Nụ Cười Dấu Ngã - Nguyễn Bản

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Nụ Cười Dấu Ngã - Nguyễn Bản

Postby vnguyencong » 20 Apr 2008

Nụ Cười Dấu Ngã

Truyện ngắn của Nguyễn Bản

Image

Minh họa: Tuấn Anh

Tên nó là Tòng, mười hai tuổi nhưng trông còi cọc hơn đứa trẻ mười tuổi. Người nó đen sạm. Mắt nó lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác. Mặt nó quắt lại, trái với cái miệng rộng, đôi môi dày, nhất là môi trên. Ít khi nó cười, thường chỉ cười khi ai trêu đùa nó.

Ví dụ hỏi nó "ăn cơm" là gì, nó cười: "Kiu ngài". Cái cười không thành tiếng, môi trên trễ xuống rồi lượn nhếch lên về bên phải như một dấu ngã, như phối cảnh với đôi mắt ngơ ngác cũng nhếch về bên phải, như có ý vừa thắc mắc vừa cam chịu. Nụ cười dấu ngã ấy đã để lại một ấn tượng đặc biệt đối với tôi ngay từ lần gặp đầu tiên.

Khoảng mười ba năm trước, nó đến sống ở nhà con gái tôi, vợ cậu ruột nó. Mẹ nó sinh nó ra ở nơi đào đãi vàng, rồi tha nó đi khắp những nơi đào đãi vàng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, cuối cùng vẫn không xu dính túi, bỏ về Hà Nội, làm thuê cho một quán cơm bình dân ở Thanh Xuân, ăn ngủ ở đấy, tất nhiên phải gửi đứa con trai mười hai tuổi sống ở chỗ khác.

Con gái tôi nhăn nhó nói sơ qua về mẹ con nó với tôi, biểu lộ tình cảm khó xử, không đừng được của mình. Thật ra họ hàng mẹ nó ở Hà Nội, loại gần có tới cả chục nhà, bởi quê gốc vốn ở Hà Nội, ông bà cha mẹ vốn dân ở Hoàng Mai, nhưng ai có thể cưu mang tốt hơn nhà cậu ruột, tương đối rộng rãi, trên tám mươi mét vuông, tuy ở trong ngõ làng Cống Vị, nhưng nhà chỉ có hai vợ chồng và một đứa con trai gần năm tuổi. Hơn nữa thằng Tòng tuy ngờ nghệch, nhưng ít nhất cũng có thể trông em, trông nhà khi vợ chồng cậu đi làm vắng và giúp việc lặt vặt.

Mỗi lần tôi đến chơi, con gái tôi lại nhăn nhó phàn nàn về nó với tôi. Nó làm cái gì cũng hỏng. Đã thế lại thuận tay trái, trông càng vụng về. Nó đánh vỡ hết thứ nọ đến thứ kia, chai lọ, bát đĩa, cốc tách. Nó kho thịt để quên, cháy nồi, hỏng cả bếp điện, may không xảy ra hỏa hoạn. Sai nó đi mua thứ gì, người ta trả lại bao nhiêu cầm về ngần ấy, lúc thiếu lúc đủ, tất nhiên không có chuyện thừa, vì nó không biết tính, nhất là tính trừ, vì nó chưa từng được đi học. Sống mãi nơi rừng núi, vùng dân tộc ít người, nay về sống ở Hà Nội, cái gì cũng lạ, có lẽ kể cả việc tự nhiên nó lại có một ông cậu ruột. Mắng nó chuyện nhận thiếu tiền trả lại, thiếu nhiều, mắng sẵng, bắt đi đòi, nó ngơ ngác, thiếu ít, mắng nhẹ, cho qua, nó cười, nụ cười dấu ngã.

Một lần con gái tôi mang về một tài liệu tiếng Anh hai trang, truy cập trên mạng viết về một nữ nhà báo Việt Nam bị cảnh sát Thụy Điển bắt, đưa cho tôi xem. Nhân tiện, thằng Tòng mang một số bài tập tiếng Anh ra cửa hàng photo, chụp mỗi bài bốn mươi hai bản, tôi đưa cho nó tài liệu kia bảo photo hai bản. Một giờ sau nó cầm về, tất cả đều được photo bốn mươi hai bản. Tôi hỏi:

- Đã dặn kỹ, cái này chỉ photo hai bản cơ mà?

