Jane Eyre - Charlotte Bronte

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

Một buổi sáng, trong bữa điểm tâm, sau một chốc có vẻ trầm tư, Diana bỗng hỏi anh: “Các kế hoạch của anh có gì thay đổi không?”
- Không thay đổi và không thể thay đổi được. - Anh trả lời, rồi báo luôn cho chúng tôi biết ngày rời nước Anh đi viễn xứ của anh đã được cố định vào năm tới.
- Thế còn Rosamond Oliver? - Mary gợi nhắc. Hình như cô đã buột miệng nói ra, vì ngay sau đó, cô đã vội có một cử chỉ như để rút lại lời nói. Đang cầm quyển sách trên tay - vừa ăn vừa đọc vốn là một thói quen không hay của anh - St. John bèn gấp sách lại và ngẩng mặt lên:
- Cô Rosamond, - anh nói - sắp làm lễ cưới với ông Granby, một trong những người có nhiều giao thiệp nhất và được đánh giá cao nhất ở S. Và là cháu thừa kế của Ngài Frederic Granby. Tôi được cha cô ấy cho biết tin từ hôm qua.
Hai cô em nhìn nhau, rồi nhìn tôi. Cả ba chúng tôi sững sờ nhìn anh, nhưng anh vẫn thản nhiên như không.
- Cuộc hôn nhân ấy có vẻ hơi vội, - Diana nói - vì họ chưa thể biết nhau lâu được.
- Chỉ mới hai tháng thôi, họ quen nhau trong một cuộc dạ hội ở S. hồi tháng mười. Nhưng không vì thế mà cuộc hôn nhân gặp phải trở ngại. Trong trường hợp môn đăng hộ đối như thế, đương nhiên chẳng cần gì phải chờ đợi lâu. Chỉ cần cái dinh thự mà Ngài Frederic cho họ được sửa sang xong là họ sẽ tổ chức đám cưới.
Lúc gặp St. John ngồi một mình, tôi đã hỏi xem cái tin đó có làm anh buồn không, nhưng có vẻ như anh chẳng cần sự thông cảm của ai. Thái độ của anh khiến tôi chưng hửng và thậm chí còn cảm thấy ngượng vì câu hỏi của mình. Hơn nữa, tôi đã mất thói quen trò chuyện với anh. Sự kín đáo và lạnh lùng hơn bao giờ hết của anh khiến tính thẳng thắn cởi mở của tôi bị đông cứng lại. Anh không giữ lời hứa đối xử với tôi như các em gái anh, và luôn tạo ra khoảng cách phân biệt giữa anh và tôi - điều hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển tình cảm thân thiết của anh và tôi. Nói tóm lại, dù đã được nhận là một người em họ và đã được sống với anh dưới một mái nhà, nhưng tôi lại cảm thấy khoảng cách giữa chúng tôi còn lớn hơn so với những ngày anh biết tôi chỉ là một cô giáo trường làng. Nhớ lại mình đã có lần được anh thổ lộ tâm tình, tôi bỗng thấy rất khó hiểu cái bộ dạng lãnh đạm của anh bây giờ.
Trong trường hợp ấy, tôi không thể không ngạc nhiên khi thấy anh đang ngồi dán mắt vào quyển sách trước mặt bàn, bỗng dưng ngẩng lên nói với tôi:
- Jane ạ, cô thấy rồi đấy, cuộc đấu tranh đã kết thúc và đã đạt được thắng lợi.
Giật mình vì bị hỏi như vậy, tôi không thể trả lời ngay. Sau một lúc do dự, tôi mới dám nói:
- Nhưng anh có chắc mình không rơi vào địa vị của những kẻ đi chinh phục giành được chiến thắng bằng một giá quá đắt không? Liệu anh có thân tàn ma dại khi giành thêm được một chiến thắng như vậy không?
- Tôi nghĩ là không, mà kể cả là như vậy thì điều ấy cũng chẳng có nghĩa gì nhiều. Tôi sẽ chẳng bao giờ được kêu gọi để giành một thắng lợi khác nữa. Cuộc đấu tranh đã được quyết định, con đường tôi theo giờ đã rõ ràng. Tôi ơn Chúa về điều ấy!
Dứt lời, anh lại quay về với những trang sách và sự lặng lẽ của mình.
Sự vui vầy bên nhau của chúng tôi (nghĩa là của Diana, Mary và tôi) rồi cũng lắng dần xuống, ai nấy lại trở về với những thói quen và công việc học tập hàng ngày. Và St. John cũng có mặt ở nhà nhiều hơn. Anh ngồi cùng phòng với chúng tôi, có khi là hàng giờ. Trong lúc Mary vẽ, Diana giở cuốn bách khoa toàn thư ra đọc (khiến tôi không khỏi ngạc nhiên và khâm phục), và tôi đánh vật với tiếng Đức, thì anh lại nghiên cứu một cẩm nang huyền bí, một ngôn ngữ phương Đông nào đó mà anh thấy là cần thiết cho các kế hoạch của mình.
Ngồi ở một góc riêng, anh có vẻ rất bình thản và chăm chú, nhưng cặp mắt xanh lơ của anh lại thường hay rời quyển sách văn phạm xa lạ, lơ đãng nhìn đi chỗ này chỗ khác, và thỉnh thoảng còn nhìn chúng tôi chằm chằm bằng ánh mắt dò xét quan sát. Nếu chẳng may bị bắt gặp, anh lập tức nhìn đi chỗ khác, nhưng chỉ được một lúc lại thấy anh đưa mắt về phía bàn chúng tôi. Tôi không hiểu anh có ý gì, cũng không biết tại sao anh thường hay tỏ ý hài lòng về một việc mà tôi thấy là chuyện nhỏ, ấy là việc tôi đến thăm trường Morton hàng tuần. Và tôi còn thấy lạ hơn nữa là mỗi khi gặp ngày thời tiết không thuận lợi, như tuyết rơi, mưa to, gió lớn, đến nỗi các em gái anh khuyên tôi nên ở nhà, thì anh lại luôn phớt lờ đi và trái lại còn khuyến khích tôi đi làm nhiệm vụ.
- Jane không phải là người yếu đuối như các cô vẫn tưởng. - Anh thường nói - Cô ấy có thể chịu đựng được gió núi, mưa rào hoặc vài bông tuyết rơi như bất cứ ai trong chúng ta vậy. Cô ấy đủ khỏe mạnh và dẻo dai để đương đầu chịu đựng những thay đổi của thời tiết, sức cô ấy có khi còn hơn nhiều kẻ lực điền ấy chứ.
Thỉnh thoảng từ trường trở về nhà, cũng có lần tôi cảm thấy thực sự thấm mệt vì mưa gió, nhưng chẳng bao giờ dám than vãn, vì tôi biết nếu làm vậy thế nào cũng khiến anh phật ý. Trong mọi trường hợp, nếu tôi cứ tỏ ra chịu đựng bền bỉ thì anh sẽ hài lòng, còn nếu làm ngược lại thì chỉ khiến anh khó chịu.
Tuy nhiên, cũng có một buổi chiều tôi buộc phải ở nhà vì bị cảm lạnh thực sự. Các em gái anh phải đi thay tôi tới trường Morton. Tôi ngồi đọc cuốn Schiller, còn anh thì tiếp tục mày mò với cái tiếng phương Đông huyền bí nào đó. Lúc thôi học dịch để chuyển sang làm bài tập, tôi đã bất giác nhìn về phía anh và bắt gặp cặp mắt xanh lơ của anh đang chăm chú nhìn tôi. Không hiểu anh quan sát tôi từ lúc nào, ánh mắt anh dữ dội và lạnh lùng quá, khiến tôi bỗng cảm thấy mình bị mê hoặc như đang ngồi trong phòng cùng với một cái gì đó thật kỳ dị.
- Jane này, cô đang làm gì thế?
