Thể Xác Và Tâm Hồn - Maxence Van Dek Meersch

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Thể Xác Và Tâm Hồn - Maxence Van Dek Meersch

Postby bevanng » 31 Dec 2022

4.


Khi trở về nhà, Fabienne cảm thấy buồn nôn và phải đi nằm. Cô bảo với cha rằng cô mệt. Ông lên phòng thăm cô, thấy cô bị lên cơn sốt, rồi ông trở xuống, lo âu.
Trưa hôm sau, mặc dù vẫn còn sốt và nhức đầu, Fabienne muốn thức dậy. Bằng mọi giá, cô không thể làm cho cha cô nghi ngờ.
Cô gặp cha trong phòng ăn, đến hôn ông và tránh cái nhìn của ông, ngồi vào bàn trước mặt ông. Doutreval bận suy nghĩ, ít nói chuyện. Bên cạnh đĩa ăn của ông có một chồng thư mà ông đọc đi đọc lại hết cái này đến cái khác, vẻ bực bội. Tận dụng điều đó, Fabienne chỉ ăn qua loa một chút xà lách, một ít trứng chiên, và lén trao cho người giúp việc đĩa ăn còn nguyên của cô. Đến khi ăn tráng miệng, Doutreval mới ra khỏi cơn suy tư. Sữa đông đặc là món tráng miệng cô rất ưa thích. Doutreval dành cho cô thật nhiều. Cô cố gắng lắm mới nuốt được vài miếng.
- Sao thế? - Doutreval hỏi, nhìn chiếc đĩa hãy còn đầy. - Con vẫn chưa khỏe à?
- Dạ, con khỏe mà…
- Con vẫn còn xanh xao lắm. Nước da vàng, đôi mắt thâm quầng. Con sẽ không trở lại Épidauria nữa. Phải làm vậy thôi. Con bị kiệt sức. Ba sẽ đưa con đến chỗ một đồng nghiệp của ba. Con cần phải điều trị.
- Dạ, không cần đâu ba! Con chỉ thấy hơi mệt thôi.
- Không thể được! Kể từ giờ, ba sẽ giữ con ở nhà. Con phải nghỉ ngơi để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Đến cuối tuần, con có nghĩ mình sẽ bình phục không?
- Dĩ nhiên.
- Xem nào. Hôm nay là thứ Tư. Đến thứ Bảy, hay là thứ Hai tuần tới, con có thể đi cùng ba lên Paris không?
- Lên Paris à?
- Phải.
- Được chứ.
- Tốt. Nếu vậy lát nữa ba sẽ gọi điện thoại cho ông Guerran. Ba hẹn gặp ông ấy vào thứ Hai tuần tới.
Gương mặt Fabienne trở nên nhợt nhạt.
- Ba đã yêu cầu được gặp ông ấy, - Doutreval nói tiếp, không chú ý đến sự xúc động của cô con gái. - Ba muốn nói chuyện với ông ấy về cái Trung tâm của ba…
Ông vỗ tay lên chồng thư:
- Ba gặp rất nhiều khó khăn. Ba muốn nhờ ông ấy can thiệp với Bộ Y tế… Và ba muốn con cùng đi, nếu con khỏe! Con có một ảnh hưởng lớn đối với ông ấy. Ông Guerran rất có cảm tình với con. Mỗi lần gặp ba, ông ấy đều nhắc đến “cô y tá” của ông ấy. Sự hiện diện của con sẽ giúp cho công việc của ba được dễ dàng.
Ông ăn một ít pho mát, nói tiếp:
- Chúng ta sẽ đi đến Bộ, ăn trưa ở nhà hàng với ông Guerran. Và buổi chiều, nếu công việc thành công tốt đẹp, cha con mình sẽ đi dạo Paris và ba sẽ mua tặng con một món quà kỷ niệm xinh đẹp, món nào mà con thích… Được không?
- Dạ được. - Fabienne nói nhỏ.
Bằng một cử chỉ máy móc, cô lau trán với chiếc khăn ăn. Doutreval nhận thấy cử chỉ đó.
- Con không được khỏe, phải không? Mặt con trắng nhợt? Có chuyện gì thế? Con thấy mệt ư?
- Con không được khỏe lắm…
Ông đứng lên lo lắng.
- Con hãy nằm nghỉ trên đi-văng.
- Không cần đâu ba… Bây giờ con đã khỏe hơn.
Cô đẩy chiếc đĩa của mình, thở dài, cố gắng nở một nụ cười.
- Ba ăn hết món này đi.
Ông lại ngồi xuống, không ngừng nhìn cô với vẻ lo âu.
- Chúng ta sẽ đến gặp Huot sau khi từ Paris trở về! Bây giờ con sẽ không quay lại dưỡng đường nữa. Ba sẽ sắp xếp để được rảnh rỗi vào dịp lễ Phục sinh, chúng ta sẽ đi nghỉ ở Aix. Chỉ mong sao tất cả công việc của ba được tốt dẹp.
Ông liếc mắt nhìn tập thư, thở dài. Một sự im lặng kéo dài.
- Ba…
Doutreval mải suy nghĩ đến công việc, không nghe thấy tiếng Fabienne.
- Ba…
Doutreval ngẩng đầu lên.
- Chuyện gì vậy, con?
- Ba có nhất thiết cần…
- Cần cái gì?
- Cần con lên Paris không?
Doutreval rút một điếu thuốc từ trong hộp đựng thuốc lá của ông.
- Điều đó cần chứ, - ông đáp, tay bật chiếc bật lửa. - Tại sao? Con không thích ư? Hay là con cảm thấy quá mệt mỏi.
- Dạ.
- Vậy, chúng ta chờ vài ngày nữa. Vả lại, ba có thể đi một mình. Con hãy yên tâm chăm sóc sức khỏe. Đến lễ Phục sinh, chúng ta sẽ đi Aix.
Fabienne thở dài. Doutreval kéo một hơi thuốc. Ông lại tập trung suy nghĩ vào cái Trung tâm của ông. Một cách khó khăn, Fabienne nói:
- Thưa ba, nếu ba thấy không có gì trở ngại…
- Cái gì?
- Con thích… Con thích đi một mình hơn…
- Đến Aix?
- Con không muốn đến đó.
- Chúng ta có thể đến nơi khác…
- Con muốn đi một mình…
Doutreval đặt điếu thuốc xuống chiếc đĩa lót ly, nhìn con gái:
- Con có chuyện gì thế?
- Không có gì cả… Không có gì cả.
- Con muốn đi đâu?
- Con cũng chưa biết…
- Và con không muốn ba đi cùng con?
- Con thích… Con thích sự cô đơn hơn…
- À! ít ra đó cũng là một điều thành thật!
- Thưa ba, con chắc chắn với ba rằng, - Fabienne nói với giọng gần muốn khóc - con cần ở một mình… Điều này sẽ làm cho con dễ chịu.
- Điều con cần nhất, là khám bệnh thật kỹ, và vài chất rút từ các tuyến hạch ra. Muộn nhất là sáng mai, ba sẽ đưa con đến gặp Huot!
- Ít nhất xin ba hãy cho con đi du lịch một thời gian. Doutreval nhìn cô gay gắt. Cô cúi đầu xuống, đôi mắt rớm lệ. Doutreval đứng lên, tiến đến nắm lấy vai cô.
- Fabienne! Hãy nhìn ba xem nào.
Cô vẫn ngồi khóc, mặt cúi xuống. Ông kéo cô đứng lên.
- Con có chuyện gì? Con giấu ba điều gì?
- Không có gì! Thưa ba, không có gì cả… - Fabienne nói. - Con xin ba, đừng nhìn con như thế…
- Tại sao con khóc? Tại sao con thay đổi tính tình như thê? Tại sao con muốn bỏ nhà đi xa? Tại sao con không muốn đến Paris? Cũng không muốn đến Aix? Hãy trả lời ba!
Cô không nói gì cả.
- Con có một ý muốn bất thường? Một mối tình nhỏ? Ở đây? Hay ở Paris?
Cô không trả lời.
- Con muốn đi du lịch ở đâu? - Doutreval hỏi.
- Bất cứ nơi đâu…
- Một mình?
- Con hứa với ba như vậy…
- Tại sao?
- Con không biết.
Doutreval lắc mạnh tay con gái mình.
- Con phải trả lời! Ba là ba của con! Dạo này con đã gặp ai…?
- Không ai cả…
- Regnoult… Cậu ta đã đi rồi… Không phải cậu ta chứ? Không phải con nhớ tiếc cậu ta chứ? Con đã gặp ai ở Paris?
- Không có chuyện gì cả, thưa ba, - Fabienne kêu lên. - Không có gì cả!
- Phải có chuyện gì đó! Và con phải nói hết với ba. Con có một mối tình? Có hay không? Hãy trả lời!
Fabienne cúi đầu, không nói.
- Đó! Có! Ba biết mà! Và tại sao con không nói với ba? Con không thể đính hôn bình thường như tất cả mọi người sao? Con cần gì phải… Có trở ngại ư? Về tiền bạc? Địa vị? Bệnh tật? Nhưng trước hết, người đó là ai? Không phải là Regnoult? Vậy thì là ai? Tại sao con không muốn nói cho ba biết điều đó? Con trả lời đi chứ!
Cô ngồi khóc, hai tay ôm lấy đầu, không nói gì cả. Sự im lặng này làm cha cô sợ hãi:
- Fabienne! Dù sao cũng không phải là một người đã có vợ chứ?
Cô không trả lời. Ông hiểu rằng ông đã đoán đúng. Ông đứng câm lặng một lúc, như bị choáng váng vì sự thật này. Ông nói tiếp, thật nhỏ:
- Nào, hãy nói cho ba biết. Con cứ nói đi! Người đó là ai?
Cô nói trong một hơi thở:
- Olivier Guerran…
Doutreval chờ đợi một cú sốc, nhưng không phải là một sự sụp đổ ghê gớm như thế này. Ông lắp bắp:
- Guerran… Guerran… Guerran… Ôi! Khốn nạn… Khốn nạn… Đồ con…
Thật là quá đau đớn, quá khủng khiếp. Nhưng ông vẫn còn hy vọng câu chuyện chưa đến nổi nào, chỉ là một ảo tưởng trong tâm trí của một thiếu nữ.
- Con bắt đầu nghĩ đến ông ấy lâu chưa?
Cô nói thật nhỏ:
- Dạ, lâu rồi.
- Hai tháng? Ba tháng? Hay lâu hơn nữa?
- Lâu hơn nữa.
- Bao lâu?
- Một năm rưỡi…
Ông giật mình.
- Một năm rưỡi! Như vậy là rất nghiêm trọng?
Cô im lặng.
- Chuyện giữa con và ông ấy đã đến mức độ nào rồi? Cô lắp bắp:
- Đến mức độ nào ư?
- Phải! Đã trầm trọng chưa?
- Trầm trọng…
- Rất trầm trọng, phải không? Ôi! Thật là đau đớn khi phải tưởng tượng đến điều đó! Con biết ba muốn nói gì rồi đấy… Con đã… phải không?
Cô vừa đáp “Phải!” vừa khóc, hai tay vẫn ôm đầu.
- Khốn nạn! - Ông nói thật nhỏ. - Ôi, thật là khốn nạn! Ngay cả khi Mariette chết, ông cũng không đau khổ như lúc này. Ý nghĩ một người đàn ông đã chiếm đoạt con gái của ông mà ông không thể làm gì để xóa đi nỗi ô nhục này đốt cháy lòng ông như một thanh sắt nung đỏ. Ông siết chặt hai nắm tay lại. Giờ đây ông hiểu thế nào là sự thù hận. Ông nhìn Fabienne đang gục đầu khóc thổn thức, và ông thù ghét cô. Ông muốn đánh đập cô, giết chết cô, để được nhẹ bớt cơn giận dữ sôi sục trong lòng. Ông tự kiềm chế, đi vài bước trong phòng, lấy lại phần nào sự tự chủ.
- Nào, phải giải quyết việc này. Mày đã là tình nhân của hắn. Thôi cũng được. Và bây giờ? Mày định làm gì? Mày với hắn, cả hai định làm gì?
Cô nhún vai, vẻ khốn khổ.
- Mày không thể ì ra như thế được! - Ông hét lên một cách giận dữ. - Mày không thể khóc lóc! Mày phải hành động! Những ý định của mày? Những ý định của hắn? Hắn sẽ ly dị? Hắn sẽ cưới mày chăng?
- Ông ấy muốn… - Cô nói nhỏ.
- Ly dị?
- Dạ.
- Rồi sao?
- Nhưng con không muốn…
- Mày không muốn? Tại sao? Mày ước mơ cái gì?
- Con đã đoạn tuyệt.
Bàn tay ông giơ lên định đánh cô bỗng khựng lại.
- Mày đã đoạn tuyệt?
- Dạ.
- Vậy… Vậy… Thế là kết thúc rồi, phải không?
- Tất cả đã kết thúc rồi…
Điều này làm ông bối rối, hoang mang. Ông không còn hiểu gì nữa. Ông hỏi lại:
- Và mày muốn làm gì?
- Không làm gì hết.
- Tại sao mày từ chối cuộc ly dị đó? Tại sao mày muốn ra đi một mình? Tại sao? Tại sao?
- Không có gì hết…
- Mày muốn đi đâu một mình? Mà trước hết, có đúng là chỉ có một mình mày không? Không cần nhún vai. Mày đã giấu tao khá nhiều rồi. Tao đòi hỏi một câu trả lời!
- Con không biết…
- Tao đòi hỏi một câu trả lời!
- Con cần… Con cần được ở một mình.
- Tại sao? Mày hãy đến đây!
Ông nắm cổ tay cô, lôi cô đứng lên.
- Mày hãy nhìn tao!
Ông lôi cô về phía cửa sổ, nắm lấy cằm cô, thô bạo nâng gương mặt cô ngước lên.
- Mày sợ ư? Mày sợ không dám nhìn tao, phải không? Mày đã nôn mửa, mới tối hôm qua đây. Mày đừng có giấu mặt đi như thế!
Cô vùng vẫy, muốn thoát ra khỏi cửa sổ. Ông giữ chặt cổ tay cô, làm xương cô như muốn gãy.
- Mày cho tao xem gương mặt mày đi nào! Nước da nhợt nhạt này, những dấu vết này. Đôi mắt này… Phải không? Tao đã đoán đúng, phải không? Có phải như thế không? Có phải như thế không? Ôi!

Image
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Thể Xác Và Tâm Hồn - Maxence Van Dek Meersch

Postby bevanng » 31 Dec 2022

Ông thở ra, hung dữ xô cô. Cô ngã xuống bên cạnh đi-văng, đứng lên một cách mệt nhọc. Trông cô thật thảm hại, nhưng ông không thấy thương hại cô, ông cảm thấy mình sẽ không ngăn được ý muốn xông đến đánh cô.
Ông giơ quả đấm về phía cô.
- Đồ khốn kiếp! Mày hãy cút đi! Tao không muốn thấy mặt mày nữa. Mày đến nhà ông bà Droux đi. Tao cấm mày viết thư cho tao. Tao cấm mày đi đâu. Mày sẽ chờ đợi ở đó. Mày hãy đi ngay đi! Ngay lập tức! Đứng lên! Cút đi!
Cô đứng lên, chậm chạp đi qua trước mặt ông, hai bàn tay đưa lên đầu chỉnh lại cho gọn những bím tóc đen dài bị xổ tung. Cô đi ra phía cửa. Ông nhìn cô và ông cảm thấy thù ghét cô như chưa bao giờ thù ghét ai.