Nó ngơ ngác. Tôi hỏi tiếp:

- Có bảo họ không hay quên?

Nó nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Cháu có bảo.

- Thế thì ra trả lại bốn mươi bản.

Nó cầm lấy chạy đi, một lúc sau về, tay vẫn cầm nguyên tất cả, mặt hớn hở:

- Chú ấy bảo chú ấy nhầm, chỉ tính tiền hai bản, còn thì cho, chú ấy không giữ làm gì.

Và nó toét miệng cười với tôi, vẫn nụ cười dấu ngã, nhưng tươi tắn hơn mọi khi, vì lần này nó không quên, không sai, không nhầm.

Mỗi năm qua đi, người nó chẳng phổng phao hơn được mấy, nhưng mỗi lúc một đỡ vụng về hơn, bớt sai hỏng, nhầm lẫn hơn.

Nhưng cháu ngoại tôi, em thằng Tòng là một đứa hung tợn, luôn bắt nạt anh, đối xử thô bạo với anh, tuy còn bé nhưng đã có ý phân biệt. Có lần tôi đến chơi, đúng lúc nó đang xông vào đạp túi bụi thằng Tòng, còn thằng Tòng thì chỉ ngơ ngác, vừa cười, vừa đỡ, vừa tránh. Tôi quát lên nhưng nó vẫn không thôi đạp, chừng như chưa đạp thật trúng chưa hả, tới mức tôi phải giữ nó lại, kéo nó ra, nó mới chịu thôi, nhưng mặt vẫn hầm hầm: "Ai bảo anh ấy trêu cháu!". Thằng Tòng mà lại dám trêu ư? Tôi cũng chẳng buồn hỏi trêu chuyện gì, trêu thế nào. Tôi đem chuyện đó nói với con gái tôi.

- Thằng Tôm tính ngỗ nghịch, con vẫn luôn mắng nó. Con cũng khổ tâm lắm, trong khi con dạy tiếng Anh cho thằng Tôm, thì thằng Tòng dạy nó tiếng Tày: Tu cần là con rận, Tu lính là con khỉ, con dạy nó mother, father, thằng Tòng dạy nó phá dị, thằng Tôm nhăn nhở cười, gọi con với bố nó là phá dị, rồi những nòn, éng thai à... linh tinh đủ thứ. Một hôm thằng Tôm hỏi con: "Anh Tòng bảo, một lần, một con trâu điên lồng lên đuổi anh ấy, mẹ anh ấy vác dao ra chặn lại chém đứt bay sừng trâu... bác Lợi có võ hở mẹ?". Bố bảo như thế có đáng lo không?

Tôi thở dài bảo con gái tôi:

- Số phận cả, không may nó mới phải như thế. Nhưng có điều này, ngày xưa hồi tao còn nhỏ, ông thường có người ở giúp việc cơm nước, giặt giũ quét dọn..., ít nhất tao còn nhớ được các tên: anh May, anh Lâu, anh Ân, chị Chắt, chị Thảo... giữa tao và họ, họa hoằn xảy ra xích mích, bất kể thế nào, ông bao giờ cũng bênh họ mắng tao, tao không hư hỏng, một phần có lẽ cũng nhờ lối dạy con đó của ông. Hãy biết thông cảm, đừng nói dẫu sao nó cũng là cháu ruột của chồng mày.

Mọi sự mấy năm sau cũng ổn dần, thằng Tòng đã biết nấu ăn, dặn sao nấu vậy, rửa bát đĩa không bị vỡ, biết giặt quần áo bằng máy, đánh giày, rửa xe máy cho cậu mợ. Và đi học. Một người chú họ cách nhà không xa mấy, tự nguyện dạy nó học vào buổi trưa tại nhà mình. Trưa đến, khi đã cơm nước xong, làm xong mọi phần việc của mình, nó khép cửa mang sách vở đến nhà chú học. Chiều, lúc rỗi việc, nó tập viết, ôn bài, tập làm tính, một cách cần cù, chăm chỉ. Chẳng gì nó cũng đã sang tuổi mười sáu, tuy vẫn bé quắt, thấp lùn. Đôi mắt đã bớt đi vẻ ngơ ngác, nhưng nụ cười dấu ngã vẫn còn nguyên.

