Kẽm Trống - Nguyễn Xuân Huy

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Kẽm Trống - Nguyễn Xuân Huy

Postby heonoc » 21 May 2006

Tác Giả: Nguyễn Xuân Huy

Chúng tôi tất cả năm người, mới vào xem động Vân Trình ra về. Vân Trình là một cái động có tiếng đẹp của Ninh Bình, và cũng có tiếng nguy hiểm vì đây là sào huyệt của những Năm Thái, Hai Mâu, những tay tướng cướp nổi danh vùng ấy. Trời tối đen như mực và yên lặng - một thứ yên lặng mênh mang như thuộc về một thời hoang vu thái cổ. Trong khoang chật hẹp của chiếc đò dọc, ngọn đèn dầu tây đỏ kệch chập chờn một cách mơ hồ. Năm người cùng ngồi quây quần nhìn ngọn đèn, không ai nói gì. Ngoài kia, tiếng sóng sông vỗ vào mạn thuyền róc rách... róc rách... và thỉnh thoảng một cơn gió may đầu mùa - bấy giờ trời đang tiết cuối thu sang đông - lại rạt rào lên, lạnh lẽo. Một lúc, ông giáo Khảo cất tiếng hỏi khe khẽ:

- Trời lạnh quá! Đến đâu rồi ấy nhỉ?

Nhưng không ai đáp. Chúng tôi vẫn ngồi im nhìn ngọn đèn. Bỗng người lái đò, như đáp vào câu hỏi của ông giáo Khảo, gọi to lên:

- Bẩm các thầy, đã đến kẽm Trống rồi đây ạ!

Lệ cứ đến một bến nào thì người lái lại gọi lên, báo cho chúng tôi biết như thế. Lần này tiếng gọi to của người lái như làm cho cái không khí đang lạnh lẽo trong khoang thuyền tan đi. Cả năm chúng tôi đều ngồi thẳng lên, vươn vai, bẻ khục những ngón tay răng rắc. Ông giáo Kiệm với lấy chiếc điếu cầy ở góc thuyền, và nói:

- Đến kẽm Trống, thế là được già nửa đường rồi!

Ông chánh Thâu kể một câu chuyện:

- Ở chỗ kẽm Trống này có một khu ruộng lạ lắm, các ông ạ! Khu ruộng chỉ ước chừng năm mươi mẫu, mà chia ra khắp cả tỉnh tôi. Mỗi làng trong tỉnh này được một mảnh, thật chỉ có một mảnh; có tổng cách đây hàng hai, ba ngày đường mà cũng có một mảnh!

- À khu ruộng ấy người ta gọi là khu ruộng kỳ tại. Tôi đã vào chơi ông lý trưởng ở vùng này một lần. Được ông ta nói cho nghe một câu chuyện về khu ruộng ấy rất kỳ dị, ghê sợ...

Như một bầy cháu bé ngồi vây lấy bà để đợi nghe chuyện cổ tích, chúng tôi bất giác, mỗi người bỗng ngồi xích lại vây lấy ông thừa An đợi nghe câu chuyện. Nhưng ông An, bởi cái tính bình đạm thường ngày của ông, và có lẽ cũng vì cái kiêu hãnh thông thường của một người biết một câu chuyện lạ một chút, còn đợi cho ông giáo Kiệm hút xong điếu thuốc lào, lấy điếu cũng hút một điếu xong, mới kể. Ông chậm rãi bằng một giọng khe khẽ như e sợ. Bên ngoài tiếng sóng vẫn vỗ đều đều óc ách vào mạn thuyền và tiếng gió từng lúc lại rạt rào lên trong đêm tối.

Bấy giờ về đầu đời nhà Đinh. Đinh Bộ Lĩnh mới thắng xong tất cả các sứ quân và lên ngôi Đinh Tiên Hoàng đế. Giặc cướp còn bừa bãi cả trong nước. Con đường qua kẽm Trống từ bến đò Khuốt vào Ninh Bình là một con đường đất, hai bên đầy những cỏ lau cao. Từng quãng xa mới có một xóm làng con, lơ thơ vài ba nóc tranh buồn tẻ.

