[Vn]Huế: Một Đấu Trường Hoàng Cung

Ăn và chơi là hai thú trong đời, nếu wí Mít biết chỗ nào để đi chơi thì xin dzô đây chia sẻ

Moderators: giamchua, A Mít

[Vn]Huế: Một Đấu Trường Hoàng Cung

Postby giamchua » 01 May 2007

Huế: Một đấu trường hoàng cung hoang phế

Có người đã ví von rằng: Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Coloseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ quyền, một đấu trường của hoàng cung có chỗ đứng hết sức quan trọng trong quần thể di tích Huế.. Thế nhưng địa danh oai linh với những cuộc thư hùng long trời lở đất giữa voi và cọp thuở xưa đang từng ngày dần hóa thành phế tích...

Hổ quyền là một đấu trường giữa voi và cọp ra đời dưới thời vua Minh Mạng, vừa là chỗ vua quan nhà Nguyễn giải trí, đồng thời cũng là nơi luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận. Theo ông Pierre Poivre nhà buôn phương Tây từng đến Huế vào thời các chúa Nguyễn thuật lại rằng: Vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát và các quan trong triều đã đi trên 12 chiếc thuyền, đến đậu gần cồn Dã Viên để xem voi và cọp đấu nhau. Trận ấy có 40 con voi "lâm trận" và chúng đã quật chết 18 con cọp.



[center]Image
Hổ quyền ở Huế[/center]

Thời Gia Long (1802 - 1919), các trận thư hùng giữa voi và cọp được tổ chức ngay trên dải đất trống trước mặt Kinh thành. Đấu trường không có phòng thành, nhà vua bắt lính đứng vây quanh thành một vòng tròn để làm hàng rào cho đấu trường hết sức nguy hiểm. Một người được xem cuộc thư hùng ấy là ông Michel Đức Chaingeau.

Về sau viết cuốn hồi ký Hoài niệm Huế, ông đã thuật lại một kỷ niệm hết sức rùng rợn: Trong trận đấu hôm ấy, mặc dù con cọp đã bị tước bỏ hết nanh vuốt và cột chặt vào một cái cọc đóng kiên cố... Nhưng không ngờ nó mạnh và dữ quá, gồng mình bứt đứt sợi dây rồi nhảy phóc lên tát anh nài đang ngồi trên đầu voi. Anh nài hoảng hốt chưa kịp kêu cứu thì đã bị tấn công bay xuống đất và bị con voi của chính anh giẫm chết tại chỗ. Con cọp còn gây cho nhiều binh sĩ bị thương và vua quan triều Gia Long phải một cơn thất đảm kinh hồn.



[center]Image
Một trong năm cửa chuồng cọp bên hong Hổ quyền[/center]

Toàn cảnh Hổ quyền được họa sỹ dưới thời Nguyễn vẽ lại. Về sau này, để bảo đảm an toàn cho người xem, năm Canh Dần (1830), vua Minh Mạng đã cho xây dựng Hổ quyền ở gần đồi Long Thọ và Thành Lồi của người Chiêm Thành xưa, gần với điện Long Châu. Hổ quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng tường ở bên trong cao 5,90m và vòng tường bên ngoài cao 4,75m (kể cả lan can) có khuynh độ 1/10 chúc đầu vào nhau, ôm chặt lấy mô đất ở giữa. Bề dày đỉnh tường ngoài là 35cm và đỉnh tường trong 47cm.

Cả hai cộng với mô đất ở giữa tạo thành một bề dày 4m ở đỉnh và 5m ở mặt đất thường. Mặt trên của mô đất ấy cao bằng tường ngoài, tạo thành con đường chạy vòng tròn (chỉ gián đoạn ở khán đài nơi vua ngồi xem) để khán giả đi quanh trên đấu trường và để xem voi cọp đánh nhau trong lòng chảo. Mô đất chạy vòng ấy cũng đã được dùng để trổ thành 5 chuồng cọp và một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu. Đường kính trong lòng chảo 44m, chu vi ngoài Hổ quyền 140m.

[center]Image
Toàn cảnh Hổ quyền được họa sỹ dưới thời Nguyễn vẽ lại.[/center]

Lúc thịnh thời, các trận đấu tại Hổ quyền được tổ chức hàng năm, nhưng cũng tuỳ sở thích của từng ông vua triều Nguyễn, có khi một năm tổ chức vài ba trận đấu nhưng cũng có khi vài ba năm mới tổ chức một trận đấu tại Hổ quyền.

Trận đấu cuối cùng tại Hổ quyền diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Từ đó về sau, một phần vì kinh tế khó khăn không thể chi phí cho việc săn bắt thêm voi, cọp để thi đấu, một phần vì sự mâu thuẫn ngày càng trầm trọng giữa vua Thành Thái và chính quyền Bảo hộ nên Hổ quyền cũng bị bỏ hoang cho đến ngày nay.

Thật đáng tiếc là cho đến bây giờ vẫn chưa phát hiện thấy có sử liệu nào ghi chép cụ thể đã có bao nhiêu trận đấu giữa voi và cọp diễn ra ở Hổ quyền trong suốt nhiều đời vua triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Thành Thái.

Theo một số truyền thuyết dân gian thì cũng chính tại đấu trường của hoàng cung này đã từng diễn ra các cuộc đấu của các mãnh tướng chống lại triều đình với những con cọp dữ. Những truyền thuyết, dã sử xoay quanh Hổ quyền còn rất nhiều nhưng thực tế chỉ có một. Đó là di tích văn hóa quý giá này đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng. Lớp phong mờ của thời gian và sự tàn phá của con người đã và đang làm cho nơi đây hoang tàn nhanh chóng.

Trước đây, bên cạnh Hổ quyền, phía trước mặt Long Châu Miếu có hồ sen rất rộng, đó là nguồn nước ăn của cả vùng Long Thọ. Ngoài ra, lợi tức bán hạt sen của cái hồ này cộng với tiền cúng tế do triều đình cấp cũng đủ để dùng vào việc lễ tế voi diễn ra khá lớn hàng năm ở đây. Sau này, cùng với sự thờ ơ của người đời, mặt nước linh thiêng biến thành hồ nuôi cá, hương sen thơm ngát bị lấn át bởi vô vàn mùi xú uế của rác thải sinh hoạt khiến cho mạch nước hồ ô nhiễm và cạn dần. Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, rất nhiều nhà dân đã lấn chiếm xây trùm lên đất đai di tích, muốn vào thăm chốn này, du khách phải chui qua cái kiệt 373 nhỏ bé nằm khuất lấp trên đường Bùi Thị Xuân.

Xin được nhắc lại rằng: Khắp các nước Đông Á, kể cả Trung Quốc và Nhật Bản, không thấy ở quốc gia nào có đấu trường tương tự. Hổ quyền ở Huế chẳng những là một di tích đặc biệt và độc đáo của Việt Nam, mà còn là một di tích quý hiếm của thế giới nữa.

(sưu tầm )
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
User avatar
giamchua
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $54,936
Posts: 4256
Joined: 09 Apr 2006
Location: Vườn Nho Xứ Lạnh
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng giamchua từ: Christiane, Rentonly, just4fun_770, dongsan

Return to Dẫn Người Đẹp Đi Chơi



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 10 guests