Ai Bảo "Net" Là Ảo? - Tạ Thạc

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Ai Bảo "Net" Là Ảo? - Tạ Thạc

Postby lazyboy » 12 Feb 2007

Ai Bảo "Net" Là Ảo ?

Tác Giả: Tạ Thạc


Tôi cứ tưởng rằng vào NET rồi CHAT thì có hại gì đâu. Vài ba câu ái ân trên nét, mấy dòng thư nói bóng nói gió, nói yêu qua " nét ", hay qua những bức thư tình gửi qua, nhận lại, dù có tha thiết mấy đi chăng nữa thì đâu có thể gọi là ngoại tình, là gian phu dâm phụ cơ chứ! Cũng chẳng vì vậy mà mang tội "phá gia cang", vì đấy chỉ là những vần thơ, câu văn lãng mạn mà thôi.
Ngày Vương Thúy Kiều cất bước từ Quận Cam qua Houston thăm Kim Trọng là tôi, vì đã thấy người bằng xương bằng thịt, thì lúc đó tôi mới thật sự cảm thấy trong người tôi nóng ran như lên cơn sốt, nhưng bệnh nóng ran đó tan biến một cách mau lẹ như gặp thầy gặp thuốc, khi nàng biến.
Nàng ra về, cơn sốt hạ, nhưng hình như chưa dứt hẳn. Cho đến một ngày vợ tôi bỏ nhà ra đi tôi mới thấy sự thật quá phũ phàng, nghiệt ngã! Ðối với tôi, lúc đó chỉ còn một cách duy nhất là tự đấm ngực, đọc lớn tiếng rằng “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng" hay hối hận chỉ vì tại Chát cũng thế.
Câu người xưa thường nói trên đầu môi chop lưỡi “không có lửa sao có khói ” thật đúng với hoàn cảnh của tôi hiện tai mà đến giờ này tôi mới hiểu rõ nghĩa nó một cách ngọn ngành, ăn năn thì đã muộn mất rồi!
:::oOo:::
Kể lại cuộc tình của vợ chồng tôi thì cũng lãng mạn không khác gì những nhân vật trong tiểu thuyết. Chúng tôi đã có với nhau hai mặt con, bé Hưng, bé Hoàng cách nhau ba năm, hai thằng kháu khỉnh được sinh ra trong thời gian trên năm năm chúng tôi chung sống. Bé Hưng đã đươc trên 3 tuổi, Hoàng 1 tuổi, thế mà nhiều lúc nó vẫn còn đùa gọi tôi bằng "chú" như trước khi quen nhau, vì tôi lớn hơn vợ một con giáp có lẻ, nghĩa là tôi hơn nàng những 13 tuổi
Sự chênh lệch với con số 13 thật éo le, tôi thì "nể" nó là "con nít" nó thì đôi khi coi tôi là hàng cha chú, xếp vào loại "già chơi trống bỏi", nhưng vẫn an phận duyên số giữa tôi và nàng do "Ông Tơ, Bà Nguyệt” xếp đặt, nên nếu có ấu ó với nhau chỉ qua loa thôi, chứ không bé xé to.
Những ngày tháng chưa quen nhau thật buồn cười, khi tôi thấy con bé ấy ăn mặc rất là thô sơ dân giã, quần jean xanh bạc mầu mà ngày nào nó cũng mặc với những chiếc áo cổ lá sen, cũ kỹ giống nhau, chỉ khác mầu, có lẽ quần áo đó đã theo nó từ Việt nam qua theo diện Hát Ô với người bố khô cằn vì bao gian khổ trong nhiều năm lao cải, tù dày ở miền thượng du Việt Bắc. Hình như nó chỉ thích mặc những bộ đồ cũ kỹ đó để đi học, nó đến trường vào lúc 2 giờ 30 chiều bằng xe lô ca chân, nghĩa là cuốc bộ, và từ trường trở về nhà vào lúc 10:30 tối, cũng loại xe chân ấy, tôi thật thán phục nó vì bất kể mưa hay nắng, nóng hay lạnh, ngay cả lúc trời đang đổ mưa ào ạt, nó cũng thủng thẳng đi bộ.
Nó có thói quen che dù đi trong nắng, dưới mưa và cả trong gió lạnh nữa, nghĩa là đối với nó, cây dù gần như là vật bất ly thân. Ngày mưa thì khoác thêm chiếc áo mưa khổ lớn, thùng thình như chiếc bao bố chụp vào thân hình nhỏ thó của nó. Thấy nó có nhiều điểm khác người, đôi lúc tôi lững thững theo sau, định khi nào có dịp làm quen, hỏi han dăm ba điều cho thoả tính tò mò, nhưng khi thấy bộ mặt đăm chiêu lạnh lùng, khó ưa của nó nên mất hết hứng.
Nhưng có một hôm thật tình cờ, tôi ra đứng tựa lưng vào tường nhà tôi trước cửa trường, phì phèo điếu thuốc trong cơn giá lạnh mùa đông, nhìn các loại xe đưa học sinh đến trường, từ xe bus, xe taxi, xe nhà dừng lại thả người. Trời thì lạnh cóng, chỉ khoảng 31- 32 độ F , (dưới độ đông đá) làm cho các vũng nước còn đọng đêm qua đông thành đá trơn trượt.
Thành phố Houston ít khi có tuyết rơi, nhưng lại hay mưa, mà nếu mưa, đôi chỗ trũng nước đọng vũng, khi trời lạnh dưới 32 đô F, nước đọng đông thành đá trơn trượt rất nguy hiểm cho người lái xe, đôi lúc thắng xe không ăn, hay mất sự kiểm soát xe quay ngang, hay ngược vòng 180 độ. Người đi bộ cũng nguy hiểm không kém khi họ bước trên mặt đường nước đông đá thì chẳng khác nào bước đi trên mặt kính ướt, có thể trượt như đi “ba-te” vấp té.
