Giang Hồ Blog - An Bình Minh

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Giang Hồ Blog - An Bình Minh

Postby vnguyencong » 25 Oct 2007

Giang hồ blog

An Bình Minh


Tan sở. Khác với mọi ngày, Dũng vừa dắt xe ra cổng đã thấy vợ đứng chờ. Mọi khi đâu có vậy. Dũng nổ máy mà Vinh vẫn rề rà, cười đùa với người này, người kia chán rồi mới chịu ra. Cái đặt người ngồi lên sau xe hôm nay cũng khác, nặng như bao gạo.

Quãng đường gần ba cây số về nhà, Dũng và Vinh, không ai nói với ai lời nào. Biết rồi. Chiến tranh sắp nổ ra đây. Mà nguyên nhân Dũng cũng không lạ. Tất cả chỉ tại blog.

Nhờ làm cùng cơ quan, Dũng và Vinh sớm tối đi về có nhau. Họ là hình mẫu một đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc vì tâm đầu ý hợp, may mắn nhờ cuộc sống sớm ổn định… Đến sau bữa cơm nhạt nhẽo thì cuộc giao tranh bắt đầu. Như thường lệ, Vinh nắm quyền khai hỏa.

- Lánh xa mấy cái trò bốc biếc đi. Đừng có thấy chó sủa, người cũng sủa - Rõ ràng là vũ khí hạng nặng đã được sử dụng ngay từ phút đầu tiên.

- Cô có dám nói câu này ở công ty không? - Dũng không nhân nhượng. Cũng ngay phút đầu tiên chiến tuyến “ta địch”: cô và tôi được xác lập

- Sợ gì. Nhưng mà để yên cho người ta làm ăn.

- Ai làm gì?

- Này! Anh đừng giả ngây, giả ngô. Cái bọn viết blog đang làm loạn cơ quan đấy.

Thế này thì quá lắm. Tưởng cùng màu cờ sắc áo. Ai ngờ ăn phải bả mấy cha lãnh đạo.

- Ai làm loạn cơ quan? - Dũng trợn trừng.

- Anh tự hỏi lấy - Vinh hạ giọng.

- Đến cô mà cũng vậy. Đúng là gà què ăn quẩn cối xay - Dũng chua chát, chẹp miệng, than. Im lặng bỗng bao trùm. Căn phòng trống rỗng như không có sự sống.

Vinh là người hiền lành. Cãi nhau, ác khẩu, nhưng không nhiều lời. Viên đạn tử thủ do Dũng bắn ra vu vơ, không ngờ trúng chỗ hiểm, khiến Vinh không phản ứng nổi, đành cuộn chăn, úp mặt nằm vào sát tường. Khoảng cách cô - tôi ở đầu cuộc giao tranh đã mặc nhiên xác lập vị trí lúc hưu chiến: Một ở trong buồng ngủ, một ra phòng khách. Chuyện nhỏ. Bài này là của các cụ ngày xưa; chứ thời nay, kênh HBO, Sport phát suốt đêm. Lâu lâu, được bữa xem tivi rồi ngủ gà, ngủ vịt trên xalông cũng là cái thú.

* *

*

Đúng là từ ba tháng nay, cơ quan Dũng loạn lên vì blog thật. Thoạt đầu là hai chục blog lành mạnh, đúng với tính chất là nhật ký điện tử thuần túy, tâm sự và mô tả cảnh gia đình, bạn bè, con cái. Nhưng blog là nhật ký cá nhân mở và tính cộng đồng là đặc trưng ưu việt của nó, rất rộng và rất sâu. Đã “thiết kế” một ngôi nhà blog là hàm ý “cửa mở - mời vào” để mong có nhiều người đọc, chia sẻ. Và muốn có nhiều người đọc thì blog không thể cà kê mãi chuyện sinh hoạt của gia đình, mà phải viết những điều hấp dẫn, liên quan đến đời sống cộng đồng. Thế là từ những chuyện kể về chuyến tắm biển, tổ chức sinh nhật của vợ chồng bạn bè…, blog chuyển sang vấn đề thời sự ở doanh nghiệp: Chuyện, một anh chánh văn phòng mạt sát các nhân viên ban thương hiệu thị trường “uống trà gì mà uống lắm thế, một ban mà uống bằng cả công ty”. Chuyện, nhắc lại việc một nhân viên marketing bị “hót đất đổ đi” vì ăn chia tiền hoa hồng không sòng phẳng…

