Quán Rượu Nửa Đêm (Tuyển Tập Truyện Ngắn) - Nguyễn Trung Tây

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Quán Rượu Nửa Đêm (Tuyển Tập Truyện Ngắn) - Nguyễn Trung Tây

Postby Mười Đậu » 09 Aug 2006

Tác Giã: Nguyễn Trung Tây
Image


Xuân Bất Tái Lai [1]
_________________________

Vô thường! Vô thường! Đại vô thường!

Trời lạnh. Người tự nhiên nổi sần sượng, ngứa. Ngứa gãi sướng tay sướng chân. Cứ thế mà gãi. Càng gãi những vết sần sượng càng đỏ tươi, nhìn như ghẻ, nhìn thấy sợ, nhìn thấy ngán. Lấy lotion bôi. Da bớt khô nhưng vẫn nứt ngang dọc tương tự như ruộng lúa vào một ngày nắng hạn, như đường đào bới ngổn ngang của những con cái ghẻ.

Trời lạnh. Làn da xám đen rủ nhau nổi dầy cộm tương tự như người phong cùi. Phong cùi? Con cái nhà cửa có mà cũng như không. Đành phải giã từ, chui vào trại tập trung, ngày ngày phơi nắng trước sân, ngước mắt nhìn trời xanh ngậm ngùi tiếc xót. Phong cùi? Thà là nhảy sông nhảy suối. Chết đi, xác trôi lềnh bềnh ba ngày ba đêm rồi tấp vào bờ vào bụi biến thành thằng chổng. Phong cùi? Chẳng lẽ tại mình ở dơ? Sáng Thái tắm. Tắm xong, bớt ngứa, bớt gãi, những vết đỏ sần sượng bớt gồ ghề kéo đồi kéo núi. Nhưng sau đó khoảng một tiếng, chó đen lại hoàn mực đen. Ghẻ tiếp tục đội mồ sống dậy. Ngứa! Gãi sướng da sướng thịt!

Trời lạnh. Mây đen mây xám kéo ngập bầu trời. Bước xuống xe, khoác lên người mảnh áo len, Thái ghé vào cafeteria của sở,

- Một ly cà-phê đen, please.

Người thâu ngân viên mắt xanh tóc nâu gốc Mễ Tây Cơ đang đứng sau quầy tính tiền,

- Amigo uống cà-phê Mỹ hay cà-phê Việt Nam?

- Amiga cũng biết pha cà-phê Việt Nam hay sao?

- Biết chứ, manager Việt Nam mới chỉ tuần rồi.

- Thôi, con lậy mẹ, amiga. Mẹ pha cà-phê Expresso thì họa may.

- Amigo đau hả?

- Giỡn chơi!

- Sao nhìn mặt mệt mỏi như ốm mới dậy vậy?

- Well, I guess…I’m S.A.D.

- Sad?

- Không phải.

- ???

Tính gãi, nhưng ngại. Ai lại làm chuyện mất thể diện thế kia trước mặt người đẹp. Cầm ly cà-phê Mỹ đi vội về văn phòng. Ngồi xuống ghế, len lén cúi xuống gãi bằng thích. Trời lạnh, ngứa. Trời lạnh, xìu. Đứng dậy bật hết bốn năm ngọn đèn trong văn phòng. Cái này chắc là tại S.A.D., Seasonal Affective Disorder.

Tiếng gõ cửa vang lên. Thái ngưng gãi ghẻ, cười tươi chào đón đồng nghiệp tóc vàng,

- Hôm qua Danny tới văn phòng. Hắn hăm he đưa mi ra phiên họp toàn ban tuần tới.

Tự nhiên hết ngứa. Ngứa biến tan khi nhận được bản tin bất ngờ. Cơn ngứa biến mất nhường chỗ cho cơn giận. Thái tính mở miệng chửi thề văng tục. Phải chửi toáng lên cho hả cơn giận. Đã mở miệng ra rồi. Lời nói đã dâng cao đầu môi, câu chửi đã thập thò chót lưỡi. Nhưng thôi. Nuốt vào. Nhịn. Nhịn như nhịn không gãi khi bị cơn ghẻ ngứa hành hạ gần một tuần nay.

Cô người Nga độc thân ăn tiền trợ cấp có hẹn sáng nay lúc 10 giờ. 9 giờ gọi vào, con đau đang nằm trong bệnh viện, xin gặp tuần sau. Đóng sổ lại, Thái đi ra cafeteria ăn sáng.

Người đẹp amiga Mễ biến mất. Giờ này thanh niên gốc Việt ngáp ngắn ngáp dài đứng trông quán,

- Xếp uống chi?

- Thôi đại ca, cho ly nước lạnh, thật lạnh và cái menu.

- Ủa, không cà-phê sao?

- Không.

- Nghe nói Sở An Sinh Xã Hội đang kiếm người mới cho chức vụ Trưởng Văn Phòng. Có mấy người nói xếp và Danny là hai con bài sáng giá. Có ăn khao, đừng quên em nhé xếp.

- Mi cũng nhậy tin dữ. Làm ơn cho xem cái menu.

Người thâu ngân viên gốc Việt đưa cái menu. Nhìn tới nhìn lui. Sao hàng chữ nhảy múa rồng rắn thế kia? Đưa sát vào mặt, hàng chữ nhòe nhoẹt. Đưa cái menu ra xa, rồng thôi nhảy, rắn thôi múa. Đưa ra xa hơn nữa, hàng chữ đen đen hiện rõ nguyên hình. Chẳng lẽ viễn thị? Không phải đâu. Chắc tại trời âm u. Thái nhìn chung quanh, đèn trắng bật sáng khắp nơi. Đưa cái menu vào sát cặp mắt, mờ ảo lại hiện ra. Đẩy cái menu ra xa, chữ đen đen hàng hàng xếp lớp. Vậy là đúng ngay chóc. Vậy là dám bị viễn thị rồi.

Thái nhớ lại tuổi mười lăm đọc truyện chưởng coi phim bậy trong bóng tối mờ mờ. Tình trạng đọc lén coi lút diễn đi lập lại cho tới một hôm ngồi ngay hàng ghế thứ hai trong lớp, nhưng Thái thấy hàng chữ phấn trắng trên bảng đen trong lớp tiếng Việt Nam mờ mịt sương mù. Quay sang mấy thằng bạn ngồi bên cạnh, Thái thấy chúng nó viết như điên.

Phục Ba Tướng Quân Mã Viện mang quân đuổi theo Hai Bà Trưng. Cùng đường Hai Bà nhảy xuống sông Hát Giang tự vận vào ngày 6 tháng 3 năm Quý Mão, 43 A.D.

- Sao tao không thấy chi hết? Chữ trên bảng mờ như thế mà mày cũng thấy. Chữ đó chữ chi? Phục hay phúc? Phục hả? Thế mà lại tưởng cô giáo hôm nay loạn, viết tiếng Việt lộn sang tiếng Anh.

Tới lúc đó mới biết là mình cận thị, phải đeo kính.

Bây giờ bốn mươi mốt tuổi, hình như viễn thị ghé ngang hỏi thăm. Hèn chi mấy lần trước trong phòng họp, tới giờ thuyết trình, Thái cầm giấy chuẩn bị đọc nhưng tự nhiên thấy chữ nhảy múa. Nghĩ là tại ngồi lâu với computer, mắt mỏi, Thái gỡ kính cận ra dụi đôi mắt, lại thấy sáng chói như cũ. Thái nhớ tới mấy người bị bifocal, phải đeo kính hai tròng, mắt lồi mắt lõm nhìn thấy dị. Bây giờ cũng dám tới phiên mình mắt lõm mắt lồi.

Ghẻ ngứa kéo lên cả da mặt. Ghé vô phòng vệ sinh soi gương. Trời lạnh mây xám âm u, mặt mày Thái xám đen xám xịt. Chân tóc kéo cao lộ cái trán bướng. Tóc vuốt một cái rụng đầy cả nắm. Nhìn vô trong gương một lần nữa, Thái nhận ra được bao nhiêu khoảng trống lộ thiên giữa chân tóc. Thái nhìn tới nhìn lui, phòng vệ sinh không có ai. Đưa sát cái mặt vào gương, nhìn lên Thái nhận ra gầu bám dọc ngang da đầu tương tự lá mùa thu phủ ngập sân cỏ. Tóc lưa thưa như mới ốm dậy, như người chạy chemotherapy. Tình hình như vầy chẳng mấy chốc mà rụng hết tóc. Hói là con đường không thể chạy trốn.

Thái nhìn xuống, bụng đã to. Thời gian gần đây quần 32 nhảy vèo lên 35. Ban đầu Thái không tin, nghĩ mình nhìn lộn, thử tới thử lui. Nín thở, hít bụng, mặt đỏ căng cứng, quần 32 vẫn chật. Thái nhắm mắt thử quần 35. Vừa y!

Giáng Sinh vừa qua, Thái gặp mấy người bạn thời trung học. Nếu không được báo trước, Thái sẽ không nhận ra hai thằng bạn của tuổi mười tám. Hai đứa tóc rụng lưa thưa nhìn như đám cháy rừng của miền Nam Cali. Một thằng mập, lùn, tròn như hột mít, bệnh gan. Thằng kia còn tệ hơn, mập, bụng to như thùng nước lèo, bệnh tiểu đường, cholesterol. Đã hói, tóc bạc, nó còn bị đụng xe rụng hết nguyên một hàm răng phía dưới.

Thái nhe răng ra. Răng thì cũng tạm được. Tất cả hai hàm răng đều là của thật, không có của giả. Răng thật, chân răng không bị viền đen bám chung quanh. Nhưng ông nha sỹ trong lần khám răng tháng trước nói nướu răng của sir bắt đầu bị mòn. Tiện tay, ông trám lại những lỗ bị sâu nằm phía trong, mắt thường dân nhận không ra. Tiện miệng, ông ta khen sir có hàm răng tốt, chân răng bị mòn nhưng lợi răng còn đỏ hồng. Tiện chuyện, ông khuyên nên bỏ thuốc và bớt uống cà-phê, bởi răng của sir bị khói thuốc và cà-phê bám vàng, vàng như nghệ.

Bước ra khỏi phòng vệ sinh của sở, Thái lẩm bẩm,

- Vô thường! Vô thường! Đại vô thường! [2]

Thái lái xe về tới nhà, nhà trống trơn. Cơm nước trong bếp nguội lạnh. Trên bàn một mảnh giấy kẹp dưới tàn thuốc, “Thiên is sick. I’m with Thảo in Cedar Creeks Hospital”.

Thái phóng vào bệnh viện cửa Cấp Cứu.

- Tên bệnh nhân?

- Trần Thiên.

- Phòng 832.

Thái phóng tới thang máy. Phòng 832 nằm ngay góc. Thằng Thiên nhắm mắt ngủ say trên giường bệnh. Con Thi đứng hôn thằng bồ mùi mẫn sau cánh cửa. Con Thảo ngồi bệt dưới đất ngủ gật ngay góc phòng. Thấy bố, con Thi đẩy thằng con trai ra, mặt tỉnh bơ,

- Hi, Daddy.

Thằng con trai xa lạ nhìn Thái, không mở miệng nói một câu, bước ra ngoài. Con Thi đi theo sau.

Nghe tiếng động, con Thảo mở mắt. Mặt mũi con bé dơ như một con chó con bị ghẻ. Con Thảo ôm bụng, nước mũi thập thò,

- Bố ơi, con đói…

Thái nén cơn giận nhìn theo con Thi đang xà nẹo với thằng bồ trước cửa phòng. Nhìn con gái, Thái nhận ra hình dạng của người vợ thuở nào. Nhớ tới vợ, Thái bấm bẩy số. Chuông điện thoại vang lên, reng, reng, reng... Không ai bắt phone. Thái liếc nhìn, con Thi vẫn chưa buông rời thằng con trai tóc xanh tóc đỏ tòng teng xỏ đầy hai lỗ tai, nhìn cực kỳ văn minh. Thái thở dài,

- Vợ là tội. Con là nợ.

Tự nhiên Thái thấy mình sao ngu quá sức, biết thế hồi xưa cạo đầu đi tu.

Vợ Thái hồi đó học lớp Mười; con gái mặc quần jean căng phồng, chơi bi-da đi hai cơ, game over. Vợ Thái hồi đó lớp Mười Một chơi bóng chuyền; con gái nhảy cao, đập xuống, con trai đứng ngẩn ngơ nhìn theo, chảy nước miếng. Vợ Thái hồi đó lái xe số tay ngoài freeway; xe cảnh sát hú còi,

- Young lady, vận tốc tối đa của freeway là 65, cô chạy tới 95 dặm một giờ. Cho xem bằng lái.

Vợ Thái lớp Mười Hai chớp chớp mắt, òa ra khóc nức nở. Tóc dài con gái rối tung. Người cảnh sát ngạc nhiên, e dè hỏi. Vợ Thái tiếp tục nghẹn ngào, tiếng được tiếng mất, nói mẹ đang hấp hối trong bệnh viện. Tưởng thật, người cảnh sát tha tào cho cái ticket.

- Em đóng kịch giỏi ghê.

- Kẹt quá đành chơi đại. Ông cảnh sát mà gọi vào bệnh viện Cedar Creeks hỏi có mẹ em ở trong đó hay không là vỡ mặt.

Cuộc tình càng lúc càng căng thẳng, đơm hoa trổ nụ. Hai đứa mê nhau như điếu đổ, yêu nhau như tài tử Holywood. Ba mặt con, bon chen kèn cựa tới lui, Thái vẫn không vượt quá khỏi bàn giấy của văn phòng. Quay đi quẩn lại cũng vẫn chỉ loay hoay với dân thất nghiệp, dân chửa hoang, dân tái định cư của Sở An Sinh Xã Hội. Tình yêu biến mất. Nàng bỏ đi không một lời giã từ. Một năm sau, nàng ghé nhà nói hai đứa lên tòa ký giấy. Thái nói,

- Không!

Tối hôm đó Thái trằn trọc trên giường. Hồi xưa cứ tưởng tình yêu bền vững đời đời. Thiên hạ lắm kẻ tán phét thế mà cả thế giới xúm vào, tin. Thế nào mà bền vững được? Tình yêu, love at first sight? Excuse moi! Tình dục, lust at first sight thì có. Mà đó là chuyện đương nhiên. Con người là chi? Cũng chỉ là động vật như mọi động vật khác thôi. Hồi xưa ở trong rừng Phi Châu leo trèo phá phách như mọi con khỉ khác. Bất ngờ tự nhiên bữa đó hứng hứng đứng lên chơi chơi. Đứng lên được một lần, đứng tiếp, đứng tiếp nữa. 6, 7 triệu năm trôi qua, khỉ thành người. Động vật dù là động vật cao cấp thì cũng vẫn chỉ là động vật. Tình dục để duy trì nòi giống là bản tính tự nhiên Ông Trời ban cho. Thời người ta mới lớn, người ta yêu hay người ta dục? Tình dục, đương nhiên, lust at first sight. Chấm hết! Thỏa mãn rồi, chán nhau. Lấy nhau, ở với nhau, biết tẩy nhau, bỏ nhau. Tình nghĩa vợ chồng nên giải thích theo một cách khác. Tình đây không phải là tình yêu mà là tình dục. Dục nghĩa vợ chồng. Dục hết, nghĩa kéo tới. Nếu nghĩa không ghé thăm, thế là bankruptcy. Tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm.

Thái biết khi tình dục đã hết, tình nghĩa bốc hơi biến mất. Thôi! Giữ lại gót hài sen làm chi, Thái quyết định giữ lại ba đứa con.

Vợ Thái ở cách một thành phố, sống một mình. Năm ghé về nhà một lần tối 25 tặng cho mấy đứa con quà Giáng Sinh, rồi bỏ đi. Thái nhìn theo vợ, tiếc.

Hồi vợ mới bỏ đi, Thái nhớ gọi qua mấy lần. Khuya, tiếng người nhấc điện thoại đàn ông, giọng mệt lả thở không ra hơi. Máu ghen nổi lên, Thái nghĩ tới án mạng. Chắc phải có đổ máu. Chắc phải lên trang nhất của báo địa phương. Phải cho người tình phụ một bài học. Phải nhìn mặt người đàn bà bội phản trợn tròn, chớp chớp hối hận, giọng thều thào,

- Anh!... Anh! Em biết em có lỗi. Em phụ một lời thề. Em không hối hận nếu được chết trong bàn tay của anh. Mai này, nhớ em, hãy ra mộ. Anh trải hoa hồng lên mộ là linh hồn em vui rồi…

Không được! Người cảnh sát ngày xưa khờ dại, nhưng Thái không dại khờ. Thái tính toán, trong hoàn cảnh này nhất định phải quay mặt đi; nhất định không để cho ánh mắt giai nhân lung lạc; nhất định phải vung tay lên, cương quyết đưa xuống để ánh mắt kia lạc thần, mờ lại, bạc thếch.

Tốt nhất là căn vào lúc nàng đi làm về, Thái đứng núp sau bụi cây cạnh ngay cánh cửa của căn chung cư. Phải đợi nàng vặn khóa, mở cửa, Thái đeo mặt nạ đen như ninja, nhào ra, một tay bịt miệng, tay kia đẩy nàng vào nhà. Phải khóa cửa thật lẹ. Không nhìn ánh mắt của nàng, không nói gì hết, tay vung cao, hạ xuống. Không cho nàng cơ hội mở miệng nói một lời, nếu không là hỏng bét. Ánh mắt giai nhân chớp chớp một lần, nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc.

Càng nghĩ về dự án cho tương lai, lòng Thái càng mềm đi. Sát khí trong người hạ xuống. Thái nhớ lại, hồi còn đi học báo Mỹ đăng tin có một người đàn ông Việt Nam bắn chết vợ, lên ghế điện, mấy đứa con bơ vơ mất cả bố lẫn mẹ. Thái với mấy thằng bạn ngồi ăn trưa trong cafeteria của trường trung học cười hô hố nói thằng cha đó khùng, ai mà chết vì gái. Thế mà giờ đây Thái đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Lên ghế điện, Thái chẳng ham. Sát khí tan, Thái bỏ qua dự án cho tương lai.

Gần năm năm trôi qua, vợ Thái đã lên xe hoa với người khác.

Thái bật bếp điện nấu nước phở. Con Thi nói con không ăn tối, giờ này ngồi trong phòng, chắc lại đang ôm điện thoại. Thái dọn ra ba tô phở cho thằng Thiên, con Thảo và chàng. Con bé Thảo sáu tuổi, giờ tươi như hoa, thơm mùi xà bông đu đủ, sạch sẽ mịn màng như công chúa Mỵ Nương sau khi được gà trống Hùng Thái Vương tắm rửa.

- Bé Thảo đói chưa?

- Con đói.

- Bé Thảo ăn phở hay hambuger?

Con bé nhìn bố cười toe toét,

- Con thích phở.

Thằng Thiên, mặt còn xanh lét như tàu lá chuối, đang nằm trên giường nhìn Thái giỡn với con Thảo. Nó bật cười,

- Bố ơi! Con cũng ăn phở.

Thái bế con Thảo trên tay, tay kia sờ trán thằng nhỏ, trán còn hơi nóng,

- Người lính trẻ phải đợi thêm mười phút nữa Phở Thái mới mở cửa.

Thái bỏ con bé Thảo xuống, lại ngứa. Tính gãi cho đã, nhưng nhớ mình đang đứng trước mặt con, Thái dừng lại, di di ngón tay trên vết ghẻ, đi lên lầu,

- Thi, xuống ăn tối.

- I told you I’m not hungry!

Đóng cửa lại, Thái đi xuống. Cái kiểu con Thi rồi cũng là kiểu bỏ đi. Con bé mở miệng là sổ tiếng Hồng Mao. Tiếng Việt không biết một chữ gãy đôi. U a u ơ như người Mỹ nói tiếng Việt. Thái hối hận hồi đó không chịu để ý đến nó nhiều hơn. Hồi đó ham làm quá, mất vợ. Giờ này ngơ ngơ ngác ngác gà trống nuôi con. Làm găng với con Thi, nó bỏ nhà đi hoang, mất con. Mai mốt nó về, vác theo cái của nợ quẳng cho ông ngoại nuôi. Nhịn nó một chút như nhịn gãi ghẻ. Sang năm con Thi vô đại học, xong một cái nợ.

Thái chép miệng, phải đổi chiến thuật, phải chịu khó hơn một chút dậy cái giống họ Trần đang ngồi trên giường húp xùm xụp tô phở nói tiếng Việt.

- Bố ơi, mai con có đi học không?

- Thôi, ốm, ở nhà.

- Con cũng ở nhà với Thiên.

- Con phải nói…với anh Thiên. Nói.

- Con cũng ở nhà với anh Thiên.

- Giỏi. Con gái rượu của bố tuyệt vời. Ngày mai cho hai anh em ở nhà chơi. Mai khỏi đi học, khỏi đi làm. Mai bố ở nhà dậy tụi con tiếng Việt. Bây giờ người lính trẻ đánh vần trước. Còn nhớ chữ Việt đánh vần làm sao hay không?

Cái giống họ Trần ngừng húp phở,

- Vờ, i, vi, …ê, via, …tê, viết, …nặng, …Việt.

- Giỏi, giỏi quá.

- Còn chữ Nam?

- En nờ, a, …na, em mờ, …Nam.

Ông bác sỹ nói,

- Ông bị dị ứng với thịt bò. Ông càng ăn thịt bò, ông càng bị ngứa.

Thái trợn tròn mắt,

- Bác sỹ nói sao chớ cả đời tôi ăn thịt bò mà có thấy chi đâu?

Không nói chi, ông bác sỹ lật hồ sơ cá nhân của Thái lên, cười nhếch mép, chậm rãi nói, giọng hơi đểu,

- Ông năm nay bốn mươi mốt tuổi, tuổi đã toan về già. Ông còn ăn thịt bò, ông sẽ còn ngứa dài dài. Ông nhìn những vết mề đay nổi đầy trên người đi. Ông tiếp tục ăn thịt bò, có ngày mất mạng. Ông trên bốn mươi rồi, tôi đề nghị kỳ tới ông lấy hẹn khám prostate đi.

Nghĩ tới lúc phải cong lưng xuống cho ông bác sỹ khám tuyến tiền liệt, Thái rùng mình, rụt xương sống, mặt xanh lại. Chàng chấp nhận gà trống một mình nuôi con, chấp nhận tóc hói, chấp nhận mặc quần 35, chấp nhận giã từ thịt bò; nhưng chết thì chết, chàng nhất định không chịu cong lưng xuống; chết thì chết, chàng nhất định không chịu đeo kính, kính hai tròng, mắt lồi mắt lõm.

Epworth, Iowa,
Tháng Mười Một 2003

--------------------------------------------------------------------------------

CHÚ THÍCH

[1]“Có người dịch Midlife Crisis (khủng hoảng tuổi trung niên) là ‘hồi xuân’. Tuy nhiên, trong truyện [Xuân Bất Tái Lai], mùa xuân của nhân vật Thái không có dấu hiệu sẽ trở lại cả…” (Làng Văn, Số Tết 245, Tháng 1 Năm 2004).

[2] Phù hoa nối tiếp phù hoa. Tất cả chỉ là phù hoa (Giảng Viên 1:2).
Last edited by Mười Đậu on 25 Aug 2006, edited 1 time in total.
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,160
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Mười Đậu từ: NgÆ°Æ¡i vien xu

Postby Mười Đậu » 09 Aug 2006

Chữ Lác Vần Ác

Chữ Ác

Tháng 10. Buổi sáng thu rét lạnh. Trời lạnh teo da teo thịt! Tâm bước vào lớp. Mười hai cặp mắt ngái ngủ ngước lên nhìn.

- Chào những người xuất gia trẻ tuổi. Kỳ trước mình học tới đâu rồi?

Sinh viên chưa kịp trả lời, Tâm xuống giọng,

- Hôm nay có pop quiz. 10 phút nhé!

Giấy thi được phát ra. Yên lặng, hoàn toàn yên lặng! Trong thinh lặng, những bộ mặt căng tràn nhựa sống bắt đầu biến dạng méo mó, những cái lưng thẳng băng của tuổi hai mươi tự nhiên cong xuống. Trong thinh lặng, hơn ba mươi khuôn mặt căng thẳng, mắt trợn tròn nhìn vào tờ giấy thi trước mặt. Trong thinh lặng, tự nhiên Tâm cảm thấy mình có máu ác, tự nhiên Tâm sợ, sợ mai mốt chết, bị đày xuống Hỏa Ngục bởi ác. Tâm sợ mai mốt chán đời xuất gia, quyết định nhập gia, lấy vợ, vợ sinh con dị hình.

Thời xưa, mẹ của Mục Kiển Liên ác, làm bánh chay nhân thịt cho các vị tăng. Chết đi, bà bị đày xuống dưới địa ngục, ngồi trên bàn chông sắt, hai tay nâng cao, đầu đội vạc dầu nóng, cơm đưa vào miệng cháy bùng lên!

Thời nay, sinh viên hồi hộp, đau tim với những bài pop quiz của Tâm. Chết đi, Tâm bị đày xuống dưới đáy địa ngục, ngồi trên những cuốn sách. Sách bị đốt cháy dâng cao những ngọn lửa thiêu đốt Tâm. Lửa cháy mãi! Lửa không tàn! Thời nay, sinh viên bạc phơ những mái tóc xanh vì những đêm chong đèn thức trắng, đỏ ké hai con mắt học và làm bài cho lớp của Tâm. Mai mốt chết đi, dưới đáy địa ngục Tâm phải giơ cao hai tay. Trên lòng hai bàn tay chồng chất những bài pop quiz, bài thi dài năm mươi câu, và bài văn nghị luận dày đặc tư liệu trích dẫn dài mười trang mà Tâm bắt sinh viên trong lớp phải làm. Tất cả đang cháy. Giấy cháy đốt nóng hai lòng bàn tay của Tâm. Lửa cháy nhưng những bài thi không tan thành tro. Lửa cháy mãi! Lửa cháy hoài! Lửa đốt bàn tay cầm phấn trắng, lửa thiêu bàn tay cầm viết mực đỏ, bàn tay một thời ở ác với sinh viên.

Thời xưa, trong khi đang đánh nhau với người Amalek nơi sa mạc, Moses giơ cao hai tay, người Do Thái thắng. Khi mệt mỏi, ông buông tay xuống, giặc cỏ Amalek lấn tới giết người du mục Do Thái không nương tay. Cuối cùng Aaron và Hur, mỗi người một bên, nâng cao hai tay của đại lãnh tụ Moses. Thế là trận chiến tàn. Phần thắng nghiêng về dân du mục.

Thời nay, Tâm bị đày xuống Hỏa Ngục bởi ác. Trong cõi đoạn trường Hỏa Ngục, Tâm sẽ chẳng được ông Aaron và ông Hur giúp đỡ, nâng cao hai tay, bởi hai người này lên Thiên Ðàng rồi. Họ đâu còn có mặt ở nơi chứa rác rưởi Hỏa Ngục.

Thời xưa, ông phú hộ vô danh ở ác. Thấy người ăn xin Lazarus nằm ngay trước cửa nhà, ông chơi một tình lờ. Chết đi, ông bị đày xuống Hỏa Ngục. Nơi đáy địa ngục ông mở miệng xin một giọt nước nhúng vào đầu lưỡi, nhưng không ai cho.

Thời nay, Tâm ác với sinh viên. Chết đi, Tâm ngồi trên lửa, hai lòng bàn tay cũng đầy lửa. Mở miệng ra xin một giọt nước, chắc chẳng ai cho!

Tự nhiên Tâm thắc mắc trong cõi rác rưởi của Hỏa Ngục, làm sao kiếm cho ra những giọt nước lạnh dập tắt những ngọn lửa đang bốc cao thiêu đốt Tâm?

Chữ Lác

Ðời sống tại trường đại học vui thì không sao, những lúc buồn tênh, máu lác nổi lên, Tâm muốn vô phòng, dọn dẹp đồ đạc, cởi chiếc áo xuất gia, về nhà lấy vợ, dụ dỗ vợ sinh cho mình mười hai đứa con, chẵn một tá, đủ quân số cho một đội banh bóng chuyền. Con chơi, bố và mẹ ngồi vỗ tay khen ngợi, “Sao con tôi giỏi quá”! Làm việc với sinh viên tại trường đại học, càng ngày càng hiểu thêm nhiều về chữ Lác, chủ nghiã Lác, “Lacism”, Lác-ki-dzầm, của đời sống thiền với thiền viện. Mấy anh chàng sinh viên mới, chưa biết Tâm có máu lác, thắc mắc,

- Sao cha đi tu?

- Cũng không biết. Một vài lúc tự nhiên thấy mình hơi ngu ngu. “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tu cùng với chữ ngu một vần”.

Người sinh viên mở tròn mắt kinh ngạc nghe người xuất gia sửa lại lời thơ của đại văn hào Việt Nam. Trong trường, nhiều việc, mệt, máu lác nổi lên, Tâm kiếm chuyện sinh sự. Thế là khẩu nghiệp có dịp dâng cao.

- Chào cha! Cha khỏe không?

- Khỏe gì!

Có tên còn dám nói,

- Con chưa thấy ai du côn như cha!

Tâm trợn mắt nhìn người sinh viên,

- Sao lại nói vậy?

- Nhìn cha không giống người tu hành.

- Giời ạ! Như thế nào mới là người tu hành?

Máu lác dâng cao, người xuất gia tiếp tục,

- Hôm nọ tới một xứ lạ làm lễ. Bữa đó ngủ quên, dậy trễ, không kịp mặc áo đen, đầu lại chải bốc lên kiểu dân găng-stơ, ma-phi-a. Bước vào phòng mặc áo của nhà thờ, người tu hành thấy hai ba bà đạo đức đang to nhỏ thì thầm với nhau. Một bà ngước lên nhìn nhân vật lạ mặt. Chắc sáng đó, bà ta chưa ăn sáng, bụng đói, muốn sinh sự! Thấy người xuất gia, bà cất giọng, “Xin lỗi... Có phải cố đạo hay không”? Sáng hôm đó, một buổi sáng âm u, tuyết ngập tới rèm cửa sổ, trời lạnh teo da teo thịt, người xuất gia dậy trễ, trễ luôn ly cà-phê sáng sớm. Vậy là máu lác dâng cao có ngọn trong lòng. Bà đạo đức sinh sự, người xuất gia sự sinh, “Bộ nhìn không giống hay sao”? Biết gặp phải người có máu lác, bà đạo đức xuống giọng, “Không! Cũng giống lắm…” Người xuất gia nhỏ nhẹ, “Ủa, vậy sao còn hỏi”!…

Ăn cơm tối xong, liếc mắt nhìn ngang dọc, chỉ thấy Mít ta trong phòng ăn rộng thêng thang của trường đại học, thầy trò lại ngồi xúm lại, nói tiếng Văn Lang.

- Sao Dòng Ngôi Lời mình nổi tiếng là lác vậy?

