Năm Mới Xông Quán: PHỞ

Nơi trao đổi những kỹ thuật và bí quyết nấu ăn

Moderators: hoatimxua, nguyenninhtran, Ace, A Mít

Năm Mới Xông Quán: PHỞ

Postby CoMay » 29 Jan 2006


Năm mới năm me, Cỏ vô xông nhà.. í lộn.. xông quán của Cơ.
Chúc Cơ làm ăn phát đạt, khách vô tấp nập đêm ngày ha :D

Okie, viết tặng Cơ một phiếm luận làm quà đầu Xuân hén :tt:




PHỞ

Image
Phở 24 - Hà Nội - Photo: CoMay


"Tôi thấy rằng trong muôn vàn thực tế phong phú của nhân dân Việt nam, có một cái mà hàng ngày ít ai nỡ tách rời nó, tức là cái thực tế phở".


Vâng, đấy chính là những dòng của Nguyễn Tuân trong bài viết về phở của ông.

Chúng ta đã từng nhiều lần ăn phở, từng đọc "Phở" của Nguyễn Tuân và từng nghe từ "phở" nhằm ám chỉ những cô nhân tình dễ thương. Nhưng chắc chẳng mấy ai rỗi hơi mà ngồi so sánh thử xem phở và "phở" khác nhau như thế nào, hơn kém ra làm sao và có nỗi khổ gì. Tôi cũng chả bận tâm đến chuyện so sánh này làm gì cho đến khi... ngồi trong quán phở, ăn phở, nghĩ về phở và được nghe "phở" tâm sự. Xin viết lại đây cho bà con đọc như một câu chuyện giải trí.

Số là thế này, nhân một dịp vào khu chợ Việt nam mua đồ ăn, tôi có gặp lại một cô "phở" chính hiệu, trẻ trung, thơm phức. Chúng tôi đều đói ngấu và quyết định đi ăn. Vào quán, chọn một nơi tương đối riêng tư, chúng tôi liền kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện và dừng lại khi chị chủ quán bưng tới hai tô phở bò nóng hổi. Tôi còn đang nhìn theo thân hình đầy "phúc hậu" của chị chủ quán và khâm phục sự nhanh nhẹn của chị, thì "phở" nói:

- Để được gọi là phở, phải cần biết bao nhiêu thứ chị nhỉ? Nào bánh phở, nào xương, nào thịt, nào gừng hành nướng, nào thảo quả... Rắc rối quá!

Tôi ngắm nghía bát phở trước mặt, nhanh chóng áng chừng chất lượng và thành phần dinh dưỡng. Miệng ừ hử, đầu óc thì chạy theo... phở của Nguyễn Tuân.


"Nhưng khoa phở đã có những việc nó đòi phá cả những khuôn phép của nó. Theo tôi nghĩ, cái nguyên tắc cơ bản của phở là làm bằng thịt bò. Có thể có nhiều thứ thịt loài bốn chân, loài ở dưới nước, loài bay trên trời, nó ngon hơn thịt bò, nhưng đã phở thì phải là phở bò..."

- Chứ "phở" thì chả cần gì... Tự nhiên một hôm thành... "phở".

Tôi trố mắt nhìn cô em và chợt hiểu ra cô đang nói về "phở trong ngoặc kép".


"Phở là món ăn bình dân. Công nông binh trí, các tầng lớp nhân dân lao động, thành thị nông thôn, không mấy ai là không biết ăn phở"

- Đúng thế thật! - Tôi đồng tình với Nguyễn Tuân. Và cả với câu cô em vừa thốt ra.

Như vớ được một tri kỷ, cô hăng hái vắt chanh, gắp mấy miếng ớt vào tô phở của mình, rồi hùng hồn:

- "Phở" ấy à, đứng một mình cũng đủ làm nổi đình nổi đám rồi nhé! Chứ phở này, phải nhờ Nguyễn Tuân, rồi hàn the, phooc-mon mới nổi tiếng. - Nói tới đây cô đưa tay hất mái tóc một cách đầy kiêu hãnh - Ơ kià, chị ăn đi cho nóng!


