Mưa Santa Ana - Huy Phương

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Mưa Santa Ana - Huy Phương

Postby lazyboy » 03 Feb 2007

Tác Giả: Huy Phương

Ngồi gọn trong chiếc sofa màu nâu đã bạc và sờn rách, trông Hiệp như nhỏ lại. Dường như anh muốn thu mình nhỏ hơn vì một mặc cảm nào đó từ lúc anh mới gặp Bằng hay từ lúc anh mới đặt chân đến xứ sở này. Hương Trà, vợ Hiệp trông chẳng còn chút trẻ trung nhan sắc nào so với bốn mươi năm về trước, khi Bằng và Hiệp còn mỗi chiều đạp xe qua nhà, cố nhìn qua chiếc ngõ dài hun hút để tìm một chút bóng dáng nàng. Nàng không dấu nỗi mừng rỡ khi gặp lại Bằng, nhưng rất dè dặt, sau khi đặt hai tách trà nguội ngắt trên chiếc bàn nhỏ, đã vội xin phép rút lui xuống bếp, lấy cớ tối nay còn mấy chục mẫu áo dài phải hoàn tất để giao cho bà chủ shop.
Bằng thoáng một chút bần thần, nhưng tự chủ được để sau đó giật mình nhớ lại, tươi cười nhìn Hiệp lúc đó đang bối rối với bao thuốc lá trong tay nửa định mời chàng, nửa lại nhớ là không hút thuốc trong nhà được.
Ờ Bằng, lâu quá, lâu quá!
Trước đó Bằng và Hiệp đã ôm chầm lấy nhau. Chiếc áo may-ô đã ngả màu vàng, nhàu nát ôm lấy tấm thân gầy guộc của Hiệp. Khi hai cánh tay choàng lấy bạn. Bằng sờ thấy tấm lưng gầy cùng với hai chiếc xương vai nhô lên. Mùi mồ hôi, mùi thuốc lá trộn lẫn cùng tiếng cười khản đặc của Hiệp làm Bằng thấy ngạc nhiên, lạc lõng và xót xa quá chừng.
Phải rồi, lâu quá! Dễ chừng ba bốn chục năm rồi còn gì…
Bây giờ tóc của Hiệp đã gần như bạc trắng. Đôi mắt tròng trắng như lấn cả tròng đen. Hai gò má Hiệp nhô lên khô rốc kéo theo chiếc môi khô tím để lộ những chiếc răng xô lệch bám nhựa thuốc lá. Đó là hình ảnh của người bạn sau bốn mươi năm xa nhau. Ngồi trước Bằng là Hiệp, chính là người bạn đẹp trai hào hoa làm thơ hay nổi tiếng Khải Định ngày trước. Hiệp là con nhà giàu, lúc nào cũng áo quần tươm tất, lên đệ tam đã có xe đạp “dura” lượn phố, được nhiều cô nhìn theo, lại kết bạn với một thằng bạn con nhà nghèo, với chiếc xe đạp đĩa sên đã mòn…Từ nhà đến trường ít nhất Bằng phải xuống xe hai lần, vất vả với chiếc sên, lúc nào đến lớp trễ; Bằng phải chùi hai bàn tay lên đám cỏ mượt và sau đó là hai ống quần ka ki vàng.
Ở lớp đệ ngũ, Hiệp và Bằng ngồi gần nhau và môn luận văn, ba lần Bằng dẫn đầu thì đã bảy lần bài của Hiệp được khen ngợi và được thầy giáo đọc cho cả lớp nghe. Bằng còn nhớ rõ bài luận văn của Hiệp qua bức thư của một đứa con đi học xa viết về cho mẹ. Trong lớp đã có nhiều đứa bạn rơm rớm nước mắt khi nghe Hiệp mô tả tâm trạng một đứa con học nội trú, chiều chủ nhật nhớ mẹ. Phòng học của Hiệp có rất nhiều sách truyện, không thiếu những cuốn tiểu thuyết dày như của Thế Lữ, Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, kể cả Hoàng Ngọc Phách…nên ngày chủ nhật nào Bằng cũng la cà ở nhà Hiệp. Bằng nghĩ đó là một lý do làm cho Hiệp viết văn hay, và chàng cũng cố vươn lên cho bằng Hiệp nhưng dường như mọi cố gắng của chàng đều vô vọng.
Sự vô vọng đó thể hiện rõ ràng nhất khi đến giữa năm đệ nhị, Hiệp và Hương Trà yêu nhau và Bằng làm người đứng ngoài cuộc, thất vọng và con đường cuối cùng là theo lời bạn bè lên đường đi vào trường Võ Bị Thủ Đức. Từ đó Bằng lưu lạc khắp các miền đất nước với đời bình nghiệp, lấy vợ đẻ con, lên lon rồi số phận đẩy đưa ra khỏi quê nhà từ cuối tháng tư bảy lăm. Khi còn ở Pleiku Bằng có nghe Hiệp và Hương Trà về sau lấy nhau rồi Hiệp vào học ở Sài Gòn, đi làm quận phó ở một tỉnh miền Nam. Đúng ra Bằng có nhiều cơ hội để tìm gặp lại Hiệp và Hương Trà, nhưng chàng đã trốn chạy vì chàng yếu đuối, cố chôn chặt trong lòng một mối tình sôi nổi và éo le…Bằng quên được Hương Trà, và bỏ luôn một người bạn cũ.
Dù muốn dù không, qua những câu chuyện đẩy đưa giữa bạn bè, Bằng biết khi chàng đang nằm trong trại tạm trú Pendleron thì Hiệp đang trên tàu Sông Hương bị đày ra Bắc cùng với hàng vạn viên chức chế độ cũ. Bằng biết hoàn cảnh của Hiệp. Những ngày trước tháng tư bảy lăm Hiệp đã mất chức, ra tòa và suýt bị tù vì viên tỉnh trưởng nhũng lạm đã đổ hết tội vạ lên đầu lên cổ ông phó hành chánh. Hiệp vốn hiền lành, chất phác…quả không hợp cho lắm với cái nghề kiếm tiền cho tỉnh trưởng.
