Nước Nhật Kỳ Lạ

Ăn và chơi là hai thú trong đời, nếu wí Mít biết chỗ nào để đi chơi thì xin dzô đây chia sẻ

Moderators: giamchua, A Mít

Nước Nhật Kỳ Lạ

Postby Thanh Tran » 04 Jun 2008

Bài và hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt

Tôi được hãng máy bay Eva Air mời đi tham quan hai thành phố Osaka và Kyoto của Nhật trong một chuyến du hành ngắn ngủi bốn ngày, trong đó mất một ngày rưỡi bay trên bầu trời. Chuyến du hành do hãng này và hai công ty du lịch Deluxe Holidays và ATNT phối hợp tổ chức cho một số cơ quan truyền thông Việt và Hoa và một số đại lý du lịch tại miền Nam California. Phái đoàn tổng cộng 18 người.

Trước khi rời phi trường quốc tế Los Angeles, chúng tôi được mời vào nghỉ ngơi tại Eva Lounge, trên lầu bốn, bên trong phi trường. Chuyến bay số 167 bay bằng máy bay Boeing 777 từ Los Angeles đến phi trường quốc tế Kansai mất 12 tiếng đồng hồ. Trên máy bay, chúng tôi được ngồi hạng “Elite Class,” ghế ngồi rộng rãi và tiện nghi hơn hạng “Economy Class.” Trên máy bay còn có một hạng sang hơn, gọi là “Premium Laural Class.” Nơi ghế chúng tôi ngồi còn có một ổ cắm điện nên có thể mở máy điện toán cá nhân ra và làm việc ngay trên máy bay. Không có hệ thống Internet. Khi buồn ngủ, hành khách có thể ngả ghế ra được nhiều hơn và phía dưới còn có một đồ để chân mở ra được tới 45 độ để có thể để chân lên ngủ thoải mái.

Trước khi đến phi trường Kansai, tôi đã nghe nói phi trường này nằm trên một hòn đảo nhân tạo. Từ trên trời, tôi thấy một hòn đảo hình chữ nhật ngoài khơi Osaka và có một cây cầu dài gần 4 cây số nối vào đất liền. Sau khi đáp xuống, chúng tôi được hướng dẫn leo lên một chiếc xe điện. Chỉ hai phút sau, chúng tôi có mặt tại khu vực kiểm tra nhập cảnh. Nhân viên an ninh của Nhật phải nói là rất lịch sự. Sau khi coi giấy thông hành của tôi, nhân viên an ninh chỉ hỏi định ở Nhật mấy ngày. Rồi họ dán một miếng giấy cỡ lớn hơn con tem thường một chút vào giấy thông hành của tôi. Tôi thấy họ cho phép mình ở tới 90 ngày lận. Vì là công dân Mỹ nên chúng tôi không cần phải xin giấy nhập cảnh (visa) khi vào Nhật. Rồi họ chụp hình vân tay hai ngón tay trỏ và khuôn mặt của tôi. Thế là xong.

Kansai International Airport, phi trường trên đảo nhân tạo

Phi trường Kansai International Airport có tên tắt là KIX được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo nằm trong vịnh Osaka. Osaka trước đây là thành phố lớn thứ hai của Nhật, chỉ sau thủ đô Tokyo. Nhưng hiện nay, Nagoya đã chiếm vị trí này và đẩy Osaka xuống hàng thứ ba. Theo ông Shozo Yamamoto, người hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi, lý do mà Nagoya chiếm vị trí của Osaka là nhờ có các tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Yamaha... đặt tổng hành dinh ở đó.

Ngoài phi trường này, Osaka còn có phi trường Osaka International Airport, tên tắt là ITM, nằm gần thành phố hơn, trước đây được sử dụng cho các chuyến bay ra nước ngoài. Nhưng từ ngày có KIX, ITM chỉ được để sử dụng cho các chuyến bay nội địa của Nhật. Năm 2006, KIX được công ty Skytrax, một công ty cố vấn hàng không tại Anh, xếp hạng bốn trong danh sách “Airport of the Year,” chỉ sau Singapore Changi Airport, Hong Kong International Airport và Munich International Airport.

KIX được bắt đầu xây dựng năm 1987 có chiều dài 4,000 mét và chiều ngang 2,500 mét. Hai năm sau, công việc đúc bờ tường bao quanh đảo hoàn tất với những khối đá khổng lồ và 48,000 khối bê tông hình vuông trong một vùng biển có độ sâu từ 18 đến 20 mét.