Doutreval ngồi một mình trong phòng, để mặc cho cơn giận dữ điên cuồng trào ra. Ý nghĩ Guerran đã lừa gạt con gái của ông, đã chiếm đoạt cô, làm ô uế thân thể cô… thiêu đốt ông như một ngọn lửa. Cô đã chấp nhận điều đó, đã mang thai! Không thể làm gì được nữa, không còn cách gì sửa chữa lại tình trạng này nữa. Một ý muốn đột ngột và mãnh liệt xâm chiếm Doutreval: Gặp Guerran. Ông bước ra khỏi phòng, đổi ý, quay trở vào, tiến đến ngăn kéo, lấy ra khẩu súng lục nhỏ có báng bằng xà cừ mà ông luôn mang theo người trong cuộc chiến tranh 1914-1918. Ông lên đạn, mở khóa an toàn và đút súng vào túi áo veston.
Ông thấy mình đứng trước cửa nhà Guerran lúc nào không hay. Ông đi trên đường như một người máy, không để ý đến bất cứ thứ gì xung quanh. Ông tiến vào văn phòng luật sư. Một người thư ký tiến đến bên ông.
- Luật sư Guerran… - Doutreval hỏi bằng một giọng gấp gáp, tim ông đập thình thịch.
- Luật sư vừa mới đi Paris lúc nãy, thưa ông Doutreval. Tôi tưởng rằng ông ấy đang chờ gặp ông ở trên đó. Tôi có cần báo cho ông ấy không?
- Vâng… Không… Để tôi xem… Thôi được. Cảm ơn…
Ông đi ra, bước lang thang giữa thành phố Angers, sau đó trở về nhà, gặp người hầu gái ở phòng ngoài.
- Ông chủ có vẻ như bị mệt.
- Cô chủ đâu?
- Dạ, cô chủ vừa đi Aix. Cô ấy bảo tôi nói với ông rằng cô ấy chờ ông ở đó…
- À! Được… Được… Tối nay chị sửa soạn va li cho tôi. Sáng mai tôi đi Paris. Bây giờ tôi đi nằm, tôi bị nhức đầu, chị đừng đến phòng tôi.
Ông đi lên phòng, ngả mình xuống giường, đầu óc quay cuồng trong nhiều giờ liên tiếp, cho đến khi ông cảm thấy mình sắp phát điên.
Vào một giờ sáng, thần kinh mệt mỏi đờ đẫn, ông đi xuống phòng thí nghiệm tìm thuốc ngủ. Ông uống vài viên. Ông nhớ đến Guerran.
Ông thức dậy rất muộn, thấy buồn nôn. Ông ngồi dậy. Một cơn choáng váng buộc ông phải nằm xuống. Ông nhấn chuông gọi cô giúp việc Léonie.
- Ông chủ không đi Paris sao?
- Không, tôi mệt. Chị bảo Lherbier lên đây!
Lúc mười giờ, Lherbier, người phụ tá mới của Doutreval đến. Anh ta mang theo báo chí, thư từ. Doutreval tiếp anh ta ngay trên giường và cho anh ta đi xuống liền. Anh ta không thông minh, quá nịnh bợ. Regnoult cũng nịnh bợ, nhưng thông minh hơn, tế nhị hơn, kín đáo hơn… Tại sao Regnoult bỏ đi? Phải chăng anh ta đã biết điều gì? Và còn bao nhiêu người khác đã biết? Doutreval nóng bừng mặt lên vì xấu hổ và giận dữ.
Các tin tức không có gì tốt đẹp cả. Một bài báo viết về phương pháp điều trị bằng co giật, khen tặng mang tính thân hữu. Một bài khen tặng khác trên một tờ tạp chí nhỏ. Doutreval tốn ba ngàn franc để có bài báo này. Bên cạnh hai bài đó, có tới bốn hay năm bài khác rất đáng lo ngại. Và những bức thư, những lời yêu cầu giải thích, những lời bóng gió ám chỉ đến vụ phiền phức ở Maroc…
Doutreval lại đối diện với nỗi lo âu, với sự đe dọa đang đè nặng lên công trình nghiên cứu của ông. Ông nghĩ đến Trung tâm, đến cuộc vận động với Guerran mà giờ đây không thể thực hiện được. Nghĩ đến điều này, ông lại toát mồ hôi một lần nữa. Có lẽ lúc này chính là lúc ông cảm thấy thù ghét Fabienne nhất.
Ông lại nằm xuống. Thư từ và tạp chí rơi rải rác trên tấm thảm. Doutreval nằm dài im lìm, gương mặt trắng bệch, đầu óc quay cuồng, giận dữ.
- Nó hãy đi đi! Nó hãy biến mất đi! - Lòng thù ghét của ông hét lên. - Mặc kệ nó! Nó đã làm tan nát cuộc đời tôi! Nó đã làm hư hỏng công trình của tôi! Hết rồi! Tôi không còn con gái nữa, chỉ thế thôi! Không còn đứa con nào nữa! Một công trình đòi hỏi những nạn nhân. Nó sẽ là một trong số những nạn nhân!
Ông thấy trong sự hy sinh tàn nhẫn này có cái gì như là một sự vĩ đại của thời cổ xưa.
- Nó phải bị hy sinh. Nó sẽ có tiền, một mái nhà, những người bạn, hai ông bà Droux… Nó không phải cô đơn… Không có gì đáng thương hại nó. Chính nó đã muốn thế!
Còn ông, ông sẽ ở đây một mình, sẽ chiến đấu. Công trình của ông vẫn còn có thể cứu vãn. Không gây ra tai tiếng. Không cho ai biết gì cả… Và tất cả còn có thể cứu vãn được.
Ông nằm dài trên giường hàng giờ, im lìm với những ý nghĩ sôi sục trong tâm trí.
Vào khoảng mười một giờ, người hầu gái đi ra phố mua đồ. Ông xuống dưới nhà, người cong lại, chống trên chiếc gậy, phần bụng trên đau nhói, đầu óc trống rỗng. Ngôi nhà trống vắng tối tăm, âm vang và bụi bặm. Ông thấy nó có vẻ ảm đạm và hoang phế kể từ khi Mariette qua đời. Cô giúp việc trở về. Ông cảm thấy xấu hổ vì đi lê lết như thế, phờ phạc và xộc xệch như một ông già giữa cảnh hoang vắng này. Ông đi lên phòng tắm.
- Ông chủ có dùng bữa trưa không ạ?
- Không, chị sắc nước lá cây đoạn giúp tôi.
Cơn sốt, sự mệt mỏi, ý muốn viết thư trả lời và sự kiệt quệ tinh thần làm mắt ông mờ đi. Ông chỉ uống một ít nước sắc, và tiếp tục nghĩ tới nghĩ lui những ý tưởng vẫn day dứt ông: cái Trung tâm, vụ rắc rối ở Maroc, Fabienne, Guerran, những bài báo… Khoảng gần trưa, ông tiếp tục uống thuốc ngủ.

Ông thức dậy lúc ba giờ chiều, thân thể rã rời, miệng đắng ngắt. Ông nôn ra mật. Hôm đó là ngày nghỉ phép của chị giúp việc nhưng chị không muốn để ông lại một mình. Ông bảo chị chỉ cần sắc nước lá cây đoạn, rồi cho chị về nhà nghỉ. Chị đi liền ngay sau khi Lherbier đem báo chí và thư từ đến. Vẫn luôn luôn là những bài báo gây bực mình. Không có tin tức của Fabienne.
Nó hãy tự lo liệu! Doutreval nghĩ. Nó đừng trông mong một lá thư nào của tôi!
Nếu như, Doutreval tức giận nghĩ thầm, điều đó xảy ra vào tám ngày sau, mình sẽ không gặp một khó khăn nào cả! Tất cả sẽ được sắp xếp! Còn Guerran, ông ta có biết gì về chuyện này không? Không. Fabienne ở Aix, ông ta ở Paris và đang đợi mình…
Ông nghĩ đến Guerran với ít thù hận hơn ngày hôm trước một chút. Ông nhớ lại khẩu súng lục đã lên đạn. Giờ đây, điều đó đối với ông có vẻ xa vời, mù mịt như trong một cơn say rượu. Chiều hôm đó, cơn giận dữ điên cuồng đã gây ảnh hưởng đối với ông như một thứ rượu mạnh.
Còn Guerran?
Ông ta biết tình trạng của Fabienne, cô đã bảo thế. Hai người đã tranh cãi với nhau. Ông ta đã đề nghị ly dị vợ.
- Nó có quyền đòi hỏi ông ta làm điều đó!
Phải chăng đó là lối thoát? Ông suy nghĩ một lúc, rồi từ bỏ ý định đó. Dù sao điều này cũng sẽ gây tai tiếng. Mọi người đều biết Guerran ủng hộ Doutreval… Người ta sẽ bảo: “Doutreval đã bán con gái của ông ta!”.
Doutreval lại trở mình trên giường.
Tuy nhiên bất cứ vụ tai tiếng nào rồi sẽ lắng dịu, sẽ bị lãng quên. Tất cả sẽ trôi qua… Vậy giải pháp đó sẽ cứu vãn được tình hình.
Nó không muốn, nó đã từ chối cuộc ly dị này, nhưng còn tôi? Doutreval tiếp tục suy nghĩ. Tôi không thể chấp nhận điều đó! Nhưng nó muốn gì? Nó giữ im lặng. Và sau đó thế nào? Giấu đứa bé ư? Gửi đứa bé cho * nuôi? Hay là… Hay là phá thai, có lẽ? Nó! Fabienne… Chắc hẳn nó đã sắp xếp việc này. Tôi, tôi sẽ không hay biết gì cả.
Chỉ cần một chuyến du lịch, một sự vắng mặt. Và thế là xong. Fabienne sẽ bịa ra câu chuyện gì đó. Dù cố xua đuổi ý nghĩ này, ông vẫn không khỏi cảm thấy hối tiếc đã tỏ ra quá nhanh nhạy, quá sáng suốt nhận thấy vẻ hoang mang của con gái mình. Giá như ông đã tỏ ra hơi mù quáng hơn! Tất cả sẽ trở nên đơn giản biết bao nhiêu!
Ông đứng dậy để nôn. Ông đếm mạch của mình. Bị sốt, ít nhất 39° C.
Thật thế, nếu tôi chưa biết gì thì tất cả sẽ được cứu vãn! Tôi sẽ đi gặp Guerran và mọi chuyện sẽ được dàn xếp…
Ồng khoác chiếc áo ấm, cố gắng viết một lá thư, đọc lại một bài báo. Không thể được! Đầu ông quay mòng mòng. Ông cảm thấy lo âu, thấy mình bất lực, không làm được gì để cứu vãn công trình… Và một lần nữa, sự hối tiếc hèn nhát lại xâm chiếm ông: ông tiếc về những gì có thể sẽ thực hiện được, nếu như ông không tỏ ra quá sáng suốt, quá nhanh chóng thấy tình trạng tệ hại của Fabienne. Ông nghĩ đến một lá thư đề trước ngày, một cái gì đó sẽ buộc Guerran hành động mà ông không phải gặp lại ông ta. Rồi một ý nghĩ khác đến với ông, một sự cám dỗ khác.
- Viết thư cho Guerran…
Guerran chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Tại sao Doutreval không giả vờ như chưa biết chuyện gì cả? Bởi vì Guerran đang chờ ông tại Paris.
Đi Paris gặp ông ta ư? Không. Không thể được. Nhưng viết thư yêu cầu ông ta can thiệp…
Và sau đó?
Sau đó ư? Chẳng sao cả. Trái lại, tất cả đều trở nên đơn giản.
Đầu óc bị lên cơn sốt của Doutreval suy nghĩ nhanh chóng một cách lạ thường. Fabienne muốn làm gì thì mặc kệ cô. Ông sẽ không nói với cô về chuyện đó nữa. Thật là nhẹ nhàng! Còn đứa bé? Nhưng nó có thể không ra đời… Chắc hẳn cô đã nghĩ đến điều đó. Để cô quen biết với một bác sĩ sẵn sàng giúp đỡ cô làm điều đó… Và cái Trung tâm sẽ được cứu vãn, công trình của ông sẽ tiếp tục…
- À! Tất cả các người! - Doutreval nói thật lớn. - Tất cả các người tưởng rằng các người sẽ đánh bại được tôi?
Ông uống nước lá đã nguội, nhổ nó ra trong một cơn buồn nôn. Cơn sốt đã hạ. Ông khoác thêm một chiếc khăn choàng cổ, đi xuống dưới nhà. Căn nhà câm lặng. Không còn ai nữa. Ông đi ra khu vườn, nó còn hoang tàn hơn. Cây xiêm gai trước đây được cắt tỉa tròn trịa nay đã trở nên hoang dại, chĩa lên bầu trời nhợt nhạt những nhánh dài đầy gai nhọn. Xưa kia khu vườn này rất sạch sẽ! Từ khi Mariette không còn nữa, người ta đổ rác và tro bếp dọc chân tường. Ông không có thời gian để nghĩ đến những cái đó. Công việc của ông…
Ông đến ngồi trên ghế băng, gần bên cửa sổ phòng thí nghiệm. Hơi lạnh một chút, nhưng ông cảm thấy dễ chịu được ngồi ở đó. Có tiếng chuông điện thoại reo lên trong nhà. Ông vẫn ngồi im, không động đậy. Quá mệt mỏi. Người ta sẽ đoán biết sự mệt mỏi của ông.
Ông đứng lên, đi dạo. Ông cảm thấy mình già đi, bước khập khiễng hơn. Ngôi nhà rộng lớn và hoang vắng. Ở tầng lầu thứ hai, ông nhận thấy các tấm màn cửa đầy bụi bặm và đã rách: Căn nhà của một ông già cô đơn. Ông đi tiểu sát chuồng gà. Ồng để ý thấy nước tiểu đỏ ngầu. Và đồng thời ông nghĩ rằng sự cô đơn làm cho con người giống như con vật. Cứ sống mãi một mình, người ta có những cử chỉ dơ bẩn. Ông trở lại ngồi trên ghế băng, nhổ ra mật đắng.
Bỗng vang lên một tiếng sột soạt dọc theo vách tường. Ông quay đầu lại. Dưới những thân cây trụi lá, trong những tiếng động nhẹ khi giẫm lên đám lá khô của dây nho leo, một con vật đang tiến đến gần. Doutreval nhận ra Titi, con vật rất già. Những con gà trống địch thủ của nó đã đá nó tơi bời đến nỗi chị giúp việc phải đem nó ra khỏi chuồng để nó sống tự do trong khu vườn. Con vật sống xa cách và cô độc. Titi tiến đến gần Doutreval, nhìn đăm đăm vào ông bằng con mắt tròn giống như cái nút áo bằng thủy tinh sáng long lanh được gắn vào khối thịt đỏ và buông ra tiếng “túc-túc”. Bằng một cái đập cánh, một cú nhảy hãy còn nhanh nhẹn, nó đã đứng trên đầu gối Doutreval. Trong túi áo của ông có những mảnh vụn bánh bích quy. Ông lấy ra cho nó ăn, vuốt ve nó, và cảm thấy đỡ cô đơn hơn.

