Liêu Trai Chí Dị

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Liêu Trai Chí Dị

Postby bevanng » 07 Sep 2022

Háo sắc lụy mình (Phong Tam nương)


Cô Mười Một họ Phạm, con quan Tế tửu ở Lộ Thành tuổi nhỏ, tuyệt đẹp, lại rất phong nhã, cha mẹ yêu quý như nâng trứng, hứng hoa. Những người đến hỏi cha mẹ bảo nàng tự chọn lấy, nhưng nàng chưa thuận đám nào.
Gặp tết Thượng nguyên, các bà vãi ở chùa Thủy Nguyệt mở hội cúng chay đốt mã, nàng cũng tới xem.
Trong lúc nàng đi dạo cảnh chùa, một thiếu nữ đi theo bén gót, thường liếc dòm nàng, ý chừng muốn nói gì. Nàng nhìn kỹ là một cô đôi tám cực đẹp, trong lòng rất ưng càng chăm chú nhìn. Thiếu nữ mỉm cười hỏi:
- Cô có phải cô Mười Một họ Phạm không?
- Thưa, chính là tôi.
- Tôi nghe danh tiếng đã lâu, nay mới được thấy mặt, quả thật là người ta đồn đại không sai.
Cô Mười Một cũng hỏi thăm quê quán họ tên, thiếu nữ đáp:
- Tôi họ Phong, hàng thứ ba, nhà ở một xóm gần đây.
Hai người nắm tay chuyện vãn niềm nở vui vẻ, thành ra yêu mến nhau hết sức, không muốn rời ra, cô Mười Một hỏi sao đi trơ trọi một mình, chẳng có bầu bạn gia nhân cùng đi, thiếu nữ trả lời:
- Cha mẹ mất sớm, nhà chỉ có một * già phải ở coi nhà không đi với tôi được.
Cô Mười Một sửa soạn ra về, Phong Tam nương nhìn sững muốn khóc làm cô cũng buồn rầu, liền mời Tam nương về nhà chơi. Tam nương nói:
- Nhà cô gác tía lầu son, tôi lại không bà con họ hàng chi, e đến chơi bị người nhà bàn tán nói này khác không tốt.
Cô Mười Một cố mời, Tam nương hẹn để hôm khác.
Lúc từ biệt, cô rút một cành thoa vàng đưa tặng. Phong cũng lấy cây trâm biếc ở trên mái tóc để đáp lễ.
Cô về nhà đâm ra tưởng nhớ thiết tha, lấy cây trâm xem lại, không phải vàng cũng chẳng phải ngọc trong nhà không ai biết là thứ gì, đều lấy làm lạ.
Hàng ngày cô mong mỏi Tam nương đến chơi không thấy, đến nỗi buồn rầu phát bệnh. Cha dò biết nguyên cớ, sai người đi thăm các xóm làng chung quanh, nhưng không ai biết thiếu nữ họ Phong là người nào.
Nhằm tiết trùng cửu (mùng chín tháng chín), cô gầy còm buồn bã, gọi con hầu dìu cô đỡ đi ra ngoài vườn chơi, trải nệm gối ở dưới giàn hoa ngồi tiêu khiển. Bỗng dưng có một người con gái thò mặt trên vách tường dòm sang. Nhìn ra, chính là Phong nữ chứ không phải ai lạ. Phong kêu:
- Đỡ tôi xuống nào!
Con hầu chạy ra đỡ tay. Phong nhảy thoắt xuống. Cô Mười Một mừng không thề tả, tự nhiên đứng phắt dậy, kéo Phong cùng ngồi nói chuyện, trách nàng đã sai lời hẹn và hỏi bây giờ ở đâu lại đây?
Phong đáp:
- Sự thật, nhà tôi cách đây xa lắm, thỉnh thoảng tôi đến chơi nhà ông cậu ở gần lối xóm này. Độ trước tôi có nói rằng nhà ở xóm gần đây, tức là nói nhà cậu tôi đấy. Từ lúc chị em từ biệt, tôi tưởng nhớ não nùng. Nhưng nghĩ mình phận nghèo khó, chơi với con nhà giàu sang, chân chưa bước tới nhà trong lòng đã có vẻ tự thẹn, chỉ e bị lũ tôi tớ trong nhà coi thường xem khinh. Vì thế mà tôi không muốn tới. Vừa rồi đi ra ngoài vách tường, nghe trong có tiếng con gái nói, liền trèo lên dòm xem, mong rằng gặp cô, nay quả như nguyện.
Cô Mười Một bèn kể cho Phong nghe vì đâu mình sinh bệnh. Phong khóc như mưa, khóc chán rồi nói:
- Chị có đến chơi thì xin giữ bí mật, sợ những kẻ sinh sự lắm điều, bàn dài nói vắn, không thể chịu nổi.
Cô xin y lời, đoạn dẫn nàng về phòng riêng với mình, ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, thích cùng chuyện trò tâm sự mà bệnh cũng khỏi dần. Rồi đính ước làm chị em, áo quần, giày vớ thay đổi lẫn lộn, không hề phân biệt. Hễ có người nào đến thì Phong núp vào bên màn. Như thế trải năm sáu tháng Phạm công với phu nhân nghe nói phong phanh.