Image


Ðể có đủ đất lấp đầy khung bê tông của hòn đảo nhân tạo này, bao gồm hai phần, người ta phải phá ba quả núi để lấy khoảng 440 triệu mét khối đất, 180 triệu mét khối cho phần thứ nhất và 260 triệu mét khối cho phần thứ hai. Ðể lấp đầy một lớp đất cao hơn 30 mét từ đáy biển lên với diện tích mặt bằng 1,000 hectare người ta phải sử dụng một lực lượng hơn 10,000 nhân công với hơn 10 triệu giờ làm việc và 80 chiếc tàu chở đất trong ba năm trời.

Năm 1990, cây cầu dài gần 4 cây số bắt từ hòn đảo nhân tạo vào thành phố Rinku-Town trong đất liền được hoàn tất, với tổng chi phí $1 tỉ.

Image


Một năm sau, các nhà ga của KIX bắt đầu được xây cất và phi trường chính thức được mở cửa năm 1994. Tổng chi phí xây dựng KIX là $20 tỉ, bao gồm đất lấp, hai đường băng, các nhà ga và tất cả các cơ sở vật chất khác. Theo dự đoán, hòn đảo nhân tạo này sẽ từ từ bị lún xuống. Năm 1990, nó đã lún tới 8 mét, nhanh hơn dự đoán nhiều. Ðến năm 1994, hòn đảo bị lún 50 cm cho tới năm 2006 chỉ còn lún 9 cm/năm.

Hiện KIX có hai phi đạo. Phi đạo 1 dài 3,500 mét và rộng 60 mét. Phi đạo 2 dài 4,000 mét và cũng rộng 60 mét. KIX là phi trường đầu tiên của Nhật hoạt động 24/24. Từ phi trường, hành khách có thể dùng xe điện, xe hơi hoặc phà đi vào đất liền, rất tiện lợi. Các nhà ga của KIX được chia ra làm bốn khu. Hai khu “North Wing” và “South Wing” dành cho 46 hãng hàng không quốc tế. Khu “Domestic Carriers” dành cho các hãng hàng không nội địa và khu “Cargo Carriers” dành cho các hãng hàng không vận tải quốc tế và Nhật.

Theo bản thống kê của KIX trong năm 2006, phi trường này có tổng cộng 116,475 chuyến bay lên xuống, trung bình gần 320 chuyến/ngày. Trong số này, có 73,860 chuyến bay quốc tế tới 71 thành phố thuộc 31 quốc gia và 42,615 chuyến bay nội địa tới 19 thành phố. Trong năm 2007, số chuyến bay lên và xuống tại KIX lên tới 129,000 chuyến, tăng 11% so với năm trước đó. Tổng số hành khách đến và đi tại KIX trong năm 2006 lên tới 16,689,658 người, trong đó 11,229,444 người là khách nước ngoài và 5,460,214 là khách nội địa. Trong khi đó, số lượng hàng hóa chuyển tới và rời khỏi KIX lên tới 802,162 tấn, trong đó 757,414 tấn là hàng hóa xuất nhập khẩu (hạng 18 trên thế giới) và 44,748 tấn là hàng hóa chuyển giao trong nước.

KIX hiện là phi trường chính của Châu Á với 499 chuyến bay tới các nước Châu Á, 66 chuyến tới Châu Âu và Trung Ðông và 35 chuyến tới Bắc Mỹ mỗi tuần. Ðối với du khách cũng như người dân Nhật, KIX chính là cửa ngõ vào ba thành phố lớn và nổi tiếng của Nhật, Osaka, Kyoto và Kobe. Về mặt thương mại, trong khu vực Ðông Bắc Á, đối thủ cạnh tranh chính hiện nay của KIX là Hong Kong International Airport và Incheon International Airport (Nam Hàn).

Trong khi đó, đối với thị trường nội địa, KIX cũng bị các phi trường Chubu Centrair International Airport (Nagoya, phía Ðông Osaka), Kobe Airport (cũng nằm trên một hòn đảo nhân tạo trong vịnh Osaka và chỉ cách KIX có 25 cây số) và Tokushima Airport (Shikoku) cạnh tranh ráo riết.

Cảm tưởng của tôi khi đến phi trường này là mới, rất sạch sẽ và tiện nghi. Ngay cả những chiếc xe đẩy hành lý lúc nào cũng được lau chùi bóng loáng để hành khách sử dụng miễn phí.

Image


Lạ nhất là trong restroom, không những vòi nước tự động mở khi mình rửa tay mà nếu muốn sạch hơn nữa, chỉ cần để tay vào vòi bên trái, xà bông tự động phun ra. Tóm lại, là cả xà bông và nước đều tự động cả.