"Phở còn là món ăn rất nhiều quần chúng tính. Ông muốn ăn phở ngồi hay là đứng lù lù ra giữa hiệu mà ăn cũng không ai nói, ăn ngồi, ăn đứng, tuỳ thích".

- Đúng thế!

Tôi và cô phì cười khi nhận thấy cả hai dường như bắt đầu cùng một động tác. Cả hai cùng đói.


"Phở còn tài tình ở cái chỗ là muà nào ăn thấy cũng có ý nghĩa thanh thuý. Mùa nắng ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở, đôi môi tái nhợt thắm tươi lại".

Chả biết có thắm tươi trở lại không, chứ tôi thì thấy son trên môi cô đang dần dần nhạt đi.

"Đêm đông, có người ăn phở xong, tự coi như vừa nuốt được cả một cái chăn bông... "

Ăn bát phở này, cảm nghe vị ngọt không phải hoàn toàn của xương, tôi cứ ước có được cái cảm giác hạnh phúc kia.

Trong khi tôi cố gắp cho bằng được miếng thịt bằng đôi đũa chọn mãi vẫn bị cong, cô em vớt lên một cọng hành xanh mướt...

- Phở thì chỉ có một số màu cố định như màu xanh của hành, màu nâu của thịt, màu trắng của bánh phở, màu đỏ của ớt... Tuyền những màu cơ bản. Chứ "phở" thì muôn màu. Thích màu gì, có màu đó - Cô vừa nói, vừa đưa mắt nhìn sang dãy hàng la liệt sống váy thời trang đang vồn vã tiếng mời chào.


"Ông nào ăn phở mà có chất họa thì thấy muốn vẽ tranh tĩnh vật ngay"

Tôi thì thầm:

- Cái quán này thật tệ! Đã bán phở mà còn bán cả bún chả, bún cá, rồi bánh cuốn, tái dê. Chẳng còn biết mùi nào của món gì nữa Lần sau, rút kinh nghiệm, ngửi thấy mùi nào rõ nhất chị sẽ ăn món đó.

Tôi cực kỳ đắc chí với phát hiện này và khua đũa đầy quả quyết vào bát phở sắp nguội.

- Phở dẫu có ngon đến mấy thì quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiều mùi vị. Chứ "phở" thì ôi thôi, biết bao nhiều mùi mà kể. Sang thì Chanel Nr 5, Christian Dior, Jil Sander, lọ nhỏ, cologne . Tệ thì cũng Rose, Lilie, Orchide, dạng spray Eau de Toilette. Vâng, thích thì mỗi hôm xịt một mùi.


"Hương vị phở vẫn như xa xưa, nhưng cái tâm hồn người ăn phở ngày nay đã sáng sủa và lành mạnh hơn nhiều..."

- Nhưng mà...

Tôi nhìn cô. Rồi nhìn bát phở còn đầy nước. Rồi lại nhìn cô:

- Thế thì còn ấm ức nỗi gì nữa hả "phở"?!

- Có chứ, chị không biết đấy thôi! Tức lắm chị ạ. Người ta ăn phở thì ăn công khai, ăn đàng hoàng, ăn bao nhiêu, ăn lúc nào cũng được. Chứ ăn "phở" ấy à, người ăn cứ phải lén lén lút lút. Chị bảo thế không tự ái, không tủi thân sao được?


"Phở ăn vào bất cứ giờ nào cũng đều thấy trôi được cả. Sớm, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào cũng ăn được. Trong một ngày ăn thêm một bát phở, cũng như lúc trò chuyện ăn giọng nhau mà thêm một ấm trà, cùng thưởng thức với bạn bè..."

Cô dừng lại, kìm một tiếng thở dài, rồi tấm tức:

- Phở thì được tồn tại cùng với cơm. Tại sao "cơm" cứ coi "phở" là "kẻ thù không đội trời chung" cơ chứ?

