Khóc Lên Đi , ôi Quê Hương Yêu Dấu.... (Tiếp Theo)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Khóc Lên Ði , ôi Quê Hương Yêu Dấu.... (Tiếp Theo)

Postby lynhanson » 15 Nov 2007

5.

--------------------------------------------------------------------------------

5.


- Tôi đã giữ cho huynh một phòng trong nhà một bà già, bà Lithebe, một người hiền lương trong giáo khu. Bà ta là người Msutu, nhưng nói thạo tiếng Zulu. Bà ta sẽ lấy làm hân hạnh có một mục sư trong nhà. Tiền phòng rẻ, có ba si-ling một tuần thôi, còn ăn uống thì huynh qua đây ăn với anh em trong hội Truyền Giáo. Ủa, chuông đánh báo tới bữa ăn rồi này. Mời huynh đi rửa tay.
Họ rửa tay trong một phòng rất tân thời, có một la-va-bô trắng tinh, đủ nước nóng nước lạnh, mấy chiếc khăn mặt tuy đã cũ nhưng rất trắng, cầu tiêu cũng tân thời. Xong rồi chỉ cần ấn một cái nút nhỏ là nước ồ ồ chảy ra như có cái gì bể vậy, không biết trước thì giật mình.
Họ vô một căn phòng bàn ăn đã dọn sẵn và Kumalo gặp mấy mục sư nữa cả da trắng lẫn da đen; họ đọc kinh tạ ơn rồi bắt đầu ăn. Kumalo nhìn thấy có nhiều đĩa, dao và nĩa, hơi hoang mang, nhưng rồi để ý ngó các người khác làm ra sao và cũng làm vậy.
Ông ngồi bên một mục sư trẻ tuổi, cặp má hồng hào từ Anh qua; mục sư này hỏi ông từ đâu tới và miền ông ở ra sao. Một mục sư khác, da đen la lên:
- Quê tôi cũng ở Ixopo. Song thân tôi còn sống ở đó, trong thung lũng Lufafa. Miền đó lúc này ra sao?
Và Kumalo nói chuyện về những miền đó cho họ nghe, tả những đồi cao và thung lũng của xứ xa xôi mà ông yêu quí đó. Giọng ông chắc nồng nàn vì mọi người đều làm thinh, chăm chú nghe ông. Ông cũng tả bệnh cằn cỗi của đất đai, cây cỏ chết lụi, khe suối khô cạn; cảnh tiêu điều trong miền chỉ còn các ông già bà cả, đàn bà và con nít; bắp thì cao không tới đầu người mà bộ lạc thì tan tác, nhà cửa hoang tàn, con người thất vọng; mà khi họ bỏ nhà ra đi rồi thì nhiều kẻ không khi nào trở về nữa, nhiều kẻ không viết một bức thư nào về nữa. Ông bảo rằng tình cảnh đó không chỉ riêng ở Ndotsheni, mà chung cho cả các thung lũng Lufafa, Imhlavini, Umkomaas và Umzimkulu. Nhưng về Gertrude và Absalom thì ông không nói gì cả.
Thế là mọi người cùng bàn bạc về bệnh cằn cỗi của đất đai, về những bộ lạc tan tác, nhà cửa hoang tàn, những trai gái bỏ quê hương ra đi, quên cả tục lệ và sống một đời phóng túng, biếng nhác. Họ nói đến bọn thiếu nhi phạm pháp, bọn phạm pháp lớn tuổi hơn và nguy hiểm hơn nữa. Họ bảo rằng người da trắng sống trong cảnh sợ hãi vì bọn bất lương da đen. Một người đi kiếm một tờ nhật báo, tờ Johannesburg Mail, chỉ cho Kumalo một tít in chữ lớn: MỘT CẶP VỢ CHỒNG GIÀ, BỊ ĐÁNH ĐẬP CƯỚP BÓC TRONG NGÔI NHÀ HẺO LÁNH, BỐN THỔ DÂN BỊ BẮT, và bảo:
- Những chuyện như vậy xảy ra gần như hằng ngày. Mà không phải chỉ riêng người Âu sợ hãi đâu. Chúng tôi cũng sợ nữa, ngay ở Sophiatown này. Mới cách đây không lâu, bọn thanh niên đó cướp giật một thiếu nữ Phi, lấy xắc và tiền nong, và nếu người ta không chạy tới kịp thì chắc là thiếu nữ đó đã bị chúng hiếp rồi.
Ông mục sư mặt hồng hào bảo:
- Ở Johannesburg này ông sẽ biết được nhiều chuyện nữa. Không phải chỉ riêng miền của ông bị tàn phá đâu. Chúng ta còn phải nói chuyện với nhau nhiều nữa. tôi muốn được nghe ông nói tiếp về xứ sở của ông, nhưng bây giờ tôi có việc phải cáo biệt.
Câu chuyện tới đó ngừng lại và Misimangu muốn dắt Kumalo về phòng riêng của mình. Ông ta bảo:
- Chúng tôi có nhiều chuyện phải nói với nhau.
Hai người trở lại phòng riêng của Msimangu. Khi cửa khép lại rồi, họ cùng ngồi xuống rồi, Kumalo bảo:
- Xin huynh thứ lỗi cho, tôi nóng ruột muốn biết tin tức về em gái tôi.
- Vâng, vâng, tôi biết chắc rằng huynh nóng ruột lắm, và chắc huynh cho tôi là có vẻ thản nhiên. Nhưng xin lỗi, trước hết tôi muốn biết cô ấy tới Johannesburg này làm gì vậy?
