Cô Tôi - Lâm Thị Thanh Hà

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Cô Tôi - Lâm Thị Thanh Hà

Postby longnu » 11 Aug 2005

TRUYỆN NGẮN
Cô tôi
Lâm Thị Thanh Hà
“Dượng đã không thể biến cô tôi thành người phụ nữ đằm thắm dịu dàng, nhưng cu tí muộn mằn của cô dượng lại làm nổi việc đó. Phải tận mắt nhìn cảnh cô ngồi ngạch cửa nhà sàn vạch * cho cu tí bú, hít hà, đớt đát nựng nịu, mới thấy cô tôi đàn bà như bất cứ người đàn bà nào”.

Chẳng hiểu cơn cớ gì mà dòng họ tôi bỗng bị chứng hiếm muộn liên tiếp ba đời. Cho đến đời ông tôi, cái cảnh một cây một trái mới được cải thiện. Ông có được số con gấp đôi: cô tôi và ba tôi. Nhưng hình như có sự nhầm lẫn nào đó trong quá trình tạo ra hai con người của thế hệ nối tiếp này. Phát lộ sớm nhất, rõ nhất là ở cô, ngay từ lúc cô mới chào đời. Thay cho bức thông điệp gởi đồng loại bằng mấy tiếng oa oa đầy thương cảm và giấc ngủ thiên thần trong cái khăn vải gấp chéo quấn chặt như tổ sâu kèn, cô tôi chỉ a lên một tiếng như reo mừng rồi im thít. Bà mụ bảo: "Một nàng nết na hiền thục đây". Nhưng lập tức bà biết mình lầm. Cái khăn vừa quấn đến vòng cuối cùng thì nàng hiền thục đã ré lên, quẫy đạp như muốn bứt tung cái vòng cương tỏa đầu tiên mà đồng loại khoác cho mình. Và suốt hơn tiếng đồng hồ tiếp theo, tiếng gào của nàng quấy đảo căn phòng, vọt ra khỏi bốn bức vách, tuồng như bố cáo với trời đất rằng: "Ta đây, ta hiện hữu và ta cóc sợ gì ở trên đời".

Cô không có cái nhi nữ thường tình.

Ông bảo cô mang dương tính.

Ba tôi là hình ảnh trái ngược hoàn toàn với cô.

Dẫu vậy ông tôi vẫn rất mực yêu quý con gái, quyết nuôi dạy con theo mẫu mực công dung ngôn hạnh của người xưa. Xong bậc tiểu học ở xã, ông gởi cô lên chợ Cần Thơ học tiếp trung học ở một trường tư. Năm đầu tiên xa nhà mà hè cô không về, lại bắn tin cho ông bà tôi qua chuyến tàu đò, rằng cô ở lại học lớp nữ công gia chánh. "Bà thấy chưa?" Ông hể hả cười, rồi giục bà cụ chuẩn bị đủ mọi thứ để ông làm chuyến tiếp tế ngay hôm sau. Gần cuối năm thứ hai, năm cô học đệ lục, nghe đồn bọn đế quốc Mỹ ồ ạt đổ về Cần Thơ, nghinh ngang khắp đường, chọc ghẹo bốc hốt phụ nữ lung tung, ông hoảng, gọi cô về. Dĩ nhiên cô cự nự ghê lắm, nhưng lần này thì ông không chiều. Cô thành thôn nữ. Cô thôn nữ biết võ vẽ đôi ba tiếng Tây. "La me-dông là cái nhà,...".

Hương đồng cỏ nội có vẻ hợp với cô. Thoáng cái cô đã lớn vổng lên. Ngấp nghé tuổi bẻ gãy sừng trâu, cô đã mang dáng dấp của một... lực điền. Ông tôi an ủi bà "Con nó được vậy thì khỏi lo ốm đau chớ gì mà bà rầu". Công bằng mà nói, cô tuy vạm vỡ và hơi góc cạnh, nhưng bù lại có khối cái cô hơn người. Cái mũi chẳng hạn. Ông bảo mũi thông như vậy thì đường đời suôn sẻ lắm. Lại còn nhân trung nữa. Người ta hơn nhau ở cái đức. Nhân trung sâu, đường nét rành rạnh vậy thường chỉ có ở bậc hiền nhân. Riêng cái vòm tư tưởng cao và dô hơi bất thường một chút, thì chẳng hiểu sao ông không bình phẩm gì.

