Tháp Gậy - Lệ Hằng

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Tháp Gậy - Lệ Hằng

Postby rongchoi » 11 Nov 2005

Tác Giả: Lệ Hằng

Trăm sự chỉ vì vài phút quảng cáo của tivi. Màn kịch dài vô tận bắt đầu, tôi miễn cưỡng phải đóng vai chính. Chuyện được mẹ kể bằng đủ giọng đủ kiểu, căng thẳng, lo âu như có quân khủng bố trang bị bom mìn, súng cối đầy người rình mò đâu đây. Cũng xin nói ngay, tôi chính là tên khủng bố nguy hiểm đó, ít nhất đối với bố mẹ tôi. Tôi chán tôi lắm rồi, nhưng tôi cứ phải sống, trơ ra, không còn cách nào khác. Từ những xung động nào đó của cha mẹ, của thiên hà tinh tú, tôi chui vào đời, có mặt, có tên giữa trời đất lạnh lùng ngơ ngác, rồi cứ thế, nuốt vào, tống ra đủ thứ thực phẩm sống chín, chua ngọt, béo bùi. Quay đi ngó lại, tôi lớn lên hồi nào không hay. Đêm mò tới, đều đặn. Tôi cuối xuống nhìn tôi, xoa bóp rồi cấu cào. Vô ích, hai mắt mở đầy, tôi hoảng hốt nhìn tôi lầm lì trong gương. Mẹ tôi thường e ngại nhìn tôi, lén lút đâu đó. Tôi bực lắm, nhưng dù sao bà cũng là mẹ tôi.
Cái màn quảng cáo đó như thế này... Một bà Sơ già, khăn choàng đen, yếm ngực trắng, da nhăn nheo. Mặt mũi khô khẳng như vậy, tôi cam đoan bà cụ nghiêm nghị này cả đời chưa bao giờ dám hít hà dòm ngó chi đến những việc tối ư hệ trọng mà loài người vẫn thì thào gọi là dục tình. Cách bà cụ chăm chút, nghiêng ngó, búng ngón tay vào cái gậy của pho tượng trông rất ngộ. Nếu tôi có thể vượt thoát tuổi dậy thì thảm hại của tôi, vào được Đại Học như những đứa trẻ bình thường khác, chắc mẻm tôi phải học kỹ thuật quảng cáo của thời đại điện toán thật sâu sát ra trò. Bà cụ quảng cáo một loại keo dán, chuyện giản dị hết sức, trên màn ảnh thiên hình vạn trạng của tivi, người ta có hàng trăm tiết mục khuyến dụ khách hàng ra sức mua sắm rồi mắc nợ, mắc nợ rồi mua sắm, độc địa hơn nhiều. Nhưng cái vụ keo dán này đã gây một chấn động dữ dội trong gia đình ba người chúng tôi. Nhân vật "tôi" bị dựng dậy, "củ" đậu phụng, đậu đen, đậu đỏ của tôi múa loạn cào cào trước đôi mắt đã được xâm chì vĩnh viễn màu xanh đen của mẹ. Có gì đâu, bức tượng thằng bé bị gẫy vòi nước ngoài vườn. Bà Sơ thương hại thằng nhỏ, mất vòi, làm sao nó hí hởn tưới nước cho bồn hoa của bà nổi nữa. Tu viện mà không có tí vòi của nó, chịu chi thấu, cây cỏ khô héo hết. Bà cụ cẩn thận dán keo, chưa chắc bụng, bà rình chờ hai mươi bốn tiếng dí mắt vào cái vòi, ngắm nghía rồi búng tay chóc một cái, gậy của thằng nhỏ cứng nguyên, ngon lành. Mặt bà Sơ già sáng bừng lên.
Mẹ nhìn tôi, đôi mắt ngày thường, vẫn kín đáo che dấu mọi thương xót bà dành cho tôi, bây giờ nhen nhóm chút hy vọng mơ hồ nào đó. Bố cũng nhìn tôi, rồi quay vội đi ngay. Tôi đau thốn trong bụng phải lủi vào phòng tắm. Cái mặt người trong gương lầm lầm nhìn chăm bẳm vào tôi. Tôi ở lì trong toilet rất lâu. Cửa gài chặt, tôi vẫn biết bố mẹ đang nói gì ngoài phòng chơi, la liệt ghế bàn. Họ sẽ bàn bạc rì rầm, rồi quay ra đay nghiến đổ thừa cho nhau đủ thứ tội.
Nhân vật chính vẫn là tôi.
Một lúc sau, chán đấu chưởng bằng mắt với cái mặt người dài thượt trong gương, chán rờ rịt soi mói chính mình, nghe ngoài phòng im ắng, tôi rón rén đi ra. Bất ngờ quay ngoắt lại, chớp một cái, tôi thấy mẹ dòm lén. Tôi ứ máu bầm lên, muốn nghẹt thở, cáu quá, tôi trừng trạo quay lại, chắc mặt tôi lúc đó bặm trợn hung dữ lắm, nên mẹ đóng ập cửa, thụt mất. Cửa phòng tôi đang khép, tôi kéo ra, chui tọt vào, chưa đã giận, tôi mở cửa, đóng ầm lại, rồi lại dằng cửa ra lần nữa rồi ầm nữa, ầm nữa. Tôi làm ồn dữ, mẹ tôi cứ im ỉm, giả vờ không nghe. Tôi thua vậy, không có ai thèm chấp nê cái thằng người bất hạnh như tôi nữa. Suốt đêm tôi tức tối hành hạ gối chăn, nệm giường không tiếc tay, người tôi mỏi nhừ, mồ hôi giòng giòng tuôn xuống. Tôi thở rống nhọc nhằn như con ngựa què cụt.
