Điệu Luân Vũ Trên Máu - Nam Dao

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Điệu Luân Vũ Trên Máu - Nam Dao

Postby Mười Đậu » 15 May 2005

Tác Giả: Nam Dao

Đầu tháng 5, trung đội của Dân là đơn vị đầu tiên của sư 304 vượt cầu Nhung chốt phía nam con sông cắt ngang quốc lộ I. Cuộc hành quân chớp nhoáng, bất ngờ vây thành Quảng Trị rồi tách ra thọc sâu về hướng Mỹ Chánh. Lực lượng ta không gặp một sự chống cự nào đáng kể. Sư đoàn 3 bộ binh Ngụy bỏ chạy và hầu như không đánh trả. Phi cơ Mỹ oanh tạc liên tục, nhưng mục đích là làm chậm bước tiến quân ta, cố bảo vệ cho một cuộc triệt thoái bất ngờ của cả quân và dân. Mặt con đường từ bờ sông Nhung đến Mỹ Chánh lỗ chỗ vết cày của pháo đủ loại từ những ngọn đồi quanh Quảng Trị ụp xuống. Lính chết. Dân chết. Trâu bò chết. Chó mèo chết. Cái chết lên ngôi, và sự sống thu lại ẩn náu trong xác suất li ti của những may mắn ngẫu nhiên con người gọi là ơn trên, phép lạ.

Đại đội Dân được lệnh đào công sự phòng thủ. Chính ủy hân hoan vung tay nói, chiến tranh sắp kết thúc, ta không đàm ở Paris nữa, súng nay thay lời, toàn thắng ắt về ta. Dân bảo lính, đào hào cho sâu đắp bờ cho cao để toàn thân mà hưởng hòa bình. Dân văng tục rồi tiếp, chúng mày cố mà toàn thân, chết thì thôi, sinh Bắc tử Nam thế là xong, nhưng không chết mà mất chân mất tay thì ê chề hết một đời, sau chỉ có đi ăn mày mới có cái mà ăn. Nhưng không cần dặn, lính đều biết. Thương binh về người ta hô anh hùng cho ít hôm, sau thành gánh nặng cho cả làng cả xã, có vợ vợ bỏ, cuối cùng chỉ có cái thẻ thương binh cho một chút đậc quyền để an ủi những mất mát. Đảo mắt, Dân tìm thằng Thục. Khi rời Vĩnh Mốc, Dân mới được đồng đội kể cho nghe Thục là kẻ đã báo cáo với chi bộ Đảng chuyện giữa Dân và Thắm. Nó thấp bé, mắt hiếng và có tật hay lấm lét nhìn trộm. Thường thì Dân găm trong lòng, nhưng hôm nay cơn giận trào lên như nước vỡ bờ. Đến cạnh Thục, Dân nhìn tròng trọc vào mắt, xách mé :

Hòa bình rồi, anh làm gì?

- …

- Nhưng bây giờ chưa hòa bình, thì đào công sự cho sâu. Bao cát, mỗi bao dày ba mươi phân. Đắp ba bao chiều dọc, sáu bao chiều ngang.

Ngắm nghía một bao, Dân thình lình rút dao đâm vào rồi rạch xuống, miệng quát :

- Thế này mà ba mươi phân à?

Thục cúi đầu, miệng cười như mếu, lủi thủi lấy xẻng xúc cát, ậm à ậm ừ.

Đi một vòng kiểm tra công sự, Dân quay về vị trí của mình khi nắng bắt đầu tắt trên tàn những hàng cây dừa tít tắp phía biển đông. Xa xa, mặt nước ánh ráng hồng trong bóng đêm xanh thẫm mượt mà. Bọn lính đốt những ngọn đèn bằng vỏ hộp Coca Mỹ bấc nhỏ như đầu tăm, chơi trò bắt muỗi. Gần bờ sông lầy đất, muỗi chi chít. Chúng đủ loại, con to con nhỏ cứ thấy sáng là sà xuống rồi lao vào ngọn đèn đầy muội đen. Đây, OV.10. Đây L.19. Con này nhanh, là F.108. Còn bay lừ đừ thế này, mày là B52. Cuộc không chiến trong tưởng tượng ắt phần thắng hẳn về ta. Lính so số muỗi chết, cười khúc khích phong nhau làm anh hùng diệt muỗi.

*
Dẫu vẫn còn một ngày phép, Nhân rời Huế đi Phong Điền với tâm trạng hững hụt của kẻ vừa đánh mất một điều gì mơ hồ nhưng rất thiêng liêng . Quá giang xe nhà binh chở Thủy Quân Lục Chiến, Nhân ngoái đầu nhìn lại. Huế lần lần biến sau rừng cây như một giấc mê hoảng giữa ban ngày. Nếu có chút dấu tích, bây giờ chỉ là vết máu trên bàn tay Ánh mà bụi hoa Tuyệt tình đâm sâu chạm trổ vào trí nhớ Nhân đang lắng xuống như gạn bùn khơi trong nước.

Dọc Quốc lộ 1, đàn bà trẻ con dắt díu nhau đi về Huế. Họ thất thần ngơ ngác, nét kinh hoàng đọng lại trên khóe mắt khô khốc, trắng dã, đi thất thểu trong câm lặng như một đoàn âm binh . Đoàn xe ngừng lại. Trong lũ người dài dằng dặc, chợt có tiếng khóc. Một thằng nhỏ mặt lấm lem, áo thun, không quần vừa lê bước, vừa kêu, chị Ba, cho tui về nhà. Chị nó, chắc chỉ đâu mười tuổi, tay nắm chặt tay em, kéo đi, miệng mím, nước mắt lã chã. Cho tui về, thằng bé tiếp tục rên rỉ, chân vẫn lê bước. Người lớn không ai nhìn, không ai nói. Chị Ba à, má đâu? Thằng bé dằng tay chị, hét, má ơi má!

Đám lính Thuỷ Quân Lục Chiến xì xào với nhau Lữ đoàn 1 Dù đã tới Mỹ Chánh. Pháo tầm xa Bắc Việt rót xuống, dân chạy, bảo nhau tránh bom tránh đạn thì phải tới Huế. Chiến tranh như cơn hồng thủy, nước tứ phía dâng lên, mùi máu tanh tưởi lẫn vào mùi thuốc nổ khét lẹt. Đoàn xe lại rồ máy. Tiếng súng ì ầm nghe mỗi lúc một gần. Trên đầu, phi cơ chiến đấu thỉnh thoảng xuất hiện, chao ngang, sáng lóe lên như cánh chim bắt lửa rồi lẫn vào chân mây. Viên Đại Úùy ngồi cạnh Nhân mặt lạnh như thép nguội buột miệng chừi thề. Nhân hỏi. Hắn lẩm bẩm nói một mình:

- Đù mẻ...chưa uýnh đã co chân chạy, cái bọn Sư Đoàn 3 con *!

Nhân không nói gì thêm, quay mặt nhìn ra trời ngập nắng. Xe chạy với vận tốc rùa bò, lách từ từ tránh đám dân chạy loạn dong theo trâu bò, tay xách nách mang trăm thứ nồi niêu xoong chảo. Gió im phăng phắc. Cái nóng hừng hực ụp xuống nung chảy những lớp nhựa đường trên quốc lộ 1. Mặt lộ rỉ mồ hôi ướt nhẫy, bốc hơi khét lẹt, từ xa nhìn có đoạn ánh lên như tráng nước. Tiếng đại bác thỉnh thoảng vẳng lên báo những bất an rình rập đó đây. Lâu lâu, máy bay trinh sát L.19 lượn lờ, rồi hàng đàn F.4 từ biển tạt vào, đuôi nhả những vệt khói trắng loãng dần trong vòm trời xanh ngắt.

Đến Phong Điền, Nhân liên lạc ngay được với Đại đội Quân Y trong dãy lều căng tạm trên có dấu thập đỏ. Thiếu tá Trực thấy Nhân, tay giơ lên trời, ồm ồm :

- Toa ra sớm, may quá. Tụi này oải lắm rồi, cắt vá khâu may cả đêm…

Tiếng cánh quạt trực thăng tải thương binh đập phềnh phêïch. Đám y tá khênh băng ca tất tưởi, đầu cúi rạp, chúi người gò lưng cáng thương binh. Trực vỗ vai Nhân, bảo, cứ mười phút, một hai chuyến là thường. Đấy là lính, còn dân nữa, nằm đầy trong kia. Tay chỉ, Trực mệt mỏi, pháo thì pháo địch, nhưng còn bom, bom ta. Nói xong, Trực cắt việc cho Nhân ngay.

Ngày nghỉ phép cuối cùng, Nhân làm việc liên tục cho đến ba giờ sáng, xin một bát cháo, húp được một nửa, vừa đặt xuống thì thiếp đi ngủ quên, quên hết.

*
Đêm về. Trên chiến trường, một đêm không có hỏa châu và pháo kích là một đêm tuyệt vời. Đêm buông xuống êm đềm nhắc nhở chuỗi ngày hậu phương tưởng đã xa xôi, gợi nhớ mái ấm gia đình, vòng tay người yêu và những giọt nước mắt chia tay. Đêm thả trôi những câu tâm sự chắp cánh ước mơ, đặt móng những dự định cho một mai hòa bình. Những đêm ấy, không vẩn đục hận thù, không nhơ nhớp những toan tính nhỏ nhoi. Tương lai trong dự tưởng trong ngần, giản dị, tưởng cứ với tay là bắt được như bắt bướm, bắt chuồn trong những ngày thơ dại. Lính thì thào to nhỏ, chẳng một ai nhắc đến sự chết chóc thương vong rình rập trước mặt. Không nói, nhưng nó vẫn đấy. Chập chùng giữa những giấc mộng đời cho một ngày mai, sự chết lầm lì không nói, chỉ nhìn cái nhìn nghiêng bằng một con mắt nửa lạnh lùng, nửa khinh miệt. Không nói, nhưng lính sợ. Những lúc ấy, vòm trời chi chít sao là chỗ bám víu. Mọi sinh vật đều tương ứng với một vì sao cầm tinh trên kia đang lung linh tỏa sáng. Vì sao ấy còn, người còn. Số mệnh vì sao, không tùy thuộc vào bom đạn vô tình của thế gian. Số mệnh đó được sắp xếp bằng một quyền uy ngoài cõi, theo thứ phương án bí ẩn gọi là định mệnh. Và từ cổ chí kim, không khi nào cả trời sao trên kia sụp xuống tan hoang một lúc, trong một thoáng, không còn gì. Cho nên, mỗi người đều có thể hy vọng mình là một trong những vì sao tiếp tục tồn tại sau mưa bom bão đạn.