Lo hậu vận cho cô, ông đưa cô tới thọ giáo một bà khéo tay tận ngoài vàm. Cái nghề nhàn nhã. Chẳng hiểu cô làm ăn ra sao mà đôi bữa lại thấy cô về với ngón tay trỏ quấn cục vải. Bà hỏi, cô chỉ lầm bầm "Cây kim máy ôn dịch". Ðến bận ngón tay cô sưng vù, bà nóng ruột bảo thôi "Mần ruộng cũng được chớ gì phải thợ may".

Có lần tôi hỏi:

- Sao nói hồi ở Cần Thơ cô có đi học lớp nữ công gia chánh?

- Nữ tặc thì có. Tao vô lò võ ịch đụi với đám lục lăng.

Ông tôi thuộc típ người coi công cuộc cách mạng không phải là sự nghiệp mà là vấn đề danh dự. Năm ba tôi mười chín, nhân có người em họ của bà công tác trên Tỉnh đội về thăm vợ, ông bấm bụng gởi ba tôi theo, để khỏi bị bắt quân dịch, làm chuyện ô nhục tội lỗi là cầm súng chống lại người mình. Cô làm mạng, nằng nặc đòi theo. Ông xuống nước "Tía má còn có mình con ở nhà". "Nhưng rồi con sẽ theo chồng. Chưa biết chừng lại là chồng lính". Cô nói gọn lỏn, tỉnh bơ, như thể chuyện đó là đương nhiên. Ông nhẩy nhổm như bị kiến lửa cắn, rồi gầm lên "Tao chẻ đầu mầy". "Lúc đó tía có chẻ con cũng thành vợ lính ngụy rồi". Dĩ nhiên là ông nổi xung thiên, rồi ông xọp xuống, thảng thốt. Sự ấy thì ông chưa nghĩ tới bao giờ.

Dọc đường, khi ông cậu tách ra đi dự hội nghị, còn lại hai chị em phải đi tiếp bằng đường giao liên tới nơi công tác, cô tôi đã phù phép với hai tờ giấy giới thiệu mà ông cậu vừa trao. Quen nể bà chị, ba tôi đành ngậm bồ hòn mang cái tên có hơi hướng con gái về Tuyên huấn, còn cô thì đi thẳng Tỉnh đội.

Tháng 6 năm 1975 cô về.

Khỏi phải nói ông bà tôi mừng tới cỡ nào.

Buổi chiều, khi khách khứa đã vãn, cơm nước cũng xong, ông nằm võng bố treo ở hàng hiên quấn điếu sâu kèn. Cách mấy bước, trên cái đôn bằng thân dừa lão mà tôi và bọn trẻ hàng xóm đã mài mòn quần, cô ngồi tư lự nhìn bến sông, đôi mi cháy nắng thỉnh thoảng hấp háy vì gió. Ông chợt hỏi "Mầy về luôn thiệt hả con?" "Thiệt". Ông bần thần bập liên hồi điếu sâu kèn đã tắt ngấm. Rồi ông quẳng điếu thuốc ra sân, lại hỏi giọng phiền muộn "Hay bây đã làm gì quấy nên..." Cô mủm mỉm cười "Tía nghĩ con tệ vậy sao?".

Ðêm ấy, sau khi tế lễ tổ tiên bằng ba cây nhang thơm thiệt bự ông sắm từ dạo mới hòa bình, ông lại đốt tiếp cây nữa cắm lên bàn thờ ông thiên, đặt gá lên thân cây gòn phạt ngọn, trồng giữa sân nhà. Sợi khói mỏng lượn tròn, lởn vởn quanh mấy tược cây non mượt, như không muốn tan. Ông đứng lặng, mảng da sần, nhõng nhão sau cạnh hàm thỉnh thoảng rung rung. Ðứng sau cánh cửa, bà cô xương sắt da đồng của tôi chợt rân rấn nước mắt, lẩm bẩm "Y hịt đêm cô với ba mầy đi".

Căn nhà chật căng tiếng thậm thịch chân bước, tiếng rổn rảng nói cười suốt mấy ngày.

