Ân Oán Giang Hồ - Z - 29 (Truyện Trinh Thám 008)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Ân Oán Giang Hồ - Z - 29 (Truyện Trinh Thám 008)

Postby lazyboy » 08 Feb 2007

Có truyện này gửi các Mít đọc cho vui ,

ÂN OÁN GIANG HỒ

Tác giả: Z-29

Thay lời giới-thiệu: Nhân vật chính thám-tử 008 Văn-Lang là một võ-sư trẻ người Việt, trên dưới 30 tuổi có quốc-tịch Nhật-Bản được huấn-luyện tại xứ “Hoa Anh Đào” này. Chàng theo học với các võ-sư Sương-Điền Bảo-Chiêu và Phạm-Lợi; sau đó sống bằng nghề dạy võ, được sở cảnh-sát Nhật mướn làm huấn-luyện viên võ-thuật cho sở cảnh-sát Đông-Kinh. Thấy chàng thông-minh lanh lẹ, lại nói được nhiều ngoại-ngữ, sở cảnh-sát nhân-tiện mời chàng làm thám-tử nhằm mục-đích giúp họ điều-tra nhiều vụ sát nhân hay những màn bí-mật của nhiều băng đảng tại nhiều cộng-đồng khác nhau gây ra như cơm bữa tại Đông-Kinh. Một hôm, một viên-chức cao-cấp Louis Winston thuộc sở cảnh-sát liên-bang Hoa-Kỳ tại Hoa Thịnh-Đốn trong một chuyến qua thăm Nhật-Bản tình cờ khám-phá được chàng liền bàn với sở cảnh-sát liên-bang Hoa-Kỳ điều đình với sở cảnh-sát Đông-Kinh trả một số tiền khổng-lồ mượn chàng về giúp họ một thời gian điều tra những vụ băng đảng có liên-quan đến “xã-hội đen”, hay những vụ bí-ẩn cần điều tra manh mối, nhất là trong cộng-đồng Việt-Nam tại Hoa-Kỳ. Chàng được đặt cho biệt-danh là “Thám-tử 008”.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng lazyboy từ: Mười Đậu, larrychow, meoconcon

Postby lazyboy » 08 Feb 2007

*
* *
-Lộc! Đi đâu vậy mày?
Người đàn ông tên Lộc đang đi quanh khu Eden, dãy phố do người Á-Châu làm chủ tại Tiểu-Bang Virginia, sát bên thủ-đô Hoa-Thịnh-Đốn. Khi chàng ta quay lại nhìn thấy rõ người vừa gọi mình liền reo lên.
-Khôi! Trời ôi! Ngọn gió nào thổi mày đến đây?
Hai người Lộc và Khôi mừng rỡ cùng chạy đến một lượt ôm chầm lấy nhau. Khôi xoa đầu Lộc, đề nghị:
-Năm, sáu năm rồi mới gặp lại mày đó! Đi uống cà-phê chơi!
Lộc gật đầu, hai người bạn rủ nhau vào một quán ăn gần đó, gọi đồ ăn, cà-phê ngồi tâm sự.
Khôi mở đầu câu chuyện:
-Sao lúc này gia-đình mày ra sao, khá không?
Lộc lắc đầu chán nản:
-Hai vợ chồng làm vừa đủ sống. Má tao lại cứ đau lên đau xuống thành ra vợ tao cứ phải nghỉ hoài để chăm sóc cho bà cụ. Cũng may chủ hãng thương tình nên thông cảm chứ vào chỗ khác thì cứ làm hai ngày nghỉ một ngày thì nó đuổi đi mất đất rồi! Còn mày sao? Về bên này chơi hay ở luôn? Đã có ai ‘phụng dưỡng’ hay ‘báo hiếu’ chưa?
Khôi lấy thuốc mời bạn đáp:
-Tao vẫn làm ‘hội-trưởng hội độc thân’, bị sở gửi đi công-tác sáu tháng, xong việc sẽ trở về. Chút nữa đưa tao tới nhà thăm bà cụ với vợ con mày một chút.
Lộc gật đầu nói:
-Má tao vẫn nhắc tới mày luôn, vợ tao cũng thế. Gặp lại mày chắc hai người sẽ mừng lắm. Con tao giờ cũng lớn lắm rồi, đang học lớp mười, nó cũng hỏi chú Khôi hoài.
Khôi nhìn Lộc, cảm-động nói:
-Mày thật đáng trách, tao dặn nếu dọn nhà nhớ cho tao biết địa chỉ vậy mà biệt tăm biệt tích luôn chẳng biết sống chết ra sao!
Lộc vội vàng ‘tạ lỗi’:
-Xin lỗi mày. Hồi dọn nhà tao bị mất cuốn sổ điện-thoại và địa-chỉ nên có muốn liên lạc với ai cũng đành chịu chết.
Hai người bạn cũ ngồi nói chuyện, tâm sự những ngày qua cho nhau nghe một lúc khá lâu mới chịu đi. Lúc Khôi ra trả tiền, cô thủ-quỹ nhà hàng cười nói:
-Bàn của anh đã có người thanh-toán rồi, tôi không có quyền thâu tiền.
Khôi nghe nói ngạc-nhiên vô cùng vì anh ta mới chân ướt chân ráo về vùng D.C. này. Vả lại anh ta cũng chẳng quen ai tại đây. Mà nếu có là người quen cũ ắt sẽ đến gặp chào hỏi tay bắt mặt mừng rồi.
-Xin lỗi, cô có nhầm lẫn không? Tôi mới tới đây, không quen biết ai cả!
Cô thủ-quỹ chỉ vào một người đàn ông tại một bàn gần đó nói:
-Đó, ông khách ngồi một mình ở bàn bên kia lúc mới vào gọi đồ ăn có dặn tôi là bàn của anh tính chung vào hóa-đơn của ông ấy.
Khôi tiến lại bàn người khách lạ ‘tốt bụng’ nọ; người ấy cũng trạc tuổi Khôi và Lộc, dáng người bảnh bao lịch-sự. Khôi thấy ‘có vẻ hơi quen’ hình như đã gặp ở đâu nhưng không tài nào nhớ ra được.
-Cám ơn anh rất nhiều! Nhưng anh tha lỗi cho, tôi càng sống càng hồ đồ! Không biết đã gặp anh hồi nào mà chưa nhớ ra được!
Người khách cười đáp:
-Anh Khôi không nhớ tôi à? Tôi là Văn-Lang. Anh còn nhớ mấy tháng trước ở Chicago không? Chỉ mới gặp lần đầu, hỏi thăm chút đường xá anh đã khảng khái chỉ bảo tận tình, rồi khao tôi một chầu ở phố Argyle đó! Buổi tối còn dẫn tôi đi nghe ban nhạc anh chơi nữa. Anh đánh đàn quá hay, hát thì khỏi nói! Tôi vốn ở D.C., kỳ đó sang Chicago vì được gửi đi công-tác. Còn anh về đây chơi hả?
Khôi ‘ồ’ một tiếng sực nhớ lại. Hai người sau đó bắt tay nhau, Khôi nói.
-Đúng là trái đất tròn! Công-ty gửi tôi về đây đi công-tác cố mở rộng thị trường buôn bán. Sáu tháng sau sẽ về lại Chicago.
Khôi sau đó gọi Lộc đến giới-thiệu. Ba người chuyện trò một hồi khá lâu. Móc danh-thiếp trao cho Khôi và Lộc, Văn-Lang trịnh trọng nói:
-Hai anh nếu có gì cần đến tôi xin nhớ gọi nhé, đừng ái ngại gì cả.
Khôi và Lộc cũng cho lại địa-chỉ. Khôi khách sáo nói:
-Vâng, ở bên này thì tôi phải học hỏi anh rất nhiều.
Chia tay Văn-Lang xong, Khôi theo Lộc về nhà thăm gia-đình bạn.
*
* *
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 08 Feb 2007

-Bác ạ!
-Trời ơi Khôi, con!
Một bà lão tuổi sấp xỉ 70, người gầy yếu run rẩy ôm chầm lấy Khôi mừng mừng, tủi tủi.
-Chú Khôi! Cháu nhớ chú lắm!
Một đứa con trai chừng 16 tuổi chạy lại, Khôi đưa tay ra ôm lấy nó xoa đầu ra vẻ trìu mến.
-Bình, cháu ngoan, lớn thế này rồi à!
Hỏi qua loa chuyện học hành của Bình, con trai bạn, Khôi lấy trong ví tờ 100 đô dúi vào tay nó.
-Cháu cầm lấy mà ăn quà.
-Cám ơn chú!
Lộc cảm động lên tiếng:
-Mày cho nó nhiều vậy chỉ làm hư nó ra mà thôi!
Khôi cười, xua tay nói:
-Có gì mà nhiều với ít, hư với ngoan? Mày chỉ lắm chuyện!
Đôi bạn ngồi nói chuyện tâm sự suốt mấy tiếng đồng hồ thì vợ Lộc đi làm về. Thấy Khôi, chị ta mừng rỡ bước lại vui vẻ chào hỏi.
-Anh Khôi khỏe không? Trời ơi, lâu quá rồi mới gặp lại anh! Chiều nay ở lại ăn cơm với tụi em rồi mới được về đó nghe!
Khôi cũng gật đầu chào lại nhưng lại ‘đề nghị’:
-Chiều nay để tôi mời gia đình anh chị đi ăn một bữa mới phải!
Lộc cười, lắc đầu xô nhẹ Khôi một cái nói:
-Mày chỉ khéo vẽ vời! Năm, sáu năm không gặp tính nết vẫn như thế, chẳng thay đổi chút nào cả!
Khôi cười, nheo mắt ‘chọc quê’ lại bạn:
-Dĩ nhiên rồi! Có như thế tao mới là tao chứ!
Hai người cười giỡn, đùa với nhau rất hồn nhiên như hai đứa con nít, như hồi còn đi học chung với nhau ở tiểu học vậy. Chợt có tiếng chuông reo, vợ Lộc ra mở cửa.
-Anh ơi! Có ông Kent chủ nhà đến.
Lộc vội vàng đứng dậy nói với Khôi:
-Mày chờ tao một chút nghe.
Lộc chạy vội ra ngoài tiếp khách. Thằng Bình con của Lộc đem ra một ly trà và cái gạt tàn thuốc đến cho Khôi. Tiếng ông chủ nhà người Mỹ nói oang oang vọng vào bên trong:
-Tôi biết, anh đang trong hoàn cảnh khó khăn, vì vậy nên tôi mới du di cho anh bấy lâu nay. Nhưng đến nay là ba tháng rồi, anh phải hiểu cho tôi chứ. Tôi cũng có bao nhiêu thứ phải trả!
Tiếng Lộc xì xào hình như là thương lượng điều gì. Chỉ nghe Kent, ông chủ nhà người Mỹ nói lớn:
-Thôi được, tôi ra hạn cho anh thêm một tuần nữa. Nếu anh không trả nổi tôi buộc lòng phải lấy lại nhà cho người khác mướn thôi. Chào anh.
Nhìn nét mặt lo lắng của vợ chồng Lộc bước vào, Khôi cười nói:
-Thôi, mình chuẩn bị đi ăn là vừa!
*
* *
Cầm bao thư đựng 5000 đô tiền mặt nhét vào tay Lộc, Khôi nói:
-Mày cầm lấy mà xài, khi nào có đưa lại tao.
Lộc cố nén xúc động, lắc đầu:
-Khôi, mày làm tao buồn lắm! Tao dù thế nào cũng đâu có thể nhận tiền của mày được! Mày có còn coi tao là bạn không?
Khôi tát nhẹ vào mặt Lộc một cái nghiêm-nghị nói.
-Đ.M., tao thương cái tính đó của mày, nhưng cũng ghét thậm tệ. Mày lúc nào cũng có khí phách của một người đàn ông, nhưng dùng cái khí phách đó cho đúng chỗ, với đúng người. Bây giờ mày muốn ngoan ngoãn cầm lấy hay là vừa khóc vừa cầm thì bảo thẳng cho một lời?
Lộc vỗ nhẹ lên vai Khôi, gọi vợ ra đưa bao thư nói:
-Em cất đi, đây là của anh Khôi giúp cho gia-đình mình đó.
Vợ Lộc cầm lấy ứa nước mắt, ấp-a ấp úng, nói không nên lời:
-Anh Khôi...
Khôi vội vàng xua tay:
-Thôi thôi, đủ rồi! Nếu hai người còn coi thằng này là bạn thì xin đừng nói gì nữa!
Suy nghĩ một hồi, Khôi nhìn vợ chồng Lộc hỏi:
-Hai người có nghĩ đến chuyện bỏ vùng D.C. này mà đến nơi khác dễ thở hơn không?
Lộc chán nản lắc đầu:
-Tao còn biết đi nơi nào nữa!
Khôi cố gắng tìm lời nói khéo:
-Tao thấy vùng Richmond được lắm, mức sống so với vùng D.C. rẻ hơn nhiều và không đến nỗi bon chen như trên thủ đô này. Dân Việt ở đó tương đối cũng xuề xòa, sống gần gủi nhau nhiều hơn. Tao quen ông Tadao Uechi, xếp của hãng mì gói Maruchan ở trên đó có thể giúp đưa cả hai vợ chồng mày vào làm. Lộc, mày có thể làm phụ tá viên điều hành và vợ mày có thể làm thư ký, đồng thời cả hai có thể giúp công ty thêm về việc buôn bán, cuối năm có huê hồng được lắm. Nếu mày bằng lòng ngày mai tao lên đó nói chuyện với ông ta, tiện thể đi coi nhà mướn hộ cho mày. Trên đó thiếu gì nhà rộng mà giá rẻ như bèo, vả lại cách đây trên dưới chỉ có 100 dặm. Nếu cuối tuần vợ chồng mày thấy buồn thì cứ lái xe lên đây chơi có khó gì!
Lộc và vợ ngồi bàn tán với nhau một lúc khá lâu. Sau cùng, cả hai đều tán thành đề-nghị của Khôi.
-Thôi, mọi chuyện nhờ mày vậy! Tao cũng bí đường bí lối quá rồi, và chắc chắn không chen chân nổi ở WASHINGTON D.C. này đâu!
Không đầy một tháng, Khôi đã lo hết tất cả mọi chuyện chu đáo, hoàn tất cho gia đình Lộc. Gia-đình Lộc sau cùng đã dọn đến Richmond, và với sự giúp đỡ của Khôi, hai người vào làm tại hãng mì Maruchan, lương bổng tương đối khá hậu hỉ lại nhờ mức sống xuề xòa nên ít nhiều cũng dư được chút đỉnh, không bị thiếu thốn như khi còn ở trên D.C. Cứ mỗi tuần một lần, Khôi lại ghé chơi thăm vợ chồng Lộc.
Hôm ấy ghé lại chơi, vợ Lộc mang ra một chiếc áo lạnh đưa cho Khôi.
-Chiếc áo này chính tay em đan để đặc biệt tặng riêng anh đó. Tuy đan không khéo lắm nhưng đây là tấm lòng chân thàng của vợ chồng em đố với anh. Mong anh nhận lấy mà đừng chê nhé.
Khôi đón lấy chiếc áo cảm động nói:
-Cám ơn, chị thật chu đáo quá! Nhưng đã là bạn bè thì đâu cần khách sáo như vậy.
Vợ chồng Lộc cũng nói mấy lời khiêm tốn đáp lại. Hai người mời Khôi ở lại dùng cơm chiều. Thấy không có gì vội vã, Khôi cũng nhận lời...
Nhâm nhi món đậu kho dồn thịt của vợ Lộc làm, Khôi cất tiếng khen:
-Đậu kho khéo quá! Thật lâu quá rồi mới được ăn món này.
Vợ Lộc cười nói:
-Anh nói quá lời! Món này thì quá bình dân, ai chả làm được!
Khôi lắc đầu nói:
-Chưa chắc! Đồng ý ai cũng làm được nhưng ngon hay dở còn là chuyện khác nữa. Tôi cũng thỉnh thoảng làm đấy, nhưng thật chỉ có một mình tôi là ăn được thôi, vì lẽ quá đói! Còn nói về món ăn thì đâu phải thật cầu kỳ và đắt tiền là ngon đâu! Nếu biết cách nấu thì một cọng rau tầm thường, một đọt xu hay đọt lang, một miếng đậu hũ cũng trở nên quý giá ngon lành như thường. Nói chi cho xa, như tôi đây, cứ đậu kho, canh cải, rau xà-lách xoong trộn dầu dấm thì tôi ăn cả đời vẫn được! Lấy được người vợ hiền lành đảm đang nết na, nấu ăn ngon như thế này thằng Lộc này thật đã tu mấy kiếp rồi! Tôi đến phải ganh tị với nó thôi!
Dù chỉ là một câu nói đùa cho mọi người cùng cười nhưng vợ Lộc nghe nói bỗng thấy thương hại bạn chồng vô cùng. Nàng động lòng trắc ẩn than:
-Người tốt đầy phúc hậu như anh mà phải ở vậy cho tới bây giờ thật là trời không có mắt chút nào! Anh cần phải có một người nâng khăn sửa túi, cơm nước cho mới được. Để tụi em cố gắng nhìn quanh nghe ngóng xem có ai hiền lành sẽ giới-thiệu cho anh. Tới chừng đó mà từ chối là ‘hổng được’ đó nghen ông!
Khôi chắp hai tay ‘bái tạ’ pha trò, vừa cười vừa nói:
-Dạ vâng, tuân lệnh ‘chị Hai’!
Như sực nhớ ra điều gì, Khôi nhìn Lộc nói:
-“Lộc, mày biết không? Bà dì ghẻ và hai đứa em cùng cha khác mẹ của tao sắp qua tới nơi rồi.”.
Lộc đang ăn bỗng giật mình thiếu điều buông rơi cả đôi đũa.
-Hả? Vậy sẽ ở đâu? Không phải là mày bảo trợ chứ?
Khôi cười nhạt, nhún vai nói:
-Bộ tao hết chuyện lo rồi hay sao mà lại đi làm cái chuyện ruồi bu, cầm c... chó đái đó!
Bỗng sực nhớ ra có Kim, vợ Lộc, Khôi liền xoay qua khẽ cúi đầu:
-Ô, xin lỗi chị Lộc.
Kim, vợ Lộc cười, không chấp nhặt. Khôi tiếp tục câu chuyện:
-Đây là hội USCC bảo trợ, và là vì bố tao lúc trước kia có làm đơn. Đến khi hồ sơ được chấp thuận thì bố tao mất đột ngột. Vì chuyện đã lỡ nên hội từ thiện kia hứa sẽ gánh vác mọi chuyện, sẽ kiếm nhà cho ở, lo cho công ăn việc làm cho bà ấy và hai đứa trời đánh kia!... Còn vì lý do gì thì tao không biết và cũng không cần biết, hay nói trắng ra ra không thèm biết đến. Hội hỏi tao có chịu giúp không thì tao đáp thẳng là ‘không’! Tao chỉ biết khi nào mấy người đó sang đây tao sẽ đem hết số tiền bố tao gửi còn lại khoảng 3000 đồng đưa cả cho họ là xong chuyện. Lúc còn sống, mỗi lần được ai biếu ít tiền thì bố tao để dành gửi tao nhờ mỗi tháng gửi về cho ba mẹ con bà ấy 300 đồng chứ đừng gửi hết một lượt. Nay đã sang đến nơi rồi thì tao chỉ cần giao cho mấy người đó là kể như hết trách-nhiệm, rảnh nợ!
Lộc bỗng thấy buồn cho bạn. Chàng còn lạ gì bà dì ghẻ của Khôi hồi còn ở Việt-Nam từng hành hạ, làm nhục Khôi đủ điều. Nào là bỏ đói con chồng, diếc móc con chồng nhiều phen từ trong bữa ăn đến cả giấc ngủ. Những câu nói độc địa, những lời lẽ hiểm ác khiến người khác nghe còn phải muốn chảy máu mắt. Lại còn nhiều phen chính bà dì ghẻ đó lấy tiền của bố Khôi đi đánh số đề, hay làm chuyện riêng tư cho chính bản thân hoặc cho con mình nhưng lại đổ oan cho Khôi ăn cắp. Bố Khôi buồn nhưng không biết làm gì hay phân xử ra sao. Thấy chồng lặng im, bà dì ghẻ sang mách với anh chồng, bác ruột của Khôi. Bà dì ghẻ khéo nịnh nên rất được lòng bác của Khôi cho nên điều gì bà ta nói đều được ông ta tin răm rắp. Chính mắt Lộc trông thấy từng trận mưa đòn dã man từ những cán chổi cho đến những cây gậy gộc hay bất cứ vật nào vớ được từ tay ông bác vụt tới tấp như trời giáng từ trên xuống dưới, lên khắp tấm thân gầy gò ốm yếu của Khôi bạn mình khiến thằng nhỏ ‘lớn hết nổi’! Khi thì bầm tím sưng hết cả mình mẩy; khi thì đi cà nhắc cả tuần lễ chưa hết. Nhiều lần đến nhà Lộc chơi, bà mẹ của Khôi đã nhiều lần bắt Khôi cởi hết quần áo ra để xem. Mỗi lần nhìn những vết tím bầm từ trên xuống dưới, từ sau ra trước khắp châu thân thằng bé, mẹ Lộc thương xót đến rớt nước mắt! Chính tay bà ta sau đó phải đi lấy dầu xoa bóp toàn thân cho Khôi. Mỗi lần thấy Khôi đói lả người bà cũng lấy cơm cho ăn. Thỉnh thoảng bà ta mua cho Khôi cái quần, cái áo, đôi giày, đôi dép, cuốn vở, cây bút v... v... Có thể nói mẹ Lộc thương Khôi như con. Tuy vậy bà ta không bao giờ xúi Khôi làm bậy hay chống lại ai cả mà chỉ khuyên nó cứ sống cho đúng bổn phận làm con, làm người. Và Khôi cũng tìm thấy đượcc hình ảnh người mẹ hiền nơi bà ta. Lớn lên trải đời nhiều Khôi lại càng thấy phục mẹ Lộc nhiều hơn nữa. Nhiều lúc chính Khôi thèm được chính miệng mình gọi bà ta một tiếng ‘mẹ’ nhưng rồi lại tủi thân khóc thầm, không dám nghĩ đến nữa.
Và cũng do hoàn cảnh đưa đẩy mà Khôi với Lộc trở nên đôi bạn tri kỷ. Lộc vốn mồ côi cha từ nhỏ trong khi Khôi mồ côi mẹ. Hai người ít nhiều cũng đồng tình cảnh ngộ nên lại càng thương nhau hơn. Từ tấm bánh, cây kẹo, hai người đều chia cho nhau trong những ngày thơ ấu còn cắp sách đến trường. Lộc to con mạnh khỏe nên không ai dám đụng. Khôi vì nhỏ con gầy gò ốm yếu nên thường bị chúng bạn ăn hiếp luôn. Mỗi lần Khôi bị ăn hiếp là Lộc lăn xả vào bênh vực, sẵn sàng dùng đến võ lực với bất cứ kẻ nào bất cứ lúc nào. Nhờ vậy sau này không còn ai dám đụng đến Khôi nữa vì biết nếu muốn đụng đến Khôi tức là phải ‘bước qua xác Lộc’. Hai người dù trên danh-nghĩa là bạn nhưng tình đối với nhau chẳng khác gì anh em ruột thịt, nếu không muốn nói là hơn. Do hoàn cảnh đưa đẩy, hai người cùng sang được Hoa-Kỳ. Lộc đi được cả gia-đình, nhưng Khôi chỉ sang được một mình nhờ hồi chạy loạn năm 1975 bố Khôi gửi chàng tại nhà một người bạn. Gia-đình bạn của bố Khôi lúc rời Việt-Nam mang Khôi đi cùng.
Lộc lập gia-đình sớm, 20 tuổi đã làm cha trong khi Khôi vẫn ở độc thân suốt bấy nhiêu năm trời. Rồi nhiều năm khác trôi qua, Lộc vất vả, chật-vật kiếm sống lại phải phụng dưỡng mẹ già nên vấn-đề tài-chánh càng lúc càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó Khôi gặp may mắn khá giả hơn, có việc tốt lành hơn. Thấy bạn túng thiếu, Khôi vẫn thường giúp đỡ đều cho đến khi chàng được việc tốt hơn tại một tiểu-bang khác phải ra đi. Lộc sau đó cũng dọn nhà nhưng đánh mất địa-chỉ Khôi nên suốt một thời gian lâu hai người hoàn toàn mất liên lạc...
Rồi bố Khôi sang được Hoa-Kỳ do chính Khôi bảo trợ. Ở chung với con được vài năm, bố Khôi lâm trọng bệnh mà mất. Bố Khôi mất không bao lâu thì đôi bạn tình cờ gặp lại nhau...
Và hết miếng cơm, Khôi buông đũa xuống nói.
-Ôi, ăn thua gì! Đời họ họ lo, đời tao tao lo. Chẳng ai phiền ai hết là xong, có gì mà phải bận tâm!
Dù vậy, Lộc vẫn hiểu rõ Khôi muôn đời cũng còn hận bà dì ghẻ ác độc kia đến thấu xương. Đối với hai đứa em cùng cha khác mẹ, vốn dĩ Khôi không ghét bỏ, định bụng sẽ giúp đỡ nhưng qua bao lá thư với những lời lẽ xấc xược hỗn láo, Khôi nổi giận, quyết định xem chúng như chưa hề hiện-hữu có mặt trên cõi đời này.
Nghĩ lại chuyện xưa thời thơ ấu, Lộc gượng cười. Lòng chàng vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình có được người bạn tốt như Khôi. Buồn vì nghĩ bạn mình quá khổ về tinh-thần, cho đến giờ này cũng chưa được yên...
*
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 08 Feb 2007