Hoà bình. Lời chính ủy tiểu đoàn của Dân được lệnh bổ xung tăng viện cho sư 304 vang lên : Ta đã cắm cờ tổ quốc lên Cổ Thành Quảng Trị. Mỹ-Ngụy cuống quít quay lại phong tỏa Hải Phòng, đánh bom Hà Nội, Vinh… Nhưng nhân dân ta anh hùng, nhất quyết không nề hy sinh, giữ vững từng phân vuông đất nước. Nên đích thân Nguyễn Văn Thiệu ra Huế khảo sát chiến trường, hay Ngô Quang Trưởng lên nắm chỉ huy vùng chiến thuật này thì cũng chỉ là cái vùng vẫy tuyệt vọng…

Hòa bình. Đến được cái mốc ấy phải trả bằng máu. Lũ Dù 1 và 2 đã đến bờ Nam sông Mỹ Chánh. Lính hai bên sắp sửa mở chốt cửa địa ngục xem mặt hòa bình ra sao. Dân chợt nghĩ đến Nhân, đứa anh em song sinh. Nó cùng tuổi mình, chắc chắn cũng là lính bên kia. Nó chỉ khác mình là cái khoáy tóc trên đỉnh đầu. Nó liệu có ở trong đám lính Dù đang sửa soạn phản công không? Dân nhắm mắt, tưởng tượng mình cầm M16, quần áo rằn ri, đầu đội nón đỏ. Lính Dù, binh chủng thiện chiến nhất. Dân bên này giờ thành Nhân bên kia, chỉ khác quân phục, đầu mang mũ sắt ra trận. Nhân mang lon Trung úy, miệng ngậm điếu thuốc, vẫy tay dặn lính, ‘’Trận này là trận sinh tử, phải tái chiếm Quảng Trị trước ngày Hòa đàm ở Paris. Nhảy dù cố gắng, anh em xông lên!’’. Dân hoảng sợ, ghìm khẩu AK47, miệng gào ‘’…Đừng! Nhân ơi…’’. Nhưng không kịp nữa. Nhân đứng ngay trên mép hào công sự, chăm chăm nhìn, tay rút kíp lựu đạn. Dân bóp cò. Trong bóng đêm, họng súng khạc ra những chớp lửa liên tục thè cái lưỡi đỏ lè của những con ma chơi trần truồng hiện ra bắt hồn người sống. Nhân bị cái lưỡi ấy cuốn quanh, người quay vòng vòng, chân quíu vào nhau. Cái lưỡi co lại, đẩy cho Nhân ngã sấp mặt xuống, người đè lên Dân nặng đến nghẹt thở. Dân thét ‘’…Nhân, Nhân ơi!’’, nước mắt trào ra, hai tay quơ nắm tuyệt vọng.

Khi Dân mở được mắt, Tạ đang lay, miệng hềnh hệch, ‘’Thủ trưởng nằm mơ thấy cái Thắm, phải không? Người cứ giẫy như con đành đạch, sướng chứ?’’. Đẩy tay Tạ ra, Dân ngồi dậy. Vuốt mặt cho tỉnh, Dân tìm bi-đông nước, đưa lên miệng tu rồi co người dựa vào vách hào. Tạ bô bô ‘’…Tớ thỉnh thoảng nhắm mắt cố nằm mơ thấy vợ mà đéo được!’’ Im lặng một lát, Tạ tiếp, giọng tiếc nuối ‘’Sau Tết, vợ tớ tậu được một con lợn, định vỗ béo cho đến sang năm. Bây giờ Mỹ nó lại bom hậu phương, khéo toi con lợn’’.

Dân không nói gì, ngửa mặt nhìn lên trời sao. Ngôi sao nào là ngôi sao thủ mệnh của Nhân. Còn ngôi nào là ngôi của mình. Bất chợt, một ánh sao sa vạch nửa vòng cung cuối trời. Người ta bảo, khi thấy sao sa thì hãy nguyện cầu, cầu gì được nấy. Nhưng muộn mất rồi. Lời cầu chỉ linh khi sao chưa tắt. Dân tự nhủ, lần sau, ta sẽ cầu. Cầu cho Thắm yên lành. Cầu cho ta khỏi phải bắn Nhân như trong cơn ác mộng vừa rồi.

Cứ thế, Dân ngồi suốt đêm đợi sao sa.

*

Bãi đáp mé tây nam sông Nhung bị pháo Việt Cộng đánh banh ra thành một bãi sa mạc cát trắng trên ngổn ngang những thân cây cháy xẫm đen đủi nghiêng ngả đâm chốc lên trời. Tiểu đoàn 9 Lữ đoàn 2 Dù ở sườn đông bị chặn cứng, vùng vẫy nhưng chẳng mở được nút thoát. Phòng không Bắc Việt khạc hỏa tiễn tầm nhiệt, không làm sao đổ quân được bằng trực thăng. Tướng Trưởng ra lệnh, giá nào cũng phải vào Quảng Trị trước 27 tháng 7, là ngày hội nghị Paris họp lại để phân chia giới tuyến. Tiểu đoàn 11 Lữ Dù 1 sẽ mở một con đường bộ, đi vòng đánh xuyên qua sườn địch rồi chốt lại ở bờ Bắc sông Nhung, và khi bắt tay được với Tiểu đoàn 9 Lữ Dù 2, sẽ cùng tiến về La Vang.

Đi kèm Ban Chỉ Huy Tiểu đoàn 11, đám quân y gồm Nhân, một Trung sĩ và năm tà-lọt. Đêm đầu, khá yên tĩnh, không gặp Bắc quân. Lính Dù chia làm ba cánh, mỗi cánh là một đại đội. Quan tư Soạn, Tiểu đoàn trưởng, khóa 14 Đà Lạt, có tiếng là xung trận như một con cáo thành tinh, ra lệnh tiếp tục giữ đội hình cũng như vận tốc tiến quân. Đến trưa, đột nhiên pháo đổ xuống tới tấp, tiếng nổ đùng đục của đại bác 105 ly, tiếng chát chúa của hỏa pháo 122 ly dội lên khắp nơi. Soạn ra lệnh ém quân, đào hầm cá nhân, lỡ mà lui còn có chỗ tránh cái quào của ‘’mụ già Định Mệnh’’. Tiếng điện đàm giữ liên lạc giữa những cánh quân mỗi lúc một khẩn trương. Soạn nói với cố vấn Mỹ, đề nghị trả đũa bằng dăm passes bom. Quay sang Nhân, Soạn bảo :

- Bên thằng Năm, có mấy đứa ‘’nằm ‘’, tu-bíp qua ‘’bển’’ coi giùm…

Đến gần vị trí Đại đội 5 đang bị chặn, pháo Việt Cộng rơi tua tủa mỗi lúc một khít. Mặt mũi đầy cát, ba người trườn mình trên những đụn cát trắng mốc meo, mùi thuốc súng xông vào mũi khét lẹt. Pháo bắn là loại cắm xuống đất một thước rồi mới nổ, cát bay bốc lên trời, rơi xuống rào rào như mưa. Đại úy Hiển, Đà Lạt khóa 16, phà thuốc, giọng tỉnh bơ :

- Tu-bíp hả! Một thằng ‘’ngủ ‘’ rồi. Còn lại ba chú ‘’nằm’’ bị thương miểng 75 ly, thằng đứt tay, thằng lòi ruột, còn một thằng thì cụt mẹ nó cái chân…

Nhân khom người chui xuống công sự đào tạm đêm qua, nhìn quanh đánh giá xem ai là kẻ bị nặng nhất. Đeo găng tay vào, Nhân lật ngửa một người bị thương ở bụng. Hắn khò khè, đầu óc đã mụ đi, nhưng mặt nhăn như một chiếc khăn ướt bị vắt khô, rên hừ hự. Nhân nhìn đống ruột bị lòi ra, chỗ trắng, chỗ nhớp máu đỏ lòm. Thò tay vào, người bị thương rú lên. Nhân mò, rút ra. Một mảnh gang, hai mảnh, rồi ba mảnh. Lấy ống thuốc sát trùng, Nhân nhấn vào vết thương, khởi động. Bấy giờ, người bị thương đã mê đi. Dùng cả hai tay, Nhân nhét phần ruột đã phòi ra, đẩy luôn cả băng bông máu đã thấm máu đỏ lè vào bụng rồi quấn băng vòng quanh, quát tà-lọt, xiết cho chặt lại. Kèm vào một chai dextran có hòa thuốc chống xúc kích, Nhân chích thêm một mũi cầâm máu nhưng thừa biết khó cứu mạng anh ta.

Pháo Bắc Việt tiếp tục đổ xuống. Người bị thương ở chân nằm bên cạnh người lòi ruột hét, em đau quá bác sĩ ơi. Hiển đến gần Nhân nhìn rồi hỏi :

- Bác sĩ có xin trực thăng tải thương không thì bảo ?

Nhân gật, quay sang kẻ vừa hét. Xem xét vết thương rồi kéo cho co lên, Nhân thấy có phản ứng chân anh ta trì xuống. Người bị thương chửi :

- Đù mẹ bác sĩ, làm con * gì mà đau dữ vậy !

Nhân mừng, bảo :

- May đấy, về mà không nhiễm trùng thì khỏi cưa, cha nội !

Băng bó xong, Nhân quay sang người bị mảnh 75 ly phạt cụt hẳn cánh tay trái. Tay lần động mạch, Nhân nhìn đồng hồ. Máu đã ra quá nhiều, mạch nhanh nhưng yếu. Anh ta bất tỉnh, mặt xám nghét, chỉ còn thở nhè nhẹ. Sai tà-lọt chích huyết thanh, Nhân cắt rồi khâu sơ qua bịt miệng vết thương lại. Không tiếp máu, cứ thế này, anh ta chỉ cầm cự thêm sáu tiếng là cùng.

*

Ba ngày đêm liên tiếp, hàng đoàn Con Ma tới tấp nhả xuống phòng tuyến dọc phía bắc sông Nhung hàng ngàn quả bom. Tiếng nổ vẫn lùng bùng trong tai dẫu đã nhét giẻ thấm ướt. Thần kinh gioãi ra, chùng xuống. Lính nằm bẹp dí trong công sự, uể oải, tê liệt. Ban đêm, súng phòng không 57 ly ực lên từng chập nấc nghẹn, khạc ra những vằn lửa đỏ trong màn trời đen kịt.

Tiếng máy réo lên. Dân chụp ống liên hợp, ghé vào tai. Lệnh từ trên xuống, báo tiểu đoàn 11 Lữ Dù 1 đang di động đến chiếm bãi đáp làm chỗ đổ quân bằng trực thăng. Đại đội của Dân có nhiệm vụ chặn Ngụy. Trung đội do Dân chỉ huy phải tiến về phía đông bắc, chốt phía dưới đường xe lửa, và ở đấy cho đến khi có lệnh mới. Nhìn bọn lính trẻ, Dân phổ biến nhiệm vụ, bảo Tạ phát BA-70, một loại lương khô cho lính, rồi dặn ‘’Chiến đấu là để sống, không phải để hy sinh. Sắp hòa bình, thằng nào chết thằng ấy dại. Thằng nào què cụt, thằng ấy ngu… Nghe chưa!’’