Cứ tưởng chuyện đơn giản. Nhưng liền đó, xuất hiện phản ứng đôminô. Hàng loạt comments (tiện ích bình luận giữa các blogger) hưởng ứng, chia sẻ, kể tội những người “có tý chức quyền, coi thường quần chúng”. Cho đến lúc này thì blog cũng chỉ chủ yếu là nói dè dặt, xa xôi về vài sự việc có chứng mà không có lý. Nhưng khi xuất hiện một blog có tên Thất trảm sớ, viết theo văn phong của truyện chưởng, cực kỳ bay bướm, hấp dẫn thì sự việc khác hẳn. Thất trảm sớ lên mạng vạch mặt một lúc ba ban tiếp thị, quảng cáo, khai thác khách hàng là đội giá dịch vụ, khai thấp doanh số để chia nhau… Ghê thật, blogger này tự nhận mình là Chu Văn An, dâng sớ đòi chém đầu 7 tên quan tham đây. Ngay tức khắc, Thất trảm sớ được các blogger cổ vũ nhiệt liệt.

Có thể hiểu sự cổ vũ đã phản ánh nhu cầu thông tin của các blogger. Và nhu cầu này nhanh chóng được đáp ứng. Năm ngày sau, blog mang tên Lưu Dung xuất hiện đã tạo ra cơn địa chấn làm rung chuyển khu cả nhà 5 tầng văn phòng công ty. Chỉ mới 7 giờ sáng, cả cơ quan đã xì xầm, bàn tán. Thâm thúy đến thế là cùng. Lưu Dung, chính là Tể tướng Lưu gù, quê ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), nổi tiếng thông minh, chính trực, dám vạch mặt bọn quan tham, đứng đầu là Hòa thân. Và quả là không hổ danh tể tướng, ngay bài đầu tiên, ông ta (là cứ nói vậy chứ đâu có biết ông hay bà) đã thẳng thắn đề cập đến hai nguyên nhân vì sao công ty ta loạn. Theo Lưu Dung thì, một là do hệ thống tham mưu bất tài đang khuynh đảo, coi anh em như rơm, như rác. Hai là, không một thủ trưởng nào chí cốt, sống chết với công ty. Ai cũng có “đường binh” riêng của mình. Công ty chỉ là bước đệm, nơi các thủ trưởng ghé qua vài năm chờ một con đường thăng tiến khác cao hơn, yên ổn hơn… Chao ôi! Lập luận đến thế thì đầu óc Lưu Dung quả là không phải tay vừa. Tư duy kiểu này không thể là lính lác. Phải là một người trong hội đồng kinh doanh của công ty mới nghĩ nổi.