Image
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Thể Xác Và Tâm Hồn - Maxence Van Dek Meersch

Postby bevanng » 31 Dec 2022

Ông nhớ lại cái thời mà Mariette làm cho tất cả đều sống động: con chó vừa sủa vừa rượt đuổi mấy con mèo; những con thỏ, những con gà mái và đàn bồ câu chạy ùa theo chân cô chủ. Ông nhớ lại cái thời mà con Titi, khi thấy cô đến, đậu trên chỗ cao nhất của chuồng gà để đón tiếp cô bằng những tiếng gáy chiến thắng. Ông nhớ lại vào thời gian đó, căn nhà này, khu vườn này tràn ngập ánh sáng. Ông cảm thấy mình cô đơn và khô héo như một cái cây chết. Ông ý thức được nỗi cô đơn ghê gớm của một ông già đang cho một con gà trống già ăn để được xúc động trước sự quyến luyến của một con vật. Với cái vuốt ve cuối cùng, ông dịu dàng đặt Titi xuống đất, đưa tay ôm đầu và khóc.
Một cách đột ngột, ông đã thấy rõ. Tất cả cảnh khốn khổ này đều do ông gây ra, tất cả đều là lỗi của ông! Lòng kiêu hãnh đã làm cho ông mất Michel, mất Mariette. Và bây giờ, ông mất cả Fabienne…
Một cách đột ngột, ông trông thấy cái vực thẳm. Ông nhận thức rõ điều mà ông đã định làm: Hy sinh cái hy vọng cuối cùng của cha con ông để cố cứu vãn một công trình mà bây giờ ông thấy rằng đó chỉ là sự dối trá. Một cách thô bạo, ông rứt bỏ tấm màn che, lột trần tư tưởng ra khỏi bức màn sương mù của lòng kiêu hãnh, tự thú nhận ông đã dự định cho con gái mình phá thai, yêu cầu tình nhân của Fabienne ủng hộ cái Trung tâm, và đẩy Fabienne đi xa, hy sinh cô. Ông thấy mình không thể làm được điều đó. Tất cả tình thương của ông đối với Fabienne bỗng trỗi dậy mãnh liệt… Ông hình dung lại lúc cô đi qua trước mặt ông, mệt mỏi, thảm hại, yếu đuối, hai bàn tay giữ lấy những bím tóc bị xổ tung… Ông tưởng tượng thấy cô đang ở Aix, bụng mang dạ chửa, cô đơn và tuyệt vọng.
Cổ họng ông nghẹn lại, ông bỗng cảm thấy một niềm xót thương bao la, một ước muốn điên cuồng được ở bên cô, xin lỗi cô, an ủi cô…
Hết rồi, ông sẽ không đi xa hơn nữa, ông đã đến giới hạn cuối cùng. Lòng đam mê ích kỷ sẽ không còn lôi kéo ông đi xa hơn nữa.
Sự phá sản của cuộc đời ông, của tất cả những nguyên tắc của ông, tất cả những điều khẳng định của ông?… Sự hủy diệt của tất cả công trình của ông? Mặc kệ! Đã đến lúc lòng kiêu hãnh đòi hỏi ông hy sinh đứa con cuối cùng. Đó là một đòi hỏi quá đáng. Và ông trả lời: Không! Sự chuyên chế tàn bạo của cái tôi thật quá nặng nề, và quá bỉ ổi.
Thật là đau buồn khi đã làm tắt ngấm trên bầu trời những ánh sáng của niềm tin, của lòng hy vọng… Và trong cái thế giới không được hướng dẫn bởi niềm tin đó, cái Tôi đã ngự trị, tự biến thành một thần linh mới, độc ác và tàn bạo, quỷ quái đến khủng khiếp.
Khi cái tôi được biến thành Thượng đế, thì nó đòi hỏi, ra lệnh, áp bức và hành hạ như chưa bao giờ có một Thượng đế nào đã làm. Chỉ còn cái tôi thôi. “Vậy mày hãy hy sinh tất cả cho cái tôi đi! Nhân loại, tổ quốc, tình bạn, gia đình, con cái, lòng thương hại, tình yêu… Không có sự hy sinh nào mà vị thần linh mới không đòi hỏi ở mày, vào một ngày nào đó. Đòi hỏi cho đến lúc mày sẽ không chịu đựng nổi nữa, đến lúc mày cảm thấy không thể thỏa mãn được những đòi hỏi của cái tôi nữa, và lúc đó mày sẽ thú nhận rằng: “Đó là sự đòi hỏi quá sức!”
Doutreval đã không hiểu được tiếng kêu này của con trai ông, vào lúc hai cha con đoạn tuyệt nhau: “Ba đòi hỏi con quá nhiều…” Ngày hôm nay ông đã hiểu, với sự hối hận và tuyệt vọng. Ông đã khinh bỉ Michel. Ông đã gọi anh là một kẻ yếu hèn. Ông đã ngỡ mình là một siêu nhân. Ông đã hy sinh Michel, Mariette… Ông đã đi đến tận cùng của cái chủ nghĩa ích kỷ độc ác đó. Và bây giờ người ta đòi hỏi ông phải hy sinh Fabienne. Và ông, một người hùng, ông do dự, ông thụt lùi.
“Một sự đòi hỏi quá sức!”
Bây giờ đến lượt ông - một con người mạnh mẽ, cứng rắn - cảm thấy yếu mềm trước tình thương và lòng thương hại…
“Một sự đòi hỏi quá sức!”
Một người đàn ông lưng khom, rất mệt mỏi, nặng nề chống lên cây gậy, kéo lê cái chân gãy đi lang thang từng bước nhỏ - theo sau là con gà trống già, lông lá tả tơi - dọc theo những lối đi của khu vườn hoang phế và sống lại với quá khứ của mình. Ông thấy lại lòng ích kỷ và lòng kiêu hãnh đã làm cho mình thất bại thảm hại. Sự thật, ông chỉ sống vì ông; đối với Michel, ông bắt anh phải sống theo cái quan niệm hư không của ông về thế giới, ông muốn anh phải cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn. Và khi Michel yếu lòng, có thể gây cho ông một sự nhục nhã, ông bèn bỏ rơi anh. Công trình của ông, ông muốn tạo ra nó là vì ông. Ước muốn cứu vớt những con người ư? Phải, dĩ nhiên. Nhưng ao ước vinh quang, thỏa mãn tham vọng, lòng kiêu hãnh mới là mầm mống của hành động nơi ông. Vì lòng kiêu hãnh, ông từ chối tìm hiểu những công trình nghiên cứu của vài kẻ cạnh tranh, đẩy đi xa những học trò và những phụ tá mà trí thông minh và óc sáng kiến của họ có thể gây lúng túng cho ông. Chính vì để thỏa mãn lòng kiêu hãnh mà ông đã khai thác Regnoult với bút pháp tuyệt diệu, nghệ thuật trình bày mỗi vấn đề của anh ta; Groix với sự hăng say làm việc, óc tưởng tượng, những khả năng sáng tạo và vết thẹo trên mặt… Vì ai?… Ai đã có ý nghĩ dùng chất curare? Ai đã hoàn chỉnh phương pháp? Là Groix.
Vậy mà vào phút cuối, ông đã gạt anh ra, đã ký tên một mình vào bản tường trình gửi cho Viện Hàn lâm Y học. Một sự ăn cắp. Nói tóm lại, sự kiêu hãnh đã bóp chết lương tâm, ý thức luân lý, lòng nhân đạo. Nhưng ông luôn luôn bất chấp, vẫn mạnh dạn bóp chết tiếng kêu của lương tâm. Tại sao? Bởi vì muốn thỏa mãn sự vinh quang huy hoàng của cái Tôi trong ông. Những lời quảng cáo, những bài báo ca tụng mà ông đã xin những người bạn viết giúp, những bài báo mà ông đã trả tiền cho ông giám đốc tạp chí túng tiền… Và Groix, nhân chứng quá sáng suốt, đã nhẹ nhàng ra đi… Quá sáng suốt! Anh ta đã phê phán công trình. Nhất là lúc ở Amsterdam, anh ta phê phán Doutreval vào buổi tối khi ông sắp sửa chọn người phẫu thuật cho Mariette. Groix đã soi thấu tâm hồn ông. Và anh ta đã “mổ lại” người chết. Anh ta thấy sự thật. Anh ta đã biết. Kể từ lúc nghe Cassaing nói với Fleurioux: “Người ta đã mổ lại… Groix đã chỉ cho tao thấy”… Không bao giờ Doutreval còn thoải mái được trước mặt người phụ tá của mình nữa.

Tại sao tôi lại chọn Géraudin? Doutreval suy nghĩ. Sự thật, tôi thừa biết ông ấy đã già yếu và đã có nhiều sự cố xảy ra trong dưỡng đường… Nhưng tôi cần đến Géraudin. Tôi đã hy sinh Mariette. Và tôi đã hy sinh nó thêm một lần nữa, khi tôi đến gặp lại Géraudin, yêu cầu ông ấy giúp đỡ cho cái Trung tâm của tôi.
Và Fabienne… Cái tai họa xảy đến với nó, cũng là lỗi của tôi! Tôi đã muốn nó làm phụ tá cho công trình của tôi. Tôi đã gửi nó đến Paris để “tập luyện”. Tôi đã không ngần ngại đẩy nó đi xa khỏi tôi, bắt nó sống trong một môi trương bị đầu độc. Rồi khi công trình của tôi tỏ ra chưa chắc chắn, tôi đã để nó ở lại Patis, trái với ý muốn của nó. Tôi đã bắt nó phải xa tôi để nó không phải trông thấy những do dự, những thất bại, những khó khăn của tôi.
Chính vì thế nên tôi không cho nó trở về với tôi, vào lúc tâm hồn nó đang bị chao đảo, rất cần đến tôi, đến gia đình. Tôi còn tệ hơn nữa, khuyến khích sự giao thiệp thân mật của nó với Guerran. Điều này vừa làm cho tôi hãnh diện, vừa có thể có ích cho tôi… Tất cả những ý nghĩ đó đều có trong thâm tâm tôi!
Bây giờ nó đã bị sa ngã. Và tôi lại còn dám toan tính điều gì nữa? Im lặng không nói gì cả… Đem bán nó nhân danh cái công trình cần phải bảo vệ, lòng kiêu hãnh bỉ ổi cần phải cứu vớt… Nhưng vẫn tiếp tục gọi đó là sự anh hùng, sự cao cả…

Doutreval đứng cô độc một mình, tựa vào thân cây già cỗi trong bóng hoàng hôn, lần đầu tiên nhìn lại cuộc đời mình và tự phê phán.
Một thiên tài! Một vĩ nhân! Một nhà bác học! Một vinh quang! Đó là như thế! Đó có thể là như thế! Sự trống rỗng, thói tụ phụ, nói dối, những hành động thấp hèn, những tội ác! Và chúng ta không nhận thấy chúng. Lòng kiêu hãnh! Ôi lòng kiêu hãnh!
Ông cảm thấy đau ở bao tử. Ông lại nôn ra mật. Một ngụm mật đắng trào lên miệng, ông nhổ nó ra một cách giận dữ - với cái nhăn mặt ghê tởm - như thể ông đã khạc nhổ sự ghê tởm chính mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Thể Xác Và Tâm Hồn - Maxence Van Dek Meersch

Postby bevanng » 31 Dec 2022

5.


