Tiếng Gọi Từ Xóm Núi - Trần Hữu Tòng

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Tiếng Gọi Từ Xóm Núi - Trần Hữu Tòng

Postby longnu » 11 Aug 2005

Tác Giả: Trần Hữu Tòng

TRUYỆN NGẮN

Lài buộc khăn xô lên đầu của đứa bé rồi bế nó đưa anh về nghĩa trang liệt sĩ. Thằng bé ngơ ngác nhìn khung ảnh bố đặt trước quan tài, rồi lại nhìn mọi người. Miệng nó méo xệch. Nhìn nó lòng ai cũng như muối xát, nức nở xót thương.

Anh lính biên phòng về rồi, bà Lài nói với con gái:

- Mẹ thấy anh này lạ.

- Anh ấy mới về đồn đấy mẹ ạ. Tên anh ta là Ban. Mẹ lại ngờ điều gì về con gái mẹ rồi - Hiền nhìn mẹ mỉm cười - Đồn biên phòng kết nghĩa với chi đoàn xóm Ghé chúng con. Anh ấy xuống bàn việc dựng nhà văn hóa tặng trường học đấy mà.

- Mẹ trông anh ta bảnh trai, kháu khỉnh, mẹ hỏi thế thôi. Không biết quê anh ta ở tận đâu?

- Con nghe bạn anh ấy nói rằng, anh ấy học Trường đại học Biên phòng rồi làm đơn tình nguyện về đồn này. Nghe đâu ngày trước bố anh ấy cũng ở đấy. Bạn anh ấy cứ gọi đùa là Ban “phó mộc”. Con hỏi ra mới biết quê anh ấy ở cái làng Yên làm nghề mộc mãi tận dưới xuôi.

Nghe con gái nói vậy, bà Lài ngồi lặng im. Nét mặt bà trở nên trầm lặng. Đôi mắt bà tư lự nhìn về phía đồn biên phòng.

Sau bữa cơm chiều, bà Lài ngồi bên chõng tre, tay bà run run bưng bát nước chè xanh đặc sánh. Mấy lần bà nâng lên rồi lại đặt bát xuống.

…Từ khi thoáng nhìn thấy anh lính biên phòng bước vào, bà Lài đã sững cả người. Ôi, sao bà thấy quen vậy. Đôi mắt to sáng, cái nhìn thẳm sâu, tình cảm. Nụ cười tươi tắn, rộng mở trên khuôn mặt có đôi gò má hơi nhô cao. Và, cái vết lõm ấy nữa. Vết lõm làm cho cái cằm nho nhỏ xẻ làm đôi tạo nên vẻ đẹp có thần thái riêng, dễ nhớ… Bà nhớ ra rồi. Đúng rồi. Giống như anh ấy hiện về. Đào, anh lính biên phòng ở đồn này thuở ấy…

Thuở ấy, bà Lài là cô gái xinh xắn vào loại nhất xóm Ghé. Vùng đồng rừng có bốn xóm. Mỗi xóm có một cô gái xinh tươi. Cô nào tóc cũng đen nhánh như mỡ chải, ngực nhô cao, vòng eo nhỏ, dáng mềm mại trông đẹp rạng rỡ. Bốn cô đẹp như bốn con bướm hoa.

Đám con trai trong làng và các chú lính biên phòng đã xếp hạng: Nhất Lài, nhì Hoa, tam Hà, tứ Huệ. Các cụ già trong xóm núi ngồi uống nước chè xanh ăn hạt gắm rang thơm béo ngậy, kháo nhau rằng “Có hoa thì giữ được ong, rừng ta nhiều hoa chắc sẽ giữ được đám ong thợ…”.

Thế rồi Lài vượt qua những lời rè bỉu, eo sèo của đám con trai để đến với anh lính biên phòng. Anh nói với Lài, quê anh ở dưới làng Yên, làng làm nghề mộc. Quanh năm xóm làng vui như hội vì nghe tiếng đục tiếng chàng, tiếng bào chuốt gỗ tiếng dổi vàng ăn cưa. Anh đã từng vác thước cầm cưa đi ăn cơm thiên hạ dựng nên các kiểu nhà “tứ trụ”, nhà “tiền kẻ hậu bẩy”… rồi. Anh sẽ dựng nếp nhà gỗ ba gian bên sông Ghé. Anh sẽ đón con của anh lên làm quê hương…