Lính lẳng lặng nhấm nháp trước khi lên đường. Thằng An, mặt búng ra sữa, vừa nhai vừa ngâm ‘’…chiến trường đi, chẳng tiếc ngày xanh…’’. Tạ nghe, gầm lên ‘’Không im đi ngay ông nhét cứt vào mồm bây giờ. Thơ với thẩn. * mẹ, không tiếc thì chắc mày thừa ngày xanh à, thằng ranh con! Bọn chữ nghĩa láo cả… Ra trận, phải biết tiếc ngày xanh, tiếc để sống. Chúng mày phải chiến đấu để sống còn trước, đừng lơ ngơ nghe bọn làm thơ nó phỉnh…’’. Nhét thanh lương khô vào túi xách, Tạ khạc đờm xuống đất rồi tu một ngụm nước. Tu xong, Tạ lại làu bầu ‘’…chẳng tiếc ngày xanh, hừm, thì còn cái đéo gì. Rõ thối!’’. Thình lình, Tạ tóm cổ Thục, quát ‘’Còn mày, thằng bẻm mép. Tao biết hết. Lần này, cho mày báo cáo. Nếu còn về được mà báo với cáo!’’ Thục run như cầy sấy, miệng í ới ‘’…Ơ kìa, ơ kìa…’’. Lúc đó, Dân gỡ tay Tạ, nói nhỏ ‘’Thôi! Sắp đi, để chúng nó yên!’’

Đến rạng sáng, Trung đội Dân mới bò đến được vị trí chỉ định. Ở đó, một đơn vị bạn đã chiến đấu suốt ngày hôm qua. Họ bị thiệt hại khá nặng, số thương binh vẫn chưa mang đi được, tiếng rên rỉ vọng lên từ những giao thông hào nằm phía sau. Người chỉ huy nói, giọng mệt nhọc ‘’Ta chốt cứng, nhưng Dù nó theo đúng phương châm di động nhanh, tiêu diệt gọn. Bây giờ ta ở thế của địch, và địch ở thế của ta lúc trước!’’

Sáng tinh mơ, sương còn phất phơ trên mặt đất lỗ chỗ vết đạn. Nắng ban mai phơn phớt vàng tươi lấn vào từng ngách công sự phòng không. Nắng hiền hòa, vô tâm, không mảy may mang bất cứ gì của một cuộc chiến khốc liệt đã bắt đầu. Đó là ngày mồng 2 tháng 7 năm 72. Cả một miền đang yên tịnh bỗng nhổm choàng dậy. Dưới đất, đại bác 155 ly chụp xuống. Ba trăm thước trước công sự, một hàng xe tăng ngỏng cao đầu pháo, từ từ sáp vào. Rồi chỉ còn tiếng động. Tiếng bom. Tiếng pháo. Tiếng súng phòng không. Tiếng tên lửa. Tiếng lựu đạn. Rồi tiếng chửi. Tiếng AK đùng đục. Tiếng M60 the thé. Tiếng B40 hồng hộc văng tục.

Chiến tranh, cuộc hòa tấu lạ lùng. Có giọng người ở đủ mọi âm tiết đệm cho một giàn đồng-sắt nổ tung phẫn nộ, đánh banh mạng sống, đổ máu đỏ xương trắng làm chất liệu tạo hình vẽ trên mặt đất lồi lõm một bức tranh lập thể biết khóc và biết kêu, ôi, đất nổi tang thương, ruộng dâu đang thành biển cả.

*

Dù bị pháo suốt ngày, không trực thăng nào lởn vởn đến được gần. Lính nằm bẹp trong công sự, nghe tiếng phi cơ đánh bom ì ầm, tiếng súng phòng không chống trả khục khặc ho khan từng chập. Hiển đùa với lính:

- Tối nay đi ‘’bùm’’, thằng nào cần thuốc nhức đầu, ỉa chảy, di tinh, hượt tinh thì hỏi bác sĩ ngay…

Chiều về loang loáng trên những bãi cát trắng. Ánh hoàng hôn đỏ sẫm màu máu, âm u rồi tắt dần, vạch đen ngòm con đường dẫn vào địa ngục. Hiển lệnh cho lính ăn uống, liên lạc với quan tư Soạn để kết hợp giờ ra quân. Hiển buột miệng bằng tiếng Pháp, …va y avoir de la casse! Thấy Nhân ngạc nhiên, Hiển cười:

- Tôi học trường Nhà Dòng mà! Nếu cứ thanh bình, chắc tôi thành linh mục, bỏ đời đi cứu phần hồn. Nhưng bây giờ, Hiển chặc lưỡi, tôi lo giết phần xác. Chưa kịp nghĩ đến phần hồn của ai thì, Chúa ơi, phải giết người để cứu ngay cái xác chính mình…

Hai chữ Chúa ơi, Hiển cố kìm lại, mơ hồ nghe văng vẳng như một lời kêu van.
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,150
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Mười Đậu từ: msn, Caothaivu

Postby Mười Đậu » 15 May 2005

Tiếng reo máy truyền tin thình lình cất lên. Hiển nhận lệnh lên đường, bậm môi tính toán. Mình cách Đaị đôi 2 một cây số rưỡi. Mục tiêu tấn công thì theo đường chim bay là sáu cây, nhưng phải vượt qua sông Nhung. Thám báo cho biết lính Bắc đang chốt chặt, bám cứng bờ nam. Sườn bên trái, phía tây là rừng. Không thấy báo địch ém quân, nhưng chưa chắc là an toàn. Hiển nai nịt rồi vẫy tay làm hiệu. Trong bóng đêm, lính lên khỏi công sự, trườn trên cát trắng, nhắm hướng đường xe lửa bò tới. Đụng phòng tuyến đầu, sau một cây số, Dù như hổ xổng chuồng, chỉ nửa giờ là đánh bật lính Bắc ra khỏi giao thông hào đào dọc bờ nam sông Nhung. Chiến lợi phẩm là hàng chục AK-47, một đại liên, hai súng chống chiến xa và hai mươi ba cái xác chưa kịp mang sang sông.

Dù bỏ lại giao thông hào hai lính bị thương, giải pháo từ đồi C3 và Caravelle xuống bờ bên kia. Hoả châu bắn lên, lượn vòng rồi tỏa sáng, sắc lạnh ngắt. Trước mặt Dù, lính Bắc đào hầm, kê đại bác, đặt súng cối đủ loại cự ly nhả đạn giở trò chốt cứng, chặn đứng. Hiển bốc máy truyền tin báo Ban Chỉ Huy. Tiểu đoàn trrưởng Soạn lệnh cho Hiển phải giữ khoảng cách an toàn, yêu cầu thằng cố vấn Martin gọi đánh vài ‘’passes’’ B52 . Hiển mở địa đồ chấm tọa độ, vạch ‘’line’’. Đêm hôm đó, Hiển dẫn lính vào rừng, đi dọc về hướng Bắc, trong tiếng bom nổ nhức óc đến độ lính phải nhét bông gòn vào tai. Đại đội 5, Tiểu đoàn 11, Lữ Dù 1 – tức thằng Năm – là đơn vị tiền kích chiếm lại La Vang, một địa điểm phòng ngự nằm phía tây nam cổ thành Quảng Trị .

*

Khi Dù chỉ còn độ trăm thước là đến phòng tuyến ta dọc bờ nam sông Nhung, máy bay ngưng ném bom. Chỉ còn tiếng súng cối ùng oàng. Tiếng đại liên, trung liên ròn rã. Lính Dù hét xung phong. Bám vào công sự, Dân ghì khẩu K.40, mặt căng thẳng, gân xanh hằn trên thái dương. Tạ quát lính trụ lại vị trí, thấy địch mới bắn. Ống liên hợp réo lên. Dân móc máy trên lưng người lính truyền tin, đặt vào tai. Đại đội trưởng ra lệnh chốt cứng. Pháo của ta sẽ cản mũi địch, phải cho lại tọa độ thật chính xác. Tay mở bản đồ, Dân trả lời, mắt ghé sát vào những dòng số li ti. Pháo yểm trợ cho chốt bắt đầu bằng rơi hàng loạt. Địch trả đũa, cũng bằng pháo. Nhưng lính Dù lui lại. Đấy chỉ là bước đầu trong bản luân vũ. Kế đến, là bước sau. Lần này chiến xa M.113 vào trận nhưng đứng ở tầm B.40 không bắn tới được. Nhạc lại trỗi lên, đại bác đủ loại cự ly khạc đạn đệm cho bản tấu khúc biệt ly của thần chết ai oán cất những tiếng gào vô vọng.

Thằng Thục oặt người xuống. Nửa vai trái nó bị mảnh pháo chém dọc, ngực rách toạc lòi gân lòi xương, máu tứa ra. Dân gọi. Y tá biến mất, không thấy đâu. Dân quát, xé áo buộc chặt vết thương cho nó. Hai anh lính trẻ lóng ngóng, quay ngang quay ngược, thở hổn hển. Thằng Thục lả xuống. Làm sao cầm máu cho nó, Dân hỏi Tạ. Lắc đầu, Tạ làu bầu, tìm cái thằng y tá chết tiệt chứ còn làm sao!

Dù lại xung phong lần thứ nhì. Điệu luân vũ tiếp tục, máu thấm đỏ sàn nhảy.

Nửa đêm, Chính ủy Đại đội báo cho mọi đơn vị rằng Tiểu đoàn 7 Dù 2 từ quốc lộ 1 vượt sông Nhung bọc xuống phía bắc chặn đường rút của ta. Nơi ban chỉ huy, hiện vòng vây đang khép lại. Lệnh vẫn là chốt, chốt đến cùng.

Dân điểm lại số lính lành lặn của Trung đội. Rồi Dân đi nhìn tận mặt những kẻ bị thương. Khi thấy Dân, Thục rên :

- Thủ trưởng, em đau lắm. Xin thủ trưởng làm phúc cho em đi nhanh. Đằng nào cũng vậy!

Dân lắc đầu, quai hàm banh ra, nhớ đến lần bị kỷ luật ở Vĩnh Mốc và nhất là Thắm. Thục cố đưa tay nắm áo Dân, tha thiết :

- Thủ trưởng tha tội cho em, cái chuyện chị Thắm là chuyện em lầm lỡ… Đằng nào cũng thế thôi, làm phúc đòm cho em một phát…

Dân bậm môi :

- Điều này trái quân luật! Không được…

Thục nức lên :

- Em đau… đau ghê lắm, đau như trong đầu có cả vạn con kiến lửa nó đốt. Máu ra thế này, chắc ngày sau thì mới chết được!