Bằng cũng biết nỗi đắng cay của một người đàn bà vợ “ngụy” trong chế độ mới, Hương Trà đã sống như thế nào với một nách ba con và mỗi năm chỉ có khả năng ra Bắc thăm chồng một lần. Cuộc sống ở đây đã cuốn Bằng đi, những bản tin quê nhà trên các tờ báo Việt Ngữ ở ngôi chợ Á Đông đã không làm chàng xúc động gì hơn được một bàn tin Trung Đông. Bằng vật lộn với cuộc sống để cố nuôi các con và tìm một chỗ đứng vững vàng trong xã hội mới. Nhưng khi các con đã ra trường và đi làm xa, thì Bằng lại trở về với cuộc sống lặng lẽ trong ngôi nhà rộng thênh thang mà hai vợ chồng đã cố gắng mua từ những ngày mới lập nghiệp. Và Bằng đã gần như quên hẳn Hiệp.
Từ Boston, qua bạn bè Bằng nghe cuối cùng gia đình Hiệp đã đến California trong chương trình định cư của cựu tù nhân. Bằng tìm ra số điện thoại của Hiệp không khó, nhưng đã nhiều lần tự vấn lương tâm, Bằng không tìm ra nguyên nhân khiến chàng giờ này lại đi tìm vợ chồng Hiệp một cách sốt sắng như thế. Có phải vì mặc cảm của một người bạn tốt số bỏ ra nước ngoài trước, vì Bằng còn nhớ đến Hương Trà, hay vì giờ này trước mặt Bằng: Hiệp là người đáng thương hơn chàng. Hiệp không còn là người bạn có bài luận văn được đọc cho cả lớp nghe, không còn là Hiệp “dura” với chiếc xe đạp inox sáng bóng và Hiệp của những truyện ngắn xuất sắc trong tập san cuối năm của nhà trường và Hiệp, Hiệp của Hương Trà… Mười một năm tù, năm năm chờ đợi giấy tờ đút lót hết tiền bạc để được ra đi. Bằng chưa bao giờ tưởng tượng nổi mình có thể trải qua một chặng đường dài như thế, khi con đường đến Mỹ của chàng chỉ kéo dài bảy ngày đêm và bây giờ lúc nào nói đến sự thành công của một người thiểu số trên đất Mỹ, chàng bao giờ cũng được nhắc đến như một thí dụ điển hình…Bằng có gì đáng hãnh diện khi chàng là một người chạy đua sắp sẵn đứng hàng đầu. Trong chuyến về Cali họp bạn năm nay, Bằng nghĩ đến chuyện tìm Hiệp và chắc chắn trong thâm tâm chàng, chàng muốn tìm lại Hương Trà như nhìn lại những trang lưu bút trong chiếc rương cũ kỹ sau vài ba mươi năm. Bằng dành lại buổi chiều cuối ở quận Cam để đi thăm vợ chồng Hiệp.
Nhà Hiệp ở Santa Ana, chỗ giáp ranh với Westminster trong một vùng có khá nhiều di dân Mễ. Nhà chỗ này dễ thuê lại rẻ. Di dân người Việt ở vùng này cũng khá đông, phần lớn đang hưởng trợ cấp hoặc sinh sống bằng nghề may vá. Ngôi nhà Hiệp đang ở nằm cuối đường, khuất sau một căn nhà khác, phải tinh ý lắm Bằng mới tìm ra. Có lẽ ngôi nhà phụ này trước đây là một căn nhà kho được sửa sang lại, nên trông nó vuông vức như một chiếc hộp lớn. Gần một phần ba ngôi nhà, Bằng còn trông thấy những sườn sắt lớn nâng chiếc trần đúc. Các bức tường sơn đã loang lổ. Đó là nhà bếp và là nơi để mấy chiếc bàn máy may công nghiệp, máy hai kim, một kim và máy vắt sổ. Trên sàn nhà và trên chiếc bàn rộng ngổn ngang những đống vải mới đưa về và những đống quần áo nằm chờ xếp vào thùng lớn để chở đi. Đó là shop may nhỏ của Hiệp, nơi sản xuất và là nơi phát sinh ra những nguồn lợi hàng tháng cho gia đình Hiệp trên vùng đất mới. Phần còn lại của ngôi nhà là hai phòng ngủ, một phòng tắm và phòng khách cũng có hình dáng vuông vức như những chiếc thùng giấy chứa hàng may.
Hiệp cầm lấy bao thuốc lá lên rồi lại đặt xuống bàn :
- Mời anh uống nước. Tôi chắc anh ở Mỹ lâu thì tìm nhà này không khó. Nhà cửa luộm thuộm quá, mong anh bỏ qua.
Đáng lẽ Bằng và Hiệp phải gọi nhau bằng tiếng “mày, tao” như thuở nhỏ. Bây giờ ngồi đối diện nhau, Hiệp lại gọi Bằng với tiếng “tôi, anh” khách sáo rụt rè. Sau khi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của Hiệp, Bằng được biết Hiệp đem sang đây hai trai và một gái. Một gái đã lấy chồng và ở lại Việt Nam. Sự chờ đợi để được ra đi quá muộn màng khiến cho những đứa trẻ đã quá lớn, chắc gì khi đi chúng sẽ dễ dàng thích nghi được với đời sống ở đây.
