Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen

Postby bevanng » 14 Mar 2022

CHƯƠNG 32


Maureen cười trìu mến với Tool khi nó đi cà nhắc ra khỏi chuồng gia súc. Nó mở cửa xe tải và cố lách mình vào sau tay lái.
“Ổn không?” Bà nắm lấy tay nó.
Nó đặt hai lõi đạn đã biến dạng vào tay bà. “Cái bị rỉ sét đến từ cái chỗ mà bà đã biết rồi đó,” nó nói. “Còn cái mới hơn thì đến từ dưới cánh tay con.”
Sau khi ngó qua hai lõi đạn, Maureen nói: “Ta tự hào về con, Earl. Chắc phải đau dữ lắm hả?”
Nó bảo cũng không đau mấy. “Hên là thằng mổ hơi bị nghề.”
“Nhưng chuyên môn của ổng là… mổ gia súc đúng không?”
“Con gì mà nuôi được thì nó mổ hết á,” Tool giải thích cho Maureen hiểu: muốn mổ lấy vết đạn ra ở bệnh viện bình thường thì phải thông báo chính quyền phiền hà lắm. Bác sĩ thú y thì khỏi, nằm lên mổ luôn.
“Thôi, quan trọng là mấy viên đạn đó không còn làm phiền mình nữa,” Maureen nói. “Từ đây không còn phải chịu đau nhức khó chịu nữa rồi.”
“Đúng rồi. Giờ đến lượt bà đó.”
“Ta đang ổn mà Earl.”
“Nào, nói thật đi,” nó nói.
“Đang nói thật đó chứ, ta cảm thấy thiệt sảng khoái khi được ra ngoài hít thở khí hời.”
“Vậy chờ con lái xe đi ra khỏi cái chỗ khỉ ho cò gáy này đã.”
“Nào, cảnh vật ở đây quá lộng lẫy,” Maureen nói, “ngay cả cứt bò cũng quá dễ thương với ta. Cám ơn con nha Earl. Cám ơn vì đã mang đến cho ta sự tự do. Cám ơn vì đã giải cứu ta khỏi Ấp Thiên Đường.”
Rồi bà kéo nó lại gần, hôn chùn chụt vào má nó.
“Thôi mà,” Tool biết mình đang đỏ mặt vì mắc cỡ.
Không một ai cản tiếng nào khi nó đưa Maureen ra khỏi khu an dưỡng. Không một ai dám cản thì đúng hơn.
Sáng nay, Maureen đã thức từ sớm, ngồi ngay ngắn trên giường, để túi xách lên đùi chờ sẵn.
Tháo ống truyền tĩnh mạch quăng qua một bên, Maureen tự mình đi vào nhà tắm. Cởi trả bộ đồ bệnh viện, rồi bận lên người chiếc áo váy màu xanh tím nhạt. Chải lại mái tóc, đánh chút son môi, dặm tí má hồng, rồi bà để lại vài dòng cho từng đứa con gái một, bảo chúng nó chớ lo.
Đến giờ ăn sáng thì mụ y tá từ địa ngục có ghé qua, nhìn Maureen như thể đang nhìn một mụ già gàn dở. Mụ y tá mỉa mai vài câu, bảo sáng nay sao mà dễ thương thế, sao mà xinh thế, rồi giũ cái gối sột sột, cứ cố kéo Maureen nằm xuống để chích thêm một mũi.
Nhưng Maureen quyết không nằm xuống. Bà chống trả quyết liệt, khiến mụ y tá phải gọi hỗ trợ. Cuối cùng thì hai gã bảo vệ ục ịch, non choẹt xuất hiện. Cái đứa ục ịch hơn chụp lấy hai tay trong khi đứa kia túm lấy hai chân, con y tá thấy Maureen bị khống chế thì nhếch mép cười đắc ý, cho thuốc vào ống tiêm để chuẩn bị chích.
Đúng lúc đó thì Tool xuất hiện, người bóng lưỡng mồ hôi, tấm thân bồ tượng to như voi ma mút đứng choán hết cái cửa ra vào. Đôi giày làm việc thô cứng dưới chân, áo yếm trên người xộc xệch, làm lộ ra mấy miếng băng bó tạm bợ. Hai cánh tay và cổ của nó ướt nhẹp, đám lông đen xoăn tít bện lại, nhìn từ xa dám tưởng một hình xăm công phu.
“Bỏ tay ra khỏi người bà ấy,” nó ra lệnh lạnh tanh.
Hai thằng bảo vệ không rét mà run, vội buông Maureen ra và lảng đi liền.
“Không có gì đâu, Polly,” bà trấn an con nhỏ y tá đang run như cầy sấy. “Cháu tôi đó mà, ở Hà Lan mới qua. Cái đứa mà có lần tôi nói với cô ấy.”
Tool bước tới, ôm lấy Maureen, nhấc bà ra khỏi giường và đi ra khỏi cửa, bước xuống sảnh, đi ngang qua bàn tiếp tân, xuyên qua cánh cửa đôi và đến đường lái xe. Ở đó nó đã đậu sẵn con siêu bán tải F-150 màu đỏ táo. Mới mua ngay hôm trước chứ đâu, trả 33.641 đô tiền mặt cái rẹt.
Trả món tiền đó xong, ngồi tính toán vật vã một hồi, Tool mới ra đáp số: vậy là còn hơn 456.000 đô trong cái vali Samsonite.
Cái vali cũng sẽ thừa chỗ cho miếng dán thứ 31 mà nó vừa chôm tại một cửa hiệu thuốc tây giảm giá ở Boynton Beach. Thuốc này không phải cho nó, mà cho Maureen.
“Đẹp quá vậy!” Bà thốt lên khi vừa nhìn thấy chiếc xe tải. “Mà cao quá, chắc phải bắc cái thang mới lên nổi.”
“Thang thủng gì,” Tool nói, rồi nó long trọng ẵm bả đặt vào ghế phụ. Ghế bọc da xịn, chỗ ngồi thoải mái có dư chỗ để chân, dàn lạnh ngon lành cành đào, lại còn có nguyên khoang chở hàng bao rộng, dư sức cho Tool chất mớ thánh giá trên đường cao tốc. Trước khi tới đây, nó đã cẩn thận chất từng cây một lên chiếc xe này. Làm xong thì trời đã gần sáng.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen

Postby bevanng » 14 Mar 2022

Nhìn thấy mấy miếng băng bó như mền rách trên người nó, Maureen hãi quá. Bà nài nó phải đi bác sĩ cho được. Trên đường đi bà cứ càm ràm, lải nhải làm nó phát mệt đến độ phải miễn cưỡng đánh xe ra khỏi đoạn cao tốc thu phí gần Kissimmee rồi đến cái trang trại gia súc bên sông. Nghe Maureen dốc lòng năn nỉ, thằng bác sĩ thú y cũng đồng ý mổ lấy hai viên đạn ra.
“Rồi con sẽ sớm cảm thấy mình như một con người mới,” Maureen tuyên bố, bỏ hai viên đạn vào trong giỏ xách. “Ông có cho con cái gì để giảm đau không?”
“Hình như là cùng loại giảm đau dùng cho bò,” Tool nói. Nó thực sự đang cảm thấy rất ổn. “Vậy giờ mình đi đâu đây?”
“Earl nè, ta hỏi con một câu riêng tư được không?”
“Được chớ.”
Chiếc xe đang đi dọc một dải đất hẹp để ra khỏi trang trại. Trên đài đang phát một bài hát ngớ ngẩn gì đó về sự cô đơn và tan vỡ, Tool thò tay tắt luôn.
“Thực ra việc này cũng không liên quan gì đến ta cả,” Maureen nói, “nhưng ta thực sự tò mò là làm sao con có được chiếc xe chiến thế này với lương bảo vệ?”
Nó cố tình tu thật lâu chai Mountain Dew không lạnh để có thời gian suy nghĩ câu trả lời.
“Ừa thì,” nó nói, “làm bảo vệ cũng có ca này ca kia. Có mấy ca trả khá lắm.”
“Vậy ca này coi bộ trúng mánh con heng?”
“Nhìn tổng quan thì đúng là như vậy,” nó nói. “Vậy giờ con hỏi lại một câu được không?”
“Được chớ.”
“Kỳ nghỉ trong mơ của bà sẽ như thế nào?”
“Ý con là nếu ta có thể đi đến bất kỳ nơi nào trên thế giới thì ta sẽ chọn đi đâu ấy hả?”
“Đúng rồi,” Tool nói. “Chúng ta có thể đi đến bất kỳ đâu. Chỉ cần bà nói tên chỗ đó thôi.”
Maureen nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh sáng rọi thẳng vào khiến mái tóc như mỏng và xám hơn, dù đôi mắt lại xanh và sáng như màu nước biển. Tool có thể tưởng tượng ra chân dung của bà khi còn trẻ.
Bà nói: “Giờ vẫn đang là mùa xuân phải không?”
“Đúng rồi. Giờ là cuối tháng Tư, chuẩn bị sang tháng Năm.”
“Ta đang nghĩ về lũ bồ nông hôm nọ. Bọn chúng hẳn đang bay về phương bắc nhỉ?”
“Vâng, chúng sẽ bay đến mãi tận Canada, cái show trên TV hôm nọ bảo thế.”
“Ừa, bay tới Canada. Ta nhớ rồi,” Maureen nói. “Như thế chẳng phải tuyệt vời lắm sao?”
“Cảnh tượng ấy chắc phải rực rỡ lắm, cả ngàn cánh chim trắng từ trên trời cùng xà xuống một lúc. Tất cả đều trở về nhà,” Tool nói. “Con, con sẽ muốn coi cái cảnh đó lắm.”
“Ta cũng muốn, Earl.”
“Đường dài lắm đó. Bà có chắc là mình đi được không?”
Bà nghiêng người sang, ghé sát tai nó và nói: “Đừng có lo cho ta, ông kẹ à. Cứ lái đi.”
“Tuân lệnh,” Tool ngoác miệng cười rồi vớ tay vặn cái đài. “Nghe miếng nhạc nha.”
*
