[Trung Quốc] Hàng Châu&Phim Trường Hoành Điếm

Ăn và chơi là hai thú trong đời, nếu wí Mít biết chỗ nào để đi chơi thì xin dzô đây chia sẻ

Moderators: giamchua, A Mít

[Trung Quốc] Hàng Châu&Phim Trường Hoành Điếm

Postby chumeocon » 02 Sep 2006

Phim trường Hoành Điếm tọa lạc tại khu công nghiệp hiện đại ở thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, là một trong hai phim trường lớn nhất của nền công nghiệp Điện ảnh -Truyền hình Trung Quốc. Cùng với phim trường Vô Tích (tỉnh Giang Tô), Hoành Điếm đã cho ra đời những bộ phim vốn rất quen thuộc với khán giả V.N .
“Trên có thiên đàng, dưới có Tô Hàng”
Đó là câu nói đầy tự hào của người Trung Quốc về vùng đất văn vật Giang Nam (Tô Châu-Hàng Châu), câu nói quả không ngoa khi PV. ĐMCT rời TP.Thượng Hải bằng đường cao tốc để đi Hàng Châu. Càng đi sâu vào địa phận tỉnh Chiết Giang, cảnh vật hai bên đường hiện ra trước mắt đẹp như những bức tranh thủy mặc. Bây giờ là tháng Tư, vùng Giang Nam đang khoác lên mình chiếc áo mùa Xuân, xen lẫn với màu xanh cây cỏ là những thảm vàng rực của hoa Cúc trồng hai bên ven đường. Giống như ở V.N, người nông dân T.Q không có nhiều đất để canh tác, mỗi gia đình chỉ có một thửa đất nhỏ, họ chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu, đặc biệt là trồng Cúc để bán cho các cơ sở chế biến thành thức uống Trà cúc nổi tiếng thế giới.

Image
Cảnh phim Mãn thành tận đới hoàng kim giáp

Màu vàng hoa Cúc chạy dài đến hút tầm mắt, khiến tôi không thể không liên tưởng đến bộ phim sắp bấm máy trên phim trường Hoành Điếm của đạo diễn Trương Nghệ Mưu: Mãn thành tận đới hoàng kim giáp – cả thành phố mặc chiếc áo màu vàng. Tựa phim không phải là ý tưởng riêng của đạo diễn Trương, mà nó được ông rút từ câu cuối bài thơ Bất đệ hậu phú cúc của nhà lãnh tụ nông dân khởi nghĩa đời Đường - Hoàng Sào:
Đãi đáo thu lai cửu nguyệt bát
Ngã hoa khai hậu bách hoa sát
Xung thiên hương trận thấu Trường An
Mãn thành tận đới hoàng kim giáp
Có thể nhận ra, hoa Cúc và màu vàng của nó đã tiêu biểu cho vùng đất Giang Nam này từ ngàn xưa. Khoảng 1.500 năm trước, Tô Hàng là vùng kinh tế quan trọng với các mặt hàng nổi tiếng:đồ gốm sứ, tơ tằm, lụa và trà. Thời ấy, lụa Hàng Châu đã vượt sa mạc sang các nước Tây Á, xuất khẩu sang tận châu Âu, mở ra con đường Tơ Lụa. Đến đời nhà Tùy, con kênh Đại vận hà dài 1.800km được đào bằng sức người đã thông thương Nam Bắc, nối liền Bắc Kinh tới Giang Đô. Các bạn xem phim truyền hình chắc hẳn còn nhớ, Đại vận hà đã tạo cảm hứng cho các nhà làm phim TVB, cho ra đời đến hai bộ phim dựa trên sự kiện này: Thuyết Đường (Lương Triều Vỹ đóng vai Cầu Nhiêm Khách) , Anh hùng thời xưa (Lâm Gia Huê đóng) và cũng quá quen thuộc những chuyến du hành Giang Nam của vua Càn Long, là đều di chuyển bằng thuyền trên tuyến kênh này.

Image

Vườn cảnh ven bờ Tây Hồ.