Jabienne đã đến Aix được bốn ngày. Cô không cho ông bà Droux hay biết gì cả. Cô chỉ bảo với bà Droux rằng cô bị một chứng thiếu máu và phải nghỉ ngơi để tĩnh dưỡng. Tuy nhiên ông bà Droux vẫn lo lắng. Fabienne không còn cười nữa, không còn kể chuyện nữa, không còn tung tăng sục sạo từ chuồng thỏ đến vườn cây ăn quả như trước nữa…
Xế trưa ngày Chủ nhật, vào khoảng hai giờ, Fabienne vẫn như mọi ngày, đi ra con đường cái ở Aix để đón người đưa thư. Không có thư cho cô. Cô bèn quay về, và sau khi đã báo cho ông bà Droux, cô đi theo con đường dốc trên bờ hồ về phía ngôi làng nhỏ. Ở cách đó hai cây số có một xưởng dệt lông thỏ thành len. Cô muốn mua vài cuộn len. Ngồi đan sẽ làm cho cô cảm thấy thời gian trôi qua nhanh.
Cô đi thong thả. Trời đã về chiều. Mặt trời nhợt nhạt đã lặn xuống sau đỉnh núi. Những dãy núi xa xa vẫn còn phủ tuyết trắng. Không một con thuyền, không một bóng chim trên mặt hồ phẳng lặng. Khoảng nước bao la lặng lẽ nhuộm một màu tang tóc trong bóng chiều xuống có một vẻ u buồn nghiêm trang kỳ lạ.
Trước khi đến một khu biệt thự sang trọng nằm rải rác trên ngọn đồi, cô rời đường cái, rẽ sang trái, để đi theo một lối tắt, một loạt những con đường mòn có vẻ hoang dại hơn và cô thích nó hơn. Cô đi theo một con đường có những bụi gai rậm rạp hai bên. Cô ngồi xuống một lát trên thân cây bạch dương bị đốn hạ vào mùa thu trước, rồi cô lại đứng lên đi về nhà, tới chỗ khúc quanh của con đường mòn, cô thấy ở đằng xa một người tiến về phía cô. Một người đàn ông cao lớn đội mũ phớt màu xanh lá cây, khoác áo mưa, vừa đi vừa chống một cây gậy lớn. Cô nhận ra cha mình.
Cô không dám ngước mắt lên. Không dám dừng lại. Thế nhưng cô có cảm giác như có một bàn tay đang siết chặt tim mình. Cô vẫn tiếp tục đi tới, mắt hoa lên, hơi thở nghẹn lại như sắp ngất xỉu. Cô đi như thế cho đến khi chỉ còn cách ông vài bước. Lúc đó cô ngẩng đầu lên và nhìn ông.
Cô gần như không nhận ra ông. Ông đã thay đổi. Già hơn, mệt mỏi, có vẻ tàn tạ. Cô có cảm giác tinh thần ông không còn kháng cự lại sự mệt mỏi nữa và ông đã để gương mặt thật của mình lộ ra. Nhất là ánh mắt của ông, không phải ánh mắt mà cô chờ đợi. Không còn thù hận, cũng không còn vẻ nghiêm khắc nữa, chỉ còn sự sụp đổ tinh thần, sự buồn bã… Tất cả điều này đều do cô gây ra. Chỉ trong bốn ngày. Cô cảm thấy tim mình như vỡ tan.
- Fabienne, con! - Ông gọi.
Cô nói lắp bắp:
- Thưa ba…
- Con không hôn ba ư?
Thân hình cao lớn của ông cúi xuống về phía cô. Cô hôn lên má ông, một cách gần như sợ hãi.
- Ba đã đến nhà ông bà Droux lúc nãy. Họ bảo con đi vắng. Ba bèn đi ra đây để đón con. Ở đây thật là dễ chịu! Yên tĩnh!
Hai người đi bên nhau trên con đường mòn giữa những thân cây bạch dương bị đốn hạ và những bụi gai.
- Con khỏe hơn rồi?
- Dạ…
- Con đã nghỉ ngơi chứ?
- Dạ, thưa ba, có ạ.
- Con có muốn chúng ta cùng nói chuyện với nhau không?
Một lần nữa cô cảm thấy tim mình ngùng đập. Nhưng phải can đảm. Cô đáp bằng một giọng nghẹn lại:
- Thưa ba, nếu ba muốn…
Ông liếc mắt nhìn cô, thấy gương mặt cô nhợt nhạt, đầy lo âu. Và ông cảm thấy thương cô vô cùng. Ông không biết phải làm sao để nói cho cô hiểu tình thương của ông.
Ông không bao giờ là một con người dịu dàng. Ông bèn để chiếc gậy lớn có cán cong vào cánh tay trái, rồi đặt bàn tay lên vai con gái. Ông vừa đi khập khiễng vừa dựa lên vai Fabienne. Điều này làm cho cô xúc động muốn khóc. Cô có cảm giác ông làm như thế để bày tỏ sự mệt mỏi, sự yếu đuối, để làm cho cô hiểu ông cần đến cô… Bàn tay của cha cô trên vai cô! Chưa bao giờ cô cảm thấy tất cả giá trị của cái hạnh phúc đó, như lúc này.
- Ba đã suy nghĩ rồi. Ba đã suy xét vấn đề dưới tất cả những khía cạnh của nó. Và đây là kết quả mà ba đã đạt được, con gái nhỏ của ba.
Không cần phải nói lại những gì mà con cũng như ba, đã biết. Cuộc phiêu lưu đó là một tai họa cho con và cho ba. Con là đứa con cuối cùng của ba, đứa duy nhất còn ở lại với ba. Đứa con út của ba. Mẹ con mất khi con chào đời… Tất cả những điều đó càng làm ba thêm yêu quý con hơn. Ba đã xây dựng những ước mơ cho con… Tất cả đều sụp đổ. Và công trình khoa học của ba cũng sụp đổ. Ba cần đến Guerran để cứu vãn nó. Bây giờ, kết thúc rồi.
Ba phải nói cho con biết. Ba phải thú thật với con: Trong một lúc, ba đã nghĩ đến việc hy sinh con. Phải… Ba đã nghĩ đến việc phải cứu vãn Trung tâm, bảo vệ công trình của ba. Đi gặp Guerran, hay ít nhất viết thư cho ông ấy, giả vờ như không biết gì cả, yêu cầu sự ủng hộ của ông ấy, cứu vãn Trung tâm… Điều đó có thể làm được. Còn con, ba có thể cho con đi xa. Và đứa bé… Đứa bé đó… Con biết chứ?… Có những cách thức để khiến cho một đứa bé không được sinh ra… Ba đã nghĩ đến điều đó. Ba định sẽ không nói gì với con, ba sẽ sắp xếp để cho cái cơ hội, cái ý muốn phá thai không có vẻ như do ba đưa ra… Ba sẽ giả vờ tin đó là một tai nạn… Và Guerran sẽ cứu được ba… Đó, ba đã dám nghĩ đến những chuyện tệ hại như thế. Ba muốn con biết điều đó!
Fabienne làm một cử chỉ. Ông tiếp tục:
- Nhưng ba đã không làm những điều đó. Ba không biết tại sao. Thật là không hợp lý! Ba không tin tưởng một cái gì cả cơ mà! Phải thấy rằng, khi người ta già đi, người ta trở nên yếu đuối… Dù sao, ba cũng không thể đi xa hơn được nữa… Vậy, đây là quyết định của ba: Ba bỏ hết tất cả, những công trình của ba…
Cô ngẩng đầu lên nhìn ông, nói nhỏ:
- Những công trình của ba…
- Phải, thật là đau khổ, dĩ nhiên. Nhưng nói cho đúng, ba đã ở trong sự sai lầm, dối trá. Và có thể ba sẽ càng ngày càng đi sâu hơn vào đó… Hôm qua ba đã gửi đăng một bài báo có ý nghĩa như một sự chối bỏ. Với Bộ, ba đã đưa ra những lời giải thích, nhìn nhận sai lầm của ba. Và người ta đã cầm trong tay lá thư xin từ chức của ba. Ba sẽ không còn làm giáo sư nữa. Kết thúc rồi!
Hai cha con im lặng đi bên nhau trong một lúc, đầu cúi xuống, theo con đường mòn nhỏ hẹp mà gai góc bấu vào chiếc áo mưa của Doutreval với tiếng động êm ái của những móng vuốt.
- Tại sao ba làm như vậy? - Fabienne hỏi nhỏ.
- Đó là điều cần thiết, con à. Khi người ta đã sai lầm, người ta chỉ còn có cách là thú nhận, và lặng lẽ biến mất. Dù sao, con cũng không thể sống ở đó được nữa… Sự tai tiếng, con thấy không…? Bởi vì chính con, con sẽ phải đền trả. Ba sẽ không thể đem đến cho con một tương lai tươi sáng… Con có can đảm không?
- Dạ có… - Fabienne đáp nhỏ.
- Vậy, ba định sẽ chuyển về đây, ngay tại đây. Ba bán hết tài sản của chúng ta ở Angers, và ba sẽ về đây với con, mãi mãi. Có lẽ ba sẽ làm lại nghề bác sĩ, kiếm một số khách hàng để sống. Ba sẽ làm một bác sĩ ở vùng quê, ở vùng núi… Ba hãy còn mạnh khỏe… Ba và con sẽ sống bên nhau. Ba sẽ đi thăm các bệnh nhân, ba sẽ mở một phòng khám. Mùa hè, có lẽ những người giàu có ở Aix sẽ đến chỗ ba khám bệnh… với tiền lương hưu của ba, với số lợi tức mà ba có, với số tiền ba sẽ kiếm ra, hai cha con mình sẽ có thể sống được. Và con, con sẽ quản lý ngôi nhà của ba… Và con sẽ nuôi đứa con của con…
Đó không phải là một giải pháp hấp dẫn, ba biết lắm chứ. Nhưng nó hợp với thực tế, chỉ thế thôi. Ba đã chấp nhận. Con cũng phải chấp nhận. Điều đau đớn nhất, ấy là tất cả đều do lỗi của ba! Thật là đau đớn cho ba khi phải chọn giải pháp đó cho con! Nhưng sau cùng, ba nghĩ rằng đó là sự cứu vớt duy nhất cho con, là phương cách duy nhất để con có thể hy vọng vào tương lai… Con khóc… Ba hiểu con lắm, thôi, con gái đáng thương của ba! Ba xin lỗi con…
Ông rút khăn tay ra lau nước mắt. Cô ôm lấy cổ ông.
- Ba! Ba! Ba đừng khóc! Con rất sung sướng! Sung sướng! Con đã không dám hy vọng được như vậy! Chính con mới phải xin lỗi ba! Ba rất tốt! Ba rất tốt với con!
- Tốt!
Ông nở một nụ cười buồn:
- Tốt? Không. Ba không tốt. Khi một người đã nghĩ đến những điều như ba đã nghĩ đến; khi trong cuộc đời, một người có những cám dỗ và những hành động xấu xa như trong cuộc đời ba, người đó không phải là một người tốt…
- Ba không hiểu ba đó thôi! Ba tốt lắm chứ! Ba tự nói xấu ba! Ba hãy nhớ lại những người mà ba đã thương yêu, đã tận tâm với họ, những bệnh nhân của ba, những cố gắng của ba để chăm sóc họ, chữa lành bệnh cho họ…
- Vì tham vọng… Vì lòng kiêu hãnh…
- Ba hãy nhớ lại con chó già Tom mà ba phải giải phẫu trước mặt các sinh viên… Nó đã liếm hai bàn tay của ba, ba đã không nỡ mổ xẻ nó, ba đã bảo người ta mở dây trói cho nó, mang nó về cho chị con… Ba thấy rõ là ba rất tốt mà!
Ông nhún vai.
- Và những dứa bé ở trại thương điên… Ba không nhớ ba đã yêu thương chúng đến mức nào, ba không nhớ nỗi đau buồn của ba khi cô bé đó chết? Nó đã bắt đầu nhận ra ba… Nó đưa hai bàn tay sờ lên mặt ba… Con, nó làm con sợ… Nhưng ba, ba để yên cho nó sờ… Ba rất thương nó, ba đã khóc khi nó chết… Và còn chuyện người đàn bà ấy nữa, người công nhân nhà máy đã đem đứa con trai lớn bị bệnh điên cho ba chữa, ba không nhớ sao? Đã năm năm rồi, ở khắp nơi, người ta đã tìm đủ mọi cách để chữa bệnh điên cho cậu ta. Cậu ta đã qua tay của tất cả những kẻ cạnh tranh với ba. Ba hãy nhớ lại, lúc đó ba đã sợ. Người ta rình rập ba, mọi đối thủ theo dõi ba. Nếu ba thất bại, tất cả mọi người sẽ biết. Một tai họa cho ba! Và trường hợp bệnh điên đó gần như không thể chữa được. Người ta yêu cầu ba phải thực hiện một phép nhiệm màu! Ba đã do dự trong hai ngày, ba có nhớ không? Và ba đã đánh liều tất cả tên tuổi, danh tiếng của ba, phương pháp của ba, tất cả, để cứu giúp một kẻ đã cầu xin ba! Và cậu ta đã lành bệnh, cậu ta đã làm việc trở lại… Đó là những điều ba đã làm! Ba thấy rõ là ba rất tốt!
- À! - Doutreval nói.
Ông xúc động nghẹn ngào. Ông ngồi xuống một thân cây bạch dương, rút khăn mùi xoa ra, và khóc. Trong nỗi đau đớn khốn khổ của ông, những lời nói của cô con gái đem đến cho ông một sự êm dịu, một niềm hy vọng không thể diễn tả được. Bởi vì một trong những niềm vui lớn nhất mà con người có thể biết được, ấy là tìm thấy trong quá khứ của mình những kỷ niệm của một hành động tốt đẹp xuất phát tận đáy lòng mình, một hành động của lòng tốt thuần túy, lòng tốt vô điều kiện.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Thể Xác Và Tâm Hồn - Maxence Van Dek Meersch

Postby bevanng » 01 Jan 2023

6.


Evelyne bị sảy thai khi được ba tháng rưỡi. Cơn sốt nổi lên. Chắc vẫn còn sót nhau. Roy khuyên cô nạo tử cung. Lo lắng suốt cả ngày, vào buổi chiều, Roy dùng xe hơi chở Évelyne đến dưỡng đường của mình.
Vào lúc Michel sửa soạn đi theo cô, người ta gọi anh đến nhà một công nhân già có cô con dâu đang nguy kịch.
Michel hối hả đến ngôi nhà đầy tiếng khóc. Thiếu phụ vừa mới qua đời trong tay bà mụ, giữa lúc đang sinh. Con trai của ông đã chết cách đây ba tháng. Ông bà già chỉ còn lại cô con dâu và hy vọng vào đứa bé này.
Đứa bé vẫn còn sống, nó hãy còn cựa quậy, trong bụng của người mẹ.
Michel bảo họ mang đến những viên gạch nóng, mấy bình nước sôi, những chiếc chăn len để bọc người chết, và chạy đi gọi điện thoại cho Roy.
Roy sắp sửa phẫu thuật cho Évelyne. Michel giải thích. Bảy phút sau Roy đã đến nơi cùng với một y tá. Họ không nói gì cả, tiến vào trong phòng, khoác áo blouse trắng, đẩy hai ông bà già, bà mụ và những người đàn bà hàng xóm tò mò ra cầu thang.
Tai dán chặt vào lỗ khóa, bà bán thực phẩm mập lùn kinh hãi khi nghe Roy nói với người phụ tá:
- Hãy cẩn thận nhé! Phải thận trọng như thường lệ. Chúng ta coi như người mẹ hãy còn sống. Biết đâu đấy!
Rồi sự im lặng. Vài tiếng động lách cách của những dụng cụ bằng thép. Một tiếng thốt bực dọc của Roy. Một mệnh lệnh:
- Chỉ ruột mèo, Michel. Buộc sợi nhau đi! Xong rồi! Trong bầu không khí im lặng, một tiếng khóc nhỏ bé, kỳ lạ đột ngột vang lên làm tất cả mọi người giật mình, vừa kinh hãi vừa hy vọng.
Michel mở cửa ra.
- Xin mời bà mụ.
Nhưng tất cả đều ùa vào. Tất cả đều muốn nhìn thấy phép màu. Đám đông chạy bổ vào trong phòng, xô đẩy bà mụ và ngắm nhìn ba anh “đồ tể” người bê bết máu, đang vui vẻ chỉ cho mọi người xem đứa bé vẫn còn sống.
- Còn bây giờ tôi phải chuồn về dưỡng đường phẫu thuật cho vợ anh. Anh sẽ làm gì?
Michel do dự trong một giây. Anh không thể bỏ đi. Đứa bé rất yếu, sự sống hãy còn mong manh. Michel phải ở lại bên cạnh nó. Thật là khổ tâm.
- Tôi phải ở lại… Anh hãy chạy về nhanh đi. Hãy làm hết sức… Tới gửi vợ tôi cho anh.
Roy nhìn anh, siết tay anh, rồi ra về. Cho đến mười giờ tối, Michel hơ nóng những miếng tã, chăm sóc cho đứa bé, giúp ông chủ nhà bị ngất xỉu vì kiệt sức và yếu tim tỉnh lại. Thỉnh thoảng, giữa tất cả những việc làm đó, anh nhớ đến Évelyne… Đúng mười giờ, đứa bé đã khỏe, hai ông bà già đã lấy lại tinh thần.
- Bây giờ tôi xin từ biệt ông bà, tôi đi thăm vợ tôi. - Michel nói.
- Vợ của ông?
- Phải. Vợ tôi đang được phẫu thuật ở dưỡng đường của bác sĩ Roy.
- À! Thưa ông bác sĩ! - Bà già nói, xúc động ứa nước mắt. - Thật là tốt… Thật là tốt!
Michel không nghe thấy. Anh đã lên xe hơi. Sau cùng, anh có quyền nghĩ đến anh, đến Évelyne. Anh gặp Évelyne tỉnh dậy trong một căn phòng của dưỡng đường.
- Tất cả đều tốt đẹp, mỹ mãn. - Roy nói.

Việc cứu sống đứa bé tạo nên tiếng vang rộng lớn trong vùng. Người ta chưa từng thấy điều này, lấy đứa bé từ trong bụng của người mẹ đã chết. Tất cả mọi người đều muốn đến xem đứa bé đó. Danh tiếng của Michel bỗng tăng lên gấp mười lần. Nhiều khách hàng mới - bây giờ là những khách hàng ở rất xa - đến với anh. Các bệnh nhân cũ trở về với anh, vẻ hối hận.

Delabry, một nhân viên ngân hàng, cho mời Michel đến. Khởi đầu bằng một cơn đau nhói ghê gớm ở mạn sườn bên phải, sau đó anh ta bị đau bụng dữ dội.
Bụng cứng, phình lên, mạch yếu như sợi chỉ. Đã quá trễ để phẫu thuật.
Michel gọi Roy.
Sau khi khám xong, Roy càu nhàu với Michel:
- Anh lạc quan quá lố. Anh ta không còn sống nổi nữa. Anh ta sẽ chết trong tay tôi ngay hơi thuốc mê đầu tiên. Anh ta xanh lè rồi! Anh không thấy sao? Không còn mạch nữa, một quả tim…!
- Anh ta xanh lè, đồng ý. Nhưng nếu còn một chút hy vọng…
- Anh đi gặp Lequesnoy đi! Xem ông ta có chịu phẫu thuật không!
- Chính vì lẽ đó tôi mới gọi anh.
- Ơ! ơ! - Roy càu nhàu nói nhỏ. - Dù sao, anh cũng làm quá! Thôi được. Tôi sẽ phẫu thuật, nhưng tôi không gây mê, chỉ tiêm một mũi moóc-phin thôi. Tôi không muốn anh ta chết trên bàn mổ! Còn về những hậu quả của ca phẫu thuật, tôi không dám bảo đảm đâu. Chính anh sẽ gánh chịu trách nhiệm đó! Bây giờ, anh hãy giải thích cho anh ta cố gắng thuyết phục anh ta chịu phẫu thuật, nếu anh có thể làm được!
Đó mới là điều khó nhất! Michel biết rõ như thế. Anh quay trở lại bên cạnh Delabry.
- Thế này, anh Delabry, chúng tôi sẽ phẫu thuật cho anh…
- Không. Tôi chán quá rồi… Tôi muốn chết hơn… Tôi đau đớn quá nhiều rồi… - Delabry nói.
- Anh có hai đứa con, một người vợ…
Delabry khóc, do dự.
- Chỉ trong một giờ là xong. Sự thật là có một chút trở ngại anh quá yếu, chúng tôi sẽ không gây mê cho anh được. - Michel nhấn mạnh.
- Như vậy thì không. Không! Tôi đã đau đớn quá nhiều… Vậy, bác sĩ hãy để cho tôi được chết yên thân. Vì lòng thương hại…
Nhưng Michel phải bóp nghẹt lòng thương hại này, anh phải tỏ ra tàn nhẫn, nói đến người vợ, đến mấy đứa con.
Và bởi vì vẫn còn một tia hy vọng để cứu sống anh ta, và vì lòng thương hại thật sự, lòng thương hại thông minh, đôi khi người ta phải mang chiếc mặt nạ cứng rắn nhất, tàn nhẫn nhất, và biết làm câm lặng con tim.
Sau cùng Delabry không còn sức từ chối nữa:
- Được rồi, bác sĩ. Tôi tin tưởng ông… Ông hãy tiến hành đi…
Người ta đưa Delabry đến dưỡng đường. Roy chỉ tiêm một mũi moóc-phin, phẫu thuật cho anh ta mà không dùng thuốc mê. Michel giữ cái đầu của kẻ khốn khổ, yên lặng nhìn kẻ bị hành hình cắn chặc một chiếc khăn tay cũ trong một tiếng rên siết ngấm ngầm. Roy lấy trong bụng ra hai lít mủ và máu dơ.
Trong những ngày kế tiếp, Delabry vẫn sống. Anh ta có vẻ chịu đựng được. Roy lấy làm kinh ngạc. Nhưng sự hành hạ đau đớn vẫn còn kéo dài. Vết mổ không chịu liền da. Bây giờ trên bụng bệnh nhân có một lỗ hổng rộng bằng ba ngón tay, theo đó ruột lòi ra ngoài trong nhiều tuần lễ. Roy phải vất vả vô cùng để chặn và đẩy khúc ruột đó trở vào trong bụng. Mỗi lần thay băng phải mất hai giờ, làm cho kẻ khốn khổ bị đau đớn. Và Delabry đã sống.