Câu hỏi đó làm Kumalo bối rối, nhưng ông không dám giấu, phải nói thẳng rằng em gái ông ra đây tìm chồng. Chồng đã đăng phu mỏ, hết hạn rồi mà không về, cũng không cho biết tin tức gì cả. Em gái ông không biết chồng còn sống hay chết, đành dắt đứa con nhỏ ra đây tìm chồng.
Thấy Msimangu làm thinh ông lo lắng hỏi:
- Cô ấy đau nặng lắm không?
Msimsngu nghiêm nghị đáp:
- Vâng, đau nặng lắm. Nhưng không phải thứ bệnh đó mà là một thứ bệnh khác; tệ hơn nhiều. Tôi đã nhắn huynh ra đây vì thiếu phụ đó cô độc mà lại là em ruột một mục sư. Tôi không biết cô ấy có tìm được chồng không, nhưng hiện nay cô ấy không có chồng.
Ông ta ngó Kumalo, nói thêm:
- Nói cho đúng hơn cô ta có rất nhiều chồng.
Kumalo khẽ kêu lên:
- Tixo! Tixo!
- Hiện nay cô ấy ở Charemont, cũng gần đây. Khu đó là một trong những khu tồi tệ nhất ở Johannesburg. Sau các cuộc bố ráp của cảnh sát, rượu chảy ra cùng đường. Vô cái khu đó là ngửi thấy nồng nặc mùi rượu, không có mùi gì khác hơn là mùi rượu.
Ông ta nghiêng mình về phía Kumalo, bảo:
- Hồi xưa tôi cũng thường uống rượu, nhưng đó là thứ rượu tốt như rượu của ông cha chúng mình cất. Bây giờ tôi đã thề rồi, không đụng tới một giọt rượu nữa. Thứ rượu ở đây xấu, người ta bỏ thêm vô những cái quái gì đó cho nó thêm nồng mà trước kia người mình có bao giờ dùng đâu. Đó, cái nghề lúc này của cô ấy là chế tạo thứ rượu đó rồi bán. Nói ra thì đau lòng nhưng tôi cũng phải nói hết. Bọn đàn bà đó ngủ với bất kỳ người đàn ông nào để kiếm tiền. Một người đàn ông bị giết ở nhà cô ấy. Họ đùa giỡn, nhậu nhẹt và đâm chém nhau. Cô ấy đã bị nhốt khám mấy lần rồi.
Ông ta ngả lưng vào chiếc ghế bành, đẩy một cuốn sách ở trên bàn ra xa rồi lại kéo nó về, bảo:
- Những tin đó đau xót cho huynh lắm.
Kumalo gật đầu và làm thinh.Msimangu lấy gói thuốc lá mời:
- Huynh hút một điếu.
Kumalo lắc đầu
- Tôi có biết hút thuốc đâu.
- Đôi khi hút thuốc làm cho thần kinh dịu được. Trong con người chắc còn có một thứ an tĩnh nào khác, lúc đó cứ để cho người ta hút để hưởng cái an tĩnh ấy. Nhưng ở Johannesburg, nhiều khi khó mà tìm được cái thứ an tĩnh ấy.
- Tại sao lại ở Johannesburg? Ở đâu mà chẳng vậy? Sự an tĩnh của Thượng Đế rời bỏ chúng ta rồi?
Cả hai lại im lặng, như thể một lời nào đó đã thốt ra rồi thì có nói gì thêm nữa cũng hoá ra vô nghĩa. Sau cùng Kumalo hỏi;
- Đứa nhỏ hiện ở đâu?
- Cùng ở đó với má nó. Nhưng nơi đó không phải là chỗ cho trẻ ở, và đó cũng là lý do tôi đã mời huynh ra đây. Nếu huynh không thể cứu được người mẹ thì may ra có thể cứu được đứa con.
- Nơi đó ở đâu?
- Cách đây không xa. Ngày mai tôi sẽ dắt huyng tới.
- Tôi còn một nỗi rầu rĩ nữa.
- Huynh cứ nói tôi nghe.
- Tôi sung sướng được thổ lộ với huynh.
Nhưng rồi Kumalo làm thinh, ran nói mà không thốt nên lời.
Msimangu bảo:
- Chẳng có gì gấp, huynh ạ…
- Khó nói quá. Đó là nỗi rầu rĩ nhất của chúng tôi.
- Chuyện cậu con trai chăng? Hay là cô con gái?
- Con trai.
- Cứ nói tôi nghe.
- Tên cháu là Absalom. Nó cũng ra đây để tìm cô nó, nhưng đi rồi không về và đã lâu rồi nó không thư từ gì về nhà nữa. Má nó và tôi gởi cho nó mấy bức thư, bức nào cũng gởi trả lại. Bây giờ nghe những lời huynh kể, tôi lại càng lo sợ.
- Chúng mình sẽ rán tìm kiếm nó. Có lẽ cô em đó biết nó ở đâu. Huynh mệt rồi, để tôi đưa huynh lại căn phòng tôi đã giữ cho huynh.
- Vâng, tôi cũng cần phải nghỉ ngơi.
Họ đứng dậy, Kumalo bảo:
- Tôi có thói quen, hễ cầu nguyện thì lại giáo đường. Huynh làm ơn chỉ lối cho tôi.
- Chúng mình đương đi về phía đó đây.
Kumalo có giọng khiêm cung:
- Ước gì huynh cầu nguyện cho tôi.
- Tôi sẵn lòng lắm. Huynh ạ, tôi cũng có nhiều công việc lắm, nhưng huynh còn ở đây ngày nào thì công việc của huynh là công việc của tôi.
- Huynh tốt bụng quá.
Giọng nói của Kumalo có cái gì khúm núm làm cho Msimangu cảm động.Msimangu đáp:
- Tôi không tốt bụng đâu. Tôi là một người ích kỷ và nhiều tội lỗi, nhưng được Thượng Đế ra tay cứu vớt thế thôi.
Ông xách giùm cái tay nải cho Kumalo nhưng trước khi tới cửa, Kumalo níu tay ông lại, bảo:
- Tôi có một điều muốn nói nữa.