Tôi đang trầm ngâm qua làn khói thuốc, giữa trời lạnh cóng, buốt đến tận xương, cũng chỉ vì cơn thèm thuốc nó hành, nếu không thì tội gì mà vác thân xác ra đứng giữa trời giá lạnh. Ðang thả hồn mông lung, chợt nhìn thấy nó đi bộ tiến về ngả cổng nhà trường, lếch thếch với cái áo mưa như cái bao bố trùm đầu, tay giữ chặt chiếc dù như dằng co với những cơn gió lạnh từ phía bắc thổi xuống. Miệng cắn chặt cái giỏ xách.
Tôi tự nghĩ sao nó cứ tự đày đoạ mình như vậy? Nói tự đày đoạ cũng không ngoa vì từ nhà nó đến trường, sẵn đường xe bus, sao nó không chịu đi, tiền vé xe bus rẻ rề, nếu mua xử dụng cho cả tháng thì còn rẻ hơn nữa! Trạm xe bus ngay trước cửa trường, mà nó không chịu đi, cứ cuốc bộ thì con bé chẳng tự đày đoạ nó thì còn gọi là gì ? Nó đi thật nhanh theo lối cổng chính của trường như sợ cơn gió lạnh đuổi theo, chân bước xiêu vẹo, thế là nó té ngã lăn kềnh, chiếc giỏ nó xách cũng lăn theo nó, đổ ra một đống tập vở học trò, mấy cuốn sách giầy cộm, cùng với mớ bạc cắc văng tung toé, nhìn thấy cảnh đó, tôi hớt hải chạy tới:
- Cô có sao không?
Nó như thu hết can đảm, nén đau rồi hỏi ngược lại tôi:
- Chú, Việt Nam hả? Vậy mà mấy lần nhìn thấy chú, cháu tưởng chú ba tàu!
Trời ơi đất hỡi, người tàu là được rồi, hay văn hoa chút thì là người hoa, còn nói chú ba tầu nghe có vẻ xấc xược gì đâu ấy. Tôi vẫn câu hỏi cũ:
- Cô có sao không?
- Ðứng lên không nổi nữa nè chú ơi, cái bàn tọa không ổn rồi, lót và đệm kỹ thế mà cũng bị bể cái mông đít!
Tôi vừa tội nghiệp, vừa bật cười vì câu nói bốp chát có vẻ dân giã, tự nhiên của nó..
- Ðể tôi đỡ cô dậy nghe!
- Lượm cặp, tiền, cây viết lại giùm đi!
Nó nói sẵng giọng như ra lệnh. Tôi vừa giận vừa thấy thương nó, tội nghiệp, cúi lượm cặp và chừng 15, 16 đồng quarter văng tung toé và cũng chừng dưới 20 đồng dime rải rắc khắp nơi, khi lượm gọn lại, tổng cộng chừng trên 5 đô la bạc cắc.Tôi thu gọn bỏ vào túi xách rồi bảo nó:
- Ừ, đây này, bây giờ thì cô vịn tay tôi mà đứng lên nhé.
Nó đứng dậy, vừa xuýt xoa, chân đi cà nhắc miệng thì lẩm bẩm:
- Ui gia đau quá! Ông Già mắc dịch chi đâu mà khiến lạnh quá để người ta muốn chết cóng luôn!
Thấy nó chửi Ông Già, tôi hỏi lại:
- Cô chửi Ông Già nào?
- Thì Ông Trời Già chứ còn ai nữa!
Tôi nói:
- Cô dám chửi rủa Ông Trời, không sợ ổng phạt sao?
- Bị rồi, sợ gì nữa chú?
• Thế à, cô không sợ Ông Trời thiệt sao? Ờ, mà hồi nãy cô nói lót và đệm, mà đệm lót cái gì vậy?
- Thì lót hai cái quần đó chú, còn đệm thêm cái khăn nỉ ngay chỗ bàn toạ nữa, vậy mà té vẫn đau.
Tôi cười lớn, rồi hỏi;
• Quần thì lót đệm như thế, còn cô lót mấy cái áo?
• Có năm cái thôi chú!
• Trời đất ơi, thảo nào cô trông giống cái thùng phuy biết đi, cô không thấy lót đệm như thế là gò bó lắm sao?
• Thấy chứ, nhưng còn hơn bị chết cóng.
• Nếu sợ chết cóng sao cô không đi xe bus, mà khi nào gặp tôi cũng thấy cô cuốc bộ?
• Đứng đợi xe bus cũng bị chết cóng vì lạnh, chi bằng đi bộ cho nóng người lên, bớt ca-lô-ri cũng tốt, là dịp để tập thể dục, đỡ lo bệnh phì như ..... như chú đấy!
• Ối chà, cô cũng vui tính nhỉ ?
• Vui gì chú, sự thật là vậy mà, tại chú không cảm thấy chú đang mập phì thôi, chứ cháu là người ngoài, thấy rõ lắm, chú nặng chắc cũng cỡ trên 180 pound, như thế không phải là mập phì sao?
Rồi nó nói tiếp:
• Người mập phì như chú, chẳng chóng thì chầy cũng bị tăng xông máu, cao mỡ đó chú ơi!
• Cô đoán mò giỏi thật, làm tôi có cảm tưởng cô đang là bác sĩ cảnh cáo tôi vậy!
• Cháu nói điều tốt, có lợi cho sức khoẻ, chú không cám ơn thì thôi! Thôi không thèm nói nữa!
