Cái Lông Nhím - Lê Tạ Bích Đào

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Cái Lông Nhím - Lê Tạ Bích Đào

Postby vnguyencong » 29 Nov 2007

Cái Lông Nhím

Truyện ngắn của Lê Tạ Bích Đào

Image

Minh họa Hoàng Tường


Trên báo chiều hôm nay đọc thấy mẩu tin vụn: “Con chó giữ nhà tròn nhiệm vụ, suýt chết vì bị hơn trăm cái lông nhím cắm vào, phải phẫu thuật mấy tiếng đồng hồ, may mắn qua khỏi, đang hồi phục, tĩnh dưỡng…” kèm theo tấm hình con chó, chẳng thấy mặt mũi ở đâu, vì bị lông nhím ghim vào, lởm chởm nom như trái chôm chôm.

Thì ra, ở một trang trại gần bìa rừng, một con nhím không hiểu đi kiếm ăn vì sao lạc vào sân sau nhà nọ, bị chó tấn công, nó cố chạy để thoát, mà con chó quyết không tha. Nhím cố gắng chạy đến được một bụi cây dày ken thì ép xuôi lông, chui lọt vào, vậy mà con chó cố len vào theo cho bằng được. Chó ngoạm được đuôi, rồi chân sau của nhím, ngoạm đến đâu thì lông lại ghim thêm đến đó, chó nhịn đau không bỏ, những cái lông nhím cứng, cái thì gãy lìa, cái thì ghim sâu vào hàm dưới, bốn năm cái chọc bên mép tai, mấy chiếc đâm xuyên qua mũi, sát tận mí mắt, vậy mà may không bị mù.

Nhím ta thường chỉ nhờ bộ lông, xù ra thành như trái cầu gai cứng tua tủa, mà tự vệ thụ động (chờ con kia chán, bỏ đi) chẳng có cách nào khác, mà nếu khi quyết định bỏ chạy, thì cũng không chạy được nhanh, không thể cắn lại, cũng không hề có khả năng “bắn” lông ra như người ta bắn tên (phải chi bắn được như thế!).

Thường thường khi nhím xù lông cứng ra, nhiều con thú khác đã bỏ qua, đi tìm mồi khác dễ tấn công hơn. Ai dè đâu hôm nay, kỳ phùng địch thủ, con chó nhất định chịu đau để bắt cho được nhím, cho nên nhím ta bị không biết bao nhiêu là vết răng chó cắn, đau đớn tận cùng, mớ lông cứng thì gãy hết, kẹt ở đầu, mõm con chó.

Thấy thương cho con chó và cả con nhím. Phần con chó, tuy đau đớn, nhưng đã được săn sóc tận tình và chắc rồi sẽ được chủ cưng chiều hết mực. Tôi tự hỏi ông Trời sao cắc cớ tạo chi ra con nhím chậm chạp và lại bắt nó phải hy sinh nhiều đến thế. Như con mực hay con chồn hôi có phải tiện hơn không, chỉ mất một chút nước đen, hay hơi thối, chắc cơ thể bào chế lại mau chóng, cũng thoát được thân.

Lại tự hỏi không biết con nhím đã bị mất hết mớ lông cứng, bị chó cắn thương tích khắp mình, chắc đau đớn lắm, có thể sống sót chăng, nếu có, chừng nào mới phục hồi, mọc lại được một mớ lông khác, cứng đủ để tự vệ cho lần sau? Nhớ năm xưa trong giờ học vạn vật, phải vẽ hình con nhím, mình vẽ một con xù lông tứ phía tròn xoe như một trái cầu, mà không vẽ cái đuôi, hồi đó đâu biết nó có đuôi, nay mới biết nhím cũng loài gặm nhấm, có bà con với họ nhà chuột.