Trong lúc kể lại những ngày ở Việt Nam hình như Hiệp ít nói đến những ngày tù tội gian khổ của mình mà lại nói nhiều về Hương Trà. Anh than vãn là đã quá chậm chân để vợ con phải nheo nhóc trong một thời gian quá dài. Ngày anh khăn gói với mười ngày lương khô vào trại tập trung là ngày sau đó Hương Trà đã phải lăn lóc ra đường kiếm sống, mặc dù trước đó nàng chưa bao giờ có dịp tiếp xúc với xã hội bên ngoài như những phụ nữ khác. Hiệp cho Bằng biết vì trước kia anh không muốn cho Trà phải vất vả ra ngoài đi làm, chỉ muốn nàng ở nhà chăm sóc gia đình con cái. Do đó bản chất Hường Trà yếu đuối rụt rè lại càng yếu đuối rụt rè hơn. Khi mất Hiệp nàng cảm thấy chới với như đứa trẻ mói chập chững đi trong vòng tay mẹ bỗng dưng bị giằng ra, vứt vào cuộc đời. Theo lời Hiệp nỗi sợ hãi làm nàng dạo đó cứ ngồi một mình là bật khóc…Cuộc sống đã xô đẩy nàng ra đường làm những nghề mà trước kia nàng chưa bao giờ biết đến, nói gì đến chuyện nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ làm. Để giữ cho mình trong sạch thì phải vất vả tấm thân.
Trong khi nói về những ngày đã qua, Hiệp có cái mải mê của kẻ muốn tâm sự với bạn, nhưng khi dừng câu chuyện, bàn tay anh lại vói lấy bao thuốc lá, mân mê một cách vô thức rồi lại đặt xuống bàn. Bằng cũng ngồi không yên trên chiếc ghế mềm, thân hình mập mạp của chàng như muốn lún sâu xuống khiến chàng có cảm tưởng chàng sẽ không bao giờ đứng dậy được nữa. Đôi giày đen bóng, chiếc áo sơ mi lụa trắng, chiếc quần ủi thẳng nếp mà Bằng đã sửa soạn mang, mặc trước khi đến Hiệp quả giờ này lạc lõng một cách vô duyên. Bằng có cảm tưởng như lưng đang bị dính cứng vào chiếc ghế và tay chân bỗng dưng thừa thãi lúng túng. Khi Bằng lắng nghe những đoạn Hiệp nói về Hương Trà, dường như ý nghĩ của Bằng lại kéo chàng về với những ngày tháng cũ, cho nên cuối cùng chàng chẳng theo dõi được chi tiết nào rõ ràng qua câu chuyện của Hiệp. Cali đang ở vào mùa mưa nhưng trời bỗng nhiên oi bức lạ lùng. Căn nhà của Hiệp như chiếc hộp đóng kín khiến cho Bằng cảm thấy ngột ngạt, mồ hôi bắt đầu rịn ra chung quanh cổ. Chiếc quạt đứng ở góc phòng chạy với tốc độ chậm, uể oải, thỉnh thoảng hắt lại một ngọn gió nhẹ không đủ sức xua đuổi hơi nóng. Những lúc hai người cùng im lặng, tiếng máy may từ dưới nhà lại vang lên đều đặn một lúc, nghỉ một lúc rồi lại tiếp tục, âm thanh nghe buồn buồn mệt mỏi. Bằng trầm ngâm nghĩ đến một đời sống kín trong bốn bức tường ngột ngạt của Hương Trà, đến thái độ cam chịu của đôi vợ chồng Hiệp trong những ngày khởi đầu lại cuộc sống mới trên đất lạ.
Bằng đã hết sức lựa lời để an ủi bạn: rồi ra cuộc sống khá hơn, các cháu sẽ học hành đỗ đạt thành công vì nơi này là đất hứa, không phụ bỏ công lao vất vả của một ai. Chàng so sánh với hình ảnh chuyến xe đò ở quê nhà, hành khách trên xe lúc mới rời bến chen chúc, ngột ngạt, không ai nghĩ rằng mình có thể chịu đựng nổi đến cuối cuộc hành trình, nhưng rồi xe đi xốc qua xốc lại một hồi, gió mát từng chặp thổi vào, dần dà ai cũng cảm thấy hài lòng với chỗ ngồi, vị trí của mình. Bằng toan nhắc lại một vài nỗi nhọc nhằn của lớp người đến Mỹ cách đây gần hai mươi năm như chàng, nhưng chàng bỗng nghĩ biết đâu những điều đó chỉ làm cho bạn chàng nghĩ ngợi và đau lòng thêm. Và có ích gì khi đem so sánh nỗi đau của người này với nỗi đau của người khác, trong khi chỉ có mình mới cảm nhận được nỗi đau của mình, và chính mình cũng không thể hiểu tất cả nỗi đau của người khác.
Bằng thấy mình như một kẻ xa lạ lắng tai nghe câu chuyện của chủ nhà. Lòng chàng chẳng cảm thấy mảy may xúc động về câu chuyện những ngày thiếu thốn vất vả đắng cay của hai người bạn lúc còn ở quê nhà. Đã mấy lần Bằng toan đứng dậy chào Hiệp để ra về, nhưng có một điều gì đó khiến chàng không đủ can đảm đứng lên. Tiếng máy may của Hương Trà vẫn vẳng lại, lẩn quất trong căn phòng…Có tiếng xô cửa và một thiếu nữ khoảng hai mươi tuổi bước vào.
- Chào bác đi con. Đây là Hương Thủy con gái út của tôi. Đây là bác Bằng bạn học của ba ngày trước.
Bằng xoay người lại, cố nhìn thẳng vào khuôn mặt của cô bé. Một hy vọng thoáng qua là được thấy lại hình ảnh của Hương Trà những ngày tháng cũ. Trước mặt chàng là một khuôn mặt thanh tú, trắng trẻo dễ nhìn nhưng hoàn toàn xa lạ, chẳng hề có dấu vết nào của người mẹ mang tên Hương Trà ở một đoạn đời nào đó của Bằng.
