Giận Ông Giời - Nguyễn Khải

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Giận Ông Giời - Nguyễn Khải

Postby longnu » 11 Aug 2005

Truyện Ngắn

Tác Giã: Nguyễn Khải

"Về già ngẫm lại nhiều đời người tôi được biết, dẫu không tin vẫn phải tin, là con người ta quả có số thật. Người có số may tài cán chả hơn ai nhưng những cái may như lót dưới bàn chân từ trẻ đến già, một đời phú quý song toàn mà không mất cái gì cả, mồ hôi không, máu lại càng không. Ông Quải đúng là người có cái số vất vả."

Tôi quen ông Quải không do ai giới thiệu cả, tình cờ gặp ông chăn một cặp bò phối giống có bộ lông màu cánh gián tuyệt đẹp ở vạt cỏ cạnh đường liền đứng ngắm rồi bắt chuyện với người chăn. Ông ta hay chuyện mà tôi lại đang thèm chuyện, đứng với nhau một lúc chưa hả lại hẹn gặp nhau tại nhà để nói cho hết chuyện. Ông nói: "Tôi tên là Quải, nhà ở xóm chùa, hỏi ai cũng biết. Nhưng tôi chỉ rảnh có lúc tối còn ban ngày thì bận lắm, đến bữa cơm trưa cũng vừa đứng vừa ăn". Hôm sau ngồi làm việc với cán bộ xã, tôi có nhắc tới buổi hẹn với một ông chăn bò tên là Quải. Những người có mặt nhìn nhau rồi nín thinh, không ngăn nhưng không khuyến khích, cũng không giới thiệu thêm một lời nào. Hình như mối quan hệ giữa ông Quải với những người có chức việc ở địa phương không được mặn mòi lắm thì phải. Cũng chả sao. Việc của tôi, người tôi chọn, tôi thấy thích là được. Người mà tôi thích thường rất sống động trong sự tưởng tượng của tôi, đó là điều cốt yếu, tôi là người viết mà lại. Nhà ông Quải ở gần rìa đường nhưng trời tối, lại sương xuống nhiều nên phải hỏi thăm một lúc mới tìm đúng ngõ. Nhà ngói ba gian nhưng xây hẹp và thấp, sân đất nện, trong nhà cũng nền đất, nửa nhà quây hai cót thóc khoảng vài tấn, phần còn lại ngổn ngang những chăn chiếu, quần áo, mũ nón, như nhà không có đàn bà. Nhưng cả hai ông bà đang ngồi xem tivi, màn hình nhỏ đen trắng trong khi quá nửa làng đã dùng tivi màu. Nhà đủ ăn nhưng không dư tiền, thuộc diện nhà nghèo của thời này. Vợ chồng khỏe mạnh, con cái chắc đã trưởng thành mà chịu nghèo trong cái thời buổi bây giờ cũng là lạ. Phải là người đần, không biết làm ăn hoặc bài bạc, nghiện ngập mới chịu thua kém anh em bè bạn thôi. Nhưng ông ta đâu có đần, cặp mắt tinh khôn, nói năng rành rẽ, dáng người doi doi thuộc loại bền sức và chăm làm. Thấy tôi đưa mắt nhìn quanh quéo, chủ nhà như đã đoán được ông khách đang nghĩ gì liền nói: "Cái số tôi là số ăn mày ông ạ, ở đâu cũng thua thiệt, lính chiến trường mà thua thằng lính hòa bình, lão nông chi điền thu nhập lại không bằng cái thằng cán bộ về hưu mới học nghề làm ruộng. Cũng không phải là người vụng tính nhưng người tính không bằng giời tính. Có lẽ kiếp trước ăn trộm chuông chùa nên kiếp này mới bị ông giời hành hạ cay nghiệt đến thế”. Ông Quải đi bộ đội năm 1966, năm ấy ông mới 19 tuổi. Hành quân một mạch từ Hòa Bình vào tận Bê Hai, bổ sung cho tiểu đoàn Ba Lẻ Bảy. Năm đến cả tiểu đoàn chỉ có vài thằng lính quê ở ngoài này. Mùa xuân năm 1968 đánh cầu chữ Y, tháng 5 đánh nhau ở Ngã ba Sở Gà, vẫn còn mảnh đạn găm lưng đây. Cuối năm 1969 sang hậu cần đóng quân bên đất bạn. Chia tay với tiểu đoàn anh hùng nhìn trước nhìn sau chỉ thấy toàn lính Bắc, mà cũng đã thay mấy đợt quân rồi. Ông Quải lại là trung đội trưởng trinh sát của tiểu đoàn, một buổi sáng bảy cái lệnh, toàn lệnh đặc biệt nên Bê trưởng phải tự đi không dám giao cho ai, đi vào chỗ chết cả mà không chết, cái mạng cũng là lớn. Ông là Dũng sĩ diệt Mỹ, Chiến sĩ diệt xe cơ giới, chiều lên cơn sốt rét 41 độ, tối đến đầu óc còn choáng váng vẫn nhảy ra dẫn anh em đi chiến đấu, ai ngăn cũng không được. Ông đi bộ đội mới được học chữ, làm hậu cần toàn tính nhẩm, trưởng phòng Ba phải thân dạy ông cân đong đo đếm. Năm năm làm hậu cần không nhầm lẫn một cắc bạc, một ký gạo, một lít xăng. Cuối năm 1974, trên cho ra Bắc học văn hóa để trở về làm cán bộ dân chính vùng giải phóng, tức là đào tạo bí thư, chủ tịch quận sau này đấy, ông vừa cười vừa nói thêm thế. Học ba tháng rưỡi, chữ thầy trả u, có bốn phép tính mà vẫn không thể viết đằng thằng ra trên mặt giấy. Tính nhẩm thì được, tính nhanh như máy tính. Không làm được cán bộ thì xin về nhà làm ông nông dân vậy.

