Bức Tranh - Lê Tạ Bích Đào

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Bức Tranh - Lê Tạ Bích Đào

Postby vnguyencong » 10 Feb 2008

Bức Tranh

Truyện ngắn của Lê Tạ Bích Đào

Image

Minh họa Hoàng Tường


Người xưa, thì vẫn cố nhân
Mà ôi thôi đã phong trần cả hai…
(Vũ Hoàng Chương)


Hôm nay Chủ nhật, nghỉ, không lo dọn dẹp trong nhà thì làm gì? Nội trợ như mình đây quả là hạng bét. Khi cần tìm đến món gì cũng không thấy, phải đi mua cái mới, y như rằng, vài hôm sau cái cũ lại xuất hiện, như ảo thuật, như phép lạ. Dần dần thu thập lại, nhà có đến bốn năm cái bấm móng tay, chục cái lược, trong bếp thì dao lớn dao con cả tá, có thể mở một quán ăn nhỏ được.

Rồi, sách, sách… ôi đây là nguồn vui hay cái nợ của mình? Hôm nay ta hãy sắp lại theo thể loại, hay theo vần a, b, c...? Trước hết lau nền nhà sạch bóng, lùa hết sách xuống đất, lau các ngăn tủ cho sạch, lau sách, rồi mới xếp lên. Mình ngồi ngay giữa đống sách, vừa lật coi, vừa suy tính cách để sắp đặt. Là lúc thư giãn, cũng là những chuyến du hành trở lại dĩ vãng, cũng có khi là những thắng lợi nhỏ, bất ngờ: ép trong một cuốn, tìm thấy vài tấm hình cũ trước nay không kiếm ra, trong một cuốn khác có khi vài con tem, rồi lại một hai tờ bạc nhỏ…

Chen giữa mấy cuốn sách cũ ít đụng tới, tôi tìm thấy một phong bì bụi bặm, méo mó: phong bì lớn, đựng một món cồm cộm. Mở ra: một cuộn tranh. Liếc sơ, tôi biết nó là cái gì: bức Thanh Minh Thượng Hà đồ nổi tiếng của Trung Quốc. Nguyên bản của nó dài không biết mười mấy thước, được trưng bày ở viện Bảo tàng Quốc gia Trung Hoa ở Đài Bắc. Đây là bức in lại, thu nhỏ, ngắn chưa đầy gang tay, là chiều đứng của bức tranh, cũng bồi lên lụa màu nâu nhạt trang nhã như nguyên bản. Mở ra theo chiều ngang, nó dài chừng hai thước. Tôi cầm cuộn tranh trong tay, nhìn những vân trên lớp lụa bồi, nhìn sợi dây buộc, cuối cùng là cái chốt nhỏ bằng ngà. Làm sao tôi quên được? Bức tranh, những hồi ức yêu thương chung quanh nó, và người mua nó cho tôi. Anh.

Anh, bức tranh, những rung động đầu đời của tôi, tất cả đã từ lâu ngủ yên trong ngăn “lãng quên”, hay cố quên, của mình. Tôi đã âu yếm đặt hình ảnh anh vào ngăn đó, nhẹ tay đóng lại, quay mình đi, lăn xả vào đời, không nhắc tới, không nói tới, những tưởng quên anh, được sao?

Anh là anh họ tôi, dĩ nhiên chúng tôi không lấy được nhau. Dù cho lòng tôi có mến anh, yêu anh đến bao nhiêu, muốn lấy anh nào có được? (Nhưng tôi cứ muốn). Bây giờ nghĩ lại, thì ra, có thể, nhưng lúc đó mình không hẳn quyết tâm, chưa dùng dọa tự tử như thường nghe người ta nói chuyện. A, nhưng với gia phong nhà mình, mình có dọa chắc cũng chẳng thành công đâu.