Người ta, lại người ta, không còn chữ nào khác thơm tho hơn chữ người, tôi buộc lòng phải dùng thứ ngôn ngữ mọi người đang dùng, dù tôi không muốn. Người ta nói với nhau nhiều lần, đến tai tôi chẳng khó khăn gì. Cha mẹ tôi là người giàu có. Họ giả vờ khinh thường cha mẹ tôi phía sau lưng cho đỡ tức, nhưng trước mặt, họ cứ vồn vã chào hỏi, khúm núm bắt tay, nịnh nọt khen tặng. Tôi cũng chẳng biết tại sao họ phải làm như vậy! Cứ coi như bố tôi là người giàu nhất trong nhóm cộng đồng Việt tộc ở đây. Rồi sao? Họ biết tỏng bố tôi khôn hơn cáo già, có bao giờ ông mở tay cho ai một đồng teng nhỏ. Nịnh nọt ông cũng homeless như gõ cửa cảnh sát ăn mày phép lạ. Tội nghiệp, có lẽ đó là một căn bệnh di truyền của người nghèo? Mẹ tôi ly kỳ hơn bố tôi nữa. Bà lộng lẫy và đóng kịch rất giỏi, bà vẫn tự hào bà diễn xuất thần sầu hơn các kịch sĩ nhà nghề của phim ảnh. Khác với họ, toàn thể động tác của bà, nó nhịp nhàng không thể chê được, nói, cười, đưa đẩy, ngọt ngào, chớp mắt, dạ vâng, hân hạnh... tất cả đã là kịch. Cả một cuộc đời bà là một vở kịch. Người chồng đầu tiên của mẹ, thỉnh thoảng bà vẫn kiêu hãnh khoe với bạn, ông lão xuống tận mồ, nằm nghe giun dế nỉ non khóc, vậy mà coi bộ hồn ma ấy vẫn thòm thèm dữ lắm, những lúc bố tôi chểnh mảng lo ra không ân cần với mẹ, ông lão vẫn hiện về eo xèo đòi hỏi. Mẹ quả quyết mỗi lần bà mang hoa tulip đến thăm - ông là người Úc gốc Hoà Lan, nên rất mê hoa tulip, hàm râu quai nón rậm rì của ông lão vẫn run lên dưới mộ. Họ cưới nhau dịp nào, dĩ nhiên tôi không biết. Tôi không phải là con của ông ta. Chính ông đã vận động giấy tờ du học cạy cục đưa mẹ từ Sài gòn sang đây trước năm 75. Ông ta sống dữ quá, ham hố đủ mọi trò, bia, rượu, thuốc lá, đàn bà, khoản nào ông cũng chơi trội gấp bốn lần thiên hạ. Ông chết sớm, quằn quại đau đớn trên giường bệnh cả năm, đó là cái giá của những kẻ còn tiếc nuối cuộc đời phải trả trước khi về lại với đất. Mẹ chép miệng nói như vậy. Mẹ và lũ con ông ta quyê't liệt kiện tụng tranh dành tài sản của ông già khốn khổ đó dài dài gần ba năm. Tiền luật sư của hai phía nuốt hết gần hết gia tài ông cụ để lại. Cuối cùng hai phe đều kinh hoảng rợn người. Họ đau lòng tế sống các ông các bà luật sư bệ vệ uy nghi, áo thụng đen, đội tóc trắng bện bằng thừng trão và len giả... bởi nếu tiếp tục ỷ thế luật sư còn cưa kiện qua cáo lại, giấy tờ ùn ùn bò lên nóc thượng, chắc chắn hai bên sẽ phải bán nhà trả không đủ tiền tòa, tiền luật sư, tiền giấy, tiền cò hằng trăm khoản... Họ chua chát bóp bụng cứa đôi những thứ còn lại cho nhau để giải quyết ngoài toà cho gọn. Uổng ghê, mẹ than hùi hụi, giá chi lũ con riêng của ông khôn hơn một chút, chịu half and half với bà ngay hôm đầu, lúc ông cụ vừa nhắm mắt, mẹ đã thành bà triệu phú trẻ măng từ dạo đó. Có tiền triệu hồi hai mươi nhăm tuổi nõn nường, cuộc đời sẽ huy hoàng lộng lẫy hơn cầm bạc triệu lúc đã tròm trèm trên dưới bốn mươi.
Chuông điện thoại rung reng. Tôi thót người quấn vội khăn quanh bụng, chụp máy. Tôi biết thừa ai gọi cho tôi.
"Hello. Sissi phải không?"
Tiếng cười tan trong ống nghe:
"Lỡ không phải tui thì sao, bồ ẩu dữ."
Tôi thì thào:
"Chỉ có mình em gọi thôi, bố mẹ không bao giờ dùng số điện thoại này."
"Oai dữ he, bồ sống khốn khổ như một thằng vua nhỏ."