Rồi cô đi. Lại về. Rồi lại đi. Một lần cô về, xòe ngay cho ông tờ giấy hồng hồng "Tía coi đi. Giấy chuyển sinh hoạt Ðảng đây". Ông đỡ tờ giấy, hơi thót người, bỡ ngỡ, rồi bỗng chốc nét mặt hệt như lúc cùng ông bạn già hàng xóm dốc cạn ly đế, khà một tiếng thiệt đã đời. Bấy giờ ông mới hả hê bảo, ông có tới ba cái được. Thứ nhứt: gần chục năm giữa hòn tên mũi đạn mà cô không trầy trụa sứt mẻ gì. Phước đức ba đời. Thứ nhì: cô về với tấm thẻ Ðảng, thứ giấy chứng nhận cao nhứt về phẩm cách một con người. Ông không phải cúi gầm mặt trước bất cứ người nào. Thứ ba: từ nay nhà cửa thêm ấm cúng, ruộng vườn có người quán xuyến, bởi ông đã gối mỏi chân chồn.

Cô thành chị nông dân, nhập vai mau đến nỗi người trong xóm phải sửng sốt. Cô in hệt họ, lại cũng khác họ. Những năm quân ngũ để lại trong cô bao đức tính tốt đẹp - dĩ nhiên rồi - và cả những thói quen xấu - cũng là dĩ nhiên. Kiểu ăn to nói lớn, thỉnh thoảng lại văng tục như để cho câu nói thêm mặn mà, chẳng hạn. Khoản này rõ là làm ông ngượng với mọi người. Ông lại phàn nàn câu quen thuộc "Con gái con lứa". Cô hơ hớ cười. Rồi đâu lại hoàn đấy.

Có một chuyện không thật đặc biệt nhưng chẳng hiểu sao lúc bù khú với nhau, mấy anh con trai hàng xóm vẫn cứ thích lôi ra bình phẩm, cãi cọ, mỗi người thêm một tí, bớt một tí, thành tam sao thất bản. Nhưng chẳng sao hết, bởi cách nghĩ nào thì trong tình cảm của họ, cô cũng là nhân vật khá đặc biệt mà họ yêu mến. Ấy là chuyện về buổi diện kiến đầu tiên giữa cô với anh cán bộ trẻ được huyện tăng cường về, đang làm quyền Bí thư xã. Sở dĩ "quyền" vì ông Bí thư già cựu binh đang phải làm khách ruột của bịnh viện.

"Chị về thiệt đúng lúc. Phải nói là cực kỳ... Ở đâu cũng là sự nghiệp Cách mạng mà...". Anh cán bộ trẻ vào đề. Rõ là anh mừng húm vì viễn cảnh sắp có thêm đồng sự đáng tin cậy ở cái nơi khan cán bộ mà lại quá nhiều việc cần phải làm, như nơi này. Lật lật xấp hồ sơ của cô, anh có vẻ nể nang ra mặt. Cô thủng thỉnh "Trình với chi bộ để không ai nói tui là đồ cặn bã bị thải về". "Là sao hả chị?". Anh cán bộ ngơ ngác. "Tui về nghỉ luôn". "Sao?... Còn trẻ... trẻ như chị...". Có lẽ không dự kiến tình huống này nên anh ngớ người đến nói năng lập vập. Rồi như thể thấy cái chuyện trẻ già chưa là mấu chốt của vấn đề, anh lại thêm "Quá trình như chị... Thành tích như chị...". Cô cười, có phần như độ lượng. "Tui theo Cách mạng là để đánh giặc Mỹ, giặc Mỹ cút rồi, nước nhà độc lập rồi thì tui về lo ruộng vườn, không ham làm vương làm tướng gì..." Anh cán bộ quả bối rối. Nhưng anh không thể cứ lặng thinh bị động mãi. Anh bắt đầu phát biểu thuyết phục cô, toàn những từ chính trị, nổ rôm rốp. Cô im lặng nghe, chỉ cặp môi là máy liên tục, chứng tỏ sắp buột ra câu gì. Ông tôi tình cờ chứng kiến nên lo lắm, sợ cô giương gai ngạch gì thì mích lòng. Dù sao người ta cũng có ý tốt mà. Hồi lâu, chẳng hiểu đã vơi vơi vốn chính trị hay đã kịp nhận ra chưa ăn thua gì, anh quyền Bí thư liền đổi chiến thuật. Anh nói về công việc, về những khó khăn thực tế của địa phương. Lúc này ngó bộ anh thoải mái, dễ thương hơn. Hình như cô cũng thấy vậy nên ánh mắt đã ra chiều ấm áp.