Chúng tôi gặp nhau thường xuyên, vì dì Liên mẹ anh rất thân với mẹ tôi. Hai bà là hai chị em con chú bác, chị em họ, vậy chúng tôi là anh em con bạn dì, lại đã cách thêm một tầng. Ngày nay xét huyết thống, thì cũng khá xa, lại họ khác, chấp nhận được. Có trường hợp con chú con bác ruột còn dám lấy nhau, ngay ở nhiều nước, hai anh em ruột ăn ở với nhau, mặc cho xã hội, gia đình chê bai, đàm tiếu tội loạn luân. Và rất nhiều cặp, đã sống với nhau trọn đời, có lẽ vì họ đã cùng nhau sát vai chống lại cả tập đoàn gia tộc, làng nước, phong tục, lề thói. Nghe đâu mới đây bên Pháp đã nói đến dự luật bãi bỏ hoàn toàn chuyện ngăn cấm anh em ruột lấy nhau. Riêng mình, nghĩ, dù không cấm, nhưng huyết thống quá gần có thể gây vấn đề con cái tật bệnh khiếm khuyết bẩm sinh sau này, đã được khoa học chứng minh, thì phải nên nghiêm chỉnh xét đến.

Nhưng anh Tâm, với tôi, đáng ra… không hề gì. Vì sao không thể?

Hai anh em chúng tôi hay đi chơi chung. Tới đâu người ta cũng nhìn chúng tôi với cái nhìn thân thiện, hiểu biết. Có người còn chúc lành, có người khen đẹp đôi. Chúng tôi chỉ cười. Anh nói, cảm ơn bà, ông, nó chỉ là em gái tôi.

Tôi trừng mắt nhìn anh, nhưng phải theo cho tròn vai “em gái ngoan hiền”, không nên cãi lời người lớn, vậy, theo ý của chữ anh dùng, thì ra mình “chỉ là”… thôi!

Hai anh em hợp chuyện, hợp sở thích, dù vẫn cãi nhau dài dài.

Có hôm bàn đến chuyện lập gia đình, anh nói anh sẽ tìm lấy một cô giống em nhưng hiền hơn.

- Nhưng vì anh là anh của em, em mới bắt nạt, chứ là chồng thì em sẽ nhường.

Anh im lặng, hay anh không bằng lòng?

Một lúc thật lâu sau, anh nói, gần như bắt sang chuyện khác:

- Chừng nào anh biết tên nào muốn cưới em, anh sẽ mách cho hắn tất cả mánh khóe để “trị” em.

- Hứ, để rồi coi, còn phần anh, tại sao em có bao nhiêu con bạn đẹp, anh đều chê?

- Em có biết câu “Vẻ đẹp chỉ là ở lớp da ngoài” hay không? Không kể lớp da, thì ai cũng như nấy, vậy, những thứ khác mới quan trọng.

- Những thứ gì?

Anh gõ lên thái dương:

- Bên trong. Tựu trung giá trị con người là bên trong đầu cả. Trí lực, suy tư, cả tấm lòng, người thường nói ở tim, thật ra là ở đây cả.

- Nghĩa là anh sẽ chấm một cô thông minh, có tấm lòng nhân hậu, bên ngoài xấu hoắc cũng được phải không?

Bụng nghĩ: em đạt tiêu chuẩn của anh rồi! Nhưng không nói ra.

Tôi cười phá lên, tiếp: “Người ta thông thường nhắm vợ đẹp, còn anh đi tìm cho được cô thật xấu, thì rất dễ, sẽ không gặp phải cạnh tranh nào cả, không chừng còn có thể đa thê được, vì các cô xấu, ế, thì hàng đàn…”.

Anh thở dài:

- Khi nào anh cũng cãi thua em, vậy tiêu chuẩn mới của anh sẽ là tìm cô nào ít nói một chút.

Tôi cũng thở dài, biết anh thân với tôi nhưng hoàn toàn không chút tình ý nào khác.

Anh tốt nghiệp bác sĩ y khoa, đi tu nghiệp ở Đài Loan.

Tôi lại ghẹo anh: “Người ta tu nghiệp Mỹ, Pháp hay Đức, chứ ai lại tu nghiệp bên Tàu bao giờ… Bộ anh đi học kiểu bắt mạch buộc sợi chỉ vào cổ tay bệnh nhân hả?”.

- Anh học thêm về châm cứu.

- A, cũng hay, nhưng không được dính cô xẩm nhé, em lười lắm không chịu học nói tiếng Tàu đâu.