Image


Roy rất hào hiệp trong những dịp như thế. Anh ta càu nhàu một chút thật đấy, nhưng không bao giờ từ chối, khi nào vẫn còn một tia hy vọng thành công thì anh ta vẫn phẫu thuật.
Một loạt những vụ hỏng thai. Bà vợ Marquez bị hư một cái thai mới sáu tháng, do tai nạn. Hai vợ chồng bà đều bị bệnh giang mai. Cái thai được lấy ra, một khối keo vô hình dáng, giống như một loại sứa nhợt nhợt, ghê tởm.
Kế đó là một loạt những vụ phá thai cố ý, được thỏa thuận giữa người đàn ông và người đàn bà. Người ta phá thai vào chiều thứ Bảy, để cho người phụ nữ có trọn ngày Chủ nhật nghỉ ngơi trước khi trở lại làm việc tại nhà máy.
Hôm đó, vợ người bán thịt lại bị sảy một cái thai bốn tháng. Một lần nữa, Michel chăm sóc bà, không nói gì cả. Sau đó, khi tất cả đã xong, bạn phải nhìn thấy vẻ mặt buồn bã của hai vợ chồng khi họ từ giã anh. Họ giấu giếm rất tệ sự hài lòng đã được giải thoát khỏi đứa bé, và đã đánh lừa được người bác sĩ.
Cũng trong tuần lễ đó, gia đình Lavaisne gọi anh đến khẩn cấp. Cô Lavaisne hai mươi tuổi bị chứng băng huyết không thể giải thích được. Ông Lavaisne rất lo lắng, bà Lavaisne cũng thế. Dù bà đã cắm sừng chồng không biết bao nhiêu lần, bà vẫn không hay biết gì về vụ này. Bà không một chút nghi ngờ con gái mình, điều này được thấy rõ ngay: Bà nói quá nhiều đến những mũi thuốc tiêm và sự nghỉ ngơi trên chiếc ghế dài…
Michel lặng lẽ chăm sóc cho cô gái trước mặt cha mẹ cô. Nhưng anh cũng nói riêng với cô về điều này, hai hay ba lần. Cô khóc, và bảo đó không phải là lỗi của cô.
Những người mắc bệnh giang mai thường gây cho Michel nhiều rắc rối. Anh phải vận dụng biết bao sự khéo léo, mưu mẹo và nói dối khi cần thiết! Một người đàn ông đáng mến đến gặp Michel. Ông cho anh xem một cái nhọt khả nghi.
- Ông có vợ không?
- Có.
- Ông đã lừa dối vợ ông.
- Không có đâu.
- Nào, nào…
- Tôi thề với ông là không có!
Michel lặng im, suy nghĩ. Phải tránh một tấn bi kịch cho gia đình ông ta.
- Ông hãy đưa vợ ông đến. Tôi muốn khám cho bà ấy nữa.
Ngày hôm sau bà vợ đến, vẻ không bằng lòng chút nào. Michel khám cho bà. Bà bị bệnh giang mai. Và những triệu chứng của bà kéo dài lâu hơn: Chính bà đã lây cho chồng. Trước mặt người chồng đang kinh hãi, Michel hỏi:
- Thưa bà, trong năm vừa qua, bà có đi du lịch bằng xe lửa không?
- Không…
Bà không hiểu. Cần phải nhấn mạnh:
- Bà có đi đại tiện trong một buồng vệ sinh ở khách sạn không? Bà đã có sử dụng một chiếc khăn nào khả nghi không? Nguyên nhân lây bệnh có thể là từ đó.
Bà vợ chợt hiểu ra. Bà nhận thấy Michel muốn cứu bà. Bà nhìn anh. Hai người đều đoán được ý nhau. Bà nói lắp bắp:
- Chúa ơi… Đúng vậy… Tôi nhớ ra rồi… Vào tháng Tám, chúng tôi đã đi xe hơi đến Paris, ba ngày… Mình ơi, mình có nhớ không?
- Phải rồi, - người chồng đáp. - Thật thế! Chà! Vụ này thật là rắc rối!
Ồng chồng không nghi ngờ gì cả. Hạnh phúc của ông được bảo toàn. Anh chữa bệnh cho cả hai vợ chồng cùng lúc.
Nhưng thường là người vợ đến để Michel khám bệnh. Mụn nhọt, ngứa, lở. Bà bối rối, đỏ mặt xấu hổ. Michel đoán được bà ngay thẳng, dịu dàng hỏi:
- Thưa bà, gia đình bà vẫn hòa thuận chứ? Bà không đi ra ngoài một mình. Bà không… Tôi muốn nói… Xin bà tha thứ cho sự thô lỗ của tôi, bà không lừa dối chồng bà chứ?
- Ồ! Bác sĩ!
- Không, không có, dĩ nhiên… Vậy xin bà hãy đưa ông ấy đến đây nữa.
Một mình người chồng đến trong những ngày sau đó. Ngay khi mới đến, ông ta lớn tiếng với anh:
- Bác sĩ, dường như ông đã bảo với vợ tôi…
- Xin lỗi, xin lỗi, - Michel nói. - Trước hết chúng ta hãy nói về ông. Ông đã mắc bệnh giang mai ở đâu?
Câu này làm cho sự ngạo mạn của người chồng chùng xuống. Ông ta bối rối, do dự, thú nhận, xin ý kiến. Michel và ông cùng nhau xem xét tình hình, như những người bạn. Sẽ phải nói gì với bà vợ? Có thể nói với bà về một ông cụ nào đó đã truyền lại chứng bệnh này cho con cháu. May mắn thay, trong gia đình nào cũng có một ông già ăn chơi khét tiếng. Ông già đó sẽ được người ta đổ lên đầu mọi trách nhiệm. Và nếu vì một trường hợp lạ thường nào đó, trong gia đình không hề có một nhân vật “ăn chơi”, người ta sẽ gọi bà vợ đến và bảo với bà rằng bà đã bị nhiễm bệnh khi uống một ly nước không được rửa sạch. Do đó bà đã lây bệnh cho chồng bà. Người đàn bà khốn khổ sợ hãi, khóc lóc. Người chồng rộng lượng, bèn an ủi bà. Thêm một gia đình nữa được cứu.

Một buổi tối, bà Lavaisne gọi điện thoại cho Michel.
- Nhanh lên, bác sĩ! Chồng tôi! Một chứng ứ huyết. Không, không phải ở nhà chúng tôi! Ở thành phố. Đường Louis-Blanc.
Thay vì chứng ứ huyết, ông Lavaisne đã nhận vào đầu một viên đạn súng lục do cô tình nhân bắn. Ngôi nhà bị xáo trộn hoàn toàn. Máu vương từ phòng ngoài đến tận lầu trên. Michel đến vừa đúng lúc để gỡ người tình của ông Lavaisne ra khỏi hai bàn tay của con trai ông. Cậu ta muốn bóp cổ người này đến chết. Bà Lavaisne và con gái lục lọi trong các ngăn tủ. Ở tầng dưới, trên chiếc giường trải nệm bằng tơ vàng lốm đốm những vết máu đỏ, ông Lavaisne đang hấp hối. Vài phút sau, ông chết.
Trong khi Michel viết tờ chứng nhận, bà Lavaisne và con gái tự do đi lại trong ngôi nhà của kẻ thù. Họ kéo các ngăn tủ ra, tìm kiếm giấy tờ, hóa đơn, một tờ chúc thư có thể có. Còn Michel, sau một lúc do dự, anh quyết định bỏ công thức thông thường: “Từ trần vì bệnh tự nhiên, ngày…” Mà chỉ chứng nhận một cách đơn giản: “Từ trần ngày…”. Dù sao như thế cũng vẫn rắc rối. Việc bỏ mấy chữ “vì bệnh tự nhiên” sẽ làm cho người y sĩ hộ tịch nghi ngờ chăng? Mặt khác, ghi nó vào tờ chứng nhận sẽ là một sự gian dối có thể bị truy tố ra tòa. Không phải lúc nào cũng giũ được bí mật nghề nghiệp một cách dễ dàng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Thể Xác Và Tâm Hồn - Maxence Van Dek Meersch

Postby bevanng » 01 Jan 2023

Gần sáng ngày hôm đó, anh thợ mộc Wilder chạy vội đến chỗ Michel. Michel không kịp rửa mặt, tới ngay nhà Wilder. Con trai của anh ta bị động kinh, rất đáng lo ngại. Hai vợ chồng Wilder cuống cuồng lên. Michel cởi áo veston, đốt lò lửa, đích thân nấu nước sôi, chuẩn bị chậu, khăn vải. Anh cởi tã cho đứa bé, đặt nó lên đầu gối, quấn vào người nó những miếng vải ướt và nóng. Sau đó, anh tắm rửa cho nó bằng nước nóng. Đưa bé nôn lên áo anh. Rồi nó dịu xuống và ngủ thiếp đi. Tới sáu giờ, lúng túng giữa những vũng nước, những miếng vải, những chiếc bình, chậu bị dính bồ hóng, tro và than, Michel hài lòng đặt đứa bé đã ngủ thiếp vào trong nôi. Anh vừa lau mặt vừa bảo:
- Tôi nghĩ nó đã thoát cơn nguy hiểm!
Người mẹ khóc, nói lời cảm ơn, rồi lại khóc nữa. Bà đi pha cà phê. Người cha hỉ mũi. Michel cho vài lời khuyên, rồi uống thứ cà phê không biết phải gọi là gì, rửa tay, khoác áo veston lên chiếc áo bị nhớp nhúa, lem luốc. Évelyne sẽ bảo sao đây?
- Bây giờ, thưa bác sĩ, chúng tôi phải trả bác sĩ bao nhiêu? Michel biết rõ Wilder, một người đàn ông nghèo khổ, liên tiếp bị hai tai nạn lao động.
- Chỉ là một cuộc khám bệnh thôi, Wilder. Mười lăm franc.
Michel trở về nhà. Sắp đến bảy giờ, quá trễ rồi, không thể ngủ được nữa. Trong những lúc mệt mỏi như thế này, Michel luôn luôn có cảm giác êm dịu khi thấy Évelyne đã thức dậy và chờ đợi anh. Anh nhẹ nhàng trách vợ, nhưng vẫn cảm thấy sung sướng khi có cô bên cạnh, được nghe cô vừa nói chuyện vừa lăng xăng chuẩn bị những lát bánh mì phết bơ, cà phê, nước nóng để cạo râu, dao cạo, khăn lau khô, quần áo sạch.
Và ngày làm việc của Michel lại bắt đầu. Đến trưa, vào giờ ăn, một bà cụ bị bại liệt từ Arras đến bằng xe cam nhông 1 nhỏ, và anh phải khám bệnh cho bà ngay trong xe. Bữa ăn được rút ngắn lại. Từ một giờ đến bốn giờ, Michel tiếp các bệnh nhân, họ chen chúc trong căn phòng nhỏ quá nóng nực, nồng nặc mùi mồ hôi và mùi người.


1. Tiếng Pháp: Camion

Đến bốn giờ, mệt mỏi, đầu óc nặng trịch, anh ra ngoài vươn hít thở không khí trong lành bên cạnh Évelyne, một Évelyne đầy hạnh phúc với cái thai mới. Rồi, vì hôm đó là ngày thứ Bảy, anh đi khám bệnh cuối tuần, ghé thăm các bệnh nhân sắp qua đời. Anh lật cuốn sổ tay xem tên các bệnh nhân có thể sẽ chết trong vòng hai tháng tới. Trước hết là Borghère, Michel đến khám bệnh cho anh ta, thay đổi vài món nhỏ trong thực đơn ăn uống. Một cái vỗ thân thiện vào bộ ngực đầy lông đã mất hết thịt. Một cái vỗ mạnh đầy lạc quan, dối lòng, thân thương, bè bạn. Borghère mỉm cười, lấy lại sức mạnh tinh thần đủ để chịu đựng trọn cả tuần lễ.
Michel đến bốt cảnh sát để chứng nhận cái chết của một thiếu phụ bị xe lửa điện cán. Xong việc, anh trở về nhà. “Chiều thứ Bảy rồi!” Anh sẽ được nghỉ ngơi với Évelyne trong khu vườn. Những giây phút êm dịu! Chiếc Citroen già nua tăng tốc độ.
Trước cửa có một người đang nhấn chuông. Michel xuống xe. Đó là cha của Francine, cô gái bị bệnh lao.
- Thưa bác sĩ, xin ông tha lỗi, tôi làm phiền ông… Con bé nhà tôi… Nó muốn được gặp ông… - Ông ta bối rối, lúng túng. - Chúng tôi biết là không cần thiết nữa. Nhưng thưa bác sĩ, đây là lần cuối cùng. Mục sư đã đến, nó sắp chết… Và ông là người đã chăm sóc nó tận tình, nó rất mến ông… Nó bảo tôi: “Thưa ba, con muốn được gặp lại ông bác sĩ một lần nữa.” Vì thế tôi mới dám đến đây. Bệnh nhân nữ mà! Bác sĩ hiểu chứ, nó có những ý muốn kỳ lạ, thưa bác sĩ… Nên tha thứ…”
- Dĩ nhiên, dĩ nhiên, ông yên tâm… Tôi đến ngay bây giờ đây.
Michel bước vào khu vườn…
- Évelyne đáng thương của anh, chiều nay chúng ta lại bị quấy rầy nữa rồi…
Cô thở dài và nở nụ cười:
- Biết làm sao được, Michel, nghề nghiệp mà…
Anh quay ra xe, nó không chịu nổ máy. Làm đủ hết cách nó vẫn cứ ì ra đó. Michel đành đi bộ.
Cha của Francine nói đúng. Cô ấy sắp chết. Cô đang chết một cách từ từ, rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, cô vẫn còn nhận ra Michel. Cô mỉm cười với anh, nói thật nhỏ trong hơi thở:
- Ông Doutreval, tôi sắp chết… Tôi muốn được nói lời cảm ơn ông… Ông đã rất tốt với tôi…
Giờ phút này, cô không còn gọi Michel là “bác sĩ”, hay “thưa ông bác sĩ”. “Ông Doutreval”, một người bạn, một người thân trong gia đình. Cô yêu cầu rót cho anh một ly rượu sâm-panh, cô chỉ cho anh một cành hoa trên chiếc bàn, muốn tặng nó cho anh. Nó sẽ là một kỷ niệm của cô. Tâm hồn cô hơi lãng mạn một chút… Mười chín tuổi… Trí óc cô ra đi trước. Cô mất dần ý niệm về sự vật. Cô cảm thấy điều đó, và sợ hãi, cầu khẩn Michel:
- Ông Doutreval… Xin ông vui lòng… ở bên cạnh tôi. Xin ông đừng để tôi một mình…
Và Michel ở lại bên giường cô gái đang chết từ từ. Cô nắm lấy bàn tay anh. Điều này làm cho cô yên lòng. Một cách chậm chạp, cô rơi dần vào tình trạng vô thức. Thỉnh thoảng cô mở mắt ra, hai con mắt lạc lõng trong một bức màn sương, và cô trông thấy Michel đang nghiêng mình xuống người cô, cùng với cha mẹ cô. Liền đó sự sợ hãi trong cô tan biến.
Cho đến phút chót, khi cái chết đã gần kề bệnh nhân, Michel vẫn đem đến cho tinh thần cô một sự an ủi quý báu. Niềm tin của cô nơi Michel quá lớn lao, quá trong trắng và quá đẹp đẽ đến nỗi chỉ cần biết có anh bên cạnh cũng đủ làm cho cô yên lòng tiến vào cõi âm u.

