Kinh Kha

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Kinh Kha

Postby Christiane » 29 Sep 2006

Kinh Kha là môn khách của Thái Tử Đan nước Yên và là người rất nổi tiếng vì đã ám sát bất thành Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng (cai trị từ 221 TCN đến 210 TCN). Câu chuyện về Kinh Kha được chép lại ở thiên Thích khách liệt truyện trong cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên.

Kinh Kha được Điền Quang tiến dẫn cho thái tử Đan nước Yên. Kinh Kha là người nước Vệ, ông đã rời quê hương vì không được vua Vệ trọng dụng. Sau khi đi du lịch các nước, ông tới Yên và đánh bạn với Cao Tiệm Ly và một người bán thịt chó. Họ cùng nhau uống rượu và ca hát suốt ngày.
Thái tử Đan từng là bạn của Doanh Chính (Tần Thuỷ Hoàng sau này) khi cả hai còn đang là con tin ở nước Triệu. Khi thái tử Đan đã trốn khỏi Triệu về Yên, quân đội Tần tiến sát tới biên giới Yên. Quân Yên quá yếu để chống cự lại. Vì vậy, thay vì chiến đấu, thái tử Đan cùng Điền Quang âm mưu ám sát hoàng đế Tần là Tần Thuỷ Hoàng. Điền Quang cũng là bạn của Kinh Kha nên khuyên thái tử Đan cử Kinh Kha thực hiện nhiệm vụ đó.
Một vị tướng Tần, Phàn Ư Kỳ, người từng bị thất sủng với vua Tần, cũng là một môn khách của thái tử Đan vào thời điểm đó. Tần Thuỷ Hoàng rất giận Phàn Ư Kỳ và muốn lấy đầu ông. Biết được điều đó, Kinh Kha thuyết phục Phàn Ư Kỳ tự sát để tạo cơ hội ám sát vua Tần. Với cái đầu Phàn Ư Kỳ và bản đồ nước Yên, Kinh Kha đã có cơ hội để tiếp cận Tần Thuỷ Hoàng.
Khi lên đường, tại bờ sông Dịch (biên giới nước Triệu), Kinh Kha đã ứng tác hai câu thơ với các bạn đi tiễn:
Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn
Dịch :
Gió hiu hắt chừ, Dịch thuỷ lạnh ghê
Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về
Chủ nghĩa anh hùng phản ánh lý tưởng chung của thời đại đó đã được ghi chép lại trong cuốn Sử Ký.
Mang theo một thanh chuỷ thủ tẩm thuốc độc giấu trong tờ bản đồ, Kinh Kha và Tần Vũ Dương vào trong triều đình nước Tần. Tần Vũ Dương mang tờ bản đồ còn Kinh Kha mang đầu Phàn Ư Kỳ. Tần Vũ Dương hoảng sợ biến sắc mặt. Kinh Kha lấy bản đồ trong tay Tần Vũ Dương dâng nộp vua Tần. Khi mở bản đồ Kinh Kha rút thanh chuỷ thủ đâm Tần Thuỷ Hoàng.
Kinh Kha đâm trượt khiến Tần Thuỷ Hoàng có cơ hội bỏ chạy. Khi Kinh Kha đuổi theo vua Tần trên điện, Tần Thuỷ Hoàng được các quan trong triều nhắc liền rút kiếm sau lưng chém Kinh Kha bị thương ở tay. Biết rằng không thể hoàn thành nhiệm vụ, Kinh Kha ném thanh chuỷ thủ vào người vua Tần nhưng trúng cái cột đồng. Cuối cùng, lính Tần vào giết chết Kinh Kha.



Thích khách liệt truyện

(trích Sử Ký Tư Mã Thiên)


Tào Mạt là người nước Lỗ, lấy sức mạnh được thờ Lỗ Trang Công (năm 693 - năm 662 trước Công nguyên). Lỗ Trang Công chuộng sức mạnh, Tào Mạt làm tướng nước Lỗ đánh nước Tề ba lần đều bị thua. Lỗ Trang Công sợ, bèn hiến đất Toại ấp để cầu hoà, sau đó lại cho làm tướng như cũ.
Tề Hoàn Công hứa cùng họp với vua Lỗ ở ấp Kha để ăn thề. Hoàn Công và Trang Công đã thề ở trên đàn. Tào Mạt cầm chùy thủ đe dọa(l) thị uy với Tề Hoàn Công. Các quan hầu cận của Hoàn Công không ai dám động. Hoàn Công hỏi:
- Nhà ngươi muốn gì?
Tào Mạt nói:
- Tề mạnh, Lỗ yếu, nước lớn xâm phạm nước Lỗ đã quá lắm. Nay thành nước Lỗ nếu sụp đổ thì đè cả đất Tề(2), nhà vua liệu đấy?
Hoàn Công bèn hứa trả tất cả đất đai đã chiếm đoạt trước cho Lỗ. Nói xong, Tào Mạt ném chùy thủ xuống đàn,ngoảnh mặt về hướng Bắc đến chỗ đứng của bầy tôi, sắc mặt không thay đổi, nói năng vẫn ôn hoà như thường.
Hoàn Công giận, muốn bỏ điều hứa. Quản Trọng nói:
- Không nên, nếu tham cái lợi nhỏ để cho thỏa thích mình, bỏ tín nghĩa đối với chư hầu, thì mất sự giúp đỡ của thiên hạ. Chi bằng cứ cho là hơn.
Hoàn Công bèn trả lại những đất Lỗ đã bị Tề xâm chiếm, các đất đai đã mất sau ba lần Tào Mạt đánh thua đều được trao lại cho nước Lỗ.
Sau đó một trăm sáu mươi bảy năm thì nước Ngô xảy ra việc của Chuyên Chư.
2. Chuyên Chư là người đất Đường ấp, thuộc nước Ngô, Ngũ Tử Tư trốn khỏi nước Sở chạy sang Ngô, biết tài năng của Chuyên Chư. Sau khi ra mắt Ngô Vương tên là Liêu, Ngũ Tử Tư bàn việc đánh Sở lợi như thế nào. Công tử Quang nước Ngô nói:
- Gã Ngũ Viên này cha anh đều bị Sở giết, nay Viên nói việc đánh Sở, là muốn báo thù riêng của mình, chứ không phải vì nước Ngô.
Vua Ngô bèn thôi. Ngũ Tử Tư biết công tử Quang muốn giết Ngô Vương Liêu bèn nói:
- Ông Quang này sắp nghĩ đến việc bên trong cho nên chưa thể nói việc bên ngoài(3).