Image

Image
Cái gì được mang lên máy bay và cái gì không, rất rõ ràng

Image
Khu vực khách ngồi chờ trong nhà ga, rất sạch sẽ và gần như là mới toanh


Những cái lạ của Osaka

Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh, chúng tôi được cho biết phải đổi tiền Mỹ ra tiền Yen của Nhật để xài, vì các dịch vụ đổi tiền tại Nhật không nhiều như tại Hoa Kỳ hoặc Việt Nam, ngoại trừ tại các khách sạn và ngân hàng. Không biết chỗ khách sạn mình ở có dịch vụ này không, để cho chắc ăn, tất cả chúng tôi đều xếp hàng tại quầy đổi tiền.

Ðúng là dịch vụ của chính phủ, mỗi người phải điền một tờ giấy với một số thông tin căn bản do hai nhân viên đưa ra. Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn sang một quầy khác, đưa miếng giấy vào, một nhân viên đưa một tờ giấy khác ra, bảo ký tên vào, rồi mới đưa tiền. Hôm đó, $1 đổi được 106 Yen.

Từ Kansai International Airport vào đến trung tâm Osaka mất gần một tiếng đồng hồ. Ðiều đầu tiên tôi nhận ra là tất cả xe đều chạy bên trái, giống như bên Anh, Ấn Ðộ, Singapore... Ông Thắng Trần, tổng giám đốc công ty du lịch ATNT Travel Tours, một công ty nổi tiếng với các chuyến du lịch Nhật, giải thích như sau: “Có người cho rằng người Nhật lái xe bên trái là vì cách rút kiếm bên trái. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng, dưới thời Minh Trị (thế kỷ 18, khoảng năm 1868), nhà vua này đã bị ảnh hưởng Âu Châu rất mạnh và Anh là nước rất gần gũi với hoàng gia Nhật. Do đó, theo tôi, có thể người Nhật bị ảnh hưởng người Anh nhiều hơn là cách rút kiếm.”

Xe bus của chúng tôi chạy trên xa lộ, nhỏ hơn xa lộ của Mỹ, nhưng rất sạch sẽ. Những đường sơn trên mặt đường cũng mới và rõ ràng hơn. Tại những khúc quẹo nguy hiểm, người ta sơn những mũi tên màu đỏ chỉ hướng xe chạy trên hai bức tường hai bên đường, rất rõ ràng. Lại còn những “reflextion” xoay tròn, đủ màu và chớp lia lịa. Những xa lộ này thực ra là những cây cầu dài, cao, chạy phía trên hệ thống đường bên dưới. Có đoạn, xa lộ cao ngang bằng nửa chiều cao của một tòa cao ốc.

Khi vào gần trung tâm thành phố, chúng tôi bắt đầu thấy những tòa nhà cao, khách sạn, cộng với những bảng hiệu lớn quảng cáo các hãng Hitachi, Panasonic, Honda... Tuy nhiên, các tòa nhà gần như chỉ có hai màu nâu và xám. Bề ngoài các tòa nhà này cũng đơn điệu, không cầu kỳ hoặc màu sắc như bên Mỹ. Nói chung là bề ngoài nhìn rất chân phương.

Trên đường vào tới khách sạn Hotel New Hankyu, cũng là giờ tan sở, đa số khách bộ hành đều đi bộ từ các trạm xe điện ra. Ðiểm đặc biệt là gần như tất cả đều mặc quần dài đen, áo vét màu đen, bên trong là áo sơ mi trắng, giống như mọi người mặc đồng phục. Trên một số đường nhỏ, hai lề đường hai bên đều có giăng dây xích để khách bộ hành không băng qua đường bậy bạ. Tại những sợi dây xích này là những chiếc xe đạp đủ kiểu khóa dính vào hoặc chỉ để kế bên. Một số đường nhỏ hơn có chỗ riêng dành để xe đạp.

Image


Trên các lề đường, những máy bán nước đủ loại và máy bán thuốc lá cũng được bày ra. Chỉ cần bỏ tiền cắc vào là mua được. Theo hướng dẫn tại máy, phải 20 tuổi trở lên mới được mua thuốc lá, nhưng không thấy ai đứng ở đó để kiểm tra. Tiền cắc của Nhật có sáu loại, 1 Yen, 5 Yen, 10 Yen, 50 Yen, 100 Yen và 500 Yen. Riêng đồng 5 Yen thì có một lỗ tròn ở giữa, giống như những đồng bạc thời xa xưa. Một người bạn của tôi từng sống tại Nhật cho biết đồng 5 Yen là đồng may mắn, vì rất ít khi gặp.

Image


Sau khi nhận chìa khóa, chúng tôi đi thang máy lên lầu, mỗi phòng dành cho hai người. Trong thang máy, tất cả các nút bấm là nút “sensor,” có nghĩa là chỉ cần để ngón tay vào, không cần bấm, là thang máy đưa chúng ta lên tới lầu mình muốn.