- Đang học tiếng Đức.
- Tôi muốn cô bỏ tiếng Đức và chuyển sang học tiếng Hindi.
- Anh không nói đùa chứ?
- Không nói đùa, vì tôi rất cần cô làm như thế. Tôi sẽ nói để cô hiểu tại sao.
Rồi anh bắt đầu giải thích rằng Hindi là thứ ngôn ngữ mà chính anh đang học, nhưng khổ một nỗi cứ học trước lại quên sau, nên bây giờ nếu có một học trò cùng ngồi học thì sẽ thuận lợi cho anh hơn nhiều, anh sẽ có dịp thường xuyên xem lại những kiến thức cơ bản nhất để ghi nhớ trong đầu. Anh đã cân nhắc mãi để lựa chọn giữa tôi và hai cô em gái, nhưng cuối cùng đã quyết định chọn tôi vì thấy tôi có thể ngồi học lì nhất trong ba người. Tôi có thể chiếu cố nhận lời anh không? Có lẽ tôi cũng chẳng phải hy sinh dài dài, vì chỉ còn ba tháng nữa là anh ấy đi rồi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

St. John không phải là một người mà bạn dễ từ chối, vì khi tiếp xúc với anh, bạn sẽ cảm thấy rằng mỗi ấn tượng gây cho anh, dù thú vị hay khó chịu, đều khắc sâu mãi vào tâm trí anh. Tôi đã nhận lời đề nghị của anh. Lúc từ Morton trở về và thấy cô học trò của mình đã đổi thầy rồi, Diana đã cười rất to. Cả cô và Mary đều cho rằng St. John sẽ không bao giờ thuyết phục được họ làm như thế. Anh điềm nhiên trả lời:
- Tôi biết mà.
Tôi thấy anh quả là một ông thầy rất kiên nhẫn, biết kiềm chế và ưa sự chính xác. Anh kỳ vọng tôi làm việc nhiều. Những lần tôi làm đúng theo mong đợi của anh, anh đều tỏ vẻ tán thưởng theo cách riêng của mình. Dần dần anh đã gây được một ảnh hưởng nhất định đối với tôi, khiến tôi mất cả tự do suy nghĩ. Những lời khen và sự lưu ý của anh còn có sức chế ngự tôi hơn cả thái độ lãnh đạm của anh. Mỗi khi có mặt anh là tôi lại cảm thấy mình không còn cười nói tự nhiên được nữa. Lúc nào tôi cũng ý thức rằng anh chỉ chấp nhận thái độ nghiêm túc và sự bận bịu trong công việc, mọi cố gắng giả tạo trước mặt anh đều vô ích. Tôi như bị mê hoặc đến tê liệt. Khi anh ấy bảo “đi” thì tôi đi, bảo “đến” thì tôi đến, bảo “làm thế này” thì tôi như thế. Nhưng tôi không thích sự phục tùng. Đã không ít lần tôi thầm mong anh cứ tiếp tục phớt lờ tôi như trước.
Một buổi tối, vào giờ đi ngủ, các em gái anh và tôi cùng dửng quanh anh để chúc anh ngủ ngon. Anh hôn họ như thường lệ, và chìa tay bắt tay tôi cũng như thường lệ. Diana có vẻ như muốn đùa (cô không hề e ngại cái uy của St. John, vì tính cô tuy không giống anh, nhưng cũng rất mạnh mẽ) đã nói khích:
- St. John! Anh vẫn thường bảo Jane là em thứ ba của anh cơ mà, tại sao anh không đối xử với Jane như thế. Anh cũng phải hôn Jane chứ.
Cô đẩy tôi về phía anh. Tôi nghĩ Diana đang rất phấn khích, hành động của cô đã khiến tôi cảm thấy bối rối. Trong lúc tôi đang lúng túng nghĩ ngợi thì St. John cúi đầu xuống, khuôn mặt Hy Lạp điển hình của anh thấp ngang mặt tôi, ánh mắt anh nhìn sát vào mặt tôi như muốn dò hỏi - và anh đã hôn tôi. Nếu có những nụ hôn của đá hay của băng giá thì thế nào tôi cũng sẽ liệt nụ hôn của ông anh họ giáo sĩ thuộc vào loại ấy. Nhưng cũng có thể có những nụ hôn thử nghiệm, và nụ hôn của anh chính là nụ hôn thử nghiệm. Sau khi tặng tôi một nụ hôn, anh đã nhìn tôi xem kết quả ra sao. Tôi tin chắc mình không bị đỏ mặt, có khi mặt tôi còn hơi tái đi nữa ấy chứ, vì tôi cảm thấy nụ hôn ấy chẳng khác nào một con dấu đóng lên những cái gông trói buộc mình. Sau lần đó, không thấy anh quên cái nghi thức này lần nào, và thái độ nghiêm trang và điềm tĩnh của tôi mỗi khi đón nhận nụ hôn của anh hình như càng làm cho anh cảm thấy hài lòng hơn.
Về phần mình, ngày nào tôi cũng muốn làm anh vừa lòng hơn. Nhưng khổ một nỗi để làm như vậy, càng ngày tôi càng cảm thấy tôi phải mất đi nửa phần cốt cách, phải bóp nghẹt nửa phần năng lực, đánh vật với những sở thích nguyên bản, rồi phải tự ép buộc mình chấp nhận những mục đích không phù hợp với thiên hướng bẩm sinh của chính mình. Anh chỉ muốn rèn tôi đạt tới một trình độ mà chẳng bao giờ tôi đạt được, khiến tôi cảm thấy rất khổ sở. Điều này là bất khả thi, nó chẳng khác nào việc uốn những đường nét không đều trên mặt tôi theo khuôn mặt mẫu mực và cổ điển của anh, hoặc đổi cái màu xanh lục thất thường của đôi mắt tôi thành màu xanh dương uy nghi của anh vậy.
Tuy nhiên, tôi thấy mình không chỉ là nô lệ của riêng cái uy lực của anh. Quãng thời gian này, chẳng khó gì để nhận ra những nét buồn trên gương mặt tôi. Một nỗi đau ghê gớm đang giày vò trái tim tôi, bòn rút hạnh phúc của tôi ngay từ cội nguồn của nó. Đó là nỗi đau chờ đợi khắc khoải.
Thưa bạn đọc, có thể bạn đang nghĩ sống giữa những đổi thay của địa vị và của cải như vậy, tôi đã quên ông Rochester rồi. Tôi không có lúc nào quên được ông, ý nghĩ về ông lúc nào cũng ám ảnh tôi, vì nó chẳng phải là một màn hơi sương mà ánh mặt trời có thể xua tan, cũng chẳng phải là một nét vạch trên cát mà bão tố có thể xóa nhòa, mà là một cái tên được khắc lên một tấm biển đá và sẽ trường tồn như chính tấm đá đó. Lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi ước muốn cháy bỏng là được biết tình hình ông ấy hiện giờ ra sao. Chiều nào từ Morton trở về ngôi nhà nhỏ tôi cũng đều nghĩ đến ông, và bây giờ ở Moor House cũng vậy, hễ cứ đi ngủ là hình bóng ông lại hiện lên trong tôi.
Trong thư trao đổi với ông Briggs về vấn đề thừa kế, tôi đã hỏi ông có biết gì về chỗ ở hiện tại và tình hình sức khỏe của ông Rochester không, nhưng đúng như St. John đã đoán, ông chẳng biết gì hết. Bí quá, tôi phải viết thư cho bà Fairfax xem có tin tức thế nào. Tôi cứ tưởng mình sẽ sớm nhận được thư trả lời, nhưng tôi đã rất ngạc nhiên khi không hiểu tại sao nửa tháng trời trôi qua mà vẫn không có tin cứ gì. Cứ thế, thêm hai tháng trôi qua, người đưa thư vẫn tới ngày ngày, nhưng chẳng mang gì cho tôi hết. Tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn lo lắng thực sự.