- Cái gì vậy?
- Tôi cũng có một người em cũng ở Johannesburg. Chú ấy không bao giờ viết thư cho tôi cả. Tên là John Kumalo, làm thợ mộc.
Msimangu mỉm cười:
- Tôi biết ông ta. Còn thì giờ đâu nữa mà viết thư. Một đại chính trị gia ở Johannesburg đấy.
- Chính trị gia? Chú ấy mà là chính trị gia?.
- Phải, có uy thế về chính trị đấy.
Msimangu ngừng một chút rồi nói tiếp:
- Tôi mong rằng điều tôi nói đây sẽ không làm cho huynh đau lòng thêm nữa. Ông em của huynh từ bỏ giáo hội rồi. Ông ta bảo cái gì mà Thượng Đế không làm cho Nam Phi, thì con người phải làm. Nói vậy đó.
- Chuyến đi này của tôi thật chua chát quá.
- Đúng vậy.
- Đôi khi tôi lo sợ….Đức Giám mục mà hay thì không biết ngài sẽ nói sao? Một mục sư của ngài…
- Một đức Giám mục thì nói gì được? Một cái gì đó đã xảy ra mà không đức Giám mục nào có thể ngăn nổi? Ai có thể ngăn nổi những cái đó xảy ra? Nó đã xảy ra thì nó phải tiếp tục như vậy.
- Sao huynh có thể nói như vậy được? Làm sao huynh có thể nói được rằng những cái đó phải tiếp tục?
Msimangu nghiêm nghị lập lại:
- Nhưng cái đó phải tiếp tục. Không ai có thể ngăn cản được thế giới tiến tới. Tôi là người theo đạo Ki Tô. Trong thâm tâm tôi không oán người da trắng. Chính người da trắng đã kéo thân phụ tôi ra khỏi cảnh tối tăm. Nhưng xin lỗi bạn cho tôi nói thẳng. Cái bi kịch không phải là có những cái đã đổ vỡ. Bi kịch là đổ vỡ mà không sửa chữa lại được nữa. Người da trắng đã làm cho bộ lạc tan rã. Và tôi tin chắc rằng – tôi xin lỗi bạn lần nữa – tôi tin chắc là không sao sửa chữa được nữa. Nhà cửa tan tành, con người phiêu tán, những cái đó mới là bi thảm. mà hậu quả là trẻ ngày nay bất chấp pháp luật mà các người da trắng già thì bị đánh đập, cướp bóc.
Ông đưa tay lên trán, nghiêm nghị nói tiếp:
- Người da trắng cho rằng làm cho bộ lạc tan rã là điều có lợi. Nhưng họ không thấy cần phải xây dựng cái gì để thay thế. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều vế vấn đề đó, và tôi cần phải nói ra vì tôi cho là điều tôi nói đây là sự thực. Không phải mọi người da trắng đều như vậy. Cũng có vài người da trắng hy sinh để rán xây dựng lại cái gì đã đổ vỡ. Nhưng số người đó ít lắm – ông nói tiếp - Họ sợ, sự thực như vậy. Chính sự sợ hãi chi phối, thống trị xứ này.
Ông ngừng lại ở giữa lề đường, nghiêm trang và bình tĩnh nói với bạn:
- Vì người da trắng nắm quyền hành mà chúng ta cũng muốn có quyền hành. Nhưng khi người da đen có được quyền hành, khi họ có nhiều tiền thì sẽ thành một vĩ nhân nếu không tham nhũng. Tôi đã thường thấy như vậy. Họ muốn có quyền hành và tiền bạc để sửa đổi những bất công trong xã hội và khi họ có được cái đó rồi thì họ chỉ lo lợi dụng và hưởng thụ thôi. Lúc đó họ có thể mua vui, có thể tìm cách mua được rượu của người da trắng. Có thể nói với cả ngàn người và nghe người ta vỗ tay hoan nghênh mình.
- Trong bọn chúng ta có vài người nghĩ rằng khi chúng ta có quyền hành thì có thể trả thù những người da trắng trước kia đã có quyền hành, và cái ý muốn đó xấu xa, vì chúng ta xấu xa nên quyền hành của chúng ta không có sức mạnh. Nhưng đa số người da trắng không hiểu sự thực đó về quyền hành và họ sợ chúng ta có quyền hành.
Ông đứng yên như suy nghĩ về những điều mới nói:
- Phải, đúng là quyền hành như vậy đó, nếu nó đồi bại thì không có sức mạnh. Chỉ có mỗi một cái là quyền hành tuyệt đối, tức tình thương. Vì khi có tình thương thì người ta không cầu có quyền hành, mà vì không cầu có quyền hành thì tự nhiên có quyền hành. Tôi chỉ thấy có mỗi một niềm hy vọng cho quê hương chúng ta, là người da trắng và người da đen không cầu có quyền hành và tiền bạc, chỉ mưu cái ích lợi cho xứ này và cùng hợp lực với nhau để thực hiện việc đó.
Ông ngừng nói, vẻ trầm tư, rồi rầu rĩ nói tiếp:
- Tôi sợ nhất một điều là tới khi họ biết có tình thương thì họ thấy chúng mình đã hoá ra thù ghét họ.
Và Kumalo lặng lẽ theo ông ta, lòng thấy trầm uất vì những lời nghiêm nghị và buồn bực đó.

