Chút Phận Linh Đinh - Hồ Biểu Chánh

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Chút Phận Linh Ðinh - Hồ Biểu Chánh

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Chút Phận Linh Ðinh

Tác Giả: Hồ Biểu Chánh


Cảm tác từ En famille của Hector Malot)
Hiển Vinh và Thu Vân yêu nhau khi còn học ở Sài Gòn. Thu Vân có con với Hiển Vinh. Hiển Vinh xin cưới nàng, nhưng cha là ông Hội đồng Ðạt, vì quan niệm cổ hủ, không chấp thuận. Hiển Vinh buồn ra Hà Nội học và đem theo vợ con, nhưng Thu Ba, đứa con gái đầu lòng bị mắc bịnh bất ngờ nên phải ở lại Sài Gòn nhờ chị * Hai Thình tạm giữ và sẽ đem ra Bắc sau khi hết bịnh. Ở Bắc Thu Vân sanh thêm Thu Cúc; Hiển Vinh tốt nghiệp trường thuốc và xin ở lại Hà Nội làm việc. Thời gian sau Hiển Vinh muốn qua Pháp học thêm bằng bác sĩ với hy vọng cha sẽ tha thứ.
Chiếc tàu chở Hiển Vinh sang Pháp bị tàu lặn Ðức bắn chìm, hành khách không ai sống sót, Thu Vân buồn rầu đem con vào Nam, tính giao nó cho cha chồng nuôi rồi sẽ chết theo chồng. Vô tới Sài Gòn, Thu Vân tìm Thu Ba bị thất lạc và tình cờ gặp lại Hai Thình. Hai Thình cho biết Thu Ba đã bị đem bán cho người khác. Thu Vân buồn nản bị bịnh nên tạm ở nhà Hai Thình để tiếp tục tìm con, nhưng bị vợ chồng Hai Thình gạt lấy hết của cải.
Cuộc sống linh đinh của hai mẹ con bắt đầu từ đó.
Thu Vân dẫn Thu Cúc về quê chồng để giao cho ông Hội đồng nuôi dưỡng. Nhưng hai mẹ con sợ ông còn giận nên tạm xin vào làm ở lò gạch của ông để chờ cơ hội tốt thổ lộ. Tại đây Thu Cúc khám phá ra nhiều bí mật…
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng lazyboy từ: Mười Đậu

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Chúc Phận Linh Ðinh
I
Lỡ bước thương người không dám ngó
Nhớ lời cám nghĩa phải làm khuây
Mùa thu vừa qua, mùa đông đã tới. Cỏ đổi xanh ra đỏ, cây rụng lá phơi nhành. một buổi sớm mai chúa nhựt, ở Hải Phòng bầu trời mù mịt, gió phất lạnh lùng. Mưa phùn phay pháy, cảnh thêm buồn, đường sá bầy lầy đi lấm cẳng. Người đi chợ, tay xách giỏ, tay dấu trong vạt áo, bươn bả bước mau cho bớt lạnh; sắp xa phu, mình mặc áo tơi, đầu đội nón lá, nghễu nghến ngoài đường mà rước khách.
Đồng hồ gõ 11 giờ. Đường từ chợ xuống bến tàu thiên hạ đi dập dìu. Kẻ đi bộ thì choàng áo lạnh, tay che dù, người đi xa thì ngồi trong mui, mình phủ bố[1]. Đã vậy mà còn có kẻ vác rương mà chạy. Xe chở hàng, bánh lăn rầm rầm chen lấn giành nhau đi trước, làm cho người đi bộ phải nép hai bên lề mà tránh.
Tại bến tàu đi Tây, thiên hạ lại còn lao nhao lố nhố hơn nữa: đầu nầy máy cất hàng lên tàu quây tiếng rầm rầm, đầu nọ kẻ khiêng rương lên thang kêu nhau hè hụi.
Trên bờ thì đàn bà bồng con đứng chung với mấy ông già chống gậy. Mỗi người đều chong mắt ngó xuống tàu; dựa mé sông thì trẻ trai chen lấn với đàn ông, chộn rộn chàng ràng giành nhau đứng trước.
Chiếc tàu ở Hải Phòng sửa soạn trở về Tây nhúm lửa khói lên nghi ngút. Những người giàu sang mua giấy đi Pháp đã đem hành lý xuống rồi nên ra đứng chống tay lan can mà chơi. Phía trước mũi có mấy trăm lính đã xuống tàu từ hồi sớm mai, nên đứng lóng nhóng ngó lên bờ, kẻ chỉ chỏ vui cười, người lấy khăn lau nước mắt. Trời càng trưa thiên hạ xuống tàu càng thêm đông. Cách một lát thấy có 4 cái xe kéo chạy xuống nữa. Cái xe đi trước không có ai ngồi duy chở cái rương lớn trên nắp có đề nhãn như vầy:

Monsieur LÊ HIỂN VINH
Médecin auxiliaire
Marseille
Cái xe kế đó thì có một người ngồi. Chừng xe ngừng, mở tấm bố phủ rồi người ấy bước ra, thì thấy một người đàn ông trạc chừng 32 hoặc 35 tuổi, mặt mày sáng láng, bộ tướng gọn gàng, đầu đội nón nỉ màu xám, mình choàng áo mưa màu "nu", không rõ mặc áo gì. Nhưng mà thấy lòi hai ống quần ra thì biết y phục toàn bằng nỉ xám.
Ai thấy cái rương lớn cũng đều ngó mà hễ ngó thấy nhãn đề trên nắp rương rồi thì tự nhiên biết người ấy tên là Lê Hiển Vinh.
Cái xe tới sau nữa lại có một người đàn bà ngồi với một đứa con gái nhỏ chừng 12 tuổi. Người đàn bà nầy với đứa con nhỏ đều mặc áo lạnh, song y phục tầm thường chớ không phải đồ tốt, mà gương mặt coi không được vui. Còn cái xe sau chót thì một tên gia đinh vạm vỡ ngồi, xe vừa ngừng nó liền nhảy xuống rồi lật đật chạy phụ với tên xa phu tới trước đó mà khiêng cái rương đem xuống.
Lê Hiển Vinh tay dắt con gái, miệng kêu tên gia đinh ấy mà hỏi rằng:
- Em biết phòng của qua không?
- Dạ con biết. Cái phòng số 7, ông chỉ cho con hồi sớm mai đó phải không?
- Ừ, phải. Em biểu sắp xa phu khiêng rương xuống trước đi rồi em ở dưới tàu chơi mà coi chừng. Chừng tàu gần chạy qua xuống rồi em sẽ lên.
- Vâng.
Tên trai ấy phụ với hai đứa xa phu khiêng rương lên thang. Đứa con gái mới hỏi Lê Hiển Vinh rằng:
- Bây giờ mấy giờ đó ba?
Lê Hiển Vinh móc đồng hồ trong túi ra coi rồi đáp rằng:
- 11 giờ 3 khắc!
Người đàn bà đi chung một lượt hồi nãy đó là Đoàn Thu Vân vợ của Hiển Vinh, mới bước lại gần mà nói rằng:
- Tàu một giờ mới chạy, nếu vậy thì mình còn nói chuyện chơi được hơn một giờ nữa.
Lê Hiển Vinh day lại cười, rồi cúi xuống ôm mặt con mà hun chụt chụt và dặn rằng:
- Ba đi rồi, con ở nhà phải ráng mà học, chớ đừng có ham chơi nghe hôn con. Má con dạy biểu con phải nghe lời, nếu con cứng đầu cứng cổ, ba giận không thèm về nhà đa.
Con nhỏ nắm tay, níu áo cha nó rồi cười nói rằng:
- Ba về mau mau nghe hôn ba, ba đừng có gạt con với má đa. Ở nhà con ráng học đặng năm nay con thi lấy bằng sơ học cho ba coi.
Lê Hiển Vinh nghe con nói như vậy thì cuối xuống hun nữa, rồi mới day lại dặn vợ rằng:
- Mình phải nhớ lời dặn nhé! Thế nào mình cũng ở ngoài nầy chờ tôi, chớ đừng về Sài Gòn, bởi vì mình về ông già càng giận thêm chớ không ích gì.
Mà mình cũng nhớ hỏi thăm coi chị hai Thình chỉ đem con Thu Ba đi đâu; nếu biết chỗ thì mướn người ta đem nó ra mà nuôi; phải ráng mà tìm nó chớ đừng bỏ nó tội nghiệp.
Thu Vân nghe mấy lời chồng dặn thì rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào trong cổ, không nói chi được hết. Hiển Vinh thấy vợ buồn, không muốn dặn dò chi nữa bèn kiếm chuyện khác mà nói rằng:
- Chiếc tàu nầy lớn, đi vững quá. Hồi sớm mai tôi rủ mình xuống coi chơi mình không chịu đi, phòng rộng rãi, chớ không lủm tủm như mấy chiếc tàu nhỏ vậy.
Thu vân cứ lặng thinh hoài, một lát lấy khăn lau nước mắt một lần. Hiển Vinh thấy vậy trong lòng đau đớn không biết chừng nào, không dám ngó vợ nhìn con, cứ day mặt qua phía chiếc tàu rồi kiếm chuyện khác mà nói nữa rằng:
- Ở ngoài Bắc có thứ mưa phùn khó chịu quá, mình lạnh hôn? nếu có lạnh thì đem con về.
Thu Vân lắc đầu rồi nói nhỏ rằng:
- Không lạnh đâu. Ở đặng coi tàu chạy chơi.
Thu Vân nói ở chơi mà giọng nghe buồn thảm lắm; làm cho Hiển Vinh chịu không được; muốn kiếm chuyện nói cho vợ con giải buồn, mà sợ nói ra tiếng bệu bạo rồi vợ con càng buồn thêm nữa, nên đứng trân trân, không nói chi được. May lúc ấy tên xa phu đem rương lên phòng rồi trở xuống. Hiển Vinh móc túi lấy tiền trả bớt cho ba cái xe, còn một cái thì cầm lại đó đặng cho vợ con về.
Hàng hoá đã cất lên tàu hết rồi, nên máy không quay nữa. Những người đi đưa bà con, anh em đi Sài Gòn, hoặc đi Tây, rảnh rang nên đi xuống tới dưới tàu, thì lần lần cũng đã trở lên bờ. Hiển Vinh móc đồng hồ ra coi nữa, thấy đã 12 giờ rưỡi rồi, day lại nói với vợ rằng:
- Gần tới giờ xuống tàu rồi, mẹ con ở nhà mạnh giỏi nhé, tới đâu tôi gởi thơ tới đó cho mà hay, đừng có buồn, mình ráng ở nhà chịu cực vài ba năm tôi sẽ về, không hại chi đâu mà sợ.
Thu Vân ngó chồng đáp rằng:
- Em cũng chúc anh đi mạnh giỏi.
Nàng nói có mấy lời mà nước mắt tuôn như mưa, không nói chi được nữa. Hiển Vinh đau đớn quá, nên lật đật ôm con hun, rồi bước lại thang đi xuống tàu, không dám ngó mặt vợ. Con nhỏ thấy cha đi, lại thấy mẹ khóc, tuy nó chưa hiểu vợ biệt chồng, cha lìa con đau đớn là thế nào, nhưng nó cũng mủi lòng, nên đứng ngó theo cha mà nước mắt tuôn rơi không cầm lại được.
Hiển Vinh lên khỏi thang rồi đi khuất, mẹ con Thu Vân ngó hoài mà không thấy nữa. Cách chừng 5 phút, bỗng thấy tên gia đinh coi khiêng rương xuống hồi nãy bước lại thang mà trở lên bờ. Con nhỏ tên là Thu Cúc, lật đật ngoắt tay kêu mà hỏi rằng:
- Ba em đâu mất rồi anh Bảy?
- Ông còn ở trong phòng.
- Tàu chưa chạy, sao ba không ra đứng ngoài mà chơi như họ đó, lại ở trong phòng làm chi vậy?
- Ổng cất đồ một chút rồi ổng ra.
Thu Cúc nghe nói vậy thì mừng nên chong mắt ngó cái cửa chỗ đầu thang hoài, có ý trông cha ra đứng đó, đặng cho mình thấy mặt thêm giây lát nữa. Mưa tuôn lác đác, gió thổi lao xao, mẹ con Thu Vân mặc áo lạnh, tay che dù, mà nước mưa ướt mặt, hơi gió lồng lạnh lẽo. Thu Cúc đứng tựa một bên mẹ mà núp gió, song mắt cứ ngó xuống tàu hoài. Cách một hồi Thu Vân chỉ dưới tàu và trên từng trên mà nói với con rằng:
- Kìa ba con kia kìa! Con thấy hôn? Đứng gần ông Tây đội nón nỉ xám đó.
Thu Cúc ngó theo tay của mẹ, chừng dòm thấy được cha rồi, thì mừng rỡ hết sức, nên tay thì ngoắt, còn miệng thì kêu:
- Ba, ba! Ba đi mạnh giỏi nghe hôn ba! Sao ba lên đứng đó?
Thu Vân nói rằng:
- Xa quá, con nói ba con không nghe đâu. Phòng của ba con gần chỗ đó nên đứng đó.
Thu Cúc đáp rằng:
- Vậy mà nãy giờ con dòm chỗ đầu cái thang đó hoài chớ!
- Chỗ đó cửa xuống tàu. Phòng của ba con ở từng trên chớ không phải ở chỗ đó.
- Đi xích ra ngoài đặng gần cầu một chút coi ba có nói chuyện chi hôn má.
Hai mẹ con lần lần đi nới ra gần chiếc tàu.
Hiển Vinh đứng trên tàu cứ lấy tay ngoắt hoài chớ không nói chi hết. Thình lình nghe tiếng chuông rung dưới tàu, rồi thấy người ta chen chỗ cái thang, giành nhau mà trở lên bờ. Cách chẳng bao lâu thổi súp-lê[2] nghe rền tai rồi mở dây. Tàu quạt máy nghe rầm rầm, hai ống khói thảy khói lên đen kịch. Thu Vân với Thu Cúc, mắt nhìn Hiển Vinh không dám nháy, nước mắt chảy có giọt theo gò má rồi hòa với nước mưa. Hiển Vinh đứng trên tàu cũng ngó vợ con trân trân, cặp mặt ướt dầm, nhưng sợ vợ con thấy nên không dám lấy khăn lau.
Tàu lần lần dang ra giữa sông, mỗi tiếng chưn vịt quạt nước nó làm đau đớn Thu Vân cũng như nó quạt trong gan ruột. Tàu đứng sững ngay giữa sông rồi rề rề chạy tới. Thu Vân ngó theo thì thấy chồng cũng còn đứng chỗ đó mà ngoắt mình. Cô bủn rủn tay chơn chịu không nổi nữa, nên sập dù dầm mưa để ngó cho dễ. Thu Cúc cũng dầm mưa đứng ngoắt mà kêu "Ba" om sòm. Phía sau lưng họ vợ con của lính xuống đó đưa chồng, đưa cha cũng đều khóc hết thảy. Tàu chạy đã xa rồi, dòm không thấy rõ người ở dưới tàu nữa, thiên hạ lần lần kéo nhau đi về.
Hai mẹ con Thu Vân che dù ngồi chồm hổm tại đó mà ngó theo hoài, không chịu về với họ. Tàu chạy khuất rồi, duy còn thấy khói bay xa xa mà thôi, mà Thu Vân cũng không về, ngồi tại đây mà trí nhớ ở dưới chiếc tàu, thấy mình đứng tựa một bên chồng, thấy chồng hun con, thấy con níu tay chồng, nghe chồng ở nhà dặn ráng nuôi con, nghe chồng chúc ở nhà mạnh giỏi, nghe biểu đi về kẻo lạnh, thấy chồng đưa tay mà ngoắt mình, tai cứ lóng nghe, mắt cứ ngó thấy hoài, nên đứng dậy mà đi về không được.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Thu Cúc thấy thiên hạ về hết rồi, duy còn có một cái xe kéo chờ đó mà thôi, nên ngó mẹ mà nói nhỏ nhỏ rằng:
- Thôi đi về má. Ba đi rồi mình còn ở đây làm gì? Mình về nhà chờ ba cũng được mà.
Thu Vân nghe tiếng con nói dường như tỉnh giấc mộng, nên vùng đứng dậy rồi dắt con đi lại xe. Đi mới được vài bước, cô ta lại đứng lại, ngó mong phía tàu chạy, lấy khăn lau nước mắt rồi thở ra. Thu Cúc thấy mẹ như thế thì cũng buồn nghiến trong lòng, nên đứng nắm tay mẹ không biểu về nữa. Mẹ con đứng ngó trước mặt thì thấy dưới sông minh mông dòng nước, trên trời mù mịt vừng mây, người đã buồn mà cảnh lại thêm buồn, nước minh mông đưa khách biệt ly, mây mịt mù che người lưu lạc... Hai mẹ con nhìn cảnh và nhìn nhau mà khóc, khóc một hồi nữa rồi mới chịu lên xe về.
Hiển Vinh làm việc tại nhà thương Hải Phòng mấy năm nay mướn một căn phố trệch tại đường Bonnal ở với vợ con. Thu Vân dắt con về đến nhà thì đồng hồ đã gõ 3 giờ. Thằng Bảy về trước phụ với * già dọn dẹp quét tước trong nhà, bởi vậy Thu Vân bước vô thì thấy bàn ghế đã sắp đặt chỗ nào để hốc nấy, chớ không còn lộn xộn như mấy bữa trước nữa. Trời lạnh quá nên mẹ con Thu Vân vô nhà rồi thì * già đóng cửa lại liền.
Thu Vân nằm co ro trên ván, biểu * già đi lấy mền đem ra đắp cho nàng. Thằng Bảy vặn đèn lên rồi đi ra nhà sau. * già cũng dắt Thu Cúc ra nhà sau thay quần áo. Thu Vân nằm lim dim, trong trí cứ tưởng tới chồng, thấy chồng đứng dưới tàu, thấy tàu lướt ra khơi rồi bị gió dập sóng dồi chổng mũi hụp lái, nghiêng qua lắc lại. Một giây lâu cô mở mắt ra nhìn trên bàn viết thì thấy mấy cuốn sách của chồng hay đọc còn sắp trên bàn, cái ghế ban đêm chồng hay ngồi viết cũng còn để đó, hình vật còn đây mà nhớ người đi vắng, thì chín chiều ruột thắt lã chã dòng châu. Chiều bữa ấy nàng không ăn cơm, làm cho Thu Cúc không vui nên cũng không ăn được.
Tối lại khí trời càng lạnh hơn lúc ban ngày. Thu Vân đắp mền nằm thiêm thiếp rồi ngủ quên, chiêm bao thấy chồng về dặn rằng:
- Mình ở nhà mạnh giỏi, phải ráng mà dạy con, tôi đi vài ba năm tôi về, đừng có buồn.
Đồng hồ gõ 10 giờ, làm vỡ tan giấc mộng. Thu Vân thức dậy ngồi suy nghĩ rằng: “Chồng mình vì mình nên phải lướt biển băng ngàn, mà lập chút công danh, đặng chuộc tội bất hiếu. Khi trước mình cảm cái tình của chồng rất nặng, rồi sau mình mang cái nghĩa của chồng rất dày, trót hơn 10 năm nay mình chưa hề trả được. Nay chồng mình muốn vẹn niềm phụ tử, muốn trọn đạo phu thê, nên bước chưn ra đi, chẳng biểu mình làm việc chi khó, duy dặn mình đừng buồn rầu, phải ráng nuôi con chờ ngày sum hiệp, nếu mình nằm co mà khóc hoài thì té ra mình trái ý chồng mình lắm, thương chồng thì phải nghe lời chồng, chớ thương chồng mà trái ý chồng thì thương nỗi gì“.
Thu Vân nghĩ như vậy nên lấy khăn lau nước mắt rồi kêu * già biểu dọn cơm mình ăn. Thu Cúc đang nằm thiu thiu ngủ trong buồng nghe tiếng mẹ nói nên thức dậy chạy ra, rồi mẹ con ăn cơm với nhau, cũng như ngày thường, không buồn thảm nữa.