Chúng tôi đang nhởn nhơ đốp chát thì chợt nghe ông trực trường gọi với:
• Nè, tụi bay có biết là tụi bay té, vết thương đang chảy máu nhỏ giọt tùm lum không?
Tôi vội cúi nhìn xuống đất, thì ra là máu thật, nhìn quanh quất, tôi phát hiện có vệt máu nhỏ xuống đất thành vệt, trời lạnh màu máu đỏ đã thành nâu, có lẽ rỉ ra từ hai cái đầu gối của nó. Vậy mà nó không biết đau gì cả? Tôi bảo:
• Đầu gối cô chảy máu rồi, phải vô phòng y tá băng bó lại thôi.
• Chúa bà ơi, sao hôm nay xui quá không biết nữa, đúng là ra đi không coi ngày.
Tôi sững sờ nhìn nó, bất giác hỏi:
• Máu chảy nhiều quá, à mà cô có cảm giác đau đớn gì không?
• Lạnh quá, cảm gì nổi hả chú ?!
Nó không cho tôi được nhìn coi chỗ hai đầu gối nó bị rách lớn đến cỡ nào, vì nó bắt tôi đứng chờ ngoài cửa, không được vào trong lúc y tá làm nhiệm vụ . Sau khi nó ra khỏi phòng y tá, tôi nhìn lỗ rách của hai chiếc quần, một cái mặc ngoài một cái đệm trong, rách toang hoác khiến tôi có thể hình dung vết trầy to và đau lắm chứ không vừa.
Tôi đã làm quen được với nó, biết tên nó là Thuý Hằng, mới qua Mỹ theo diện HO, nó thuộc diện ăn theo, bố nó Sỹ quan Nguỵ học tập trở về, được vớt đi cho qua Mỹ định cư vì lý do nhân đạo. Nó còn đang học ESL, lúc nó gặp tôi là lúc tôi đang thất nghiệp, rảnh rỗi tôi cắp sách đến trường để có cớ ăn tiền thất nghiệp. Tôi khoe với nó điều này, nghe xong nó tỉnh bơ chửi xỏ:
• Nếu ai cũng giống chú thì cả nước Mỹ này rồi cũng giống Việt nam mất thôi!
Rồi nó lẩm bẩm một mình, nhưng cố tình cho tôi nghe thấy:
• Toàn những phường tính lợi riêng cho mình, không chịu mở mắt ra nhìn những người khác lam lũ khổ nhọc.
Tôi nghe nó chửi đổng, nhột nhạt quá nên tự ái nổi dậy, nghĩ bụng con nhỏ này láo thật, nó xỏ xiên tôi mà chẳng hề ngại tôi giân, mà nghĩ lại tôi là người dưng nước lã, giân hay không cũng có ăn nhậu gì đến nó. Tuy vậy, tôi cũng đánh bài xa lánh vì nếu thấy cái bản mặt nó chắc là tôi nổi sung lên mất, vả lại có khi còn phải nghe những lời nói xỏ xiên, có khi nó lại còn khám phá thêm những điều gì xấu về tôi nữa chăng?
Tôi qua đây trước nó hơn mười năm nên từ đường xá, phong tục tập quán cũng như lề luật Mỹ tất nhiên tôi kinh nghiệm hơn nó. Thế mà nó chưa hề hé môi nhờ vả hay hỏi han tôi một điều gì. Nó không đẹp như tên của nó là Thuý Hằng, chắc ngày nó mới sinh ra, bố mẹ nó muốn nó đẹp như minh tinh Thẩm Thuý Hằng, được gọi là "Người Ðẹp Bình Dương" nên nó có cái tên đó chăng?
Nước da nó ngăm đen mầu bánh mật, nhưng đen dòn dễ thương, khi mà cái mặt nó không chù ụ thì nhìn nó cũng coi được, nhưng lúc mặt nó hầm hầm, nổi tam bành mụ lên thì khiếp lắm.
Có lẽ vì nó hay kiếm chuyện, gây bất hoà với tôi nhiều, nhưng tôi vẫn không giận nó. Có một hôm tôi rủ nó đi sinh hoạt văn nghệ cho Cộng đồng Người Việt Houston và Vùng Phụ Cận, nghe tôi vừa dứt câu, nó nói:
• Cháu không có rảnh mà đi làm chuyện rỗi hơi đâu chú ơi.
• Là chuyện lành mạnh, văn nghệ duy trì ngôn ngữ Việt mà, không tốt sao?
• Cháu có đến dự một lần rồi, duy trì cái quái gì đâu? Chỉ xúm lại đàn hát um xùm, nhảy nhót như bày khỉ, chỉ để ăn nhậu chứ có thấy duy trì cái gì đâu? Nếu có nói duy trì, chắc là duy trì mấy câu chửi thề, thói ăn nhậu, nhảy đầm nhảy đìa mà thôi !
Từ đó tôi giận nó thật! Rồi bẵng đi một thời gian tôi không trò chuyện với nó, khi gặp nhau chỉ chào "Hi" cho có lệ, tôi chẳng vui gì mà nó thì dửng dưng như chẳng có chuyện gì … Hàng ngày nó vẫn cuốc bộ đến trường để 10 giờ rưỡi tối khi tan lớp, lại thủng thẳng cuốc bộ về nhà.
Tôi thầm phục nó vì khi điều tra ra biết nó lấy 3 lớp một term, nghĩa là hơn cả học full-time dù nó chỉ đến trường có nửa ngày! Còn tôi thì sốt ngày ở trường mà cũng chỉ lấy có 3 lớp! Tôi thán phục nó lắm, nhưng tự an ủi mình rằng chắc có lẽ nó học ESL và lấy thêm môn Toán vì toàn con số cho dễ dàng, lớp phải dung anh ngữ thì làm sao nó theo nổi, hơn nữa nó không tham gia sinh hoạt gì với trường, với lớp cũng như Cộng Ðồng Người Việt nên nhàn rỗi, nhiều giờ học hơn tôi.