Không biết tự lúc nào Tạ đã đến đứng bên. Nhìn Dân, Tạ buồn bã :

- Để đó…

Cầm một túi xách giấy tờ của lính vừa chết vì bị thương, Tạ đưa vào tay Dân, nói nhỏ, ‘’Tếch thôi’’. Dân ngửng mặt nhìn lên vòm sao hôm nào. Ôi, những ánh sao sa ở ngưỡng cửa tử sinh, hãy để cho tôi ước nguyện một điều thôi. Là đừng có bao giờ những con người phải tìm sự sống bằng cách giết nhưng con người khác.

Dân quay bước, tai nghe một tiếng súng ngắn chát chúa. Dẫu gì, đó là tiếng súng nhân đạo độc nhất trong điệu luân vũ trên máu của những kẻ bị xô vào một cuộc chiến chẳng một ai có quyền chọn lựa.

*

Men cánh rừng cho đến khoảng hai giờ đêm, lính Đại đội 5 đụng một cái am, đằng sau am là hai căn nhà lá vách đất. Hiển vẫy tay cho lính tản ra thành vòng cung rồi từ từ xiết lại. Chuẩn uý Cổn, mười lăm năm quân vụ, đi từ binh nhất lên, dẫn một Trung đội bò vào am, ngửi đâu đó thoang thoảng mùi hương mới đốt. Hiển thì thào, Việt Cộng mà cũng mê tín ra rít, thắp hương cúng Bác xin phù hộ không phải là chuyện lạ, tụi bay cứ cẩn thận. Lính ập vào hai căn nhà. Thật lạ lùng, có một ni cô và tám đứa trẻ độ năm đến chín, mười tuổi. Ni cô miệng móm mém, da mặt nhăn nheo xệ xuống từ hai gò má nhô cao, bình thản :

- Tụi nít không cha không mẹ, chạy lạc trong rừng. Mô Phật, hết gạo hết khoai rồi. Mấy ông lính có chi bố thí cho tụi nó không hà ?

Đám trẻ con thức giấc, co ro ngồi tụm vào với nhau, mắt sợ sệt cúi xuống nhìn nền đất. Nhân bỗng thấy chua xót. Có một lưỡi dao vô hình nào đấy đâm vào buốt nhói lòng, chém ngang đau đứt ruột. Nhân khêu ngọn đèn, ánh sáng khiến đám trẻ che mắt. Có đứa khóc, nhưng không dám khóc thành tiếng, chỉ ậm ực trong cổ, nghe như oán hờn. Hiển hỏi ni cô, có thấy bóng dáng lính Việt Cộng không. Ni cô từ tốn, người tu hành không dính vào chuyện sát sinh. Chuẩn uý Cổn – thích lính gọi mình là Đội Cổn – trầm giọng :

- Vậy chứ khi Việt Cộng hỏi có thấy lính ngụy tụi tui không thì sư đáp sao?

Ni cô ngước nhìn, miệng niệm :

- Nam mô a di dà Phật, cứu khổ cứu nạn…

Hiển gạt ngang, ra lệnh để lại một ít lương khô. Nhân lục túi cứu thương, chọn một ít thuốc kháng sinh và thuốc chống sốt rét, nhỏ nhẹ khuyên :

- Vùng này đánh lớn, sao không mang mấy nít tránh cho xa ?

Ni cô cười mếu máo:

- Đi mô chừ ? Vô rừng, chết đói. Ra ngoải, chết bom chết đạn, chú à.

Hai người lính chạy vào ghé tai Hiển thì thào. Lính Dù nằm vòng ngoài xôn xao, thấy những bóng trắng đi lại quanh am, có kẻ còn kể là bị nắm áo giật, nghe tiếng ma mắng mỏ xua đuổi. Ni cô đoán được sự việc, trầm tĩnh:

- Am đây kêu là am Cô Hồn. Tháng trước mấy ông lính Việt Cộng có tới, cũng bị âm hồn xua đuổi, làm vậy đặng phù hộ bao bọc cho bọn nít côi cút đó…

Nhân cay đắng. A cái thời khốn nạn này, người chết phải lo cho những mầm sống vừa nhú ra đã buộc chạm phải mặt với đạn bom! Bất chợt, Nhân nhớ lại lời anh tài trên đường ra Huế hôm nào. Chết thế này ở mặt trận Quảng Trị, có lẽ trọng lượng những linh hồn đã làm lệch cán cân về cõi âm, khiến những hồn ma nay lo bảo vệ người sống hòng giữ thăng bằng cho qui luật ông Trời.

*

Trung đội Dân ‘’mẻ ‘’ một phần ba khi chốt ở bờ bắc sông Nhung. Phi pháo, rồi hải pháo hạm đội Mỹ rải xuống không ngóc đầu lên nổi. Lính rúc vào lòng đất như kiến chui xuống tổ. Cứ thế, hai ngày hai đêm… Hết lương khô, cả Trung đội nằm dí trong công sự đói lả ra. Thằng Phi, người làng Dân, mới được bổ xung tháng trước . Nó dúm dó như một mớ rẻ, thì thào, anh Dân ơi, về được thì báo cho thầy bu em biết em chết ngày nào nhé, không thì thành ma đói mất. Ăn cháo lá đa tháng bảy tủi lắm. Dân quát, im, chết thế đéo nào được ! Nó tức tưởi, em thoát mà anh mệnh hệ gì thì em cũng báo cho bà ngoại anh, anh nhé… Tiên sư mày, nói gở! Với lấy ống liên hợp, Dân ghé vào, gào ‘’Báo cáo, lính Dù chỉ cách độ trăm thước, di động có thiết giáp kèm…lính ta đói, sợ chạy cũng không đủ sức!’’. Tiếng Chính ủy đại đội ‘’…chưa có lệnh rút. Cứ bám, tối nay sẽ tiếp tế’’. Thằng Phi nắm lấy vai tôi; em hết chịu nổi rồi. Gạt tay nó ra, Dân áp tai. ‘’Lệnh là chốt. Chúng đến càng gần thì càng bớt bom. Hết!’’. Dân thở dài. Nhìn ánh mắt dọ hỏi của Tòng, tên lính giữ máy truyền tin, Dân bảo, mày rỉ tai lính, đại đội báo tối nay sẽ tiếp lương. Nghe đâu có tiếng Tạ văng tục, tiếp là tiếng lầu bầu, hứa như cuội, hứa đã hai hôm nay rồi…

Nửa đêm, đại pháo 155 ly nổ liên tục. Bây giờ, Đại đội 74 Tiểu đoàn 7 Lữ Dù 2 đánh vòng từ phía bắc sông Nhung đã áp vào. Nhìn từ giao thông hào, những chiếc xe thiết vận M.113 lù lù tựa một đàn quái vật xếp hàng ngang. Tạ thụp xuống, lại lầu bầu ‘’đánh đấm thế đéo nào được ! Phăng teo cả thôi’’. Dân nắm máy liên hợp ‘’Báo cáo thủ trưởng, cho rút… Nếu địch bắn pháo sáng thì chịu, không ‘’phớt’’được ‘’. Chính ủy Đại đội hét ‘’…Đợi lệnh. Chưa có phép!’’. Bỏ ống nghe xuống, Dân thầm nhủ, không rút thì chắc toi. Có rút, cũng sẽ bị pháo kích, nhưng còn đường sống. Thằng Phi lết đến, nắm tay Dân lắc lắc. Dân hỏi, cái gì đấy? Nó bảo, em thèm một bát cháo gà. Quái, lúc này mà thèm ăn thì gở thật rồi.

Ngẫm nghĩ một lát, Dân khều Tạ bảo, đồng chí lệnh cho anh em sửa soạn rút, trên cho rồi. Cầm lại ống liên hợp, Dân gọi đại đội ‘’…Chúng nó vẫn pháo, sẽ chốt đến cùng!’’. Mặc cho Chính ủy nói gì thì nói, Dân kêu ‘’Alô, alô… không nghe thấy gì . Xin nhắc lại. Alô, trung đội chốt đến cùng…’’. Dân lập lại ba hay bốn lần. Thằng Tòng chẳng hiểu ất giáp gì, cứ kêu ơ kìa, ơ kìa. Dân quát, ơ kìa cái mả mẹ mày, muốn sống hay muốn chết? Khi hết pháo, Dân bảo Tòng, quẳng cha nó cái máy này lại. Nó nhìn Dân ngạc nhiên. Dân cương quyết, máy cồng kềnh, chạy không nổi. Tạ hiểu ngay. Nó giật cái máy ném khỏi giao thông hào, nháy mắt, nói khẽ vào tai Tòng ‘’ Trung đội rút vì mất liên lạc, mày không trách nhiệm vì tội mất máy, mà vì máy hỏng… Đừng lo cái máy, lo cái mạng mày đã !’’.

*

Hiển cho lính tản ra, lên đường đi thêm độ một giờ, rồi nghỉ. Lính người chăng võng, người nằm gốc cây, cố nhắm mắt. Ai cũng biết ngày mai này sẽ là một ngày của và máu lửa. Ngả lưng cạnh chỗ Nhân nằm, Hiển châm một điếu Quân tiếp vụ, đóm thuốc thỉnh thoảng cháy lòe lên. Hiển tò mò :

- Sao anh không thành một ông bác sĩ hậu phương cửa cao nhà rộng mà lại xông pha vào chỗ xương máu…

- Bởi tôi không giữ được hòa bình, Nhân ngắt ngang. Và tôi có trách nhiệm!

- Ai giữ được hòa bình ! Không có cá nhân nào làm nổi việc đó… Khi những thế lực siêu cường vương bá trên trái đất này chưa triệt tiêu được nhau thì chỉ có chiến tranh mà thôi. Vì thế, ai trách nhiệm ? Ai không ?

Nhân cười buồn :

- Ai chả ý thức được sự bất lực của mỗi cá nhân! Nhưng mặt khác, trong tâm linh, tôi vẫn cứ thấy trách nhiệm. Sau đó, chỉ một bước nhỏ, là mặc cảm phạm tội ! Vì thế, tôi có mặt để chia sẻ khổ nạn của mọi người, cũng là khổ nạn của chính tôi…

Tiếng Hiển vang lên, rạch ròi :

- Ai trách nhiệm ? Thì Đấng Chúa Cha chứ ai khác được ! Ông Đại uý Dù - nguyên là chủng sinh - nói tiếp bằng thứ tiếng Pháp tinh ròng …Người lại cho Đức Chúa Con xuống chịu nạn để cứu chuộc cho chúng ta là những kẻ có tội !

Nhân thở ra :

- Người quyền lực vô biên, sao lại sinh ra chúng ta, ai ai cũng là những kẻ có tội ? Tội từ bà Êva, tội từ ông Adam trở đi, cho đến hôm nay, vẫn tội, tội, và tội… Rồi Người lại tự cho thêm cái quyền cứu chuộc chúng ta tội lỗi, vẽ ra viễn ảnh mê hoặc một Thiên Đàng, có hay không nào ai biết?