- À, chuyện là như thế này. Vào một buổi sáng trên Thiên Ðàng. Thánh Phêrô mới thức dậy, còn ngái ngủ. Mắt nhắm mắt mở ngài mở cửa Thiên Ðàng. Ngay trước cửa vườn Ðịa Ðàng, ngài thấy một ông thầy Dòng Đồng Công. Con biết Dòng Đồng Công chứ gì, họ cũng đi truyền giáo như mình, truyền giáo chứ không phải truyền cái gì khác đâu... Thấy thầy dòng với cổ áo đen, thánh Phêrô che miệng ngáp dài, dấm dẳng hỏi, “Tu dòng nào”? Thấy thánh Phêrô không vui, thầy Dòng Đồng Công nhỏ nhẹ trả lời, “Dạ! Thưa thánh Phêrô, con tu ở Dòng Đồng Công”. Sau khi nghe thầy Dòng Đồng Công xưng danh, thánh Phêrô cúi xuống lật vài trang sách trong cuốn sổ. Cuối cùng ngài nói, vẫn với giọng nói dấm dẳng, “Thôi, vào đi”. Thầy Dòng Đồng Công không vui lắm trước thái độ bất thân thiện của thánh Phêrô, nhưng cũng không dám nói gì. Trong yên lặng thầy bước qua cửa Thiên Ðàng. Bất ngờ ngay lúc đó lại thêm một thầy dòng mặc áo đen xuất hiện ngay trước mặt thánh Phêrô. Thánh Phêrô lại hỏi, “Tu dòng nào”? “Dạ, Dòng Ngôi Lời”. Nghe tới ba chữ Dòng Ngôi Lời, thánh Phêrô đổi sắc mặt. Ngài vui hẳn lên! Hớn ha hớn hở như trẻ con được quà, ngài gọi tất cả các thiên thần trên Thiên Ðàng chăng đèn, kết hoa, ca hát chào mừng thầy Dòng Ngôi Lời. Mới đi được mấy bước, thấy sự tình như vậy, thầy Dòng Đồng Công khó chịu lắm. Quay lại, thầy Dòng Đồng Công nói với thánh Phêrô, “Con nghĩ thánh Phêrô không công bằng”! Nghiêm sắc mặt, thánh Phêrô hỏi, “Sao con lại nói vậy”? “Thầy Dòng Ngôi Lời và con cùng đi tu như nhau. Tụi con cùng sống một đời sống tận hiến như nhau. Tụi con cùng có ba lời khấn, khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời như nhau. Khi con lên Thiên Ðàng, thánh Phêrô không thèm chào đón. Còn ông thầy Dòng Ngôi Lời, thánh Phêrô gọi thiên thần chăng đèn, kết hoa, đốt hương trầm chào đón”. Thánh Phêrô chép miệng, nói, “Con không hiểu gì hết. Dòng Đồng Công của con lên Thiên Ðàng nhiều lắm! Còn cái Dòng Ngôi Lời này, lâu lắm mới được một ông”!...

- Bây giờ hiểu tại sao Dòng Ngôi Lời nổi tiếng là lác chưa? Biết chữ viết tắt của Dòng Ngôi Lời không? Ba chữ thôi, SVD. SVD là Societas Verbi Divini trong tiếng La Tinh, có nghiã là Dòng (Societas) [của] Ngôi Lời (Verbi Divini). Ðôi khi ngồi buồn buồn, viết thư cho mấy tên bạn thân, sau tên cha, cha không viết ba chữ S.V.D. mà là L.A.C.

Chữ Lác Vần Ác

Tháng 2. Trời mùa đông. Mấy ngày hôm nay, tự nhiên ấm lại. Nhiệt độ đang nằm ở những con số -10 độ F bỗng bất ngờ thay đổi. Dấu âm (-) biến mất. 10, rồi 20, rồi 30 độ F. Trời ấm! Xuân hình như chuẩn bị ghé về thăm lại miền Trung Tây Hoa Kỳ. Ðộ lác trong máu của người xuất gia nhờ thế xuống thật thấp. Sáng nay mới trả lại bài thi năm mươi câu hỏi cho sinh viên trong lớp Cựu Ước. Ăn trưa xong, đang tính đóng cửa văn phòng, len lén kiếm chỗ ngủ trưa, người sinh viên bất ngờ xuất hiện ngay trước cửa,

- Ðiểm thi của con thấp quá!!!

- ???

Tâm yên lặng nhìn, không nói gì, không muốn nói gì. Tâm nghĩ, “Không học bài, bây giờ còn than thở chi”. Tâm muốn nói, “Ðiểm thi làm sao sửa được”!

Trong yên lặng, trong bầu không khí căng thẳng, mắt người sinh viên bắt đầu đỏ hoe, bởi anh chàng biết người đang ngồi trước mặt có máu lác, lác nặng, “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tu cùng với chữ ngu một vần”! Nhưng ngay bây giờ người xuất gia biết mình có một chọn lựa, “Trăm năm trong cõi người ta”, không biết có nên tiếp tục gieo vần ác cho danh từ lác hay không? Nếu chọn vần ác, người xuất gia sẽ nói, “Còn ba bài thi nữa, cố gắng học lấy điểm cao hơn”. Nhưng Tâm thấy những giọt nước mắt châu ngọc hình như đang chuẩn bị rơi xuống!!!

Cuộc đời! Ôi cuộc đời! Càng ngày người ta càng văn minh ra, người ta càng biết cách làm khổ nhau nhiều hơn, làm cho nhau khóc nhiều hơn. Thời xưa, có người xuất gia thò ngón tay kéo ra từ vũng bùn hôi tanh một chiếc guốc mộc cho người con gái đang đứng khóc bên vệ đường. Sau khi vị tăng viên tịch, thân thể được đưa lên giàn củi đốt. Lửa cháy mấy ngày rồi, vị cao tăng đã tan ra tro bụi, nhưng ngón tay ngày xưa nhặt chiếc guốc cho người con gái vẫn còn nguyên vẹn, không tiêu tan!

Có người nói tại vị cao tăng phạm sắc giới, ngón tay ngày xưa không tan được nữa.

Tâm không nghĩ như vậy! Ngón tay không cháy tan theo ngọn lửa bởi vì ngón tay đã hóa ra kim cương bất hoại! Không muốn biển nước mắt của nhân loại có thêm dịp ngập tràn, người xuất gia quyết định cúi nghiêng người xuống vũng bùn hôi tanh! Bụt Phật nói, “Ta không vào địa ngục thì ai sẽ vào”? Bởi Bồ Ðề Tâm, vị cao tăng dám hủy hoại công lao của một đời tu hành để ngăn lại những giọt nước mắt của nhân gian. Cao tăng! Cao tăng! Ðại Cao tăng! Ðại Tự Tại, Ðại Giác Ngộ, Ðại Từ Bi!

Tâm nghĩ câu chuyện của vị cao tăng không chấm dứt ở chỗ ngón tay. Phần kết của câu chuyện chắc bị ai đó cắt bỏ đi rồi. Phần kết,

Trong lúc người ta đang thì thào bàn tán về ngón tay còn sót lại trên đống tro tàn, từ trời cao, một chú chim bồ câu trắng toát bay sà xuống, mỏ hồng đào ngậm ngón tay bay thẳng về cõi Niết Bàn. Tới trước mặt Bụt Phật, chú bồ câu nhả ngón tay xuống lòng bàn tay của Ngài. Bụt Phật mở miệng cười. Ngài cất ngón tay kim cương lóng lánh vào trong người. Và vị cao tăng hóa thành Bụt,

Ông Bụt hiền hậu soi đường dẫn lối cho cô Tấm chân lấm tay bùn, ngồi nhặt đậu xanh đậu đen, khóc như mưa!

Tâm nhìn vào mắt người sinh viên, mắt đỏ hoe. Những giọt nước mắt châu ngọc này Tâm muốn để dành cho ngày sau. Hy vọng mai này dưới đáy địa ngục, trong khi người xuất gia có máu lác đang ngồi trên đống sách vở bị đốt cháy, hai tay giơ cao, trên lòng hai bàn tay lửa cháy bừng bừng, những giọt nước châu ngọc trên khuôn mặt của người sinh viên sẽ nhỏ xuống, dập tắt bớt đi những ngọn lửa đang thiêu đốt Tâm. Ông nhà giàu ở ác, xin một giọt nước làm nguội đầu lưỡi, không ai cho, bởi ông không biết sợ. Không sợ, ông không thèm ngăn chận những giọt nước mắt của người hành khất hàng xóm Lazarus. Tâm ác với sinh viên, nhưng người xuất gia biết sợ. Sợ mai này nhập gia, sinh con bị dị hình; sợ bị đốt cháy như bà mẹ của Mục Kiển Liên; sợ mở miệng ra không ai ban phát cho một giọt nước. Biết sợ, Tâm biết ngăn lại những giọt nước mắt, để dành lại cho ngày sau.

- Thôi, về nhà học bài cho cẩn thận. Tuần tới vào văn phòng thi lại một lần nữa nhé.

Người xuất gia quyết định không gieo vần ác cho chữ lác.
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,160
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 

Postby Mười Đậu » 09 Aug 2006

Chuyện Của Bố & Của Con

Giây phút đầu tiên nhìn thằng Ðức nhỏ tí xíu, mắt nhắm chặt, ngủ như chó con trong lồng kiếng, mẹ Tiến nói,

- Thằng này giống bố.

Tiến thoạt tiên lơ là không chú ý vào lời nói của mẹ. Tiến nghĩ mẹ chàng chủ quan! Mãi sau này khi thằng Ðức lên một, lên năm, lên mười, và sau cùng mười chín tuổi, Tiến mới dần dần thấm câu nói của mẹ.

oOo

Thằng Ðức lên Một. Nhìn tấm hình của thằng Ðức chụp hôm sinh nhật một tuổi, Tiến ngỡ ngàng nhận ra nét quen thuộc trên khuôn mặt của thằng con trong tấm hình. Chàng gãi đầu. Khuôn mặt này đã thấy ở đâu rồi? Chàng gãi trán. Nhìn quen quen, quen vô cùng. Chàng vô phòng lục lại xấp hình đen trắng cũ. So sánh tấm hình chụp lúc chàng một tuổi với hình của thằng Đức, Tiến kinh ngạc nhận ra thằng bố và thằng con nhìn giống hệt như nhau. Cũng cái mặt tròn xoe như bánh đúc, tóc lưa thưa vài sợi. Cũng cặp mắt so le, bên phải hai mí, to, bên trái một mí, híp. Tiến đưa cho Bích xem cả hai tấm hình. Nhìn hình, vợ Tiến giật mình. Nàng cười cười, nửa đùa nửa thật,

- Ðúng rồi, nó giống bố chứ đâu có giống mẹ!

oOo

Thằng Ðức lên Ba, vợ chàng đau. Bác sỹ gọi hai vợ chồng vô văn phòng. Nhận được bản tin, Tiến và Bích buồn thiu!

oOo

Thằng Ðức lên Năm, lớp Mẫu Giáo, hay đánh nhau trong lớp. Chiều ghé trường đón con, chàng nhận ra những vết bầm tím xây sát trên khuôn mặt của thằng Ðức. Cô giáo nhìn Tiến, giọng ngần ngại,

- Ðức…Ðức nó xô thằng bé đứng trước mặt té xuống sàn nhà trong khi xếp hàng ăn trưa... Tôi can mãi mới đẩy ra được cả hai. Y tá lấy dầu nóng BenGay bôi rồi! Ông yên tâm.

Nhìn mặt thằng Đức như cái mền rách, Tiến xót xa trong lòng, khó chịu với cô giáo. Trên đường về nhà, thằng Ðức ngồi im không liến thoắng như mọi hôm. Tiến gợi chuyện,

- Sao bầm dập vậy hả con?

Thằng bố hỏi, thằng con không trả lời, mắt nhìn xa vắng.

- Nói cho bố nghe đi…

Sau hai ba lần cóc bố xuống giọng ngọt ngào, cóc con mới chịu mở miệng,

- Tại nó…tại nó nói con…giống…giống con gái!

Tiến kinh ngạc trợn tròn mắt! Hồi nhỏ chàng trắng như bột, giọng nói nhỏ nhẹ. Trong lớp Tiến hay bị bạn bè gọi là con gái. Quê! Chàng nổi nóng. Tức! Tiến đánh lộn. Gần như ngày nào chàng cũng bị cô phạt, bị thầy đánh. Có bữa còn bị thầy bắt quỳ trên vỏ mít. Thời thơ ấu, chàng te tua như cái mền rách!

Tiến kể cho mẹ nghe chuyện thằng Đức bị bạn trong lớp gọi là con gái. Mẹ chàng cười nói thằng Ðức năm tuổi giống Tiến khi còn nhỏ từ tính tình cho tới vóc dáng. Chàng chép miệng, “Hèn chi”!

oOo

Thằng Đức lên Năm, lớp Mẫu Giáo, thỉnh thoảng bĩnh ra trong quần. Đón con về, chàng thấy thằng nhỏ mặc bộ quần áo mới. Cô giáo phân bua,

- Ðức…Ðức, nó…ấy ra trong quần!

Về tới nhà chàng kể cho bà nội nghe trường thiên tiểu thuyết hồi hai của thằng cháu. Mẹ Tiến cười nói khi chàng còn nhỏ, thỉnh thoảng sau giờ tan học tự nhiên trước cửa nhà có tiếng hò hét ồn ào như chợ vỡ, “Thằng Tiến ỉa đùn! Thằng Tiến ỉa đùn”! Mẹ chàng chạy ra nhìn thấy thằng con đang mãnh hổ nan địch quần hồ, một tay lúng túng che quần đùi, tay kia cố gắng xô đẩy những thằng bạn học yêu dấu ra khỏi sân nhà. Mang Tiến vào, mẹ chàng tắm rửa lại từ đầu. Nhưng chứng nào tật ấy, mèo lại hoàn mèo. Tiến ngoài mặt hung hăng, nhưng trong bụng chết nhát. Trong lớp nhột bụng, sợ thầy sợ cô, Tiến không dám giơ tay xin phép. Tiến cố gắng nhịn, nhịn tối đa, nhịn hết cỡ. Có những lúc được, có những lúc không. Lúc nhịn được, đời tiếp tục trôi qua trong thanh bình, trong hạnh phúc. Có những lúc không, thế là xong, thế là tàn đời, thế là mền rách, thế là te tua!

Bây giờ con chàng, thằng Ðức, học đòi tính nết của bố, ngoài mặt hung hăng, nhưng trong lòng chết nhát. Tiến bắt chước mười bảy vua Hùng Vương gọi, “Bố ơi! Về cứu”.

Cũng bởi chương thứ hai trong tập truyện dài của thằng Đức, mẹ chàng lại tiếp tục,

- Thằng này càng lớn càng giống bố!

Tiến không dám nói chi, nhưng nghĩ thầm trong bụng, “Nó là con của con, không giống bố nó thì giống ai? Chẳng lẽ giống ông hàng xóm hay sao”?

oOo

Thằng Ðức lên Mười, lớp Năm, học toán dốt. Toán thường thường ăn điểm F. Bích lo lắng,

- Sao thằng Ðức yếu môn toán quá?

- Cũng không hiểu. Hy vọng khi lớn lên một chút, nó khác đi. Hay là…

Tiến muốn nói hay là nó giống anh hồi nhỏ, nhưng kịp thời ngậm miệng lại. Một đời ở với nhau chưa bao giờ chàng dám hé miệng nói cho vợ biết hồi còn nhỏ chàng sợ toán hơn sợ ma. Nhiều lần chàng muốn bỏ học đi chăn vịt phương Nam bởi những bài toán đố của lớp Ba, lớp Bốn,

Một ngày có 24 tiếng đồng hồ. Một năm có 365 ngày. Một năm có bao nhiêu tiếng?

Một năm có bao nhiêu tiếng, ai mà biết! Tiến gãi gãi đầu thở than nhìn quanh quẩn kiếm tìm. Ánh mắt của Tiến đụng phải tia nhìn nghiêm khắc của ông thầy lớp Ba. Tiến cúi xuống cắn đầu viết chì, bây giờ làm toán chi? Cộng? Trừ? Nhân? Chia? Tiến lấy 365 chia đại cho 24. Nộp cuốn tập Toán đố lên. Ngày hôm sau, chàng nhận về cặp trứng vịt tròn vo. Lớp Sáu, chàng hoàn toàn mất căn bản về toán. Con gái trong lớp không thích chàng bởi Tiến dốt toán. Lớp Mười, lớp Mười Một, lớp Mười Hai, Tiến không có bồ, bởi con gái không thích cặp kè với một thằng dốt, một thằng coi trai phải thường xuyên cọp-dê những bài toán của những cô bạn học trong giờ thi. Những chuyện động trời như thế này, làm sao Tiến dám kể cho Bích nghe.

oOo

Thằng Đức lên Mười, lớp Năm, viết luận văn giỏi. Những bài luận tiếng Anh trong trường điểm rất cao. Tiếng Việt của thằng Ðức làm nhiều người ngạc nhiên. Từ khi thằng Ðức học Mẫu Giáo, Tiến bắt đầu dạy con tiếng Việt. Bà nội và cháu ở nhà đàm thoại tiếng Văn Lang với nhau hằng ngày. Bà yêu cháu, cháu yêu bà. Bố mẹ đi làm chưa về, thằng Ðức quấn lấy bà, hỏi hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện mùa thu, nhìn thấy lá vàng rơi, thằng Ðức nói,

- Bà ơi, cái lá đang bị té!

- Lá không có té. Ðức mới té. Cháu phải nói là cái lá đang rơi.

- Bà ơi, sao Ðức té mà cái lá không té?

Thằng Ðức đi học về, có chuyện gì vui kể cho bà nghe. Bà không hiểu tiếng Anh, dỗ cháu kể lại trong tiếng Việt. Tuần ba lần Tiến dạy con tiếng Việt. Cuối tuần chàng đưa con tới trường Việt Ngữ. Tiếng Việt thằng Ðức nói giọng Bắc khiến nhiều người kinh ngạc. Họ không tin con Tiến chôn nhau cắt rốn ở xứ Cờ Hoa, chưa bao giờ thấy nước non Hồng Bàng của nó.

oOo

Thằng Ðức của tuổi Trung Học từ tâm. Gặp người nghèo đứng xin tiền bên đường, nó dừng xe lại, thản nhiên móc tiền ra cho, cho hết.

- Con biết họ không có dùng tiền của con để mua thức ăn nhưng rượu, bia, thuốc lá, xì ke.

- Con biết.

- Vậy sao còn cho?

- Con thấy tội nghiệp họ quá!

Bà cụ Emily già móm mém nhà bên cạnh, ở một mình. Trời tuyết ngập đường ngập xá. Thằng Ðức vác xẻng sang xúc tuyết cho bà cụ. Bà cụ trả tiền công, nó không lấy. Giáng Sinh bà hàng xóm mua quà cho nó, có khi áo len, có lúc đôi giầy, thằng Ðức hết đường từ chối. Khi có dịp, nó gửi tặng bà cụ chả giò không có nước mắm.

Tiến hỏi,

- Sao con hay làm chuyện chùa vậy?

- Con sợ bà cụ già rồi, tuyết trơn dễ té.

Vui miệng, bà nội chen vào, chọc quê thằng cháu,

- Sao cháu không nói là dễ rơi?

Bởi thằng cháu nội từ tâm, bà lại kể chuyện xưa tích cũ. Mẹ Tiến nói hồi còn nhỏ chàng dám xúc gạo cho những người ăn xin đến gõ cửa, mặc dù biết gạo trong nhà đã đụng đáy lu. Có một thời mẹ chàng nghĩ lớn lên chàng sẽ đi tu. Ði tu? Chàng mà đi tu! Khó lắm!

Thằng Ðức càng lớn, từ tâm càng dạt dào. Bắt chước mẹ, Tiến nói,

- Hay là con đi tu đi.

Thằng Đức bĩu môi,

- Đi tu? Con mà đi tu?

Mẹ chàng kết luận,

- Thằng này giống bố.

Nghe mẹ chồng ca câu vọng cổ quen thuộc, Bích đứng dậy bỏ đi, buông nhẹ lại một câu sau lưng,

- Mẹ nói đúng, nó đâu có giống con.

Tiến liếc nhìn mẹ, mẹ chàng lặng yên! Tiến nhìn theo vợ, bóng của Bích vừa khuất dạng sau cánh cửa. Tiến lưỡng lự.

…Máu huyết của cả hai cộng lại, thằng Ðức xuất hiện trong cuộc đời. Càng lớn, nó càng giống bố. Thằng Ðức của tuổi thanh niên thân với bố, hay kể cho bố nghe chuyện của tuổi thanh niên. Tiến không hiểu rõ tại sao thằng Ðức không thân với mẹ của nó. Chàng đoán có lẽ Bích nóng tính, hay la thằng con sảng. Nhiều lần Bích cự nự là Tiến chiều con. Chiều con? Tiến không chiều con. Chàng yêu. Tiến yêu mẹ, yêu vợ, và yêu con.

Yêu mẹ, chàng muốn mẹ già sống hạnh phúc, sống thanh bình. Bố chàng bệnh hoạn triền miên. Mẹ Tiến thân cò lặn lội bờ ao, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Sáng, mẹ chàng dậy sớm, xông pha chốn sa trường, mang gạo về nuôi một bầy con. Tối khuya mẹ chàng về tới nhà, ngủ, chuẩn bị cho một ngày mới. Đầu tháng mẹ chàng xanh mặt bạc tóc đóng tiền học cho chín đứa con. Tiền sách, tiền vở, tiền ăn sáng của cả gia đình, một mình mẹ Tiến lo hết. Đến bây giờ chàng vẫn không hiểu sức mạnh nào có thể tiềm tàng nổi trong cái cơ thể không bao giờ nặng hơn 50 ký lô đó, cái cơ thể mỏng manh như tờ giấy qua cầu gió thổi bay vèo. Chính khối sức mạnh nhỏ nhoi đó đã đẩy tới, đóng vàng cho cả chín đứa con vượt biên sang tới đất Hoa Kỳ.

Yêu vợ, Tiến ra ngẩn vào ngơ khi Bích vắng mặt cuối tuần với công chuyện của hãng. Tối ngủ một mình, nhớ vợ, chàng trằn trọc! Mình ơi! Sao mình đi đâu mãi không chịu về! Anh sợ, sợ nếu có chuyện gì xảy ra, anh sẽ chết, chết héo hon vì nhớ vợ, chết mỏi mòn vì nhớ gái một con! Bích, gái một con trông mòn con mắt. Gái một con nhiều lúc khiến Tiến mệt vì ghen. Yêu vợ, vợ cự nự, chàng yên lặng. Mẹ Tiến nói chàng sợ vợ. Sợ vợ? Tiến không sợ, nhưng yêu vợ. Yêu vợ, chàng không tranh cãi với vợ để được chiêm ngắm nụ cười của Bích, nụ cười lung linh tia nắng bình minh chiếu rọi vào tâm hồn phiền muộn đêm đen của chàng. Anh sợ, anh sợ vào một ngày nào đó, em không chịu cười với anh nữa. Bình minh không tới, đời sống địa cầu tan loãng vào hư không. Khi đó anh sẽ chết, chết chắc!

Yêu con, Tiến muốn thằng Đức hạnh phúc, hạnh phúc tràn đầy. Thứ Bẩy, Chúa Nhật, chàng không vô hãng, ở nhà với con. Tiến hay giỡn hay nói chuyện với thằng Ðức. Bích nóng hay la thằng con sảng, bởi vậy có một lần Tiến thấy thằng Ðức ngồi trong phòng, mắt đỏ hoe. Thấy bố, nó cúi đầu, không nói chi. Ngồi xuống bên cạnh thằng con, thằng bố ngân nga,

- Lan huệ sầu ai, lan huệ héo? Lan huệ sầu đời, trong héo...

Thằng Ðức chớp chớp mắt. Tiến tiếp tục,

- Ngoài…ngoài cũng te tua!

Thằng Ðức bật cười, nụ cười trong trẻo ngập tràn nắng ban mai của mẹ nó. Thế là mùa đông băng tuyết tan biến, mùa xuân hoa nở ngập tràn; thiên đàng mở rộng cửa, hỏa ngục cửa đóng lại...

Tiến đứng dậy bước tới đẩy nhẹ cánh cửa căn phòng riêng. Bích nằm trên giường, mặt quay ra ngoài cửa sổ. Tiến leo lên nằm cạnh vợ. Yên lặng gặp gỡ yên lặng; dài hơn một thế kỷ. Yên lặng đưa tay sang ôm vợ; vẫn yên lặng. Yên lặng cất giọng thì thào,

- Hay là anh liên lạc với Sở Xã Hội, kiếm thêm cho em một đứa con…một đứa con gái…

Người yên lặng mềm ra.

- Một cô con gái đẹp…đẹp như vợ của anh.

Yên lặng chờ đợi yên lặng. Cuối cùng yên lặng chầm chậm quay mặt lại, đầu dựa vào ngực chồng,

- Mình ơi! Em buồn quá!

- Anh biết. Anh cũng buồn!

- Em muốn có thêm một đứa con nữa.

- Anh biết.

Tiến xoa lưng vợ nhè nhè, ru vợ chìm vào giấc mộng. Anh ước, anh ước chi thằng Ðức là con gái. Con gái của mình cười tươi như em. Con gái của mình sẽ làm khổ nhiều thằng con trai như em đã một thời làm khổ anh!

oOo

Thằng Ðức Mười Chín tuổi, năm thứ nhất đại học biết yêu mặt mày ngơ ngác. Bích nói,

- Thằng Ðức kỳ này nó làm sao đó, dặn trước quên sau. Hôm qua nói nó ra chợ mua thìa là nấu cháo cá. Nó đi một hồi, về tay không. Em hỏi, “Thìa là đâu con”? Anh biết nó nói sao không?

- Gặp cái bang đứng trước cửa chợ, con lấy tiền đưa hết cho họ???

- Không phải. Nó hỏi lại em, “Mẹ nói gì”?

oOo

Chiều thứ Bẩy Tiến dẫn thằng Đức ra quán Starbucks uống cà-phê Mocha. Trời mùa thu, lá vàng rơi. Thằng Ðức thích nhìn lá vàng “té” y như bố bên ly cà-phê Starbucks. Nhưng ngày hôm nay nó biếng nói biếng cười. Thằng bố gợi chuyện, thằng con không nói, mặt đăm chiêu xa vắng. Tiến xếp lại 13 lá bài, tìm đường binh mới,

- Con có biết làm sao bố quen với mẹ không?

Thằng Ðức nhìn bố, ngạc nhiên,

- Làm sao con biết?

- Con thân với bà lắm mà. Bộ bà nội chưa bao giờ tố bố với con sao?

- Chưa, chưa bao giờ. Bà cũng biết chuyện hả bố?

- Bà biết. Hồi đó bà chửi…bà chửi bố…dại gái. Có một lần, hồi chưa lấy bố, mẹ con tới nhà chơi. Bà tỉnh bơ nói, “Thằng Tiến đi tu rồi”!

Mắt thằng Đức trợn tròn,

- Thật hả bố.

- Ừ!

- Mẹ giận không bố?

- Không! Bố tái mặt, nhưng mẹ con tỉnh bơ tiếp tục cười nói liến thoắng. Lúc đưa mẹ con ra xe, bố xin lỗi về lời nói của bà. Con biết mẹ con nói sao không? Mẹ con nói, “Em yêu anh, em chẳng ngán ai hết”!

- Mẹ lỳ thật.

- Ừ, hồi đó bố gặp mẹ con trong quán cà-phê. Mẹ hai mươi tuổi, buộc tóc đuôi gà, lái xe số tay, nụ cười dòn tan. Mẹ con qua đây một mình từ hồi còn nhỏ xíu với bà cô. Sau nhiều lần bị bà cô cự nự, con gái hai mươi tuổi dọn ra ở riêng một mình, vừa đi học vừa đi làm. Bố đi ra quán với mấy người bạn. Thấy mẹ con, mấy người bạn của bố tán sàn sạt. Biết cô hàng cà-phê thích thơ, có thằng còn mang chuyện thơ văn ra tán tỉnh. Bố yên lặng không biết nói chi. Có hai ba lần, bố ra quán cà-phê một mình. Mẹ con mang cà-phê tới…

Thằng Ðức liếc nhìn, chờ đợi. Tiến tiếp tục,

- Nhưng bố không nói chi.

Thằng Ðức nhăn trán, thắc mắc. Tiến cười,

- Tại bố thấy mẹ con xa vời quá. Lúc nào cũng có bao nhiêu người vây chung quanh mẹ con. Bố nghĩ chắc với không tới. Nhưng biết mẹ con, bố te tua. Có một lần, xỉn, bố…bố lái xe…vượt đèn đỏ!

Thằng Ðức nhìn Tiến. Nó đưa tay ra nắm lấy tay chàng; bàn tay con bóp chặt bàn tay bố,

- Rồi sao bố lấy được mẹ?

- Hai năm sau, bố gặp lại mẹ trong trường Việt Ngữ của con. Bố dạy chung với mẹ con lớp Mười Hai, Lớp Văn chương.

- Mẹ có nhận ra bố hay không?

- Không, mẹ con có để ý đến bố bao giờ đâu. Dạy học chung với nhau được một tháng, mẹ mới chịu cười với bố. Người tình cũ nổi giận kiếm bố đòi bắn! Bà khóc! Bởi vậy hồi xưa bà không thích mẹ con. Bà nói bố dại gái.

Tiến kết thúc câu chuyện,

- Từ hồi bắt đầu biết yêu cho tới ngày mẹ yêu bố, bố ghét trời, bố ghét đất, tại sao sinh ra bố? Khi mẹ yêu bố, mẹ chịu cười với bố, mùa đông biến mất, mùa xuân ngập tràn. Khi được yêu, bố tạ ơn trời, tạ ơn đất đã sinh ra bố. Khi được yêu, bố lật sang một trang sách mới, trang sách của mùa xuân. Trong chương sách mới này, con xuất hiện, con tô đậm thêm mùa xuân của riêng bố. Con là mùa xuân của bố.

Tiến dừng lại bởi chàng thấy hai con mắt của thằng Ðức long lanh những giọt nước mắt. Những hạt châu tràn đầy khóe mắt, rơi xuống sàn nhà, vỡ ra tung tóe. Tiến nắm lấy tay con bóp nhẹ.

- Bố ơi, con giống bố!

- Bố biết!

- Có một lần, con lái xe vượt đèn đỏ!

- !!!

oOo

Tiến hỏi mẹ,

- Mẹ ơi, tại sao hồi thằng Ðức mới sinh ra, mẹ nói, “Thằng này giống bố”?

Mẹ chàng đăm chiêu, xa vắng,

- Sau khi sinh con, mẹ bị băng huyết ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, mẹ thấy con đang nằm ngủ bên cạnh. Ngày mẹ nhìn thấy thằng Ðức nhỏ như cục kẹo trong lồng kiếng của bệnh viện, mẹ giật mình, bởi mẹ thấy lại hình ảnh của con ngày xưa. Cũng cái mặt đó, cũng con mắt đó, cũng hình dạng đó, chỉ có cái miệng là khác. Càng lớn, nó càng giống mày.