Rồi một thời gian 3 tháng hè trôi qua, tôi phải đi làm part-time nên không đến trường, vả lại mùa hè tôi cần phải dành nhiều thì giờ đi giải trí, tắm biển v.v. ai mà phí công đến trường. Và hơn thế nữa tôi có chủ trương cắp sách đến trường là để có lý do ăn tiền thất nghiệp, vậy đâu có cần chăm chỉ cho lắm!
Hết ba tháng hè, tôi quay lại ngôi trường Harris County College với tâm tư chán ngắt, đầu tiên là tôi đi tìm cái danh sách dán ngoài cửa của lớp Toán Thống Kê, đã thấy tên tôi, nhìn tổng quát xem có thấy có tên ai là người quen, thì chợt bắt gặp tên nó. Tôi kêu thầm trong bụng: "Ôi chau, nó chì ghê nhỉ, dám mò vào lớp này khi mà mới đặt chân đến Mỹ trên dưới sáu tháng, tôi thầm nghĩ và khoái chí vì nghĩ rằng phen này thế nào nó cũng phải quỵ lụy, nhờ cậy tôi vì loại toán này "không phải chỉ toàn là con số, mà còn phải giải thích bằng chữ nghĩa". . .
Tôi lại lần mò qua lớp Biology thì lại thấy có tên nó! Mẹ kiếp, nó có chí và học giỏi thật! Tự nhiên cơn tự ái chạy ran tôi cảm thấy nghẹn cổ, thật con bé này "điếc không sợ súng”, mới đến Mỹ, tiếng Anh dở như hạch mà dám bò vào mấy lớp loằng ngoằng những chữ như vầy, đúng là nó uống thuốc liều rồi..
Gần đến giờ vô lớp tôi chưa vào vội, đứng chờ, nó đến từ đàng xa, vẫn cái cặp, đúng ra là cái giỏ xách, vẫn cổ áo lá sen, quần Jean xanh bạc mầu, chỉ khác nay là mùa thu, tiết trời ấm áp, không nóng quá mà cũng chưa lạnh quá nên nó không trang bị 2 lớp quần, 5 lớp áo nên nhìn thấy thân hình nó thon gọn, nhỏ nhắn, mái tóc không bù xù như trước nữa, dáng đi tha thướt ra vẻ thanh nữ, nét mặt vui tươi hẳn ra, chứ không còn khô cằn khó ưa như lúc tôi gặp nó lần đầu, tôi lên tiếng chào nó trước:
• Hi cô, không gặp mấy tháng mà trông cô lạ quá!
• Lạ gì đâu chú ơi, mập thêm ra thì có, nói quanh co làm gì cho thêm mệt!
Tôi không biết nó có mập thêm hay không, vì khi gặp, nó trang bị nào áo nào quần dầy như cái bao bố thì làm sao tôi phân biệt được lúc đó với bây giờ ! Mà mẹ ơi! Nó lại bốp chát vào mặt tôi rồi, tôi cũng đâm ngang hông luôn trả đũa:
• Ừ, cô trông ra dáng thiếu nữ đấy chứ, hồi trước trông cô cứ như là bà . . .
• Như ‘bà chằng’ phải không chú?
• Thật đúng, cô giỏi đoán như thần.
• Cháu đâu có đoán, bà chằng thật đó, Ở nhà cháu là bà chằng con của gia đình đấy mà. Hôm nay cháu học chung với chú, để chú coi, cháu chằng lửa lắm đấy.
• Chú coi rồi, chằng ăn trăn quấn nuốt cũng không vô.
• Vậy là chú thông minh đấy
• Tôi thông minh là dĩ nhiên rồi "Thông minh vốn sẵn tính trời” Nguyễn Du đã nói!
• Chú chỉ thông minh đột xuất thôi!
• Cô nói thế là nghĩa là gì ?
• Thông minh đột xuất còn lại thì ngu thường trực!.
Nghe thế, tôi giận phát run lên, con nhỏ này quá đáng lắm mà, không biết kiếp trước tôi có hận thù gì nó không mà nó chơi tôi nhiều vố sát ván vậy ? Tôi nghiêm nét mặt
• Cô nhỏ hơn tôi, gọi tôi bằng chú mà cô đối đáp như vậy, cô không thấy là cô hỗn xược lắm sao?

• Ồ, vậy chú đã công nhận là chú già rồi chứ gì? Tại thấy chú cứ cố tình phô trương rằng chú trẻ, chú hăng hái, ga lăng nên cháu muốn để chú thấy rằng chú không còn trẻ nữa.
• Tôi đã làm gì mà cô bảo rằng tôi phô trương?
• Thôi, không nói nữa, nói ra lại khiến chú nổi cơn thịnh lộ lên, mất hoà khí, mình nên ít nói chuyện để bớt tranh luận chú ạ! Tánh cháu hay kê, móc, đốp chát, không hợp với cá tánh ngọt ngào của chú đâu.
Nói xong, nó quay quả vào lớp, cứ như thể nó chẳng hề quen tôi. Cái vẻ ương ương ngạnh ngạnh, ngang ngang tàng tàng của nó làm cho tôi hết sức bực tức, tò mò, tôi hạ quyết tâm rằng phải “cua “ cho bằng được, bắt nó phải tâm phục khẩu phục mới nghe. Tôi phải thầm công nhận nó có lòng nhẫn nại, có chí hơn cả một thằng đàn ông hơn ba mươi như tôi.
