Đám Tang Bên Bờ Sông Phượng - Trương Thị Thanh Hiền

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Đám Tang Bên Bờ Sông Phượng - Trương Thị Thanh Hiền

Postby Mười Đậu » 31 Mar 2005

Tác Giả: Trương Thị Thanh Hiền

Tôi không bao giờ nghĩ một người từng trải như mình lại thất tình vì một cô vũ nữ. Cuộc vui đã tàn, ai về nhà nấy, ai sống cuộc đời người ấy, có đâu lại có thể buồn khi sàn nhảy vắng bóng con nhỏ kênh kiệu tên Hương.

Huệ Hương không đẹp như thiên thần - mà làm sao có thể ví với thiên thần một cô gái lăn lóc bụi trần như thế - nhưng có đôi mắt làm nao lòng người. Mắt cô là mắt của kiếp người cơ cực, của nàng tiên mắc đọa. Thế rồi đêm nay, khi đi tìm không thấy cô, tôi nhận ra rằng tôi mê cô vì đôi mắt trái ngược với đôi mắt người yêu đầu đời của tôi. Nói mối tình đầu cho oai phong vậy chứ thật ra chỉ có mình tôi yêu người ta. Mắt của người ấy đúng là mắt của một nàng tiên, phản chiếu cảnh thiên đình đầy hoa đầy ánh sáng, còn mắt của Huệ Hương là mắt của kiếp trần ô uế và đau khổ. Vậy thì sao tôi lại phải lòng cả hai đôi mắt ấy. Vậy thì cái thằng xem cuộc đời chẳng là cái gì như tôi sao lại có thể đâm buồn khi nàng Huệ Hương tầm thường lặng lẽ biến mất đi. Nghe nói đã đi lấy ông chồng giàu sộp nào đó. Lý tưởng của mấy cô gái không dễ gì hiểu được. Cái tiêu chuẩn chọn người tình cũng chẳng thể nào hiểu nổi. Mối tình đầu từ chối tôi vì tôi là một thằng công tử quá giàu. Nàng vũ nữ bỏ tôi đi lấy chồng vì tôi không được giàu như kẻ khác.

Thất tình Huệ Hương tôi lại đâm nhớ Nhiên vô kể. Có lẽ trong lòng tôi luôn nhớ về cô mà hôm nay Huệ Hương đã khơi lại. Ngồi trên taxi tôi miên man nghĩ ngợi. Mấy ngày nay tôi toàn đi taxi, bắt mối làm ăn cũng đi taxi, đi nhậu cũng bằng taxi, đi chơi cũng bằng taxi vì đầu óc tôi không còn tỉnh táo để cầm lái một mình. Lúc tỉnh rượu, tôi vô cùng giận chính mình - Chỉ là một con vũ nữ đi lấy chồng có đáng nghiêm trọng vậy không ? Qua tay mày có bao đứa như vậy rồi và cũng có biết bao đứa đã biến ra khỏi đời mày ? Rồi chợt chiều nay đâm nhớ về Nhiên. Thì ra cái đau về Nhiên đang trở lại. Không phải thất tình Huệ Hương mà đang thất tình Nhiên đấy, mấy lần thất tình một cô gái nào là cứ ngỡ đang thất tình vì Nhiên, mấy lần được cô gái nào yêu là cứ ngỡ Nhiên đã chịu yêu mình. Một cô vũ nữ chẳng ra gì còn không giữ nổi thì làm sao giữ được Nhiên ?

Xe đỗ xịch trước cửa nhà. Mẹ tôi chạy ra đón. Mày xâm, mắt xâm, môi xâm, ngực bơm silicon ngồn ngộn, mẹ tôi giống một minh tinh màn bạc về già hơn là một bà mệnh phụ phu nhân quyền thế một thời. Bà dìu tôi vào nhà với vẻ lo lắng kịch nghệ:

- Con lại say nữa rồi. Nói hoài mà không chịu nghe. Uống cũng chừa đường về chớ.

- Thì con đã về đây.