Tại hàng lang có một bản đồ khu vực các phòng, trong đó có nhóm số phòng của từng khu, rồi tự mình đi kiếm phòng, chứ không có mũi tên chỉ về hướng có phòng của mình như ở bên Mỹ. Dọc hai bờ tường hành lang, cách nền nhà chừng hai gang tay, là những bóng đèn hình chữ nhật có hình người chạy xuống cầu thang, hai bên có mũi tên chỉ hai hướng ở hai đầu, phía dưới có chữ “exit.” Như vậy có nghĩa là vừa mở cửa phòng, chúng ta có thể thấy ngay, không phải bước ra khỏi cửa để nhìn về phía cuối hành lang như bên Mỹ.

Trong khi các khách sạn tại Hoa Kỳ sử dụng thẻ điện từ để mở cửa thì khách sạn Hotel New Hankyu vẫn còn xài chìa khóa. Phòng số chẵn thì vặn nắm cửa qua bên phải. Còn phòng số lẻ thì vặn sang bên trái. Tôi biết chi tiết này vì phòng tôi số chẵn, tưởng lấy nhầm chìa khóa! Sau đó nhìn kỹ thì thấy có mũi tên phía trên nắm cửa hướng dẫn mình mở về phía nào.

Image


Bước vào phòng lại còn ngạc nhiên hơn nữa vì quá nhỏ, không rộng bằng phòng cá nhân ở bên Mỹ. Hai cái giường nhỏ kê sát hai tường, chính giữa chỉ có một lối đi nhỏ. Giữa hai cái giường là một cái tủ nhỏ trên có hệ thống điều chỉnh máy điều hòa không khí, trông giống như một giàn điều chỉnh âm thanh, một điện thoại bàn và một cuốn sổ ghi chép.

Image


Phía bên dưới là một hộp giấy lau tay để kế bên một cái đèn pin gắn trong một hệ thống sạc điện. Không hiểu cái đèn pin này để làm gì, có lẽ để dùng khi cúp điện hoặc trong trường hợp khẩn cấp. Máy truyền hình thì đời cũ rích để kế bên một cái bàn nhỏ khác có một cái ghế. Kéo ngăn kéo bàn ra là thấy một cái khay có hai cái tách uống trà, bốn gói trà nhỏ và hai cái ly thủy tinh bọc bằng bao ni lông.

Về chuyện hai cái giường tôi đã từng được một người bạn trước đây làm trong ngành khách sạn cho biết du khách Nhật, dù là vợ chồng, luôn đòi phòng có hai giường riêng, có nghĩa là vợ chồng cũng không ngủ chung giường. Và đây là nét đặc trưng của dân tộc Nhật vì, theo ông Hiroshi Sato, một hướng dẫn viên du lịch khác, “ngày xưa người Nhật quen ngủ trên một miếng nệm riêng, mỏng, gọi là 'futon,' nên bây giờ đã thành thói quen ngủ riêng.” Ông chỉ nói đến thế, một cách ái ngại, chứ không giải thích gì thêm! Và tôi cũng ngại, không dám hỏi gì hơn nữa.

Mặc dù nằm ngay trung tâm Osaka, khách sạn Hotel New Hankyu không có hệ thống Internet, cả cable lẫn wireless. Chỉ có hai computer để tầng một, nếu muốn xài, phải bỏ tiền vào, $1 xài được 10 phút, chỉ đủ đọc email. Còn nếu muốn xài lâu hơn phải đi ra bên ngoài kiếm mấy quán cafe Internet, tối thiểu một lần xài là $4/giờ.

Nhà tắm cũng nhỏ hẹp, nhưng gây chú ý đầu tiên cho tôi là cái bàn cầu (toilet), mới nhìn cũng giống bên Mỹ, ngoại trừ một bộ phận gắn thêm bên tay phải, ngay miệng bàn cầu. Trên bộ phận này có sáu nút khác nhau được chỉ dẫn bằng tiếng Anh, tiếng Nhật và bằng hình ảnh, cho các nhu cầu cá nhân trước, trong khi và sau khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện như rửa bàn tọa, làm chỗ ngồi rung rinh hoặc ấm lên, nước nóng, nước lạnh, có mùi hay không... Tôi bấm thử một nút nhưng không thấy gì đặc biệt xảy ra. Người bạn cùng phòng với tôi lấy tay đè lên chỗ ngồi, tôi bấm nút, lúc đó mới thấy một cái vòi từ trong lòi ra, xịt nước văng tung tóe. Sau vài giây, cái vòi tự động thụt vào. Thật là lạ và hiện đại!