Tôi lại viết tiếp một lá nữa, vì biết đâu lá thư trước của tôi bị thất lạc thì sao? Nỗ lực mới kéo theo niềm hy vọng mới, nhưng cũng chỉ kéo dài vài tuần rồi lại leo lắt và tắt lịm như lần trước. Tôi không hề nhận được một dòng, một chữ nào hết. Sau nửa năm chờ đợi trong vô vọng, niềm hy vọng trong tôi đã chết hẳn khiến tôi thấy cuộc đời tối sầm lại.
Một mùa xuân tươi đẹp bừng sáng xung quanh tôi mà tôi không thể vui tận hưởng. Mùa hè lại tới gần. Diana cố gắng làm tôi vui. Cô nói trông tôi có vẻ như người ốm và muốn kéo tôi đi biển chơi. St. John đã phản đối và bảo rằng tôi không cần nghỉ ngơi, mà cần làm việc, rằng cuộc sống hiện tại của tôi chẳng có hoài bão gì cả, tôi cần phải đề ra mục tiêu cho mình. Và để lấp đầy những khiếm khuyết đó của tôi, anh càng kéo dài thêm những giờ học tiếng Hindi. Và tôi, như một kẻ mất trí, chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện cưỡng lại anh, mà có muốn cưỡng lại cũng không được.
Một buổi sáng, khi tôi đã ngồi vào bàn học với một tinh thần rệu rã và bải hoải hơn bình thường vì thất vọng xót xa, bà Hannah đã chạy vào bảo rằng tôi có thư. Tôi hồi hộp xuống lấy, những tưởng lá thư mình nóng lòng chờ đợi bấy lâu cuối cùng cũng đã tới, nào ngờ đó chỉ là một mẩu giấy chẳng có gì quan trọng của ông Briggs bàn chuyện công việc. Cảm giác hẫng hụt chua chát đã làm tôi phát khóc, và đến tận lúc ngồi đánh vật với những dòng chữ Hindi rối rắm khó hiểu, nước mắt tôi vẫn tiếp tục trào ra.
St. John gọi tôi đến bên anh tập đọc, nhưng dù đã rất cố gắng, giọng tôi vẫn cứ lạc hẳn đi, câu chữ mất hút cả vào những tiếng nức nở. Trong phòng chỉ có tôi và anh. Diana đang tập nhạc trong một phòng khác, còn Mary thì lúi húi ngoài vườn. Một ngày tháng năm tuyệt đẹp, trời quang mây tạnh, nắng chiếu chan hòa, gió thổi nhè nhẹ. Bạn học của tôi không hề tỏ vẻ ngạc nhiên trước sự xúc động của tôi, cũng chẳng buồn hỏi nguyên do tại sao. Anh chỉ bảo:
- Jane ạ, chúng ta tạm nghỉ vài phút cũng được, đến khi nào cô bình tâm hơn lại học tiếp.
Trong lúc tôi cố trấn tĩnh lại, anh vẫn bình thản và kiên nhẫn ngồi tựa vào bàn, trông như một ông thầy thuốc theo dõi - bằng con mắt khoa học - cơn kịch phát của một bệnh nhân mà ông đã biết trước và giải thích được diễn biến. Sau khi lau nước mắt, cố nén những tiếng nấc và khẽ nói sáng nay mình không được khỏe, tôi lại bắt đầu tập đọc, và cuối cùng thì cũng đọc được xong. St. John xếp sách của tôi và của anh lại, khóa ngăn kéo bàn học và bảo:
- Jane này, bây giờ cô hãy đi dạo với tôi một lúc đi.
- Em sẽ gọi Diana và Mary cùng đi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

- Không, sáng nay tôi chỉ muốn có một người bạn thôi, và người đó phải là cô. Lên thay đồ đi, rồi ra cửa bếp mà đi theo con đường dẫn tới đầu thung lũng Marsh Glen. Một lát nữa tôi sẽ đến.
Tính tôi không quen có cái kiểu trung dung. Từ bé đến giờ, giữa sự phục tùng tuyệt đối và chống đối cương quyết, chưa bao giờ tôi tỏ ra trung dung khi giải quyết công chuyện với những người có tính nết cứng nhắc, đối nghịch với tôi. Tôi vẫn thường chịu khuất phục cho đến khi đột ngột nổi đóa, đôi khi điên khùng như một ngọn núi lửa. Nhưng tình cảnh và tâm trạng tôi lúc này không thể làm cho tôi nổi loạn được, cho nên tôi cẩn thận theo lời dặn của St. John. Mười phút sau tôi đã đi bên anh trên lối nhỏ hoang dại dẫn xuống một thung lũng hẹp.
Gió tây thổi nhẹ qua những sườn đồi phảng phất mùi lau sậy, bầu trời xanh thẳm không gợn một bóng mây, dòng suối trong vắt tràn trề nước mưa xuân chảy róc rách dưới khe, lấp lánh ánh nắng vàng. Rời khỏi lối nhỏ, chúng tôi đi trên một thảm cỏ mềm mại, xanh mướt như nhung, lại điểm lác đác vài đóa hoa đồng nội vàng lung linh như những vì sao.
- Chúng ta ngồi đây thôi. - St. John nói, khi chúng tôi tới những khối đá đầu tiên đứng lổng chổng, ngổn ngang như muốn canh giữ một lối đi nhỏ. Phía bên kia là một dòng nước đổ xuống thành thác, và xa hơn chút nữa là cảnh núi đá giũ sạch cỏ hoa, chỉ còn thạch thảo trải làm áo, và các mống đá làm đồ trang sức. Cảnh vật nơi đó thật hoang dã, vẻ tươi mát đã biến thành một bộ mặt nhăn nhó kỳ dị. Đó là bến đậu hy vọng cuối cùng của sự cô đơn, và là chốn ẩn náu cuối cùng của sự câm lặng.
Tôi ngồi xuống một phiến đá, St. John đứng bên cạnh. Anh ngước nhìn lối nhỏ rồi lại ngó xuống lòng thung lũng, đưa mắt hững hờ nhìn theo dòng suối rồi lại ngẩng mặt lên bầu trời không gợn mây. Anh bỏ mũ, mặc cho làn gió lùa vào mái tóc và lướt nhẹ trên vầng trán như một nụ hôn. Dường như anh đang nói chuyện bằng giao cảm với vị thần thổ địa nơi đây, và ánh mắt anh đang nói lời vĩnh biệt với một cái gì đó.
- Rồi tôi sẽ được gặp lại cảnh này trong những giấc mơ, - anh nói to - khi tôi nằm ngủ bên sông Hằng, và sẽ gặp lại một lần khác nữa ở một thời khắc xa xôi hơn, khi một giấc ngủ khác đẩy tôi dụi vào bờ một dòng chảy tối tăm hơn.
Đúng là những lời lạ lùng của một tình yêu lạ lùng! Một thứ tình cảm cuồng nhiệt đối với đất tổ của một người yêu nước khổ hạnh! Anh ngồi xuống. Suốt nửa tiếng đồng hồ, cả tôi và anh không ai nói nửa lời. Sau đó, anh mới lại bắt đầu:
- Jane ạ, sáu tuần nữa là tôi đi rồi. Tôi đã đặt một chỗ trên tàu Đông Indiaman được nhổ neo vào ngày hai mươi, tháng sáu.
- Chúa sẽ che chở cho anh, vì anh thực hiện sự nghiệp của Người. - Tôi đáp lại.
- Vâng, đó là vinh quang và niềm vui của tôi. Tôi là bề tôi của một đấng bề trên minh anh. Tôi không ra đi theo sự hướng đạo của con người, không bị lệ thuộc vào những luật pháp khiếm khuyết và sự kiểm soát dễ nhầm lẫn của những người đồng loại bạc nhược của mình. Nhà vua, người ban hành pháp luật và vị chỉ huy của tôi là đấng Toàn năng. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mọi người xung quanh mình không nhiệt tình gia nhập dưới một khẩu hiệu để chung sức chung lòng vì một sự nghiệp.