Bà cũng như tôi, cũng đi chơi đàn đúm cùng mấy bà bạn vô công của mình, cũng có những mối tình ngoài luồng mà ba tôi vì quá mệt mỏi không thèm để ý tới, cũng có những đêm say mềm cả người, nhưng với tôi thì bà cũng phải lấy cái uy quyền làm mẹ mà răn đe mà dạy bảo. Những bài học tự bà cũng biết là không tác dụng gì, không có ý nghĩa nào trong cái nhà này, nhưng lẽ nào trong một gia đình lại không có một bài học nào cho con cái ! Vì vậy ba tôi vẫn phải ca cẩm về thời đại, dù cái thời đại đó chính ông đã góp phần làm cho nó suy đồi và mẹ tôi vẫn nhai đi nhai lại những bài giáo huấn ca khiến em gái tôi chỉ bĩu môi một cái rồi nhún nhảy ra khỏi nhà trong bộ váy cũn cỡn.

Quyết định về quê tìm Nhiên cồn cào trong lòng tôi. Suốt tuần tôi không uống giọt rượu nào, không đến vũ trường, không mở cả máy điện thoại, ngồi như tượng gỗ trong phòng của mình suy nghĩ nên đi hay không đi. Tìm Nhiên để làm gì? Ba lần tỏ tình ba lần bị từ chối và có tỏ tình cả vạn lần thì cũng vẫn cứ bị từ chối một vạn lần như thế. Không biết qua kiếp sau thì sao? Hay kiếp sau nên đầu thai vào một gia đình khác? Hơi nghèo một chút? Nghèo quá cũng không biết Nhiên có chịu không nữa? Rồi lấy gì để nuôi Nhiên? Nhiên tự mình nuôi mình được, không cần ai nuôi. Có nuốt những thứ do đồng tiền ăn cắp của người khác mang lại, Nhiên cũng mửa ra cho mà coi. Hồi đó, Nhiên sừng sộ như thế. Tiền của tôi mà Nhiên bảo là tiền ăn cắp hả. Thì cũng gần như thế. Ừ, thì đúng rồi. Bằng cách này hay cách khác thì nó cũng là đồng tiền ăn cắp. Nên trong phiên tòa xử những kẻ hối lộ và nhận hối lộ năm ấy, ba tôi phải trả lại hết những đồng tiền ấy. Cũng may mẹ tôi khôn khéo tẩu tán nên khi ba tôi bị tước hết chức vụ, bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nói nôm na là nhờ công lao trong quá khứ, ông được cho về làm dân thường mà không phải bị tù, gia đình tôi vẫn còn giàu có như thuở nào và chuyển về thành phố để không phải tiếp xúc với những người quá biết về mình. Nhờ "chiến công" của mình mà mẹ tôi tự cho mình là chủ trong gia đình, chứ không hề nghĩ chính bà đã góp một tay giết chết một anh hùng năm xưa là ba tôi, còn ba tôi chỉ là một ông già hết vận nằm chờ những đồng đội năm cũ đến rước mình về bên kia thế giới. Không biết họ có chịu rước đi không, hay xuống dưới họ mở thêm một phiên tòa nữa xử người đã phản bội lại lý tưởng của họ, làm nhơ nhuốc thanh danh của họ và xóa đi những hình tượng đẹp đã tạo nên từ những hy sinh của họ?