Thằng Đức giống bố, Tiến biết nó sẽ te tua, sẽ khổ dài dài nhất là về đường tình ái! Tiến hy vọng con chàng sẽ chỉ khổ trong một khoảng thời gian ngắn thôi. Cuối cùng giống như thằng bố, mùa xuân sẽ ngập tràn trong tâm hồn của thằng con. Mẹ nó một thời làm khổ chàng. Nhưng cũng người đó đã mang lại cho chàng một mùa xuân mới; một mùa xuân có mẹ già ngọt ngào như chuối ba hương, có vợ một con trông mòn con mắt với nụ cười tươi hơn nắng bình minh, và có thằng con, giống bố như lột.
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,160
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 

Postby Mười Đậu » 09 Aug 2006

Con Sâu, Con Nhộng & Con Bướm

Con Sâu

Vậy là con sâu chuyển mình, nóng sốt. Thế là con sâu nằm trong kén, ốm nặng. Năm nào cũng vậy, con sâu phải dính một trận cúm nặng, phải ho nát gan nát phổi, phải hỉ ra bao nhiêu mầu xanh xanh, phải đổi giọng mất tiếng nói khoảng một hoặc hai tuần lễ.

Hồi mới sinh ra, con đầu lòng thiếu tháng, nó bị nhốt trong lồng kiếng gần hai tuần. Sau một năm, nó cao lớn bình thường như những đứa trẻ một tuổi, nhưng hay đau ốm cảm cúm xụt xùi vào mùa đông. Ba nó nói tại cục Amiđan ở cổ; khi trời lạnh, cục thịt dư sưng lên; thế là đau, vậy là ốm. Năm nay nó lại cúm. Không biết nó bị cảm lạnh là tại cục thịt dư như lời ba nó nói, hay là tại những con siêu vi khuẩn cảm cúm bay ngập tràn trong căn phòng kiếng của hãng, hay là tại tối hôm thứ Tư vừa rồi, trời lạnh, nó đứng ngoài sân nhà hút thuốc.

Nó hút thuốc cũng khá lâu rồi. Có lẽ từ hồi trung học. Tại áp lực của bạn bè? Chắc vậy. Má nó ghét thuốc lá. Ba nó không hút. Ngũ quỷ, bốn đứa em trai cũng không. Con em út, con gái còn nhỏ không tính. Từ lớp Mẫu Giáo cho tới Lớp Mười Một, nó chưa bao giờ đụng tới điếu thuốc nói chi đến chuyện hút. Nó nhớ hồi còn nhỏ theo ba má về Việt Nam thăm họ hàng. Nó thấy người Việt Nam hút thuốc khắp nơi, miệng hôi thật hôi! Nhăn trán, bịt mũi, nó kêu, “Hôi quá!” khi người ta thả khói thuốc vào mặt nó! Họ hàng thì thào, nói với nhau,

- Thằng Mỹ con này khó tính như quỷ.

Có một lần mấy thằng bạn lớp Mười Một đè nó ra, nhét thuốc cháy đỏ vào miệng. Mấy thằng còn lại thọt léc nó. Nó cười sặc sụa, hít vào. Cuối tuần nó hay la cà tại những quán bida với mấy đứa bạn. Quán bida nào cũng vậy, khói thuốc bốc cao ngập trần nhà. Bạn nó bên bàn bida, con gái cũng như con trai, đứa nào cũng hút thuốc. Thấy nó không hút, mấy con nhỏ nhìn nó, ánh mắt khinh bỉ. Có cô cười nhếch mép,

- Nếu mày không hút thuốc, tới đây làm chi? Sao không lên San Francisco mà thục bida?

Nó đỏ bừng bừng như mặt trời ửng hồng mùa hè. Tự ái con trai tổn thương nặng nề. Cuối cùng nó cầm điếu thuốc đưa lên miệng. Giờ này đã hơn mười năm rồi, nó hút thuốc không ngừng, hút liên tục, hút không cho lá phổi nghỉ ngơi dù chỉ là một ngày. Sáng, mở mắt ra, hai điếu. Tối, nhắm mắt lại, hai điếu. Trong ngày tùy hứng. Nếu hứng, đốt hết hơn một gói; không hứng, xấp xỉ khoảng một bao.

Cô bạn gái đầu tiên thời trung học, sinh nhật nào của nó cũng mua tặng nguyên cây thuốc Malboro đỏ hộp cứng, gói chung với cái áo sơ-mi cổ 15½ có hai cúc, tay 30/32. Hai đứa hôn nhau, cô thì thào nói không có mùi thuốc Malboro, em có cảm tưởng hôn người khác. Nó nhìn, nhăn mặt, hỏi, “Ai?”. Chuyện tình chó con, bởi hai đứa cuối cùng cũng bỏ nhau. Giờ này cô ta bán bảo hiểm. Có một lần nó gặp người tình cũ đi trên phố với chồng với con. Thằng con có nét mặt của thằng bố. Nó thắc mắc không biết nếu hai đứa lấy nhau, đứa con sẽ giống ai. Nó thắc mắc không biết người chồng của người tình xưa có hút thuốc hay không. Len lén đi theo một hồi, nó tới gần chào hỏi, móc thuốc mời. Người chồng lắc đầu nói tôi không hút thuốc. Kéo đứa con tránh sang một bên, người tình ngày xưa nhăn mặt nhìn người tình cũ phun khói thuốc mịt mù. Tối hôm đó, nó thắp nhang vái tám phương tứ hướng, cúng giải oan cho một chuyện tình.

Cô bạn hồi đại học không hút thuốc, nhưng học xong hai đứa hay dẫn nhau đi ăn. Thấy nó hút, cô hút theo. Nó trợn mắt, “Khùng hả?”. Sang năm thứ ba, không một lời giã từ, cô ta đổi trường đại học. Mùa Giáng Sinh gặp người tình âu yếm một người thanh niên mặt trắng đeo kính trong tiệm ăn, nó ghé lại bàn hỏi chuyện. Mời thuốc, tình nhân không hút mặt lạnh lùng xa vắng. Tối đó về tới nhà, nó đốt hết một gói thuốc. Ánh sáng trời cao rọi sáng tâm hồn tối đen, nó hiểu nhiều hơn về tình yêu. Nó nhớ lại truyện cổ tích thời Hồng Bàng. Nó hiểu tại sao Thủy Tinh dâng nước đòi Mỵ Nương. Nó? Nó không dâng nước, nhưng đi kiếm Mỵ Nương khác.

Người thứ ba đặc biệt hơn. Cô nói,

- Anh muốn hút thì cứ tự nhiên. Nhưng nếu có chuyện chi xảy đến với anh bởi thuốc lá, em sẽ đi kiếm người khác, coi anh như một dĩ vãng.

Nó ngạc nhiên nói,

- Nếu anh chết vì lý do khác? Thí dụ…bị mấy người khùng căn me bắn sẻ ngoài đường phố. Hoặc…anh bị đụng xe?

Cô ta nói,

- Nếu vậy, em sẽ ở góa, thờ anh cả đời.

Nhưng rồi cô ta cũng bỏ đi mất. Người ta bỏ nó hơn một tháng rồi. Hãng thuốc lá và hãng rượu kiếm thêm được bao nhiêu tiền trong vòng gần một tuần lễ.

Càng ngày người Hoa Kỳ càng chủ trương bài trừ thuốc lá. Mọi nơi người ta cấm hút thuốc. Khắp nơi người ta đối xử với dân hút thuốc như công dân hạng hai trong xã hội. Bao nhiêu đại phi trường quốc tế trên đất Hiệp Chủng Quốc dẹp bỏ Phòng Hút Thuốc. Bình thường thì cũng không sao, nhưng sau biến cố ngày Mười Một tháng Chín, để hút được một điếu thuốc trong khi ngồi chờ đợi tại phi trường, nó phải vượt qua bao nhiêu hàng rào lính vũ trang ngập tới miệng. Hút xong hai điếu thuốc bên ngoài cửa phi trường, nó lại phải cởi giầy, cởi áo khoác, cởi thắt lưng, quần trễ tới rốn, cởi đồng hồ, móc bóp ra trình bằng lái xe, vượt cạn một mình qua hàng rào nhân viên an ninh dầy đặc như kiến đen. Thoát qua được khung cửa dò kim khí có hình dạng như máy chém thời Tây thuộc địa, nó hoàn hồn sờ lại cổ, loay hoay buộc lại dây giầy, mặc lại áo khoác, thắt lại giây lưng, đeo lại đồng hồ, cất bằng lái xe vào lại trong bóp. Bởi cửa ải đoạn trường tại những sân bay, mỗi một lần bay, lại thêm một lần nó có thêm nhiều lý do để ghét bỏ Osama Bin Ladin.

Trong hãng, nơi nó đang làm, tự dưng người ta dẹp bỏ Phòng Hút Thuốc. Thế là cả đám con cái của rồng phun khói phun lửa phải dẫn nhau ra đứng ngồi lổm nhổm ngoài trời. Mùa hè thì cũng không sao. Gặp lúc trời lạnh, tuyết đổ, hút được một điếu thuốc cũng thấy nhọc nhằn. Có một lần, đang đứng phì phèo trong giờ giải lao, xếp đi ngang qua. Nhìn thấy nó, xếp khinh bỉ nói,

- Không biết mắc cở hay sao?

Nó tính cãi, “Xếp ơi, em hút thuốc hay không thì có liên can chi đến ai. Em hút thuốc, em đứng nơi công cộng. Em không trốn trong phòng lén lút uống rượu uống bia. Em không nấp trong xó nhà len lén coi phim nhà nghèo. Em không dối vợ trốn con chui lên Las Vegas cờ bạc đỏ đen, bán nhà bán cửa”. Nhưng nhớ lại thân phận bọt bèo của mình ở trong hãng, nó cười gượng gạo.

Cơ hội rồi cũng tới. Có hai ba lần, bị mấy người dưng nước lã tỉnh bơ lên lớp về vụ hút thuốc, nó cười nhếch mép,

- Cám ơn. Ba má tôi còn sống đầy đủ.

Thế là lặng yên. Thế là hết chuyện. Nhưng đoạn trường tại sân bay và kỳ thị dân hút thuốc không phải là nguyên nhân chính khiến con sâu muốn nhả sợi tơ xây tổ kén làm con nhộng.

Càng ngày thuốc lá càng trở nên mắc mỏ, bởi chính phủ Mỹ chơi ác, nâng cao tiền thuế thuốc lá, nại cớ lấy tiền đó chữa bệnh ung thư phổi và những bệnh hiểm nghèo liên quan đến khói thuốc. Mỗi ngày nó tốn khoảng 5 đô la xanh lè cho 20 điếu thuốc đốt cháy hai lá phổi. Làm một con toán nhân đơn giản, một tháng nó phải xuất ra trên dưới 150 đô la cho mây cho khói. Nó chép miệng, “Phí phạm vô ích”. Nhưng tiền bạc cũng không phải là nguyên nhân chính khiến nó muốn trở thành con nhộng, bỏ, thôi không hút thuốc.

Càng ngày sức khỏe của nó càng tệ đi. Năm vừa rồi nó đau hai lần trong vòng một năm. Mùa thu cảm. Mùa xuân cúm. Cách đây hơn ba tuần, trời cuối tháng Mười trở lạnh, nó ho, ho liên tục trong vòng ba ngày. Ngày thứ tư nó ho văng ra một cục nho nhỏ mầu vàng bằng khoảng đầu đũa, mùi hôi hôi. Ngày thứ năm nó ho ra máu. Cục đàm bay ra để lại hai mầu trên miếng giấy lau tay, một mầu xanh xanh, một mầu đỏ tươi. Nó nóng lạnh nhìn bức tranh lập thể hai mầu. Nó không biết tại phổi của nó lủng lỗ chỗ như tổ ong hay tại vì ho, cổ họng xây xát đổ máu đỏ. Nó nghĩ tới bác sĩ, tới nhà thương, tới ung thư phổi, tới những ống những giây lòng thòng quấn quanh người. Nó ớn lạnh liên tưởng tới giường bệnh trải khăn trắng. Nó rùng mình nghĩ tới bệnh ung thư. Có thể nó sẽ bị ung thư cổ. Người ta sẽ đục cổ nó, nhét vào một cái còi để nó nói giống như ông bố của thằng bạn. Ông ta hút thuốc hơn ba mươi năm rồi. Sáng thuốc lào. Chiều thuốc lá. Giờ này ung thư cổ. Tàn đời. Ngồi trên xe lăn, muốn gì, ông bóp cái còi ngay cổ. Kèn kêu toe toe, thằng bạn chạy lại, đổ bô thay tã. Tối hôm đó nó mơ bị ung thư cổ, ho ra một đống máu rồi ngã lăn ra bất tỉnh. Tưởng nó chết, người ta khiêng xác quẳng vào quan tài. Bị vướng cái kèn trên cổ, nó nói không được. Nó vội vàng bóp cái kèn. Kèn kêu toe toe. Nhưng người ta đã đậy nắp hòm lại. Tiếng đinh tiếng búa đóng nắp quan tài vang dội che lấp tiếng kèn. Nó ngộp thở. Dãy dụa, hét lớn, “Toe toe toe! Cứu tôi với!”. Vùng dậy, nó tỉnh cơn ác mộng. Người nó lạnh toát, cổ khô đắng nghét, da nổi sần sượng, trán đổ mồ hôi. Nó nhớ lại, hơn mười năm rồi hút thuốc. Cục đàm xanh lè đỏ tươi sáng nay chạy đuổi sâu vào trong giấc ngủ. Nó sợ! Nó nghĩ tới việc bỏ thuốc. Nó nghĩ tới hình ảnh của con sâu bướm. Lông lá lởm chởm bởi khói thuốc, da mốc sần sùi bởi nhựa nicôtin, con sâu thuốc lá sẽ chui vào tổ kén, bỏ, thôi không hút thuốc, hóa thành con nhộng lặng lẽ chết đi đợi chờ một ngày mới. Ngày đó nhộng sống lại, cắn rách kén, chui ra làm bướm, tự do bay nhảy. Nhưng cục đàm xanh lè vương máu đỏ cũng không phải là nguyên nhân chính khiến con sâu muốn chuyển mình biến thành con nhộng.

Con Nhộng

Tối thứ Tư giữa tháng Mười Một, cơ hội để con sâu biến thành con nhộng đã tới. Bà chủ nhà dáng thướt tha, khó tính, không cho người mướn phòng hút thuốc trong nhà, ngay cả trong căn phòng riêng tư của nó, căn phòng 350 đô la một tháng bao điện nước. Chiều hôm đó nó về tới nhà trễ sau khi xếp gãi tai, cười tươi với hai mươi mấy đứa nhân viên. Cả đám phải ngồi lại trong hãng làm thêm sáu tiếng. Về tới nhà, nó đứng sau sân vườn dưới mái hiên chơi luôn hai điếu thuốc. Khói thuốc nồng nàn thấm sâu vào từng tế bào hai buồng phổi. Khói quyện tròn hòa tan trong máu. Người nó lâng lâng bay bổng. Trời tháng Mười Một, gió thu thổi xôn xao, gió bấc thổi ớn lạnh. Nó ngứa mũi, ắt xì liên tục! Di di tàn thuốc dưới chân, nó bỏ vô nhà, chui lên giường nhắm mắt, ngủ thẳng một mạch.

Sáng thứ Năm, nó choàng dậy, căn phòng lạnh ngắt. Nó hắt hơi liên tục. Ắt xì! Ắt xì! Ắt xi! Mười cái ắt xì đều đặn. Mỗi lần ắt xì cách nhau khoảng 5 giây. Ba lần đầu chưa có chi. Lần thứ tư ớn lạnh trong người. Thêm một lần ắt xì, thêm một lần ớn lạnh. Nó nghĩ chắc mình sẽ bị cảm. Rửa mặt, mặc quần áo, nó đề máy nhập vào dòng xe cộ đỏ chói trên xa lộ. Tới giờ ăn trưa, mắt nó hoa lên, người nóng sốt. Xếp cai nhìn nó,

- Mày có sao không? Sao mặt xanh lè vậy?

Mặt xanh lè? Lạ kỳ chưa? Người nó đang nóng ran như than hồng BBQ, sao mặt lại xanh lè được? Nó mua dĩa cơm, nhưng ăn không hết, bởi lưỡi khô ran, cổ họng đắng nghét. 3 giờ chiều, nó hy vọng xếp đừng nhăn nhăn mặt, đừng lởn vởn đi tới đi lui, đừng gãi tai, đừng cười cầu viện với nhân viên giống như ngày hôm qua. Giờ này tiền bạc chỉ là mảnh giấy vụn! Giờ này nó chỉ muốn được nằm dài trên giường, không làm chi hết. Đồng hồ gõ nhịp, Boong! Boong! 3 giờ 30 chiều. Nó đứng dậy. Về tới nhà, len lén vặn vòi hoa sen nước nóng phòng tắm lên hết cỡ, nó tắm hơi. Tính nhờ bà chủ cạo gió, nhưng nó chợt nhớ tới ông chủ nhà mặt mày bậm trợn, có tính ghen. Nó dặn lòng, thôi, né đi; không nên chơi dại! Nó ăn mì, mì không hương không vị. Đổ một nửa tô mì vào thùng rác, nó ra sân nhà đốt thuốc, nhưng miệng sao nhạt phèo. Hơi thuốc vô vị, đắng, nhạt nhẽo như nước cháo nguội. Có lẽ đau nặng, chắc gà toi rồi. Hút không hết điếu thuốc, nó thở dài nhìn đầu lửa đỏ và khói thuốc đang dần dần tan loãng vào trong thinh không. Di di điếu thuốc dưới chân, nó bỏ vô phòng. Trước khi leo lên giường ngủ, nó uống hai viên thuốc cảm.

Sáng thứ Sáu, nó gục luôn. Nằm trên giường, nó gọi vào trong hãng nói, “Xếp ơi, em bị cúm, cúm nặng!”. Nói xong, nó chìm vào giấc ngủ nặng nề. Bà chủ nhà gõ cửa,

- Tui thấy xe chú còn đậu trong sân... Chú đau hả? Mặt sao xanh lét vậy? Ăn cháo không? Tui nấu. Hay là để tui cạo gió cho.

Nó nhìn người đàn bà. Giờ này ông chồng đi làm, mấy đứa con đã đi học. Bà chủ nhà hình như mới ngủ dậy. Chắc là không phải, bởi tóc tai chải bới gọn gàng như thế kia. Nghĩ tới ông chủ nhà bắp thịt nở nang, tập tạ đều đặn, cuối tuần hay sách súng đi săn, nó quyết định nhắm mắt lại,

- Tôi không sao! Cám ơn bà chủ.

Nguyên một ngày, nó nằm trong phòng liệt giường liệt chiếu, không ăn uống chi. Ngày đầu tiên trong cuộc đời, nó không hút một điếu thuốc. Người nóng sốt. Mũi tắc nghẹn! Cổ đắng nghét! Tai lùng bùng! Siêu vi khuẩn cảm cúm kéo mền che nó kín mít từ đầu tới chân. Vicks DayQuil ru nó ngủ li bì. Mở mắt ra, gần 3 giờ chiều, lưỡi khô ran. Nó nghĩ tới điếu thuốc. Nó nhìn lên bàn, gói thuốc Malboro đỏ hộp cứng đang nằm chờ đợi. Nó ho, ho liên tục, ho từng hồi, ho rách trời. Nó nhớ tới lần ho ra máu, mầu máu đỏ tươi vẫn còn đỏ đậm trong đầu như mầu đỏ của gói thuốc Malboro. Nó nghĩ tới ung thư phổi. Tóc rụng xơ xác, da bủng xanh xao, thân thể gầy còm, cổ co rút lại tương tự dân chết đói năm Ất Dậu 45. Nó nghĩ tới ung thư cuống họng với cái kèn thổi toe toe. Nó nghĩ về sức khỏe. Năm nào nó cũng bị cúm bị cảm, cảm nặng, mặc dù đã chích ngừa cảm cúm! Cà chớn! Nó nghĩ về ba người con gái đã đi ngang qua cuộc đời, đặc biệt là người thứ ba, cô ta bỏ đi hơn một tháng rồi! Không biết giờ này cô ta đang làm gì? Nó nhớ tới đôi mắt đen mở lớn nhìn nó trước khi mở cửa bỏ đi. Hít một hơi thật mạnh, nó quyết định cầm gói thuốc Malbora đỏ lên. Mở cửa phòng, nó lê những bước chân hụt hẫng trên mây trên khói ra nhà bếp. Nó nhìn ra ngoài cửa sổ, nắng vàng mùa thu xanh xao bệnh hoạn. Nó bước tới, quẳng gói thuốc vào trong thùng rác, miệng nói nho nhỏ,

- Vĩnh biệt người tình.

Bà chủ nhà đang nấu cơm, nhìn nó,

- Chú đỡ chưa!

Thấy dáng điệu của người thuê phòng, người đàn bà tiếp tục,

- Mặt chú xám đen à. Ðể tui cạo gió cho.

- Cám ơn bà chủ.

- Hay để tui nấu cháo nhé. Cả ngày hôm nay chú đã ăn chi đâu.

- Cám ơn. Nhà còn nước cam không bà chủ?

Bà chủ mở tủ lạnh, lấy bình nước cam đưa cho nó.

- Chú cầm lấy mang về phòng đi. Chút nữa tui ra chợ mua thêm.

Cầm lấy bình nước cam, nó đi thẳng về phòng uống thuốc cúm với nước cam. Thuốc ngủ của Vicks DayQuil thấm tan trong máu; máu đưa thuốc ngủ lên đầu; đầu chằng chịt giây thần kinh; giây thần kinh giật chuông gõ trống toàn thân; toàn thân tê tê như bị điện giật. Cứ thế con nhộng mơ màng, tiếp tục chết đi trong tổ kén.

Ngày thứ Bẩy, sáng sớm nó thức dậy. Nhìn qua cửa sổ, tuyết mỏng manh đầu mùa bay nhè nhẹ ngoài trời phản chiếu ánh sáng vàng vọt của đèn đường. Mỏi mệt, nó nhìn lên bàn. Gói thuốc Malboro đỏ đã biến mất. Nó nhớ lại tối thứ Năm, biết là đau, thế mà vẫn còn hút thuốc. Nó chép miệng thở dài, không đau nặng cũng uổng đời. Nó nhớ lại chiều hôm qua đã mang gói thuốc đỏ ra chôn sống trong thùng rác của nhà bếp. Nó trằn trọc trên giường, đầu óc liên tưởng tới gói thuốc đỏ tươi đầu lọc thơm mùi thuốc lá. Nó nuốt nước miếng, chui ra khỏi giường. Nó nhón gót đi ra nhà bếp, mở thùng rác tìm kiếm. Bà chủ nhà đã thay bao rác mới. Như vậy gói thuốc của nó phải nằm bên ngoài sân nhà. Vén rèm cửa nhìn ra. Những bao rác nằm xếp lớp bên ngoài đã biến mất. Thôi rồi, nó vỗ trán, sáng nay, sáng thứ Bẩy, Sở Vệ Sinh đã tới nhà hốt rác mang đi. Nó nghĩ tới tiệm tạp hóa 7-Eleven đầu đường mở cửa cả ngày. Nó nghĩ tới cục đàm xanh có máu đỏ trên miếng giấy lau tay mầu trắng. Nó nghĩ tới cái kèn thổi toe toe. Nó nghĩ tới áo quan đậy chặt nắp! Nó nghĩ tới người con gái thứ ba đã đi sâu vào trong cuộc đời của nó. Tự ái con trai nổi lên, nó cảm thấy mình hèn! Nó bỏ đi thẳng về phòng. Đồng hồ đỏ tươi con số 5:00.

Năm giờ sáng rồi.

Ðã hơn một ngày chất nicôtin không còn được bơm vào người. Hai ngày rồi nó không ăn một hột cơm. Nó lại đi ra nhà bếp. Bây giờ nó mới nhận ra đôi chân run run như đôi chân cò hương khẳng khiu. Người phất phơ như đang đi với gió với mây, như bị điện giật tưng tưng. Nó không hiểu tại sao lại tưng tưng? Tại thuốc Vicks DayQuil hay tại nicôtin đang dẫy dụa gào thét trong từng mạch máu? Nó đổ nước nóng vào tô mì. Hơi nóng quyện vào hương mì bay tỏa lên mũi. Nó ngửi được mùi mì thơm, vị hành khô nồng nàn. Đợi thêm ba phút nữa, nó nhấc đôi tay lên, đôi tay run run, đôi chân xiêu vẹo. Nó loay hoay sửa tới sửa lui đôi đũa như người mới biết cầm đũa. Nó run run lúng túng với những ngón tay như người bị biến chứng mạch máu não, rồi lọng cọng đẩy thẳng những sợi mì vào hai lỗ mũi!

Con Bướm

Ngày Chúa Nhật, nó mở mắt ra. Nắng bình minh của ngày cuối tuần rực rỡ chiếu xiên qua khung cửa. Cơn sốt hình như biến mất. Nó vô phòng tắm, đổ xàbông vào bồn, mở nước nóng. Mùi xà bông vanila ngào ngạt bay lên thơm ngát hai lỗ mũi, hai lỗ mũi không bị khói thuốc vàng bám phủ gần ba ngày rồi.

Có tiếng gõ cửa phòng tắm. Nó làm lơ không trả lời. Nằm trong bồn nước nóng, nó mơ màng nghĩ tới cánh đồng mùa xuân với những cánh bướm nhởn nhơ tung bay trên thảm cỏ. Có một thời nó làm con sâu, lông lá lởm chởm xấu xí. Có một thời nó làm nhộng, chết lặng lẽ trong tổ kén. Bây giờ nó quyết định cắn tổ kén, chui ra làm bướm. Nó mở cửa phòng tắm, bước ra ngoài. Hơi nóng bay tỏa mịt mờ như khói thuốc trong những quán bida. Mặt trời chiếu xiên xiên ngang qua hơi nước óng ánh mầu sương sớm. Nó nhìn quanh. Bà chủ nhà bước tới nhìn nó, nhìn hơi nước mịt mờ, giọng săn chắc,

- Chú mới tắm với nước nóng phải không?

Nó khó chịu. Tiền nhà 350 đồng một tháng bao điện nước, nó trả đều đặn. Bà chủ nhà xót tiền điện, tiếc tiền gas, ngại tiền nước. Mỗi lần biết nó tắm nước nóng, người đẹp đi tới lui nhìn ngó hơi nước bốc mịt mờ trong phòng tắm. Gần một năm chịu đựng. Giờ này tức nước vỡ bờ. Nó nghĩ chắc phải nói một lần cho xong, nếu không cả đời ấm ức. Nó muốn nói dạ tôi mới tắm với nước nóng xong, có chuyện chi không bà chủ.

- Đúng rồi. Chú đang bệnh. Tắm nước nóng thì tốt nhất. Sao không nói, tui nấu nước nóng với sả cho chú tắm luôn.

Nó ngỡ ngàng nhìn bà chủ. Người đàn bà tiếp tục nói,

- Hai ngày rồi, thấy chú đau nằm trong phòng, không ăn không uống chi hết. Tui tính nấu cháo cho chú, nhưng hỏi, chú cứ lắc đầu quầy quậy. Sáng nay đi chợ, tui ghé qua tiệm phở mua cho chú một tô xe lửa. Chú tắm xong, ăn phở nóng nhé!

Nó tiếp tục ngỡ ngàng, bà chủ không những đẹp người mà lại còn đẹp nết, nhìn giống như thiên thần.

Bước vào nhà bếp, nhìn thấy tô phở nóng bốc hơi quyến rũ chờ đợi trên bàn, nó ngồi xuống. Kéo ghế ngồi đối diện, người đàn bà gãi gãi trán,

- Chú vẫn còn liên lạc với vợ chú hay không?

- Dạ có.

- Thấy chú ốm đau mấy ngày rồi, tui tính báo cho cô ấy biết. Nhưng tui đâu có số điện thoại của vợ chú.

Bà chủ nhà nhìn, ánh mắt dò hỏi,

- Nếu có dịp, tui sẽ cố gắng nói thêm mấy lời…

Nó cười nhẹ. Người đàn bà đẹp người tốt bụng đâu biết tại sao vợ nó bỏ đi hơn một tháng rồi. Dám bà ta tưởng vợ nó bỏ đi theo trai. Tầm bậy! Cũng tại vợ nó có thai. Nàng nói,

- Anh à! Anh có hút thuốc hay không, em vẫn thương anh, em vẫn là vợ anh; nhưng, em nói rồi, nếu anh chết vì thuốc lá, em sẽ coi anh như là một dĩ vãng. Bây giờ thì hơi khác. Anh biết em có thai hơn một tháng rồi. Em ngửi mùi thuốc của anh cũng không sao. Nhưng con trong bụng, nó không đi đâu được. Nằm trong bụng em, nó bị ép ngửi khói thuốc của anh. Trong thời gian em có thai, anh tạm ngưng hút thuốc đi. Mai mốt sanh con xong, anh muốn làm chi thì làm.

Nó không chịu. Hai vợ chồng nói qua nói lại mấy câu. Thế là vợ nó bỏ về nhà ở với bố mẹ. Vợ nó nói,

- Khi nào em sanh xong, con cứng cáp, em sẽ quay về.

Nó nhìn tô phở cạn nước không còn một sợi phở dưới đáy. Nó cảm thấy khỏe hẳn ra. Cảm cúm hình như biến mất. Nó nhìn bà chủ, cười, nói cám ơn chị, tô phở ngon quá!
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,160
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 

Postby Mười Đậu » 09 Aug 2006

Bão Memphis
_________________________

Thủ Phủ nhạc blues, Tennessee

Cơn bão kéo về thành phố Memphis vào khoảng 6 giờ 30 buổi sáng.

Sáng sớm đường phố lác đác thưa thớt bóng xe cộ chạy ngược xuôi. Giờ này người dân thành phố nhạc Blues trầm buồn còn đang ngái ngủ. Hừng đông ửng đỏ một góc trời, nhưng cư dân của vua nhạc Rock Elvis Presley vẫn còn đang vật mình lăn qua lăn lại trên giường. Bình minh thả nhẹ buông rơi những tia nắng mượt mà nhảy múa mời gọi, nhưng người của Memphis nơi lãnh tụ Martin Luther King, Jr. bị ám sát vẫn nhắm mắt giơ tay vặn tắt tiếng kêu của đồng hồ báo thức. Trời Memphis xanh lơ, từng chuyến bay nhẹ nhàng tung cánh. Trời Memphis lụa là, từng chuyến bay êm đềm hạ xuống phi đạo nhung êm. Cây xanh mở lá vươn mình đón nắng sớm. Cột điện giơ tay ôm chặt những sợi dây, từng sợi dây cáp dài dẫn điện vào từng căn phòng khách bật sáng truyền hình đang ngập tràn tin tức chiến sự Iraq và nền hòa bình Trung Đông.