Thế là chẳng ai bảo ai, tất cả thi nhau phân tích, truy tìm hung thủ. Không phải cơ quan điều tra, song xem ra ai cũng có năng khiếu lập chuyên án. Thói đời vẫn vậy, một mất mười ngờ. Có đến ngót chục anh, chị được đưa vào danh sách nghi can. Thằng H ra vẻ cặm cụi đọc báo, nhưng vẫn dỏng tai nghe ngóng, cấm có lọt câu nào. Biết đâu chính là nó. Còn thằng Lý chim chích nữa, tủm tỉm cười, trẻ người những chắc gì đã non dạ. Nó chứ ai. Lại thằng Khải còi kia kìa. Nó đã từng được đường phố đào tạo, thuở nhỏ phải đi bán báo, không học một trường lớp vi tính nào, nhưng tay nghề của nó trong công ty chưa ai theo kịp. Thằng ấy chứ ai. Và kia nữa chứ, cái lão Chí trưởng bộ phận khai thác khách hàng, từng mơ chức phó tổng giám đốc, khẩu khí của lão giống hệt Thất trảm sớ. Lão ấy chứ ai. Nhưng cha Tung trưởng bộ phận marketing cũng là người không thể bỏ qua. Một tuần lão đi Singapore thì Lưu Dung tịnh không thấy bài nào lên blog. Lão về hôm trước, hôm sau lập tức xuất hiện một entry chửi lãnh đạo rất độc địa,. Lão đó chứ ai… Cứ trông cái dáng đi, tướng ngồi, cái ánh mắt nhìn, cái nghiêng đầu lắng nghe của bọn họ thì anh nào cũng giông giống Lưu gù và Thất trảm sớ cả.

Nhưng chưa kịp tổng hợp, quy nạp để lọc ra hình bóng Lưu Dung thì đùng một cái, xuất hiện blog mới, mang tên Sherlock Holmes. Không như Lưu Dung, đề cập đến thực trạng một cách chung chung, cái anh thám tử Sêlốc Hôm này chỉ ra cụ thể tên tuổi từng người, gắn với từng phần việc “gây hậu quả nghiêm trọng”. Ai là người chịu trách nhiệm về “chính sách hà khắc” của công tác tổ chức.

Ai là người dung kẻ nịnh bợ, trù dập kẻ ngay thẳng. Ai là người bất tài, nhưng lại tham vọng lớn. Ai là người dúng tay vào bất cứ công việc gì thì việc ấy hỏng, làm lỗ hàng trăm triệu đồng. Ai là người ăn chia không sòng phẳng, phần dễ nhận về mình, khó thì đùn đẩy… Cái anh thám tử này xuất thân từ nền công nghiệp phương Tây có khác, hơn hẳn bác tể tướng vốn sinh ra từ nền văn minh lúa nước.

Đúng là loạn thực sự. Không khí công ty u uất, xào xáo. Nỗi lo lắng trùm khắp từ lãnh đạo đến nhân viên. Sếp thì lo giữ mồm, giữ miệng, lỡ một lời là có thể bị hai thằng Lưu Dung, Sêlốc Hôm sao y, quẳng lên blog như bỡn. Lính thì lo tình ngay lý gian, ai cũng cố chứng minh mình ngoại phạm. Mặc dù tất cả bọn họ đều hoan hỷ đọc không sót một chữ nào của Lưu tiên sinh và Sêlốc Hôm thám tử, nhưng lại khéo léo giấu kín trạng thái tình cảm với hai blogger này.

Có vẻ như tai mắt bác tể tướng và chàng thám tử có ở khắp nơi. Không cái gì họ không biết. Đến ngay cả cuộc họp của ban giám đốc, mở rộng đến bí thư thanh niên và chủ tịch công đoàn để bàn biện pháp truy tìm kẻ quấy rối; bí mật là thế mà ngay hôm sau, trên blog Sêlốc Hôm đã có hàng chữ: “Treo thưởng đầu Bin Lưu gù 50 triệu USD”. Và sáng hôm sau nữa, trên blog Lưu Dung xuất hiện một bài viết dài với tựa đề: “Ai là Lưu Dung”.

Trong bài viết này, lão tể tướng đưa ra một lô giả định. Tất cả các cán bộ trưởng phó phòng ban đều trong tầm ngắm, đại loại: Lưu Dung có thể là anh N giám đốc tổ chức sự kiện, bất tài nhưng nhiều tham vọng. Nay bất mãn, quậy phá chơi.

Lưu Dung có thể là ông Y trưởng ban khai thác thị trường, tuy có năng lực, nhưng hỏng ăn nhiều phi vụ béo bở; biết chẳng có chỗ thăng tiến nên lao ra phá phách. Lưu Dung có thể là bác G, hay châm chọc, lâu nay vì không được phân công công việc gì cụ thể, nên nhân lúc này lên blog “xả xupắp”.