* *
Cửa mở, một người con gái khoảng 25 tuổi trông khá xinh xắn, đứng soi bói nhìn Khôi hỏi:
-Xin lỗi, ông là ai? Đến đây có việc gì?
-Tôi là Khôi, làm ơn cho tôi gặp bà Hội. Tôi đến để giao lại toàn bộ số tiền của bố tôi gửi cho bà ấy.
Người con gái tỏ vẻ mừng rỡ reo lên:
-A, anh Khôi đó hả? Em là Trúc, em của anh đây mà. Vào đây anh!
Khôi vừa đi vừa mắng thầm trong bụng:
-“Đúng thật là mẹ nào con nấy! Hễ ngửi thấy mùi tiền là mắt sáng rỡ lên!”.
Trúc, người em gái cùng cha khác mẹ của Khôi vừa chạy vừa la lớn:
-Mẹ ơi! Anh Khôi đến kìa! Phát đâu, mau xuống chào anh Khôi đi!
Từ trên thang lầu có tiếng người đi cồm cộp. Không đầy một phút sau, một người đàn bà tuổi chừng 55 và một đứa con trai vào khoảng 18 bước xuống. Cả hai người cùng reo lên một lượt:
-Anh Khôi!
Khôi lạnh lùng nhìn hai người. Bà Hội giờ tóc cũng có phần bạc đi nhiều. Đã trên 20 năm rồi Khôi mới gặp lại bà Hội. Chàng phải cố hết sức để dằn lòng khi nghĩ đến chuyện xưa. Nếu bảo là trên đời có một người chàng căm thù, ghét cay ghét đắng thì chính là người đàn bà này. Thời-gian trôi qua tạo nên biết bao nhiêu sự đổi thay, nhưng lửa hận thù của Khôi vẫn không vơi đi chút nào cả.
Bà Hội liếc nhìn Khôi, cười nhạt rồi quay qua đứa con trai nói:
-Phát, đi rót nước mời anh.
Khôi liền giơ tay ngăn lại:
-Khỏi cần. Tôi đến đây để giao số tiền bố gửi lại cho cô rồi đi ngay.
Ngày xưa, Khôi thường gọi bà ta là ‘cô’ xưng ‘cháu’ chứ không bao giờ gọi là dì mặc dầu bà ta là mẹ ghẻ của chàng. Bây giờ đã lớn, chàng chỉ xưng ‘tôi’ chứ quyết không xưng ‘cháu’ như hồi còn nhỏ. Không phí phạm thời giờ, và cũng không cần đợi phản ứng của ai ra sao, Khôi móc trong người ra một xấp tiền đựng trong một cái phong bì đặt lên bàn nói:
-Đây là số tiền 3000 Mỹ-Kim bố gửi tôi, giờ tôi giao lại cho cô.
Bà Hội cầm số tiền đếm đủ trước mặt chàng rồi nói:
-Hình như tôi nghe bố nói là mỗi đầu người sang đây được chính-phủ cho 10000 Mỹ-Kim thì phải.
Khôi nghe nói suýt nữa bật cười thành tiếng. Chàng ‘hừ’ giọng mũi một tiếng rồi khinh khỉnh nói:
-Cái đó tôi không biết, có hỏi thì hỏi hội bảo trợ USCC ấy! Tôi không phải là người bảo trợ của cô cũng như Trúc và Phát, có hỏi tôi cũng vô ích mà thôi. Bố gửi tôi số tiền này nhờ gửi cho cô mỗi tháng 300 trước đây. Giờ bố mất rồi mà cô đã sang đến đây thì tôi giao tất cả toàn bộ lại cho cô thế là xong. Việc của tôi đến đây đã chấm dứt. Xin chào!
Bà Hội nhìn Khôi một lúc rồi buông tiếng hỏi:
-Anh Khôi sao tự nhiên đâm ra lạnh lùng quá vậy?
Khôi cười gằn. ‘Bộ phim’ cũ hơn 20 năm được quay lại trong trí chàng. Đó là quãng đời đen tối nhất chàng muốn quên đi mà không được. Nay bà Hội lại hỏi một câu móc họng như thế khiến lòng hận thù của Khôi lại bùng cháy ngất lên. Với cặp mắt uất hận, chàng dằn rõ từng tiếng:
-Các người hãy tự hỏi lấy các người!
Phát, đứa con trai bưng nước lại mời Khôi để ‘làm lành’. Khi gần đến nơi đột nhiên nó trợt chân ngã. Theo phản ứng tự nhiên, Khôi vội vàng đưa hai tay đỡ lấy nó. Nhờ chàng đỡ nên Phát không bị ngã chúi xuống đất, nhưng ly nước lạnh thì đổ hết lên người Khôi khiến chàng ướt đẫm cả áo lẫn quần. Phát có vẻ luống cuống, e ngại xin lỗi luôn mồm.
-Anh tha lỗi cho em! Em vô ý quá! Để em đi lấy khăn lau cho anh.
Đoạn gã đi lấy ra một chiếc khăn bông lau sơ quần áo cho Khôi.
-Thôi được rồi, không cần đâu!
Trúc từ nãy giờ im lặng chợt có dịp để lên tiếng:
-Họa này là nó gây ra, vậy anh cứ để cho nó giải quyết có sao đâu.
Phát giơ nắm đấm hướng về phía Trúc nghênh mặt nói:
-Cái này nè!
-Đồ cái thằng mất dạy!
-Bà là má tui hả?
Bà Hội thấy hai ‘cục cưng’ của mình ăn thua đủ với nhau trước mặt Khôi như vậy thì sợ bị chàng khinh cho nên vội vàng lớn tiếng quát cả hai:
-Hai đứa có câm mồm ngay không? Chẳng ra cái thể thống gì hết! Thật chị chẳng ra chị, em chẳng ra em!
Khôi chẳng thèm để ý, chàng quay lưng toan bỏ về.
-Anh Khôi! Vậy anh tính sao về chuyện tiền chính-phủ cho ba mẹ con em đây hả?
Nghe một câu vô nghĩa hỏi đi hỏi lại bằng nhiều hình-thức khác nhau cộng thêm cái giọng trịch thượng của Trúc, Khôi cảm thấy nóng máu khôn tả. Chàng cố dằn, không thèm quay mặt lại, chỉ nói vắn tắt:
-Đi mà hỏi chính-phủ.
-Mẹ em xưa đối với anh như thế nào mà bây giờ anh lại trở mặt thế?
Nghe giọng của Phát, Khôi cũng chẳng buồn quay lại. Chàng vẫn theo mửng cũ trả lời:
-Mày cứ hỏi mẹ mày.
-Anh không còn coi tụi em là em của anh nữa hay sao?
Lần cuối cùng Khôi gặp Trúc thì con bé chỉ mới có bốn tuổi. Phát lúc bấy giờ chưa sinh ra đời. Tình cảm của Khôi đối với Trúc vốn rất là ít nếu không muốn nói là chẳng có chút nào. Đối với Phát thì thật không có gì đáng nói cả, vì chàng chỉ mới gặp nó lần đầu. Cùng lắm là chỉ có cái tiếng ‘cùng cha’ mà thôi. Nhớ lại những lá thư hai đứa viết cho mình trong những năm qua, Khôi giận muốn điên lên. Chàng mở cửa, quay lại nhìn nói một câu chót trước khi ra về:
-Tụi mày có bao giờ coi tao là anh đâu!
Vừa đóng cửa, chàng nghe có tiếng bà Hội nói vọng ra:
-Đồ cái thứ cướp giựt!
Nghe đến câu này thì Khôi không còn nhịn nổi nữa. Chàng xô mạnh cánh cửa vào trong nhìn bà Hội quát lên:
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