Một ngày mùa hè đang tới. Một ngày thứ Ba của lười biếng, của gió nóng, và của độ ẩm bốc mịt mờ trong thinh không đang chầm chập kéo tới. Và trận bão với sức gió 100 dặm một giờ quyết định ghé thăm quận Shelby của tiểu bang Tennessee. Trời ửng hồng bình minh của mùa hè đổi mầu xám đen khi ngón tay của Ông Trời đập xuống.

Gió ào ào xô tới. Gió thổi trốc gốc những cây sồi trăm năm vươn nhánh che nắng che mưa. Cây nghiêng mình lao xuống đập vỡ tung tóe những căn phòng khách sang trọng. Cây vật vã lăn lộn từng vòng trên đường phố tráng nhựa bóng lộn. Cây ngã rạp trên thảm cỏ xanh công viên. Gió cuốn tung bay những cột điện cao thế chạy thẳng tắp trên xa lộ 240, xa lộ liên bang 40, 55, và những con đường chính của quận Shelby. Cột điện rủ nhau ngã rạp xếp lớp đều đặn trên đường trên phố. Giây điện cuốn rối tung chằng chịt tương tự như mái tóc dài của người con gái tâm thần điên loạn. Điện cao thế nổ tung vẽ lên trên nền trời xám đen những tia chớp chói lòe xanh biếc. Toàn thành phố Memphis và quận Shelby lần lượt rủ nhau đi vào đêm đen. Màn ảnh TV nhỏ lại với một đốm chấm trắng. Đài truyền thanh tắt tiếng. Tiếng báo thức rú gọi của đồng hồ điện tử màu xanh màu đỏ tự dưng lặng câm. Đường dây điện thoại im lìm.

Gió ào ào xô tới. Gió đập phá hàng rào. Gió thổi tung tóe những hạt mưa. Gió chẳng phân biệt giầu nghèo. Gió không kỳ thị chủng tộc. Gió lật mái ngói đỏ tươi khu nhà giàu thành phố Germantown. Gió bóc mái ngói rêu xanh của dân nghèo Midtown Memphis. Gió thổi bay xe cộ trên xa lộ. Gió giật lá xanh đậm. Gió thổi tung từng nắm lá lên trên bầu trời bình minh tối om. Gió ôm gọn trong lòng bao nhiêu nhánh cây. Gió xòe tay quẳng ném tung tóe từng khúc cây lên sân cỏ mái nhà. Gió đi đến đâu, đổ nát chạy theo tới đó.

Gió hùng dũng kéo tới và gió nhẹ nhàng biến mất.

Cơn bão bỏ lại sau lưng những hoang tàn đổ nát, những đêm đen bóng tối sau hơn năm phút tung hoành dọc ngang chiều dài của quận Shelby, có thành phố Memphis nằm gọn trong lòng.

8 giờ sáng Toàn thức dậy. Căn phòng mờ mờ sáng. Màu xanh của những con số trên mặt đồng hồ điện tử đầu giường biến mất. “Lại cúp điện rồi”! Toàn lẩm bẩm trong miệng, lê chân không xuống nhà bếp tìm kiếm ly cà-phê. Trong nhà mờ mờ tối. Cà-phê sáng sớm vẫn còn sót lại một ly nhỏ. Toàn đổ muỗng đường trắng vào ly cà-phê đen, rồi thoải mái ngồi xuống bậc thềm sau nhà uống từng miếng cà-phê nguội. Mai đang quét dọn những khúc cây lẫn lộn với lá xanh nằm vương vãi ngập tràn trên sân vườn. Toàn nói trống không,

- Mưa lớn quá hả?

- Không phải mưa mà bão.

- Bão? Sao không hay biết chi hết.

- Anh…anh ngủ như chết có biết gì. Bão kéo tới sáng nay. Điện tắt hết rồi. Điện thoại bị cúp luôn. Gas cũng không còn. Khu nhà mình, hên quá, vẫn còn nước.

Toàn nhìn quanh. Chàng nhận ra nhánh cây Magnolia bên nhà bà hàng xóm Sandy rớt xuống đè gẫy hàng rào ngăn đôi khu vườn. Hôm qua thứ Hai đầu tuần, Toàn ngủ trễ sau một ngày vật lộn với từng đống giấy tờ trong hãng. 9 giờ tối Toàn mở cửa nhà, 2 giờ sáng lên giường, 8 giờ sáng thức dậy. Cơn bão kéo về đánh thức cả quận Shelby của tiểu bang Tennessee, có lẽ, ngoại trừ Toàn.

- Thằng Minh với con Phượng đâu rồi?

- Thằng Minh đi với mấy đứa con của bà Sandy ra chợ Walmart mua thức ăn khô. Con Phượng đòi đi theo. Chắc tụi nó cũng về bây giờ. Nghe nói phải mất đâu khoảng ba ngày nữa mới có điện lại.

- Ba ngày, đừng giỡn chơi nghe bồ!

- Ai giỡn chơi với anh. Em mở nghe radio trên xe sáng nay. Radio nói cả thành phố Memphis bị cúp hết điện. Phi trường đóng cửa rồi. Cả những bệnh viện cũng mất điện luôn. Bây giờ họ đang tìm cách nối lại các đường dây, ưu tiên cho bệnh viện và cơ quan chính phủ. Nhiều nhà bị cây đổ đè sập. Một ông lão 72 tuổi bị cây đè chết ngay trên giường. Dưới phố có nhà Việt Nam đốt nến. Nhà cháy. Thằng cháu hai tháng bị chết thiêu. Suốt sáng xe cảnh sát và xe cứu thương chạy hú ầm ĩ trước nhà mà anh không nghe gì sao?... Nghe nói từ trận bão tuyết tháng Ba năm 94 đến nay, đây là lần thứ hai toàn thành phố mất điện. Lần trước phải mất hơn một tuần mới có điện lại. Không biết lần này thì sao.

Càng nghe vợ nói, Toàn càng nhận ra được sức tàn phá của cơn bão Hè. Ba ngày không có điện! Khổ rồi! Trời mùa hè Memphis với nhiệt độ cao ngất của những con số 90 đỏ rực. Không điện đồng nghĩa với không máy lạnh. Không điện phản nghĩa với cà-phê buổi sáng, với máy giặt quay tròn thổi căng bọt xà phòng, máy sấy quay tít thơm tho mùi áo mới. Không điện đồng âm với không internets, không e-mails, không ánh sáng ban đêm, không tin tức thời sự ban tối, không phim ảnh, không talk shows, không cơm tối. Vậy là cả đám xúm lại rủ nhau quay về thời tiền sử. Cúp điện không bếp gas, thằng bố lấy đá đập cho ra tia lửa rồi thổi bùng lên trên đám lá khô để nấu nướng. Ăn tối xong, quanh đống lửa bập bùng cả đám nhảy, tay đấm ngực, hú gọi nhau. Nhảy chán, mỏi chân. Đấm chán, đau ngực. Hú chán, mỏi miệng. Cả đám rủ nhau đi ngủ sớm. Hèn chi Âu Cơ sinh ra một trăm người con trai. Đếm tới đếm lui vẫn không biết mình có bao nhiêu người con gái. Chẳng may bị thuồng luồng cá sấu nuốt mất một hai người con, Lạc Long Quân cũng không biết chi.

Toàn hỏi vợ, giọng ngỡ ngàng,

- Em có chắc là ba ngày nữa mới có điện lại không?

Mai nhún vai,

- Không biết. Nhưng nếu muốn, anh gọi điện thoại lên đài radio, băng tần 93.9 FM hỏi thẳng họ.

Toàn nén tiếng thở dài. Chàng lẩm bẩm, “Ba ngày không có điện! Không biết điềm chi đây”?

Và Toàn nhớ lại thung lũng Silicon vào một buổi chiều ngày 17 tháng Mười năm 1989 lúc 5:04 phút.

Thung lũng hoa vàng, California

Lần đó thì khác, Ông Trời không đưa ngón tay đập xuống, nhưng Mẹ Đất vươn vai đứng dậy. Hồi đó Toàn đang học năm cuối, gần ra trường. Mẹ đang lui hui nấu cơm trong nhà bếp.

- Ủa, sao về rồi?

- 7 giờ chiều con mới có lớp. Trời nóng quá!

Ngày hôm nay, một ngày cuối tháng Mười của mùa thu, nhưng vùng thung lũng vẫn còn nóng ran, nóng khô lưỡi, nóng đỏ da mặt, nóng như muốn thổi cháy vàng mầu tóc đen của người Hoa Kỳ gốc Văn Lang tụ tập với nhau trong quận Santa Clara, tiểu bang California. Căn apartment trên lầu của Toàn không gắn máy lạnh. Cửa sổ mở toang chỉ để đón nhận tràn đầy vào căn phòng những luồng gió nóng. Những cánh quạt trong nhà xoay tít chia đều hơi nóng cho các căn phòng. Khắp nơi nóng! Mọi nơi nóng! Toàn thể trần gian nóng như ngôi sao Hỏa Tinh đỏ cháy khô khan. Toàn vuốt mồ hôi trên trán, ngán ngẩm liếc nhìn con số 103 trên hàn thử biểu treo trong phòng khách.

Trưa nay Mai rủ Toàn vào thư viện học bài. Có bao giờ chàng học được khi Mai ngồi ngay bên cạnh. Cô sinh viên đại học tóc đen dài ngang lưng lúc lắc mái tóc qua lại khiến Toàn ngớ ngẩn ngẩn ngơ. Toàn hỏi Mai,

- Em gội tóc bằng xà bông hiệu gì mà sao tóc thơm quá vậy? Pantene hay bồ kết? Ngửi tóc không cũng đủ no.

Mai nhăn mặt,

- Anh nói chuyện không à. Coi chừng họ đuổi ra ngoài bây giờ.

- Họ đuổi…thì mình đi... Em…em có bôi phấn không?... Sao má hồng quá vậy?

Mai đỏ mặt, lặng thinh không trả lời. Hết chuyện, chàng lôi bài của lớp Văn chương English 1B ra nhờ Mai làm hộ. Mai bỏ bài học của mình sang một bên, nghiêng nghiêng tóc dài làm luận văn cho người tình trong khi tình lang gục đầu xuống bàn ngủ say. Lần nào cũng vậy, thế mà Mai vẫn cứ rủ Toàn vào thư viện học chung.

Toàn đã tính ở lại trên trường với Mai. Hai đứa trốn vào thư viện có máy lạnh thổi hiu hiu ru hồn vào giấc ngủ. Nhưng nghĩ tới mẹ, Toàn đổi ý lái xe về nhà. Hai thằng cháu học trung học, đi học xong là xách xe đạp rong chơi mãi đến giờ cơm tối mới chịu quay về. Một mình mẹ của Toàn loay hoay nấu cơm. Mẹ chàng mới qua, bếp gas lẫn với bếp điện. Trời nóng, coi chừng cháy nhà.

Trời nóng hầm than hầm lửa. Mặt con nhớp nháp mồ hôi. Mặt mẹ kiên nhẫn chịu đựng.

- Ngoài Bắc có nóng như vầy không mẹ?

- Lâu rồi mẹ cũng không nhớ. Chắc cũng thế. Nhưng trong Nam còn nóng hơn nhiều. Hồi mới di cư vào Nam, họ nhét hết vào trong khu định cư. Trời nóng như lửa! Mái tôn nóng hầm hập nguyên một ngày. Nhìn mấy đứa con lang thang lếch thếch, hai vợ chồng chán quá, chỉ muốn quay trở về Bắc. Rồi lại hai năm đợi chờ tổng tuyển cử. Sau cùng cả gia đình dọn lên Đà Lạt ở với ông bà ngoại khu Dốc Nhà Bò…

Mẹ chưa dứt lời, đất rung rinh lay chuyển. Động đất! Nhà bếp nghiêng sang bên trái rồi chuyển mình lắc qua bên phải. Động đất! Căn phòng liên tục vặn mình nghiêng nghiêng như muốn đổ sụp. Động đất! Từng đống chén đĩa thi nhau buông mình rời bỏ trời cao. Động đất! Toàn nắm tay mẹ,

- Mẹ! Mẹ! Chạy theo con xuống lầu.

Mẹ không nói được nữa, run rẩy nắm tay Toàn lần bước xuống cầu thang. Từng bước, từng bước, mẹ già đi với thằng con út. Đặt được những bước chân đầu tiên xuống mặt đường, Toàn kéo mẹ tránh xa cây dừa cao ngất đứng sừng sững ngay trước cửa khu chung cư. Mặt đất vẫn đang rung chuyển lung lay dưới những bàn chân. Từng mảng đường nhựa như muốn cong lên vỡ tung ra. Từng căn nhà méo mó xô lệch. Từng nhóm người đứng lố nhố xôn xao ngoài đường. Mầu của bầu trời và của mặt người hằn lên mầu xanh lét. Mẹ Toàn hét lên, tay chỉ lên lầu,

- Thằng Trọng vẫn còn trên lầu! Nó đang ngủ trong phòng.

Toàn phóng thẳng lên cầu thang. Thằng cháu mười bẩy tuổi vẫn đang nằm ngủ ngon lành trong phòng mặc dù đã bị hất tung từ trên giường rớt xuống nền thảm,

- Dậy, dậy! Trọng, dậy! Động đất!

Thằng Trọng mở mắt ra, choàng mình ngồi dậy, ngơ ngác đứng lên chạy theo cậu xuống cầu thang. Toàn nhìn quanh tìm kiếm mẹ, mẹ chàng đang đứng dưới đường, miệng kêu lẩm bẩm tên Chúa, tay lần tràng hạt Mân Côi.

Chỉ trong vòng vài giây vùng Vịnh của Bắc Cali bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Không điện, không nước, không hơi gas, không điện thoại. Thần đất nổi giận vươn vai đứng dậy giật sập một nhịp cầu Bay Bridge của liên xa lộ 80 nối ngang San Francisco và Oakland; nhịp trên đè xuống dịp dưới, không chết ai! Cầu xa lộ 880 dẫn vào đại học lừng danh Berkeley sập một đoạn dài; từng nhịp cầu bên trên lần lượt thay phiên đổ chụp xuống từng cầu dưới đè chết 42 người vào một buổi chiều chớm thu. Chiếc cầu đỏ tươi của Hoa Kỳ và của thế giới Golden Gate Bridge lắc qua lắc lại khi trận động đất 7.1 ghé thăm miền thung lũng Silicon, rồi lại bình thản đứng nhìn trời nhìn đất. Bao nhiêu tòa nhà cao ốc bị nứt rạn. Đại Chủng Viện Thánh Giuse của thành phố Moutainview nằm ngay trên đường động đất bị tách đôi giật sập; tháp chuông đè chết một người thợ nâng tổng số người chết bởi trận động đất Loma Prieta lên tới con số 63. Trường Đại học San Jose State của Toàn đóng cửa một tuần lễ. Sách vở trong thư viện cũ của trường rơi đổ ngổn ngang. Thư viện mới không một vết nứt, nhưng khu Kỹ Sư mới được khánh thành vào đầu tháng Tám vỡ tan từng khung kính còn mới tinh.

Gần ba ngày Toàn không gặp Mai! Nhấc điện thoại, điện thoại im lìm tiếng u u quen thuộc. Ba ngày không được gặp nhau bởi trận động đất Loma Prieta hóa thành ba năm. Cuối cùng Toàn cũng lái xe đến được nhà của Mai. Tình lang gặp lại tình nhân. Tình nhân mừng. Tình nhân giận. Tình nhân khóc. Tình nhân đứng khóc như mưa. Thấy tình nhân khóc, tình lang khóc theo.

Sau đám cưới vào cuối tháng Mười Hai, hai vợ chồng thiên di, đi theo hãng dọn nhà lên thành phố Chicago.

Phố Gió, Illinois

Một năm của Phố Gió được phân chia rõ ràng với bốn mùa. Mùa thu thành phố khoác áo lụa vàng lên người của Mai. Trời thu buồn tênh như khi Mai giận chàng. Mai giận, Mai của Toàn khóc như Chức Nữ của Ngưu Lang khi đứng bên này sông Ngân hà. Những hạt nước mắt giận hờn biến thành mưa phùn tung bay trên những hàng cây phong vàng tươi. Thu về Mai của Chicago khoác áo măng-tô, cổ quấn khăn đi làm đẹp như tài tử Holywood. Mùa đông tuyết thổi, thành phố khoác lên người mầu áo trắng tinh, cùng mầu với áo cưới của cô dâu ngày xưa, Đỗ thị Hoàng Mai. Sau một đêm mùa đông, hai vợ chồng thức dậy ngớ ngẩn nhìn ra cành cây bên khung cửa bị tuyết bám trắng. Mùa xuân, hai vợ chồng dạo bước ngắm nhìn hoa tu-líp nở rộ đủ màu đủ sắc trên những con đường trải thảm xanh non mầu lúa mới. Khắp nơi hoa. Mọi nơi hoa. Trời cao ngập tràn hoa. Thành phố bừng nở hoa. Chicago vào xuân đẹp rực rỡ như Mai vợ của Toàn. Mùa hè kéo về với độ ẩm bốc cao. Chicago đổi sang màu xanh bóng lộn của lá cây được hơi nước tẩy sạch bụi trần. Trời xanh. Ðất xanh. Mùa hè gió nóng thổi về bôi thêm phấn hồng lên đôi má lúm đồng tiền của Mai.

Chicago có John Hancock với tầng lầu 96 nơi nàng và chàng ngồi uống cocktail ngắm nhìn phong cảnh bàn chuyện tương lai.

- Em thích có một trai một gái.

- Anh thích có mười hai đứa. Đông nhà cho vui.

- Thôi đi bồ, nghèo mà ham.

Viện Bảo Tàng Chicago có bộ xương Lucy, thủy tổ dẫn tới hai họ Homo erectus và Homo sapiens nổi tiếng trên thế giới với tuổi thọ hơn 3 triệu năm. Chỉ vào bộ xương nhỏ như đứa con nít sáu tuổi, Mai nói,

- Bộ xương khỉ Lucy In The Sky With Diamons nhìn giống xương của anh.

Bước vào Viện Bảo Tàng, hai vợ chồng giật mình nhìn thấy bộ xương hóa thạch của khủng long T-Rex 65 triệu năm về trước sừng sững vươn cao đe dọa. Mai dí ngón tay vào trán Toàn,

- Kiếp trước anh là khủng long T-Rex, chuyên môn ăn thịt đồng loại. Kiếp này chuyên môn bắt nạt em.

- Không phải. Bẩy kiếp trước anh hy sinh cạo đầu làm chú tiểu ngồi gõ mõ trong chùa trên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn quạnh hiu quanh năm tuyết phủ, cho nên kiếp này anh mới được gặp em.

- Thôi đi bồ, đừng có nịnh. Hết tiền lẻ rồi.

Đặc biệt hơn nữa trong khu triển lãm của Á Châu, hai ba trống đồng của thời Hồng Bàng nằm vươn mình hãnh diện nhắc nhở vợ chồng An Tiêm trên hoang đảo của thế kỷ 21 về nguồn gốc Văn Lang của mình. Chicago có khu phố Uptown nơi con cháu Hùng Vương đua văn hóa với những sắc tộc bạn. Uptown Việt Nam cho Mai ăn Phở, cho Toàn ăn Bún Bò Huế đỏ cay thêm nhiều ớt hiểm để tăng thêm độ nồng của ghen vì vợ đẹp.

Cuộc sống của đôi vợ chồng trung lưu tiếp tục trổ nụ đơm hoa với hai đứa con. Thằng Minh sinh ra trước, năm 90. Con Phượng đi theo sau, năm 92. Cả hai đứa cùng chọn đất Chicago làm nơi chôn nhau cắt rốn. Hai vợ chồng tưởng rằng đã kiếm được một miếng đất tốt trên cõi trần, nhưng rồi trận bão tuyết năm 1999 kéo về.

Cuối tháng Mười năm 98 thu về thổi sạch những lá cây phong trong vườn của hai vợ chồng. Trời tháng Mười Một tự nhiên ấm lại với những con số 70 trên hàn thử biểu. Hai vợ chồng và hai đứa con rủ nhau ra đường nhởn nhơ với quần đùi chân đất. Lễ Tạ Ơn 98 trở về với gà tây chiên vàng. Nhiệt độ lại rớt xuống với những con số 20 quen thuộc, nhưng tuyết vẫn không về. Cây khô trong vườn vươn dài nhánh cây khẳng khiu lên bầu trời xám đen như muốn kêu gọi tuyết quay về, nhưng tuyết làm lơ không trả lời. Đài khí tượng thông báo người dân Chicago sẽ không có một ngày Giáng Sinh Trắng. Tết Tây 99 tưng bừng pháo bông, tuyết vẫn không về. Báo Chicago Tribune đi những hàng tin tức báo động, “Trái đất đang ấm dần”! Trong lịch sử của phố Gió, chưa bao giờ tuyết ngủ quên không ghé thăm thành phố nằm ngay biển Hồ Michigan vào tháng Mười Hai. Tuyết không rơi, Mai lái xe đi chơi một tuần lễ với mấy cô bạn trong hãng.

Nhưng rồi tuyết kéo về vào ngày 3 tháng Giêng năm 99. Không phải tuyết thường mà là bão tuyết. Trận bão tuyết ghé lại viếng thăm thành phố Gió vào lúc 9 giờ tối ngày 3 tháng Giêng bắt đầu với những hạt tuyết nhỏ li ti, sau đó lớn dần, lớn dần, và rồi tuyết rơi liên tục. Tuyết đua nhau buông mình lìa bỏ trời cao. Tuyết bám mái nhà. Tuyết phủ cửa sổ. Tuyết xóa đường phố. Tuyết bay mịt mù. Tuyết trắng bầu trời. Tuyết lượn khắp nơi. Tuyết dấu xe hơi. Tuyết thổi trắng xóa.

Nguyên một đêm, tuyết và gió là hai tặng phẩm duy nhất của trời cao gửi đến cư dân Chicago vào những ngày đầu năm. Những chiếc xe cào tuyết thả muối liên tục trên đường. Những hạt tuyết tiếp tục buông rơi. Thành phố biến thành biển tuyết. Ngoài đường nhiệt độ rớt xuống -20 độ F. Mọi nơi đều trắng, khắp nơi lặng câm, vạn vật say ngủ, tất cả im lìm.

Thế đó, Mai gọi về từ phi trường O’Hare,

- Anh ơi! Anh lên đón em về.

Mai đi Toronto chơi sáng mồng hai Tết, hơn một tuần nữa mới về. Giờ này tại sao lại gọi Toàn từ phi trường?

- Nghe tin bão tuyết, em quyết định bỏ về. Em thuê xe, lái về một mình. Tới Grand Rapids, tuyết dầy quá không lái nổi nữa. Em trả xe, đón xe Greyhound. Trạm xe nằm ở phi trường O’Hare.

Toàn khoác vào người hai ba bộ quần áo ấm dầy cộm như da khủng long T-Rex. Cầm xẻng, chàng múc từng đống tuyết hất sang lề đường. Gần hai tiếng hì hục vật lộn với tuyết, cuối cùng chiếc xe từ từ hiện ra. Từng vòng quay chầm chậm lăn tới, chiếc xe nhọc nhằn cán lên tuyết trắng biến vào đêm đen. Thành phố Chicago bừng sáng màu tuyết hoang vắng như một bãi tha ma. Xa lộ liên bang 90 dẫn tới đại phi trường O’Hare, bình thường đông nghẹt, giờ này vật vờ ánh đèn xe cộ. Thấy Toàn bước xuống ngơ ngác nhìn quanh, Mai lao ra ôm chồng, khóc nức nở. Chú chăn trâu Toàn bồi hồi thấy lại người con gái dệt vải Mai của hơn mười năm trước. Sau trận động đất 89 chức nữ Hoàng Mai ôm vai ngưu lang Chí Toàn khóc sụt sùi ngay trước cửa nhà của mình. Giờ này trong khi bão tuyết 99 buông rơi, ngay trước cửa đại phi trường quốc tế O’Hare, chồng ôm vợ vuốt lưng nhè nhẹ.

Bão tuyết dầy hơn 12 inch giơ tay vẫy biệt khi mặt trời lấp ló phương Đông. Chiều hôm sau tuyết lại về. Đống tuyết dầy cao có ngọn chưa kịp tan lại bị phủ lên một lớp tuyết mới. Rồi lại tuyết. Trận này nối tiếp trận kia. Tuyết cũ chưa kịp giơ tay vẫy chào, tuyết mới nhẹ nhàng ghé lại. Hơn một tuần lễ thành phố Gió sống với tuyết.

Không biết tại bão tuyết hay tại nền kinh tế chung của cả nước, sau trận bão tuyết 99, hãng của Toàn lại di chuyển. Lần này hãng chọn Memphis. Toàn và Mai quyết định dời bỏ thành phố Gió thiên di xuống miền Nam, tái định cư tại thủ phủ nhạc Blues.

Bão Memphis, Tennessee

- Không biết tại anh hay tại em, tụi mình tới đâu, thiên tai đuổi theo tới đó.

- Tại anh chứ tại ai.

- San Jose động đất 7.1. Chicago bão tuyết dầy hơn 12 inch. Memphis bão 100 dặm một giờ. Giờ chẳng biết đi đâu?

Mai vẫn ôm vai chồng, thủ thỉ,

- Anh đi đâu, em đi theo đó.

- Chắc không bồ?

- Chắc.

Toàn lan man nghĩ ngợi. Năm tuổi đi với ông anh sang Hoa Kỳ. Cả một đời chàng lớn lên trên vùng đất lạ. Bên này trường Việt Ngữ dạy mình là một người Việt, không phải Mỹ. Mà cũng đúng. Chưa bao giờ chàng cảm thấy mình là người Hoa Kỳ. Cách đây năm năm chàng quyết định quay về Việt Nam tìm lại khúc rốn thuở xưa. Hành trình về lại Đông phương gieo vào trong lòng biết bao là hoang mang, bởi chàng bơ vơ lạc loài với những người, với vùng đất có thời chàng đã nghĩ đó mới là người của mình, đó mới là đất Mẹ. Quay về lại Hoa Kỳ, chàng oán trách người anh. Tại sao lại ôm thằng bé năm tuổi bước chân xuống tàu?

Giờ này không còn biết chỗ nào là nhà!

Chưa kể, chàng cười buồn, đi tới đâu thiên tai đuổi theo tới đó.

Giờ này chẳng biết đi đâu?

Trong tử vi ngoài Thiên Di chắc chàng cũng có sao Thiên Tai chiếu mạng. Bây giờ dọn xuống Florida, thấy bóng chàng lấp ló trên bờ biển, sóng thần khó chịu đội đầu dâng cao. Chạy sang Hawaii, thấy chàng đi dạo với Mai bên những hàng dừa xanh, núi lửa im lìm ngủ say nổi cơn ghen, vươn vai thức dậy phun lửa cao ngất trời. Về Iowa mở Hoàng Mai Viên bên những đồng cỏ bắp xanh rờn chăn bò nuôi vịt. Nhận ra hình dáng chàng, trời cao ớn lạnh rùng mình. Khí lạnh gặp khí nóng lúc nào cũng dư thừa trên bầu trời của tiểu bang Iowa vào những tháng hè. Cả hai ôm chặt quyện tròn vào nhau tạo ra những cơn lốc F-5 thổi bay trang trại của chàng.

Toàn nhìn Mai một hồi, mắt không chớp.

- Làm gì mà nhìn người ta chằm chặp vậy?

- Em…em có bôi phấn không? Sao má hồng vậy?

- Anh…anh lại mát nặng rồi!

Đưa tay ra ôm vai vợ, Toàn nói nhỏ vào tai nàng,

- Chỗ nào có em, anh đi tới chỗ đó.

- Thôi, đừng có nịnh.

- Anh nói thật mà.

Mai sờ vào trán Toán,

- Anh hôm nay hơi lạ. Hay lại té giếng sâu mười tám thước rồi.

- Không nói giỡn đâu. Anh nói thật đó. Chỗ nào có em, anh đi tới chỗ đó.

- Thật không?

- Thật.
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,160
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 

Postby Mười Đậu » 09 Aug 2006

Hai Đám Tang Cho Những Người Đã Chết

Từ Trung Tâm Y Tế về tới nhà, Tâm mệt mỏi trong người, bụng ê ẩm nhói đau. Mất máu nhưng được vô nước biển liên tục, thêm nữa tuổi ba mươi tràn đầy sinh lực, Tâm nghỉ thêm mấy ngày nữa rồi đi làm lại. Chiều, nàng vẫn đi học. Hơn một tháng nữa, lớp Toán Điện cho chương trình Master sẽ chấm dứt. Ngày từng ngày trôi qua. Gần một tháng.

Tối hôm đó, tối Chúa Nhật, hài nhi hiện ra. Đứa bé khóc. Tiếng khóc đói sữa của trẻ sơ sinh bật sáng đêm đen. Tiếng khóc nỉ non gọi mẹ xé tan bóng tối dầy đặc của một buổi tối tháng Năm. Tiếng khóc vang vọng xô đẩy vành tai, xoáy tròn đâm thốc màng nhĩ. Tâm ngồi bật dậy, hốt hoảng nhìn quanh. Đầu giường, khuôn mặt đứa bé nhập nhòe trong bóng tối. Nàng ngại ngùng bước tới. Nàng cầm bình sữa nóng ngập ngừng trao cho đứa nhỏ. Đứa bé cầm lấy, ngơ ngác nhìn, ném thẳng bình sữa vào mặt nàng. Nàng nghiêng mình né. Bình sữa xoáy tròn trên không trung, đập mạnh vào bức tường, vụn tan thành từng mảnh thủy tinh nho nhỏ sắc nhọn. Sữa trắng đổ mồ hôi loang lổ lăn dài những dòng máu đỏ. Máu đỏ tươi chảy xuống ngập tràn mầu thảm xanh rêu. Máu đỏ đậm thè lưỡi liếm mép vải trải giường trắng toát. Máu đỏ đặc dâng cao, dâng cao, dâng cao ngất. Tâm nằm trên giường ngập ngụa trong biển máu. Máu đỏ ối ngập tới miệng. Tâm hét lên!

Nàng choàng dậy, mồ hôi đầm đìa, bụng phía dưới đau nhói. Nàng trằn trọc cả đêm.

Sáng, 9 giờ, Tâm bước vô văn phòng sau một đêm chập chờn với cơn mộng. Nàng dí dỏm trả lời điện thoại, sắc giọng đưa ra những nhận xét trong buổi họp đầu tuần. Nhưng, tới giờ ăn trưa, nàng kiếu, nói hơi no, không đi ăn với đồng nghiệp. Chui ra xe, nàng ngủ một giấc. Tỉnh dậy, Tâm cảm thấy khỏe hơn. Trước khi bước ra khỏi xe, nàng soi mặt trong gương. Nàng lau khô hai dòng nước chảy dài bên khóe miệng. Nàng tô lại đôi môi nhợt nhạt mầu son. Nàng xoa phấn hồng chung quanh quầng mắt thâm đen. Nhìn lại khuôn mặt một lần nữa, nàng yên tâm bước vào văn phòng. Chiều, 6 giờ, Tâm về tới nhà. Mệt nhoài, nhưng nàng vẫn cố gắng lái xe tới trường. Lớp học khá dài với những mạch điện chằng chịt rối tung. Tối, 10 giờ, Tâm về tới nhà. Nàng ăn một tô mì cay Nongshim. Ăn mì xong, không đánh răng, không súc miệng, không bôi kem dưỡng da, nàng ngã người xuống mặt giường. Nàng chìm vào giấc ngủ, giấc ngủ cọ xát thớ thịt cần cổ, mở rộng đôi môi, đóng chặt mi mắt. Nàng nghe tiếng ngáy ròn tan, tiếng thở ồ ề nơi cuống họng.