Karl Rolvaag gặp ác mộng. Anh thấy mình bị siết cổ từ từ bởi một sợi thòng lọng làm bằng lụa nhạt. Anh choàng tỉnh giấc, đưa hai tay chụp lấy cổ họng, một thứ gì đó âm ấm, gân guốc, màu bạch tạng đang nhẹ nhàng quấn qua cổ. Sau một vài giây phút vật lộn, viên thanh tra gỡ được thứ ấy ra và bật đèn. Lần theo chiều dài của con trăn dọc trên ga trải, anh lật nệm lên và nhìn thấy một cái lỗ ở lò xo giường. Khi Rolvaag cắt tấm vải bọc nệm ra, anh tìm thấy không chỉ một, mà những hai con trăn thất lạc, đang quấn lấy nhau đầy êm ấm, thỏa mãn. Kiểm tra kỹ cái bụng cho chắc, anh vui vì chúng xẹp lép, làm sao chứa được con chó hay con mèo gì trong đó. Trái lại, hai đứa còn có vẻ tiều tụy và đói bụng.
Rolvaag nhẹ nhõm, dù không ngạc nhiên mấy, vì mấy con thú nuôi bị mất tích ở Sawgrass Grove đều đã lần lượt được tìm thấy, hoàn toàn nguyên vẹn. Pinchot, con chó phốc già thì bị lạc ở hồ nước của quận. Người ta đã cột nó lại sau khi nó cạp một vị theo giáo phái Nhân chứng Jehovah. Pandora, con mèo xiêm thì được gia đình Mankiewicz chuộc lại từ đám hàng xóm quá khích. Đâu có tiền bạc gì, một thùng rượu mạch nha là vui cả làng.
Thanh tra cảm thấy như mình vừa được minh oan, nhưng vẫn còn một việc phải giải quyết nốt. Anh giải thoát hai con vật của mình ra khỏi giường, quàng chúng lên vai như một món trang sức màu sắc, dẫu có hơi nặng. Rồi một người hai trăn băng qua tiền sảnh, đến trước căn hộ của bà Shulman và gõ cửa ba lần. Hên quá, bà ta quá lùn nên không thể kiễng chân tới lỗ nhìn an ninh, chứ nếu bà thấy cảnh tượng bên ngoài thì sức mấy mà dám mở cửa.
“Nellie, bà nợ chúng tôi một lời xin lỗi,” Rolvaag nói khi cửa vừa bật mở.
Bà Shulman giật mình vì sợ. “Đồ quái vật biến thái. Mang mấy con vật nhầy nhụa của ông tránh xa tôi ra.”
“Tôi không đi đâu hết, trừ phi bà xin lỗi.”
“Tôi chỉ hận không thể cùng ông ra tòa, đồ biến thái bệnh hoạn. Biến đi giùm!”
Đen lúc này thì hai con trăn bắt đầu chú ý đến Petunia, con chó nhỏ đang nhảy nhót điên cuồng dưới đôi chân mang dép lê của bà Shulman. Hai con bò sát vươn cái đầu màu trắng đục lên, hai cái lưỡi lè ra liên tục để liếm không khí. Rolvaag có thể thấy bọn chúng đang siết chặt cơ thể quanh mình một cách đầy hăm hở.
“Bình tĩnh nào, mấy đứa,” anh thì thầm.
Đôi mắt giận dữ cay nghiệt của Nellie Shulman mở to đáng sợ khi nhìn thấy hai con trăn bắt đầu vặn vẹo trên người Rolvaag.
“Ông là đồ con hoang chó má!” Bà gào lên rồi đóng sầm cửa lại.
Khi thanh tra trở lại căn hộ của mình thì điện thoại đổ chuông. Ông để cho hộp thư thoại tự làm việc.
“Karl, vác đít lên trụ sở ngay cho tôi,” bên kia đầu dây là sếp Gallo. “Tụi mình phải đi một cuốc trực thăng gấp. Có biến mới.”
“Ngạc nhiên ghê,” Rolvaag lầm bầm.
Thỉnh thoảng anh lại cảm thấy thương ông sếp mình quá. Cũng là một cảnh sát mẫn cán, nhưng thỉnh thoảng quên mất ngoài luật pháp còn có luật rừng. Thế nên sếp Gallo mới sửng sốt tột độ khi hôm qua, cảnh sát trưởng gọi tới thông báo xác của Samuel Johnson Hammernut được tìm thấy dọc đường 441 ở miền tây Hạt Palm Beach.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen

Postby bevanng » 14 Mar 2022

Đấy là một cái chết thật bất thường, ông Hammernut bị một cây thánh giá xiên qua người một phát chí tử. Cái thánh giá mang tên Pablo Humberto Duarte, một bác sĩ nổi tiếng chuyên chẩn đoán và phòng ngừa các bệnh liên quan đến bàn chân người. Bác sĩ Duarte thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở chính chỗ ấy.
Vào một đêm mưa, chiếc mini Cooper của ông bị nghiền nát bởi một tên lái xe vô lương. Nó gây tai nạn rồi bỏ chạy, đến nay vẫn chưa có tăm hơi gì. Và dù người lập cây thánh giá đã cẩn thận khắc trên đó thông điệp nhắc nhở mọi người hãy thắt dây an toàn khi lái xe, rõ ràng là không có một cái dây an toàn hay phương pháp bảo hộ nào có thể cứu mạng người bác sĩ xấu số. Bởi vì khi đến hiện trường, người ta phát hiện chiếc Mini Cooper bị dập xẹp lép.
Bởi vì cái chết của Hammernut có vẻ giống một nghi lễ tôn giáo, nên cảnh sát Palm Beach đang đi theo hướng kết nối ông trùm nông nghiệp và người bác sĩ vắn số. Một giả thiết đưa ra: gia đình Duarte tình cờ biết được Hammernut là gã tài xế gây tai nạn, bèn lên kế hoạch báo thù khủng khiếp.
Rolvaag nén một tiếng cười khi nghe cái giả thiết ấy. Gallo thì không. Ông thật sự căng thẳng vì một tài phiệt giàu có và giàu ảnh hưởng đột nhiên bị sát hại, chỉ mười ngày sau khi người thanh tra dưới trướng của mình đến gặp trực tiếp để thẩm vấn về nghi án giết vợ.
“Hãy nhìn vào mặt tươi sáng đi sếp,” Rolvaag nói. “Vụ này giờ đã vượt thẩm quyền của mình rồi.”
Tâm trạng của sếp Gallo sau một đêm trằn trọc chẳng khá thêm chút nào. Khi Rolvaag đến trụ sở, Gallo kéo anh vào văn phòng và đóng sầm cửa lại.
“Tụi mình sẽ bay đến Everglades,” sếp nói giọng nghiêm trọng.
“Okay.”
“Ủa anh không thèm hỏi tại sao luôn hả?”
“Tôi đoán được mà,” Rolvaag nói.
Bên ngoài ráng giữ điềm tĩnh vậy, chứ sếp Gallo đang rối bời, bằng chứng là ông đang cắn nát cái môi dưới vì suy nghĩ.
Sếp nói: “Karl nè, tôi cần một vài chỉ dẫn thân tình.”
“Sếp muốn biết chuyện gì?”
“Đó, chính là câu hỏi đó: tôi muốn biết chuyện gì?” Sếp Gallo cố nheo mắt. “Nếu ở vào vị trí của tôi, anh có thật sự muốn lao đầu vào vụ Perrone nhức não này không? Nói thử tôi nghe.”
Họ nói chuyện trong lúc chờ trực thăng tới. Gallo hỏi Rolvaag mang gì theo bên người vậy. Đó là một cái thùng Rubbermaid cỡ lớn, có đục thủng mấy cái lỗ nhỏ để thoát khí.
“À, lũ trăn của tôi,” Rolvaag nói. Anh đã phải đắn đo rất kỹ để mang chúng theo.
Gallo nhìn anh thất kinh. “Anh bị khùng hay gì? Lỡ tụi nó thoát ra ngoài thì sao?”
“Sếp đừng nói cho tay phi công biết là được.”
Rolvaag ngồi tận hưởng chuyến bay chở họ băng qua Fort Lauderdale, đi dọc vùng ngoại ô phía tây, rồi lên phía bắc men theo xa lộ Sawgrass, trực chỉ Hạt Palm Beach. Thật khó để nhận ra cái dải đất nền cao là ranh giới ngăn cách giữa năm triệu con người xô bồ, náo nhiệt với vùng đất hoang sơ tiền sử của Everglades. Thanh tra chợt hối hận vì trong thời gian làm việc tại Nam Florida đã không dành nhiều thời gian hơn cho vùng đất ở bên kia triền đê, tận hưởng sự yên bình và trong lành của nó.
“Sở cảnh sát Palm Beach mời mình tới rất lịch sự,” Gallo giải thích, cặp mắt vẫn chưa rời khỏi cái thùng đựng hai con trăn. “Họ muốn chia sẻ thông tin gì là quyền của họ. Vụ này thuộc về họ mà.”
“Ơn Chúa là vậy,” Rolvaag nói.
Giữa vùng thảo nguyên màu xanh và nâu vàng, con Humvee bóng lưỡng kim loại của Charles Perrone hiện lên như một cái đèn hiệu màu vàng sáng chói. Khi chiếc trực thăng đến gần hiện trường hơn, Rolvaag có thể nhìn thấy mấy chiếc xe cảnh sát đậu trên đê, cùng với một chiếc bốn bánh có lẽ của cảnh sát Liên bang. Chiếc xe của đội kiểm lâm Loxahatchee đã tới đây sớm hơn cả.
Khi trực thăng đáp xuống, Rolvaag và Gallo được một viên cảnh sát trẻ măng của Palm Beach chào đón. Anh này tên Ogden. Ogden đưa cho họ bức thư tuyệt mệnh được tìm thấy trong con Hummer.
“Bộ lông của nàng thiên điểu?” Gallo búng nhẹ lên giờ giấy. “Là cái đéo gì ấy nhỉ?”
Ogden rụt vai.
“Các anh có tìm thấy xác không?” Rolvaag hỏi.
“Chưa, vẫn đang tìm,” Ogden nói.
Một chiếc thủy phi cơ đang ở gần đó, chạy zigzag xuyên qua bụi cỏ cưa. Rolvaag sẽ không ngạc nhiên nếu người ta tìm thấy cái xác tan nát của chồng Joey Perrone, nhưng anh sẽ sửng sốt lắm nếu gã tự sát thật.
Ogden nói: “Tôi biết ông đã thẩm vấn đối tượng nhiều lần sau cái chết của vợ ông ta. Nhìn ông ta có giống như bị trầm cảm đến mức phải làm việc này không?”
“Thú thật là ông ta không có vẻ gì là buồn rầu cả,” Rolvaag nói. “Nhìn đương sự giống như một kẻ ngớ ngẩn và vô cảm thì đúng hơn.”
Dưới góc độ nhà nghề, Gallo thấy mình phải phụ họa: “Karl có một vài giả thiết về việc ông Perrone đây có dính líu trực tiếp đến vụ mất tích của vợ. Nhưng cuộc điều tra vẫn chưa đi đến đâu.”
“Xui ghê ha sếp,” Rolvaag nói, rồi thầm nghĩ: ông thử điều tra một vụ giết người chỉ trong hai tuần mà không có cái xác nào thử xem.
“Thế lần cuối ông thấy ông ta là khi nào?” Ogden hỏi Rolvaag.
“Vài ngày trước, ở lễ tưởng niệm bà Perrone.”
“Ồng có buồn dữ không?”
“Không hề. Ông ta còn kịp thả thính với cô bạn thân nhất của vợ mà.”
“Chà, dễ thương quá,” Ogden nói.
“Một hoàng tử đích thực. Thôi chúc may mắn nhé,” Rolvaag nói.
“Cái gì trong hộp kia thế?”
“Thôi, cậu không muốn biết đâu.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen

Postby bevanng » 14 Mar 2022

Rolvaag xách cái thùng Rubbermaid nặng chịch lên và tản bộ xuống con đê. Sau khi thoát khỏi tầm mắt của mọi người, anh đặt cái thùng xuống đất. Đây chẳng phải là một phương án tối ưu, Rolvaag biết vậy. Cặp trăn này đâu có phải dân Florida chính hiệu, nhưng anh cũng không có ý định sẽ bay về tận cố hương Ân Độ của tụi nó cho màn phóng sanh tình nghĩa này. Nhưng ở đây thì lũ trăn ít nhất cũng sẽ cảm thấy ấm áp và tương đối an toàn. Kích cỡ của tụi nó đủ lớn để hù đám diều hâu, gấu mèo, rái cá. Rolvaag không lo mấy về thiên địch của chúng, chỉ sợ mỗi vụ thuốc trừ sâu và mấy cái hóa chất độc hại do xả thải. Anh nhớ lắm cái con rắn con bị biến dạng ở gần nông trại Hammernut. Thôi đành hy vọng là nước ở Loxahatchee này sạch sẽ hơn.
Anh mở nắp hộp và chờ cho lũ trăn nhúc nhích dưới ánh mặt trời. Từng con một ngập ngừng vươn lên rồi thò cái mũi ra khỏi miệng thùng. Rolvaag sung sướng nhìn màn trườn bò quyến rũ của hai con vật nuôi. Chúng quả là lũ săn mồi nguyên thủy nhất, lôi cuốn tuyệt vời nhất, nhưng tuyệt không cảm xúc, một sinh vật thông minh sắc bén có đuôi.
“Chắc sẽ lâu dữ mới gặp lại. Hai đứa ráng nhe,” Rolvaag nói.
Lê bước thong dong trở lại chỗ mấy xe cảnh sát, Rolvaag không thể kềm được ý nghĩ hài hước rằng chiếc Hummer sặc sỡ của Chaz Perrone tiệp màu kinh khủng với mấy dải băng cách ly hiện trường. Rolvaag tin là Red Hammernut đã khử Perrone vì sợ nó sẽ tiết lộ cái giao kèo quỷ dữ của hai người. Một khả năng nữa là Chaz quá ngu đến độ đòi thêm tiền của lão để giữ im lặng. Còn về cái chết rùng rợn của Hammernut, Rolvaag nghĩ là do Earl Edward OToole. Có lẽ mâu thuẫn nổ ra và gã cục súc có thú vui sưu tập thánh giá trên đường cao tốc đã không kềm nổi thịnh nộ và quyết định xiên ông chủ của mình như thịt nướng.
Nhưng suy nghĩ thế thôi, chứ Rolvaag tất nhiên sẽ không chia sẻ bất kỳ điều gì với thanh tra trẻ Ogden. Ít nhất là không phải hôm nay, vì Rolvaag đang nôn nóng được về nhà và dọn nốt hành lý. Hơn nữa, cho thêm giả thiết với manh mối làm gì? Sếp của tay thanh tra trẻ kiểu gì cũng sẽ sớm đóng lại vụ này.
Một lát sau, khi tiễn hai người ra sân bay, Ogden nói: “Chúng tôi sẽ gọi thông báo khi tìm ra xác.”
“Nếu như cái xác mặc đồ thiên điểu,” Gallo nói. “Nhớ gửi hình tôi xem với nha.”
*
Trên đường bay trở lại Fort Lauderdale, Gallo chồm tới gần Rolvaag và gầm gừ: “Tôi cần câu trả lời, Karl. Ngay.”
“Được rồi, câu trả lời đây,” Rolvaag nói. “Nếu tôi là sếp, tôi sẽ không muốn biết những gì mà tôi đang biết đâu.”
Gallo tỏ ra nhẹ nhõm, nhưng sau đó lấy lại sự cảnh giác. “Anh nói thế không phải vì sợ tôi quá dốt không hiểu nổi vụ án đó chớ?”
“Tất nhiên là không.”
“Anh tin là bà Perrone đã chết?”
“Tôi tin thế.”
“Nhưng nếu anh sai thì sao?”
“Thì tôi sẽ bay về đây dự phiên tòa.”
“Phiên tòa nào trời ơi? Nhân chứng duy nhất là nạn nhân mà.”
Rolvaag đưa ngón tay lên môi làm động tác suỵt. “Tôi đã nói là ông không muốn biết rồi mà.”
Gallo hạ giọng: “Anh lựa đúng cái thời điểm khó khăn nhất mà bỏ tôi đi. Lựa đúng cái vụ thúi nhất nữa.”
“Mọi thứ đã êm rồi. Tin tôi đi sếp.”
“Tin anh á? Karl, tôi còn không theo kịp anh nữa kìa.”
Khi hai người trở lại văn phòng, Rolvaag để ý thấy một sự lặng im bất thường, cứ như sở cảnh sát vừa trở thành bảo tàng mỹ thuật. Tất cả các thanh tra nam giả vờ như đang đọc hồ sơ vụ án đầy mẫn cán, thực ra là đang liếc mắt tình tứ với Rose Jewell, hiện ngồi tại bàn làm việc của Rolvaag và đọc một quyển sách. Cô đang mang giày cao gót màu ngọc trai, áo thun trắng cộc tay và một chiếc chân váy màu xanh nước biển. Váy ngắn đến độ trúng gió như chơi.
Khi đưa mắt nhìn lên và trông thấy Rolvaag, cô liền gấp sách lại và nói: “Sao tôi chẳng có đồng cảm gì với Emma Bovary. Ngại ghê, nhưng thiệt là không cảm được.”
Cặp kính râm màu đen cỡ đại đang được cô nàng gài qua đỉnh đầu, càng làm nổi bật mái tóc vàng hoe. “Mua cho tôi một ly cà phê nhen,” cô nói với Rolvaag.
“Ủa, tôi nhớ cô đâu có uống cà phê?” Anh nhắc.
“Trời ơi, chỉ là một cách nói thôi mà,” cô cười trẻ con. “Có nghĩa là tôi muốn nói chuyện riêng với anh đó.”
Sếp Gallo bỗng dưng chen vào hai người và xòe tay ra xin bắt. “Hình như chúng ta chưa biết nhau thì phải?” Ông nói.
“Biết nhau để chi? Anh có gia đình rồi, cưng à,” Rose chỉ vào cái nhẫn cưới trên tay Gallo. Rồi cô quay sang Rolvaag: “Sao, có mời tôi không?”
Anh theo cô đi dọc hành lang tới một dãy máy bán hàng tự động. Anh mua cho cô một lon soda ăn kiêng, cô khui ra uống ngay.
“Tôi có thấy mấy cái thùng trên bàn của anh,” cô nói. “Anh định đi đâu thế?”
“À. Tôi sẽ nhận việc mới tại sở cảnh sát Minnesota.”
“Minnesota? Thế còn vụ Joey thì sao?”
“Vụ ấy gần như đã khép lại rồi cô,” Rolvaag nói.
“Ý là chấm dứt mãi mãi hả?” Rose dè dặt hỏi.
“Không phải mãi mãi, chỉ là khép lại thôi.”
Rồi anh kể cô nghe về chiếc Humvee của Chaz Perrone tại Loxahatchee, về mẩu thư tuyệt mệnh. Anh chỉ kể những gì mình biết chắc chắn, chứ không nói ra những giả thiết của mình.
Rose dựa vào cái máy bán hàng tự động rồi nói: “Chúa ơi, tôi có việc phải thú nhận.”
Viên thanh tra chợt cảm thấy muốn ợ nóng. “Làm ơn đừng nói là cô giết nạn nhân. Tôi đã trả tiền thuê U-Haul rồi.”
“Chúa ơi, không có, tôi không có giết nó,” cô nói. “Nhưng tôi có mời nó đến nhà tôi sau bữa tưởng niệm… và tôi bỏ thuốc vào rượu của nó.” Cô cười bẽn lẽn. “Tôi đã chuốc cho nó thú nhận xô Joey xuống biển.”
“Rồi ông ta có thú nhận không?”
“Tôi không nói được,” Rose bảo. “Tôi cần một luật sư chớ?”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen

Postby bevanng » 14 Mar 2022

“Không đâu, trừ phi ông Perrone đâm đơn kiện, và tôi cá là việc ấy không xảy ra đâu.”
Cô đưa cho Rolvaag lon soda vẫn còn một nửa, anh cầm lấy và cho vào thùng rác.
“Mẹ tôi sống ở Minnetonka,” cô nói.
“Cô giỡn hay thiệt? Tôi sẽ làm việc tại Edina đấy.”
“Một thị trấn dễ thương.” Rose gật gù đồng ý. “Tôi có thấy anh ở lễ tưởng niệm của Joey, ngồi ở phía sau nhà thờ, nhưng tôi cứ ngại ngần không biết có nên… chào một tiếng không.”
“Điếu văn của cô hay lắm,” Rolvaag nói. “Tôi tin là bà Perrone sẽ thích.”
“Tôi vẫn chưa hết hy vọng về bạn mình đâu, ông biết mà phải không. Những điều quái đản hơn còn có thể xảy ra nữa mà.”
“Tôi cũng chưa hết hy vọng,” Rolvaag nói. Anh muốn nói với cô nhiều hơn, nhưng không thể.
Cô nói: “Mỗi năm tôi đều cố đến thăm mẹ tôi một, hai lần chi đấy.”
“Mùa xuân ở đó dễ chịu lắm,” Rolvaag thấy mình buột miệng nói.
“Vậy lần sau tới, tôi thử gọi anh nhé,” Rose nói. “Ở Edina sẽ chẳng có nhiều vụ án nhức nhão đâu. Tôi cá là anh có thể dành ra một tiếng để ăn trưa.”
“Ít nhất một tiếng,” thanh tra nói.
Trên đường bước ra khỏi văn phòng, Rose Jewell không ngoái lại lấy một cái. Như vậy Rolvaag đỡ xấu hổ, nếu bị phát hiện đang dõi theo nàng. Đấy là một trong những màn rời đi rực rỡ nhất mà anh từng chứng kiến trong đời. Sau một lúc định thần, anh trở lại bàn làm việc và tiếp tục dọn đồ. Anh kiểm tra hộp thư thoại, nhưng không có tin nhắn mà mình chờ đợi. Có thể mình đã sai cũng nên, anh nghĩ, nhưng không thể, sao mà sai được nhỉ.
Rolvaag cố thu dọn thật chậm rãi, cốt chờ một cuộc điện thoại. Nhưng không có một tiếng chuông nào cả. Để rồi gần 5 giờ, khi anh chuẩn bị lên xe rời đi thì một người đàn ông trung niên chắc nịch, với làn da rám nắng xuất hiện. Người này giới thiệu bản thân, trình thẻ căn cước đã mờ của văn phòng pháp lý bang Dade, nơi nhiều năm trước đó anh từng làm một thanh tra.
“Tôi có thể giúp gì đây, ông Stranahan?” Rolvaag hỏi.
“Đi ăn chút gì nhe.”
“Như ông thấy đó. Tôi đang bận điên. Đây đã là tuần làm cuối cùng của tôi ở nhiệm sở.”
Stranahan nói: “Tôi muốn bàn về một người đàn ông tên Charles Perrone.”
Nghe thế Rolvaag chụp ngay cái áo khoác. “Ở Las Olas mới mở một tiệm ăn. Burger ở đó được lắm.”
“Tôi mang theo một người bạn, tiện chứ?”
Thanh tra tìm thấy một quyển sổ cuối cùng ở dưới đáy ngăn kéo bàn làm việc. “Không vấn đề gì,” anh nói.
Chiếc Suburban màu xanh lá đậu cách đó ba dãy nhà, ở một bãi giữ xe công cộng. Vừa nhìn thấy chiếc xe, Rolvaag đã cố nén một nụ cười. Anh chui vào băng ghế sau, kéo kính cửa sổ xuống để ánh mặt trời rọi vào mặt. Họ đến tiệm burger, gọi mấy phần ăn mang đi rồi đến một bàn cắm trại bên bờ biển.
Bà Perrone trông còn đáng yêu hơn trong mấy tấm hình. Mick Stranahan để cho cô nói gần hết. Khi cô kể xong câu chuyện, Rolvaag nói: “Nói tôi nghe điều cuối cùng mà bà nhớ đi.”
“Thì tôi rơi,” cô nói. “Không, lặn.”
“Trước đó thì sao?”
“Chồng ném tôi ra khỏi boong.”
“Còn sau đó?”
“Tôi thức dậy ở chỗ anh Mick và không nhớ gì nữa,” Joey Perrone nói. “Cho đến tận hôm qua.”
Stranahan chen vào: “Nhớ cũng cắc cụp lắm. Có lúc cổ còn không nhớ được tên mình nữa mà.”
Rolvaag bỏ cuốn sổ xuống và chuyển sự tập trung qua đám khoai tây chiên.
“Họ tìm thấy một bó cần sa có móng tay của bà trên đó,” anh nói với Joey. “Tôi cứ tự hỏi không biết bà đã bám trên đó bao lâu.”
Joey trầm tĩnh nhìn bàn tay, hết xòe lại gập, như thể cố lục lọi ký ức.
“Cổ bám cả đêm ông ạ,” Mick Stranahan. “Đó cũng là lúc tôi tìm thấy cổ.”
Dù Joey Perrone đang tỏ ra khỏe mạnh, hoạt bát, Rolvaag vẫn hết sức ấn tượng. Không có nhiều người trưởng thành có thể sống sót sau một cú ngã kiểu ấy, lại còn trải qua tám giờ lạnh giá trên biển.
“Cái đảo của ông chính xác là ở đâu?” Rolvaag hỏi.
Stranahan tả cho anh nghe.
“Nhưng ông có thuyền mà đúng không? Sao ông không chở bà Perrone đi viện ngay sau khi tìm thấy bà?” Thanh tra hỏi.
“Vì lúc ấy cô ấy hoàn toàn kiệt sức, làm sao còn di chuyển nổi. Cái xuồng của tôi bé xíu, sóng một tí thôi cũng nguy hiểm cho cổ.”
“Ông không có điện thoại hay điện đài VHF trên đảo sao?”
“Tôi có di động, nhưng hết sạch pin.”
“Không có sạc luôn?”
“Cục sạc banh,” Stranahan nói. “Cái VHF cũng thế.”
“Vậy thì trong hai tuần qua…”
“Anh Mick đã chăm sóc tôi,” Joey Perrone nói.
Rolvaag lấy ống hút quậy viên đá trong ly Sprite cỡ lớn của mình. Anh nói: “Vậy hai người hẳn đã nói được nhiều chuyện với nhau.”
Joey đang ăn ngấu nghiến đĩa salad Hy Lạp. “Tôi biết lời khai của mình sẽ trái ngược hoàn toàn với nó, nhưng tôi muốn kiện Chaz ra tòa vì tội mưu sát. Tôi muốn nhờ tới pháp lý.”
“Pháp lý có lẽ không giúp được,” Rolvaag nói. “Vì chồng của bà đang bị mất tích ở Everglades. Ông ta còn để lại thư tuyệt mệnh trong xe.”
Joey Perrone tỏ ra sốc hơn Mick Stranahan. Mick cẩn thận hỏi mảnh giấy ấy trông giống hàng thật không.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen

Postby bevanng » 14 Mar 2022

“Tôi thật sự nghĩ là ông Perrone đã mất rồi,” thanh tra nói.
Joey buông nĩa, nhìn đi chỗ khác, hướng về đại dương. Stranahan nhích lại gần và đặt tay lên lưng cô.
“Mẹ nó,” cô nói thầm.
“Bà ổn chứ?” Rolvaag hỏi.
Cô gật đầu và đứng dậy. “Tôi muốn đi bộ một chút.”
Khi chỉ còn lại hai người, Stranahan hỏi thanh tra chuẩn bị đi đâu.
“Tôi sẽ dời nhà đến Minnesota,” Rolvaag nói. “Tôi nghĩ bây giờ rời khỏi đây là tốt nhất, khi tôi vẫn còn nhớ một cuộc đời bình thường là như thế nào.”
“Chúc may mắn,” Stranahan nói.
“Mới hôm qua thôi tôi còn phải chứng kiến những thứ chỉ có ở Florida. Họ gọi tôi đến xem xác chết của một người trên đường. Anh biết mấy cái thánh giá tưởng niệm người chết ở cao tốc chứ? Người này bị một cây như vậy xuyên qua người.”
Stranahan cắn một miếng burger phô mai. “Ổng là khách du lịch à? Chính quyền rất thối chí vì mấy vụ khách du lịch bay lắc đến không còn biết trời trăng gì.”
“Không, người này sở hữu một cơ ngơi nông trang lớn gần hồ Okeechobee. Tình cờ ông ta cũng là đối tác làm ăn của chồng bà Perrone,” thanh tra nói. “Tên ông ta là Samuel Hammernut.”
Stranahan chẳng bộc lộ chút tò mò nào. Khi một con hải âu đến đậu một góc bàn, anh ném cho nó một mẩu khoai tây chiên.
Rolvaag nói: “Thứ Năm tuần trước họ có tổ chức một buổi lễ tưởng niệm bà Perrone. Tôi thề là có thấy một người giống ông y hệt.”
“Thiệt hả?” Stranahan lại ném cho con chim một lát dưa chua, và nó đã mổ ngấu nghiến. “Bọn chim này khiến cái đảo của tôi ồn kinh khủng,” anh nói. “Lũ chuột có cánh.”
“Sau bao nhiêu năm làm trong nhà nước,” Rolvaag nói, “đã bao giờ anh gặp một vụ án mà tự dưng nó khép lại không, mình chẳng thể làm gì ngoài việc ngồi xem nó kết thúc? Khi tất cả những nhân vật phản diện tự xử lẫn nhau và cứu cho mọi người không phải ra tòa?”
“Hiếm hoi lắm mới có một vụ như thế,” Stranahan nói.
“Ô, đây là vụ đầu tiên của tôi,” Rolvaag cầm cuốn sổ lên và ném nó vào thùng rác, làm con chim hết hồn.
“Tôi nghĩ vậy là đẹp, trước khi rời Florida. Anh nghĩ gì, Stranahan?”
“Tôi nghĩ thời điểm có ý nghĩa quyết định, Karl.”
Hai người đàn ông cứ nói chuyện với nhau trong khi ngoài xa, Joey vừa trở về từ bờ biển. Cô đã đeo kính râm, cởi giày và tháo đồ cột tóc. Một quả banh sọc lớn lăn đến trước mặt, cô co chân đá nó lại cho một thằng nhóc tóc vàng. Thằng nhỏ ôm quả bóng, cười rộ chạy đi. Cô lại bước tiếp, thỉnh thoảng dừng lại nhìn những đợt sóng ôm lấy đôi chân mình, hoặc cúi xuống nhặt một chiếc vỏ sò.
* * *
Một gã vạm vỡ và nhếch nhác bước ra khỏi đám cỏ cưa, không mang vũ khí. Chaz Perrone ném viên đá về phía gã, làm nước bắn tung tóe lên người lạ, rồi hét lên: “Tránh xa tao ra, thằng già!”
Người lạ cười toe toét, hàm răng đều và đẹp đến báo động. Nhìn bề ngoài của người lạ, Chaz nghĩ đó phải là một tên vô gia cư nghiện rượu. Vậy mà nó coi trọng vệ sinh răng miệng đến cỡ đó thì thật quái đản.
“Đừng lại gần tao,” Chaz cảnh báo. Nó nhặt một viên đá lên và nhứ nhứ đe dọa.
Người lạ có mái tóc hoa râm vẫn bước đến. Khi chỉ cách chục thước, Chaz vận lực ném viên đá đi. Người kia tay không chụp lấy viên đá rồi ném ngược trở lại với tốc độ kinh hoàng. Viên đá sượt qua đầu Chaz.
“Hồi cao đẳng tao cũng có chơi chút banh bóng,” người lạ nói. “Chuyện cũng mấy tỉ năm rồi.”
Chaz lấy tay che của quý đang teo tóp của mình trong khi nó cố lùi lại tựa lưng vào cây nguyệt quế. Nó trấn an là tình hình hoàn toàn có thể tệ hơn, nếu người trước mặt là Red hay Tool, trên tay là khẩu súng trường.
Người lạ nói: “Hôm qua tao nghe mấy tiếng súng, nhưng ở xa quá.”
“Mày muốn gì?” Chaz run rẩy hỏi.
“Tao cứ nghĩ là một tên săn nai trộm. Bắn tới năm phát thì có nghĩa là ai đó thật sự muốn giết một con vật nào đó, hoặc một ai đó.”
“Ừ, muốn giết tao đó,” Chaz quay lưng lại để cho người lạ thấy viên đạn sượt qua vai nó.
“Suýt chết,” người lạ nói, giọng không mảy may quan tâm.
Chaz nghĩ tên này là người quản lý khu vực cấm săn bắn. Có lẽ gã đã lạc trong cái vùng xa xôi hẻo lánh này phải mấy chục năm rồi. Gã đang mặc một cái áo thun in hình Rolling Stones toi tả, quần vải thô do bẩn và một đôi ủng đã nổi mốc, bục hết chỉ và lòi cả ngón chân.
Trên đầu gã là một cái mũ trùm nhà tắm, một con mắt giả đang nhìn trống rỗng lên trời. Hàm râu bạc được bện lại một cách cầu kỳ, điểm nhấn là một cái vòng cổ làm từ răng.
Răng người, Chaz rụng rời nhận ra. Trong đám răng ấy còn có mấy cái răng trám nữa.
Người lạ biết Chaz đang nhìn gì, và nói: “Răng thật đấy, nếu mày đang hoài nghi. Tao nhổ từng cái một từ một thằng đi săn rái cá mẹ. Quần áo mày đâu hết rồi?”
“Cỏ cưa xé nát rồi.”
Chaz đang khát nước, đói bụng và gần như loạn trí vì thiếu ngủ. Cả đêm qua nó phải thức và lắng nghe dạ khúc khát tình của lũ cá sấu.
“Rồi cái đứa muốn giết mày đâu,” gã đội mũ nhà tắm hỏi.
Chaz nhìn vào đầm lầy hoang vu. “Ai mà biết được. Có hai đứa lận, tụi nó đứng trên đê.”
Người lạ gật đầu. “Trước khi quyết định sẽ làm gì với mày, tao cần thêm vài câu trả lời nữa. Mày có phiền không?”
Chaz trả lời dứt khoát: “Hỏi bất cứ thứ gì, rồi làm ơn cho tao ra khỏi cái chốn tận cùng của địa ngục này.”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen

Postby bevanng » 14 Mar 2022

“Mày cần phải hiểu tao không phải là người tốt. Chính tao cũng đang chật vật với cuộc sống của tao,” người lạ nói. “Chẳng hạn như tao có linh cảm mày không có liên quan chút nào hết với H. R. Haldeman. Người trong Nhà Trắng hay gọi lão là Bob.”
Chaz bảo mình còn không biết người ấy là ai.
“Một tên gian dối, phản bội và kiêu ngạo, làm việc cho Tổng thống đời thứ ba mươi bảy của Hoa Kỳ, một thằng con hoang vô luân chính hiệu,” người lạ bỗng chuyển giọng bực mình. “Đó là người mà tao đang mường tượng ra khi nhìn mày, Bob Haldeman. Nên hãy nhớ cái tên đó. Ngoài ra, tao đang đau đầu với một bài hát, cứ ông ổng trong đầu tao như chuyến xe lửa chở hàng rầm rập. Bài Hey Jude, Bobbie Gentry và Placido Domingo song ca. Đến giờ tao chưa mổ bụng tự sát đã là kỳ diệu rồi.”
“Ông tên gì?” Chaz cô giữ bình tĩnh, cô tỏ ra tử tế và vô hại.
“Cứ gọi tao là Đại úy. Nhưng ở đây tao mới là người đặt câu hỏi, hiểu chưa?”
Chaz ra hiệu đã rõ.
Người lạ nói: “OK. Hãy khởi đầu với những thông tin cơ bản.”
“Được thôi. Tôi tên là Charles Perrone, có bằng Tiến sĩ sinh thái đầm lầy. Tôi là nhà sinh vật thực địa cho sở quản lý nước thải Nam Florida.”
“Làm gì cơ, ông Perrone?”
“Tiến sĩ Perrone,” Chaz nhấn mạnh, hy vọng học vị có thể gỡ gạc lại một chút cho bề ngoài tả tơi của nó. “Tôi chủ yếu làm việc ở Everglades ngoài kia, thử xem nước thải có bị nhiễm phốt pho hay không,” nó nói. “Đây là một phần của dự án cải tạo lớn do chính phủ khởi xướng.”
Người lạ không có vẻ gì ấn tượng hay khúm núm như Chaz mong đợi. Gã móc con mắt giả ra, dùng một con dao bỏ túi tinh xảo cạo lớp cỏ khô đang dính trên cái vật hình cầu thủy tinh ấy. Rồi gã nhét con mắt lại chỗ cũ, và nói:
“Mày nói mày tên gì ấy nhỉ.”
“Perrone,” Chaz đánh vần.
“Không, tên ấy.”
“Charles. Nhưng mọi người quen gọi là Chaz.”
Người lạ gõ tay lên đầu: “Chad?”
“Không. Chaz, chữ z cơ.”
Câu nói ấy khiến người lạ cười to một cách khó hiểu.
“Thế giới nhỏ thật,” người đàn ông đội mũ nhà tắm nói.
“Sao vậy,” Chaz hỏi, mặc dù nó đang khiếp sợ câu trả lời.
“Tao có gặp một cô bạn của mày vài đêm trước,” gã nói.
Bao tử của Chaz quặn lên, và lưỡi của nó bỗng khô như giấy nhám.
“Cô ta tên Ricca,” người lạ nói. “Và chuyện của cổ về mày hơi bị hay.”
Chaz cười yếu ớt: “Ờ, trí tưởng tượng của cổ tốt lắm.”
“Vậy hả? Cái lỗ đạn 38 li trên đùi cũng là tưởng tượng hả?” Người lạ cho tay vào quần yếm, lục túi này rồi túi khác. Gã cười khùng khục khi rốt cục cũng tìm thấy viên đạn và giơ cao lên cho Chaz nhìn kỹ dưới ánh nắng ban mai.
Người lạ nói: “Tao đã phải dùng lưỡi câu uốn cong để lấy nó ra, với sự trợ giúp của một cái kềm mũi nhọn. Đau kinh khủng, nhưng cô gái đó quả thực rất lì lợm,” gã ném viên đạn xuống nước.
Chaz Perrone nghe đến đó thì xụi lơ. Xác suất để con hà mã chột mắt này cứu Ricca là bao nhiêu vậy trời!
Người lạ nói: “Để tao làm rõ một vài điểm với mày, Perrone. Thứ nhất, tao dư sức vặn cổ mày bằng tay không dù mày có thể nghĩ tao đã già. Thứ hai, đây đéo phải là chốn tận cùng của địa ngục, mà là nhà tao, và tao nghĩ nó là thiên đàng. Thứ ba, nếu mày là nhà khoa học thực sự thì ắt tao phải là Goldie Hawn1.”
1. Diễn viên, ca sĩ, vũ công người Mỹ.
Chaz vẫn cương quyết bảo vệ học vị của mình với cái giọng yếu xìu, làm người lạ nheo mắt nhìn nó với sự ngờ vực tàn bạo.
“Bộ ông không định nghe câu chuyện từ phía tôi sao? Đại úy? Làm ơn đi?” Chaz không còn nhận ra giọng mình nữa.
Người lạ lùi lại và chau mày nhìn mặt trời mọc. “Tụi mình phải đi ngay. Vì người ta sẽ sớm xông vào đây tìm mày.”
“Tôi không muốn ai tìm thấy mình hết.”
“Vậy đi thôi, nhóc. Không có thời gian để làm tiệc chia tay đâu.”
Chaz bất lực tuân theo vị ẩn sĩ một mắt rời khỏi bóng râm và tiến vào thảo nguyên nóng cháy, cỏ cưa cắt vào thịt da nó trên mỗi bước đi, nhưng cái cảm giác này không còn gọi là đau đớn được nữa. Cách đó không xa, cùng băng qua vùng đầm lầy này là hai con trăn màu kem, kích thước mỗi con phải to như dây cáp kéo thuyền, chúng lướt nhẹ nhàng, nhẩn nha, như được nạp thêm năng lượng bởi thiên nhiên hoang dã mới mẻ, trái ngược với sự khốn khổ của Charles Regis Perrone bị dẫn độ.
“Tôi nhận ra mình là một tên khốn nạn,” nó nói với người lạ, “nhưng người ta không thể đổi thay thành người tốt nếu không được trao cơ hội.”
“Haldeman có được trao cũng đéo tốt lên đâu,” người lạ đập vào vai nó. “Hơn nữa, tao cũng không nghĩ mày là một thằng khốn nạn miệt vườn, Chaz. Mày chỉ là một kẻ vô dụng thôi.”
Chaz không biết câu đó có ý gì nữa, nhưng rõ ràng là mang hàm ý tồi tệ nhất rồi. Ricca đã vẽ nên một bức chân dung rất kinh khủng về nó.
Khi hai người tiến sâu hơn vào vùng đất hoang lạnh, nỗi lo sợ lớn nhất của Chaz rốt cục cũng thành sự thật. Chúa ơi, nó nghĩ, cuộc đời khốn nạn chẳng cho mình một phút nghỉ ngơi.
Đúng nghĩa đen!
Sau khoảng một tiếng nữa, gã điên đội mũ tắm dừng lại, đưa cho Chaz cái bi đông nước. Chaz uống ngay không chút suy nghĩ. Khi nuốt ngụm nước xuống cổ họng, nó chợt nghĩ không biết gã người rừng này có biết một con cá sấu có bao nhiêu cu không?
Một câu hỏi khác cũng không dễ chịu hơn.
Giờ thì chuyện gì sẽ xảy ra với mình đây?
Như thể đọc được ý nghĩ của nó, người lạ nói: “Mày từng đọc thơ Tennyson chưa? Chắc không rồi. Thiên nhiên, đỏ rực với trăng và vuốt. Đấy là một câu nổi tiếng của ổng.”
Với Chaz, câu ấy chẳng lấy gì làm hứa hẹn. “Mình sẽ không đi ngược về Boca Raton, phải không?”
“Không đâu, Tiến sĩ Perrone. Mày sẽ không trở lại đó!”

Hết
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen

Postby bevanng » 14 Mar 2022

bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,322
Posts: 14094
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 27 guests