Du Lịch Thắng Cảnh & Mua Sắm

Ăn và chơi là hai thú trong đời, nếu wí Mít biết chỗ nào để đi chơi thì xin dzô đây chia sẻ

Moderators: giamchua, A Mít

Du Lịch Thắng Cảnh & Mua Sắm

Postby Huy Hoang » 25 Aug 2006

Bây giờ Du lịch Thắng Cảnh còn kết hợp với Ẩm Thực và Mua Sắm nữa.Điếm du lịch nào qui tụ cả 3 yếu tố trên thì không phải lo không có Du khách .
Mời bạn tìm hiểu bài phóng sự sau :

Đi chợ đường biên những ngày cuối năm

Một trong những niềm vui nho nhỏ của nhiều người dân ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc là đi “ shoping” chợ đường biên vào những ngày cuối năm. Nói đến chợ đường biên, ở ngoài Bắc, người ta biết ngay là nói đến các chợ gần biên giới ở Lạng Sơn, Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Lào Cai...
Trong số các chợ đó, người ta hay đến các chợ dọc biên giới Lạng Sơn hơn cả, phần vì gần (chỉ cách Hà Nội khoảng 120 km), phần vì ở chợ này hàng hoá (hàng Trung Quốc) luôn luôn rất nhiều và rất rẻ. Thế cho nên, không chỉ có người Bắc mà đến chợ, ta thấy cả hàng đoàn xe từ miền Trung ra, có xe du lịch chở khách tận từ một số tỉnh miền Nam, từ TP Hồ Chí Minh đến và cả những đoàn khách tây đi du lịch cũng ghé qua sắm đồ...

Tôi cũng là một người “nghiện” chợ đường biên, năm nào cũng đi 1-2 lần và nhất định phải một lần vào cuối năm mặc dù một năm cũng chẳng đi mua sắm được mấy lần. Chợ biên giới có cái gì đó rất thú vị, luôn luôn mới mẻ chẳng giống như mấy cái chợ gần nhà: mới thì có mới nhưng cứ mới thì thường là đắt; rẻ thì có rẻ nhưng đã rẻ thì chất lượng lại không ra sao. Riêng ở các chợ đường biên thì khác: người ta luôn luôn có thể mua được thứ mới nhưng lại rẻ, tuy rẻ nhưng lại khá tốt. Tất nhiên, cũng không nên quá lời vì thực tế, cũng có một số phần trăm đáng kể nào đấy (có lẽ đến 5-7%) là hàng giả, kém chất lượng (ở các thành phố, đô thị trong nội địa, tỷ lệ đó chắc đâu có kém ?), có những mặt hàng quá rẻ được gọi là “hàng địa phương” (hàng do các công ty nhỏ ở các vùng giáp biên giới Trung Quốc sản xuất- PV) thì chất lượng đúng là không cao thật, dùng được nhưng rất mau hỏng. Nhưng về đại thể mà nói, hàng hoá các loại ở các chợ đường biên luôn luôn đáp ứng được bất cứ ai có nhu cầu mua sắm khi đến đây.