Image


Chưa hết, trên bức tường bên trong phòng tắm còn có một điện thoại. Tôi cầm lên định bấm thử, nhưng không thấy số đâu cả. Người bạn cùng phòng, vốn là một người từng nghiên cứu về nước Nhật, cho biết điện thoại này chỉ để dùng để nghe, chứ không gọi được, trong trường hợp mình kẹt trong nhà tắm mà có ai gọi đến. Quả là tiện lợi! Ai đã từng bị kẹt trong nhà tắm trong lúc chuông điện thoại reo trong cái thời chưa có điện thoại di động chắc là hiểu sự tiện lợi này.

Ngoài các thứ căn bản như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kem đánh răng... để trong một cái rổ tre, tôi còn thấy hai cây ngoáy lỗ tai làm bằng bông gòn. Tất cả đều được bọc ni lông mới toanh và sạch sẽ.

Image


Ngày hôm sau, trên đường đi Kyoto, ông Shozo Yamamoto, người hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi, hỏi: “Các bạn thấy nước Nhật có gì đặc biệt nhất?” Ða số mọi người đều đồng ý “cái gì cũng nhỏ cả nhưng đường phố rất sạch sẽ.” Một người khác thì cho rằng “người Nhật sao mà tỉ mỉ thế!”

Những cái lạ của Kyoto

Sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi thăm Kyoto, cố đô của Nhật. Tôi may mắn được ngồi ghế ngay cạnh tài xế, nên quan sát được khá nhiều điều kỳ lạ trên đường đi. Ðiều đầu tiên tôi nhận ra là những chiếc xe taxi của Nhật. Chiếc nào cũng bóng loáng, đa số là màu đen và đa số là xe Toyota Crown. Ðiểm đặc biệt của taxi ở đây là hai kiếng chiếu hậu không nằm ngay kiếng chắn gió, mà nằm xa về phía trước, gần đèn pha của xe.

Image


Hỏi ông Hiroshi Sato thì được ông giải thích rằng “như vậy để tài xế có thể nhìn rộng hơn, không phải quay đầu khi chuyển sang làn xe khác hoặc quẹo.” Chưa hết, các tài xế taxi đều mặc veston, đeo cà vạt hoặc đeo nơ trên cổ đàng hoàng. Một số người còn đeo bao tay trắng nữa. Trên đường đi, tôi nhận ra hầu như tất cả xe hơi của Nhật đều mới, sạch sẽ, không móp méo hoặc có tì vết gì. Khi về nhà, hỏi một người quen từng đi Nhật, thì được biết rằng “ở Nhật xe hơi chỉ được chạy 60,000 dặm, sau đó phải mua xe khác thì mới đăng bộ được, vì thế, có một thời, xe cũ của Nhật được bán sang một số quốc gia khác, vì trên thực tế, những chiếc xe này vẫn còn chạy tốt.”

Ða số, nếu không muốn nói là tất cả những người lái xe mà tôi thấy trên xa lộ, đều ở lứa tuổi trung niên trở lên, dù là đàn ông hoặc đàn bà. Trên đường đi, tôi không nghe tiếng còi xe bấm inh ỏi hoặc một trường hợp “cut off” nào phía trước xe. Có một lần, một chiếc xe hơi có lẽ vô tình “cut off” xe bus của tôi hơi gắt một tí. Sau đó, khi chiếc xe bus qua mặt chiếc xe hơi này, ông tài xế chỉ liếc nhẹ mà thôi, không thấy quay mặt sang nhìn hoặc giơ ngón tay nào lên cả.

Một điều lạ nữa là những bức tường hai bên xa lộ của Nhật cũng khác của Mỹ. Những bức tường này được làm bằng lưới thép, cao hơn tường ở Mỹ và cong vào bên trong.

Image


Theo ông Hiroshi Sato, “người ta làm như vậy để thứ nhất là những cái lưới này làm giảm tiếng ồn trên xa lộ và thứ nhì là khi tiếng ồn phát ra bị dội trở lại xa lộ, chứ không vào nhà dân.” Xe cứ chạy bon bon trên những con đường bằng phẳng, ít khi thấy lên dốc. Thỉnh thoảng, xe lại chui vào một đường hầm, ngắn thì khoảng 100 mét, dài nhất khoảng gần 5,000 mét. Mỗi đường hầm đều có một tấm bảng, trên đó ghi tên và chiều dài của đường hầm. Thật là khác với bên Mỹ!

Tôi nhận ra một điều, nếu ở Mỹ, người ta sẽ phá rừng, xẻ núi ra, rồi làm đường vượt qua. Nhưng ở Nhật người ta chọn khoan núi, giữ lại những cánh rừng phía trên. Tôi nhớ có một lần bay qua Seoul, Nam Hàn, khi máy bay đang trên bầu trời Nhật, nhìn xuống đất, thấy rất xanh...