Hiển phá lên cười ngao ngán :

- …và trong khi chờ đợi, trái đất này là Địa Ngục. Vì thế nên Thiên Đàng càng mang sức thôi miên của cái gì không thể với tới được !

*

Trung đội Dân luồn đi trong đêm, ven theo Quốc lộ 1 ngược về phía bắc. Tiếng đại bác lâu lâu lại vẳng lên trước mặt. Địch bắn chặn đầu cuộc triệt thoái của Trung Đoàn 94. Thằng Tạ quát nhỏ ‘’…về đến An Thái mới có công sự. Phải đi thật nhanh, chúng mày ạ! Cái gì nặng, vứt hết. Bây giờ mà nó bom nó pháo là về hầu các cụ ngay. Nào!’’. Nó nhô lên phía trước, chạy như chạy tập trong quân trường. Dân nán lại phía sau, thúc những cậu chậm chân.

Đến mờ sáng, từ phía nam hai chiếc máy bay vụt tới, đảo quanh, thình lình cất lên bay ngược lại. Tránh khả năng bị phi cơ oanh tạc, lính chui vào bụi, rời Quốc lộ đi tản vào làng xã xung quanh. Tiếng ì ầm từ xa. Cuối tầm mắt là những vệt khói trắng vẽ một vòng trên trời. Vượt qua những khúc đường bom đạn cấy vết lỗ chỗ đan vào đất, mùi khét xăng đặc lẫn vào đâu đó mùi tanh sực vào mũi. Nhìn lên, những cây dừa cụt đầu, tàn lá cháy xém loang lổ. Nhìn xuống, tất cả là tan hoang. Nhà vách vôi bị quật ngã xuống, cột kèo trống trơ còn âm ỉ khói. Đây đó, những hố bom cào sâu vào lòng đất, có cái sâu đến độ nước rỉ ra thành ao, có cái chỉ vừa đủ phô ra lớp nâu vàng ươn ướt đỏ.

Chung quanh lính là thứ im lặng của thần chết ngậm miệng rình rập. Nhìn bọn lính đói lả ra, Dân bảo, ta xục vào, có gì lấy ăn được thì chia nhau. Nhưng vào làng, phải cảnh giác! Nói xong, Dân ghim đạn lên nòng khẩu AK 47, kẹp vào nách. Cho từng tốp ba người ra khỏi bụi, Dân vẫy tay ra lệnh tiến vào. Lính đi từng bước, mắt căng tròn, tai vểnh lên, súng lăm lăm chĩa ra. Nhưng không, chỉ có cây xiêu, nhà đổ, và những ngọn khói chập chờ của lửa than tàn lụi. Tất cả im ắng rợn người. Không có đến cả tiếng chó sủa. Lính đi vòng con đường mòn quanh ao. Đây đó rải rác xác người, xác chó, xác trâu bò… Tất cả đều cháy, cong queo, đen đủi, vô tri. Mọi sinh vật đã hóa ra tro bụi sao ? Lạy Chúa tôi, lửa huyện ngục vừa cháy trên thế gian trong một cơn bom lửa của ngày phán xét ? Bỗng văng vẳng trong gió sớm tiếng rên rỉ van kêu. Lính nhìn nhau. Không ai bảo ai, cả bọn ngược chiều gió đến gần.

- Eng ơi! Chừ bỏ mạ con tôi, eng đi đâu, eng ơi…

*

Sáng tinh mơ, nghe đâu đây có tiếng gà rừng đánh thức. Mắt mở hé, nắng non còn đẫm sương mai tươi màu mỡ gà nhuộm suốt một giải cây xanh mươn mướt. Gió mong manh mơn trớn những tàn lá chồi mơ hồ đong đưa. Chiến tranh thốt nhiên xa hẳn như chưa từng xảy ra, chưa bao giờ có, và chẳng có cái lý lẽ gì để đến bìa rừng yên lành êm ả này. Cái am Cô Hồn, ni cô luống tuổi, tám đứa trẻ mồ côi, những bóng ma màu trắng, tất cả bỗng lui lại thành một điểm không có trọng lượng trong trí nhớ. Lạy Chúa ba ngôi, lạy Phật vô thượng, lạy Ala uy hiển, lạy gốc cây bồ đề, hạt sương long lanh, tia nắng ngọt ngào, lạy tất cả để cúi xin cho thế gian khác đi được như thuở hồng hoang, không quá khứ mịt mùng và không hiện tại thương đau. Xa xa, mái chuông Thánh Đường La Vang thấp thoáng. Tại sao nơi đó là chốn hẹn hò của lính, hẹn với cái chết, chết tức tưởi, chết tan xác, chết nát, chết tươi?

Lính lịch kịch sửa soạn khí giới, nai nịt lại, lầm lì không nói năng. Hiển rót vào ca cho Nhân ngụm cà-phê bột cuối, trầm ngâm, rồi với ống liên hợp gọi về tiểu đoàn. Đại đội 2 và 3 đã sang sông, nhích vào được hai cây sốø. Ban Chỉ Huy cùng Đại đội 4 vẫn tiến sau. Đại đội 2 bị tổn thất mất một nửa, nhưng chiếm được công sự phòng tuyến vòng ngoài của lính Bắc. Đại đội 3 chỉ bị trầy da, đã ‘’bắt tay’’ được với Tiểu đoàn 9 của Lữ Dù 2. Kế hoạch như vậy triển khai mười trên mười. Đại đội 5 tiếp tục giữ vai trò tiền kích, có nhiệm vụ thọc vào sườn phía tây La Vang và tiến chiếm Ngã Ba cầu Ga xe lửa. Hiển buông máy, nhìn Nhân, giọng bỗng nghiêm trọng :

- Bác sĩ đi sau Trung đội của Chuẩn úy Cổn, đừng lên phía trước, vướng… Lần này, sẽ chơi nhau đến ứa phở, không đùa được !

Quả thế thật. Lính Bắc đào giao thông hào gần Mai Đẳng, phía tây La Vang, đặt hàng ngang toàn Trung liên nồi RPK, và đệm vào là tiếng bộc phá của B.40 . Hiển nhìn ống nhòm, tính toán, chấm tọa độ. Phải vượt một cái đồi cát rồi mới xáp vào được phòng tuyến Bắc Việt. Như vậy là Dù phải đi ‘’đầu trần’’, leo đồi thì thành bia cho ‘’tụi nó’’ bắn. Men chân đồi mà vào, đường dài ra bốn trăm thước, tránh được hỏa lực đại liên và nồi một đoạn, nhưng ‘’tụi nó’’ chắc sẽ đổ pháo.

Nhìn Hiển vẫy tay, lính Dù men theo đồi vòng về phía Mai Đẳng. Cát lún dưới chân, đi như lết. Càng đi, nỗi kinh hoàng càng ghê gớm. Xác lính Bắc bị pháo những ngày vừa qua nằm phơi nắng phơi mưa hàng tuần, hàng tháng, rữa ra, bốc lên một mùi thối khăm khẳm, thốc tháo sực lên từ từng hạt cát nhuộm khói bom và thuốc đạn nhìn như muối tiêu. Xác có cái mất tay, cái mất chân, cái mất đầu. Có cái mất hết, giờ là một đống bùi nhùi vải lính xanh rêu, đầu chỉ còn xương sọ trắng hếu. Bên cạnh, cái nón cối vẫn đó, trơ trẽn, lăn lóc. Rồi xương. Người bị bom đánh vỡ toang, xương văng ra. Cái dài, cái ngắn. Xương sườn, xương vai. Xương tay, xương chân. Có những khúc xương còn bám thịt, ruồi bu đen ngòm, vo ve bay tứ tung khi lính bước lại gần. Lính bịt mũi. Lính đã vào sinh ra tử không dám nhìn. Tận thế là ở đây, ngày này tháng này. Đằng xa, mái chuông thánh đường La Vang thấp thoáng. Cây thập tự mờ nhạt trên nền trời trong suốt. Những hạt cát đong đưa xô đẩy cho những khúc xương người ráp vào nhau thành bộ, đứng lên nhảy múa, rồi thình lình lại sụm xuống, lăn long lóc, cắm vào mặt đất bi thương quằn quại, dần dần bất động để đàn ruồi sà xuống bu vào, vo ve tấu lên thứ nhạc nghe như tiếng máy bay Con Ma, tiếng Thần Sấm đang xa dần.

Bất chợt, pháo rơi từ trời xuống. ‘’Tụi nó’’ phát hiện, chơi mình đây, Hiển quát. Lính cài dây mũ sắt, co chân tăng tốc. Có tiếng xích nghiến trèo trẹo. Đụn cát trước mặt như bốc lên. Tăng T.54 trang bị đại bác 85 ly đang xung kích. Hiển thét gọi tiểu đội chống chiến xa , hô, chúng mày kéo lên lưng chừng đồi, chơi lại cho đẹp. Tiếng rít gió của hỏa tiễn M.72 . Ầm. Trúng một con. Rồi lại ầm, ầm. Hiển nghe lính reo, ‘’rang’’ được ba con cua rồi Đại uý. Ba con còn lại đang chạy lui. Hiển quát, không phí đạn, chưa dư tiền đừng chơi ‘’xả láng’’!

*

Người đàn bà quắt queo nhem nhuốc ngồi cạnh đống tro than khét lẹt, mi mắt sưng vù, nước mắt chan hòa chảy theo đường nhăn của lớp da xám xịt xuống má, xuống cằm. Tiếng khóc than lập lại:

- Eng ơi… chừ bỏ mạ con tui eng đi đâu, eng à…

Bên cạnh người đàn bàø, một đứa trẻ nằm im lìm ngủ. Nhìn kỹ, bà ôm trong lòng một xác người chết cháy. Xác cong queo, một cánh tay chỉ còn chút thịt đỏ hếu bám trên khúc xương trắng, tay kia không biết đâu. Bà vuốt vuốt cánh tay còn lại, cúi xuống, lại rên rỉ :

- …chừ eng đi đâu, eng ơi!

Đứa trẻ vẫn im lìm, mắt nhắm nghiền, miệng hé tựa như cười trong một giấc mơ. Người đàn bà đưa tay vuốt cái đầu cháy xém một nửa, hốc mắt lõm sâu, thòø ngón tay móc móc xua những con kiến đang rúc vào. Kiến chạy toán loạn, có con rơi xuống đất bò lên tay đứa trẻ, có con bò lên vai lên ngực người đàn bà :

- Eng ơi eng, chừ eng đi đâu…

Cả trung đội lính sững lại như bị thôi miên. Nhìn người đàn bà ôm xác chồng, lính quên tất cả, từ tiếng máy bay gầm rú, tiếng cánh quạt trực thăng xoành xoạch quay trên không, đến cơn đói ba ngày không có cái mà ăn. Trước mặt, giờ đây chỉ có sự khốn khổ tột cùng của kiếp người trong cơn binh lửa.