"Nói lời từ chối còn cực hơn đi cày". Cô rên rẩm rồi nằm toài xuống đi-văng, ngay sau khi anh cán bộ buồn bực ra về. "Hay bây liệu liệu coi sao con". Ông gợi ý. Cô lặng thinh. Mãi lâu sau cô mới thủ thỉ, mà hình như chính là cô nói với mình, tự động viên mình "Tổ quốc xong rồi giờ đến tổ cò". Ông tôi vừa mắc cười vừa mắc giận, mắng "Nói vậy mà cũng nói". Cô cười cười, nháy mắt với tôi, nhưng coi bộ gượng gạo, chẳng giống cô chút nào.

Tưởng xong, tưởng đã dứt dạt đâu đó rồi, nào ngờ sáng hôm sau cô cồn cã đội nón ra văn phòng đảng ủy xã, chỉ để nói mỗi câu: "Tui không nhận chức nhận việc gì cụ thể, nhưng có công chuyện gì cần giúp, các đồng chí cứ gọi". Ấy là mãi sau này, anh quyền Bí thư mới "bật mí" với ông tôi.

Dường như cô đã giữ đúng lời hứa, nên từ ấy không chỉ anh quyền Bí thư mà hầu hết cán bộ xã, mỗi khi thoáng thấy cô ở đâu là vồn vã chào từ xa. Chỉ có điều, chẳng hiểu sao cô không bất bình, cũng chẳng tỏ ra mừng vui trước những lời bình phẩm dại khôn của những người bà con ruột thịt của mình.

Dạo tôi sắp lên chợ ở với ba mẹ tôi để tiếp tục đi học, ông hay kín đáo thở dài. Cô bảo "Cho tiền, thứ bảy, chúa nhựt nó nhảy tàu về. Lâu la gì mà tía buồn". Chẳng gì thì tôi cũng đã về sống với ông bà từ dạo lên ba tới giờ. Ông hừm. Mãi chiều hôm sau ông mới đột ngột hỏi cô tôi, giọng buồn thiu "Bây tính ở vậy hoài sao con?". Thì ra vậy. Thì ra mải vui niềm vui sum họp nên cái tuổi "băm" của cô cứ nhẹ bâng. Giờ, khi trong nhà sắp khuyết một thành viên, đại biểu của thế hệ nối tiếp ông mới sực thấy nó là vấn đề. Bà thì bình tâm hơn. Lạ vậy. Lại còn giễu "Ông mầy lo sốt vó".

Cô bảo "Cái gì tới thì nó tới. Tía má lo chi cho mệt".

Rồi nó tới thật.

Hôm ấy cha con tôi cũng có mặt ở nhà. "Ðể xem ông bà chuẩn bị ăn Tết ra sao". Bỗng tàu cặp bến. Cô về. Cô đi thăm bạn bè gần cả tuần, giờ mới về. Ông ba Tuyên huấn của tôi toàn nói những câu đẹp đẽ mực thước, chợt reo lên vui vẻ khác thường "A, chị Hai về. Kéo theo cả rờ-moọc". Ông tôi lật đật bước hẳn ra sân, tay khum khum che nắng ngó xuống bến. Người khách bận quân phục có vẻ hơi e dè nên chậm chạp di chuyển sau lưng cô.

"Thương binh. Bạn cùng đơn vị với con". Cô giới thiệu với ông bà.

Cơm nước xong, cũng là lúc cha con tôi chuẩn bị về, chú thương binh ý tứ đi dạo loanh quanh ngoài vườn. Cô vào đề lối trực khởi "Anh ấy như vậy đó. Tía má với thằng Minh nhắm coi được không?" Mắt ông tôi sáng lên, nhưng chẳng hiểu sao ông có vẻ ngắc ngứ. Ông nhìn ba tôi. Gương mặt vốn điềm đạm, hơn thế còn có phần nghiêm nghị của ba tôi bỗng tưng bừng nghịch ngợm như một chàng trai trẻ. "Mở trao tráo còn không ăn thua gì nữa là nhắm". Ông phật ý, ba tôi liền chữa ngay "Chị Hai quyết định là chính. Ý kiến gia đình chỉ để tham khảo thôi". Cô có vẻ ngượng. Lần đầu tiên tôi thấy cô ngượng, mặt cứ ửng lên từng chặp.