Cứ thế, mỗi người chỉ có một vài dòng ngắn gọn, nhưng tóm tắt đặc điểm khá sâu sắc, hệt như cái phích nhận định, đánh giá về tâm tính, sở trường, xu hướng tinh thần và ham muốn vật chất của nhân viên tình báo, được lưu trong tàng thư mật. Một lần nữa, cả công ty lại như vỡ lẽ, cùng chung một nhận đinh: Thấy chưa. Người bình thường đâu đủ tư cách là Lưu gù. Có vẻ như hình bóng của hai tên Lưu gù, Sêlốc Hôm đang dần dần lộ rõ chân tướng.

Đây cũng là lúc hình thành thế trận mới. Không thể để blog đen mặc sức quậy phá, muốn làm gì thì làm, hàng loạt blog hồng ra đời đã làm thay đổi tương quan lực lượng trong giới blog. Để tỏ rõ lòng trung thành, các blog hồng này nhảy ra chiến đấu với Lưu gù, Sêlốc Hôm, Thất trảm sớ. Họ gọi những blog đen là hắc đạo hèn nhát. Sao chửi bới công ty, chê thu nhập thấp, chê cung cách đối xử kém mà không dám dũng cảm cút khỏi doanh nghiệp…

Không hiểu họ lấy đâu ra ngôn từ sắc sảo để đẩy cuộc tỷ thí đến độ quyết liệt, nặng ký đến thế. Bình thường hội họp, học tập thì họ im như thóc, nói năng ấp úng như ngậm hột thị. Làm đề án chương trình quảng bá, tiếp thị, tổ chức sự kiện thì cạy không ra chữ. Thế mà bây giờ họ thật thông tuệ. Mọi thứ trên trời dưới biển, từ thiên văn, địa lý đến văn hóa, lịch sử, họ đều thuộc làu, vận dụng vào cuộc công kích rất thấu tình, đạt lý.

Đến đây thì giới giang hồ blog của công ty chính thức ra đời. Giải thích về tên gọi giang hồ blog, có nhiều trường phái. Nhưng xem ra cách định nghĩa, căn cứ đặc tính của giang hồ sau đây là có vẻ hợp hơn cả: Giang hồ là kẻ lang thang (trên mạng), thoắt ẩn, thoắt hiện, anh hùng đại hiệp, thấy chuyện bất bình không thể làm ngơ.

Giang hồ là bất phân cao thấp, theo đuổi sự nghiệp đến cùng... Chả thế mà dịp này, một blog đã lên tiếng kêu gọi: “Hãy đại hiệp, dũng cảm. Giữ đạo văn minh Net; điểm (huyệt) đâu trúng đó, đừng ném đá giấu tay, bôi bẩn bản tính cao đẹp của giới giang hồ blog”.

Nhưng hung hăng và sắc sảo hơn cả trong số các blog hồng, phải kể đến blog Tấn bò tót. Bò tót là biệt hiệu do đồng nghiệp đặt, dựa vào tính hiếu động, ăn to nói lớn, đi đâu cũng huỳnh huỵch, huỳnh huỵch của Tấn. Đã thế Tấn lại hay vặn mình. Người đứng cạnh không né kịp ăn nguyên cái cùi chỏ là chuyện thường. Chỉ trong hai ngày, Tấn bò tót phát hành liền bốn bài chửi Lưu Dung. Giọng điệu uyển chuyển, dĩ nhu trị cương, Tấn bò tót đòi Lưu Dung phải cung cấp chứng cớ về những người gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu không là vu khống.