-Cái con mụ khốn kiếp kia! Mày có giỏi thì lập lại những lời mày vừa nói xem?
Nhìn mặt Khôi sát khí đằng đằng, cả ba mẹ con im thin thít không ai dám nói gì. Khôi nói như gào thét:
-Mày đã hà hiếp tao, hành hạ tao, và vu oan giá họa cho tao, làm nhục tao biết bao nhiêu phen rồi? Thế còn chưa đủ hả?
Quá tức giận, Khôi hét lên một tiếng như trời gầm, dùng hai tay lật nguyên cái bàn xuống đất. Ba mẹ con bà Hội run lên cầm cập, lui lại phía sau mấy bước. Khôi đấm vào tường đánh ‘bộp’ một tiếng lớn tiếng chửi tiếp:
-Quân mạt kiếp! Từ giờ tao không nhịn nữa đâu!
Khôi lao xuống bếp, vồ lấy một con dao treo ở gần đó, cặp mắt long lên sòng sọc nhìn bà Hội, nói rít lên giữa hai hàm răng:
-Đứng im! Đứa nào nhúc nhích tao sẽ cho về chầu Diêm-Vương ngay!
Trúc thét lên kinh hãi bỏ chạy, liều tông cửa ra ngoài. Bà Hội run lên, hai đầu gối đập vào nhau cầm cập. Phát đứng im tựa như hai chân bị chôn chặt xuống dưới đất. Cơn phẫn uất của Khôi đã lên đến cùng cực. Chàng nhắc lại từng chi-tiết những chuyện xưa bị bà Hội hành hạ vu khống oan ức thế nào, chẳng khác như quan-tòa đọc bản án trước mặt bị can trước khi đem xử. Khôi giơ cao ngọn dao hét:
-Đồ chó chết! Đồ tàn ác! Đồ dã man! Mày phải đền tội! Tao sẽ xẻo từng miếng thịt của mày!
-Khôi! Dừng tay!
Khôi khựng lại một cái. Lộc không biết xuất hiện từ lúc nào. Chàng đưa tay ra nhìn Khôi nói lớn:
-Khôi, bình tĩnh lại! Đưa con dao cho tao!
Giọng của Lộc không có vẻ giận dữ, nhưng đầy vẻ nghiêm-trang. Khôi nhắm mắt thở dài. Và không biết lời nói của Lộc có mãnh lực như thế nào mà chỉ thấy Khôi xoay ngược cán dao lại đưa cho chàng sau một phút đăm đăm nghĩ ngợi. Lộc cầm lấy con dao quăng ra xa vào một góc xó, nhìn Khôi điềm tĩnh nói:
-Những gì đã qua cho qua luôn đi Khôi. Mày có giết cái hạng người này đi thì chỉ tổ làm bẩn tay thôi chứ ích lợi gì đâu. Hãy để cho nó sống mà trả nợ những tội ác của nó coi bộ hay hơn nhiều.
Đoạn Lộc bước tới vỗ nhẹ vai Khôi nói:
-Thôi, mình về đi.
Khôi ngoan ngoãn đi theo Lộc ra ngoài. Bà Hội và Phát thở phào nhẹ nhõm như vừa ‘chết đi sống lại’.
Lộc và Khôi vừa ra cửa chợt thấy Trúc từ đâu chạy hồng hộc vào nhà. Đến sau là một người đàn ông trạc tuổi hai người, ăn mặc hết sức sang trọng bảnh bao. Hai người đang nhìn người đàn ông quan-sát thì Trúc lại chạy ra vội kêu lớn:
-May quá anh, chưa việc gì.
Lúc đó, người đàn ông mới nhìn Khôi và Lộc tự giới-thiệu:
-Tôi tên là Quý, xin lỗi anh nào là Khôi?
Khôi tự chỉ vào mình đáp:
-Là tôi đây. Anh là ai, cần gặp tôi có chuyện gì?
Người đàn ông tên Quý gật đầu nhìn Khôi giọng châm biếm:
-Tôi là em rể tương-lai của ông đây. Vì ông dù sao cũng sẽ là anh vợ tương-lai, nên tôi muốn tôn trọng. Nhưng xin ông hãy nể mặt mẹ vợ tương-lai của tôi một chút. Nếu bà ấy có mệnh hệ gì thì xin lỗi, ông không còn đất mà dung thân đâu!
Thì ra Quý là ‘kép’ của Trúc mới quen. Khôi thầm ‘phục’ con bé mới sang chưa được bao lâu mà đã biết đi làm quen thật mau lẹ như thế. Và chưa gì coi bộ hai bên đã ‘thề non hẹn biển’ với nhau rồi. Thật là ‘chuyện tình yêu thời nguyên-tử’, chàng thầm nghĩ thế...
Trước những lời hăm dọa của Quý, Khôi không nhịn được bèn sấn tới, hất hàm lên giọng thách-thức:
-Mày dám làm gì tao nào? Có dám ăn c... tao không?
Quý cười như châm chọc nói:
-Tôi có đủ tiền để chơi cho ông sạt nghiệp, cho ông tù rục xương.
Khôi nắm hai nắm đấm lại nói:
-Tao thì chỉ có đôi tay này thôi cũng đủ để cho mày không sống mà xài hết nổi tiền của mày...
Lộc thấy chuyện bực mình càng lúc càng nhiều, càng chồng chất thì chịu không được bèn gọi lớn:
-Khôi! Kệ cha chúng nó! Tranh luận với ba cái hạng thú vật đó làm gì! Có lợi ích gì không? Mình về đi thôi!
Chàng không muốn day dưa rắc rối thêm nên mặc kệ không cần biết bạn mình có đồng ý hay không liền kéo tay Khôi lôi đi thẳng một mạch không thèm ngoảnh mặt lại.
Khôi và Lộc đi rồi, một người đàn ông Mỹ da trắng khoảng trên dưới 30 tuổi từ đâu bước tới. Quý nhìn người đàn ông Mỹ hất hàm cười hỏi:
-Đâu vào đó hết chứ, Randy?
Người đàn ông người Mỹ tên Randy cười nói:
-Yên chí. Tôi đã chụp đủ cả hai người đó tại nhiều khía cạnh khác nhau.
-Tốt lắm! Mai tôi sẽ đưa lên sở cảnh-sát rồi sẽ tìm một luật-sư cho mẹ vợ tương-lai của tôi để tố cáo nó. Tôi sẽ làm cho nó điêu đứng, xấc bấc xang bang để nó biết tay thằng Quý này không phải dễ chọc.
Dứt lời, Quý ôm Trúc hôn một cái. Cả hai cùng cười lớn ra vẻ thích thú vô cùng...
-Hay quá, cô!
-Mấy rồi? Có phải 20-16 không? Vậy thì chỉ còn một trái nữa thôi là anh đi đứt rồi!
Một nàng thiếu-nữ cắt tóc ngắn, trông rất duyên dáng dễ thương đang nở một nụ cười tươi như hoa. Nàng liếc nhìn đối-phương rồi tung quả banh ping-pong lên thật cao, miệng nói lớn:
-Ráng đỡ!
Phía bên kia, một chàng thanh-niên rất đẹp trai, cao ráo, thân hình vạm vỡ như lực-sĩ tuổi trên dưới 30 đang tập trung tư tưởng, mắt dán chặt vào cây vợt cầm trên tay của cô gái...
Như một ảo-thuật gia, nàng thiếu-nữ múa vợt chặt nhẹ vào banh lúc rơi xuống gần bàn. Quả banh xoáy tròn dưới mặt bàn rồi nẩy trở lên bay sát lưới sang bàn bên kia.
Banh vừa giao sang, chàng thanh-niên nhanh nhẹn lướt tới đưa ngang cây vợt chặt nhẹ một cái. Banh vừa chạm trúng cây vợt lập tức nảy bổng lên sang phía bàn bên kia. Chàng thanh-niên chặc lưỡi lắc đầu than:
-Chết tôi!
‘Chát’ một tiếng, chỉ thấy một vệt tròn trắng bay như điện xẹt mà không ai rõ quả bóng ping-pong nhỏ văng đi đâu nữa. Nàng thiếu-nữ giơ một cánh tay lên cao reo hò:
-Văn-Lang, anh thua rồi! Một chầu nhà hàng nhé!
-Dạ vâng, thưa người đẹp Trung-Quốc!
Văn-Lang nhặt bóng xong liền tới bắt tay kẻ thắng, nàng thiếu-nữ mà chàng mệnh-danh là ‘người đẹp Trung-Quốc’. Bắt tay xong, chàng không quên ôm cô ta và tặng nàng một chiếc hôn êm đềm lên má, sau đó khẽ cúi đầu gật một cái tỏ ý thán phục:
-Cô Yến à! Tôi chịu phục rồi! Người Trung-Quốc quả thật là có một không hai về bộ môn Ping-Pong này. Ngay cả một cô gái đẹp giống người mẫu hơn là lực-sĩ mà tôi đánh còn không lại nữa!
Cô thiếu-nữ người Trung-hoa tên Yến mỉm cười, đỏ mặt vì e thẹn, khẽ ‘nhéo yêu’ Văn-Lang một cái:
-Xí! Bộ anh tưởng đàn bà con gái cái gì cũng thua đàn ông con trai à!
Văn-Lang khẽ ‘ui da’ một tiếng, xuýt xoa nói:
-Đâu có! Tôi đời nào dám nghĩ vậy. Có cái đàn ông hơn, nhưng cũng có cái đàn bàn hơn chứ.
-Nói nghe được! Vậy đàn bà con gái hơn đàn ông con trai những cái gì? Thử cho một vài cái ví dụ xem.
-Chẳng hạn như làm nũng, vòi quà, cào, cấu với cắn và đanh đá thì đương nhiên đàn ông con trai lúc nào mà chả thua đàn bà con gái.
Dứt lời, Văn-Lang khoái chí cười ha hả. Yến nhăn mặt, dùng tay đánh túi bụi vào vai và lưng của Văn-Lang, miệng kêu la không ngớt:
-Nói bậy nói bạ! Đánh cho anh chết đi! Cho bỏ cái tật! Chừa chưa?... Chừa chưa?... Còn dám nói bậy nữa hết?...
Văn-Lang giả vờ co mình rụt cổ ra vẻ đau đớn lắm, nói như ‘van lơn’:
-Chết tôi rồi! Đau quá... đau quá!... Ối... ối... Tôi lỡ lời! Làm ơn tha tôi làm phước đi. Tôi xin chừa, từ nay không còn dám tái phạm nữa.
Yến thấy bộ điệu chàng như một anh hề làm trò cũng phải phì cười lên. Nàng thu dọn, đem tất cả vợt và banh bỏ vào túi xách xong xuôi rồi vỗ vai Văn-Lang nói:
-Anh đợi em nhé. Em đi vào nhà tắm một chút.
Văn-Lang gật đầu. Trong khi Yến vào nhà tắm, chàng ra quày của hội-quán thể thao mua hai ly nước để giải khát; một ly cho Yến và một ly cho chàng. Mấy phút sau, Yến trở lại. Chàng đưa ly nước cho Yến rồi hỏi:
-Tối nay cô thích đi tiệm nào?
-Tiệm nào cũng được. Miễn có ăn thôi.
Điện-thoại Cellular của Văn-Lang bỗng reng lên. Chàng tỏ vẻ hơi bực mình khẽ chép miệng một tiếng rồi đặt ống nói lên tai. Yến lặng yên để ý nghe ngóng...
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

-A Lô.
..........
-Phải, tôi đây. Ông Louis đó hả?
..........
-Tôi mới đánh ping-pong xong với một người bạn.
..........
-Ơ... ơ...
..........
-Thua! Bị mất một chầu nhà hàng đấy. Tối nay phải đi ‘trả nợ’
..........
-Cái gì? Lại công-tác nữa à? Mà làm gì phải gấp như vậy? Để thủng thẳng mai tới cũng được mà!
..........
-Được rồi! Được rồi! Gớm, tôi đến khổ với ông!
..........
-Có thế chứ!
..........
-Chào ông!
Yến thấy Văn-Lang cau mặt trông không được vui lắm. Nàng tò mò hỏi:
-Chuyện gì vậy anh?
-Ông Xếp đòi tôi chút nữa phải ghé lại văn-phòng ông ta có chút chuyện.
Yến nghe nói hơi lo lắng. Nàng ấp úng:
-Vậy thì chương-trình tối nay...
Văn-Lang ngắt lời, mà như chắp nối câu nói dở của Yến:
-Không thay đổi! Bây giờ để tôi đưa cô về nhà. Tôi ghé lại văn-phòng xếp tôi một chút xong sẽ trở lại đón cô đi ăn. Đồng ý?
-Một lời đã định!
Đưa Yến về nhà xong, Văn-Lang phóng xe tới văn-phòng làm việc. Ông Louis Winston đã có mặt từ hồi nào. Thấy chàng, ông ta vui mừng ra mặt.
-Hay quá! Anh thật đúng hẹn. Có cà-phê pha sẵn đó. Anh lấy một ly uống cái đã rồi mình bàn chuyện.
-Khỏi cần, tôi mới uống xong.
Không đợi ông Louis Winston mời, Văn-Lang kéo ghế ngồi đối diện với ông ta rồi mồi một điếu thuốc phì phèo nhả khói.
-Tôi cần anh đi gặp và điều-tra một người đàn ông Việt-Nam. Có người lên báo với sở cảnh-sát là người này tính rất hung hăng và háo sát, đã cầm dao hăm dọa một bà già và hai đứa con của bà ta. Đứa con gái chạy thoát được sang nhà hàng xóm mời vị hôn-phu của cô ta sang mới ngăn được những chuyện đáng tiếc xảy ra. Vị hôn-phu của cô ta có nhờ một người bạn Hoa-Kỳ chụp được hình của người này và người bạn đi chung với y. Đây, anh xem đi.
Cầm cái phong bì lớn đưa cho Văn-Lang, ông ta nói tiếp:
-Được biết người này tên là Khôi, cư ngụ tại địa-chỉ... Nghe đâu bà già kia là mẹ ghẻ của người đàn ông tên Khôi này và hai đứa con của bà già này là em cùng cha khác mẹ của y.
Văn-Lang thở dài, lắc đầu nói:
-Lại cái chuyện ‘mẹ ghẻ con chồng’ khốn nạn kia! Một tấm thảm kịch muôn đời của nhân loại!
-Trông hình như là vậy!
Ngồi nghĩ ngợi giây lâu, Văn-Lang chậm rãi phân bày:
-Đèn nhà ai thì nấy rạng. Đây là chuyện gia-đình của người ta, tại sao chúng ta phải nhúng tay vào làm gì? Tôi không bênh ai cả, nhưng ít ra ông cũng phải nghe cả hai bên cái đã chứ. Tại sao chỉ căn cứ vào lời tố cáo suông của một bên để lên án bên kia là nghĩa gì?
Ông Louis gật đầu, cười nói:
-Tôi biết anh có lý. Nhưng chúng ta làm việc theo nguyên-tắc, phải xem tất cả những chuyện có liên-quan đến những việc ẩu đả và giết chóc làm trọng dù chỉ là lời hăm dọa hay chỉ là điều nghi vấn. Nhưng nếu có người khai báo thì chúng ta buộc lòng phải làm một cái gì cho hợp lệ, cho đúng với luật-pháp. Hơn nữa, tôi cũng chỉ bảo anh đi điều-tra người này thôi chứ có lên án gì ông ta đâu. Khi điều-tra anh sẽ có dịp tìm hiểu tận tường mọi việc, rồi có khi phải điều-tra ngược lại nữa là đàng khác. Như thế là công bằng rồi phải không? Nếu như sự thật chỉ là chuyện xích mích bình thường trong gia đình họ thì dễ quá, chúng ta sẽ tự động rút lui có trật tự rồi bảo cho cả đám là tự họ giải quyết lấy.
Văn-Lang tươi hẳn nét mặt. Chàng gật đầu nói:
-Ừ, như vậy nghe còn có lý!
Mở phong bì lấy mấy tấm hình ra xem, Văn-Lang bỗng kinh-ngạc ‘ủa’ lên một tiếng. Ông Louis thấy vậy thắc mắc hỏi:
-Gì vậy Văn-Lang?
Văn-Lang lại nhìn hình kỹ thêm vài lần nữa rồi mới trả lời:
-Tôi biết hai người này mà! Đã có gặp qua rồi.
Thì ra hai người trên hình là Khôi và Lộc. Văn-Lang không nhịn được liền đem chuyện mình gặp gỡ họ trong tiệm phở tại khu Eden làm sao như thế nào, nhất nhất kể hết lại cho Louis Winston nghe. Riêng về Khôi, chàng không quên nói rõ đến việc gặp gỡ tại Chicago mấy tháng trước đây khi chàng lãnh nhận công tác ỏ đó. Kể xong, chàng nói:
-Tóm lại, cứ nói trắng ra thì tôi có chút tình bằng-hữu với hai người này. Nếu ông muốn tôi đích thân phải đứng ra điều-tra coi bộ không tiện lắm. Nếu có chuyện gì xảy ra thì có phải tôi lại mang tiếng là thiên-vị không!
Bằng một giọng quả quyết, Louis Winston nhìn thẳng vào mặt Văn-Lang nói:
-Người bạn tốt của tôi! Nếu anh không làm được thì tôi e rằng không còn ai làm được nữa đâu. Chẳng lẽ tôi không biết rõ tài năng của anh và không am hiểu con người anh sao? Anh cứ nhận công tác, làm theo ý của anh. Có chuyện gì tôi sẽ nhận hết trách-nhiệm cho!
Dĩ-nhiên Văn-Lang không còn gì để thắc-mắc hay thoái thác nữa cả. Chàng cầm lấy phong bì đút vào túi. Louis Winston cười nói:
-Chúc anh vui vẻ với người đẹp đêm nay nhé!
-Sao ông biết là người đẹp?
Louis Winston phá lên cười nói:
-Tôi chẳng cần phải là một thám-tử hay điệp-viên như anh mà cũng vẫn biết rõ như thường. Đây, cho tôi tạm cướp nghề của anh một chút nhé! Lúc nói điện-thoại với tôi, khi đề-cập đến chữ ‘bạn’ anh tỏ ra thẹn thùng như con trai mới lớn vậy. Và khi tôi hỏi ‘nam hay nữ’ thì anh lại ú ớ nói không ra hơi, chứng tỏ người đó là nữ và phải đứng ngay bên cạnh anh cho nên anh mới cảm thấy ngại ngùng khó trả lời. Do đó mà tôi hiểu, tôi biết, và tôi thông cảm. Nhưng tôi hoan nghênh và ủng-hộ hết mình.
Dứt lời, ông ta lấy ra một tấm ngân-phiếu ký tên rồi đưa cho Văn-Lang.
-Đây là chi phí của bữa tiệc đêm nay cho anh và người đẹp.
Văn-Lang đẩy tay ông ta ra nói:
-Ông làm cái gì kỳ vậy!
Louis Winston không nghe, cầm tấm ngân-phiếu nhét vào túi chàng nói:
-Đây là tiền của công-ty chứ có phải của tôi đâu! Nhân-viên như anh thì cũng phải được một ít phụ-trội lặt vặt chứ sao, có gì mà phải bận tâm. Tôi nói không sai mà, lớn đầu như thế rồi mà vẫn còn e thẹn như con gái chưa chồng ấy!
Văn-Lang nghe thấy vui vui. Chàng cũng thầm phục lối thu phục nhân tâm của ông Louis Winston. Ông ta quả là một người sâu sắc, biết người biết ta. Chàng nhìn Louis Winston cười nói:
-Trong vỏn vẹn có mấy tiếng đồng hồ mà tôi đã thua hai trận rồi. Thứ nhất, đấu bóng bàn bị người đẹp Trung-Quốc đánh cho tan xác. Thứ hai bị ông lật tẩy làm bể mánh hết trơn! Ôi, thám-tử điệp-viên 008 có lẽ đến lúc hết thời rồi, còn làm ăn được gì nữa!
Louis Winston mỉm cười, ‘bí-mật’ nói:
-Ấy, chẳng lẽ anh quên là binh-pháp có nói rằng trước khi thắng một trận lớn ta thường phải thua trước ít trận nhỏ sao!