Một bữa, hai chị em đang ngồi đánh cờ, phu nhân chợt đến thình lình, trông thấy, sửng sốt, và nói:
- Thật là xứng bạn con ta!
Rồi quay hỏi cô Mười Một:
- Trong chốn khuê phòng con có người bạn tốt thì cha mẹ vui mừng cho, sao con không nói cho mẹ hay.
Cô bày tỏ ý muốn của Phong.
- Cô đến làm bạn với con ta, thế là điều hay, cần chi phải giấu giếm?
Phong đỏ mặt làm thinh, mân mê dải áo, chẳng nói chẳng rằng. Sau lúc phu nhân đi, Phong muốn từ biệt, cô Mười Một năn nỉ mãi mới chịu ở lại.
Đêm nọ, nàng hớt hơ hớt hải từ ngoài cửa chạy vào khóc nói:
- Chị đã nói rằng ở lại không nên, thế mà vì nể em phải ở lại, bây giờ mới gặp lại cái nhục lớn lao thế này!
Cô kinh ngạc hỏi chuyện gì, nàng đáp:
- Vừa rồi chị ra thay áo, một chàng thiếu niên đón đường chọc ghẹo, may chị chạy thoát. Như vậy chị còn mặt mũi nào mà ở đây nữa chứ?
Cô gạn hỏi hình dáng, rồi tạ lỗi:
- Thôi, xin chị bỏ qua đi, người ấy là ông anh ngây thơ của em đó. Để em thưa với mẹ đánh đòn anh ta cho biết thân!
Phong cố từ, một hai đòi đi. Cô Mười Một khuyên đợi trời sáng sẽ đi, vội gì. Phong nói:
- Nhà cậu của chị chỉ cách đây mấy bước để chị bắc thang leo qua vách tường là được rồi.
Cô liệu bề không giữ lại được nữa, liền sai hai con hầu cùng leo qua vách tường đưa chân nàng đi. Chừng nửa dặm đường thì nàng bảo hai con hầu trở về để nàng đi một mình.
Nàng đi rồi, cô Mười Một gục mặt trên gối khóc lóc thảm thương, xem như mất bạn tơ tóc vậy.
Cách mấy tháng sau, con hầu có việc đi tới xóm Đông, chiều tối về, gặp Phong giữa đường, có bà cụ già theo sau. Con hầu mừng rỡ, đứng lại chào hỏi.
Phong cũng ngậm ngùi, hỏi thăm sức khỏe của cô Mười Một độ rày ra sao. Cô hầu nắm áo nàng và nói:
- Cô Ba ghé lại nhà tôi chơi đi. Từ lúc cô bỏ đi, cô chủ nhà tôi rầu rĩ mong đợi muốn chết.
Phong nói:
- Chính ta cũng nhớ cô mày đáo để, nhưng ta không muốn để cho người nhà biết, vậy mi về trước mở sẵn cửa vườn, tự ta đến.
Con hầu về nói chuyện cho cô Mười Một biết, cô mừng quá giục nó đi mở cửa vườn, té ra nó chưa kịp đi đã thấy Phong vào trong vườn lúc nào rồi. Hai người tay bắt mặt mừng, cùng kể lể lòng thương nỗi nhớ, hết chuyện nọ qua chuyện kia liên miên không ngủ. Phong dòm thấy con hầu đã ngủ say rồi, bèn trỗi dậy đến nằm chung gối với cô Mười Một, tỉ tê nói nhỏ:
- Chị vốn biết em chưa nhận lời ưng thuận đám nào, con người tài sắc dòng dõi như em lo gì chẳng lấy được một người chồng sang trọng. Như lũ công tử bột không thèm kể chi, nếu em muốn được một người chồng tử tế, thì chớ phân bì giàu nghèo gì hết.
Cô Mười Một cho lời nói ấy đúng. Phong nói tiếp:
- Cách chùa chúng ta gặp nhau hồi năm ngoái, năm nay họ làm chay rất to, ngày mai em đi với chị đến xem, chị sẽ cho thấy mặt một người đáng làm chồng em. Từ nhỏ, chị đã đọc sách tướng đã nhiều, quyết không sai lầm đâu.
Tảng sáng, Phong đi trước, hẹn đợi nhau ở chùa. Chặp sau cô Mười Một đến chùa đã thấy Phong ở đó trước rồi. Chị em dắt nhau đi dạo quanh chùa một vòng rồi mời cô Phong cùng đi xe về. Khi dắt tay ra cửa, thấy một vị tú tài lối mười bảy, mười tám tuổi bận áo xuềnh xoàng và dáng dấp đứng đắn. Phong khều cô và nói nhỏ:
- Con người mai sau thành đạt lớn đó.
Cô Mười Một liếc qua rồi Phong từ giã đi riêng.
- Em cứ đi về trước đi, tối chị sẽ đến.