Bà vợ kém chồng khoảng mươi tuổi, người mập, mặt rất tươi, vẫn ngồi nín lặng nghe chồng nói từ đầu, lúc này mới lên tiếng:

- Cái năm ông ấy còn ở chiến trường thì bà chị em ở nhà đã ốm nặng lắm, đi bệnh viện huyện họ bảo vừa bệnh gan vừa bệnh phổi, thuốc men ngày ấy lại hiếm, nếu có cũng chả đủ tiền mua. Mỗi lần em sang thăm cứ nhìn em mà khóc, lại còn bảo nếu chị mất thì cậy em trông nom ông cụ và hai đứa trẻ còn nhỏ. Chả giấu gì bác, em cũng đã có một đời chồng rồi, lấy chồng được một năm thì chồng đi bộ đội, con cái chưa có, năm 1968 thì được tin anh ấy hy sinh gần Sài Gòn. Nên chị em có ý muốn em về làm dâu thay chị nếu chị có mệnh hệ nào. Chị em mất rồi, ông bố chồng năm ấy đã ngoài bảy mươi nhưng còn khỏe, gánh sáu chục cân thóc từ sân kho về nhà, chạy một mạch không nghỉ. Nhìn ông già nuôi hai cháu thay con trai ở chiến trường ai cũng phải thương, vừa thương vừa phục. Mà ông cháu cấm có phàn nàn bao giờ, lại còn nói, ông giời cho khỏe để hầu con hầu cháu chứ có phải để ngồi chơi không đâu. Rồi chị lại cười: "Ông cháu vui tính lắm chứ không càu cạu như ông con trai của cụ đâu”.

Tôi cũng cười:

- Ông nhà khó tính lắm hở bà?

- Còn hơn hũ mắm thối. Chỉ có vợ con là phải chịu chứ cả làng này chả ai khen cái tính ấy.

Ông Quải lườm vợ nói gắt:

- Thiên hạ chê hay khen tôi cũng mặc xác. Mình khổ nên phải càu cạu, thử sướng xem mặt mũi lại không tươi tỉnh từ sáng đến tối à.

Về già ngẫm lại nhiều đời người tôi được biết, dẫu không tin vẫn phải tin, là con người ta quả có số thật. Người có số may tài cán chả hơn ai nhưng những cái may như lót dưới bàn chân từ trẻ đến già, một đời phú quý song toàn mà không mất cái gì cả, mồ hôi không, máu lại càng không. Ông Quải đúng là người có cái số vất vả. Ông chỉ có một cái may lớn, vào chiến trường suốt mười năm lúc bước ra vẫn nguyên vẹn, chỉ có mỗi mảnh đạn còn găm ở lưng, trái gió giở trời lại buốt, là dấu tích duy nhất của một thời. Nhưng về đến nhà với hai bàn tay trắng, với một ông bố già và hai đứa con nhỏ thì lại là không may rồi. "Mấy cái năm ấy, cả nước đã hòa bình rồi, mà sao vẫn đói quá, ông Quải nói tiếp, mở cái vung ra nhìn vào nồi cơm cứ đen sì như nồi cám lợn, gạo chỉ có một nhúm còn toàn trộn rau trộn củ trăm thứ bà giằn mà cũng không được ăn no, hai ông con ăn rồi còn phải làm thì hai bát đầy, hai đứa trẻ chỉ ăn với đi học thì hai bát vơi, cả ngày thèm cơm, đêm nằm cũng nghĩ đến cơm, nước dãi cứ tứa ra hai bên mép. Nhưng tôi không có than thở một lời, mình đói, cả làng cùng đói, chả ai no cả. Tức là tức cái thời bấy giờ, nhiều cái tức lắm. Mình về đi cày chúng nó mới đi bộ đội mà bây giờ đứa thì trung tá, đứa thượng tá, đứa ở thành phố có nhà có đất, nghỉ hưu về quê nhà nhường lại cho con, đứa ở rừng có gỗ, mỗi năm kéo về đến mấy khối gỗ, bán gỗ mua đất - gỗ đắt đất rẻ, có hai vợ chồng hai đứa con mà có đến mấy dinh cơ, sao cái số họ lại sướng đến thế".