Sau ba tháng học chung, tôi nhìn thấy yếu điểm về Anh ngữ của nó nhưng nó lại khắc phục rất khổ sở bằng sự miệt mài. Tôi thì học tà tà còn nó thì học rất vất vả, nhiều khi tôi rất muốn giúp nó nhưng thấy vẻ mặt bơ bơ dửng dưng như khinh khi đến phát ghét nên tôi để mặc xác nó, thân ai nấy lo.
Tôi bị lậm cá tánh cầu tiến của nó thôi thúc, tôi tự cảm thấy nhột nhạt khi nó có vẻ coi thường tôi là kẻ ăn bám xã hội, moi móc tiền của chính phủ khi chỉ đi học để lấy cớ lãnh tiền thất nghiệp, xấu hổ quá nên tôi đã xin đi làm toàn th?i gian ( full-time).
Vì muốn nó tâm phục khẩu phục nên tôi cũng bù đầu bù cổ mà học, cũng phải lấy ba lớp giống như nó và cũng đổi ngành học cho gần giống với nó. Ngoài sự chịu khó cần cù học hỏi ra, nó còn đức tính cần kiệm hết chỗ chê, theo lời kể và theo tôi điều tra phối kiểm lại thì chỗ nó ở chỉ là cái phòng trên lầu ba, mùa hè thì nóng như thiêu như đốt, nóng thế mà vì tiết kiệm điện không chịu xài máy lạnh, hỏi thì nó bảo:
• Ngày còn ở Việt nam chịu nóng mãi, quen rồi.
Mùa đông, vì phòng nó ở trên cao, dù có mở máy heat cũng vẫn lạnh hơn ở tầng dưới. Ngoài giờ đi làm, đi học hoặc lo việc nhà việc cửa, nó chẳng đi đâu cả, cứ như nó “tu” tại nơi ấy, chung thủy không bao giờ thay đổi. Ấy nhờ vậy mà nó lại học giỏi, số điểm bao giờ cũng suýt soát tôi chứ chẳng thua bao nhiêu. Con gái như nó vậy là giỏi lắm, mấy ai được thế đâu ? Thời buổi điện tử này con gái mười ba tuổi đã có cô mang bầu, còn nó chắc cũng đã hăm ba, hăm bốn rồi mà vẫn chưa có bạn trai! Có người thì lấy thế làm buồn, nhưng với nó thì không. Tôi vừa thích nó, vừa lấy mà khó chịu mà tôi quyết định chinh phục nó, tìm dịp mãi mà chưa có dịp nào thuận tiện.
Thật bất ngờ, tối hôm đó cũng 10 gi? rư?i tan lớp, nó còn mải mê ghi chép nốt bài giảng của thầy cô viết lên bảng, mãi vào khoảng gần mười một giờ đêm nó mới ra khỏi lớp đi ra phía cổng chính nhà trường, khi băng qua parking lot khá rộng, lúc đó đã muộn nên xe cộ đã về gần hết, chỉ còn lại một số ít, rải rắc mỗi nơi mấy cái. Nó thong thả bước đi thì thình lình một tên thanh niên da mầu giật cái túi đựng sách vở của nó, rồi chạy tong ra phía cổng. Vì tên giật túi xách quá mạnh, nó theo đà té sấp xuống đường dập môi. Tôi chủ trương theo đuổi nó nên cũng nán về trễ, nhưng chỉ đi theo sau, cách chừng năm chục thước để theo dõi nó, nghe thấy tiếng nó la hét lên, tôi nhìn thoáng qua ánh đèn diện sáng của parking lot thấy toàn cảnh, tôi liền chạy nhanh đến, thấy nó môi miệng máu đỏ tươi, tôi đỡ nó dây. Vừa thấy tôi, nó cố gượng đau, nhếch môi đang rướm máu lên cố mỉm cười:
• Lại được chú tới cứu cháu nữa! Cám ơn nhe.
Nó cám ơn tôi thật chứ không còn mỉa mai, xách mé nữa. Tôi dìu lên xe và đưa về trả cho gia đình nó, tôi an ủi nó rằng
• Xui cái này thì hên cái kia, của đi thay người mà cháu.
Nghe thế, nó cười lên khanh khách:
• Nó giật túi xách, trong đó chỉ có vài cuốn tập ghi chép, 1, 2 cuốn sách với mấy đô la bạc cắc, nó giật được cũng nghèo như cháu thôi!

Tôi cười:
• May mà hôm nay nó lấy đi trọn gói chứ nếu bạc cắc rơi văng vãi tứ tung thì chú lại mất công lượm giúp.
Nó nguýt dài một cái rồi nói:
• Làm ơn cho người khác một chút xíu đã kể công!
Tôi trở về nhà, lúc lái xe qua cổng nhà trường, đèn pha xe chiếu sáng, bỗng tôi thấy vật gì màu xám giống như màu túi nó thường xách nằm bên vệ đường, tôi ngừng xe lai, quan sát rồi lượm lên coi thì đúng là cái cặp (phải nói là cái giỏ mới đúng) của nó rồi. Ngày hôm sau tôi đến trường đợi nó, trao cặp lại, nó mừng húm như bắt được vàng:
• Thế là em khỏi chép lại bài rồi, mà anh thấy nó ở đâu vậy?
Nghe giọng nó đổi tông, từ danh xưng “chú” sang “anh” làm tôi bỡ ngỡ. Bình tĩnh lại, chắc tôi phải thầm cám ơn "thằng Mỹ đen" giật cặp của nó hôm ấy, rồi lại phải cám ơn tên đó một lần nữa vì đã vất trả lại cặp sách bên viả hè trước cổng trường. Tôi lượm trả lại nó. Nhờ đó mà tôi được nó đổi cách xưng hô. Cá đã cắn câu rồi!
• Chú … À, Anh là bạn của tên đó mà, nên nó mới trả lại cặp cho em đấy!