Một người cùng đi trong đoàn đưa ra một nhận xét là “Úc nổi tiếng về làm cầu, Mỹ nổi tiếng làm đường sá và Nhật nổi tiếng làm đường hầm xuyên qua núi.” Không biết nhận xét của người này có cơ sở nào không, nhưng đường hầm xuyên qua đèo Hải Vân ở Việt Nam là do chính người Nhật làm.

Trong lúc xe chạy thì trời cũng bắt đầu mưa, dù không lớn lắm. Bất chợt, tôi nhận ra các bảng điện tử trên xa lộ hiện ra hình chiếc dù che mưa màu màu xanh lá cây, có hình những hạt mưa màu đỏ đang rơi, tất cả đều chớp liên tục.

Image


Khác với Osaka, Kyoto có vẻ yên tĩnh hơn nhờ có nhiều chùa chiền và đền đài. Ngoài ra, công viên ở Kyoto cũng nhiều hơn, xung quanh các ngôi chùa thường là kinh rạch, hai bên bờ có trồng cây, có đường cho người đi bộ, trông thật thơ mộng. Theo ông Shozo Yamamoto, dân số của Kyoto chỉ khoảng 4.5 triệu so với 8 triệu của Osaka. Ngoài ra, vì là một cố đô, chính quyền địa phương cố gắng không xây cất nhiều để giữ quang cảnh cổ kính thu hút khách du lịch. Trong khi Osaka là những dãy phố nhà với kiến trúc hiện đại, Kyoto lại có những ngôi nhà cũ kỹ xen kẽ những tòa nhà cao.

Khi đi qua những khu phố, tôi chú ý những bãi đậu xe hơi rất nhỏ, chỉ đủ để đậu từ năm đến 10 chiếc. Tại những bãi đậu xe này có hai hệ thống khóa xe hơi rất lạ.

Image


Loại thứ nhất là khi đậu xe vào, bề mặt của chỗ đậu xe phía dưới gầm có một miếng kim loại dựng lên, giữ chiếc xe lại. Ông Hiroshi Sato cho biết trước khi lấy xe đi người đậu xe phải bỏ đủ tiền thì miếng kim loại này mới hạ xuống. Loại thứ nhì là khi đậu xe vào, có một miếng kim loại hình chữ U, cao chừng nửa thước, dựng lên ngay phía trước xe. Chỉ khi trả tiền đủ thì miếng kim loại này mới hạ xuống. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy một loại bãi đậu xe khác chứa được nhiều xe hơn. Ðó là người gởi xe đậu lên một miếng sắt. Sau đó nhấn nút, miếng sắt này nâng chiếc xe lên, lộ ra một khoảng trống phía dưới, đủ để đậu thêm một chiếc xe khác vào. Nói chung, đây là loại bãi đậu xe hai tầng, nhưng làm bằng hệ thống thủy lực, nâng xe lên, trông khá là ngộ nghĩnh.

Hôm đó là ngày 1 Tháng Năm tại Nhật, gọi là “May Day,” tức là Ngày Lao Ðộng Quốc Tế. Khi đi ngang qua Nijo Castle, cũng là một trong những nơi thu hút khách du lịch, chúng tôi thấy nhiều người đang chuẩn bị cho một cuộc tuần hành lớn. Họ mặc đồ đủ màu, mang theo đủ loại biểu ngữ. Có người quấn biểu ngữ trên đầu, có người đeo biểu ngữ xung quanh bắp tay, có cả sân khấu lộ thiên. Một số người mang theo những loa phóng thanh lớn. Tại một góc đường, nhiều chiếc xe có gắn cả một hệ thống bốn hoặc năm loa phóng thanh trên nóc xe, trông rất là khí thế! Cảnh sát cũng có mặt, nhưng chỉ lo vấn đề giao thông cho những người tuần hành. Họ mặc đồng phục, trang bị đầy đủ, nhưng không thấy vũ khí, khiên chống biểu tình hoặc dùi cui.

Sau đó, chúng tôi được đến xem một màn biểu diễn thời trang “kimono” tại trung tâm Nishijin Textile Center cũng như chứng kiến cách người ta dệt vải để may loại y phục truyền thống này của Nhật. Mỗi ngày có bảy xuất trình diễn “kimono” kéo dài chừng 40 phút mỗi xuất.

Image


Ðến giờ ăn trưa, xe bus thả chúng tôi xuống gần Higashihonganji Temple để đi bộ vào trạm xe điện Kyoto ăn trưa. Khi sắp băng qua một ngã tư, tôi thấy có đường riêng cho người đi bộ và người đi xe đạp nằm song song với nhau, chứ không đi chung như tại Mỹ.