- Cháu sinh vào tháng mười bảy lăm. Khi ra tù hai cha con nhìn nhau như người xa lạ. Anh cũng biết cửa nhà neo đơn nên nhà tôi chưa hề cho cháu đi thăm tôi lần nào. Cháu Thủy đang đi học Anh Văn, tội cho cháu đến nhà lại ngồi vào bàn máy may phụ với mẹ.
Hiệp ngước mắt nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường nói tiếp :
- Xin lỗi anh giờ cháu về cũng là lúc tôi phải đem đồ may đi giao cho kịp. Hôm nay là thứ sáu, tới hạn rồi…
Rồi Hiệp đứng lên, khiến Bằng vừa có cảm tưởng được tự do vừa có mặc cảm như bị mời khéo ra khỏi căn nhà này. Hiệp nói thêm một câu vô thưởng vô phạt:
- Anh ở lại nói chuyện với nhà tôi. Bao giờ anh về lại bên ấy? Giá rỗi rảnh mời anh ghé lại dùng cơm tối với vợ chồng tôi một bữa, còn bao nhiêu chuyện phải nói…
Bằng phụ Hiệp chuyển những thùng áo quần ra xe. Khi thấy Bằng xuống, Hương Trà bối rối vội vàng dọn dẹp những mớ vải để ngổn ngang trên sàn nhà. Cô con gái út đang lúi cúi mở tủ lạnh chắc là để sửa soạn bữa ăn tối.
Đèn đường bật sáng chắc đã lâu. Bầu trời trĩu nặng vì mây xuống thấp, vài cơn chớp lòa sáng ở xa xa. Hiệp bắt tay chàng rồi vội vã vào xe, mở máy. Bằng tần ngần đứng nhìn theo ánh đèn đỏ sau xe Hiệp cho tới khi khuất đầu ngõ. Bằng quay vào cửa bếp định nói vài câu với Hương Trà, nhưng nghĩ sao lại thôi. Bất giác chàng sờ vào túi áo và chợt nhớ ra trước khi chuẩn bị đi thăm Hiệp chàng đã chuẩn bị sẵn hai tờ giấy một trăm, cẩn thận bỏ vào một chiếc phong bì, định bụng sẽ biếu vợ chồng Hiệp như một món quà nhỏ. Nhưng ngồi đối diện với Hiệp chàng quên không còn nhớ tới chiếc phong bì trong túi áo. Giờ đây Bằng cảm thấy ngượng ngùng như đã làm một chuyện gì không phải, nhất là lúc này khi đang đứng trước mặt Hương Trà. Làm sao Bằng có thể đưa số tiền hai trăm trong chiếc phong bì cho hai người bạn cũ, mặc dầu chàng biết … chàng xua đuổi cái ý nghĩ ấy trong đầu …Cơn mưa bỗng ập xuống. Tiếng mưa chạy rào rào trên mái nhà, đập vào những khung cửa kính.
- Anh Bằng chờ hết mưa rồi hãy về.
Trà đứng loay hoay không biết mời Bằng ngồi ở đâu. Đối diện với Hương Trà, lần đầu tiên chàng có thể nhìn thẳng vào nàng không ngượng ngập. Không, ngoài một vài tia sáng tinh anh mà Bằng không thể nào lầm với một đôi mắt nào khác, còn làn da, mái tóc, chiếc mũi cao, đôi môi nhỏ hồng ngày nào đã thay đổi. Hương Trà vẫn còn cái vẻ tiều tụy của những ngày tháng dài thiếu thốn lo lắng. Giờ đây mỗi ngày nàng lại ngồi trước chiếc máy may bên cạnh những đống hàng cao ngập đầu người để gầy dựng lại cuộc sống.
- Xin chị cứ tự nhiên. Tôi đứng đây một chốc cũng được.
Hương Trà trở lại chiếc máy may, nàng ngồi xuống. Lưỡng lự một lát, tiếng máy lại bắt đầu chạy, đều đều… đều đều…
Bỗng Bằng muốn chạy thật xa, rời khỏi nơi đây ngay tức khắc. Chàng quay lại chào Hương Trà :
- Mai tôi phải lên máy bay sớm. Thôi xin chào anh chị, thế nào rồi ta cũng gặp lại nhau… gặp lại anh chị...
Những giọt nước mưa lạnh ngắt chụp xuống đầu Bằng, phản ứng tự nhiên, chàng vội đưa hai bàn tay che lên đầu và chạy ra xe. Tiếng máy may vẫn còn nghe đều đặn, buồn nản đuổi theo Bằng. Chàng nhào vào xe, đóng sập cửa lại, tiếng máy may mới dứt hẳn.
Bằng cho xe chạy chầm chậm. Mưa đổ xuống xối xả, hai chiếc quạt nước không đủ gạt hết nước mưa. Mặt kính mờ mịt, nhìn sang hai bên chỉ thấy một màn mưa trắng xóa. Bằng đã bật đèn xe nhưng vẫn không nhìn rõ con đường trước mặt. Có cái gì đó nhòe nhoẹt, ướt át còn hơn cả cơn mưa chiều nay.