Tối hôm sau, tối thứ Ba, ác mộng lại đến. Đứa bé lần này ngồi khóc ở đầu giường lâu hơn, hình như là một bé trai. Đứa nhỏ đứng dậy lần bước về phía nàng. Từng bước, từng bước đứa nhỏ bám mép giường lẫm chẫm đi tới, cánh tay ngắn ngủi mập mạp no căng sữa đập vào đùi, miệng cười toe toét thích thú. Bất ngờ đứa bé nhảy lên giường, phóng thẳng vào bụng Tâm.

Tâm hốt hoảng ngồi bật dậy nhìn xung quanh. Lưỡi khô ran, cổ đắng nghét. Bóng đêm bao phủ căn phòng. Nàng sờ soạng tìm kiếm ngọn đèn ngủ. Nàng nặng nhọc lê gót về nhà bếp, bụng nhói đau. Mở tủ lạnh tìm ly nước, ngồi xuống bàn ăn, nhìn về phía đầu giường, Tâm nhớ lại từng chi tiết của cơn ác mộng. Nàng nhìn ra ngoài, trời tối đen, đêm đen dầy đặc, đêm đen mịt mờ, đêm đen ma quái, đêm đen đe dọa. Bỏ ly nước trên bàn, nàng chui vào mền. Thò tay ra vặn tắt ngọn đèn, nàng bắt đầu đếm từ một. Giấc ngủ nặng nề kéo đến.

Tối hôm sau, tối thứ Tư, Tâm nhận ra hình dạng của hài nhi, một bé trai với mái tóc cắt ngắn sát gáy, bộ áo thụng nhỏ mầu xanh đậm điểm chấm chữ thọ mầu vàng phủ gần kín chân. Đứa bé đứng dậy, lẫm chẫm bám mép giường đi tới. Cặp mắt to tròn, má phúng phính đỏ au, đứa bé ngước lên nhìn Tâm u ơ hóng chuyện.

Tâm mở mắt ra. Mặt cô đẫm nước mắt.

Nguyên một tuần lễ đêm đen nặng nề bao phủ với hài nhi hiện ra đều đặn trong giấc ngủ của Tâm.

Chiều thứ Sáu từ văn phòng Tâm lái xe thẳng về nhà mẹ. Bà Thế đang ngồi coi phim chưởng với mấy đứa cháu ngoại. Thấy nàng, mấy đứa nhỏ lơ đãng giơ tay chào. Bà Thế đứng dậy,

- Lâu quá sao không thấy ghé về nhà, cũng không gọi điện thoại. Mặt mày sao nhìn bơ phờ xanh lét vậy? Ăn cơm chưa? Mẹ hâm nóng thức ăn cho.

- Con no rồi. Mẹ ơi, chị Hoa đâu rồi?

- Nó ở ngoài vườn, không biết đang làm gì.

Trên sân vườn lấm chấm mầu xanh của những cây cải, Hoa đang thay đất mới cho những chậu hoa lan. Thấy nàng, Hoa ngừng tay, nghiêng đầu nhìn Tâm quan sát, hai mắt nhíu lại,

- Mày…sao nhìn bơ phờ vậy? Mới đi làm về hả? Hôm qua mẹ lại nhắc đến mày. Mẹ hỏi tại sao kỳ này không thấy con Tâm ghé về nhà.

- Chị, em có chuyện muốn nói.

Nàng kéo Hoa vô phòng. Hoa nhìn Tâm khóa trái cửa, thắc mắc,

- Mày làm gì như bị ma nhập vậy?

Tâm buông mình xuống ghế. Nàng vén tóc. Nàng thở dài. Nàng kể chuyện. Hoa ngồi trên giường, há hốc mồm, ngớ ngẩn nhìn em,

- My gosh! Bây giờ…bây giờ tính sao?

Tâm lắc đầu,

- Em không biết.

Hoa đứng dậy, hít một hơi dài, giận dữ,

- Thằng sở khanh đểu giả.

Tâm nhăn mặt,

- Chị lại nói cái gì rồi.

- Tao chửi nó, chửi thằng Dave chứ còn nói cái gì.

Tâm ngước nhìn Hoa, nghiêm mặt,

- Chị Hoa! Chuyện này chỉ có giữa em và chị. Đừng nói cho mẹ và anh Dương biết.

- Mày khỏi dặn...

Hòa dừng lại, ánh mắt thương cảm,

- Đừng có lo. Chị biết mà. Chị đang lo cái vụ thằng nhỏ kia kìa. Vậy là mày gặp nó hơn một tuần lễ rồi hả?

- Dạ, gần một tuần rồi.

Hoa xoa xoa trán,

- Gần một tuần... Chết mày rồi! Nó thành ma rồi đó. Tao sợ…tao sợ nó sẽ còn theo phá mày dài dài.

Hoa lắc đầu, chống tay lên cằm, gãi gãi má, thì thào,

- Không biết mày nghĩ sao, chứ theo như tao, tao nghĩ…tao nghĩ…

Hoa tự hỏi rồi lại tự trả lời,

- Thằng nhỏ mấy tháng rồi? Mày nói nó được hơn một tháng rồi, phải không? Nếu vậy…mình…mình lấy sữa cúng cho nó đi...

Hoa dừng lại,

- Nhưng mà khoan, khoan, tao nghĩ ra rồi. Hay nhất là mày với chị đi lên chùa Quan Thế Âm xin mấy thầy làm lễ cầu siêu cho nó.

Tâm nhăn mặt,

- Chị, vớ vẩn. Thời buổi này mà còn tin vào những chuyện nhảm nhí, tào lao.

- Mày báng bổ thần thánh có bữa bị ông bà vật cho đáng đời. Có kiêng thì mới có lành chứ. Biết đâu sau khi tụng kinh cầu siêu cho đứa bé, hồn nó tiêu tan. Nó không theo phá mày nữa.

Thấy Tâm không phản ứng, Hoa hỏi,

- Bây giờ mày tính sao?

- Em…em không biết.

Cả hai chị em lại yên lặng, không ai nhìn ai. Hoa lên tiếng,

- Tao đã nói với mày bao nhiêu lần rồi. Thằng Dave nhìn mặt nó đểu giả vô cùng. Tao nói nhưng mà mày có nghe đâu. Nó quen mày biết bao lâu rồi nhưng có bao giờ thèm ghé về nhà mình một lần…

Tâm cúi mặt xuống, bộ mặt kiên nhẫn chịu đựng. Nàng ngẩng mặt lên, tay xoa bụng,

- Nhà còn gì ăn không? Em đói bụng. Từ hãng về thẳng đây, chưa ăn gì hết.

- Còn, còn nhiều lắm. Có thịt kho với trứng, canh rau đay. Vào đây, vào trong bếp với chị.

Hoa đi vô nhà bếp. Tâm bước theo. Tâm nhìn dĩa thịt kho tàu,

- Chị kho thịt heo toàn là mỡ. Cứ ăn như vầy, cholesterol chết ráng chịu.

- Anh ấy thích ăn thịt nạc có chút mỡ. Mẹ cũng vậy. Tao với mấy đứa nhỏ thì không. Hôm nọ mẹ và anh ấy đi khám bác sỹ. Họ nói lượng cholesterol của cả hai bình thường. Anh ấy ngày nào cũng chạy bộ rồi mới đi làm. Mẹ cũng chạy máy treadmill, một ngày mấy lần. Tao thì không dám ăn da gà, thịt mỡ, trứng. Nhưng có tin nổi không, bác sỹ nói lượng cholesterol của tao cao, bắt uống thuốc. Ông ấy còn bắt tao phải tập thể dục thường xuyên. Hơn một tháng rồi, ngày nào cũng cố gắng chạy bộ với anh Dương. Hồi đầu thở như con trâu. Riết rồi cũng quen. Mày thấy bụng tao nhỏ lại không? Mấy cái quần mày mua cho chị hôm Giáng Sinh năm ngoái, giờ phải bóp bụng lại.

Tâm nhìn bụng chị. Hoa nhìn bụng em, tò mò ngắm nghía.

Ông bà Thế có ba người con. Chết giữa một người con trai. Nhà còn hai chị em. Ông Thế chết khi Tâm được một tuổi, Hoa hơn bảy. Tâm, sáu tuổi, qua Mỹ trước với chú. Hai mươi năm sau Tâm bảo lãnh gia đình qua. Thời gian đầu tiên Tâm ở chung với mẹ, vợ chồng Hoa, và các cháu. Sau khi được thăng chức trong hãng, Tâm dọn ra ở riêng một mình, nhưng vẫn thường xuyên ghé về nhà chơi.

- Tối nay ở lại đây chơi đi…. Ngủ lại đây với chị.

Tâm ngừng đưa miếng cà pháo lên miệng, suy nghĩ, rồi gật đầu,

- Cũng được. Tối nay em ở lại đây. Em ngủ với chị. Nhưng…nhưng rồi anh Dương ngủ ở đâu?

- Cho ra ngoài ngủ phòng khách.

Tâm nhếch mép cười,

- Chị dám.

- Dám chứ sao không.

Nửa đêm về sáng, Hoa lay gọi Tâm. Vẫn như tuần trước, đứa bé hiện ra, vẫn ngồi ở đầu giường khóc tỉ tê, vẫn với tiếng khóc của đứa con nít khát sữa, đứa nhỏ cổ cài nơ, khuôn mặt tròn, má đỏ au, nhạt nhòe nước mắt nước mũi. Nhận ra Tâm, đứa con trai giơ hai tay ra. Tâm cúi xuống, bế đứa nhỏ vào lòng. Đứa con dựa đầu vào vai Tâm tiếp tục khóc. Tâm bế con đi tới đi lui, tay vỗ nhè nhẹ vào lưng đứa bé. Tiếng khóc nhỏ dần nhỏ dần. Cúi xuống nhìn, nàng nhận ra mình ôm gọn trong lòng một bộ xương đang rữa thịt. Mùi hôi thối xông thẳng vào mũi. Tâm nghẹt thở. Nàng hét lên…

- Tâm! Tâm! Mày làm sao vậy?

Tâm mở mắt ra, ngồi bật dậy. Cổ họng khô ran. Nàng lần bước đi xuống nhà bếp. Mở cửa tủ lạnh, Tâm rót ly nước. Hoa đi tới ngồi cạnh, khuôn mặt ngái ngủ, tóc dài quấn rối tung. Hoa hỏi, giọng e dè,

- Nó…đứa nhỏ…đứa nhỏ lại hiện ra hả?

Tâm thở dài nhìn đồng hồ, 2:30 sáng. Tâm nhìn chị. Hoa ngái ngủ, ngáp ngắn ngáp dài.

- Chị đi ngủ đi.

Hoa đứng dậy, che miệng ngáp,

- Tao vô phòng trước. Mày ngồi đó rồi cũng đi ngủ đi.

Còn lại một mình, Tâm tỉnh ngủ. Nàng nhớ lại khuôn mặt của đứa bé trong giấc mơ, khuôn mặt đó hình như của Dave, bố đứa nhỏ…

…Tâm quen Dave gần hai năm. Dave, ba mươi tuổi, Mỹ gốc Do Thái, tóc đen mắt nâu, thấp, mặt xương, miệng móm xọm, khuôn mặt nghiêng về nét Á Đông. Ông bà nội Dave chết mất xác trong trại tập trung của Phát-Xít Đức trong Thế Chiến thứ Hai. Bố Dave kể lại, khi đó ông hơn mười tuổi đang ngáp dài đợi chờ thần chết. Nếu quân đội Hoa Kỳ tới trễ, có lẽ Dave đã không xuất hiện góp mặt với cuộc đời. Cô ruột của bố Dave, sau khi nhận được mảnh giấy nhầu nát từ bên Đức, làm giấy bảo lãnh thằng cháu qua Hoa Kỳ. Nạn nhân Phát Xít Đức lê những bước chân về khu Do Thái của thành phố New York. Bà cô góa phụ gầy đét như chổi quét nhà nuôi thằng cháu mồ côi lên người. Bố Dave lấy vợ. Bố, Do Thái, gần chết đói trong trại tập trung; mẹ, Trung Hoa, con cái dân làm đường rầy xe lửa. Dave sinh ra, lớn lên trong khu Do Thái ẩm thấp nghèo nàn. Mười tám tuổi Mỹ con dọn nhà lên Boston, ở riêng một mình. Dave gặp Tâm trong chương trình văn nghệ Tết do sinh viên Việt Nam đại học MIT tổ chức. Dave mặc khăn đống áo dài Việt Nam. Dave khéo nói, ngọt ngào, cười tươi, tán nàng. Tâm thoạt tiên khó chịu, nhưng cuối cùng mềm lòng.

Dave thông minh nhưng lười. Lương ba cọc ba đồng. Khi làm ở Best Buy. Có lúc chạy bàn trong tiệm McDonald. Một năm nhảy hai ba hãng. Thay đổi công việc như thay áo. Tâm mang Dave vào trong hãng làm Tester cho phân khu của nàng, sau khi bắt Dave ghi danh đi học một lớp điện. Dave thông minh. Chỉ đâu biết đấy. Nhưng lười biếng. Hứng lên là nghỉ. Tối, thức khuya coi football, nhậu nhẹt với bạn bè. Xỉn, ngủ trễ. Sáng hôm sau gọi vào, đau. Trời mùa thu, buồn, gọi vào báo xếp Tammy, cúm, cảm. Cuối cùng chính tay Tâm phải sa thải nhân viên Dave. Mất việc, Dave không buồn cũng không giận xếp Tammy. Dave xin vô làm trong tiệm xăng Amaco, ca chiều, sáng đi học. Dave sống nhởn nhơ vô tư, nhún vai, bĩu môi nói,

- Anh người Do Thái. Em có biết đoạn văn trong sách Giảng Viên hay không? “Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Một thời để sinh ra và một thời để chết đi”. Ai cũng chỉ sinh ra một lần, rồi chết. Anh đâu phải tín hữu Phật tử như em để mà tin vào thuyết Luân Hồi. Anh là con cháu của Sadducee. Cưng biết người Do Thái Sadducee không? Họ không tin vào hỏa ngục hay thiên đàng. Họ cũng chẳng tin tưởng vào những cái ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống. Họ tin vào Chúa, nhưng Chúa không có dính dáng dự phần vào đời sống của con người. Chúa sinh ra mình để mình ăn chơi sung sướng, hưởng thụ cuộc đời. Tội chi phải hành hạ thân xác giống như mấy người đồng hương Do Thái của anh. Cả đời chắt bóp tiền bạc, ăn chẳng dám ăn, xài không dám xài, cho vay cắt cổ, cuối cùng giống như ông nội của anh đó, chết mất xác trong lò thiêu.

Tâm nhìn Dave muốn nói không tính toán rồi lấy tiền đâu mà trả tiền nhà. Lần sau có kẹt tiền, đừng chạy tới mượn em. Tâm muốn nói anh tán phét như một tên luật sư Harvard thứ thật. Trường Harvard gần nhà đó, cách đây mấy con phố thôi, sao không ghi danh học luật sư đi? Nhưng nhìn khuôn mặt với nụ cười móm xọm của Dave, Tâm yên lặng. Nàng đứng dậy, ngồi sát cạnh Dave,

- Em gặp bác sỹ ngày hôm qua. Bà ta nói em có thai, hơn một tháng rồi.

Dave khựng lại, nhìn Tâm nghi ngờ,

- Em giỡn chơi với anh, phải không?

Tâm lắc đầu,

- Không, em không nói giỡn.

Mồ hôi toát ra trên khuôn mặt xanh lét của Dave,

- Mấy tháng rồi?

- Hơn một tháng.

- Giờ…giờ tính sao? Giờ em tính sao?

Tâm cười,

- Còn tính gì nữa. Anh nói rồi đó. Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Một thời để sinh ra, và một thời để chết đi. Một thời để…để bồ bịch với nhau, và một thời để lấy nhau. Chắc hai đứa mình phải làm đám cưới rồi. Em tính làm một đám cưới đơn giản thôi...

Dave ơ hờ nghe người tình tính toán cho đám cưới tương lai. Gãi gãi tóc, chàng thanh niên nói,

- Anh không biết. Nhưng…nhưng…cưng biết rồi đó, anh không có tiền. Anh vẫn còn đang đi học, phải tới sang năm mới ra trường. Anh nghĩ khi có việc, đi làm, mình mới làm đám cưới. Như vậy tiện hơn. Cưng nghĩ coi bây giờ làm đám cưới, cưng phải bỏ tiền ra. Một mình em chịu hết.

Tâm tái mặt,

- Anh không nghe em nói gì sao? Em đã nói tiền bạc cho đám cưới không phải là một vấn đề đối với em. Một mình em chịu. Anh chỉ việc đi tới tòa ký giấy với em. Hôm đám cưới, hai đứa mời họ hàng bạn bè ra nhà hàng Tàu... Em đâu có đòi anh phải đóng góp tiền bạc gì đâu. Sau đám cưới, anh bỏ căn chung cư của anh đi. Hai vợ chồng mình sống ở căn nhà của em. Nhà này cũng là nhà của anh vậy.

Nhìn Dave, Tâm nổi nóng, nhưng kềm lại, chờ đợi. Dave vẫn không nói gì cũng không phản ứng. Nuốt nước miếng, ngăn lại giọt nước mắt, người con gái đứng dậy, quay đi,

- Em hẹn cho anh ba ngày. Anh về nhà suy nghĩ kỹ đi.

Ba ngày sau Tâm gọi lại lúc khuya. Giờ này Dave chắc đang ngồi coi TV, trận bóng rổ. Điện thoại reng ba tiếng. Không ai trả lời ngoại trừ tiếng nói dịu ngọt của Dave văng vẳng qua lời nhắn. Có lẽ Dave đang mắc kẹt trong nhà tắm. Đợi thêm 15 phút, Tâm gọi lại một lần nữa. Dave vẫn lặng câm im lìm. Thêm 30 phút nữa, Tâm hờ hững gác điện thoại. Nàng vô nhà tắm rửa mặt với nước lạnh. Nhìn khuôn mặt trong gương, Tâm xoa nắn những nét nhăn mờ mờ bắt đầu xuất hiện dưới khóe mắt. Tâm buồn thiu. Nàng khóc. Nước mắt ngắn dài chảy xuống gò má. Nàng xoa nhè nhẹ lên bụng, ba mươi tuổi rồi.

Khi biết mình có thai, nàng lắc đầu không tin. Về tới nhà, Tâm lo lắng, trách mình không cẩn thận. Nàng thẫn thờ suy nghĩ mông lung về tương lai và bào thai đang cuộn tròn trong bụng. Nhấc điện thoại, Tâm muốn gọi Dave, nhưng lắc đầu. Nghĩ tới mấy con nhỏ bạn, nàng thở dài. Nhớ tới Hoa, nàng muốn lái xe sang nhà mẹ. Nghĩ tới mẹ, Tâm ngần ngại.

Nàng không hiểu bà Thế sẽ phản ứng ra sao khi thấy bụng cô con gái út ngày càng to ra. Nhờ Tâm, cả gia đình sang được vùng đất mới. Thấy Tâm tự tin, thành công với đời sống, bà Thế lại càng hãnh diện, thương, và nể cô con út nhiều hơn. Gặp những người bạn, Tâm là nhân vật đầu tiên bà mang ra bắt đầu cho những câu chuyện nhà tôi, ông ấy mất sớm, nhưng nhờ Trời Phật phù hộ, tôi có cháu Tâm làm Kỹ Sư Trưởng trong hãng điện tử đỡ đần lo toan mọi chuyện. Hoa, thoạt đầu khó chịu, buồn, và ghen tị với em. Nhưng thương em xa nhà từ nhỏ, một mình lo toan gánh vác chuyện gia đình, Hoa dần dần bớt đi những mặc cảm thua kém.

Tâm cũng tế nhị và biết. Hồi còn nhỏ, xa nhà, nàng sống với gia đình chú Hòa; tối nào Tâm cũng khóc. Giờ này hạnh phúc có lại trong tay, Tâm thương mẹ, thương chị, trọng anh rể, chiều các cháu. Đời sống hạnh phúc của Tâm chỉ hơi xáo động khi Dave gõ cửa.

Nàng vẫn cứ thắc mắc không hiểu tại sao mình lại yêu Dave. Dave nhìn cũng bình thường như bao nhiêu người thanh niên khác, nhiều khi còn tệ hơn. Nàng biết rõ Dave là một người tin và sống với chủ thuyết lè phè, làm ngày nào xài ngày đó, không lo xa, không tính toán. Nhưng Tâm lại yêu người con trai mê mệt y như bị bỏ bùa. Bỏ bùa? Tâm cười, nói không biết người Do Thái có nuôi ngải như người Miên hay người Việt Nam hay không?

Tâm nhớ lại có một thời gian nàng bị sa sút tinh thần trầm trọng. Sau khi làm trong hãng Intel được hơn một năm, tự nhiên nàng mất ngủ, tối trằn trọc. Không hiểu chuyện gì xảy ra, Tâm gặp bác sỹ gia đình. Người bác sỹ nói nàng bình thường, không có gì. Tuy nhiên bà đề nghị Tâm nên gặp bác sỹ tâm thần.

Sau hơn một tuần lễ suy nghĩ, nàng quyết định gặp chuyên gia về tâm lý. Bà ta hỏi, nàng ngần ngại trả lời, rồi nói hết, nói tất cả những điều Tâm chưa bao giờ nói với ai, kể cả chính mình. Nàng nói hồi còn nhỏ lần đầu tiên hỏi mẹ, mẹ ơi, sao con không thấy bố? Chỉ vào tấm hình mầu của ông Thế đội khăn đống áo dài, mặt xương xương đang mỉm cười, nụ cười móm xọm, bà Thế nói với cô con gái út là bố bay lên trời rồi. Để làm gì? Ở trên đó vui hơn. Tâm nhăn mặt không hiểu. Bố của bạn Tâm mua cho nó con búp-bê mắt nhắm mắt mở. Tâm về nhà đòi mẹ mua búp-bê. Bà Thế lấy con búp bê của Hoa vứt bỏ trong tủ nhỏ bằng hai ngón tay đưa cho Tâm. Tâm cầm búp bê ném thẳng vào góc nhà, ngồi khóc, đòi bố.

Bà Thế một hôm ôm nàng vào lòng nói ngày mai cho Tâm đi sang Mỹ với chú Hòa. Nàng không chịu, đòi ở nhà với mẹ. Bà Thế nói ở bên Mỹ có nhiều búp bê mắt nhắm mắt mở, tóc vàng óng như tơ; bên Mỹ cũng có nhiều kẹo, có nhiều đồ chơi tha hồ cho con bán hàng trước sân nhà. Mẹ ơi, vậy mẹ có đi với con không? Mẹ... Mẹ sẽ qua Mỹ với con sau; bây giờ con đi với chú Hòa trước. Mẹ ơi, khi mẹ sang Mỹ, mẹ mang chị Hoa sang với con luôn nhé. Ừ! Mẹ ơi, mẹ nhớ sang Mỹ lè lẹ lên.

Mấy ngày hôm sau bà Thế mang bé Tâm giao cho người em ruột của ông Thế ở dưới Rạch Giá. Tâm ở với chú một tuần, rồi lên tàu. Bé Tâm lớn lên với chú, đợi chờ mãi, nhưng mẹ và chị Hoa không qua.

Chú Hòa của Tâm sống trên vùng đất lạ tự nhiên trở nên một người đàn ông mất tiếng nói. Chú nói tiếng Anh nghe như cọp nhai bắp rang. Chú xin đi làm ở tiệm ăn McDonald, không ai nhận. Chú ở nhà trông con cho vợ, nấu cơm, quét dọn nhà cửa. Thím Hòa, từ một người nội trợ biến thành người chủ gia đình. Thím đi làm. Thím ghi danh đi học tiếng Anh. Thím trở thành một người thiếu phụ ăn nói mặn mà duyên dáng. Đàn ông độc thân bám theo thím như đỉa. Thím ít khi có mặt ở nhà. Cả hai người chú và thím đều lột xác. Thím càng lịch lãm giao thiệp rộng bao nhiêu, chú càng ấm ớ cô đơn bấy nhiêu. Hai năm sau ngày đặt chân lên vùng đất mới, chú Hòa bị ung thư phổi, chết đi để lại hai đứa con và một đứa cháu.

Thời gian đầu tiên, có chú, những lúc bé Tâm khóc đòi về Việt Nam với mẹ, chú ngọt ngào dỗ dành. Chú nheo mắt chọc cô cháu gái là con mèo mít ướt. Chú mất đi, Tâm không khóc nữa. Đi học về, Tâm nhốt mình trong phòng học bài. Càng lớn Tâm càng ít nói. Càng lớn Tâm càng học nhiều hơn. Cuối năm trung học, Tâm nhận được học bổng của trường đại học MIT. Tâm rời nhà của thím, mang theo tấm hình của chú Hòa chụp hôm đám cưới; chú, áo vét đen, cổ cài nơ, miệng móm tươi cười bên cạnh ông Thế.

Bác sỹ đề nghị Tâm viết nhật ký. Hồi tưởng lại những chuyện của quá khứ, nàng nước mắt ngắn dài dựng lại cả một khoảng thời gian từ ngày rời đất mẹ. Viết được gần một trăm trang giấy đánh máy, Tâm in ra đọc lại. Nàng ra sân nhà, đặt những trang giấy vào bếp than nổi lửa đốt cháy. Hình ảnh của ông Thế, chú Hòa nhập nhòe trong ngọn lửa; ông Thế đầu đội khăn đống mặc áo thụng xanh mỉm cười với Tâm; chú Hòa cổ cài nơ nheo nheo mắt với cháu gái. Trong ngọn lửa Tâm thấy thấp thoáng hình ảnh cô bé gầy còm đen thui ngồi khóc một mình bên bờ biển Galang. Ngọn lửa cháy bùng lên thiêu đốt thổi khô những giọt nước mắt của người con gái.

Cầm ly nước lạnh, Tâm uống một ngụm dài. Đứng dậy, nàng tắt đèn nhà bếp, chui vào nằm cạnh Hoa.

Mặt trời bình minh chiếu xiên xiên qua khung cửa đánh thức Tâm dậy. Nàng bước ra ngoài nhà bếp,

- Chị làm cà-phê cho ai vậy? Anh Dương hả? Cho em một ly cà-phê đen được không?

- Mày mới dậy hả? Ăn sáng trước hay uống cà-phê trước?

Nhìn quanh, Tâm nói khẽ,

- Cho em một ly cà-phê rồi em với chị đi lên chùa.

Hoa dừng tay, quay một vòng, trợn mắt nhìn Tâm. Tâm nhìn chị, chờ đợi, mặt buồn thiu. Hoa mở miệng tính nói, nhưng dừng lại. Hoa đi tới, đưa ly cà-phê cho Tâm, tay kia vuốt tóc em gái,

- Ngồi đợi chị một chút. Uống cà-phê đi. Chị vô phòng thay áo dài.

Tâm đứng nhanh lên, lắc đầu, bỏ lại ly cà-phê trên bàn,

- Mang ly cà-phê theo. Em cũng thay áo. Chị cho em mượn áo dài của chị được không?

Tâm dừng lại, ngần ngừ,

- Chị... Chị có miếng vải… vải trắng không?

- Để làm gì?

Trên chùa Quan Thế Âm, Tâm xin sư trụ trì làm một lễ giải oan cho đứa con chưa chào đời của nàng.

Quỳ trước điện Phật thơm ngát hương trầm, Tâm đầu quấn khăn tang trắng nhạt nhòa nước mắt nói với đứa con nàng chưa hề thấy mặt. Tâm nói không phải mẹ muốn bỏ con, con trai của mẹ. Mẹ muốn gồng mình chịu đau mang con ra đời. Mẹ muốn con đỏ hoe khóc oe oe trong vòng tay mẹ. Mẹ muốn bế con trong tay. Mẹ nựng. Mẹ hôn. Mẹ bẹo đôi má mập mạp ửng đỏ sữa thơm. Mẹ muốn con khóc đòi mẹ những khi tròn miệng ngáp ngắn ngáp dài sau một giấc ngủ say. Mẹ muốn con khóc đòi thay tã mới. Mẹ muốn con mọc răng, ấm đầu nóng sốt; mẹ bồng con lên, mẹ bế trong lòng, đầu con gục vào vai mẹ, nước mắt nước mũi của con vương vãi trên cổ trên lưng áo của mẹ. Mẹ muốn con cười móm mém hở lợi u ơ nói chuyện. Mẹ muốn con bám ghế, bám giường lẫm chẫm đi, vừa đi con vừa toét miệng cười, bàn tay mập mạp ngắn ngủn đập đập đôi chân cong vòng mừng vui thích thú. Mẹ muốn con mặc áo thụng xanh, đầu đội khăn đống khi con lên sáu, mẹ dẫn con đi chúc tuổi bà ngoại. Mẹ muốn con khoác áo vét, thắt nơ khi con lên mười, mẹ chở con tới nhà hàng ăn tiệc cưới. Mẹ muốn nhìn thấy con vươn cao từng phân. Mẹ muốn ngắm nhìn con râu mọc lưa thưa trên mép bước vào đời. Mẹ muốn trong nhà nhộn nhịp tiếng chuông điện thoại của bạn con, bạn trai bạn gái. Mẹ muốn tất cả. Mẹ muốn được làm mẹ của con. Mẹ muốn con là con trai của mẹ.

Bố từ chối sự hiện diện của con. Mẹ thất vọng. Mẹ hụt một hơi thở. Mẹ đau nhói trái tim. Mẹ giận. Mẹ sợ dư luận. Mẹ trở thành ích kỷ. Mẹ quên đi con trai của mẹ. Và mẹ bỏ con như hồi xưa ông ngoại và ông trẻ bỏ mẹ, như hồi xưa bà ngoại đẩy mẹ ra khỏi vòng tay. Lỗi tại mẹ! Tất cả tại mẹ!

Nhang thơm bay lên lung linh trước điện Phật. Trong làn nước mắt, Tâm thấy Đức Phật mở miệng cười với nàng, nụ cười từ bi, nụ cười khoan dung, nụ cười độ lượng.

Thứ Sáu, cuối tuần, Tâm đi với mấy người bạn gái từ hồi trung học ăn tối tại quán Apple Bees. Cả bọn sau đó dẫn nhau tới quán rượu có sàn nhảy. Tại quán rượu Tâm gặp lại Dave, người tình một thuở.

- Hêlô, Tammy?