Tôi cố an ủi cô:

- Chắc vì "phở" thường... "ngon" hơn "cơm" em ạ.

Cô không cười, rũ xuống như một tàu lá:

- "Cơm" không được, phở cũng không xong!

Tôi nao cả lòng.


"Người ta bảo chữ phở là xuất xứ từ chữ "ngưu nhục phấn", và ta đã Việt nam hoá chữ phấn thành ra chữ phở".

Không biết "phở" có xuất xứ từ đâu nhỉ? Nên chăng bà con gọi "phở" bằng cái tên khác để cô em của tôi khỏi buồn tình??

Chút tâm tình của cô
"như giúp tôi hiểu thêm nữa về phở, và giúp tôi nhận thức đến những cái nó quan trọng hơn cả phở nữa".

Tôi quyết định cuối tuần tới sẽ nấu món "quốc hồn quốc tuý" này

Đề nghị ACE cho xin cái công thức nhỉ hihihì :tt:





+ Ghi chú: những chữ in nghiêng màu blue là trích từ tuỳ bút "Phở" của Nguyễn Tuân.
+ Sẽ cập nhật thêm hình ảnh các "biến tấu" của phở dọc ba miền Bắc Trung Nam sau hỉ :D

"Xin âu lo không về qua đây
Xin thương yêu dâng thành mê saỵ..."
User avatar
CoMay
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $68,968
Posts: 3743
Joined: 25 Sep 2005
Location: ... nơi cuối trời
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng CoMay từ: carman, xaxe

Postby Ace » 29 Jan 2006

wwoowo nhình tô phở của Cỏ... Cơ chỉ muốn sực ngay.... thèm quá.....cám ơn Cỏ xông quán Cơ đầu năm...Bão đãm mua may bán đắc....
Image
Mời các bạn Vô Đây đọc điều lệ trước khi Up phim.
User avatar
Ace
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $209,473
Posts: 2493
Joined: 05 Apr 2005
Location: Casino
 
 

Postby nguyenninhtran » 10 Feb 2006

Cỏ ơi, bài viết của Cỏ hay và thâm thuý ghê! NNT phục Cỏ quá, giọng ca thật hay, viết văn sâu sắc, mượt mà , lại là một hoạ sĩ có 10 cái hoa ở 10 đầu ngón tay....
NNT cố gắng tìm đúng loại PHỞ của Ông Nguyễn Tuân (phở chánh gốc Hà Nội xưa) nhưng chưa có, gửi Cỏ đỡ cái này, Cỏ rủ đủ 10 người rồi nấu thử coi sao nha ! - (NNT xí 1 phần đó.)

PHỞ BÒ

NGUYÊN LIỆU: (Chuẩn bị cho 10 người ăn)
- 1,5 kg xương bò ống, xương đuôi bò càng tốt
- 2 kg bánh phở tươi, khỏang 3 bịch phở khô
- 1 kg thịt nạm, lựa miếng ít mỡ nhiều gân.
- 0,5 kg thịt phi lê (filet), hoặc thịt bò lọai không có gân trong sớ thịt để làm tái.
- 2 củ hành tây
- 5 tai vị (đinh tiêu hồi)
- 1 bịch gia vị nấu phở, có bán ở các tiệm VN
- 1 miếng gừng gọt sạch vỏ
- 0,25 kg giá sống
- ớt trái, hành ngò
- tương ớt, tương đen để ăn phở
- rau quế, ngò gai
- 2 trái chanh to
- muối, tiêu, bột ngọt , đường

Cách Làm:
Chuẩn bị:
1. Xương bò, thịt nạm rửa sạch với nước muối, để ráo.
2. Thịt filet rửa sạch với nước muối, dùng giấy (paper towel) chậm cho khô, xắt mỏng cho vào tủ lạnh.
3. Gừng già đập dập.
4. Củ hành tây nướng cháy vỏ, dùng dao cạo sạch lớp cháỵ
5. Giá sống, rau thơm, rửa sạch
6. Ớt, chanh, xắt lát , đậy kỹ bỏ vào tủ lạnh.
7. Hành lá xắt nhỏ với ngò, củ hành để riêng, hành tây bào mỏng trộn chung.
8. Bánh phở khô đem ngâm với nước ấm cho mềm.