Và, không phải nhím chỉ có tua tủa một thứ lông cứng như ta thường nghĩ, nhím cũng có lông thường như những con thú khác, ngoài ra có thêm một số lông đặc biệt cứng, thường cũng xếp xuôi về phía sau, khi bị tấn công hoặc cần tự vệ thì xù ra tua tủa, là cách thụ động hữu hiệu duy nhất. Có nhím ở rừng, làm hang, lại có nhím ở cả trên cây. Nhím ăn gì nhỉ, chỉ rễ cây, có khi vỏ cây, trái cây... ơ... chỉ ăn chay thôi, tẩm bổ thế nào cho mau mọc lại được ngần ấy lông, rất cần chất đạm?

Lại lan man nghĩ, không biết ở chỗ thú y, họ rút hết lông nhím ra, chắc đem bỏ thùng rác hết rồi. Nhớ năm xưa, mình thèm có được một cái lông nhím, mà đến nay, năm mươi năm sau, vẫn chưa có được.

Tưởng nay già rồi mới lẩm cẩm, chứ ai ngờ năm xưa cũng đã lẩm cẩm, đứa con gái mới mười hai tuổi, muốn cái lông nhím để làm việc gì?

Ờ, một cái lông nhím, dùng được vào việc gì? Tại sao sách nói lông cứng đó chỉ dài chừng bảy tám centimét thôi? Mình nhớ cái lông nhím đặc biệt (dùng để cài búi tóc) của cô dài thật dài, hơn cả gang tay mình hồi đó...

Năm xưa ấy…

Mẹ nói, nghỉ hè không lo đi học thêm môn gì đi, ở nhà cả ngày chỉ ôm mấy cuốn tiểu thuyết, đọc cho nhiều rồi sẽ bị cận thị…

May mắn thay, lớp hè ngay cạnh nhà cô tôi.

Là chị chồng, nhưng cô đối với mẹ tôi chẳng khác với em gái ruột, nên hai nhà thân thiết với nhau lắm. Cô nổi tiếng khéo đủ thứ nữ công nữ nghệ, cho nên mẹ tôi rất vui lòng thấy sáng sáng tôi cắp sách đi học chữ, ghé ăn trưa ở nhà cô, rồi buổi chiều được ở lại phụ giúp cô, may ra học lóm được món bánh mứt nào chăng.

Riêng tôi, đi thì đi, nhưng không thấy hào hứng, vì cô trước nay vẫn có tiếng là rất khó tính. Tôi làu bàu, chắc mẹ mượn tay cô để “trị” mình chăng?

Tới trước cửa ngoài, nhìn vào thấy cô, chào cô xong là tôi nhảy ngay qua ngạch cửa, để vào nhà.

Cô ngồi ở sập, bảo tôi đi trở ra, làm lại.

“Cháu làm như mới vừa tới, giở nón ra trước (cho người ta thấy mặt là ai), chào lần nữa, rồi hãy cầm nón cùng với tay ôm cặp sách, tay kia vịn hờ vào khung cửa, thong thả bước qua ngạch cửa, mà vào nhà, không nhảy”.

Tôi “Dạ!”, nghĩ bụng, khóa hè, lớp “công dung ngôn hạnh”, bài thứ nhất, bắt đầu!

Dù cho cô bắt ne bắt nẹt tới đâu tôi cũng không thể giận cô được, vì cô luôn để dành bao nhiêu của ngon vật lạ cho tôi ăn thử, mà, món nào cũng thế, nếm thử xong, thì sẽ có bài học thực tập sau đó.

Nhưng chưa đâu, chẳng khác nhập môn Thiếu Lâm, trước khi học võ, phải quét sân chùa, hay bước chân vào làm nhà hàng ăn, trước tiên phải học rửa chén đã, học nghề ở nhà cô, bước đầu tiên phải học là rửa tay. Tôi vừa rửa theo cách cô chỉ, thầm nghĩ sao cô khinh nhà mình vậy, nhà ai mà không rửa tay?

A, có khác, trước khi rửa tay phải rửa cái thau đã, lại phải rửa vành thau, trong và ngoài. Vì sao? Sau khi rửa, tay đã sạch, bưng thau đi cất, mà bên ngoài vành thau dơ… à, ra thế. Nghĩ bụng, tại thau nhà cô dơ mới phải rửa, chứ ở nhà mình bao giờ nó cũng tự nhiên sạch rồi, cần gì rửa. Mà quên! Cái chậu thau nó có tự nhiên sạch được đâu, ở nhà mình có người rửa thau trước, cho nước vào rồi mới đem lên cho mình rửa, hèn gì. Thôi kệ, “giả dại qua ải”, học làm mứt bánh về ăn cũng sướng.