• Anh là bạn của tên đó? Nếu vậy, anh cũng là đồ mắc dịch.
Rồi nó cười, tôi cũng cười giả lả, vì còn nhớ trước đây nó dám chửi cả Ông Trời, thì tôi có xá gì mà không chửi. Tôi dịu dàng nói với nó như nói với một người tình:
• Môi em còn đau không cưng?
Nghe xong nó ngước mắt nhìn tôi, ngạc nhiên vì tiếng "cưng" nói:
• Em nói năng cộc cằn, thô lỗ ai mà cưng? Cưng …cái đầu anh đấy!
Viễn ảnh lại vẽ ra trong đầu tôi thật lãng mạn trữ tình, vì tôi mới vừa nghe người bạn nói rằng hắn biết chỗ mua thời trang tặng cho bạn gái, có thể đem ảnh bạn gái (nếu có) hay tả dáng người là cô bán hàng ở tiệm đó sẽ chọn giùm cho, rất hợp thời và rất "luých", lúc đó tôi nghe rồi để ngoài tai, vì chưa có bạn gái. Nay có thì lại thấy nó cổ hủ, mấy tháng mà cũng chỉ ngần ấy quần áo, mặc tới thay lui cũng chỉ một kiểu thì cần gì phải nhờ đến người chỉ dẫn về thời trang để mua tặng nó cơ chứ ?.Tuy nghĩ vậy nhưng tôi vẫn tìm đến Hảo, hỏi hắn cho biết địa chỉ nơi bán quần áo thời trang, nó đưa cho tôi một business card in hiệu tiệm “ TaTa Collection.”
Một buổi chiều sau khi tan sở, tôi lái xe đến số 12718 đường Grant Road, Cypress TX 77429
là địa chỉ trong Business Card mà Hảo đã cho, khu thương mại này khá lớn có nhiều hàng quán, dịch vu. Khoảng giữa khu thương xá có hồ phun nước, có tháp đồng hồ thì TaTa Collection gần kế bên đó, cũng dễ kiếm thôi.
Mở cửa bước vô tôi thấy ba cô tuổi teenager, Mỹ trắng ăn bận thời trang đúng mốt, đang ngắm nghía coi quần Jean này ướm thử áo kia.
Tôi chột dạ và thầm nghĩ, nó nhỏ thó, hơi thấp lùn lại luôn mặc áo cổ lá sen thì có lẽ không hợp với thời trang bán ở đây. Tôi đứng tân ngần, nhìn quanh đó đây mà chẳng biết mua gì, may thay mấy cô khách hàng teenager đã đến quầy check out, trả tiền xong khách ra đi, tôi tiến lại counter nói với cô bán hàng:
• Tôi muốn mua bộ quần áo cho… cho "cô em gái", nhờ cô vấn kế giùm. - Tôi vẫn còn ngương miệng chưa dám nói cho bạn gái mà nói nó là em gái.
Tiệm có hai cô bán hàng cùng ngước nhìn tôi cười niềm nở, rồi một trong hai cô nói với tôi:
• Tuỳ theo khổ người của em gái chú, xin mời chú lựa, toàn quần áo thời trang. Có nhiều váy đầm ngắn kiểu mới được nhiều cô ưng ý lắm.
Tôi lại bị gọi bằng chú như nó thường gọi tôi, khiến tôi phải vào toilette soi gương xem mặt mình cằn cỗi đến cỡ nào. Tôi loay hoay chọn kiểu, cái này mốt quá, cái nào cũng tân thời . . rồi cũng chẳng biết lấy bộ nào, tôi thấy trong tủ kính bày nữ trang, nhiều chiếc cà rá hột xoàn đủ cỡ, bày hàng dọc, chiếc nào cũng lớn cỡ trên ca-ra chứ không ít, tôi hỏi và cô bán hàng cho biết đây là "hột xoàn mỹ thuật" đeo chơi như hột giả, giá rẻ rề chỉ cần có trên dưới năm chục Mỹ kim thì đã mua được "hột xoàn mỹ thuật" này rồi. Tôi mừng quýnh vì thấy giá quá rẻ nên thuận mua. Cô bán hàng chọn một hột thật chỉnh, bỏ vào hộp nhung vuông, gói lại trông thật đẹp. Trả tiền xong tôi hân hoan ra về, cô bán hàng lịch sự cám ơn và nói:
• Cám ơn chú, lần sau mời chú đến nữa nhe!
Tuy nghe câu chào lịch sự, nhưng tôi thấy nhói trong tim, có lẽ tôi đã già thật rồi! Ngay ngày hôm sau tôi trao chiếc "nhẫn hột xoàn mỹ thuật" mà cô bán hàng đã bảo chỉ là hột giả, song cũng chiếu lấp lánh như ai. Tôi làm như thể chính thức cầu hôn nhưng nó. May quá, nó từ chối nhận món quà và cũng an ủi tôi rằng: "Bao giờ anh học xong rồi mới tính mấy cái chuyện này".
Tôi cụt hứng song cũng mừng thầm vì nếu nó nhận cái nhẫn này, rồi đem đi khoe tùm lum khiến có người phát hiện ra hột xoàn giả thì công tôi theo nàng sẽ trở thành công cốc. Cuối cùng cái con nhỏ tên Thuý Hằng mà tôi vẫn gọi là "Nó” đã chịu chấp nhận là vợ tôi.
Tôi thì tứ cố vô thân, nó thì có bố già, hai bố con đến Mỹ chưa được đầy năm nên cũng ít bạn bè. Ông đứng chủ hôn cho chúng tôi, ông bảo chỉ bày ra một bữa tiệc nho nhỏ vui với bạn bè của chúng thôi vì họ hàng thân thích xa gần đều còn ở tại Việt Nam.

