Du Lịch LangBiang: Không Nên “ăn Xổi”

Những tin tức hay, lạ, vui, và hữu ích cho đời sống.
Xin đừng tranh luận về chính trị, tôn giáo, sắc tộc ...

Moderator: A Mít

Du Lịch LangBiang: Không Nên “ăn Xổi”

Postby trungnt » 26 Aug 2006

Đêm càng sâu, hơi lạnh càng ngọt sắc. Mảnh trăng cuối tháng vàng vọt nằm chênh vênh trên đỉnh núi - nhạt nhòa... Những cánh cửa xe mở toang "nuốt" du khách vào trong chiếc bụng khổng lồ. Phía sau những vòng lăn vội vã của bánh xe về phía đèn điện sáng choang của thành phố Đà Lạt sương mờ, đỉnh Lang Biang lại khắc khoải trong sự cô quạnh. Đấy là thời điểm đêm giao lưu văn nghệ tại các "nhà vườn" đã kết thúc, đồng nghĩa với chặng hành trình trong "tour" du lịch về Lang Biang đã "về đích".

Những chiếc xe mướt mát đất đỏ "đổ bộ" vào phố núi Lạc Dương khi sương mờ, gió núi và đêm đen bắt đầu bủa vây những đồi thông, ôm gọn những núi đồi đang chìm trong giấc ngủ. Đó là đoàn khách từ TP HCM và Cà Mau. Khách nhanh chóng tỏa về những ngôi nhà lập lòe ánh lửa theo sự chỉ dẫn của "bác xế" kiêm luôn vai trò "hướng dẫn viên"

Du lịch... đêm

21 giờ tối. Thị trấn phố núi Lạc Dương trở nên vắng hoe hoắt. Chỉ có sương mờ được giải phóng, án ngữ con đường huyện vào khu du lịch. Không khí yên tĩnh của cao nguyên bị phá vỡ bởi những âm thanh ầm ĩ phát ra từ mấy ngôi nhà trong ngõ hẻm. Đây là địa điểm diễn ra "đêm giao lưu văn hóa" do người dân địa phương tổ chức. Ven đường, những chiếc xe nối dài chạy thành đoàn. Chỉ có những bác tài ở lại trông xe, lập lòe vài đốm đỏ và mùi khói thuốc vẩn lên trong không khí ngọt lạnh. Cuộc giao lưu diễn ra từ chập tối. Tiếng người dẫn chương trình lọt ra ngoài mái tôn, khỏe khoắn, dõng dạc. Đêm nào cũng vậy, khi đã được liên hệ trước, "ban nhạc quê" rục rịch chuẩn bị để khi khách vừa bước xuống xe, mọi thứ đã sẵn sàng. Sân khấu là một bục gỗ được kê cao hơn so với mặt sàn bê tông. Ban nhạc công với lỉnh kỉnh các "phụ tùng". Ca sĩä là cô gái người bản địa có giọng ca đậm chất núi rừng. Một đoàn nam thanh, nữ tú mặc đồng phục dân tộc Tây Nguyên. Đó là những người sẽ múa phụ họa theo các bài dân ca được trình diễn. Du khách ngồi quây bốn phía trên những bậc cửa bốn xung quanh nhà, ôm lấy đống lửa cháy rừng rực được dẫn khói qua lỗ thông hơi là một miếng tôn được đặt vênh ra trên đỉnh mái.

Krajăn Plin - già làng (nhưng còn trẻ lắm!) đứng lên tiến hành nghi thức đón khách. Giọng ông ngân nga: "Bo krong... Chau go! Cau lec mur... lec mac... hat mong, dhau yô, chau joh...!" (Hỡi thần linh! Đến uống đi! Đến uống nào! Hãy đến vui cùng buôn làng chúng tôi! Đến uống rượu cần làm từ hạt lúa mẹ, từ dòng suối nguồn ngọt ngào! Hãy đến và phù trợ cho mùa màng tươi tốt, cho người người ấm no và cầm tay nhau vây quanh bếp hồng!...". Tiếng chiêng nổi lên! Tiếng chiêng chào mừng quý khách. Tiếng chiêng Proh gọi bầy. Tiếng chiêng Dênh gọi mưa. Tiếng chiêng mừng ngày hội. Cuốn theo giọng hát khỏe mạnh như dòng nước suối ào ào tuôn đổ, theo hơi men rượu cần giữa đêm Lang Biang lạnh ngọt, những động tác mạnh mẽ, dứt khoát của những điệu múa hòa nhịp với các bài dân ca: đi lấy rau rừng, đi săn, đi tra hạt vào mùa rẫy... bài hát này nối tiếp bài hát khác. Điệu múa này nối theo điệu múa kia. Tiếng cồng chiêng, tiếng những đạo cụ bằng tre... hòa nhịp. Những gương mặt ửng hồng theo ánh lửa. Thiếu nữ Lạch duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống nhưng không khó để nhận ra những mái tóc hung hung Hàn Quốc hay được "công nghệ" duỗi tóc làm cho thẳng đuốt đuột đầy vô cảm của họ. Đôi ba cái nhìn đầy ẩn ý. Chủ nhân của đêm diễn là hiệu trưởng một trường mầm non ở xã Lát. Chị đã tiên phong "khai hoang" một dịch vụ còn lạ lẫm đối với thị trấn cao nguyên này từ vài năm trước. Các ban nhạc được thành lập, biểu diễn khi có nhu cầu của khách. Không chỉ phục vụ ca nhạc, "quầy" cũng kiêm luôn việc phục vụ thịt nướng, rượu cần...