Thằng Phi bỗng gập người nôn oẹ, miệng ứa ra mật xanh mật vàng. Như bị lây, cả trung đội uạ thốc uạ tháo. Người đàn bà như không thấy lính, tay tiếp tục vuốt ve cái đầu cháy xém một nửa, mắt cúi nhìn xuống đứa trẻ nằm im, miệng vẫn chỉ rên rỉ đúng một câu mê hoặc :

- … eng ơi, chừ bỏ mạ con tui eng đi đâu…

Thình lình, tiếng cánh quạt trực thăng vù vù ngay trên đỉnh đầu. Đạn đại liên tủa xuống, đập vào cây, ghim vào đất. Có lẽ hai chiếc máy bay ban sáng đã phát hiện ra bọn lính bôn đào. Rốc-két phóng xuống nổ choáng tai. Lính bừng tỉnh từ một cơn mê ngủ. Lẩn cho nhanh vào bờ vào bụi, Dân vẫy tay quát, không bắn trả. Bắn bây giờ chỉ lộ thành bia cho chúng nó bắn lại. Rồi lính cắm đầu bò như những con rết. Hai chiếc máy bay A. 34 ồ đến thả bom. Nếu còn cái gì sau trận đánh bom hôm trước, thì tất cả lại bốc lửa. Từ những thân cây xạm đen cho đến cột kèo đang cháy dở. Từ người đàn bà ôm xác chồng cho đến đứa trẻ nằm im lìm bên cạnh. Anh chồng người đàn bà đó thế là chết hai lần.

Đến lúc điểm quân, không thấy Phi. Nó vẫn chưa được ăn bát cháo gà.

*

Đại đội 5 mất sáu tiếng mới bò được từ chân đồi vào, đánh lính Bắc bật ra khỏi phòng tuyến vòng ngoài phía tây La Vang, chiếm được giao thông hào và công sự. Lính Bắc chân xiềng vào súng lớn, khi chết, chết hàng loạt, mắt đứa khép, đứa mở. Chuẩn úy Cổn lục soát, cả một kho đạn 105 ly và đạn súng phòng không 37 ly mới vơi chừng một phần tư. Lại bắt được một khẩu cao xạ 57 ly , thứ mới xuất hiện trên chiến trường lần đầu. Cổn lôi một tên bị thương kéo lên. Người nó rũ xuống, mắt vẫn rừng rực lửa. Nó cười khẩy, giọng rặc nước mặn đồng chua vùng Nam Định, sinh bắc tử nam mà người anh em!

Nhân kiểm tra số thương binh Dù, báo cho Hiển, nặng có sáu, nhẹ mười ba và loại còn chiến đấu được là hai mươi bảy. Cộng với số tử vong, Đại đội chỉ còn một nửa lực lượng để tiếp tục cuộc chơi. Việt Cộng biết rõ tọa độ chiến hào bị Dù chiếm, giải pháo vào như mưa, với một độ chính xác toán học. Pháo nổ chậm cắm xuống đất, vỡ toang ra thành những cái hố sâu khiến nước ngầm phun lên. Lính Dù nằm nhẹp, co chân, ở cái thế cọp bị nhốt, hệt như lính Bắc cách đây ba tiếng đồng hồ.

Có tiếng rú, rồi tiếng Chuẩn úy Cổn văng tục. Nhân chồm sang. Bật đèn rọi, Nhân thấy ngực áo Cổn thẫm máu. Vạch cánh tay Cổn, Nhân chích thuốc gây tê, thuốc chống nhiễm trùng, thuốc làm đông máu. Tà-lọt lấy kéo cắt áo Cổn. Ngực anh ta lõm vào một lỗ sâu hoắm, mảnh đạn đục từ trước ra sau, xương lồng ngực lòi ra ngoài, máu phun có vòi. Nhân vòng cuộn băng quanh người Cổn xiết lại, nhưng chưa được hai vòng thì máu lại đẫm ướt, nhỏ giọt, nhiễu dài chảy xuống bụng, xuống chân.Không thể làm gì khác, Nhân tiếp tục, răng nghiến, quai hàm bạnh ra, kéo băng xiết cho thật chặt. Cổn thẫn thờ nhìn lên trời. Không sao, không trăng, trời đen ngòm sâu hút. Lâu lâu, chỉ có những ánh lửa bay lên từ mặt đất nhịp theo tiếng nổ đạn đại pháo, lịm đi, tắt ngúm.

- Có nặng lắm không bác sĩ ? Cổn hỏi, mắt dại dần.

- Thường thôi – Nhân đáp – Trực thăng tải thương thế nào cũng đến, và thế thì OK!
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,150
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Mười Đậu từ: msn

Postby Mười Đậu » 15 May 2005

Lính Bắc ép tới, Dù lại lùi, đến mười giờ sáng trở về phòng tuyến đã chiếm ngày hôm trước. Nhân truyền huyết thanh cho Cổn, chích thêm một mũi thuốc cầm máu. Giảm đau cho Cổn, Nhân tiêm vào tủy sống Pontocaine hòa với Dextran 10%. Cổn nhợt nhạt, cố gắng nhếch miệng lên cười, tay chỉ vào túi áo zết. Nhân thò tay lần được cái ví. Ở trong ví, có một bức ảnh. Cổn áp bức ảnh lên môi, mắt rừng rực đam mê nhưng có thoáng chút tuyệt vọng. Nhìn ảnh một người đàn bà tóc dài, mắt một mí, miệng cười e thẹn, Nhân dịu dàng : đây là vợ Chuẩn úy ? Cổn lắc đầu, thều thào:

- Không, chị tôi đấy. Di cư vào Nam chỉ có hai chị em. Tôi yêu chị đến độ chị sợ, chị bỏ trốn…Nước mắt ứa ra, Cổn thổn thức… còn tôi thì đi Nhẩy Dù để xa chị, thậm chí để chết, cho chị an tâm…

Nhân lặng người, không biết nói gì. Giọng mê hoảng, Cổn tiếp:

- Thời đó chị còn trẻ…Và tôi, tôi chỉ mong chị sống bình thường, lấy chồng, có con, như mọi người… Vào lính được một năm, tôi nghe tin chị xuống tóc… Chị giờ là sư nữ trong chùa Vĩnh Lạc.

Nhân không kìm được, thốt :

- Một người đàn bà đẹp đến thế mà đi tu ư ?

Cổn nhếch mép :

- Chứ sao… Thoát bể khổ, tìm được an lạc, ai lại chê! Còn bác sĩ, có vợ chưa ?

Nhân lắc đầu. Cổn gượng cười, yếu ớt :

- Vậy chắc là có người yêu… phải không ?

Nhân thót bụng, xót xa nhớ đến Ánh. Bụi gai hoa Tuyệt Tình bỗng đâm vào bàn tay Nhân, máu dính tay là máu Cổn, nhưng sao Nhân vẫn thấy đau nhói tâm can. Tiếng lính Dù gọi nhau chuẩn bị rút. Cổn níu tay hỏi. Nhân bảo Việt Cộng kẹp gọng kềm, chắc ta phải chạy. Cổn lắc đầu, miệng xệ xuống như mếu, hơi thở thoi thóp. Gắng sức, Cổn thều thào :

- Thôi, tôi chẳng đi đâu nữa! Sinh là ký, tử là qui…Đã đến lúc tôi về! Bác sĩ báo cho chị tôi là tôi chẳng ân hận tiếc nuối gì trên cõi hồng trần nhơ nhớp máu người này nữa… Còn bác sĩ, cố sống mà về với người yêu…

Nhân lặng người, nhìn đầu Cổn ngoẹo xuống, môi gượng nhếch lên cười, không kịp nói cho hết lời. Cái cười nửa khinh mạn, nửa xót thương. Một dòng máu ứa ra từ khoé miệng chảy xuống. Nhân bật khóc, vuốt mắt cho người chết. Nhưng chưa buông tay ra, Nhân thấy mình vừa vuốt mắt tượng Đức Mẹ. Môi mấp máy, Đức Mẹ thì thào… các con của Mẹ ơi, Mẹ thương các con vô cùng… Tai Nhân ù đi. Gục mặt, Nhân nghe đâu đó văng vẳng vẫn tiếng hát lê thê mê hoặc:

‘’…Mẹ ngồi ru con, đong đưa phận người, đong đưa phận mình…

……

Phận còn bơ vơ, thế giới hận thù, chiến tranh ngục tù ‘’.

*

Khi Chính ủy Tiểu đoàn hạch tội Dân đã rút quân mà không có phép từ bờ bắc sông Nhung về An Thái, Tạ phát biểu : ‘’Báo cáo Chính ủy, không có lệnh rút quân nên cả đại đội bị pháo mười phần chết đến chín. Nếu Trung đội chúng tôi không nhanh chân chắc chẳng có đứa nào ở đây để nghe đồng chí giảng đạo đức cách mạng với lại tinh thần bách chiến bách thắng của quân đội nhân dân anh hùng‘’. Chính ủy đập bàn: ‘’Cậu này phát biểu lung tung, tùy tiện‘’, và thế là Tạ cũng như Dân bị phạt bằng cách giúi cả hai vào một đoàn lính « tơ » nay vào đây nếm mùi chiến trường sau ba tháng huấn luyện. Lính mới ồn ào, mồm hăng tiết vịt, sợ không đúng chỗ sợ, liều chẳng đúng lúc liều, nghe tiếng súng có đứa tè cả ra quần. Đơn vị được Tư lệnh Sư đoàn phổ biến quyết tâm tử thủ thành Quảng Trị, thay phiên cả đêm lẫn ngày đào thêm công sự phòng thủ. Địch rải bom, bắn pháo như rắc hoa. Mặt Đông cổ thành, Thủy quân Lục chiến thúc vào. Mặt Tây Nam, Lữ Dù 1 nghe đâu đã đánh chiếm La Vang và đang uy hiếp nhà Ga. Mặt chính Nam, Lữ Dù 2 ép vào. Quốc lộ 1 thành Đại lộ Kinh Hoàng. Dài 9km kéo qua An Thái cho đến Ngã ba Long Hưng, cứ mỗi mét đại lộ ít là có hai người chết. Đại đội của Dân và Tạ bị Tiểu đoàn 7 Lữ Dù 2 dồn lùi về đến cái ngã ba mang tên là Ngã ba Máu.