[1] một loại mền bằng vải bố
[2] (souffler): thúc còi tàu
Chúc Phận Linh Ðinh
II
Nặng chữ tình thuyền quyên thất tiết
Nghiêm gia phong nghịch tử ly hương
Ông thầy thuốc Lê Hiển Vinh từ biệt vợ con xuống tàu sang Pháp quốc đây là con của ông cựu Hội đồng Lê Hiển Đạt ở Nha Mân thuộc tỉnh Sa Đéc.
Ông Lê Hiển Đạt là người tánh tình chơn chánh, cư xử nghiêm nghị, bình sanh ông làm việc gì thì ông suy xét chính chắn rồi ông mới làm, mà hễ ông làm thì phải thành tựu được ông mới nghe, chớ ông không chịu vụt chạt, vui đâu chúc đó như thiên hạ. Khi còn trai, ông hay kén vợ, mà thiệt ông kén cũng giỏi, nên vợ chồng về ở với nhau tâm đầu ý hiệp, chẳng có đôi lứa nào bằng.
Ông cưới vợ năm năm sau mới sanh Lê Hiển Vinh rồi thôi, chớ không đẻ thêm lần nào nữa. Khi Hiển Vinh được 8 tuổi, bà đau sơ sài ít ngày rồi chết thình lình. Ông lẻ bạn buồn não vô cùng, mà sợ chắp nối không bằng người xưa, nên ông ở một mình nuôi con, không thèm cưới vợ khác.
Ông có một đứa con, nên ông cưng lắm, nhưng cách cưng con của ông chẳng phải ông muốn vật gì ông cho vật ấy, con muốn nói sao ông nghe theo vậy như thiên hạ. Ông cưng con mà lại nghiêm nghị với con, đêm ngày ông chỉ biểu đường ngay nẻo phải cho con, ông khuyên con phải ráng học cho giỏi đặng làm vinh hiển tông môn. Bữa nào con nói tiếng chi sai hay là con học bài quên, thì ông căng nằm dài mà đánh đòn, dầu ai năn nỉ xin cho mấy đi nữa ông cũng không dung thứ. Nhờ ông nghiêm trị như vậy, nên Lê Hiển Vinh mới 14 tuổi mà thi đậu vào trường lớn Mỹ Tho. Học ở Mỹ Tho mãn hai năm rồi chàng mới lên trường Chasseloup Laubat. Ở Sài Gòn ông có quen ông Phán Nguyễn Văn Kim, gốc ở Nha Mân, nên ông gởi gắm Hiển Vinh cho ông Phán đặng mấy bữa chúa nhựt Hiển Vinh ra chơi có chỗ ăn chỗ nghỉ.
Ông Phán Kinh lại còn quen một thầy cựu thông ngôn toà án Trà Vinh tên là Đoàn Thanh Bạch cũng có gởi ông một đứa cháu gái tên là Đoàn Thu Vân, tuổi cũng xấp xỉ với Lê Hiển Vinh đang học tại Nhà trắng[1]; chúa nhựt ông Phán Kim cũng rước ra chơi cho thong thả.
Vợ chồng ông phán Kim không có con, nên ông thấy Hiển Vinh tánh tình mềm mỏng ông thương. Còn bà thấy Thu Vân dung hạnh đoan trang bà mến.
Bởi vậy hễ chúa nhựt có hai trẻ ra trường thì ông thường hay dắt Hiển Vinh đi chơi. Còn bà ở nhà dạy Thu Vân hoặc vá may, hoặc làm bánh. Hiển Vinh với Thu Vân gặp nhau tại nhà ông Phán trong mấy tháng đầu thì hơi bợ ngợ bởi vậy tuy đến bữa cơm ngồi ăn chung với nhau một mâm, song ai giữ phận nấy, chẳng hề nói chuyện với nhau mà cũng chẳng hề dám ngó nhau cho chán chường.
Vợ chồng ông Phán Kim thấy hai trẻ nhỏ đứa nào tánh nết cũng khít khao nên hai ông bà chẳng nghi ngại chi hết. Mỗi bữa chúa nhựt hai trẻ gặp nhau hoài, cho đến bãi trường đứa nào về xứ nấy mà cũng chưa quen với nhau. Chẳng hiểu trong lúc bãi trường ở nhà hai đứa nó đổi trí thế nào, mà đến chừng khai trường chúng nó trở lên Sài Gòn gặp nhau lần đầu, thì Thu Vân lại chào Hiển Vinh và hỏi thăm bác dưới nhà mạnh giỏi hay không, còn Hiển Vinh mừng rỡ, thuật chuyện đi đường thấy tàu đụng ghe chìm cho Thu Vân nghe, hai đằng không bợ ngợ kiêng dè như trước.
Từ đó về sau, Hiển Vinh và Thu Vân quen với nhau rồi mỗi bữa chúa nhựt gặp nhau khi thì Thu Vân cậy Hiển Vinh cắt nghĩa bài giùm cho cô làm, khi thì Hiển Vinh cậy Thu Vân kết nút áo của chàng, song hai đàng cũng giữ gìn nghiêm nghị, đáng việc nói mới nói, phải chỗ cười mới cười, chớ chẳng bao giờ có tiếng lả lơi, hoặc có mòi bất chánh.
Nhưng nếu ai để ý rình coi, thì ắt sẽ thấy bữa nào Hiển Vinh ra nhà ông Phán trước, mà Thu Vân chưa ra, thì chàng không chịu thay đổi quần áo. Chàng cứ ra ở trước cửa dòm chừng hễ thấy dạng Thu Vân ngồi xe kéo gần tới, thì mặt mày chàng tươi rói. Có khi ở nhà ông Phán, chàng nằm dưới ghế đọc sách, nàng ngồi trên ván thêu khăn, một lát chàng che sách rồi liếc ngó trộm nàng, một lát nàng ngước mắt ngó ra đường, mà mỗi lần ngó ra đường thì nàng đều ngó chàng. Nhiều lúc hai mắt gặp nhau, thì cả hai đều day chỗ khác, coi có mòi thẹn thùa e lệ. Người thông hiểu tâm lý ái tình thấy cử chỉ của hai trẻ như vậy thì biết ngay rõ ràng lòng dạ của chúng.
Nhưng vì vợ chồng ông Phán già cả lại vô ý, nên không dè việc chi hết. Tuy vậy hai trẻ dầu thương nhau thì thương trộm, dầu nhớ nhau thì nhớ thầm, chớ cũng chưa tỏ tình với nhau bao giờ.
Hiển Vinh học trường Chasseloup Laubat đã hai năm rồi thi đậu lãnh bằng tốt nghiệp. Chàng chở rương ra nhà ông Phán Kim sửa soạn mà về, lại gặp Thu Vân cũng đem rương ra đó. Vợ chồng ông Phán nghe Hiển Vinh thi đậu mừng rỡ lăng xăng. Thu Vân nghe tin nàng cũng vui mừng. Song nàng ngồi mà ngó Hiển Vinh chớ nàng không nói chi hết.
Ông Phán hỏi Hiển Vinh thi đậu rồi tính đi làm thông ngôn, ký lục hay làm thầy giáo? Chàng tỏ rằng cha của chàng đã nhứt định hễ chàng thi đậu rồi thì phải ra Hà Nội học trường thuốc thêm 4 năm nữa, chớ không chịu cho làm việc liền. Thu Vân nghe nói như vậy chúm chím cười, coi bộ nàng đắc ý lắm. Sáng bữa sau, Hiển Vinh chở rương ra xe lửa mà về. Thu Vân cũng về cùng một ngày, song nàng để chàng đi rồi nàng mới đi sau.
Ra tới nhà ga hai đàng gặp nhau, tuy không hẹn trước mà Hiển Vinh cũng không lấy làm lạ. Thu Vân mượn Hiển Vinh mua giấy xe lửa giùm, rồi hai trẻ mới dắt lên xe, mỗi người ngồi một cái băng đâu mặt với nhau. Từ khi lên xe cho tới lúc xe lửa chạy, hai trẻ ít nói chuyện với nhau. Mà có nói thì nói chuyện qua loa, chớ không nói chuyện cao xa.
Xe chạy xuống tới Bến Lức rồi liệt máy không chạy được nữa. Thầy xếp ga phải đánh dây thép về Sài Gòn đặng kêu đầu máy khác xuống kéo.
Trong lúc xe nằm chờ, hành khách ngồi gần hai trẻ đều xuống đất đi chơi. Hiển Vinh với Thu Vân ngồi trên xe mới hỏi thăm việc nhà nhau. Chừng ấy Thu Vân mới hay Hiển Vinh là con của ông Lê Hiển Đạt, lúc đó đương làm nghị viên Hội đồng quản hạt, nhà ở Nha Mân, có một cái lò gạch lớn, bán gạch ngói mỗi năm lời ba bốn ngàn đồng lại có ruộng đất nhiều, mỗi năm huê lợi tới năm sáu ngàn giạ lúa. Mà cũng chừng ấy Hiển Vinh mới hay Thu Vân là con ông Đoàn Thu Long ở Tiểu Cần, thuộc tỉnh Trà Vinh, cha mẹ nàng đã khuất sớm, có để lại cho nàng hai ngàn đồng bạc.
Chú của nàng là Đoàn Thanh Bạch, cựu thông ngôn toà án, ở tại Ba Se, lãnh bạc giữ giùm và đem nàng về nuôi. Vả chú của nàng giàu lớn, có 5 người con trai mà không con gái, nên vợ chồng ông cưng nàng, nuôi nàng làm con cho nàng đi học, thường nói ngày sau cũng chia cho nàng một phần ăn như mấy đứa con trai vậy.
Xe lửa ráp đầu khác chạy xuống tới Mỹ Tho, thì 10 giờ 30 rồi, tàu Sa Đéc còn đậu chờ hành khách, còn tàu Trà Vinh thì đã chạy trước từ bao giờ rồi... Thu Vân lấy làm bối rối không biết liệu lẽ nào. Hiển Vinh nghĩ nàng là phận gái, để nàng bơ vơ một mình tại Mỹ Tho tội nghiệp, nên chàng còn bần dùng thì tàu Sa Đéc mở dây chạy tuốt. Hai trẻ cùng thế phải vô khách sạn mướn mỗi đứa một căn phòng mà nghỉ chờ sáng bữa sau rồi sẽ hay.
Hiển Vinh là trai có tài, Thu Vân là gái có sắc. Hai đàng gần hai năm tuy không nói ra, song đã vấn vít mối tình trong lòng rồi. Hôm nay gần gũi nhau nơi xứ lạ, không ai biết mình là ai, ăn chung với nhau, không dễ giữ nết dằn lòng cho đặng, bởi vậy nhơn cái cảnh ngộ ấy mà bày tỏ ý với nhau, rồi trong khoảng đêm vắng canh khuya, mới chỉ non thề biển, đón gió rước mưa, đến sáng bữa sau, lúc dắt nhau xuống tàu kẻ đi Sa Đéc, kẻ về Trà Vinh, thì cả hai đều bịn rịn bâng khuâng, dường như không muốn chia lìa nhau vậy.
Đến lúc khai trường, Hiển Vinh lên Sài Gòn trước đặng lấy giấy tàu ra Hà Nội học trường thuốc. Bởi vậy chàng không gặp mặt Thu Vân được, chừng Thu Vân lên tới nhà ông Phán, nghe bà Phán nói Hiển Vinh đã đi Hà Nội cách nữa tháng trước rồi, thì nàng buồn dàu dàu. Hiển Vinh ra Bắc Việt mà học, hễ trí rảnh rang thì thường nhớ gương mặt, bàn tay, giọng cười, tiếng nói, bộ đứng tướng đi của Thu Vân hoài. Chàng thường ước nguyện thi đậu thầy thuốc rồi thì chàng sẽ thưa với cha đặng đi cưới Thu Vân cho chàng. Dầu có chỗ nào giàu có, xinh đẹp hơn nữa chàng cũng không màng.
Chàng học được hơn ba tháng, bữa nọ chàng tiếp được thơ của Thu Vân. Chàng đọc thơ mà nước mắt nhỏ giọt, mồ hôi ướt đẫm. Vì trong thơ Thu Vân khóc và tỏ cho chàng biết rằng nàng đã có thai hơn 5 tháng, và nàng quyết tự vận mà chết, đặng khỏi nhục tông môn, khỏi bị chú rầy, và khỏi hổ ngươi với thiên hạ. Hiển Vinh tuy khóc, mà chàng không thèm suy nghĩ chi hết. Chàng đọc thơ rồi liền lấy giấy viết trả lời cho nàng. Chàng xin nàng tha lỗi chàng đã ép liễu nài hoa hôm nọ, nên ngày nay nàng phải xủ tiết ô danh. Chàng thề với nàng rằng thế nào chàng cũng rửa danh dự cho nàng, thế nào chàng cũng làm cha đứa nhỏ trong bụng, chàng hứa với nàng rằng chàng sẽ viết thơ cho cha xin cha xuống Sa Đéc tỏ thiệt với ông Đoàn Thanh Bạch, rồi xin cưới nàng cho chàng. Chàng lại dặn nàng phải bỏ trường ra nhà ông phán Kim, tỏ thiệt cho ông bà Phán biết, rồi xin ở lại đó mà chờ tin tức.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Chàng viết thơ cho nàng rồi, chàng viết luôn cho cha và cho ông phán Kim mỗi người một bức thơ, y như lời chàng hứa với nàng. Cách hơn một tháng chàng tiếp được thơ của nàng nói rằng nàng đã ra ở tại nhà ông phán Kim rồi, vợ chồng ông Phán cũng thương thân nàng, nên chẳng có lời nặng nhẹ chi hết. Cách hơn một tháng nữa chàng tiếp được một bức thơ khác của nàng tỏ rằng chẳng biết cha của chàng có nói gì hay không, mà chú thím của nàng lên kiếm nàng rồi đánh chưởi và cấm tuyệt đối không cho về nhà nữa.
Chú thím nàng lại liệng hai ngàn đồng bạc của cha nàng hồi trước mà trả lại cho nàng. Mỗi lần được thơ nàng thì Hiển Vinh trả lời liền và lần nào viết thơ cho nàng chàng cũng thề thốt sẽ làm cho vẹn vẽ phận nam nhi, dầu thế nào chàng cũng cứu chữa danh dự của nàng, chàng khuyên nàng phải ráng chịu hổ ngươi ít tháng, đợi bãi trường chàng về rồi sẽ hay.
Chàng trông thơ của cha hết sức, mà từ ngày chàng tỏ việc Thu Vân thì chàng không được bức thơ nào nữa hết, duy chỉ có mỗi tháng chàng được một cái măng-đa[2] 10 đồng bạc mà thôi. Còn vài ba tháng nữa bãi trường thì chàng được tin nàng đã sanh một đứa con gái tại nhà bảo sanh Chợ Lớn. Nàng đặt tên đứa nhỏ là Thu Ba. Cách ít ngày chàng được thơ của nàng nói nàng bịnh nên không có sữa cho con bú nàng phải mướn * nuôi con.
Người ta thường nói ngày qua tháng lại như thoi đưa mà Hiển Vinh trông gần hụt hơi mới tới bãi trường. Tàu vừa ghé bến Sài Gòn thì chàng lên xe chạy riết qua nhà ông phán Kim. Vợ chồng ông phán Kim thì mừng rỡ, còn Hiển Vinh với Thu Vân thì người đứng dựa trên bàn, người ngồi trên góc ván mà khóc. Bi lụy một hồi rồi mới chịu lo tính. Hiển Vinh bước lại bồng con mà hun, bà Phán thấy vậy mủi lòng nên bà ứa nước mắt. Hiển Vinh bồng con ngồi trên ghế và nói với Thu Vân trước mặt vợ chồng ông Phán rằng:
- Tôi vẫn biết cha tôi nghiêm nghị lắm, hễ tôi làm việc chi trái đạo nghĩa thì không khi nào cha tôi dung thứ. Tôi về đây chắc là bị đòn. Tuy vậy mà việc tôi làm thì tôi chịu, thà tôi chết chớ tôi thề quyết chẳng khi nào để cho người đàn bà vì tôi mà xủ tiết ô danh. Qua nói đây có ông Phán bà Phán làm chứng cho qua dầu thế nào qua cũng phải chuộc cái lỗi của qua. Qua là người có học không lẽ qua khiếp nhược đến nỗi để cho phận em có con mà không chồng, còn con Thu Ba có mẹ mà không cha đâu.
Thu Vân ngồi cúi đầu mà khóc không nói chi hết. Hiển Vinh về nhà, vừa bước vô tới cửa thì ông Lê Hiển Đạt rút roi rượt đánh chửi om sòm rằng:
- Mầy là quân mèo đàng chó điếm thì ra ngoài chợ ở, không được phép vô nhà tao nữa, cái dòng của tao không có nhơ nhuốc như mầy. Mầy đừng có về đây mà lây tiếng xấu cho tao.
Hiển Vinh khóc lạy cha chừng nào, cha chàng càng đánh thêm chừng nấy, nên chàng muốn nói mà không nói được tiếng chi hết.
Ông đuổi xô chàng ra ngoài đường, rồi đóng cửa lại, không cho chàng vô. Chàng cùng thế phải đi lại nhà quen ở gần mà ở đậu. Người lối xóm ai thấy tánh ông Hội đồng Đạt gắt gao cũng phiền, rồi thấy thân Hiển Vinh bối rối cũng thương, bởi vậy có người lại nhà ông Hội đồng mà năn nỉ ông, nói rằng bắt bẻ đánh con sao đành, việc đã lỡ ra rồi còn rầy rà chi nữa; khi không mà có dâu, có cháu nội, vậy cũng là có phước, chớ chấp kinh quá thì phải rẽ đôi lứa của trẻ nhỏ, dường ấy cũng tội nghiệp cho chúng nó lắm. Người ta nói như vậy thì đúng lý, nhưng vì tánh của ông Hội đồng không như tánh người khác, bởi vậy ông cự hẳn không chịu nghe ông nói quyết rằng Hiển Vinh ngày nào còn học thì ông còn cho tiền hoài, song ông nhứt định dứt tình cha con, hễ ông còn sống thì ông cấm tuyệt không cho Hiển Vinh thấy mặt ông nữa.
Hiển Vinh cậy đủ mặt băng bối của ông nói giùm, mà ông cũng không xiêu lòng. Chàng lấy làm bối rối ưu phiền, một bên là thảo thân, một bên là danh dự chàng không biết liệu lẽ nào. Chàng suy nghĩ mấy ngày rồi rơi nước mắt mà trở lên Sài Gòn, thuật việc nhà cho ông Phán với Thu Vân nghe.
Thu Vân đau lòng hết sức, song nàng giả vui cứ theo khuyên chàng chẳng nên vì nàng mà lỗi đạo làm con. Nàng nói rằng phận nàng côi cút, dầu xấu hay tốt hay là chết sống cũng chẳng quan hệ chi, chớ phận chàng có một cha già, nếu làm trái ý cha thì tội ắt lớn lắm. Hiển Vinh đáp rằng đã biết làm con mà nghịch cha thì là trọng tội, nhưng bây giờ cha đã giận rồi cha đã cấm tuyệt không cho thấy mặt nữa, vậy thì chàng phải nhắm mắt đưa chơn mà bước trong đường đời, để coi tạo hoá khiến thân phận chàng ra thế nào, chớ chàng không có thể nào lìa nàng và con Thu Ba được.
Tối lại, ông Phán bà Phán ngủ hết, chị * tên là hai Thình dỗ con Thu Ba ngủ trong buồng. Hiển Vinh với Thu Vân nằm trên bộ ván phía trước nói chuyện với nhau. Chàng tính đem nàng ra Bắc Việt mà ở với chàng, còn nàng thì cứ khuyên chàng phải bỏ mẹ con nàng đặng khỏi nghịch ý cha nữa.
Nói chuyện đến khuya, chàng mòn mỏi ngủ quên. Nàng lén ngồi dậy mở cửa đi ra ngoài. Chàng nghe cửa mở một cái kẹt, lật đật ngóc đầu mà dòm. Chàng thấy nàng đứng dưới gốc me, rút sợi dây lưng ra ngậm miệng rồi nhắm nhía muốn leo lên cây me. Chàng biết nàng tính tự vận nên lật đật xô cửa chạy ra. Nàng thấy việc đã lậu rồi nên đứng khựng mà khóc. Chàng hỏi nàng muốn làm việc gì vậy. Nàng khóc tỏ thiệt rằng muốn chết phứt cho rồi, đặng chàng khỏi mang tội thất hiếu. Hiển Vinh đứng vịn vai nàng mà khóc, chàng biết lòng dạ nàng chừng nào, càng kính trọng nàng chừng ấy.
Chàng phải khuyên nàng hết sức, nàng mới bỏ không tính chuyện tự vận nữa.
Lụi hụi không bao lâu kế tới ngày khai trường, Hiển Vinh sửa soạn đem vợ con đi ra Bắc, chị hai Thình cũng sẵn lòng đi theo Thu Vân. Nhờ có hai ngàn đồng bạc của chú nàng trả lại đó nên nàng khỏi đói lạnh.
Giấy tàu mua xong rồi thì con Thu Ba lại đau ban nên xuống tàu không tiện. Thu Vân tính ở lại chờ con mạnh rồi mẹ con sẽ ra sau. Hiển Vinh sợ nàng ở lại buồn rầu rồi nàng tự vận nữa, nên chàng không chịu cứ nài nỉ biểu nàng phải đi một lượt. Vợ chồng ông Phán chịu lãnh chị * với con Thu Ba, chừng nào con Thu Ba mạnh rồi ông sẽ mua giấy tàu giùm cho chị * đem ra sau.
Hiển Vinh gởi bạc lại cho ông Phán rồi vợ chồng từ giã con xuống tàu ra Bắc. Chàng tới Hà Nội rồi đánh dây thép cho ông Phán hỏi thăm con Thu Ba đã mạnh hay chưa, ông Phán trả lời nó đã mạnh rồi, có lẽ kỳ tàu sau ra được.
Đến kỳ tàu sau, Hiển Vinh xuống Hải Phòng đón rước, thì không có chị *. Chàng đánh dây thép hỏi ông Phán thì ông không trả lời. Chàng nóng nảy, lớp đánh dây thép, lớp gởi thơ, đón hai, ba kỳ tàu mà không thấy chi hết.
Hiển Vinh viết thơ cho người bạn học cũ cậy lại nhà ông phán Kim hỏi thăm giùm. Cách ít ngày người ấy trả lời nói rằng vợ chồng ông Phán trong ba ngày mà chết hết, còn chị * không biết đâu. Vợ chồng Hiển Vinh khóc mà chịu.
Đến bãi trường, Hiển Vinh để Thu Vân ở lại Hà Nội, còn chàng về Sài Gòn trước thăm cha, sau tìm con luôn thể. Chàng tìm con không được, mà cũng không thể về nhà cha được. Chàng trở ra vợ chồng rất buồn, may trong ít tháng sau Thu Vân sanh được một đứa con gái nữa, đặt tên là Thu Cúc, nên vợ chồng mới khuây lảng được chút đỉnh.
Hiển Vinh mỗi tháng đều được một cái măng-đa 10 đồng bạc. Mỗi tháng chàng đều có viết thơ về thăm cha, song chẳng hề được thơ của cha bao giờ. Khi học đủ 4 năm thi đậu thầy thuốc rồi. Hiển Vinh về thăm cha, tưởng cha đã nguôi ngoai hết giận chẳng dè về đến nhà cha lại đánh đuổi nữa. Hiển Vinh buồn ý trở ra Hà Nội, xin bổ làm thầy thuốc ngoài Bắc rồi vợ chồng hẩm hút ở xứ người, không dám léo về Nam nữa.
Đến năm 1917, con Thu Cúc được 12 tuổi, bề trên mới sai Hiển Vinh đi qua Pháp giúp trong mấy dưỡng đường trị bịnh cho lính và thợ. Hiển Vinh dụ dự không muốn đi. Thu Vân khuyên chồng thừa dịp ấy qua Pháp quốc học thêm lấy cho được bằng bác sĩ, may ra cha vui lòng hết giận hờn nữa.
Hiển Vinh nghĩ vợ có vốn liếng vài ngàn, dẫu mình có đi vợ ở nhà cũng chẳng hại gì, nên chàng mới chịu đi quyết lập công danh đặng chuộc tội thất hiếu. Bởi duyên cớ như vậy nên mẹ con Thu Vân mới đưa Hiển Vinh xuống chiếc tàu "Hải Phòng" mà đi Tây đó.