Ngay chỗ kẽm Trống lên cũng có một làng. Đấy là một làng toàn kẻ cướp. Lý trưởng, phó lý, trương tuần và đinh tráng tổ chức thành một toán cướp. Bên đường cái, ở quãng thuộc về địa phận của làng, họ dựng lên hai ba ngôi hàng bán nước chè, và thịt rượu. Những khách qua đường vào nghỉ chân ăn hàng, đều bị quan sát kỹ. Kẻ nào xem ra có máu mặt là bị hạ thủ. Chờ cho tối đến, xác người chết đem ra vứt xuống một hang núi kẽm Trống. Không ai có thể biết được hang núi sâu thẳm ấy, cho nên trải mấy mươi đời cái công việc tàn bạo kia đã làm, và tưởng làm cho đến mãi mãi... Có ngờ đâu, một hôm chỉ vì cái sắc đẹp của một người đàn bà...

Hôm ấy, suốt một ngày, ngoài đường không có người khách nào qua lại. Vợ hai thày lý trưởng bán hàng ngồi chán ngăn ngắt. Suốt một ngày, trước cửa hàng chỉ có những cánh đồng lau bạc phơ đầu, gió thổi buồn rũ rượi. Chiều đến. Mặt trời xuống dần dần, rồi lặn hẳn. Chiều xám như tro. Những con quạ đi ăn xa đã lác đác bay về. Bà lý cũng sắp thu dọn hàng lại để ra về, thì chợt có một đôi vợ chồng còn trẻ lắm đi qua. Mừng cuống quít, bà lý mời vội vã:

- Mời hai ông bà vào nghỉ hàng xơi cơm canh đã!

Khách lững thững bước vào. Người chồng xách ở tay một chiếc đàn tranh, người vợ cắp một chiếc thúng khảo đậy chiếc áo buồm. ấy là hai vợ chồng người cung văn vừa đi cúng cho nhà giầu bên bến Khuốt về. Bà lý đon đả ra đỡ lấy chiếc thúng khảo vào. Thấy chiếc thúng nặng trĩu, thì bà mừng khấp khởi. Bà cười khanh khách:

- Ông bà may mắn lắm đấy ạ! Hôm nay thịt bò hàng em béo quá đi mất kia!

"Bò béo" là tiếng khẩu hiệu, để báo cho người bên trong biết là hôm nay có món béo.

Nhưng người cung văn bỗng thấy như có một sự ghê rợn lạnh lùng gì bao bọc lấy mình, chàng sờ sợ và bảo nhà hàng:

- Thôi! Chúng tôi vừa nghĩ ra là cần phải về, bà để cho chúng tôi...

Người cung văn định sang hàng khác. Nhà hàng nhã nhặn không giữ khách. Cô hàng đưa trả lại chiếc thúng khảo cho người vợ và vẫn tươi cười:

- Thế ông bà lại không nghỉ hàng cho em.

Khách ra đi. Nhưng chỉ một lát sau, khách lại phải trở lại, tất cả quãng đường ấy chỉ có ba ngôi hàng, mà một hàng hôm ấy đóng cửa vì có đám cưới, và một hàng thì hết cả thức ăn.

Cô hàng vừa dọn cơm ra, vừa mời khách:

- Ông bà xơi rượu cho em ạ?

Nghe giọng nói có vẻ lả lơi, người cung văn trông lên thì nhận thấy cô hàng của mình xinh đẹp quá. Nhất là hai con mắt nàng, nó vừa sắc sảo vừa đĩ thõa. Nó luôn luôn nhìn chàng.

Cô hàng đưa một cái nhìn, rồi lại mời khách một lần thứ hai:

- Thưa ông bà xơi rượu ạ?

Người vợ vội gạt đi:

- Thôi đừng uống nữa thày nó ạ. Không có lại say mê đi như hôm nào ấy thôi!

Cô hàng khéo léo đỡ ngay:

- Dạ, thưa đó là rượu thường, chứ rượu ngon như rượu hàng em thì uống không say được ạ!