HUY PHƯƠNG
Mùa mưa 1995
DƯỚI MÁI TỪ ĐƯỜNG



Tôi không ngờ trong giai đoạn cuối cuộc đời tôi lại có dịp trở về thăm ngôi từ đường bên ngoại, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Đó là một thế giới gần như khép kín, trang nghiêm, lặng lẽ và u tịch, cách biệt hẳn với láng giềng chung quanh và xa con đường chính của phố Gia Hội. Muốn vào nhà, phải qua một chiếc cổng gỗ chạm trổ có mái che và chiếc ngõ dài đi giữa hai hàng rào dâm bụt. Án ngữ ngay trước mặt tiền của ngôi nhà là một chiếc bình phong tạo hình một con lân dũng mãnh, chung quanh trang trí bởi những hình hoa văn và những chiếc độc bình cắm đầy hoa ngũ sắc đắp bằng xi măng và những mảnh sứ men tàu màu sắc sặc sỡ. Phía bên trong bình phong là một ngọn giả sơn được cấu trúc trong một chiếc bể cạn, ba phía mang hình chữ thọ. Trên ngọn núi nho nhỏ ấy là cả một thế giới thần tiên thu nhỏ, mà ngày còn bé tôi vẫn thường ra đứng thơ thẩn nhìn hai ông tiên râu tóc bạc trắng đang mải mê theo cuộc cờ . Rải rác trên các con đường mòn, cheo leo vách núi hay dưới chân ngọn thác thỉnh thoảng thấy một lão tiều phu trên vai nặng gánh củi hay chú mục đồng lưng trâu thổi sáo. Tất cả đỉnh núi chân đèo đều phủ một màu rêu xanh ngắt. Trong bể nước những con cá vàng mắt lồi vẫn thường uốn lượn, thỉnh thoảng ngoi lên há miệng như đớp chút không khí làm xao động những cánh bèo nhật bản.
Ngôi nhà từ một thuở xa xưa nào, nay đã qua nhiều lần xây dựng, trùng tu lại thành một phủ đình ba căn hai chái, lợp ngói âm dương cùng những chiếc mái cong tạc hình đầu rồng, ngày nay tường, mái đã rêu phong nhưng cả tòa nhà trông vẫn còn vững chãi. Phía trong ngôi nhà, những nghệ nhân xưa kia đã để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật trên chân cột, đầu kèo, tất cả đều là những thớ gỗ lim quí, chạm trổ công phu thành hình của những bức tranh tứ thời “mai lan cúc trúc”, bút nghiên, chuông trống, cờ xí hay cảnh sông nước, núi non của kinh đô.
Gian giữa của từ đường là nơi trang nghiêm nhất được làm nơi thờ tự tổ tiên. Qua một bức màn nhung đỏ là những chiếc bàn cao thấp sơn son thếp vàng để đầy bát nhang, bài vị cùng với những khung ảnh lâu đời mang chân dung các vị văn quan võ tướng của triều Nguyễn. Hình ông Cụ Cố của mẹ tôi được lộng trong một khung kính có phủ khăn đỏ, Ngài ngồi trên một chiếc ghế chạm trổ, mặc áo gấm, đội mũ giáp trụ, tay chống kiếm. Vẻ uy nghi của người trong ảnh luôn luôn làm cho tôi kính cẩn và sợ hãi. Những lúc tôi tò mò theo ông ngoại tôi vào lau chùi bàn thờ, bài vị và khung ảnh của những người quá cố, tôi cũng chưa bao giờ dám đến gần bên cạnh. Hai gian tả hữu cũng đều dùng làm nơi thờ tự cho những người khuất mặt từ ba bốn đời ngoại tôi trở lại, cùng với các thân quyến trong gia đình đã quá vãng, treo đầy với các bức liễn, trướng, câu đối trong các cuộc tang lễ mang thêm nhiều vẻ âm u, chết chóc.
Ở vườn sau, dưới thân cây bàng lớn, một chiếc am nhỏ, không biết đã được xây lên hồi nào, luôn luôn mang đầy vẻ huyền bí, âm u. Sau lưng ngôi nhà, tiếp giáp với bờ sông là những bậc tam cấp đi xuống bến, nơi mẹ tôi và các dì ngày xưa vẫn thường xuống gánh nước, giặt giũ. Bên kia bờ là Cồn Hến, với những ruộng bắp xanh mướt chạy dài.
Trong biến cố Mậu Thân, rồi cuộc chiến năm 1972, cây cối trong vườn đã nhiều lần bom đạn đốn cắt ngả nghiêng, rồi qua năm tháng cũng bình phục, xanh tươi. Một mái hiên nhà bị đạn bắn sập, nhưng đã được tu sửa bởi một tay thợ già mà cậu tôi đã triệu mời từ làng Bác Vọng, nơi vẫn còn nhiều gia đình có tay nghề xây cất, cha truyền con nối, đã từng tô điểm cho hoàng cung và lăng miếu triều Nguyễn.. Thời thế đã phân tán những người trong gia đình ngoại tôi đi xa cách nhiều nơi như con sông Hương sau khi chảy qua khỏi vùng đất Kim Ngọc đã chia trăm nhánh. Ngôi nhà xưa, nay đã trở thành từ đường, và gia tộc chỉ còn lại dì Thuần, người “thủ từ” chung thủy vẫn lặng lẽ sống với ngôi nhà cổ kính của tổ tiên qua bao nhiêu biến cố. Dì Thuần là em út của mẹ tôi và là người bạn thân của tôi những ngày thơ ấu, thời gian mẹ tôi đưa anh em tôi về nương náu bên ngoại khi cha tôi phải đổi lên tận Kontum làm việc. Thời xuân sắc, dì là cô gái đẹp nhất vùng Bãi Dâu với làn da trắng và đôi mắt đen láy dịu dàng. Đi bên dì tôi vẫn thường hãnh diện với bạn bè và những lúc xa dì tôi vẫn thường mơ mộng nghĩ tới dì bằng một mối cảm tình của đứa con trai mới lớn. Thời đi học, tôi có rất nhiều bạn bè thường lui tới khu vườn xanh ngát của ngoại tôi chọc ổi, bẻ nhãn; đàn ong ấy chập chờn qua lại cũng vì nhan sắc ngọt ngào của dì Thuần tôi.