Ông Quải thì nói, tôi thì ngồi hí hoáy ghi. Tôi không ghi chuyện, chuyện của ai cũng thế, vả lại cái khổ của ông ấy đã thấm gì. Nhưng là ghi những câu nói hay, những chữ dùng hay. Người ta nói mình lại ghi ghi chép chép nhìn không được thuận. Nhưng không ghi thì quên, mà quên thì tiếc lắm, nhưng câu chữ thần tình ấy chứa bao nhiêu là khôn ngoan, mình bịa thế nào được. Ông chủ thì vô tư, ông khách thích thì ông cứ ghi tuy cũng chưa biết tôi làm nghề gì. Nhưng bà chủ thì cứ nhìn chằm chằm vào cuốn sổ và cây bút của tôi. Rồi bà hỏi:

- Em hỏi khí không phải, bác ghi chuyện của nhà em để làm gì?

- À chuyện ông nói hay quá, tôi phải ghi lại kẻo quên mất.

- Chuyện làm ăn bữa no bữa đói có gì hay mà các bác phải ghi?

- Tôi viết báo mà lại, đi tứ phương, nghe mọi chuyện, chuyện nào hay tôi đều ghi lại cả.

- Bác chưa về hưu à?

- Tôi về hưu lâu rồi nhưng vẫn viết bài gửi các báo.

- Em thấy mấy ông nhà báo về xã đều mang theo máy ảnh. Sao bác làm báo mà không có máy ảnh?

- À, tôi không biết chụp hình.

Bà chủ nhà liếc nhìn chồng với cái ý: - "Đấy thấy chưa! Gặp ai cũng tâm sự cũng thở than rồi có ngày khốn". Bà lại hỏi:

- Thế bác đến chơi nhà em các ông xã có biết không?

- Ông nhà mời tôi đến chơi mà, việc gì tôi phải xin phép các ông xã.

Bà còn định tra hỏi tôi nữa thì có tiếng gọi ngoài cổng, bảo có điện thoại. Bà đứng phắt lên, dặn chồng: Nhà Vinh muốn mua một cặp ngan, ông thử sang hỏi nó xem, lát nữa tôi về còn bắt”. Cũng là một cách đuổi khéo khách đấy!