Năm nay, dù sát Tết, chúng tôi vẫn đi chợ và điểm đến đầu tiên, vẫn là chợ Tân Thanh của tỉnh Lạng Sơn. Chợ này nằm trong khu vực kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, diện tích không lớn lắm. Mặc dù biết rằng sẽ đông nhưng tôi cung không ngờ mức độ đông đúc có thể nói đến mức thái quá của chợ vào những ngày này. Người, xe đi lại cứ cuồn cuộn hệt như đi chảy hội. Mặc dù trong năm, người ta đã gấp rút xây dựng bên cạnh ngôi chợ cũ (rộng khoảng 500 m2) một khu chợ mới cũng rộng như thế nhưng cao 3 tầng, mới đi vào hoạt động nhưng chợ nào cũng đông như chợ nào, gian nào cũng chật cứng người và hàng hoá. Thôi thì đủ các loại, phổ biến nhất là các loại hàng điện tử như các loại tivi màn hình phẳng, đầu đĩa VCD, DVD...; hàng gia dụng: các loại máy ép nước hoa quả, sinh tố, bếp điện, bếp, nồi nấu từ tính...; hàng chăn, ga, gối, đệm... với giá rất rẻ được bày bán, chất chồng không theo trật tự gì lắm. Gian hàng điện tử thì lẫn với giày dép, chen giữa gian hàng quần áo lại có các gian hàng đồ chơi trẻ em... Nhưng mặc kệ, người ta vẫn cứ đi, cứ khuân ùn ùn hàng ra xe, người bán lại khuân ùn ùn hàng từ đâu về. Đâu đó, tôi vẫn bắt gặp những người khách du lịch châu Âu, chắc từ Hà Nội lên cũng hăm hở mua sắm đồ, vác từng bịch lên xe như người Việt Nam vậy. Chị Huyền, làm ở một công ty tại Hà Nội cho biết: “Mỗi lần lên đây mua, tiết kiệm được cả triệu bạc đấy anh ạ. Hàng ở đây rất rẻ mà khéo chọn thì chất lượng cũng tốt lắm, nhất là hàng "trung ương" (các sản phẩm do các công ty ở Bắc Kinh hoặc ở các thành phố lớn của Trung Quốc sản xuất-PV). Ví dụ như cái đầu đĩa (hiệu Qisheng) này, tôi mua cho chồng tôi. Nếu mua ở nhà, mấy triệu một cái nếu mua hàng nội, ở đây chỉ có 700 ngàn đồng mà loại đầu đĩa này lại không kén đĩa, đĩa xước sát gì xem được hết”. Không chỉ có mặt hàng điện tử, mà nhiều loại khác, giá cũng rẻ bất ngờ: ví dụ như bộ chăn, trông cũng rất đẹp chỉ có 135.000 đồng; một bộ bếp, nồi nấu bằng từ tính là 700.000 đồng...

Nhưng ở đây mới thấy rằng, nếu dân tình cứ đi mua kìn kìn về xuôi như thế, hàng nội địa làm sao cạnh tranh nổi ? Mặc dù trước khi đến chợ, ở Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc quýt (trạm liên ngành để kiểm tra hàng hoá, chống buôn lậu) cách đó vài km, bất cứ xe nào ra, vào khu vực chợ Tân Thanh, Đồng Đăng (chợ này cũng gần chợ Tân Thanh)... cũng được phát các tờ rơi khuyến cáo không được mua thứ này, thứ kia như hàng điện tử không dán tem, đồ sành sứ... Nhưng thực tế là gần như đại đa số các mặt hàng điện tử, điện lạnh ở các khu chợ này đều không có dán tem. Cuối năm, các lực lượng chống buôn lậu cũng kiểm tra qua quýt, nếu thấy một người chỉ mua 1-2 đầu đĩa hay nồi nấu lẩu điện thì cũng vẫy tay cho qua. Cho nên, hàng lậu vẫn tuôn chảy ào ào từ các đường cánh gà sát các cửa khẩu: Tân Thanh, Chi Ma vào chợ. Thậm chí, ở cửa khẩu chính ngạch, hiện nay Chính phủ quy định cho các cư dân ở biên giới mỗi lần qua Trung Quốc về được mua 500.000 tiền hàng miễn thuế. Thế là hàng ngày có cả đội quân hàng ngàn người cứ cầm sổ hộ khẩu, giấy thông hành là qua biên giới, nghễu nghện vác hàng thùng hàng lớn oằn vai để mang vào chợ cho các chủ hàng rồi lại đi chuyến nữa, chuyến nữa... Một anh bạn tôi làm ở Hải quan Lạng Sơn bảo: “Bây giờ mặc dù thu thuế ngay ở cửa khẩu số 1 (ngay tại đường biên giới) nhưng quy định như thế, người ta lợi dụng mà chưa có cách nào khắc phục được. Với lại, tỉnh cũng không muốn làm gắt vì làm gắt quá, thuế cũng không thu được mà tỉnh chỉ trông chờ chính vào mấy khu chợ này”. Thế cho nên, nếu như các doanh nghiệp trong nước mà lên coi tình hình mua bán ở trên Lạng Sơn thì hẳn rất là nản. Sau hàng loạt vụ buôn lậu lớn bị phát hiện ở tỉnh này như vụ Hang Dơi, vụ Tân Thanh khiến hàng chục cán bộ, nhân viên Hải quan phải ra toà, vào tù, mất việc nhưng giờ đây, hàng lậu vẫn cứ ngang nhiên được lưu thông. Ban ngày ban mặt, những ngày cuối năm này, đi xe dọc đường biên lên chợ Tân Thanh, Đồng Đăng, người ta vẫn thấy hàng tốp người, leo như kiến qua các đường mòn dọc theo các dãy núi biên giới sang bên kia khuôn, vác hàng về. Hàng quần áo, chăn thì họ ném từ đỉnh xuống chân núi, hàng điện tử thì cõng về... rất cần mẫn để làm đầy ắp chợ Tân Thanh, chợ Đồng Đăng, chợ Đông Kinh; tập kết lại thành các chuyến xe lớn chở về sâu trong nội địa.