Quả nhiên buổi tối Phong đến nói:
- Chị đã dò kỹ càng rồi. Anh chàng ấy tên là Mạnh An Nhân, người cùng xóm này mà.
Cô biết chàng nghèo ngỏ ý không thích. Phong thở dài:
- Cơ khổ, em mảng vướng phải thói đời như thế ư? Phải biết con người đó nếu như suốt đời nghèo hèn thì chị tự khoét mắt mình đi, không xem tướng ai nữa.
Cô hỏi:
- Nhưng biết làm thế nào bây giờ?
- Em cứ đưa một món chi, để chị đem lại trao cho chàng đính ước hôn nhân.
- Chị định làm dễ dàng quá vậy? Em còn cha mẹ sờ sờ, nếu cha mẹ không ưng ý thì sao?
- Ấy chỉ vì Phong sợ không được toại nguyện cho nên mới đính ước ngay từ bây giờ. Nếu như chị em cương quyết, thì dù có sống chết ai mà cướp được.
Cô Mười Một khăng khăng cho là không nên.
Phong nói:
- Nhân duyên của em đã nảy ra manh mối rồi nhưng nghiệp chướng vẫn còn vương vít trong lòng chưa tiêu, cho nên hôm nay chị đến là cốt xe duyên cho em để báo đáp cái tình tử tế bấy lâu. Thôi để chị đi, tự lấy cành thoa vàng của em tặng chị năm ngoái vâng lệnh em mà đưa tặng chàng làm tin cũng được.
Cô Mười Một còn ngần ngừ suy nghĩ, Phong đã bước ra ngoài cửa đi tuốt.
Lúc đó Mạnh sinh nhà nghèo nhưng học cực giỏi, ý muốn kén vợ thật xứng đáng mới lấy, cho nên tuổi đã mười tám chưa dạm hỏi đám nào. Ngày hôm đó đi chơi chùa được dịp trông thấy hai cô gái đẹp về nhà đâm ra tơ tưởng vẩn vơ. Mới tan canh một, Phong Tam nương gõ cửa bước vào, chàng thắp đèn sáng nhìn mặt té ra một trong hai mỹ nữ mình được may mắn trông thấy lúc ban ngày, chàng mừng rỡ chào hỏi.
Phong nói:
- Tôi họ Phong, tên Tam nương, bạn gái của cô Mười Một họ Phạm.
Chàng mừng quá không gạn hỏi chi nhiều lời, vội vàng tiến đến, muốn ôm lấy Phong. Phong cự hẳn hoi:
- Cậu này! Tôi chẳng phải là Mao Toại đem thân đến hiến nhé, mà chỉ đóng vai Tào Khâu đem tin đi mối cho người ta đó thôi. Số là cô Mười Một họ Phạm, muốn kết nhân duyên với cậu, cho nên tôi xin làm mụ mối cho cô cậu nên vợ nên chồng mà!
Chàng ngạc nhiên không tin, Phong liền trao cành thoa vàng làm chứng. Chàng mừng hết sức, cảm tạ và thề nguyền:
- Cô có lòng quyến chỉ giùm tôi như thế, xin thề nếu không lấy được cô Mười Một, thà cam ở góa trọn đời.
Phong từ giã đi.
Sáng ngày, chàng cậy bà cụ lối xóm đến nói với Phạm phu nhân. Quả nhiên phu nhân chê nghèo không cần hỏi ý kiến con gái, cứ việc từ chối lập tức.
Cô Mười Một nghe chuyện như vậy, hết sức thất vọng, trở lại oán Phong báo hại mình, kim thoa đã lỡ trao, khó nỗi đòi về, chỉ có cách thề chết giữ trọn lời nguyền thôi.
Một hôm có người con ông quan nọ đến cầu hôn, trong ý còn lo không thành, cho nên cậy quan huyện đứng ra làm mối. Lúc đó ông quan nọ đang ở chức trọng quyền to. Phạm công có ý kiêng sợ, hỏi cô Mười Một, cô tỏ vẻ không vui. Bà mẹ dỗ dành gạn hỏi, cô làm thinh không nói câu gì, chỉ khóc sướt mướt rồi cậy nhờ người nói riêng cho phu nhân biết rằng: không phải Mạnh sinh thì đến chết không lấy chồng nào cả.
Phạm công càng giận, cứ hứa gả cho người con ông quan nọ, trong ý lại ngờ cô có tư tình với Mạnh sinh nên càng gấp chọn ngày lành tháng tốt, thành lễ cho nhau.
Cô Mười Một phẫn uất bỏ ăn, ngày chỉ nằm liệt, mãi đến hôm trước ngày cưới, tự dưng cô trở dậy soi gương trang điểm, phu nhân mừng thầm. Giây lát, thị nữ tức tốc chạy vào nói tiểu thư đã tự thắt cổ. Nội nhà kinh hãi khóc lóc, ăn năn đã muộn. Ba ngày làm lễ an táng.