- Không phải ai cũng có sức mạnh như anh. Sẽ thật điên rồ nếu những kẻ yếu hèn cứ muốn sánh ngang với kẻ mạnh.
- Tôi không nói chuyện với những người yếu hèn, cũng không nghĩ đến họ. Tôi chỉ quan tâm đến những người có ích và có đủ khả năng hoàn thành sự nghiệp đó.
- Trên đời chẳng có nhiều những người như vậy, mà cũng khó có thể phát hiện ra họ.
- Cô nói đúng đấy, nhưng một khi đã phát hiện ra rồi thì phải khích lệ, hối thúc và cổ vũ để họ cố gắng. Phải chỉ cho họ thấy năng lực thiên bẩm của họ là gì, tại sao họ được ban tặng năng lực ấy. Phải nói vào tai họ thông điệp của Thiên đường, thay mặt Chúa tiếp nhận họ vào hàng ngũ những người Chúa đã chọn. Như vậy mới phải đạo. Nếu quả thực họ có đủ phẩm chất làm nhiệm vụ đó thì tại sao chính trái tim họ lại không mách bảo cho họ biết điều đó trước tiên?
Tôi cảm thấy như có một sự mê hoặc ghê gớm đang thành hình và tụ tập quanh tôi. Tôi run run lắng nghe một tiếng nói định mệnh nào đó vang lên, đồng thời sẽ tuyên bố trói buộc tôi vào sự mê hoặc ấy.
- Thế trái tim cô có nói gì không? - St. John hỏi.
- Trái tim em vẫn câm lặng…, câm lặng. - Tôi rùng mình trả lời.
- Thế thì tôi phải nói hộ nó. - Cái giọng không ngơi ngớt và trầm trầm ấy vẫn tiếp tục - Jane ạ, hãy cùng tôi sang Ấn Độ đi. Hãy làm người bạn đời và bạn đồng cam cộng khổ của tôi đi.
Cả thung lũng và bầu trời bỗng như quay cuồng, điên đảo trước mặt tôi! Tôi như vừa nghe thấy một lời kêu gọi từ trên Thiên đường vọng xuống. Dường như có một vị thiên sứ hư ảo nào đó vừa cất tiếng gọi: “Hãy đến giúp chúng ta!” vậy. Nhưng tôi nào phải là một tông đồ, tôi không thể nhìn thấy sứ giả của Thiên đường, vì vậy tôi không thể nhận lời kêu gọi của người được.
- Kìa, St. John! - Tôi kêu lên - Xin anh hãy mở rộng tấm lòng một chút!
Tôi đang cầu khẩn một người muốn thực hiện một điều mà anh ta cho là bổn phận nhưng lại không hề biết đến lòng khoan dung hay sự hối hận.
- Chúa và Tạo hóa có ý định đưa cô trở thành vợ một nhà truyền giáo. - Anh tiếp tục - Các đấng tối cao đã ban cho cô những khả năng thiên bẩm không phải về hình thể, mà là về tinh thần. Cô được sinh ra là để làm việc, chứ không phải để yêu đương. Cô phải là vợ của nhà truyền giáo và chắc chắn sẽ phải như vậy. Cô sẽ thuộc về tôi. Tôi đòi hỏi cô không phải vì ý nguyện của bản thân tôi, mà vì bổn phận phụng sự Thượng đế tối cao.
- Em không xứng đáng làm việc ấy và cũng không có thiên hướng ấy.
Hẳn là anh đã lường trước được những lời phản đối đầu tiên này, nên đã không hề tỏ ra tức giận. Nhìn anh đứng khoanh tay trước ngực, lưng tựa vào tảng đá, mặt không biến sắc, tôi nhận thấy rằng quả thực anh đã chuẩn bị đối phó với sự phản kháng gay gắt của tôi, và cũng sẵn sàng kiên nhẫn chịu đựng đến cùng. Có vẻ như anh đang đón chờ một kết cục thắng lợi cho mình.
- Jane ạ, khiêm nhường lúc nào cũng là nền tảng của đạo đức Cơ đốc giáo, nên chẳng có gì sai khi cô nói cô không xứng với công việc ấy. Ai là người xứng đáng với công việc ấy? Nói cách khác ai là người tự cho mình xứng đáng với lời phán gọi ấy? Như tôi đây chẳng hạn, xét cho cùng chẳng qua cũng chỉ là cát bụi. Cùng với thánh Paul, tôi tự biết mình là người nhiều tội lỗi nhất, nhưng tôi không chịu để cho nhận thức này ám ảnh khiến chính tôi phải sự hãi. Tôi hiểu đấng Hướng đạo của mình, biết Người là công bằng và vĩ đại. Và khi đã chọn một công cụ yếu ớt để thực hiện một nhiệm vụ lớn lao, thì Người sẽ dùng cái kho tàng Thiên đường vô biên của mình để bổ sung cho những phương tiện khiếm khuyết trong sự nghiệp cao cả của mình. Hãy nghĩ như tôi đi, Jane ạ, và cũng nên có đức tin như tôi. Tôi muốn cô nương tựa vào Hòn đá tảng Vĩnh hằng1, và đừng nên hoài nghi rằng nó sẽ không thể làm điểm tựa vững chắc cho những nhược điểm phàm tục của cô.
1. Chỉ đức tin Cơ đốc giáo.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

- Em không hiểu gì về cuộc sống của nhà truyền giáo, vì em chưa bao giờ nghiên cứu về sứ mệnh đó.
- Không hề gì, vì tôi có thể giúp đỡ cô được, cho dù tôi chỉ là một kẻ tầm thường. Tôi sẽ luôn ở bên cô, không ngừng giúp đỡ cô và có thể chỉ bảo cô hoàn thành nhiệm vụ từng giờ. Lúc đầu tôi sẽ làm như vậy, và rồi chẳng mấy chốc cô sẽ đủ năng lực (tôi biết rõ năng lực của cô) để tự hoàn thành công việc, chẳng cần phải có tôi giúp đỡ nữa.
- Nhưng em đâu có năng lực để làm tròn bổn phận ấy? Em cảm thấy là mình không có năng lực làm như vậy. Anh nói mà chẳng có gì lên tiếng hay khuấy động trong con người em cả. Em không cảm thấy có một ngọn lửa nào nhóm lên, một sức sống nào hối thúc, một tiếng nói nào mách bảo hay cổ vũ mình, ôi, em chỉ muốn làm sao để anh thấu hiểu lúc này tâm hồn em giống một nhà ngục tối tăm như thế nào với nỗi lo sợ bị anh thuyết phục làm cái công việc mà em không tài nào làm được!