***
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

-Anh Khôi!
-Ủa, anh Văn-Lang đó hả? Mời anh vào nhà chơi. Thật là quý hóa thay!
Khôi đưa tay ra bắt thân mật. Chàng đi trước dẫn lối cho Văn-Lang vào bên trong. Chia ngôi chủ khách xong, Khôi nói:
-Anh dùng gì? Trà hay cà-phê? Không thì bất cứ cái gì anh thích.
-Cám ơn. Anh cho tôi xin ly trà được rồi.
Khôi cười, ra vẻ hài lòng:
-Tôi thích cái tính tự nhiên không khách sáo của anh. Thật tôi hết sức vui mừng có thêm một người bạn thế này.
Pha trà xong, Khôi bưng lên rót một tách cho Văn-Lang một tách cho chính mình. Hai bên ngồi chuyện trò vui vẻ, hỏi thăm nhau về cuộc sống đôi bên như thế nào. Văn-Lang dĩ nhiên bao giờ dám nhận mình là thám-tử đi điều tra. Chàng nói dối rằng chàng làm cho công-ty địa ốc như in trong những ‘danh-thiếp ma’ của chàng nhằm mục đích đánh lạc hướng thiên-hạ để tiện việc điều tra...
Nhìn thấy đôi mắt Khôi có vẻ lừ đừ, Văn-Lang vội hỏi thăm:
-Trông anh Khôi có vẻ mệt lắm thì phải.
-Không, tôi không sao cả. Có lẽ tại đêm qua tôi thiếu ngủ nên mắt tôi trông thiếu thần đó thôi.
Văn-Lang gật đầu. Chàng biết Khôi nói thật. Nhưng trông Khôi ngoài chuyện thiếu ngủ ra còn in thêm một nét u buồn vô cùng thểu não. Văn-Lang ngẫm nghĩ một hồi rồi đánh liều hỏi thăm:
-Xin lỗi anh Khôi, tha cho tôi tội tò mò. Nhưng cho phép tôi hỏi là anh có gia đình vợ con gì chưa? Có cha mẹ anh em gì bên này không?
Khôi bỗng thở dài, im lặng vài giây rồi mới lên tiếng:
-Có gì đâu mà anh phải ngại. Tôi còn độc thân, mồ côi mẹ từ nhỏ. Bố tôi mới mất cách đây không lâu. Tôi có một người anh ruột đi du học trước 1975 cũng ở đâu đây, gần thủ-đô Hoa-Thịnh-Đốn này. Hồi mới qua tôi có ghé lại thăm nhưng nhìn thấy thái-độ lo sợ của ông ấy cộng thêm với những cử-chỉ thiếu văn hóa của bà chị dâu tôi biết ngay cả hai đều cho rằng tôi đến nhờ vả nên thôi từ đó không bao giờ tôi đến lần thứ hai nữa. Tôi chỉ có Lộc, người hôm nọ anh gặp ở tiệm ăn đi chung với tôi, là người bạn thân nhất của tôi thôi...
Hình như Khôi còn muốn nói gì nữa nhưng không sao tiếp tục được. Văn-Lang nhìn thấy điều đó rất rõ, nhưng chàng cũng không nỡ hỏi thêm nữa. Chàng vỗ vai Khôi từ tốn nói:
-Cám ơn anh đã cho tôi biết nhiều về gia cảnh. Tôi thật có lỗi đã vô tình khơi lại nhiều chuyện buồn của anh. Nhưng mà thôi, anh ạ. Kiến giả nhất phận, mạnh ai thì người đó sống, đâu có ai phải nuôi ai hay phải nhờ vả gì ai. Ai hợp thì làm bạn, không hợp thì thôi, mình lánh xa chứ có gì đâu mà phải buồn. Tôi cũng quen nhiều người, đa số đều nói rằng chính người gia đình mới thường gây rắc rối, khó thở cho mình chứ không phải là người dưng khác họ. Nhưng đó cũng chẳng phải là bệnh riêng của gia-đình nào hay dân-tộc nào. Nói cho ngay, đó là bệnh chung của nhân-loại.
Khôi bỗng cười lên ra chiều thích thú.
-Anh Văn-Lang, anh thật là một triết-gia. Và là một triết-gia giỏi với triết-lý hết sức cao-siêu nữa! Tôi rất tiếc không được gặp anh sớm hơn.
-Anh cứ nói thế! Bây giờ mình chẳng là bạn đó sao? Đã muộn đâu?
Cà hai người cùng cười lên một tràng sảng khoái. Khôi nhìn đồng hồ nói:
-Anh Văn-Lang! Đi ăn tối với tôi cho vui. Tôi mời anh.
-Phải!
Khôi sau đó vì không thuộc đường sá ở vùng này lắm nên nhờ Văn-Lang tìm hộ cho một tửu lầu. Văn-Lang tuy không phải là ‘thổ-địa’ nhưng chắc chắn rành hơn Khôi tại vùng này, nên việc này đối với chàng không có gì là khó. Hai người dẫn nhau đến một tiệm khá lịch-sự, gọi vài món ăn cùng với mấy chai bia Tsing Tao, rồi cùng nhau chè chén, cười đùa, nói chuyện giao tình bằng-hữu rất cởi mở và thành thật. Nếu ai không biết rõ, thật khó lòng mà tin nổi rằng đây mới chỉ là lần thứ ba mà hai người gặp nhau.
-Ai như thằng Khôi kìa!
-Thì nó chứ còn ai nữa!
Theo phản-ứng tự nhiên, cả Khôi lẫn Văn-Lang cùng quay qua nhìn vào một chiếc bàn gần đâu đó, nơi phát xuất ra những câu nói vừa rồi. Cả hai để ý thấy có bốn người, hai nam hai nữ đang ngồi tại một chiếc bàn tròn trong góc cách hai người chỉ có vài bước. Trên bàn, thức ăn bày la liệt như một bữa tiệc linh đình. Khôi chợt nhìn ra là bà Hội mẹ ghẻ của chàng, con Trúc và thằng Phát, hai đứa em cùng cha khác mẹ của chàng cùng với Quý, người tự giới-thiệu là ‘vị hôn phu’ của con Trúc. Cả bốn nhìn Khôi với vẻ diễu cợt. Quý nói với Trúc nhưng có vẻ như cố ý để cho Khôi nghe thấy.
-Cái thứ đó ai mà thèm lấy. Vì vậy nên mới phải bắt bồ với đàn ông. Và rồi sau cùng chỉ có lấy đàn ông mà thôi.
Tiếng bốn người cười lên ngạo nghễ thật lớn. Khôi cảm thấy máu trong người sôi lên sùng sục. Chàng đập đôi đũa nghe đến ‘cạch’ xuống bàn một tiếng, nhìn cả bốn hất hàm nghênh mặt. Văn-Lang thấy vậy vỗ vai Khôi khuyên nhủ, và cũng là luôn tiện để cho bàn bên kia nghe:
-Anh Khôi, mặc kệ chúng nó. Ba cái thứ đầu đường xó chợ, sâu bọ học đòi làm người thì mình để ý làm gì!
Nghe Văn-Lang nói, Khôi chợt phá lên cười gật đầu khen ngợi:
-Phải lắm! Anh nói nghe mới chí lý làm sao. Nhưng chỉ có một điều hơi sai chút thôi!
-Điều gì vậy?
-Anh nói chỉ có ‘ba thứ’, nhưng sự thật thì phải là ‘bốn thứ’ mới đúng!
Lần này cả hai người cùng nhau cười sặc sụa. Bốn người bàn bên kia giận tím mặt nhưng đành ngồi im thin thít chứ không dám hó hé gì nữa.
Nửa tiếng đồng hồ trôi qua, thức ăn đã hết, bia rượu cũng đã cạn, và hai người cũng đã ‘đủ’. Khôi đứng dậy ra quày trả tiền. Chàng không quên thưởng cho bồi bàn một ít để tỏ ý hài lòng lối chiêu đãi của họ.
-Anh Văn-Lang, chúng ta về thôi.
Đi đến bàn chỗ bốn người kia ngồi, Khôi gật đầu lia lịa nói:
-Trận chiến mới chỉ mở màn thôi. Rồi đây sẽ còn nhiều pha sôi nổi nữa!
Phát chợt đứng dậy, định đi vào nhà tắm nhưng vì ‘mắt nhắm mắt mở’ nên tông ngay vào Khôi. Chàng trợn mắt nhìn Phát nói:
-Ê, có mắt không mày? Hay là muốn cố ý gây sự đây?
Văn-Lang hoảng hốt, đứng vào giữa kéo tay Khôi dìu đi.
-Thôi, Bỏ qua đi anh Khôi! Mình về!
Văn-Lang giả lã nói sang chuyện khác cho Khôi khỏi bận tâm nghĩ đến mấy người kia. Hai người xuống bãi đậu xe nói chuyện một hồi khá lâu rồi mới chịu lên đường.
Chia tay Khôi rồi, Văn-Lang về lại nhà. Dọc đường chàng vừa lái xe vừa ngẫm nghĩ về Khôi thật nhiều. Chàng nhận thấy Khôi là một người trực tính, thành thật, rất tốt, rất hiếu khách, đa sầu đa cảm tuy có hơi nóng tính. Theo luật-pháp, chàng phải bám sát lấy Khôi để điều-tra vì thứ nhất, anh ta bị liệt vào ‘thành-phần nguy-hiểm’ có thể đe dọa đến tính mạng của người khác; và thứ hai, vì công việc chàng được ‘mướn’ để phục-vụ. Nhưng một lần nữa, chàng lại tự hào là không bao giờ ‘cuồng tín’ như những kẻ chỉ biết khư khư tin vào một chiều mà không có đầu óc suy luận, để mặc cho người khác ‘xỏ mũi’ dẫn đi tới đâu thì tới đó. Việc gì cũng vậy, trước khi quyết định ai trái ai phải thì đều phải nghe cả hai bên. Một người hết sức bình dân giáo-dục trong xã-hội cũng còn hiểu được điều này, ấy thế nhưng nhiều ‘ông lớn’ trí-thức có bằng-cấp cao, tiền tài danh vọng có thừa tron xã-hội lại không mấy khi nghĩ đến.
Được thấy qua bốn người kia và chứng kiến tư-cách của họ, Văn-Lang cũng ít nhiều hiểu được phần nào câu chuyện. Thường thì phải có lửa mới có khói. Trong trường-hợp này, Văn-Lang đã được nhìn thấy ‘lửa’.
Giữa con người với con người, hay bạn với bạn, Văn-Lang thật tình muốn khuyên Khôi nên đầm tính lại để khỏi bị những kẻ mưu mô thủ-đoạn lợi-dụng đưa vào tròng. Nhưng chàng biết không phải là chuyện dễ. Chàng phải kết bạn với Khôi trước rồi mới có thể khuyên gì thì khuyên. Khôi không phải là đứa con nít lên ba để cho chàng bảo ‘phải thế này’ hay ‘phải thế nọ’. Từ nhỏ, Văn-Lang đã có được đức tính tế-nhị đó, chàng luôn luôn tôn trọng người khác mà chẳng bao giờ lên giọng ‘kẻ cả’ với ai cả. Đương nhiên cũng có những ngoại-lệ. Những ngoại-lệ đó chàng chỉ dành cho những kẻ ‘hết thuốc chữa’ và những kẻ không còn một chút gì cho chàng có thể tôn trọng được nữa...
Nhiều tiếng ‘kẽo kẹt’ từ đâu vang lên từng hồi liên tục khiến người nào nghe thấy đều phải ‘ê cả răng’. Một chiếc xe hơi từ đàng sau vượt qua mặt Văn-Lang với tốc-độ kinh người. Rồi không đầy một ‘tích tắc’ sau, lại thêm một chiếc khác phóng qua với tốc độ còn mau hơn, như đuổi theo chiếc trước. Chỉ chớp mắt, chiếc sau đã kè sát bên chiếc trước và ép chiếc kia vào lề. Người tài xế xe bị ép đậu lẹ vào lề rồi mở cửa xe ra ngoài. Lúc đó xe thứ hai cũng vừa tạt vào lề ngay sau xe trước và dừng lại. Cửa xe mở, một người tướng mạo hết sức dữ dằn bước ra chạy lại thoi cho người kia một quả thôi xơn nẩy lửa. Người tài xế xe trước ‘ối’ lên một tiếng rồi ngã gục xuống.
Người vừa tung quả đấm không chịu buông tha, cúi xuống nhấc bổng người kia lên lớn tiếng gặn hỏi:
-Ê Quý, tiền của tao đâu mày?
Văn-Lang lúc đó cũng đã ngừng xe, đậu cách hai xe trên chỉ độ mươi thước. Chàng ‘ồ’ một tiếng, nhận ra người bị hành hung kia là tên Quý, ‘vị hôn thê’ của Trúc, em cùng cha khác mẹ của Khôi.
-Ối... ối..., anh Toàn... đừng đánh tôi...
Người đàn ông tên Toàn cười gằn nói:
-Đ.M.! Mày mượn tiền tao tới nay là bao lâu rồi? Tao gọi, để số lại, kêu mày gọi lại trước sau cả trăm lần mà có lần nào mày gọi lại không? C... C...! Triệu phú gì mà đi ăn quịt dân lao động bốn đồng một giờ như tao vậy?
Văn-Lang nghe nói mà phải phì cười. Chàng nói thầm:
-“Lại thêm một ông triệu-phú ‘họ Lưu’!”.
‘Bép bép’ hai tiếng, hình như người đàn ông tên Toàn đang tát cho tên Quý mấy cái. Văn-Lang thấy đến lúc mình không thể ngồi im được nữa nên mở cửa xe ra ngoài. Chàng mạnh dạn đi tới nói lớn:
-Đây là xa lộ, không phải nhà riêng của các người. Có chuyện gì thì tính toán với nhau ở nhà. Ở nơi chốn công cộng mà đánh nhau, chửi nhau như vậy mà coi được sao?
Người đàn ông tên Toàn nhìn thấy chàng có ý ‘muốn can thiệp’ thì làm vẻ hùng hổ quát nạt:
-Mày là ai mà đòi xía vào chuyện tao? ‘Oánh’ thấy mẹ mày bây giờ! Có cút đi ngay không?
Văn-Lang cười thản nhiên nói:
-Cỡ như anh thì chỉ hù được mấy thằng cô hồn các đảng cóc nhái tép riêu thôi! Đừng có làm tàng mà rước họa vào thân đó!
Tạm buông tên Quý ra, Toàn lớn tiếng hăm dọa:
-Đ.M. đứng yên nghe mày! Bỏ chạy là chết đó nghen con!
Y dứt lời liền xắn tay áo lên nhìn Văn-Lang hất hàm:
-Đ.M., dám ‘pạc co’ tay đôi không mày?
Văn-Lang chẳng chút sợ hãi, cười nhạt tiến tới. Gã Toàn xông tới vung tay đấm một cú như trời giáng vào mặt chàng. Văn-Lang khẽ lách người, đưa cánh tay đụng nhẹ vào tay gã rồi sẵn đà mượn sức cánh tay gã dồn vào cánh tay mình tạt nắm đấm vào mặt gã. Chỉ nghe ‘ui da’ một tiếng, gã Toàn ôm mặt nhăn nhó. Văn-Lang nhanh như cắt bồi hai đá ngay mạng mỡ khiến gã bổ ngửa ra đàng sau. Chàng phủi tay mấy cái nói như chế nhạo:
-Mấy chiêu này gọi là ‘Tứ Lượng Phá Ngàn Cân’ và ‘Song Cước Hàng Cẩu’. Về mà học thêm mươi, mười lăm năm nữa hãy nói chuyện làm tay anh chị đấm đá.
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Lúc đó chàng mới móc thẻ ID ra đưa cho cả đám coi rồi trịnh trọng, dõng dạc lên tiếng:
-Tôi ra lệnh cho các người giải tán ngay lập tức, không thì đừng trách!
Không những chỉ gã Toàn mà cả Quý cùng với mấy người trong xe là bà Hội, Trúc và Phát đều la lên vì kinh-ngạc. Gã Toàn lúc đó mới thều thào:
-Ông là nhân-viên công-lực à? Sao không nói trước?
Văn-Lang cười gằn:
-Thế chẳng hóa ra tôi chỉ nhờ cậy vào chức sắc mới nói chuyện được với các người hay sao? Và phải là nhân-viên công-lực thì các ngưòi mới sợ à? Còn nếu là người đồng hương bình thường của các người thì không có quyền có ý kiến gì cả mà phải im lặng mặc cho các người muốn làm gì thì làm ư?
Toàn đứng dậy phủi sơ áo quần lườm Quý nói:
-Tao theo mày về nhà lấy tiền. Đ.M., thiếu một xu tao lấy cái mạng mày mà bù vào.
Ai về xe nấy. Tiếng máy nổ liên hồi từng loạt. Chỉ thoáng một cái, xa lộ lại trở lại yên tĩnh như cũ. Văn-Lang cả cười nói thầm:
-“Đúng là mấy cái thứ ba trợn. Đứa thì quanh năm suốt tháng chỉ biết nổ, giở đủ trò đi bịp thiên-hạ kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt của người khác, kẻ thì chỉ chực ăn hiếp người thường dân. Mới nhìn thấy thẻ ID là hồn vía lên mây cả đám, tưởng là nhân-viên công lực!
-A lô! Phải 008 đó không?
-Tôi đây!
-Tôi, Louis Winston đây! Anh ráng bằng mọi cách tới đây gấp đi chung với
tôi. Có án mạng xảy ra!
-Lại nữa! Mà ai chết, ở đâu?
-Cứ tới trước đi rồi tính sau. Chuyện dài dòng lắm!...
-Được! Tôi sẽ tới ngay! Chào ông!
Văn-Lang cúp điện-thoại, nốc một hơi cạn ly nước đá lạnh rồi ‘ù té chạy’ ra xe đề máy phóng thẳng một mạch. Ông Louis Winston đã đợi chàng sẵn tại văn-phòng. Vừa thấy bóng Văn-Lang, ông ta mừng rỡ, chạy vội lại nói:
-Đi xe tôi!
Không chút chậm trễ, hai người mở cửa xe phóng lên. Louis Winston lái thật lẹ. Lúc nào gặp cản trở lưu thông là ông ta hụ còi để những xe khác biết là xe cảnh-sát mà nhường đường.
Đến lúc ra được đến xa lộ thoải mái, Louis Winston mới nói:
-Nạn nhân bị giết là người Việt tên Quý, cái người hôm nọ lên báo cáo với sở cảnh-sát về người tên Khôi mà tôi dặn anh điều-tra và canh chừng. Ông ta chết bởi một nhát đâm chí mạng ngay giữa ngực tại nhà bà Hội, mẹ ghẻ của ông Khôi. Sáng nay, cô Trúc, ‘vị hôn thê’ của ông ta gọi cảnh-sát báo cáo. Căn cứ vào lời khai của cô ta thì đêm hôm qua cả ba mẹ con ngủ ở nhà ông Quý này sau khi đi ăn về. Sau đó ông Quý có đi đâu với một người tên Toàn, dặn là nửa tiếng sẽ về, nhưng sau đó không bao giờ trở lại nữa. Đến buổi sáng ba mẹ con về lại nhà thì thấy xác ông Quý nằm giữa phòng khách. Tôi đã ra lệnh là không ai được đụng vào bất cứ cái gì trong nhà. Chúng ta tới đó để quan-sát mà điều-tra thử xem sao.
Văn-Lang lắc đầu. Thật ra chàng không ngạc-nhiên với tin này. Chỉ cần căn cứ vào những hành-động và những trò bịp bợm của gã Quý, Văn-Lang biết không sớm thì muộn hắn sẽ gặp kết quả như thế thôi. Chàng chỉ không ngờ là chuyện xảy ra sớm hơn chàng nghĩ mà thôi...
Nhìn Louis Winston, Văn-Lang hỏi:
-Tên Quý đó có chìa khóa vào nhà bà Hội?
Louis Winston nhún vai trả lời:
-Có gì là lạ đâu. Ông Quý và gia-đình mẹ vợ tương-lai cũng gần như một rồi thì việc đi lại giữa hai nhà có gì là khó! Nghĩa là cả hai bên đều có chìa khóa của nhau và có quyền tự do đi lại với nhau bất cứ giờ nào mà.
Văn-Lang lại hỏi:
-Ba mẹ con bà Hội hiện ở đâu?
-Cảnh-sát đã đem ba người về một nơi an toàn để tạm trú cho đến khi mọi thủ-tục hoàn tất và căn nhà được dọn dẹp cẩn thận sạch sẽ...
Mười phút sau, hai người đã đến nhà bà Hội, nơi xảy ra án mạng. Chung quanh nhà, cảnh-sát dùng dây màu vàng cột để tạm thời niêm phong. Louis Winston và Văn-Lang lấy ID đưa cho nhân-viên cảnh-sát giữ cửa xem rồi vào thẳng bên trong.
Xác của người đàn ông Việt-Nam tên Quý nằm giữa phòng khách, một bên má sưng lên như có trải qua một cuộc ẩu đả trước khi chết, và một con dao làm bếp cắm ngay giữa ngực gã, máu loang chút đỉnh dưới đất chỗ y nằm chết. Văn-Lang để ý chung quanh, trước sau xem có còn thêm tang-vật nào nữa không. Sau cùng, thấy không tìm ra thêm được manh mối nào thêm chàng nói:
-Ông hãy ra lệnh đem xác đi khám-nghiệm thử xem có gì khả nghi nữa không. Tôi cần biết rõ hắn chết lúc nào, giờ nào thì mới có thể bắt đầu được. Khám-nghiệm xong, tôi cần xem bản tường-trình với đầy đủ chi-tiết. Nhớ lấy dấy tay trên tang-vật nhé.
Louis Winston làm y hệt theo lời Văn-Lang dặn. Sau khi hạ lệnh, phân công đâu đó xong xuôi, ông ta rủ Văn-Lang về lại văn-phòng bàn chuyện. Chợt một nhân-viên cảnh-sát từ đâu chạy tới reo lên:
-Mọi người nhìn xem tôi tìm thấy cái gì đây?
Người ‘bạn dân’ giơ một vật bằng da màu đen ra trước mắt mọi người, hiển nhiên là một cái bóp. Louis Winston đưa cho Văn-Lang, chàng đón lấy mở ra xem.
-A!
-Gì thế?
Trong bóp không có tiền bạc gì cả, chỉ có một cái bằng lái xe, một thẻ an-sinh xã hội, một thẻ mua chịu (credit card), chừng một chục tấm danh thiếp đủ loại, trong đó có cả một danh-thiếp giả-tạo của Văn-Lang. Hình trên bằng lái xe cùng với tên tuổi không ai khác hơn là Khôi. Văn-Lang chép miệng đưa cho Louis Winston xem. Ông ta cau mày nghĩ ngợi một chập rồi chậm rãi lên tiếng:
-Nếu ông Khôi là thủ-phạm thì chuyện quá dễ dàng cho chúng ta rồi. Nhưng chỉ sợ chuyện không đơn giản thế đâu.
Văn-Lang cười khen ngợi:
-Ông quả là có bản lãnh, không bao giờ chịu đi ngay đến kết luận quá sớm cho dù đã tìm được ít nhiều manh mối.
Louis Winston nhìn Văn-Lang cười nói:
-Dĩ nhiên! Kinh-nghiệm trong nghề đã đạy tôi rất nhiều rằng mắt thấy tai nghe cũng chưa đủ mà cần phải có bộ óc nữa mới được. Hiện tại, tôi có một bộ óc rất tinh-vi đầy những ‘chất xám’. Đó chính là thám-tử 008 của tôi. Không sớm thì muộn rồi chúng ta sẽ đưa tất cả mọi việc ra ánh sáng. Thủ-phạm có thể chạy được, nhưng có mà trốn đàng trời!
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Văn-Lang cả cười, nhìn Louis Winston hỏi đùa:
-Liệu ông có hối hận vì đã đánh giá tên 008 đó quá cao không?
-Không bao giờ!
Quay sang viên cảnh-sát, Louis Winston hỏi:
-Anh tìm được cái bóp này ở đâu?
Viên cảnh-sát trả lời:
-Đàng sau vườn.
-Anh có thể dẫn hai người chúng tôi ra chỉ chỗ nào anh tìm được hay không?
-Vâng!
Louis Winston cùng Văn-Lang theo viên cảnh-sát ra vườn. Chỗ anh ta tìm được cái bóp nằm cách cửa bếp mở ra vườn của căn nhà chừng năm thước. Đi ra đàng sau vườn tí nữa là một con hẻm khá rộng, đủ chỗ cho hai chiếc xe nhỏ cùng qua lại một lượt.
-Hừ! Càng lúc chuyện lại càng thêm vô lý!
-Gì mà vô lý vậy 008?
Văn-Lang lắc đầu nói:
-Thôi! Hôm nay như thế là tạm đủ rồi. Phải nghiên-cứu tình hình kỹ càng hơn cũng như phải tìm thêm một vài manh mối nữa thì mới có thể đặt sơ giả-thuyết được.
Chỉ nội ngay chiều hôm đó, Văn-Lang đã nhận được tất cả những kết quả chàng mong muốn. Thứ nhất, sở cảnh-sát đã tìm được dấu tay trên con dao, tức tang-vật giết người. Thứ hai, nhà thương đã đưa ra kết quả khám-nghiệm tử thi. Văn-Lang đọc rất kỹ, không bỏ sót một chi tiết nào, hay một chữ nào. Chàng vỗ đùi nghe đến ‘đét’ một tiếng ra chiều thích thú, hài lòng lắm. Louis Winston nhìn chàng làm việc mấy lẩn định hỏi nhưng lấy làm ngại ngùng vì biết chàng đang say mê công việc, nên không muốn làm ‘cụt hứng’. Sau cùng, Văn-Lang nở một nụ cười thật tươi nói:
-Hay lắm! Chi tiết rất là đầy đủ. Chúng ta có thể bắt đầu được rồi. Bắt đầu ngày mai tôi bắt tay ngay vào việc.
Ông Louis Winston bấy giờ mới dám lên tiếng hỏi:
-Cho tôi hỏi, dấu tay trên con dao giết người là của ai vậy?
Văn-Lang giơ hai ngón tay lên nói:
-Của những hai người!
Louis Winston ngạc-nhiên hỏi:
-Là những ai?
-Ông Khôi và bạn ông ta, ông Lộc.
Louis Winston lại thêm một phen ngạc nhiên:
-Như vậy có nghĩa là...
Nhưng Văn-Lang không để ông ta nói hết câu, chàng ngắt lời:
-Ông đừng đoán vội. Dù gì thì tôi cũng phải gặp cả hai người để điều-tra. Rất có thể là một trong hai người đó là thủ-phạm hoặc là cả hai đồng mưu. Mà cũng rất có thể là không có người nào dính líu trong vụ này nữa.
Louis Winston gãi đầu nói:
-Anh nói như thế thì huề tiền rồi còn gì!
Văn-Lang gật đầu:
-Nói như ông thế cũng phải.
Như sực nhớ ra điều gì, Louis Winston nhìn Văn-Lang như ‘cầu cứu’:
-Các ký-giả cùng phóng-viên của các đài truyền-hình đang đợi ở phòng bên. Anh có thể thay tôi mà trả lời ít câu hỏi cho họ vừa lòng mà đi cho khuất mắt chứ?
Văn-Lang nghe nói chợt nhăn mặt:
-Mấy người đó thật là lắm chuyện! Chính họ đã làm hỏng bao nhiêu vụ điều tra rồi mà vẫn chứng nào tật nấy! Không những thế, tin tức nhiều khi thì chỉ nói có một nửa, bóp méo dư luận làm hại không biết bao nhiêu người!
Louis Winston cười, vỗ về:
-Thôi, ráng giùm tôi chút đi mà! Chỉ có anh là tôi tin tưởng là ăn nói khéo léo, và chỉ nói những gì đáng nói.
Cực chẳng đã, Văn-Lang đành phải chiều theo ý ông Louis Winston. Biết chàng ghét cay ghét đắng những ký-giả và phóng-viên nên ông ta tìm cách ‘xoa dịu’, điều đình trước:
-Thám-tử Ty Rex ở Richmond hết sức mến phục và kính trọng anh. Ông ta có cho tôi biết là anh thích ‘đấm bóp’ lắm. Cố mà giúp tôi chuyến này đi. Tôi hứa sẽ ‘đền đáp’ xứng đáng cho anh.
Văn-Lang phá lên cười ngặt nghẽo. Chàng cất tất cả tài-liệu quan trọng vào ngăn kéo bàn giấy, khóa lại cẩn thận rồi lê bước sang phòng bên cạnh để gặp đám nhà ‘báo’ và dân truyền hình để ‘trả nợ quỹ thần’...
Sáng hôm sau Văn-lang thức dậy thật sớm. Đánh răng rửa mặt xong, chàng pha cà-phê ngồi nhâm nhi, đọc sơ báo nhật-trình để kiểm-chứng thử xem đám ký-giả viết những gì, có lệch lạc với điều nào chàng trả lời trong cuộc phỏng-vấn hôm trước không.
“... Theo cuộc khám-nghiệm tử thi thì nạn-nhân bị giết chết vào khoảng thời gian từ 11 giờ đêm cho đến 11 giờ 30 tối hôm thứ bảy. Và theo thám-tử 008 nhận xét thì có lẽ kẻ sát nhân là một người to lớn khỏe mạnh lẻn vào ngõ sau căn nhà rồi khi chạm mặt, đã vật nạn nhân xuống đất và kết liễu mạng sống ông ta bằng một nhát dao chí mạng nơi giữa ngực. Thêm một chi tiết đáng chú ý là giờ chót, cảnh-sát vừa tìm được một cái khuy áo, và tin tưởng là của thủ-phạm bị rớt ra trong khi hai bên trong khi xô xát với nạn-nhân.
Cũng theo thám-tử 008, cái khuy áo nhỏ bé kia có thể sẽ trở thành một ‘cứu tinh’ rất lớn trong việc điều tra.
Phải chăng đây là một màn ám sát vì tư thù? Hay là đây là một vụ thanh toán trong giới giang hồ của ‘xã hội đen’? Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ án này để tiếp tục cống hiến độc giả những tiến trình của công việc. Hy vọng rằng một ngày gần đây màn bí mật sẽ được đưa ra ánh sáng và thủ-phạm sẽ bị xét xử đích đáng để làm sáng tỏ, vinh danh công lý...”
Văn-Lang mỉm cười dụi thuốc vào gạt tàn, gấp tờ báo lại quăng vào một xó. Chàng liếc nhìn đồng hồ, rồi đi tắm rửa thay quần áo. Chương-trình những ngày sắp tới của chàng thật là bận rộn không ít...
*
* *
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