Anh nói:

- Cảm ơn em nhắc nhở gợi ý, không chừng anh sẽ tìm được cho em một cô chị dâu biết nấu ăn ngon, tham ăn như em rồi sẽ mập bằng bao gạo!

Tôi bên ngoài gượng cười gượng nói, mà lo vô cùng.

Trùng hợp làm sao, sở lại cử tôi đi công tác Đài Bắc hai tuần.

Anh bảo anh nghỉ một hôm, cho tôi đi chơi Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, muốn đi đâu cứ chọn. Trong mớ hình ảnh du lịch anh đưa, tôi chọn đi coi viện Bảo tàng.

Anh reo lên, anh biết ngay tôi sẽ chọn gì.

(Tâm ý tương thông, anh đoán đúng).

Một buổi sáng trời trong, hai anh em lang thang trong viện bảo tàng, vừa ngắm nhìn vừa trao đổi lung tung đủ thứ chuyện. Tôi mải mê ngắm những đồ ngọc chạm khắc tỉ mỉ, những đồng tiền cổ, những lọ, chóe, độc bình,... bụng nghĩ thầm, văn hóa văn học, văn minh Trung Quốc đều dồn cả vào đây. Phục ông Tưởng Giới Thạch thật. Võ biền là vậy, độc tài là vậy, nhưng khi thua trận bán xới phải bỏ lục địa mà thoát thân ra đảo Đài Loan làm căn cứ mới, cũng đã thành công khi gom góp được những trân phẩm như thế này, làm được một viện bảo tàng không thua nơi nào trên thế giới…

Đến nơi trưng bày tranh thì tôi đứng ì ra không chịu đi nữa, nói, thôi anh đi về đi, em ở lại đây luôn, ở lại họ sai quét nhà lau tủ kiếng cũng được. Bởi tôi mê quá! Nhìn quanh, tranh và tranh. Lại tranh và tranh. Lớn nhỏ ngắn dài. Loại treo đứng, loại treo ngang. Kích cỡ, từ nhỏ xíu xiu, tới hạng trung thường hay thấy, và cả những bức ngang, dài mấy chục thước. Loại này mỗi tuần họ chỉ trưng bày một đoạn, đầu bên cuộn thành hai cuộn lớn bằng cột nhà. Phần lớn trong tủ kính cả. Bức này (tôi lẩm nhẩm đọc, với dúm chữ Hán ít ỏi học được mới đây) Thanh minh thượng hà đồ, hôm nay họ trưng ra chỉ phần gần cuối, chỗ có một cây cầu đá cong, vài con thuyền lác đác. Chỉ chừng một thước vuông tranh, chỗ bày ra đó, mà tôi như nhìn thấy cả tràng giang, thấy giai nhân tài tử, thấy cả ngọn gió hiu hiu lướt trên ngọn những hàng lau, lay động những cánh buồm…

Anh đùa: “Thấy hai chữ “thanh minh”, chắc hẳn cô nghĩ tới đoạn Kiều đi chơi xuân, cô đang cố nhìn xem có tìm thấy Kim Trọng không đó hả?”.

Đúng, hai tâm hồn cùng hòa một nhịp, tôi cũng vừa mới nghĩ tới Kim, Kiều xong, lòng còn đang bồi hồi, so sánh: cảnh đây thoáng hơn nhiều, sông nước mênh mang, không chỉ một dòng nước nhỏ “nao nao” như câu thơ Kiều (Nao nao dòng nước uốn quanh, Kiều).

Tôi ngắm một lúc rồi còn ngoẹo đầu cố tìm coi hai bên chỗ cuộn lại ở trong họ vẽ những gì nữa.

Anh can:

“Coi chừng gãy cổ bây giờ, để chốc ra về mình ghé sạp bên ngoài, anh mua cho một bức in lại, thu nhỏ, về tha hồ ngắm”.

Tôi được ở bên anh trong gần ba tiếng đồng hồ, trao đổi với anh những câu chuyện nhẹ nhàng, bâng quơ, bây giờ không thể nào nhớ đã nói những gì. Chỉ biết tâm tình yên ổn, hạnh phúc tràn đầy.