Nói về Mạnh sinh, từ hôm bà cụ lối xóm trở về trả lời không xong, chàng ấm ức muốn chết nhưng vẫn xa xa theo dõi tin tức, còn mơ tưởng cuộc nhân duyên có thể vãn hồi. Chừng nghe tin danh hoa đã gần có chủ, ngày cưới đến nơi, bấy giờ chàng mới phân hận như lửa đốt ruột gan, từ đây muôn sự mong mỏi đều tiêu tan, không còn trông đợi gì nữa.
Không bao lâu nghe tin ngọc vỡ, hương vùi, nàng đã tự sát, Mạnh sinh càng đau đớn thảm thương, tức mình không được cùng mỹ nhân chết cho rồi đời. Chập tối chàng lần mò đi ra, trong ý muốn thừa lúc đêm hôm, đến khóc trước mả mỹ nhân cho hả chút lòng sầu khổ. Chợt thấy bóng người từ đầu kia đi tới. Đến gần, té ra Phong Tam nương.
Phong nói:
- Tôi mừng giùm cậu đến lúc thành cuộc nhân duyên đấy.
Chàng khóc òa và hỏi:
- Vậy cô không hay tin Phạm tiểu thư đã chết rồi ư?
Phong đáp:
- Ây vậy tôi mới bảo rằng thành việc, chính là ở chỗ cô ta chết mà. Mau mau gọi gia nhân đi đào mả lên, tôi có thuật lạ, có thể làm cho cô hồi sinh.
Chàng mừng quá, nghe lời răm rắp. Đào mả bỏ hòm, lấp huyệt lại như cũ, rồi chàng tự cõng tử thi cùng Tam nương về đặt nằm trên giường. Tam nương đổ thuốc vào miệng, giây lát tiểu thư hồi tỉnh, nhìn thấy Tam nương, hỏi đây là đâu. Phong trỏ vào chàng và đáp:
- Mạnh An Nhân đây mà, em!
Rồi kể rõ nguyên do, lúc ấy cô như người chiêm bao mới tỉnh.
Phong sợ công việc tiết lộ bèn dắt nhau đi xa mười lăm dặm, lẩn trốn ở một xóm nhỏ trong núi. Đoạn Phong đòi từ giã ra đi, cô khóc lóc giữ lại làm bạn với mình, để ở riêng một gian nhà. Đem bán những đồ trang sức tẩm liệm làm vốn sinh sống, nhờ đó cũng hơi dư dật. Mỗi khi Phong gặp chàng đến, liền tìm cách tránh, cô Mười Một thung dung nói:
- Chị em ta khác nào ruột thịt, nhưng trước sau gì cũng người đông kẻ tây, chẳng được sum họp suốt đời. Chi bằng chúng ta bắt chước Nữ Anh, Nga Hoàng ngày xưa thì hơn.
Phong gạt đi:
- Từ nhỏ, chị học được phép lạ có thể trường sinh, cho nên chị không chịu lấy chồng!
Cô Mười Một cười nói:
- Người đời truyền tụng những phép thuật trường sinh có thể chất đầy nhà kín bếp, chị học phép của tiên ông nào đó?
Phong đáp:
- Cái học của chị không phải như người đời đã biết kia đâu, người đời vẫn truyền tụng chẳng phải là chân truyền. Duy có Ngũ cầm Kinh của Hoa Đà là đúng. Phàm người tu luyện, chẳng qua chỉ muốn cho khí huyết lưu thông vậy thôi. Nếu chị gặp nhiều nghịch chướng, cứ vươn mình như cọp thì chết ngay.
Cô Mười Một âm mưu với chàng giả đò có việc đi xa. Đêm ấy cô ép nàng uống rượu thật say, rồi chàng mò vào làm càn. Nàng tỉnh dậy thở dài và nói:
- Em hại chị rồi đó. Nếu không vương nhằm sắc giới mà tu luyện thành đạo, có thể lên đến từng thứ nhất. Nay lại bị sa ngã vào mưu gian, cũng là số mệnh khiến vậy.
Tức thời đứng dậy cáo từ. Cô Mười Một ân cần bày tỏ lòng thành của mình, và tha thiết xin lỗi. Nàng nói:
- Giờ chị xin nói thật, chị là chồn tinh đây. Chỉ vì năm trước trông thấy sắc đẹp của em mà sinh lòng yêu mến, giống như con kén tự buộc lấy mình, mới đến nỗi xảy ra thế, chẳng phải tự sức người ta. Nếu em cố giữ chị ở lại thì ma chướng càng nảy ra mãi, không biết đến đâu là cùng. Em hạnh phúc còn nhiều, xin giữ lấy mình khỏe mạnh.
Nói đoạn biến mất. Hai vợ chồng sửng sốt than thở rất lâu.
Qua năm sau, chàng thi đậu cả hương lẫn hội được bổ chức làm Hàn lâm, trở về đưa thiếp danh xin yết kiến Phạm công. Ban đầu Phạm công vừa thẹn vừa hối, không chịu tiếp, chàng năn nỉ mãi, ông mới chịu ra.