Bèn tiến cử Chuyên Chư cho công tử Quang.Cha của Quang là Chư Phàn làm vua nước Ngô, Chư Phàn có ba người em. Thứ hai là Dư Thái, đến Di Mạt, rồi đến Quý Tử Trát. Chư Phàn biết Quý Tử Trát là người hiền nên không lập thái tử làm vua, cứ theo thứ tự truyền cho ba người em, chủ ý cuối cùng muốn truyền nước cho Quý Tử Trát. Sau khi Chư Phàn chết, truyền ngôi cho Dư Thái. Dư Thái chết truyền ngôi cho Di Mạt. Di Mạt chết đáng lý phải truyền ngôi cho Quý Tử Trát, nhưng Quý Tử Trát bỏ trốn không chịu làm vua. Người nước Ngô bèn lập con của Di Mạt là Liêu làm vua. Công tử Quang nói:
- Nếu như cứ truyền theo thứ tự anh em thì Quý Tử đáng được lập làm vua, còn nếu truyền cho con thì Quang này mới thực là người con cả chân chính đáng lập làm vua.
Vì vậy, Quang thường nuôi ngầm các mưu thần để tìm cách tự lập làm vua.
Sau khi được Chuyên Chư, Quang đãi Chuyên Chư như bậc thượng khách. Được chín năm vua Bình Vương nước Sở chết. Mùa xuân, vua Ngô là Liêu muốn nhân lúc nước Sở có tang phái công tử Cáp Dư, Chúc Dung đem quân vây đất Tiềm của nước Sở, sai Diên Lăng Quý Tử sang nước Tần để xem chư hầu động tĩnh như thế nào.
Nước Sở đem binh chặn đường của tướng Ngô là Cáp Dư, Chúc Dung; quân Ngô không về được.
Công tử Quang bèn nói với Chuyên Chư:
- Cơ hội này không thể bỏ lỡ, nếu mình không tìm thì làm sao mà gặp được? Vả chăng, Quang này thực là người nối dõi nhà vua đáng được lập, Quý Tử có về cũng không phế truất ta đâu.
Chuyên Chư nói:
-Vương Liêu đáng chết? Mẹ thì giá, con thì dại, hai em đem binh đánh Sở bị quân Sở cắt đứt đường về. Ngày nay nước Ngô bên ngoài bị khốn về nước Sở, bên trong không người tôi chính trực, tức là không làm gì được ta.
Công tử Quang cúi đẩu nói:
- Thân của Quang này là thân của ông(4).
Tháng tư, ngày Bính Tý, Quang cho binh sĩ mặc áo giáp nấp ở trong nhà hầm, làm tiệc rượu để mời Vương Liêu đến. Vương Liêu sai dàn binh từ cung đến nhà của Quang, ở ngoài cửa và hai bên thềm đều là thân thích của Vương Liêu.Những người đứng hai bên đường để chầu đều cầm giáo dài. Sau khi uống rượu say, công tử Quang giả đau chân vào trong nhà hầm, sai Chuyên Chư nhét chủy thủ vào trong bụng con cá rán rồi đem lên dâng. Khi đến trước mặt vua,Chuyên Chư mổ bụng cá, nhân đó lấy chủy thủ đâm Vương Liêu. Vương Liêu chết ngay. Tả hữu cũng giết Chuyên Chư, người của nhà vua rối loạn... Công tử Quang cho quân sĩ đã phục sẵn xông ra đánh bộ hạ của Vương Liêu, giết chết tất cả, rồi tự lập làm vua, tức là Thạp Lư, Thạp Lư bèn phong con của Chuyên Chư làm thượng khanh.
Sau đó hơn bảy mươi năm ở Tấn xảy ra việc của Dự Nhượng(5).
3. Dự Nhượng là người nước Tần, trước kia đã thờ họ Phạm và họ Trung Hàng, nhưng không ai biết đến. Dự Nhượng bỏ sang thờ Trí Bá: Trí Bá rất yêu quý và tôn trọng. Đến khi Trí Bá. đánh Triệu Tương Tử, Triệu Tương Tử cùng mưu với các nước Hàn, Ngụy, giết Trí Bá. Sau khi đã giết Trí Bá, họ chia đất Trí Bá làm ba phần. Triệu Tương Tử rất oán Trí Bá, nên sơn đầu lâu của Bá làm đồ đựng rượu.
Dự Nhượng trốn vào trong núi nói:
- Than ôi! Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ! Người con gái làm dáng vì kẻ yêu mình. Nay Trì Bá biết ta, ta phải liều chết báo thù để đền ơn, có thế hồn phách của ta mới khỏi xấu hổ !
Dự Nhượng bèn đổi họ tên làm người bị khổ dịch lẻn vào cung dọn nhà xí, trong người giấu cái chủy thủ muốn để đâm Tương Tử. Tương Tử vào nhà xí thấy chột dạ, bắt hỏi người khổ dịch đang dọn nhà xí, thì ra đó là Dự Nhượng, khám trong người có binh khí. Dự Nhượng nói:
- Ta muốn báo thù cho Trí Bá.
Tả hữu muốn giết, Tương Tử nói:
- Hắn là người có nghĩa, ta chỉ cẩn thận trách hắn là đủ. Vả chăng, Trí Bá chết không có con cái gì, mà người làm tôi của nó lại muốn báo thù, vậy người này là một người hiền trong thiên hạ.
Cuối cùng tha cho đi ít lâu sau, Dự Nhượng lại sơn mình làm người hủi,nuốt than làm người câm, khiến không ai nhận ra hình dạng. Nhượng đi hành khất ở ngoài chợ, người vợ không nhận ra. Đi gặp người bạn, người bạn nhận được nói:
- Anh có phải Dự Nhượng đấy không?
- Chính tôi.
Người bạn khóc và nói:
- Có tài như anh nếu gửi mình làm tôi thờ Tương Tử,thì Tương Tử thế nào cũng yêu mến gần gũi anh. Khi Tương Tử đã yêu mến gần gũi anh thì anh làm điều anh muốn, thế chẳng dễ hơn sao? Bây giờ làm hủy hoại thân thể thế này muốn để báo thù Tương Tử, chẳng phải khó khăn sao?
Dự Nhượng nói:
- Mình đã đi mình làm tôi người ta, rồi lại tìm cách giết họ, như thế là mang hai lòng để thờ vua. Vả chăng điều tôi muốn làm là hết sức khó nhưng tôi muốn làm thế này là để cho hạng tôi thờ vua mang hai lòng ở trong thiên hạ sau này phải hổ thẹn?
Sau khi đi rồi, được ít lâu Tương Tử sắp ra đi, Dự Nhượng nấp ở chỗ cầu Tương Tử phải đi qua. Tương Tử đến cầu con ngựa sợ hãi, Tương Tử nói:
- Đây chắc là Dự Nhượng rồi?
Sai người hỏi thì quả là Dự Nhượng. Tương Tử bèn trách Dự Nhượng:
- Nhà ngươi chẳng phải đã từng thờ họ Phạm và họ Trung Hàng đó sao? Trí Bá diệt họ, thế mà ngươi chẳng báo thù cho họ lại còn gửi mình làm tôi Trí Bá. Nay Tn Bá đã chết rồi sao nhà ngươi lại một mình vì hắn báo thù sâu sắc như vậy?