- Hêlô, Dave.

- Tammy lúc nào cũng đẹp rực rỡ như nàng tiên.

Vừa nói Dave vừa ghé sát miệng vào tai của Tâm. Tâm nghiêng người né tránh miệng cười cười. Dave khựng lại,

- Hơn một tháng rồi, anh gọi em mà không thấy ai nhấc điện thoại. Nè, đừng có nói là em về Việt Nam thăm nhà nhé. Có chuyện chi không cưng. Nói cho anh nghe đi. Chiều nay anh gọi một lần nữa tính rủ đi coi phim. Nhưng vẫn không có cưng ở nhà. Anh buồn thiu. Tới nhà em, gõ cửa. Không có ai ở nhà. Nhớ cưng quá, anh tới đây, tìm kiếm em.

Tâm nhìn Dave, cũng khuôn mặt đó một thời đã hớp hồn nàng. Một thời nàng say rượu với những lời ngọt ngào của người thanh niên con cháu Sadducee. Nhìn miệng Dave móm xọm, Tâm không một chút lay động. Hết rồi Dave ơi. Hết rồi một thời đắm say. Hết rồi một khoảng thời gian em mê mệt. Dave ơi! Bây giờ cỏ non lại tiếp tục vươn cao màu xanh sau khi tâm hồn của em bị những trận cuồng phong thổi qua cày nát. Cám ơn Dave cho những ngọt ngào một thuở. Cám ơn đã từ chối không cho em choàng khăn voan mặc áo dài trắng. Cám ơn đã cho em một cơ hội để em biết rằng em không yêu anh như em đã từng nghĩ rằng em yêu anh tha thiết. Cám ơn Dave đã tới quán rượu tối nay để em gặp lại anh một lần nữa, để em biết rằng trong cuộc đời của em, anh chỉ còn là một bóng mờ. Dave ơi! Bây giờ em đang tìm kiếm hạnh phúc mới. Hy vọng rằng em sẽ tìm ra được một tình yêu mới, tình yêu chân thật hơn.
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,160
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 

Postby Mười Đậu » 09 Aug 2006

Thanh Hỏa Trà, Hồng Huyết Lan

Khi tới Nghệ An, Vua Quang Trung
gặp La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.
Ngài hỏi: “Nay quân Thanh kéo sang xâm lấn.
Thầy nghĩ sao về cách đánh, sự được thua?”

Trời mấy ngày hôm nay lạnh buốt. Cái giá rét cuối năm thổi về huyện La Sơn lạnh se da thịt khiến cụ Nguyễn thêm nặng giọng ho khan vào những buổi tối bên chung trà có mầu nước vàng đặc như mật ong. Khoác vào người chiếc áo bông dầy mầu trắng ngà, cụ Nguyễn loay hoay nấu thêm bình nước nóng cho ấm trà mới. Bóng cụ cô đơn, khẳng khiu, đổ dài bên lò than hồng. Than hồng tí tách nổ văng tung tóe trong đêm đen tựa như những ngôi sao băng trên nền trời cuối năm. Miệng húng hắng ho nhưng cụ vẫn nhận ra được tiếng chân đạp trên lá khô ngoài ngõ vắng. Ngẩng đầu nhìn ra khung cửa sổ, mặt cụ tươi vui hẳn lên. Cụ Nguyễn cất tiếng chào,

- Chào cụ Nghè.

- Không dám, chào cụ.

Từ hồi tóc còn để chỏm, học lớp cụ Tú Chuyên trong làng, cụ Nghè Văn Tiên và cụ Nguyễn Thiếp đã biết và thân với nhau.

Học được với cụ Tú Chuyên mấy năm, Văn Tiên chuyển sang huyện bên cạnh theo cửa môn của cụ Nghè Thanh Hậu, một người khoa mục nổi tiếng văn hay chữ tốt không phải chỉ trong tỉnh Nghệ An mà cả vùng Bắc Hà. Năm Nhâm Tuất, năm vỡ con đê khúc sông Ðáy đổ vào sông Nhị Hà, Văn Tiên hai mươi hai tuổi đỗ thủ khoa trường Nghệ. Ba mươi tuổi Nghè Văn Tiên đỗ tiến sĩ, được bổ làm Tri Phủ quyền thụ Án Sát. Trước khi quân Ó tiến vào kinh thành Thăng Long chấm dứt cơ nghiệp 200 năm của Chúa Trịnh, viện cớ thân phụ cao tuổi, cụ Nghè Văn Tiên từ quan về lại làng.

Riêng cụ Nguyễn, ngoại trừ thời gian ngồi dạy học tại nhà Ðề Lĩnh ở Thăng Long, sau mấy kỳ lận đận với thi cử, quyết định về làng mở trường dạy sách thánh hiền cho con cháu và dân chúng trong huyện La Sơn. Bởi vậy người trong huyện gọi cụ là La Sơn Phu Tử.

Cụ Nguyễn và cụ Nghè nể nhau về tài học, trọng nhau về đức độ. Riêng cụ Nghè Văn Tiên kính trọng La Sơn Phu Tử về cái kiến thức thông thiên bác cổ. Có lần, trong tiệc rượu tân niên bên nhà quan huyện Hương Sơn, cụ Nghè nói,

- Thời Tam Quốc có Ngọa Long tiên sinh nằm trong nhà cỏ nhưng vẫn biết thiên hạ sẽ chia ba. Bây giờ Bắc Hà có Nguyễn tiên sinh. Một đời lận đận với thi cử, không mấy khi rời bước khỏi làng, nhưng những chuyện trong thiên hạ không đâu cụ không biết. Đến là tài.

Quan huyện Hương Sơn vuốt râu khẽ góp ý,

- Nghe nói La Sơn Phu tử còn biết cả đông y.

Cụ Nghè Văn Tiên tiếp lời,

- Quan nói đúng. La Sơn Phu Tử chính là một vị đông y tài sánh với Hải Thượng Lãn Ông của huyện nhà. Có nhiều con bệnh hiểm nghèo, thầy thuốc chê, người nhà chuẩn bị áo quan, tìm kiếm mộ phần. Đưa đến tiên sinh, ngài cứu sống bẩy tám. Trong thời gian dạy học tại kinh đô, Phu Tử và Lãn Ông vẫn thường xuyên gặp gỡ trao đổi về đông y học. Trong thời gian chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán, có hai ba lần Hải Thượng Lãn Ông triệu mời Nguyễn tiên sinh tới Phủ Chúa chẩn mạch cho Thế Tử tại lầu Tử Các. Bởi vậy có lần Hải Thượng Lãn Ông vắng nhà, hình như vô rừng hái thuốc, trong khi đó Chúa Trịnh Khải ngã bệnh nặng. Có người chợt nhớ tới vị đông y bạn của Hải Thượng Lãn Ông. La Sơn Phu Tử lập tức được triệu mời vào kinh đô. Chỉ qua hai thang thuốc, Chúa Trịnh dần dần hồi phục. Từ đó Chúa coi tiên sinh là đại ân nhân, ăn cơm mời ngồi cùng mâm. Biết tiên sinh là người thông thiên bác cổ, Thái Thượng Hoàng và Chúa Trịnh thường xuyên mời ra kinh đô vấn kế. Nếu không có nạn quân Ó, có lẽ tiên sinh đã về lại kinh thành Thăng Long làm việc hẳn trong Phủ Chúa rồi. Có lần thân mẫu của La Sơn Phu Tử ngã bệnh. Nếu không có nhân sâm trong Phủ Chúa, e khó sống. Tiên sinh lên kinh đô diện kiến Chúa Trịnh. Chính tay Chúa Công mở cửa kho thuốc, trao một lạng nhân sâm cho tiên sinh.

Cụ Nguyễn rót nước trà mời khách, những giọt nước trà óng ánh mầu mật ong,

- Mời cụ Nghè.

- Không dám. Mời cụ.

Cụ Nghè Văn Tiên đưa chung trà mầu nâu đỏ nhỏ tựa hột trứng gà con so lên miệng. Uống một ngụm, cụ đặt chung trà xuống mặt bàn.

- Hương trà thơm. Mới đưa vào miệng, vị chát. Nhưng nuốt vào tới cổ họng, vị ngọt đượm quanh cần cổ. Cụ đặt mua trà này ở đâu vậy?

- Tôi có người cháu gọi bằng bác từ phía Đàng Trong gửi tặng. Người Nam Hà họ cũng có nhiều loại trà khá lạ. Tôi thoạt tiên cứ tưởng thằng cháu mua của người Minh Hương mạn Hà Tiên. Sau mới biết không phải. Trà này của người Nam Hà.

Cụ Nghè ngạc nhiên,

- Trà Nam Hà? Cụ mà không nói, chắc cứ tưởng đang uống trà tàu.

- Trà này người Ðàng Trong gọi là Thanh Hỏa Trà, chỉ xuất hiện trên vùng đất có chất diêm, khí hậu lạnh quanh năm. Thanh Hỏa Trà vị đắng. Mầu vàng tươi, óng ánh như mật ong. Người suy nhược uống vào, thần khí trở lại bình thường. Đặc biệt Thanh Hỏa Trà ngừa và giải được độc tính của lá Hồng Huyết.

Cụ Nghè nhíu đôi chân mày,

- Cụ muốn nói đến…Hồng Huyết Lan?

Cụ Nguyễn gật đầu. Cụ Nghè Văn Tiên kể chuyện,

- Ở nhà, tôi có một giò Hồng Huyết Lan do một người thân gửi biếu Tết. Người này dặn đừng tưới nước, đúng giờ Giao Thừa Hồng Huyết Lan sẽ nở. Tôi, tôi chưa bao giờ nghe nói tới Hồng Huyết Lan.

Dừng lại nhìn cụ Nguyễn, ánh mắt cụ Nghè Văn Tiên dò hỏi. Khe khẽ cười, cụ Nguyễn chậm rãi nói,

- Hồng Huyết Lan chỉ xuất hiện trên mạn ngược. Khi nở, hoa hình trái tim đỏ như máu tươi. Lá cắt nhỏ, phơi khô ba sương bốn nắng. Giã nát thành bột, bột mang tính độc dược. Hồng Huyết Lan dùng đúng liều lượng có khả năng cứu sống người bị thổ tả. Nhưng nếu đốt trên lò than, mùi thơm hơn trầm hương. Người ngửi phải khói Hồng Huyết Lan, sau ba canh giờ, thất khiếu bắt đầu ứa máu mà chết.

Đứng dậy mở cửa tủ gỗ cẩm xà cừ bóng lộn nằm dưới bàn thờ, cụ Nguyễn chỉ vào lọ thuốc mầu hồng ngọc,

- Đây là Hồng Huyết Lan.

Cụ chỉ vào lọ thuốc mầu bạch ngọc nằm ngay bên cạnh,

- Đây là trầm hương.

Cầm lọ bạch ngọc trên tay, cụ rắc nhẹ trầm vào lư hương bằng đồng óng ánh đặt trên mặt tủ gỗ. Nhìn khói trắng quyện tròn bốc cao, cụ Nghè nhấp một ngụm trà, miệng cười hóm hỉnh,

- Giờ này cụ có đốt trầm hương trộn Hồng Huyết Lan, tôi vẫn chưa có cơ hội dạo chơi cõi tuyền đài.

Cụ Nguyễn cười theo,

- Cụ nói đúng, bởi ta đang uống trà Thanh Hỏa. Nhưng cụ yên chí, lương y như từ mẫu, tôi chỉ cứu người.

Tự nhiên cụ Nguyễn ngập ngừng giọng nói, sát khí hiện lên bám đen vầng trán,

- Họa may…họa may…chỉ có một người...

Cụ Nghè nhíu mày nhìn người bạn vong niên. Cụ thấy cụ Nguyễn ngước mắt nhìn lên bàn thờ gia tiên. Cụ nhìn theo. Trên bàn thờ, bức hoành sơn đỏ thêu chữ Lê đại tự kim tuyến và linh bài có khắc năm chữ Ðoan Nam Vương Trịnh Tôn mờ ảo trong ánh sáng chập chờn của hai ngọn nến đỏ tươi. Tự nhiên nét mặt cụ Nghè đổi sang vẻ đăm chiêu,

- Nếu vậy chắc cụ biết Hồng Huyết Lan chỉ nở vào cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng, hơn ba tháng hoa chưa tàn. Nhưng đặc biệt Hồng Huyết Lan sẽ không đỏ thắm mầu máu nếu không có máu đổ.

Dừng lại, cụ dường như thì thầm,

- Tôi nghe nói nhìn Hồng Huyết Lan, biết tình hình thời cuộc. Nếu hoa nở đỏ mầu máu, người ta biết nhân gian sắp sửa trải qua một cuộc binh đao.

Cụ Nghè ngưng lại, nâng cao chung trà,

- Tôi theo lời dặn, từ ngày được hoa không tưới nước. Thật là bất ngờ sáng hôm qua tự nhiên lan hé nụ. Ngạc nhiên tôi hỏi người trong nhà có ai đụng chạm tới giò lan hay không? Đứa con dâu thứ rụt rè nói cách đây hai hôm tôi đi vắng, thằng cháu tinh nghịch đổ nước tưới lan.

Một lần nữa cụ xuống giọng, thì thào nho nhỏ,

- Tôi nhìn hoa Hồng Huyết mà rùng mình, hoa hình trái tim đỏ tươi mầu máu. Những nụ còn lại đang chuẩn bị hé nở, nhìn vào bên trong, mầu máu đỏ tươi!

Cụ Nghè dừng lại, không nói gì thêm. Cụ Nguyễn lặng thing nhìn ra ngoài khung cửa. Bên ngoài trời tháng Chạp vẫn tối đen như mực. Cụ Nghè Văn Tiên lên tiếng đánh đổ bức tường yên lặng vây bọc chung quanh,

- Chắc cụ cũng biết tình hình Bắc Hà ngày càng rối loạn. Sau ngày Chỉnh bị Nhậm đánh đuổi, Hoàng Thượng bỏ kinh thành Thăng Long chạy sang Bắc Kinh. Cống Chỉnh bỏ đi, Văn Nhậm một mình hùng cứ đất Bắc. Bắc Hà thay đổi từ vua sang chúa, từ chúa sang công, từ công sang tướng. Nhưng, một lần nữa Huệ kéo quân Ó ra lại Bắc Hà, thế lực của võ biền Văn Nhậm tan biến. Quân Ó bỏ về lại Nam Hà, 20 vạn quân Thanh dưới quyền Lưỡng Quảng Tổng Ðốc Tôn Sĩ Nghị vượt biên giới Lạng Sơn kéo xuống kinh thành. Thời Nhậm bỏ trống Thăng Long, kéo quân về đóng tại núi Tam Ðiệp.

Cụ Nghè nhìn bạn, thở dài,

- Tôi nghe nói Hoàng Thượng lơ là việc triều đình, ngày đêm chỉ lo báo thù trả oán. Trong khi đó, 20 vạn lính Thanh trấn đóng kinh thành ngày đêm hà hiếp dân chúng.

Cụ Nghè đăm chiêu, lắc đầu,

- Nghĩ hoài mà vẫn không hiểu tình hình Bắc Hà rồi sẽ ra sao.

Quay sang người đối diện, cụ thở than,

- Mấy đêm rồi tôi ngủ không được, trằn trọc tới lui. Chiều nay tôi nói phải ghé vào cụ. Cụ bác học, thông thiên địa lý, chắc chắn phải có nhiều cao kiến…

Đưa chung trà thơm lên miệng, uống một ngụm nhỏ, cụ Nguyễn cười,

- Cụ Nghè hỏi thì chắc cũng phải xin góp nhặt một vài điều để hầu cụ. Nhưng, cụ đã hỏi thì tôi áng chắc trong đầu cụ cũng đã có một vài cao kiến.

Cụ Nghè lắc đầu cười xòa,

- Tôi, tôi rối bời qua đây kiếm cụ tâm sự, vấn kế, ai ngờ bị hỏi ngược lại. Nhưng thôi, đã bị hỏi thì chắc cũng phải nói.

Nhìn ra ngoài khung cửa sổ, cụ Nghè Văn Tiên trầm ngâm mơ màng trong một thoáng. Quay vào nhìn chung trà, cụ Nghè chậm rãi nói,

- Từ ngày Lê Thái Tổ lên ngôi năm Mậu Thân, đất Thăng Long từ đó đến nay vẫn chưa đổi chủ, mặc dù con cháu tướng quân Trịnh Kiểm và Hữu Vệ Điện Tiền Nguyễn Kim lập hai phủ Chúa tại Thăng Long và Phú Xuân lấn áp vua Lê. 200 năm rồi Trịnh Nguyễn phân chia đất nước, hùng cứ một phương. Nhưng Bắc Hà và Nam Hà trên danh nghĩa vẫn thuộc vua Lê, bởi ngai vàng của Thái Tổ vẫn còn đó. Thêm vào đó, mặc dù là dân của hai quốc gia, người Bắc và người Nam Hà đều răng nhuộm đen ăn trầu xanh. Ngày Tết, người của song Hà vẫn đốt pháo, dựng nêu, đưa ông Táo về trời, nấu bánh chưng xanh, cúng tổ tiên vào giờ Giao Thừa. Nhưng thật là bất ngờ, anh em Tây Sơn nông dân chân lấm tay bùn nổi lên từ Quy Nhơn dẹp đổ vương quyền của Chúa Nguyễn, của Trương Phúc Loan. Lần thứ nhất quân Ó vượt sông Gianh, Phủ Chúa tại kinh đô truyền nối trong vòng 200 năm sụp đổ. Lần thứ hai quân Ó kéo ra Thăng Long, quyền hành của Nhậm tan theo gió bụi.

Cụ Nghè Văn Tiên dừng lại, mặt trầm tư,

- Nhưng tình hình lần này hoàn toàn khác. Hai lần trước, quân Ó kéo ra kinh thành cũng chỉ đụng phải đám tàn quân kiêu binh Tam Phủ, một Văn Nhậm vô mưu. Lần này 20 vạn quân thiện chiến Mãn Thanh, dưới quyền điều động của danh tướng Lưỡng Quảng Tôn Tổng Ðốc, vượt biên giới Lạng Sơn. Bởi vậy tướng Tây Sơn Thời Nhậm khiếp sợ, chưa giao tranh chưa đụng trận đã cuốn cờ kéo quân Ó bỏ chạy về núi Tam Điệp.

Lắc đầu, cụ Nghè thở dài,

- Có một điều tôi không hiểu. Nghe nói Hoàng Thượng về lại kinh thành nhưng đất Bắc Hà vẫn như vô chủ, bởi từ ngày về lại Thăng Long, Hoàng Thượng ngày ngày bỏ ngai vàng, thân chinh vào tận Tây Long Cung, trại đóng binh của Lưỡng Tổng Đốc hỏi han việc quốc sự.

Cụ Nghè đăm chiêu,

- Chỉ với cụ tôi mới dám thổ lộ điều tâm huyết.

Cụ Nghè ngần ngừ,

- Một phần…một phần tôi mong Hoàng Thượng mau chóng khôi phục ngai vàng, phủ Chúa được lập lại. Nhưng nhìn vào Thăng Long với 20 vạn quân thiện chiến rợp bóng kinh thành, tự nhiên…tự nhiên, thật tình mà nói…

Cụ Nghè giọng nhỏ lại, gần như thì thầm,

- Tôi lại nghĩ tới quân Ó…

Bên ngoài tối đen. Một vài tiếng pháo chuột nổ đì đùng xa xa. Than hồng bám tro tàn ngủ quên trong lò. Bóng của hai người lu mờ câm lặng trên vách tường nhà. Trống điểm canh buồn rầu vang dội đêm đen. Giờ này giờ Hợi.

oOo

Tiễn bước người bạn vong niên ra khỏi cửa ngõ, cụ Nguyễn quay vào nhà. Tiếng chó sủa vang đầu ngõ khiến cụ nhíu mày ngạc nhiên, bầy chó trong nhà không lạ gì cụ Nghè Văn Tiên. Bước vào căn phòng khách, cụ giật mình. Trong làn ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu, cụ Nguyễn nhận ra một người lạ mặt mặc quần áo dạ hành đen tuyền bó sát người, lưng quay lại cánh cửa, đang đứng cạnh bàn thờ nhìn lên bức hoành sơn đỏ thêu chữ Lê đại tự kim tuyến và linh bài có khắc chữ Ðoan Nam Vương Trịnh Tôn. Biết cụ bước vào, người lạ mặt chậm rãi xoay ngang, cất tiếng chào, âm trầm, ngân vang,

- Kính chào Nguyễn tiên sinh.

Cụ Nguyễn khơi cao ngọn đèn, người lạ mặt hiện ra rõ từng nét. Dáng cao, hai bờ vai rộng, nước da đen sậm, mắt sáng long lanh. Cụ Nguyễn đứng yên mặt không đổi sắc, nhìn người đứng trước mặt.

- Xin lỗi, tôi ghé nhà hơi đường đột. Nghe danh La Sơn Phu Tử nổi tiếng một vùng. Đã hai lần có công chuyện đi ngang qua, tôi đều muốn ghé vào thăm hỏi. Nhưng cả hai lần đều lỡ dịp. Nay tôi quyết định gác qua mọi chuyện, ghé vào thăm hỏi tiên sinh, sau có một vài tâm ý muốn xin được chỉ giáo.

Giọng người khách nghe lạ, không phải của Bắc Hà. Cụ Nguyễn giơ tay,

- Mời đại nhân.

Người khách ngồi xuống. Cụ Nguyễn đưa tay nhấc ấm trà, ấm trà nhẹ tênh. Nhìn quanh, cụ lưỡng lự đứng dậy, rồi lại ngồi xuống nhìn người đối diện. Người khách lạ nhìn lên bàn thờ, rồi lại nhìn quanh căn phòng khách. Cụ Nguyễn nhíu mày, cất giọng,

- Cám ơn cho những lời quá khen. Đã hai lần đại nhân đi ngang qua đây, cả hai lần tôi đều lỡ dịp được hầu tiếp ngài.

Cụ Nguyễn đứng dậy,

- Xin lỗi đại nhân.

Cụ Nguyễn hạ khung cửa sổ xuống. Chậm rãi quay lại tủ gỗ cẩm xà cừ, cụ lấy ra lọ thuốc hồng ngọc. Mở nắp lư hương, cụ Nguyễn rắc nhè nhẹ hương trầm. Khói trắng bốc cao, mùi thơm ngào ngạt dầy đặc không gian nhỏ bé của căn phòng khách. Cụ Nguyễn bỏ về ghế, ngồi xuống. Người khách lạ nhìn cụ Nguyễn, khẽ cười, bắt đầu nói,

- Tôi xuất thân từ chốn quê mùa, ngưu ẩm, không biết đốt hương trầm, không biết gẩy đàn, không biết nhiều chữ thánh hiền, nhưng cũng được một vài dịp đi tới lui. Tôi nhớ có nhiều lần ghé vào kinh thành, gặp người Mãn Châu. Người Thanh cụ biết thuộc phương Bắc, to cao lực lưỡng, lấn chiếm xuống Trung Nguyên chấm dứt nhà Minh. Tới thời Khang Hy, tiêu diệt Thiên Địa Hội, chấn chỉnh lại nhà Đại Thanh. Tới thời Càn Long, hùng khí vươn cao.

Người khách lạ dừng lại, giọng trầm buồn,

- Từ bao lâu nay phương Bắc vẫn ỷ lớn coi thường người phương Nam. Người nước Nam, rất tiếc, thời của Lý Đại Tướng với Bắc đánh Tống Nam bình Chiêm, thời của Trần Đại Tướng chỉ sông Hóa thề không trở về nếu không dẹp tan giặc Mông Cổ, thời của Lê Thái Tổ mười năm nằm gai nếm mật tại Lam Sơn đã qua. 200 năm rồi, hai phủ Chúa dùng danh hiệu Thái Tổ hiệu lệnh thiên hạ. 200 năm rồi, Bắc Hà và Nam Hà đoạn giao, coi nhau là thù địch. Người Bắc Hà coi người nằm sau dòng sông Gianh là ngoại tộc, man di mọi rợ. Người Nam Hà coi người nằm trên dòng sông Gianh là hủ nho, cổ hũ, không thức thời. Cũng là người Việt, cũng là con cháu của mẹ Âu Cơ, của Mười Tám đời Hùng Vương, thế mà anh em trong nhà quay sang chống đối, hận thù, giết nhau, gây ra bẩy lần cảnh nồi da xáo thịt.

Nhìn ấm trà nguội lạnh nằm giữa bàn, người khách lạ yên lặng trong giây phút, rồi lại tiếp tục,

- Tôi nhớ có lần ra tới Thăng Long, đi ngang qua chợ tôi gặp những người Mãn Châu đầu thắt bím, quần áo xuề xòa, dáng vẻ thương buôn, dạo chơi kinh thành. Vừa đi họ vừa nhổ xoèn xoẹt xuống mặt đường. Những người này tới đâu, dân Thăng Long nhìn theo với ánh mắt sợ hãi, chiêm ngưỡng. Có hai ba người học trò, và cả những người con gái nhoẻn miệng cười duyên dáng, mở miệng bập bẹ một vài tiếng Mãn Châu với người Thanh. Nhưng người Mãn Châu nói tiếng Hán, tủm tỉm cười với nhau, không trả lời, bỏ đi thẳng một nước.

Người khách lạ mặt lạnh như tiền,

- Về phòng trọ, tối hôm đó tôi trằn trọc cả đêm.

Tiếp tục nhìn ấm trà nguội lạnh nằm giữa bàn, người khách lạ cười khẩy,

- Có một thời tiên sinh ở kinh thành, tôi tin ngài cũng đã thấy hàng hóa tơ lụa của người phương Bắc tràn ngập Thăng Long. Người Bắc Hà ghé vào xem, trầm trồ khen ngợi. Bắc Hà cũng như Nam Hà, người ta hát nhạc Mãn Châu. Gần đây tôi thấy có người bắt đầu cạo đầu thắt bím, mặc quần áo Mãn Châu. Dân kinh thành đua nhau học tiếng Mãn. Người người đọc sách nhà Thanh.

Nhìn khung cửa sổ đóng kín rồi nhìn khói của hương trầm thơm ngát trong bầu không khí, người khách tiếp tục,

- Có hai ba lần, tôi gặp những người tuổi trẻ của cả Bắc Hà và Nam Hà. Tôi hỏi họ về Gia Huấn Ca của Vương Hầu Nguyễn Trãi, không mấy người biết. Tôi hỏi họ về sự tích Trầu Cau, chẳng ai hay. Tôi kể chuyện tổ tiên Hùng Vương Mười Tám đời, họ tưởng đó là chuyện của ai. Chuyện tích về nguồn gốc dân tộc, người tuổi trẻ của song Hà đều không hay không biết. Nhưng hỏi họ về nguồn gốc của người Thanh, của nhà Minh, của nhà Hán, hay của thời Ðường không ai không biết. Thơ Lý Bạch, thơ Thôi Hộ, người tuổi trẻ của song Hà đều thuộc nằm lòng. Tôi ngạc nhiên.

Người khách lạ dừng lại nhìn người đối diện,

- Tôi nhớ hai ba lần ghé qua bên Xiêm. Xiêm La theo chế độ cưỡng bách giáo dục, tất cả trẻ em đều phải cắp sách đến trường. Mười tám tuổi, thanh niên vô chùa tu học hai năm. Chùa chiền và trường học xuất hiện khắp nơi trong nước. Cứ khoảng một dãy phố lại thấy một ngôi trường và một cảnh chùa. Ghé vào những khu vực san sát nhà cửa, lâu đài mọc cao như nấm, ngựa xe tấp nập trong kinh thành Vọng Các, tôi ngạc nhiên nhận ra đó là khu vực của người Đại Việt. Hỏi ra mới biết những người này trước đó ở bên nước ta họ không có một miếng đất, xin lỗi tiên sinh, để cắm dùi. Một lần bỏ quê cha đất tổ, đời sống họ thay đổi. Họ trắng da thắm thịt. Tôi cũng gặp rất nhiều thanh niên của Bắc Hà và Nam Hà thông minh tráng kiện làm việc trong triều đình vua Xiêm. Nhìn họ cao lớn, tưởng người Xiêm. Có người dậy học cho những hoàng tử Xiêm. Hỏi chuyện tôi mới biết khi còn ở bên nước Nam ta, họ là những trẻ mục đồng, không biết mặt của chữ nhất. Tôi bàng hoàng không tin vào con mắt của mình.

Người khách lạ khẽ thở dài, nhìn lên hoành sơn có chữ Lê,

- Tôi vẫn còn nhớ vào thời Ức Trai tiên sinh, ngài viết trong bản Bình Ngô Đại Cáo, “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”. Chuyện thời Ức Trai, thời của Lê Thái Tổ, chuyện lâu rồi mà cũng còn như mới. Thời của mười năm liền đất nước Văn Lang mở ngõ cho giặc Minh phá bỏ. Thời của người nước Nam bị đày xuống biển mò ngọc trai, lên rừng kiếm ngà voi cho giặc Minh. Hào khí của người Lạc Việt xuống thấp. Nhiều người bỏ sang Vạn Tượng, Nam Vang, Vọng Các sống một đời tha hương. Nhờ vượng khí nước Nam, nhà Lê nổi lên từ Lam Sơn với mười năm nằm gai nếm mật. Cuối cùng Liễu Thăng đầu rụng tại Chi Lăng, Vương Thông đầu hàng tại Đông Quan. Kinh thành Thăng Long vươn mình bước vào vận hội mới.

Dừng lại trong một thoáng, đôi mắt người khách lạ long lanh màu của lửa,

- Bây giờ Càn Long dựa vào Hoàng tôn Lê Duy Kỳ, sai Tôn Sĩ Nghị đưa 20 vạn quân tiến vào Thăng Long. Kinh thành hiện giờ đang ngập bóng người thắt bím. Hoàng tôn Lê Duy Kỳ xưng làm vua, làm cha mẹ của dân. Nhưng thay vì lo đến tương lai của con cái, chỉ vì tư lợi riêng tư, Chiêu Thống dám hy sinh vận mạng của cả một đất nước, của một dân tộc, cõng rắn cắn gà nhà, tạo thêm một cơ hội ngàn vàng cho ngoại bang dầy xéo người nước Nam ta.

Nhìn thẳng vào người đối diện, người khách lạ hỏi,

- Tiên sinh là người thông thiên bác học của Bắc Hà. Tiên sinh nghĩ sao về những điều tâm huyết tôi vừa trình bày?

Bên ngoài gió lạnh cuối năm buồn rầu than thở qua khe hở của khung cửa. Trong chiếc áo bông dầy cộm, cụ Nguyễn yên lặng cúi nhìn đất đen, không nói chi. Gió lạnh tiếp tục xào xạc bên ngoài khung cửa, cụ Nguyễn nhìn lên làn khói trắng thơm ngào ngạt quyện bay trong bầu không khí. Cụ nghĩ ngợi. Cụ đứng dậy. Cụ mở toang khung cửa sổ. Gió lạnh ngập tràn bầu không khí thơm ngát trầm hương Hồng Huyết Lan.