Và Tấn thách thức, “có chính trực thì hãy xưng danh, đừng lẩn quất lợi dụng chốn thâm sơn cùng cốc mà ra đòn vụng trộm, làm hổ danh giới giang hồ blog”. Nhưng Lưu Dung đâu phải tay vừa. Lập tức trả đũa, phóng lên blog hàng tít: “Nhân sự mới”, bên dưới là hình một chú bò tót đang lồng lộn trên sân đấu. Ở huyệt u vai của con bò bị cắm năm sáu mũi giáo, máu chảy lênh láng…

Phối hợp tác chiến cùng với các blog hồng anh dũng, nghe đồn, lãnh đạo công ty cũng đang rốt ráo tìm biện pháp phanh phui tung tích của đám Lưu Dung, Sêlốc Hôm, Thất trảm sớ... Về nguyên tắc kỹ thuật, nhà cung cấp phần mềm có đủ khả năng để phăng ra những blogger đen, lợi dụng mạng gây hại cho cộng đồng. Muốn vậy phải nhờ bên an ninh can thiệp.

Song cũng không dễ. Với an nình thì chưa chắc chuyện này đã đáng để họ ra tay. Còn nhờ háckơ áo trắng thì chẳng khác gì dụng con dao hai lưỡi. Mướn kẻ đâm thuê chém mướn để hạ sát kẻ thù của mình, rất dễ mang nợ, phụ thuộc suốt đời.

Hơn thế, một khuyến cáo mang tính chuyên môn, đã khiến lãnh đạo công ty phải cân nhắc, đó là: Giết một blogger chẳng khác nào như chặt đầu Phạm Nhan. Chặt đầu này, nó mọc ra đầu khác. Biết đâu ba thằng Lưu Dung và Sêlốc Hôm, Thất trảm sớ chẳng qua chỉ là những cái xúc tu của một con bạch tuộc. Phương sách tạm thời là đi với ma mặc áo giấy. Về nhà bảo con mình làm cho cái blog để chui vào đọc.

Nhưng hại thay, kể từ khi có blog này thì giang hồ blog như được khích lệ, thi nhau lên diễn đàn. Tất cả bài viết đều được soi mói, bình luận. Như cái blog của anh chàng Viễn chẳng hạn. Bài của anh là “Voi ăn bí đao”; kể chuyện bên Lào, mỗi khi voi động đực người ta chỉ cần treo một cần xé bí đao vào cổ, voi cuộn vòi xơi hết thì dịu cơn cuồng, hiền như vịt. Ấy vậy mà ngay sau đó, các blogger đã tấm tắc khen thâm thúy. Có người còn khích lệ: “Hãy cứ nói thẳng. Trình độ như anh việc gì phải vòng vo”. Mặc cho Viễn thanh minh chuyên thật, không hề có cạnh khóe, vẫn chẳng ai tin. Ngôn tại ý ngoại, lừa sao được giang hồ blog.

Nhưng việc xuất hiện các blog hồng chưa hẳn là có lợi. Đúng hơn là lợi bất cập hại. Như được khích lệ, chính các đối thủ đã tạo ra đề tài, niềm hứng khởi để các blog đen tiếp tục lên tiếng. Bởi thế, việc lãnh đạo chui vào blog chẳng khác nào một sản phẩm sai lầm cộng thêm. Độ khốc liệt của cuộc giao tranh giữa hai “môn phái blog” càng tăng khi họ biết có blog của lãnh đạo trà trộn. Tất nhiên cũng là blog nặc danh thôi, nhưng nhìn blog của lãnh đạo thì biết ngay. Nó câm lặng, trống trơn, ngây ngây dại dại thế nào ấy. Thế mới biết ứng xử với blog không phải là một việc dễ dàng.

Đến cái phản ứng của ông K, phó tổng giám đốc thì điều này một lần nữa được chứng minh. Số là một bài viết của Lưu Dung vạch ra 5 tội của ông K, đã khiến ông không thể ngồi yên. Bỏ qua cả quy tắc “hết sức kiềm chế” mà ban lãnh đạo đã đề ra trong kế sách ứng xử với blog, ông phó tổng nhảy vào cuộc chiến. Ông gửi cho Lưu Dung một bài dài với lời thanh minh mềm dẻo, nhưng vẫn giữ được khí phách của cây ngay không sợ chết đứng.