Chàng theo lễ con rể đối với cha vợ rất mực cung kính, Phạm công nổi giận, cho là chàng nhạo mình. Chàng xin phép nói riêng một câu chuyện kín, rồi kể hết đầu đuôi mọi việc đã qua. Phạm công chưa tin liền sai người đến tận nhà xem, bấy giờ mới chưng hửng vui mừng, dặn dò gia nhân kín miệng, khoan nói tung ra, sợ có họa, vì nhà ông quan cầu hôn trước kia hãy còn oai thế to.
Hai năm sau, ông ta phạm tội bị phát giác cả hai cha con phải đi đày làm lính ở Liên Hải, bấy giờ cô Mười Một mới về thăm nhà cha mẹ.

Đào Trinh Nhất dịch




Image
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Liêu Trai Chí Dị

Postby bevanng » 09 Sep 2022

Thay Tim Đổi Mặt (Lục phán quan)


Châu Nhĩ Đán, người quận Lăng Dương, tên chữ là Tiêu Minh tính vốn hào phóng, nhưng hơi kém thông minh, cho nên học tuy siêng năng nhưng mà chưa được nổi tiếng.
Một hôm anh em làng văn họp nhau uống rượu đông đủ, có người đùa bỡn Châu:
- Anh vẫn có tiếng là rất hào, vậy tôi đố anh đêm khuya tới đền Thập vương, cõng được ông Phán quan ở bên trái về đây, chúng tôi xin mời anh một tiệc rượu cực to.
Nguyên ở Lăng Dương có đền thờ Thập Vương, các quỷ thần đều tạc tượng bằng gỗ tô điểm trang sức y như người sống. Chái đông có pho tượng ông Phán quan đứng, mặt xanh râu đỏ, diện mạo hung dữ nhất. Thường đêm nghe hai bên hành lang có những tiếng đánh khảo tra tấn, ai vào cũng phát sợ, dựng cả tóc gáy. Vì thế mọi người muốn lấy chuyện khó khăn thách đố Châu.
Châu mỉm cười, đứng dậy đi liền.
Không bao lâu, ngoài cửa có tiếng gọi lớn:
- Tôi thỉnh được ông tôn sư râu đỏ về đây rồi!
Ai nấy cùng đứng phắt lên sửng sốt. Liền đó, Châu cõng ông Phán vào trong nhà, đặt ngồi lên ghế, nâng chén rượu kính cẩn mời ba lần. Chúng bạn run sợ ngồi không yên, xin Châu cõng ngài trả về đền.
Châu lại lấy rượu tưới xuống đất mà khấn rằng:
- Môn sinh thô kệch vô lễ, xin đại sư lượng thứ cho. Nhà tôi ở cách đây không xa, khi nào tôn sư cao hứng, xin cứ đến nhà tôi chén chơi, đừng e ngại gì hết.
Khấn xong ghé vai cõng Phán quay về miếu Thập Vương.
Qua ngày hôm sau, chúng bạn y ước, đặt tiệc mời Châu.
Tới chiều tối, Châu dở say về nhà, hãy còn hứng rượu, bèn khêu đèn lên ngồi uống một mình. Chợt có người vén màn bước vào, nhìn kỹ, chính là Phán quan.
Châu choàng dậy, hốt hoảng nói:
- Trời ôi! Chắc tôi chết đến nơi rồi, bữa qua tôi vô lễ với tôn sư, hôm nay ngài đến xử tội búa rìu đấy chứ gì?
Phán quan vểnh hàm râu rậm mỉm cười và nói:
- Hôm qua ông có lòng tốt hẹn hò. Bữa nay tôi rảnh việc, cốt đến y hẹn của người bạn hiền đó thôi.
Châu mừng lắm, kéo áo mời ngồi, rồi tự đi rửa chén nhen lửa, Phán quan gạt đi:
- Bữa nay khí trời ấm áp chúng ta có thể uống rượu lạnh cũng được, không phải hâm nóng làm chi.
Châu vâng lời, để hũ rượu trên bàn rồi chạy vào nhà trong hối gia nhân dọn đồ nhắm. Vợ nghe kinh hãi, khuyên chồng đừng ra. Châu không nghe, đứng chờ dọn vật thực bưng ra, cùng khách chén tạc chén thù một chặp, mới hỏi thăm tên họ, Phán quan nói:
- Tôi họ Lục, không có tên chữ chi cả.
Bàn luận cổ điển, hỏi đâu Lục nói đến đó, ứng đối trôi chảy. Châu hỏi:
- Ông có sành lối văn thi cử không?
- Chỗ hay dở, tôi cũng biết nhiều ít, cõi âm học hành gần như dương thế.
Lục uống rất tài, một hơi cạn mười chung lớn. Châu đã uống suốt ban ngày, giờ lại uống thêm nữa, bất giác say mềm gục xuống bàn ngủ kỹ. Chừng tỉnh giấc thì đêm tàn leo lét, ông khách ma đã đi hồi nào rồi.
Từ bữa ấy trở đi, hai ba ngày ông lại đến một lần, tình càng ngày càng thân mật. Có khi gác chân lên nhau nằm ngủ là thường.