Tôi tái mặt với hai tiếng khốn khổ Sissi dùng. Đúng phóc như vậy đó, nhưng tôi vẫn khó chịu hậm hực lúc kẻ khác ngang nhiên nhận xét này nọ về tôi. Mẹ cũng nói trong nhà này tôi là một ông vua nhỏ. Không hiểu sao, dòng bên nội tôi rất hiếm con. Bố mẹ tôi trông ngon lành hơn thiên hạ nhiều lắm. Vậy mà bà vật lộn tơi bời mới có một đứa con, đã vậy, tôi lại trục trặc bất thường ngay từ lúc nhỏ. Mẹ phải nhờ vả cha cụ và mấy bà sơ giới thiệu mới gửi được tôi vào Academy dành riêng cho con nhà giàu. Tôi chịu đựng lũ bạn nội trú được hai tháng, cố co dúm lại, lủi thủi tránh thật xa những con mắt rình mò, những lời xầm xì sau lưng. Đêm tới, tôi chùm chăn khóc ấm ức một mình. Kiệt sức vì phải chịu đựng sự độc ác thường xuyên, liên lỉ hằng giờ, tôi tìm đủ mọi cách phá phách, đánh lộn, gây gỗ và cả trò ăn cắp vặt để được bị đuổi. Mẹ khóc như mưa lúc đón tôi về nhà. Thoát được cảnh phải trơ thân biến thành trò chơi cho lũ bạn cùng trường giải trí, tôi rơi vào cái bẫy đau lòng khác của mẹ. Tôi sống như một con thú lạ, chui rúc xó xỉnh nào, cũng nhớn nhác sợ thiên hạ dòm ngó. Mắt người, với tôi, kinh tởm hơn rắn rết. Mẹ vẫn nói tôi là bom mìn là hơi độc, đạn pháo trong nhà này.
"Hồ sao vậy?" Sissi lo ngại hỏi.
"Không sao hết."
"Hồ kỳ quá, tụi nó nói Hồ điên đó. Phải sống đi chứ, đời có bao nhiêu đâu?"
"Lại lên giọng bà cụ rồi. Nghe thầy cô giảng hoài, bộ nhớ của tui đầy nhóc, chứa không nổi nữa đâu bồ."
Sissi nhượng bộ:
"Được rồi, forget it... Sao hôm thứ bảy Hồ không đến?"
Tôi ấp úng"
"Ờ... bận quá..."
Sissi cười ngất:
"Thôi biết rồi, Hồ nói dối dở ẹt, Hồ nhát gan quá, thấy đám đông là rét run lên. Cái mặt tội nghiệp, cứ phải gân lên làm bộ ngầu. Sợ thì nói thật đi cho nó nhẹ người, như tui nè, thích gì cứ nói, có sao đâu? Tui nhớ bồ quá chừng rồi, mai gặp nhau hè."
Tôi ú ớ nói ngọng:
"Cám ơn"
"Chúa ơi! Sao lại cám ơn?"
Tôi càng ngọng dữ hơn:
"Rồi sao? Không cám ơn thì làm cái gì bây giờ?"
Sissi giận quá, cúp máy. Tôi tung khăn tắm ra, cái khăn mắc dịch in hình thần Eros cởi trần bắn cung làm tôi càng tức bụng hơn. Tôi lăn đùng ra giường, ngửa mặt kêu trời. Nước mắt trào lên, hôi hổi, tôi khóc ngất. Sực nhớ, tôi hoảng hồn bò dậy, quấn khăn, chạy ra cửa, nhòm lỗ khóa. Không có ai rình, tôi bò ra giường, vất hết chăn mền xuống đất, vò xé mình đến tức thở. Đêm hôm đó, tôi ngủ mơ thấy mình bị một ê kíp bác sĩ trói chặt chân tay trên bàn mổ lạnh buốt. Họ có cả một bàn dài kéo kềm đủ loại sáng choang choang. Họ cưa đục xoèn xoèn ngang người tôi, ngay vành bụng rồi ghép vào thân ngựa. Tôi biến thành người ngựa, lòng thòng gặm đá trên đồi, tôi nhớ mãi khoảnh đồi trơ trụi trong giấc mơ, chỉ có đá sỏi và một bầy ngựa cái hí lộng vang trời, bụi hồng hăng lên mùi ân ái.
Hôm sau, Sissi đến tìm. Tôi ở lì trong phòng khóa trái cửa lại, nằm, bò, nép vào góc nhà, cơ mặt co giật, tay chân run bây bẩy. Mẹ tiếp cô bé, bà khốn khổ, Sissi cũng khốn khổ. Còn tôi, tôi chỉ muốn chết. Ruột gan tôi cồn cào. Tôi dựa đầu vào tường. Cơn sốt ập đến, quật tôi ngã dúi vào chân giường. Lúc Sissi buồn bã ra về, mẹ đi thẳng vào phòng tôi, kiên nhẫn gọi cửa. Ban đầu tôi nhất định không mở. Bà lì lợm gõ mãi, gõ mãi. Chịu không nổi, tôi mở cửa. Bà nhìn tôi ngồi bệt dưới sàn, giọng nhão ra:
"Sao mặt con xanh lè vậy?"
Tôi quay mặt đi, mẹ cũng ngồi bệt xuống sàn với tôi:
"Con bé thiệt tội, nó không hiểu gì cả..."
