Duyên Kiếp - Tạ Thạc

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Duyên Kiếp - Tạ Thạc

Postby lazyboy » 12 Feb 2007

Duyên kiếp

Tác Giả: TẠ THẠC


Thanh theo anh sáu Mừng về khu núi Bà Ðen để mong tìm đường vượt biên băng qua đất Căm-pua-chia đến biên giới Thái Lan cũng gần. Anh sáu Mừng làm nghề bán củi, anh chọn xóm Hai Thôn hiu quạnh đến não lòng để tá túc làm ăn sinh sống, nghe nói thời trước xóm Hai Thôn này không đến nỗi tiêu điều sa xút đến thế, nhưng vì chiến tranh cứ đẩy người trong xóm bỏ đi xa dần. Sau chiến tranh chẳng ai thèm trở về nơi đây nữa, nên nhà của chỉ còn lèo tèo dăm ba nóc nên Hai Thôn trở thành “ít hơn một thôn” có nghĩa là hiu hắt buồn vì dân cư thưa thớt, chính vì thế mà khi đã bỏ nơi đây rồi chẳng ai muốn quay về chốn cũ để chiều chiều nghe chim kêu vượn hú nữa.

Ý định dùng nơi Hai Thôn làm chỗ trú chân để vượt biên đường bộ, Thanh dấu kín không cho sáu Mừng biết nên sáu Mừng đã nói với Thanh:

- Chú mày đừng ngại, ở đây tuy có hơi buồn nhưng riết rồi nó cũng quen. Công việc ở đây dễ lắm, việc đo đạc, tính toán giá cả chẳng khó khăn gì ngoài bốn phép tính cộng trừ nhân chia ra là đủ, công việc sau đó thì vất vả đôi chút, nhưng với sức chú mày tuy không trẻ lắm nhưng cũng chưa già nên làm dư sức vì chỉ có việc đóng cọc, vác củi xếp vào từng thước khối … Tuy tiền bạc không dư giả nhưng cũng đủ xài

Thanh nghe anh sáu Mừng nói, anh không quan tâm gì vì mục đích của anh là miễn sao có chỗ ăn ở nghỉ ngơi chờ thời cơ đến, nhất là không ăn lẹm vào mấy chỉ vàng mà Thanh độn lưng làm vốn, sẽ trả công cho kẻ dẫn đường…

Thanh bắt tay vào việc phụ cho anh sáu Mừng. Nhớ câu nói của sáu Mừng, “tiền bạc không dư nhưng cũng sống được qua ngày”, thế cũng tốt thôi. Cơ sở của anh sáu Mừng là một bãi đất rộng giáp giới với khu rừng già cuối thôn, gỗ, củi chất đống nơi đây, chờ chuyển đi các nơi xa. Dân thợ rừng và dân lái xe be gọi nơi này là Bãi Củi.

“Bãi Củi” nó trở thành cái tên chính, hầu như quên dần đi cái tên Hai Thôn, tuy Bãi Củi nó nằm gọn trong địa phân Hai Thôn. Trong giới làm ăn nơi đây họ chỉ biết Bãi Củi, hỏi Hai Thôn nhiều người không nhớ ra Bãi Củi thuộc xóm Hai Thôn !

Trong xóm này, có cái nhà lá ở bìa rừng cạnh Bãi Củi, gọi là căn chòi thì đúng hơn, nó nằm cách gần 100 mét là tới quán độc nhất của chị sáu Mừng. Hôm Thanh mới đến, anh sáu bảo Thanh : “Chú em tạm ở đây được đấy, chòi hoang, người chủ bỏ đi từ lâu rồi, chú coi xem nếu ở được thì giọn vô mà ở ”. Thanh bước vào chòi thấy cũng tạm được, chàng bằng lòng. Mới từ thành phố đến khu rừng heo hút này, lại ở chòi lá người bỏ hoang, nghĩ cũng thấy rợn người, nhưng anh tự nhủ lòng “Không sao Mình chỉ tạm trú chờ thời chứ có định cư vĩnh viễn nơi đây đâu mà lo. Có ớn thì ráng chịu cho quen, vì đường đi vượt biên còn chông gai hơn nhiều …”

Ðêm mới giọn vào chòi, chàng nằm trên chiếc giường bằng những tấm phên tre kết lại, trải chiếu ngả lưng nằm dài trên chiếc chiếu, bất giác chàng nhìn thấy những đốm sáng nhỏ trên mái nhà mà tưởng tượng rằng mình đang ở “khách sạn ngàn sao”.

Hôm nay trăng tròn, ở bờ rừng chàng thấy mảnh trăng chênh chếch toả xuống Bãi Củi như một tấm lụa khổng lồ bàng bạc vì khoảng đất chỗ này không có cây rừng cao che phủ. Tiếng vượn hú, tiếng sột soạt đâu đây của những con dơi rừng làm Thanh ớn lạnh, chàng tự nhủ : “Ðây là lúc tập cho quen, vì mai đây có dịp phải băng qua khu rừng trong đêm tối dầy đặc chắc còn ớn hơn nữa”.

Sáng sớm hôm sau khi vừa thức giấc Thanh đã thấy chị sáu bưng cho chàng tách cà phê đen nóng, chị nói:

- Anh Thanh uống ly cà phê cho ấm bụng!

Thanh giơ tay đỡ ly cà phê vừa nói:

- Cám ơn chị sáu tốt bụng với tôi quá !

- Thì anh sáu đã giúp anh tới ở đây với chúng tôi thì cứ coi như người nhà cả mà !

- Cám ơn, hai anh chị người nào cũng tốt bụng.