- Tôi trả lời hộ cô vậy, cô nghe nhé. Tôi đã quan sát cô ngay từ buổi đầu được gặp cô và đã coi cô là đối tượng nghiên cứu từ mười tháng nay. Trong quãng thời gian đó, tôi đã làm sáng tỏ con người cô bằng nhiều thử nghiệm, và tôi đã rút ra được điều gì? Tôi thấy cô làm rất tốt, đều đặn và nghiêm túc những công việc ở trường làng vốn không thích hợp với thói quen và thiên hướng của cô. Cô đã hoàn thành bằng năng lực và sự khôn khéo của mình, nói khác đi là cô đã thành công khi làm chủ được chính mình. Tôi hiểu tâm hồn cô không bị nhiễm cái tính xấu của Demas(1), tiền bạc chẳng có nghĩa lý gì với cô, vì khi biết mình bỗng dưng trở nên giàu có, cô vẫn điềm tĩnh như không. Việc cô nhất quyết chia số tài sản mà cô được thừa kế làm bốn và chỉ giữ lại một phần cho mình, còn ba phần đem nhường lại vì lẽ công bằng trừu tượng, đã giúp tôi nhận ra một tâm hồn biết lấy sự hy sinh làm niềm vui. Tôi đã thấy ở cô phần bổ sung cho những phẩm chất mà tôi đang tìm kiếm khi biết rằng cô đã dễ dàng bỏ một môn học mình yêu thích, thể theo ý tôi, để chấp nhận một môn học khác chỉ vì tôi thích, rồi bất chấp mọi khó khăn, không quản mệt mỏi để miệt mài với môn học ấy bằng nghị lực và quyết tâm của mình. Jane ạ, cô là người dễ bảo, siêng năng, không vụ lợi, trung thực, kiên định, can đảm, rất hòa nhã và cũng rất anh hùng. Hãy đừng hoài nghi chính mình nữa. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở cô. Với tư cách người lãnh đạo các trường học ở Ấn Độ và người giúp đỡ phụ nữ ở đó, sự hỗ trợ của cô dành cho tôi sẽ là vô giá.
1. Một nhân vật vụ lợi trong Kinh thánh.
Tấm vải liệm bằng sắt cứ siết chặt lại quanh tôi, sự thuyết phục cứ từng bước vươn tới, chậm rãi và chắc chắn. Tôi nhắm mắt lại, nhưng vẫn nhìn ra con đường trước kia tưởng chừng đã bế tắc nhờ những lời nói sau cùng của anh. Công việc của tôi, trước đây mơ hồ, tản mạn vô vọng là thế, nay bỗng dần dần ngưng tụ lại theo lời nói của anh, định hình rõ nét dưới bàn tay sáng tạo của anh. Anh chờ tôi trả lời. Tôi đề nghị anh để tôi cân nhắc trong mười lăm phút.
- Rất vui lòng! - Anh nói và đứng dậy, đi ra xa một quãng, rồi ngả mình xuống bãi đất hoang và nằm im ở đó.
“Mình có thể làm được những việc anh muốn, đó là điều mình phải thừa nhận” - Tôi ngồi ngẫm nghĩ - “Nhưng mình có cảm giác mình khó có thể chịu đựng được mãi cái nắng của Ấn Độ. Vậy rồi sẽ ra sao? St. John rồi sẽ chẳng quan tâm gì đến điều đó. Nếu mình có sắp chết thì chắc là anh cũng chỉ biết chấp nhận và thành kính trả mình về với Chúa. Viễn cảnh thật quá rõ ràng. Rời khỏi nước Anh tức là rời khỏi một mảnh đất yêu dấu nhưng cũng thật trống rỗng, vì ông Rochester không còn ở đây, mà dẫu ông còn ở đây thì cũng đâu còn ý nghĩa với mình? Điều mình phải làm bây giờ là phải sống mà không có ông. Chẳng còn gì vô nghĩa và yếu đuối hơn là cứ kéo dài ngày này sang ngày khác cái hoàn cảnh mà dường như mình còn chờ đợi một sự thay đổi nào đó không thể xảy ra, ấy là việc ông và mình lại được sum họp cùng nhau. Tất nhiên (như St. John đã có lần nói) mình phải tìm cho cuộc sống một ý nghĩa khác thay thế cho điều đã mất: vậy thì việc anh trao cho mình chẳng phải là điều thực sự vinh quang nhất mà con người có thể đón nhận hoặc được Chúa giao phó đó sao? Lấp đầy khoảng trống của những tình cảm bị đổ vỡ và những hy vọng đã tiêu tan, bằng những công việc cao quý và bằng kết quả ưu việt của chúng chẳng phải là điều đáng làm nhất hay sao? Mình nghĩ mình phải nói có, vậy mà mình vẫn thấy run. Chao ôi! Nếu đi cùng St. John, mình sẽ phải từ bỏ một nửa của mình. Nếu đi Ấn Độ, không khéo mình sẽ chết non mất thôi. Và mình sẽ phải làm gì để lấp đầy khoảng thời gian từ lúc rời nước Anh đến Ấn Độ, đến lúc từ Ấn Độ về nấm mồ đây? Ôi, mình biết lắm chứ! Tất cả đều rõ ràng trước mắt mình. Bằng cách làm thỏa mãn sở nguyện của St. John cho đến khi tất cả các gân cốt trong người rã rời, mình sẽ làm anh hài lòng nhất. Nếu mình đi cùng anh, nếu mình thực sự hy sinh như anh hối thúc, thì mình sẽ cống hiến tới mức tối đa, sẽ dâng lên bàn thờ Chúa tất cả, trái tim, sức bình sinh của mình. Anh sẽ chẳng bao giờ yêu mình, nhưng sẽ tán thành mình. Mình sẽ cho anh thấy những nghị lực mà anh chưa từng thấy, những nguồn lực mà anh chưa ngờ đến. Ừ, mình có thể gian lao như anh gian lao, và cũng như anh, mình nhất định sẽ không hé răng kêu than nửa lời.
Vậy thì mình có thể chấp nhận lời đề nghị của anh, trừ một điều đáng sợ, ấy là làm vợ anh. Anh hỏi mình làm vợ, nhưng mình thấy anh chẳng có trái tim của một người làm chồng. Anh đánh giá mình như một người lính đánh giá một thứ vũ khí tốt, và tất cả chỉ có thế. Đành rằng mình sẽ chẳng bao giờ thấy phiền lòng vì chuyện không lấy anh, nhưng mình có thể để anh hoàn thành những phép tính lạnh lùng cho các kế hoạch của anh cùng với lễ cưới được không? Liệu mình có thể nhận chiếc nhẫn cưới của anh, chấp nhận mọi hình thức của tình yêu (điều này ta biết chắc anh sẽ rất tôn trọng) trong khi vẫn biết rằng tâm hồn anh chẳng hề để vào đấy không? Mình có thể chịu đựng ý nghĩ rằng cử chỉ âu yếm nào của anh cũng chỉ là một sự hy sinh được biểu tỏ theo nguyên tắc thuần túy không? Không, đó chỉ là một sự hy sinh quái gở vì đạo. Mình không thể chịu đựng được điều đó. Mình chỉ có thể theo anh như một người em gái, chứ không thể như một người vợ. Mình sẽ bảo anh như vậy.”
Tôi nhìn về phía gò đất, nơi anh đang nằm im như một cây cột đổ, mặt quay lại phía tôi, ánh mắt vẫn dò xét như thường lệ. Anh vùng dậy và bước lại phía tôi.
- Em sẵn sàng tới Ấn Độ nếu có thể đi một cách tự do.
- Có lẽ cô nên giải thích thêm một chút đi. - Anh nói - Tôi vẫn chưa hiểu rõ ý cô.
- Cho đến nay anh vẫn là anh đỡ đầu của em, và em là em nuôi của anh. Chúng ta nên tiếp tục coi nhau như vậy. Em thấy mình không lấy nhau thì hơn.
Anh lắc đầu lý giải:
- Trong trường hợp này thì đừng nghĩ đến tình anh em kết nghĩa. Nếu cô thực sự là em gái tôi thì lại đi một nhẽ, tôi sẽ đem cô đi và chẳng cần tìm vợ nữa. Nhưng với thực tế của chúng ta, sự đồng hành của chúng ta hoặc phải được hy sinh và chứng thực bởi hôn nhân, hoặc là không thể tồn tại. Nếu không các trở ngại thực tế sẽ cản trở bất cứ một kế hoạch nào. Jane, cô không thấy thế sao? Hãy cân nhắc kĩ đi, lý trí mạnh mẽ của cô sẽ dẫn đường cho cô.
Tôi đã cân nhắc, và lý trí chỉ dẫn tôi về với thực tế là chúng tôi không thể yêu nhau như một người chồng và một người vợ. Bởi vậy, chúng tôi không thể lấy nhau được. Tôi đã nói như vậy.