Tôi vẫn ngồi im. Mẹ than thở:
"Bố mẹ chỉ có một mình con, con là tài sản quí nhất của bố mẹ. Bố có rất nhiều tiền. Ở bên Mỹ, ông nội con cũng có rất nhiều tiền. Tất cả sẽ thuộc về con, với một điều kiện nhỏ..."
Tôi biết hết, nên lặng thinh chờ. Vết thương đã làm độc gần mười năm. Hôm đó, tôi nhớ cho đến chết, ở một hồ nước dành cho học sinh tập bơi, tôi ham vui, sơ ý quên nỗi bất hạnh của mình. Sợi thung quần tắm hơi cũ, bị thõng nước, tuột xuống. Thầy dạy bơi quay mặt đi không nhìn, nhưng lũ bạn đã dòm trừng trừng vào đó, sửng sốt. Tôi chạy te về nhà, gào lên:
"Mẹ ơi! Mẹ ơi!... Tại sao con lại như thế này...?"
Bà đã ôm choàng lấy tôi. Tôi khóc rống lên. Bà vuốt hoài mặt tôi, ướt nhèm, giọng lạc hẳn đi:
"Tội nghiệp con tôi."
Nhìn vẻ mặt hoảng hốt cùng cực của tôi, bà khóc òa lên không thèm che dấu nữa. Tôi vùng vẫy đấm thình thịch vào ngực bà khóc ngằn ngặt. Bà càng ghì chặt tôi vào người, mếu máo. Tôi trừng trạo:
"Con bị đau bệnh gì kỳ quái vậy?"
Mẹ bệu bạo:
"Không, con không bị đau gì hết. Tại bố con, tại ông nội con... ăn chơi lang chạ quá..."
Bà nghẹn giọng nín ngang. Tôi ngơ ngác nhìn bà không hiểu, nhưng từ đôi mắt thống thiết của mẹ, tôi chợt hiểu, bà còn đau lòng nhục nhã hơn tôi nữa. Từ đó tôi nghiến răng chịu đựng nỗi cay cực một mình. Cả cuộc đời này với tôi là một chuồng thú, cọp beo, rắn rết, gấu mèo, chó khỉ... Chỉ một Sissi, xinh đẹp nhất trường, hai mắt sáng ngời còn nhìn thấy tôi. Tôi nhìn ra ngoài cửa, mẹ dành phòng rộng và đẹp nhất cho tôi. Tôi thích khung cửa sổ mở ra khoảng vườn đầy bóng cây, bốn mảnh tường trong phòng, sơn cùng một màu với mây trời ngoài cửa.
Mẹ lay nhẹ vai tôi, giọng nài nỉ:
"Sao con ngồi im hoài vậy? Con không bao giờ chịu nói chuyện với mẹ? Con không thương mẹ sao Hồ?"
Tôi quay đi:"Người như con yêu thương là một trò hề. Mẹ biết rõ như vậy rồi."
"Mẹ có tiền, mẹ sẽ lo cho con, dễ lắm, bác sĩ ở đây giỏi như thần, họ thay tim, thay thận, cưa cả xương sọ mở banh não bộ con người ta nữa kìa. Bệnh của con dễ như chơi. Ông nội con già lắm rồi, ông sẽ để hết tài sản cho con với điều kiện con phải có vợ, có con như mọi người. Hồ, quay lại đây, con phải nhìn mẹ. Mẹ là người sinh ra con, mẹ thương con đứt ruột đứt gan, con cứ bơ ra như vậy, mẹ chịu không nổi. Mẹ chết, ai lo cho con?"
Tôi lầu bầu: "Lẽ ra mẹ không nên sinh ra con, như thế tốt hơn."
Mẹ không giận bởi mẹ nghe lời oán trách này cả một nghìn lần cũng chưa đủ.
"Con oán hận mẹ dữ vậy sao? Nói đi... cứ hét rống lên cho mẹ nghe, đừng làm thinh nữa. Nói cho mẹ nghe đi, mẹ phải làm gì cho con vừa bụng bây giờ?"
Tôi ngồi lì như bàn như ghế. Mẹ lải nhải:
"Trước sau gì, con cũng phải đi bệnh viện, càng sớm càng tốt con à. Con không thương mẹ, được đi, nhưng còn Sissi, con bé dễ thương như vậy, nó yêu con hết lòng, nó có tội gì đâu để bị con lầm lì xa lánh."
"Đừng nhắc đến cô ấy nữa, mẹ làm con điên lên bây giờ. Bộ mẹ muốn con biến thành thú vật trước mặt cô ấy? Mẹ biết rồi đó, con không phải là người. Mẹ đã sinh nhầm một đứa con của sở thú."
Mặt mẹ tái bầm, quen chịu đựng mọi cơn điên tỉnh bất thường của tôi, bà vẫn dịu dàng, giọng nói ngọt ngào của bà nhiều khi làm tôi điên ruột:
"Đừng nói phẫn như vậy. Trời phạt chết. Nói cho cùng, thời bây giờ ai dám nhận mình là người nữa đâu? Cả gia đình hoàng gia, từ bà nữ hoàng tới dâu rể, hoàng tử lẫn công nương họ động cỡn rối ren thành những con thú lạ cho người ta xầm xì ngạo chơi, họ có khác gì những con vật hiếm sắp bị tận diệt, được tưng tiu dòm chừng gắt gao. Không ai hoàn toàn đâu con ạ, tin mẹ đi, cả mẹ nữa, mẹ múa may kịch kọt tối ngày, có sao đâu? Đời đúng là sở thú, không hơn không kém. Cái quan trọng nhất của con người trong cái chuồng thú khổng lồ này là làm sao thâu tóm quyền lực và tiền của chặt cứng trong tay mình. Con phải phấn đấu cho con và cho mẹ nữa. Lỡ bố con... ông sinh lòng cưới vợ khác gia đình mình sẽ tan nát hết. Mẹ năn nỉ con gãy lưỡi... càng ngày con càng xa cách mẹ... thôi được, con không thương mẹ nhưng con phải nghĩ đến Sissi, nó là một con bé tốt bụng và chân thật."