Ông tôi bảo "Có đàn ông bên cạnh thì đàn bà nghịch ngợm bướng bỉnh mấy cũng mềm". Nhưng cô có vẻ chẳng mềm tẹo nào. Có thể một phần bởi trong nhà cô vẫn là lao động chính, là đàn ông. Chồng cô, tuy bề ngoài lành lặn, nhưng nghe nói lục phủ ngũ tạng đều bị dao kéo động đến, nên sức khỏe không được như người bình thường. Ông tôi rất thương dượng, bằng tình của người cha đối với đứa con trai, bằng sự cảm thông của một người đàn ông đối với một người đàn ông, nên ông hay thầm thì động viên bà "Nó là thương binh, là chồng con gái mình chớ có phải ai xa lạ đâu bà". Tuy vậy, nhiều lúc thấy cô cứ buông tay này bắt tay kia, quần quật, ông không nén được nỗi xót con, bảo "Bây cứ tham công tiếc việc, không trường đâu con. Hưỡn đãi mà làm. Ðất đai có chạy mất đâu mà sợ".

Gần hai năm sau ngày cô lấy chồng, ông bà tôi lại đón đứa cháu mồ côi về nuôi. Vậy là có cơ hội để cô xin ra riêng. Cô bảo "Cho tiện chăm sóc ruộng vườn". Là nói vậy thôi. Kỳ thực ai cũng hiểu chính là cô muốn tránh cho ông bà hằng ngày phải chứng kiến nỗi vất vả của cô. Tiếng là ra riêng, song mọi thứ của hai nhà vẫn một tay chăm sóc của cô.

Ngôi nhà nhỏ được dựng sâu trong vườn, cách nhà ông vài chục thước. Nó cũng khác thường. Vùng quê tôi đất cao, nằm ở hạ lưu sông Hậu, hãn hữu mùa mưa mấy con nước ròng mới lên mấp mé. Vậy mà nó là nhà sàn, mấy cái chân đứng thêu lêu trên nền đất trông nghịch nghịch. Thằng em tôi mỗi bận về là tót lên, nhảy tưng tưng trên mặt sàn bằng những thanh tre già đan khít nhau, khoái chí bảo "Y chang mụ phù thủy nghiến răng. Bọn trộm đừng hòng". Cô cười. "Trộm đạo gì. Cô tránh lũ chồn chuột ôn dịch".

Ngoài chuyện nghiến răng của mụ phù thủy, ngoài chuyện nó phải cõng thêm hai cái chái ráp nối với mái nhà trước kéo dãn ra, nên trông hao hao như chị gà mái vỗ cánh xung trận, thì ngôi nhà rợp bóng xoài của cô quả là nơi ở nhất trần đời. Chính cái không gian rộng rinh, phần lớn không vách được làm thêm quanh ba phía nhà sàn, làm cho ngôi nhà có phần xấu đi ấy, lại là nơi diễn ra mọi sinh hoạt ban ngày, là nơi ráp nối đám đàn ông con trai hàng xóm trong những giờ rảnh rỗi, bất luận ngày nắng hay đêm mưa. Họ đến để được cười, được tư vấn một chuyện gì đó, hay chỉ đơn giản là để được ngả lưng trên võng, vắt vẻo trên cáixích đu dượng rị mọ đóng, nói vài ba câu về thời tiết, mùa màng. Nhưng có lẽ bị hấp dẫn nhất là đám trẻ, vì ở đó lúc nào cũng sẵn một thứ gì cho chúng bỏ vô miệng: một củ khoai vùi hôi hổi, ứ mật; một vài trái chín cây mà lũ chim chóc đã nếm qua. Lại còn thêm cái thú trưa hè nhảy ùm xuống vuông trồng dừa nước cạnh cửa bếp, lặn ngụp, đứng im cho cá lòng tong rỉa nhột nhột hay nằm thả tàu phơi trên mặt nước ngắm trời xanh mây trắng và nghe bản nhạc lá bất tận...

Thế giới của cô sau ngày xếp lại súng gươm ngang dọc là vậy. Có chân dẫm bùn, có lưng đẫm mồ hôi, mà vui, mà hồn nhiên thanh thản lắm. Chẳng biết đó có phải là cái mà cô đã mơ ước trong thời tao loạn không, nhưng ai cũng nghĩ cuộc đời cô đã gắn chặt với cái thế giới ấy. Nó là máu thịt, là tâm hồn, là nghĩa vụ và quyền lợi, là niềm vui nỗi buồn của cô... bấy giờ và mãi mãi.