Rồi nó sang tuổi mười tám, tuổi trưởng thành, tuổi công dân. Người ta nghĩ đến tương lai cho nó. Nó đã biết đọc, biết viết, biết các phép tính cộng trừ nhân chia. Con gái tôi nghĩ đến việc xin cho nó đi bộ đội, mấy năm sau phục viên sẽ được học nghề. Cậu nó gạt đi, bây giờ đâu phải như thời động viên sau Tết Mậu Thân, hộ khẩu không có, khai sinh cũng không, hơn nữa, lùn tịt một mét rưỡi, già bốn mươi cân, ai người ta tuyển, ai cho đăng ký.

May sao một người bạn cậu nó thấy nó cần cù, chịu khó, lại biết rửa xe, liền giới thiệu cho một bà có nhà mặt phố đang muốn mở tiệm rửa xe. Nó vui vẻ đi làm, được nuôi ăn, công tháng bốn trăm nghìn, sáng sớm đi làm, tối, tùy hôm tám chín giờ về ngủ ở nhà cậu mợ, lúc ấy nó đã hai mươi tuổi.

Mấy tháng sau, nó về nhà, tuyên bố đã bỏ làm ở đấy, đến làm cho một bà khác mãi tận khu tập thể Đồng Xa, cũng vẫn rửa xe, ăn ngủ luôn ở đấy. Cậu nó hỏi:

- Cũng vẫn rửa xe, sao lại bỏ chỗ gần, làm chỗ xa?

Mắt nó vằn lên, có lẽ là lần đầu tiên:

- Bà ấy luôn văng tục với cháu.

Nó đã biết phẫn nộ khi bị xúc phạm, nó không còn là đứa trẻ ngô nghê luôn luôn cam chịu nữa. Cái bà ở khu tập thể Đồng Xa thường đến chơi nhà bạn cạnh đó chứng kiến cảnh nó cần cù chịu khó mà vẫn bị mắng mỏ xúc phạm, ái ngại, lúc không có khách rửa xe, kéo nó sang chơi, tỉ tê hỏi chuyện gia cảnh, rồi dỗ nó bỏ đấy xuống làm cho bà, nhà bà ở tầng một khu tập thể, có chỗ để mở rửa xe kiếm thêm, ngoài ra, nhà có máy khâu, bà hứa sẽ dạy thêm nó học may những lúc vắng khách, ăn ngủ ở đấy, công cao hơn, tháng năm trăm nghìn, tối nào muốn về, bà sẽ cho tiền đi xe buýt.

Nửa năm sau cậu nó cho tôi biết, ông bà ấy đều về hưu, ông trước dạy đại học, có hai con gái, cô lớn học đại học bên Đức, đã kết hôn với một người Đức và định cư ở đấy, vẫn muốn bố mẹ sang Đức sống. Nếu không vướng cô em trạc tuổi thằng Tòng, hơi dân dất, đã một lần bị dính với gã sở khanh, ông bà có lẽ đã sang Đức ở từ vài ba năm trước. Thương con, và chỉ sợ con gặp phải phường lừa đảo, nên bà thấy thằng Tòng tuy còi cọc xấu xí, nhưng chân thực, hiền lành, chịu khó bà có ý vun đắp, dạy nghề may cho nó, có thể làm chỗ dựa yên tâm cho đứa con gái không may của mình. Gả con cho một đứa thật thà, chịu khó như thằng Tòng, rồi cho vợ chồng nó căn hộ tầng một, mở cửa hàng may vá, rửa xe, làm ăn sinh sống, không sợ thằng Tòng bỏ rơi con gái bà, ông bà có thể yên tâm sang định cư bên Đức với vợ chồng con gái lớn.

Thằng Tòng mỗi lúc một chững chạc hơn, ngoài việc rửa xe, đã biết sửa chữa những hỏng hóc xe đơn giản, đã may được những đường may cơ bản, đã sắm giày da, đầu đã rẽ đường ngôi mượt bóng, đứng trên xe buýt đã có thể lầm lẫn với học sinh học nghề trung cấp hoặc cao đẳng.