Hôm nay trở lại, ngồi đối diện với dì Thuần trên bộ tràng kỷ cẩn “xà cừ “ cũ kỹ trong gian nhà tranh tối tranh sáng, từ lúc uống với dì Thuần một ngụm trà nóng ướp hoa mộc dì vừa pha ở bếp mang lên cho đến lúc bên ngoài trời đã nhá nhem tối, bình trà đã nguội, hai dì cháu đã nói không biết bao chuyện nước chuyện nhà, chuyện người sống, kẻ chết, nhưng tuyệt đối chúng tôi không hề nhắc đến những chuyện xa xưa của dì. Có lúc hai dì cháu bỗng lặng yên, mỗi người theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Tất cả hình ảnh của tuổi thơ ấu và cả quá khứ của dòng họ như hiện về chập chờn trong gian nhà nhỏ. Khi tôi trở về, nhan sắc của dì đã như bóng nắng chiều đã xế bên hiên nhà. Dì Thuần đã sống câm nín, tàn phai trong ngôi nhà này bao nhiêu năm. Tôi liên tưởng đến bức bình phong ở giữa sân ở lối ra vào đã hoang phế rong rêu, cùng với hòn non bộ của ngoại tôi đã gãy đổ mòn phai, chiếc cầu qua khe nước không còn nữa, hai ông tiên đánh cờ chỉ còn một ông ngồi đó với chiếc đầu đã cụt. Trong hồ cá khô cạn, nứt nẻ là bầy con quăng bơi lội cùng với một đám bèo cám hèn mọn.
Số phận nào đã giữ dì Thuần lại cùng với ngôi từ đường qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm. Từ một thiếu nữ gia thế nhan sắc, dịu dàng ngày xưa, trước mắt tôi dì đã trở thành một cô gái già hiu quạnh sống cam chịu, yên phận. Tôi vẫn còn nhớ đến quãng đời thiếu nữ của dì. Như bao nhiêu người con gái khác, dì cũng yêu thương mộng mơ, nhưng vì dì đã trót sinh ra trong một gia đình thủ cựu, chịu áp lực nặng nề của một người cha cố chấp, dì đành phải tuân theo những ràng buộc của gia tộc hơn là đi theo lý lẽ của con tim.
Tập tục nặng nề của Huế và thứ luân lý ngàn xưa đã giết chết mối tình đầu của dì. Dì Thuần tôi là một thiếu nữ kín cổng cao tường trong một Phủ Đường thế gia ở trong vùng quan lại Gia Hội lại có thể đi đem lòng yêu một người con trai con nhà bần dân xuất thân từ trong đám vạn đò neo gần bến chợ Đông Ba? Mẹ của Tường là người bán cá, còn cha của Tường là một người phu khuân vác cho đại bài gạo Ngọc Sơn trên phố Trần Hưng Đạo. Tường rất thông minh, và vì thương yêu cha mẹ vất vả anh rất chăm chỉ lo việc học hành.
Dì tôi và Tường cùng chung lớp từ năm đệ tam và sau đó Tường thường lui tới dạy kèm cho dì Thuần. Bà ngoại tôi vẫn đinh ninh anh là con của ông chủ Ngọc Sơn, một nhà buôn nổi tiếng của thành phố, và từ đó những lúc tới nhà chơi đùa hay giúp dì giải những phương trình toán học, bà ngoại tôi tỏ ra rất có cảm tình với Tường, kể cả những lúc bà đề nghị Tường ở lại dùng cơm với gia đình chúng tôi. Ông ngoại tôi thì trái lại, khá nghiêm khắc, lạnh lùng. Tuy nhiên với cái dáng dấp bề ngoài của Tường, không bao giờ ông nghĩ Tường xuất thân từ trong một gia cảnh bần hàn, sống trên một con đò ngày đêm neo bên chân cầu . Cho tới lúc xong trung học, nhận được lệnh nhập ngũ, thì Tường đem sự thật về thân thế của mình giãi bày với bà ngoại tôi để trình Bà cho cha mẹ mình tới để xin một cái lễ vấn danh. Bà tôi chỉ buồn bã lặng người đi, nhưng không thể không chuyển lời tới với chồng. Cơn thịnh nộ của ông ngoại tôi, một người luôn luôn sống bám lấy cái hư danh vang bóng một thời của gia tộc, bùng nổ ra như những cơn giông mùa hạ vẫn thường xẩy ra trên mảnh đất thần kinh này, làm trĩu nặng không khí của gia đình . Không ai lay chuyển được lòng ông ngoại tôi vốn đã nặng nề và lạnh lùng như đám cửu đỉnh trong đại nội.