Dự Nhượng đáp:
- Tôi thờ họ Phạm và họ Trung Hàng, họ Phạm và họ Trung Hàng đều xem tôi là hạng người thường, cho nên tôi báo đáp theo lối hạng người thường. Còn như Trí Bá đối đãi với tôi xem như người quốc sĩ, cho nên tôi phải báo thù theo lối người quốc sĩ.
Tương Tử thở dài, ngậm ngùi khóc mà rằng:
- Than ôi Dự Nhượng! Nhà ngươi vì Trí Bá báo thù, nay danh cũng đã thành rồi. Quả nhân tha cho nhà ngươi thế cũng đã đủ rồi? Nhà ngươi hãy tự liệu lấy; quả nhân không tha cho nhà ngươi nữa.
Bèn sai lính vây bắt. Dự Nhượng nói:
- Tôi nghe “bậc vua sáng không che cái tốt đẹp của người, kẻ trung thần có cái nghĩa phải chết theo danh”. Trước đây nhà vua đã tha cho tôi, thiên hạ không ai không khen nhà vua hiền. Việc ngày hôm nay tôi cố nhiên xin chịu chết; nhưng xin nhà vua cho tôi cái áo của ngài để tôi được thỏa ý định báo thù, tuy chết cũng không ân hận. Đó không phải là điều tôi dám mong mỏi, nhưng cũng xin bày gan ruột như vậy.
Tương Tử bèn khen là người có nghĩa và sai người cầm áo đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng tuốt kiếm nhảy lên đâm ba lần và nói:
- Ta có thể chết để báo ơn Trí Bá được rồi?
Rồi phục gươm mà tự sát. Hôm Dự Nhượng chết, các chí sĩ nước Triệu nghe tin đều sụt sùi.
Sau đó hơn bốn mươi năm ở đất Chỉ có việc của Nhiếp Chính.
4. Nhiếp Chính là người làng Thâm Tĩnh , ấp Chỉ.Chính giết người, trốn kẻ thù, cùng mẹ và chị sang nước Tề làm nghề hàng thịt. Được ít lâu, Nghiêm Trọng Tử người đất Bộc Dương thờ Ai Hầu nước Hàn, có hiềm khích với tướng quốc nước Hàn là Hiệp Lũy. Nghiêm Trọng Tử sợ bị giết, bỏ trốn tìm người có thể giết Hiệp Lũy để trả thù. ông ta đến nước Tề, có người nước Tề nói Nhiếp Chính là người dũng cảm, vì trốn kẻ thù nên nương náu ở trong bọn bán thịt.
Nghiêm Trọng Tử đến cửa mời, đi về mấy lần. Sau đó đem rượu đến dâng cho mẹ của Nhiếp Chính. Uống rượu say, Nghiêm Trọng Tử bưng ra một trăm dật vàng dâng cho mẹ Nhiếp Chính để chúc thọ. Nhiếp Chính lấy làm quái lạ vì quá nhiều, cố hết sức từ tạ Nghiêm Trọng Tử. Nghiêm Trọng Tử cố dâng. Nhiếp Chính từ tạ mà rằng:
- Tôi may có mẹ già, nhà nghèo đến nơi đất khách làm nghề bán thịt để hôm mai kiếm được chút ngọt bùi phụng dưỡng mẹ. Việc phụng dưỡng mẹ đã đầy đủ rồi, không dám nhận của Trọng Tử cho.
Nghiêm Trọng Tử bảo người xung quanh đi ra, nhân đấy nói với Nhiếp Chính:
- Tôi có người thù nên đi khắp chư hầu. Đến nước Tề trộm nghe túc hạ nghĩa khí rất cao, cho nên dâng một trăm dật vàng muốn dùng làm tiền chi dùng qua loa cho bà cụ, để được cùng vui chơi với túc hạ, chứ nào có dám mong mỏi gì...
Nhiếp Chính nói:
- Tôi sở dĩ chịu khuất thân lẩn lút ở nơi chợ búa làm nghề hàng thịt, chỉ là muốn nuôi mẹ già. Mẹ tôi còn sống.Chính này không dám lấy thân giao cho ai.
Nghiêm Trọng Tử cố hết sức van nài, rốt cuộc Nhiếp Chính vẫn không chịu nhận. Nhưng Nghiêm Trọng Tử vẫn làm đủ nghi lễ khách đối với chủ rồi ra đi.
Được một thời gian lâu, mẹ Nhiếp Chính chết. Sau khi đã chôn cất xong, hết tang ba năm, Nhiếp Chính nói:
-Than ôi! Chính này người ở nơi chợ búa, múa dao làm nghề hàng thịt, thế mà Nghiêm Trọng Tử là bậc khanh tướng của chư hầu, lại không ngại đường xa nghìn dặm, hạ cố đến kết giao. Ta đãi ông như thế, quả là đạm bạc. Ta chưa có công gì lớn đáng được tôn kính như thế, nhưng Nghiêm Trọng Tử lại dâng trăm lạng vàng để làm lễ chúc thọ mẹ ta.Ta tuy không nhận nhưng riêng điều đó cũng đủ chứng tỏ ông đánh giá Chính cao như thế nào. Người hiền vì muốn báo thù, đến chơi thân với một kẻ khốn cùng xa lạ, Chính này lẽ nào lại im lặng mãi hay sao? Vả chăng, ngày trước ông ta cố nài Chính, Chính còn lấy cớ mẹ già; nay mẹ già đã trọn tuổi trời, Chính này sẽ hy sinh vì người tri kỷ.
Nhiếp Chính bèn đi sang hướng Tây đến Bộc Dương ra mắt Nghiêm Trọng Tử nói:
- Ngày trước sở dĩ tôi không dám nhận lời Trọng Tử,chỉ vì mẹ tôi còn sống: nay không may mẹ tôi đã hưởng trọn tuổi trời, vậy người Trọng Tử muốn báo thù là ai? Xin cho tôi đi làm việc đó!
Nghiêm Trọng Tử bên kể rõ đầu đuôi:
- Kẻ thù của tôi là Hiệp Lũy làm tướng quốc nước Hàn.Hiệp Lũy lại là chú của vua Hàn, họ hàng đông và thịnh, nơi ở canh phòng rất nghiêm mật. Tôi muốn sai người đi ám sát nhiều lần, nhưng không ai làm được. Nay túc hạ may mà không bỏ tôi, vậy xin đem nhiều xe ngựa và tráng sĩ để có thể trợ lực cho túc hạ.
Nhiếp Chính nói:
- Nước Hàn và nước Vệ cách nhau không xa lắm. Nay muốn giết tướng quốc của người ta, tướng quốc lại là thân thích của nhà vua, thì tình thế này không thể dùng nhiều người được. Nếu dùng nhiều người thì không thể không bàn trước chuyện lợi hại, bàn chuyện lợi hại thì lời tiết lộ. Lời tiết lộ thì nước Hàn sẽ đem tất cả nước ra đối phó với Trọng Tử, như thế chẳng hóa nguy sao!