Cô dạy rửa chén, rửa ly tách, kỳ cọ bộ bình trà... Ở nhà là tôi không bao giờ được phép đụng tới những chén hay đồ trà quý, rất có khả năng đập bể hay làm sứt mẻ, vì tính lanh chanh (“như dưa hành không muối”, lời cô. Hè này tôi học được bao nhiêu là văn thơ, ca dao tục ngữ từ cô. Cô là cả kho văn chương bình dân cũng như bác học, chưa thấy ai “xuất khẩu thành chương” như cô).

Cô nói: “Cầm lấy cái bàn chải, thế này… không cho luôn cả bàn tay vào, lỡ kẹt dính luôn ở trong, phải đập bình trà lấy tay ra…”.

Miệng lại “Dạ!”, nhưng cãi thầm trong bụng, nếu miệng bình quá nhỏ thì tay có lọt vào được đâu mà kẹt... mà nếu đã lỡ kẹt thì đập để lấy tay ra, chứ bộ tay kẹt trong bình thì cái tay không dùng được, cái bình cũng đâu dùng được... rồi, cô sẽ đau lòng… tiếc cái bình… nhưng, hơi đâu lo tào lao, nếu đủ lớn để tay lọt vào, thì tự nhiên cũng sẽ lấy tay ra được…

Rồi, qua môn làm bánh. Trước tiên, phải, dùng kéo, dao, cắt rọc giấy bóng kiếng, cho vào ngăn, hộp sạch sẽ. Sau đó tập gói những bánh cô đã làm sẵn. Cô nói: “Không gấp gáp đi đâu cả, “dục tốc bất đạt”... không ai thúc hối, gói cho nhanh cho nhiều, bẻ góc không đều…”. Tôi ngắm những bánh cô gói, đều tăm tắp, như chạy trong máy ra… Bánh in, bánh bó… gói, gói nữa. “Bẻ góc, ngón tay út đẩy thế này, là giấy gập ngay lại…”. Lấy cây tăm dựng sẵn trong cốc nhỏ có nước, chấm lên góc mép giấy, là “dán” lại. Xong!

Cô hỏi: “Cháu gấp đi đâu?”.

“Thưa cô, cháu không gấp đi đâu cả”.

“Sao ngồi không yên?”.

Thì ra hai chân chán, ngọ ngoạy dưới gầm bàn, tưởng cô không nhìn thấy.

Hôm nay được chính thức thò tay vào bột bánh! Cũng đồng nghĩa với “đã qua được đợt nhập môn”. Dĩ nhiên, trước hết phải rửa tay đã!

“Tóc cháu bím lại, tốt. Nhớ, không khi nào làm bếp mà xõa tóc”.

“Thưa cô, cháu không có chí (chấy)”. Bụng nghĩ, chí rớt vào, ai vô phước ăn lỡ cái bánh đó… ghê! Bật cười.

“Không phải, con gái tóc xõa đẹp lắm, không sao, nhưng khi làm việc, thì tốt hơn phải gọn ghẽ, không phải bận tâm tới việc sợi tóc vướng ở lá rau, tưởng tượng, tô canh rau muống nhìn xanh mướt đẹp đẽ mà gắp lên có thêm sợi tóc thì còn gì ngon miệng nữa? Những trường hợp nghiêm trọng hơn, như thổi lửa, tóc bén lửa thì sao?”.