--------------------------------------------------------------------------------

Họ tới Doorfontein mà cũng chẳng được việc gì mặc dầu người da trắng ở đó nể nang họ. Msimangu biết cách cư xử với người da trắng và họ chịu khó tìm hỏi, sau cùng hay rằng Absalom Kumalo đã thôi không làm ở xưởng đó một năm rồi. Một người nhớ rằng Absalom chơi thân với một người thợ trong xưởng tên là Dhlamini, và cho gọi anh thợ này lại. Anh ta bảo tin tức cuối cùng anh ta được biết là Absalom ở trọ nhà một bà tên là Ndlela ở đường End, con đường phân cách Sophiatown và khu Westdene của người Âu. Anh ta nhớ mài mại số nhà là 105, nhưng không chắc chắn lắm.
Kumalo và Msimangu lại trở về Sophiatown, quả nhiên gặp được bà Ndlela ở số 106, đường End. Bà nhã nhặn tiếp họ, trong khi mấy đứa con của bà núp sau váy mẹ mà ngó trộm khách. Bà ta bảo Absalom không còn ở đó nữa, nhưng yêu cầu họ đợi một chút, vì bà ta nhớ Absalom có viết cho bà một bức thư để xin lại những đồ vật để lại nhà bà. Và trong khi Kumalo chơi với mấy đứa nhỏ, Msimangu nói chuyện với chồng bà ta thì bà ta lấy ra một hộp lớn chứa đầy giấy má và đồ lặt vặt rồi lục lọi, tìm kiếm bức thư của Absalom. Msimangu nhận xét nét mặt hiền từ mệt mỏi của bà, thấy bà ngừng tay một chút, nhìn Kumalo có vẻ vừa tò mò vừa thương hại. Sau cùng bà ta kiếm được bức thư, chỉ cho họ địa chỉ: 79 đại lộ 23, Alexandra, nhờ bà Mkige giao lại giùm.
Chủ nhân pha trà, họ phải uống một chén, khi họ đứng dậy ra về thì trời đã tối. Ông chồng tiễn Kumalo ra tới tận ngoài đường.
Msimangu ở lại phía sau, hỏi bà vợ:
- Tại sao bà ngó ông bạn tôi mà có vẻ thương hại?
Bà ta nhìn xuống rồi lại ngước mắt lên đáp:
- Ông ấy là một Umfundisi?
- Phải!
- Tôi không ưa bọn bạn bè của con trai ông ấy. Nhà tôi cũng vậy. Vì vậy mà cậu ấy bỏ đi nơi khác.
- Tôi hiểu bà. Nhưng ngoài ra còn có gì nghiêm trọng hơn nữa không?
- Không, tôi không thấy gì khác nhưng tôi không ưa bạn bè của cậu ấy.
Vẻ mặt bà ta chân thành cởi mở, bà không nhìn xuống nữa.
- Xin chào bà.
- Xin chào Umfundisi.
Ra tới đường, Msimangu và Kumalo từ biệt người chồng rồi đi về phía hội Truyền giáo.
Msimangu bảo:
- Ngày mai chúng ta lại Alexandra.
Kumalo đặt bàn tay lên cánh tay bạn:
- Tôi lại Johannesburg này toàn là vì những chuyện không vui, nhưng được quen biết huynh, thật là niềm vui sướng cho tôi.
- Thôi chúng mình mau lên, kẻo trễ bữa tối rồi.

--------------------------------------------------------------------------------

6.