Người cung văn lẳng lơ nhìn cô hàng:

- Thì cô cho tôi một bầu!

Người vợ hằn học nhìn chồng nhưng không dám ngăn nữa. Vừa rót rượu ra chén, người cung văn vừa hỏi cô hàng:

- Cô hàng bán thế này thì có được đắt hàng không?

- Dạ, thưa ông cũng được thúc thắc, đủ tiêu ạ!

- Cô hàng năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

Cô hàng không trả lời ông khách, chỉ nhìn ông lẳng lơ thêm một chút, và trỏ vào bầu rượu:

- Kìa bầu rượu đã cạn rồi, để em rót bầu nữa ông xơi.

Cô không đợi khách tỏ ý bằng lòng, lại với lấy chiếc bầu đã cạn rượu.

Khách, ngà ngà say, cầm lấy chiếc bầu để đưa cho và cố ý chạm tay vào tay cô hàng.

- Thôi! Thày mày không được uống nữa! Thôi!

Tiếng vợ người cung văn thét lên, đầy uất ức. Nhưng cô hàng như không để ý gì đến cả, vẫn lả lơi cười cợt, và lại gần hẳn bên khách để chuốc rượu. Người chồng thì lạnh lùng:

- U mày ăn xong rồi thì đi ngủ đi!

- Vâng, rước bà vào trong buồng đi nghỉ ạ. Trong ấy có màn chăn, em đã sắp sẵn cả rồi.

Người cung văn nhìn cô hàng, nóng ruột:

- Thôi mà! Cô để mặc u nó! Cô cho tôi hỏi chuyện cô đã.

- Dạ thưa, ông dạy.

- Cô hàng này... à... cô hàng có biết hát không?

- Hát câu gì ạ? Nhưng kìa rượu của em đã hết rồi! Để em rót đầy lên đã.

Cô hàng đưa rượu lại, thì ông khách nắm lấy cổ tay:

- Ai bóc nên trắng, ai day nên tròn thế này... ha! ha!

Người cung văn đã say mềm...

o0o

Khi một bọn khách ăn chỉ gồm có một đôi vợ chồng, mà người chồng lại say rồi thì việc hạ thủ dễ dàng như trở bàn tay. Tuy vậy ông lý cũng đợi đến đầu canh ba, khi "dạ thâm nhân tĩnh" đã hoàn toàn ông mới bắt đầu vào việc. Đêm hôm ấy là một đêm sáng trăng suông. Gió may mới chớm. Những hoa lau ở hai bên lối đi trông một mầu mờ đục, lạnh lùng. Ông lý ở trong làng ra đi, ra đến đồng thì cái yên lặng mênh mông của những cánh đồng lau chỉ vẩn động bởi những tiếng gió đều đều, và một vài tiếng chim mõ chùa trong các núi. Ra đến đường cái, thì bà lý đã ngồi đợi sẵn ở cửa hàng rồi. Bà khe khẽ nâng cánh cửa liếp lên cho ông lý và bọn thủ hạ vào, bà bỏ xuống cũng rất khẽ, thế là công việc của bà xong.

Trong gian ngoài hàng, lúc này bóng tối dầy đặc cả. Ông lý và bọn thủ hạ rón rén đi vào buồng trong. Buồng trong cũng tối đen đặc. Nhưng họ đã biết vợ chồng người cung văn nằm chỗ nào rồi. Họ cũng thuộc hết các lối đi trong buồng. Họ đến bên giường, và thấy hơi rượu xông lên nồng nặc, thì họ không còn e sợ gì nữa. Ông lý truyền cho thủ hạ ra tay và ông cũng vào.

Nhưng bọn thủ hạ đã trói được xong người chồng, thì trống ngực ông lý bỗng đánh dồn dập, mặt ông nóng bầng bầng .................... Bọn thủ hạ đợi lệnh ông để hạ thủ rồi đem vứt hai cái xác xuống hang. Nhưng chúng đợi mãi không thấy. Chúng đã thấy hơi sốt ruột bỗng ông lý khẽ gọi:

- Bay!