Bà Lài chép miệng, thở dài. Lòng bà đau nhói. Những giọt nước mắt nóng hổi chảy thành dòng ướt đôi gò má gầy. Bà đã rợn người khi biết đứa con gái của mình với anh lính biên phòng - linh tính của người mẹ báo cho bà… cái điều ấy sẽ đến. Bà cứ lo sợ cái dớp nhà còn đeo đẳng. Cái dớp ấy mỗi khi bà nghĩ tới là chân tay bủn rủn, nước mắt lại trào ra. Cái dớp bà phải mồ côi cha từ năm lên mười. Cha là lính pháo cao xạ hy sinh trên đỉnh Núi Quyết trong trận đầu đánh trả máy bay Mỹ. Rồi mẹ chết bom trong phiên chợ phố huyện. Bà ngồi im lặng. Bà nhìn ra phía bìa rừng. Cái mơ hồ vô cảm. Bà rùng mình khi nhớ đến cái ngày ấy, ngày bà chưa kịp làm lễ cưới mà đã… để tang chồng…

Ngày ấy tình cảm giữa cô gái đẹp xóm Ghé với anh lính biên phòng đang độ ngọt ngào như bọng mật ong thì xảy ra tai họa. Đó là chuyện xảy ra trong chuyến tuần tra trước ngày anh nghỉ phép để làm lễ cưới. Anh phát hiện dấu vết bọn gián điệp xâm nhập vào đất ta. Chúng dò dẫm đường trong lũng núi. Đội tuần tra truy đuổi. Cùng đường, bọn giặc vứt thiết bị gián điệp, tháo chạy như chó dữ tránh đòn. Biết không thể thoát, một tên đứng lại giơ tay hàng. Anh tiến về phía hắn. Bất ngờ, tên phục sẵn sau tảng đá nhảy bổ ra đâm anh từ phía sau lưng. Anh chỉ kịp ấn cò. Băng đạn nổ giòn xé xác tên giặc. Một làn gió u ám lúc hoàng hôn lùa tới. Anh ngã xuống, máu thấm đỏ đất rừng…

Buổi truy điệu anh tiếng khóc đau thương của đồng đội, của bà con xóm núi, tiếng gào ai oán của người thân từ làng Yên lên hòa với tiếng gió lạnh réo rít từng hồi trong thung lũng. Người làng Yên bế đứa bé hơn tuổi đầu lên theo. Đó là đứa con trai anh. Lài buộc khăn xô lên đầu của đứa bé rồi bế nó đưa anh về nghĩa trang liệt sĩ. Thằng bé ngơ ngác nhìn khung ảnh bố đặt trước quan tài, nhìn mọi người. Miệng nó méo xệch. Nhìn nó lòng ai cũng như muối xát, nức nở xót thương.

Mãn tang, Lài mới lấy chồng. Chồng Lài là chàng trai xóm Dằm. Rồi Lài tiễn anh lên đường nhập ngũ. Và anh cũng đã ngã xuống trên chiến hào điểm tựa để giữ đất biên cương. Anh để lại cho Lài một giọt máu - là Hiền hôm nay. Hiền chưa được nhìn mặt cha. Lài long đong, lận đận nuôi con một mình…

Nỗi truân chuyên đã hằn lên vầng trán và hai đuôi mắt bà nhiều nếp nhăn. Đôi má mỡ màng thuở nào đã rạn chân chim như vỏ cây teo tóp. Cô Lài của thuở nhất Lài, nhì Hoa… nay đã thành bà già héo hắt của xóm Ghé giữa rừng.

Vậy là đã ngót ba mươi năm rồi. Thằng bé ấy bây giờ là đây ư? Đêm ấy bà Lài thổn thức. Bà không còn kìm nén được nữa. Giọng bà trở nên lè nhè, lê thê có lúc đứt quãng như dòng nước chảy trong khe đá vướng đám lá mục. Bà thổ lộ với con gái những điều thầm kín từ lâu giấu trong đáy lòng. Hiền cũng nức nở. Cô ôm chặt lấy cánh tay mẹ. Nước mắt cô thấm ướt áo mẹ. Lát sau, Hiền hỏi, giọng cô ngập ngừng:

- Mẹ ạ, thế con với anh Ban có là… là thế nào không? - Bà đã hiểu tâm trạng con gái mình lúc này. Bà thầm nghĩ “Có phải đây là chuyện đất trời run rủi không? Có phải là chuyện ân đền nghĩa trả không? Ông bà nói rằng đất núi xóm Ghé, xóm Dằm… đã bao đời có dòng nước ngọt lành từ hòn đá thần chảy ra nên đây là nơi đất lành, nơi con người làm nên điều phúc đức… Có phải anh Đào linh thiêng đã dẫn đường cho đứa con trai của anh lên đây gặp cái Hiền để chúng nó cắt đứt mạch “cái dớp” kiếp đa đoan từng đeo đẳng cuộc đời bà nó, mẹ nó”.