Xóm Hai Thôn hay nói cho đúng hơn Bãi Củi chỉ duy nhất có một quán bán tạp hoá của Sáu Mừng, quán nằm cạnh phía bìa thôn chênh chếch về hướng đông. Bên hông quán che thêm cái chái làm nơi bán thịt rừng, hoặc làm nơi bán nước giải khát vào buổi trưa cho những người sinh hoạt nơi Bãi Củi, mà phần lớn là lái xe be hay lơ xe phụ chuyên chở. Sáu Mừng giao quán cho vợ kinh doanh còn anh lo chạy vòng ngoài, khi thì vào rừng mua lại thịt tươi từ các tay săn bẫy thú, lúc thì theo xe be ra chợ bổ thêm hàng hoá về cho vợ bán. Khi công việc quá bề bộn, chị sáu phải thay thế theo xe ra chợ bổ hàng. Nhiều khi phải ở qua đêm, hôm sau mới có chuyến xe về Hai Thôn. Vì ở lại qua đêm nên chị sáu bị mang tiếng lăng nhăng với các tay lái gỗ và dân xe be. Thiên hạ xì xầm về chuyện này, còn anh sáu thì không hề hay biết vì bản tính trời cho là anh chỉ nhìn đường thẳng chứ không quan tâm nghi ngờ dò xét những đường quanh co khúc khuỷu khác.

Thanh đến đây anh tự coi như là kẻ thất cơ lỡ vận, ấy vậy mà có những thành phần khác cũng mò vào đây kiếm sống. Ðó là những cô gái buôn hương bán phấn, đem thân xác mình phục vụ cho khách làng chơi chốn phồn hoa đô hội, nay nhan sắc đã phai tàn không còn đủ sức bon chen với những bọn trẻ mới vô nghề. Hết thời nên họ đi đón khách dọc đường, lưu động trên các chuyến xe chạy đường trường, có khi len lỏi vào tận rừng sâu với bọn thợ rừng, hay với dân bẫy thú rừng.

Mỗi khi Thanh nhìn thấy họ đầu bù tóc rối, mặt mũi bơ phờ từ rừng trở ra, lòng trắc ẩn của chàng thắt lại. Chắc họ cũng nhìn chàng như những kẻ hết thời giống họ nên hai bên dễ thông cảm mà sinh ra cảm tình.

Một buổi trưa nọ, Thanh ngồi tránh nắng dưới bóng cây, một cô sà đến ngồi cạnh, rất tự nhiên như đã quen Thanh từ lâu, buông câu nói thân thiết:

- Em “lưu diễn” rất nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào buồn như nơi này.

Thanh ngước mắt nhìn cô ả như chiều thông cảm, chàng cười nhẹ khi nghe hai tiếng “lưu diễn” ngồ ngộ, cứ như là em vác của ấy đi trưng bày khắp nơi. Thanh lắc đầu nhè nhẹ tỏ ý chán đời, thông cảm rồi hỏi:

- Em tên gì ?

- Vương Thuý Kiều !

- Tên thật của em hả ?

- Không. Hồi em mới bước chân vô nghề, có thằng cha tự nhận là thi sĩ gọi em là Vương Thuý Kiều. Nghe tên cũng hay hay, thế là em lấy tên đó luôn. Chả hiểu tại sao mà khi em nói tên em là Vương Thuý Kiều , có nhiều người cười em! Có lẽ họ biết tên giả, nhưng mặc kệ, em cứ xài cho đến bây giờ. Vậy anh có cười em không?

Thanh lắc đầu tỏ vẻ thương hại, anh thầm nghĩ nhan sắc em thế này mà tên là Vương Thuý Kiều coi sao cho xứng. Anh đang ngập ngừng để tìn câu an ủi đối đáp thì bỗng Vương Thúy Kiều thò tay vào xú chiêng móc ra gói thuốc Vàm Cỏ, bao thuốc bèo nhèo, điếu thuốc cong queo. Kiều mồi lửa một điếu, hít một hơi dài rồi trao cho Thanh, nói:

- Hút đi ! Nhìn gì mà nhìn dữ vậy?

Thanh nói

-Xú chiêng chứ đâu có phải cái túi đưng đồ mà nhét gói thuốc vào trỏng?

- Em còn nhét cả tiền nữa đấy! Thời quỷ vương súc chuồng, bọn cướp giật như rươi, mang bóp đầm õng ẹo dễ làm mồi cho bọn nó lắm !

Thanh không nói gì, chàng đưa mắt nhìn vẩn vơ ra phía bờ rừng.

Kiều nhìn Thanh một lúc rồi nói:

- Mấy năm về trước, đôi ngực em căng phồng, cặp * em rắn chắc no tròn đều đặn khối thằng mê em chỉ muốn vục mặt vào đó. Còn bây giờ thì . . .

Kiều bỏ lửng câu nói. Thanh hỏi:

- Còn bây giờ thì sao hả?

- Anh hỏi mỉa em hả?

Thanh lững lờ thong thả đáp:

- Không, anh chẳng mỉa mai ai cả, chỉ buồn cho luật đào thải của tạo hoá.

Cô Kiều khoác tay lia lịa:

- Thôi đi cha, hơi đâu mà nghĩ đến luật này luật kia cho mệt. Chỉ giận bọn đàn ông tham mới nới cũ. Bọn phản bội, bọn trời đánh thánh đâm, nghĩ đến em muốn lột xác chúng ra…

Thanh ngỡ ngàng, ngó thẳng vào mặt cô Kiều:

- Trời đất! Thiên địa ơi, có phải trời oi bức quá mà làm em nổi giận, trút hết lên đầu những thằng đàn ông trong đó có anh sao?

- Trừ anh ra, anh đặc biệt, không kể anh!

- Thế anh không phải đàn ông sao?

- Ðã nói không kể anh mà!