Tôi nhìn cô, bộ tóc cô thật đen, mượt, lúc nào cũng vuốt ra sau, búi gọn, cài một que ngang, màu đen và trắng. Tôi hỏi, cô nói đó là cái lông nhím. Chiều hôm đó, xong bài tập, cô tháo búi tóc, tôi mới được tận mắt nhìn thấy cái lông nhím. Mượt, bóng. “Lông con nhím thật sao thưa cô?”. Chắc chẳng ai tới gần con nhím để vặt được của nó một chiếc lông. Vậy cũng có một lúc nào đó, ai tấn công nó, túm nó, hay chụp lưới bắt được nó, rồi nhổ được cái lông này đây, hay vài chiếc, hay cả chùm? Nó có thoát thân chăng? Người, hay con thú nào, tấn công con nhím? Người có bắt nhím không, có ăn thịt nhím không? Chưa được nghe ai nói thịt nhím ngon hay không…

Đẹp quá. Nó nhỏ thanh hơn chiếc đũa, dài chừng hai tấc, một đầu nhọn hoắt, a cái đầu để ghim vào đối thủ đây. Một đoạn đen, một đoạn trắng. Thích quá. Bóng ngời, sờ mát tay như những đồ sừng hay ngà. Hình như không ai ăn thịt chồn (chắc thịt nó không ngon), nhưng người ta giết nó để lấy bộ lông, làm áo lông. Bên Nga người ta còn dựng những trại nuôi kỹ nghệ để sản xuất chồn lấy lông nữa. Nhím thì không. Thú hoang, năm thì mười họa ai đó mới gặp một con. Mình chẳng bước chân vào đến rừng, đừng hòng hy vọng trông thấy một con nhím, đừng mơ tới chuyện bắt được nó, để “xin” nhổ một cái lông. Mà e khi gặp rồi, nó đứng lại đó xù lông ra tứ phía thì... có lẽ hai bên cũng chỉ biết đứng nhìn nhau thôi, mình cũng chẳng làm gì được. Thôi, khỏe nhất, dễ nhất, là xin cô.

- Nhưng cô cần giữ nó để cài búi tóc.

- Cô chuốt chiếc đũa cũng cài búi tóc được mà.

- Cháu cần lông nhím để làm gì?

Tôi chịu, không có lý do để nêu ra cái “cần thiết” của mình nặng hơn, quan trọng hơn việc giữ cho búi tóc rất lớn rất nặng của cô khỏi xõa xuống.

- Thôi được rồi, mai mốt cô gặp người cho cô cái lông nhím này, hỏi họ có nữa sẽ xin cho cháu một cái.

Tôi tạm yên lòng chờ tới phiên mình cũng sẽ được một cái lông nhím đen trắng trơn bóng sờ mát tay như cái này. Ờ, nhưng rồi khi có nó mình đâu có thể cài lên đầu được, mình có búi tóc đâu.

Trong khi chờ đợi, lại vẫn ngày ngày thực tập.

Hôm nay học bẻ khuôn bánh su sê (phu thê). Đâu cái tăm của cháu đâu? Lại cái tăm, cô phát cho một cái tăm, bảo đánh dấu ở một chỗ, rồi dùng đó làm “ni”, cứ đo đến đó thì bẻ lá dừa, bẻ bốn lần khoảng cách bằng nhau, thì thành khuôn, còn gọi là “hộc” đựng bánh... Tôi cãi, bẻ ba lần thì đã có bốn phía rồi, cần chi bẻ bốn lần. Cô nói, đâu cháu thử mà coi? Nhăn mặt nhăn mũi, nhíu mắt nhíu mày, bẻ, bẻ…

À, thì ra bẻ ba lần có bốn phía thật, chỉ giáp mí nhưng không kín, phải bẻ bốn lần, ra năm mặt, rồi mới ép hai mặt vào một, cài cái que nhỏ xíu giữ lại, mới thành khuôn được. Mà cái tăm mình tưởng không cần, vứt đi đâu, cứ nhắm chừng bẻ đại, làm xong... ra cạnh ngắn cạnh dài, đóng lại thành cái khuôn hình chữ nhật, làm cô cũng không nhịn được cười, nói, đây là lần đầu tiên cô thấy cái bánh su sê hình lạ mắt, biết đâu rồi đây cháu sẽ khởi phát kiểu mới, làm khuôn bánh su sê hình tam giác, lục giác, bát giác không chừng…

Cô giải thích tên bánh, gọi thế nào, su sê, xu xê, cũng đều được, nhưng phải biết nguyên gốc, và nghĩa, là “phu thê” mới đúng. Nhân chuyện phu thê, thấy cô thở dài nhè nhẹ, tôi tò mò hỏi, cô nói, thân làm đàn bà thật khổ có chồng cũng khổ không có cũng khổ cách khác. Tôi nói chắc không khổ đâu vì nếu khổ sao hầu hết ai cũng lấy chồng, ít nhất một lần, cô cũng có dượng đó? Bên Tây phương một người lần lượt lấy người này đến người khác, chắc hẳn có “vui”, hay “lợi”, mới lấy chứ?