Gương mặt thảm hại của mẹ làm tôi mềm lòng. Tôi ngồi lặng đi rất lâu, cuối cùng tôi hạ giọng thật nhỏ:
"Mẹ luôn luôn nói quanh co về chuyện của con, con lớn rồi, mẹ nói hết trắng đen rõ ràng cho con nghe một lần đi, ra vô bệnh viện cả trăm lần, hết bác sĩ này đến bác sĩ kia vạch vòi ngó ngoáy chẳng được múi nào."
"Lần này mẹ bảo đảm với con..."
"Con rất muốn tin mẹ, nhưng con nghĩ vô ích. Cái duy nhất con muốn bây giờ là biến mất khỏi cuộc đời này, biến luôn, mẹ nghe rõ chưa?"
Mẹ rùng người, đôi mắt mẹ đờ ra. Tôi cao giọng, cố kìm vững lòng mình, giọng tôi vẫn gằn lên uất hận:
"Con bị như thế này từ lúc mới sinh, phải không?"
Mẹ yếu ớt gật đầu:
"Lúc sinh con xong, mẹ mệt vã người ra vì đau đớn, nghe cô y tá reo hai tiếng con trai. Mẹ không còn muốn thấy bất cứ thứ gì trên đời này nữa. Qua ngày thứ hai, mẹ nhòm nó sao giống hạt đậu, mẹ nghĩ chắc tại con còn nhỏ, sau đó, mẹ tìm mọi cách nhìn kỹ những đứa bé khác. Mẹ cố dấu tất cả mọi người, cố hy vọng. Sau này, nó cứ như thế mãi..."
Tôi đứng lên ngay. Mẹ níu lấy tay tôi:
"Con giận mẹ sao Hồ?"
Tôi lạnh ngắt, tay chân tôi cứng đờ ra. Tôi nói với bà, giọng điệu của một quan tòa, vừa kiểu cách khoan dung vừa uy lực hăm dọa:
"Không, con không giận mẹ. Lẽ ra, mẹ không nên có con, một nửa đứa con cũng không nên có, con sống dở chết dở như thế này... thật ra, nhân loại nên tự diệt, nếu con có quyền, con sẽ cấm tất cả các bà mẹ phưỡn bụng khoe thành tích truyền sinh của họ. Không lợi ích gì hết, cái nhân quần điêu tàn này, đất xoi mòn, đồng cỏ nhiễm độc, biển đen thui hoá chất, trái tim teo tóp lại... vậy mà lũ trẻ con tiếp tục chui ra... con nghĩ mấy bà mẹ kinh khủng quá..."
Mẹ kêu lên:
"Con điên rồi... Không có con, rồi bố rồi mẹ làm sao với một đống của cải như thế này? Mẹ cực lực vì con, mẹ muốn cho con hết... Nhà này của con, xe của con, công ty của con..."
Tôi nhìn mẹ. Người đàn bà này đã sinh thành ra tôi? Bà có cái gì ở trong đầu? Tiền bạc, âm mưu, sang đoạt, lừa đảo? Thấy tôi, mặt cứ lạnh như băng, mẹ khổ sở phân trần:
"Không phải lỗi tại mẹ, bên ngoại mấy dì con sinh nở bình thường. Trai gái đủ bộ hết. Mẹ nghĩ oan nghiệt này truyền từ bên nội. Dòng nội con kiêu căng lắm, ai cũng đòi làm vua. Từ ông tổ, cụ cố, nội con nữa, cụ nào cũng muốn đi trên đầu thiên hạ, giọng cụ nào cũng cố gân lên sang sảng như vua chúa quan quyền. Tiếc mồ mả chôn không đúng chỗ, đường công danh cụ nào cũng lùi xùi dang dở. Cả một dòng họ ai cũng thèm làm vua, không có cách nào ra tay uy quyền, một chức quan nhỏ xíu cũng không. Để đỡ thèm các cụ đua nhau cưới thật nhiều vợ, không quân hầu khanh tướng, các cụ đành làm vua trên bụng đàn bà. Bên nội con truyền từ bảy đời, ai cũng chín mười vợ. Mẹ nghĩ mỗi cụ na ních vào bụng chín bà vợ trẻ già đủ loại, nội cái trò ghen hờn căm tức nhau, oan khí từ bảy tám đời truyền lại, ác nghiệp chắc thấm vào xương tủy con cháu, bởi vì những kẻ phải đem thân lẻ mọn thường là hạng nghèo khổ cùng đường, họ uất ức đau khổ nhưng buộc phải câm nín cho tới chết. Bên nội có mấy cụ dâu phẫn chí quá phải tự tử đó con, bà nội ruột của con, đẻ hai lần đều chết non, lần chót, vừa sinh bố con được ba ngày, nghe tin ông nội cưới thêm vợ hầu dưới quê, bà buông tay, ngã từ trên thang, băng huyết rồi chết. Ông nội buồn lắm, uống cạn mấy thùng rượu, sáu tháng sau ông lại oang oang nói với bà con trong họ: "Vợ con vẫn là thứ duy nhất cho phép đàn ông hoạch họe ra oai mà không sợ đi tù."