Thời gian trôi đi, mọi việc đều suôn sẻ, thậm chí quá suôn sẻ. Hai ông bà bắt thằng Tòng đưa lên chủ động gặp cậu mợ nó, rồi sau đó đến gặp cả ông đại tá về hưu chú ruột mẹ nó chính thức thưa chuyện về ý đồ thành thật của họ. Cố nhiên, mọi người đều mừng rỡ hoan nghênh, cảm ơn ý định tốt đẹp của hai ông bà và đều cho số thằng Tòng có quý nhân phù trợ. Chẳng hiểu thằng Tòng nghĩ thế nào, đêm nằm đã bao giờ nghĩ đến đàn bà hay chưa, có thao thức không, hay vẫn đặt mình xuống là ngủ thiếp, gió mưa sấm sét cũng không hay, liền một mạch cho tới sáng, nhưng rõ ràng mặt mũi có vẻ rạng rỡ hơn, lấp ló những tia hy vọng. Cậu nó trêu nó:

- Sướng nhé, bỗng dưng có vợ, lại có nhà bạc tỉ. Biết đâu, ít năm sau, ông bà ấy lại chẳng thương tình đón nốt sang Đức, trở thành Việt kiều!

Nó cười, nụ cười ngơ ngác lệch một bên môi.

Gần Tết, nó gom tiền công mua chiếc xe Kawasaki cũ, một triệu rưỡi, vè vè đi đi về về.

Tết nó đèo vợ tương lai lên chúc Tết nhà cậu mợ, rồi đến chúc Tết cả tôi. Tôi ngớ người khi thấy một cô gái trẻ măng, trắng trẻo, xinh xắn, ngoan ngoãn theo nó bước vào. Tôi như trong mơ. Người như thế này mà lại bảo dân dất ư? Trong tôi bỗng trào lên một nỗi buồn vui lẫn lộn, mừng cho thằng Tòng mà lòng lại như bứt rứt mơ hồ về nỗi tạo hóa trớ trêu. Thằng Tòng hình như cũng đủ sức nhận ra có một điều gì khác lạ trên khuôn mặt tôi. Nó bảo tôi như để tôi thông cảm:

- Tính nó vẫn thế, chẳng biết nói năng gì cả.

Rồi quay sang nói với cô bé:

- Ông là bố của cô Nga.

Hai đứa ngồi chơi một lúc. Bỗng dưng tôi cũng trở thành ít nói. Chính thằng Tòng lại chủ động hỏi tôi về Tết nhất thế nào. Tôi trả lời qua loa, chẳng hỏi nó được câu gì. Rồi nó đứng lên, chúc Tết xã giao và giục bạn gái:

- Chào ông đi, rồi xin phép ông về.

Cô bé ngoan ngoãn, lí nhí chào tôi:

- Chào ông ạ.

Tôi đem chuyện đó kể lại với con gái tôi, không quên nói ra nhận xét của mình.

- Xinh gì mà xinh, con chả hiểu bố nhìn thế nào, mà chẳng qua nó dân dất nên nó mới như thế.

Tôi sẵng giọng:

- Dân dất thì tao chưa biết, nhưng xinh xắn, trắng trẻo thì tao không nhầm đâu.

Tôi hơi bực mình vì thấy con gái tôi như có chút thành kiến và đố kỵ, thành kiến với thằng Tòng, hay đố kỵ với con bé, tôi không biết, nhưng tôi tin chắc mình không nhầm trước những nét hồn nhiên mộc mạc, không son phấn kia.

Nhưng nỗi bứt rứt buồn vui lẫn lộn trong tôi cũng không lâu vì mọi việc hóa ra không suôn sẻ. Mẹ thằng Tòng nổi máu lên phản đối, chẳng gì mẹ nó cũng vốn là con gái một ông giám đốc, kiêm bí thư một nhà máy ở Nam Định, chẳng qua khi ông mất, đúng vào lúc kinh tế khó khăn đầu thập kỷ tám mươi, gia đình mới lâm vào cảnh túng bấn, mẹ nó mới sa vào cảnh đào đãi vàng rồi có con lang chạ ở đấy, chẳng gì chú ruột mẹ nó cũng một đại tá về hưu, hưởng lương cấp tướng, làm sao nó phải lấy một đứa con gái dân dất về làm vợ, cần cóc gì cái nhà. Hai ông bà kia muốn gặp để bàn chuyện tương lai của con cái, mẹ nó khăng khăng không tiếp. Không ai bảo được mẹ nó, kể cả ông chú ruột đại tá. Bà ấy đã không nghe có mà trời bảo, con gái tôi kể, một lần cãi nhau với một người đàn ông, mẹ nó cảnh cáo:

- Này, đừng có thách thức tao, tao chỉ coi nhà tù như một chốn ngủ trưa thôi nhé.