Cô hỏi, cháu có biết thơ TTKh. hay Nguyễn Bính không? Dạ cháu có biết lõm bõm, những bài nổi tiếng như Hai sắc hoa Ti-gôn (một mùa thu trước mỗi hoàng hôn…). Lỡ bước sang ngang (em ơi em ở lại nhà…) thì thuộc làu… vì nghe mạ cháu hay đọc… khi ru em…

Cô hỏi, vậy cháu có thấy thương cảm khi đọc thơ không, hay thuộc như cháo, đọc như vẹt, rồi thôi? Cháu có thấy, như chuyện tình hoa ti-gôn đó, ai khổ nhất?

- Dạ, cô gái. Cái anh kia thì đi mất, không chừng đã có nhiều mối tình khác nữa.

- Đúng, thương cô gái, đã đành, nhưng cháu có thấy thương cho người chồng không?

- Dạ không. Ai bảo ông ta lấy cô gái, ông ta là người gây ra những buồn sầu cho cô ấy.

- Cũng chưa chắc. Ông ta là người thiệt thòi nhất. Những tưởng sẽ có một bạn đời, nhưng rốt lại ông ta chỉ có một hình bóng, người vợ suốt đời mong nhớ một bóng hình khác, chắc trong nhà không mấy khi có được tiếng cười. Nếu cô là ông ấy, chắc chịu không nổi.

- Cháu là ông ấy, thì hỏi cho ra chuyện, rồi cho cô ta đi tìm anh chàng nọ.

Nghĩ bụng, mình không thích làm ông chồng trong tình huống này, nhưng làm đàn ông thì khỏi phải học làm bánh...

Cô lẩm nhẩm: “Thân này ví đổi làm trai được…”.

Tôi la lên: A, trời, cô có chí lớn, muốn làm đàn ông để “xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài an”, hay sao? (Dạo này tôi bắt chước theo cô, nói câu nào có tích có tuồng, cũng chêm vào, nhiều khi không đúng chỗ)

- Sao cháu nói thế?

Dạ vì câu kế là: “Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?”.

- “Sự nghiệp anh hùng” theo người ta thường nghĩ, phải là “an bang định quốc”, rồi mới “kinh bang tế thế”, cô cháu mình không làm được đâu. Còn nhỏ, lo việc nhỏ trước, việc lớn, để sau... Đang học làm bánh, thì cứ lo bánh đã, coi cái khuôn cho vuông vức, cũng còn chưa xong kia kìa... Việc nhỏ mình làm, mà làm hoàn hảo, thì vẫn hơn việc lớn, làm không xong, hay làm lạo thảo cho qua.

Bụng thầm nghĩ: Cháu thì chắc chắn không tính tới “việc lớn”, vừa nhát gan lại vừa mít ướt, không thể làm việc lớn nổi. Việc nhỏ, như làm bánh, cũng còn không muốn.

Đóng bánh đậu xanh ướt vào khuôn (quá khó, bột bánh mịn, hơi dẻo), lơ đãng một chút là bánh không vuông góc, khi thì nghiêng nghiêng, khi thì các góc cạnh không được “sắc sảo”. Lại cãi cô, gói giấy bóng kiếng rồi, thì ai thấy? Hơi nghiêng một chút, cũng cùng thứ bột ăn cũng sẽ ngon như nhau… Cô không nói nữa, đến khi xong tất cả, sắp lên khay, mới thấy, cái bánh ép vụng không chịu sắp đều hàng như các bạn nó, mà “đứng” riêng rẽ, nghiêng thành một góc độ lệch hẳn những chiếc bên cạnh, lấy nó ra, cả khay bánh mới đồng đều. Nghiệm ra, có khi độc đáo hay, nhưng khi cần vào khuôn phép, phải giống nhau lại mới hay. Tôi giải quyết vấn đề mau chóng, thanh toán cái bánh lỗi lầm, nhai nuốt, phi tang nó ngay.