Châu đưa bài văn ra, Lục cầm bút son ngoặc đỏ, chê là không hay.
Một hôm chàng uống quá say, vật mình ngủ trước, mặc kệ Lục uống một mình.
Trong cơn say sưa mơ màng, bỗng thấy ruột gan hơi đau, liền mở mắt ra nhìn Lục ngồi chồm hỗm trên giường mổ bụng chàng moi ruột xếp đặt từng món. Chàng hoảng sợ:
- Vốn không thù oán gì nhau mà ông tự nhiên giết tôi?
Lục cười:
- Đừng sợ gì hết. Tôi đổi giùm trái tim sáng suốt đây mà!
Nói đoạn ung dung xếp gan ruột Châu vào, miết thịt liền lại, lấy vải rịt bó quanh bụng.
Công việc xong xuôi, nhìn lại trên giường không có vết máu, chỗ bụng hơi tê. Thấy Lục để cục thịt lên bàn, Châu hỏi là vật gì, Lục đáp:
- Trái tim của ông đó. Tôi cho ông làm văn không hay là bởi vật này bế tắc. Mới đây tôi chọn lựa dưới âm, trong đám trăm ngàn, mới vớ được trái tim này tốt, đem về thay đổi hộ ông. Còn cái cũ này sẽ đưa về âm, để châm vào chỗ khuyết đó.
Đoạn, Lục đứng dậy khép cửa đi ra.
Sáng ngày, Châu tháo vải rịt ra xem thì nơi mổ đã liền, chỉ thấy một vệt đỏ còn lại.
Từ đó, văn chương tấn tới lạ thường, đọc sách chỉ qua mắt là nhớ. Giờ lại đưa văn bài cho Lục xem, Lục nói:
- Được lắm! Có điều ông bạc phước không đậu cao mà làm to được đâu, chỉ đậu thi hương mà thôi!
- Thế bao giờ tôi thi đậu?
- Năm nay tất đậu thủ khoa!
Cách khoảng mấy tháng quả nhiên Châu thi đỗ đầu bảng Hiếu liêm (cử nhân). Thường ngày các bạn đồng học vẫn chê cười Châu, nay xem quyển thi ngó nhau lấy làm quái lạ. Hỏi kỹ mới biết nguyên do, ai cũng năn nỉ Châu giới thiệu trước, nguyện kết giao với Lục.
Lục nhận lời.
Mọi người đặt tiệc lớn để chờ, đầu canh một Lục đến, chùm râu đỏ rung động, hai mắt sáng quắc như điện. Chúng bạn sợ mất máu mặt, hai hàm răng đánh nhau lộp cộp, dần dà lảng đi hết. Châu bèn dẫn Lục về nhà mình uống rượu tay đôi.
Khi đã ngà ngà, Châu nói:
- Nhờ ông rửa ruột thay tim, tôi mang ơn đã nhiều. Còn có một việc ý muốn phiền ông, không biết có được chăng?
Lục bằng lòng giúp ngay. Châu nói thật:
- Tim ruột đã có thể thay, thì mặt mũi hẳn cũng có thể đổi được. Không nói giấu ông, vợ tôi là người cùng tôi kết tóc xe tơ từ tấm bé, chẳng đến nỗi tệ lậu, duy có mặt mày thì không được đẹp. Tôi muốn phiền ông ra tay dao kéo, ông nghĩ thế nào?
Lục cười xin vâng, hẹn để thong thả sẽ tính.
Qua mấy bữa sau, đang đêm Lục tới gõ cửa, Châu vội vàng mở cửa mời vào. Thắp đèn lên trông thấy Lục ôm theo một bọc, hỏi vật gì, Lục nói:
- Việc hôm nọ ông ủy thác sự lựa chọn nhiều bề khó khăn. Tới nay mới kiếm được một đầu của mỹ nhân, đem tới để thay đổi cho bà cử nhà ông đây.
Châu vạch ra xem, máu me ở cổ hãy còn đẫm ướt. Lục hối thúc vào làm việc ngay, chớ để gà chó đánh hơi mà rộn. Châu e cửa buồng vợ ban đêm gài chặt, nhưng đến nơi, khẽ ấn tay, cửa tự dưng mở ra. Vào buồng thấy vợ Châu nằm nghiêng một bên đang nằm ngủ, Lục trao cái đầu cho Châu ôm giữ, rồi móc ra một lưỡi dao lá mía sáng loáng, chặn tay trên cổ phu nhân mà cắt, dùng sức nhẹ nhàng như xẻ trái dưa, buông tay là đầu lìa khỏi mình rơi nằm trên gối.
Lục mau mau lấy cái đầu ở tay Châu mà ráp vào cổ phu nhân, ngắm nghía ngay ngắn rồi mới thoa miết xung quanh cho liền.
Đoạn, kéo gối kê đỡ bên vai. Còn chiếc đầu cũ thì sai Châu đem chôn vào một chỗ kín đáo. Xong việc, ra đi.