[1] trường nữ do nhà thờ quản lý, cũng gọi là „trường bà phước“
[2] (mandat): bưu phiếu
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Chúc Phận Linh Ðinh
III
Nghe chồng mất, vợ hiền lo đáp nghĩa
Thương con thơ, mẹ yếu phải hồi hương
Trời chưa tối, nhưng vì mưa tuôn lác đác, gió thổi lao xao, khí trời lạnh lẽo, nên Đoàn Thu Vân biểu * già đóng cửa rồi nhúm một lò lửa để cho ấm trong nhà.
Thu Cúc vặn đèn lên rồi lại ngồi học nơi bàn viết của cha. Thu Vân nằm trên ván gần đó, tai nghe con học mà trí lại nhớ chồng.
Cách một hồi lâu Thu Vân nghe có tiếng giầy bước vô cửa, kế nghe tiếng gõ cửa lộp cộp. Nàng hỏi:
- Ai đó?
- Ở ngoài có tiếng trả lời: "Thơ".
Thu Cúc lật đật chạy lại mở cửa. Có một người thò tay vô mà đưa một phong thơ rồi bỏ đi liền. Thu Cúc một tay khép cửa, còn một tay đưa thơ lên coi và nói rằng:
- Úy! Thơ của ba gởi về má à! Chữ của ba đây, mà con dấu đóng ở Sài Gòn.
Thu Vân lồm cồm ngồi dậy đưa tay ra, có ý biểu con trao thơ cho mình coi.
Nàng xem ngoài bao, thiệt quả chữ của chồng. Nàng chúm chím cười rồi xé bao rất kỹ lưỡng và rút thơ ra xem.

"Trên tàu Hải Phòng, ngày 30-12-1917
Em ôi!
Hồi sớm mai nầy tàu vô Sài Gòn. Kỳ tàu trước qua đã có viết thơ cho cha mà tỏ việc qua đi Tây, và xin cha lên đón đặng cho qua thăm một chút, vì tàu không đậu lâu nên qua về Nha Mân không kịp. Qua chờ đến trưa mà không thấy cha xuống tàu. Buổi chiều nay đi coi sổ mấy nhà khách sạn hết thảy, cũng không thấy chỗ nào có biên tên họ của cha. Ấy vậy thì đủ biết đến ngày nay cha cũng chưa hết giận.
Em ôi! Qua xét phận qua, thiệt qua mang chữ bất hiếu oan lắm. Qua giữ cho trọn cái danh dự của nam nhi của qua, chớ qua có làm nhục nhã tông môn chỗ nào đâu mà cha giận nên cha đành bỏ qua. Cha với qua mà xa nhau, ấy là tại mỗi người hiểu nghĩa danh dự một cách riêng. Theo ý cha thì phận làm trai chừng tính lập gia thất, phải chờ cha mẹ kiếm chỗ rồi cậy mai đến nói mà cưới cho đủ lễ, nếu chẳng làm như vậy thì xấu hổ cho cha mẹ. Còn theo qua thì phận làm trai nếu rủi bị tơ tình vương vấn, mà làm cho hư danh tiết một người đàn bà, thì dầu thế nào cũng phải đền lại cái danh tiết của người ta, nếu không làm như vậy thì mình là bợm bãi chớ không phải học trò. Tuy qua không dám nghị luận tánh ý của cha, song trong trí qua đoán chắc rằng qua không có lỗi.
Ví dầu đôi ta ân ái với nhau một giây lát, không có thai nghén chi, rồi qua bỏ em, qua cũng còn mất danh dự thay, huống chi em đã lỡ có con, nếu qua bỏ em thì qua phải mang tội làm cho nhơ danh một người đàn bà, rồi lại mang tội làm cho đứa nhỏ không có cha nữa thế thì qua làm sao đặng.
Ôi thôi, vì qua buồn nên qua nhắc chuyện cũ cho hả hơi một chút, chớ không phải qua ăn năn việc của qua đã làm đâu. Cái tội thất hiếu của qua thì qua xin cậy Phật Trời soi xét. Dầu cha không thương đi nữa, đôi ta cứ giữ một lòng kính trọng cha luôn. Qua chắc một ngày kia Phật Trời cũng xui khiến lòng cha tự hối mà hết giận đôi ta nữa.
Em ôi! Vì qua xét lời em khuyên phải, nên qua mới ra đi đây. Vậy em ở nhà em phải thề cho qua, coi chừng cho con nó học. Mỗi tháng qua gởi cho em phân nửa số lương để tiêu dùng, còn vốn của em thì em để hậu thân, đừng có ham lời cho vay cho nợ mà khó lòng. Em cứ ở đấy chờ qua, chớ đừng về Sài Gòn. Ở nhà nếu có chuyện chi bối rối thì em cậy thầy ba Thiện tính giùm cho. Qua đi đến đâu sẽ gởi thơ đến đấy cho em hay.
Thu Cúc con ôi! Con phải ráng học nghe hôn, nhứt là con phải làm vui lòng má con luôn luôn, nếu ba hay con trái ý má con thì ba buồn lắm đa.
Ba gởi hun con một ngàn cái.
LÊ HIỂN VINH"
Thu Vân đọc thơ chồng thì ứa nước mắt, nhưng vì có con đứng gần đó nên nàng phải gượng làm khuây, không nỡ khóc. Con Thu Cúc đợi mẹ đọc thơ rồi nó mới lấy mà đọc. Chừng đọc rồi nó đút vô bao tử tế trả lại cho mẹ, rồi đi lại bàn viết ngồi chống tay lên trán, mắt ngó trong sách mà trí lại nghĩ đến chuyện của cha.
Thu Vân kéo gối mà nằm, tay cầm phong thơ, tay gác qua trán suy nghĩ. Trong nhà im lìm, duy có đồng hồ treo trên vách tiếng nghe lắc cắc mà thôi. Thình lình con Thu Cúc hỏi mẹ rằng:
- Sao mà ông nội giận ba hoài vậy má?
- Con hỏi làm chi?
- Thấy ba viết thơ nên con hỏi cho biết.
Thu Vân thở ra đáp rằng:
- Tại ba con... ở với má, nên ông nội con giận.
- Ông nội có giận má không?
- Giận chớ.
- Từ hồi trước tới bây giờ má có gặp ông nội lần nào không?
- Không.
- Không có gặp mà sao ông nội giận?
- Tại ba con ở với má, mà ông nội con không có cưới, ông nội con nói má là đồ hư, nên ông nội con giận.
- Hư giống gì! Tại má không về cho ông nội ngó thấy nên ông nội giận chớ gì. Ông nội già không má?
- Năm nay đã sáu mươi mốt hay là sáu mươi hai tuổi gì đó rồi.
- Phải mà ba má dắt con về ông nội, con ngoáy trầu cho ông nội ăn, con bưng nước cho ông uống, trong ít bữa thì chắc ông nội hết giận. Má biết nhà ông nội hôn?
- Không.
- Để chừng ba về con nói với ba dắt con về ông nội, đặng thăm ông nội cho biết.
Thu Vân nghe con nói như vậy thì tức cười nên day qua ngó con rồi nói rằng:
- Con léo về đó ông nội đánh nứt đít chớ; rất đỗi ba con kia còn phải đòn hết dám về nữa thay.
- Không đánh đâu, ông nội thương con lắm. Lâu lâu con thấy ba viết thơ gởi cho ông Lê Hiển Đạt ở Nha Mân, Sa Đéc, phải ông nội đó hôn má?
- Phải.
- Sao ba viết thơ thăm ông nội hoài, mà không viết thơ cho bà nội?
- Bà nội con còn đâu mà viết.
- Chết rồi hả má?
- Ừ.
- Một lần má nói ông ngoại, bà ngoại chết hết, té ra bà nội chết nữa.
- Thôi, con lo học bài rồi ngủ đặng sáng đi học.
Thu Cúc nghe mẹ biểu liền cúi xuống học bài.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Thu Vân giở bức thơ của chồng ra xem nữa.
Ðồng hồ gõ 8 tiếng. Thu cúc xếp sách vở rồi vô mùng ngủ. Thu Vân xếp bức thơ bỏ vào túi rồi cũng tắt đèn đi ngủ với con. Con mới vô mùng một lát thì đã ngủ khò, còn mẹ nằm lim dim tính việc nầy, nhớ chuyện nọ, nên ngủ không được.
Đến 11 giờ, Thu Vân ngồi dậy, rồi bước ra ngoài. Nàng vặn đèn lên đọc thơ nữa; đọc một hồi rồi nàng lấy giấy viết thơ cho chồng:

"Hải Phòng ngày 6 tháng giêng năm 1918.
Anh ôi!
Em mới tiếp được thơ của anh, em hay tin anh đi đường bình an em mừng lắm. Từ ngày anh xuống tàu đi rồi mẹ con em ở nhà cũng vô sự; con Thu Cúc tuy nhắc anh hoài, song nó cũng siêng học như thường.
Em xin anh để trí thong thả lo lập chút công danh đặng cha vui lòng hoặc may hết giận đôi ta nữa. Anh chẳng nên buồn về tánh ý của cha mà thêm lỗi, mà cũng chẳng nên lo cho thân phận của em mà nhọc lòng.
Em đã nói với anh rằng, anh đã lấy tư cách quân tử mà cứu danh dự cho em thì tự nhiên em phải lo làm cho tròn đạo vợ. Xin anh đừng lo chi hết.
Kính chúc anh lộ trình êm sóng, đáo xứ bình an.
Thu Vân"
Thu Vân viết thơ rồi không biết chàng đi tới đâu mà gởi thơ theo, bởi vậy nàng ngồi bàng hoàng một hồi rồi xếp bức thơ mới viết đó mà đút chung với bức thơ của chồng.
Cách chừng 10 bữa nữa nàng tiếp được một tấm "Carte postale" (bưu thiếp) của Hiển Vinh gởi về. Coi con dấu thì biết gởi tại Singapour.
Nửa tháng sau, nàng lại tiếp được một tấm "Carte postale" khác gởi tại Colombo. Nàng được tấm "Carte postale" sau nầy hồi 10 giờ sớm mai, nàng còn ngồi xem hình và nhìn chữ của chồng, thình lình có một cái xe ngừng ngay cửa, nàng vừa ngước mặt ngó ra thấy thầy Ba Thiện là người bạn thân thiết của chồng ở trên xe nhảy xuống, rồi xăm xăm đi vô nhà.
Thu Vân được tin của chồng đương mừng, kế thấy người bạn của chồng tới nhà, có ý muốn đem tin lành ấy mà khoe, nên thầy Ba vừa bước vô cửa thì nàng liền nói rằng:
- Thầy Ba, tôi mới được "Carte postale" của ông thầy thuốc đây, ổng gởi tại Colombo. Chắc bữa nay ông khỏi Port Said rồi.
Thầy ba Thiện đứng khựng tại cửa châu mày mà hỏi rằng:
- Từ hồi sớm mai tới giờ chị có nghe việc chi không?
- Việc chi? Tôi có nghe việc chi đâu!
- Chiếc tàu "Hải Phòng" đi qua Địa Trung Hải bị tàu lặn Đức bắn chìm rồi.
- Úy! Trời ơi! Thiệt như vậy hay sao? Ai nói với thầy đó?
- Có dây thép đánh cho Chánh phủ hồi hôm. Từ hồi sớm mai cho tới bây giờ ai cũng đều hay biết, ông chủ tôi nói lại cho tôi hay, nên tôi lật đật chạy lại đây.
- Nếu vậy chồng tôi chết rồi còn gì!
Thu Vân ngồi khoanh tay trên ván mà khóc dầm.
Thầy ba Thiện kéo ghế mà ngồi, mặt có vẻ buồn, song không nói chi hết.
Thu Vân khóc một hồi rồi hỏi rằng:
- Tàu chìm nhưng thầy có nghe nói có chiếc tàu vớt giùm hành khách hay không?
Thầy ba Thiện nhăn mặt lắc đầu đáp rằng:
- Dây thép nói rõ lắm, nói chiếc "Hải Phòng" bị bắn trong lúc ban đêm, mà lại trời dông mưa, bởi vậy không có tàu nào cứu kịp. Chiếc "Hải Phòng" chìm, mất tích từ bạn tàu tới hành khách cộng hơn 500 người, đều chết ráo, không sót một người nào.
Thu Vân than khóc nữa. Con Thu Cúc đi học về, vừa bước vô cửa, thấy mẹ ngồi khóc kể rấm ra rấm rít nó không hiểu có việc chi, nên đứng khựng lại mà ngó, Thu Vân kéo con lại ôm trong lòng rồi khóc và nói rằng:
Cha con chết rồi, con ơi! Tàu lặn Đức bắn chiếc "Hải Phòng" chìm, nên cha con chết rồi. Thôi mẹ cũng chết cho rảnh, chớ sống mà làm gì!
Thu Cúc thấy mẹ khóc cũng khóc theo, song thầy ba Thiện liếc ngó nó thì thấy mặt nó không buồn lắm, dường như nó không tin lời mẹ nó vừa nói.
Thầy ba Thiện muốn an ủi Thu Vân nên kiếm lời nói rằng:
- Tuy dây thép nói như vậy, song mình cũng chẳng vội tin lắm. Vậy xin chị hãy bớt buồn rầu, để chờ ít ngày nghe lại cho rõ rồi mới dám chắc. Không biết chừng ở bển họ mới nghe thấp thố, rồi họ đánh dây thép nói bướng như vậy; tàu nào bị bắn cũng có vớt được hành khách, có lý nào chiếc "Hải Phòng" chìm mà người dưới tàu lại chết hết đi.
Thầy nói như vậy rồi từ giã mà về.
Thu Vân biết lời thầy ba Thiện luận đó là hữu lý, nhưng nàng cũng không bớt buồn rầu được. Nàng cứ nằm khóc hoài, buổi chiều biểu con ở nhà, không cho đi học nữa. Sáng bữa sau nàng sai thằng Bảy đi mua các thứ nhựt báo Tây, Nam mới xuất bản đem về cho nàng đọc. Tờ báo nào cũng đều nói chiếc "Hải Phòng" bị tàu lặn bắn chìm trong Địa Trung Hải, hết thảy người trong tàu đều chết chìm không còn sống sót một người nào.
Tuy Thu Vân chắc chồng đã chết chìm rồi song đêm nào nàng cũng vái thầm trời đất phò hộ cho tánh mạng chồng nàng được vững vàng, khiến xui trong đêm bi thảm giữa biển ấy có một chiếc tàu vớt chồng nàng, chớ nếu chồng nàng chết thì chẳng những là mẹ con nàng bơ vơ, mà bên chồng nàng lại phải tuyệt hậu nữa.
Nàng van vái rồi trông đợi tin chồng. Nàng trông cho đến một tháng rưỡi mà không tiếp được thơ của chồng, lại có ông quan năm mời nàng đến mà cho hay rằng thầy thuốc Lê Hiển Vinh tháp tùng chiếc tàu "Hải Phòng" bị tàu lặn bắn chìm, nên biệt tin. Nàng hết trông đợi được nữa. Nàng bèn nấu một mâm cơm cúng chồng, rồi mẹ con xé vải may tang phục mà mặc.
Cách vài bữa có thầy ba Thiện đến thăm. Thầy thấy nàng buồn thì kiếm lời khuyên giải, rồi hỏi nàng bây giờ nàng tính về xứ hay là ở đây kiếm phương thế làm ăn. Thu Vân đáp rằng:
- Khi ông thầy thuốc ra đi ổng căn dặn tôi phải nương náu ở đây mà chờ ổng. Ngày nay chẳng may ông đã khuất rồi, tôi chẳng còn trông mong chi nữa. Nhưng trước khi tôi theo chồng tôi xuống cửu tuyền tôi phải đáp nghĩa cho chồng tôi xong rồi mới chết. Thầy là bạn thiết của chồng tôi chắc thầy cũng đã rõ biết chồng tôi vì tôi mà nghịch ý cha. Cũng vì chuyện ấy nên chồng tôi mới đi Tây mà bỏ mạng đây. Vậy bây giờ tôi phải làm thế nào cho con nhỏ của tôi nó được gần ông nội nó, làm thế nào cho ông nội nó bớt giận cha nó và đem lòng thương nó rồi tôi sẽ chết.
Thầy ba Thiện gật đầu mà nói rằng:
- Mấy lời chị nói, tôi kính phục lắm. Song tôi xin chị đừng có chết theo chồng. Chết chi vậy? Bây giờ anh đã khuất rồi chị phải sống mà nuôi con chớ.
Thu Vân đáp rằng:
- Nếu ông nội nó chịu nuôi rồi, thì có tôi nữa cũng không ích gì.
- Dầu không ích, chớ cũng không hại.
- Hại lắm chớ! Nếu có tôi thì ông nội nó nhớ việc xưa hoài, làm sao cho ông nguôi cái giận của ông được.
- Theo ý tôi, hễ chị chết thì chị có lỗi với ảnh lắm.
- Lỗi chỗ nào? Chồng tôi vì danh dự của tôi mà phải lỗi đạo cha con rồi đến đỗi phải táng mạng nữa. Bây giờ tôi đành tham sống mà không lo trả nghĩa cho chồng tôi hay sao?
Thầy ba Thiện thấy Thu Vân đã quyết chí, thầy không dám cãi nữa, nên thầy lắc đầu chịu thua.
Thu Vân có cho vay tiền ngày tiền tháng nên nàng phải ở nán lại mà đòi, nhưng vì nàng buồn rầu quá nên đòi tiền chưa rồi mà nàng đã nhuốm bịnh, da mặt vàng ẻo, hình dạng ốm nhách. Nàng sợ chết ở xứ người, con không thể gặp mặt ông nội được, nên nàng bươn bả bán đồ đạc, tom góp tiền bạc được một ngàn rưỡi đồng rồi định tháp tùng chiếc tàu "Orénoque" mà về Sài Gòn.
Thầy ba Thiện thấy nàng bịnh nhiều, sợ đi đường sá không kham, nên thầy theo can gián xin nàng ở nán lại uống thuốc cho mạnh rồi sẽ đi. Nàng vì sợ chết nên không chịu nghe, túng thế thầy phải chiều lòng mua giấy tàu giùm rồi đưa mẹ con nàng xuống tàu.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Chúc Phận Linh Ðinh
I V
Sắp tới nhà, toan lo kế sách,
Gặp người cũ, vội hỏi con thơ
Trời biển mênh mông, gió trăng man mác. Giữa lừng trời trăng treo gương vặc vặc, trên mặt biển gió thổi sóng lao xao; trăng dọi nước vàng, nước chào trăng lố xố.
Chiếc tàu "Orénoque" chỉ mũi hướng nam mà chạy, rượt trăng tách nước, lướt gió tuôn sương. Lối 12 giờ khuya, bạn tàu với hành khách đều an giấc, duy về phía sau lại có hai người Tây còn nằm trên ghế nói chuyện với tiếng chưn vịt quạt quạt đùng đùng hoài mà thôi.
Mẹ con Thu Vân trải chiếu nằm trên "boong"[1] đắp mền mà ngủ. Thu Cúc ngủ được một giấc rồi mở mắt ra thấy mẹ đầu choàng khăn, mình mặc áo lạnh, chơn quấn mền nỉ đương ngồi khoanh tay ngó ra biển. Nó lần lần ngồi dậy hỏi mẹ:
- Má chưa ngủ sao?
- Chưa.
- Bữa nay má còn mệt nữa hay không?
- Bữa nay má bớt mệt, mà trong mình bần thần dã dượi và ớn lạnh quá. Sao con không ngủ đi, mới nửa đêm con thức dậy làm chi?
Thu Cúc lặng thinh không trả lời, Thu Vân hỏi như vậy rồi cũng bỏ qua, cách một hồi lâu, Thu Cúc lại hỏi:
- Mình về Sài Gòn rồi tìm đến nhà ông nội mà ở hay là đi đâu má?
Thu Vân day qua ngó con, ứa nước mắt mà nói rằng:
- Phải đành liều về nhà ông nội con chớ biết đi đâu bây giờ.
Thu Vân ngừng một hồi rồi nói tiếp:
- Nầy con, con còn nhỏ dại, lẽ thì má không nói việc nhà cho con biết. Ngặt vì cha con đã mất rồi má, thì bịnh hoạn không biết chết bữa nào. Vậy má phải nói chuyện gia đạo của mình cho con rõ, đặng phòng khi má chết thình lình thì con biết rõ bà con bên nội, bên ngoại mà tìm. Bà con bên má chẳng có ai đông, duy có một người chú ruột tên là Đoàn Thanh Bạch ở Ba Se, thuộc tỉnh Trà Vinh. Còn phía bên nội của con thì có một ông nội con, tên là Lê Hiển Đạt ở Nha Mân, thuộc tỉnh Sa Đéc, hồi trước có làm Hội đồng. Ông nội con giàu có lớn, có ruộng đất, có lò gạch, ông sanh có một mình ba con đó mà thôi, chớ không có con nào khác. Bà con hai bên có bao nhiêu đó, con phải ráng mà nhớ. Thuở nay má tuy có chú, ba con tuy có cha, mà cũng như không, bởi vì ba với má hồi trước gặp nhau, hai bên đều ghét hết thảy. Chú của má thì từ má, còn ông nội của con thì từ ba con, nên ba con không biết chú của má là ai, má cũng chưa gặp mặt ông nội con lần nào. Chớ chi ba con mạnh giỏi, thì chẳng nói làm chi, ngặt vì ba con mất rồi vậy nên má tính đem con về cho ông nội con, đặng như rủi má có chết thì con có chỗ mà nương nhờ, và ông nội con cũng có chút cháu hủ hỉ. Ông nội ghét ba với má lắm, quyết định không cho ba với má thấy mặt. Vậy má tính về tới Nha Mân, má với con phải giấu giếm, đừng nói thiệt là con cháu chi hết, phải lập thế làm tôi tớ lân la dọ tình ý, chừng nào ông nội con hết giận rồi sẽ tỏ thiệt chớ không nên nói liền. Má còn nói cho con biết việc nầy nữa; con có một người chị tên là Thu Ba, lớn hơn con một tuổi. Hồi đó mới được bốn năm tháng thì ba với má lạc mất nó, mười mấy năm nay nó biệt tích không biết đâu mà tìm. Bây giờ về tới Sài Gòn má sẽ lo hỏi thăm tin tức của chị con. Còn phận con thì phải nhớ con có một chị, đặng ngày sau may gặp nhau con hiểu mà nhìn. Hồi nhỏ nó giống con lắm, bây giờ lớn chắc nó còn giống nhiều hơn nữa. Má có khai sanh của nó trong rương song ba con chưa nhìn nó được.
Lúc Thu Vân nói Thu Cúc ngồi chăm chỉ lóng tai nghe. Chừng mẹ nói dứt lời, nó liền cúi mặt xuống mà nói rằng:
- Má lo việc nhà làm chi. Má lo đây rồi má mệt nữa đa. Việc nhà của mình con đã biết rõ hết.
- Sao con biết? Ai nói với con?
- Ba nói.
- Nói hồi nào?
- Hồi ba gần đi Tây. Chiều chiều ba dắt con đi chơi, ba nói rõ hết.
- Ba con nói như thế nào?
- Ba cũng nói như má mới nói đó vậy. Mà ba lại có nói rằng tuy ba cưới má ông nội không chịu song sau ba có làm hôn thú rành rẽ rồi. Còn phận con thì ba có khai sanh hẳn hoi, duy có một mình chị Thu Ba hồi đẻ không có ba, sau lạc mất nên ba chưa nhìn chị làm con được. Ba dặn nếu rủi ba có chết con phải khuyên má dắt con về ông nội đặng con nhìn. Ví dầu ông nội không chịu nhìn con thì chừng ông trăm tuổi già, con phải đem khai sanh ra đối chiếu mà lãnh gia tài, chớ đừng để cho người dưng ăn uổng. Ba lại còn dặn chừng nào con khôn lớn, hễ gặp ai lớn hơn con một tuổi mà mặt mày hoặc bộ tướng giống con thì con phải hỏi thăm gốc gác coi có phải chị Thu Ba hay không. Nếu phải thì con phải nhìn. Như chị ấy nghèo thì con phải nuôi chị, vì chị lạc mất từ hồi nhỏ, chắc là chị cực khổ lắm, nếu con ăn gia tài của ông nội mà không ngó ngàng đến chị thì tội nghiệp cho chị lắm.
- Ba con có dặn mấy việc đó hay sao?
- Thưa có.
Thu Vân ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi lấy vạt áo lau nước mắt má nói rằng:
- Ba con lo xa quá. Sao mà biết chết nên dặn con như vậy! Mà má nghĩ người ở đời phải lấy tình nghĩa làm trọng, chớ tiền của mà sá gì. Má muốn sao ông nội con vì tình máu thịt mà thương con nên nhìn con, chớ má không muốn dùng luật pháp mà giành gia tài của ông nội con. Vậy má tính về tới Nha Mân, má với con phải giả dạng kẻ nghèo khổ rồi lập thế vô ở đợ với ông nội con. Hễ vô được trong nhà rồi thì con phải ăn ở cho khéo léo, phải làm thế nào cho ông nội con đem lòng thương con. Mà má biết trong mình má bịnh nặng lắm sợ má sống không được tới ngày ông nội con thương con, vậy nói cùng mà nghe, nếu rủi má có nhắm mắt mà theo ba con đi nữa, thì con phải nhớ mấy lời má mới dặn con đây mà làm, nghe không con.
Con Thu Cúc cười mà đáp rằng:
- Má cứ nói chuyện chết hoài! Má chết rồi con làm sao nhìn chị Thu Ba cho được. Con có biết chị ấy đâu! Má vui vẻ đặng trong mình khoẻ khoắn mà dắt con về ông nội chớ. Má đừng lo, hễ con gặp ông nội con nói chuyện thì ông nội thương con liền.
Thu Vân nghe con nói như vậy nàng cũng cười, rồi mẹ con nằm xuống mà ngủ. Thu Cúc tánh ham vui, chưa biết lo, nên hễ nằm xuống thì ngủ liền, còn Thu Vân phần thì thương vì nỗi chồng, phần thì lo nỗi con, trong trí không an, nên nằm thao thức cho đến sáng mà ngủ cũng chưa được.
Tàu "Orénoque" tới bến Sài Gòn vào 4 giờ chiều.
Thu Vân trong mình nóng nóng lạnh lạnh song phải gượng gạo mướn cu ly vác rương lên bờ rồi kêu một cái xe kiếng[2] chở rương qua chợ Bến Thành, tính lên nhà ngủ "Lục Tỉnh" mà ở đỡ. Xe chạy qua gần khỏi cầu Khánh Hội, Thu Vân bỗng thấy ba người đàn ông với một người đàn bà đương ngồi tại đầu cầu. Nàng quay đầu lại mà nhìn rồi kêu người đánh xe bảo ngừng xe lại. Xe đương xuống dốc cầu bị trớn, ngừng không được, nên phải chạy xuống gần hết dốc rồi mới ngừng. Thu Vân bèn biểu người đánh xe ngoắt kêu người đàn bà ngồi trên đầu cầu hồi nãy. Người đàn bà ấy đi lại, ba người đàn ông cũng đi theo sau. Khi họ đi gần tới xe, thì thấy người đàn bà tuổi chừng 40, miệng rộng, da đen, đầu choàng một chiếc khăn vải rằn, mình mặc một cái áo bà ba, vải đen và một cái quần vải đen cũ.
Chừng người ấy tới, Thu Vân mới ló đầu ra mà hỏi rằng:
- Xin chị cho phép tôi hỏi thăm một việc. Tôi nhớ mày mạy chị là chị hai Thình, không biết có phải không?
Người đàn bà ấy chưng hửng đứng nhìn Thu Vân trân trân rồi cười mà đáp rằng:
- Phải, tôi là hai Thình. Xin lỗi cô, không biết cô ở đâu, tôi quên.
Thu Vân vừa nghe người ấy xưng mình là hai Thình, thì nàng vội vã mở cửa xe và leo xuống mà nói rằng:
- Tôi hồi trước ở nhà ông phán Kim; tôi mướn chị nuôi *, chị quên hay sao? Con nhỏ của tôi ở đâu? Chị báo hại quá! Hồi đó chị biệt mất, làm vợ chồng tôi đón chị hết sức rồi trông cũng mỏi hơi. Con nhỏ của tôi bây giờ ở đâu?
Chị hai Thình cười ngỏn ngoẻn rồi đáp rằng:
- Thế cô là cô ba hồi đó ở nhà ông phán Kim. Lâu quá nên tôi quên. Mà bây giờ sao cô ốm dữ vậy?
Thu Vân châu mày hỏi rằng:
- Tôi hỏi con nhỏ tôi đâu! Dầu chị có mắc việc gì chị ra không được, thì chị cũng phải gởi thơ cho vợ chồng tôi hay, đặng có lập thế rước con tôi, chớ sao chị bặt tin như vậy?
- Thủng thẳng rồi tôi nói cho cô nghe mà. Hồi cô đi cô gởi tiền cho ông Phán đặng ông ấy mua giấy tàu cho tôi đi sau. Thiệt cô đi ba bốn bữa, con nhỏ hết bịnh. Tôi nói với ông Phán mua giấy tàu cho tôi đi, ông Phán lần lựa cứ nói chưa có tiền hoài. Rồi kế ông đau mất; cách vài bữa vợ ông đau cũng mất nữa. Tôi có tiền đâu đặng mua giấy tàu mà đi.
- Dầu hai vợ chồng ông Phán không đưa tiền đi nữa thì chị cũng đánh dây thép cho tôi hay đặng tôi gởi tiền khác về cho chị đi, chớ sao chị lại nín mất ở trong nầy?
- Tôi có biết cô ở đâu mà đánh dây thép.
- Còn con nhỏ của tôi đâu? Năm nay nó được bao lớn?
- Nó chết lâu rồi.
- Chết hồi nào?
- Lâu quá tôi có nhớ đâu.
Thu Vân ứa nước mắt, đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Nó đau bịnh gì mà chết? Chị có khai tử hay không?
Hai Thình bợ ngợ một hồi rồi day mặt chỗ khác và nói rằng:
- Tôi không nhớ... Lâu quá ai nhớ được.
Thu Vân thấy bộ Hai Thình ái ngại mà lại nghe lời đối đáp lôi thôi nên trong lòng phát nghi, nàng bèn nói rằng:
- Chị nói thiệt cho tôi nghe đi mà, chị giấu làm chi. Tôi chắc con tôi không chết. Vậy chị biết nó ở đâu, chị chỉ giùm cho tôi, tôi cho tiền chị xài.
Hai Thình đứng lặng thinh. Con ngựa kéo xe đi tới 2, 3 bước, làm cho người đánh xe phải chạy lại trước đầu mà níu nó. Ba người đàn ông đi theo Hai Thình hồi nãy ngồi chồm hổm trên lề đường, dụm đầu lại nói chuyện song mắt cứ ngó theo phía xe kiếng đậu hoài. Hai Thình ngẫm nghĩ một hồi rồi nói mơn trớn với Thu Vân rằng:
- Hồi nãy tôi sợ cô rầy nên tôi phải nói dối, chớ thiệt em không có chết.
- Vậy chớ nó ở đâu bây giờ?
- Thiệt nó ở đâu tôi không biết; để thủng thẳng coi. Có lẽ tôi hỏi thăm cũng ra mối mà. Cô bây giờ ở đâu?
- Tôi ở ngoài Bắc mới về tới đây. Bây giờ tôi đi kiếm khách sạn mướn phòng mà nghỉ một bữa cho khoẻ, rồi tôi đi về dưới Sa Đéc.
- Cô ở khách sạn thiên hạ rần rộ nghỉ giống gì đặng. Thôi, cô vô nhà tôi mà nghỉ.
- Nhà chị ở đâu?
- Tôi ở trong Bàn Cờ.
- Cô không biết hay sao? Bàn Cờ ở phía Ô Mai[3] đó. Tôi ở nhà lá, song không chật lắm. Cô với em vô đó nghỉ được. Ở nán vài bữa đặng tôi dọ hỏi coi con Thu ba bây giờ ở đâu.
Thu Vân suy nghĩ nàng phải nhờ Hai Thình mới tìm Thu Ba được. Vừa về tới Sài Gòn mà gặp được Hai Thình, ấy là dịp may; vậy phải theo chị ta đặng biết nhà mà cậy chị ta kiếm con.
Thu Vân bèn biểu Hai Thình lên xe mà đi. Hai Thình trở lại từ giã hai người đi với chị ta rồi lên xe và biểu người đánh xe chạy thẳng vô Bàn Cờ.
Xe vô tới ngang cửa, Hai Thình biểu ngừng lại, rồi mời Thu Vân vô nhà. Thu Vân dặn người đánh xe chờ, rồi mẹ con đi theo Hai Thình.
Trong khi Hai Thình móc chìa khoá trong túi ra mở cửa thì Thu Vân đứng ngoài ngó mông. Thuở ấy ở xóm Bàn Cờ nhà cửa thưa thớt, chớ không phải đông đặc như bây giờ. Nhà Hai Thình ở cách nhà hai bên cả một hai chục thước. Ấy là một túp nhà lá nhỏ và thấp, cửa bằng ván, vách cặp[4] bằng lá dừa. Tuy nhà tum húm, song phía trong có một bộ ván dầu[5] với một cái bàn và ít cái ghế. Nhà nghèo mà sạch sẽ, vén khéo.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Thu Vân vô nhà rồi, liền hỏi rằng:
- Đâu chị nói thiệt cho tôi biết coi con Thu Ba của tôi ở đâu.
- Khoan. Để tôi nấu nước chế trà cho cô uống.
- Thôi thôi. Tôi không khát nước. Chị làm ơn nói chuyện con Thu Ba cho tôi nghe.
- Cô nóng nảy quá. Để thủng thẳng tôi nhớ coi... Ờ, ờ tôi nhớ hồi đó tôi đau, hết sữa, phần không biết cô ở đâu mà trả em lại cho cô. Túng thế tôi phải năn nỉ với chị chín Hô nhờ chỉ nuôi giùm.
- Chị chín Hô ở đâu?
- Chỉ ở gần một bên tôi. Chỉ thấy em Thu Ba thiếu sữa khóc hoài chỉ mới làm ơn bồng về nuôi khuấy sữa bò cho nó bú.
- Chị chín Hô bao lớn?
- Chị lớn mà. Hồi đó sồn sồn, lớn bộn rồi.
- Bây giờ biết làm sao tìm chỉ cho ra?
- Để sáng mai tôi lên Tân Định tôi hỏi thăm coi có ai biết chị ấy bây giờ ở đâu hay không. Cô đừng lo, chắc tôi hỏi ra mà.
- Hồi chị cho con nhỏ tôi đó, nó được mấy tháng.
- Bảy tám tháng gì đó.
- Chẳng giấu chị làm chi, ở nhà tôi trước khi đi Tây thì căn dặn tôi đừng có quên dọ tin tức con Thu Ba trong giây phút nào. Nay ở nhà tôi[6] chẳng may mất rồi, tôi lại càng lo làm cho vừa ý chồng hơn nữa. Nếu chị kiếm giùm được con Thu Ba cho tôi, thì tôi cám ơn chị lắm. Ví như họ muốn đòi tiền công nuôi nó bao nhiêu tôi cũng sẵn lòng thối lại cho họ. Miễn là tôi được gặp con tôi thì thôi, tốn hao chút đỉnh cũng không sao.
- Tôi hứa với cô tôi tìm được thì chắc được, cô đừng lo mà! Thôi, cô ở đây rồi sáng mai cô đi với tôi lên Tân Định mà hỏi thăm. Có cái lên trời thì tôi lên không được, chớ trong lục tỉnh nầy có chỗ nào mà tôi tìm không tới.
Thu Vân được tin con như vậy thì nàng mừng rỡ vô cùng. Chẳng phải là nàng tránh sự tốn hao, nhưng vì nàng muốn ở gần hai Thình đặng hỏi thăm chuyện của con nữa, nên nàng mới bằng lòng trả tiền xe rồi đem rương vô nhà hai Thình mà ở đậu.