- Không, không là thế nào cả. Hiền là con gái của mẹ. Ban là con trai ông Đào. Xóm Ghé ta đang thờ ông Đào cùng với bố con ở Đài Liệt sĩ.

Bà ôm Hiền vào lòng như ngày cô còn bé bỏng.

***

Chiến sĩ đồn biên phòng, thanh niên xóm Ghé san mái núi, đắp nền. Việc vào rừng chọn gỗ “nhìn thấy gội đừng vội chặt lim”, việc mực thước, mộng mẹo, cưa bào “mộc gia nề giảm”… thì Ban “phó mộc” là thợ cả kham tất.

Nghỉ trưa, Hiền rủ Ban ra thăm hòn đá thần. Đó là một tạo tác hiếm hoi của đất trời dành cho người dân xóm núi này. Đá thần là hai hòn đá hoa cương lấp lánh màu vàng giống hai bầu * căng sữa của người mẹ. Những đường gân màu hồng ngọc tía lên như những tia máu. Phía dưới hai bầu * có một vết nứt. Mạch nước từ các kẽ đá trong lòng núi ứa ra, dồn lại rồi tuồn qua vết nứt đó. Nước chảy thành dòng trong veo, mát lạnh.

Người già truyền lại rằng đó là bầu * của người mẹ. Bầu * ban sự sống và muôn điều ngọt lành cho người dân xóm núi. Người đi qua đá thần thường dừng lại dùng bàn tay lau xoa bầu * để được tỏ lòng nâng niu, trân trọng. Người vào rừng hái rau, tìm nấm… đến đá thần uống ngụm nước ngọt lành để lấy may. Trai gái tình tự với nhau, yêu nhau cũng rủ nhau đến đá thần uống ngụm nước tinh khiết ngọt lành “của người mẹ” để giữ lòng thủy chung trong trắng với nhau. Hiền rủ anh lính biên phòng ngồi nghỉ bên hòn đá thần. Cô đập nhẹ vào cánh tay anh.

- Anh có biết không, ngày còn nhỏ, anh đã đến xóm Ghé em rồi. Người xóm Ghé yêu thương anh, đã bón cơm cho anh ăn. Lẽ ra anh là người đồng rừng với em đấy - Nói xong, má cô ửng lên. Đôi mắt cô lấp lánh.

- Ai bảo với Hiền thế?

- Anh không nhớ, hay anh… vờ đấy?

Nghe nhắc đến điều ấy, Ban nhớ lại. Mẹ anh đã mất khi anh chưa đầy tháng. Bà nội nuôi anh. Cháu khát sữa khóc ngằn ngặt, ruột gan bà như bị dao cắt từng khúc. Bà đút đầu * bèo nhèo mềm nhão như cái túi da lép vào miệng cháu. Cháu đớp lấy mút không được gì lại nhả ra. Nước mắt bà chảy ướt mặt cháu. Bà bế cháu sà đến những người đang nuôi con nhỏ để xin cho cháu được bú nhờ. Ngày anh đầy tuổi thì bố anh hy sinh. Tai họa ấy như trời long đất lở khiến cho bà cũng đột ngột đi theo. Bác anh đón anh về nuôi, cho ăn học và dạy làm nghề mộc. Ngày học ở Trường đại học Biên phòng, anh đã có ước mơ được đến nơi người cha đã từng chiến đấu. Anh viết điều ấy vào lá đơn tình nguyện…

Ngày đầu về đồn, anh xin được đọc cuốn “Lịch sử của đồn biên phòng”. Anh khóc nức nở. Nước mắt anh giàn giụa nhòa trang in dấu vẻ vang về người cha của anh: “Phan Đào - Đội trưởng Đội trinh sát hy sinh giữ bình yên vùng biên giới…”. Bất giác anh gọi cha: “Cha ơi! Con đã đến với cha đây”. Chuyến tuần tra đầu tiên, anh đã đến tận lũng núi có mảnh đất thấm máu người cha…

Ban ngồi im. Nét mặt trầm lặng chìm trong suy tư. Anh nhìn ánh nắng cuối thu hanh vàng, trời cao vời vợi. Ánh nắng ấy làm cho nước da Hiền vốn trắng mọng, ửng hồng lên. Trông cô như hạt nếp nương đang độ chín thơm. Đôi mắt cô đẹp, đen láy, bao la. Cái nhìn tỏa ra sự ấm áp dịu dàng. Giọng Hiền nói nhẹ nghe mát lòng như uống ngụm nước ngọt lành chảy ra từ “đá thần”. Anh quay lại nhìn Hiền và trả lời cô bằng một câu nghe rất tình cảm:

- Nếu đúng vậy thì Hiền thấy thế nào?

