[VN] Đồng Nai

Ăn và chơi là hai thú trong đời, nếu wí Mít biết chỗ nào để đi chơi thì xin dzô đây chia sẻ

Moderators: giamchua, A Mít

[VN] Đồng Nai

Postby Ngươi vien xu » 29 Aug 2006

Xin giới thiệu bài về Đồng Nai của Tạ Xuân Thạc ( về hình NVX chưa sưu tầm được )

ĐỒNG NAI
SÔNG NƯỚC HỮU TÌNH
TẠ XUÂN THẠC

. . . . . . . . . . . . . . . . Đây Miền Nam
Nước sông dâng cao cá lội ngù ngờ
Nước xanh xanh lơ có thêm cây rừng
Về về đây miền Đồng Nai có Cửu Long
Cuộn chảy dâng miền Nam mạch sống
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
(Hội Trùng Dương – Nhac Phạm Đình Chương)

Tôi đang đi trên một con đường dọc theo sông Đồng Nai, muờng tượng như đang nghe bài Hội Tùng Dương của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương với giọng ca sĩ Thái Thanh cao vút mà lòng xao xuyến . . . Thật vây, vì trong mỗi người chúng ta ai mà chẳng thấy rằng miền Nam Việt Nam có hai con sông lớn là Đồng Nai và Cửu Long góp sức tạo thành một miền đồng bằng trù phú, ruộng lúa mênh mông cò bay thẳng cánh. Riêng miền Đồng Nai có những phong cảnh hữu tình. Tại đây có núi thấp Bửu Long và hồ Long Ẩn như một Vịnh Hạ Long thu nhỏ:
Hãy ngắm nhìn núi đồi Bửu Long và hồ Long Ẩn, chỉ cách thành phố Biên Hòa khoảng chừng 6 cây số, ngồi xuống ven đồi rồi ngắm nhìn để hình dung ra nó như một bức tranh vịnh Hạ Long thu nhỏ, các vách đá soi bóng dưới mặt nước hồ trong xanh tạo ra một quang cảnh hấp dẫn của thiên nhiên mỹ lệ giữa núi đồi với hồ rộng, hài hoà với các công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn tôn giáo của nhiều thời đại.
Ta tự coi là khách vãng lai, ngoài cảnh Bửu Long, ta sẽ được du ngoạn trên mặt hồ Long Ân bằng tàu thủy nhỏ, hay ghe chèo lướt nhẹ trên mặt nước gợn sóng lăn tăn, hoặc ta có thể dùng pédallo thả trôi bồng bềnh trên mặt hồ mà các nghệ nhân đã khéo léo tạo thành hình con thiên nga xinh xắn, ta vừa dùng chân đạp để lướt nhẹ trên mặt nước, vừa ném tầm mắt nhìn xa, đầu óc thảnh thơi tận hưởng không khí và cảnh trí thiên nhiên.
Còn nếu ta muốn chơi môn thể thao mạnh bạo thì th
am gia vào các cuộc leo núi có tính cách mạo hiểm, sau đó xuống nghỉ ngơi cho khoẻ thì ta lại cắm trại trong vườn cây râm mát để thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của miền Đồng Nai Biên Hoà.
Một trong những đặc sản của Đồng Nai Biên Hoà là bưởi Tân Triều :
Làng Tân Triều nổi tiếng vì nó thường gắn liền với đặc sản bưởi Biên Hòa, thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Nơi đây đã cho ta rất nhiều các loại bưởi: bưởi đường, bưởi thanh, bưởi cam, bưởi ổi…Đất Tân Triều phù sa mầu mỡ, nguồn nước thì thật là dồi dào nên rất thích hợp với cây bưởi vì nó cần nước để phát triển nhanh, do đó mà thật tuyệt hảo khi ta dùng nó. Bưởi tân Triều không chỉ những được biết đến ở địa phương, mà cả trên toàn quốc và còn vang danh ra nhiều nước khác nữa. Ta hãy nhìn vườn bưởi có trái trĩu cành, oằn nặng dưới các tàng cây, sà trên mặt đất, ta có thể tự hái và thưởng thức vị ngọt Đồng Nai.
Ăn bưởi Tân Triều xong rồi, chúng ta có thể đi thăm đồi Bửu Long, tuy thấp, nó chỉ xứng danh là ngọn đồi trọc thôi nhưng có chùa cổ Bửu Phong nổi tiếng nằm ẩn núp sau cây bồ đề lớn; rồi còn có Thiên Hậu Miếu rất cổ kính, lại có hang đá Long Sơn Thạch Ðộng hình dạng giống hàm ếch với nhiều nhũ đá chảy rủ xuống tạo thành vẻ huyền bí. Sau khi chèo thuyền trên mặt hồ thấm mệt rồi, bây giờ ta hãy leo đồi vãn cảnh chùa cho vui vì nó khác với thú vui trên mặt nước, ta còn có thể kể thêm làng bưởi Tân Triều còn nổi tiếng về nghề đục đá truyền thống Bửu Long, nghệ thuật điêu khắc này đã có từ cuối thế kỷ 17 được lưu truyền cho đến ngày nay ngay ở dưới chân đồi. Có thể nói đồi Bửu Long với hồ Long Ẩn là nơi rất hấp dẫn đối với khách du lịch phương xa.
Thác Đá Hàn :
Rời khu Bửu Long –Long Ẩn ta đi thăm Thác Đá Hàn:
Thác Đá Hàn cách Quốc lộ 1 khoảng 6 cây số về phía Bắc, thuộc ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Thống Nhất. Nơi đây có rất nhiều cây xanh bao quanh dòng thác sông Trầu đổ từ trên cao xuống tung bọt trắng xóa, tạo cho quang cảnh với vẻ trữ tình đặc biệt. Tôi chợt nhớ lại ngày xưa trước thời chinh chiến ở dưới quê miền Bắc, những gầu xuồng tát nước dưới đêm trăng cũng quyện vào nhau làm bọt nước văng tung tóe, cạnh đó có tiếng chày của những cô thôn nữ rộn ràng như bài Thôn Trăng của nhạc sĩ Mạnh Bích mô tả:

Đêm nay trăng soi thôn trang,
Gió đưa gió đưa nhịp chảy vang (quê hương à ơi)
Trăng đến vui thôn làng cho nặng tình yêu thương
(âm vang) ...

Êm êm trên sông ven thôn,
Gió đưa gió đưa giọng hò khoan hò khoan (hò khoan hò khoan)
Nghe sóng vỗ mạn thuyền gợi tình, tình quê hương
Nghe sóng vỗ mạn thuyền thêm nặng lòng biết bao là tình .
Ớ! quê hương mình (hò dô hò) đồng rộng trời thanh
Ớ! nước non mình (hò dô hò) cảnh đẹp người xinh

Ớ ờ ơ, này là trai (ơ) gái (ớ ớ dô ớ hò) ta như đôi bàn tay,
Ớ ờ ơ, cùng một giòng (ư) máu (ớ ớ dô ớ hò) ta thương yêu (ờ) nhau.

Đêm nay trăng soi thôn trang,
Gió đưa gió đưa dật dìu cành tre (quê hương à ơi)
Ai hát câu thơ Kiều nặng tình quê hương (âm vang) ...

Đêm đêm ai ca ru con khẽ đưa, khẽ đưa à ơi câu buồn thương (khoan khoan hò khoan)
Bao trẻ thơ trong làng ra bờ đê cười ca vang
Ra ngắm ông trăng vàng thêm nặng lòng mến yêu thôn làng
Ớ! Quê hương ờ ơi! Ơi, quê hương ờ ơi!
(Thôn Trăng - Nhạc Mạnh Bích, lời Nguyên Diệu )
Thật là cảnh thanh bình tuyệt diệu, nhưng tìm đâu ra bóng hình của ngày xa xưa ấy nữa!