Tường ra đi, và hình ảnh của dì Thuần là hình ảnh những ngày mưa sướt mướt bất tận trên bến sông ở quê nhà. Sau đó vài năm, từ lúc tin Tường tử trận mang về thì dì tôi chỉ còn là những cành tường vi khô lá ngoài hiên. Dì đã toan tự vận hai lần nhưng đều được cứu thoát. Gia đình bên ngoại tôi từ đấy bắt đầu sống đau khổ vì miệng tiếng thế gian và với nỗi sầu muộn khôn nguôi. Lần lượt ông bà ngoại tôi qua đời, anh em mỗi ngày mỗi đi xa hơn, dì Thuần bất đắc dĩ trở thành một cô giáo làng và lặng lẽ, câm nín sống cuộc đời ẩm mục, ẩn kín như gian nhà thờ của từ đường, không bao giờ có ánh nắng chiếu rọi vào. Bỗng dưng lòng tôi dấy lên một niềm xúc cảm, đối diện với dì Thuần hôm nay lòng tôi không khỏi cảm thấy xót xa. Mớ tóc dài đen nhánh xõa xuống hai vai trên tà áo lụa ngày nào của dì giờ đã bạc trắng, nhìn lại những ngày xưa và nghĩ đến cuộc đời hiu quạnh của dì, không nói đến thì không đành, mà nhắc đến, những vết thương trong lòng dì biết đã lành hẳn chưa? Rồi, cuối cùng, dì Thuần cũng nói :

- “Thật lòng mà nói, dì không buồn. Trong bao năm qua dì đã tìm nguồn vui trong đám trẻ nhỏ học trò của dì, đó là gia đình, là con cái của dì. Bây giờ về hưu, dì tìm niềm vui trong câu kinh, tiếng kệ. Sáng nào, dì cũng dậy sớm thắp hương đèn, pha trà trên bàn thờ Phật, tụng kinh. Dì bận rộn suốt ngày quét dọn khu vườn rộng, đốt lá khô, chăm sóc giàn hoa lý và những chậu thược dược của dì, những việc lặt vặt cần người giúp đỡ thì dì đã có cháu chú Thập ngày xưa vẫn kéo xe cho ông ngoại. Chiều nay, thấy Huy đứng tần ngần bên chiếc bể cạn và hòn non bộ đã đổ nát, dì bỗng có ý định sẽ sửa sang lại, biết đâu vài năm nữa Huy còn trở về thăm nhà thờ ngoại, thăm dì lần nữa... Còn số phận hẩm hiu của dì, dì đã nghĩ ra đó là định mệnh. Đã là định mệnh thì muốn đổi cũng không được. Dòng họ này đã mấy đời rồi, gia đình nào cũng có những điều bất hạnh, ngay từ người con gái đầu tiên của cụ Cố mình đã phải chịu nghiệp tình oan trái, héo mòn và mệnh yểu. Nghe nói chiếc am cổ sau vườn nhà là nơi thờ vong hồn của bà ngày xưa. Cho đến đời chúng ta, với những người mà cháu cũng đã biết hay có nghe tới, như Bà Loan, con gái cụ cố Tuần, mười tám tuổi đã hứa hôn với con ông Đốc Hoàng, anh ta đi du học bên Pháp, rồi lấy vợ đầm, dì Loan nhất định mang mối hận tình, héo hắt, điên dại, rồi mất sớm khi mới hai mươi hai tuổi. Cô Trang con út bác Phủ Thân, hoa khôi Jeanne d’ Arc, hai mươi tuổi đã góa chồng, nhan sắc như vậy mà phải để mai một cả cuộc đời, sống với gia đình chồng tận Bình Thuận, và không bao giờ thấy cô trở về Huế. Ngọc Lan, cô nữ sinh Đồng Khánh ngày nào, nay đã thành sư bà chùa Sư Nữ, cũng vì một mối tình ngang trái mà khoảng sáu bảy mươi năm về trước mà cả cố đô này ai cũng biết.
Người ta nói, cha ông mình ngày xưa có làm điều gì gây oan khuất, đau đớn cho ai đó, và biết đâu vì một lời nguyền trong lúc tuyệt vọng, một lời nguyền linh thiêng, khiến cho kiếp này, gia tộc mình phải trả. Từ lúc dòng họ mình, tuy công danh, khoa bảng có phần lưu danh, nhưng cái oan cừu nghiệp chướng nào đó vẫn như lẩn quất đâu đây, khiến cho mỗi gia đình, tùy theo nghiệp dĩ nặng nhẹ, phải có một người con gái gánh chịu lấy những nỗi thiệt thòi nhất của gia tộc, không điên khùng, mệnh yểu, cô quả, thì cũng lâm cảnh đời ngang trái”.

Tôi bất giác quay đầu lại nhìn vào gian giữa từ đường âm u, nơi đặt vô số bài vị và các bảng sắc phong của những người trong dòng họ này đã mất, như muốn tìm ra một điều gì mong soi sáng được đôi chút về lời nói của dì Thuần, về những người đàn bà cam chịu số phận tai ương trong dòng dõi, họ hàng này. Nhưng ngọn đèn dầu tù mù trên bàn thờ càng làm cho gian nhà thêm vẻ lạnh lẽo và tối tăm và một nỗi sợ hãi mơ hồ xâm chiếm lấy tôi. Tôi hối hận đã để dì Thuần theo câu chuyện đi quá xa :

- “ Tổ tiên bên ngoại của mẹ cháu nguyên là họ Cao, gốc gác Long Xuyên, nơi Nguyễn Phúc Ánh khởi binh, bôn ba trong hai mươi lăm năm trời để lập ra nhà Nguyễn.
Trong những năm dài ở phương nam, vua nhà Nguyễn đã chịu nhiều nỗi gian truân, sau nhiều trận đánh với quân Tây Sơn bị thất bại, đã nhiều lần phải đem cả gia quyến ra lánh nạn tại Phú Quốc rồi Côn Lôn. Năm Đinh Ngọ, vua Thế Tổ nhà Nguyễn đang bôn ba ở đất Xiêm la, nhân lúc nghe tin anh em nhà Tây Sơn bất hòa, tin tình báo lại cho biết việc phòng thủ thành Gia Định có nhiều sơ hở , nên nhà Vua có ý muốn trở về khôi phục nghiệp lớn. Sau khi đưa cung quyến ra tạm trú tại Phú Quốc, nhà vua cùng toàn bộ quân lính về chỉnh đốn ở Long Xuyên. Lúc bấy giờ người hào kiệt khắp vùng này đem quân theo Nguyễn Vương rất nhiều, trong đó có ông tổ ngoại là một đại điền chủ, mộ hơn ba trăm quân, toàn là những tay tráng đinh, giỏi võ theo giúp đức Vua.
Ông tổ ngoại đã từng theo quân đánh Tây Sơn ở cửa Cần Giờ, Lộc Giả và trong lập công lớn trong lúc tiến chiếm thành Gia Định. Sau hơn nhiều năm bôn ba đánh đông dẹp Bắc, khi Vua Thế Tổ lên ngôi, một số điền chủ ở Long Xuyên được cắt đặt vào các chức vụ chủ yếu ở địa phương, một số theo về Phú Xuân. Lúc bấy giờ ông tổ ngoại đã sáu mươi hai tuổi, sau những công trận phò vua, chỉ muốn lui về ở ẩn, vui thú điền viên ở quê nhà. Để khỏi làm phật ý đức Vua, Tổ gởi gắm con mình là Cao Hữu, hai mươi hai tuổi, võ nghệ tinh thông, cũng đã đôi lần xông pha trận mạc, theo vua về Phú Xuân.