Tôi bùi ngùi khi rời viện bảo tàng, biết rõ khó thể tìm cơ hội trở lại, và dẫu trở lại lần nữa, chắc sẽ chẳng có anh dẫn đi. Tâm trí ở tận đâu đâu, tôi suýt hụt chân gần va vào anh, nhưng gượng lại được. Trong phim ảnh tôi thường thấy những trường hợp như vậy, nàng hụt chân suýt ngã, chàng đưa tay đỡ, ôm lấy, rồi thì nên chuyện (hay gây chuyện). Chúng tôi thì không. Tưởng anh không nhìn tới mình, nhưng anh thấy tôi chới với suýt ngã, anh đã đưa tay ra. Tôi gượng lại đúng lúc, nhìn thấy bàn tay anh, nhưng không vươn tay ra nắm lấy, anh cũng rụt tay lại… Trước đây, chúng tôi vẫn thường xuyên đi chơi chỗ này chỗ kia cùng nhau, bao giờ cũng đi song song, như hai người bạn thực thụ, không bao giờ chạm tới vai hay tay nhau, càng không có vụ nắm tay hay bá vai giỡn hớt cợt nhả.

Tôi rưng rưng nước mắt, ngực nghe đau nhói, chưa xa mà đã nhớ. Tôi biết, hai ngày nữa, mình rời Đài Bắc, anh ở lại, tu nghiệp xong về sẽ lấy vợ.

Tôi nghe dì Liên với mẹ tôi bàn tán chuyện này đã mấy lần. Nghe đâu anh không quyết nhưng không chống. Nghe đâu chị là dược sĩ. Dạo đó trong dân gian có câu “Nhất Y nhì Dược”. Vậy là duyên thiên định, nếu chị mà giàu, lại đẹp nữa, thì… xong!

Y như tôi đã sợ và đã tưởng tượng, chị Hoàng Hoa gồm đủ cả những yếu tố tiêu chuẩn cao nhất mà một bà mẹ chồng tương lai có thể mong đợi: con nhà gia thế, giàu có, mặt mũi xinh đẹp, lại học hành đàng hoàng, chưa từng tai tiếng, và… nhất là (nghe hai bà bàn tán, tôi không nhịn được, phì cười) cái hông to, chắc chắn sẽ đẻ cho bà nhiều cháu!

Họ cưới nhau xong, chúng tôi còn gặp nhau vài lần, ngắn ngủi thù tạc xã giao, mỗi lần đâu chừng mươi phút. Tôi nhìn ngắm chị Hoàng Hoa trong hình cưới và người thật bằng da bằng thịt, cứ nhớ chuyện hai anh em mới cùng bàn bạc năm trước về chuyện vợ đẹp vợ xấu mà cười thầm, thật xa vạn dặm! Hay đó chỉ là câu chuyện đùa vui giữa hai anh em thôi? Anh có thật nghĩ như thế? Đằng nào cũng đã là định cuộc, tôi không bao giờ dám hỏi anh thêm về chuyện cũ, và cũng cố ý tránh mặt hai người. Một đôi khi tình cờ chạm mặt, tôi chỉ chào hỏi cho phải phép, với lại hình như anh chọn đúng, chị có vẻ là người ít nói.

Thế rồi, hai người đi Pháp (gia đình chị là dân Tây).

Đã hơn ba mươi năm qua, tôi đã sống nhiều nơi, dọn nhà hằng mấy chục lần, vứt bỏ nhiều thứ, áo quần của cải, kỷ vật… nhưng bức Thanh minh thượng hà đồ thu nhỏ này vẫn luôn được gói ghém mang theo. Tôi cất nó ở tủ sách, để hoài niệm những ký ức trong sáng, chứ không chắt chiu cất trong tủ áo, hay ngăn bàn phấn, ngụ ý tình riêng (dẫu có cũng không thể kể).

Không hề nghe tin tức hai người, cho tới ngày anh gọi điện thoại cho tôi.

Không thể ngờ.

Anh không như nhiều người, gọi điện thoại đường dài còn hay “đố biết ai đây không?”, cả mấy chục năm không nghe giọng nói, ai mà biết, làm mất thì giờ vô ích, rồi đoán không đúng sẽ giận.