Nấu nước lèo:
Đổ vào nồi 3 lít nước lạnh nấu sôi, cho xương vào lúc nước sôi để nước được trong hơn. khi sôi bùng lên, hớt bọt . Cho tiếp thịt nạm vào, cho sôi bùng lại, xong hớt bọt, hạ lửa thấp xuống và thường xuyên vớt bọt cho nước được trong. Đến khi nào thịt và xương hết ra màu đỏ, thì nêm 1 chút muối, đường vào nồi nước lèo, để củ gừng nướng đập dập + củ hành nướng và cho bịch gia vị vào cái hộp lưới đậy kỹ lại cùng với 5 cái tai vị, bỏ vào nồi.

- Canh chừng thịt nạm chín vớt ra để ráo nước, xắt lát to bản.
- Nêm nước phở lại cho vừa ăn và cho thêm bột ngọt (tùy ý) vào.
- Thịt filet thái mỏng để ăn tái.

Cách dùng:

Bắc nồi nước sôi, khi nào dùng thì cho giá sống, bánh phở để vào vợt, trụn sơ qua nước sôi, xong cho tất cả vào tô. Cho thịt tái vào trong một cái vá bằng inox, múc nước lèo đang nóng, chao chao cho thịt chín tái. Nhớ đừng cho nước trong vá đổ ra ngòai làm đục nồi nước lèo. Sắp thịt nạm, một nắm hành ngò xắt nhỏ. Trụng 1 củ hành lá cắt dài độ ngón tay út lên trên. Rắc tiêu lên mặt tô và múc nước phở thật nóng rưới lên trên.
phở phải ăn thật nóng với tương + ớt xay, chanh, ớt xắt lát và ngò gai, rau quế.

Ghi chú: Khi dùng, nếu nhạt thì cho thêm nuớc mắm vào. Có người cho thêm bò viên, hoặc gân bò, lá sách bò...Rau thơm thì có người dùng rau cần ta, rau om, tùy theo thói quen. Có người không thích bỏ tiêu, có người không thích nặn chanh. Xương bò thì nên xài xương đuôi, cùng lắm thì xương ống.


Góp với Cỏ 1 đoạn tản văn về Phở (NNT chỉ sưu tầm thôi chứ hong tài như Cỏ đâu)

