhiều tháng sau. Người ngưng hút thuốc lá có cảm giác mất mát như mất người thân thiết. Bác sĩ cần theo dõi kỹ lưỡng và bệnh nhân cần nhẫn nại với sự phục hồi chậm lụt này.

Chứng trầm cảm và hút thuốc lá liên hệ khá mật thiết. Những người bị trầm cảm khó bỏ thuốc và người hút thuốc bị trầm cảm khi ngừng hút. Các chuyên gia giải thích như sau:
1) Hút thuốc lá có thể che dấu các triệu chứng của trầm cảm
2) Các bệnh tật liên quan đến việc hút thuốc đối với người hút là một viễn ảnh xa vời, cái đau tâm thần từ chứng trầm cảm hiện hữu gần hơn và “thực” hơn
3) Không những người hút thuốc chịu trầm cảm, sự liên hệ với thân nhân và những người chung quanh cũng bị ảnh hưởng, và chính những thân nhân khuyến khích người hút dùng thuốc lá để duy trì mối liên hệ kia dễ dàng hơn.

Những người bị trầm cảm khi ngưng thuốc có thể cần các môn chữa trị tâm lý (psychotherapy) và thuốc men giúp họ qua cơn bệnh.

Lên ký

Ngưng hút thuốc tạo ra việc lên ký lô, trung bình khoảng 21 cân Anh. Vì thế những người muốn duy trì trọng lượng cần sửa soạn một chương trình ăn uống, dinh dưỡng đã định sẵn thay vì ăn uống theo thói quen để ngừa việc lên ký.

Hút thuốc lá tiêu xài khoảng 200 calorie. Tuy nhiên, sau khi ngưng hút thuốc, sự chuyển hóa của cơ thể chậm lại và thức ăn được tiêu hóa kỹ lưỡng hơn. Lượng insulin gia tăng, giúp cơ thể chuyển hóa nhiều đường hơn để tạo ra năng lực. Khi ngưng hút thuốc, người ta ăn vặt nhiều hơn.

Ngoài việc ăn uống theo chương trình đặt sẵn, ta có thể tập thể dục để ngăn ngừa việc lên ký sau khi ngưng hút thuốc.

Ảnh hưởng của nicotine

• Nicotine có thể là chất kích thích và cũng thể là chất ức chế các hoạt động sinh hóa trong cơ thể. Nicotine gia tăng hoạt động của ruột, hạch nước miếng, và cả khí quản (khí quản bị kích thích nên tiết ra các chất lỏng như đờm dãi). Nicotine cũng gia tăng hoạt động của hệ thần kinh và có thể gây run rẩy, hoặc cả làm kinh với những người chưa quen thuốc lá.

• Sau khi bị kích thích, kế tiếp, nicotine lại có tác dụng ức chế các cơ tại khí quản. Là một chất gây khoan khoái (euphoric agent), nicotine giúp cơ thể nghỉ ngơi trong lúc bị áp lực căng thảng.
• Trung bình, nicotine gia tăng nhịp tim từ 10-20 nhịp mỗi phút, và gia tăng huyết áp từ 5-10 mm hg (thủy ngân) vì nicotine khiến mạch máu co thắt.
• Nicotine gây tháo mồ hôi, buồn nôn, và tiêu chảy. Nicotine cũng gây gia tăng đường huyết và gia tăng lượng insulin. Nicotine giúp các tiểu cầu dính lại với nhau, gây ra đông máu và làm nghẽn mạch máu.
• Trong một thời gian ngắn, nicotine gia tăng trí nhớ và khiến ta tỉnh táo. Người hút thuốc thường dùng nicotine để gia tăng khả năng làm việc. Nicotine giúp làm giảm cơn đói, vì thế một số người muốn ngưng hút thuốc lo ngại về việc lên kí.
• Nictine gây nghiện trầm trọng, được xem như một dược chất có ảnh hưởng đến tâm tính và hành động tương tự như rượu và ma túy kể cả cocaine, morphine.