- Dạ!

- Bay hãy đem chồng nó ra trước đi đã.

Bọn thủ hạ ông đã hiểu. Ông lý là một con quỷ dâm dục. Bao giờ có một người đàn bà là ông cũng không để cho giết ngay. Chúng lẳng lặng xốc người đàn ông đã trói dặt cánh khuỷu và nhét giẻ đầy miệng ra ngoài. Ông lý dẫn chúng ra, mở cửa liếp lên cho chúng, cài cửa liếp lại khi chúng đã đi khỏi rồi lại trở vào.

Lần này, ông xuống dưới bếp thổi lấy một mồi lửa châm vào đĩa đèn dầu lên, rồi nốc một chai rượu còn lại ở hàng. Rồi mới đem cả đĩa đèn vào buồng trong. Nhưng ông phải sửng sốt hết sức: ông thấy người đàn bà đã trở dậy tự lúc nào và nàng đang ngồi lấy vạt áo lau nước mắt khóc sướt mướt. ánh sáng vàng mờ của chiếc đèn soi vào người nàng: yếm áo và tóc người thiếu phụ để xõa xuống một cách trễ tràng.

Nàng chỉ còn dám đứng vội dậy, chạy lại nép vào một góc vách, khép tay ra trước mình để che chở lấy thân. Nàng van khóc.

Ông lý không đuổi theo nàng. Ông lại đứng yên nhìn tchòng chọc vào nàng lúc lâu nữa. Rồi ông đi lại phía nàng, lần này ông đi rất khoan thai. Ông nhìn nàng bằng con mắt rất thương hại, rồi nghiêng đầu nhìn vào mặt nàng, ông khẽ hỏi nàng bằng một giọng vô cùng âu yếm:

- Làm sao em khóc?

Nàng không đáp. Chỉ lấy vạt áo lên chấm nước mắt. Nước mắt chảy thấm cả xuống yếm nàng, làm rõ cả làn da ở ngực nàng. ánh sáng ngọn đèn vẫn đỏ kềnh kệch. Qua những lỗ vách, tiếng gió bên ngoài nghe rít lên lạnh lẽo. Có lẽ lúc này bọn thủ hạ đã điệu người cung văn lên đến nơi khe núi và đang đẩy người khốn nạn xuống hang. Thiếu phụ bỗng nấc lên một tiếng thê thảm.

o0o

Ông lý lấy nàng làm vợ lẽ.

Ông đem giấu nàng vào nhà trương tuần Ban.

Cả làng không ai biết, cho đến cả vợ ông cũng không biết.

Trương Ban là tay thủ hạ tin cẩn của ông. Ban để riêng ra hầu ông một cái nhà ba gian. Ngày ngày ông đến đấy với vợ lẽ. Ông say nàng như say thuốc lào. Ngày nào ông cũng đến với vợ lẽ và ngày nào đến ông cũng đem lại cho nàng một thứ quà: một bộ xà tích, một đôi khuyên vàng, một đôi dải yếm lụa, hay một chiếc nón quai thao, toàn là những đồ hàng ngày ông hạ được. Người thiếu phụ, những ngày đầu thì còn buồn, nhưng về sau cái lòng yêu của ông lý như thắng được cái buồn của nàng. Nàng vui vẻ dần lên rồi vui vẻ hẳn, và như không còn nghĩ gì đến người chồng cũ nữa. Ông lý cũng thấy lòng vui vẻ hẳn. Ông đùa với nàng:

- Lấy anh sung sướng hay lấy người cung văn sung sướng?

Nàng bỗng ủ nét mặt lại, và thở dài:

- Kể ra thì cũng tội nghiệp chồng em!

Nàng ngước mắt lên nhìn ông lý thật âu yếm, rồi hỏi:

- Giá phỏng bây giờ, anh ạ, giá phỏng bây giờ em được biết mả ở đâu, để em ra thăm một lần cuối cùng, thì có lẽ cũng là cho tròn chút nghĩa...