Không chỉ có những mặt hàng thông dụng. Những mặt hàng quốc cấm muốn tìm ở chợ đường biên cũng chẳng thiếu gì. Người ta có thể tìm thấy bất cứ ở chợ nào ở Lạng Sơn súng bắn đạn hơi cho trẻ em, những thiết bị để “ăn cắp” điện (các chủ hàng treo biển: máy tiết kiệm điện); các thiết bị thu vệ tinh, có thể thu hàng trăm kênh khác nhau với giá chỉ 1-1,5 triệu đồng/ chiếc... Trên một chuyến xe trước đó từ Lạng Sơn trở về, tôi còn được một chú bé giở ra cho xem một tá các loại thiết bị dùi cui điện, có thể phát ra điện, xịt hơi cay... Chú bé này thản nhiên bảo: “Mấy thứ này, mấy ông ở vũ trường Hà Nội nhờ em mua. Cái này A Sin (khối ASEAN) nó còn cấm nhập đấy anh ạ”.

Giả dạng người đi mua hàng, tôi cũng theo một con đường mòn cạnh cửa khẩu Chi Ma để sang bên kia biên giới - đó là thị trấn Lũng Vài, một nơi tập hợp đủ thứ hàng chỉ chờ người Việt sang mua. Ở đây, dãy hàng nào ra dãy hàng đấy, cũng đủ thứ hàng và chủ hàng, những người Trung Quốc, phần lớn đều biết tiếng Việt. Một người bán hàng bảo tôi: “Cuối năm người Việt Nam sang mua hết cả hàng rồi, nhập không kịp pán (bán) à”. Những người Việt sang đây mua hàng cuối năm cũng rất hối hả. Họ đã quen nhau rất kỹ, chỉ vào khuân hàng đã đóng gói sẵn, trả tiền rồi đi mà không cần phải mặc cả dài dòng.

Không chỉ chợ Tân Thanh, các chợ đường biên khác ở Lạng Sơn đều như thế. Các chợ này đều đối diện với một chợ của Trung Quốc gọi là các “cặp” chợ đường biên: đối diện Tân Thanh có chợ Lũng Nghịu, đối diện chợ Đồng Đăng có chợ Pò Chài... Riêng chợ Đồng Đăng có thêm nhiều mặt hàng địa phương. Ở đây, những ngày cuối năm cũng khá sôi động với nhiều loại hàng khá đặc biệt của người địa phương đem tới: từ gà, vịt đến quả mắc cọp, rau cải ngồng, cải làn - những loại lại rau, quả rất ngon của Lạng Sơn đến vải, quần áo thổ cẩm... Những người phụ nữ dân tộc Dao, Mông đến chợ với những bộ váy sặc sỡ có khi chỉ gùi theo vài ba quả mắc cọp, táo mèo để bán rồi mua vài cuộc chỉ, cây kim đem về nhưng trông họ cũng rất vui vẻ. Với họ, đi chợ cuối năm cũng như đi hội.

Chợ đường biên, với tất cả những sự phong phú, ồn ào, sôi động của nó đã trở thành những địa điểm không phải đơn giản là để mua sắm mà còn là điểm du lịch hấp dẫn. Ở Lạng Sơn, có thể trước hay sau khi đến các chợ đường biên mà người ta có thể kết hợp với đi thăm quan: xem tuyết ở núi Mẫu Sơn vào những ngày thời tiết trở lên giá lạnh hay đến các động Tam Thanh, ngắm đỉnh Vọng phu...cũng vô cùng thú vị.
User avatar
Huy Hoang
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $157,995
Posts: 641
Joined: 11 May 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Huy Hoang từ: MuaThuDuoiMua, just4fun_770, Minh Chau, Rentonly, etvane

Return to Dẫn Người Đẹp Đi Chơi



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 14 guests