Nhiếp Chính bèn từ tạ không nhận xe ngựa, người tùy tùng, chống kiếm đi một mình đến đất Hàn. Tướng quốc nước Hàn là Hiệp Lũy ngồi trong phủ, những người cẩm kích để bảo vệ rất đông. Nhiếp Chính xông thẳng vào, lên thềm đâm chết Hiệp Lũy. Tả hữu rối loạn? Nhiếp Chính hô lớn đâm giết mấy chục người rồi tất bóc da mặt, móc mắt, tự kéo ruột ra mà chết.
Nước Hàn phơi thây Nhiếp Chính ở ngoài chợ, treo giải thưởng để hỏi, nhưng không người nào biết. Nước Hàn bèn treo trọng thưởng để tìm hung thủ: "Ai biết được người giết tướng quốc Hiệp Lũy thì thưởng ngàn vàng". Mãi về sau cũng không ai biết. Chị của Nhiếp Chính là Vinh nghe tin có người giết tướng quốc nước Hàn nhưng không biết hung thủ,trong nước không biết họ tên anh ta là gì, phơi thây treo giải nghìn vàng bèn nghẹn ngào nói:
- Đó là em của ta chăng? Than ôi! Nghiêm Trọng Tử giết em ta? .
Liền đứng dậy đi đến nước Hàn, thì người chết quả là Chính. Nàng nằm bên thây khóc rất thảm thiết nói:
- Đây là Nhiếp Chính. Người làng Thâm Tỉnh, ấp Chỉ.
Những người ở trong chợ đều nói:
- Người này hành hung giết tướng quốc nước ta, nhà vua treo giải ai biết được tên họ nó thì thưởng nghìn vàng,bà không nghe hay sao, lại dám đến đây nhận mặt nó?
Vinh đáp lại rằng:
-Tôi có nghe. Nhưng sở dĩ Chính chịu Ô nhục, mai một ở nơi chợ búa là vì mẹ già còn khoẻ, thiếp chưa lấy chồng.Nay mẹ già đã hưởng trọn tuổi trời, thiếp đã đi lấy chồng.Nghiêm Trọng Tử lại biết tìm thấy em tôi trong nơi khốn cùng, hèn hạ, mà kết bạn, đối đãi rất hậu. Bây giờ làm thế nào? Kẻ sĩ vốn chết vì người tri kỷ, nay chỉ vì thiếp vẫn còn sống cho nên Nhiếp Chính mới cố tự hủy hoại thân thể để làm mất tung tích. Lẽ nào thiếp lại sợ thân mình phải chết để cho hủy diệt mất danh tiếng của người em hiền hay sao?
Điều đó làm cho người ở chợ nước Hàn cả sợ. Người chị bèn kêu trời ba lần rồi sụt sùi thảm thiết, chết bên cạnh Nhiếp Chính. Các nước Tấn, Sở, Tề, Vệ nghe vậy đều nói:
- Không phải chỉ một mình Nhiếp Chính là giỏi mà cả người chị anh ta cũng là liệt nữ. Giá trước đấy Nhiếp Chính biết rằng người chị của mình không có tính nhân nhục, không sợ cái nguy bị phơi thây, quyết vượt qua nghìn dặm để làm nổi bật cái danh của em, cả chị cùng em đều chết ở chợ nước Hàn, thì vị tất Nhiếp Chính đã dám trao thân cho Nghiêm Trọng Tử. Nghiêm Trọng Tử cũng có thể gọi là kẻ biết người vậy.
Sau đó hơn hai trăm hai mươi năm, ở nước Tần có việc của Kinh Kha.
5. Kinh Kha là người nước Vệ, tổ tiên là người nước Tề.Kinh Kha di cư sang Vệ, người Vệ gọi là Khánh Khanh(6). Sau đó sang nước Yên, người nước Yên gọi là Kinh Khanh.Kinh Khanh thích đọc sách, đánh gươm, đem kiếm thuật nói với Vệ Nguyên Quân. Vệ Nguyên Quân không dùng.
Sau đó Tần đánh Ngụy (năm 242 trước Công nguyên) đặt Đông Quận, dời họ hàng Vệ Nguyên Quân đến đất Dã Vương. Kinh Kha có lần qua chơi đất Du Thứ, bàn kiếm thuật với Cáp Nhiếp. Cáp Nhiếp giận, trợn mắt nhìn Kinh Kha đi ra. Có người nói muốn mời Kinh Kha, Cáp Nhiếp nói:
- Lúc nãy ta bàn kiếm thuật với hắn. Có chỗ không vừa ý ta trợn mắt nhìn hắn. Thử đi mà xem, chắc hắn đi rồi không dám ở lại nữa.
Sai người đến nhà trọ thì Kinh Khanh đã đi xe ngựa rời khỏi đất Du Thứ rồi. Người này về báo, Cáp Nhiếp nói:
- Cố nhiên là hắn đi? Lúc nãy ta vừa lấy mắt dọa hắn.
Kinh Kha đi chơi đến Hàm Đan. Lỗ Câu Tiễn cùng Kinh Kha đánh cờ, tranh nhau nước cờ. Lỗ Câu Tiễn giận mắng, Kinh Kha im lặng trốn đi, sau đó không gặp nhau nữa (7)
Sau khi Kinh Kha đã đến Yên, làm bạn với người bán thịt chó và người giỏi gẩy đàn trúc(8) tên là Cao Tiệm Ly.Kinh Kha thích uống rượu, ngày ngày cùng anh bán thịt chó và Cao Tiệm Ly uống rượu ở chợ nước Yên. Sau khi chén rượu dở say, Cao Tiệm Ly gẩy đàn trúc, Kinh Kha họa theo mà hát vui với nhau ở giữa chợ. Sau đó lại cùng nhau khóc,xem như bên cạnh không có người(9), Kinh Kha tuy ở trong bọn bợm rượu, nhưng tính tình thâm trầm, thích đọc sách,khi du lịch các nước chư hầu, đến đâu cũng kết bạn với tất cả những người hiền, trưởng giả ở đấy. Khi sang nước Yên, xử sĩ nước Yên là Điền Quang tiên sinh cũng trọng đãi vì biết rằng Kha không phải là người tầm thường.Được ít lâu gặp lúc thái tử nước Yên là Đan làm con tin ở Tần trốn về. Thái tử Đan nước Yên đã có lần làm con tin ở Triệu mà vua Tần tên là Chính lại sinh ở Triệu, lúc nhỏ vẫn chơi thân với Đan. Đến khi Chính được lập làm vua, Đan làm con tin ở Tần, vì vua Tần đối đãi với thái tử Đan không tử tế cho nên Đan giận trốn về. Đan về tìm cách báo thù vua Tần, nhưng nước nhỏ, sức không làm nổi. Sau đó ngày ngày Tần đem binh ra miền Sơn Đông để đánh các nước Tề, Sở,Tam Tấn, dần dần tiêu diệt chư hầu như tằm ăn lá dâu, sắp đến nước Yên. Vua tôi nước Yên đều sợ họa sắp đến nơi. Thái tử Đan lo lắng hỏi thầy học là Cúc Võ. Cúc Võ nói:
- Đất nước Tần bao khắp thiên hạ, uy hiếp các nước Hàn, Ngụy , Triệu, phía Bắc có Cam Tuyền, Cốc Khẩu là nơi hiểm trở, phía Nam có đất bên sông Kinh, sông Vị là nơi mầu mỡ, chiếm nguồn lợi đất Ba, đất Hán, bên phải có dãy núi đất Lũng, đất Thục, bên trái có nơi hiểm trở như Hàm Cốc quan, Hào Sơn. Dân đã đông, quân lại mạnh, khí giới có thừa. Nếu họ muốn đem quân ra thì từ Trường Thành xuống phía Nam, từ Dịch Thủy lên phía Bắc (lo) chưa biết ra sao!Tại sao chỉ vì cái oán bị khinh rẻ mà thái tử lại muốn động chạm đến cái vẩy ngược của con rồng(11) như thế?
