Hữu Phước Hát Nhớ Mẹ Của Viễn Châu

Video Cải lương và các loại Kịch Nói

Moderators: Thái Bình, A Mít

Hữu Phước Hát Nhớ Mẹ Của Viễn Châu

Postby vanchus » 22 Feb 2017

Image

Hữu Phước Hát Nhớ Mẹ Của Viễn Châu
Khi nhắc đến tên tuổi của Hữu Phước, nhiều người nghĩ ngay đến những vai kép độc “ông già quê cổ hủ”, lạc lõng giữa chốn thành đô náo nhiệt. Nghĩ như vậy vì ông đã vào vai xuất sắc nhiều tuồng tích xã hội của đoàn Thanh Minh suốt những năm 60s và 70s của thế kỷ trước. Thật ra, khi mới bước vào nghề, Hữu Phước đã từng là kép mùi ăn khách của sân khấu cải lương miền nam.
Theo tài liệu của soạn giả lão thành Nguyễn Phương, Hữu Phước bước vào nghề khoảng năm 1954 dưới sự dìu dắt của nghệ sĩ Mười Luông. Trước khi về đầu quân cho đoàn Thanh Minh năm 1956, nghệ sĩ Hữu Phước đã từng cộng tác cho đoàn hát Kim Thoa của ông bà bầu Ngô Thiên Khai và nữ nghệ sĩ Kim Thoa. Suốt thập niêm 60s, Hữu Phước đã là tên tuổi sáng chói trên sân khấu và luôn thủ vai kép chính hàng đêm cho những vở tuồng được công chúng yêu thích. Ngay trong lĩnh vực thu dĩa hát, Hữu Phước cũng gặt hái rất nhiều thành công và được ví như giọng ca vàng của nền ca cổ thu dĩa thời bấy giờ.
Hữu Phước có một giọng ca truyền cảm. Đó là một giọng ca vừa do năng khiếu thiên phú và vừa nhờ khổ công rèn luyện. Thật vậy, người đã nghe nghệ sĩ Hữu Phước hát một lần thì không thể quên được. Ông có một chất giọng mềm mại, mượt mà và đậm nét bi ai, khiến người nghe cảm thấy thật dễ chịu. Sự ngân nga của ông không nhắm vào cách hát cường điệu hay phá cách mà bằng lối hát rõ lời và cách phân bố cục hết sức thông minh để người nghe có thể thấm từng chữ, từng lời của bài nhạc rồi bị cuốn hút cho đến nhịp cuối cùng của bài nhạc. Tiếng hát của ông như hòa quyện vào tiếng đàn, giúp truyền cảm xúc đến giới mộ điệu một cách thật sâu lắng. Dù là một khúc ngâm thơ, vài câu nói lối hay vào 6 câu vọng cổ, đối với Hữu Phước điều quan trọng như nhau. Đó là cơ hội để ông thi thố kỹ thuật ca diễn điêu luyện của mình. Nhờ vững nhịp, lại có một làn hơi dài nên nghệ sĩ Hữu Phước có thể tung tăng trong câu ca của mình một cách thoải mái và luôn chủ động để ngắt chữ cho hợp với ý nghĩa của lời nhạc mà ông muốn truyền cảm xúc đến cho người nghe. Người ta thấy ông hát thật dễ dàng, thật phóng khoáng nhưng cũng thật dạt dào cảm xúc.
Hữu Phước có nhiều bài vọng cổ gắn liền với tên tuổi của ông. Trong số đó phải kể đến bài “Nhớ Mẹ” của soạn giả Viễn Châu. Ông cho ghi âm bài nhạc khoảng giũa thập niên 60s và cho đến ngày nay, mặc dù nhiều tên tuổi ca cổ có ghi âm lại bài nhạc này, “Nhớ Mẹ” vẫn luôn được công chúng gắn kết với giọng ca truyền cảm của Hữu Phước.
Hò ơi...
Lòng con thảo như giọt sương hạt bụi
Công mẫu từ như ngọn Thái Sơn
Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ...
Hò ơi...
Không cha không mẹ như đờn đứt dây” …
Đó là tâm trạng của người con vừa bước chân trở về quê hương thì mới biết tin mẹ đã mất. Suốt mấy câu liên tiếp của bài vọng cổ là phần hồi tưởng của tác giả về những ngày cơ cực bên mẹ, trước khi rời làng quê và xa mẹ.
Đây là một bài hát buồn. Thường bài vọng cổ đều có mang chung một tâm trạng buồn buồn. Nét bi ai của nội dung bài hát rất hợp với chất u buồn trong giọng hát của nghệ sĩ Hữu Phước. Thích nhất là câu 1 lúc vào vọng cổ.
” Rảo bước qua mấy nhịp cầu tre về nơi mái lá, con mới hay mẹ đã... qua... đời... “
Hữu Phước hát như người bất ngờ vừa nhận được hung tin mẹ mất và người nghe cảm nhận được ngay tâm trạng này. Nhờ vậy tiếp tục lắng nghe ông hát tiếp hết bài vọng cổ 6 câu rồi ngẩn ngơ khi ông dứt nhịp cuối cùng.
“Năm nay con lớn khôn rồi
Trở về quê cũ mẹ thời còn đâu
Mẹ đà khuất bóng ngàn dâu
Biết ai lau hộ dòng châu thâm tình!?”
Dĩ nhiên không thể phủ nhận tài sáng tác của soạn giả Viễn Châu. Ông viết nhiều bài vọng cổ cũng như tuồng tích nổi tiếng còn được công chúng yêu thích cho đến này nay. Tuy nhiên, chính Hữu Phước là người mang cảm xúc của “Nhớ Mẹ” đến với công chúng. Sau ông cũng có nhiều người hát và ghi âm lại bài vọng cổ này. Mỗi người lại có cách hát riêng để khoác cho “Nhớ Mẹ” một màu sắc mới. Họ muốn mang đến cho giới thưởng ngoạn những cảm xúc khác nhau khi nghe lại một bài nhạc cũ. Nhưng người đã có may mắn nghe Hữu Phước hát “Nhớ Mẹ” thì ngẩn ngơ đi tìm âm thanh cũ. Đó là một giọng ca vàng của nền ca cổ Việt Nam. Hữu Phước xứng đáng là một trong những gương mặt tiêu biểu cho nền cải lương Việt Nam.

Vancouver ngày 13 tháng 2 năm 2017
Vanchus
vanchus
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $97,351
Posts: 1297
Joined: 16 May 2006
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng vanchus từ: Que Huong, Thái Bình, lehoanglong, Lien 53

Return to Cải Lương và Thoại Kịch



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 12 guests