Sáng ngày, vợ Châu thức dậy, nghe nơi cổ hơi ngứa, giơ tay thấy có dính máu đặc, hết sức kinh hoảng, gọi con ở bưng chậu nước rửa mặt vô.
Con này trông thấy mặt bà chủ máu me nhễ nhại, sợ hãi vô cùng. Bà rửa mặt, chậu nước đỏ ngầu. Chừng ngửng lên thì mặt mày bà chủ lạ hoắc, con ở lại càng sợ hơn nữa. Bà lấy gương soi mặt sửng sốt không hiểu làm sao. Lúc đó Châu vội kể đầu đuôi câu chuyện cho phu nhân biết, nhân dịp đứng nhìn đi ngó lại, thấy sắc mỹ miều, nụ cười tươi đẹp, y như người trong bức tranh vậy.
Lật cổ ra xem thấy có một vành đỏ, mà sắc da trên dưới khác hẳn nhau.
Nguyên trước, quan thị ngự họ Ngô, có người con gái cực đẹp, chưa cưới mà đã chết hai đời chồng, cho nên mười chín tuổi vẫn chưa thành gia thất. Hôm lễ thượng nguyên (rằm tháng giêng) đi xem điện Thập Vương, khách du đông đảo và đầy đủ cả hạng người. Trong đó có tên vô lại, dòm thấy sắc đẹp mà thèm thuồng, bèn hỏi dò nhà cửa làng xóm, đêm khuya khoắt bắc thang leo vào, đào khoét cửa buồng đâm chết một con tỳ nữ ngay dưới chân giường, rồi bắt nàng hiếp dâm. Nàng chống cự la lớn. Nó nổi giận cũng chém đầu nàng chết nốt. Ngô phu nhân nghe thấy tiếng huyên náo, kêu gia nhân ra xem thử chuyện gì. Người này vào trông thấy tử thi sợ hoảng la lên. Cả nhà thức dậy xúm nhau khiêng xác tiểu thư đặt ở giữa nhà ráp cái đầu bên cổ. Ai nấy đều gào khóc vang nhà, suốt đêm chộn rộn.
Sáng ngày, mở mền ra xem, cái mình còn đó, mà cái đầu đã mất. Phu nhân đánh con ở người hầu khắp lượt, đổ tại chúng canh giữ lơ đễnh, để chó tha đi.
Thị ngự lên quận thưa, quân nghiêm hết hạn kỳ phải nã tróc cho được tội nhân. Trải ba tháng mà tội nhân vẫn chưa bắt được.
Dần dà chuyện lạ thay đầu ở nhà họ Châu đến tai Ngô công.
Ngô sinh nghi, thoạt đầu sai mấy mụ già đến nhà Châu do thám. Họ vào thấy mặt vợ Châu kinh hồn hoảng vía, lập tức chạy về báo tin cho Ngô công hay.
Ngô nửa lạ nửa ngờ, chẳng biết quyết định lẽ nào, chỉ đoán rằng Châu dùng thuật phù thủy giết chết con mình. Ông đến gạn hỏi Châu, Châu nói:
- Vợ tôi nằm mộng thấy thay đầu, không hiểu gì. Nếu bảo tôi giết con gái ông, thì oan cho tôi quá lắm!
Ngô không tin, kiện. Quận sai bắt người nhà Châu lên tra hỏi. Ai nấy cũng khai y như lời Châu đến nỗi quận cũng không thể quyết đoán lẽ nào.
Châu ở quận về, mời Lục đến hỏi mưu kế. Lục nói:
- Chẳng có gì khó! Để tôi khiến con gái họ tự nói là xong.
Đêm hôm đó Ngô mộng thấy con gái về nói:
- Con bị tên Dương Đại Niên ở Tô Khê giết, chứ không dự chi tới ông cử họ Châu. Chẳng qua ông thấy mặt vợ mình không ngộ, cho nên Lục phán quan lấy đầu con mà thay vào. Thế là thân con tuy chết mà đầu con vẫn sống vậy. Xin cha đừng oán thù kiện cáo người ta.
Ngô tỉnh dậy, kể chuyện nằm mộng cho phu nhân nghe, thì ra chính phu nhân cũng nằm mộng đúng như thế. Tức thời Ngô lên quận bày tỏ. Quận xét hỏi, quả nhiên tên Dương Đại Niên, bắt về công đường tra tấn, nó chịu tội ngay.
Bấy giờ Ngô lại đến nhà Châu, xin cho giáp mặt bà cử. Từ đó ông nhận Châu làm rể, xin lại cái đầu cũ vợ Châu đem về, ráp vô mình con gái mà chôn cất tử tế.
Châu ba lần đi thi Hội đều bị đánh hỏng, vi phạm nhằm luật cấm. Bấy giờ mới nguôi lòng mong mỏi đậu cao làm quan. Như thế trải ba chục năm.
Một đêm, Lục đến bảo Châu:
- Số ông chẳng thọ lâu được nữa!
- Vậy ngày nào tôi chết?
- Còn năm ngày nữa thôi!