Nghe tiếng anh, tôi lập tức trở lại tuổi hai mươi, giọng anh ấm dịu, tôi choáng ngợp, tôi thấy không cần thiết phải hỏi anh làm sao mà có số điện thoại của tôi, vì sao lâu nay không gọi?

Anh vào đề ngay với giọng nói nhẹ nhàng, vẫn kiểu nói êm êm như ngày nào: “Anh Tâm đây,…”.

Rồi anh tự nhiên thoải mái đi vào câu chuyện, quen thuộc như mới không gặp nhau chừng mấy bữa. Anh hỏi dạo này em còn mê sách mê tranh không, vẫn hay đi xem triển lãm tranh, đi viện bảo tàng chứ? À quên chưa hỏi, rồi em có lấy được chàng Đoàn Dự không? (Có một chiều mưa năm xưa, không đi chơi đâu được, hai anh em ngồi đánh cờ, vừa chuyện vãn lung tung, anh hỏi người lý tưởng của em thế nào?

Dạo đó tôi vừa “tu luyện” xong mấy bộ Kim Dung, bèn láu táu trả lời: “Lệnh Hồ Xung. Nhưng dẫu nếu gặp được cũng sẽ không lấy y”.

Vì sao? Có hào sảng, có uy vũ, nhưng anh hùng quá, thấy việc gì cũng can thiệp thì sẽ không đủ thì giờ lo cho gia đình. Phải lấy một người yêu mình hết lòng, mới được. Toàn tâm toàn ý, lúc nào cũng nghĩ đến mình, lo cho mình.

Anh cười hỏi: luôn luôn, tứ thời bát tiết? Tôi đáp, đúng, tứ thời bát tiết, cả xuân hạ thu đông. Như ai? Triệu Tiền Tôn. Anh không nhớ người này, tôi phải nhắc cho anh đây là nhân vật hạng ba hạng tư, không có gì đặc biệt trừ một điểm là suốt đời chung tình với cô sư muội, nay đã lấy người khác (Đàm công, Đàm bà, truyện Lục Mạch Thần Kiếm/ Thiên Long Bát Bộ), nhưng đối với ông, bao giờ cô cũng vẫn là nàng Tiểu Quyên ông suốt đời yêu nhớ.

Anh nói: “Nhưng ông ta không đẹp trai. Đã tính cách như vậy, thì chọn Đoàn Dự hơn, đẹp trai hơn, gia thế hơn, và cũng chung tình”. Tôi đồng ý, nói cũng được, nhưng bụng nghĩ, Vương Ngữ Yên đẹp như thiên nga mới lấy được Đoàn Dự, còn mình là vịt đẹt, phải nhìn thấp hơn chứ, nhưng không nói ra, ngại anh chê mình “mặc cảm”, thật ra tôi không mặc cảm, tôi biết rõ những ưu điểm của mình, cũng có khi rất kiêu, nhưng không bao giờ nói ra.

Anh phê bình, con gái gớm thật, yêu một người nhưng lại chực đi lấy người khác, chỉ tính toàn lợi thôi. Tôi dẩu mỏ nói đàn ông cũng chẳng khác. Anh đã không cãi thêm, chỉ chìm vào suy tư).

***


Anh kể: Anh cùng chị Hoàng Hoa chỉ có một con gái, đã là một thất vọng lớn đối với dì Liên, lại thêm, sau khi qua Pháp được ít lâu hai người ly dị, chị giành được giữ con. Tôi hỏi vậy anh có cô đầm nào không. Không. Vẫn ở một mình hơn hai mươi lăm năm nay. Anh không thở dài nhưng lòng tôi như vẫn nghe có tiếng thở dài. Hình như ở cả hai đầu dây?

Anh hỏi: Tại sao em mai danh ẩn tích? Anh qua Mỹ mấy lần không tìm ra em. Anh đăng báo, cũng không nghe chút tăm hơi. Anh nhờ bạn hỏi thì không ai quen biết, người ta nói có thể em lập gia đình ở Mỹ rồi đổi theo họ chồng, hay có tên Mỹ, thật không biết đâu mà lần. Mấy tháng trước anh nằm bệnh viện, may gặp một bác sĩ người gốc Việt, anh ta hỏi anh có ao ước gì, anh ta sẽ hết sức giúp. Rồi, nhờ vậy, nay mới tìm ra em.