Đan nói:
- Vậy thì làm sao?
- Việc ấy xin suy nghĩ cho sâu.
Được ít lâu tướng Tần là Phàn Ư Kỳ có tội với vua Tần, chạy trốn sang Yên, thái tử dung nạp cho ở. Cúc Võ can:
- Không được! Nước Tần đã mạnh lại căm giận nước Yên, như thế cũng đủ đáng sợ lắm rồi. Huống chi nó lại nghe Phàn tướng quân ở đây. Như thế tức là “Ném thịt ra giữa lối đi của hùm đói”, cái tai vạ ấy không thể cứu được đâu! Tuy có Quản Trọng, án Anh(12) cũng không thể bày mưu cho ta. Thái tử phải mau mau cho Phàn tướng quân vào đất Hung Nô để khỏi tai tiếng, xin phía Tây ước hẹn với Tam Tần, phía Nam liên kết với nước Tề, nước Sở, phía Bắc hòa với Thiền Vu sau đó mới có thể lo toan được. .
Thái tử nói:
- Kế của thái phó tốn mất nhiều ngày giờ quá. Lòng tôi lo lắng ưu phiền, sợ không đợi được giây lát. Vả chăng, không phải như thế mà thôi, Phàn tướng quân là người cùng khốn, thiên hạ không ai dung, gửi thân ở Đan, dù sao Đan cũng không thể vì bị nước Tần mạnh bức bách mà bỏ rơi người bạn đáng thương, đưa ông ta sang Hung Nô, như thế thì Đan chết mất. Xin thái phó nghĩ cho cách khác.
Cúc Võ nói:
- Làm việc nguy mà muốn cầu được yên, gây họa mà muốn cầu được phúc; mưu kế thì cạn mà kết oán thì sâu; hên kết với một người mà không nghĩ đến cái hại lớn của nước nhà, tức là như người ta nói, thêm oán mà gieo họa vậy. Điều đó cũng như lấy nắm lông chim hồng mà đốt trên lò than, nhất định chẳng còn gì nữa. Nước Tần đã hung ác lại muốn làm hả cơn giận dữ thì chưa biết đến thế nào mà nói? Nước Yên có Điền Quang tiên sinh là người trí sâu mà dũng cảm thâm trầm, có thể bàn với ông ta được(14)
Thái tử nói:
- Muốn xin thái phó cho tôi được làm quen với Điền tiên sinh, có được không?
Cúc Võ nói:
- Xin vâng.
Cúc Võ bèn đi tìm Điền Quang nói:
-Thái tử muốn mưu việc nước với tiên sinh đấy.
Điền Quang nói:
-Xin vâng lời dạy.
Bèn đến, thái từ ra đón, đi giật lùi để dẫn đường, quỳ xuống để trải chiếu.
Điền Quang ngồi yên, xung quanh không có ai, thái tử dời khỏi chiếu nói:
- Nước Yên và nước Tần không cùng sống, xin tiên sinh lưu ý cho.
Điền Quang nói:
- Tôi nghe nói ngựa kỳ, ngựa ký lúc đang mạnh thì ngày ruổi ngàn dặm, đến khi già rồi ngựa hèn vượt lên trước.Nay thái tử chỉ nghe thời Quang còn trai trẻ chứ không biết rằng tinh lực tôi đã hao mòn hết rồi. Nhưng mặc dù Quang không dám bàn việc nước, người bạn của tôi là Kinh Khanh có thể dùng được.
Thái tử nói:
-Tôi muốn nhờ tiên sinh cho tôi kết bạn với Kinh Khanh có được không?.
-Thưa vâng.
Điền Quang liền đứng dậy bước rảo ra ngoài. Thái tử tiễn đến cửa căn dặn:
- Điền Đan trình bày, tiên sinh chỉ giáo, đều là việc lớn của nước, xin tiên sinh chớ tiết lộ.
Điền Quang cúi đầu mỉm cười nói:
- Vâng
Điền Quang lom khom đến gặp Kinh Khanh(15) nói:
- Quang và ông quen nhau, nước Yên ai cũng biết. Thái tử chỉ nghe Quang lúc còn khỏe mạnh không biết Quang này đã kém cỏi rồi. Thái tử lại dạy tôi rằng: “Nước Yên và nước Tần không cùng chung sống, xin tiên sinh lưu ý cho”. Quang trộm nghĩ rằng mình không nên đứng ra ngoài, nên tiến cử túc hạ với thái tử. Xin túc hạ quá bộ đến cung thái tử.
Kinh Kha nói:
- Xin vâng lời dạy.
Điền Quang nói:
- Tôi nghe nói kẻ trưởng giả làm việc không để cho người ta ngờ mình. Nay thái tử nói với Quang rằng: “Điều nói đó là việc lớn của nước, xin tiên sinh chớ tiết lộ”, như vậy là thái tử ngờ Quang. Phàm làm người để cho người ta ngờ mình, thì không phải là người nghĩa hiệp.
Điền Quang muốn tự sát để khích lệ Kinh Kha, nói:.
- Xin túc hạ đến gặp thái tử ngay, nói rằng Quang đã chết để chứng tỏ quang không nói với ai.
Bèn tự đâm cổ mà chết.
Kinh Kha vào yết kiến thái tử nói việc Điền Quang đã chết và kể lại lời của Quang. Thái tử lạy hai lạy, đi bằng đầu gối, nước mắt ròng ròng . Một lúc sau mới nói:
-Đan này sở dĩ đặn Điền tiên sinh đừng nói là muốn mưu việc lớn thành công. Nay Điền tiên sinh lại lấy cái chết để chứng tỏ rằng mình không nói, thực có phải là bụng của Đan này đâu.