Trời dần tối khi Michel rời người chết, trở về nhà. Đôi mắt hơi sưng đỏ làm anh khó chịu. Anh mệt mỏi bước đi dọc theo những con đường băng qua khu phố công nhân, bằng một cử chỉ máy móc đáp lại lời chào của các công nhân, của những người đàn bà ngồi hóng mát trên thềm nhà.
- Chào bác sĩ! Chào ông bác sĩ!
Anh là Michel Doutreval, bác sĩ của họ, bác sĩ “số một”, “người giỏi nhất trong những người giỏi nhất”, tuy họ ít khi có tiền trả cho anh. Họ mỉm cười với anh, cho con họ ôm lấy chân anh, họ đón anh để nói chuyện, xin anh những lời khuyên. Chị bán hàng xén đáng mến ở đương Louis-Blanc, mà năm ngoái Michel đã khuyên nên cho đứa bé mới sinh bú sữa mẹ, gọi anh lại để khoe cái mông bụ bẫm của con chị. Michel khen ngợi. Sự thật, đó là cái mông nhỏ nhắn xinh đẹp!
Hai vợ chồng Letilleul đứng trước cửa quán nói với anh từ xa:
- Xong rồi! Thưa bác sĩ, chúng tôi đã bán cái quán rượu này, chúng tôi sẽ dời nhà đi chỗ khác!
Cách đây sáu tháng họ đã mua lại cái quán này. Nhưng kể từ đó, họ đau yếu liên miên, con cái họ la cà ngoài đường, các bữa ăn không bao giờ được dọn đúng giờ, họ đi ngủ rất khuya. Cuối cùng họ đã nghe theo lời khuyên của Michel.
Và kia, ở cách đó xa hơn nữa, cô gái chửa hoang Hélène ngồi trên một chiếc ghế thấp đang cho con bú trước khi cho nó đi ngủ. Lúc trước, cô nhờ Michel phá thai, nhưng cuối cùng cô nghe lời Michel sau khi đã khóc trong văn phòng của anh suốt một tiếng đồng hồ.
Michel đi ngang qua những căn nhà nhỏ ấm cúng tỏa ra mùi hành tây. “Một bác sĩ hành nghề trong khu phố”, anh tự lặp lại lời nói của một người bạn mà không còn cảm thấy tự ái nữa. Một bác sĩ khu phố cũng được! Một kẻ từ sáng đến chiều đi khám bệnh bằng chiếc xe già nua hay trở chứng, một kẻ từ bỏ chuyến đi chơi bởi bệnh nhân đang cần mình, một kẻ có cuốn sổ tay ghi tên một lô những bệnh nhân nghèo chưa trả tiền chữa bệnh và có lẽ sẽ chẳng bao giờ trả được, nhưng vẫn tiếp tục chữa cho họ lành bệnh, giả vờ như quên đi số tiền đó. Một đệ tử của ông thầy già Domberlé, một kẻ truyền bá sự thật, khuyên hai vợ chồng Letilleul rời bỏ cái quán rượu đã làm hư hỏng cuộc sống gia đình họ, một kẻ có cuộc đời phải vác gánh nặng của những sai lầm, tội lỗi của người khác, bởi vì anh là một bác sĩ! Một kẻ phải bỏ cả buổi chiều cuối tuần để chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân chỉ vì họ sắp chết, an ủi một cô gái chửa hoang, gặp dịp cũng húp một tô xúp với anh công nhân để không làm anh ta buồn, thức trọn đêm để chăm sóc một sản phụ, đích thân làm những công việc của một y tá, chăm sóc cho em bé, tắm rửa cho nó làm bẩn cả bộ com-lê đẹp và khi được hỏi mình lấy bao nhiêu tiền thù lao, có thể trả lời với sự hãnh diện kín đáo:
- Chỉ là một cuộc thăm khám thôi, Wilder. Mười lăm franc!
Đi qua những ngôi nhà cuối cùng của thị trấn, Michel phải băng qua mấy cánh đồng. Cơn gió chiều luồn qua các hàng rào, bầy dơi bay lượn đó đây trong ánh hoàng hôn tối mờ. Michel nhớ đến cô gái Francine và đôi mắt anh hãy còn ấm nước mắt.
Không thể để Évelyne trông thấy. Cô sẽ lo lắng, sẽ nhìn lén anh suốt đêm. Cô luôn luôn lo sợ. Trong thâm tâm, cô tự trách mình là nguyên nhân khiến Michel phải chịu một cuộc sống khó khăn, tăm tối…
Một cuộc sống khó khăn ư? Ừ, có lẽ. Không tiền bạc, một nghề nghiệp vất vả, một người vợ ốm yếu… đang chờ sinh. Michel không bao giờ nghĩ đến điều này mà không cảm thấy sợ hãi. Lẽ ra anh phải cưới Simone, phải sống bên cạnh một người vợ mạnh khỏe, một cuộc sống xa hoa, sang trọng. Évelyne đã đem đến cho anh một cuộc sống thấp kém, tầm thường. Nhưng giờ đây, một mình giữa cánh đồng trong bóng đêm, dưới bầu trời đầy sao và tâm hồn còn mang nặng cái chết đau đớn của cô gái đáng thương, Michel - với một sự sáng suốt kỳ lạ - cảm thấy anh đã sống đúng theo sự thật và Évelyne đã đem đến cho anh cái niềm vui duy nhất mà con người có thể có được. Cảnh khốn cùng của Évelyne, bệnh tật và bao đau khổ của cô đã làm cho Michel hiểu được Domberlé, đã làm cho anh hiểu được thế nào là sự khôn ngoan, nắm được khả năng xoa dịu vô giá và chữa lành bệnh. Nhờ cô, và chỉ nhờ có cô, anh mới nắm được sự thật với tất cả vẻ đẹp của nó. Còn gì đẹp đẽ hơn là đạt đến sự thật bằng tình yêu?
Và cả lòng nhân ái nữa. Évelyne đã đánh thức phần tốt đẹp nhất trong con người anh: Đó là tấm lòng. Cô đã cứu anh ra khỏi những dối trá, lừa phỉnh của tiền bạc. Nhờ Évelyne, anh đã hiểu được thực tế cuộc sống, đã hiểu thế nào là đau khổ, là nghèo khó, và sự đau khổ đã làm cho anh trở thành một con người với tất cả ý nghĩa cao quý của nó. Nhờ Évelyne, anh biết thương yêu đồng loại, thông cảm với những yếu hèn thấp kém của họ. Nhờ cô, anh đã nhìn những con người rách rưới dơ bẩn dưới một con mắt khác hẳn, như một mảnh đất hoang dại để gieo trồng sự thật. Và Évelyne đã đem đến cho anh một phần thưởng vô giá, cảm tình của giới bình dân nghèo khó, nụ cười và tiếng chào của những em bé được anh chữa lành bệnh, và đôi khi, như lúc nãy, bên giường của cô bé Francine, một nỗi xúc động tột cùng, ngắn ngủi nhưng tuyệt đẹp mà hình ảnh ấy sẽ sưởi ấm tâm hồn anh suốt cả cuộc đời, anh sẽ không bao giờ được hưởng những điều đó nếu như không có Évelyne.
Trong đêm tối, Michel đi theo con đường mòn giữa hai hàng liễu. Anh nhớ lại từng nét trên gương mặt người vợ hiền mà lòng tràn ngập tình thương và biết ơn. Anh hối hả đi nhanh như bị thúc đẩy bởi một bản năng, anh muốn được ở ngay bên cạnh Évelyne để nói với cô tất cả những điều đó. Tình yêu là như thế. Vượt lên trên những hoài nghi, những mệt mỏi chán nản, những cám dỗ, những giờ phút thất vọng mà anh đã tưởng không còn yêu thương nữa, tưởng mình đã làm một chuyện điên rồ theo cái quan niệm khôn ngoan tầm thường của con người. Một ánh sáng chói lòa đã bùng lên trong anh, giữa bóng đêm mịt mù. Anh đã phải từ bỏ tất cả: những tham vọng, sự kiêu hãnh, cuộc sống giàu sang để vui vẻ chấp nhận sự nghèo khó, khốn cùng. Cũng như Domberlé, anh đã sống như một kẻ thần bí hy sinh cho sự thật. Từ bỏ thế giới giàu sang, cuộc sống của anh được dành cho một con người mong manh, bị cái chết luôn luôn đe dọa. Và màu nhiệm thay! Sự hy sinh này đem đến cho anh những phấn khởi, những xúc động và những niềm vui mà cả vũ trụ sẽ không đem đến cho anh. Trong sự hy sinh này, anh đã tìm thấy tất cả lẽ sống, tất cả sức mạnh, tinh thần và đã nhận được nhưng đền đáp xứng đáng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Thể Xác Và Tâm Hồn - Maxence Van Dek Meersch

Postby bevanng » 01 Jan 2023

7.


Cuối tháng Chín năm 1938, Michel được gọi tái nhập ngũ. Anh lên Paris để nói lời từ biệt với người thầy đã chữa lành bệnh cho Évelyne và đã giúp anh nhìn thấy sự thật.
Anh gặp Domberlé ở nhà ông, nơi ông khám bệnh cho vài khách hàng để kiếm sống kể từ khi thôi làm việc ở viện điều dưỡng. Giờ đây Domberlé rất yếu, bị tàn phế nửa người sau khi bị ngã và bị thương ở cột sống. Ông ít khi đi ra ngoài và luôn luôn mang một áo nịt bằng da và sắt.
- Tất cả những cái đó giúp ích cho tôi rất nhiều! Giờ đây tôi hiểu thế nào là sự già yếu. Mọi sự đều tốt đẹp, Doutreval ạ.
Hai người bàn về cuộc chiến tranh đang đe dọa.
- Không! Điều đó không thể xảy ra được! Tôi hy vọng sẽ có một phép lạ! Nếu chiến tranh xảy ra, sẽ quá khủng khiếp!
- Nhưng chúng ta không thể đi sát vực thẳm mà không bị nguy hiểm. Thầy thấy đó, càng ngày chúng ta càng đến gần sự nguy hiểm. Nước Pháp đã trở thành một miếng mồi ngon: Cuộc sống quá dễ dàng, sự ích kỷ càng lúc càng lớn mạnh, quan niệm sống thiên về vật chất được truyền bá sâu trong quần chúng, cuộc sống sa đọa ở thành phố, những lỗi lầm nặng nề đã gây ra biết bao sự cố không thể tưởng tượng nổi!
- Xã hội của chúng ta là một người bệnh mà sức đề kháng tự nhiên bị suy yếu, - Domberlé nói nhỏ. - Nó trở thành một miếng mồi ngon cho bệnh tật - sự xáo trộn hay sự xâm lược vũ trang.
Ông suy nghĩ một lát rồi lắc dầu:
- Chiến tranh! Một xứ sở đáng thương! Một dân tộc đáng thương! Một nước Pháp đáng thường!
- Phải, em nghĩ rằng chúng ta có thể chiến thắng. Nhưng về phương diện tinh thần, một chiến thắng sẽ là một tai họa cho chúng ta: Sự kiêu ngạo của chúng ta sẽ không có giỏi hạn, chúng ta sẽ hưởng thụ một cách điên cuồng, sẽ buông thả theo những bản năng xấu xa nhất… Chiến thắng gần như phải làm cho chúng ta kiệt quệ để không đưa chúng ta vào tình trạng suy đồi ghê gớm.
- Dù các chiến thắng của chúng ta có như thế nào, dù kết quả của cuộc chiến tranh như thế nào, mầm sống của sự suy đồi đã nằm sẵn trong tương lai của nền văn minh chúng ta, nếu chúng ta không thay đổi hoàn toàn nếp sống của mình. Khi chiến tranh chấm dứt và những vết thương đã được băng bó nhanh chóng, nhờ một nền văn minh cơ khí, các dân tộc sẽ ra sao?
- Một cuộc sống sung túc và dễ dàng, điều mà họ gọi là hạnh phúc: Chỉ làm việc ba mươi hay hai mươi bốn giờ mỗi tuần, mọi người đều có xe hơi, được nghỉ mát, được giải trí, hưởng các thú vui mà chúng ta chưa hề biết đến, đồ ăn thức uống ê hề! Các dân tộc, nhờ tự do mậu dịch và nhờ nền văn minh cơ khí, sẽ đạt đến cuộc sống sung túc. Tình trạng này sẽ kéo dài hai mươi năm, một trăm năm… - Michel nói.
- Đúng như thế. Nhưng rồi lúc đó chúng ta sẽ chứng kiến một sự suy đồi ghê gớm của các giống dân da trắng, của các dân tộc văn minh. Một cuộc sống quá sung túc không được kiểm soát sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự tiêu diệt của các dân tộc và các nền văn minh.
- Tuy nhiên, một cuộc sống sung túc và nhàn rỗi tự nó là một điều tốt. - Michel nhận xét.
- Phải. Nhưng với điều kiện là người ta biết sử dụng sự sung túc và sự nhàn rỗi đó vào việc trau dồi trí tuệ và đạo đức tinh thần. Thế nhưng cho đến bây giờ, người ta chỉ sử dụng chúng như một phương tiện để thỏa mãn những hưởng thụ thấp hèn. Không còn nghi ngờ gì nữa, mối nguy hiểm lớn lao đe dọa dân da trắng không phải chiến tranh, mà là sự ngự trị của cơ khí, của cuộc sống quá nhàn rỗi, quá dễ dàng, quá dư thừa. Cuộc sống thành thị với những trò giải trí thấp kém, những thú vui đồi bại, việc sử dụng các thức ăn hóa học đầy kích thích và trái với tự nhiên, sử dụng quá nhiều rượu, thuốc lá, cà phê và dược phẩm, cả một nếp sống độc hại sẽ làm cho con người bị suy yếu nhanh chóng. Các loại vắc-xin, huyết thanh, viện bào chế, viện điều dưỡng, và cả các phương thuốc đặc biệt cũng không ngăn cản được tình trạng suy đồi này. Lúc đó, dù nền văn minh của chúng ta có đẹp đẽ đến mấy, nó cũng sẽ sụp đổ nhanh chóng. Cậu nhìn tôi à? Cậu cho là tôi phóng đại à?
- Không, - Michel đáp. - Nhưng đó quả là một tương lai đen tối.
- Tương lai sẽ đen tối nếu con người không tiến bộ hơn, không tốt hơn về phương diện đạo đức.
- Đúng vậy. Thật khó tin rằng tất cả những cố gắng của trí thông minh con người để vượt lên trên tình trạng thấp kém của con vật, sử dụng những sức mạnh của thiên nhiên để làm cho cuộc sống trần tục của chúng ta được tốt đẹp hơn, thật khó tin rằng tất cả những cố gắng đó lại có thể thất bại! Các nhà bác học và các nhà hiền triết hẳn đã không cần lao tâm khổ tứ từ bao nhiêu thế kỷ nay để đạt đến kết cục bi thảm đó!
- Cậu nói đúng, - Domberlé xác nhận. - Quà tặng quý báu của khoa học, chúng ta có thể sử dụng nó một cách khôn ngoan với một nền y khoa biết nhìn nhận và từ bỏ những sai lầm, và nhất là dành mọi ưu tiên cho con người, được đặt vào đúng vị trí của nó giữa thiên nhiên. Điều này có lâu dài không? Có thể là không. Dù sao, điều chắc chắn là sự thật luôn chiến thắng!
- Nền y khoa có một sứ mệnh đẹp đẽ đang chờ đợi nó trong tương lai, - Michel nói.
- Đúng thế! Nhận ra những sai lầm của mình, thoát khỏi phương pháp điều trị lúc nào cũng bị ám ảnh bởi những triệu chứng, trở về với quan niệm tất cả mọi bệnh tật đều có những nguyên nhân chung… là chiến đấu để soi sáng cho con người thấy những nguyên nhân thật sự của bệnh tật, những định luật chi phối con người, sự cần thiết phải theo một chế độ ăn uống có nhiều loại ngũ cốc và trái cây vốn là một chế độ ăn uống thích hợp với sinh lý của con người. Dĩ nhiên, điều này sẽ cần đến sự giúp đỡ của các nhà làm luật.
Doutreval thân mến, xin từ biệt. Liệu chúng ta có còn gặp lại nhau nữa không? Cầu mong cho những điều tiên đoán của tôi trở thành sự thật, cầu mong cho nền y khoa tìm lại được sự thật và nhận thức được sứ mệnh cao quý, giao phó cho nó cái nhiệm vụ cứu vãn nền văn minh của chúng ta, cứu vãn cái thể xác và tâm hồn của chúng ta.