PHỞ
Tôi không ăn phở. Tôi theo đạo phở. Đạo của tôi lang bang lắm vì ông thần phở vốn là một vị thần lang bang. Phở xuất phát ở Hà Nội từ hồi nào, sử sách không thấy ghi. Có lẽ sự ra đời của các vị thần đều kỳ bí cho dễ được chúng sinh nể sợ. Chỉ biết ông thần phở là một ông... cơ hội. Thấy người ta lang bang, ông cũng lang bang theo. Ông theo dân Hà Nội di cư vào Nam, ông theo dân Việt di tản ra khắp cùng thế giới. Chỗ nào có người Việt là có phở. Mà có phở thì chẳng cứ gì con rồng cháu tiên mà dân nước nào cũng... thần phục. Phở không còn là Soupe Tonkinoise hay Vietnamese Beef Noodles Soup mà đã hiên ngang được dân quốc tế gọi ngay tên cúng cơm. Danh từ “phở” đã chễm chệ trong các tự điển, trong các thực đơn nhà hàng, trong các sách dậy nấu ăn... Tây đầm đã uốn giọng “pho”!
Phở lang bang nên cách hóa thân cũng lang bang. Phở bò, phở gà, phở áp chảo, phở tái lăn... Mỗi loại lại có nhiều phiên bản khác nhau. Tùy từng thời người ta đã cho phở đi với cà rốt thái nhỏ, phở ăn đệm với đu đủ ngâm dấm hoặc cần tây, phở húng lìu, phở đậu phụ... Láo lếu! Ông Nguyễn Tuân ông ấy giận. Phở, theo Nguyễn Tuân, chỉ là phở thịt chín. Cho thịt tái vào cũng hỏng. Huống chi những thứ bá láp khác. Phở, từ khi di cư vào Nam, còn bị cho giao du với giá sống, giá trần, các loại rau thơm, tương đen, tương đỏ. Ra tới hải ngoại, cũng rứa. Mấy thứ “ăn theo” này sống lâu được với phở có lẽ vì hợp với khẩu vị của... đạo hữu. Quen rồi. Không có thì thấy thiêu thiếu. Nhiều đạo hữu vào những tiệm phở của người Bắc “ròng” đã ngẩn ngơ vì thiếu đĩa giá sống và hai chai tương đỏ tương đen. Ông Nguyễn Tuân mà thấy cơ sự này thì phải biết! Ngay tới tôi, một đệ tử... chân truyền của phở, mà nhìn những thứ linh tinh này cũng chỉ muốn nhắm mắt.. cầu nguyện cho sự chính thống của phở. Thi sĩ thì lại khác. Nhìn đâu cũng thấy... nên thơ. Như nhà thơ Quan Dương chẳng hạn.
Tội tình chi mấy cọng rau
Sao em nỡ ngắt lấy đầu bỏ đuôi
Mà thôi. Mà cũng đành thôi
Đầu đuôi gì cũng thơm mùi tay em
Không ăn tương ớt đi kèm
Chắc là em sợ phải ghen không đành
Sợ ghen sao nặn nhiều chanh?
Hay em quá ngọt để dành chút chua?
Phở vốn lang bang nên mỗi tay nấu là mỗi loại phở, mỗi tiệm là một thứ phở. Người ta chỉ đồng ý được với nhau phở là mỗi món ăn ngon. Sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào ăn phở cũng được. Phở ngon từ sáng tới tối. Nhưng đồng ý được với nhau thế nào là phở ngon thì chịu.
Nhà văn Vũ Bằng luận về phở ngon như sau: “Một hàng phở ngon là một hàng phở ăn một bát lại muốn ăn hai và nếu còn sức ăn nữa thì phải ăn ba không thấy chán. Gặp phải ngày ta se mình, ngửi mùi thịt thấy sợ, hàng phở ngon vẫn có thể làm cho ta ăn ngon miệng với một bát phở chay, chỉ có bánh và nước thôi. Làm như thế mà ngon, thế mới là ngon đấy.”(Miếng Ngon Hà Nội, trang 30)