[1] (pont): sàn tàu
[2] loại xe do một hoặc hai con ngựa kéo. Thùng xe thường có bốn chỗ ngồi đối diện nhau. Bên hông xe có gắn kiếng (kính) để che mưa gió, vì vậy gọi là xe kiếng
[3] hay Ô Ma, thành Au Mare, hướng tây giáp ranh với chợ Bàn cờ. Sau hiêp định Genève, một phần của thành nầy là trụ sở của „Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến“
[4] hay kẹp. Kết lá làm nóc nhà gọi là lợp, kết lá làm vách gọi là cặp
[5] ván ngựa, một thứ bàn ghế kê trên cặp chưn 4 cẳng như con ngựa gỗ, dùng như divan, bằng gỗ cây dầu
[6] tiếng xưng hô để chỉ chồng hay vợ


Còn Tiếp
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 16 Feb 2007

Chúc Phận Linh Ðinh
V
Nghe tin con, khắp khởi lòng vàng
Hay biệt tích, chan dầm lụy ngọc
Trời vừa chạng vạng tối, đèn khí ngoài đường đã cháy sáng trưng. Thu Vân đưa tiền cho Hai Thình đi ra chợ mua thịt, trứng vịt, lạp xưởng đem về dọn cơm ăn. Hai Thình đi đã lâu rồi mà chưa thấy về, nên mẹ con Thu Vân dắt nhau ra đứng dựa lộ xem chừng và hứng mát luôn thể.
Ngoài đường thiên hạ qua lại dập dìu, kẻ đi bộ thì tẻ hai bên, người ngồi xe kéo hoặc xe kiếng thì chạy chánh giữa. Một lát lại có một cái xe hơi chạy ngang qua một cái vù, bụi bay lấp mặt, kèn bóp vang tai.
Thu Cúc đứng ngó người ta, ngó xe, một hồi rồi nói với mẹ rằng:
- Sài Gòn vui quá má hả! Phải ba còn, ba đem mình về trong nầy ở thì vui biết chừng nào.
Thu Vân cúi xuống ngó con, nàng không trả lời mà mặt coi buồn nghiến. Cách một lát nàng nói rằng:
- Phận mẹ con mình như vầy, con còn mong vui làm chi nữa con. Má bây giờ không muốn vui sướng chi nữa hết, duy muốn sao tìm được chị của con và muốn sao cho ông nội của con biết thương hai con thì đủ rồi.
Thu Vân nói tới đó, bỗng thấy hai chiếc xe kéo ngừng trước mặt một lượt. Nàng dòm ra xe thì thấy hai Thình, tay bưng đồ, đương leo xuống xe, còn trên cái xe kia thì có một người đàn ông, đầu đội nón da bìa lớn, mình nặc áo bành tô[1], quần vải đen, đương thò tay trong túi móc tiền trả tiền xe.
Hai Thình dòm mẹ con Thu Vân rồi cười ngón ngoẻn nhà nói rằng:
- Bất nhơn quá. Hồi nãy tôi đi quên chỉ hộp quẹt cho cô đặng ở nhà đốt đèn giùm, để trong nhà tối mò. Có ở nhà tôi, nó mới về đây.
Người đàn ông trả tiền xe kéo rồi bước lại dở nón chào Thu Vân. Hai Thình nói với chồng rằng:
- Cô thầy thuốc ở ngoài Bắc mới về, hồi nãy tôi nói với mình đó. Mình có hộp quẹt thì vô trước đốt đèn đi.
Chồng của hai Thình tên hai Rỗ, không nói chi hết lầm lũi đi vô nhà đốt đèn. Thu Vân dắt con đi theo hai Thình vô sau. Ðèn đốt tỏ rõ, coi kỹ lại, mới thấy mặt hai Rỗ mặt thiệt rỗ chằng. Hai Thình nhúm lửa nướng lạp xưởng, chiên hột vịt rồi dọn cơm ra vợ chồng ăn với mẹ con Thu Vân.
Thu Cúc cứ theo ngó hai Rỗ hoài, coi bộ nó không vui.
Chừng ăn cơm rồi, Thu Cúc ngồi ngó quanh quất trong nhà rồi hỏi nho nhỏ mẹ rằng:
- Mình ngủ đây hay sao má?
- Ừ, ngủ đỡ đây đặng sáng đi kiếm chị con sớm.
- Ngủ đây con sợ quá.
- Sợ giống gì?
- Nhà sao mà cửa vách gì coi cũng óp quá. Ban đêm họ vô họ giựt đồ mình rồi làm sao. Hễ má kiếm được chị hai con rồi, má dắt chỉ đi về ông nội với con nghe hôn má.
- Ừ.
- Dì hai ở nhà đây nói mờ ơ[2] quá con sợ tìm không ra.
- Ðể tìm thử một vài bữa coi. Má vái linh hồn của ba con mách bảo chỉ dẫn cho má tìm, hễ ba con giúp thì chắc tìm được.
- Phải a! Ðể chừng đi ngủ con vái ba con.
Mẹ con nói với nhau mới bao nhiêu đó kế hai Thình bước ra hỏi Thu Vân muốn đi chợ chơi hay không? Thu Vân nói rằng trong mình không được giỏi, phần thì đi tàu mệt, nên tính nghỉ cho khỏe đặng sáng mai đi hỏi thăm con Thu Ba cho sớm.
Hai Thình bèn lấy một chiếc chiếu trắng còn mới trải trên ván, Thu Vân mở rương lấy mền gối ra sửa soạn mà ngủ. Trong lúc dọn chỗ ngủ thì Thu Vân hỏi hai Thình rằng:
- Anh hai ảnh đi chơi chừng nào về?
- Ối, nó đi sáng đêm hơi nào mà hỏi. Có khi nửa đêm nó về, có khi nó đi chơi rồi ngủ luôn nhà anh em.
- Ảnh đi chơi sáng đêm như vậy rồi làm sao ảnh đi làm cho được?
- Nó làm cai nên có dễ một chút. Coi cho người ta làm, chớ có làm lụng gì mà mệt.
Thu Vân nói chuyện lôi thôi một hồi rồi ngủ khò. Hai Thình thấy vậy khép cửa đi ra lộ, chọc chú chệc bán mì, chú la rân một hồi, rồi mới chịu trở vô đóng cửa ngủ.
Trời vừa hừng sáng, mẹ con Thu Vân thức dậy rửa mặt gỡ đầu sẵn sàng, đợi hai Thình dậy đặng đi tìm con Thu Ba. Chẳng dè hai Thình ngủ tới mặt trời mọc cao mú mới chịu dậy, mà dậy rồi lại bần dùng[3] không chịu đi liền, khuyên Thu Vân để đi chợ về nấu cơm ăn rồi sẽ đi. Thu Vân nóng tìm con, nên nài nỉ chị đi liền, nói rằng đi hỏi thăm một chút, dầu được dầu không rồi sẽ đi chợ luôn, nghĩ cũng không trễ gì.
Hai Thình đi ra lộ đón kêu một cái xe kiếng, còn Thu Vân ở nhà mở rương lấy cái hộp cẩn ra mà đưa cho con Thu Cúc ôm. Chừng có xe rồi, hai Thình mới khép cửa lên xe đi với mẹ con Thu Vân.
Khi ra tới xe, Thu Vân hỏi hai Thình rằng:
- Nhà chị khóa cửa bỏ đó, có rương đồ của tôi ở trong không biết có hại gì hay không?
Hai Thình đáp rằng:
- Không có sao đâu mà cô sợ. Ai dám vô đó lấy. Chẳng giấu cô làm chi, ở nhà tôi nó hung lắm, miệt Bàn Cờ nầy điếm đàng đều sợ nó hết thảy, không đứa nào dám tới nhà khuấy phá mà cô sợ.
Xe chạy được một khúc đường, hai Thình thấy Thu Cúc ôm cái hộp cẩn, không biết là hộp chi, nên hỏi rằng:
- Em ôm cái hộp gì vậy? Sao không để nhà, ôm theo làm chi cho mất công?
Thu Vân ơ hờ nên đáp thiệt tình rằng:
- Ờ, cái hộp đựng đồ riêng của tôi, có tiền bạc chút đỉnh ở trỏng, nên đem theo đặng gặp con Thu Ba mà họ nài phải chuộc nó thì có sẵn mà trả cho họ.
Hai Thình chúm chím cười, một lát mới hỏi rằng:
- Từ hồi đó tới bây giờ cô ở luôn ngoài Bắc hay là có về trong nầy lần nào?
- Tôi ở luôn trọn 14 năm, mới về lần thứ nhứt đây.
- Cô ở ngoải làm ăn khá hôn?
- Ở nhà tôi làm việc nhà nước lãnh lương mà ăn, chớ có làm việc chi đâu mà khá.
- Tôi thấy người nào ở ngoài Bắc về cũng khá. Cô cũng có dư năm ba ngàn chớ?
- Ðâu có dữ vậy! Vợ chồng tôi tiện tặn lắm, nên đủ ăn đó là may.
- Nếu cô không có vốn liếng, bây giờ ông thầy thuốc mất rồi cô làm sao mà nuôi con?
- Tôi đem nó về giao cho ông nội nó.
- Cô tính lấy chồng khác hay sao?
- Không.
Thu Vân nói tiếng ''không” giọng nghe buồn thảm lắm. Hai Thình không rõ tâm sự của người ta, nên thấy người ta buồn chị lại tưởng người ta mắc cỡ, nên chị ta cười.
Xe chạy qua khỏi chợ Tân Ðịnh một khúc rồi tới một cái đường hẻm, hai bên có hai dãy phố cũ đâu mặt với nhau. Hai Thình biểu người đánh xe ngừng lại. Chị leo xuống và nói với Thu Vân rằng:
- Hồi trước tôi với chị Chín ở trong đường hẻm nầy đây cho tới con nhỏ năm sáu tuổi tôi mới về dưới Bàn Cờ. Ðể tôi hỏi thăm coi. Cô đi vô với tôi chơi.
Thu Vân biểu con ngồi trên xe giữ cái hộp cẩn, rồi nàng leo xuống đi với hai Thình vô đường hẻm. Buổi sớm mai trong đường hẻm người lớn con nít lao nhao lố nhố, người lớn ngồi trước cửa nói chuyện om sòm, con nít chạy qua chạy lại trững giỡn inh ỏi.
Hai Thình hăm hở đi trước, Thu Vân chậm rãi theo sau. Hai Thình đi ngang qua mỗi căn phố đều đứng lại mà dòm. Mấy người đàn bà ngồi chơi trước cửa ai thấy mặt lạ cũng đều ngó. Chừng đi gần cùng đường hẻm, hai Thình đứng lại chờ Thu Vân đi tới rồi chị ta chỉ tay vô một căn phố bên phía tay mặt nói với Thu Vân rằng:
- Ðây, hồi trước chị Chín ở căn nầy đây. Không biết bây giờ chỉ còn ở đây hay không?
Chị ta mới nói láp dáp mấy lời, bỗng có một người đàn bà mập ú, nước da đen trạy, mũi gãy đầu sói, tuổi chừng lối 50, bận áo túi vải rằn, quần vải đen nhục, chơn mang guốc, tay xỉa thuốc, ở trong phố bước ra ngó hai Thình lườm lườm và hỏi cụt ngủn rằng:
- Nói giống gì? Kiếm ai?
Hai Thình cũng ngó người ấy và hỏi rằng:
- Dì ở căn phố nầy bao lâu nay vậy dì?
- Hỏi chi vậy?
- Tôi muốn hỏi coi chị Chín hồi trước ở căn phố nầy, bây giờ đi đâu mà.
- Chị Chín nào?
- Chị Chín răng hô đó mà.
- Nói lôi thôi như vậy ai biết chị Chín nào.
- Vậy chớ dì có biết người nào dọn đi rồi dì dọn lại đây hay không?
- Hồi trước con xẩm bán đậu hủ ở đây mà.
- Dì dọn lại đây hồi nào?
- Ba năm nay.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 16 Feb 2007