+++
Ngày hôm sau tôi gặp Sissi để làm hoà. Ban đầu cô đòi đi tắm biển. Tôi không từ chối nhưng quay đầu xe phóng thẳng lên núi. Cô nhìn tôi, đôi mắt óng như huyền ngọc. Tôi đưa cô lên động núi. Đứng ngoài cửa động, cô xoay váy mỏng, làm tôi cuống quít, thấy trời đất xầm tối. Tôi mở mắt, vờ tìm tên động. Mùa xuân trời nõn như bông. Cô mặc váy mỏng sóng sánh như tơ trắng, đường viền satin chạy quanh lớp ren nhỏ in dáng đùi thon thả của cô cũng rập rờn một âm rừng đầy non động thác ghền. Rặng núi xanh rì, vươn mãi tận trời nào xa lắm, nhìn không thấy. Cô nắm cứng tay tôi, tung tăng không biết mỏi. Vào động, vừa khuất người, đoàn du khách rì rầm theo dấu đèn bấm của người hướng dẫn. Cô xoay người ép tôi vào vách đá, hôn kín môi. Tôi ngại quá phải né người đi, rồi mặc cô ưỡn lên hít đầy ngực hơi lạnh của núi, cô hôn tôi mài miệt, môi tôi tê đi toàn hơi đá. Nhạc êm đềm hắt ra từ nhiều khe núi, gắn cassette và những ngọn đèn mờ. Nhạc tình ru bay. Sissi mơ mộng, hai tay vung vẩy, môi bóng lên trong ánh đèn chập choạng của động núi âm u bí hiểm.
"Mom nói với em, chừng nào anh vào đại học, Mom sẽ thuê thạch động một ngày làm lễ cưới cho hai đứa mình. Em sẽ mặc áo cười kiểu Macedonian như Nữ Hoàng Cleopatra. Mom nói nghe Oui Devant Dieu trong động núi tráng lệ này, cuộc hôn nhân của tụi mình sẽ vững vàng như đá."
Tôi ngang phè:
"Anh không thích đám cưới. Cái bà Cleopatra đó có mấy đời chồng. Anh không thích làm Ceasar, cũng không mê thằng cha Antony. Anh ghét tự tử bằng rắn độc."
Sissi trố mắt nhìn tôi. Vụt một cái, mặt cô ta cứng lại, rắn như đá. Thế là toi một ngày. Cô ta giận mặt bì bì không rằng không nói, hỏi mấy cũng ừ hử như mụ bình vôi. Tôi đưa bình vôi về nhà. Bụng dạ tôi nhừ tử, chua như bún thiu.
+++
Một tuần sau, tôi nhập viện. Mẹ cẩn thận cắt những bài báo rất chính xác về thành tích y khoa đem vào cho tôi đọc. Mẹ phẩy phẩy mấy bài báo vào cằm tôi, mặt hớn hở:
"Đây con coi, họ ghép cái tai mới cho Danielle bằng chính xương sụn của cô ta."
Tôi liếc sơ bài báo, tôi đọc nó mờ cả kính cận rồi, lạ gì. Phép lạ y khoa đó, chẳng làm cho cô ta xinh đẹp thêm một ly nào. Thượng Đế, đấng toàn năng còn lầm lộn ê hề ra đó. Nhân loại có hàng trăm nhà thơ, hàng vạn nhạc sĩ, hàng nghìn nhà văn... Họ khao khát cái đẹp, căm thù cái ác. Vậy mà cái ác vẫn tung hoành làm chủ cả trên trời dưới đất.
Thấy tôi thần mặt, mẹ hào hứng hứa hẹn:
"Bác sĩ nói với mẹ, con sẽ mê đi chừng ba giờ. Tỉnh dậy, mọi việc xong hết. Rồi con sẽ cưới vợ, mẹ sẽ lo cho con một cái đám cưới ra trò, sẽ mời toàn dân xịn, hạng tôm tép đừng hòng ló mặt đến. Mẹ sẽ mướn lạc đà để đón Sissi về nhà mình. Con sẽ có tất cả mọi thứ như một ông hoàng. Nè con, ước chi mẹ kiếm được vật quí của Napoleon để ghép cho con... tha hồ cho con bay bướm, nghe nói ở bên Pháp, có người mua được. Hồi Hoàng Đế bị đày chết ở đảo St Helene, bác sĩ tiếc của trời lén cắt ngâm thuốc để dành tới bây giờ. Bố con nói, giá mua được đồ nghề của cụ Einstein, phải biết, con sẽ một bước nhảy phắt lên bậc thông thái dễ như chơi..."
Tôi nói nhỏ:
"Mẹ nhớ giữ kín, đừng cho Sissi biết gì hết."