Hồi còn ở Saigon phở ngon... của tôi là phở Dậu. Thực ra cái quán phở nhỏ trong Cư Xá Công Lý không có tên, thực khách cứ theo tên chủ nhân mà đặt tên cho cửa hàng. Hỏi tại sao ngon thì tôi... bí. Tại bánh phở mềm, tại thịt thơm, tại nước dùng ngọt? Chịu. Phở ngon là một tổng hợp không thể phân tích được. Hay ngon là vì quen vị? Ăn mãi hóa quen, đâm ghiền. Người ta có thể ghiền được cả một mùi hôi nách, huống chi mùi vị phở! Ngày nay, phở Dậu vẫn còn tuy bà Dậu đã xuất ngoại. Người khai thác hiện nay là con trai bà Dậu. Ông giải thích rõ cho tôi là bà Dậu là người đầu tiên dựng nên quán phở này, sau nhường lại cho bà em. Cái bà mà thực khách chúng tôi kêu là bà Dậu thực ra không phải tên Dậu mà là em bà Dậu. Ông chủ hiện nay là con bà Dậu... chính gốc. Từ một cái quán nhỏ lợp bằng thứ tôn vá víu ngày xưa, phở Dậu ngày nay đã là một căn lầu đúc ba tầng. Thực khách tới ăn như... đi hội. Hết lớp này đến lớp khác. Trong những lần về Việt Nam mới đây, tôi vẫn quen chân lết tới phở Dậu. Vẫn được kể là ngon nhưng vị không còn là vị cũ. Hình như nó thiếu cái mềm mại của bàn tay bà Dậu... cũ. Hình như nó thiếu cái tình thân giữa chủ và khách. Tôi bỗng nhớ tới những ngày đông khách, hết chỗ, bà Dậu chỉ cho tôi vào ngồi nơi một góc bàn lổn nhổn những hành những rau trong căn phòng nhỏ bên cạnh, giữa những thùng bánh phở, những chậu xương... Chẳng cần hỏi han gì, tô phở nghi ngút khói bưng vào vẫn là tô phở thường ngày, của tôi!
Ông Vũ Bằng bảo muốn biết phở ngon hay không cứ thử nếm một chút nước phở trước khi ăn. “Thực ra, điều quan hệ trong một bát phở là cái bánh, nhưng thứ nhứt phải cần có nước dùng thật ngọt. Bí quyết là ở chỗ đó. Và tất cả những hàng phở ngon đều giữ cái bí quyết ấy rất kín đáo, y như người Tầu giữ của, vì thế cho nên trong làng ăn phở, vấn đề nước vẫn là một vấn đề then chốt để cho người ta tranh luận. Hầu hết người ta đều nhận thấy rằng muốn có một nồi nước dùng ngon, cần phải pha mì chính. Nhưng chưa chắc thế đã hoàn toàn là phải. Thuyết cho đường nhất định là bị loại rồi. Có người cho rằng phải có nhiều đầu cá mực bỏ vào; có người chủ trương cần phải có thứ nước mắm tốt; lại có người quả quyết với tôi rằng muốn có nước dùng ngọt, không thể thoát được món cua đồng - cua đồng giã nhỏ ra, lọc lấy nước, cho vào hầm với nhiều xương ống, nhưng phải chú ý tẩy cho thật khéo, mà cũng đừng ninh kỹ quá sợ nồng”.
Nhà văn Thạch Lam cũng cố lý giải thế nào là một tô phở ngon. “Nếu là gánh phở ngon - cả Hà Nội không có đâu làm nhiều - thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa. Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn luôn bát thứ hai. Và anh hàng phở chả phải gánh nặng đi đâu cả, chỉ việc đỗ một chỗ nhất định, cũng đủ bán một ngày hai gánh như chơi.” (Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường)
Giáo Sư Phạm cao Dương cũng mù mịt không kém: “Nguyên liệu làm phở rất đơn giản mà cầu kỳ. Đơn giản vì nó chỉ là bột gạo, thịt bò và hành ngò. Nhưng nên nhớ là một con bò đứng cạnh đống bột gạo đang ăn một bó hành ngò thì không thể gọi là bát phở được. Và công thức nấu phở chắc chắn phải là những “bí kíp” vì nấu phở cũng không phải là pha trộn theo kiểu thuốc tây để có... chai phở nào cũng giống y chang nhau, theo một tiêu chuẩn nhất định...”