Thanh nói lấp lửng:

- Em xếp anh vào loại Gay, loại Pê-đê chắc?

Kiều sơ Thanh nổi sung nóng giận, nên lại nói tiếp :

- Anh là đàn ông chứ! Nhưng đã bảo trừ anh ra mà.

Rồi cô lại cười và nói với Thanh:

- Thôi chúng mình lại quán uống nước đá cho giải nhiệt đi anh, em bao!

Và đứng dậy nắm tay Thanh, kéo anh đi về phía quán nước.

Trên đường đến quán, cô hỏi Thanh:

- À, mà anh mấy tuổi?

Thanh đáp :

- Trên dưới bốn mươi.

- Vợ con chưa?

Thanh chưa kịp trả lời, Kiều đã lấy ngón trỏ của bàn tay phải dí vào trán Thanh kèm theo một cái liếc mắt đưa tình, nói:

- Ðừng nói với em rằng anh còn độc thân đấy nhe, cha nội!

Thanh hơi bực mình:

- Cô cứ làm như là công an chấp pháp thẩm vấn tôi không bằng!

Như là để Thanh quên đi đừng nổi sùng với cô, hay cô nhớ đến bọn công an cai trại Phục Hồi Nhân Phẩm, cô nói:

- A, nói đến công an, em lại nhớ đến và nổi sung. Bọn nó ruồng bố bắt tụi em đem nhốt vào trại Phục Hồi Nhân Phẩm. - Phục cái mả bố nhà nó, chứ phục hồi gì. Ðứa nào có nhiều năm thâm niên như em chẳng hạn thì tụi nó đẩy đi lao động, phơi sương, giãi nắng dầm mưa. Ðứa nào còn trẻ đẹp thì bọn nó giữ lại, chơi ngày chơi đêm muốn ngất xỉu, chịu trời không thấu. Những thằng công an coi trại Phục Hồi Nhân Phẩm mặt thằng nào trông cũng tái mét, da dẻ xanh xao vàng vọt, cặp mắt thâm cuồng vì trác táng dâm dật quá độ. Nhiều thằng ghẻ lác đầy mình, vi trùng giang mai đục khoét vào tận xương tuỷ của bọn nó rồi. Em chỉ cầu cho nó gặp em nào có bệnh Si đa truyền qua cho đáng đời tụi nhà nó !

Thanh thấy Kiều đi quá trớn, nên ngắt ngang:

- Em chỉ được cái nước bắt quàng chuyện nọ xọ chuyện kia là giỏi thôi!

- Ta bắt đầu lại nhe! Vậy vơ anh đâu?

- Ðóng thùng gửi về nhờ bà mẹ vợ nuôi rồi. Còn anh thì lo nuôi thân anh!

Cô Kiều ngó Thanh, rồi cười rồi nói:

- Này, hỏi thiệt anh nhé: Có thích em không?

Thanh cười tảng lờ:

- Ðừng hỏi tầm phào nữa!

- Cái bộ mặt anh, cách nói chuyện lấp lửng của anh, nhiều em ngây thơ khoái và chịu lắm đấy nhe! Hay tụi mình kết duyên vợ chồng nhé anh, được không ?

- Ðể làm gì, bộ để ôm nhau chết đói sao?

- Em tình nguyện làm nuôi anh suốt đời!

- Em đi khách lấy tiền nuôi anh phỏng?

- Không đâu, em chán cái nghề này đến tận cổ rồi!

Trầm ngâm giây lát Kiều nói:

- Em muốn đổi cuộc sống bằng cách vượt biên sang Thái Lan, nhưng đi một mình thì không dám…

Thanh nghe Kiều nói đến “vượt biên” thì giật mình như ai đó đọc được ý định của chàng! Anh dò xét thêm:

- Em có nhiều tiền lắm sao mà tính vượt biên, bộ ở đây vượt biên dễ lắm sao?

- Em không nhiều tiền nhưng dành dụm cũng được dăm ba chỉ vàng, đủ để trả công người dẫn đường, em có quen với thằng cha làm nghề xe ôm kiêm nghề dẫn mối vượt biên, thằng chả nói nếu em muốn đi thì chả lấy em hai chỉ vàng, em thấy nhiều người đã đi thoát. Không dễ mà cũng chẳng khó!

Kiều vừa nói dứt câu thì chị Sáu Mừng chủ quán bưng nước đến, chị dằn mạnh hai ly nước trên mặt bàn rồi vội vã quay đi như muốn tránh mặt.

Kiều thấy cử chỉ ấy thì nguýt xéo, rồi nói nhỏ với Thanh:

- Em còn lạ gì con đĩ ngựa này, nó đỏng đa đỏng đảnh với mấy thằng cha xe be ngoài chợ, mang tiếng cùng mình ai mà chả biết!

Thanh nói cầu hoà:

- Chuyện người ta mặc họ, mắc mớ gì em mà phải lên tiếng!

Kiều phụng phịu, nói lí nhí trong miệng:

- Ồ cái thứ rượng đực khó ưa, lại còn làm ra cái vẻ khinh người…

Uống xong ly nước, Kiều định nói thêm về kế hoạch vượt biên của cô cho Thanh nghe nữa nhưng lại nói:

- Thôi, em phải về để hôm nào rảnh rỗi em sẽ nói về kế hoạch vượt biên của em, nếu tiên rủ anh cùng đi luôn cho có bạn, bây giờ nói ở đây ngô con đĩ ngựa chủ quán nó nghe thấy thì chết cả lũ.

Thanh không tin gì đám gái ăn sương nên nói:

- Thôi, nói làm gì những chuyện xa xôi ấy, mình ở đây nói chuyện ở đây, chuyện Thái Lan xa xôi quá!