Mẹ tươi cười: "Đừng lo, con trai cưng của mẹ... Con nghỉ hè ba tháng kia mà, mẹ tính đâu ra đó hết rồi, ba tháng đủ liền da liền thịt. Sau đó con tha hồ vùng vẫy tung hoành với Sissi của con."
Mười giờ kém năm phút, tôi được đẩy vào phòng mổ, bốn bác sĩ bảy tám y tá chùm khăn đội mũ. Tôi nằm đơ người, như một đống thịt xương tội tình. Cái đèn tròn, bàn nhôm, dao kéo, kềm gắp to nhỏ đủ loại sáng choang. Tôi lạnh người, giấc mơ người ngựa, vẫy vùng trên đồi trọc, bầy ngựa cái hí lộng, bụi đất đỏ ngầu... Tôi làm dấu, tôi đọc kinh, tôi lầm rầm cầu nguyện, lung tung, rối loạn. Tôi sợ cứng người, thanh gỗ, vòng cao su đen trói hai cánh tay tôi ghìm vào bàn mổ, mũi kim chích, ống chụp, giây rợ chằng chịt, đầu ngực, bụng tim... nối vào đủ thứ máy. Da thịt này, của tôi hay thiên la địa võng nhân quả trùng trùng? Có một người đàn bà tôi yêu quí quá chừng, nhưng trong đáy lòng, tôi vẫn âm thầm hận bà đã dạng chân đạp thốc tôi vào đời.
+++
Tôi bình phục rất nhanh. Mẹ tôi mừng như điên. Ba gia sức o bế chiều chuộng tôi đủ mọi thứ. Ông nội hứa sẽ bay sang ăn tết với tôi, thằng cháu đích tôn, ông sẽ mở tiệc thật lớn mừng dòng họ Vũ từ nay có người nối dõi. Gia tài không sợ lọt vô tay người lạ nữa. Phen này mẹ yên trí làm giàu. Chưa bao giờ bà hớn hở dễ chịu như lúc này. Mẹ xoa tay đi lui đi tới khắp mọi phòng, nhà rộng mênh mông, bà không kêu chóng mặt nữa. Mẹ gọi thợ sơn quét lại các phòng từ trên lầu xuống tầng trệt dưới đất. Suốt ba tháng trước Tết, nhà tôi, hết tiệc lớn đến tiệc nhỏ. Ăn sinh nhật của bố xong, tiếp đó, mừng lễ thành hôn, cúng kỵ ông ngoại, sinh nhật chú tài xế. Sinh nhật mẹ chưa chịu bò tới, hết mục để mở tiệc, ngày bố tôi sang Mỹ lo công việc, tiện thể đón ông nội sang Úc, bà hứng chí quá bày tiệc mừng sinh nhật Dingo. Con chó dobermann dữ như chằng, vẫn làm hàng xóm sợ xanh mặt không dám chạm vào hàng rào nhà tôi. Họ ghét chó, nhưng sinh nhật chó vẫn phải mang quà đến mừng. Mẹ đem chó đi tiệm chải lông cho mịn, đòi cô thợ quen may cho Dingo một bộ đồ vét bằng len mịn đàng hoàng, cho ta thắt nơ đỏ, đeo kính gọng vàng, vểnh râu chụp hình với bánh kem hai tầng trông rất trí thức. Mẹ là dân kịch kọt chuyên nghiệp.
Tôi và Sissi nhảy bài luân vũ đầu tiên. Thật ra tôi không thích nhảy lắm, nhưng Sissi thì thích, tôi phải chiều cô ta. Tôi thích nói chuyện với Sean hơn. Nó trầm ngâm nhìn tôi vất vả quay Sissi theo nhịp trống kèn. Nhảy xong, tôi hôn nhẹ lên má Sissi để cám ơn. Mẹ rất tài ba mục tiếp khách, tiệc tùng nhảy nhót là nghề ruột của mẹ. Dĩ nhiên Dingo không biết cắt bánh, tôi e ngại chặn của lúc mẹ sửa soạn dắt cho ra chụp hình với khách:
"Mẹ tính kỹ chưa, Dingo ưa cắn bậy lắm đó."
"Yên trí. Bác sĩ cho toa mua thuốc đàng hoàng, một viên mười tám đồng, mèn ơi thuốc cho chó còn đắt hơn thuốc bệnh của người nữa. Mẹ cho Dingo uống hai viên, nó sẽ hiền khô đứng chụp hình với khách, mẹ cá với con, sau cú này, nhà mình sẽ thành dân quí tộc nhờ mở party cho chó, với gần trăm khách dự. Chuyến này cho thiên hạ lé mắt ra."
Nghĩ đến cảnh thiên hạ xúm xít khoe quần áo vòng vàng son phấn với con Dingo, tôi ngại quá:
"Mẹ coi chừng, bác sĩ chó không phải là ông thần, ngay cả Thượng Đế, cụ ấy cũng lẩm cẩm lắm rồi... đàn ông đàn bà, cụ nặn sao lộn giống tùng phèo hết."
Mẹ cười ngất, dí nhẹ vào trán tôi nói nhỏ: "Đừng nói thế, con trai của mẹ! Nhờ ai mà bây giờ con kềnh càng hử? Đàn ông đâu đó lòng thòng rồi đấy."
Nói xong, không chờ tôi cự nự, mẹ thưỡn thẹo dắt con Dingo đủnh đỉnh ra chào khách. Cái mõm chó khụt khịt bóng lên, kính đeo mắt của Dingo bị lệch, không sao, mặc đồ vét vào, gã Dingo trông bảnh choẹ lắm.