Image


Trên đường đi bộ, tôi không thấy một thùng rác nào, nhưng đường phố rất sạch sẽ. Anh Justin Gonzales, một người trong đoàn chúng tôi, muốn vất một miếng giấy, phải đợi đến ngã tư mới có thùng rác. Anh chia sẻ với tôi như sau: “Ở Los Angeles, thùng rác để khắp nơi nhưng người ta lại bỏ rác ra đường. Còn ở đây, dù không có thùng rác vẫn không thấy rác trên đường. Không biết họ giấu rác ở đâu.”

Trạm xe điện Kyoto xây trong một trung tâm thương mại lớn và cao. Ðiểm đặc biệt là từ dưới tầng một lên tầng năm, khu ăn uống, có tới năm tầng thang cuốn, giống như đi lên núi vậy. Vì thế, bên trong khu thương mại này là một khoảng không rất lớn và thoáng mát. Tôi nhớ ở Mỹ, khi đi thang cuốn từ dưới lên, ai không muốn bước đi thì đứng bên phải, chừa mé bên trái cho người khác đi. Tôi cũng làm như vậy, nhưng không thấy ai đứng cùng phía với tôi. Hỏi ra mới biết, tại Kyoto thì ngược lại, nghĩa là phải đứng bên trái, giống như luật giao thông trên đường, chừa mé bên phải cho người khác đi. Ông Gary Huang, đại diện hãng hàng không Eva Air và là trưởng đoàn của chúng tôi, nhận xét: “Hình như ở Nhật này cái gì cũng ngược.”

Trong lúc đang đi thang cuốn lên phía trên, tôi nhìn thấy tháp Kyoto ở một góc cạnh rất đẹp. Tôi liền lấy cái máy ảnh hiệu Nikon của mình ra, thay ống kính khác để chụp cho rõ. Không hiểu sao mở mãi không được. Xoay ngược lại thì mới ra. Lúc đó tôi mới sực nhớ, cái máy ảnh này do Nhật sản xuất.

Những cái lạ của đền và chùa ở Nhật

Ở Nhật, nói chung, đền (shrine) là nơi để người theo Thần Ðạo (Shinto) đến cúng bái và chùa (temple) là chỗ để người theo Phật Giáo đến hành đạo. Nhưng một ngôi chùa lớn có thể có một hoặc nhiều đền khác nhau trong chùa. Ðiều khác biệt duy nhất, mà sau đó tôi mới nhận ra, là một ngôi đền phải có cổng “Torii” ngay lối vào.

Image


Cổng “Torii,” theo truyền thống Nhật, tượng trưng cho lối vào một nơi yên tĩnh hoặc thần thánh. Cổng “Torii” thường có hai cột thẳng đứng hai bên và hai cột nằm ngang phía trên. Toàn bộ cổng thường được làm bằng gỗ, sơn bằng màu son đỏ và có một ít màu vàng nhũ điểm vào. Còn nếu làm bằng đá thì không sơn màu gì cả.

Tuy vậy, một số ngôi chùa cũng có cổng “Torii” ngay phía trước. Vì thế, trong lúc thăm viếng Kyoto, cố đô của Nhật và cũng là một thành phố có nhiều chùa và đền nhất ở quốc gia này, rất khó cho tôi nhận ra đâu là chùa và đâu là đền. Ðã thế, một số lâu đài (castle) của Nhật cũng có kiến trúc giống như chùa và cũng có những ngôi đền nhỏ bên trong.

Thông thường, chùa ở Nhật có cổng, đại sảnh, tháp, giảng đường, chuông, nhiều tòa nhà khác và nghĩa địa, cũng giống như chùa tại Việt Nam và các nước khác. Ðiều khác biệt duy nhất là chùa ở Nhật chỉ toàn màu đen và không thấy một tí màu vàng nào cả. Gọi là cổng chùa nhưng thực ra đây là một tòa nhà hẳn hòi, có tầng trên và có thể đi lên được. Xung quanh phần phía trên của cổng chùa đều có lưới sắt bao quanh, chắc là để tránh tình trạng du khách bị rớt xuống đất và để chim chóc không đậu vào được, tránh tình trạng phân chim khắp nơi.

Ðối với đền, ngoài cổng “Torii,” còn có giếng nước giếng nước tẩy uế, bàn thờ, một số tượng, một vài ngọn đèn, một thùng gỗ, một lư hương và một cái chiêng treo trên cao kế bên một sợi dây thừng lớn. Giếng nước tẩy uế, theo ông Shozo Yamamoto, hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi, là để khách thập phương đến rửa tay để tẩy xóa tội lỗi trước khi vào đền.