Cuối cùng, tôi bật dậy quả quyết ra đi. Hành trang chỉ là cái túi du lịch đầy màu sắc mà nhỏ em đã thải cho tôi để mua cái khác sặc sỡ hơn. Tháng sau, nó sẽ đi lấy chồng. Dù trước hay sau phiên tòa nó vẫn phởn phơ không thấy buồn hay vui, miễn lúc nào trong túi nó cũng rủng rỉnh tiền không biết ở đâu nó có. Mẹ tôi chắc lưỡi, nó là con cái, lại đẹp, không thiếu người bao. Khi người ta biết rõ nguồn gốc đồng tiền thì cái nguồn gốc đó dần dần cũng sẽ phai lợt trong tâm trí để bận tâm đến nhiều thứ chi tiêu khác, nhiều nhu cầu khác. Như tôi đây, khi tiền không còn ào ào vào nhà như trước nữa, thì tôi cũng phải nghĩ cách kiếm nó. Những cách đó không xa lạ lắm vì tôi học ở những người đã từng dâng tiền cho ba tôi. Lăn lóc phong trần rồi tôi cũng thành một người lịch lãm, sành điệu, cũng kịp khoác lên mình tấm áo doanh nhân dù trong tay không bằng cấp, nghề nghiệp, cũng lả lướt vũ trường này vũ trường nọ, cũng chạm cốc cùng không ít kẻ có máu mặt. Chỉ có nỗi buồn định mệnh vẫn ở trong tôi khiến tôi không muốn lấy vợ. Tôi không thấy yêu ai. Buồn vì mấy con bồ cứ lần lượt bỏ mình đi, buồn vì Huệ Hương đi lấy thằng cha già giàu sụ nào đó, nhưng tôi vẩn chẳng yêu ai.

Tôi muốn về quê tìm cho được Nhiên, nhất định phải giết chết hình ảnh cô trong lòng tôi. Tôi chắc chắn sẽ bứng được niềm thương nỗi nhớ kỳ quặc ấy nếu như Nhiên vẫn giữ tấm lòng sáng trong thanh bần ngày cũ. Vì với sự hướng thiện cực hiếm trong đời, chắc chắn Nhiên không đời nào có cuộc sống sung sướng thanh nhàn. Chắc chắn Nhiên sẽ chỉ là cô gái nghèo, rồi cũng sẽ lấy chồng nghèo với đồng hương còm cõi. Chắc chắn Nhiên sẽ chỉ ở trong căn phòng trọ tối tăm, ngày ngày dè sẻn từng đồng đi chợ, con bệnh phải ứng trước tiền lương, thà đói chết chứ không làm điều phi pháp. Chắc chắn Nhiên sẽ không đủ tiền mua nổi cây son tốt, một hộp phấn trang điểm cho tươi tắn mịn màng. Cô sẽ vừa đen vừa xấu vừa gầy guộc đáng thương. Cái hình ảnh ấy nhất định sẽ giết chết cô bé có hai bím tóc xinh xinh, ánh mắt trong trẻo và nụ cười ngây thơ ngày xưa. Tôi muốn cô bé ấy phải chết, muốn tình yêu trong tôi phải chết để tôi được thanh thản đi trên con đường đầy bóng đêm, đầy những mưu mô, những tham vọng tầm thường. Tôi mong gặp Nhiên đến nhói cả lòng. Suốt trên đường đi cứ mâu thuẫn giằng xé, mong gặp một hình ảnh nào đây - một Nhiên thánh thiện ngây thơ hay một Nhiên xấu xí vì nghèo khó vất vả. Muốn Nhiên cứ sống mãi trong lòng như một hình ảnh đẹp mà mơ về sau những gì quá trần trụi của cuộc đời, lại muốn Nhiên ngày ấy hãy chết đi để tôi không phải đớn đau dằn vặt.