Đàn trống làm tôi đau đầu, tôi trốn ra vườn với Sean. Tôi không thích nhìn cảnh thiên hạ túm tụm chụp hình với chó. Tôi nói nhỏ với Sean:
"Nhớ nghe, mười hai giờ... Đêm nay hai đứa mình làm vua một cõi, cửa sau mở sẵn như mọi lần."
Sean chưa kịp gật đầu, tiếng la hét chói lói, tiếng chân người rầm rập, đàn trống tắt ngấm. Sean hoảng hốt kéo ngược tôi vào nhà. Sissi lao ra cửa trước, cái mặt mới biết đánh phấn, trắng bợt ra vì sợ. Mẹ kinh hoảng đứng ngẩn giữa nhà như không tin cảnh tượng chung quanh thật mộng giả chân.
Mẹ hổn hển nói không ra hơi:
"Chết rồi con ơi... bà Tâm bị đứt lìa mấy ngón tay... Dingo nổi điên cắn người... chuyến này... dám phải đền tiền cho bà ấy, mụ ta giàu, biết đền bao nhiêu cho đủ... biết vậy, mẹ mời người nghèo, có gì dễ lo hơn... gọi chú Tài cho mẹ mau đi con..."
Tôi nhìn mẹ, nhìn khách khứa chạy túa ra vườn. Chú Tài và ba khách đàn ông cực lực mới xích nổi con Dingo vào chuồng. Lúc mẹ tất tả đưa bà Tâm đi bệnh viện, tôi bỏ mặc chú Tài lo gọi thợ giặt thảm. Máu chan cùng rượu, bánh kem, tôm thịt, hoa tươi, tách đĩa vung vãi đầy nhà. Tôi chán quá bỏ lên lầu với Sean, cõi lặng thinh này êm ả hơn. Tôi không hiểu tại sao? Tôi cũng không muốn hiểu, cả Sean nữa. Chúng tôi ít nói, và nếu cần nói rất ngắn. Bên cạnh Sean, tôi nhẹ người, không lo âu, hoảng hốt như hôm nào rụng rời trong động núi với Sissi. Cô ta càng nồng cháy tôi càng teo tóp ngại ngần. Là tình yêu hay một thói lệ bình thường phải có? Sissi nồng như cỏ, cô ta là một khu rừng. Tôi sợ cô ta nhìn thấy tôi... Có bao điều chỉ có thể nói với Sean, ruột phơi ngoài da, vui buồn phun ra hết:
"Này Sean, của nợ đó thật sự là đồ giả."
"Đừng lo, mọi thứ trên đời này đều giả hình giả tướng, giả tuốt hết, từ thằng vua, thẳng tổng thống, giả hết."
"Đúng như vậy, nhưng chả lẽ Sissi cũng là đồ giả nữa sao?"
"Có thể, ai biết được, tim gan của cô ta thơm thúi như thế nào?"
"Trước kia tao yêu cô ấy quá chừng chừng..."
"Còn bây giờ?"
"Tao không biết, chịu thôi."
"Có nhiều thứ mình không biết nổi, Sissi dễ thương đấy, sao mày không thử?"
"Có lẽ tao sợ. Cứ mỗi lần cô ta muốn chạm vào nó, tao rúm cả người, tay chân lạnh toát như đồng. Tuần trước, ngoài hồ bơi, Sissi cởi phăng hết, nhìn rõ mồn một. Cô ta có mông có ngực. Chúng bốc lửa. Có thể lửa của cô ta ghê gớm quá, vèo một cái, tao bốc thành hơi mẹ nó rồi."
Sean thương cảm, nó chồm lên, hôn tôi. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Cảm xúc bùng lên dữ dội, chúng tôi dìm nhau vào lũ lụt, cuồng si và điên dại. Sean kêu rú lên từng hồi. Sau đó, nó sung sướng khóc như con gái. Tôi nằm ôm Sean, vuốt ve cho nó nín. Thật ra chúng tôi sợ tất cả loài người. Họ kiêu hãnh vì họ là người bình thường. Còn tôi và Sean... chúng tôi không thể nào sống như họ được.
Tôi nhắm mắt. Đêm chìm xuống, trăng và lùm cây ngoài vuông cửa mở toang hoang. Quầng trăng chui hẳn vào phòng. Tôi ôm Sean ngủ vùi. Tầng lầu không một ai ngoài hai đứa. Lúc tôi chập chờn mở mắt. Tôi choáng váng nhìn thấy... mẹ... Mặt bà bạc hơn nguyệt bạch, trắng hơn vôi tường, lạnh hơn đá. Bà hét lên một tiếng thảm thiết, rồi từ từ khụy xuống, vật đầu vào cửa, rầm một tiếng. Thằng bạn của tôi thảng thốt chồm phắt lên, đứng sựng người trên giường, mắt trợn dọc, quên quấn khăn vào bụng. Tôi chết điếng. Đòn chí mạng đã đánh gục bà mẹ đầy tham vọng của tôi.
Khổ quá, tôi vẫn là nhân vật chính.
rongchoi
Lá Mít
Lá Mít
 
Tiền: $2,522
Posts: 17
Joined: 24 Jun 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng rongchoi từ: Mười Đậu

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 84 guests