Sáng hôm sau, ăn điểm tâm ở hội Truyền giáo rồi, Msimangu và Kumalo đi qua một con đường lớn rất rộng có nhiều xe buýt qua lại.
Msimangu bảo:
- Ở đây đón thì chuyến xe nào cũng tới chỗ.
Kumalo mỉm cười vì bạn muốn giãi nỗi sợ đón lầm xe của mình.
Msimangu bảo:
- Tất cả xe buýt ở đây đều đi Johannesburg. Vậy khỏi phải sợ lầm xe.
Họ đón ngay chiếc xe buýt đương chạy tới, và chiếc xe đưa họ tới chỗ mà mấy hôm trước Kumalo đã bị mất một bảng. Từ đó họ đi ngang qua nhiều con đường đầy xe hơi, xe buýt, kẻ qua người lại và sau cùng tới bến xe buýt đi Alexandra. Nhưng họ bị ngăn cản bất ngờ, vì một người tiến lại họ, hỏi Msimangu:
- Umfundisi muốn đi Alexandra?
- Phải!
- Chúng tôi đứng đây để cản Umfundisi. Không phải bằng sức mạnh đâu - người đó đưa tay chỉ - cảnh sát đứng sẵn kia rồi. Chúng tôi dùng lời lẽ để thuyết phục. Đi xe buýt đó là Umfundisi làm hại quyền lợi của người da đen. Chúng tôi đã quyết định tẩy chay những xe buýt đó cho đến khi nào họ phải trở lại giá cũ là 4 pen-ni thì mới thôi.
- À! Phải, tôi có nghe nói về chuyện đó.
Msimangu quay lại nói với Kumalo:
- Tôi điên rồi huynh ạ. Tôi quên bẵng rằng không có xe buýt, quên rằng đương có cuộc tẩy chay xe buýt.
Kumalo nói nhỏ nhẹ, như năn nỉ:
- Chúng tôi có viêc khẩn cấp.
Người đó lễ phép đáp:
- Vụ tẩy chay này cũng cấp thiết. Họ đòi chúng tôi phải trả 6 pen-ni, như vậy là mỗi ngày mất 1 si-ling, một tuần 6 si-ling, mà anh em chúng tôi có người chỉ kiếm được mỗi tuần 35 hay 40 si-ling.
Kumalo hỏi:
- Đi bộ có xa không?
- Thưa xa Umfundisi. Mười bẩy cây số.
- Xa quá, đối với một người già.
- Thưa, có những người già như Umfudisi mà ngày nào cũng phải đi đấy. Rồi đàn bà nữa, có người đau, có người tàn tật, cả con nít cũng phải đi đấy. Họ ra đi từ bốn giờ sáng và tám giờ tối mới về tới nhà. Nuốt vội một miếng, vừa mới ngả đầu trên gối chợp mắt được một chút thì phải dậy rồi để ra đi, có khi bụng rỗng không, chỉ uống có hớp nước nóng. Tôi không thể ngăn cấm Umfundisi đi xe buýt được, nhưng tôi nghĩ nó là một quyền lợi đáng cho chúng ta tranh đấu. Nếu chúng ta thua phen này thì những người khác ở Sophiatown, Claremont, Kliptoonn, Pimville cũng phải trả tiền xe tăng lên.
- Tôi hiểu lắm bạn. Chúng tôi sẽ không đi xe buýt đâu.
Người đó cảm ơn họ, rồi tiến lại gần một người khác có vẻ muốn đi xe buýt.
Kumalo bảo:
- Người đó có tài thuyết phục thật.
Msimangu nói, giọng dịu dàng:
- Ông ta là Dubula, con người nổi tiếng, bạn của ông John lệnh đệ đấy. Người ta bảo – huynh thứ lỗi cho nhé. Tomlinson có đầu óc, lệnh đệ có được cái giọng nói, còn ông này thì có nhiệt tâm. Chính quyền sợ ông ta nhất, vì chính ông ta không sợ gì cả. Ông ta không mưu tính cái gì riêng cho mình cả. Người ta bảo ông ta đã bỏ chỗ làm của mình để đứng gác ở đây cản người ta đi xe buýt, và vợ cũng đứng gác ở bến xe buýt Alexandra như chồng.
- Hai vợ chồng như vậy thật hãnh diện. Johannesburg là một nơi có nhiều cái đáng kỳ dị.
Msimangu nói, giọng có vẻ tiếc hận:
- Trước họ ở trong giáo phái của mình đấy, nhưng rồi bỏ ra ngoài. Cũng như ông em của huynh, họ bảo rằng giáo hội nói thì hay mà không hành động. Sao bây, bây giờ chúng mình tính sao?
- Tôi tính đi bộ.
- Đi mười bảy cây số, về mười bảy cây nữa. Xa lắm đấy huynh hiểu cho chứ, Johannesburg này không phải là chỗ hợp với một người con trai ở một thân một mình.
- Vậy thì đi.
Họ đi bộ mấy cây số qua khu của người Âu, lên con đường Twist tới Clarenton Cricle rồi xuống con đường Louis Botha tới Vườn cam. Xe hơi, xe cam nhông qua lại không ngớt, chiếc đi lên, chiếc đi xuống. Họ đi một lúc lâu, thì một chiếc xe hơi thắng lại ở bên cạnh họ, và một người da trắng ló đầu ra hỏi:
- Hai ông đi đâu đấy?
Msimangu cất nón chào, và nói:
-Thưa ngài, chúng tôi đi Alexandra.
- Tôi đoán không sai, lên xe tôi đưa đi.
Thật là may mắn cho họ; tới chỗ quẹo vào Alexandra, họ xuống xe ngỏ lời cảm ơn.
Người da trắng bảo:
- Đường xa quá, mà tôi biết rằng không có xe buýt….
Họ đứng nhìn chiếc xe chạy đi. Nhưng chiếc xe không chạy tới mà quay trở lại, đi ngược về Johannesburg.