Tôi ở trong một khách sạn sang trọng nằm bên cạnh sông Phượng, đây là tên do Nhiên đặt vì dọc bờ sông là hàng phượng đỏ thắm soi bóng những ngày hè. Hồi ấy chưa có khách sạn này. Hàng phượng nay đã bị đốn hết để xây dựng dãy nhà thủy tạ và khách sạn, không biết có nên gọi nó là sông Phượng nữa không. Sông Phượng thuở ấy là chứng nhân cho lời tỏ tình đầu tiên của tôi dành cho Nhiên. Nếu tôi tỏ tình ngay khi tôi còn học lớp mười hai thì chắc Nhiên đã bằng lòng rồi. Lúc ấy tôi còn học giỏi, cùng Nhiên theo học các lớp bồi dưỡng và thi học sinh giỏi. Tôi học giỏi cả hai môn văn toán, Nhiên cũng vậy. Cũng một thời bay lượn cùng hạc vàng ở Lầu hoàng hạc, cùng cánh bướm mơ về cõi tiên. Và cái khung cảnh êm đềm bên Nhiên hẳn sẽ còn mãi và hứa hẹn một cuộc tình tuyệt đẹp nếu như tôi và mẹ tôi không vô tình phát hiện ra một gói tiền rất nhiều ai đã vô tình bỏ quên ở phòng khách nhà tôi. Hỏi ba, ba chỉ ậm ờ không biết hay là làm ra vẻ không biết. Rồi những việc ấy trở nên bình thường hiển nhiên, không ai còn thắc mắc gì nữa. Tiền sáng của tôi được tăng lên không chỉ dùng để ăn sáng mà còn có thể chi vào bất cứ việc gì mà tôi thích. Tôi đi ngồi quán, đi đánh bida, đi vũ trường, hãnh diện với bạn bè vì trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền và đột nhiên có uy quyền hơn với bọn chúng. Lời tỏ tình tôi định nói với Nhiên rằng tôi rất yêu Nhiên vì Nhiên hiền, Nhiên trong sáng không hiểu sao khi bật ra tôi lại thêm rằng tôi có nhiều tiền đủ lo cho Nhiên, Nhiên đừng sợ. Cũng chỉ tại Nhiên nói chúng mình còn nhỏ, hãy lo học để cho tương lai làm tôi tức khí lên nói rằng, tương lai dù như thế nào thì tôi vẫn có nhiều tiền để lo cho Nhiên, bất chấp cái tương lai đó tôi có nghề nghiệp hay không. Là vì tôi nghĩ đến ba tôi, mới hơn năm mươi tuổi lại được cơ cấu trong bộ máy lãnh đạo, còn lâu mới về hưu. Nhiên tròn mắt nhìn tôi rồi nhìn miết đâu đó bên bờ sông Phượng. Cô đứng dậy nhìn tôi như nhìn một người xa lạ, lạnh lùng nói: "Chữ tiền xuất hiện nhiều trong ngôn từ của bạn đấy. Bạn hãy dùng nó đi mua tình yêu đi. Tôi không cần".

Nói không cần tiền là hơi khách khí. Điều ấy có thể nói ra từ miệng cô gái mười tám tuổi như Nhiên, chỉ biết đi học, chưa biết sức mạnh vô biên của đồng tiền. Sông Phượng hôm nay đã không còn màu đỏ hoa phượng nữa mà gần như đã bị ô nhiễm vì những thứ thải ra từ các khách sạn, các nhà thủy tạ. Tôi tản bộ ra một nhà thủy tạ gần đó, ngồi nhâm nhi ly cà phê nguội ngắt. Lòng lắng xuống, tôi chợt thấy sợ không muốn gặp Nhiên nữa. Ngày ở phiên tòa xử ba tôi ra, Nhiên đón tôi ở cổng tòa án. Lẳng lẵng đi bên Nhiên tôi không nói câu nào. Nhiên thương hại nhìn tôi, nhưng tôi đã quát vào mặt cô: "Nhiên tưởng tôi hối hận hả? Ba tôi hối hận hả? Không đâu! Chỉ hối hận sao kết cuộc lại quá sớm". Nhiên sửng sốt nhìn tôi, lùi lại và bỏ đi.

Tôi dúi điếu thuốc mới đốt vào gạt tàn, quả quyết đứng lên. Tôi đi học theo sông Phượng vào phố. Đã mười năm trôi qua, giờ trở lại mọi thứ đều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn. Quanh quẩn theo các con phố mới mở, tôi cũng tìm ra khu tập thể nơi gia đình Nhiên ở. Khu tập thể nằm cạnh bến tàu, đường lầy lội, tấp nập người khuân kẻ vác. Không biết Nhiên còn ở đây hay đã đi lấy chồng. Nhiên đã ba mươi tuổi, tôi cũng vậy. Tôi không lạ nếu xuất hiện trước mắt tôi một Nhiên nheo nhóc con cái, già sọm như bà lão tám mươi. Tôi rất mong gặp một hình ảnh ấy.