- Nếu vậy chị Chín đã dọn đi mất lâu rồi. Hồi trước tôi cũng ở trong đường hẻm nầy. Ðể tôi kiếm hết mấy căn phố coi còn người nào quen hay không.
- Kìa kìa, có bà già gánh nước bả ở căn phố đóng cửa đó, bả hay khoe bả ở đây gần 20 năm, lại đó mà hỏi thăm bả.
Thu Vân nghe nói như vậy thì mừng nên cúi đầu tạ ơn rồi mon men đi lại căn phố người ta mới chỉ đó. Hai Thình xốc vô cửa, tuy thấy cửa khóa ngoài, song cũng vỗ cửa, kêu om sòm. Người đàn bà mập hồi nãy kêu mà nói rằng:
- Sớm mai bả đi gánh nước, đâu có ở nhà mà kêu. Chờ một lát chừng tám chín giờ bả về rồi mặc sức mà hỏi:
Hai Thình trở ra, đứng ngó dáo dác và nói rằng:
- Ðể tôi đi kiếm bả.
Chị ta nói như vậy rồi bỏ đi tuốt. Thu Vân nghểu nghến trong đường hẻm, có ý dòm coi có đứa con gái nào 14, 15 tuổi hay không. Nàng đi hai ba bận mà không thấy, chưn đã mỏi nên ra ngoài tính lên xe ngồi mà chờ bà già gánh nước.
Thu Cúc thấy mẹ liền hỏi:
- Kiếm được không má?
- Chưa. Ðể đợi bà già gánh nước về rồi mới hỏi.
- Trong đường hẻm nầy phố coi đã cũ mà lại dơ dáy quá. Nếu từ nhỏ đến lớn chị Thu Ba ở trong chỗ như vầy thì chắc chẳng khỏi mang bịnh. Ở chỗ gì không có gió, tối ngày hửi mùi hôi dưới đường mương hoài thì chịu sao được.
- Ba con làm thầy thuốc nên con biết cách vệ sinh con nói như vậy, chớ người ta ở đó sao?
- Nếu chỉ ở đây thì tội nghiệp cho thân chỉ lắm.
Thu Vân day mặt qua phía bên kia rồi lấy khăn trong túi ra mà lau nước mắt. Thu Cúc thấy mẹ buồn thì nó cũng buồn, song nó lại còn nói thêm rằng:
- Con nghĩ thân con từ nhỏ tới lớn, con gần ba má, con sung sướng; còn chị Thu Ba cực khổ chắc không có áo tốt mà bận, không có bánh ngon mà ăn bao giờ. Hễ tìm được chỉ con để hết mấy cái áo tốt của con cho chỉ bận. Mà má cũng đừng hà tiện nghe hôn má, má mua đủ thứ bánh trái cho chỉ ăn... Bây giờ con biết rồi, con thương chỉ nhiều lắm.
Thu Vân nghe con nói như vậy càng thêm cảm động, nên nước mắt nhỏ giọt.
Hai Thình phía đàng chợ lơn tợn đi lại, chừng đi gần tới xe, chị ta nói láp dáp rằng:
- Con mẹ già nó đi gánh nước xứ nào mất không biết; tôi kiếm mấy máy nước lối chợ mà không có.
Chị ta nói rồi thì ngồi xuống dựa mé đường.
Cách một hồi chị ta hỏi Thu Vân rằng:
- Cô đi chợ chơi hôn cô? Ði một chút rồi sẽ trở lại kiếm bả.
Thu Vân gật đầu. Hai Thình lên xe rồi biểu chạy lại chợ. Thu Vân đưa cho hai Thình một đồng bạc, biểu mua thịt cá rồi trưa về nhà nấu cơm ăn, khỏi đi chợ nữa.
Hai Thình đi một lát rồi trở ra xe có đủ đồ hết thảy, lại có năm cái bánh cam, năm miếng bánh bò nữa. Chị ta lên xe, mở bánh ra mời mẹ con Thu Vân ăn, Thu Vân không ăn, song biểu Thu Cúc ăn đỡ vài cái bánh, kẻo trưa đói bụng, Thu Cúc lấy một miếng bánh bò mà ăn, và cắn vài cái thì ngó hai Thình mà nói rằng:
- Bánh bò ngon quá. Dì ăn bánh cam đi, để dành hai miếng bánh bò đặng lát nữa gặp chị Thu Ba cho chỉ ăn.
Hai Thình cười mà nói rằng:
- Chà cháu nó biết thương chị nó há...
Thu Vân cũng cười rồi biểu đánh xe trở lại chỗ đường hẻm hồi nãy. Xe vừa đậu thì thấy có một người đàn bà, tuổi trên 50, vai gánh một cặp thùng không, ở đằng xa đương đi lại. Hai Thình nói:
- Bà già gánh nước đó chắc!
Rồi lật đật mở cửa xe leo xuống. Thu Vân cũng bươn bả xuống theo.
Khi bà già ấy đi gần tới, hai Thình la lớn rằng:
- Dì ba, cha chả! Năm nay già rồi mà còn gánh nước nổi hay sao, giỏi đa? Ðể coi dì còn nhớ tôi hay không?
Bà già nhíu chơn mày, ngó hai Thình trân trân và hỏi rằng:
- Ai đó?
- Tôi là hai Thình, hồi trước tôi có chồng săn đá ở ngang cửa dì đó chớ ai.
- Ờ, ờ! Con đĩ chó nầy, mà tưởng ai đâu lạ.
- Dì nầy ngang dữ hôn nè! Khi không lại mắng người ta con đĩ chó. Già mà không nên thân.
- Con ngựa nầy, bây giờ nó hỗn dữ bây! Tôi nói chơi mà nó mắng tôi chớ. Mầy đi đâu đây? Ði với ai đó?
- Ờ, cô đây là cô thầy thuốc ở ngoài Bắc mới về. Tôi lên đây kiếm dì để hỏi thăm một chút.
- Hỏi thăm giống gì?
- Hồi tôi ở trên nầy có chị Chín chỉ ở cách tôi một căn đó, dì nhớ hôn?
- Chị Chín nào?
- Chị Chín răng hô đó mà. Chồng chỉ làm dưới máy nước lạnh đó.
- Ờ, ờ! Nhớ rồi. Mà sao? Mầy muốn hỏi giống gì?
- Dì biết bây giờ chỉ ở đâu hay không?
- Ai mà biết. Mầy đi ít ngày rồi chồng con Chín đó chết. Nó chôn chồng nó rồi nó trả phố bán đồ đi mất, ai biết nó đi đâu.
- Chỉ không có nói chỉ đi đâu hay sao?
- Không.
- Hồi đó tôi có cho chỉ một đứa con gái nuôi, dì nhớ hôn?
- Nhớ. Mầy bán 10 đồng bạc, chớ cho.
- Nói bậy, tôi không có sữa, mà tôi thấy chỉ không con chỉ ham con, nên tôi cho chỉ chớ ai mà bán. Dì nhớ hồi chỉ đi đó chỉ có đem con nhỏ theo hay không?
Bà già đứng suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng:
- Tao nhớ rồi, có, nó có đem con nhỏ theo.
Thu Vân nãy giờ chăm chỉ nghe hai người nói chuyện, chừng nghe tới đó, nàng mới xen vô nói rằng:
- Bà biết chị Chín đó bây giờ đâu, bà làm ơn chỉ giùm cho tôi, tôi cho tiền bà xài. Hay là bà biết người nào rõ gốc gác của chỉ, bà nói cho tôi biết đặng tôi tới đó tôi hỏi thẳng họ.
Bà già đáp rằng:
- Tôi ở dãy phố nầy từ hồi mới cất cho tới bây giờ. Nếu tôi không biết thì ai biết được mà hỏi cho mất công. Ở đất Sài Gòn nầy biết nhau thì biết mặt, chớ có ai tìm gốc gác của ai làm chi. Thiệt tôi không biết, chớ phải tôi biết tôi chỉ giùm cho cô.
Thu Vân đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi nữa rằng:
- Bà biết hồi chị Chín đó còn ở gần bà, chỉ đặt tên con nhỏ chỉ nuôi đó là tên gì hay không?
- Cái đó nhớ không được. Chuyện đã hơn 10 năm rồi. Con nít của người ta, mình có kêu tên kêu tuổi chi đâu mà nhớ.
- Trong xóm nầy có ai ở đây lâu năm, biết chị Chín như bà không?
- Không có đâu. Mấy người bây giờ đó họ mới lại ở hai ba năm nay có ai biết được.
Thu Vân ngó hai Thình mà mặt mày buồn xo. Hai Thình lắc đầu nói rằng:
- Thôi cụt ngòi rồi! Có biết ai nữa đâu mà hỏi thăm.
Bà già gánh cặp thùng, bỏ đi vô đường hẻm.
Thu Vân thở dài rồi leo lên xe với hai Thình.
Thu Cúc hỏi mẹ rằng:
- Kiếm được chị Thu Ba không má?
Thu Vân lắc đầu, lặng thinh, nước mắt chảy ròng ròng. Hai Thình day qua biểu đánh xe về Bàn Cờ, tiếng xe chạy lịch kịch, nghe càng buồn hơn nữa. Thu Cúc vói tay lấy gói bánh bò đưa cho hai Thình và nói rằng:
- Thôi dì ăn đi cho rồi, còn để dành làm chi.



[1] (manteau): áo khoác ngoài
[2] mơ hồ
[3] chần chờ
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 16 Feb 2007

Chúc Phận Linh Ðinh
VI
Sầu chưa gỡ, lại còn thêm bịnh,
Vừa tính đi, thì đã mất đồ
Xe về vừa tới nhà hai Thình thì đã mười giờ rồi.
Hai Thình bưng đồ đi vô trước mở cửa. Thu Vân mắc trả tiền xe nên còn ở ngoài lộ. Hai Thình mở ống khóa cửa rồi day lại thấy Thu Cúc ôm cái hộp đứng sau lưng, bèn nói rằng:
- Ờ, cái hộp đó hả, dì tưởng cháu quên chớ. Cô nói trong hộp có bạc, vậy cháu phải coi chừng đưa cho cô cất, đừng có để hơ hỏng không nên đa.
- Ðể rồi tôi đưa cho má tôi, cất vào trong rương.
- Ờ, đưa lại cho cô cất, đừng có lơ đỉnh mất đây rồi báo hại tôi.
Hai Thình nói mấy tiếng rồi xách cá thịt đi thẳng vô nhà sau. Thu Vân chậm rãi đi vô nhà lột khăn bỏ trên ván rồi kéo gối nằm, không nói chi hết. Thu Cúc đem cái hộp lại mà xin mẹ cất giùm. Thu vân vói lấy cái hộp để bên mình, song cũng nằm đó chớ chưa chịu đi cất.
Cách một hồi Thu Vân ngồi dậy mở hộp ra mà đếm vàng bạc, thì còn đủ 5 đôi vàng với 14 tấm giấy một trăm đồng.
Nàng đương ngồi đếm, hai Thình ở nhà sau bước ra nói với Thu Cúc rằng:
- Cháu coi chừng giùm cá thịt ở đàng sau đặng dì lại tiệm mua thêm gạo một chút.
Thu Vân để vàng bạc chành bành trên ván, thò tay vào túi móc bóp ra, mở lấy một đồng bạc đưa cho hai Thình và nói rằng:
- Ðây chị lấy tiền đây mua gạo.
Hai Thình chưn đi mà mắt liếc ngó vàng bạc, chừng Thu Vân đưa tiền, chị ta miệng thì nói ''Tôi có tiền'' song cũng đưa tay lấy đồng bạc. Hai Thình đi rồi, Thu Vân sắp vàng bạc vô hộp lại, đưa chìa khóa cho Thu Cúc biểu mở rương cất cái hộp.
Thu Cúc làm y theo lời mẹ dạy, rồi đi vô nhà sau coi chừng đồ ăn giùm cho hai Thình. Thu Vân cứ nằm trên ván dàu dàu hoài.
Qua 11 giờ rưỡi hai Rỗ đi làm về, hai Thình dọn cơm ra rồi mời Thu Vân ăn, Thu Vân nói rằng:
- Tôi không đói, anh hai với chị hai ăn đi. Thu Cúc, con ăn với dì hai đi con. Ðể chừng nào má đói rồi má sẽ ăn.
Hai Rỗ gặp Thu Vân chiều bữa trước, thì chào rồi thôi, chớ không hỏi thăm chuyện chi hết. Bữa nay anh ta thấy Thu Vân không chịu ăn cơm, anh ta bèn nói rằng:
- Cô qua ăn luôn thể cho vui chớ. Cơm nóng cô không ăn, để nguội lạnh hết rồi ăn sao ngon.
Thu Vân ngồi dậy, song nàng cố từ hoài, không chịu ăn. Thu Cúc bước lại gần, nắm tay mẹ mà nói rằng:
- Từ hồi sớm mai cho tới bây giờ má có ăn vật chi đâu, sao má không ăn cơm má? Bữa nay má có mệt hay không? Nếu má không ăn cơm, thì con cũng không ăn... Ði, má ráng đi ăn một chén cơm với con má.
Thu Vân nghe con năn nỉ thì động lòng, nên cực chẳng đã phải đi ăn cơm cho con khỏi buồn. Nàng ngồi lại mâm cơm, bưng chén sớt bớt cơm vô bồn, chừa lại chừng vài miếng và[1], song lấy đũa dầm cơm hoài, không muốn ăn. Hai Rỗ ngồi chồm hổm bưng chén và thẳng búng[2] rồi day qua hỏi vợ rằng:
- Ở nhà, sao mầy không dắt cô kiếm thử con nhỏ coi?
- Tôi dắt đi một buổi sớm mai rồi còn dắt gì nữa.
- Kiếm được hay không?
- Không, chị chín Hô chỉ dọn nhà đi đâu mất từ hồi nào, hỏi không ai biết hết.
Hai Rỗ day lại ngó Thu Vân mà nói rằng:
- Cô tính sáng mai về hay sao?
- Ừ, kiếm không được con nhỏ tôi buồn quá, thôi về, chớ ở trên nầy làm chi.
- Cô ở dưới tàu mới lên coi cô mệt quá. Cô chơi vài bữa rồi sẽ về. Về làm chi mà gấp vậy?
- Bởi tôi mệt nên tôi phải về, ở đây rủi có đau ốm rồi làm sao?
- Ðất Sài Gòn thiếu gì thầy thuốc. Cô rủi có đau thì uống thuốc, có hại gì.
- Không, tôi phải đi Sa Ðéc cho gấp, ở nữa không được. Trên nầy chị làm ơn dọ giùm tin tức con nhỏ cho tôi. Hễ chị nghe tin nó ở đâu thì chị xuống kêu tôi. Tiền xe, tiền tàu tốn hao bao nhiêu thì tôi chịu cho. Ðây rồi tôi về Nha Mân. Chị xuống đó hỏi thăm lò gạch ông Hội đồng Ðạt, chị vô kiếm thì có tôi.
Ăn cơm rồi Thu Vân than trong người ơn ớn lạnh lạnh nên đắp mền nằm co. Thu Cúc thấy mẹ như vậy cũng leo lên nằm một bên. Hai Thình rửa chén phía sau hè, hai Rỗ ngồi một bên. Hai người ngồi nói chuyện rầm rì với nhau một lát rồi hai Rỗ đội nón đi làm.
Chiều lại hai Rỗ về ăn cơm. Thu Vân nóng lạnh nằm mê man, ăn cơm không được. Thu Cúc xẩn bẩn một bên mẹ, một lát dở mền thăm chừng, một lát rót nước trà nóng bưng cho mẹ uống.
Hai Rỗ ăn cơm rồi thì trời cũng đã tối. Anh ta bước lại gần chỗ Thu Vân nằm hỏi rằng:
- Cô nóng lạnh như vầy mà về giống gì được. Thôi, để ở nhà tôi nó ra chợ hốt thuốc cho cô uống nghe.
Thu Vân dở mền ló đầu ra đáp rằng:
- Tại tôi đi hồi sớm mai bị nắng nên cảm. Không sao đâu anh hai. Tôi có ký ninh[3] trong rương, để bớt nóng rồi tôi uống.
Hai Rỗ đáp rằng:
- Nếu cô có thuốc sẵn thì thôi, tưởng như không có ở nhà tôi nó đi mua cho cô uống.
Anh ta lấy nón đội lên đầu rồi nói với vợ rằng:
- Mầy ở nhà coi một lát cô bớt nóng thì nấu cháo cho cô ăn. Tao đi coi hát đa. Không biết chừng tao đi chơi rồi tao ngủ luôn dưới nhà thằng Chín nhỏ, mầy ở nhà cứ đóng cửa mà ngủ đừng chờ.
Anh ta nói rồi bước ra cửa đi tuốt. Hai Thình khép cửa lại rồi trở vô nói lầm bầm rằng:
- Quân gì mà hễ ăn ba hột cơm rồi xách đít đi mất, đi đêm nào sáng đêm nấy. Ði riết đây có bữa chúng đâm chết, chớ khó đâu.
Chị ta bước lại hỏi Thu Vân rằng:
- Ðể tôi nấu một miếng cháo cho cô ăn, nghen hôn cô?
Thu Vân đáp:
- Ðừng nấu mất công chị hai. Tôi không đói đâu chị hai.
Hai Thình ngó Thu Vân rồi cười nói rằng:
- Cô ốm quá không chịu ăn. Vậy mà mập sao được… Ủa! Mà hộp quẹt hết rồi. Ðể tôi lại tiệm mua một cái, chớ không có đây nửa đêm tắt đèn rồi làm sao.
Chị ta nói dứt lời liền mở cửa đi.
Thu Cúc là đứa hay nói, mà lại ít hay buồn. Từ ngày cha nó bước chưn xuống tàu đi Tây cho đến lúc hay tin cha nó chết, thì mẹ nó buồn rầu than khóc đêm ngày; chẳng phải nó không thương cha, hay là nó không biết buồn, nó thương cha nó lắm, nó hiểu gia đạo nó nhiều, nhưng vì tánh nó đã quen vui rồi, nên hễ nhớ tới việc buồn, thì buồn một chút rồi thôi, chớ không phải nó rầu rĩ đêm ngày như mẹ vậy.
Hôm nay đến xứ lạ, vào ở cái nhà cũng lạ, lại mẹ đau nằm đó, chủ nhà bỏ đi hết, nó không biết nói chuyện với ai, bởi vậy ngồi mắt ngó ngọn đèn, tai lóng nghe xe chạy ngoài lộ, trong lòng nó bâng khuâng tha thiết, nhớ cha, thương mẹ, tưởng chị, tìm ông lăng xăng. Bữa nay nó mới thiệt buồn phiền, buồn đến nỗi ứa nước mắt.
Thu Cúc có ý trông hai Thình về, mà nó ngồi trót giờ cũng chưa thấy về. Thình lình mẹ nó kêu:
- Thu Cúc mở rương lấy cho má một liều ký ninh đặng má uống chút con.
Nó giật mình nhảy xuống đất rồi hỏi rằng:
- Má bớt nóng má há?
- Ừ, bớt rồi. Ký ninh má để trong cái ve nhỏ đó con thấy không?
- Thưa thấy. Má nằm đó con đi lấy cho.
Thu Cúc liền lấy chìa khóa đi mở rương, lấy một viên ký ninh cầm trong tay rồi đi trót nước trà bưng lại mẹ uống.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 16 Feb 2007