- Thì em lại hỏi anh thêm một điều nữa. Em mới được biết rằng ngày trước bố anh có ý định dựng nhà rồi ở lại với người xóm Ghé. Nhưng điều đó dở dang. Bây giờ, có khi nào anh có ý định giống như bố anh không? - Nói xong câu đầy ý tứ ấy, gương mặt Hiền như được rắc vào những đốm hồng và ngời lên nét rạng rỡ.

Ban ngồi lặng im. Anh bối rối trước câu khó trả lời ấy.

- Anh Ban. Ơ kìa. Anh trả lời em đi chứ. Hay phải khất nợ em?

Ban nói nhỏ. Giọng anh líu ríu:

- Thú thật với Hiền cũng có lúc tôi nghĩ đến điều ấy, nhưng tôi còn tâm đắc một điều nữa.

Hiền nhìn Ban với ánh mắt dò hỏi:

- Anh cứ nói đi. Em đã biết anh tâm đắc điều gì trước đâu mà ủng hộ.

- Dựng nhà văn hóa xong rồi, ta nên dựng một trạm y tế tặng bà con các xóm Hiền ạ. Và, trạm cũng cần có những y sĩ giỏi…

Nét mặt cô Bí thư đoàn trầm xuống. Cô lặng đi một chút. Rồi cô ngước mắt nhìn anh. Đôi mắt đẹp của cô ánh lên: “Em hiểu ý anh rồi…”. Bởi Hiền đã nghe mẹ cô nói trong tối hôm nào. Mẹ anh Ban mất vì bà bị sót rau rồi nhiễm trùng huyết. Thời ấy y tế ở xã còn sơ sài lắm. Thiếu thuốc, thiếu cả hộ sinh, y sĩ giỏi…

Giờ đây, anh có mong ước rằng làm sao để những người mẹ không còn phải chết đau thương như mẹ anh. Và, đừng bao giờ có những đứa bé phải bất hạnh như cuộc đời anh. Hiền nhìn Ban, mắt cô lấp lánh. Cô hiểu anh.

Hiền được về học ở Trường Y tế tỉnh. Cô học chương trình đào tạo cán bộ Trạm Y tế cơ sở. Mãn khóa, ông trưởng phòng tổ chức thông báo cho Hiền: “Cô được nhà trường giữ lại làm trợ giáo, làm công tác đoàn”. Bạn bè cùng học đều mừng cho Hiền: “Thị xã sắp lên thành phố rồi. Mày từ mạn đồng rừng nơi khỉ ho cò gáy nay được ở lại phố phường… chúng tao có đứa nào dám mơ. Trông mày lại xinh như con bướm hoa lắm anh lượn lờ. Số mày son rồi đấy Hiền ơi!”.

Mấy đêm liền Hiền nằm mắt cứ thao láo trong bóng tối. Lúc thiếp đi, cô nghe như có tiếng ngọt lành, tinh khiết từ hòn đá thần chảy. Tiếng nước rì rào tha thiết, thầm thì như tiếng người mẹ… Rồi mùi thơm ấm áp của hương gỗ de, gỗ gội từ trạm xá mới dựng ven đồi như quanh quất đâu đây. Và tiếng gió. Tiếng gió lướt từ đỉnh núi cao gần nghìn mét như sương lơ lửng trên bầu trời thổi về dọc theo triền sông, thốc vào xóm Ghé. Trong tiếng gió vi vút như có tiếng gọi “Hiền ơi, Hiền ơi”…

Sáng hôm sau, Hiền lên gặp Ban giám hiệu nhà trường…
pass to joine phim : Kim_Bang_2
longnu
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $122,632
Posts: 1046
Joined: 14 Mar 2005
Location: đến từ nơi xa lắm
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng longnu từ: Mười Đậu, anh hoang

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 78 guests