Sáng hôm sau, khi Michel đến nhà ga phía Đông để lên chuyến xe lửa đi Châlons-sur-Marne. Giữa đám đông ồn ào chen lấn gồm những quân nhân được động viên, đàn bà và trẻ em, một trung úy to béo - trong bộ quân phục bằng kaki với chiếc cổ áo đỏ thêu phù hiệu quân y - thình lình vỗ vai anh và mỉm cười. Michel nhận ra Belladan, bạn học cũ ở trường đại học. Belladan, đã trở thành tổng thanh tra bảo hiểm xã hội, cũng đi đến Châlons để gia nhập đơn vị của mình. Anh đi bằng xe hơi riêng. Anh nói:
- Để tao chở mày đi.
Trên xe, hai người nói chuyện về Tillery, Seteuil và Santhanas, về những ông thầy già, trường đại học. Họ đến Châlons rất sớm. Đường phố đầy nghẹt người, nào lính tráng, nào xe vận tải, xe hơi, xe cứu thương. Băng qua đám đông hỗn độn này, Belladan đưa Michel đến tận văn phòng của quân y viện, rồi mới từ giã bạn.
Michel làm các thủ tục thường lệ đầu tiên, rồi đến trình diện với trung tá quân y Marchelier, người trực tiếp chỉ huy anh. Marchelier cao lớn, vui tính, râu ria xồm xoàm, gương mặt sạm nắng vì 10 năm phục vụ tại các xứ thuộc địa, giao cho Michel chỉ đạo các nữ y tá khử trùng các phòng phẫu thuật. Suốt cả buổi chiều, Michel tích cực điều hành công việc.
Bảy giờ. Đêm đã buông. Những cửa sổ lớn được đóng kín và đèn điện đã được thắp sáng từ lâu. Bỗng một giọng nói vang lên từ hành lang gọi anh:
- Michel! Michel! Anh chàng này trốn đâu rồi?
Michel nhận ra giọng nói của trung tá Marchelier:
- Được lắm! Tất cả đều sạch sẽ! Chứng tỏ một sự tích cực! Này Michel, có phải anh ở Angers không? Tốt lắm. Anh hãy chạy nhanh đến trại của Dupuytren đi. Có người đang đợi anh ở đó.
Michel vội vã cởi áo blouse trắng và khoác lên người chiếc áo sĩ quan rồi đi xuống sân trại tràn ngập bóng đêm. Một đêm đen dày đặc. Những bóng người đi vội vã, đụng nhau trong bóng tối và buông ra những tiếng chửi thề. Rải rác đây đó là ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường được ngụy trang. Sau nhiều phen dò dẫm, đi lòng vòng quanh co với những đụng chạm và xô đẩy, Michel được một người lính hướng dẫn đến khu trại. Michel đi qua cánh cửa có một tấm vải che phủ và tiến vào căn phòng chói lòa ánh sáng ở tầng trệt. Anh thấy hai dãy giường trống được trải những tấm vải sạch sẽ thẳng thớm. Các y tá đang hăng hái làm việc dưới sự chỉ huy của một thiếu tá quân y, lưng quay về phía của ra vào, đầu để trần, thân hình cao lớn, mảnh dẻ, tóc bạc trắng nhưng dáng vẻ vẫn còn trẻ trung.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Thể Xác Và Tâm Hồn - Maxence Van Dek Meersch

Postby bevanng » 01 Jan 2023

Tiếng động ở cửa làm ông quay người lại. Ra những mệnh lệnh cuối cùng cho các y tá, ông chậm chạp tiến về phía Michel. Ông chống trên chiếc gậy một cách tự nhiên đến độ người ta không thể đoán được là ông đi khập khiễng, ông tiến đến gần Michel. Gương mặt dài hơi nhăn nheo, hơi già đi một chút, có vẻ xanh xao và căng thẳng đặc biệt. Để cố gắng mỉm cười với Michel, nét mặt của ông nhăn lại gần như đau đớn.
- Michel, con!
Với một con người đầy kiêu hãnh như Doutreval, phải có một sự thay đổi tinh thần rất lớn thì ông mới chủ động giảng hòa trước con trai mình. Michel xúc động muốn khóc trước sự hạ mình của cha. Anh muốn lao tới ôm hôn cha, nhưng anh không dám. Anh chỉ nắm lấy bàn tay của Doutreval đang chìa ra, siết nó hơi lâu một chút, hơi mạnh một chút.
- Ba biết con đã đến đây, - Doutreval nói với giọng khàn khàn thường lệ trong những lúc ông cố giấu sự xúc động của mình. - Và ba đã nhờ Marchelier gọi con… Thật là hạnh phúc khi gặp lại nhau trong hoàn cảnh này, phải không?
- Thưa ba, nếu con biết ba ở đây, chính con sẽ… Nhưng con không ngờ…
- … Rằng ba có thể ở đây, cũng như con, phải không? Nhưng con thấy rồi đó. Ba tình nguyện gia nhập quân đội từ ba ngày nay. Trong những trường hợp như thế này, ba nghĩ người ta có thể cần đến ba…
Giọng nói của ông đã rõ ràng trở lại, ông đã lấy lại giọng nói bình thường của mình. Ông nở một nụ cười.
- Ba gửi cho anh bạn già Marchelier một bức điện tín… Và anh ta tìm được ngay cho ba một việc làm ở đây, bất chấp cái chân què của ba. Nhưng điều này đâu ngăn cản được ba chữa trị chân gãy của những người khác! Còn con thì sao?
- Thưa ba, con cũng nhận được lệnh tái nhập ngũ.
- Ừ, phải… Nhưng dù sao chúng ta hãy cứ hy vọng! Ba không tin chiến tranh sẽ xảy ra!
- Con đã không hề viết thư cho ba, - Michel nói một cách khổ sở. - Con sợ… Con sợ bị ba cự tuyệt. Con đã có lỗi lớn đối với ba…
- Và ba cũng thế, ba cũng đã sợ, - Doutreval thú nhận. - Ba sợ con không trả lời ba, không tha lỗi cho ba. Ba sợ phải chịu thêm một nỗi đau khổ nữa… Bởi vì rất nhiều đau khổ đã xảy đến với ba, từ lúc con ra đi. Phải…
Nở một nụ cười nhợt nhạt can đảm, ông nói tiếp:
- Và ba cũng vậy, ba cảm thấy có lỗi đối với con. “Hãy viết đi! Hãy viết đi!” Nhưng ba đã không bao giờ dám viết… Rốt cuộc, mọi lỗi lầm đều được sửa chữa lại trong buổi tối nay, phải không Michel? Vả lại, chốc nữa chúng ta sẽ nói đến chuyện này… À! Tối nay con có rảnh không? Con có cần ba nói với Marchelier một tiếng không…? Ba muốn chúng ta được ở chung với nhau một lúc.
- Công việc của con đã xong. Bây giờ con đang rảnh.
- Rất tốt.
Ông đưa cánh tay lên liếc nhìn đồng hồ đeo tay.
- Bảy giờ rồi. Chúng ta sẽ đi ăn tối nếu con muốn. Hãy chờ ba một chút.
Ông ra vài chỉ thị cho các y tá, rồi trở lại đẩy Michel ra cửa.
- Con hãy đi trước. Con có xe hơi không?
- Dạ không.
- Rất tiếc. Ba hơi mệt. Nhưng kệ vậy.
Hai người cùng đi ra, bước xuống các bậc thềm đá dẫn đến cái sân chìm trong bóng đêm.
- Chúng ta sẽ đi ăn ở đâu, con? - Doutreval hỏi.
- Thưa ba, chỗ nào cũng được. Tùy ý ba.
Trong bóng tối dày đặc, hai cha con khó nhọc dò dẫm từng bước dọc theo bức tường bao quanh cái sân. Và khi ra khỏi quân y viện, hai người tiến về phía quảng trường chính, đêm đen như mực làm họ không nhận ra được vô số bóng người xô đẩy họ, chạm vào họ và buông ra những tiếng chửi thề. Đó đây lác đác một bóng đèn đường tỏa ra ánh sáng màu xanh mờ vô ích tựa như một ngôi sao nhỏ bé và tang tóc. Họ đi loạng choạng trong bóng tối âm u, thỉnh thoảng vấp phải lề đường hay đột ngột thấy xuất hiện khối đen sì của một chiếc xe hơi đèn đuốc tắt ngấm, vì lý do an ninh. Quảng trường chính chen chúc những người thuộc đủ mọi thành phần như thường dân, binh lính và sĩ quan, nữ y tá, đám người say rượu. Tất cả đều đi lang thang khắp thành phố trong lo âu, tìm kiếm các tin tức có thể đem đến cho họ một lý do để hy vọng. Một cánh cửa mở ra, một thứ ánh sáng vàng vọt hiện ra trong năm giây nhưng cũng đủ để người ta thấy một quán rượu đông nghịt khách, các quân nhân kẻ đứng người ngồi cười nói ồn ào như chợ vỡ, vừa ăn uống vừa hút thuốc, khói thuốc tỏa ra như một đám mây dày đặc bao phủ lấy họ. Rồi cánh cửa đóng lại, trả lại bóng đêm dày đặc. Rải rác đây đó những rạp chiếu bóng được mở cửa, và đám đông chui vào đó với những tiếng cười Ồn ào. Con người cần sự quên lãng.