Image


Thường thì một người dùng cái gáo múc nước từ giếng hoặc đưa ra hứng nước từ một cái vòi rồi đổ vào tay của mình hoặc đưa tay ra vòi nước để rửa. Có khi người này dùng gáo đổ lên tay người kia. Vòi nước thường chỉ là một cái vòi thông thường, nhưng cũng có khi là hình một con rồng, như tại chùa Kiyomizu Temple.

Ngoài ra, khách thập phương cũng có thể uống nước này để tẩy sạch tội lỗi trong người. Không chỉ trong các ngôi đền mà một số chùa và lâu đài ở Nhật cũng có giếng nước này.

Image


Sau khi đốt nhang và vái, khách thập phương cắm cây nhang vào lư hương, rồi dùng tay quạt khói trên lư hương vào mặt. Có người còn dùng tay “lấy khói” bôi vào đầu và thân thể.

Image


Sau đó, họ bước đến hộp gỗ và thẩy tiền vào. Hộp gỗ này có hai lớp những thanh gỗ nằm ngang hoặc dọc trên mặt, lớp trên lệch qua lớp dưới một chút. Khi thẩy tiền vào, tiền sẽ rớt qua những khe gỗ và đi xuống dưới. Nếu những thanh gỗ này bị mòn nhiều, chứng tỏ đền này có nhiều người đến cúng tiền. Sau khi thẩy tiền vào hộp, khách thập phương cầm sợi dây thừng phía trên có thắt nút, kéo sợi dây ra, rồi thả lỏng cho chỗ thắt nút này đập vào cái chiêng hai cái. Sau đó cúi đầu xuống vái một lần nửa trước khi lui ra.

Trên đường đi trong chùa Kinkakuji Temple, du khách có thể thẩy tiền vào một cái chén bằng đá nằm kế bên một tượng Phật bằng đá bên vệ đường, rồi sau đó cầu nguyện, trước khi bước đi tiếp.

Khi vào chùa, du khách thường được phát một miếng giấy trên có ghi tiếng Nhật như là một lá bùa bảo vệ và chúc phúc cho người viếng chùa.

Image


Trước khi rời khỏi chùa, du khách có thể gấp miếng giấy này lại và cột lên những sợi dây trên một dàn cột bằng tre gần lối ra. Du khách có thể mua những lá bùa khác cho người thân và cột lên những sợi dây này.

Image

Image


Chùa, đền hoặc lâu đài của Nhật thường có hồ nước xung quanh. Khi đi vào, du khách phải đi qua một cây cầu. Tường của những kiến trúc này thường được làm bằng những tảng đá lớn xếp lại, chân tường thường lớn và nhỏ dần cho tới đỉnh tường. Khi đi vào, du khách phải đi qua một cây cầu nhỏ và khi đi ra cũng qua một cây cầu nhỏ khác, sau khi đi một vòng thăm viếng.

Nhiều kiến trúc khác và hàng rào bên trong đều làm bằng một loại tre đặc biệt. Loại tre này không mọc thành bụi, mà là từng cây một, rất thẳng và không có gai.

Vì kiến trúc rộng lớn, trước khi rời chùa, nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc khát nước, du khách có thể ghé qua “tea house” uống trà. Bàn uống trà thực ra là một cái phản, thường làm bằng tre hoặc bằng gỗ, cao chừng 2 feet, phía trên mặt trải một tấm vải đỏ, người uống ngồi trên mặt phản, hai chân thả xuống đất và thưởng thức trà. Tại chùa Kinkakuji Temple, một người vào uống trà tốn 500 Yen, tương đương khoảng $5.

Ðiểm đặc biệt của chùa chiền ở Nhật là khung cảnh thiên nhiên. Nơi nào cũng có hồ, hòn non bộ, cây kiểng, suối nước chảy róc rách và những cái tháp nhỏ giống như chốn bồng lai tiên cảnh. Nếu có thời gian đi dạo trong những ngôi chùa, đền hoặc lâu đài của Nhật, lòng du khách dù đang bối rối với cuộc sống hàng ngày thế nào cũng phải chùng xuống. Và nhất là sau khi uống một chén trà, tâm hồn cảm thấy sảng khoái vô cùng.
<=====T=====>


.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.oOo.


d(^_^)b


╔╗╔╗╔══╗╔══╗╔══╗╔╗╔╗
║╚╝║║══║║══║║══║║╚╝║
║╔╗║║╔╗║║╔═╝║╔═╝╚═╗║
╚╝╚╝╚╝╚╝╚╝ • N E W Y E A R 2 0 1 2
User avatar
Thanh Tran
Sơ Mít
Sơ Mít
 
Tiền: $32,334
Posts: 875
Joined: 24 Sep 2005
 
 

Return to Dẫn Người Đẹp Đi Chơi



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 10 guests