Image
Tây Hồ - Hàng Châu, bên kia hồ là tháp Lôi Phong

Ngày nay, cùng với thành phố Thượng Hải,Tô Châu và Hàng Châu đã trở thành khu tam giác trọng điểm kinh tế phát triển nhanh nhất ở TQ. Điều ít ai ngờ là trong quá khứ, khi hai thành phố Tô Hàng đã phát triển rực rỡ, thì thành phố Thượng Hải hãy còn là một xóm chài xơ xác nằm ven biển. Đi trong thành phố Hàng Châu hôm nay, đập vào mắt du khách là hàng đoàn ô tô mang logo của hãng Volkwagen, nhưng hiệu xe lại là Đại Chúng. Tất cả những chiếc xe này đều được sản xuất tại Thượng Hải . Dọc hai bên đường, những hàng cây Ngô đồng đang thay lá. Ngô đồng được chọn là giống cây đặc trưng trồng trên lề khắp các đường phố, ngõ ngách trong thành phố.Cái tên Ngô đồng gợi nhớ tình bạn tri kỷ Bá Nha và Tử Kỳ. Từ ngàn xưa, Ngô đồng nổi tiếng là loại cây dùng làm đàn tốt nhất.

Image
Cây Ngô đồng trên đường phố Hàng Châu

Vùng đất của các “đại mỹ nhân” và những câu chuyện tình đoạn kết không có hậu
Thời Chiến quốc, Hàng Châu là kinh đô nước Việt, còn Tô Châu tên lúc bấy giờ là Cô Tô-kinh đô của nước Ngô. Câu chuyện Câu Tiễn nằm gai nếm mật và cuộc tranh giành thiên hạ với Ngô vương Phù Sai từng nhiều lần được đưa lên màn ảnh, lồng vào đó là mối tình dang dỡ của đôi trai tài gái sắc: Tây Thi là cô gái giặt lụa ở thôn Trữ La, ngoại thành Hàng Châu, nổi tiếng là một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa, nàng là người yêu của thừa tướng Phạm Lãi. Trong cuộc chiến tranh Ngô-Việt , vì Việt vương Câu Tiễn yếu thế hơn, Phạm Lãi và Tây Thi đã đồng lòng dứt bỏ tình riêng, Tây Thi được tiến cung cho Ngô vương để thi hành “mỹ nhân kế”. Và họ đã thành công, Ngô vương Phù Sai từ khi có được Tây Thi mãi đắm say tửu sắc, xao lãng việc quân đến nỗi nước Ngô bị diệt.
Ngoài tình sử bi tráng vừa kể, Hàng Châu còn nổi tiếng với truyền thuyết Bạch xà Thanh xà, kể câu chuyện chàng thư sinh Hứa Tiên và con rắn tinh tu luyện ngàn năm Bạch xà yêu nhau, nhưng không được toại nguyện, Bạch xà bị sư Pháp Hải dùng phép nhốt dưới tháp Lôi Phong.

Image
Cảnh trong phim Thanh Xà Truyện (đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh vừa trình chiếu ) .
Tháp Lôi Phong hiện tọa trên bờ Tây Hồ, hàng ngày vẫn mở cửa đón khách thập phương vào chiêm ngưỡng. Hàng Châu cũng là bối cảnh của một thiên tình sử lãng mạn,trái ngang, đầy nước mắt khác là Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài . Riêng với du khách VN, khi đến Hàng Châu sẽ hết sức ấn tượng và không khỏi chạnh lòng khi nhìn dòng nước sông Tiền Đường, nơi nàng Kiều đã gieo mình tự vẫn sau mười lăm năm luân lạc:
Chân trời góc bể lênh đênh
Nắm xương biết gởi tử sinh chốn nào

Phim trường Hoành Điếm (Hengdian Word Studios)
Phim trường là công trình của Tập đoàn kinh tế Hoành Điếm, thành phố Đông Dương, tọa lạc trên một vùng đất rộng lớn ở miền Trung tỉnh Chiết Giang, cách TP.Hàng Châu 160km. Khởi công xây dựng từ năm 1996 với số vốn đầu tư ban đầu 2,7 tỉ nhân dân tệ, để quay bộ phim đầu tiên Chiến tranh nha phiến của đạo diễn Tạ Tấn. Đến nay, phim trường đã trở thành điểm làm phim quen thuộc của các đạo diễn tên tuổi hàng đầu khắp ba bờ đại dương: Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Từ Khắc, Vương Gia Vệ, Ngô Tử Ngưu, Vưu Tiểu Cương, Đường Qúy Lễ...Có nhiều bộ phim quay và chế tác hậu kỳ ở đây đã trở thành tác phẩm điện ảnh tầm cỡ quốc tế: Chiến tranh nha phiến, Kinh Kha thích Tần vương, Tinh Võ anh hùng, Thiên địa anh hùng, Phi Thiên Vũ (phim hợp tác Trung-Hàn), Người hùng, Vô cực...

Image
Cung điện hai triều Minh - Thanh

Image
Vùng sông nước Giang Nam

Image
Tần Vương Cung

Image
Cầu trên sông Tiền Đường .