Image


Doutreval đi trước, phải khó nhọc lắm ông mới lọt qua một đám đông đứng chắn trước cửa nhà hàng. Hai cha con tiến vào, đột ngột thấy mình ở giữa gian phòng rộng lớn, chói lòa ánh đèn, với những tấm kính, những chiếc đèn treo, những bình, lọ bằng thủy tinh, những tấm thảm trải bàn, cả một cảnh tượng ấm cúng, sáng sủa vui tươi đặc biệt tương phản với bóng tối âm u bên ngoài. Các sĩ quan trong quân phục kaki, các phi công mặc đồ bay màu xám sẫm đặc biệt thanh lịch, đang ăn uống, họ ngồi từng nhóm với nhau. Những người bồi bàn lăng xăng chạy tới chạy lui, hầu bàn một cách vội vã, mồ hôi nhễ nhại. Doutreval và Michel ăn rất nhanh, không để ý đến những món ăn. Chiến tranh, chiến tranh! Xung quanh họ, người ta chỉ nói đến chiến tranh. Riêng Doutreval, ông không thể tin một điều khủng khiếp như thế sẽ xảy ra, ông vẫn mong một phép nhiệm màu. Sau một bữa ăn sơ sài, họ đứng lên thật nhanh để nhường chỗ cho các thực khách khác… Lại ra ngoài đêm tối, kẻ trước người sau, trở về quân y viện, dò dẫm từng bước trong đêm tối giữa đám người đông đúc. Họ phải vịn vai nhau để khỏi lạc. Sau cùng họ cũng về đến bệnh viện, đi theo dãy hành lang dài màu trắng được soi sáng lờ mờ, leo lên lầu ba.
- Đây là phòng của ba, - Doutreval nói, vừa đẩy cửa ra. - Con vào đi!
Ở đầu giường có vài cuốn sách. Dưới giường là đôi giày được đánh bóng. Một tấm hình của Mariette được trưng trên chiếc bàn nhỏ, bên trên lò sưởi. Trên chiếc ghế, một đống quần áo giặt sạch đang đợi người hầu của Doutreval đến sắp xếp. Tất cả đều thứ tự ngăn nắp, thanh lịch một cách giản dị. Trên bờ cửa sổ, một con chó nhỏ bằng vải lông xù có bánh xe đẩy - món đồ chơi trẻ em - làm Michel phải ngạc nhiên chú ý.
- Con ngồi xuống đi. - Doutreval nói.
Chính ông cũng ngồi xuống giường, đối diện với con trai, ông duỗi thẳng cái chân gãy ra để nó đỡ mỏi và nhìn Michel.
- Ba rất vui được gặp lại con, Michel.
- Thưa ba, con cũng thế.
Hai cha con cùng nhìn nhau trong im lặng. Họ nghĩ đến khoảng thời gian đã qua. Thật là đau đớn. Dù họ đã hiểu nhau, thương nhau, nhìn nhận những lỗi lầm của nhau, nhưng những vết thương mà họ đã gây ra cho nhau vẫn còn in dấu trong tâm hồn họ. Sự đau khổ giờ đã không còn nữa. Nhưng lòng họ đã bị những vết sẹo làm cho chai cứng. Và cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi để những gì đã chết đi chưa kịp hồi sinh trở lại. Đáng lẽ người ta không nên thù ghét nhau, gây đau khổ cho nhau, bởi vì thời gian để yêu thương nhau thật quá ít!
Doutreval chậm chạp lục lọi trong túi tìm kiếm một điếu thuốc.
- Bây giờ con ở đâu? Con làm gì?
- Con vẫn ở miền Bắc. Còn ba?
- Ba ở gần vùng Aix. Gần nhà ông bà Droux. Cái làng nhỏ đó, con nhớ chứ…
- Ba về sống ở đó sao? Ba về hưu rồi sao?
- Ba không thể sống ở Angers được nữa.
Ông hất đầu về phía chiếc bàn nhỏ bên trên lò sưởi.
- Con biết là chị Mariette của con đã chết…
- Dạ. Con đã biết…
- Ba đã tiếp tục làm việc, tìm tòi nghiên cứu phương pháp trị bệnh điên. Nhưng ba đã thất bại. Phải, tất cả công trình của ba đã sụp đổ. Kết thúc rồi! Ba đã nhận ra quá trễ rằng ba đã sai lầm.
- Nhưng có cần phải từ bỏ tất cả không?
- Phải từ bỏ hết. Ba đã dấn mình quá sâu vào sự sai lầm. Ba chỉ còn có cách lặng lẽ bỏ đi.
- Cả cuộc đời ba đã hy sinh một cách uổng phí!
- Biết làm sao bây giờ? Những nghiên cứu của ba có lẽ cũng sẽ đem lại một cái gì đó. Nhờ những kinh nghiệm ấy, người ta sẽ tìm ra những phương pháp trị liệu khác. Người ta đã nghĩ đến phương pháp trị bệnh điên bằng dòng điện. Có thể lắm. Mặc dù ba không tán thành phương pháp điều trị quá mạnh bạo này, nhưng dẫu sao đó cũng là công việc của những người tiếp nối ba. Con có tin được không? Đối với ba, giờ đây tất cả những công trình đó chỉ làm cho ba chán ngán, gần như hổ thẹn! Ba đã quên mất con người. Ba đã lạm dụng quyền của người bác sĩ được làm những thí nghiệm trên cơ thể con người…
- Ba đã làm với thật tâm muốn cứu người!
- Sự thật tâm không đủ để cho phép ba hành động như thế. Chúng ta không thể chỉ dựa vào chúng ta để tìm một quy tắc hành động. Người ta không thể chỉ tự tin vào bản thân, bởi vì người ta hay nói đối với chính mình! Cái mà chúng ta gọi là khoa học, thường chỉ là sự kiêu ngạo. Và ngay cả khoa học cũng không phải là một vị thần có thể trả lời cho mọi vấn đề, Michel. Nếu chỉ nhân danh khoa học, ba có thể có quyền tiếp tục mở những cuộc thí nghiệm đem đến các cực hình cho những người điên đáng thương của ba. Có những vấn đề mà khoa học không thể giải đáp được. Bên cạnh khoa học, cần phải có một cái gì khác… Luân lý, đạo đức.
Ông nói tiếp rất nhỏ, như với một sự hối tiếc:
- Dù sao, điều tai hại lớn nhất - và chính đó là điều ba muốn nói với con - là tất cả công việc đã chiếm quá nhiều thời gian và tâm trí ba… Ngay cả làm việc cũng có thể là một sự ích kỷ, con à! Ba đã lơ là không chăm sóc đến Fabienne. Ba đã bỏ mặc nó sống một mình. Tóm lại… Con chưa được nghe nói đến chuyện này hay sao?
- Thưa ba, chưa.
- Fabienne đã… Nó đã… Nó đã có một đứa con. Một bé trai… Chính vì điều này mà ba đã rời bỏ Angers…
- Fabienne! - Michel nói. - Fabienne như vậy sao ba?
- Đó là lỗi của ba. - Doutreval nói nhỏ.
Bằng những lời ngắn gọn, ông xấu hổ thuật lại tấn bi kịch đã làm cho ông đau đớn khôn nguôi. Ông nói hết, không che giấu một điều gì, ngay cả cái tên bỉ ổi của Guerran. Michel nhận thấy có một cái gì đó đã thay đổi ở Doutreval.
- Và bây giờ ba cùng sống với Fabienne ở đó? - Michel hỏi.
- Ừ. Ba hành nghề bác sĩ. Ba khám bệnh cho các du khách đến nghỉ mát ở Aix. Cuộc sống trở lại êm đẹp. Fabienne trông coi nhà cửa. Chủ nhật, ba với nó đến thăm ông bà Droux…
- Dù sao ba cũng hạnh phúc chứ?
- Chứ sao! Michel, chứ sao! Ba tưởng mình không còn thiết đến gì nữa. Ba tưởng mình đã biết hết, đã thấy cái hư không của mọi sự: tình nhân loại, tình gia đình, danh giá, tiền bạc… Ba tưởng mình không bao giờ có thể thích cái gì nữa, quyến luyến cái gì nữa. - Ông đưa mắt nhìn về phía món đồ chơi trên bờ cửa sổ. - Rồi, một đứa bé, một đứa cháu ngoại ra đời. Và thế là quả tim già nua của ba, mà ba ngỡ đã chết từ lâu, lại bắt đầu lo lắng cho nó, thương yêu nó… Thế là ba tiếp tục sống.
Và ông lắc đầu, vẻ mặt tươi tỉnh hơn, mơ màng trong một phút.
- Còn con thế nào? Con hạnh phúc chứ?
- Thưa ba, tất cả mọi việc đều rất tốt đẹp với con. - Michel nói.
- Con đã làm gì từ khi mà… từ khi…
- Con đã lập gia đình. Con tiếp tục học bằng bác sĩ. Một vị bác sĩ già đã chữa lành bệnh cho vợ con… Bây giờ con hành nghề bác sĩ ở miền Bắc.
- Ừ. Ba biết tất cả rồi. Và con hạnh phúc chứ?
- Rất hạnh phúc! Con là một “bác sĩ của khu phố”. Cũng đủ sống. Con có một đứa con trai. Évelyne… vợ con hy vọng sẽ có một đứa nữa. Chúng con không giàu. Nhưng chúng con hạnh phúc.
- Hạnh phúc?
Michel suy nghĩ một giây.
- Dạ… Hạnh phúc. Không phải thứ hạnh phúc như đa số mọi người thường nghĩ. Nhưng con có thể nói là chúng con rất hạnh phúc…
- Như vậy, cuộc sống đã không làm con thất vọng?
Michel lại do dự trong một giây, suy nghỉ:
- Dạ không. Con không thất vọng gì cả.
- Vậy là ba đã nghĩ lầm. Con đã không đau khổ như ba đã dự đoán.
- Có chứ, thưa ba. - Michel đáp. - Ba đã đoán đúng. Con đau khổ rất nhiều, vì cô ấy và cùng với cô ấy… Nhưng mặc dù có những điều đó… Không… Có lẽ vì tất cả những điều đó… Phải, vì tất cả những điều đó, mà con đã được hạnh phúc.
- Phải, - Doutreval nói nhỏ. - Ba hiểu.
Ông có vẻ trầm tư rồi chậm chạp nói:
- Đó, đó là điều không thể giải thích được! Rằng người ta có thể muốn hy sinh cho người khác. Và đã tìm được hạnh phúc trong sự hy sinh đó. Tình yêu! Tất cả bí mật của cuộc sống!… Sự thật, có lẽ con đã chọn được phần tốt đẹp nhất của cuộc sống…
Chưa bao giờ Doutreval nói nhiều như thế về cuộc sống…
- Nào, - ông nói tiếp - thỉnh thoảng con sẽ đến Aix chứ? Chúng ta sẽ phải gặp lại nhau, ba phải được gặp mấy đứa cháu nội của ba. Chúng ta đã mất đi những năm tháng đẹp nhất… Con thấy không, chúng ta đã làm hỏng nó và nó đã đi qua như một tia chớp!
Ông thở dài, đột ngột đứng lên.
- Thôi! Đừng buồn nữa! Mười giờ đêm rồi, Michel. Chúc con ngủ ngon. Hãy viết thư cho ba. Không, không, chiến tranh sẽ không xảy ra đâu. Hãy gửi thư cho ba biết tin tức của con, ngay khi con về nhà. Và con hãy đến Aix vào dịp nghỉ hè. Con hứa với ba chứ?
Ông đưa Michel ra đến đầu cầu thang.
- Ba không thể đưa con đi xuống được nữa. Vì cái chân gãy này. Ngày mai ba không thể gặp con được. Ba sẽ không còn ở đây nữa. Ba đi Mourmelon để tổ chức một cơ sở y tế ở đó… Ba và con sẽ gặp lại nhau vào dịp hè… Hoặc là trong chiến tranh…
Ông suy nghĩ một giây, rồi hạ giọng nói:
- Và nếu có chiến tranh, con hãy cho ba biết ngay số hiệu đơn vị và tên của vị đại tá chỉ huy con, để họ báo cho ba biết ngay, nếu không may có điều gì xảy ra với con… Nhưng không có chiến tranh đâu! Nào, con trai, hãy hôn ba đi.
Ông chìa cho Michel chiếc má khô héo của mình. Ông cũng hôn lại Michel, một cái hôn ngắn, vội vã. Và ông quay lưng lại, đi sâu vào trong dãy hành lang dài sáng lờ mờ. Ông không quay đầu nhìn lại nữa.

Sáng hôm sau, giữa lúc Michel đang làm việc, những tiếng reo hò của đám người say rượu báo cho anh một tin quan trọng.
- Hòa bình! Hòa bình!
- Hoan hô Daladier! Hoan hô Chamberlain!
- Chúng ta đã giành được hòa bình!
Michel mở cửa sổ văn phòng. Từ đầu đường, một đám người say mèm, loạng choạng tiến tới, tay xách những chai rượu, múa may loạn xạ, đi khắp thành phố.

Cùng ngày hôm đó, vào buổi chiều, Michel trở về miền Bắc trong một chiếc xe vận tải quân sự cỡ nhỏ. Trung tá Marchelier, trong khi gửi các phụ tá của mình đến Lille và tất cả vùng biên giới Pháp - Bỉ, đã ký cho Michel một lệnh công tác.
- Anh sẽ được phục vụ ở gần nhà, sung sướng nhé! - Ông vui vẻ nói.
Chiếc xe của Michel phải chạy thật chậm đằng sau những đoàn xe quân sự dài bất tận: những xe tải hạng nặng chất đầy những thùng đạn dại bác và đạn súng nhỏ, những khẩu đại bác được kéo bởi những chiếc máy kéo dềnh dàng; những xe tiếp viện lương thực, xe chở đại liên, xe bọc thép… tất cả di chuyển với một tốc độ đều đều, trong tiếng gầm của các động cơ diesel, tiếng ầm ầm của xích sắt trên con đường lát đá, như một dòng sông dài bằng thép. Ngay trước xe mình, Michel trông thấy một chiếc xe bọc thép khổng lồ chạy chậm rì, nặng nề và hùng mạnh như một con voi. Nhìn nó, người ta có cảm giác đó là một con thú dữ khổng lồ mù quáng được điều khiển bởi những người vô hình. Ở tuốt trên đỉnh pháo tháp, một binh sĩ đã mở nắp đậy ra, thò đầu ra ngoài. Người ta chỉ nhìn thấy một gương mặt gầy ốm, căng thẳng và rắn rỏi, dưới một chiếc mũ sắt nặng nề. Anh nhìn những chiến xa, con đường trải dài trước mặt, và đám đông lặng lẽ đứng thành hàng dài ở hai bên đường. Nhìn anh bị giam hãm trong chiếc xe bọc sắt với gương mặt cứng rắn nhưng không giấu giếm được vẻ lo âu, với đôi mắt nhìn vào một nói xa thẳm, xa khỏi màn khói xanh tỏa lên từ đoàn xe, người ta có cảm tưởng đó là gương mặt bi thảm của chiến tranh. Chiến tranh! Nó đã bay xa như một đám mây u ám. Nhưng bóng đen của nó vẫn còn phảng phất trên những con đường này, những đoàn công-voa quân sự này, trên những con người không ngừng được đưa ra tiền tuyến, trên gương mặt của đám người đang bàng hoàng câm lặng nhìn đoàn xe rầm rầm chạy qua vừa kinh hãi nhớ lại cuộc xâm lăng và những tàn phá tang tóc của cuộc chiến tranh thuở trước.
Khi đến gần Lille, chiếc xe nhỏ của Michel thoát khỏi đoàn công-voa và tự do lao hết tốc lực. Các y tá phải đi đến tận Dunkerque, riêng Michel phải đến viện điều dưỡng Saint-Jans-Cappel, nằm trên triền Núi Đen. Chiếc xe chạy một vòng và dừng lại ở dưới chân núi.
Giờ đây, Michel khó nhọc đi theo con đường dốc thẳng đứng dẫn đến đỉnh Núi Đen. Chưa bao giờ anh thấy mùa thu ở vùng này đẹp đến thế, chưa bao giờ anh thấy một vùng quê thanh bình như vùng Flandre đầy màu xanh lục và màu đỏ hung này, với những thung lũng nhỏ rậm cây. Một con suối hãy còn ở một nơi nào đó với một tiếng động êm đềm. Một con thỏ rừng màu hung phóng ngang qua con đường và chui vào một lỗ hàng rào. Ở bên trái là nghĩa trang quân đội, kỷ niệm của cuộc chiến tranh 1914. Từ Saint-Jans-Cappel vang lên tiếng chuông trong trẻo u buồn, trong khung cảnh yên lặng. Sau sự đe dọa của một cuộc chiến tranh khủng khiếp, những cánh đồng này, mùa thu êm dịu này tràn đầy một niềm vui thanh bình, một hứa hẹn trù phú và đầy xúc động.
Chỉ vài ngày nữa, Michel sẽ thấy lại cái thị trấn nhỏ bé yêu quý, những gương mặt thân thuộc, những người thợ, những người đàn bà, những đứa bé. Anh sẽ được nghe những câu nói thân tình:
- Thế là bác sĩ của chúng tôi lại trở về.
Và anh sẽ thấy lại ngôi nhà với mái ngói cũ xưa cùng năm tháng. Con đường nhỏ già cỗi giữa hai hàng liễu tán lá màu xanh lục và trắng bạc. Và ở đầu đường, một thiếu phụ trắng trẻo mảnh mai, tay dắt một đứa bé với đôi chân bụ bẫm, còn đứng chưa vững. Một gương mặt thân yêu, yếu đuối, nhút nhát, vừa sung sướng vừa lo âu, đôi mắt tìm kiếm trên con đường xa tít hình bóng của người chồng yêu quý.
Évelyne! Thêm một lần nữa, Michel lại nghĩ đến người anh yêu thương và ngẫm lại tất cả những gì cô đã đem đến cho anh. Cô đã uốn nắn anh, thay đổi anh, tái tạo lại anh. Michel hình dung lại bản thân anh trước khi biết đến cô. Anh được như ngày hôm nay là nhờ cô đã tin tưởng nơi anh, chỉ vì cô đã thấy anh tốt hơn, đẹp hơn. Bởi vì sự thật đúng như thế, anh đã muốn trở thành một người mà cô đã nhận thấy nơi anh. Giờ đây anh có thể nói với cô: “Anh đem đến cho em trái tim mà chính em đã tạo ra, con người mà chính em đã xây dựng nên.”

Image


Ít nhiều chúng ta vẫn luôn luôn như thế, là tác phẩm của người đàn bà mà chúng ta yêu thương. Người đàn bà có sứ mệnh tái tạo lại đẹp đẽ hơn người đàn ông họ yêu.

Thật là một hạnh phúc! Thật là một số mệnh đẹp đẽ khi được tìm thấy sự thật trong tình yêu. “Con đã chọn được phần tốt đẹp nhất…”, Michel lặp lại những lời nói của cha khi ông từ giã anh với vẻ hơi u buồn. Anh tự bảo cha mình đã có lý. Anh đã chọn được phần đẹp đẽ nhất. Một câu nói thật đặc biệt và thật đúng, điều chính yếu trong cuộc sống của chúng ta có lẽ là tình yêu và sự hy sinh. Và đấy là một điều không thể giải thích được: “Người ta có thể tự nguyện hy sinh, và tìm được lẽ sống, hạnh phúc trong sự hy sinh ấy, đó là điều duy nhất có thể làm cho ba tin tưởng…”. Doutreval đã nói đúng.
Cũng giống như cha mình, trước kia Michel không tin vào một cái gì cả, anh đã chối bỏ mọi ý nghĩa và mọi mục đích của cuộc sống! Và vì đã thương yêu một kẻ khốn khổ, vì đã thương hại cô, chấp nhận chia sẽ những nước mắt, những đau thương và những khốn cùng của cô nên đằng sau gương mặt u buồn và đau khổ của người mình yêu, Michel đã thấy được một gương mặt khác xuất hiện! Đằng sau Évelyne, đằng sau tình yêu cao thượng đối với con người đầy đau khổ, là tình yêu Đức Chúa trời!
Chỉ có hai thứ tình yêu: Tình yêu chính bản thân ta và tình yêu những người khác. Đằng sau tình yêu chính bản thân ta là đau khổ và tội ác; đằng sau tình yêu những người khác là điều thiện. Mỗi khi ta yêu thương người khác, là ta đã hành động theo niềm tin vào Chúa trời, dù đó là hành động có ý thức hay không có ý thức.

Chỉ có hai thứ tình yêu: Tình yêu chính bản thân ta và tình yêu những người khác.


Hết
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 97 guests