Nhưng đến cái đoạn cuối thì ông phó đã giáng cho Lưu Dung một đòn cực hiểm. Ông viết: “Bác Lưu gù ơi. Gánh nặng cuộc đời đã khiến tấm thân bác không còn thẳng thớm. Nay bác sắp nghỉ rồi, hãy yên ả cho tâm hồn thanh thản. Bác quậy phá làm gì để tấm lưng gù thêm ốm yếu, làm sao gánh đặng quãng đời ngắn ngủi còn lại…”.

Viết thế thì đích thị là ám chỉ ông Huyến rồi còn gì. Ông Huyến chính là tể tướng Lưu gù chứ ai. Cơ quan này sắp nghỉ hưu thì còn ai ngoài ông Huyến. Nếu không phải ông Huyến thì đời nào ông phó tổng giám đốc lại gọi blogger đen này bằng bác một cách kính trọng như vậy.

Chả hiểu đòn này có nặng ký không mà bác Huyến ủ rũ suốt mấy ngày trời. Đành rằng trâu già không sợ dao phay, nhưng bị đập búa đinh vào gáy oan uổng như thế thì dẫu nhẹ cũng ắt phải lăn đùng, té ngửa. Nhưng chuyện cũng không chỉ có thế. Chỉ vài tiếng sau, bài viết của ông phó tổng đã gây một phản ứng đa chiều trong làng blog công ty. Người ghét ông phó được thể làm um lên. Họ bảo ông phó hồ đồ, trông cây tưởng rừng.

Họ kiện lên bà chủ tịch công đoàn, ai lại đối xử với người già, sắp hưu như vậy. Với một người hiền lành như ông Huyến mà ông phó còn thế, thì với anh em, sao? Đã thế, lại thêm mấy thằng trẻ ranh, chẳng hiểu thương hay ghét mà dám công khai bày tỏ sự lo lắng, thương hại. Có đứa còn nhe răng cười, ra chiều chia sẻ, vuốt vuốt, đấm đấm nhẹ nhẹ lên lưng bác Huyến. Ý chừng chúng muốn bảo, để cháu matxa cho bác đỡ ê lưng sau cú đập của ông phó tổng.

---------------------

Ai đã từng nói, công nghệ thông tin làm thay đổi thế giới. Đúng thật. Các sản phẩm của công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ đến mọi thành tố của xã hội, từ kinh tế, khoa học, đến chính trị, xã hội. Thậm chí nó còn bổ sung một phương thức hữu hiệu và loại hình hoạt động mới cho sự nghiệp phục vụ an ninh quốc gia. Những kỹ năng cậy tủ, nghe trộm điện thoại, đánh cắp giấy than đã không còn là biện pháp hoạt động thông dụng. Khỏi có chuyện trà trộn, đột nhập vào lãnh địa của đối phương với nỗi lo bị lộ tẩy, bị bắt bớ, bị trục xuất và trao đổi con tin… Nay là tình báo công khai.

Công nghệ thông tin cho phép ta thoải mái “lang thang” vào mọi ngõ ngách của đối phương với nguồn thông tin vô cùng giá trị. Này nhé, ví dụ thế này chẳng hạn: Chỉ cần ngồi một chỗ với vài cú gõ gõ, vài cái “nhấp chuột” là ta sẽ có được những con số về giá cả, sản lượng càphê (hoặc một sản vật gì đấy) của đối tác: Năng lực xuất khẩu, lượng dự trữ, hoặc tồn kho… tình hình thiên tai; khó khăn, thuận lợi đối với người gieo trồng…; Với một lượng thông tin phong phú, việc đề ra chính sách tương ứng để hạ nốc ao đổi tác trở nên quá đơn giản. Trong cuộc giao tranh ngày nay, ai nắm được thông tin kẻ đó thắng.