Người khách lạ nhìn cụ Nguyễn, ánh mắt thoáng ngạc nhiên.

Chậm rãi bước tới tủ gỗ cẩm xà, cụ Nguyễn cất giọng thân tình,

- Tôi có một loại trà quý của Nam Hà. Những lúc tối trời giá lạnh, hay pha uống. Trà đặc sánh mầu vàng tương tự mật ong. Uống vào, vị đắng, nhưng xuống tới cổ đổi sang dịu ngọt. Trong trà có linh dược giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng không kém gì nhân sâm.

Người khách lạ cười,

- Cụ muốn nói tới Thanh Hỏa Trà được trồng trên vùng cao nguyên đất đỏ, khí hậu quanh năm sương mù giá rét của Nam Hà?

- Ðúng, Thanh Hỏa Trà của nước Văn Lang.

Cụ Nguyễn đặt chung trà nhỏ mầu nâu đỏ trước mặt người khách lạ. Cụ Nguyễn cất giọng,

- Kính mời ngài.

Một vài tiếng pháo cối nổ vang dội đêm đen. Bóng của cả hai người một già một trẻ lung linh nhảy múa trên vách tường nhà. Than hồng cháy đỏ tươi vui tiếp tục tí tách trong đêm đen. Trời đã khuya lắm rồi. Trống điểm sang canh, giờ này giờ Tý

oOo

Mùa Xuân Nhâm Tý 1792, trong khi đang tiến đánh Nguyễn Ánh tại thành Gia Định, vua Quang Trung tự dưng quỵ ngã, rồi dần dần thiếp đi trong hôn mê, sau cùng băng hà tại điện Trung Hòa vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý, thọ 40 tuổi, ở ngôi hoàng đế được 5 năm. Không ai rõ lý do dẫn đến cái chết của đại hoàng đế nước Nam. Có người nói hoàng đế Quang Trung, do làm việc nhiều, suy nghĩ nhiều, bị cao huyết áp, đứt mạch máu não mà chết. Có người nghi vấn đặt vấn đề hoàng đế bị đầu độc hoặc đã từng bị đầu độc trong quá khứ…
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,160
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 

Postby Mười Đậu » 09 Aug 2006

Quán Rượu Nửa Đêm

Quán rượu vắng hoe vào khoảng 12 giờ đêm cũng là giờ đóng cửa. Người bartender lay gọi thằng Đình,

- Ê, dậy. Tới giờ quán đóng cửa.

Thằng Đình dụi hai mắt, ngơ ngác nhìn chung quanh, cái giầy bên chân trái đã rớt xuống sàn nhà từ hồi nào. Nó cúi xuống, nhặt lên chiếc giầy, sỏ lại vào chân,

- Ủa, tới giờ đóng cửa rồi sao?

- Mày là thằng khách cuối cùng đó con ạ. Nửa đêm rồi.

Thằng Đình móc tay vào túi quần lôi ra trong bóp một đồng, đặt lên quầy rượu. Nó đứng lên, giơ tay chào người bartender. Bóng thằng Đình đổ dài trên đường rồi biến mất sau cánh cửa của quán rượu vào lúc nửa đêm.

Ông Ricô biết thằng Đình khá lâu rồi. Lần đầu tiên nó bước vào quán rượu một mình. Thằng Đình chưa kịp mở miệng, ông nhăn mặt, xua tay,

- Ở đây không có bán kem.

Thằng Đình cười, nụ cười thông cảm,

- Tôi không ăn kem. Một ly Brandy Manhattan.

- Được, cho xem thẻ căn cước.

Thằng Đình móc bóp lấy thẻ lái xe đưa cho người bartender. Nhìn tấm hình rồi lại nhìn thằng Đình, ông Ricô không tin vào con mắt của mình, “Chúa ơi, thằng nhỏ Á Châu mặt non choẹt này đã dư tuổi uống rượu”.

Thằng Đình thỉnh thoảng ra quán. Thông thường nó đi một mình vào ban đêm khoảng 10 giờ tối. Ngồi tại quầy rượu, nó gọi một ly Brandy Manhattan, đôi khi Absolut Vodka, hút mấy điếu thuốc, rồi bỏ về vào khoảng nửa đêm lúc quán gần đóng cửa. Có một hoặc hai lần nó gục đầu ngủ quên trên quầy rượu. Khuôn mặt của thằng Đình hiện lên vài nét tinh nghịch với cái trán cao, tóc ngắn, chải với keo theo kiểu mới, sợi tóc đâm tua tủa lên trời. Cặp mắt mầu nâu, khi cười tạo nên hai đường dài nơi khóe mắt, nhưng lúc bình thường nhìn buồn thiu. Thằng Đình ít nói. Ban đầu ông Ricô tưởng nó không biết nói tiếng Anh. Khi thân với nó, ông biết tính của thằng khách trầm lặng. Nhưng nếu gặp đối tượng, đúng đề tài, thằng Đình sẽ nói, nói rất nhiều. Có mấy lần ông thấy hai ba bà khách sang trọng ngồi cạnh nó gợi chuyện, rủ đi chơi, nhưng thằng nhỏ lắc đầu nói cám ơn. Tò mò ông hỏi,

- Tao đợi mãi mà mấy bà khách sộp đó chưa bao giờ mở miệng hỏi han một câu, nói chi đến chuyện rủ đi ăn. Sao mày không đi với họ…sướng đủ điều?

Thằng Đình lười biếng, mặt không hứng khởi, không nói chi. Vào khoảng 11 giờ đêm, quán đã bớt khách, ông hay kéo ghế ngồi trước mặt nó nói chuyện. Nhờ thế ông mới biết thằng Đình đang học Cử Nhân ngành Tâm Lý. Những lúc học bài xong, rảnh rỗi, và hứng thú- theo lời nó nói- thằng Đình ra quán uống một ly rượu, rồi về nhà ngủ.

- Hồi mới gặp, tao tưởng mày là Chino.

Thằng Đình lắc đầu, bộ mặt bí hiểm,

- Tôi họ Nguyễn. Họ đó Chinos không có. Ông biết vị vua cuối cùng của Vietnamitas không?

Người bartender ngáp dài, lơ đãng nhìn người khách mở cửa bước vào quán, lắc đầu,

- Không. Nhưng coi phim The Last Emperor, tao biết Phổ Nghi là vua cuối cùng của người Trung Hoa.

Thằng Đình gõ tay xuống mặt quầy rượu,

- Ông về học lại Lịch Sử thế giới đi. Vua cuối cùng của Việt Nam là Bảo Đại. Ông ấy họ Nguyễn.

Ông Ricô trề môi, khịt mũi,

- Ai thèm học lịch sử nước mày.

Thằng Đình nhìn ông Ricô, nhếch miệng cười ruồi. Người bartender dáng người tầm thước. Bố Mễ, mẹ Ý. Đầu mũi cong xuống. Tóc đen, thẳng, cắt ngắn kiểu flat-top. Bụng khá to so với cái tuổi trung niên, có lẽ tại uống nhiều beer. Tính tình vui vẻ, thân thiện, hay nói, không giận ai lâu. Nghe thằng Đình nói ông vua cuối cùng họ Nguyễn, người pha rượu vắt cái khăn lau bàn màu trắng lên vai, đập tay thằng Đình,

- Ê, như vậy là mày thuộc về hoàng gia rồi.

Thằng Đình nhếch mép,

- Ông biết hoàng gia trong tiếng Việt Nam có nghĩa là gì không? Hoàng là hoàng đế, gia là gia đình, gia tộc. Hoàng gia có nghĩa là gia đình thuộc về hoàng đế. Nhưng tôi nghĩ hơi khác. Bên Việt Nam, chỉ có vua mới được mặc áo mầu vàng. Cho nên hoàng gia có nghĩa là gia đình có dính dáng đến mầu vàng. Ông có nhớ chất mà người ta thải ra ngoài mầu gì không?

Ông Ricô lắc đầu điệu bộ ngao ngán,

- Mày còn nhỏ mà sao ăn nói cay đắng vậy?

Những lúc máy điện toán bị trục trặc, ông Ricô nhờ thằng Đình ghé tới nhà sửa hộ. Trả công cho thằng Đình, ông nấu cho thằng nhỏ Spaghetti kiểu Ý, một món mì truyền thống gồm có thịt heo bầm vo viên trộn nhiều tỏi sống và cà chua ăn với bánh mì. Cơm dọn ra, ông với đứa con gái duy nhất đang học trung học và thằng Đình ngồi ăn tối. Con Maria có những bài toán không biết làm, sau bữa ăn hay mang ra nhờ brother Đình chỉ. Thằng Đình hình như không để ý đến con Maria. Có vài lần nó dẫn tới quán rượu một cô gái Á Châu. Về sau ông mới biết cô ta người Nhật. Nhìn cách hai đứa ngồi nói chuyện, ông biết thằng Đình mết con nhỏ. Cũng có một lần khác, thằng Đình tới quán với một người Á Châu lớn tuổi. Thoạt tiên ông tưởng là bố nó, bởi nghe thằng nhỏ gọi người này là father. Nhưng nó nói không phải.

- Ủa, vậy người đó là ai? Đừng nói với tao ông ấy là cố đạo nhé?

Thằng Đình chau mày nhìn ông Ricô, điệu bộ quan sát,

- Ông gốc Mễ, Công Giáo phải không?

Người bartender hất hàm,

- Rồi thì sao?

- Ông ta là cố đạo đó. Tôi học một lớp của ông ấy, lớp Triết.

- Mày mà không nói, tao tưởng người đó là ông già mày.

Thật là bất ngờ, sau câu nói của ông Ricô, thằng Đình nghiêm nét mặt nhìn thẳng vào mắt người bartender nói rõ từng chữ,

- Tôi không có bố.

Người bartender khựng lại,

- Xin lỗi! Tao nghe không rõ. Mày nói…mày không có bố hay là bố mày…chết rồi?

Thằng Đình nói chậm, rõ từng tiếng,

- Bố tôi còn sống, nhưng người đó không phải là bố tôi.

Người bartender giơ hai tay lên trời, điệu bộ phân bua,

- Tao không hiểu mày muốn nói chi.

Không để ý đến ông Ricô, thằng Đình lơ đãng nhìn vào ly rượu,

- Bố tôi còn sống, nhưng tôi…tôi không nhận người đó là bố.

Ông Ricô nhìn chung quanh, đèn mầu xanh đỏ chiếu hắt hiu lên một vài khuôn mặt còn sót lại trong quán rượu. Nhạc Jazz xa vắng tô đậm thêm nét vắng vẻ của quán vào lúc gần nửa đêm. Kéo ghế tới trước mặt thằng Đình, người pha rượu ngồi xuống. Trong chậm rãi ông hỏi, giọng thân tình,

- Ông bạn nhỏ, chuyện gì xảy ra vậy?

Thằng Đình cầm ly rượu lắc lắc những cục đá, đưa lên miệng. Người bartender khoác tay,

- Để tao pha cho mày một ly mới. Ly này của tao... Tao trả tiền ly này.

Thằng Đình nhìn người bartender đổ rượu ra ly. Một tay gõ nhè nhẹ lên mặt bàn gỗ, một tay nó chống cằm. Người pha rượu nhẹ nhàng đặt ly Brandy Manhattan trước mặt thằng Đình. Cầm ly rượu mới, nó không uống, nhưng lại xoay nhè nhẹ. Cuối cùng nó cầm ly đưa lên miệng uống một hơi,

- Người mà ông gọi là bố tôi vượt biển, bỏ lại mẹ tôi và tôi khi đó đang còn là một bào thai. Ông ta tới trại tỵ nạn, sau đó định cư ở Hoa Kỳ. Trong gần mười năm trời ông không viết thư về cho gia đình ngoại trừ lá thư báo tin đã tới đảo Pulao Bidong. Sau khi sinh ra tôi, mẹ tôi xoay sở làm đủ nghề. Nhưng bà ấy hiền quá, bị hết người này tới người kia gạt gẫm. Cuối cùng gia tài và sản nghiệp nhỏ nhoi của một cặp vợ chồng mới cưới tan theo mây khói. Túng quẫn, mẹ tôi đi ở đợ, làm mướn, sau cùng bế tôi đi…đi…đi ăn xin. Một thời gian đủ dài tôi được nuôi sống bởi những hạt cơm bố thí của thiên hạ. Bà ngoại tôi, một góa phụ từ hồi còn trẻ, một tay nuôi hai cô con gái nên người, không đồng ý cho mẹ tôi lấy người đó. Nhưng mẹ tôi cãi lại lời bà ngoại. Ngày hai người làm đám cưới, bà ngoại nằm ở trong nhà, quyết định không nhận mặt con rể. Sau khi cưới, bố mẹ tôi dọn nhà lên thành phố. Nghe bà con lối xóm kể chuyện gặp con gái bế thằng cháu ngoại đi ăn xin, bà ngoại đón xe lên thành phố ngồi đợi ở chợ nơi mẹ tôi ngày ngày ngửa tay xin tiền của thiên hạ. Mẹ tôi không chịu về làng nhưng chấp nhận để bà ngoại mang thằng cháu đi. Theo lời Dì Hoa, em gái duy nhất của mẹ tôi kể lại, khi đó tôi được hai tuổi, sài đụi, ghẻ lở, xanh lét như những lá trầu không bà tôi hằng ngày mang ra chợ bán. Bồng tôi về, bà ngoại nấu nước tắm với sả và phèn chua chữa bệnh ghẻ cho tôi. Bà nấu cháo pha đường, mua sữa hộp nuôi thằng cháu. Dì Hoa ngày ngày chạy qua cho tôi bú thép. Tôi lớn lên bên vườn trầu không xanh tươi sau nhà. Nhưng, hai năm sau khi tôi được bốn tuổi, bà ngoại qua đời. Dì Hoa mang tôi về nhà nuôi với ba đứa con. Ở với dì được khoảng hai năm, cả nhà dì tôi được đi sang Mỹ theo diện H.O. của chú tôi, dượng Ba. Một người bạn thân của mẹ tôi, bà ta có hai người con đang ở ngoại quốc, mang tôi về nhà. Một năm sau, bà ta bay sang Pháp đoàn tụ với con gái của mình. Cuối cùng người ta bỏ tôi vào Viện Cô Nhi Tình Thương do mấy Sơ Áo Trắng Dòng Thánh Phaolô phụ trách.

Ngày mẹ tôi nhận được giấy bảo lãnh, bà đến Viện Cô Nhi xin lại con mình. Khi đó tôi đã được mười hai tuổi. Nhìn người đàn bà xa lạ, tôi không chịu đi theo. Tôi khóc, tay bám chặt tà áo dòng trắng của Sơ Anna, người nuôi và dạy tôi học trong suốt năm năm trời. Mẹ mang tôi về ở tạm căn nhà bỏ hoang của bà ngoại. Tôi không ngừng tiếng khóc, bỏ ăn mấy ngày, rồi sốt nặng. Khi Sơ Anna đến thăm, tôi ngừng khóc, chạy ra nắm áo Sơ, đòi theo Sơ về lại Viện Cô Nhi. Trước tình cảnh đó, mẹ tôi chịu thua.

Tôi về ở lại với Sơ Anna áo trắng, không chịu đi Mỹ. Cuối cùng Sơ ôm tôi vào lòng, thủ thỉ nói, “Con đi sang đó, học giỏi, đi làm, gửi tiền về cho Sơ nuôi các em như Sơ đã từng nuôi và dạy con học. Con không đi, trong tương lai, Sơ không có tiền, Viện Cô Nhi sẽ phải đóng cửa”.

Nghe lời Sơ, tôi, mười ba tuổi bước chân lên phi cơ đi sang Mỹ. Còn hai ngày nữa, trước khi rời Việt Nam, vào một buổi chiều mẹ tôi tới Cô Nhi Viện, xin phép Sơ Anna dẫn tôi ra thăm mộ ông bà ngoại. Mẹ tôi đốt nhang cho hai ngôi mộ nằm cạnh nhau, rồi ngồi khá lâu trước mộ của bà ngoại. Cuối cùng bà quay sang tôi, gọi, “Đình...” Tôi nhìn mẹ, chờ đợi. “Mẹ…mẹ xin lỗi con”. Tôi ngơ ngác nhìn xuống tấm hình của bà ngoại trên bia mộ. Tôi nhớ lại tôi đã yên lặng, không biết nói gì. Tôi liếc nhìn thấy mắt mẹ đỏ hoe. “Mẹ vừa xin lỗi bà. Bây giờ mẹ xin lỗi con”.

Qua tới Mỹ vào năm lớp Mười Một có một lần tôi đi theo mấy thằng bạn đánh nhau với đám…đám Mễ và Mỹ đen- thằng Đình ngập ngừng, ngước nhìn ông Ricô. Tôi bị một thằng Mễ chém trúng một nhát khá sâu trên bắp tay phải. Ôm chặt lấy vết thương, tôi chạy về nhà. Bữa đó mẹ tôi về nhà sớm. Tôi thoáng thấy bà loay hoay nấu cơm trong bếp. Nhìn thấy tôi bỏ chạy lên phòng với bàn tay phải đẫm máu, bà đi theo tôi lên lầu. Tôi chạy vô phòng, đóng mạnh cánh cửa lại. Bất chợt tôi thấy cả một bầu trời rực sáng với những tia nắng lung linh nhảy múa. Quay cuồng với những đốm sáng, tôi ngã gục xuống sàn nhà, không kịp vặn chốt khóa cửa. Tôi thấy Sơ Anna mặc áo dòng trắng toát bước nhẹ vào phòng, đắp lên trán tôi miếng khăn ướt. Tôi thấy những dòng máu đỏ từ tay phải phun thẳng vào mặt và áo trắng của Sơ. Tôi hét lên, tỉnh cơn ác mộng! Mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trên giường, tay băng kín. Mẹ tôi đang ngồi bên cạnh. Bà không nói gì, nhưng khẽ mỉm cười, nụ cười bao dung của Sơ Anna vào những lúc gặp tôi bị Mẹ Bề Trên phạt quỳ; nụ cười thánh thiện của Sơ Anna vào những lúc nhìn thấy tôi ngủ gật giật mình tỉnh giấc trong giờ kinh tối với các Sơ; nụ cười thiên đàng của Sơ Anna vào những lúc mang tô cháo nóng bốc mùi hành và tiêu sọ để trên đầu giường khi tôi bị bệnh. Tôi nhìn mẹ, nhìn thật lâu. Cuối cùng lần đầu tiên trong đời, vào năm mười bẩy tuổi, tôi giơ tay ra nắm bàn tay của người đàn bà đã sinh ra tôi, bế tôi đi ăn xin hai năm trời, và tôi mở miệng gọi “Mẹ ơi”...

Vết chém khá sâu khiến tôi bị sốt nặng. Ngày hôm sau mẹ tôi cáo ốm không đi làm. Bà lái xe đến trường xin phép cho tôi nghỉ học một tuần. Về lại nhà, bà mang tôi đi bác sĩ. Ông bác sĩ khâu lại vết chém, cho thuốc trụ sinh uống. Bà muốn nghỉ nguyên một tuần ở nhà với tôi; nhưng tôi nói, “Mẹ đi làm đi. Con thấy khỏe trong người rồi”. Mẹ nheo mắt cười với tôi, lại cái nụ cười bao dung của Sơ Anna! Sáng hôm sau bà đi làm, nhưng cứ khoảng hai tiếng lại gọi điện thoại về nhà. Chiều chiều bà nấu cháo với thịt heo bầm, rắc tiêu sọ và hành thơm cho tôi ăn. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy hạt mầm của tình mẫu tử nẩy lộc, đâm chồi trong lòng. Lần đầu tiên trong đời, những hờn giận với người đàn bà sinh ra tôi bắt đầu chịu bốc hơi, từ từ tan biến vào trong thinh không. Lần đầu tiên trong đời, tôi chấp nhận là mình có một người mẹ…

Thằng Đình dừng lại, trầm ngâm với dòng tư tưởng.

- Còn trước đó?

Người pha rượu lên tiếng phá vỡ bầu không khí yên lặng. Cầm tờ giấy napkin lau khóe miệng, thằng Đình nói,

- Tôi nghĩ mình là con mồ côi, không cha không mẹ…

Vo tròn tờ giấy napkin lại, thằng Đình tiếp tục,

- Vào một buổi tối trước khi rời nhà vô đại học, lấy hết can đảm tôi nhắc lại câu chuyện trước nấm mộ của ông bà ngoại. Tôi hỏi tại sao mẹ lại nói với tôi những lời nói đó trước mộ của bà ngoại. Mẹ nhìn tôi, mặt đăm chiêu xa vắng, “Hôm đó mẹ ra mộ chia tay với ông bà ngoại. Mẹ sợ không còn cơ hội về lại quê nhà thăm mồ mả ông bà. Lúc đứng trước mộ của bà ngoại, mẹ…mẹ xin lỗi bà…” Mẹ tôi dừng lại, do dự. Tôi bật miệng hỏi, “Có phải…tại mẹ…mẹ cãi lời bà không”? Mẹ lắc đầu, điệu bộ cương quyết, “Không! Mẹ không xin lỗi bà về chuyện hôn nhân của riêng mình. Cho đến ngày hôm nay, mẹ chưa có một lần hối hận đã lấy bố con. Có thể bố không yêu mẹ như mẹ yêu bố. Nhưng trong tình yêu, mẹ không hối tiếc đã yêu bố con, đã lấy bố con”. Tôi nhìn ánh mắt long lanh của mẹ, yên lặng chờ đợi. “Mẹ xin lỗi bà vì mẹ vắng mặt trong những ngày cuối đời của bà. Mẹ cũng xin lỗi bà vì đã thiếu bổn phận với con…” Mẹ tôi nuốt nước miếng, nói tiếp, “Mẹ nói cho bà ngoại biết tại sao mẹ đã quyết định…đi ăn xin. Mẹ kể cho bà ngoại nghe lại câu chuyện hồi xưa. Mẹ nói cho bà ngoại biết…

Có một thời gian con bế thằng Đình đi làm mướn, làm con sen ở đợ cho người ta. Rồi con gái của mẹ bị người ta làm nhục... Sợi dây thừng đã được treo lên đà ngang của căn nhà, đã buộc vào cổ. Đang chuẩn bị đạp cái ghế dưới chân, thằng con hai tháng nằm trên nôi tỉnh giấc, bật tiếng khóc, khóc liên tục, khóc không ngừng. Tại sao nó khóc? Con không hiểu. Mới khoảng 15 phút trước đó, con đã cho nó những dòng sữa nóng. Con đã nghĩ rằng đây là lần cuối cùng nó được áp chặt khuôn mặt vào ngực của mẹ nó, được cười tung tóe, được đạp chân no nê, được ngây thơ u ơ. Tiếng khóc của nó đã đánh thức cơn mê sảng của con. Và con quyết định bước xuống... Sau khi mẹ mang cháu ngoại của mẹ về làng, con gặp một người đàn bà. Bà ta mang con về nhà giúp việc. Con tưởng gặp được người tốt, nhưng không phải. Người đàn bà này buôn bán, không phải hàng hóa nhưng thân xác phụ nữ. Lại thêm một lần nữa, con bị ép, bị làm nhục. Lần này con hoàn toàn quỵ ngã. Con không đứng dậy nổi nữa. Con buông trôi cuộc đời... Sống trong một hoàn cảnh như vậy, làm sao con dám về làng gặp lại mẹ, gặp em mình và gặp đứa con”?...

Yên lặng chen kẽ những thánh thót lăn dài trên hai gò má của mẹ tôi. Tôi nắm lấy tay mẹ bóp nhè nhẹ...

Tối hôm đó tôi ngủ ngon, một giấc ngủ thanh bình. Trong giấc ngủ tôi nghe được những tiếng hò từ thuở xa xăm khi mẹ bế trên tay, ví dầu, à ơi ru thằng bé cọc còi thiếu sữa, thằng bé gầy gò xanh mướt. Từ đó mẹ thỉnh thoảng hiện ra trong giấc mơ. Mẹ mặc áo trắng như Sơ Anna. Tóc mẹ đen, dài thướt tha. Tay cầm đũa thần, mẹ vẩy lên không trung những ngôi sao bạc lóng lánh. Tôi chạy theo mẹ hét to, “Mẹ ơi”! Tôi cúi xuống nhặt đầy trên hai lòng bàn tay những ngôi sao mẹ ban phát từ trời cao. Những ngôi sao tràn đầy trên hai bàn tay rớt xuống, vướng vào người biến tôi thành một ngôi sao sáng chói trên bầu trời…

Ông Ricô chớp chớp mắt. Hai con mắt của người bartender long lanh phản chiếu ánh đèn mầu của quán rượu. Ông bật miệng,

- Sao mày khổ vậy!

Thằng Đình không phản ứng. Nó im lìm, lơ đãng, trầm ngâm,

- Có những lúc tôi thắc mắc ngày hôm đó nếu không té xỉu, có lẽ bây giờ mình vẫn còn mồ côi mẹ. Bởi bất tỉnh, tôi không kịp khóa lại cánh cửa. Cửa phòng của tôi rộng mở, người đàn bà đó bước vào được trong căn phòng tâm hồn. Bà dìu từng bước dẫn đưa thằng bé mồ côi lên giường. Bà thận trọng băng bó lại vết dao của thể xác và của tinh thần. Bà cẩn thận lau sạch những vết máu đỏ vẫn đang lăn dài trong trái tim và trên thân xác. Bà nhẹ nhàng đắp lên vầng trán nóng sốt miếng khăn ướt lạnh dịu mát những cơn gió nóng của giận và của hờn. Bà vẫn thế, chưa bao giờ mở miệng trách móc tôi một lời, nhưng kiên nhẫn, đợi chờ. Và tôi tỉnh lại. Và bà ta trở thành mẹ của tôi, từ thể xác cho tới tâm hồn.

Người bartender gật gù với câu nhận xét của thằng Đình.

- Còn bố mày?

Thằng Đình nhìn ông Ricô, rồi nhìn xuống mặt gỗ bóng loáng của quầy rượu. Nó ơ hờ lấy điếu thuốc nhét trên vành tai trái xuống, bật quẹt. Nó trầm tư nhìn những luồng khói trắng đang dần dần tan loãng vào trong thinh không. Thấy vậy, ông Ricô mở miệng tính nói chi đó, nhưng thằng Đình giơ tay cản lại,

- Bố tôi? Người đó bỏ mẹ tôi và tôi gần mười năm, không một lần liên lạc ngoại trừ lá thư khi mới tới đảo và giấy tờ bảo lãnh; hồi xưa, tôi tưởng bởi vì ông ta cực nhọc vất vả với đời sống mới. Về sau tôi mới biết có một thời ông ta ở với một người đàn bà, một người tình nhân cũ. Hai người chung vốn mở tiệm Phở. Tiệm ăn đông khách lắm. Nhưng cuối cùng người đàn bà gạt ông ta qua một bên, chiếm lấy tiệm Phở. Thế là ông ta trắng tay. Sau biến cố đó, ông làm giấy tờ bảo lãnh mẹ con tôi qua Mỹ. Ba năm sau ông gặp lại chúng tôi. Ngày đầu tiên ở phi trường, ông yên lặng nhìn mẹ tôi khóc, người đàn bà một thời bế con đi ăn mày. Ông yên lặng nhìn tôi, thằng bé đen đủi gầy gò như que củi mục. Mẹ tôi nói, “Bố đó. Gọi bố đi con”. Nhìn người đàn ông xa lạ, tôi không mở miệng nói một lời. Về tới nhà, ông đưa cho tôi khẩu súng nhựa. Tôi cầm lấy nhưng vẫn không chịu mở miệng. Mẹ tôi lại nhắc nhở, “Cám ơn bố đi con”. Tôi lỳ lợm cúi nhìn thảm đỏ của căn phòng khách. Ông nổi giận, tát tôi một cái, “Con cái mất dạy! Bộ mày câm hả”? Quay sang vợ, ông chất vấn, “Bà dạy con như thế à”? Mẹ tôi xanh mặt nhìn tôi quẳng lại khẩu súng. Tôi bỏ ra sân nhà, ngồi một mình.

Người bartender nhăn mặt,

- Tại sao mày lại làm như vậy?

Xoa xoa vầng trán, thằng Đình thở dài, ngập ngừng,

- Cũng…cũng…không hiểu. Tôi không hiểu tại sao hồi đó tôi lại hành động như thế...

Thằng Đình tiếp tục thở dài,

- Ngày hôm sau, ông chở hai mẹ con đi làm giấy tờ. Mang tôi tới trường, ông ghi danh cho tôi đi học. Mới tới, tôi lạc lõng với vùng đất lạ, tôi xa xăm với hai bóng người trong căn nhà của bố tôi. Nhà của dì Hoa ở gần đó. Sau khi tan trường, tôi về thẳng nhà của dì Hoa. Tôi chơi với mấy đứa em, có đứa bằng tuổi, có đứa lớn hơn, có đứa nhỏ hơn tôi. Tụi tôi dẫn nhau ra sân chơi bóng rổ, chơi ping pong, đi shopping malls, đi chơi video games, ra thư viện đọc sách. Tôi ăn cơm tối với dì Hoa, dượng Ba, và ba đứa con của họ. Gần 10 giờ đêm tôi mới chịu về nhà. Tới nhà, tôi đi thẳng lên lầu, khóa cửa phòng lại, quẳng cặp lên bàn, leo lên giường ngủ.

Bất ngờ vào một buổi tối bố tôi chặn tôi lại trước cửa nhà. Ông nói, “Mày không phải là một đứa mồ côi. Mày có nhà, có cửa, có bố, có mẹ. Tại sao mày phải đi ăn xin cơm thừa canh cặn của nhà người ta? Bố của tụi nó là một thằng đàng điếm. Con cái của nó rồi cũng chẳng đứa nào ra hồn. Tao cấm mày từ ngày mai không được liên lạc với tụi nó”.

Hồi còn thanh niên, mẹ tôi nói dượng Ba đào hoa. Tôi không biết về quá khứ đào hoa của dượng bởi không nghe ai nhắc đến, nhưng tôi biết dượng Ba thương tôi. Khi còn sống với dượng bên Việt Nam, dượng Ba thường có những hành động tỏ ra thiên vị tôi rõ ràng. Những khi đánh lộn với mấy đứa em trai, không cần biết lỗi phải của ai, dượng bắt thằng con nằm xuống, đập cho mấy roi. Riêng tôi, ông chỉ bắt quỳ gối rồi giả tảng lơ khi thấy tôi len lén đứng dậy. Có nhiều lần đi thuyền ra biển chơi, dượng chỉ mang một mình tôi đi theo. Dượng dạy cho tôi cách câu cá, bắt những con sò nằm trốn trong những hộc đá hoặc chìm sâu trên bãi cát. Dượng bày cho tôi cách làm ná bắn chim hoặc thả diều sáo vào buổi chiều. Đi đâu về, dượng hay cho tôi trái xoài hoặc khúc miá, đôi khi cây kem. Dượng nói, “Con mang ra ngoài sân ăn đi. Đừng cho ai biết”. Thỉnh thoảng dượng dẫn một mình tôi đi ăn hủ tíu. Tôi biết dượng thương tôi, nhưng không hiểu tại sao? Tôi đoán có lẽ ông thấy tôi là thằng bé mồ côi lạc loài giống như ông, bởi có một lần dượng nói với tôi, dượng không biết bố mẹ mình là ai.