- Có cứu nhau được không?
- Đó là mạng trời đã định, sức người cứu làm sao được. Vả lại cứ lấy trí con người thấu hiểu lẽ đời mà nói, thì sống chết mà thôi, hà tất lấy sống làm vui sướng, chết làm bi thương chứ?
Châu nghe phải lẽ, liền sắm sửa quan quách và đồ liệm. Khi đâu đó xong xuôi, mặc y phục đàng hoàng lên giường nằm chết.
Ngày hôm sau phu nhân đang khóc bên quan tài, bỗng thấy Châu ở ngoài lững thững đi vào. Phu nhân cả sợ, Châu nói:
- Thật tôi là ma đây, nhưng không khác chi hồi sống, chỉ vì lo ngại cảnh mẹ góa con côi, cho nên bịn rịn không sao đi được.
Phu nhân nghe nói khóc sướt mướt lệ tràn xuống tới ngực. Châu đứng bên khuyên lơn an ủi mãi. Phu nhân hỏi:
- Cổ nhân có thuyết hoàn hồn. Ông sống khôn chết thiêng, sao không hoàn hồn sống lại với vợ con?
Châu đáp:
- Số trời không thể nào cãi được.
- Bây giờ ông xuống âm phủ được làm chức gì?
- Lục phán quan tiến cử tôi trông coi việc tử, có chức phận thành ra không phải khổ sở.
Phu nhân muốn hỏi thêm ba điều bốn chuyện nữa, nhưng Châu ngăn lại:
- Lục công cùng đến với tôi, bà đi lo dọn rượu ra đây!
Nói đoạn rảo bước đi ra. Phu nhân y lời, dọn cơm rượu đãi khách, nghe nhà trên có tiếng ăn uống vui cười chuyện vãn y như thường ngày. Nửa đêm dòm ra xem thì đã biến mất.
Từ đó, cách vài ba ngày, Châu lại về nhà một lần. Có đêm ngủ lại xem xét công việc trong nhà. Đứa con trai tên Vĩ mới năm tuổi lần nào Châu về cũng bồng bế, nựng nịu. Đến năm lên tám tuổi thì mỗi đêm Châu dạy con học. Nó cũng sáng dạ, lên chín biết làm văn, mười lăm tuổi học trường quan, chẳng khi nào nó nghĩ mình là mồ côi cha.
Nhưng về sau, Châu càng ngày càng thưa về, hàng tháng mới đến gặp một lần. Một đêm Cháu về nói với phu nhân:
- Từ nay tôi cùng nàng vĩnh quyết!
- Vậy ông đi đâu?
- Tôi vâng lệnh Thượng đế làm chức Thái Hoa Khanh, nay sắp sửa đến chỗ nhận chức. Việc bận đường xa nên không đi về như trước được.
Mẹ con ôm lấy Châu khóc lóc. Châu nói:
- Chớ có làm như vậy. Con đã trưởng thành, nghiệp nhà có thể nuôi sống. Há có đôi loan phượng nào trăm năm không thể chia lìa được ư?
Đoạn lại dạy bảo con:
- Cố gắng làm cho nên người con nhé! Đừng để hư hỏng sự nghiệp của cha. Mười năm sau cha sẽ gặp con!
Nói xong, ra cửa đi thẳng.
Từ đó tuyệt tích.
Sau Vĩ hai mươi lăm tuổi thi đậu tiến sĩ, được bổ chức quan Hành nhân, phụng mạng đi tế núi Tây Nhạc, đường qua Hoa Âm, chợt thấy một đám cờ quạt lính tráng đông đảo. Vĩ lấy làm lạ, nhìn kỹ vị quan ngồi trong xe thì chính là cha mình.
Vĩ xuống ngựa, quỳ bên mình, Châu dừng xe lại nói:
- Con làm quan có tiếng tăm tốt. Thế là cha có thể nhắm mắt rồi!
Vĩ quỳ mọp không dậy, Châu thúc xe đi mau không ngoái trở lại. Đi mấy bước Châu mới ngoảnh lại nhìn, cởi thanh gươm báu trong mình, sai lính đem lại cho con và nói với rằng:
- Mang thanh bảo đao đó thì được quý hiển con ạ.
Vĩ muốn chạy theo nhưng thấy ngựa xe quân lính vùn vụt như bay chớp mắt không thấy đâu nữa. Tấm tức giây lâu, cầm đao xem kỹ, thấy chế tạo cực đẹp cực khéo, trên có khắc dòng chữ: Mặt muốn to tâm muốn nhỏ, óc muốn tròn mà tâm muốn vuông.
Về sau, Vĩ làm đến chức Tư mã, sinh năm người con là Trầm, Tiềm, Vật, Hồn và Thâm. Một đêm mộng cha về nói rằng:
- Bảo đao cha cho con bấy lâu, con nên cho lại thằng Hồn!
Vĩ nghe lời. Sau Hồn làm tới chức Tổng hiến, có tiếng chính sự giỏi giang.

Đào Trinh Nhất dịch
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 41 guests