Cho đến cái anh blog thì công dụng của công nghệ thông tin được phát huy tối đa. Trượt theo “thế giới phẳng”, blog vào tận nhà, là bạn thân thiết của lớp trẻ, tạo ra hiệu ứng hai chiều cho xã hội, tốt và xấu. Mối giao lưu, lời bình, khích lệ rất nhanh, một phút có thể hàng chục, hàng trăm ngàn người đọc; điều mà không phương tiện truyền thông nào làm được.

Vì thế, nỗi lo của Vinh không phải vô cớ. Văng miểng dẫn đến cái chết oan uổng là điều vô lý mà ai cũng phải sợ. Và nó đã xảy ra. Đến ngay cái chú Tấn bò tót, một blogger hồng đầy dũng khí cũng bị dính đạn. Đúng là không ai ngờ được sự suy diễn phong phú của người đời. Đùng một cái có tin: Lưu gù không phải ai xa lạ, chính là thằng Tấn bò tót. Thằng Tấn là điệp viên song trùng.

Thằng Tấn cơ hội, chính nó lập blog nặc danh lấy tên Lưu gù, rồi cũng chính nó lên mạng, chiến đấu với tể tướng Lưu gù và Sêlốc Hôm. Nó làm một lúc được ba việc: Chửi lãnh đạo cho sướng cái bụng, đưa bao nhiêu người vào nghi can và được đánh giá là trung thành, dũng cảm. Đến chuyện này thì blog quả là lợi hại. Anh có thể viết thư nặc danh để chửi giám đốc, rồi sau đó lại viết thư (bằng tên thật) để đả phá cái thư nặc danh, bênh vực giám đốc được không? Thế mà với blog thì được. Vô tư.

Tuy không nhận được phản ứng nào từ ban giám đốc, nhưng mặc nhiên Tấn bò tót có cùng thân phận như bác Huyến. Trước hứng khởi bao nhiêu thì nay xìu xuống bấy nhiêu. Có tin đồn Tấn đang tìm chỗ làm khác. Nhưng điều sau đây mới thật bất ngờ: Từ khi Tấn bò tót bị văng miểng, các blogger hồng cũng tịt ngòi. Chẳng ai còn tâm địa đâu mà lao vào chiến đấu với tể tướng, chàng thám tử và ông Thất trảm sớ. Gương của Tấn bò tót sờ sờ ra đấy thôi. Và rồi như một phản ứng dây chuyền, các blogger hồng rút khỏi cuộc chiến thì các blogger đen dường như cũng mất hứng.

Không có đối thủ, như gió thổi đồng trống. Chiến trường dịu xuống, bầu trời phía trên sân thượng trụ sở công ty bỗng nhiên trong veo, làng blog trở lại yên ả, thanh bình... Hình như đã đến hồi kết thúc; hơn một tuần nay không thấy các blog đen tung chưởng. Nhưng cũng vẫn phải cảnh giác. Ban giám đốc thận trọng bảo nhau. Anh Chí Phèo ngày xưa chỉ vì uất ức khi không có người chửi lại, đã chẳng vác dao đến nhà Bá Kiến gọt cạnh bàn gỗ lim đấy thôi.

Riêng với vợ chồng Vinh thì đoạn kết là một câu chuyện có hậu. Nghe vợ, Dũng lánh xa blog. Anh chỉ mở máy tính khi có công việc chung và thật cần thiết. Họ vẫn cùng nhau sáng đi tối về. Giữ đúng nguyên tắc không để nhân vật thứ ba xen vào làm ảnh hưởng quan hệ phu thê nồng thắm.
- Download Mediafire

viewtopic.php?t=130014#p759400

- Xử án link Mediafire

viewtopic.php?t=130014#p764014
User avatar
vnguyencong
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,801,991
Posts: 7105
Joined: 26 Sep 2007
 
 

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 76 guests