*
* *

Ông Quái như chả chú ý tới những nghi ngờ của vợ về một ông khách mới quen lại quá tò mò. Ông vẫn tiếp tục kể cho tôi nghe những năm tháng đầu tiên ông trở về nhà sống với một người bố đã già đã yếu và hai đứa con còn nhỏ dại. Về được hai năm thì bố chết, đưa bố ra đồng xong về nhà vét voi không được vài ống gạo. Trời mưa trong nhà như ngoài sân mới vay tiền mua trăm ngói, mà mua cũng khó khăn lắm, trèo lên cào mùn gianh rồi úp tạm ngói lên chống dột. Năm sau thì cưới vợ là bà nhà tôi bây giờ. Nhà đã khó nay lại đẻ thêm con đỏ nên càng khó. Bằng tuổi tôi người ta thì bồng cháu, mình tóc đã muối tiêu còn bồng con nhỏ là rất nghịch cảnh. Cũng may bà nhà tôi tháo vát, lại rất thương chồng và con chồng, khó đến mấy cũng chỉ cười. Mấy đứa con tôi cũng học được cái tính của bà ấy nên cái nhà này không vì túng thiếu mà to tiếng với nhau. Chỉ có tôi là hay to tiếng thôi, quát tháo ầm ỹ một lúc không có ai đối lời lại, tự mình cũng ngượng với mình rồi câm miệng luôn. Cả làng này biết tính tôi nên chả ai nỡ giận. "Mình làm khổ mình đã đủ còn ai nỡ giận mình nữa." Nói rồi lại cười, từ lúc ngồi trò chuyện với tôi ông cũng hay cười. Cười được cũng vơi nhẹ cái buồn cái tức đi nhiều lắm. Mươi năm trở lại đây nhà ông không phải lo đến miếng ăn nữa. Nhưng ông vẫn chỉ ăn cơm với dưa với mắm, đụng đũa vào cá rán, cá nấu, thịt gà, trứng vịt là nôn ói liền. Cái "không bằng người" ấy chả quy lỗi cho ai được, chỉ tại cái trò chơi khăm của ông giời đó thôi. Nhưng nhìn quanh thì vẫn không bằng người, người ta làm được nhà gác thì ông mới chuẩn bị làm lại cái nhà đang ở, người ta đi xe máy thì bố con ông mới có cái xe đạp Trung Quốc. Vẫn là thua người, tính toán trí lực hơn người mà thua mưu cả đứa trẻ nên càng tức. Ông kể: "Mấy năm nọ cả xã này đổ xô đi buôn long nhãn, nhiều người xây được nhà gác là nhờ cái đận ấy đấy. Tôi cũng buôn. Long nhãn của nhà được vài tạ, mua vào gần hai tấn nữa. Lúc mua có 100, 105 ngàn một ký. Giá lên 110, 115 ngàn vẫn không bán vì đám buôn đồ chừng phải lên đến 120, 125. Nào ngờ nó lại tụt dần xuống, tụt xuống rồi lại lên, cái trò cung cầu của cơ chế thị trường nó ưỡn ẹo đồng bóng lắm, gan thì được, nhát thì thua. Thi gan thì nhất tôi rồi. Đánh nhau mười năm với Mỹ không gan có mà chết sớm. Cái sống chết ở chiến trường có thể gan tới cùng, với lại chỉ có một mình mình đối mặt với cái chết, đòm một phát, coi như xong, chả bận bịu tới ai cả. Đằng này là cái no cái đói; sau lưng mình còn một bầy thê tử họ lại không muốn bị đói mãi nên chỉ dám gan đến cái mức nào đó thôi, rồi đành thở dài chịu thua vậy. Mua hơn 100 ngàn, bán có 65, 62 ngàn, lỗ non nửa. Đã bảo giời tính mà, ông giời không cùng phe với mình làm sao không thua. Sau lần thua lỗ ấy, lỗ non chục triệu chứ đâu có ít, tôi lại khăn gói ra Quảng Ninh gánh than, được thêm đồng nào hay đồng ấy. Ông tính, một buổi gánh ba chuyến than, gánh từ 70 cân trở lên, chạy một đoạn đường ba bốn cây số, một ngày trừ ăn uống rồi cũng giắt lưng được ba chục ngàn, ấy là đã phải trả tiền bãi mất năm ngàn. Một năm gánh than, ăn đường ngủ chợ, về đến nhà đến vợ con cũng không nhận ra nhưng trả xong nợ. Coi như mất hai năm không thêm đồng nào, mọi sự chi tiêu đều trông vào hạt thóc. Mất toi hai năm mà tuổi đã trên năm mươi rồi, thế là lại gắt, chỉ dám gắt với vợ với con, tức ông giời chưa chịu buông tha mình, hờn dỗi với giời mà gắt. Còn năm nay tôi lại bị thua lỗ một lứa lợn. Thua đau lắm, gói bạc trong tầm tay, đã tính toán mọi việc trong cái số bạc chắc chắn sẽ có ấy mà rồi vẫn bị ông giời giựt mất, ông bảo có hận không? Giá lợn đầu năm 10 ngàn một ký móc hàm, sau xuống 7 ngàn, rồi lại có tin đồn lợn đang bị dịch, ăn vào có khi mắc bệnh như bệnh bò điên ở bên Tây, nên giá lại càng hạ. Cám thì đắt, thịt lại rẻ, không bán vội có mà sạt nghiệp.