Ông lý thấy hơi se lòng lại, nhưng ông cũng chỉ cười nhìn nàng:

- Mả chồng em có đâu mà em thăm được!... Mả chồng em chỉ là một cái hang núi sâu!

Nàng mở to mắt nhìn ông lý. Ông bèn kể hết cho nàng nghe cách hạ thủ của làng, nơi vứt các xác chết. Rồi ông khuyên dỗ nàng:

- Thôi nhưng em cũng không nên nghĩ gì đến đấy nữa, em ạ. Chẳng qua...

- Vâng chẳng qua cũng là số cả! Trước kia em tưởng rằng có mả thì em muốn ra thăm một lần cuối cùng gọi là cho trọn nghĩa mà thôi. Nhưng nếu như thế, thì còn ra thăm gì nữa! Vả lại em biết là anh thương yêu em biết chừng nào.

Nàng lại tươi cười như hoa, rồi ra lấy chiếc tráp đựng những miếng trầu cau tươi non sớt vào để mời ông lý.

o0o

Một hôm, vào một buổi chiều, ông lý đến bảo với vợ hai:

- Em ạ, hôm qua tôi vừa nằm mơ thấy rụng răng mà có máu, không biết có việc gì không?

Người thiếu phụ bỗng tái xám mặt lại. Nàng thở hổn hển bảo ông lý:

- Em chắc là điềm dữ rồi, hôm qua em cũng nằm mơ thấy y như thế!

Đến lượt mặt ông lý cũng tái xám đi. Ông ngồi phịch xuống một góc giường, buồn ủ rũ trong một phút lâu. Rồi bỗng nhiên ông vùng đứng dậy, mặt ông đỏ tía lên, mắt ông trợn long lên sáng quắc, ông thét vang động:

- Ông chấp đấy! Phen này ông thì chấp hết chúng bay!

Người thiếu phụ run lên. Nàng chạy vội đến bên ông lý và hỏi nghẹn ngào:

- Cái việc anh lấy em bại lộ rồi sao anh?

Ông lý không dám đáp.

Nhưng người thiếu phụ như cũng đã hiểu ngay hết cả. Nàng úp mặt vào hai bàn tay, khóc lên thảm thiết. Đợi cho nàng khóc một lúc lâu, ông lý mới dám kể rõ hết cho nàng nghe, sự tình việc bại lộ.

Vợ cả ông, thấy ông ngày nào cũng đi, đã nghi ngờ và cho người đi dò. Nó đã biết được rõ hết.

Nó đã ghen lồng lộn. Nhưng ông đã mặc kệ nó. Nó vì thế, càng uất ức, và đã uất ức đến cực điểm nên nó đã đi cáo với làng.

- Bây giờ làng bảo ra sao?

Người thiếu phụ đã ráo hết nước mắt và ngẩng vội lên hỏi ông lý:

- Bây giờ làng bảo tôi phải giết em đi, không có thì làng sẽ giết cả hai.

Người thiếu phụ sáng con mắt lên lạ lùng trong một giây ngắn nhưng rồi nàng lại rũ ra ngay, nàng lại nức nở khóc. Ông lý chau mày một cách đau đớn. Ông hút một điếu thuốc lào, rồi ngồi nhìn người vợ yêu. - Rồi ông lại kề bên vợ. Nàng thong thả ngước mắt nhìn ông rồi vừa nấc vừa nói:

- Trăm điều, đều là bởi tại số cả! Thôi cái số em như thế, thì anh cũng không nên thương xót em làm gì. Nhưng mà anh ạ, nếu anh phải giết em thì anh sẽ giết em như thế nào?

- Không phải anh sẽ giết em. Nhưng làng sẽ cho mấy đứa tuần đến điệu em đi ra chỗ hang núi và vứt em xuống hang.

- Anh có phải theo em không?

- Không, anh không phải theo em.

Người thiếu phụ buồn bã thở dài.