-Anh Văn-Lang đó hả? Vào đây chơi!
Văn-Lang gật đầu, đóng cửa xe lại. Khôi bước tới bắt tay rồi mời chàng vào bên trong để tiếp. Khôi đi pha trà, Văn-Lang ngồi nghĩ ngợi đăm chiêu. Chàng thật không biết mình phải mở đầu câu chuyện với Khôi như thế nào.
Chỉ độ năm, mười phút sau, Khôi đem lên một bình trà sen thơm ngào ngạt, khói bốc nghi ngút. Hai người vừa thưởng-thức vị thơm ngon của trà sen, vừa chuyện trò qua loa. Được một tuần trà, Văn-Lang nhìn Khôi ngại ngùng nói:
-Anh Khôi, hôm nay tôi tới đây trước hết là để xin lỗi anh...
Khôi vội ngắt lời:
-Mà anh có lỗi gì?
-Tôi thiếu thành thật với anh.
Khôi buồn cười hỏi:
-Thế nào là thiếu thành thật?
Văn-Lang khẽ hít vào người một luồng không khí rồi mới trả lời:
-Tôi không cho anh biết rõ về tôi...
Khôi gạt đi:
-Tưởng gì! Anh rõ lẩm cẩm! Tôi chưa hề thắc mắc về đời tư, quá khứ, hay sự nghiệp của anh. Mà tôi cũng chẳng cần biết làm gì! Tôi chỉ cần biết anh đối với tôi như thế nào mà thôi.
Thu hết can đảm, Văn-Lang nhìn Khôi nói:
-Anh nghe tôi nói! Tôi là một thám-tử. Tôi kết bạn với anh không ngoài mục đích dò xét anh. Và giờ đây tôi có nhiệm-vụ phải điều-tra anh nữa.
Không để Khôi có cơ hội lên tiếng, Văn-Lang nói rõ thêm về chàng cho Khôi nghe, đồng thời kể lại đầu đuôi từ lúc chia tay Khôi tại tửu lâu đêm hôm đó cho đến vụ Quý bị giết mới đây ra sao cho Khôi nghe. Khôi chưa biết phải nói gì thì Văn-Lang buồn bã nói:
-Anh Khôi, vì cảnh-sát tìm thấy cái bóp của anh đàng sau vườn, và cán dao có dấu tay của anh và Lộc. Do đó anh là nghi can số một, còn anh Lộc là nghi can số hai trong vụ này đó!
Khôi ‘à’ một tiếng rồi hỏi:
-Anh nghi tôi và Lộc là thủ-phạm giết chết tên Quý?
-Tôi không còn sự lựa chọn nào khác, ngoại trừ trường-hợp anh có biện-chứng minh-xác rõ rệt và có lý-do chính đáng để giải thích được là vì sao đàng sau vườn lại có cái bóp của anh và trên vũ-khí giết người lại có dấu tay của anh.
Khôi mời Văn-Lang hút thuốc và châm cho mình một điếu. Chàng nhả khói nhìn thám-tử 008 nói:
-Việc anh phải làm, anh cứ làm. Anh không cần phải coi tôi hay Lộc là bạn. Cứ theo luật mà thi hành, tôi không ngại đâu. Nhưng hiện tại thì Lộc không có ở đây. Bây giờ anh đang tiếp xúc với tôi thì có gì xin cứ nói với tôi, bàn với tôi thôi.
-Vậy thì anh hãy cho tôi biết tối hôm thứ bảy sau khi chúng ta chia tay tại tửu lâu lúc 10 giờ đêm thì sau đó anh có đi đâu, làm gì khác không?
Khôi đáp ngay không suy nghĩ:
-Tôi về thẳng nhà ngủ.
Văn-Lang gật đầu, lại hỏi:
-Còn cái bóp của anh tại sao lại nằm đàng sau vườn nơi nảy ra án mạng? Cán dao vì sao có dấu tay của anh? Nếu anh không giải thích được hai điều này thì kẹt cho cả tôi lẫn anh đó!
-Nghĩa là anh sẽ phải bắt tôi?
-Đúng vậy! Mà cho dù tôi không nỡ bắt anh thì cũng sẽ có người khác bắt anh thôi! Trước tình thế đó thì tôi cũng đành bó tay!
Khôi cười chua chát, chàng kể lại chuyện hôm chàng nóng giận cầm dao hăm dọa mấy mẹ con bà Hội và Lộc nhảy vào can cầm con dao ném đi ra sao kể lại cho Văn-Lang nghe. Sau đó Khôi buồn rầu nói:
-Còn về cái bóp của tôi thì tôi chịu, không biết phải giải thích ra sao. Hôm qua tôi phát-giác là bị mất nhưng vì là chủ nhật nên cũng chẳng làm được gì. Sáng hôm nay tôi mới lên sở cảnh-sát khai báo. Tôi định trong tuần sẽ đi xin lại các giấy tờ tùy thân quan-trọng bị mất vì để trong bóp.
Rót thêm trà vào hai tách, Khôi nói tiếp:
-Một là tôi đánh rớt nó trong nhà hàng lúc trả tiền xong, hai là rớt ngoài bãi đậu xe. Ngoài ra thì tôi chịu! Không biết anh có tin tôi không?
Văn-Lang suy nghĩ một hồi rồi tiếp tục cuộc thẩm vấn:
-Anh hãy tả con dao hôm anh dùng hăm dọa mẹ con bà Hội cho tôi nghe.
-Đó là một con dao làm bếp, rất sắc, đầu rất nhọn, dài chừng 30 phân, cán đen, làm bằng gỗ.
Mặt thám-tử 008 Văn-Lang vẫn lạnh như tiền. Chàng khẽ nhắp một ngụm trà, nhìn thẳng vào mặt Khôi:
-Anh hãy kể lại từ đầu và cho tôi biết mục-đích hôm anh đến nhà mẹ ghẻ và hai đứa em cùng cha khác mẹ của anh, và rồi cầm dao hăm dọa ba mẹ con ra sao, như thế nào.
Khôi quay điếu thuốc trên tay vài vòng, đưa lên môi rít một hơi thật dài.
-Hôm đó tôi tới gặp ba người với mục đích trao cho họ số tiền 3000 đồng do bố tôi nhờ tôi giữ, nhờ mỗi tháng gửi chút đỉnh về cho ba mẹ con. Nhưng nay bố tôi đã mất, ba mẹ con cũng sang được bên này thì tôi không còn lý-do nào để giữ số tiền kia cả. Vốn dĩ tôi định đưa tiền xong sẽ đi ngay, và không có ý định trở lại gặp ba người dù là chỉ một lần nữa. Chỉ bởi tại cả đám ăn nói những lời khốn nạn, móc họng như tôi ăn quịt tiền chính-phủ cho mỗi người là 10000 đồng. Tôi đã bình tĩnh cố giải thích rằng tôi không biết, và không có liên quan gì đến chuyện đó, có hỏi thì hỏi hội bảo trợ hay chính-phủ Hoa-Kỳ. Thế nhưng mấy mẹ con vẫn không để cho tôi một lối thoát nào mà cố dồn tôi vào chân tường, vào đường cùng ngõ tận. Anh cũng thừa hiểu, dù là con thú trong hoàn cảnh như vậy còn cắn lại huống hồ là con người. Lộc, bạn tôi là người tốt, hoàn toàn không dính líu gì trong vụ này cả. Chính vì Lộc ngăn cản, không để tôi ra tay không thì có ít nhất một người về chầu Diêm-Vương rồi. Con Trúc sau đó đi gọi tên Quý tới tự giới-thiệu là ‘vị hôn phu’ của con nhỏ. Tên này sau đó hăm dọa ra đều có thể ‘dùng tiền mà đốt chết tôi được’! Rồi chính Lộc lại cản tôi, kéo tôi đi về không thì nhẹ lắm bữa đó tôi cũng tặng cho hắn vài quả thôi sơn cho chừa cái tật ‘bố láo’!
Nói xong, Khôi thở dài tỏ vẻ chán ngán. Chàng rít thêm mấy hơi thuốc thật dài rồi chậm rãi gằn rõ từng tiếng một:
-Phải! Tôi có cớ, có động lực thúc đẩy, và có cơ-hội để giết tên Quý kia. Điều này tôi dư biết anh có nghĩ đến. Nhưng cho tôi hỏi anh câu này. Giả sử như tôi giết tên Quý kia thì tại sao tôi không cao bay xa chạy mà lại ngồi đây để anh điều tra là vì lẽ gì?
Văn-Lang phủi tay một cái, lớn tiếng nói:
-Như thế mà anh cũng hỏi tôi được à? Nhưng thôi, nếu anh đã hỏi thì tôi cũng xin trả lời. Lý do thứ nhất, anh không phải là người dại, và thứ hai, anh không phải là hạng người biết chạy trốn, cho dù là anh thoát được.
Khôi cười hỏi:
-Như vậy thì anh cũng còn một chút kính trọng đối với tôi, và ít nhiều có tin tôi phải không?
Văn-Lang đứng dậy đi đi lại lại mấy lượt rồi mới đáp:
-Với tư cách giữa một người bạn với một người bạn thì tôi có thể tin anh. Nhưng nếu lấy tư cách một thám-tử trong phạm vi nghề nghiệp thì tôi chưa thể tin anh được.
Khôi gật đầu nói:
-Anh nói như vậy kể ra cũng là công bằng lắm rồi.
Văn-Lang nhìn đồng hồ rồi lên tiếng xin từ giã:
-Anh Khôi, tôi phải đi để tiếp tục công việc. Cám ơn anh đã dành thì giờ cho tôi. Tôi đã làm phiền anh quá nhiều. Tôi hy-vọng tất cả mọi chuyện trong những ngày sắp tới chỉ đem lại cho chúng ta cùng lắm là niềm sợ hãi mà không đi đến kết quả đáng tiếc. Cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng vậy. Tôi mong anh hiểu là tôi vẫn coi anh là bạn. Và tôi rất mong sẽ được cơ hội chứng minh điều đó với anh.
Khôi cười gằn, lạnh lùng hỏi:
-Thật vậy à?
Văn-Lang chưa kịp trả lời Khôi lại hỏi tiếp:
-Cho dù mai đây anh điều-tra được chính tôi là thủ-phạm giết người?
-Đúng vậy.
Đưa tay lên nắm đấm mở cửa, Văn-Lang như sực nhớ điều gì chưa cạn lời nên quay lại cố nén xúc động nói:
-Anh Khôi! Xin anh hãy tha thứ cho tôi. ‘Nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ’! (1) Anh hiểu cho tôi!
-Lẽ đương nhiên!
Rời nhà Khôi rồi, Văn-Lang tiếp tục lên đường thi hành công tác. Chàng nhận thấy đường đi còn xa quá. Chàng cảm thấy hết sức ‘rã rời’, không phải vì thể xác mà vì tinh-thần. Dù đoán trước được, biết trước được nhiều việc nhưng tránh không khỏi! Chàng xưa nay chưa bao giờ trùn bước trước mọi thử thách, nhưng lần này là một thử thách thật mới lạ chưa tưng trải qua. Người thám-tử ‘đau khổ’ hút thuốc liên tục, hết điếu này sang điếu khác, vừa lái xe vừa than thầm:
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