Làm bánh măng, phải thái sợi măng nhỏ như sợi tóc… thôi thì cố gắng, cũng tạm qua.

Tới bánh phục linh (bẻ một chút, cho vào miệng, nó tan ra như một giấc mơ,… mát thơm... nhắm mắt lại, a, hạnh phúc tuổi thơ đâu xa, đây, được ngồi gần cô, nhấm nháp bánh phục linh… rồi thêm ngụm trà nóng, nghe cô nói chuyện xưa, nay) trước đây vẫn là món tráng miệng ưa thích, thì tôi đầu hàng, vì nhiều công đoạn lôi thôi quá, lại phải cân đo chi li, là chuyện tôi rất ghét. (Thêm một chút, ngọt hơn, hay bớt chút đường, ăn nhạt bớt, có sao đâu, tôi lý sự. Nhưng, theo lời cô, không được, phải chính xác). Tôi làm bộ giở tập vở ra ghi chép, nhưng ý thì chờ cô làm xong, chực ăn, khỏe hơn nhiều.

Cô nói, thôi, muốn làm biếng thì làm bánh sen chấy. Đây dễ ợt à, hạt sen, bóc ra hấp chín, tán nhỏ, thêm đường, phết lên khuôn nướng sơ, chưa khô hẳn lấy chiếc đũa cuộn lại thành hình ống, cỡ bằng điếu xì gà, là xong.

(Lại thêm một món “tủ” khác)

- Món này cháu biết rồi, ở nhà vẫn hay làm luôn. Mẹ cháu nói cũng do cô truyền cho.

- Ờ, cháu cố gắng học cho kỹ về làm coi có ngon hơn mẹ cháu làm không.

Hạt sen tươi, vừa bóc, vừa nhai, ăn hạt sen sống ngon, ngọt, mát thơm, lại ăn bớt cho nên còn ít đỡ phải làm, lợi cả đôi đường: nhiều bánh thì phải nướng nhiều, cuộn nhiều.

Cô nói, may không phải có khách đặt món này, chứ cháu ăn từ trưa tới giờ cô đã lỗ hết vốn rồi.

Hơn hai tháng hè qua mau chóng.

Tôi vui vẻ chào cô, “bãi khóa công dung ngôn hạnh”, lớp hè, để trở lại tựu trường.

Những gì cô dạy, đến nay tôi đã quên gần hết.

Thỉnh thoảng, vui vui, mang bột, đường ra làm một thứ bánh cô đã dạy, như hôm nay, nhớ cô, nhớ bánh sen chấy... đã lâu tôi không làm tới món bánh này, bây giờ muốn làm, thì tìm không ra cái khuôn, thôi khỏi làm bánh, đem hạt sen ra nấu chè, coi bộ mau hơn, cũng ngon vậy.

Một câu nói năm xưa của cô, nay tự nhiên trở lại trong trí, tôi lẩm nhẩm:

“Thân này ví đổi làm trai được/ Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu?”

Không hiểu cô định làm gì? Cô mình, người đàn bà gương mẫu, khéo nữ công có tiếng, chẳng lẽ lại mang trong lòng hoài bão nam nhi lấp bể vá trời to lớn nào? Hôm đó, bất chợt một chút riêng tư của cô, một chút ngỡ ngàng của mình, phút giây hiếm hoi đó chưa bao giờ trở lại. Riêng tôi, thấy hai tay cô đã từng tạo ra bao nhiêu thứ bánh, kiểu, loại bánh (và làm thật thành công, cô gây dựng cơ đồ, tạo dựng một gia cảnh sung túc, cũng là tay phụ nữ xuất sắc, đâu cần hay muốn phải đổi làm đàn ông, để làm gì? Ví đổi được, có thể hơn hay không?).