- St. John ạ, em đã xem anh như một người anh, và anh đã coi em như một người em gái, vậy chúng ta vẫn cứ nên tiếp tục như thế đi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

- Không thể được, chúng ta không thể làm như thế được. - Anh quả quyết trả lời, ngắn gọn, dứt khoát - Cô đã nói là cô sẽ đi Ấn Độ với tôi, nhớ lại đi, cô đã nói vậy mà.
- Nhưng là có điều kiện.
- Được, được. Xét về vấn đề cốt lõi, tức là cùng tôi rời nước Anh, cộng tác với tôi trong những công việc tương lai của tôi, cô đã không phản đối. Cô gần như đã nắm tay vào cái cày rồi. Cô là người quá kiên định để có thể rút tay về. Cô chỉ còn một điều cần cân nhắc, ấy là làm thế nào để hoàn thành tốt nhất công việc mình đã bắt đầu. Hãy đơn giản hóa những mối quan tâm, cảm xúc, tâm tư, khát vọng và mục tiêu phức tạp của mình đi, và hãy hướng mọi cân nhắc vào một mục tiêu là làm sao hoàn thành một cách hiệu quả nhiệm vụ mà đấng Tối cao đã giao phó. Để làm được như vậy, cô cần một người cùng gánh vác, không phải một người anh vì đó chỉ là một quan hệ ràng buộc lỏng lẻo, mà phải là một người chồng. Tôi cũng vậy, tôi không cần một người em gái để rồi có ngày bị người ta lấy mất. Tôi muốn một người vợ, người cộng sự duy nhất mà tôi có thể gây ảnh hưởng một cách hiệu quả trong cuộc đời và có thể giữ được một cách chắc chắn cho đến lúc chết.
Tôi rùng mình nghe anh nói và cảm thấy ảnh hưởng của anh đang thấu đến tận xương tủy, uy lực của anh ràng trói lấy tứ chi mình.
- Hãy tìm một người nào khác không phải là em, anh St. John ạ, hãy tìm một người thích hợp với anh đi.
- Cô muốn nói một người thích hợp với mục tiêu và thiên hướng của tôi chứ gì? Xin nhắc lại với cô rằng tôi không tìm một cá nhân vô nghĩa, tầm thường và ích kỷ làm người bạn đời. Tôi tìm một nhà truyền giáo.
- Em sẽ dâng nhà truyền giáo mọi nghị lực của mình, tức là tất cả những gì người ấy cần, chứ không phải con người em. Vì việc em dâng hiến con người em sẽ chẳng khác nào việc thêm hạt, thêm vỏ vào một trái cây. Vì chúng chẳng có tác dụng gì nên em xin được giữ lại.
- Cô không thể, và không được làm như vậy. Cô nghĩ rằng Chúa có thể hài lòng với một nửa lễ vật ư? Liệu Người có chấp nhận một sự hy sinh bị chia năm xẻ bảy không? Tôi biện hộ là vì mục đích của Chúa, tôi chọn cô là để đứng dưới lá cờ của Người. Tôi không thể nhân danh Người để đón nhận một sự trung thành bị chia sẻ, nó cần phải trọn vẹn.
- Vâng, em sẽ dâng trọn trái tim cho Chúa. - Tôi nói - Còn anh thì cần gì đến nó chứ!
Thưa bạn đọc, tôi sẽ không dám quả quyết rằng không có một chút gì là mỉa mai trong giọng nói của tôi khi thốt ra câu ấy, cũng như trong cảm nghĩ tiếp theo đó, cho dù tôi cố kìm giữ lại. Cho đến lúc bấy giờ, tôi vẫn thầm e ngại St. John, vì tôi đã không hiểu được anh. Anh đã làm tôi kinh hãi vì anh vẫn hoài nghi tôi. Tôi không thể nói được trong con người anh có bao nhiêu siêu phàm, bao nhiêu trần tục. Nhưng tôi cũng đã hiểu ra được đôi điều nhờ cuộc nói chuyện này, việc xét đoán cái bản chất đã làm con người anh dần dần hiện lên trước mắt tôi. Tôi đã nhận ra và đã hiểu những điểm yếu của anh. Tôi hiểu rằng mình đang ngồi đây, trên một gò đất hoang, với một người đàn ông, dù điển trai, nhưng vẫn có thể lầm lạc như tôi. Tấm mạng che đậy sự nghiêm khắc và độc đoán của anh đã rơi xuống. Cảm giác anh có những đức tính kia cũng là cảm giác anh không phải là một người hoàn hảo, điều đó giúp tôi can đảm hơn. Tôi đang ngồi với một người đồng hạng với mình, một người tôi có thể đưa ra các lập luận của mình và có thể kháng cự lại nếu tôi thấy điều đó là có lợi.
Anh im lặng sau khi tôi thốt ra câu nói vừa rồi. Tôi mạnh bạo ngước nhìn khuôn mặt anh. Anh cúi xuống nhìn tôi, ánh mắt vừa kinh ngạc, vừa như muốn dò xét: “Cô ta định mỉa mai, mà mỉa mai cả mình chăng? Như thế là như thế nào?”.
- Chúng ta đừng nên quên rằng đây là một vấn đề hệ trọng. - Anh nói sau một lúc im lặng - Một vấn đề mà chúng ta không thể suy nghĩ hoặc nói năng một cách bừa bãi được. Jane! Tôi tin rằng cô đã tỏ ra thật nhiệt thành khi nói sẽ dâng trọn trái tim cho Chúa, đó cũng chính là tất cả những gì tôi muốn ở cô. Một khi cô đã rứt trái tim khỏi con người mình để đem dâng đấng Tạo hóa, thì cô sẽ tìm thấy niềm vui khi thấy cõi tinh thần của đấng Tạo hóa được mở rộng mãi trên trái đất này. Điều đó cũng có phần nỗ lực của chính cô, và cô sẽ sẵn sàng làm mọi điều vì mục đích ấy. Rồi cô sẽ thấy các nỗ lực của cô và tôi thăng hoa mạnh mẽ như thế nào, nếu như chúng ta kết hợp với nhau cả về mặt tinh thần lẫn thể xác. Đó là sự kết hợp duy nhất có thể mang lại sự vững bền cho các số phận và dự kiến của con người. Nếu vượt qua cái tính thất thường trẻ con, những khó khăn tầm thường, yếu đuối của tình cảm và mọi cân nhắc về thiên hướng cá nhân, hẳn là cô sẽ nhanh chóng chấp nhận sự kết hợp ấy ngay.
- Thế ư? - Tôi đáp lại cộc lốc và ngắm nhìn lại gương mặt anh - những đường nét hài hòa nhưng trang nghiêm đến kỳ lạ, vầng trán uy nghi nhưng chẳng hề cởi mở, đôi mắt sáng lúc nào cũng như dò xét nhưng không êm dịu, thân hình cao lớn và oai nghiêm. Tôi tưởng tượng mình là vợ anh. Than ôi, không bao giờ như thế được! Làm phó của anh, bạn đồng hành của anh thì được. Tôi sẽ cùng anh vượt trùng dương với vai trò ấy. Tôi sẽ lao tâm khổ tứ dưới cái nắng mặt trời phương Đông, trên những vùng sa mạc Á châu với tư cách ấy. Chắc chắn là tôi sẽ thường xuyên phải chịu đựng khổ sở cho dù chỉ gắn bó với anh bằng danh nghĩa đó. Thể xác tôi sẽ phải chịu một cái ách tai ương, nhưng tâm hồn và đầu óc tôi sẽ được thanh thản.