-Vi nhân nan! (2)
‘Reng reng’, tiếng điện thoại tay đột nhiên kêu. Văn-Lang tạt xe vào lề, để đèn chớp báo hiệu có chuyện khẩn cấp để cho các xe trên xa lộ nhìn thấy. Chàng lắc đầu nhìn thử xem ai gọi. Khi nhìn rõ số, Văn-Lang mỉm cười.
-A lô, có phải Yến đó không?
-Em đây. Chiều nay anh rảnh không, mình lên hội quán đánh Ping-Pong.
-Anh có công tác phải đi Richmond bây giờ đây. Sớm lắm là chiều tối mới
về, sợ hội-quán đóng cửa rồi. Thôi để khi khác đi nghe!
Tiếng đầu giây bên kia nũng nịu:
-Anh lúc nào cũng vậy hết! Cứ bận hoài à! Chẳng bao giờ có chút thì giờ nào cho em hết đó!
Tiếng Văn-Lang ‘dỗ dành’:
-Thôi mà, thôi mà! Đúng vào lúc anh bận thật thì sao đây? Không lẽ bỏ việc? Cho anh khất đi. Lần tới sẽ bù gấp đôi cho em, chịu không?
-Hay là có cô nào rồi phải không?
-Trời ơi! Đừng nói vậy mà! Oan cho anh lắm!
-Thôi đi! Khó mà tin nổi ông lắm!
-Không lẽ anh mất tín nhiệm đến như vậy sao?
-Hơn còn có nữa là!
-Thôi, đừng làm khó anh nữa được không? Chừng nào xong việc về lại anh sẽ gọi em liền. Cuối tuần anh sẽ dẫn em đi đánh bóng bàn, rồi đi ăn và đi xi-nê. Chịu chưa?
-Được rồi. Nhưng nếu thất hẹn với em là không được đó nghe!