Lại nhớ cái lông nhím cô hứa, nhưng chắc cô không gặp người đã tặng cô chiếc lông nhím lần đầu, cho nên tôi chưa bao giờ có được. Và, đến bây giờ vẫn không có búi tóc, nếu có cái lông nhím thì cũng không biết cài ở đâu.

Tôi nhớ lời cô hỏi: cháu cần cái lông nhím để làm gì?

Vẻ đẹp của cái lông nhím, trong mắt đứa nhỏ mười hai tuổi, vẫn ghi lại dấu ấn mượt mà, cùng hồi ức những giây phút gần gũi người cô thân yêu.

Mới đây, tôi đi thăm một người chị họ, nhắc tới cô, kể lại những kỷ niệm với cô, chị tỏ vẻ ngạc nhiên, gần như không tin hẳn: “Cô dữ, khó tính, cả họ đều biết. Bầy cháu sợ cô như sợ cọp, lỡ gặp chào xong là tìm cớ chạy ngay. Mỗi khi bị mẹ sai mang món gì sang cho cô, hay phải đi ăn giỗ ở nhà cô thì bọn bên này gọi đó là “đi quân dịch”. Mi nói ngồi bàn văn thơ với cô, lại còn dám đòi cả cái lông nhím cài búi tóc của cô nữa?”.

Vì sao tôi không thấy khía cạnh “cọp” của cô? Ngay cả trước những biểu hiện vụng về, ẩu tả thuở đó của tôi… Sao tôi không cùng cảm nghĩ như mọi người? Tôi thấy cô mặt ngoài thì sắc sảo, hiểu biết, riêng tư lại có chiều sâu, cũng có tâm hồn thơ mộng. Chứng cớ: người con độc nhất của cô, quy tụ cả những tinh anh của mẹ: anh là một nhà giáo xuất sắc, được học trò và đồng nghiệp kính nể, đồng thời cũng là một nhạc sĩ tài hoa, lại thêm có hoa tay: vẽ rất đẹp.

Vẫn không quên cái lông nhím, tôi tìm hỏi một anh bạn, là người đã từng đi nhiều, từng trải nghiệm nhiều cảnh đời, thịt nhím ăn được không, có ai ăn nó không?

- Sao không? Thịt nhím ăn rất ngon.

- Đó là tại lúc đang thiếu ăn, hiếm thịt, gặp con gì cũng ăn, vì thiếu, nên thấy ngon, có lẽ vì lý do tâm cảnh, chứ chưa chắc ngon thật.

- Có thể, nhưng là thịt rừng, xào lăn, hay nướng, ướp gia vị đúng mức, thêm một chút đưa cay, ở một chốn hoang sơ, gặp khi đang xa nhớ gia đình, bù lại, có vài người bạn đồng cảnh ngộ, tư tưởng tâm đắc… phải ngon thôi.

Nghĩ bụng, mình thua thiệt quá, không có được một người bạn có thể gọi là tâm đắc, lại cũng không biết uống rượu, phòng khi may mắn gặp được món nhím xào lăn, hay nướng, như thường thấy tả: rừng khuya tối đen, ánh lửa bập bùng, gác ngang bên trên là một cây xuyên con thú rừng mới săn được, quay quay, vàng lườm, thơm phưng phức… những phiêu lưu kỳ thú, thơ mộng… đều chỉ là “hàm thụ”, được “hưởng nhờ” khi đọc tiểu thuyết hay xem phim…

Lại tiếp tục mơ thôi: mơ giấc mơ không bao giờ đạt đến, tưởng tượng đến món thịt nhím ngon chắc sẽ chẳng có cơ hội ăn… và... sẽ tiếp tục chờ gặp kiếm được một cái lông nhím trắng đen, mượt, bóng…
- Download Mediafire

viewtopic.php?t=130014#p759400

- Xử án link Mediafire

viewtopic.php?t=130014#p764014
User avatar
vnguyencong
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,801,991
Posts: 7105
Joined: 26 Sep 2007
 
 

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 88 guests