Thu Vân tốc mền ngồi dậy uống thuốc rồi hỏi con rằng:
- Dì Hai đi nãy giờ chưa về hả con?
- Thưa chưa.
- Ði mua hộp quẹt gì mà lâu dữ?
- Chắc dì đi chơi. Má muốn ăn cháo hay sao, nên hỏi dì hai?
- Không, má thấy đi lâu nên hỏi vậy thôi.
- Má nóng lạnh như vầy sáng mai đi về ông nội làm sao được?
- Ðể khuya coi má hết thì đi, còn như đi không đặng thì phải ở nán lại đây một bữa nữa, chớ biết làm sao bây giờ.
- Phải chi tìm được chị của con rồi dắt luôn về ông nội thì vui quá má há?
- Nếu được như vậy thì còn nói gì!
- Không biết chỉ ở đâu bây giờ...
Thu Cúc nói tới đó thì ngồi ngẫm nghĩ.
Cách một hồi nó men lại ngồi gần bên mẹ nó, một tay rờ vai, một tay vịn vế, nói mơn trớn rằng:
- Má mạnh riết đi nghe hôn má. Mạnh riết đi đặng có về Sa Ðéc. Con nóng nảy lắm, con muốn thấy mặt ông nội coi ông ra thế nào. Hễ ông nội chịu nhìn mình rồi, mình nói thiệt hết, chắc ông nội sai người đi kiếm chị hai chớ gì, phải hôn má?
Thu Vân nghe con nói như vậy thì tức cười, song cũng gật đầu bướng với con. Hai mẹ con đương nói chuyện, thình lình hai Thình ở ngoài bước vô nói rằng:
- Ủa, cô bớt nóng lạnh rồi phải hôn cô? Thôi để tôi nấu ba hột cháo cho cô ăn.
- Ðừng chị hai. Tôi bớt bớt một chút, chớ ăn uống gì được mà nấu. Chị đi mua hộp quẹt sao mà lâu dữ vậy?
- Ừ, tôi nói lại tiệm mua rồi về liền, kẻo cô nhà một mình cô buồn, chẳng dè tôi gặp con tư U nó nói chuyện dong dẫn phát ghét, làm tôi về không đặng. Cô nói cô có thuốc ký ninh, sao cô không uống thử coi.
- Tôi uống rồi. Tôi mới uống rồi kế chị về đó.
- Vậy hay sao?
Hai Thình day qua ngó Thu Cúc rồi hỏi rằng:
- Cháu chưa buồn ngủ sao cháu?
- Chưa.
- Chà! Cháu giỏi dữ?
Hai Thình nói chuyện nầy, hỏi chuyện nọ lăng xăng một hồi rồi than buồn ngủ, nên đóng cửa mà đi ngủ. Mẹ con Thu Vân nằm đắp mền, mẹ thì mê mệt, con thì buồn xo, nên nằm một lát rồi cũng ngủ hết.
Lúc 4 giờ khuya, Thu Vân thức giấc, cả đầu cổ và mình mẩy mồ hôi ra ướt dầm. Nàng tốc mền ngồi dậy tính lấy khăn mà lau, vừa vói tay lấy cái khăn, vừa liếc mắt ngó chừng cái rương. Nhưng không thấy cái rương nữa, nàng lấy làm lạ lật đật xuống ghế bưng đèn mà rọi. Ôi thôi! Cái rương ai khiêng đi đâu mất rồi. Sự sản bao nhiêu dồn vô trong đó hết, nếu cái rương mất thì ắt mẹ con chết đói. Thu Vân kinh khủng la bài hãi:
- Chị hai ơi, ai lấy cái rương tôi đâu mất rồi, chắc tôi phải chết?
Thu Cúc nghe mẹ la giựt mình thức dậy nhảy xuống đất gọn gàng. Hai Thình trong buồng cũng chạy tuôn ra, cặp mắt nheo nheo, hai tay bới đầu, miệng hỏi:
- Giống gì vậy cô?
- Cha chả! Ai lấy cái rương tôi mất rồi.
- Úy! Báo hại dữ hôn? Ðâu, cô đưa đèn tôi coi.
Hai Thình xách cây đèn rọi cùng phía trước thì không thấy cái rương, mà cửa cũng còn đóng chặt, chị ta đi lần vô phía trong, rọi ra vách sau thì thấy tấm vách lá ai cắt trống lổng một lỗ lớn, hai ba người đi qua một lượt cũng được. Chị ta la lên:
- Trời ơi ăn trộm cắt vách đây nè. Nó khiêng cái rương của cô đây chớ ai? Chết chưa? Ðể coi nó có lấy đồ của tôi hay không. Chị ta bước vô buồng rồi cũng bệu bạo la nữa:
- Úy! Thôi rồi! Nó lấy cái áo của tôi nữa rồi. Gia tài có một cái áo nó cũng không chừa? Quân gì mà ác nghiệt quá?
Thu Vân với Thu Cúc đi theo sau lưng, hai mẹ con chết điếng trong lòng nên chảy nước mắt chớ không nói chi được hết. Ba người dắt nhau trở ra đàng trước.
Hai Thình để đèn trên ghế rồi hỏi Thu Vân rằng:
- Rương cô có để đồ đạc gì hay không?
- Thì áo quần, vàng bạc, giấy tờ tôi để hết ở trỏng.
- Vàng bạc có để ở trỏng nữa sao?
- Chớ sao?
- Trời ơi? Nhiều ít?
- Năm đôi vàng với một ngàn bốn trăm đồng bạc, để trong cái hộp cẩn, tôi đếm hồi sớm mai chị ngó thấy đó.
- Cô bất nhơn quá. Sao không để trong mình lại để làm chi trong rương không biết! Báo hại quá...Thôi, cô ở nhà để tôi kiếm thằng mắc phong nó về đặng nó kêu biện Tây lại coi, rồi có đi kiếm chớ bỏ sao được. Thằng đó khốn nạn thiệt! Phải nó ở nhà nó ngủ giùm làm phước thì có đâu đến nỗi bị ăn trộm như vầy.
Hai Thình nói láp dáp rồi mở cửa ra đi. Thu Vân lại ván ngồi khoanh tay mà khóc và nói với con rằng:
- Trời khiến mẹ con mình phải chết đói, khổ lắm con ôi! Chắt mót[4] để dành chút đỉnh vốn liếng nuôi con, bây giờ chúng giựt hết, mẹ biết làm sao?
Thu Cúc tuy buồn, song nó thấy mẹ nó đã bịnh hoạn mà lại còn thêm rầu rĩ thì nó càng lo, nên giả vui nói với mẹ rằng:
- Rủi mất hết thì thôi, má rầu làm chi má. Má đừng lo cho con; ông nội giàu lớn mà có một mình ba là trai mà thôi. Hễ ông nội chịu nhìn con thì có thiếu gì tiền. Mà má đã tính về tới Nha Mân mình phải lập thế xin vô ở mướn với ông nội đặng lần lần cho ông nội thương, liệu coi như ông nội chịu nhìn thì mình sẽ nói thiệt. Mình đã tính đi ở mướn thì vàng bạc có ích gì, có vàng mình không dám đeo, có bạc mình không dám xài, dầu có dầu không cũng vậy má đừng có buồn. Không biết chừng trời khiến mình bị ăn trộm như vầy mình mới gần ông nội được.
Thu Vân nghe con nói mấy lời, nàng ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng:
- Mà bây giờ má còn có mười hai, mười ba đồng bạc, phần má đau nữa, biết có đủ tiền về tới Nha Mân hay không? Còn một điều nầy nữa, như về dưới ông nội con không chịu cho mẹ con mình ở, trong lưng hết tiền rồi mẹ con mình làm sao?
Thu Cúc cười mà nói rằng:
- Má đừng lo, ông nội cho mà. Mà dầu ông nội không cho đi nữa, con cũng lập thế con ở được. Mẹ con mình có đủ tay chưn như người ta, dầu thế nào cũng không đến nỗi chết đói đâu mà sợ.
Mẹ con nói chuyện với nhau mới tới đó, kế hai Thình với hai Rỗ bước vô. Hai Rỗ hỏi bơ hơ bài hãi rằng:
- Ðâu ăn trộm vô chỗ nào đâu?
Hai Thình nắm tay hai Rỗ dắt đi thẳng ra phía sau, vừa đi vừa nói:
- Nó cắt một lỗ vách lớn quá chừng quá đỗi. Vô đây mà coi.
Lúc ấy trời đã rựng sáng, nhưng trong nhà còn đốt đèn. Thu Vân bưng đèn đi theo hai Rỗ đặng cho hai Rỗ coi chỗ ăn trộm cắt vách.
Hai Rỗ vừa coi vừa nói rằng:
- Cha chả! Quân nầy cả gan thiệt? Nó dám rờ tới nhà tao chớ? Ðể rồi bây coi tao.
Anh ta day lại nói với Thu Vân rằng:
- Nó khiêng cái rương của cô mà thôi, hay là còn lấy vật gì nữa?
- Thì gia tài tôi có một cái rương, nó khiêng hết rồi thôi chớ còn giống gì nữa?
- Cô biết ăn trộm vô nhà hồi mấy giờ hay không?
- Tôi nóng lạnh nằm mê man, có biết nó vô hồi nào đâu. Chừng 4 giờ tôi thức dậy thấy mất cái rương mới hay.
Hai Rỗ cùng quằng[5], bỏ đi ra trước vừa đi vừa nói với vợ rằng:
- Còn con nầy, mầy chết hay sao, chớ ngủ giống gì mà ăn trộm phá vách như vậy mà không hay? Ở nhà không coi giống gì hết thảy.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 16 Feb 2007

Hai Thình trợn mắt, chắc miệng trả lời:
- Ờ! Khéo mắng bậy hôn! Ði đêm nào sáng đêm nấy rồi về nói bậy đa?. Sao không giỏi ở nhà mà rình? Có tài nói phách chó hoài.
Hai Rỗ nạt rằng:
- Nín.
- Nín giống gì! Tôi nói như vậy không phải hay sao?
- Phải giống gì? Thứ đàn bà hư, hễ nằm xuống thì ngủ như chết. May lắm, chớ phải ăn trộm nó lột quần mầy cũng không hay.
- Nó lột làm chi? Lột đặng tròng lên đầu mầy hả.
- Mầy dữ thiệt hả?
- Hai Rỗ xốc tới, bộ muốn đánh vợ.
Thu Vân thấy vậy liền can và nói:
- Thôi anh hai, rầy rà làm chi. Tôi mất quần áo vàng bạc nhiều quá, anh hai làm ơn đi cớ cò bót và xin lính kiếm giùm coi hoặc may bắt được ăn trộm lấy lại chút đỉnh gì chăng.
Hai Rỗ đáp:
- Cô để đó tôi tính cho. Thằng nào dám rớ tới tôi đây nó phải chết. Ðể rồi cô coi.
Trời đã sáng bét, hai Thình mở cửa tắt đèn. Hai Rỗ ra đi, nói rằng mình đi kêu lính. Cách một hồi, hai Rỗ về có dắt theo một người biện Chà với một người lính Việt.
Biện với lính coi chỗ vách ăn trộm cắt, hỏi Thu Vân mất những vật gì, hỏi đâu biên đó. Sau rốt người biện Chà hỏi Thu Vân có nghi ai lấy đồ không. Thu Vân tình thật khai không biết ai mà nghi. Xong rồi biện với lính ra về. Hai Rỗ cũng đi theo.
Ðến trưa hai Rỗ về có dắt theo một người đầu đội nón da mãn cầu, mình mặc áo bành tô trắng, quần lãnh đen, chơn đi giày da trắng. Người ấy xưng mình là đội sở mật thám, cũng hỏi Thu Vân lăng xăng như biện Chà hồi sớm mai, và khi ra về có nói rằng:
- Tôi làm đội mật thám mười mấy năm nay, tôi bắt trên năm trăm đám ăn trộm. Việc khó nữa tôi cũng còn tìm ra, huống chi là việc dễ như vầy. Cô đừng lo, trong 24 giờ tôi thộp cổ mấy thằng ăn trộm đó cho cô coi.
Bộ chủ nhà coi sốt sắng lắm, mà đội mật thám nói nghe cũng giỏi. Thu Vân tuy chưa dám chắc mình sẽ lấy vàng bạc áo quần lại được, nhưng nàng cũng an lòng nên bớt buồn. Phần mất hết đồ, phần nóng lạnh chưa thiệt dứt, bởi vậy nàng chưa tính về Nha Mân được, phải nằm tại nhà hai Thình uống thuốc và đợi tin lính kiếm giùm ăn trộm.



[1] phần cơm hay thức ăn vừa đủ để đưa vô miệng
[2] đưa cơm thẳng vô miệng
[3] (quinine): thuốc chống cữ rét
[4] nhín nhút, tiện tặn
[5] giận lằm bằm, vùng vằng
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 23 Feb 2007

Chúc Phận Linh Ðinh
VII
Nhờ đồng nghiệp sẵn lòng làm nghĩa,
Từ ngày bị ăn trộm cắt vách mà khiêng rương của Thu Vân, hai Rỗ không đi chơi đêm nữa. Bữa nào cũng vậy, hễ chiều đi làm về thì anh ta nói lính thám dọ gần xong, chắc trong một vài bữa sẽ bắt được ăn trộm.
Thu Vân tin lời nên cứ nằm nhà mà chờ. Mà dầu nàng muốn đi nàng đi cũng không được, vì bữa nào cũng như bữa nấy, hễ trưa thì nàng nóng lạnh hoài. Nàng mua thuốc ký ninh uống luôn ba bốn bữa mà chận cữ không dứt. Nàng mòn chí muốn bỏ của mà đi, ngặt vì trong túi nàng còn không đầy 10 đồng bạc. Phần thì trong mình nàng lại yếu lắm, nên đi không kham.
Thu Cúc thấy mẹ bịnh hoạn lại buồn rầu, ngày đêm nó theo săn sóc an ủi mẹ hoài. Còn hai Thình ban đầu thì niềm nở mà chừng Thu Vân hết tiền nên không rộng rãi như hồi trước nữa được thì chị ta ló mòi lợt lạt. Tuy chị ta không nói nặng nhẹ tiếng chi, nhưng chị ta không hỏi thăm, ít nói chuyện nữa.
Thu Vân có bịnh rét, chớ không phải bịnh chi nặng, nhưng vì nàng không ăn mấy bữa nên ốm nhách, mặt thon, da vàng, miệng đắng, mắt sâu. Ðã vậy nàng lại thêm buồn rầu việc nhà nữa. Nàng sợ chết, hễ ban đêm con ngủ thì nàng lén ôm mặt con hun. Nước mắt nhễu xuống mặt làm Thu Cúc giật mình thức dậy, nó thấy mẹ như vậy thì nó cũng khóc dầm.
Một buổi sớm mai hai Thình đi chợ, Thu Vân đưa tiền biểu Thu Cúc đi theo mua một cây viết, một bình mực, vài tờ giấy, vài cái bao thơ và cò đặng cho nàng viết thơ.
Thu Cúc đi về, vừa bước vô cửa thì chạy riết lại một bên mẹ mà nói rằng:
- Con biết mặt ông nội rồi, má à?
Thu Vân chưng hửng liền hỏi:
- Con gặp ở đâu mà biết?
- Con thấy trong tiệm họa chơn dung, họ có để hình ông nội ở trỏng. Hình vẽ rồi có đóng khuôn tốt lắm.
- Sao con biết hình đó là hình ông nội?
- Họ có đề tên họ và chỗ ở, rồi họ dán trên cái khuôn.
- Ờ … Con coi ông nội con già hay trẻ?
- Già. Mặt dùn da. Mà ông nội mập má à, chớ không phải ốm. Ông nội lại có râu bộn bộn.
- Bây giờ con gặp mặt ông nội con, con biết hôn?
- Biết chớ sao không biết... Ông nội mặt cũng giống như mặt của ba con vậy. Con thấy ông nội, con nhớ ba quá.
Thu Vân ngồi suy nghĩ một hồi lâu, rồi lấy giấy mực của con mới mua về đó mà viết thơ. Thu Cúc thấy mẹ viết thì lại đứng một bên mà coi. Thu Vân biểu con đi chơi, không muốn cho nó đọc. Thu Cúc đứng dang ra xa xa mà ngó, thấy tay mẹ cầm viết mà run, còn mặt thì dàu dàu, cặp mắt ướt rượt. Thu Vân viết luôn một lượt hai bức thơ rồi niêm lại để trên ghế. Bộ nàng đã mệt rồi nên nàng liền nằm xuống ván mà nghỉ.
Thu Cúc lại coi ngoài bao thơ thì thấy một phong đề gởi cho ông Hội đồng Ðạt ở Nha Mân. Nó coi rồi hỏi mẹ rằng:
- Mình tính về ông nội còn gởi thơ cho ông chi vậy má?
- Biết có về tới hay không!...
Thu Cúc tuy không hiểu ý nghĩa câu của mẹ nói, song nó cũng bàng hoàng, bộ như muốn kiếm mà hiểu vậy.
Chẳng biết Thu Vân nằm nghỉ mà còn tính việc chi nữa, nên cách chẳng bao lâu nàng lại ráng ngồi dậy viết thêm một bức thơ gởi cho ông Ðoàn Thanh Bạch ở Ba Se.
Ðến trưa hai Rỗ đi làm về; tuy Thu Vân nóng lạnh, song nàng gượng ngồi dậy cậy hai Rỗ chừng đi thì ghé nhà dây thép gởi ba phong thơ giùm cho nàng.
Thơ gởi đi rồi mà bịnh rét của nàng không chịu dứt. Thu Cúc khuyên mẹ đến thầy thuốc Tây coi mạch đặng uống thuốc. Thu Vân cũng muốn lắm ngặt vì tiền đã gần hết, nếu đi thầy thuốc đã tốn tiền thầy rồi lại còn tốn tiền thuốc nữa, bởi vậy Thu Vân dục dặc không chịu đi.
Thu Cúc cứ theo năn nỉ hối thúc hoài nàng mới nhứt định liều tốn 3 đồng bạc, đặng đến thầy thuốc coi mạch. Thầy thuốc coi rồi nói nàng bị rét chớ chẳng có bịnh chi khác. Ông khuyên nàng nên tiêm thuốc ký ninh ít nữa là năm bảy mũi nàng mới mạnh được. Nàng than không có tiền. Ông hỏi căn cước, hay nàng là vợ một vị thầy thuốc vì rủi ro phải vong thân giữa biển, bởi vậy ông làm nghĩa không ăn tiền, biểu nàng mỗi ngày lại ông tiêm thuốc giùm cho.
Thu Vân nhờ có tiêm thuốc nên mới hết nóng lạnh. Thầy thuốc tiêm thuốc ký ninh cho nàng 5 mũi rồi ổng lại còn làm phước tiêm thêm cho nàng 5 mũi thuốc bổ nữa, bởi vậy trong 10 ngày thì nàng đã hết bịnh mà lại trong mình khỏe khoắn như thường.
Thu Cúc thấy mẹ mạnh thì mừng rỡ, tính chuyện đi về ông nội lăng xăng. Nó không dè trong mấy ngày tiêm thuốc đó, tuy thầy thuốc không ăn tiền, song mẹ nó phải xuất tiền cho hai Thình mua gạo mua cá ăn mỗi bữa, nên chừng mạnh rồi trong túi còn có 5 đồng bạc.
Nàng lại nhà thầy thuốc mà tạ ơn rồi tính sáng bữa sau dắt con về Nha Mân. Hai mẹ con bây giờ còn có một cái áo với một cái quần mặc trong mình đó mà thôi, chớ chẳng có y phục nào khác nữa mà thay đổi. Tuy vậy mà còn được hai cái gối gòn với hai cái mền nỉ. Thu Vân cậy hai Thình đem hai cái mền nỉ ấy đi kiếm người đổi cho nàng một cái quần vải một cái áo vải và cho con Thu Cúc cũng một cái quần vải một cái áo vải đặng mẹ con có đồ mà thay.
Hai Thình đi một buổi mới đem về cho nàng một cái áo với một cái quần bằng vải đen dày, và cho Thu Cúc một cái áo cụt vải trắng với một cái quần cẩm tự đen cũ xì.
Ðến khuya, hai mẹ con thức dậy thay áo đổi quần. Thu Vân mặc đồ vải, cái áo rộng lại dài tay nên coi dị tướng lắm.
Còn Thu Cúc mặc bộ đồ vải của nó cứ đi qua đi lại ngắm khía hoài rồi lại gần mẹ cười nói rằng:
- Mình bận đồ như vầy mới gạt ông nội được chớ, phải không má? Cha chả? Rủi mà may, chớ chi mình tìm được chị Thu Ba nữa, thì đâu có cái mền nào khác mà đổi áo quần cho chỉ bận.
- Thu vân đang buồn mà nghe con nói như vậy thì nàng bắt tức cười.
Nàng xếp quần áo của nàng với của Thu Cúc gói làm một gói và kêu hai Thình dậy cậy đưa giùm ra ga xe lửa. Hai Thình muốn kêu xe kéo đi. Thu Vân than hết tiền, nên dắt nhau đi bộ. Ði dọc đàng, Thu Vân cứ theo căn dặn hai Thình ráng hỏi thăm giùm việc con Thu Ba, như biết nó ở đâu thì làm ơn cho hay liền.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 23 Feb 2007