Hạ tuần tháng bảy, chiến trường Quảng Trị ghê rợn kinh khiếp hơn tất cả những gì trí óc con người có thể tưởng tượng. Vạc dầu, là bom xăng. Xăng đặc. Xăng lỏng. Nổi lõng võng, xăng cháy phừng phực trong giao thông hào, trong công sự nước ngập đến đầu gối. Rút lưỡi, xẻo tai, bẻ răng dưới Điạ Ngục. Ô, chỉ chuyện vặt. Trên dương gian này, pháo mới ghê. Thịt xương bay bốc lên thành trăm mảnh, ruột gan phèo phổi lính tráng bắn văng ra tứ phía, bám vào quần áo những thằng còn sống, ba bốn ngày sau là giòi bọ nhung nhúc, mùi khăm khẳm sực mũi, ăn không được, đến ngủ cũng không được. Sướng nhất là cả sống lẫn chết khi bị bom B-52. Lỗ bom cầy xuống thành vũng thành ao, người còn sống khỏi phải đào, cứ thế mà ném xác đồng đội vào. Còn chết, vù một cái, chẳng thấy gì, nghe gì, chết ngay chứ không thương tích ngắc ngoải. ‘’Bám chắc, địch có kế hoạch cắm cờ trên thành Cổ trước 27 tháng 7, ngày tái họp hội nghị Paris. Lệnh Quân Ủy Trung Ương phổ biến là giữ từng phân vuông tổ quốc…‘’. Tạ nghe, văng tục rồi kết luận hùng hồn, mất cho thằng đéo nào mà sợ. Đất có cạp đi được đâu !

Thế là những thằng lính cả hai phía giằng co nhau trong một điệu luân vũ nhịp bằng tiếng nổ chói nhan của B.40, hòa vào tiếng hỏa tiễn tầm nhiệt, tên lửa tầm xa, pháo 175 ly, 155 ly. Thiết giáp T.54, vờn nhau với xe tăng M.113, đạn the thé cười đùa rin rít. Từng chập, hỏa châu chiếu sáng mặt đất xanh lè, sau lịm dần, tái nhợt màu da kẻ chết trôi. Lữ Dù 1 tiến 500 thước mất ba ngày. Lữ Dù 2 không qua được đường xe lửa phía Tây Nam. Pháo binh ta nhả mỗi ngày hàng chục ngàn viên đạn. Oanh tạc Mỹ lại tham chiến. Bộ chỉ huy phổ biến, hôm qua bắn rơi hai B-52, và bốn Con Ma F.8. Hoan hô các chiến sĩ phòng không! Tạ lại lầu bầu, đúng là phét lác, bắn được mà nó bom thế à!

*

Hiển nhận được lệnh xông lên khỏi giao thông hào, kéo lính tiến về La Vang Chính Tòa. Thiếu tá Soạn chỉ huy Tiểu đoàn cao giọng trong máy truyền tin :

- Thằng nào vào trước ôm hôm chân tượng Đức Mẹ đầu tiên, sẽ lên một lon, nghe chưa ?

Trận tiến chiếm La Vang diễn ra trong mười hai tiếng đồng hồ máu xương. Lính Bắc chống trả điên dại. Vương Cung Thánh Đường tan nát thành những mảnh vụn. Mái chuông nhà thờ ụp xuống, chuông đồng chổng ngược lên trên mặt đất. Giờ đây chuông câm nín, và sẽ chẳng bao giờ gióng giả ngân nga nâng phần hồn con người lên một Đức Chúa Cha, tai đã ù điếc, vì những tiếng đại bác và những tiếng bom mà con của Người gửi cho nhau như quà tặng trong ngày tận thế.

Đại dội 5, đơn vị tiền kích của Tiểu đoàn 11 Dù, vào được sân Vương Cung Thánh Đường chằng chịt giao thông hào. Tiếng súng ngưng. Chỉ còn tiếng rên la của những kẻ bị đạn xuyên xẻ ngực, chém cụt tay, phạt đứt chân… Tượng Đức Mẹ bị sạt một mảnh vai, nhưng cây đa làm bằng xi-măng tan nát, chỉ còn những thanh sắt chống lảm sườn vẫn đấy nhưng cong queo mang hình thể một bộ xương dị dạng. Hiển ngước mắt nhìn lên, miệng định đọc kinh Kính Mừng nhưng mắt bỗng hoa lên, bức tượng lung lay, chao đảo rồi sụp xuống, đầu rời khỏi cổ, mặt úp xuống đất. Hiển chạy lại ôm chân cái tượng không đầu, vừa hôn vừa chửi, đù mẹ, thế này là thế nào! Nhân lẳng lặng ra nâng đầu tượng Đức Mẹ lên. Trên khuôn mặt hiền dịu, những giọt nước mắt ứa ra, màu đỏ nhợt như có pha máu người. Nhân lẩm nhẩm, kính mừng Maria, Đức Mẹ chúa Trời, cầu cho chúng tôi những kẻ có tội …

Tiếng rên la vọng lại khắp nơi. Nhân nghiêng người lách xuống chiến hào. Lính Bắc tử vong đếm không xuể. Chỉ đi chừng trăm thước, số thương binh lên hai mươi bảy. Nhân gọi tà-lọt theo, đánh giá nặng nhẹ, xem phải băng bó ai trước, ai sau. Một thằng bé, tuổi chỉ mười lăm mười sáu, mặt bê bết đất, rên rỉ, bu ơi bu, sinh ra con làm gì cho khổ thế này. Nhân cúi xuống. Nó ngước lên, quát, thằng ngụy, đừng đụng vào bố mày đây. Tay chỉ vào balô cứu thương trên có vẽ thập tự màu đỏ, Nhân nhỏ nhẹ, tôi là bác sĩ. Thằng bé nhổ phì phì khinh bỉ, thét thằng ngụy, đừng làm cho tao bẩn, rồi khom người tay thọc vào bụng. Một người lính đi sau Nhân xông lại, chân đạp vào tay thằng bé. Một quả lựu đạn chưa kịp rút kíp lăn ra quay vòng vòng. Hiển rống lên :

- Bác sĩ, không cứu ‘’tụi nó’’, để thuốc men băng bông cho mình!

Nhân chưa kịp nói, để tôi làm nhiệm vụ của một y sĩ, ta hay địch cũng là người, thì đã nghe tiếng súng Colt chát chúa. Đầu thằng bé ngật ra rồi ngoẹo xuống. Nhìn cặp mắt Hiển đỏ máu, tóe lửa, Nhân biết có nói gì cũng vô ích. Nhân lạnh người. Thằng bé học gì mà hận thù biến thành một thứ bản năng, ‘’ngụy ’’ là quỉ sứ, và nó sẵn sàng đổi chính mạng sống mình để giết ‘’ thằng ngụy’’mà chẳng cần đôi co suy nghĩ. Hiển có lẽ chỉ phản ứng lại hận thù. Những ngày nằm chịu pháo ở mặt trận An Lộc, Nhân từng thấy những phản ứng tương tự khi lính miền Nam nhìn đồng đội thương vong. Phản ứng ấy chốc lát, đến từ cảm tính, chứ không phải là thứ hận thù có trau luyện, thả vào nuôi như nuôi giống trong những bộ não đã tẩy sạch để chỉ đơn giản còn hai điều thiện - ác. ‘’Ngụy’’ tất nhiên là ác, không còn là người , và ta cứ giết, càng giết nhiều càng là thiện, là tiên tiến, là phấn đấu, là anh hùng, là dũng sĩ. Nhưng giết như thế ta có còn là người không thì chưa là điều cần lý giải vội. Chiến thắng trước, rồi mới tính. Và biết đâu vậy là quá muộn, quá lỡ làng, cho một mai hậu!

Lính nghe hai mươi sáu tiếng súng Colt. Sau đó, chiến trường trở nên yên tĩnh đến rợn người.

*

Đặt đại liên lên miệng chiến hào, lính nổ súng, tay bóp cò đến tê cứng, cứ thế bắn đến lúc nòng súng bốc khói khét lẹt. Thằng Thao, đái vào đây cho tao, Tạ chìa bi-đông, quát. Nó nắm bi đông nước đái dội lên nòng, tiếng xèo xèo, mùi khai len mùi khét, thật khó tả. Pháo ta nổ từng hồi, bụi đất mù mịt. Máy bay địch xẻ ngang bầu trời, bom chênh chênh hàng loạt rơi nghiêng. Dàn phóng tên lửa bên phòng không khản đặc, rồi ồ lên, từng chập, từng chập. Trần gian lại thêm một lần biến thành lửa luyện ngục, diêm vương giờ đây khỏi phán xét, bắt chết hàng loạt, không cần định tội, hạch họe, đôi co. Cứ thế, đến xẩm tối. Trời rỉ rả mưa. Lính Dù vẫn can đảm xông vào. Bám lấy những mô đất lồi lõm vì bom cấy lên, lính Dù dàn ngang, cứ thế nhích lên từng bước, từng bước, nhắm đánh lính ta bật khỏi công sự. Trong bóng đêm dày đặc, họ chỉ cách chừng chưa đến hai trăm mét, lựu đạn từ xa phóng vào hào, xương thịt lính vung vãi, đất đá bay loạn xạ tứ tung. Vào đường cùng, lính phòng không của ta chúc ngang nòng súng cao xạ nổ vào lính Dù. Máy bay địch tiếp tục trút Na-pan. Xăng krếp nổi lềnh bềnh trên nước ngập chiến hào loang ra, bùng cháy. Có tiếng kêu cứu. Tạ thét ‘’…thành cha nó bún chả à!‘’. Dân quát, xông ra, bò về phía lính định, ít là không bị bom nó đánh. Dân dặn, mật khẩu hỏi là một, đáp cũng một. Cố mà dính vào nhau, lạc là chết. Chụp điện đài liên lạc, Dân báo cho đại đội. Không thấy trả lời, Dân lại gọi về tiểu đoàn. Thằng Thao vừa khóc vừa kéo, thủ trưởng nói nhanh, xăng cháy đến nơi rồi. Quay mình nhảy lên bờ hào, Dân quát, lên hết, bò cho nhanh, khi có pháo sáng, nằm xuống. Lính thành loài bò sát, bụng ép xuống đất, tay ôm AK, nhấp nhổm như những con tắc kè bò cho xa chiến hào rừng rực lửa. Đạn bay líu ríu sát đầu, chỉ ngóc lên là toi. Dân kêu một. Bên cạnh, lính hỏi, gì đó thủ trưởng. Dân phát cáu. Phải đáp một, lần sau không đáp thì tao đâm. Chúng mày lắp lưỡi lê vào, cứ hàng ngang, bò về phía trước. Đằng sau nó bom như thế, thằng nào lui là phăng teo ngay. Trung đội không biết giờ suy xuyển bao nhiêu, cứ thế mà tìm cái sống trong con đường sáp vào lính Dù, binh chủng thiệân chiến lừng danh trên mọi chiến trường.