Trước cửa phòng Nhiên là một cậu bé lạ hoắc. Tôi nhìn vào trong vẫn không thấy ai quen. Cậu bé nói: "Chị Nhiên con bác Tiến giám đốc hả?". "Bác Tiến làm giám đốc rồi hả?". "Lâu rồi. Cả nhà bác dọn về nhà mới ở cũng lâu lắm rồi". Tôi nán lại nhìn căn phòng cũ xem còn chút dấu vết nào của Nhiên. Căn phòng ngang ba mét dài sáu mét ấy từng chứa những năm con người: ba mẹ Nhiên, hai chị em Nhiên và thằng Tự ở quê lên trọ học. Phòng được chia làm hai, bên trong là phòng của ba mẹ Nhiên, bên ngoài vừa là phòng khách vừa là nơi ngủ của bọn trẻ. Lúc ấy, ba Nhiên chỉ là một trưởng phòng tổ chức miệt mài với hàng đống hồ sơ giấy tờ, coi khinh mấy kẻ bon chen vụ lợi về phe với tay giám đốc ngắt khoản này khoản nọ để xây nhà lầu. Nhiên thần tượng ba mình lắm. Ảnh hưởng của ông đối với cô sâu nặng đến nỗi cô chẳng thèm vẻ hào nhoáng của tôi. Ngày xưa, ba Nhiên từng là sinh viên xuống đường rầm rộ ở Sài Gòn. Sau giải phóng, thế hệ trí thức trẻ của ông đã đi khắp miền đất nước. Ông chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Sống trong khu tập thể chật chội ông vẫn không lấy thế làm buồn. Nụ cười coi khinh mọi thứ danh lợi phù du của ông làm bước chân tôi ríu lại mỗi khi đến tìm Nhiên. Nhiên hay ngồi vắt vẻo trên lan can cũ kỹ xám xịt, thấy tôi là phóng ào xuống kéo ra bờ sông Phượng. Chúng tôi đã thả không biết bao nhiêu hoa phượng xuống dòng sông cho cả con sông đỏ thẫm màu máu. Dòng sông đỏ ấy đã trôi ra biển cả mang theo những kỷ niệm tuổi thơ của tôi đến khi tôi thành một đứa hư hỏng thì Nhiên đã không cùng tôi ra sông nữa.

Tôi tìm đến nhà Quý. Cái thằng bé khẳng khiu ngày nào thành một chủ nhà hàng sang trọng, bụng phệ. Mắt nó híp lại không thấy cả tròng trắng lẫn lòng đen, chỉ thấy một vệt dài biết đó là mắt. Khi nó cười các khối cơ dồn lại phía hai gò má thành hai khối thịt nung núc. Nó vỗ vào lưng tôi một phát khiến tôi muốn chúi đầu xuống đất. Nó cười khoái trá khi nhắc đến tên Nhiên:

- Ối trời ơi, thiên thần của mày giờ đã xuống bùn rồi! Cũng người ta thường tình thôi mày ơi. Đang dính vào một vụ bê bối mới.

- Nhiên ấy hả?

- Không phải là Nhiên, nhưng cũng coi như là như vậy, là ba của Nhiên ấy mà. Ông ta hồi ấy làm mọi người nể một phép thế mà bây giờ đang ngồi tù. Vừa mới kêu án xong nè.

- Có chuyện ấy sao? - Tôi ngồi phịch xuống ghế, như chính mình đang bị kêu án. Không hiểu sao cái tin ấy làm chấn động nơi tôi còn hơn cả cái ngày ba tôi ra tòa. Ba tôi ra tòa là điều hiển nhiên tôi đã lường trước, còn với chàng cựu sinh viên xuống đường năm xưa hay kể cho chúng tôi nghe những năm tháng hào hùng ấy thì tôi hết sức thảng thốt bàng hoàng. Còn Nhiên thì sao? Câu hỏi vẫn còn lẩn quẩn trong đầu tôi thì thằng Quý như đọc được đã liến láu trả lời:

- Nhiên gần như bị điên rồi. Hôm ra tòa đã đập đầu vào tường tự tử nhưng người ta cứu kịp. Cũng có trường hợp con tự tử chết vì cha làm cho xấu hổ, nhưng đó là mấy đứa trẻ con mới lớn còn ảo tưởng về cuộc đời kìa, chứ cái cô Nhiên này đã ba mươi tuổi mà vẫn còn bị sốc thì thần kinh hơi yếu đấy! Có lẽ vì vậy mà đến giờ vẫn chưa lấy chồng. Lấy chồng sớm chắc chết sớm rồi. Mày cũng may đấy, vì nó đã từ chối mày, chứ không thì không biết nó lấy đâu nhiều mạng để chết vì bấy nhiêu vụ bê bối lăng nhăng của mày. Người như vậy có lẽ cũng không nên sống làm gì, đau khổ cho mình mà làm phiền cho người khác.

Trong khi nó vẫn huyên thuyên về cái cô Nhiên quan trọng hóa tất cả mọi vấn đề của cuộc đời thì tôi lặng nhìn cái vòng tròn điệu nghệ từ điếu thuốc của tôi. Tôi đã tập luyện mười mấy năm mới được cái vòng tròn ưng ý ấy. Ngày đầu tiên tôi cầm điếu thuốc, Nhiên nhìn tôi dữ tợn: "Bạn tập tành làm chi cái thói hư ấy?", không cần giải thích với mấy đứa con gái xem cuộc đời là màu hồng khi mọi thằng con trai đều phải trở thành đàn ông, mà cái tiêu chuẩn để trở thành đàn ông có khi chỉ là cái cách cầm điếu thuốc hay cái cách nhả khói vào không trung. Cái thằng con trai năm xưa giờ đã thành đàn ông từng trải mọi sự đời, biết điều khiển khói thuốc thành một vòng tròn lớn nhỏ tùy y,á nay đang ngồi đây lòng bấn loạn với những cảm giác kỳ quặc. Ngay cả tôi cũng như đang bị stress trước sự kiện của ông Tiến huống hồ gì Nhiên.

Lân la dò hỏi, tôi cũng biết được số điện thoại của Nhiên. Nghe tiếng chuông đổ ở đầu bên kia mà tiếng tim tôi cũng đổ từng hồi. Giống thằng con trai mười tám tuổi hồi ấy quá. Giọng Nhiên uể oải:

- Nhiên đây, ai đầu dây vậy?

Là tôi đây, là cái thằng Quang lừng lẫy những thành tích học tập xuất sắc rồi đột nhiên bệ rạc bê tha mà không ai hiểu nguyên do, chiều chiều thích đi vào các quán xá vũ trường hơn là thích ra bờ sông Phượng thả những bông hoa màu đỏ. Hết rồi Nhiên ơi, hết từ lâu rồi, sao tôi còn quay trở về? Có hẹn kiếp sau chắc cũng không thể nào gặp lại vì nhân nào quả nấy. Cái nhân của kiếp này có tạo được cái quả tốt lành ở kiếp sau không. Giọng Nhiên bên kia bực bội:

- Ai vậy? Sao không lên tiếng.

Tôi nén tiếng thở dài, trả lời nhẹ như gió thoảng:

- Nhiên không nhận ra ai sao? Là tôi đây, là Quang đây.

Im lặng. Người bên kia nén hơi thở lại. Ảo tưởng chăng tôi nghe tiếng tim của cả hai người. Chợt nhớ lại một thời Nhiên thích ngồi yên sau xe đạp tôi mỗi khi lớp đi chơi, líu lo mọi chuyện trên đời. Có lẽ Nhiên đã từng thất vọng cái bạn Quang ngồi kế bên cô trong lớp học bồi dưỡng, kiến thức uyên thâm, thông minh tột đỉnh, tình cảm lai láng sao không thể thành một chàng trai đứng đắn tuyệt vời để cô gửi gắm cuộc đời mình. Mọi sự từ cái gói tiền ai đã quên ở phòng khách. Cái sự vô tình ai cũng cho là hiển nhiên và hợp lẽ cuộc đời ấy đã làm chết hết mọi thành viên trong gia đình của tôi, chết cả một mối tình mới ươm mầm. Tôi nuốt xuống ngực cái gì đó đang ngăn ở cổ họng:

- Nhiên khỏe không? Lâu lắm không gặp lại, không biết hình dáng Nhiên ra sao rồi.