Ngoài kia trời nắng nhìn ra xa loá cả mắt. Bãi Củi mặt đất nơi đây dường như bị hơi nóng làm bốc hơi gợn sóng. Những xe be đã xếp hàng xong chuẩn bị rụch rịch rời bãi.

Cô Kiều nhấp nhổm, đứng lên ngồi xuống, dùng dằng nửa ở nửa muốn về, Kiều nói:

- Thôi, em về, hay là về chòi anh đi.

- Anh không có tiền.

- Không tiền thì miễn phí.

- Không được đâu! Ban ngày ban mặt, với lại làm bậy quỉ thần vật chết!

Cô Kiều đứng dậy, bước đi được mấy bước bỗng trở gót cô quay đầu lại, đến cầm tay Thanh định kéo đi, Thanh vùng vằng giật tay lại. Cô nói :

- Coi kìa … cái mặt buồn buồn dễ ghét ghê! Bộ thương em hả?!

Thanh nghiêm nét mặt:

- Ðừng đùa dai, bao nhiêu người ngó kìa…

- Ngó thì ngó, kệ họ chứ ! Thôi em đi, mai mốt ra phố chợ tìm em nhe!

Thanh nói như hối thúc:

- Ðược rồi, em đi kẻo trễ chuyến xe bây giờ! Nghe anh đi…

Cô lầm lũi đi nhanh ra Bãi Củi, lên xe, rồi giơ tay lên vẫy vẫy. Thanh nhìn theo thấy nao nao, chàng chẳng biết lòng mình ra sao nữa!

Thanh ngồi xuống ghế uống tiếp ly nước mà thấy lòng mình buồn vô cớ.

Chị Sáu Mừng bước ra, lấy đi những chiếc chén dĩa ly tách trên bàn do khách ăn uống còn để lại. Chị nói trỏng nhưng cốt để Thanh nghe :

- Cặp kè với loại người ấy chỉ thêm mất mặt!

Thanh nghe chột dạ, quay vào chị Sáu nói:

- Chỉ nói chuyện thôi, đã có gì đâu chị sáu.

- Còn nói chưa có gì nữa hả? Anh sáu giúp anh đến làm việc có cơm để sống chứ không giúp làm tiền bao gái.

- Chị thấy tôi có loạng quạng với ai không mà chị đã lên tiếng?

- Chuyện ma ăn cỗ nào ai biết được, chỉ có Trời biết đất biết vào ban đêm. Ban ngày thì bạ ai cũng tán tỉnh, thượng vàng hạ cám mà không biết xấu hổ.

Thái độ cử chỉ và lời nói của chị sáu Mừng làm Thanh ngạc nhiên. Nhưng chàng không nỡ phản ứng mạnh sợ mất lòng anh sáu vì tình nghĩa anh em gắn bó đã bao lâu nay. Thanh nhỏ nhẹ nói:

- Chị hơi nặng lời với tôi đấy.

Nói xong chàng bỏ đi ra bãi.

Bãi Củi giờ đây đã vắng, Thanh lại một mình vác và xếp củi chất vào từng thước khối theo những cây cọc đóng sẵn từ trước.Hôm nay anh Sáu Mừng theo xe be ra phố chợ để bổ hàng, có lẽ sớm lắm cũng phải ngày mai mới về.

Thanh làm việc cho đến xế chiều, mồ hôi đầm đìa ướt hết cả áo như tắm. Khát khô cổ, muốn vào quán uống ly nước lạnh nhưng lại ngại vì nghĩ đến thái độ của chị sáu lúc buổi trưa. Thanh lững thững đi về chiếc chòi rách nát “tư dinh” của chàng.

Hồi mới đến, nằm trong chòi đêm trăng đếm được ngàn sao, nay được chàng tu sửa lại cũng tạm che nắng trú mưa, nhưng bề ngoài cũng không che dấu được vẻ rách nát cố hữu của nó. Ðã nhiều đêm Thanh nằm vắt tay lên trán suy nghĩ viển vông. Nghe tiếng thằn lằn chắt lưỡi, tiếng dơi cắn nhau chí choé dành nhau chỗ đậu trên cây lồ ô dung làm nóc cho mái chòi. Ðêm khuya khoắt hơn nữa, chàng nghe những tiếng vượn tru, tiếng vạc kêu sương, những tiếng chim lẻ bạn như rớt xuống từ lưng chừng trời trong đêm u tịch làm Thanh tưởng chừng như rớt những nỗi quạnh hiu vào trong lòng chàng. Chàng đã buồn còn trở lên u uất nghẹn ngào hơn.

Những đêm trăng sáng Thanh thường từ trong chòi nhìn ra Bãi Củi, những thước khối gỗ trong vị trí đã được đóng sẵn, xếp thành nhiều hàng đến tận bờ rừng, trông xa mập mờ như đoàn quân xa chở các chiến sĩ đi hành quân. Còn những đống củi mập mờ ngổn ngang nhỉn xa giống như những chiếc xe tăng đang lổn nhổn tiến vào phía bìa rừng. Thanh bồi hồi nhớ lại thời còn chiến tranh, một binh lực hùng mạnh như vậy mà bỗng một ngày tan rã như bôt nước chiều mưa, họ rã ngũ chạy tán loạn tủi nhục.Chuyện vô lý tưởng như một giấc mơ, thế mà là sự thật. Ðến khi lầm lũi giắt tay nhau vào tù mới bừng tỉnh giấc mơ. Từ lúc đó trở đi, Thanh mang một lý lịch xấu, chẳng mong gì xoá mờ đi để làm lại cuộc đời, chỉ còn cách duy nhất là thoát ly để đến một thế giới khác làm lại cuộc đời, Thanh về Hai Thôn cũng là mục đích ấy nên ẩn nhẫn mà sống cho qua ngày chờ thời cơ, mà thời cơ bao giờ mới đến khi ý định của mình phải kín như bưng. Thanh thấy hoàn cảnh cô Kiều đem so sánh với đời mình, chàng suy nghĩ có hơn gì cô đâu. Ðời lâm vào ngõ bí, trở lui không được mà tiến cũng không xong! Thanh buông tiếng thở dài não nuột.