Tai tôi chỉ nghe hai chữ “bệnh viện”. Tôi không dám hỏi bệnh nặng nhẹ ra sao. Tin chắc rồi anh sẽ nói nếu anh muốn cho tôi biết.

- Em thì sao?

Tôi loanh quanh nói, làm ăn tất bật, thở không ra hơi. Lại thao thao nói, sáng đi mấy giờ chiều về mấy giờ, tối lại làm những gì, cuối tuần loay quay hết công tác cứu trợ, lại từ thiện, rồi đi chăm sóc người già, đi giúp cho viện cô nhi, đi đó đi đây v.v…

Anh im lặng nghe, không ngắt lời, cũng không ừ hữ.

Tôi nói huyên thiên chừng mười phút, thấy lạ, hỏi anh còn ở đầu dây không?

Anh nói: “Còn, anh biết em bận rộn lắm rồi, chỉ cần biết em có được hạnh phúc hay không thôi. Có được “tứ thời bát tiết, xuân hạ thu đông” hay không?

Tôi giật thót mình, thì ra những gì mình nói với anh cả ba chục năm trước, anh vẫn còn ghi nhớ, vậy mà… Tôi nghĩ đến hôm đó, tôi đã nói nếu anh là chồng thì tôi không bắt nạt anh, sẽ nhường nhịn anh. Tôi nhớ khi nói, tôi run giọng, vì đó là lời tỏ tình mà ở thời điểm ấy, có người con gái nào dám bộc lộ tâm tình trước? Tôi nhớ, lúc đó đã cảm thấy nóng ran cả người, vì ngượng, vì sợ. Tôi nhớ, anh im lặng rất lâu, rồi nói đùa lảng ra chuyện khác. Vậy là anh hiểu, và đã có quyết định. Năm xưa anh đã không có tình ý, thì nay còn hỏi han tới làm gì nữa? Quá muộn.

Tôi hiểu, nếu anh biết rõ, sẽ rất buồn, nhưng nghĩ tới đó tôi nổi giận đùng đùng, mặc kệ anh. Đã muốn biết, thì cho biết. Tôi sẽ nói: “Hắn họ Nhạc”. Thì dĩ nhiên anh sẽ hiểu. Để cho anh phải buồn. Cho đáng kiếp. Tại anh cả.

Trong đầu tôi suy nghĩ chớp nhoáng, đủ chiều. Cần cho anh biết sự thật hay không? Mình có thực sự muốn anh hiểu, thiếu anh đời mình thảm tới đâu không? Hay nói mình hạnh phúc vô biên, chồng con hầu hạ, sướng hơn công chúa? Để anh thèm thuồng, ganh tức, hay tiếc nuối? Mới bõ tức, bõ những ngày đau khổ, nhớ nhung? Để anh hiểu anh không được hạnh phúc đó hoàn toàn là lỗi tại anh?

Tôi không biết sắp xếp mớ tư tưởng rối như bòng bong để trả lời anh thế nào cho thích đáng.

Nghe dường như đầu dây bên kia tiếng anh thở dài rất nhẹ. Lần này, anh thở dài thật.

Hai người im lặng ở hai đầu dây một lúc.

Sau cùng anh run giọng nói: “Anh xin lỗi… anh có lỗi với em nhiều lắm”.

Rồi thêm: “Sai một li đi một dặm, em nhỉ?”.

Tôi giận anh quá, hai mươi lăm năm qua anh thui thủi một mình, tôi cũng không hơn. Vậy hai người gộp lại là năm mươi năm cô độc, buồn sầu, nửa cuộc nhân sinh!

Run cả người, bàn tay cầm ống nghe điện thoại nóng ran, rồi lạnh, mồ hôi tươm ra. Tôi thầm trách anh, chúng ta đến cơ sự này là lỗi tại anh cả. Ai bảo không chịu lấy em? Nếu hôm đó anh chịu, thì hôm nay cả hai chúng ta cũng không đến nỗi này. Vì đâu? Vì ai? Tiền, địa vị, danh giá, gia thế, sắc đẹp đã làm anh mê mờ tâm trí, làm một quyết định sai lầm hại đến hai cuộc đời. Đây là lúc mình trả thù.