Tôi sẽ vẫn còn cái tôi không bị trói buộc để mà quay về, cái tình cảm tự nhiên, không bị nô lệ hóa, để cảm thông trong những lúc cô đơn. Trong tâm hồn tôi sẽ vẫn còn chỗ ẩn náu của riêng tôi, anh ấy không bao giờ bước tới được. Đó sẽ là nơi bình yên để tình cảm nảy nở tốt tươi, không bị cái tính hà khắc của anh làm khô héo, cũng không bị những bước chân trường chinh của người lính ấy chà đạp lên. Còn nếu là vợ anh, lúc nào cũng phải ở bên anh, phải chịu gò bó và kìm hãm, phải giữ ngọn lửa cốt cách leo lét cháy - cháy âm ỉ mãi ở bên trong và không bao giờ được thốt lên một tiếng, bất chấp ngọn lửa bị cầm tù ấy thiêu trụi dàn sức sống - thì tôi sẽ không thể chịu đựng được.
- Anh St. John! - Tôi thốt lên sau khi đã cân nhắc rất kĩ.
- Sao cơ? - Anh trả lời lạnh tanh.
- Em nhắc lại là em bằng lòng đi với anh với tư cách là người bạn truyền giáo, chứ không phải là vợ anh. Em không thể lấy anh và trở thành một phần của anh.
- Cô phải trở thành một phần của tôi, - anh đáp lại, vẻ kiên quyết - nếu không cuộc thỏa thuận giữa chúng ta sẽ chẳng có nghĩa lý gì hết. Làm sao mà tôi, một người đàn ông chưa đến ba mươi, lại có thể mang một cô gái mới mười chín sang Ấn Độ được, nếu cô ấy không phải là vợ tôi? Làm sao chúng ta có thể sống mãi với nhau - khi thì ở những nơi hẻo lánh, khi thì giữa những bộ lạc man rợ - mà không lấy nhau được?
- Được lắm chứ, anh cứ coi em như một người em gái thực sự, hay một người đàn ông, một tu sĩ như anh thì có sao nào.
- Rõ ràng cô không phải là em gái tôi. Tôi không thể giới thiệu cô như vậy, vì làm thế chỉ tổ càng làm tăng thêm những sự nghi ngờ không chính đáng cho cả hai chúng ta. Vả lại, nếu cô có lý trí mạnh mẽ như một người đàn ông đi chăng nữa thì cô vẫn có trái tim của một người phụ nữ, mà như thế thì không thể được.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

- Được chứ, - tôi quả quyết, giọng ít nhiều khinh khỉnh - quá được nữa là đằng khác. Em có trái tim của một người phụ nữ, nhưng điều đó đâu có liên quan gì đến anh. Vì đối với anh, em chỉ có cái cứng nhắc của một người bạn, hoặc sự thẳng thắn, trung thành và tình thân ái của người bạn đồng ngũ nếu anh muốn nói thế, hoặc sự tôn trọng và phục tùng của một tín đồ mới nhập đạo đối với vị thầy tu. Tất cả chỉ có thế… Anh đừng sợ điều đó.
- Đó là điều tôi muốn. - Anh nói như nói với chính mình - Đó chính là điều tôi muốn. Nhưng còn có những chướng ngại trên đường đi cần phải vượt qua. Jane ạ, hãy cứ tin rằng rồi cô sẽ không phải hối tiếc về việc lấy tôi đâu. Chúng ta phải lấy nhau. Tôi xin nhắc lại như vậy, chẳng còn con đường nào khác. Và chắc chắn là sau khi lấy nhau, thế nào tình yêu giữa chúng ta sẽ chẳng nảy nở đủ để ngay cả cô cũng phải thừa nhận rằng sự kết duyên giữa hai chúng ta là đúng.
- Tôi khinh bỉ cái ý niệm về tình yêu của anh. - Không còn kiềm chế được nữa, tôi đứng bật dậy trước mặt anh, tựa lưng vào tảng đá và nói đại - Tôi khinh bỉ thứ tình cảm giả dối mà anh đưa ra. Đúng thế, St. John ạ, tôi còn khinh bỉ cả chính con người anh khi anh đưa ra cái ý niệm đó.
Anh nhìn tôi chằm chằm, cặp môi đẹp như vẽ mím chặt lại. Thật khó mà biết anh đang tức giận hay ngạc nhiên, hay là thế nào nữa, vì anh là người có thể kìm nén, không bộc lộ cảm xúc của mình trên nét mặt.
- Tôi thật không ngờ cô lại tỏ vẻ như vậy. - Anh nói - Tôi nghĩ mình đã chẳng làm gì và thốt ra một điều gì đáng bị khinh bỉ.
Tôi thực sự cảm động trước giọng nói dịu dàng nhưng lại thấy sợ trước vẻ mặt cao ngạo và thản nhiên của anh.
- St. John ạ, mong anh đừng cố chấp cái câu nói ấy của em. Nhưng cũng tại anh nên em mới bực mình mà ăn nói bừa bãi như vậy. Anh đã đề cập đến một chủ đề mà bản chất của chúng ta chẳng có gì giống nhau, một chủ đề mà chúng ta đừng bao giờ nên tranh luận. Ngay bản thân cái danh nghĩa tình yêu cũng đã gây bất đồng giữa chúng ta rồi. Chúng ta sẽ ra sao trên thực tế cuộc sống? Ông anh họ thân mến của em ạ, hãy từ bỏ ý định lấy nhau đi. Quên nó đi.
- Không. - Anh trả lời dứt khoát - Đó là một kế hoạch đã được nung nấu từ lâu, và cũng là điều duy nhất có thể đảm bảo cho mục đích lớn lao của tôi. Nhưng bây giờ tôi sẽ không hối thúc cô nữa. Ngày mai tôi sẽ đi Cambridge, nơi tôi có những người bạn cần phải đến chào tạm biệt họ. Tôi sẽ vắng nhà trong khoảng hai tuần, cô nên tranh thủ quãng thời gian đó để mà cân nhắc lại đề nghị của tôi. Đừng quên rằng nếu cứ khăng khăng từ chối đề nghị ấy thì không phải là cô đã từ chối tôi, mà là từ chối Chúa. Thông qua các công cụ của tôi, Người đã mở cho cô một sự nghiệp cao cả, chỉ khi làm vợ tôi cô mới có thể bước chân vào sự nghiệp đó. Từ chối làm vợ tôi tức là cô vĩnh viễn tự gò bó mình trong con đường ích kỷ và tăm tối. Cô phải biết sợ mình sẽ bị liệt vào hạng những người đã chối bỏ đức tin, một hành động còn tệ hơn cả những kẻ vô đạo.
Anh chỉ lý luận đến đó, rồi quay mặt đi và một lần nữa anh lại…
“Nhìn xuống dòng sông, nhìn lên ngọn đồi.”
Nhưng lần này, các cảm xúc của anh đều được giữ kín trong lòng, tôi không xứng đáng được nghe anh nói lên nữa. Trên đường về nhà, tôi đã đọc được trong cái yên lặng sắt đá của anh tất cả những gì anh cảm nghĩ về tôi, ấy là sự thất vọng của một cốt cách khổ hạnh và độc đoán trước sự chống đối ở một người tưởng như chỉ có sự khuất phục. Nói tóm lại, là người đàn ông, St. John mong muốn buộc tôi phải vâng lời. Chỉ có là một tín đồ Cơ đốc giáo trung thực thì anh mới kiên nhẫn chịu đựng được sự ngoan cố của tôi, rồi bằng lòng cho phép tôi suy nghĩ và hối hận trong một khoảng thời gian dài như thế.
Tối hôm đó, sau khi hôn hai cô em gái, anh nghĩ là chẳng cần phải bắt tay tôi và cứ thế mà lặng lẽ rời khỏi phòng. Tôi - dù không yêu, nhưng rất quý mến anh - cảm thấy bị tổn thương vì thái độ cố tình quên lãng đó của anh, đến nỗi nước mắt tôi cứ trào ra.