Msimangu bảo:
- Thật là một chuyện lạ.
Từ chỗ đó tới đại lộ Hai mươi ba, đường còn xa, và trong khi họ đi hết đại lộ này tới đại lộ khác, Msimangu giảng cho bạn hiểu rằng Alexandra nằm ở ngoài ranh giới thành phố Johannesburg là một khu mà người da đen có quyền mua đất cất nhà. Nhưng đường phố tệ quá, lại không có đèn và nạn khan nhà trầm trọng tới nỗi, ai có phương tiện thì cũng cất thêm một vài cái chòi trong sân để cho mướn lại. Nhiều chòi là những ổ trộm cướp, gái điếm, chỗ nấu rượu lậu.
Msimangu bảo:
- Tình trạng thảm hại quá đến nỗi bọn người da trắng ở Vườn cam, ở Norwood và Highlands North cùng đứng đơn yêu cầu nhà cầm quyền san phẳng khu đó đi. Một thanh niên mình đã giật cái xắc của một bà già da trắng, bà ta té xuống, xúc động sợ quá mà chết tại chỗ. Rồi còn một chuyện ghê rợn này nữa: một người đàn bà da trắng ở một mình trong một căn nhà cách đây không xa, một bọn thanh niên mình xông vô cướp, bà ta chống cự lại mà bị chúng giết. Cũng có đôi khi đàn ông và đàn bà da trắng ban đêm ngừng xe hơi lại dưới tàn cây trên đường Oretoria; và bọn thanh niên mình có đứa lại cướp giật của họ, đánh đập họ, hiếp dâm đàn bà của họ nữa. Đành rằng hạng đàn bà đó thường là xấu xa, nhưng dù sao cũng là một trọng tội ghê gớm quá.
Msimangu ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Tôi còn nhớ một vụ nữa ở phía bên kia Johannesburg. Một ông bạn của tôi ở một ngôi nhà cô lập trên con đường Potchefstroom. Giữa một đêm đông lạnh lẽo, còn lâu trời mới sáng mà ông ta nghe thấy có người gõ cửa. Ra coi thì là một người đàn bà da trắng gần như lõa lồ. Y phục bà ta đã bị xé toạc, còn mấy mảnh bà ta thu thu lại để che thân, mà da thì tìm đi vì lạnh. Một người đàn ông da trắng đã hiếp bà ta, ép bà ta lên xe hơi của hắn, và sau khi đã thoả mãn rồi - thoả mãn hay không thực ra tôi không biết rõ, vì tôi không có ở đó - hắn tống bà ta ra ngoài trời lạnh với mảnh áo tả tơi trên mình đó, rồi lái xe về Johannesburg. Hai vợ chồng ông bạn tôi kiếm cho bà ta được một chiếc áo dài cũ và một chiếc áo khoác cũ, nấu nước pha trà và quấn mền cho bà ta. Trẻ trong nhà thức dậy hỏi có chuyện gì vậy, nhưng vợ chồng ông bạn bảo chúng ngủ đi và không cho chúng vô phòng để coi bà nọ. Rồi đương đêm, ông bạn tôi lại nhà một chủ trại da trắng ở gần đó. Chó nhà này dữ quá, ông ta sợ nhưng cứ bước vô và khi người da trắng bước ra, ông ta kể chuyện đã xảy ra, bảo việc này nên làm kín đáo, không cho ai hay. Người da trắng bảo: “Được tôi sẽ lại ngay bây giờ ” rồi đánh xe ra, cả hai người trở về nhà ông bạn tôi. Bà da trắng muốn đưa một số tiền để trả ơn vợ chồng ông bạn tôi, nhưng không có tiền. Vợ chồng ông bạn tôi đều bảo bà ta rằng không nên đưa tiền. Người đàn ông da trắng bảo ông bạn tôi: “ Jy is’n goeie Kaffer ” ( chú là một tên Cafre (1) tốt ), và lặp câu đó tới hai lần…Ông ta cảm động, và bập bẹ mấy tiếng Bantu đó.
- Nghe chuyện, tôi cũng cảm động.
- Lúc nãy tôi nói về đơn thỉnh nguyện xin san phẳng khu này. Các bạn da trắng của chúng ta phản đối, bảo rằng ở Alexandra cái tốt vẫn nhiều hơn cái xấu, và để cho người dân ở đây có một miếng đất, một căn nhà của riêng mình để nuôi con, một nơi họ có quyền ăn nói, cảm thấy rằng mình được ở trên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cái đó là điều đáng kể chứ. Giáo sư Hoernle – ông ta đã mất rồi, xin Thượng Đế độ trì hương hồn ông – là người chiến đấu hăng nhất cho chúng ta. Thực đáng tiếc là huynh không được nghe ông ấy diễn thuyết. Vì một mình ông ấy có đủ đầu óc của Tomlinson, cái giọng nói của ông John và cái nhiệt tâm của Dubula. Khi ông ta nói thì không một người da trắng nào tranh biện nổi. Bây giờ tôi còn nhớ. Ông ta thường nói rằng cái này ở đây, cái kia ở kia và cái đằng kia nữa ở đằng kia và cái nào ông đã đặt ở đâu thì ở đó, không ai có thể dời chỗ nó đi được dù chỉ là một vài phân. Dù là Anh hay Afrikaaner (2) thì cũng không ai dời chỗ những cái đó được cả.
Msimangu rút khăn mùi xoa ra chùi mồ hôi trên mặt.
- Tôi đã nói nhiều quá, đã tới căn nhà mà chúng ta kiếm rồi đây.