Ngay đêm hôm ấy, ông lý với ba người tuần nữa đến với thừng, gậy và giẻ để trói nàng. Vừa thấy ông, nàng òa lên khóc, và quỳ xuống van lơn:

- Em van anh một đều này, là anh đừng cho trói em, em chịu được chết, nhưng đến đau thì em không thể nào chịu được!

Ông lý ngần ngừ, thì nàng lại ghé vào tai ông:

- Anh đang tâm để cho người ta mó vào người em sao? Không, anh đừng thế, anh ạ! Em muốn anh dẫn dắt em đi thôi. Em muốn chúng ta được nhìn thấy mặt nhau cho đến phút cuối cùng. Anh thương em với!...

Lần này thì ông lý thấy nàng nói phải lắm. Ông bèn ra lệnh cho tuần phiên đi theo ông thôi, mà nàng thì đi với ông, ông đi sát cạnh nàng.

Bọn người đi trong ánh sáng mờ mờ của tuần trăng đầu. Đêm ấy trăng cũng lạnh lùng, như đêm mà người cung văn ngày xưa đã chết. Đi bên cạnh ông lý thỉnh thoảng người thiếu phụ lại rùng mình lên, và mỗi lần rùng mình, nàng lại nức nở khóc. Đi đến chân núi nàng bảo ông lý:

- Em muốn lên núi với mình, với mình thôi. Vì nếu có tuần phiên lên núi thì chắc anh sẽ không nỡ tự tay anh đẩy em xuống hang, mà em thì em chỉ muốn chết bởi tay anh thôi!

Ông lý lại truyền cho tuần phiên đứng lại dưới chân núi. Chỉ có nàng và ông trèo lên đỉnh núi. Đến miệng hang, nàng bỗng rút ra sáng loáng, một con dao găm...

Nàng giơ mạnh lên, đâm xuống ngực tên tướng cướp.

Nhưng, nhanh như máy nó đã nhẩy ra xa cũng rút ra một con dao, và ném cắm phập vào một thân cây cạnh nàng rồi khoanh tay cười khe khé. Tiếng cười ghê rợn lạnh lẽo như tiếng ma.

Người thiếu phụ không sợ gì, mắt nàng chỉ sáng quắc lên vì tức giận. Nàng lao con dao vào mặt theo. Nhưng nó lại chỉ né khẽ đi một cái và tránh được.

Tự nhiên nàng khóc òa lên, rồi nàng nghiến răng lại mà xỉ vả. Nàng nói như một con điên.

Nàng kể hết cả. Nàng kể nàng đã không hề vui lòng ân ái với ông lý một lúc nào. Đó đã chỉ là cái mưu của nàng, để báo thù cho chồng nàng. Nàng đã hiểu hết ngay từ buổi đầu vào ăn hàng với chồng nàng, người cung văn. Nàng thấy vợ ông lý lấy sắc đẹp mà ép chồng nàng uống rượu, nàng đã nghi ngay. Cho nên đêm hôm ấy trong khi chồng nàng ngủ say như chết, thì nàng đã thức, và thức, nàng đã tỏ hết mọi hành động, hành động của vợ ông lý, của ông và của thủ hạ ông. Nàng đã tức uất lên được. Nhưng nàng cố nén hết lòng uất ức để mà mưu tính công việc của mình. Nàng đã cố ý dùng sắc đẹp và nước mắt để cho ông lý mê và cho ông lý vào tròng. Rồi trong một năm trời nay nữa. Nàng đã sống giả dối hết cả. Nàng đã giả dối vui để mà dò biết được cách thức ông lý đã giết chồng nàng và cái hang núi ác hại kia... Nàng khóc òa lên:

- Chồng tôi ơi! Anh ơi! Em không nên công việc gì rồi anh ạ! Hôm nay em lại phải chết ở đây với anh! Nhưng không! (nàng bỗng thét lên) em không chết, em quyết giết chúng nó!

Nàng điên cuồng muốn lật hòn đá để ném vào tên tướng cướp.