Pháo sáng lại bắn lên. Dân ngoái cổ nhìn ra sau. Trời ơi, thấp thoáng áo rằn ri. Nhìn phía trước, rồi phải, rồi trái, có cả lính ta lẫn lính dù. Lính hai bên đã vào thế gạo lẫn với đỗ, sôi lẫn với đậu. Pháo sáng nhạt dần. Rồi bóng đêm lại ụp xuống. Có tiếng quát, giọng miền Nam “Đù mẹ, chơi dao găm thôi. Tụi bay sờ thấy nón cối là chơi, nón sắt là mình nghen’’. Dân ra lệnh, rút lưỡi lê ra, ở nguyên chỗ, đứa nào đến thì đâm. Cứ pháo sáng, lính nằm như chết. Tối đen, lục đục đâm nhau. Dân quơ tay, đụng vào cái nón sắt, thọc ngay mũi dao găm, rút ra đưa lên cứa ngang cổ. Tiếng rú, tiếng ằng ặc, tiếng hớp không khí. Xung quanh, bản đại hòa tấu vang lên tiếng rên la, tiếng kêu cứu, tiếng chửi rủa. Máu đỏ hôi hổi vọt thốc vào mặt Dân. Đẩy cái thân người đang gãy gập, Dân bò lùi trở lại, thất thần, nằm mọp xuống. Dân bàng hoàng, tay sờ vào lưỡi dao loang lổ máu. Thì ra mình vừa giết người. Giết bằng dao khác với bóp cò súng hay rút lựu đạn quăng ra. Giết kiểu hiện đại, dẫu có kẻ tử vong, người giết không thấy kẻ bị giết tận mặt. Không có những vòi máu phụt ra, dính vào tay, vào cổ, vào ngực. Không gây ra cái ấn tượng khủng khiếp là giết người, mình cũng đang giết chính mình. Bởi một phần trong mình chết đi, chết lặng, chết trong nỗi kinh hoàng, tự hỏi mai này còn sống mình sẽ là ai? Thình lình, hình ảnh Nhân, đứa anh em song sinh, trở về ám ảnh. Dân rùng mình, nhỡ ra mà Nhân đâu đây? Nhỡ ra chính mình thọc mũi dao vào ngực rồi quơ lên cắt cổ Nhân ? Bủn rủn chân tay, Dân cảm thấy ngực nhói đau như có ai đấy đâm vào. Ném con dao găm xuống đất, Dân đưa tay lên cổ, lòng đau đớn như vừa giết chính mình.

Giết người! Biện minh thế nào đây?

Tự nhủ thì ta có chính nghĩa? Không! Chính nghĩa nào trước cái chết cũng huyễn hão. Giết người là không còn chính nghĩa. Sự biện minh dính máu người tự nó dối trá.

Tự nhủ, thì giết người hay là người giết ta ? Giết thế vì bản năng sống còn. Nói thế, thì cũng là ngụy biện. Không thể bảo là từ bản năng con người cứ bắt buộc đặt nhau vào cái thế một sống một còn. Thảm kịch này căn do đến từ những mỹ từ lổn nhổn. Như quốc gia, cộng sản, dân tộc, độc lập, cách mạng, giải phóng, tự do… mà đằng sau lấp ló toàn những tính toán quyền lực, so đo danh vọng của lũ chuột nhe răng hòa đàm ở những nơi không tiếng súng, sẵn xâm banh mở để ăn mừng một cuộc bắt tay lịch sử.

*

Lính Bắc phục hận. Trời tờ mờ sáng, bộ binh theo tăng T.54 tiến lên phản công. Nhìn từ xa, lính từng đoàn trên triền đồi nối đuôi đi. Súng chống tăng đạn sắp hết. Đếm, chỉ còn đủ để gãi ngứa Trung đoàn Thiết giáp vừa kéo từ Hạ Lào qua chiến trường Quảng Trị. Hiển báo rõ tình hình. Ban chỉ huy ra lệnh rút. Hiển cho kéo lính bị thương trước, đích thân đi chặn hậu với chục tay súng thiện chiến.

Tiếng súng phía sau nổ ran. Hiển chụp ống nhòm, đưa lên nhìn. Cách đấy năm trăm thước, nhấp nhô bóng tăng T.54 và bóng quân thiết kỵ. Lính Bắc đã bọc hậu, Hiển thốt lên, ngậm ngùi. Quơ máy truyền tin, Hiển gọi ban chỉ huy Tiểu đoàn. Không có tiếng trả lời. Hiển ngửa mặt lên trời :

- Đù mẹ… thế là ‘’mồ côi’’ rồi! Thôi, vào rừng vậy!

Vào bìa rừng, lính Dù gặp ngay một đoàn T.54 trên thân xe cây non mọc rễ từ thuở Việt Cộng tiến chiếm Hạ Lào. Bắc Việt sửa soạn trận Quảng Trị từ lâu rồi, giành tiên cơ về mọi mặt, nhất là chiến lược, kết hợp tỉ mỉ quân sự và ngoại giao. Những tướng Trưởng, tướng Đống đánh bi- da dưới Lê Trọng Tấn, Lê Quang Đạo của lính Bắc một cơ trong Đợt 1 chiến dịch tái chiếm Quảng Trị . Mặc dầu, nói cho thật công bình, Trưởng và Đống nào có quyền quyết định gì ngoài vấn đề chiến thuật trên một bàn cờ thắng thua đã rõ rệt.

Phải, thắng thua đã rõ rệt từ khi người Mỹ đến Paris hòa đàm mất rồi. Đi sau những tiếng hô đòi hòa bình ở mọi góc trời Tây xa lạ, xe tăng T.54 lầm lũi hai mặt ép vào lính Cộng Hòa. Súng chống tăng hết đạn đã quăng đi. Dăm khẩu M.16, M.79 làm gì được? Hiển điểm quân. Còn đúng bốn mươi mốt mạng nguyên vẹn, và hai mươi sáu thương binh ngổn ngang chiến hào. Đại úy Nguyễn Quang Hiển, đại đội 5, Tiểu đoàn 11, Lữ Dù1 ra lệnh kéo cờ trắng. Lính ngỏng cổ nhìn. Hiển sửa lại quân phục ngay ngắn, hiên ngang bước thẳng về phía lính Bắc, giơ tay ngang mũ chào theo đúng quân kỷ. Bộ đội ngơ ngẩn. Hiển quát, chỉ huy các anh đâu. Lát sau, một sĩ quan áo xanh rêu bước ra. Đó là Chính ủy Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64, thuộc Sư 325. Anh ta giơ tay lên trán chào Hiển.

Về chiến hào, Hiển bảo lính :

- Tao đòi thêm một tiếng tự do, để thằng nào có ăn thì ăn, có thuốc thì hút, còn rượu cứ uống, bằng hết thì thôi. Từ nay, Bác và Đảng sẽ nuôi chúng mày…

Nghe thế, lính Dù đờ đẫn, mất hồn, có thằng bật khóc. Hiển cười ằng ặc, quát, tao cấm chúng mày khóc. Tí nữa thằng nào khóc thì tao bắn bỏ. Hàng cho hiên ngang, như chiến đấu, hiểu chưa!

Nhân cúi đầu, người bải hoải, tâm trí vữa ra như những mảnh vôi tróc trên vách đổ một căn nhà tan nát. Ra ngồi cạnh Nhân, Hiển móc túi zết lôi ra một bình dẹt to bằng ba bao thuốc lá, mở nút, đưa lên miệng tu. Đưa cho Nhân, miệng bảo Martel đấy, Hiển châm thuốc, ngửng mặt phà khói vào trời cao rồi lững thững ra đứng gác chân trên chiến hào. Rượu trôi qua cổ sao lần này đắng lạ lùng. Nhân nhớ lời Ánh dằn vặt hôm nào, thiên thần, chắc bất tử nhưng Nhảy Dù thì không, anh cũng biết vậy chứ ? Dĩ nhiên. Chính mẹ Nhân đã quát, nuôi cho con ăn học, thành bác sĩ là để chữa bệnh cứu người, cứu được càng nhiều càng hay. Ra tiền tuyến, mỗi ngày cứu được bao nhiêu người? Ở bệnh viện hậu phương cứu được bao nhiêu? Cứ so sánh, thì biết phải làm gì! Nhân lẳng lặng ngồi xuống cạnh mẹ, thầm thì, ai cũng ở hậu phương thì đâu có được. Mẹ đập tay xuống mặt phản, ấm ức, con là thủ khoa khóa Quân Y năm nay, con có quyền chọn cơ mà! Vâng, chính thế mà con phải chọn cái chỗ xứng đáng nhất, không phải là cho một thủ khoa, mà là cho một con người trước xã hội, chịu đầu sóng ngọn gió chứ không chỉ nghĩ đến an thân cho riêng mình. Mẹ bật khóc. Một lát sau, mẹ thẫn thờ, cha con trên hai mươi năm trước cũng đúng một câu ấy, và vì thế mà lỡ làng cả. Bất lực, mẹ nắm tay Nhân, giọng nhẫn nhục, con có Dân, đứa em song sinh, chắc bây giờ cũng là lính, nhưng lính bên kia. Chỉ cần con cứu được Dân, với mẹ là đủ! Thuở đó, Nhân thầm nghĩ, bộ đội Bắc Việt hàng trăm nghìn, biết ai là Dân mà cứu. Nhưng chẳng hiểu vì một lẽ gì, giờ phút sắp thành hàng binh và mất hết tự do, Nhân linh cảm Dân ở đâu đây, rất gần, nhưng có làm gì được cho Dân không là chuyện khác. Biết đâu nếu bị thương, Dân cũng như thằng bé định rút kíp lựu đạn giết Nhân, gào lên, thằng ‘’ngụy’’, đừng đụng đến tao!

Nhân đứng dậy, tay vuốt mặt, lòng trơ trơ gỗ đá đi đến cạnh Hiển. Đợi cho người lính cuối cùng hai tay giơ lên quá đầu, bước lê về phía đồng đội xếp hàng một, Hiển nhìn sâu vào mắt Nhân, miệng nhếch lên, ngạo mạn :

- Thôi, bác sĩ lên đi !

Vừa lên đến mặt đất, Nhân nghe một tiếng súng Colt rất chát, rất đục, rất gọn. Mặt đất tròng trành. Nhân ngoái lại nhìn một xác người đổ xuống, tiếng đập vào mặt đất nghe như tiếng chửi cái thân phận mình. Đại úy Nguyễn Quang Hiển là người độc nhất không đầu hàng, ngay cả với số mệnh mình.

Nhân chóng mặt. Đất trôi đi dưới chân. A, cái mặt đất đã tuyệt tình này đang trở thành biển để nhận chìm cả loài người tay đầy gai của một loài hoa quái đản.

Hết!
Dziệc dzì để được ngày mai, thì không nên làm bửa nay!
User avatar
Mười Đậu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $1,353,150
Posts: 21904
Joined: 15 Mar 2005
Location: Đằng Kia
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Mười Đậu từ: msn


Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 70 guests