Ðã xa, đã nhạt nhòa trong tâm trí mọi người hình ảnh con người xã hội ở cô. Thế nên buổi sáng bỗng thấy cô lại xách túi nhái (cái túi vải nhỏ có dây rút ai đó đã tặng cô thời chiến tranh) nhẹ tênh bảo tới trụ sở xã làm việc, ai cũng nghĩ cô đùa. Rồi khi vỡ lẽ là cô không đùa thì đoán già đoán non. Kỳ thực, chẳng ai biết thật cặn kẽ cuộc chuyện trò giữa hai người cựu binh - ông Bí thư già và cô - khi ông đang trong cơn thập tử nhất sinh, sau bao bận đi đi về về bịnh viện. Chỉ biết rằng sau đó, nghĩa là sau khi đã đưa ông về với ngôi nhà vĩnh viễn của mình, cô đã lại là con người của xã hội, là Xã đội trưởng, một Xã đội trưởng vào lúc chiến tranh biên giới Tây Nam sắp vào hồi quyết liệt.

Trong mắt tôi bấy giờ, cô lại là cô thời đánh đấm dọc ngang như tôi từng hình dung qua lời kể ngày xưa của bà (dĩ nhiên là thiếu cái quần đùi và mình mẩy vằn vện lọ nghẹ trong những đêm ra trận). Cô lại ồn ào kiểu lính tráng, lại sùng sục như chiến tranh đã thốc tới tận bên lưng. Cô lại bận quân phục, bộ quân phục chính quy mà cô đã được cấp phát những ngày đầu hòa bình, trong mỗi buổi tiễn đưa trai làng vào lính. Dường như hình ảnh ấy đã động viên tinh thần họ rất nhiều, nên suốt cuộc chiến tranh biên giới, cả cái xã từng một thời ngày của giặc đêm của ta mà không hề có người lính trẻ nào bỏ ngũ hay làm chuyện bậy bạ vi phạm kỷ luật chiến trường.

Mãi sau này nghĩ về cô, tôi mới chợt nhận ra rằng dường như chính từ buổi sáng với chiếc túi vải có phần lỗi thời ấy, cô mới thực là cô, với bản tính ưa gánh vác, ưa đứng mũi chịu sào, phẩm chất tiêu biểu mà người ta quen nghĩ rằng chỉ có ở bậc trượng phu.

Giờ đây, khi mọi người đang nhộn nhịp chuẩn bị mừng tuổi mới của đất nước thì cô tôi đã bước vào cuộc sống đời thường được đôi năm, nhẹ tênh và viên mãn trong trách nhiệm công dân của mình. Thỉnh thoảng có dịp, mọi người lại kháo nhau về cái kỷ lục giữ chức Bí thư ở ngay xã nhà của cô. Song với tôi, chức vụ đáng nhắc, đáng bàn hơn cả chính là Hội trưởng phụ nữ xã! Ðùa ư? Chẳng đùa chút nào. Cô là Hội trưởng phụ nữ khi chiến tranh biên giới sắp kết thúc, và cái nhiệm vụ ấy, kỳ lạ thay, lại rất phù hợp với cô. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của người ông đã khuất của tôi "Có đàn ông bên cạnh thì đàn bà nghịch ngợm bướng bỉnh mấy cũng mềm". Dượng đã không thể biến cô tôi thành người phụ nữ đằm thắm dịu dàng, nhưng cu tí muộn mằn của cô dượng lại làm nổi việc đó. Phải tận mắt nhìn cảnh cô ngồi ngạch cửa nhà sàn vạch * cho cu tí bú, hít hà, đớt đát nựng nịu, mới thấy cô tôi đàn bà như bất cứ người đàn bà nào. Và dượng nữa, cái sự kiện ấy dường như cũng thổi vào dượng một sức mạnh nào đó khiến dượng tươi tỉnh, hoạt bát, tháo vát hơn. Ngay chuyện nhỏ là thói quen bếp núc, cũng đổi khác. Bây giờ, hễ vô bếp là dượng nổi lửa đùng đùng, thả cửa, trên đám cà ràng đất bự ế, khiến nhà cửa ấm sực, hệt như cô ngày nào. Tóm lại, dượng không còn vẻ gì của một ông "tiểu đội phó" như đám trai hàng xóm từng đùa.

Chẳng hiểu, nếu còn sống ông tôi sẽ nói sao.
pass to joine phim : Kim_Bang_2
longnu
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $122,632
Posts: 1046
Joined: 14 Mar 2005
Location: đến từ nơi xa lắm
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng longnu từ: Mười Đậu

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 114 guests