Cưới nhau xong, nó bỏ học để chỉ cốt bương chải lo kiếm tiền cho tôi đi học đàng hoàng. Thế nhưng vì sợ già tôi đã tặng cho vợ tôi một cái bầu. Tôi an ủi nó rằng:
• Anh cứ sợ "cha già con mọn" nên phải làm gấp…
Nó cười nói:
• Thì cũng được thôi, chứ em có nói gì đâu? - Rồi nhoẻn miệng cười thật dễ thương.
Hơn chín tháng sau, nó sanh một thằng con trai kháu khỉnh giống tôi như tạc. Tôi rất vui, thấy vợ mình là người vợ đảm đang mà mừng. Sinh xong cháu bé, nó thấy tôi cứ cù cưa không chịu cố gắng để tốt nghiệp cho xong thì giận lắm! . Nó gửi con ở Day Care rồi bắt đầu đi học lại, tôi thấy vậy cũng phải học cố gắng cho xong, sau một thời gian tôi đã tốt nghiệp.
Tôi thầm phục ý chí của v?, nhưng nghĩ rằng chẳng bao giờ cô ấy có đủ kiên nhẫn để mà theo tiếp khi đã có con cái, và bề bộn công việc nhà như thế này! Đàn bà mà, làm gì có chí lớn như đàn ông? Thế nhưng nàng vẫn cứ âm thầm đi học và năn nỉ tôi tạm hoãn ban cho cái bầu đứa thứ hai để cho còn học tiếp, chừng nào tốt nghiệp hãy hay.
Rồi thấy v? tôi có nhiều lúc vì mải mê học chẳng chuyện trò gì với tôi cả nên đâm ra buồn chán nên phần tôi thì mải mê gõ lóc cóc chít chát với mấy cô nhân tình hờ trên đất ảo.Còn phần nàng, đôi khi thầy cô của gọi phone tới nhà kiếm để thông báo điểm làm tôi giật mình.Hồ nghi là thầy cô lộn tên, nên tôi hỏi đi hỏi lại rằng có lộn không đây ? V? tôi mà học giỏi vậy sao? Tôi hỏi:
• Làm ơn coi lại xem! Ông( bà) có chấm lộn không, chứ vợ tôi ở nhà đâu thấy học hành gì, công việc nhà lại ngập tới mũi thì làm sao học hành giỏi giang đ?n như th?…
• Không, tôi không chấm lộn đâu.Vợ ông học rất giỏi, lẽ ra ông phải hãnh diện vì điều này chứ?.
Tôi thầm nghĩ không lẽ nàng thực giỏi vậy sao. Rồi kiểm chứng lại từ khi tôi quen nàng đến giờ, rồi cưới làm vợ, cũng đôi lúc cũng thầm phục khả năng, sức chịu đựng của nàng, tự nghĩ nếu là người khác chắc họ bỏ tôi từ tám kiếp rồi.

Vợ học giỏi đảm đang cũng mặc kệ, hàng ngày tôi cứ vui vẻ lên Net gõ lóc cóc, làm vài bài thơ lãng mạn, thả những lời ngọt ngào cho mấy cô nàng cũng lãng mạn giống như tôi. Tôi nhớ có một lần trên site tôi đã chát với Vương Thuý Kiều, nàng đã theo dõi và vác xác t? Santa Ana CA đến Houston Texas tìm tôi, lãng mạn đến nỗi muốn trở thành nhân tình của tôi nữa. Lần đó tôi ngu ngơ và thụ đông, vậy mà cũng khiến nàng đã ghen bóng ghen gió…
Khi Vương Thuý Kiều trở về Santa Ana California rồi, tôi mới thấy tiếc nuối, và cũng tưởng nàng không để ý trò chơi này của tôi, nên tôi chơi bạo bắt chước ngược lại như Vương Thuý Kiều. Thế là sẵn chát, tôi quen một ả trên mạng, xem hình tuy không lấy gì làm xinh xắn, nhưng cũng không đến nỗi tệ, lại bị những dòng chữ ngọt ngào đã thu hút hồn tôi.
Sau ba tháng quen trên mạng, cô ta cho tôi địa chỉ, tôi quyết định đi gặp cô ấy như Vương Thúy Kiều đã tìm qua Houston gặp Kim Trọng. Khi gặp nhau tôi mới vỡ lẽ là cô ta đã có chồng, như tôi đã có vợ, cô nàng than thân trách phận rằng lấy phải anh chồng cù lần. Nghe như vậy tôi tá hoả tam tinh, quay v? gấp, chả sơ múi gì, lỗ mất cái vé máy bay khứ hồi.
Chuyến đi ấy, tôi giữ bí mật, tưởng mọi sự êm xuôi, ai dè vợ tôi lại biết, kẹt nỗi biết mà không phản ứng gì. Cũng như nàng có lời yêu cầu tôi khoan hãy có đứa thứ hai chờ nàng tốt nghiệp xong đã, tôi ậm ừ qua loa cho xong chuyện nhưng không thực hành.
Nàng âm thầm mang bầu, không than trách, âm thầm lo cho con cái chẳng một tiếng thở dài. Còn riêng tôi, nàng bỏ mặc tôi vui đùa trên NET cho đến khi tôi mang tiếng rằng mình là gian phu với đàn bà có chồng thì lúc đó nàng mới lên tiếng, nhưng rất ngọt ngào trái hẳn với những lúc trước:
• Mình không biết xấu hổ khi bám váy đàn bà, dù biết rằng họ đã có chồng hay sao?