Ðêm đã khuya, hơi sương lành lạnh, trằn trọc mãi không ngủ được. Hình như có tiếng như bước chân người từ đàng xa đi tới giẵm lên những lá cây khô rụng bao quanh chòi. Thanh nhỏm dậy nhìn ra ngoài cửa, chàng tưởng anh xe ôm đã gặp nhiều lần hứa sẽ dẫn chàng đi vượt biên đường bộ đế báo tin vui. Nhưng người bước vào không phải anh xe ôm mà lại là một người đàn bà là chị sáu.

Thanh ngạc nhiên :

- Chị Sáu ! Có gì gấp mà ra đây giờ này?

- Cũng có chút việc …

Chị Sáu nói nhỏ giọng, chỉ vừa đủ để Thanh nghe.

- Tôi có thể giúp gì được cho chị không?

Vừa nói Thanh vừa vén mùng vừa vắt lên nóc. Chị sáu e dè ngồi xuống mép giường, nhỏ nhẹ hỏi:

- Anh Thanh có giận tôi không?

- Giận chuyện gì hả chị sáu?

- Chuyện hồi trưa ấy mà, tôi lỡ nhời.

- Tưởng chuyện gì chứ lại chuyện hồi trưa. Không đâu! Chị nói cũng có phần đúng, tôi hay cà rỡn với mấy cô ấy cho khuây khoả nỗi buồn…

- Tôi biết nói thế, biết Thanh buồn, cho xin lỗi nhe.

- Tôi tán gẫu cho vui qua ngày thôi.

- Nhưng Thanh phải lựa người chứ?
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng lazyboy từ: Mười Đậu

Postby lazyboy » 12 Feb 2007

- Mà tôi có tính chuyện lâu dài đâu mà chọn lựa?

- Giữa ban ngày ban mặt, bá cổ kề vai với gái điếm không sợ người ta chê cười sao?

- Chi sáu coi, cái thân cùng đinh mạt kiếp như tôi còn sợ ai cười nữa cơ chứ?!

- Thấy chướng mắt quá, tôi hơi nặng và lỡ nhời anh Thanh có buồn tôi không?

- Buồn chứ! Nhưng không phải buồn chị.

Chị ngó Thanh cười tình:

- Vậy buồn ai?

- Buồn … buồn vì … buồn Thế thôi!

Thanh lúng túng ngập ngừng vì cảm thấy có điều gì khác thường Con mắt chị sáu liếc nhẹ gợi tình:

- Buồn … vì cô đơn hả?

Ánh trăng khuya xuyên qua mái hiên hắt vào trong chòi, nét mặt chị sáu có sức quyến rũ lạ lùng. Mùi tóc gội bù kết với xà bông chanh quyện vào nhau thơm thoang thoảng. Những đêm nằm cô quạnh trong túp lều Thanh thèm khát ôm vào lòng người đàn bà nào đó. Nhưng chưa bao giờ chàng nghĩ người ấy là chị Sáu.

- Nói đi, có phải Thanh buồn vì cô đơn?

Chị sáu Mừng lẳng lơ nhìn Thanh rồi đưa tay vén mớ tóc kéo giạt qua một bên cổ, làm lộ rõ bộ ngực no tròn đầy ắp của chị đang phập phồng dưới lớp áo mỏng.

Thanh chống đỡ sự quyến rũ một cách yếu ớt;

- Chị Sáu ơi … Còn anh sáu Mừng!

Chị nói:

- Ảnh đi phố chợ bổ hàng, anh cũng biết mà!

Mùi da thịt lẫn mùi tóc quyện hương thơm từ cổ chị sáu toả ra phà vào mũi Thanh, cám dỗ. Thanh cũng nghe rõ cả tiếng thở hồi hộp của mình nữa.

Có tiếng vạc kêu đêm. Bỗng dưng Thanh có cảm tưởng như có Ðấng Thiêng liêng đang nhìn thấu tâm can của mình. Bất cứ hành động nào Ngài cũng biết. Trời biết, đất biết … Chuyện chị sáu và tôi nếu xẩy ra anh Sáu Mừng không biết nhưng chi sáu biết, Thanh tôi biết, Ðấng Thiêng Liêng cùng Trời Ðất biết.

Ngọn đèn lương tâm của Thanh gần tắt bỗng vụt sáng trở lại, Thanh bình tĩnh bước xuống giường, ra ngoài hiên đứng lơ đãng nhìn trăng khuất trong chùm lá cây rừng.

Thanh lên tiếng vừa thiết tha vừa khức từ:

- Chị Sáu ơi… Về đi, về gấp đi kẻo lỡ có người thấy thì … chết!

Nghe Thanh nói, chị Sáu sững sờ, chị ngồi một hồi lâu trện giường. Thanh thấy tội nghiệp chị, chàng định quay vào ôm lấy cái thân thể chin mùi dục vọng của chị, ngả chị trên giường, âu yếm rồi ra sao thì ra …

Nhưng bất ngờ chị Sáu đứng dậy nói:

- Thôi, tôi đi về. Ðã theo tán tỉnh mấy con đĩ mà còn lên mặt cao ngạo nữa! Ðồ cái bản mặt đạo đức giả!

Thanh nghe câu nói đó chàng như bị gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt, bừng tỉnh.