(Hết Chương 3 ... Xin mời xem tiếp Chương 4)
(1) “Nhân tại giang hồ thân bất do kỷ”: ngạn ngữ Trung-Hoa, có nghĩa là “con người sống trên đời, nhiều lúc chính bản thân của mình cũng không phải là của mình”.
(2) “Vi nhân nan”: Làm người thật là khó.
Lộc để ý nghe ngóng thật kỹ càng từng câu hỏi, từng lời của Văn-Lang. Sau một hồi suy nghĩ thật chín chắn, chàng mới cẩn thận trả lời:
-Hôm thứ bảy tôi đưa gia đình lên D.C. chơi, thăm người quen, 11giờ 30 mới lên đường về Richmond. Thường thì lộ trình D.C.-Richmond hay Richmond-D.C. chỉ mất khoảng một tiếng rưỡi trở lại.
Văn-Lang gật đầu, chàng hỏi tiếp:
-Nghĩa là anh về đến Richmond khoảng một giờ đêm, hay nói cho đúng hơn, một giờ sáng chủ nhật?
-Phải!
-Trong khoảng thời gian trước khi về có lúc nào anh rời xa vợ con không?
-Lúc 10 giờ 45, tôi có đi đổ xăng ở cây xăng gần nhà người quen, tiện thể mua vài món lặt vặt ở tiệm 711, sau đó trở lại đón vợ con về Richmond.
-Từ chỗ đó tới nhà bà Hội mất bao lâu?
Lộc cười nói:
-Chỉ độ 10 phút đồng hồ. Tôi đồng ý với anh. Anh nghĩ rất đúng. Tôi có đủ thì giờ lại nhà đó giết chết tên Quý rồi trở lại đón vợ con.
Văn-Lang thấy lời Lộc có vẻ cay cú nên vội giải thích:
-Xin anh đừng giận. Tôi phải hỏi cho đúng luật điều tra chứ chưa hề nói anh là thủ-phạm! Mà anh nói cũng đúng, vào bất cứ người nào điều tra cũng phải nghĩ đến điểm này cho dù là có hay không.
Vợ Lộc lúc đó mang nước lên mời khách. Văn-Lang uống qua loa lấy lệ cho đẹp lòng chủ nhà. Bằng một thái-độ hết sức nhã nhặn, chàng hỏi:
-Anh Lộc, nếu anh không ngại thì có thể kể sơ qua tiểu sử anh Khôi cho tôi nghe được không. Tôi biết anh Khôi không phải người xấu. Nhưng anh ấy là người đau khổ, lúc nào trông cũng buồn buồn.
Giá vào lúc bình thường, chắc chắn Lộc sẽ không đem chuyện của bạn kể cho người khác nghe. Nhưng hiện tại, Khôi là nghi can số một cho nên chàng thầm nghĩ nếu nói tốt về Khôi nhiều may ra có thể thuyết-phục được Văn-Lang loại bỏ bạn mình ra khỏi danh-sách nghi can. Nghĩ vậy, Lộc liền kể hết cho Văn-Lang cuộc đời thăng trầm của Khôi như thế nào từ lúc thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Chàng cũng không quên nói rõ từng chi tiết về tình bằng-hữu giữa mình và Khôi ra sao, lúc bênh vực bạn lúc nhỏ và khi trưởng thành được bạn nâng đỡ thế nào. Văn-Lang để ý nghe rất kỹ càng, không bỏ sót một lời nào.
Lộc kết luận:
-Tóm lại, Khôi là một người rất tốt, trong đời đã chịu không biết bao nhiêu là nỗi oan ức, nhục nhã mà vẫn tỉnh như không. Tôi quen Khôi từ nhỏ, tôi dám đem hết cả danh-dự, luôn cả tính mạng để bảo đảm cho Khôi. Một người như thế không thể nào đi giết người được...
Nghe tới đây, Văn-Lang chợt ngắt lời:
-Hình như chính anh đã cản anh Khôi lại khi anh ta cầm dao hăm dọa mấy mẹ con bà Hội phải không?
Lộc hơi giật mình nhưng lấy ngay lại được bình tĩnh:
-Phải, đó là lần duy nhất trong đời tôi thấy Khôi tức giận như vậy. Nhưng anh nên hiểu rõ, đó là uất hận mấy chục năm trời ứ đọng lại không còn chỗ chứa nữa nên mới phải trào ra. Phải, lúc đó nếu tôi không tới kịp thời thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng sau phút đó rồi thì tôi dám chắc Khôi đã hoàn toàn lấy lại được thăng bằng và lý trí. Một ly nước sau khi trào hết được nước ra ngoài thì sẽ có lại chỗ để tiếp tục đựng thêm.
Văn-Lang nghe nhưng không có ý kiến về việc này.
-Con dao đó có dấu tay của anh Khôi và anh như tôi đã nói qua. Giờ tôi đã hiểu rõ lý do phần nào rồi. Anh có thể tả cho tôi hình dáng con dao đó ra sao không?
-Đó là một con dao làm bếp, đầu rất nhọn, lưỡi rất sắc, cán làm bằng gỗ, màu đen.
Trả lời xong, Lộc bỗng thắc mắc:
-Có phảo con dao đó đã đâm chết nạn nhân không?
Văn-Lang lắc đầu nói:
-Không phải, đó là một con dao găm.
-Dao găm?
-Đúng thế!
-Thật là vô lý hết sức!
Lộc gãi đầu gãi tai nói:
-Nếu là con dao găm thì làm sao có dấu tay của Khôi và tôi được? Điều này có gì lầm lẫn không?
Văn-Lang cười nói:
-Lầm lẫn hay không tôi không biết. Nhưng chính vì vậy mà tôi mới phải điều tra.
Lộc lộ vẻ khó chịu:
-Nhưng theo như anh nói thì thủ phạm nhất định một là Khôi, và hai là tôi, hoặc cả hai cùng thông đồng rồi còn gì!
Văn-Lang nói:
-Xin nhắc lại, tôi chưa hề nói ai là thủ-phạm hết! Nếu anh không làm thì không có lý do gì phải lo sợ cả. Đó là lời nói thành thật của tôi. Nhưng tôi dám bảo đảm là kẻ gian sớm muộn gì cũng lọt lưới, không qua nổi mắt tôi đâu! Và chẳng thà là tôi để cho kẻ sát nhân thoát nạn chứ quyết không bắt oan người vô tội đâu, anh yên chí.
Nói đến đây, Văn-Lang đứng dậy, xin từ tạ. Lộc cũng không giữ chàng lại làm gì. Văn-Lang đi rồi, Lộc suy nghĩ rất nhiều về lời nói ban nãy. Lời nói đầy tự tin nếu không muốn nói là ngạo mạn kia có thể là con dao hai lưỡi. Nếu người vô tội nghe thì đó là một lời trấn an tinh-thần. Nhưng ngược lại, kẻ có tội nghe thì không khỏi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Đầu óc của Lộc hiện giờ phức-tạp vô cùng. Chắc chắn là chàng không vui, mà cũng chẳng buồn. Chàng chẳng thấy yên tâm thoải mái chút nào, nhưng cũng không có gì gọi là lo lắng cho lắm...
Còn về phần Văn-Lang, sau khi rời nhà Lộc, chàng gọi Yến, người đẹp Trung-Hoa nói chuyện một hồi như đã hứa lúc mới đi...
-Nhớ nghe chưa! Thứ bảy này có hẹn với em đó!
-‘Dạ’!
-Không được quên đó nghe ông!
-Yên chí!
-Thôi em đi ngủ đây.
-Ngủ ngon nhé.
-Gặp sau!
-Gặp sau!
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Tối về Văn-Lang ngã bệnh. Chàng bị cảm cúm. Dù không đến nỗi liệt giường nhưng cũng đủ cho Văn-Lang thấy ‘rêm’ hết cả mình mẩy. Sáng sớm hôm sau, Văn-Lang gọi điện-thoại cho Louis Winston báo cáo tình hình và xin nghỉ mấy hôm. Phải đến thứ sáu chàng mới đỡ ho, nhưng cũng chưa khỏe lại được gì mấy. Nhưng vì tự ái, không muốn để ai nghĩ là mình ‘nằm vạ’ tìm cách thoái thác công việc, chàng lên gặp Louis Winston cho ông ta biết chàng có thể tiếp tục được rồi. Nhìn dáng điệu mệt mỏi của Văn-Lang, Louis Winston hơi ngại ngùng, nhưng nói bằng một giọng thật tình:
-Trông anh có vẻ vẫn còn mệt đấy. Nếu không được khỏe thì nghỉ thêm một hai ngày nữa rồi hẵng tiếp tục công việc.
Văn-Lang cũng hơi cảm kích về sự lo lắng của Louis Winston đối với mình. Nhưng chàng chỉ lắc đầu nói:
-Mệt thì có mệt thật đấy. Nhưng làm cái việc này thì có mấy lúc mình được khoẻ? Nếu tôi mà nghỉ thêm chừng một ngày thì chắc sinh ra làm biếng mất thôi.
Louis Winston gật đầu tỏ vẻ thán phục lòng cương quyết và ý chí can trường đầy nghị-lực của Văn-Lang.
-Anh định điều tra ai kế tiếp?
Không trực tiếp trả lời Louis Winston, Văn-lang hỏi ngược trở lại:
-Ba mẹ con bà Hội đã về lại nhà chưa?
-Rồi! Cảnh-sát đã đưa họ về nhà an toàn hôm qua.
-Tốt, tôi sẽ tới đó hỏi thăm sức khỏe cả ba người một chút.
Với vẻ hơi ngạc nhiên, Louis Winston hỏi:
-Anh định thẩm vấn ba mẹ con đó hả? Có hơi sớm đó không?
-Chẳng có gì là sớm với muộn cả. Bất cứ ai biết, hay có chút quan-hệ nào với nạn nhân là tôi đều khai-thác hết, chẳng từ một ai.
Lấy tay che miệng ngáp lại, Văn-Lang nói:
-Thôi, tôi đi công tác đây. Cứ ngồi hoài một chỗ chắc tôi lăn ra ngủ gật mất!
Sau khi chào Louis Winston, Văn-Lang ra bãi đậu xe đề máy chuẩn bị lên đường. Trong khi chờ đợi xe nóng máy, chàng mồi một điếu thuốc giết thì giờ. Có tiếng điện thoại reng, Văn-Lang bốc lên nghe.
-Anh Văn-Lang đó hả? Em gọi nhắc cho anh là ngày mai mình có hẹn với nhau đấy nhá.
-Biết rồi, khổ lắm! Nói mãi!
-Thì người ta gọi nhắc anh thôi chứ có làm gì đâu mà anh phải nổi quạu!
Văn-Lang chợt tỉnh ngộ, chàng biết mình mới ốm xong, sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục nên có thể ảnh hưởng đến tính tình đôi chút. Nghĩ vậy chàng dịu giọng xin lỗi.
-Thôi, cho anh xin lỗi đi. Tại có vài chuyện bực mình nên nói chuyện với em không được nhã nhặn cho lắm. Bỏ qua cho anh đi nhé!
-Nói như anh có nghĩa là hễ ‘giận cá’ là có quyền ‘chém thớt’ hả?
-Thôi mà! Đừng bắt lỗi anh nữa được không? Ai chẳng có ‘lúc này lúc nọ’.
-Được rồi, thôi bỏ qua chuyện đó! Mà nhớ đừng quên nghe chưa. Gặp sau!
Cúp điện-thoại xong, Yến bước ra khỏi khuôn viên trường đại-học, đến trạm đứng đón xe buýt. Đột nhiên trời chợt đổ mưa ào xuống. Không chuẩn bị trước nên Yến bị ướt hết cả người thật nhanh chóng. Nàng đang định chạy tìm chỗ trú mưa thì đột nhiên có một chiếc xe hơi từ đâu phóng đến đậu ngay ở trạm xe buýt nơi nàng đứng. Trong xe là một người Á-Châu trông rất lịch-sự hào hoa nhìn Yến hỏi:
-Cô ở đâu? Nếu không ngại cứ leo lên xe để tôi đưa về tận nhà không sao.
Nhớ những lời khuyên của người Mỹ là ‘không nên đi xe chung với người lạ mặt mình không quen biết’, Yến đâm ra rờn rợn lo sợ nên không biết trả lời sao. Nhưng khổ nỗi mưa càng lúc càng nặng hột làm nàng càng lúc càng thêm luýnh quýnh, muốn nhận lời thì ngại, mà từ chối thì lại ‘tiếc rẻ’. Người đàn ông hình như hiểu được nỗi bâng khuâng của nàng. Anh ta mỉm cười nói:
-Hay là cô sợ bị tôi bắt cóc hay đưa đi làm những chuyện bậy bạ?
Không hiểu sao, Yến có cảm tưởng là người đàn ông Á-Châu kia là một người tốt bụng thật sự muốn giúp đỡ nàng qua cơn mưa gió này chứ không phải là phường gian manh có ý này nọ. Yến đánh bạo mở cửa bước lên xe, cột giây an-toàn lại cẩn thận.
-Xin lỗi nghe, nước trên người tôi tuôn xuống tôi làm ướt hết cả xe anh rồi.
Người đàn ông phá lên cười. Thoáng hiểu trong đầu óc anh ta đang ‘méo mó’ nghĩ đến điều tinh nghịch, Yến bỗng thẹn thùng cúi gầm mặt xuống. Người đàn ông thấy vậy liền ngưng tiếng cười mà ‘tạ tội’:
-Xin lỗi về hành động lố lăng bất nhã của tôi, mong cô tha thứ cho.
-Ông nói quá lời, chính tôi phải cám ơn ông đã thương tình mà cho quá giang mới phải.
-Không sao, cô đừng khách sáo. Giúp đỡ nhau trong trường hợp này là thường. Tôi chắc nếu đổi lại là cô thì cô cũng sẽ làm như tôi thôi. Xin tự giới-thiệu: tôi là người Việt-Nam, tên Khôi. Hình như cô là người Trung-Quốc phải không?
-Vâng, tôi là người Trung-Quốc, ở Bắc-Kinh sang đây du học. Tôi tên Yến, có nghĩa là con chim én.
Hai bên khách sáo chuyện trò qua lại ít câu xã-giao. Khôi được biết Yến muốn ở lại định cư tại Hoa-Kỳ chứ không có ý định trở về lại Trung-Quốc. Chàng cũng nói sơ qua về đời sống của chàng cho người con gái Trung-Hoa nghe.
Mười phút sau, xe đã đậu trước cửa nhà Yến. Nàng mở cửa xe cúi đầu chào ngỏ ý cám ơn, nói mấy lời từ tạ. Khôi móc trong bóp ra một tấm danh thiếp trao cho nàng nói:
-Trên này có số điện-thoại của tôi. Nếu tôi giúp gì được cho cô xin cứ gọi, đừng khách sáo nhé!
-Cám ơn anh.
*
* *
Đã quá giờ hẹn đến 30 phút mà không thấy Văn-Lang đến. Yến nghe như cổ họng nàng mắc nghẹn tưởng chừng khóc lên được. Cứ cách vài giây nàng lại đưa mắt nhìn đồng hồ. Trong thời gian nửa tiếng qua, Yến gọi Văn-Lang trước sau cả chục lần nhưng không lần nào có tiếng chàng trả lời. Hình như Văn-Lang đã tắt điện-thoại nên lần nào cũng có tiếng máy trả lời bảo người gọi để lại tên và số. Yến ngồi trước thềm nhà xịu mặt, chán nản.
-Cô Yến!
Yến ngước mặt lên nhìn. Một chiếc xe quen quen đang đậu trước cửa nhà nàng. Một khuôn mặt khá quen thuộc đang nhìn nàng mỉm cười.
-Chào anh Khôi! Đi đâu vậy?
Khôi tắt máy xe, bước ra ngoài chào hỏi Yến. Chàng ngỏ lời mời:
-Tôi thấy buồn nên định lên phố ăn cơm. Nếu cô không bận gì thì mời đi ăn chung cho vui. Tôi tới vùng này chưa được lâu lắm nên ít có bạn bè. Nếu cô chịu đi chung cho có bạn thì tôi hoan nghênh hết mình. Trường hợp như cô có hẹn với ai rồi, hay bận chuyện gì thì cứ coi như tôi chưa hề hỏi qua.
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu cô gái xinh đẹp người Trung-Quốc. Cô ta tự nói một mình trong thâm tâm:
-“Văn-Lang! Bộ anh tưởng không có anh là tôi ‘ế’ hả? Được lắm, anh đã cho tôi ‘leo cây’ thì tôi đi chơi với người khác cho anh ‘biết mặt’!”.
Nghĩ đoạn Yến liền tươi cười vui vẻ nói với Khôi:
-Được anh coi là bạn mà chiếu cố đến thế thì còn gì bằng!
-Cô bằng lòng?
-Dĩ nhiên!
-Vậy thì chúng ta đi thôi!
Đối với Khôi, đây là một cuộc vui bất ngờ không hẹn mà đến. Với Yến, đây chỉ là một hành động nhất thời để cho nàng thỏa mãn cái tự ái của mình để ‘trả thù người yêu’ đã thất hẹn.
Khôi hỏi Yến thích ăn tiệm nào thì nàng chọn ngay tửu lầu hôm được Văn-Lang dẫn đi. Khôi hết lòng chiều người đẹp, để mặc nàng tùy ý muốn gọi món nào thì gọi, muốn gọi bao nhiêu thì gọi. Ngoài thức ăn, Khôi gọi riêng cho chàng một ít bia rượu. Hai người vừa ăn vừa chuyện trò khá vui vẻ. Khôi vừa uống vừa nói:
-Trong cuộc sống, không mấy khi tôi tìm được những giây phút thoải mái an ủi như thế này.
Thấy chàng như ‘hó hé’ niềm tâm sự nào đó, Yến tò mò muốn tìm hiểu.
-Có lẽ anh có nhiều tâm sự buồn phải không?
Khôi gật đầu nói:
-Cô thật là hay! Mới gặp cô mà tự nhiên tôi có cảm tưởng như quen lâu lắm rồi. Xin đừng hỏi tôi tại sao. Có thể cô cho rằng tôi ‘đại ngôn’, nói ba hoa chích chòe để lấy lòng người đẹp, nhưng đây là sự thật. Tôi không có nói gian đâu!
Yến để ý từng lời nói, từng cử chỉ của Khôi. Nàng nhận thấy chàng trai trước mặt chắc chắn có nhiều tâm sự buồn như nàng đoán, nhưng là một người tốt, rất thành thật, nghĩ sao nói vậy.
-Nếu anh thấy có điều gì buồn bực thì cứ trút bỏ ra ngoài hết đi chứ đừng ôm ấp làm gì mãi trong lòng cho khổ thân.
Lời nói dịu dàng êm đềm kia có khác nào một giòng suối mát chảy vào bãi hoang mạc. Khôi cảm thấy rất thoải mái bên nàng. Chàng kể hết những đau buồn từ thời thơ ấu cùng những biến cố và những tâm sự nan giải gần đây của chàng cho Yến nghe. Yến ngồi chăm chú nghe chàng ‘nói chuyện đời’...
Khui thêm một chai bia, Khôi nhìn Yến hỏi:
-Cô Yến! Nếu mai đây tôi bị bắt về tội sát nhân thì cô nghĩ như thế nào? Cô có hối hận là đã từng ngồi cùng bàn với tôi không?
-Không!
-Tại sao?
Yến lấy ly, rót một chút bia của Khôi sang cho nàng rồi mới trả lời:
-Tại anh tốt với tôi.
-Cám ơn cô!
Kề môi nhắp chút bia, Yến nhìn Khôi nói tiếp:
-Nhưng tôi không nghĩ anh là một kẻ sát nhân đâu.
Khôi cười, giọng hơi lè nhè:
-Coi chừng cô lầm đó!
Khôi nốc một hơi cạn chai rồi lấy thêm một chai mới định khui. Yến thấy vậy giật phắt lấy chai bia trong tay Khôi nghiêm nghị nói:
-Thôi! Anh uống như vậy là đủ rồi. Đừng có uống nữa! Đừng quên còn phải lái xe đưa tôi về đó!
Cặp mắt Khôi như mơ màng nhìn Yến nói:
-Cô yên tâm đi. Tôi biết tửu lượng của tôi. Lúc nào tôi đủ thì tự động tôi ngừng chứ không đợi cô nhắc đâu. Vả lại, nếu tôi có chết thì cũng đưa cô về nhà an toàn trước rồi mới chết sau.
Yến phải phì cười trước những lời nói đó. Nhưng trong cái buồn cười đó cũng có một cái gì khiến cho nàng thấu được và cảm kích đôi phần. Nàng biết Khôi chưa say, nhưng vì có hơi men nên chàng ta có vẻ bộc lộ tâm sự hơi nhiều. Thường thì người ta bảo không bao giờ nên chấp nhặt những lời nói của một người lúc có bia rượu vào. Nhưng thông thường, khi có bia rượu vào thì con người lại hay có khuynh hướng ‘hiện nguyên hình’. Có kẻ uống vì quá vui, mượn rượu bia để ăn mừng; có kẻ mượn bia rượu giải sầu; nhưng cũng có những kẻ mượn bia rượu để nói người hay làm những điều gì mà khi tỉnh không bao giờ dám nghĩ tới. Yến nhìn được một điểm tốt nơi Khôi là anh chàng này uống bia thì thoát được tâm sự của mình chứ không phá phách hay tỏ ra điều gì xấu xa...
Cuộc vui nào thì cũng đến lúc tàn. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua thật lẹ. Đã hơn 11 giờ khuya. Khôi đứng dậy ra quày trả tiền rồi đưa Yến ra xe để chở nàng về. Khôi cố lái thật chậm. Chàng cố kéo dài thời gian để được nhìn người con gái này lâu hơn. Nhưng dù có cố kéo dài bao nhiêu thì cũng đến lúc phải chia tay...
Khôi nhìn nàng tha thiết quyến luyến nói:
-Liệu tôi còn được cơ hội gặp cô nữa không?
Không muốn để Khôi buồn nên Yến gật đầu trả lời:
-Miễn là anh vẫn coi tôi như bạn thì có gì trở ngại!
Khôi nở một nụ cười thỏa mãn. Chàng bỗng dang hai tay ôm chặt lấy nàng và khẽ hôn lên má.
-Sao anh lại thế?
Sự việc xảy ra quá bất ngờ và nhanh chóng làm khiến cho Yến không thể nào ngờ tới nên trở tay không kịp. Nàng toan vùng vẫy nhưng chưa có cơ hội kháng cự thì Khôi sau khi hôn xong cũng đã buông nàng ra. Yến phụng phịu ‘tặng’ cho Khôi một cái tát nẩy lửa vào mặt. Chàng giật mình, tỉnh người cúi gầm mặt xuống.
-Xin lỗi cô, tôi thật sàm sỡ đáng phỉ nhổ!
Yến lặng thinh không nói gì cả. Ngỡ là nàng đang giận mình, Khôi dịu giọng nói:
-Nếu cô chưa hết giận thì xin cứ đánh thêm mấy cái nữa, nhổ một bãi nước bọt ngay mặt tôi trước khi vào nhà rồi tha thứ có được không?
Ban đầu Yến giận thật. Nhưng trước những lời thành tâm chịu nhận lỗi và sẵn sàng chịu bị ‘trừng phạt’ của người trót lầm lỗi nàng cũng cảm thấy nguôi đi rất nhiều, và thấy không còn lý do nào phải hạch sách làm lớn chuyện thêm nữa. Nghĩ vậy, nàng thở dài nói:
-Xin lỗi anh, tôi quá nặng tay.
-Nghĩa là cô chịu tha thứ cho tôi?
Một phút trôi qua. Cả hai người đều im lặng. Sau cùng, Yến mở cửa xe khẽ nói:
-Thôi, tôi vào nhà đây. Anh về đi. Nhớ lái xe cẩn thận.
-Để tôi đưa cô đến trước cửa nhà.
Không cần đợi nàng có chấp thuận hay không, Khôi xuống xe đi chung với nàng đến cửa. Yến quay lại nhìn chàng một cái rồi mở cửa nhà vào trong. Chờ cho nàng khóa cửa lại đâu đó an toàn rồi, Khôi mới chịu lên xe nổ máy. Không hiểu tại sao đầu óc chàng bỗng lâng lâng, trong lòng đột nhiên mọc lên một cảm giác lạ lùng êm đềm và thốn thấu chưa từng xảy ra cho chàng bao giờ. Khôi gãi đầu, bứt tóc lẩm bẩm một mình:
-“Thế này là thế nào? Mình làm sao vậy? Chắc là mình đang ở trong cơn mơ? Hay là mình đã loạn trí?”...
*
* *
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 13 Feb 2007

Trong khi đó tại nhà riêng của ‘thám-tử 008’, Văn-Lang giật mình mở mắt tỉnh dậy trên giường. Nhìn trời tối như mực ngoài cửa sổ, chàng hốt hoảng móc điện thoại ra định gọi. Nhìn màn ảnh tối đen trên điện thoại, chàng vỗ đùi một cái than:
-Hỏng rồi!
Đưa tay bấm nút bật điện thoại lên, nhìn thấy đã quá 12:00 giờ khuya, tức là đã sang ngày hôm sau, Văn-Lang thở dài, lắc đầu chép miệng. Chàng giận dữ cầm điện thoại ném lên giường, ngồi ôm đầu tư lự.
Hôm thứ sáu, lúc từ giã Louis Winston thì cũng là lúc vừa vặn Yến gọi nhắc Văn-Lang một lần cuối về cuộc hẹn hò. Chàng sau đó đang định đến nhà bà Hội thẩm vấn ba mẹ con nhưng gặp trời mưa lớn nên phải hủy bỏ chương-trình mà lái xe thẳng về nhà. Về đến nhà, Văn-Lang lăn ra ngủ một hơi đến sáng thứ bảy. Định thi hành công tác đang bỏ dở thì lại thấy choáng váng cả mặt mày khiến chàng lại phải tạm gác chuyện điều tra. Nhớ đến chiều có hẹn với người đẹp mà mình vẫn không được khỏe nên Văn-Lang ghé lại một bác sĩ gia đình chích một mũi thuốc trị cảm cúm để may ra xem có bớt được chút nào hay không.
Về nhà, chàng chuẩn bị thay quần áo sẵn sàng. Thấy còn sớm và hơi mệt vì chất thuốc quá mạnh bắt đầu hành nên chàng nằm ra giường định nghỉ một chút cho khỏe, cho lại sức phần nào. Nhưng có ngờ đâu chàng vừa đặt lưng xuống không bao lâu thì thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi tỉnh lại chàng mới biết mình đã vô tình để thất hẹn với người đẹp vì giấc ngủ ‘oan nghiệt’ kia.
Mà cũng vì chàng quên không bật điện thoại nên mới xảy ra nông nỗi này. Giá mà chàng không quên mở điện thoại thì chắc chắn sẽ tỉnh giấc khi Yến gọi tới vì không thấy bóng chàng đâu. Nếu chuyện là như vậy thì cho dù có trễ chút đỉnh cũng không đến nỗi nào, chàng còn có thể tìm cách nói chữa với người đẹp được mà cùng lắm chỉ phải nghe vài tiếng cằn nhằn thôi. Nhưng giờ đây thì còn biết làm gì nữa! Lần tới gặp nàng phải giải thích sao cho ra lẽ?
Bản tính Văn-Lang xưa nay không bao giờ muốn thất hẹn với bất cứ người nào cho bất cứ chuyện gì. Thân hay sơ, việc có quan-trọng hay không chàng không cần biết, nhưng một khi đã hứa hẹn, chàng không muốn để cho ai phải chờ đợi vì mình cả. Tóm lại, chàng vẫn tôn thờ câu ‘quân-tử nhất ngôn’. Đó là cái uy tín tối thiểu mà bất cứ cá nhân nào cũng phải cố gắng mà tự tạo cho mình trong cuộc sống, chàng luôn luôn nghĩ vậy.
Huống hồ đây là một ‘người đẹp’ mà Văn-Lang biết là có nhiều cảm tình với mình, và mình ít nhiều cũng có cảm tình với nàng...
Trong một tuần ngắn ngủi, không biết bao nhiêu chuyện xảy ra tới tấp cho Văn-Lang. Chàng phải gác bỏ tình bằng hữu qua một bên mà điều tra hai người mà chàng biết là có thể trở thành bạn thân được. Vì công việc, chàng đã phải bỏ qua cả những niềm vui riêng tư như: từ chối không đi chơi với người đẹp, phải tìm kế hoãn binh mà khất lần...
Rồi Văn-Lang ngã bệnh. Mặc dù chỉ là cảm cúm thông thường, nhưng cũng đủ nhắc nhở cho chàng, cho con người là ‘đá nhiều lúc còn phải chảy mồ hôi’. Hồi còn dạy võ ở sở cảnh-sát Đông-Kinh (Tokyo), Văn-Lang vẫn thường nhắc nhở học-viên là đừng bao giờ say mê công việc đến độ quên cả chuyện chăm nom lấy sức khoẻ. Nhưng đời là thế, vẫn thường thế. Chàng nhắc nhở bao nhiêu người khác được, nhưng rốt cuộc vẫn quên tự nhắc nhở cho chính bản thân mình.
‘Sông có khúc, người có lúc’. Có lẽ đây là ‘lúc’. Văn-Lang cảm thấy mệt mỏi vô cùng, cả tinh-thần cũng như thể xác.