Tết năm sau, nó đến chơi nhà tôi bằng xe đạp và chỉ có một mình. Chiếc Kawasaki đã bán. Hỏi chuyện cô bạn gái trắng trẻo. Nó cười:

- Nó đá cháu rồi.

Một nụ cười dấu ngã tới mức điển hình. Hỏi tiếp, nó bảo:

- Bây giờ nó cặp với một tay bộ đội, có hộ tịch hộ khẩu hẳn hoi chứ không KT4 như cháu.

Và nó kể, nó đã thôi làm ở đấy, hiện đang học nghề may do sở lao động mở ở ngoại thành do chú nó, con ông đại tá xin cho theo một tiêu chuẩn ưu tiên gì đó, được nuôi ăn, và học xong sẽ được sắp xếp việc làm. Mẹ nó cũng xuống thuê nhà gần đấy mở một quán nước con con, bán cho học sinh học việc, cho mẹ con được gần nhau.

Từ đó, ít khi tôi gặp nó. Hỏi thăm, được biết đã học xong nghề và được vào làm cho một công ty may xuất khẩu nước ngoài, làm theo công đoạn, hưởng lương theo sản phẩm. Nói chung cuộc sống tạm ổn định.

Một hôm nó đến chơi, tôi hỏi chuyện làm ăn thu nhập. Nó bảo tháng nhiều, tháng ít, trung bình được triệu hai, triệu ba và được cơm trưa.

- Có vất vả lắm không?

- Cũng vất vả, có ngày phải làm tới mười hai tiếng.

- Làm thêm thì thêm tiền

chứ sao?

- Họ bắt phải làm thêm cho kịp, chứ nhiều người không muốn làm thêm. Kể cả làm thêm mới được triệu hai triệu ba.

- Chủ là Hàn Quốc hay Đài Loan?

- Không, Nhật.

- Họ tử tế không?

- Chúng nó chửi ghê lắm.

- Sao nó chửi?

- Đến chậm, không muốn làm thêm, làm hỏng, nó chửi.

- Nó biết tiếng Việt à?

- Không, phiên dịch dịch lại.

- Tòng có bị chửi bao giờ không?

- Nó chửi tùm lum tất cả, chứ chửi riêng ai đâu.

Rồi nó cười, vẫn cứ cười như thế.

Ít lâu sau, cậu nó khoe với tôi:

- Thằng Tòng thế mà số đào hoa ông ạ, mất cô nọ lại sắp có cô kia.

Rồi cậu nó kể: Chính cái ông nông dân ở Tây Tựu cho mẹ con nó thuê căn nhà mười lăm mét vuông lợp fibro ấy đã ngỏ ý gả đứa con gái lỡ thì hơn thằng Tòng ba tuổi cho nó và sẽ cho hai vợ chồng một sào đất trồng hoa. Tôi hỏi:

- Lần này, mẹ nó thế nào?

- Lần này, thôi không dở hơi nữa. Con trêu bà ấy: chồng công nhân, vợ nông dân, công nông liên minh đúng đường lối chính sách, còn gì bằng nữa, bà ấy toét miệng cười.

Tết năm ngoái nó đến chơi tôi, hỏi về chuyện cô gái trồng hoa Tây Tựu, bao giờ thì cưới, nó trả lời:

- Họ cũng lại đá cháu rồi.

- Sao thế?

- Không có hộ tịch hộ khẩu gốc, không ai chứng nhận cho đăng ký kết hôn.

- Thì cứ cưới rồi đăng ký sau cũng được chứ sao?

- Nhưng họ sợ.

Rồi nó cười, vẫn nụ cười dấu ngã, cam chịu, đợi chờ.

Tết năm nay không thấy nó đến chơi. Tôi bỗng cảm thấy buồn và nhớ nó.
- Download Mediafire

viewtopic.php?t=130014#p759400

- Xử án link Mediafire

viewtopic.php?t=130014#p764014
User avatar
vnguyencong
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,802,085
Posts: 7106
Joined: 26 Sep 2007
 
 

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 107 guests