Chị Sáu thay đổi thái độ quá nhanh, mặt chị lạnh lùng như giá băng, vùng vằng rảo bước thật nhanh. Nhưng không biết chị nghĩ sao nên quay trở lại ngập ngừng nói với Thanh:

- Anh hãy hứa với tôi không nói với bất cứ người nào nghe!

Thanh chậm rải nói:

- Dạ, tôi xin hứa.

Chị Sáu quay lưng đi, ánh trăng mờ soi bóng chị trên nền đất của Bãi Củi, một bóng mờ mờ ảo ảo huyền hoặc như bóng ma tan biến thật mau le.

Thế là suốt đêm đó Thanh không có một giấc ngủ dài, chàng chợt thầm tiếc dịp may hiếm có, nhưng cảm thấy tâm hồn sảng khoái yên lòng. Ngày mai nhìn thấy sáu Mừng mà anh không thẹn với lòng mình cũng không ngượng với anh sáu Mừng.

Thanh nằm nhắm nghiền đôi mắt, chàng mơ màng trong giấc điệp, thiếp đi một lúc thì bất giác nghe tiếng quạ kêu, dường như có điều gì không được may. Bình minh ló rạng, Thanh cảm thấy hình như chàng bị nhuốm bệnh.

Ðêm hôm sau Thanh được tin anh xe ôm đưa mối khách vượt biên bị bọn thổ phỉ bắt, cướp xe và tiền bạc rồi đem thủ tiêu vất xác ở đường mòn cạnh bìa rừng chỉ cách Bãi Củi chừng dăm ba cây số! Nghe xong tin này lòng dạ Thanh rối bời. Riêng Bãi Củi thì sinh hoạt vẫn bình thường. Chị Sáu đối với Thanh cũng vẫn bình thường như mọi ngày. Nhiều lúc chàng tự hỏi không biết chị Sáu có còn nhớ gì về cái đêm hôm ấy ?. Trong đầu của mỗi người đàn bà là cả môt kho tàng bí mật. Thanh lại nghĩ về người vợ của mình, cưới nhau chưa kịp có con gặp nạn nước chồng vào tù, vợ ở nhà ôm cầm thuyền khác mà kẻ đó lại chính là cựu địch thù của chồng, một tên cán bộ cấp tỉnh.Thật là ngao ngán kho tàng trong đầu người đàn bà là ở chỗ đó, khó mà hiểu nổi.

Anh Sáu Mừng là người tử tế, tâm địa thật thà chất phác, anh hay nói với Thanh :

- Vợ chú bỏ chú để lấy thằng cán bộ cấp cao rồi, chẳng hy vọng gì nó trở về với chú nữa đâu, chú nên kiếm một người đàn bà goá để kết nghĩa cho đời bớt cô đơn. Tôi thấy tội nghiệp chú quá!

Thanh thì nghĩ ngược lại thấy tội nghiệp cho anh Sáu hơn, anh đang sống trên lưỡi dao cạo. Ðến ngày nào đó hiểu ra thì con tim anh sáu bị cứa nát rồi. Anh chưa hiểu lòng dạ chị Sáu, chừng anh hiểu lúc ấy anh làm sao sống được với con tim chảy máu của mình ?!

Thanh ở Hai Thôn đã được hơn hai năm. Từ khi Thanh nghe tin anh xe ôm người dẫn mối vượt biên đường bộ bị giết chết, anh nản chí muốn bỏ Hai Thôn về Saigon tìm đường khác vượt biên. Thời gian vừa qua Thanh coi Hai Thôn, Bãi Củi gia đình anh chị sáu Mừng là chỗ trú chân. Anh chị sáu có đứa con gái duy nhất tên Ðào đã mười bảy mười tám nhưng học hành giang giở vì phải theo cha mẹ vào Hai Thôn giúp đỡ việc nhà.

Thương hại vì hoàn cảnh mà cháu Ðào phải bỏ học ngang nên Thanh thường chỉ dậy thêm cho cháu về văn học, sử địa. Năm mười tám tuổi thì Ðào nghĩ cái gì ở trên đời chú Thanh cũng thông suốt hết.

Có lần Ðào hỏi chú Thanh:

- Chú ơi, con gà đẻ ra cái trứng phải không?

- Cháu nói đúng!

- Nhưng mà cháu lại thấy cái trứng nở ra con gà. Vậy tại sao …

- Thì cái trứng nở ra con gà, rồi con gà đẻ ra cái trứng, cái trứng lại nở ra con gà thành vòng tròn khép kín…


Thanh nhiều khi đã trả lời những câu huề vốn cho qua chuyện, nhưng không biết tại sao Ðào cũng phục chú sát nút. Ðào nói:

- Sao hôm nay chú trả lời cháu giống như chú giải thích cho cháu về muối vậy.

Thanh giả vờ quên để bắt cháu Ðào kể lại:

- Thì chú bảo muối từ trong nước biển. Hỏi. Tại sao nước biển có muối ? Chú bảo. Vì nước biển mặn. Hỏi. Tại sao nước biển mặn? Chú bảo. Vì nước biển có muối! Cái kiểu trả lời vòng quanh khép kín của chú thật có duyên nhưng lại huề vốn.

Thế là hai chú cháu phá lên cười thật vui tươi hồn nhiên. Dưới mắt Ðào, chú Thanh là người tốt, Ðào không muốn chú Thanh bị hoen úa danh tiếng bằng cách lân la gần gũi những người mà Ðào cho là xấu. Ðào đâu có biết giữa cảnh đời ô trọc này, không thể nhìn phớt qua bề ngoài để biết rõ vàng thau được. Ðào thừa hưởng cái nhan sắc tương đối đậm đà của mẹ, nhưng còn tính nết chưa biềt ra sao. Chỉ có trời mới biết được.