Tôi vẫn tưởng nó chưa biết tôi đã đáp máy bay đi gặp người đàn bà trước đây và hụt hẫng khi biết ả ta đã có chồng nên đã quay về gấp. Tôi dịu dàng nói đáp lại lời dịu ngọt, cũng là lần đầu tiên nó kêu tôi bằng "mình" ngọt sớt ít dung trên đất Mỹ.
• Em nó gì, anh không hiểu? Anh chỉ có thơ thẩn trên nét thôi chứ có làm gì đâu?
Nghe tôi dịu dàng, nhưng gian dối, nó nổi tam bành kiểu bà chằng lên:
• Ông đừng tưởng thơ thẩn trên Nét không ai biết mà làm trời. Ông bám sát nó như hình với bóng, chát tới chát lui, tặng thơ ngả ngớn, người ta chửi ông bám váy đàn bà đầy dẫn lên kìa, có ngày chồng nó cho ăn kẹo đồng, lúc đó mới sáng mắt ra.
Tôi làm bộ giận dữ là to tiếng:
• Vậy là bà ghen sao?
• Ai mà thèm ghen! Tôi chỉ thấy nhục nhã, xấu hổ khi chồng nó gọi phone lại đây kiếm ông để chửi mà thôi!
Tôi giật nẩy người lên, trời đất như quay cuồng trong mắt tôi, không lẽ việc tôi đi gặp ả đã bại lộ. Lúc đó nếu ai nhìn mặt tôi thì thấy mặt tôi đang màu đỏ chuyển dần ra xanh mét như tàu lá! Tôi làm như bình tĩnh nhưng trái tim cứ đập thình thịch. Dẫu gì tôi cũng là dân có học, bây giờ mang cái tiếng gian phu với người ta thì cùng bể mặt lắm. Lương tâm tôi thấy xấu hổ quá, tuy thế tôi cố trấn tĩnh để vạch kế hoạch làm sao cho đỡ bị nhục.
Từ đó trở đi, tôi dùng lời lẽ ngọt ngào để năn nỉ Thúy Hằng tha thứ, và cũng từ đó tôi hết sức nuông chiều vợ để chuộc lại lỗi lầm, nhưng dường như tôi thấy nàng có thái độ dửng dưng, dưới mắt nàng chỉ có hai đứa con, còn tôi thì nó coi như không có mặt ở đây. Tôi nghĩ bụng rằng nếu không có tôi thì 2 đứa con kháu khỉnh từ trên trời rớt xuống cho nàng sao?
Tôi bực mình nổi nóng, lại tiếp tục mở trò chơi bên một trang web mới, rồi cũng tha hồ tự tung, tự tác, kỳ này tức với nó, tôi chơi bạo hơn, tôi viết thư tình, thả những vần thơ lả lướt đến cho nhiều phụ nữ trên mạng, để rồi một buổi chiều mùa hè khi tôi xách cặp táp từ sở làm về, thấy im lặng không thấy con tôi học bài, nhà bếp lạnh tanh không hương vị mùi xào nấu thức ăn. Các phòng trống đều trơn không một bóng người.
Phòng làm việc riêng của tôi phát ra tiếng o, o của cái máy com-piu-tơ phát ra đều đều … Trời ơi, sao vợ tôi lại biết password của tôi thế này? Thế là bao nhiêu thư tình, vần thơ sầu đọng các nàng gửi cho tôi đều phơi bày ra hết, vợ tôi đã đọc, bồng bế hai đứa con bỏ đi !
Lúc đầu, tôi buồn lắm, nhưng bình tĩnh lại tôi thấy cũng vui vì từ nay độc thân tại chỗ tha hồ lên mạng, gửi thư đi nhận thư về mà không sợ ai quấy rầy phiền phức. Cái lợi nữa của độc thân tại chỗ là khỏi mang tiếng có vợ rồi còn trơ trẽn thả dê.
Niềm vui chưa trọn vẹn thì chỉ mấy ngày sau, những cú phone gọi tới toàn tiếng đàn ông tự xưng là chồng của ả nọ nàng kia mà tôi đã CHAT, hăm he này nọ, thiếu điều làm tim tôi ngừng đập, có ông chồng quá cưng vợ còn hăm he cho tôi ăn kẹo đồng nữa, tôi đâm ra ớn!
Ðầu tuần, khi tôi vừa bước chân vào làm việc tại sở, tôi chưa ngồi nóng chỗ thì đã được xếp gọi lên cho tôi đọc mấy lá thơ, vừa đưa mắt lướt qua tôi tưởng chừng như tim nhẩy khỏi lồng ngực! Ðứng quan sát thái độ và nét mặt của tôi, xếp cười mà không nói, chỉ hất hàm bảo tôi về chỗ ngồi. Cũng hôm đó boss của tôi còn bảo:
• Anh Thông này, những lúc anh vắng mặt, phone gọi tới bàn giấy của anh, các bạn gần bàn nghe giùm anh đấy, họ cho tôi biết những cú phone đó toàn là phone tố cáo anh này nọ với vợ người ta, không hiểu anh còn muốn tiếp tục làm việc cho hãng nữa hay anh muốn thôi việc từ đây?

Tôi chỉ biết cúi đầu xấu hổ, kể từ lúc đó trở đi, các bạn đồng sở nhìn tôi bằng con mắt khinh khi, về nhà thì cô đơn một mình, tôi không còn dám ngước mặt nhìn bạn và nhìn đời như xưa nữa! Tôi thấy thấm thía một bài học đắng cay.
• Thuý Hằng ơi, hãy về với anh! các con ơi! hãy về với bố … Ðừng bỏ bố một mình.
Bây giờ tôi mới hiểu Net tưởng là Ảo mà chẳng ảo chút nào!

Tạ Thạc
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng lazyboy từ: Mười Đậu, Yen Oanh, tuannhu, TTien, khagiabao, anh hoang, kathydo

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 59 guests