Kinh Kha ngồi yên, thái tử đứng dậy cúi đầu nói:
- Điền tiên sinh không biết rằng Đan này ngu dại choĐan được đến trước mặt túc hạ mà bày tỏ. Đó là trời thương nước Yên mà không vứt bỏ đứa con mồ côi của nó. Nay nước
Tần có bụng tham lợi, lòng tham không vừa, nếu không lấy tất cả đất đai trong thiên hạ nộp cho nó, bắt tất cả các vua trong thiên hạ làm tôi nó, thì ý nó chưa thoả mãn. Nay Tần đã bắt vua Hàn, lấy hết đất Hàn, lại đem binh về phía Nam đánh Sở, phía Bắc đánh Triệu. Vương Tiễn đem quân mấy mươi vạn chặn lấy đất Chương, đất Nghiệp, Lý Tín lại đem quân ra Thái Nguyên, Vân Trung. Nước Triệu không thể chống nổi Tần, thế nào cũng phải vào xưng thần; vào xưng thần thì tai họa đến nước Yên. Nước Yên nhỏ yếu, nhiều lần khổ vì chiến tranh, tính dốc cả sức trong nước cũng không đủ để chống cự với Tần, chư hầu sợ nước Tần, không ai dám hợp tung. Theo kế riêng của Đan, thì ngu này cho rằng nếu có một kẻ dũng sĩ trong thiên hạ đi sứ sang Tần, dùng lợi to để nhử nó. Tần Vương tham lam, thế nào ta cũng làm được điều mong muốn. Nếu có thể bắt tiếp được vua Tần buộc nó phải trả cho chư hầu những đất mà nó đã xâm chiếm, như Tào Mạt đã làm đối với Tề Hoàn Công thì thực là hay lắm, không được thế thì nhân đó đâm chết hắn đi. Đại tướng của nước Tần cầm quân ở ngoài mà trong nước lại có loạn thì vua tôi ngờ vực nhau, nhân thời cơ ấy chư hầu có thể hợp tung, thế nào cũng phá được nước Tần. Đó là điều mong mỏi nhất của Đan nhưng không biết ủy thác cho ai, xin Kinh Khanh lưu ý cho.
Một hồi lâu, Kinh Kha đáp:
- Đó là việc của nước lớn, thần hèn kém sợ không đáng sai khiến.
Thái tử bước đến trước cúi đầu, khẩn khoản xin đừng từ chối, sau đó Kinh Kha mới nhận lời.
Thái tử bèn tôn Kinh Kha làm thượng khanh ở nhà sang nhất. Thái tử ngày ngày đến trước cửa dâng cỗ thái lao, các vật lạ xe ngựa, gái đẹp tha hồ Kinh Kha muốn gì được nấy để làm chàng vừa lòng.
Sau một thời gian, Kinh Kha vẫn chưa có ý đi. Tướng Tần là Vương Tiễn đã phá nước Triệu, cầm tù vua Triệu, lấy tất cả đất Triệu tiến quân về phía Bắc, cướp đất đến biên giới phía Nam nước Yên. Thái tử Đan lo sợ, cầu khẩn Kinh Kha:
- Quân Tần nay mai sẽ vượt qua sông Dịch Thủy thì dù tôi muốn hầu túc hạ mãi cũng chẳng dễ mà được đâu?
Kinh Kha nói:
-Thái tử không nói, thì tôi cũng muốn yết kiến để bàn việc ấy. Nay đi mà không có gì làm tin thì khó lòng đến gần vua Tần. Vua Tần treo giải nghìn cân vàng, ấp muôn nhà để bắt Phàn tướng quân. Nếu quả được cái đầu của Phàn tướng quân và địa đồ đất Đốc Cáng của nước Yên để dâng lên vua Tần, thì vua Tần thế nào cũng vui lòng cho tôi yết kiến, bấy giờ tôi mới có cách để báo đáp thái tử.
Thái tử nói:
- Phàn tướng quân cùng khốn về với Đan, Đan này không nỡ vì việc riêng của mình làm hại đến người trưởng giả, xin túc hạ nghĩ cho cách khác.
Kinh Kha biết thái tử không nỡ, bèn thân hành đến gặp Phàn Ư Kỳ nói:
- Nước Tần đối đãi với tướng quân có thể gọi là quá thâm độc. Cha mẹ họ hàng đều bị giết, nay nghe nói họ mua cái đầu của tướng quân nghìn cân vàng, ấp vạn nhà, tướng quân nghĩ sao?
Ư Kỳ ngửa mặt lên trời thở dài, sa nước mắt mà rằng:
- Ư Kỳ mỗi khi ngh đến điều đó, thường đau đến tận xương tuỷ, nhưng không nghĩ ra kế gì.Kinh Kha nói:
-Nay có một lời, có thể cứu nguy cho nước Yên, báo thù cho tướng quân. Tướng quân nghĩ thế nào?
Ư Kỳ bèn tiến lên nói:
- Làm thế nào bây giờ?
Kinh Kha nói:
- Tôi muốn xin cái dầu của tướng quân để hiến vua Tần, vua Tần thế nào cũng mừng rỡ tiếp kiến tôi. Tôi tay trái nắm lấy tay áo nó, tay phải đâm vào bụng nó như thế thì trả được thù cho tướng quân lại rửa được cái nhục bị khinh rẻ của nước Yên. Tướng quân có nghĩ như thế không?
Phàn Ư Kỳ xắn ống tay áo tiến lên nói:
- Đó là điều ngày đêm tôi nghiến răng nát ruột, đến nay mới được nghe chỉ giáo.
Bèn tự đâm cổ chết(15).
Thái tử biết vậy ruổi ngựa đến, nấp bên thây mà khóc hết sức thảm thương. Nhưng việc đã không làm sao được, nên bỏ đầu Phàn ư Kỳ vào hòm và niêm phong lại.
Thái tử sai tìm trong thiên hạ được cái chuỳ thủ sắc của Từ phu nhân nước Triệu, mua mất trăm lạng vàng, sai thợ tẩm thuốc độc thử đâm vào người hễ máu chảy ra như sợi tơ là người chết ngay.
Bèn chuẩn bị hành lý để cho Kinh Kha đi. Nước Yên có người dũng sĩ là Tần Vũ Dương, mười ba tuổi, giết người không ai dám trừng mắt nhìn. Bèn sai Tần Vũ Dương làm phó. Kinh Kha muốn đợi một người để cùng đi. Người ấy ở xa chưa tới, đã sắp sẵn hành lý cho anh ta. Đợi một thời gian chưa lên đường. Thái tử cho rằng quá chậm, ngờ Kinh Kha có đổi dạ chăng, bèn lại giục:
- Ngày đã hết rồi. Kinh Kha có bằng lòng đi không,Đan xin cho Tần Vũ Dương đi trước.
Kinh Kha giận mắng thái tử:
-Tại sao thái tử lại làm thế? Đi mà không nên việc đó là phường con trẻ(17). cầm một cây chuỳ thủ, lọt vào nước Tần mạnh bất trắc, tôi sở dĩ ở lại là vì còn đợi người khách của tôi cùng đi. Nay thái tử cho là trễ, vậy xin chia tay ngay.
Bèn ra đi.