Chúc Phận Linh Ðinh
VIII
Bởi bối rối nhà cửa vợ chệc tiếp rước,
Ðương bơ vơ may gặp sốp phơ đưa giùm
Ra tới nhà ga xe lửa Thu Vân hỏi thăm thầy bán giấy coi chừng nào có xe. Thầy bán giấy nói rằng xe Mỹ Tho đã lên rồi, còn xe Sài Gòn lối chín giờ rưỡi mới xuống tới.
Nàng đương bàng hoàng, bỗng nghe thầy bán giấy xe lửa mở cửa nói lớn rằng:
- Xe gần chạy đa, ai đi Tân An, Mỹ Tho thì mua giấy.
Thu Vân giựt mình đứng dậy, liền bước lại mua hai cái giấy đi Mỹ Tho, rồi kế xe tới, lo dắt con lên xe.
Xe lửa chạy ầm ầm, qua xóm thổi súp- lê inh ỏi. Thu Vân ngó cùng trên xe có ý kiếm coi có đứa con gái nào lối 14, 15 tuổi hay không. Nàng thấy không có thì buồn trí, nên ngồi lim dim không thèm ngó ai hết. Nàng nhớ trước mình cũng đi xe lửa như vầy với Hiển Vinh.
Xe xuống gần tới Bến Lức. Lúc xe chạy ngang chỗ xe chết máy năm trước, nàng thấy cảnh cũ càng nhớ người xưa nên trong lòng bát ngát ứa nước mắt.
Thu Cúc sanh đẻ ngoài Bắc mới vô Nam lần đầu bởi vậy nhà cửa ruộng vườn dọc theo đường xe chạy đều lạ con mắt nó hết thảy. Nó để gói áo quần một bên rồi chồm ra ngoài cửa sổ mà xem phong cảnh. Thấy bầy trâu ăn dưới ruộng nó trầm trồ kêu mẹ mà chỉ, đến cầu Bến Lức nó nói không bằng cầu ''Doumer''.
Qua tới Tân An xe ngừng, thiên hạ chen nhau kẻ xuống người lên. Thu Vân dòm coi có đứa con gái nào giống con mình hay không. Có một người đàn bà độ chừng 40 tuổi, mập mạp cao lớn, miệng ăn trầu mặt dồi phấn, cạo chơn mày, tóc sắc lẻm, xách giỏ lên xe ngồi đâu mặt với mẹ con Thu Vân.
Người ấy chăm chỉ ngó Thu Vân rồi ngó Thu Cúc thấy mẹ con y phục lam lụ, mà mẹ bàn tay dịu nhỉu, bàn chưn trắng nõn, còn con mặt mày sáng rỡ, da trắng môi son, thì lấy làm lạ, nên ngó một hồi rồi hỏi Thu Vân rằng:
- Thím đi đâu?
- Tôi đi Sa Ðéc.
- Ði Sa Ðéc sao không đi chuyến xe khuya; thím đi chuyến xe nầy xuống tới Mỹ quá mười một giờ rồi, tàu đâu còn thím đi.
Thu Vân sực nhớ năm nọ vì xe chết máy xuống Mỹ nên trễ tàu. Mà năm nọ trong túi có tiền nhiều nên ở khách sạn, năm nay không có tiền, biết liệu thế nào. Nàng lấy làm bối rối nên trả lời cầm chừng rằng:
- Ðể xuống đó rồi sẽ hay.
- Nàng liền thò tay vào túi móc bóp ra mà đếm tiền, thì trong bóp còn có hai đồng bạc giấy với hai cắc bốn xu.
- Người đàn bà ấy thấy Thu Vân đếm tiền mà sao có sắc buồn, bèn hỏi rằng:
- Thím ở đâu mà đi Sa Ðéc?
- Tôi... Ở trên Sài Gòn.
- Ði thăm bà con, hay là đi có chuyện chi?
- Thăm bà con.
- Bộ thuở nay thím chưa có đi lần nào hay sao nên thím chưa hiểu tàu bè.
- Chưa, tôi mới đi lần nầy đây.
- Thím có quen với ai dưới Mỹ không?
- Không.
- Vậy thì phải ở nhà ngủ mà chờ đến sớm mai mới có tàu.
- Ở nhà ngủ... kỳ quá...
- Ừ! đàn bà con gái đi một mình mà ở nhà ngủ thì bất tiện lắm. Thím nói đi Sa Ðéc mà đến tại chợ hay là trong làng.
- Tôi đi Nha Mân.
- Nếu đi Nha Mân thì lên Sa Ðéc làm gì? Thím đi tàu qua Vĩnh Long rồi đi xe hơi lên Nha Mân đã rẻ tiền mà lại mau hơn nữa.
- Sao vậy?
- Nha Mân ở dọc theo đường Vĩnh Long lên Sa Ðéc. Thím đi tàu qua Vĩnh Long tốn có tám cắc, từ Vĩnh Long tới Nha Mân 3 cắc nữa, cộng là một đồng mốt. Còn thím đi tàu lên tới Sa Ðéc tốn tới một đồng mốt, rồi đi xe hơi trở xuống Nha Mân tốn thêm hai cắc nữa thành ra một đồng ba.
- Nếu vậy thì tôi đi ngả Vĩnh Long.
- Ừ, đi ngả đó phải hơn... Con nhỏ đây là con của thím phải không?
- Phải, con tôi.
- Chồng thím làm giống gì?
- Chồng tôi mất rồi. Còn chị ở đâu?
- Tôi ở chợ Mỹ. Ở nhà tôi bán trà. Tiệm tôi hiệu Thương Ký, ở gần đầu cầu quay đó. Thím không có quen với ai dưới Mỹ thôi đi thẳng lại tiệm tôi mà ở cũng được. Ở nhà tôi tuy là chệc khách[1] mà nó dễ lắm thím đừng ngại.
Thu Vân vì ở đậu mà vàng bạc áo quần mất hết, bây giờ nghe người ta mời ở đậu nữa thì trong lòng lo sợ nên không dám chịu lời liền. Nàng ngẫm nghĩ mình còn có hai đồng hai bạc vừa đủ số tiền cho mẹ con đi ngả Vĩnh Long mà lên Nha Mân. Nếu mình mướn phòng ngủ thì sáng mai còn tiền đâu đi tàu. Ðã biết nếu mình bán đôi bông tai của mình thì sẽ dư tiền, mà đến xứ lạ biết bán cho ai? Hột xoàn tiệm cầm đồ nó không chịu cầm.
Nàng suy nghĩ hết nước rồi, cực chẳng đã xe lửa xuống tới Mỹ rồi nàng mới chịu theo chị tiệm trà. Chị rước khách về nhà tiếp đãi rất hậu, đã đãi cơm đãi bánh rồi lại còn đãi trà ngon nữa. Chủ tiệm trà tuổi đã trên 50, tuy răng sún, mắt lé song vợ chú trong nhà có trọn quyền, muốn làm việc chi chú cũng không cản trở. Thu Vân may gặp gia đình như vậy nên nàng mới an lòng ở mà chờ tàu. Sáng bữa sau chị tiệm trà mua bánh hỏi thịt quay đãi mẹ con Thu Vân ăn no nê rồi mới đưa xuống tàu. Khi tới cầu tàu Thu Vân thấy họ bán bánh mì bèn mua một ổ lớn một cắc và hai đồng xu đường cát đặng đem theo phòng khi Thu Cúc đói thì có sẵn cho nó ăn. Thu Vân dắt con xuống tàu rồi thì chị tiệm trà trở lên phố. Cách một hồi chị cũng xuống tàu đem một gói bánh cho Thu Cúc và ngó Thu Vân mà nói: "Cho cháu một gói bánh cho nó ăn. Tôi thấy nó tôi thương quá. Phải thím cho tôi thì tôi nuôi liền''.
Thu Vân cười đáp:
- Chị thương nó thiệt tôi cám ơn lắm. Tôi có hai đứa con, lại mất hết một đứa, còn có một mình đó. Nàng vừa nói vừa ứa nước mắt.
Tàu súp-lê mở dây, chị tiệm trà mới chịu từ giả mẹ con Thu Vân mà lên. Tàu chạy được lột khúc, Thu Cúc nói với mẹ rằng:
- Mình ăn chực cơm, ăn chực bánh của dì tiệm trà, ba hay mẹ con mình như vậy, chắc là ba buồn lắm.
Thu Vân nghe con nói như vậy nước mắt chảy ròng ròng, lật đật lấy vạt áo mà lau.
Tàu tới Vĩnh Long mới 11 giờ rưởi. Thu Vân trả tiền tàu cho hai mẹ con hết một đồng sáu, trong túi còn có năm cắc hai xu mà thôi. Bước lên bờ nàng hỏi đường đi Nha Mân.
Theo lời họ nói thì đường xa đến 20 cây số, nhưng vì nàng không đủ tiền đi xe nên đứng đội khăn châu mày dụ dự một hồi, rồi dắt con đi bộ.
Lúc đi trong châu thành, nhờ bóng cây che đường mát mẻ nên mẹ con Thu Vân chưa thấy cách đi bộ buổi trưa mệt nhọc là dường nào. Thu Vân xách gói áo quần, Thu Cúc xách gói bánh, mẹ con kề vai nhau mà đi. Hễ thấy xe hơi hoặc xe ngựa chạy gần thì mẹ con leo lên lề đường mà tránh. Thu Vân hổ phận nên cúi mặt không dám ngó người trên xe, còn Thu Cúc chẳng hiểu vì tại nó chưa rõ cay đắng mùi đời, hay là tại nó khinh nhơn ngạo vật, mà hễ thấy xe nó đứng lại ngó trân trân rồi cười ngỏn ngoẻn.
Vừa ra khỏi châu thành bỗng có một chiếc xe cam nhông chở hành khách ở trong châu thành chạy ra. Lúc chạy gần tới hai mẹ con Thu Vân, sốp-phơ tốp máy chậm chậm và kêu hỏi rằng:
- Ði không? Ði Cái Tàu, Nha Mân, Sa Ðéc thì lên đây.
Thu Vân lắc đầu, sốp- phơ mở máy chạy tuốt. Thu Cúc hỏi mẹ:
- Xe đi Nha Mân đó sao má không đi má?
Thu Vân nghẹn cổ nên đáp nho nhỏ rằng:
- Hết tiền rồi con à. Ráng đi bộ không bao xa đâu.
Thu Cúc cúi đầu mà đi, rồi nói rằng:
- Chớ chi còn tiền mình đi xe hơi khỏe quá, má hả. Mà mình đi bộ, bất quá thì mình cũng tới chớ gì.
Thu Vân thấy phía trước mặt có một đứa con gái chừng 13, 14 tuổi đi lại, mặt mày tròn trịa, bộ tướng như con mình. Nàng đi chậm chậm mà nhìn, chừng con nhỏ đi tới nàng hỏi rằng:
- Em là con của ai vậy em?
Con nhỏ nghe hỏi thình lình đứng khựng lại, ngó Thu Vân mà hỏi lại rằng:
- Hỏi chi vậy?
- Hỏi cho biết vậy mà.
- Tôi là con bộ Thời.
- Cha mẹ em còn đủ không?
- Sao lại không đủ.
- Em tên gì?
- Tên Tức.
Thu Vân lắc đầu nói nho nhỏ "Không phải?" rồi bỏ đi.
Trên trời nắng như đổ lửa, dưới lộ nóng tợ đốt than, hai mẹ con thuở nay chơn giày chơn dép, xe ngựa xe hơi, bây giờ phải đi bộ, mà đi chơn không trong lúc trưa nắng, trên đầu chỉ đội có một cái khăn mỏng, nghĩ thật thảm khổ là dường nào. Ði giữa lộ bị cát nóng gần phỏng chơn, hai mẹ con mới leo vô lề mà đi trên cỏ.
Trong lề bị đá cục lông chông lại bị đọt cỏ nhọn đâm chơn nữa, nên Thu Cúc đứng lại phủi bàn chơn, rồi bóp mà hít hà. Thu Vân rất xốn xang trong lòng, bởi vậy nàng làm ngơ không dám ngó con.
Ði mới vài ngàn thước mà hai mẹ con mặt mày đỏ au, mồ hôi ướt dầm, nhứt là con Thu Cúc nó đi nhúc nhắc thấy tội nghiệp lắm. Thu Vân bèn lấy luôn gói bánh mà xách và nắm tay con mà dắt đi. Nàng kiếm chuyện mà nói, cố ý làm cho quên mệt mỏi. Thu Cúc là đứa hay nói mà đến lúc nầy nó ừ hử cầm chừng không muốn nói chuyện.
Thu Vân biết con mệt, thấy có một cái nhà canh ở dựa bên đường, bèn vào đó cho con nghỉ chưn. Nàng mở bánh ra nới hay chị tiệm trà gởi cho Thu Cúc 3 phong bánh in. Nàng bèn hỏi con rằng:
- Con đói bụng không con? Như con đói thì ăn bánh đó. Muốn ăn thứ nào cũng được.
- Mình đi đây không biết chiều mình tới nhà ông nội hay chưa, má?
- Không biết.
- Thôi mình ăn bánh in chơi. Bánh mì để dành chiều mình ăn đặng thế bữa cơm chiều, chớ ăn bây giờ rủi mình chưa tới nhà ông nội, rồi cơm đâu mình ăn, phải hôn má? Thu Vân gật đầu.
Thu Cúc liền mở một phong bánh in ra, rồi mẹ con ăn với nhau. Thu Vân ăn bánh mà như ăn đất, không ngon ngọt chi hết. Thu Cúc nhai ngổm ngoảm vừa cười vừa nói rằng:
- Ôi! Người đời của chung, không hơi nào nhà mắc cở. Thuở nay mình đãi họ ăn của mình hoài, bây giờ người khác phải trả cho chớ, phải hôn má?
Thu Vân day mặt chỗ khác không trả lời.
Ăn hết phong bánh in rồi Thu Vân mới dọn dẹp, gói bánh mì, bánh in, đường cát chung lại với quần áo làm một gói đặng xách cho dễ. Thu Cúc miệng còn nhai bánh, chơn bước ra mé lộ, đứng dòm coi có nhà nào ở gần, đặng lại đó xin nước uống. Nó ngó trở lại phía Vĩnh Long thì thấy có một chiếc xe hơi phía đó chạy lại, kèn bóp te te, bụi bay mù mịt.
Nó đưa tay chỉ cái xe hơi và kêu mẹ nó ra coi.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 16 guests