Thôi, ta hãy tạm quên quá khứ để trở về với hiện tại để đi thăm thác Trị An nằm cách thành phố Biên Hòa khoảng ba chục cây số, dọc theo đường số 24, thác có bề ngang rộng 300 thước có dòng chảy xiết giữa đôi vách đá xám phủ cây xanh rậm rạp. Vào mùa khô thì những tảng đá to lộ ra gần cạn gần như ta có thể lội bộ từ bờ này sang bờ bên kia; nhưng vào mùa mưa, thác xoáy gầm thét, bọt nước phủ đầy sóng cuốn theo dòng các thân cây nguyên vẹn bứng ở ven bờ. Thác Trị An hùng vĩ giữa thiên nhiên nhưng lại gắn liền với một huyền thoại diễm tình truyền từ bao đời nay. Đó là chuyện từ xưa đến nay ta vẫn còn thấy một hòn đá cao vài mét có dáng thiếu phụ ngồi nhìn xuống dòng nước xiết, người ta thường gọi là Hòn Vọng Phu vì dường như thiếu phụ đá đó đang ngồi ở đó để muôn năm chờ chồng mà thời gian cứ trôi đi biền biệt mà chồng nàng đâu chẳng thấy! Nàng vẫn chờ.
Trị An hiện nay còn có một nhà thủy điện hình thành từ đầu năm 1980. Dòng nước từ cao nguyên đổ về được ngăn lại thành một hồ rộng mênh mông với những hòn đảo như những viên ngọc trên mặt nước. Trong đó Đảo Ó (2,1ha)- Đảo Đồng Trường (22ha) là hai hòn đảo kề cạnh bên nhau như đôi bạn tâm giao.
Khu du lịch Đảo Ó - Đảo Đồng Trường cách Saigon chừng 65 cây số, cách Biên Hòa 30 cây số theo đường Quốc lộ.
Từ đảo Đồng Trường.du khách có thể dùng canô hoặc thuyền (mất khoảng 15 - 20 phút) để đặt chân lên Đảo Ó để vui chơi, ăn uống và giải trí như trò chơi môtô nước, cầu trượt nước, bãi tắm nhân tạo, khu cắm trại và vườn cây ăn trái. Đây là điểm mà khách du lịch thích thú, nhất là cho những người yêu thích thiên nhiên.
Ta cũng có thể đi LONG KHÁNH – XUÂN LỘC để thăm THÁC TRỜI cách trung tâm Huyện Xuân Lộc chừng 29 cây sô. Nơi đây là một bức tranh hùng vĩ và hoang sơ của núi rừng, nơi con sông La Ngà đổ qua nhiều bậc đá.
Hiện nay người ta đang tiến hành đầu tư vào vườn cây ăn trái cạnh Thác Trời với diện tích khoảng năm chục mẫu tây (50 ha), xây dựng điểm đi thuyền trên sông và một số trò chơi mạo hiểm cùng các dịch vụ khác để phục vụ du khách.
Khu vùng núi Chứa Chan cũng hấp dẫn du khách không kém: Từ TP.Biên Hòa theo quốc lộ số 1 gần 80 cây số, ta sẽ đến được với núi Chứa Chan ở Thị Trấn Gia Ray – Huyện XuânLộc. Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí có viết rằng : “…Núi Chứa Chan có thế núi chót vót, trông xuống khe Da Lao, chỗ giáp giới của hai huyện Long Khánh và Phước Bình có nhiều mây song gỗ lạt, lưng núi có động đá và giếng đá…”.
Núi Chứa Chan cao 837m với Chùa Bửu Quang ( còn gọi là chùa Gia Lào) trên gần đỉnh núi là điểm thu hút du khách, nhất là vào các ngày lễ, hay ngày Tết thì số người hành hương lên đến cả hàng ngàn, lúc đó thật náo nhiệt của khung cảnh ngày lễ hội.
Chùa Bửu Quang được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, với chánh điện mái vòm, toạ lạc trên một hang đá có dáng Hàm Rồng. Toàn thể kiến trúc chùa đều dựa theo những hang động thiên nhiên, tạo nên nét độc đáo giữa chốn thâm nghiêm hùng vĩ của núi rừng. Khu núi Chứa Chan lại còn có Suối Tiên trong vắt, nước chảy róc rách quanh năm, có cây đa dính chùm ba gốc ở lưng chừng núi như có một vẻ linh thiêng huyền bí, người xưa thường nói ‘’ Thần cây Đa’’ ý nói Thần thường lấy cây đa làm nơi trú ẩn, chứng minh thêm cho các huyền thoại được truyền từ nhiều đời của vùng sơn cước này. Từ độ cao hơn 600 thước để mắt nhìn ra xa ta có thể nhìn toàn cảnh của thiên nhiên hữu tình, lòng ta sẽ cảm thấy thư thái nhẹ nhàng ,bù lại sự mệt nhọc của chặng đường vừa đi qua thật gian nan và vất vả.
Ta đi ngược lên hướng bắc đến thăm Thác Ba Gọt:
Thác Ba Giọt nằm trên sông La Ngà, cách Quốc lộ 20 gần 8 cây số, thuộc xã Phú Vinh, huyện Định Quán, là một vùng có địa hình đẹp, diện tích khoảng 20km với các khu vực vui chơi giải trí trên mặt hồ và sông nước.Vị trí địa lý thuận lợi, địa hình đẹp cho nên Thác Ba Giọt trong tương lai có thể trở thành một khu du lịch lý tưởng.
Bây giờ ta hãy đi tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên:
Vườn Quốc Gia Cát Tiên, với diện tích 74.320 mẫu tây , thuộc xã Đaklua, huyện Tân Phú, là một trong những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam, được UNESCO công nhận là khu sinh quyển của thế giới. Cát Tiên cũng là đô thị tôn giáo của Vương quốc cổ Phù Nam (thế kỷ thứ hai sau Công nguyên) với nền văn hóa óc Eo nổi tiếng. Nơi đây là một bảo tàng thiên nhiên có ý nghĩa quốc tế về khoa học và văn hóa, là nơi còn lưu giữ hệ động thực vật của rừng nhiệt đới rất là quí giá.
Thực vật thì có khoảng 636 loài, chúng thuộc 411 chi của khoảng 192 họ, trong đó có nhiều loại quý và hiếm. Về động vật thì có khoảng 208 loài chim, 57 loài thú, 10 loại bò sát, 121 loài côn trùng và rất nhiều loài quý và hiếm đang được bảo vệ để khỏi thất thoát như báo gấm, báo hoa mai, sói đỏ, sóc bay, vộc ngũ sắc, tê giác một sừng, bò tót, gấu chó, hạc cổ trắng, công xanh. Vườn Quốc Gia Cát Tiên là khu nhiều cảnh thiên nhiên rất lạ kỳ, có những thắng cảnh như: Bàu Chim, Bàu Sấu, Suối Tiên, Thác Trời, Rừng Phong Lan, cây cổ thụ ngàn tuổi.
Các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, sinh viên học sinh và du khách bốn phương đã đến nơi đây tìm hiểu cảnh vật thiên nhiên, rút tỉa được những khám phá mới lý thú và có được những cảm giác hiếm có, thật khó quên.
Ta lại đi thăm tiếp khu Suối Mơ
Nằm trong xã Trà Cổ, huyện Tân Phú. Suối Mơ là một hồ tắm thiên nhiên với cảnh quan còn đậm chất hoang sơ, đặc biệt là nguồn nước trong xanh như ngọc, không bao giờ cạn và là một điểm hẹn lý tưởng vào mùa hè. Nhiều nhà hàng mini nằm cạnh hồ phục vụ du khách các món ăn đặc sản. Trên bờ là vườn cây ăn trái xanh tươi cho trái ngọt quanh năm.
Tới đây ta đi vãn cảnh cũng đã khá nhiều và thấm mệt rồi, nhưng hãy cố gắng đi thêm một đoạn đường nữa để đến Thác Hoà Bình:nó nằm ngay cạnh Chùa Linh Phú ( Cây số 140 trên Quốc lộ 20, thuộc xã Phú Sơn, huyện Tân Phú ). Khi ta đến đây không những được chiêm ngưỡng nét thâm nghiêm của ngôi chùa cổ kính mà còn có được cái cảm giác thú vị của người leo núi, rồi còn thú vị khi mắt được ngắm dòng nước chảy, tai được nghe tiếng chim hót líu lo vui nhộn. Ta đang đắm chìm trong không gian bao la của núi rừng hùng vĩ. Thác Hòa Bình ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, nó còn là nguồn nước tưới cho ruộng vườn của dân chúng trồng lúa xạ và hoa mầu nằm dưới chân đồi. Ta đứng trên thượng nguồn ngọn thác, ta sẽ được ngắm nhìn phong cảnh bao la trữ tình với những ngôi nhà thấp thoáng ẩn hiện dưới chân núi, xen kẽ với màu xanh mượt mà của những vườn cây ăn trái thuộc huyện ĐaHoay (Lâm Đồng) và RôMô (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận). Một cảnh thần tiên của non nước Việt Nam gấm vóc hữu tình.
TẠ XUÂN THẠC
......
Em cứ đến cứ đi và cứ khóc
Ta đã đi rồi ta lại sẽ về

User avatar
Ngươi vien xu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $59,160
Posts: 1548
Joined: 28 Feb 2006
Location: USA
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Ngươi vien xu từ: MuaThuDuoiMua, Minh Chau, Rentonly, VienDong

Return to Dẫn Người Đẹp Đi Chơi



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 13 guests