Thái tử và tân khách biết chuyện ấy đều mặc áo mũ trắng để tiễn. Đến trên sông Dịch Thủy, sau khi làm lễ tiễn hành, lên đường, Cao Tiệm Ly gầy đàn trúc, Kinh Kha theo nhịp mà hát theo điệu biến chủy(18), kẻ sĩ đều sụt sùi nức nở.
Kinh Kha lại tiến lên hát:
Gió hiu hắt, chừ, Dịch Thủy lạnh ghê!
Tráng sĩ ra đi chừ không bao giờ về!
Lại hát theo điệu vũ khảng khái, mọi người trợn mắt,tóc đều dựng đứng xiên lên mũ.
Sau đó Kinh Kha lên xe đi, không hề nhìn ngoái lại(19).
Kinh Kha đến Tần, đem lễ vật giá nghìn vàng đút cho viên quan trung thứ sử là Mộng Gia bầy tôi yêu của vua Tần.
Gia nói trước với vua Tần:
- Vua Yên thực sự sợ hãi uy thế của đại vương, không dám đem binh để đón đánh các tướng, muốn xin đem cả nước làm tôi nước Tần, đứng ở hàng chư hầu, chịu nộp cống, chịu nhận chức như một quận một huyện để được giữ tôn miếu của tiên vương. Họ sợ hãi không dám tự bày tỏ, đã chém đầu Phàn Ư Kỳ mềm phong bỏ vào hòm và dâng địa đồ xứ Đốc Càng. Vua Yên lạy trước sân sai sứ sang tâu với đại vương, xin đại vương phán cho như thế nào!
Vua Tần nghe nói cả mừng bèn mặc áo chầu, đặt lễ cửu tân(20), tiếp kiến sứ giả nước Yên ở cung Hàm Dương. Kinh Kha bưng đầu Phàn ư Kỳ, còn Tần Vũ Dương bưng tráp đựng địa đồ, lần lượt dâng lên. Đến bệ, Tần Vũ Dương run sợ biến sắc mặt, các quan lấy làm lạ. Kinh Kha quay lại cười. Tần Vũ Dương, tiến lên xin lỗi, nói:
- Nó là kẻ mọi rợ ở phương Bắc, chưa hề trông thấy thiên tử, cho nên run sợ. Xin đại vương tha thứ cho, để cho nó được làm tròn phận sự một sứ thần trước mặt thiên tử.
Vua Tần bảo Kinh Kha:
- Đưa địa đồ Vũ Dương cầm đó lên đây.
Kinh Kha liền cầm địa đồ dâng lên. Vua Tần mở địa đồ. Giở hết địa đồ thì cái chuỳ thủ hiện ra. Kinh Kha liền tay trái nắm lấy tay áo vua Tần, tay phải cầm chuỳ thủ chĩa vào người. Đao chưa đến người, vua Tần sợ hãi vùng đứng dậy. Ống áo đứt, Vua Tần tuốt kiếm, kiếm dài, vua nắm lấy bao kiếm. Lúc bấy giờ hoảng hốt, kiếm lại chặt nên không tuốt được ngay. Kinh Kha đuổi theo vua Tần, vua Tần chạy quanh cột trụ, các quan luống cuống, gặp lúc hoảng hốt, đều mất cả vẻ mặt lúc bình thường. Theo phép của nước Tần các quan chầu chực ở trên điện không được cầm một tấc binh khí. Các lang trung cầm binh khí đều đứng sắp hàng ở dưới điện, nếu không có chiếu chỉ gọi thì không được lên. Bấy giờ đang lúc gấp, không kịp gọi những người cầm binh khí ở dưới. Vì vậy Kinh Kha đuổi vua Tần, các quan vẫn cuống quít không có gì để đánh trả lại chỉ lấy tay mà đánh Kinh Kha. Lúc bấy giờ viên thầy thuốc đứng hầu tên là Hạ Vô Thư lấy túi thuốc cầm trong tay ném Kinh Kha. Vua Tần đang chạy quanh cột vẫn cuống quít chưa biết làm thế nào. Tả hữu kêu lên:
- Nhà vua mang kiếm sau lưng.
Vua Tần đưa tay ra sau lưng, tuốt kiếm đánh Kinh Kha, chặt đứt bắp vế bên trái. Kinh Kha què bèn cầm chuỳ thủ ném vua Tần. Ném không trúng, trúng cái cột đồng. Vua Tần lại đánh Kinh Kha, Kinh Kha bị tám vết thương tự biết công việc không xong bèn tựa vào cột mà cười, ngồi xổm mà mắng:
- Việc này không xong chỉ vì ta muốn để cho nó sống mà uy hiếp nó lấy cho được giấy cam kết để đưa cho thái tử(21).
Lúc bấy giờ tả hữu tiến lên giết Kinh Kha. Vua Tần hoảng hốt một hồi lâu, sau đó bàn công lao thưởng các quan và trị tội theo thứ bực, cấp cho Hạ Vô Thư hai trăm cân vàng, nói:
- Vô Thư yêu ta nên cầm túi thuốc ném Kinh Kha.
Vua Tần bèn cả giận cho thêm quân sang Triệu, ra lệnh cho Vương Tiễn đem quân đánh Yên. Tháng mười, lấy được thành Kế, vua Yên là Hỷ, thái tử Đan đều đem tất cả tinh binh sang phía Đông cầm cự ở Liêu Đông. Tướng Tần là Lý Tín đuổi đánh vua Yên gấp, vua nước Đại là Gia bèn đưa cho vua Yên là Hỷ bức thư nói:
“Nước Tần sở dĩ đuổi đánh nước Yên ráo riết hơn cả là vì thái tử Đan. Nếu nhà vua giết Đan dâng cho vua Tần thì vua Tần có thể giải hòa, còn có hy vọng nền xã tắc được cúng tế lâu dài ”.
Sau đó Lý Tín đuổi Đan. Đan nấp ở vùng sông Diễn Thủy. Vua Yên bèn sai người chém thái tử Đan, dâng đầu cho vua Tần. Tẩn lại đem binh đánh. Năm năm sau (năm 222 trước Công nguyên) nước Tần diệt nước Yên, bắt vua Yên là Hỷ. Sang năm sau, Tần lấy tất cả thiên hạ xưng hiệu là hoàng đế.
Tần bèn lùng bắt bạn bè của thái tử Đan và Kinh Kha.Họ đều bỏ trốn. Cao Tiệm Ly đổi họ tên làm thuê cho người ta, nương náu ở huyện Tống Tử. Được ít lâu, làm việc khó nhọc, nghe ở trên thềm có khách chơi đàn trúc, bàng hoàng không sao bỏ đi được. Thường nói: người này gảy khá, người kia gảy kém. Bọn đầy tớ nói với chủ: .
- Người làm thuê kia biết âm nhạc, bàn trộm người hay kẻ dở.