Một buổi chiều nọ Thanh nghỉ làm, có ý chờ tin tức cho chuyến đi do một người đã hẹn. Ðang thong dong thả bộ quanh căn chòi thì bất ngờ Ðào bê một trái dưa gang đến, vừa thấy chú Thanh, Ðào nói:

- Chào chú Thanh, má sai cháu đem biếu chú trái dưa gang đầu mùa.

Vừa nói Ðào đặt trái dưa bên thềm của chòi. Nhưng Thanh nói:

- Cháu bê vào trong nhà tiện thể để giùm trên cái khay cho chú nhe.

Hai chú cháu vào nhà, căn nhà chật chội chỉ có một chiếc giường vừa làm chỗ ngủ vừa làm ghế ngồi tiếp khách. Như thường lệ Ðào ngồi cạnh giường cười nói với chú Thanh thật vui vẻ, Ðào khoe:

- Cháu còn nhớ “câu vè của làng dưa, làng lúa bắp” mà chú dậy cháu, nó cũng vòng quanh khép kín như hạt muối hay con gà cái trứng vậy. Chú còn nhớ không ?

Rồi Ðào vừa cười và đọc một hơi:

“Dưa chuột là ruột dưa gang
Dưa gang họ hàng dưa hấu
Dưa hấu là cậu lúa ngô
Bắp ngô là cô lúa mì
Lúa mì là dì dưa chuột

Dưa chuột là ruột dưa gang
Dưa gang họ hàng dưa hấu …”

- Cháu có đọc hoài nó cũng chẳng dứt, chú thấy chưa?

Hai chú cháu đang vui đùa cười cợt thì trời nhá nhem tối Thanh định giục Ðào đi về kẻo má mong, và thân con gái không nên đi tối nơi vắng người.

Bất chợt Thanh nhìn thấy chị sáu đứng sẵn ngoài cửa. Thay vì mở lời chào, Thanh lên tiếng như gọi:

- Chị Sáu . . .

Mặt chị có vẻ khác thường :

- Các người làm gì trong ấy?

Ðào nói:

- Con đọc vè cho chú Thanh nghe.

- Hừ … Ðọc vè? với chẳng vè này !…

Rồi chị sáu nắm tay con chị lôi về. Chị không thèm ngó mặt Thanh.

Hôm sau, Thanh gặp anh sáu Mừng ngoài bãi, anh không nói gì, nhưng thái độ thì lạnh nhạt. Không chịu nổi thái độ ấy, Thanh lên tiếng:

- Chị sáu có nói điều gì về tôi?

Anh sáu Mừng chưa trả lời trực tiếp câu hỏi của Thanh, rút gói thuốc ra châm lửa hút, trầm ngâm giây lát rồi nói:

- Tôi đối xử tử tế với chú em vậy mà không ngờ chú lại xử tệ thế!

Nói xong anh thở dài. Thanh hỏi lại:

- Chị sáu nói gì?

- Con Ðào nó ngây thơ, sao chú đang tâm lợi dụng sự khờ khạo của nó mà đem vô giường làm bậy. Vuốt mặt phải nể mũi chứ?

- Có phải chị sáu thêu dệt chuyện này?

- Ai mà dám thêu dệt chuyện động trời này cơ chứ?

- Anh chị đã hỏi cháu Ðào chưa?

- Hỏi rồi. Nó chối. Kêu oan, làm sao nó có thể nhận một hành vi tồi bai như thế ?!

Thanh gay gắt nói:

- Làm sao mà anh có thể tin được lời chị như thế?

- Chú bảo tôi không tin vợ ? Thì tin ai… May mà vợ tôi bắt được quả tang tại trận chứ nếu chỉ nghe lời đồn thổi thì khó tin.

- Bắt được quả tang tại trân là thế nào?

- Chú em là người trong cuộc, chú đã biết rồi. Tôi không nói ra là vì còn nể mặt nhau .

Thanh chỉ còn nước đấm ngực than trời. Ðào thì nhất mực khóc kêu oan. Còn Thanh thì kêu oan với ai bây giờ? Thanh minh với ai? Ai tin ?!

Thanh hỏi:

- Bây giờ anh sáu tính sao?

Sáu Mừng trả lời nhát gừng:

- Chuyện xẩy ra quá đột ngột nên tôi cũng chưa biết tính sao. Ðàn bà nhiều khi sáng suốt hơn mình. Vợ tôi nói không nên làm to chuyện vì danh dự của chú em và cũng là để cho con Ðào nó không mang tiếng sau còn lấy chồng nữa. Chú nên sớm rời khỏi Hai Thôn, chấm dứt ngay mối tình vụng trộm này.

Cái câu mà anh sáu nói “chú nên sớm rời khỏi Hai Thôn” làm Thanh hiểu rõ ý định của chị sáu. Chị không hề hiểu lầm. Chị chỉ muốn anh không còn lảng vảng nơi Bãi Củi, xóm Hai Thôn kẻo một ngày nào đó anh tiết lộ cái đêm trăng chị Sáu đã đến túp lều tranh. Giá hôm ấy anh đồng tình với chị thì hai người phạm tội đều giữ bí mật. Chị đã chẳng cần dựng đứng câu chuyện không có thật giữa Ðào con gái của chị với anh là bạn thân của chồng chị. Bây giờ nếu anh có nói rõ âm mưu của chị thì anh sáu Mừng cũng chẳng tin mà lại cho là anh đặt điều để chạy tội.

Thanh nói:

- Anh Sáu à, mai tôi rời Hai Thôn theo ý của chị sáu. Xin anh nhắn với chị ấy rằng vì muốn bảo vệ danh giá của mình, chị đã vu oan cho tôi và cháu Ðào.