Trước cái cử chỉ điên cuồng ấy, tên tướng cướp lại cười... khe khé. Rồi nó cũng chẳng kém gì nàng: nó nói cho nàng biết là nó đã thấu hết mưu cơ nàng ngay từ hôm nọ:

- Mày tưởng tao không biết sao, con khốn nạn! Tao cũng biết tất. Tao biết ngay từ hôm tao đến báo cho mày cái tin bại lộ, và mày giả dối khóc, giả dối van xin. Tao biết là hôm nay mày sở dĩ không muốn cho thủ hạ tao đi theo, là mày chỉ có ý gian. Nhưng gian thì mày làm gì được phỏng?

Lạnh lùng tên tướng cướp lại sát gần nàng. Nó kéo lấy tay nàng và kéo ra miệng hang, ẩy nàng xuống. Nhưng trong khi ngã xuống nàng cũng víu chặt lấy nó, và lôi theo nó xuống hang.

Thuyền chúng tôi đi quá kẽm Trống đã xa. Ông thừa An kể câu chuyện đến đây, với lấy chiếc điếu cầy hút luôn hai điếu như để tự thưởng cho cái chuyện rùng rợn của mình. Hút xong ông thở khói ngồi yên lặng. Chúng tôi cùng ngồi yên lặng nhìn ngọn đèn, mà tôi thấy như càng đỏ kệch thêm. Ngoài trời gió lúc này càng mạnh, càng rít lên lạnh lùng. Tôi thấy rùng mình lên khe khẽ. Có lẽ ông thừa An cũng thấy cái không khí rùng rợn, nên ông không nói nữa. Chúng tôi đợi mãi. Rồi đến lúc ông Thường sốt ruột và hỏi: "Thế rồi sao nữa" ông mới giật mình nói theo:

- À, thế là việc tàn bạo của làng kia bại lộ. Những tên thủ hạ của ông lý, chờ ở dưới chân núi, thấy tiếng ông kêu lên, thì vội vàng chạy lên. Chúng thấy ông cũng đã ở dưới hang sâu rồi. Vợ cả tên tướng cướp được tin này thì khổ tâm đến cực điểm. Nàng điên lên rồi ốm. Trong khi ốm chỉ thấy những oan hồn nó hiện lên cười khe khé, ở chung quanh nàng. Một hôm tự nhiên nàng chạy lên... báo quan huyện.

Thế rồi, một chiều cách ngày tên lý trưởng chết bốn tháng sau, người ta thấy đi qua kẽm Trống một thày lang bán thuốc rong, vai đeo cái tay nải đỏ nặng trĩu tiền. Vợ thày lý mới - thày phó lý được bầu lên - vội đon đả ra mời khách:

- Mời ông khách vào xơi hàng cho em đã ạ.

Đỡ lấy chiếc khăn gói thì cô hàng nói to lên:

- Hôm nay bò béo lắm ạ!

Khách ngồi ở ghế hàng. Cô hàng lả lơi chuốc rượu cho khách. Khách say mềm, quá nửa đêm thì khách bị trói dặt cánh khuỷu đem ra "hang".

Nhưng lần này, vừa đến hang thì một tiếng hô vang lên. Thày lý mới và bọn thủ hạ giật nẩy mình. Từ bốn phía chân núi lính huyện, mai phục sẵn từ ban tối, đổ xô ra, xông lại cởi trói cho khách, và trói thày lý và thủ hạ lại. Khách hôm nay, chính là quan huyện.

Ngay hôm sau, làng kia bị triệt hạ liền. Cả làng bị đốt ra tro. Đất rãy đi thành ruộng, phân phát cho cả tỉnh, mỗi làng mỗi mảnh con. Dân, hết thảy bị tử hình. Đàn bà, thì đem bỏ rọ trôi sông. Đàn ông, bỏ vạc dầu, và chuồng hổ.

Nguyễn Xuân Huy

Rút từ tập truyện ngắn
Thềm nhà cũ, 1941
heonoc
Cành Mít
Cành Mít
 
Tiền: $110
Posts: 74
Joined: 31 Mar 2006
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng heonoc từ: Mười Đậu, hoatimxua

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 36 guests