Nói rồi lại thở dài, vớ điếu rít một hơi thuốc, rồi tay cầm điếu vẫn buông hờ trên gối, ông đưa mắt nhìn bâng khuâng ra khoảng tối ở sân một lúc lâu. Đã nghe có tiếng bà vợ nói léo xéo với ai đó: "Tin vui thôi bà ạ?" Bà Quải bước vào, môi mắt đều cười lại đang nhai trầu, cái nhìn với tôi như có dịu đi chút ít. Ông chồng hỏi: "Ai gọi điện thoại?" - "Thằng Tiến!". Ông quay sang nói với tôi: "Nó là con bà sau, con út". Bà vợ tiếp lời: “Em làm bạn với nhà em cũng muộn nên không dám sinh nhiều, bố mẹ già con chưa trưởng thành là rồi sẽ khổ. Chỉ có một con chị mới lấy chồng năm ngoái, và thằng em đi công nhân trên Việt Trì được nửa năm rồi". Tôi hỏi: "Cháu hăm mấy rồi?" Ông bố nói: "Mới 17 thôi ông ạ, học hết cấp 2 rồi xin đi làm để đỡ bố mẹ." Tôi nói đùa: "Chắc là ông bố hay gắt nên nó không dám bắt bố mẹ nuôi lâu". Bà mẹ thở dài: “Không dám khoe với bác, chứ cháu được cả mọi nết, cao lớn đẹp giai, học cũng giỏi mà chỉ cơm ngày hai bữa, quần áo mặc thừa của anh cho, so với bạn bè là thua kém lắm nhưng cấm có oán trách bố mẹ bao giờ. Chỉ cười thôi, thấy mặt là thấy cười. Nó đi xa là nhà vắng hẳn, buồn hẳn, còn hai vợ chồng già ăn ở buông tuồng, tạm bợ như ở quán trọ". Ông chồng cười gượng: "Thế nó bảo gì?" - "Bảo là, mẹ trả công gặt chưa, hết bao nhiêu? Tôi nói, hết 500 ngàn. Nó bảo, con cho mẹ hẳn 800, mẹ đồng ý không?" Người chồng nói nhỏ: "Đi làm mới nửa năm đã ba lần gửi tiền về nhà, toàn tiền triệu, nó không ăn không tiêu gì à?" Bà vợ nói với tôi: "Lương tháng chưa được một triệu mà mỗi tháng vẫn dành được 500 ngàn, hai tháng được chẵn triệu lại gọi bố mẹ lên cầm tiền về. Tức là phải ăn uống kham khổ lắm, có phải không bác?" Ông chồng nói: "Chắc là ngày mai tôi phải lên với con. Có phải mang gì lên cho nó không?" - “Ông chịu khó mang cho nó vài cân gạo nếp, một cân lạc, cũng được vài bữa thết bạn”. - “Bà rang cho tôi một cân vừng lạc nữa". Bà Quải lại đưa mắt nhìn tôi đang hí hoáy ghi: "Bác lại ghi gì nữa thế?” - "Ghi chuyện cậu con út của ông bà để bọn trẻ đời nay noi gương". Bà mẹ cười hả hê: Chuyện của cháu bác muốn viết sao cũng được, còn chuyện của ông ấy bác đừng có viết, viết ra bằng bêu ông ấy còn gì?". Tôi nói: "Chuyện của ông nhà cũng nhiều nghĩa lý lắm đấy”. Bà vợ nhìn chồng: "Đã là người thua người dại thì còn nghĩa lý gì nữa?" Tôi hỏi: "Sao bà lại dám nói ông nhà là dại?" Bà vợ đưa tay đập nhẹ lên cánh tay chồng, cặp vợ chồng già này xem chừng còn trẻ tợn: "Chứ lại không dại? Theo em, ông giời ghét mình, mình cứ cười lên một tiếng, mất thêm gì nào, mà hóa ra ông ấy không thể trói được mình, còn lại ngồi thở than, rên rẩm có phải là mình chịu thua hoàn toàn không?". Tôi buột miệng khen: "Bà nói đến là chí lý!" Bà ta lại cười, tôi đã chiếm được lòng tin của bà chủ nhà rồi ư? "Nghĩ với nói thì em chả thua ai ở cái làng này mà sao vợ chồng vẫn nghèo hả bác?" Thấy tôi vẫn viết lia lịa bà đâm ngờ, những câu nói vẩn vơ ấy có cái gì hay mà phải ghi lắm thế? Bà đứng lên bước vòng qua bàn nhìn qua vai tôi lên trang giấy tôi đang viết. Chợt bà kêu ầm lên: “Sao bác lại ghi tên nhà em vào làm gì? Xin bác cứ gạch đi cho, bác không gạch là chúng em giận đấy!"

12-2000

pass to joine phim : Kim_Bang_2
longnu
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $122,632
Posts: 1046
Joined: 14 Mar 2005
Location: đến từ nơi xa lắm
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng longnu từ: Mười Đậu

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 32 guests