- Vu oan? Tôi không hiểu chú em muốn nói gì!

Bằng giọng nói nghẹn ngào, Thanh nói:

- Anh hiểu sao được trong khi anh đang sống bằng hạnh phúc giả tạo, ngọt ngào trên lưỡi dao cạo. Tôi và cháu Ðào đã bị đứt tay chảy máu rồi. Không biết chừng nào sẽ đến phiên anh ?!

Ngày hôm sau, trên chuyến xe rời Hai Thôn, Thanh thấy Ðào núp bên cánh cửa nhìn theo, vì xa quá Thanh đâu biết Ðào đang khóc nghẹn ngào nhìn chú Thanh xa dần mất hút …

*****

Ba năm sau Thanh vẫn chưa tìm được phương hướng vượt biên. May có “thời kỳ mở cửa” chàng ăn nên làm ra không còn đói rách như lúc còn ở Hai Thôn nữa. Tạm quên đi quá khứ sống qua ngày.

Một hôm Ðào đi tới ngã tư trên đường Hai Bà Trưng và Lê Thánh Tôn. Tình cờ nàng thấy chú Thanh đi với một người đàn ông bước vào quán giải khát gần đấy, nàng ngờ ngợ không tin ở đôi mắt mình nên chưa chắc có phải người vừa vô quán là chú Thanh của nàng mấy năm về trước hay không, nàng hồi hộp chờ ngoài cửa quán nước.

Hai người khách từ trong quán nước bước ra, họ bắt tay nhau rồi mỗi người đi một ngả. Khi nàng nhận đúng là chú Thanh. Mừng mừng tủi tủi nàng kêu lên:

- Chú Thanh!

Nghe tiếng kêu tên mình, Thanh quay đầu nhìn lại thấy Ðào:

- Ðào ! sao cháu lại ở đây?

- Câu chuyện dài lắm chú ơi, để rồi cháu sẽ kể cho chú nghe.

Hỏi han dăm ba câu rồi hai người cùng vào quán nước. Thanh hỏi :

- Cháu uống gì?

- Cháu không uống!

- Sao cháu lại có mặt ở đây, và ở với ai?

- Cháu đang ở với bác ruột cháu, nhà cũng ở hẻm gần đây thôi.

- Ba má cháu vẫn buôn bán ở Bãi Củi Hai Thôn?

- Ba má cháu chết cả rồi!

Nói xong câu đó, Ðào ôm mặt nức nở khóc kể lể :

- Sau khi chú đi được mấy tháng má cháu càng sinh tật, lấy hết tay xe be này đến xe be khác, lấy cả đến những bọn săn thú trong rừng. Câu truyện đến tai ba cháu thế là ông nổi điên lên dùng dao chặt thịt rừng đâm vào ngực má cháu một nhát chết tốt, sau đó ông say máu đuổi theo tên vừa ân ái với má cháu định đâm chết nó, ai dè tên thơ săn kia có võ khí sắc bén hơn, nó đã giềt chết ba cháu rồi chạy vô rừng. Nghe đâu tên đó là người Miên lai Việt hung dữ lắm. Sau cùng tên đó chạy qua bên biên giới Việt-Campuchia mất tung tích luôn.

Ngừng một lát lấy hơi, Ðào kể tiếp:

- Cháu chứng kiến cảnh hãi hùng đó cho đến nay vẫn còn thấy ám ảnh sơ sệt. Ba má cháu chết, gia đình tan hoang, bác Hoàng thấy cháu tội nghiệp đem về đây cho cháu ăn học.

Kể đến đây Ðào không cầm được nước mắt, nàng khóc rống lên, than thở:

- Ðời cháu sao khổ quá chú ơi!

Thanh nghe Ðào kể cũng thấy mủi lòng. Thương cho người bạn xấu số gặp phải người vợ không ra gì. Thanh an ủi Ðào:

- Thôi cháu ơi, chuyện đã xẩy ra rồi khóc than cũng chẳng giúp ích gì, chỉ làm mình khổ thêm thôi.

- Mãn tang ba má cháu rồi, ông bác định gả cháu cho một người mà cháu không thương…

Ðào càng khóc to hơn nữa khiến những con mắt thực khách trong quán tò mò đổ xô nhìn vào Ðào. Thanh thấy không ổn vội trả tiền rồi đưa Ðào ra khỏi quán.

Ðào nói:

- Từ ngày chú bỏ Hai Thôn đi rồi, lòng cháu cứ hướng về chú không thể nào quên được. Chú ơi, chú có thương cháu không? Thiếu chú cháu không thể sống nổi!

Thanh bàng hoàng vì câu nói đó, chàng nhìn Ðào rồi nói:

- Ðào không chê chú già sao?

- Không bao giờ!

- Ðang xưng hô cháu , bây giờ đổi cách xưng hô, Ðào không thấy ngượng sao?

- Không bao giờ !

Thanh phá lên cười vì câu trả lời của Ðào thật ngộ nghĩnh. Thấy Thanh cười Ðào cũng cười lây.

Từ trước tới nay Thanh vẫn không tin là có “duyên kiếp” hay nói một cách khác là “duyên tiền định”. Nhưng lúc này Thanh không phải là nằm mơ, duyên tiền định đây rồi.

Thanh âu yếm nắm tay Ðào nhìn thẳng vào mắt nàng :

- Từ nay anh sẽ gọi Ðào là em, chịu không?

- Chịu chứ, và cháu sẽ kêu chú Thanh bằng anh!

Hai người cùng cười. Thanh và Ðào thả bộ trên bến Bạch Ðằng như đôi tình nhân lâu ngày mới gặp. Phải chăng hôm nay là ngày hạnh phúc nhất của đời họ.


TẠ THẠC
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 


Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 83 guests