Năm Nhâm Tuất, trang thanh niên tuấn tú họ Cao giã từ thân phụ và cô thôn nữ Bùi Thị Riêng để ra đi. Hữu đã thề thốt với người yêu, sau khi công thành danh toại sẽ xin với song thân và đức Vua trở về để cưới và đem nàng theo, phú quí công danh cùng hưởng.
Trải sáu ngày đường vất vả, chàng thanh niên Long Xuyên và đoàn tùy tùng mới ra đến kinh đô. Cao Hữu rất được lòng đức Vua, và vì nhớ công trận của cụ Cố, chàng được đức Vua cất nhắc trong binh nghiệp, cho hưởng Tòng Tam Phẩm, giữ chức Thân Cấm Binh Vệ Úy, phụ trách quân binh trong Cấm Thành. Từ miền đất cực Nam, Hữu được về nơi kinh đô phong cảnh hữu tình, dân tình thanh lịch, lại được sống trong nhung lụa, quyền cao chức trọng, chàng đã đem lòng bội bạc quên hẳn người yêu năm xưa. Chỉ một năm sau đó, quan Vệ Uý Cao Hữu đã nghiễm nhiên trở thành nghĩa tế của quan Hữu Tham Tri Bộ Binh, có đủ giàu sang và quyền lực..
Cô thôn nữ từ ngày chàng ra đi, vẫn nuôi giấc mộng hồi kinh, được sống với người mình đem lòng thương yêu trọn đời, nhưng đường xa vạn dặm, tin về mỗi ngày một thưa thớt và nhan sắc nàng mỗi ngày một héo hon trong nỗi đợi chờ sầu muộn. Con nước sông Hậu trước nhà lúc ròng lúc lớn, đám lục bình nổi trôi lên xuống theo dòng, những chiếc thuyền ra chợ ngày ngày qua lại với những điệu hò tình phụ buồn khiến cho cõi lòng người thiếu nữ đợi chờ càng thêm tan nát. Cho đến lúc người nhà tâm phúc đem tin về, cho biết chàng trai năm xưa của nàng đã đẹp duyên mới với con quan tham tri ở chốn kinh đô thì cô thôn nữ Bùi Thị Riêng ngã bệnh nặng. Nàng hết khóc lại cười, không ăn uống, tịnh khẩu, bỏ ngoài tai những lời khuyên lơn, van xin của họ hàng, nằm liệt trên giường cho đến lúc sức tàn, lực kiệt chỉ còn là một xác ve. Ông tổ ngoại là người biết phải quấy, nhưng đành thúc thủ không biết làm sao hơn và đã đứng ra làm ma chay cho người thiếu nữ bạc phận, xem như là một điều hối lỗi của gia đình.
Ông cố ngoại họ Cao từ đất Long Xuyên từ ngày theo vua về Phú Xuân, nghiễm nhiên là một công thần và từ đó con cháu đều sinh cơ lập nghiệp ở đất Thuận Hóa. Suốt mấy đời sau, dòng họ nhờ công trận của Cố đều được trọng dụng và hưởng ơn vua, lộc nước, giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn.”



Mùi hương trầm thoảng tới cùng với tiếng mõ gõ đều đặn như đưa tôi về một thế giới đầy huyền ảo, hư hư thực thực. Nhưng tiếng mõ như lúc gần lúc xa, thỉnh thoảng xen lẫn một tiếng chuông ngân dài như tiếng gọi hồn ai đang lẩn khuất đâu đây trong vườn cây nội cỏ.

Buổi sáng hôm nay, tiếng mõ tụng kinh của dì Thuần đã đánh thức tôi dậy, nhưng chưa làm cho tôi tỉnh ngủ hẳn. Câu chuyện bên gia đình mẹ tôi tối hôm qua và chiếc giường gỗ có mùi ẩm mốc, khô cứng đã làm tôi trằn trọc không ít, nên giờ này tôi vẫn hãy còn mơ mơ màng màng. Ngoài kia trời hãy còn tối lắm, sau bến có tiếng mái chèo đập nước và tiếng gà trong xóm đã bắt đầu gáy ran. Ngôi chùa bên Cồn Hến đã thong thả gióng hồi chuông sáng. Đó là những âm thanh dễ chừng phải hơn bốn, năm mươi năm nay tôi mới được nghe lại. Tôi cố nằm yên để tận hưởng những giây phút tuy mang vẻ đời thường, nhưng giờ đây như nhuốm chút thiêng liêng. Ngày tháng ấu thơ dưới mái từ đường này đã lần lượt hiện về trong tâm trí, cùng với những khuôn mặt quen thuộc của người đang sống và đã chết như chập chờn trước mắt tôi. Hôm nay tôi phải giả từ ngôi nhà đầy kỷ niệm này để trở lại nơi chốn xa xôi kia, và tôi bùi ngùi nhận ra rằng mình không còn đủ thời giờ để trở lại đây một lần nữa. Hình ảnh dì Thuần già nua, héo úa trong gian nhà đầy những khung ảnh thờ của những người quá vãng trong gia tộc, gian nhà tranh tối tranh sáng, không bao giờ có được một tia nắng rọi vào sẽ là những gì còn ám ảnh tôi mãi.



HUY PHƯƠNG
lazyboy
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $2,394
Posts: 283
Joined: 08 Aug 2005
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng lazyboy từ: Mười Đậu

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 7 guests