Hiện Lạc Dương có 3 - 4 nhóm nhạc "nhà vườn". Tiên phong là nhóm nhạc "Những người bạn Lang Biang" của Krajăn Dick. Chương trình biểu diễn của một đêm khá phong phú, gồm có những điệu cồng, chiêng đón khách (dân tộc Lạch có tới 36 điệu chiêng), độc tấu khèn bầu (kơm buốt), hát đối đáp “dêh kô, dêh lơng, dêh reng”... Bên cạnh những nhạc cụ dân tộc, các nhóm nhạc đã trang bị được những nhạc cụ hiện đại để "trợ lực" cho mình. Một "sô diễn" trên dưới một triệu đồng. Các "diễn viên" được trả công 50.000 đ/đêm diễn. Ở vùng đất đỏ ba gian này, thu nhập một tháng trên 1 triệu đồng như thế không phải là nhỏ. Cho nên, dưới chân núi Lang Biang, một đêm, người ta có thể "căng tai" để nghe cùng một lúc bốn giọng hát ngân nga giữa phố núi. Khi sương đã giăng dày dặc và nặng trĩu kín đường, những đoàn xe lại hối hả lao về phía thành phố, bỏ lại đỉnh Lang Biang nằm trơ trọi. Dường như, đối với các du khách, đến Lang Biang không phải để ngắm núi và nghe về một huyền thoại, mà cái chính là để giao lưu với những nhóm nhạc vườn nhà, hòa mình cùng đôi ba điệu múa, vội vã chung vài miếng rượu cần và xâu thịt nướng vẫn còn ám khói... Với họ, thế là đã đủ hiểu hết về một vùng văn hóa đầy huyền thoại, thấu hết tinh hoa của một dân tộc định cư ngàn năm dưới chân núi?

Lang Biang... về đâu?

Tôi đã thức trắng một đêm để nghe ông lão người Lạch rì rầm kể về sự tích của đỉnh Lang Biang đứng án ngữ phía Tây Đà Lạt. Truyền rằng, đó là kết quả của một tình yêu chung thủy của đôi trai gái tài sắc. Chàng Ha Biang dũng cảm đã từ giã người vợ xinh đẹp để lên đường tìm kiện trời không chịu làm mưa, để cho đất đai, cây cối dưới trần phải một phen khốn đốn. Rồi, Ha Biang mãi không về. Thương chồng, Ka Lang lần theo dấu Ha Biang để lại, tìm đến với xác của Biang gục trên đỉnh Găng Reo. Ka Lang khóc. Tiếng khóc của nàng lay động đến trời, lay động cả con voi đầu đàn. Trời vội vã làm mưa, còn con voi dữ cũng tình nguyện đem thân mình ra che chở cho đôi tình nhân chung thủy. Sau ba tháng, nước mưa hòa cùng với nước mắt Ka Lang, nước mắt của con voi đầu đàn tưới mát khắp núi đồi, nương rẫy, làng buôn và chảy thành suối. Suối nước ấy, buôn làng gọi là suối Đa Nhim (nước mắt), dẫn qua thác Liên Khàng (Liên Khương) rồi về sông lớn (Đa Đờn-Đồng Nai), lấy tên Ông Voi đặt cho tên núi Găng Reo và ghép tên của hai người yêu nhau thành tên núi, khắc sâu cùng trời đất một diễm tình. Từ đó, Lang Biang thấm đẫm màu huyền thoại...

Sau Festival hoa đầu tiên được tổ chức tại thành phố sương mờ, Lang Biang cũng được đưa vào "tầm ngắm". Rất nhiều hoạt động du lịch văn hóa được tổ chức để du khách đến Lang Biang để leo lên độ cao hơn 1.000 thước, để mục kích những vườn cà phê xanh ngút ngàn và thưởng ngoạn cái dư vị mùa đông khi người ngoài Bắc còn đang sống dở, chết dở với cái nắng mùa hè; cưỡi ngựa, ngắm hoa Đà Lạt, thăm làng nghề dệt thổ cẩm... Thế nhưng, Lang Biang dường như "bắt nhịp" với du khách có phần chậm chạp. Những đoàn xe từ TP HCM, từ Đà Lạt... ùn ùn đổ về thị trấn phố núi, "nhả" ra rất nhiều khách, nhưng là khi phố núi đã lên đèn. Tất tật, họ cấp tập vào một căn nhà nào đó đã được liên hệ trước, để thưởng thức thứ văn hóa được gọi là "cao nguyên" do một số người nhanh nhạy với du lịch đứng ra kinh doanh dịch vụ... Cái "lạ" của nó lại chính là nguyên nhân chính để du khách có cớ tìm về, để mặc Lang Biang và câu chuyện tình yêu huyền thoại triền miên trong những đêm cao nguyên mênh mông sương mờ và gió núi!
Image
User avatar
trungnt
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $32,320
Posts: 471
Joined: 24 Aug 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng trungnt từ: Saigonian

Return to Kiến Thức Đó Đây



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 20 guests