Luận về một tô phở ngon cứ như là thầy bói rờ voi vậy. Chẳng biết đâu là bờ là bến. Hay là nó ngon vì những thứ ở ngoài tô phở?
Có gì trong bát phở trong?
Khi em khuấy đũa mềm lòng thế ni?
Em ăn đừng liếc anh chi
Hai con mắt nguýt giết người không dao.
( Quan Dương)
Quê quán của phở là Hà Nội. Phở Hà Nội là phở của những nhân vật tưởng như đã thành huyền thoại. Như phở Tráng ở Hàng Than, phở Sứt ở hàng Khay, phở Lùn, phở Cụt, phở Mũ Đỏ... Đặc điểm của phở Hà Nội là phở gánh, phở xe mới là phở ngon. Cứ dời vào tiệm là phở kém hẳn đi. Ngày xưa đã từng, ngày nay cũng vậy. Đầu năm 2003, tôi trở lại Hà Nội sau nửa thế kỷ xa cách. Lòng vòng ở khu phố cổ, tôi được chỉ tới một tiệm phở ngon. Thực khách vòng trong vòng ngoài, chắc ngon thật! Đây là tiệm phở tái lăn, thứ phở lần đầu tôi được nghe tên. Thịt sống được lăn qua chảo, đảo sơ trước khi trút vào tô phở. Bước vào cửa là phải xếp hàng chờ trả tiền. Tiền phải trả trước rồi mới được cho vào ngồi bàn chờ. Tôi ngồi trên một chiếc ghế không lưng dựa để dọc theo vài dẫy bàn dài chiếm hết chiều ngang tiệm. Bàn ghế cũ kỹ, nhơ nhớp. Ống đũa cũng vậy. Đũa cáu bẩn, muỗm nhôm xỉn và dính mỡ. Giấy lau là giấy cuộn như giấy vệ sinh. Dưới sàn nhà giấy vứt trắng xóa nằm lẫn với vỏ chanh, cọng rau. Tô phở được bưng tới. Tô cũ và mẻ. Nước phở óng ánh mỡ. Nhìn là không muốn ăn. Ngon làm sao được?
Nhà văn Kiệt Tấn, gốc người miền Nam, đầu năm 2002 cũng tới Hà Nội, cũng ăn phở Hà Nội, tìm cái ngon của Phở Hà Nội. “Buổi tối tôi bảo Tùng dắt chúng tôi đi ăn phở, phở Hà Nội. Phở của sĩ phu Bắc hà, phở của Thanh Nam, phở của Mai Thảo “chỉ có dân Bắc Kỳ nêm nếm là nhất!”, phở của Nguyễn Tuân, phở của Vũ Bằng thì phải biết! Nhất đấy các cụ ạ. Tùng dẫn đến một trạm phở bò nổi tiếng (tên gì?) ở đường Nguyễn Du. Đóng cửa. Di tản chiến thuật về một tiệm phở gà gần đó. Bốn tô phở gà lớn, thêm một dĩa lòng gà phồn thịnh có trứng non tăng cường. Thịt gà xắt nhỏ bốc mùi thơm ngon. Không có rau riếc chi cả, ăn theo kiểu Hà Nội mà lị. Được? Ừ, thì cũng cứ gọi là được đi. Nhưng theo khẩu vị của tôi nó không sánh bằng cái phở gà di cư đường Hiền Vương thuở nào, hay cái phở gà cách tân hải ngoại Tây Mỹ bi giờ. Nhưng đối với khẩu vị người Hà Nội, ăn tô phở Hà Nội ngay tại Hà Nội vẫn cứ là ngon thì đã sao. Ly kỳ? Thiệt ra chẳng có gì tới mức đáng gọi là ly kỳ. Còn nhất thì nhất định là không thể nào nhất được rồi”. (tạp chí Văn, Xuân Giáp Thân, 2004)
Ăn một tô phở, không ngon thì cũng bổ. Này nhé, thịt thà như thế, xương cốt như thế, bột gạo như thế, bổ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài là cái chắc.
Phở là đại bổ, tốt bằng mười thuốc bắc...
Quế, Phụ, Sâm, Nhung chưa chắc đã hơn gì
Phở bổ âm dương, phế, thận, can, tỳ
Bổ cả ngũ tạng, tứ chi, bát mạch
(Tú Mỡ)
Bổ thường đi với béo. Phở bổ nhưng có phải là nhà cung cấp cholesterol chăng? Dược sĩ Trần Việt Hưng đã thử phân tích một tô phở cỡ medium ở hải ngoại và đưa ra bảng... phong thần sau:
- 600 đến 800 calories
- 70 đến 80 gr chất đạm
- 60 đến 70 gr chất bột
Lượng chất béo và cholesterol tùy theo ý thích của thực khách:
- Tái trần: 14 gr chất béo; 100 đến 120 mg cholesterol
- Tái gầu : 40 gr chất béo; 180 đến 210 mg cholesterol
- Tái nạm vè: 30 gr chất béo; 150 mg cholesterol
Nếu chơi thêm nước béo thì những con số trên còn... nhảy vọt hơn nữa.
Nhưng nếu chịu chơi thì quên tất cả những con số vớ vẩn trên đi! Như lời phán của Giáo Sư Phạm cao Dương: “Đã ăn phở thì đừng sợ chết vì cholesterol! Vì cholesterol thì để cho Mỹ nó kiêng. Ra đường...lạng quạng thì cũng đi tàu suốt. Vậy thì sợ gì cholesterol!”
Phở... ngon chưa? Cholesterol mà nhằm nhò gì! Nhà nghiên cứu Phan Huy Đường còn làm tới hơn. Ông chơi luôn mỡ gầu. “Tôi vào một tiệm phở khang trang, sạch sẽ, đủ chỗ ngồi cho khoảng 200 thực khách. Phục viên (chủ?) ra lấy order. Tôi bảo:
- Tôi muốn kêu thêm một bát mỡ gầu, nhưng phải là mỡ gầu thật mới kêu.
- Món ấy ngon dở tùy ngày. Để tôi vào bếp xem hôm nay thế nào.
Nàng đi vào bếp một lúc, trở lại nói:
- Hôm nay ăn được.
Quả nhiên ăn được thật. Tiếp khách như thế quả là thật thà, lịch sự.
Bạn bè dắt đi lùng nhiều tiệm phở trong nhiều tiểu bang, chỉ có hai tiệm nấu mỡ gầu ăn được tuy chưa thật ngon. Mỡ gầu là một thỏi mỡ chi chít gân, rất khó nấu. Luộc quá đà, mỡ nát nhèo, hôi mùi mỡ bò, nuốt không trôi. Luộc chưa tới mức, mỡ cứng, dai, hôi, nhai không được, nuốt không trôi. Nấu đúng mức, đúng kiểu, xắt mỏng ra, những sợi gân chi chít co lại, xoăn tít, cắn vào, mỡ dòn tan, beo béo, thơm thơm, ngon tuyệt vời.”
(Hợp Lưu, số 76, tháng 4-5/2004)
Phở là phở, thứ đạo càng ngày càng đông tín đồ, người mình cũng như người ngoại quốc. Chẳng cần mời chào người ta vẫn cứ tấp nập tới xin... quy y. Nó đang thẩm nhập vào những cái dạ dày còn xa lạ với những món ăn Việt nam. Nó đã và đang là Việt nam trước cộng đồng thế giới. Ông Nguyễn Văn Khoa, một khuôn mặt rất hoạt động trong Cộng Đồng Việt Nam tại nam Cali, mới đây đã cộng tác với Công Ty Quốc Việt Foods, để đẩy mạnh việc đưa các món ăn Việt nam, mà phở là một món chính, đến các trường học, bệnh viện, sòng bài và các xe lunch. Phở, như vậy, đã cất thêm một bước trong việc... truyền đạo. Nó sẽ là một thứ đạo ngang hàng với đạo McDonald’s chăng? Được là cái chắc. Vì tôi tin như vậy!

:D Cơ ùi ! nhiều chiện trong quán của Cơ một chút đừng quét ra nha !!!
Người có nhiều bạn tốt là người hạnh phúc
User avatar
nguyenninhtran
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $31,361
Posts: 1094
Joined: 21 Dec 2005
Location: Xa thiệt xa
 
 

Postby Anhtrai » 10 Feb 2006

AT thì thích ăn phở lắm nhưng củng thích ăn cháo lúc bị "yêu".....xin lổi lúc bị "yếu" (sắp tơí Valentine nên đầu óc lộn xộn tùm lum) hahahaha.....

AT :tt:
Anhtrai
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $1,672
Posts: 971
Joined: 10 Jul 2005
 
 


Return to Quán Cây Mít



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 14 guests