Họ gõ cửa, một người đàn bà ra mở cửa, không chào hỏi họ và khi họ cho biết mục đích của họ thì thím ta miễn cưỡng để họ vô.
- Thím Mkize, thím nói thanh niên đó đã dọn đi chỗ khác rồi ư?
- Phải, và tôi không biết đi đâu.
- Đi hồi nào vậy?
- Cách đây nhiều tháng rồi. Có lẽ tới một năm rồi.
- Cậu ấy có ở chung với một người bạn nào không?
- Có, một cậu nữa cùng họ Kumalo, một người em con chú. Họ dắt nhau đi.
- Và thím không biết họ đi đâu?
- Họ có nói tới mấy chỗ. Nhưng bọn thanh niên ấy nói, thì ông còn lạ gì.
Kumalo hỏi:
- Thanh niên tên là Absalom đó hạnh kiểm ra sao?
Rõ ràng là trong mắt thím ta có vẻ sợ hãi. Và rõ ràng là thấy vậy, Kumalo cũng đâm ra sợ hãi. Trong nhà này có không khí sợ hãi.
Thím ta đáp:
- Tôi không thấy có gì bậy.
- Nhưng thím ngờ rằng có cái gì bậy chứ?
- Không có gì bậy cả.
- Thế thì tại sao thím lại sợ?
- Tôi sợ gì đâu?
- Thế thì tại sao thím lại run?
- Vì lạnh.
Thím ta nhìn hai người lạ, vẻ cau có, giữ ý.
Msimangu cáo từ:
- Chúng tôi cám ơn thím. Thím ở lại mạnh giỏi.
- Hai ông đi mạnh giỏi.
Ra tới đường, Kumalo bảo:
- Có cái gì không hay rồi đây.
- Tôi cũng thấy vậy. Huynh ạ, cả hai chúng ta tới thì đông quá. Huynh quẹo tay trái ở góc con đường lớn đi, rồi lên dốc, sẽ thấy một quán giải khát. Huynh ngồi đó đợi tôi.
Kumalo nghe lời, bước đi, trong lòng ưu tư rầu rĩ; Msimangu chậm chạp bước theo, tới khi bạn quẹo ở góc đường rồi mới quay trở lại, gõ cửa căn nhà lúc nãy.
Thím ta lại ra mở cửa, cũng cau có như trước, bây giờ thím đã bình tĩnh lại rồi, cau có nhiều hơn là sợ.
Msimangu bảo:
- Tôi không phải ở ty cảnh sát đâu, không liên can gì tới ty đó cả. Và tôi mong rằng không có chuyện gì liên can tới họ. Nhưng có một ông già đau khổ không tìm ra được người con trai.
Thím ta đáp một cách xã giao:
- Tội nghiệp.
- Tội nghiệp lắm, và tôi sẽ không chịu đi đâu, nếu thím không cho tôi biết những điều mà lúc nãy thím không muốn nói.
- Có gì đâu mà nói.
- Thím không có gì để nói vì thím sợ. Và thím run không phải vì lạnh.
- Thế thì tại sao tôi lại run?
- Điều đó tôi không biết. Nhưng tôi sẽ không chịu đi đâu nếu không kiếm ra được tại sao. Và nếu cần thì sẽ phải tới ty cảnh sát vì còn có cách nào nữa đâu.
Thím ta có giọng oán hận:
- Đàn bà mà ở một mình thì thật khổ quá.
- Một ông già đi tìm con cũng đau khổ vậy.
- Tôi sợ.
- Ông ấy cũng sợ. Thím không thấy ông ấy có vẻ sợ sao?
- Có, tôi có thấy, Umfundisi.
- Vậy thím làm ơn cho tôi hay hồi ở đây, đời sống của hai thanh niên đó ra sao?
Nhưng thím ta vẫn làm thinh, vẻ sợ hãi hiện trong cặp mắt đã muốn rưng rưng, Msimangu thấy khó mà thuyết phục thím ta được.
- Tôi là mục sư, thím không tin tôi ư?
Thím ta vẫn làm thinh.
- Thím có một cuốn Kinh Thánh không?
- Có .
- Vậy tôi sẽ cầm Kinh Thánh mà thề.
Thím ta vẫn không đáp, Msimangu lập lại:
- Tôi cầm Kinh Thánh mà thề
Thấy vị mục sư quyết tâm không để cho mình yên, thím ta do dự đứng dậy, bước vô một phòng ở phía sau, rồi một lát trở ra với cuốn Kinh Thánh.
Msimangu bảo:
- Tôi là mục sư. Hễ nói có là có, nói không là không, không bao giờ sai. Nhưng vì thím đã muốn và vì ông bạn già của tôi lo sợ, nên tôi xin thề trên cuốn Kinh Thánh này rằng thím sẽ không bị lôi thôi gì về chuyện này cả, vì chúng tôi chỉ muốn tìm một thanh niên thôi. Cầu xin Tixo phù hộ tôi.
Rồi ông ta hỏi tiếp:
- Đời sống của họ ra sao?
- Thưa Umfundisi, tới lúc thật khuya khoắt, họ đem về nhà này nhiều thứ lắm. Quần áo, đồng hồ, tiền bạc này, thức ăn đựng trong bao này, và nhiều thứ khác nữa.
- Có thấy máu me gì trên người họ không?
- Thưa Umfundisi, không bao giờ tôi thấy máu me trên người họ cả.
- Được. Tuy chưa biết gì nhiều, nhưng bây nhiêu cũng được…Và tại sao họ lại đi nơi khác?
- Tôi không biết, Umfundisi. Nhưng tôi ngờ rằng công việc của họ sắp bị lộ.
- Họ đi hồi nào?
- Đã được gần một năm rồi, Umfundisi. Như tôi đã nói lúc nãy.
- Và thím có thể thề trên cuốn Kinh Thánh này, rằng thím không biết họ đi đâu chứ?
Thím ta đưa tay về cuốn Kinh Thánh. Msimangu bảo:
- Thôi được rồi.


