“Tôi Học Thật” Còn Cán Bộ Học Gì?

Những tin tức hay, lạ, vui, và hữu ích cho đời sống.
Xin đừng tranh luận về chính trị, tôn giáo, sắc tộc ...

Moderator: A Mít

“Tôi Học Thật” Còn Cán Bộ Học Gì?

Postby TT Yen » 22 Nov 2013

Image
Đạp xe ủng hộ chiến dịch “Tôi học thật” trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quyết

“Tôi học thật” còn cán bộ học gì?

Chủ nhật ngày 12/5 vừa đây, ở Hà Nội có một chiến dịch khá lạ, đó là cuộc đạp xe ủng hộ chiến dịch “Tôi học thật” của 100 sinh viên các trường đại học. Giữa đường phố đông đúc, các em và chiếc xe đạp mỏng manh thật đơn côi, nhưng ngọn lửa quyết tâm vì một nền “giáo dục sạch” mà các em đã đốt lên, thật đáng trân trọng.

Giả sử tôi là một người phương Tây đi trên đường phố Hà Nội ngày hôm ấy, nhìn thấy các bạn trẻ gò lưng trên chiếc xe đạp với lá cờ của chiến dịch “Tôi học thật” đi khắp phố phường, nếu biết tiếng Việt, tôi chắc sẽ chết ngất vì ngạc nhiên, không hiểu tại sao người Việt Nam lại phải đi cổ vũ cho một chuyện ngớ ngẩn như vậy. Học là để thu nhận kiến thức cho mình, sao còn phải “học thật” với “học giả”?

Là bởi không phải người Việt Nam thì làm sao có ai hiểu nổi bệnh thành tích đang giết chết nền giáo dục của chúng ta đến mức kiệt quệ ra rồi, chỉ còn mỗi nước lấp đất phủ lên nữa thôi. Giáo dục là xương sống của sự phát triển, nếu giáo dục cho ra lò những hình nhân phốp pháp mà rỗng ruột, không có kiến thức, thì hỏi làm sao đất nước có thể đi lên?

Nhận thức được sự nguy cấp này, từ tháng 3/2013, Chiến dịch “Tôi học thật” đã được kênh truyền thông trực tuyến Youth Box Channel, Tổ chức Minh bạch quốc tế, Tổ chức Hướng tới Minh bạch và trường Đại học Hoa Sen phát động tới các sinh viên trên toàn quốc, nhằm tăng cường nhận thức và năng lực phòng chống nạn “copy – paste”, đạo văn và cổ vũ giá trị sống trung thực trong nhà trường, hướng tới một môi trường giáo dục liêm chính, công bằng và bền vững.

Cho đến nay, đã có 400 thành viên tham gia chiến dịch này, tất cả các bạn đều thẳng thắn thừa nhận mình đã từng quay cóp, ít nhất là một lần trong suốt quãng thời gian là học sinh, sinh viên. 400 người trẻ tình nguyện tham gia chiến dịch này cho chúng ta niềm tin, từ giờ họ sẽ khảng khái nói không với quay cóp, gian dối để rồi tinh thần trung thực sẽ lan rộng ra trong giới trẻ.

Sinh viên, người trẻ thì quyết tâm như vậy, nhưng còn nhìn lên các bậc cha chú của chúng, những vị có chức có quyền trong xã hội với rất nhiều bằng cấp, danh xưng kêu như chuông như khánh, không hiểu họ nghĩ gì về chiến dịch này?

Chúng ta từ lâu không còn thấy ngạc nhiên nữa khi thỉnh thoảng báo chí lại phát hiện ra có quan chức này, cán bộ nọ dùng bằng dởm, hoặc cử cấp dưới đi học thay, điểm danh hộ để có bằng nhằm thăng cấp. Cả xã hội ào ào phát động rầm rộ chiến dịch tẩy chay hàng giả, nhưng riêng “bằng giả” thì lại giữ khư khư.

Một xã hội thừa nhận chuyện “mua bằng”, “học hộ”, “mua điểm”, tức là thương mại hóa cả kiến thức- một thứ thiết thân với con người, thì đừng mong cầu một chuyện gì tử tế hơn được nữa. Thế nên người dưới cứ “noi gương” người trên để gian dối, chụp giật, đục khoét vơ vét cho cá nhân và gia đình, dòng họ, họ nhìn đâu cũng chỉ thấy có một chữ “tiền”, bất cần biết đến trên đời vẫn còn tồn tại những giá trị đạo đức, danh dự, nhân phẩm.

Không biết đến khi nào, trong các trường học không còn tồn tại hai loại vở, một loại vở “thật” để học trò biết chính xác học lực của mình và một loại vở “đẹp” để cô giáo báo cáo với cấp trên về thành tích của lớp. Con trai tôi đang học tiểu học, lần nào đi học về cũng kể với mẹ, mẹ ơi, trong vở của con, cô chỉ cho điểm 6 là cao nhất, nhưng trong “vở kia” con lại được điểm 9, 10. Thế là sao hả mẹ?"

Tôi đã chẳng biết giải thích với con thế nào, đành bảo từ giờ không phải khoe với mẹ “vở kia” nữa, chỉ cần cho mẹ biết điểm trong vở của con là đủ. Những đứa trẻ mới vào đời đã phải làm quen với bệnh thành tích sát sườn và thô thiển như vậy, lớn lên sẽ thế nào đây?

Chuyện gian dối trong thi cử, thầy cô bao che cho học trò quay cóp để bảo tồn thành tích tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao đã thành chuyện thường ngày của nền giáo dục, vậy mà sao không một vị quan chức nào thấy đó là vấn nạn để có những chấn chỉnh quyết liệt ngoài những lời hô hào “nói không với gian lận thi cử” nghe rất xuôi tai?

Có lẽ “bao giờ trạch đẻ ngọn đa” thì mới cho chuyện đưa tất cả các cán bộ đương chức ra mà sát hạch lại xem học lực của các vị có tương đương với mảnh bằng các vị đang sở hữu hay không. Nếu chuyện không tưởng đó xảy ra, thì lúc đó chúng ta mới có nhiều chuyện để bàn.

Một mùa thi đang tới gần, nhìn đoàn sinh viên đạp xe trên đường phố Hà Nội để tuyên truyền cho chiến dịch “Tôi học thật”, có thể nhiều người còn nghi ngại hiệu quả chiến dịch của các em, sợ rằng nó sẽ rơi vào vô vọng trong một xã hội đã quen lấy “thành tích ảo” làm đầu như hiện nay. Nhưng riêng tôi, tôi vô cùng tin tưởng và trân trọng những bạn trẻ đó, họ giống như những người nhóm lửa, họ cho chúng ta thấy rằng đã có những người trẻ quyết tâm lội ngược dòng để trở thành những con người đúng nghĩa.

Đó là những người dám tuyên chiến với gian dối, dù hôm nay họ còn cô đơn, như lẽ phải thường vẫn thế, nhưng bù lại, họ giúp chúng ta có niềm tin le lói khi nghĩ về tương lai.

(Theo Phụ Nữ Today)

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/121213 ... c-gi-.html
TT Yen
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $49,244
Posts: 2135
Joined: 04 Jun 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng TT Yen từ: CoPham

Return to Kiến Thức Đó Đây



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 23 guests