Nhiên vẫn không trả lời và tôi phải độc thoại một mình. Không hiểu sao những lời hay ý đẹp tôi chuẩn bị cho cuộc nói chuyện này cũng như cuộc gặp mặt ngày mai bay đi đâu hết, mà chỉ toàn là những lời chẳng ăn nhập vào đâu hết. Nào là sao Nhiên vẫn chưa lấy chồng. Lẽ nào trên đời này toàn là những kẻ không ra gì như tôi cả sao? Nếu hôm nay tôi tỏ tình lại Nhiên có đồng ý không? Hôm nay chúng mình đã như nhau rồi. Có lẽ nhờ vậy mà tình yêu của mình sẽ thắm thiết hơn. Nhiên đừng khinh những đồng tiền của tôi nữa, vì bấy lâu nay Nhiên đã sống nhờ những đồng tiền nào? Của ba Nhiên ư? Ừ, thì bây giờ nó có khác tiền của tôi đâu. Nhiên lên tiếng, rõ ràng và rành rọt:

- Tôi đã sống, đã lớn lên bằng những đồng tiền ăn cắp đó và tôi sẵn sàng đương đầu với những cái giá phải trả, cái giá của sự vô tâm trước những tội lỗi xung quanh mình. Quang hả dạ rồi chứ. Có lẽ Quang không bao giời biết điều này, tôi yêu Quang lắm, còn hơn cả Quang yêu tôi, nhưng tôi không bao giờ chấp nhận Quang. Bây giờ ba tôi đã sa ngã như thế, tôi đã rơi xuống tận cùng nỗi đau khổ, thất vọng, mất hết niềm tin, niềm hy vọng. Quang lại muốn tỏ tình nữa ư? Chắc Quang tự cho rằng tôi sẽ đồng ý vì tôi cũng đã rớt xuống bùn như Quang chứ gì ?

Tôi không biện minh. Tôi chẳng phân bua. Đó là sự thật. Tôi đứng sững khi nghe lời thú nhận tình yêu của kẻ mà tôi đã tốn nhiều lời nói, nhiều giấy mực cho câu tỏ tình không lời đáp đó. Nhiên yêu tôi ư? Không, tôi lắc đầu cố xua đi ý tưởng ấy. Chỉ là ảo tưởng. Và Nhiên đã không nói rõ Nhiên yêu tôi như thế nào. Có gì mà cần nói rõ. Hiển nhiên là cô đang bày tỏ tình cảm của cô bé Nhiên tóc thắt bím luôn quấn quít cùng thằng bé Quang bên bờ sông Phượng. Cô giữ tình yêu ngây thơ ấy vào cuộc đời và ao ước cuộc đời mãi là tình yêu ấy. Vì tình yêu ấy mà cô cứ từ chối mãi lời tỏ tình của cái thằng người bị đồng tiền mua hết linh hồn và thể xác và cô sẽ cứ từ chối mãi cho hết kiếp dù bây giờ cô không dám ngẩng cao đầu vì chính ba mình.

Suốt đêm tôi trằn trọc không ngủ. Ngày mai, Nhiên hẹn gặp tôi tại dòng sông Phượng. Dòng sông Phượng chỉ còn là cái tên trong ký ức tuổi thơ hai đứa. Màu đỏ của hoa Phượng không còn. Bờ cỏ mượt mà cũng không còn, tôi đành chờ Nhiên ở một quán cà phê nhỏ bên cạnh khách sạn. Tôi chờ Nhiên cũng đầy những cảm giác bồi hồi như một cậu bé mới yêu. Cái cảm giác ấy sao lại còn ở một kẻ chán chê phong trần như tôi? Có lẽ trong tôi đang nhen lên một niềm hy vọng, hy vọng được tình yêu của một người cũng vấy bùn như tôi, ít ra là cũng đang có cảm giác vấy bùn.