Chủ nhà gọi đến gảy đàn trúc, mọi người đều khen hay,cho rượu uống. Cao Tiệm Ly nghĩ mình cứ lén lút rụt rè mãi bao giờ cho cùng, bèn trở lui, lấy cái đàn trúc và quần áo đẹp trong hòm ra thay đổi dung mạo bước lên. Tất cả khách ngồi ở đấy đều kinh ngạc bước xuống làm lễ, tôn làm thượng khách bảo gảy đàn trúc và hát. Mọi người đều sa nước mắt mà bỏ về. Trong vùng Tống Tử, các nhà lần lượt mời Cao Tiệm Ly đến làm khách. Việc đến tai Tần Thủy Hoàng. Thủy Hoàng gọi vào chầu. Có người biết, nói:
- Đó là Cao Tiệm Ly.
Tần Thủy Hoàng tiếc chàng giỏi gảy đàn trúc, nên đặc cách tha chết, làm cho đui cả hai con mắt của Ly. Sai gảy đàn trúc: lần nào cũng khen hay. Dần dần vua Tần lại ngồi gần, Cao Tiệm Ly đổ chì vào ống đàn trúc, vua lại gần hơn,Cao Tiệm Ly giơ đàn đánh Tần Thủy Hoàng. Đánh không trúng, nhà vua bèn giết Cao Tiệm Ly, suốt đời không gần gũi người các nước chư hầu nữa.
Lỗ Câu Tiễn sau khi nghe tin Kinh Kha đâm vua Tần,nói riêng một mình:
- Than ôi! Tiếc thay hắn không thạo về phép đánh gươm! Ta thật không biết người quá nỗi! Xưa kia ta quá thắn, chắc hắn không cho ta là người cùng chí(22).
6. Thái sử công nói: .
- Người đời nói đến chuyện Kinh Kha, lại khen thái tử Đan có thiên mạng "trời mưa lúa, ngựa mọc sừng(23), như thế là quá đáng!. Lại nói Kinh Kha đâm vua Tần bị thương, cũng đều sai. Trước đây Công Tôn Quý Công, Đổng sinh giao du với Hạ Vô Thư biết kỹ việc đó lại nói với tôi như thế(24)?
Từ Tào Mạt đến Kinh Kha, năm người, chí nguyện của họ hoặc thành, hoặc không thành, nhưng lập ý rõ ràng, không trái với chí mình, danh tiếng để lại đời sau có phải là vớ vẩn đâu!

........................................................

(1). Chuỳ thủ: thứ kiếm ngắn đầu mũi như cái chuỳ (cái thìa).
(2). Câu này ngụ ý dọa Hoàn Công, ý nói sẽ liều mình mà hại đến thân thể Hoàn Công.
(3). ý nói: nghĩ đến việc tranh ngôi vua ở trong nước nên không nghĩ đến việc đánh nước ngoái.
(4). Ý nói mình sẽ lo đến con của Chuyên Chư sau khi Chuyên Chư chết.
(5). Cuối mỗi đoạn nhắc lại: "Sau đó... mươi năm...". Để nêu cao tầm quan trọng của sự kiện nên dùng lối văn của biên niên sử.
(6). Khánh có lẽ là họ của Kinh Kha. Khanh danh từ dùng để gọi những người mình tôn trọng.
(7). Tác giả dùng phép ức dương: trước khi nói đến sự dũng cảm của Kinh Kha thì kể một chuyện làm người đọc tưởng rằng Kinh Kha lần đầu hèn nhát, rồi lần thứ hai cũng lại hèn nhát.
(8). Đàn trúc cũng giống đàn cầm, nhưng lấy trúc mà gấy.
(9). Chi tiết này chứng tỏ Kinh Kha và Cao Tiệm Ly có tâm sự u uất không thể thổ lộ cùng ai. Tư Mã Thiên có một phương pháp tự sự độc đáo làm thành một phong cách riêng: khi kể chuyện về một nhân vật thường đưa ra những giai thoại rất ngắn chỉ 4, 5 câu có thể vụn vặt, nhưng những chi tiết ấy lại rất điển hình làm cho nhân vật rất sống.
(10). Đây chỉ địa phận nước Yên.
(11). Hàn Phi nói, dưới cổ con rồng có cái vẩy ngược ai động đến thì nó giết ngay.
(12). Những nhà chính trị giỏi thời Xuân Thu.
(13). ý muốn hợp tung chống Tần.
(14). ý Cúc Võ đã muốn nói đến kế dùng thích khách cho nên nói đến chữ dũng cảm thâm trầm.
(15). Hai chữ lom khom đủ để lột tả Điền Quang là ngựa ký về già.
(16). Phàn Ư Kỳ lại là một hiệp sĩ. Người thứ hai chết mong giục Kinh Kha báo thù.
(17). ý Kinh Kha muốn đợi người cùng đi cho chắc chắn. Chỉ có bọn trẻ con ngu ngốc mới làm việc xốc nổi không xem xét trước sau sao cho nên việc.
(18). Nhạc cổ theo âm luật cao thấp chia ra cung, thương, giốc, chuỳ, vũ gọi là năm cung.
(19). Chỉ thêm mấy chữ "Không hề nhìn ngoái lại" mà khí phách anh hùng của Kinh Kha nổi bật.
(20). Xem chú thích ở Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện.
(21). Tất cả đoạn này không nhắc một chữ đến Tần Vũ Dương càng làm người ta nhớ đến “người bạn Kinh Kha chờ để cùng đi”.
(22). Kết luận sinh động. Lỗ Câu Tiễn hôi tiếc không dạy cho Kinh Kha cách đánh gươm đến nỗi việc lớn thất bại và tự thẹn về chỗ Kinh Kha bỏ mình ra đi: Câu này cắt nghĩa Kinh Kha muốn chơi với người cùng chí hướng, thấy ai không cùng chí nguyện thì bỏ đi chứ không phải hèn nhát. Nhân vật Kinh Kha lôi cuốn người ta không chỉ vì là hiệp sĩ mà là một người có tâm sự kín đáo, không mấy người hiểu. Trong những con người không hiểu đó có cả thái tử Đan.
(23). Sách Yên Đan tử nói: Thái tử Đan xin về, vua Tần không cho, hẹn khi nào đẩu quạ trắng, ngựa mọc sừng mới cho về. Đan ngửa mặt lên trời than vãn, trời làm cho đầu quạ bạc, ngựa mọc sừng ngay. Vua Tần bất đắc dĩ phải cho Đan về. Sách Phong tục thông nói: Trời vì thái tử Đan mưa lúa xuống, đẩu quạ bạc, ngựa mọc sừng. ó đây Thái sử công dẫn những lời trong truyền ngôn đó.
(24). Bác lại những truyền ngôn vu vơ và nêu phương pháp viết sử của mình là căn cứ vào lời nói những người biết rõ sự thực.


Mời quí mít xem phim Kinh Kha trong phòng Phim Trọn Bộ
User avatar
Christiane
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $582,698
Posts: 6193
Joined: 18 Jun 2005
 
 

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 77 guests