Tôi lẩm nhẩm, định nói: “Nếu anh lấy em thì nay tất cả đã khác xa, em đã có hạnh phúc, và anh cũng đã hạnh phúc, và nhất định em đã yêu anh, đã chịu nhường anh, như em đã hứa. Và đời chúng ta sẽ có những nụ cười, “tứ thời bát tiết, xuân hạ thu đông”. Coi đây, anh chạy theo bóng sắc, tiền tài, thế lực, làm đời anh dang dở, rồi em không có anh, em chới với, em cũng phải có một người. Trời ơi, chọn lựa của em cũng sai lầm ngang với chọn lựa của anh. Lỗi do anh, mà em tả tơi như hôm nay. Em bắt đền anh. Anh làm sao thì làm, phải đền em, đền lại em thanh xuân, đền lại em lòng tin yêu vào cuộc sống, đền lại cho em sức khỏe hao mòn, đền bù những đêm khóc sưng mắt, những cực nhục chịu đựng tưởng vượt quá sức một con người, phải bù cho em những lằn nhăn trên trán không kem phấn nào tẩy xóa nổi, bù cho em tâm hồn rách nát…”.

Tôi biết, anh đã nghĩ thấu. Anh đã hiểu, và anh đã hiểu tất cả đã quá muộn màng vô phương cứu vãn. Tôi hiểu, trách móc anh cũng không kéo được lại, cũng không vá được hai mảnh đời tả tơi của hai người. Anh xin lỗi, nghĩa là chịu chấp nhận không thể còn làm gì hơn được.

Nghĩa là,… bệnh tình anh chắc khá nặng? Nếu một mai anh không còn, thì hôm nay mình trách móc anh để làm gì?

Vậy, mình nên nói sao đây?

Nước mắt tuôn thành dòng, đứt nối. Tôi kéo chéo áo, thấm sạch nước mắt, làm bộ ho hắng, để giọng nói không sũng ướt nước mắt, anh sẽ nghe ra.

Tôi nghe tôi nói, giọng lạ hoắc, tưởng như nghe người nào khác nói:

- Đời em, thì khá tầm thường, anh ạ. Lấy chồng, đẻ con, nuôi chúng lớn, học xong chúng nó lập gia đình, có con, mang lại bắt em giữ. Lâu lâu cằn nhằn bọn chúng vài câu, để nhớ lại uy quyền làm mẹ hồi bọn chúng nó còn nhỏ. Ông xã cũng hiền. Bọn chúng em an phận thủ thường, chẳng có gì xuất sắc, nhưng cũng có thể nói được sức khỏe, đời không sóng gió.

Tôi cẩn thận nói chậm rãi, không quá nhấn mạnh chữ này chữ kia, càng làm bộ vui vẻ quá đáng thì càng ra vẻ giả tạo, cố gắng…

- Anh rất mừng. Nghĩ cho cùng, hạnh phúc đơn sơ là phần số quý hiếm nhất không phải ai cũng có được. Ít ra hai người mình, cũng được một…

Tôi dường như nghe tiếng anh thở ra nhẹ, lần này, phải chăng nhẹ nhõm, thanh thản, hài lòng?

Tôi nghĩ thầm, em có “được” đâu hở anh? Xưa nay em chưa từng dối anh, nhưng hôm nay, cần phải thế. Em trách móc anh, để anh nuối tiếc, thì cả hai đều khổ, đang khổ lại càng cay đắng, tiếc nuối thêm. Nghe phần em yên ổn, có lẽ hơn.

***


Ít lâu sau đó tôi nghe tin anh mất.

Hôm nay giở xem lại bức tranh, bên mép đã hơi sờn, màu lụa bồi có bạc đi, nhưng bên trong hầu như không hư hao gì.

Như lòng tôi nhớ về anh.
Thôi thì thôi nhé tri âm,
Lỡ thanh xuân ấy còn tâm sự này
(Vũ Hoàng Chương)…
- Download Mediafire

viewtopic.php?t=130014#p759400

- Xử án link Mediafire

viewtopic.php?t=130014#p764014
User avatar
vnguyencong
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,801,991
Posts: 7105
Joined: 26 Sep 2007
 
 

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 98 guests