Từng giờ từng phút trôi qua. Tám giờ... chín giờ... mười giờ... mười một giờ... mười hai giờ... Mất kiên nhẫn, tôi ra ngoài ngóng đợi. Thôi rồi. Lại một sự từ chối. Điện thoại reo. Tôi hấp tấp lấy ra nghe. Không phải Nhiên mà là giọng Quý thất thần, thảng thốt: "Nhiên tự tử chết sáng nay rồi".

Tôi ngồi lì trong khách sạn. Điện thoại reo liên lục. Đó là thằng Quý gọi tôi đi đám tang. Tôi vẫn ngồi trong bóng tối một mình, mặc mấy cô tiếp viên hỏi có cần gì không. Tôi biết mình không cần gì. Nhiên đã chết hai ngày. Hình cô được đăng lên trang nhất báo địa phương với một tít dài: "Một cô giáo tự tử chết vì bố tham nhũng". Hợp logic quá. Làm sao một cô giáo cấp ba có thể dạy đạo lý cho học trò khi cái đạo lý đó bị chà đạp bởi cha mình, hơn nữa đó lại là một thần tượng cô căn cứ vào đó để chọn cho mình một lẽ sống, một tình yêu, một người chồng. Chọn mãi đến bây giờ vẫn chưa được để nửa đêm nghe cái thằng tôi gọi điện tỏ tình đầy mai mỉa. Nghe nói thuốc ngủ cô chuẩn bị lâu lắm rồi và cũng lâu lắm rồi từ khi ông bố ngồi tù cô đã lấy lại quân bình, không còn muốn tự tử nữa. Thế mà đùng cái cô chết đi không để lại lời tuyệt mệnh. Thằng Quý mập ú tưởng chỉ quan tâm đến kinh doanh hóa ra cũng có tình nghĩa với cô bạn cũ. Nó gọi điện cho tôi liên tục từ nhà Nhiên. "Sắp liệm Nhiên rồi, mày đến nhìn mặt lần cuối. Lớp mình đều ở đây". "Sắp đưa Nhiên đi rồi. Mày sao thế, từ xa xôi lặn lội về để gặp Nhiên. Giờ Nhiên chết rồi mà cũng không muốn nhìn mặt?". Tôi vẫn ngồi trong phòng. Tôi ra ban-công nhìn xuống đường phố. Tôi biết đám tang sắp đi qua đây. Nhiên không trăn trối, nhưng đường đến nghĩa trang phải qua dòng sông Phượng. Nhiên sẽ được nhìn dòng sông lần cuối. Và tôi đang đứng ở lan can chờ Nhiên đi qua. Hôm nay, Nhiên còn nổi tiếng hơn cả người cha. Cô chết để chân lý còn sống và để không phải khuất phục trước tôi đang ngạo nghễ cười vào chân lý ấy. Tôi về đây mong giết chết hình bóng cô bé Nhiên bám chặt tim tôi ngày ấy, nhưng bằng cái chết của mình cô đang sống mãi, đang hiển hiện mãi trong cuộc đời để những đứa học trò lên lớp vẫn thấy bóng cô trên bục giảng, hiền lành và thánh thiện chứ không phải con của kẻ tội đồ.

Đám tang xuất hiện trên đường. Tấm ảnh cô chụp lúc hai mươi tuổi, vẫn hình ảnh trẻ trung xinh đẹp hồn nhiên ấy. Tôi đã không biết được hình dáng hiện tại của cô, thế là tôi không bao giờ được toại nguyện. Thế là mãi về sau này, có cùng đi với ai trong cuộc đời thì tôi vẫn cứ nghĩ đó là Nhiên.

HẾT
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,150
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Mười Đậu từ: msn

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 79 guests