“Muốn làm phim hãy đến Hoành Điếm”, là câu cửa miệng của đạo diễn Tạ Tấn góp ý cho các đạo diễn trẻ. Câu nói này của ông đã trở thành PR quảng cáo giá trị nhất cho phim trường Hoành Điếm. Trung bình mỗi ngày có từ 10 đến 15 đoàn phim điện ảnh và truyền hình hoạt động tấp nập tại đây, họ làm việc bất kể ngày, đêm.Những bộ phim hiện đang quay: Thiếu niên Dương gia tướng, Đại hàng hải, Đại nhân vật, Trương Cự Chính... và trong tháng 5, bộ phim Hoàng kim giáp của đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng sẽ bấm máy những thước phim đầu tiên.

Phim trường có 12 khu ngoại cảnh để phục vụ yêu cầu của các nhà làm phim: Quần thể cung điện hai triều Minh-Thanh, Tần Vương cung, Vùng sông nước Giang Nam, Khu Thanh Minh thượng hà đồ, Phố Quảng Châu, Phố Hương Cảng (HK), Bình Nham động phủ, Đại Trí thiền tự...trong đó đặc biệt nổi bật là Phố Hương Cảng xây dựng từ tháng 9.1998, trên diện tích 12ha, gồm có 30 tòa nhà theo lối kiến trúc cổ châu Âu, tiêu biểu cho cảnh quang, đường phố tô giới Hong Kong vào thế kỷ 19. Năm 2004, phim trường Hoành Điếm được nhà nước TQ công nhận là doanh nghiệp Điện ảnh - Truyền hình đầu tiên đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia. Tập đoàn kinh tế Hoành Điếm đã đầu tư thêm 800 triệu nhân dân tệ, mời Công ty thiết kế ITEC (Mỹ) xây dựng một Công viên Điện ảnh - Truyền hình mang tên “Thế giới điện ảnh huyền ảo” phục vụ du khách vào tham quan phim trường , với những hạng mục công trình được trang bị phương tiện nghe nhìn kỹ thuật số hiện đại nhất.

Bên cạnh nghiệp vụ hỗ trợ chuyên môn làm phim, tập đoàn Hoành Điếm còn khai thác tối đa các hoạt động dịch vụ kinh doanh du lịch. Trong phim trường có Khu du lịch quốc gia 4A, gồm:Trung tâm mua sắm, Cụm rạp chiếu phim, Nhà hát biểu diễn, Phòng tập thể dục, Bowlling, Nhà hàng ăn uống và Khu công viên giải trí dành cho thiếu nhi. Ngoài ra còn có khu nghỉ mát phục vụ du khách phương xa đến tham quan, nghỉ dưỡng tại phim trường với hơn 10 khách sạn - nhà hàng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, số giường đủ phục vụ cho 8.000 khách. Trong phim trường còn có khu nhà nghỉ dành riêng cho diễn viên, nhân viên các đoàn phim.Các đoàn phim khi cần có thể tận dụng nguồn diễn viên quần chúng tại chỗ, với mức thù lao theo qui định: Diễn viên trẻ được đào tạo qua trường lớp diễn xuất = 40 tệ/ngày, làm việc 8 giờ (tương đương 80.000 VNĐ), các DV là người già, phụ nữ và trẻ em= 20 tệ/ngày.

Hiện nay, phim trường Hoành Điếm vẫn không ngừng tu bổ cảnh quang, nâng cấp các công trình và xây dựng mới nhằm phục vụ thỏa đáng các nhà làm phim nội địa, khu vực HK-ĐL, Hàn Quốc, Singapore...Tập đoàn kinh tế Hoành Điếm không hề giấu diếm tham vọng biến phim trường thành một “kinh đô điện ảnh Hollywood của phương Đông” (Oriental Hollywood), để thu hút giới làm phim quốc tế.
(Theo Báo Ảnh Đất Mũi)
User avatar
chumeocon
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $177,399
Posts: 1263
Joined: 20 Feb 2006
Location: Hồ Chí Minh, VN
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng chumeocon từ: MuaThuDuoiMua

Postby chumeocon » 02 Sep 2006

Vậy thì coi mới dễ hiểu và cảnh vật của nó như thế nào. Meocon nhớ ra rằng bộ phim Mạnh Lệ Quân của Hong Kong hình như cũng quay ở đây đó.
User avatar
chumeocon
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $177,399
Posts: 1263
Joined: 20 Feb 2006
Location: Hồ Chí Minh, VN
 
 


Return to Dẫn Người Đẹp Đi Chơi



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 16 guests