Mẹ tôi nói dượng Ba và bố tôi học chung từ tiểu học cho tới khi thi Tú Tài. Sau khi đậu Tú Tài II, dượng ghi danh học Dược, rồi bỏ trường thuốc, gia nhập trường Sỹ Quan Đà Lạt. Bố tôi rớt Tú Tài I, phải đi lính. Trước năm 75, bố là lính của dượng. Dượng qua đây vài năm, đi học lại, ra trường, làm Kỹ sư trưởng trong hãng điện tử nơi bố tôi chỉ là một nhân viên Assembly. Có một lần, trước khi tôi qua Mỹ, theo lời Dì Hoa kể lại ông nhờ người em cột chèo cất nhắc đưa vào khu Kỹ sư làm Technician, nhưng dượng Ba yên lặng không nói gì. Từ đó ông tuyệt giao với dượng Ba. Từ khi tới Mỹ chưa bao giờ tôi thấy bố tôi bước chân qua nhà Dì Hoa. Ông ghét con của dì tôi, đặc biệt là hai đứa con trai. Ông nói, “Tụi nó nhìn mặt đàng điếm giống y như bố của tụi nó”.

Chiều hôm sau không thấy tôi, mấy đứa em gọi điện thoại sang. Tôi nói, “Bố tao cấm, không cho qua đó”. Tôi không để ý là ông ấy đang đứng ngay bên cạnh. Nghe nói vậy, ông giật điện thoại, tát tôi mấy cái, “Thằng lẻo mép”. Đau quá, tôi nổi giận, chụp điện thoại, tính gọi cảnh sát. Ông tóm lấy tôi, trói ghì lại. Treo tôi lên sà ngang của nhà xe, ông dùng gậy đập tôi liên tục. Mãi đến khi mẹ tôi quỳ xuống lạy sống, ông mới quẳng gậy, lái xe bỏ đi mất.

Người bartender trợn tròn mắt kinh ngạc,

- Lạy Chúa tôi, sao bố mày ác vậy?

Mặt thằng Đình lạnh băng như một tảng đá,

- Tôi không khóc trong khi đang bị treo lơ lửng giữa trời. Tôi cắn răng không cho những tiếng rên bật ra trong khi những thanh củi liên tiếp đập lên người. Tôi không nói chi khi mẹ tôi gỡ dây mang tôi xuống, cởi trói cho tôi. Nhưng tôi ốm liệt giường bởi trận đòn đó. Tôi xua tay mẹ tôi ra khi bà mang chai dầu nóng lại xoa bóp những vết bầm tím sưng đỏ trên thân thể. Tôi hất đổ tung tóe xuống sàn nhà tô cháo nóng bà mang tới. Tôi quẳng bỏ những viên thuốc bà để trên đầu giường ra ngoài khung cửa sổ. Trong suốt hai ngày liền, tôi la hét ú ớ với những cơn ác mộng. Mẹ tôi chạy sang nhà Dì Hoa cầu cứu. Sáng hôm sau khi thấy bố tôi đang ngồi cặm cụi hàn chì những cái board điện tử trong hãng, dượng Ba lái xe về thẳng nhà bố tôi. Dượng Ba lấy dầu nóng xoa bóp những vết bầm tím trên người tôi. Đỡ đầu tôi dậy, dượng lấy cháo, đút cho tôi từng thìa. Lấy thuốc khuấy tan trong ly nước, dượng nói, “Con uống thuốc đi”. Đợi tôi chìm sâu vào giấc ngủ, dượng quay ra đóng cửa phòng, rồi lái xe về thẳng lại hãng. Sau khi gặp dượng Ba, tôi bắt đầu ăn cháo và uống thuốc...

Người bartender hỏi,

- Hồi đó mày bao nhiêu tuổi?

Thằng Đình cắn môi suy nghĩ,

- Khoảng…khoảng mười bốn. Bị cấm đoán, tôi không còn có dịp trốn nhà, chạy qua dì Hoa chơi nữa. Từ đó tôi gia nhập băng đảng trong trường. Thoạt tiên tôi chỉ đi theo. Một thời gian sau, tôi bắt đầu hút xách, đánh nhau... Mỗi lần bước chân về tới nhà, gặp tôi, ông ấy mở miệng chửi. Tôi bỏ về phòng đóng cửa lại. Nhưng, gặp những lúc ông ta buồn, ngồi uống rượu một mình, xỉn, ông không bỏ qua…

…Ông Sơn giọng lè nhè, hơi thở nồng nặc mùi rượu,

- Mày đi đâu vậy?

- Con về phòng…học bài.

- Cái thứ đầu đường xó chợ du côn du đãng như mày thì làm được gì. Rồi cũng lại đi ăn mày mà thôi. Ngồi xuống đây.

Ông Sơn vẫn nói, và thằng Đình vẫn bỏ đi. Ông Sơn cao giọng,

- Mày có nghe tao nói gì không?

- Con phải về phòng học bài. Ngày mai con có bài thi.

- Không có thi cử gì hết. Tao là bố mày. Tao nói sao mày phải làm như vậy. Mày không nhớ gì sao? Bởi không có tao cho nên hồi xưa hai mẹ con mày mới đi ăn mày!

Thằng Đình dừng bước. Nó ngẩng mặt nhìn lên trần nhà. Yên lặng, từ từ quay đầu lại, nó nói từng chữ,

- Con nhớ chứ. Con biết con là con của một người ăn mày. Nhưng riêng bố, bố có biết gì không? Con thà là đi ăn mày. Con không có bố. Chưa bao giờ tôi có bố!

Thằng Đình quay bước, mở cửa đi thẳng ra khỏi nhà.

- Mày bỏ nhà đi luôn hả?

- Không. Tôi bỏ qua nhà dượng Ba. Một lúc sau, mẹ tôi len lén đi sang nhà người em. Mẹ thấy tôi đang ngồi chơi cờ tướng với thằng con lớn của dượng Ba. Nhìn tôi, mẹ cười, nụ cười bao dung. Mẹ tôi ngồi nói chuyện với dì Hoa và dượng Ba một hồi. Lúc thấy bà đứng lên đi về, tôi suy nghĩ, và tôi quyết định bỏ ngang bàn cờ tướng. Tôi cũng đứng lên, đi theo mẹ. Cả hai mẹ con cùng đi về.

- Tao không dám nói chắc, nhưng…nhưng nếu trước đó mày không tìm lại được mẹ, mày đã bỏ nhà đi luôn hay không?

Thằng Đình lại xoa xoa vầng trán, rồi nhìn ra khung cửa sổ quán bar,

- Cũng có thể lắm. Nhưng tôi biết tôi vẫn còn Sơ Anna. Bây giờ lớn rồi, đối với tôi, lời dặn của Sơ là một sứ mạng. Tôi phải đi học, phải ra trường, phải kiếm được nhiều tiền, gửi về Viện Cô Nhi. Có những lúc buồn, nằm trong phòng một mình, tôi hay thấy lại hình dáng của Sơ Anna. Tôi thấy Sơ kiên nhẫn dạy cho tôi những bài toán cộng trừ. Tôi thấy Sơ yên lặng ngồi bên đầu giường nhìn tôi nằm khóc vào đêm Giao Thừa. Tôi thấy Sơ lắc đầu nhè nhẹ không đồng ý khi tôi đánh lộn trong nhà cơm của Viện Cô Nhi, và Sơ nghiêm khắc nói, “Con không được làm như vậy”. Nhớ tới Sơ Anna, sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi thôi không liên lạc với nhóm bạn cũ. Nhớ tới Sơ Anna, tôi ghi danh học đại học, vừa học vừa đi làm trong trường.

Trong những năm vừa qua, tôi sống nội trú, không một lần bước chân về nhà. Riêng mẹ, tôi gặp thường xuyên vào những ngày cuối tuần. Mẹ tôi mang thức ăn Việt Nam đến cho tôi...

Mấy đứa bạn hay rủ tôi về nhà của tụi nó mùa Noel. Nhưng tôi từ chối. Noel, tôi thích nằm trong phòng một mình, nghe nhạc. Tôi thích bài The Little Drummer Boy. Thằng nhỏ trong bản thánh ca nghèo quá. Nó không có gì khác hơn ngoại trừ cái trống trên đôi bàn tay. Nhưng nó vẫn hạnh phúc hơn tôi, bởi ít ra nó còn có cái trống. Tôi, tôi cảm thấy đôi tay mình trống trơn. Lật tới lật lui hai bàn tay, tôi chỉ thấy tôi với một đời sống trống trải buồn tênh. Liếc mắt nhìn lại một khoảng thời gian đã trôi qua, tôi chỉ thấy đêm đen bóng tối. Sau lễ Nửa Đêm, tôi đi về phòng, mở nhạc Giáng Sinh nghe, rồi chìm vào giấc ngủ. Có lần, vào một buổi tối trước ngày Giáng Sinh, tuyết rơi trắng xóa ngoài đường. Buồn quá, tôi lội tuyết đi lang thang một mình. Gió ngoài đường lạnh buốt đến nỗi sờ không thấy tai. Bất ngờ tôi thấy quán rượu của ông...

Người bartender nhíu mày, dáng điệu suy nghĩ. Chống tay lên cằm, ông ngập ngừng,

- Chắc…chắc tại mày buồn khi thấy gia đình người ta…xum họp quây quần với nhau chứ gì?

Thằng Đình liếc nhìn ông không nói gì. Ông Ricô lại hỏi,

- Sao không về nhà dượng Ba của mày?

Đình hít một hơi dài, rồi thở ra,

- Hồi xưa tôi tưởng đó là căn nhà của mình. Bây giờ lớn rồi, tôi không còn cảm giác đó nữa. Dì Hoa không phải là mẹ tôi. Dượng Ba thương tôi, tôi thương dượng Ba, nhưng người đó không phải là bố tôi.

Thằng Đình đổi lại tư thế. Nó đưa hay tay ra đằng sau, xoa nắn hai bờ vai một hồi,

- Vào năm thứ ba của đại học, tôi ghi danh học một lớp Triết. Vị giáo sư đứng lớp là một Linh mục người Việt Nam…

Trên bục giảng, sau khi viết lên bảng đen chữ Genesis 2- 3, Cha Tiến quay xuống, tiếp tục nói,

- Một trong những ý chính mà câu chuyện trong Chương thứ 2 của Sách Sáng Thế Ký muốn trình bày, đó là, con người được sinh ra đời với hạnh phúc, trong hạnh phúc. Vườn Địa Đàng được tạo dựng trước khi con người mở mắt chào đời. Nhưng rất tiếc, theo như Chương thứ 3 của Sáng Thế Ký, hai người đầu tiên đã đi ngược lại với thiên nhiên, và họ phá vỡ thiên nhiên của căn Vườn của thế giới. Thiên nhiên nguyên thủy bị tiêu diệt, thiên nhiên mới bắt đầu hình thành. Từ đó bóng tối của bất hạnh lan tràn trên quả địa cầu. Khổng Tử của Đông Phương cũng có một cái nhìn tương tự như người Do Thái về hạnh phúc. Ông nói, “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, từ nguyên thủy, con người đã mang bản chất tốt lành, bởi vậy, mầm hạnh phúc ngập tràn trong lòng người. Đức Phật thì khác, theo như Ngài, tâm muốn sẽ không mang lại cho chúng ta điều gì khác hơn ngoại trừ niềm bất hạnh...

Thằng Đình giơ tay, ngắt ngang lời vị giáo sư,

- Cha nghĩ sao nếu có những người mới mở mắt chào đời, họ đã sống, họ đã thở ra hít vào hai buồng phổi bầu không khí của bất hạnh. Có những người họ chẳng muốn gì, nhưng bất hạnh luôn luôn gõ cánh cửa tâm hồn của họ. Trong cả hai trường hợp, con nghĩ họ là khổ, họ là bất hạnh. Hay nói ngược lại, họ là hiện thân của khổ, của bất hạnh.

Sau giờ Triết của ngày hôm đó, tôi vô văn phòng gặp Cha Tiến nhiều hơn. Tôi hỏi ông rất nhiều về tương quan giữa con người và bất hạnh. Một khoảng thời gian trôi qua, khi biết ông nhiều hơn, tôi kể cho ông nghe câu chuyện của một người có bố có mẹ, nhưng trở thành mồ côi. Sau cùng nó gặp lại mẹ, nhưng vẫn cảm thấy lạc loài không có bố. Tôi nói cho ông biết có những tối trong khi đang ngồi học bài, tự nhiên nó nổi giận với mình, nổi giận với cuộc đời. Nó muốn nổi lửa đốt cháy căn phòng và đốt cháy nó! Mùa xuân có đôi chim Cardinal làm tổ ngay cửa phòng. Chim mẹ ấp, trứng nở với chỉ một chú chim con. Chiều chiều bên khung cửa, nó thấy con chim bố đỏ rực đứng trên cành cây âu yếm nhìn con chim mẹ mỏ đỏ tha mồi về ríu rít nuôi con. Có một buổi chiều, nổi giận, nó mở cửa số vươn mình ra ngoài khung cửa bắt chim con. Nó muốn bóp nát chú chim non đang kêu chim chíp dẫy dụa trong lòng bàn tay. Vào những lúc nổi giận, nó lại thấy Sơ Anna áo dòng trắng toát. Sơ nheo mắt nhìn nó. Sơ cười bao dung, thông cảm, và Sơ lắc đầu. Sơ nói, “Con không được làm như vậy”. Nó mở cửa phòng, bỏ đi ra ngoài, hoặc lần bước tới quán bar, ngồi uống rượu. Tôi hỏi Cha Tiến, tại sao tôi đã sinh ra và lớn lên trong bất hạnh?

- Rồi ông ấy nói sao?

Ngồi thẳng lưng lên, hai tay chống cằm, Cha Tiến nhìn thẳng vào mắt thằng Đình,

- Cha không biết. Cha không có câu trả lời. Mừng cho con cuối cùng đã gặp lại mẹ. Buồn cho con vì vẫn không có bố. Giận bố con vì ông ta không tế nhị với con. Nhưng Đình à, cuộc đời là một tổng hợp của buồn và vui, khóc và cười. Nếu người ta chỉ chú trọng vào buồn và khóc quá nhiều, cuộc đời của người đó biến thành bất hạnh, tràn đầy bất hạnh. Nếu người ta chú tâm vào những khía cạnh vui và cười, cuộc đời của người đó sẽ vơi bớt đi những khổ đau. Con sinh ra trong bất hạnh, lớn lên trong bất hạnh. Nhưng con ít khi để ý đến một điều, đó là, cuộc đời bất hạnh của con cũng có rất nhiều giây phút con được sống trong hạnh phúc, sống với hạnh phúc. Bà ngoại là một hạnh phúc của con; dượng Ba là một hạnh phúc của con; Sơ Anna là một thiên thần mang đến cho con biết bao là hạnh phúc; mẹ con một thời tưới nước vun trồng cây bất hạnh trong con, nhưng người đó đã nhổ cây đi, trồng lại trong con cây hạnh phúc mới.

Đứng dậy, ông tiến sát tới cửa sổ của văn phòng, nhìn ra bên ngoài. Trời mùa xuân tháng tư với cỏ cây xanh mướt như đang hớn hở lũ lượt rủ nhau đứng dậy vươn cao. Quay mặt lại, ông nhìn thằng Đình,

- Nếu con nhắm mắt lại, đời con tràn đầy bóng tối, con hóa thành bóng tối, con là hiện thân của bóng tối. Nhưng nếu con mở mắt ra, đời con tràn đầy ánh sáng, con hóa thành ánh sáng, con là hiện thân của ánh sáng, con thành ánh sáng cho nhiều người. Nhắm mắt lại, con chỉ thấy con và niềm bất hạnh, con hóa thành bất hạnh, con là hiện thân của bất hạnh, và con tạo ra bất hạnh cho những người sống chung quanh. Mở mắt ra, con sẽ nhận thấy không phải chỉ có một mình con khổ; mẹ con khổ; bố con, người con không nhận là bố cũng khổ; bà ngoại con vào giây phút gặp mẹ con sống cuộc đời hành khất cũng khổ; dượng Ba con cũng khổ bởi ông ấy cũng là một thằng bé mồ côi; bao nhiêu em bé trong Viện Cô Nhi Tình Thương của Sơ Anna cũng khổ; cả lục địa Phi Châu người ta đang khổ. Bao nhiêu là người trên thế giới đang sống và hít thở sự khổ.

Đình à, chỉ nhờ vào một hành động nhắm hoặc mở, đời của một người sẽ đổi thay.

oOo

Nhận ra hình dáng của thằng Đình qua những cánh cửa sổ bằng kiếng của quán bar, ông Ricô bước hẳn ra khỏi quầy rượu. Người bartender mở cánh cửa quán rồi giang rộng hai tay ôm chầm lấy thằng Đình,

- Thằng nào đây? Lạy Chúa tôi, tao tưởng không bao giờ gặp lại mày nữa.

Khoác vai thằng Đình, ông dẫn nó tới quầy rượu.

- Lại đây, lại đây. Tao tặng mày một ly rượu. Ồ không, mày muốn bao nhiêu ly tao cho mày uống bấy nhiêu.

Ấn nó ngồi xuống ghế, người pha rượu nói huyên thuyên không cho thằng Đình có dịp mở miệng,

- Brandy Manhattan hay Absolut Vodka? Mày thấy không, tao vẫn nhớ gu rượu của mày. Nhìn cái ghế của mày đi, đó, nó vẫn còn nằm y nguyên chỗ cũ. Từ hồi mày biến mất khỏi thành phố, đôi khi nhìn thấy cái ghế, tao lại nghĩ tới mày, tao thắc mắc không biết thằng này đang đầu đường xó chợ ở nơi nào.

Thằng Đình cảm động trước sự ân cần của người bạn cũ. Ngồi xuống, nó cố gắng bắt kịp câu chuyện với ông Ricô,

- Xin lỗi, thành thật xin lỗi…

Chưa nói xong nó đã bị người pha rượu chặn ngang,

- Tao gọi mày hai ba lần, nhưng tổng đài nói số điện thoại đã bị cắt. Muốn kiếm mày ở nhà, tao cũng không biết địa chỉ. Thời gian đầu tiên, nhớ mày quá sức, tao buồn gần chết. Có hai ba lần tao ghé đại vào khu phố Việt Nam lêu bêu đi tới đi lui kiếm mày. Cuối cùng tao chịu thua.

Khi ông Ricô đã chịu dừng lại, thằng Đình nheo mắt, tay vuốt nhè nhẹ đầu mũi chăm chú nhìn người bartender,

- Cám ơn, cám ơn. Tôi nghĩ ông lại…lại nói quá rồi. Không có tôi, ông vẫn sống vui, sống khỏe. Xin lỗi nhé, tôi thấy ông có gầy mòn hư hao một chút nào đâu.

Người bartender bỏ ngang công việc nhìn xuống bụng. Xoa nắn cái bụng tròn căng, ông lắc đầu,

- Nữa, mày vẫn chưa bỏ được cái tật ăn nói chua cay.

Đi lại quầy rượu, ông đẩy về phía thằng Đình ly Brandy Manhattan, tay còn lại nâng cao ly beer,

- Uống mừng ngày gặp lại mày, người bạn nhỏ.

- Mừng ngày gặp lại ông, ông bạn già.

Người bartender và thằng Đình cùng đưa ly beer và ly rượu lên miệng uống một hơi. Đặt ly beer còn vương lại một chút bọt dưới đáy xuống mặt bàn, ông Ricô nhìn ly thủy tinh còn sót lại những cục đá và trái cherry đỏ của thằng Đình,

- Chà, lâu quá rồi mới uống được một ly beer ngon như ngày hôm nay. Ê, nói tao nghe mày đi đâu mà biệt tăm biệt tích hơn ba năm rồi?

Thằng Đình ngồi thẳng lưng lên, ngón tay trỏ lắc qua lắc lại,

- Hêy, không có bị gậy đi ăn mày như ông tưởng đâu. Tôi từ bên Ghana mới về.

Mắt ông Ricô trợn tròn,

- Ghana ? Ghana nào? Ghana là thành phố nào vậy?

Thằng Đình chống tay lên má trái, nghiêng người qua một bên, miệng cười, đầu lắc qua lắc lại,

- Ông về học lại Địa Lý đi. Ghana không phải là thành phố. Ghana là một quốc gia nằm ở Tây Bắc của Phi Châu.

Không phiền hà với kiểu nói châm biếm quen thuộc của thằng Đình, ông Ricô hỏi tới, giọng đượm vẻ hiếu kỳ,

- Mày làm gì bên đó?

Thằng Đình đưa hai ngón tay trỏ lên ngang với tai, vẫy vẫy,

- Tôi đi làm cho “hãng” Peace Corps.

Người bartender vỗ tay lên trán, cười,

- À! Tao hiểu rồi. Hèn chi.

- Mikô…

Ông Ricô ngắt lời,

- Ai vậy?

Thằng Đình khựng lại,

- Cô người Nhật…có ghé vào đây mấy lần. Ông quên rồi sao?

Ông Ricô nhíu mày suy nghĩ,

- Mikô người Nhật? Ai là người Nhật. À, thôi, tao nhớ ra rồi. Con nhỏ vô quán rượu mà lại uống Coke…

- Chứ chẳng lẽ uống beer…

Thằng Đình hất mặt lên cắt ngang lời nói của người pha rượu. Ông Ricô vẫy tay,

- Thôi, thôi, được rồi. Mày tiếp tục đi.

Thằng Đình dáng vẻ hài lòng, tiếp tục câu chuyện,

- Mikô thích đi du lịch. Cô ta rủ tôi tham gia Peace Corps. Ban đầu tôi cũng hơi ngần ngại... Nhưng sau một tháng ra trường, chưa có công ăn việc làm, tôi quyết định đi theo Mikô sang Ghana. Sau một tháng huấn luyện về Peace Corps, về văn hóa và ngôn ngữ của người Ghana, tụi tôi bắt đầu làm việc.

- Mày làm gì bên đó?

- Mikô làm Y tá. Cô ta tốt nghiệp Y Tá mà. Tôi dạy tiếng Anh và làm trong viện Cô Nhi. Hồi tôi mới tới, Viện Cô Nhi chưa ra đời. Tôi liên lạc với chính quyền địa phương xin được một số vật liệu. Nhờ trợ giúp của dân làng, tụi tôi xây được Viện Cô Nhi Tình Thương II đủ chỗ cho 50 em, cùng hai lớp học, Lớp Mẫu Giáo và Lớp Một. Tôi làm phụ tá cho ông Hiệu Trưởng là người địa phương…

Vừa lắng tai nghe chuyện Ghana , người bartender vừa để ý nhìn khuôn mặt của thằng Đình. Trong ánh đèn mờ mờ của quán rượu, ông thấy thằng Đình gầy hơn xưa. Ông nghĩ, “Chắc nó đen đi nhiều. Cái nắng nung da đốt thịt của Phi Châu có chừa ai đâu. Mấy con mụ khách nạ dòng hồi xưa mà gặp lại thằng này với nước da sạm nắng của dân miền Nam Địa Trung Hải, chắc lại dám về nhà bán hết tàn sản mà dâng cho nó”. Ông thấy thằng Đình đã mất bớt đi nét tinh nghịch trên khuôn mặt, thay thế vào đó là những vẻ trầm tư. “Đương nhiên năm nay nó bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Để coi… 18 tuổi nó ra trường. Thằng này học sáu năm đại học. Hôm đó mình có tham dự Lễ Ra Trường của nó mà… Ba năm đi làm bên Ghana. Chúa ơi, thằng nhãi ranh này đã 27 tuổi rồi”. Riêng cặp mắt của nó, ông thấy đã bớt đi những phiền muộn. Tóc nó vẫn cắt ngắn nhưng không còn bôi keo chải dựng lên như trước. “Chắc tại bên đó không có bán keo bôi tóc”, ông Ricô cười thầm với câu nhận xét của mình về mái tóc không keo của thằng Đình.

- Hêy nhỏ, quên, ông bạn nhỏ. Tha cho tao cái tật quen gọi mày là thằng nhỏ. Mày lớn rồi. Mày về đây bao lâu?

Thằng Đình vuốt tóc nhè nhẹ, rồi đưa hay tay thẳng lên trời bẻ lại lưng,

- Mikô và tôi về nhà nghỉ hè ba tuần. Tụi tôi đã quyết định rồi. Hai đứa sẽ quay về lại Ghana tiếp tục làm việc bên đó. Mikô về Nhật thăm nhà. Tôi về lại Hoa Kỳ thăm mẹ…

Thằng Đình dừng lại giữa chừng, không nói nữa. Tay trái của nó vẫn để yên trên mặt quầy rượu, nhưng bàn tay phải bắt đầu xoay nhè nhẹ ly rượu. Tế nhị, người bartender không nói gì. Thằng Đình trầm ngâm nhìn ly rượu đang xoay tròn chầm chậm từng vòng quay. Nó nuốt nước miếng, cục cần cổ chạy lên chạy xuống. Cuối cùng chống tay phải lên má trái, nó lại nuốt nước miếng, nhưng thôi, không xoay tròn ly rượu.

- Xin lỗi... Tôi…tôi vẫn không có bố...

Nó nói, không nhìn ai. Một thoáng do dự, một phút im lìm, rồi nó ngồi thẳng người nhìn ngay mặt ông Ricô,

- Ông bạn, có thể ông nghĩ tôi là một thằng bất hiếu. Thành thật xin lỗi! Nhưng ông biết, trong lãnh vực tình cảm, không ai ép được ai. Đồng ý không?

Thằng Đình giơ cao tay,

- Khi sinh ra một đứa con, người đàn bà trở thành mẹ, người đàn ông trở thành bố. Nhưng nếu hai người không nuôi dạy đứa bé, họ mất đi quyền làm mẹ làm cha. Mẹ cho tôi tiếng khóc chào đời. Mẹ nuôi tôi hai năm trời, và mẹ bỏ tôi cho những người đàn bà không sinh ra tôi nuôi lớn trở thành thằng bé mười hai tuổi. Khi bắt đầu nhận ra được sự hiện diện của mình trong cuộc đời, tôi chỉ thấy mẹ tôi là bà ngoại, mẹ tôi là dì Hoa, mẹ tôi là Sơ Anna. Tạ ơn Trời, cuối cùng tôi tìm lại được tình mẫu tử. Tôi không còn mồ côi mẹ nữa. Nhưng bố tôi, ông cất bước bỏ tôi ra đi ngay cả trước khi tôi chào đời. Có thể ông ta đổ lỗi là tại hoàn cảnh. Thì cũng được đi. Nhưng tới ngày gặp lại tôi, ông đòi quyền làm bố. Chuyện đó không xảy ra được. Tôi không cảm thấy người đàn ông đón tôi ở phi trường là bố. Suốt năm năm trời sống trong căn nhà của ông ta, người đó cũng không làm được điều gì khác hơn để bắt đầu cho một liên hệ tình cảm chưa bao giờ có mặt trên cuộc đời.

Thằng Đình mím môi, cương quyết,

- Tuổi thơ của tôi đã trôi qua. Tôi không sống lại được một lần nữa thời gian thơ ấu. Tôi biết có một khoảng thời gian tôi và bóng tối là một; nhưng tôi không muốn tiếp tục ngồi trong bóng tối than khóc nữa. Tôi muốn sống với ánh sáng. Và tôi đi làm cho “hãng” Peace Corps.

Chấm dứt hàng chữ cuối cùng, nhắc đến hai chữ Peace Corps, thằng Đình nhè nhẹ bỏ hai tay lên bàn. Ánh mắt dịu lại, nó vừa cười vừa xoa xoa mái tóc,

- Ông biết gì không? Trước khi sang Ghana, tôi viết thư cho Sơ Anna. Bên Ghana tôi cũng gọi điện thoại về Việt Nam nói chuyện với Sơ. Tôi nói, “Sơ ơi, con không có nhiều tiền gửi về cho Sơ nuôi các em”. Sơ cười, “Lo gì con. Có nhiều người trên thế giới gửi tiền về cho Sơ rồi”. Sơ Anna cũng nói bây giờ Sơ hết bán bánh cuốn rồi. Tôi hỏi tại sao? Sơ nói là tại vì không có ai đứng phụ bán nữa, Sơ phải dẹp gian hàng bánh cuốn buổi sáng. Ông biết tại sao Sơ nói vậy không? Hồi xưa, sáng sáng tôi phụ Sơ bày hàng bán bánh cuốn. Sơ ngồi bán, tôi chạy bàn, rửa chén đĩa. Sơ nói bây giờ Viện Cô Nhi Tình Thương nuôi được hơn 100 em. Hồi xưa, ông biết không, Mẹ Bề Trên với Sơ chỉ nuôi được khoảng 25 em.

Ông Ricô nheo mắt,

- Con Maria cứ hay hỏi tao về anh Đình?

Thằng Đình giọng hiếu kỳ,

- Giờ nó làm gì?

Ông Ricô ưỡn ngực ra, điệu bộ hãnh diện,

- Đại học năm thứ hai. Mày biết không, nó cũng học Tâm Lý.

Thằng Đình cười,

- Nó có ở nhà chiều mai không?

Người pha rượu ngập ngừng,

- Chắc có, mùa này…tao thấy…hình như nó chỉ có lớp sáng.

Thằng Đình vươn người tới, ngực dựa sát quầy rượu,

- Chiều mai tôi ghé nhà chơi được không? Ông nấu món Spaghetti truyền thống của Ý đi.

Gãi gãi đầu mũi, nó tiếp tục,

- Tiện thể tôi sẽ báo cho nó biết, nếu vẫn coi tôi là anh, nó hãy chuẩn bị mua quà cho thằng cháu của nó đi.

Người bartender mở căng đôi mắt kinh ngạc. Bây giờ ông mới nhận ra cái nhẫn vàng đeo trên ngón tay trái áp út của thằng Đình. Hai tay ôm chặt lấy má, miệng tròn há hốc, ông kêu lên,

- Lạy Chúa tôi! Mày lập gia đình lúc nào?

Thằng Đình ngửa người ra sau, hai tay khoanh lại, lưng dựa vào ghế,

- Hơn một năm rồi. Tụi tôi làm đám cưới bên Ghana, trong Nguyện Đường Thánh Phaolô của Viện Cô Nhi Tình Thương II. Xin lỗi nhé, bữa đó không mời ông. Xa quá, làm sao ông có đủ tiền mua vé đi Ghana tham dự lễ cưới.

Người bartender chỉ vào mặt thằng Đình, ông lắc đầu cười dòn tan, tiếng cười reo vui lồng lộng quán rượu vắng vẻ vào lúc nửa đêm,

- Mày! Mày đúng là một thằng cà chớn. Một thằng rất là cà chớn!

Nguyễn Trung Tây
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,160
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 


Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 97 guests