CÒN TIẾP
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby lazyboy » 21 Mar 2007

Suốt hai hôm liền Văn-Lang gọi điện-thoại cho Yến không biết là bao nhiêu lần nhưng không lần nào gặp được nàng. Chàng tin chắc là Yến còn giận chàng lắm nên có lẽ khi nhìn thấy số chàng hiện trên điện-thoại nàng là cúp ngay hoặc giả không thèm nghe. Văn-Lang biết là lỗi của chàng nên hoàn toàn không trách Yến. Chàng chỉ hy-vọng là ‘sau cơn mưa trời lại sáng’. Cứ để cho Yến giận thêm vài bữa nữa cho thỏa mãn tự ái của nàng rồi có thể tự động Yến hồi tâm, cơn giận sẽ nguôi đi, và mọi chuyện lại hàn gắn được như cũ.
Văn-Lang đã khỏe lại nhiều. Nhưng ông Louis Winston chưa muốn cho chàng làm việc lại ngay mà dặn chàng phải nghỉ dưỡng sức cho đúng mức thì mới có thể bình-phục được. Có sức khỏe thì tinh-thần mới được thoải mái. Mà tinh thần có được thoải mái thì công việc mới có thể làm đến nơi đến chốn được.
Làm việc quá sức thì sinh bệnh đã đành. Nhưng với Văn-Lang, thì nếu ở không rảnh rỗi quá, chàng cảm thấy mình cũng có thể sinh bệnh như thường. Vì vậy, chàng quyết định bắt tay trở lại vào công việc bất chấp lời khuyên của Louis Winston.
Văn-Lang xưa nay vốn không thích phải chơi trò cút bắt với công việc bao giờ, nhưng cứ xem tình thế trước mắt thì chàng không còn đường nào để lựa chọn. Không phải chỉ lo chuyện lành bệnh mà thôi, chàng còn phải lo chuyện làm lành với Yến. Công việc điều tra cũng còn đang lở dở chưa đâu vào đâu...
Văn-Lang lê từng bước nặng nề ra xe. Chàng định mở cửa xe bỗng chợt nghe có tiếng ai gọi:
-Anh Văn-Lang!
Chàng quay lại, Khôi từ đâu tiến tới, nét mặt lầm lầm lì lì.
-Chào anh Khôi! Đi đâu vậy? Có chuyện cần gặp tôi hả?
Khôi nhìn nhà thám-tử với ánh mắt hết sức lạnh lùng, gật đầu đáp:
-Phải! Tôi muốn gặp anh. Tôi đã nói anh là có chuyện gì cứ tìm tôi mà tính, sao lại đi làm phiền Lộc, bạn tôi?
Văn-Lang ‘ồ’ một tiếng điềm tĩnh trả lời:
-Đó là công việc của tôi. Những gì tôi cần làm thì tôi phải làm chứ không sợ phiền ai bao giờ. Anh thông cảm thì tôi cám ơn, không thì thôi, tôi cũng đành chịu vậy.
Bất thình lình Khôi xông tới đấm vào mặt Văn-Lang một cái. Văn-Lang cả kinh chỉ kịp kêu hai tiếng ‘Anh Khôi!’ rồi vung tay lên gạt cú đấm sang một bên. Nhanh như chớp, Khôi dùng tay còn lại đấm thẳng vào người thám-tử 008. Với phản ứng tự nhiên của một võ-sư, Văn-Lang không chút nao núng chụp ngay lấy cổ tay Khôi. Trong thời gian chớp mắt chàng nghĩ ngay được hai cách hạ gục đối thủ dễ dàng. Thứ nhất dùng Không-Thủ-Đạo (Karate) lấy khuỷu tay mình đánh mạnh lên cánh tay địch thủ. Thứ hai, xoay người dùng một thế Nhu-Đạo (Judo) vật đối phương xuống đất. Nếu dùng cách thứ nhất, Khôi chắc chắn phải gẫy tay. Dùng cách thứ nhì, cả thân hình Khôi sẽ phải nện xuống đường nhựa cứng như đá, chưa biết sẽ gây nên những thương tích gì.
Thầm nghĩ chàng với Khôi chẳng chút thù oán nên Văn-Lang quyết định nhanh chóng không nỡ dùng cách nào cả, mà chỉ dùng một thế bình thường căn-bản của Hiệp-Khí-Đạo (Hapkido hoặc Aikido) khẽ bẻ quặp tay Khôi ra đàng sau lưng khiến anh ta không còn cựa quậy được nữa.
-Anh Khôi, bình tĩnh lại!
Khôi muốn dãy dụa, nhưng Văn-Lang cầm tay anh ta khẽ bẻ ngược lên một chút khiến Khôi đau quá đành đứng im thúc thủ. Văn-Lang mới từ tốn bảo:
-Tôi sẽ thả anh ra nếu anh chịu hứa là bình tĩnh lại.
Một phút trôi qua. Không còn đường nào khác hơn, Khôi đành thở dài yếu ớt lên tiếng:
-Xin lỗi anh. Lúc này tôi làm sao ấy! Làm việc gì cũng nóng nảy thiếu suy nghĩ, không còn là tôi nữa. Đừng chấp nhặt tôi làm gì!
Văn-Lang nghe nói liền buông tay thả Khôi ra. Trong lúc bị Văn-Lang kềm chế, Khôi cũng tỉnh ngộ được nhiều. Chàng biết chàng không phải là đối thủ của Văn-Lang. Nếu người thám-tử kia không nương tay ắt chuyện đã khác xa, nếu Khôi không gẫy cổ gẫy tay thì cũng mềm xương rồi.
Lúc bấy giờ Văn-Lang mới nhìn thẳng vào mặt Khôi, lớn tiếng mắng:
-Anh càng nóng nảy bao nhiêu thì càng làm chuyện thêm rắc rối thêm bấy nhiêu thôi chứ lợi ích gì? Không những khó cho tôi, khó cho bạn anh mà khó luôn cả cho bản thân anh nữa! Anh trưởng thành đã lâu rồi thì phải hành động và xử sự cho ra người trưởng thành chứ! Tại sao vậy?
Khôi cúi đầu im lặng như một đứa trẻ chịu tội trước người lớn, không nói năng gì được cả. Văn-Lang biết những lời chàng nói không ít thì nhiều đã thấm vào đầu của Khôi. Chàng ngừng vài giây rồi nói tiếp:
-Đó là tôi chưa nói đến việc lợi hại là những kẻ rắp tâm đối địch với anh sẽ lợi dụng yếu điểm này của anh để hại anh. Anh thử nghĩ nếu phải ra tòa mà để cho quan-tòa và bầu thẩm đoàn nhìn thấy cái tính nóng nảy của anh thì mọi việc sẽ ra sao? Anh cũng thừa hiểu điều này, đúng không? Tôi biết, tôi hiểu tất cả những gì anh trải qua. Nhưng không lẽ anh cứ để ba cái chuyện bực mình không đâu vào đâu chi phối hết cả đời sống anh hả?
Văn-Lang còn định nói thật nhiều nữa, nhưng nghĩ rồi lại không đành. Bản tính chàng vốn luôn luôn muốn chừa lại ít nhất một con đường cho tất cả mọi người. Ví thế, chàng vỗ vai Khôi dịu giọng:
-Thôi, anh về đi. Tôi có chuyện phải đi gấp! Khi nào có chuyện cần tôi sẽ đến tìm anh.
Không đợi câu trả lời, Văn-Lang quay lưng, đến mở cửa xe rồ máy phóng thẳng một hơi.
Văn-Lang định vào phòng gặp ông Louis Winston nhưng khi đi ngang qua hành lang chàng nghe có tiếng người nói chuyện ồn ào và hình như có cả tiếng ông Louis Winston liền dừng chân lại lắng tai nghe.
-Ông Louis Winston! Nói tóm lại, chúng tôi không thể chờ được nữa. Chứng cớ đã đầy đủ, tại sao thám-tử 008 của ông chưa chịu đi bắt tội-nhân là sao?
Tiếng Louis Winston trả lời:
-Ông Bill Cohen, Tôi không cần biết ông có thể chờ hay không thể chờ! Việc của 008 làm thì phải để cho anh ta làm. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào anh ta. Còn thám-tử của ông thế nào tôi không cần biết, chỉ biết là anh ta không có quyền xía vào chuyện này.
Giọng người đàn ông tên Bill Cohen càng lúc nghe càng lớn:
-Chúng ta đã bỏ bao nhiêu tiền cho sở cảnh-sát Tokyo để mua hắn về đây, mà nguyên cả tuần hắn có làm gì đâu!
Tiếng Louis Winston đập bàn gắt lên:
-Ông câm cái mồm thối của ông lại! Văn-Lang bệnh suốt cả tuần nay, chính tôi bảo anh ta nghỉ đấy! Còn người của ông thì thế nào? Chăm chỉ làm việc lắm phải không? Có muốn tôi khui hết chuyện ra trình với cấp trên không?
-Ông định ‘blackmail’ tôi hả?
-Nếu ông muốn cho đó là ‘blackmail’ cũng không sao. Sở dĩ xưa nay tôi không thèm nói vì việc của ai nấy lo. Nhưng bây giờ ông đòi xía vào chuyện của tôi thì tôi phải khai ra hết để thử coi thằng nào đúng thằng nào sai cho biết.
Văn-Lang nghe đến đây liền mở cửa bước vào. Chàng đưa tay bắt ông Louis Winston nhưng làm lơ không thèm nhìn qua Bill Cohen. Louis Winston thấy vậy giới-thiệu:
-Anh Văn-Lang, đây là...
Văn-Lang ngắt lời:
-Bill Cohen, một kẻ ‘ăn cơm nhà chúa, múa tối ngày’! Tôi mừng là tôi làm việc với ông, chứ nếu làm với cái thứ người đốn mạt này thì chẳng thà là tôi ‘thất nghiệp’.
Bill Cohen nghe nói bỗng chột dạ, đưa tay định bắt nhưng Văn-Lang vờ như chẳng nhìn thấy. Chàng nhìn Louis Winston nhưn nói với Bill Cohen.
-Nghe nói thám-tử của ông tài lắm phải không? Xin mời vào đây cho tôi hỏi vài câu xem có nắm vững được vấn đề không. Nếu nắm vững vấn-đề tôi giao công-tác này lại ngay không suy nghĩ và ‘cút xéo’ về Tokyo ngay để khỏi phí phạm tiền bạc nhà nước Hoa-Kỳ nữa. Nhưng nếu như thám-tử của ông không biết ‘đếch’ gì cả thì yêu cầu câm họng để người khác làm việc. Mà xong chuyện này thôi, tôi cũng xin từ giã Hoa-Kỳ mà về lại Nhật-Bản thôi, ông đừng lo.
Louis Winston biết chàng đang giận nên vội vàng lên tiếng an ủi, khuyên:
-Văn-Lang, anh đừng giận! Nên nhớ là anh làm với tôi. Nếu tôi không than phiền thì thôi chứ không thằng nào được chõ mồm vào phê bình anh này nọ cả, tôi xin khẳng định là bất kể thằng nào!
Văn-Lang lúc đó cũng đã nguội bớt đi nhiều nên thôi cũng chẳng muốn làm lớn chuyện thêm. Nhưng chàng quyết định phải dạy cho cái đám ăn không ngồi rồi đi chỉ-trích thiên-hạ một bài học nên chàng hất hàm nhìn Bill Cohen nói giọng thách thức:
-Tôi bảo ông gọi thám tử ông đến đây cho tôi xem anh ta nắm vững vấn đề thế nào.
Louis Winston vội can ngăn:
-Thôi anh Văn-Lang...
Văn-Lang ngắt lời, gạt đi:
-Không được, ông Louis. Kẻ nào lên án chúng ta sai lầm thì kẻ đó phải chứng minh cho đúng, nói có chứng cớ chứ không thể vu khống bằng lời nói rẻ tiền được; cũng như kẻ nào muốn làm việc gì thì phải chứng tỏ là có khả năng chứ nói suông không thì ai tin cho. Tôi vẫn tự hứa với lòng là sẽ cho tất cả tất cứ người nào, bạn hay thù một cơ hội bình đẳng để thắng tôi. Vì vậy, hôm nay tôi bắt buộc phải tiếp xúc với thám tử của ông Bill Cohen.
Bill Cohen đỏ mặt tía tai nhưng không còn biết làm gì hơn đành gật đầu:
-Được, anh sẽ toại nguyện. Tôi gọi John ngay bây giờ.
Dứt lời ông ta rút điện thoại tay gọi. Chỉ hai phút sau, một người to lớn, gương mặt cực kỳ lạnh lùng bước vào.
-Anh là John thám tử của ông Bill Cohen phải không?
-Phải.
Văn-Lang gật đầu. Chàng hết nhìn Bill Cohen đến nhìn John rồi nói:
-Bây giờ thầy trò anh hãy cho tôi biết tất cả những gì các người nắm vững trong vụ này mà bảo rằng đã đầy đẻ bằng cớ mà tôi vẫn chưa đi bắt người.
Bill Cohen đưa mắt ra hiệu, John hiểu ý liền lớn tiếng dõng dạc.
-Tang vật, con dao có dấu tay nghi can. Cái bóp của nghi can nằm ngay tại địa điểm giết người. Còn thiếu cái gì nữa mà ông phải chờ?
Không trả lời câu hỏi của John mà Văn-Lang lại hỏi ngược lại:
-Hãy tả cho tôi hình dáng con dao giết chết người.
John không cần suy nghĩ đáp ngay:
-Đó là một con dao găm, loại của nhà binh xử dụng.
Văn-Lang lại hỏi tiếp:
-Nạn nhân bị đâm bao nhiêu nhát, chết làm sao?
John nhìn Văn-Lang cười ngạo nghễ nói:
-Ông định đưa tôi vào tròng hả? Khôn dễ dàng đâu! Nạn nhân chỉ bị đâm có một nhát ngay giữa ngực thôi, nhưng là chỗ hiểm nên chết ngay không kịp ngáp. Sao? Tôi nói có gì sai không?
Văn-Lang phá lên cười rũ rượi. Tiếng cười của chàng làm cả Bill Cohen lẫn John khó chịu không ít. Chưa ai kịp phát biểu ý kiến thì Văn-Lang bỗng nghiêm nét mặt nói:
-Đúng! Đúng quá đi chứ! Nhưng các ông chọn lầm nghề rồi! Đáng lẽ các ông nên nên chọn nghề làm báo có lẽ thích hợp hơn. Chỉ cần ngồi nhà mà mua tin tức thôi rồi cứ chiếu theo đó mà điều tra chứ chẳng cần phải bước ra ngoài đường một bước làm gì cho nhọc công.
-Ông nói sao tôi không hiểu?
Văn-Lang búng ngón tay một cái nói:
-John, ông đi theo tôi ra ngoài này vài phút thôi. Tới chừng đó mà ông muốn dành lấy vụ này thì tôi cũng sẽ nhường lại cho ông ngay.
Không đợi John trả lời, Văn-Lang đứng dậy bỏ ra ngoài hành lang. Bill Cohen đưa mắt ra hiệu, John liền gật đầu, đứng lên theo Văn-Lang ra ngoài.
Mười lăm phút sau, hai người trở vào lại. Bill Cohen chưa kịp hỏi thì John với dáng điệu ngượng ngập đã nhanh nhẩu lên tiếng trước:
-Ông Bill Cohen à! Tôi nghĩ vụ này chúng ta không nên thắc mắc nữa làm gì mà nên để yên cho ông Văn-Lang điều tra là hơn. Ông ta thật quả nắm vững tình thế hơn tôi nhiều.
Bill Cohen chết lặng cả người trong khi Louis Winston nổi lên một tràng cười ha hả như để chế nhạo người ‘đồng nghiệp’...
*
* *
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 

Postby nguyennhatquan » 09 Apr 2007

tiếp đi bạn ;truyện hay lắm
Teac A-7400 2tr master
nguyennhatquan
Mầm Mít
Mầm Mít
 
Tiền: $38
Posts: 4
Joined: 13 Jan 2007
 
 

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 66 guests