Khóc Lên đi, ôi Quê Hương Yêu Dấu

--------------------------------------------------------------------------------

Ông chào thím ta, rồi hấp tấp bước ra để tìm bạn. Thím ta gọi giật lại, bảo:
- Họ chơi thân với một người lái tắc-xi là Hlabeni. Người này ở gần bến xe buýt. Tới đó ai cũng biết.
- Cảm ơn thím cho tôi biết chi tiết đó. Chúc thím ở lại mạnh giỏi.
Ông ta thấy bạn ngồi trong quán giải khát. Ông già này vội vàng hỏi ngay:
- Biết thêm được điều gì không?
- Tôi biết thêm được điều này: họ chơi thân với một người lái tắc-xi tên là Hlabeni. Để tôi ăn vài miếng đã rồi chúng mình đi tìm.
Ăn xong rồi, Msimangu đi kiếm một người hỏi thăm xem làm sao tìm được chú Hlabeni, lái xe tắc-xi. Người đó đáp:
- Chú ấy ngồi trong xe tắc-xi, ở góc đường kia kìa.
Msimangu tiến lại phía xe tắc-xi, chào người ngồi trong xe.
- Chào chú.
- Kính chào Umfundisi.
- Tôi kiếm xe tắc-xi đây. Từ đây về Johannesburg, chú tính bao nhiêu? Tôi đi với một ông bạn nữa.
- Umfundisi đi thì tôi xin mười một si-linh.
- Đắt thế.
- Chiếc xe khác sẽ đòi Umfundisi mười lăm hay hai chục si-linh.
- Ông bạn tôi già và mệt. Tôi sẽ trả giá đó.
Chú ta tính cho rồ máy thì Msimangu bảo khoan đã:
- Người ta bảo tôi chú có thể chỉ chỗ cho tôi kiếm một thanh niên tên là Absalom.
Lần này cũng vậy, chú ta có vẻ sợ hãi rõ rệt. Nhưng Msimangu vội vàng nói cho chú ta yên tâm:
- Tôi kiếm chú không phải để gây chuyện lôi thôi cho chú đâu. Tôi hứa với chú rằng tôi không làm chuyện gì lôi thôi cho chú hoặc cho tôi đâu. Nhưng ông bạn tôi, già và mệt rồi, chính là thân phụ của thanh niên đó và từ Natal lại đây tìm con. Chúng tôi đi hỏi thăm nơi nào người ta cũng bảo, thanh niên đó đã đi chỗ khác rồi và ông bạn già của tôi lo lắng lắm.
- Vâng, tôi biết thanh niên đó.
- Bây giờ cậu đó ở đâu, hở chú?
Tôi nghe nói anh ấy đã đi Orlando và sống ở đó với bọn vô gia cư tại Shanty Town (3). Tôi chỉ biết vậy thôi.
Msimangu bảo:
- Khu Orlando rộng lớn mà.
- Nhưng xóm bọn vô gia cư thì không lớn lằm, Umfundisi. Có những nhân viên ở toà thị chính làm việc với họ và biết mặt họ hết. Umfudisi có thể hỏi thăm các nhân viên ấy.
- Lời khuyên của chú giúp tôi được nhiều đấy. Tôi có quen vài nhân viên trong số đó. Bây giờ chú chở chúng tôi đi nào.
Ông ta gọi Kumalo lại, bảo đi về bằng tắc-xi. Họ leo lên xe và chiếc xe lạch cạch chạy ra khỏi Alexandra, tới con đường cái rộng đưa từ Pretoria về Johannesburg. Lúc đó đã xế chiều, con đường chật xe cộ vì là giờ người ta đổ về Johannesburg hoặc ở Johqnnesburg đổ ra ngoại ô.
- Huynh nhìn xem những chiếc xe đạp kìa. Có mấy ngàn người ở Alexandra tan sở về nhà, và chúng ta sắp thấy mấy ngàn người nũa đi bộ vì tẩy chay xe buýt.
Quả nhiên, một lát sau thấy hai bên lề đường người đi bộ chen chúc nhau. Họ đông tới nỗi lấn xuống cả mặt đường và xe cộ phải chạy chầm chậm lại. Có những người già cả, có những người mệt mỏi và có cả những người tàn tật nữa như người ta đã để cho nghe, nhưng hầu hết đều kiên nghị bước và họ chịu cực như vậy tới nay đã được mấy tuần rồi. Nhiều người da trắng ngưng xe lại, đón họ cho đi nhờ về Alexandra.
Khi xe ngừng lại ở một chỗ đèn đỏ, hai vị mục sư thấy một cảnh sát công lộ hỏi một người da trắng có giấy phép chở người da đen không.
Người da trắng đáp:
- Tôi chở giùm họ, không lấy tiền.
- Nhưng ông vẫn là chở khách trên một lộ trình của xe buýt.
- Vậy thì cứ đưa tôi ra toà.
Đèn xanh bật lên, chiếc tắc-xi tiếp tục chạy và hai vị mục sư không được nghe nốt.
Msimangu bảo:
- Tôi đã nghe nói. Nghe người ta bảo rằng họ kiếm cách ngăn cản người da trắng chở giúp chúng ta và họ còn định đưa những người da trắng này ra toà nữa.
Trời đã tối, nhưng con đường vẫn còn chật những người trở về nhà ở Alexandra. Và vẫn còn nhiều chiếc xe ngừng lại cho họ lên, nhất là các người già cả, các phụ nữ và các người tàn tật. Kumalo nở một nụ cười, một nụ cười kỳ dị, khắp thế giới không đâu có, nụ cười của một người da đen khi thấy một người đồng chủng được một người da trắng giúp đỡ ở chỗ công cộng, vì việc đó đâu phải dễ dàng. Ông ta mải trầm tư cho nên giật mình khi Msimangu thình lình nói lớn tiếng:
- Thật quá sức tưởng tượng, huynh ạ.
- Cái gì quá sức tưởng tượng?
- Không, nói thực ra tôi không ngờ được chuyện đó.
Msimangu ngồi thẳng người lên, đầm mạnh vào ngực, nói:
- Cứ, đưa tôi ra toà đi.
Kumalo ngạc nhiên ngó bạn. Msimangu bảo:
- Cái đó quá sức tưởng tượng của tôi.




1. Cũng gọi là Bantu, một bộ lạc ở Phi châu.
2. Một số người Afrikaaner muốn dùng tiếng đó theo nghĩa rộng, trỏ tất cả những người da trắng ở Nam Phi nhưng nghĩa này chưa được mọi người chấp nhận.
3. Shanty Town là ấp nhà lá.
lynhanson
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $5,880
Posts: 492
Joined: 07 Nov 2005
Location: usa
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng lynhanson từ: Morgans, Mười Đậu

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 62 guests