Ảnh hưởng của nicotine trên sức khỏe

Có nhiều lý do để ta ngưng hút thuốc. Khi hiểu rõ về ảnh hưởng của nicotine trên sức khỏe có thể sẽ giúp những người nghiện thuốc lá ngưng hút sớm hơn. Khi hút thuốc lâu năm, nicotine gia tăng tỷ lệ của các chứng bệnh sau:

• Máu đông cục làm nghẽn mạch máu, đưa đến đột quỵ
• Ung thư, nhất là chứng ung thư phổi, miệng, cổ họng, thực quản, bang quang, thận, tụy tạng, và cổ tử cung.
• Bệnh tim mạch, kể cả trụy tim
• Suy giảm vị giác và khứu giác
• Kéo dài thời gian lành lặn của vết thương
• Cao huyết áp
• Các bệnh phổi như phổi trướng (emphysema) và viêm khí quản kinh niên
• Chứng bệnh liên quan đến thai nghén như hư thai, sanh non, hài nhi nhỏ con, nhẹ ký (low birth weight) và tỷ lệ của chứng chết bất ngờ của trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome, SIDD).
• Các bệnh về răng và nướu

Thuốc lá không khói cũng ảnh hưởng tương tự đến sức khỏe, ngoài ra còn gia tăng tỷ lệ chứng ung thư miệng (gấp 50 lần).

Những người ngửi khói thuốc có tỷ lệ cao hơn về những chứng bệnh sau:

• Bệnh tim mạch
• Ung thư phổi
• Dị ứng
• Suyễn
• Nhiễm trùng đường hô hấp
• Chết bất ngờ của trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome, SIDD)

Đã đến lúc ta cần ngưng hút thuốc. Hầu hết những người muốn ngưng hút thuốc đều thành công. Một số không thành công, nhưng chớ nản lòng, đừng nghĩ đến những lần thử và thất bại, hãy cố gắng một lần nữa!

Như tất cả mọi chứng nghiện khác, nghiện thuốc lá cũng khó từ bỏ, nhất là khi ta thử bỏ thuốc một mình. Hãy tham dự nhưng chương trình bỏ hút thuốc, những chuyên viên sẽ giúp đỡ ta hiệu quả hơn.

Những lợi ích của việc ngưng hút thuốc lá:

• Trong vòng 20 phút sau khi ngưng hút thuốc: Huyết áp, nhịp tim sẽ giảm xuống mức bình thường. Thân nhiệt tại tay chân sẽ gia tăng đến mức bình thường.
• Trong vòng 8 tiếng sau khi ngưng hút thuốc: Lượng carbon monoxide sẽ giảm và lượng oxygen sẽ tăng trong máu đến mức bình thường
• Trong vòng 24 tiếng sau khi ngưng hút thuốc: Tỷ lệ trụy tim giảm xuống
• Trong vòng 48 tiếng sau khi ngưng hút thuốc: Đuôi thần kinh (nerve ending) sẽ bắt đầu tái sinh, vị giác và khứu giác sẽ trở lại bình thường
• Trong vòng 2 tuần – 3 tháng sau khi ngưng hút thuốc: Sự tuần hoàn sẽ khá hơn, đi bộ dễ dàng hơn và sự hoạt động của hai phổi cũng sẽ khá hơn
• Trong vòng 1-9 tháng sau khi ngưng hút thuốc: Năng lực sẽ gia tăng, những triệu chứng như ngộp thở, ho khan, mệt mỏi sẽ giảm, những mao quản (sợi “lông” trên khí quản) sẽ hoạt động bình thường trở lại và đẩy đờm dãi hay những bụi bặm ra khỏi khí quản; đường hô hấp sẽ “sạch” hơn và sẽ ít bị nhiễm trùng.
• Trong vòng 1 năm sau khi ngưng hút thuốc: Tỷ lệ bị chứng tim mạch sẽ giảm 50%
• Trong vòng 5 năm sau khi ngưng hút thuốc: Tỷ lệ ung thư phổi sẽ giảm 50% so với những người hút thuốc
• Trong vòng 10 năm sau khi ngưng hút thuốc: Tỷ lệ bệnh tật sẽ giảm và tương đương với những người không hút thuốc.

( Sưu tầm )