- Jane này tôi đã thấy cô và St. John cãi vã nhau, - Diana nói - lúc hai người đi dạo ngoài cánh đồng. Nhưng bây giờ hãy chạy theo anh ấy đi. Anh ấy còn nấn ná ở hành lang chờ cô đấy. Chắc là anh ấy sẽ làm lành lại thôi.
Trong những trường hợp như vậy, tôi cũng chẳng cần gì phải kiêu hãnh nữa, lúc nào tôi cũng muốn thà cho đầu óc được thanh thản còn hơn là sĩ diện hão. Và tôi đã làm theo lời Diana. St. John vẫn đang đứng ở chân cầu thang.
- St. John, chúc anh ngủ ngon. - Tôi nói.
- Chúc Jane ngủ ngon. - Anh bình thản đáp lại.
- Vậy thì ta bắt tay nhau nhé. - Tôi nói thêm.
Cái bắt tay mới hời hợt và lạnh lùng làm sao! Hẳn là anh đã rất không hài lòng vì chuyện xảy ra hôm ấy, nên cử chỉ thân thiện vừa rồi chưa đủ để khiến anh vui lên một chút, và những giọt nước mắt lăn dài trên gò má tôi cũng chẳng khiến anh động lòng. Với anh thì không có sự hòa giải vui vẻ nào cả, cũng chẳng có nụ cười hân hoan hay một lời khoan dung nào. Nhưng con người Cơ đốc giáo trong anh vẫn kiên nhẫn và trầm lặng như lệ thường. Khi được hỏi anh có tha lỗi cho tôi không, anh đã trả lời rằng anh không có thói để bụng những chuyện vớ vẩn, và anh đã không bị ai xúc phạm thì đâu cần phải tha lỗi.
Anh nói thế rồi bỏ đi. Tôi muốn thà anh cứ đánh ngay tôi ngã xuống còn hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

CHƯƠNG 35


Ngày hôm sau, anh không đi Cambridge như đã nói, mà hoãn lại một tuần. Và trong thời gian đó, anh đã làm tôi phải thấm thía thế nào là hình phạt ác nghiệt mà một người tốt nhưng nghiêm khắc, có lương tri nhưng không khoan nhượng, có thể dùng để trừng trị kẻ đã xúc phạm mình. Không cần để lộ một biểu hiện thù địch, cũng chẳng cần trách móc nửa lời, anh đã buộc tôi có lúc phải tin rằng mình đã bị đẩy ra ngoài sự ưu ái của anh.
Anh không lảng tránh nói chuyện với tôi, và thậm chí sáng nào cũng vẫn gọi tôi đến cùng ngồi học như thường lệ. Tôi sợ rằng con người vô luân trong anh đã cảm thấy một thú vui trái ngược với con người Cơ đốc giáo trong sáng. Và mặc dù bề ngoài anh vẫn hành động và nói năng đúng như mọi ngày, nhưng thực ra anh đã rút mất cái tinh thần quan tâm và đồng thuận trong mỗi việc làm, lời nói vốn từng làm ngôn ngữ và cử chỉ trước đây của anh luôn có sự hấp dẫn khổ hạnh nhất định. Đối với tôi, trên thực tế anh không còn là một người bằng xương bằng thịt nữa, mà bằng đá. Mắt anh chỉ còn là viên ngọc xanh lạnh lẽo, miệng lưỡi anh chỉ là một công cụ để nói - chứ không hơn.
Tất cả những điều đó đã hành hạ, tra tấn tôi một cách dai dẳng và tàn nhẫn. Tôi cảm nhận rất rõ - nếu tôi là vợ anh - người đàn ông tốt bụng có tâm hồn trong vắt như một dòng suối sâu không ánh nắng ấy, có thể sớm giết tôi như thế nào: giết mà chẳng cần phải lấy từ huyết quản tôi một giọt máu, cũng không làm cho lương tâm trong suốt như pha lê của anh phải mang một thoáng tì vết của tội lỗi. Tôi đặc biệt cảm thấy như vậy mỗi khi cố gắng làm cho anh nguôi lòng. Không một chút động lòng đáp lại sự day dứt. Anh không hề tỏ ra đau khổ vì sự xa cách, cũng chẳng mong muốn hòa giải. Và dù đã hơn một lần những giọt nước mắt tôi rơi ướt cả trang sách mà hai người đang cùng đọc, song chúng cũng chẳng có tác dụng gì đối với anh, cứ như thể trái tim anh bằng sắt, bằng đá thật. Trong khi ấy, đối với hai cô em gái, anh lại tỏ ra dịu dàng hơn thường ngày, cứ như sợ rằng sự lạnh lùng chưa đủ để khiến tôi cảm thấy mình bị ruồng rẫy, nên anh phải thêm vào đó sự tương phản trong cách đối xử. Và tôi tin rằng anh làm thế không phải vì tâm địa độc ác, mà là vì theo nguyên tắc.
Buổi tối trước hôm anh ra đi, tình cờ thấy anh đi dạo ngoài vườn và chợt nhớ ra rằng đó là người - dù bây giờ xa lạ với tôi thật - đã một lần cứu sống tôi, và sau đó chúng tôi đã có quan hệ mật thiết với nhau, tôi lại thấy mình cần phải cố gắng một lần cuối cùng giành lại tình thân ái của anh. Tôi bước ra và tiến lại phía anh, khi anh đang đứng tựa vào cổng rào. Tôi vào chuyện ngay:
- St. John này, em cảm thấy buồn vì anh vẫn còn giận em. Chúng ta hãy tỏ ra thân ái với nhau có được không?
- Tôi tưởng chúng ta vẫn đang thân ái với nhau đấy chứ. - Anh hờ hững đáp lại, mắt vẫn ngắm nhìn vầng trăng đang lên như lúc tôi chưa đến gần anh.
- Không, St. John ạ, chúng ta đâu còn thân ái với nhau như trước chứ, anh cũng biết mà.
- Thật thế ư? Thế thì nhầm rồi. Về phần mình, tôi chẳng mong điều gì xấu xảy ra với cô, mà tất cả chỉ toàn là điều tốt lành thôi.
- Em tin anh, St. John ạ, vì em biết chắc anh không thể cầu mong điều gì xấu cho ai. Nhưng vì là chỗ thân thích của anh, nên em mong được anh tỏ lòng quý mến hơn một chút so với thứ tình cảm nhân ái chung chung đối với những người xa lạ.
- Tất nhiên rồi! Mong muốn của cô có lý đấy, nhưng nào tôi có tỏ ra xa cách với cô như một kẻ xa lạ đâu.
Giọng lạnh lùng và thản nhiên của anh lại khiến tôi bực mình và cảm thấy nỗ lực của mình có vẻ đã thất bại. Nếu nghe theo sự xúi giục của lòng kiêu hãnh và giận dữ, thì tôi đã bỏ đi ngay lập tức, nhưng trong tôi còn có một cái gì còn mạnh hơn những tình cảm đó. Tôi sùng bái sâu sắc tài năng và nguyên tắc đạo đức của người anh họ. Tình bạn của anh dành cho tôi rất đáng được trân trọng, để mất nó sẽ là một cực hình mà tôi phải chịu đựng. Tôi sẽ không vội từ bỏ nỗ lực giành lại tình cảm ấy.
- Chẳng lẽ chúng ta phải chia tay như thế nào sao, St. John? Và khi sắp sang Ấn Độ rồi, chẳng lẽ anh vẫn không thể nói được lời nào tử tế hơn những lời vừa rồi sao?
Đôi mắt anh rời khỏi vầng trăng và quay lại, nhìn thẳng vào mặt tôi.
- Khi sang Ấn Độ, tôi sẽ bỏ cô lại ư, Jane? Cái gì! Cô sẽ không sang Ấn Độ sao?
- Anh đã nói em không thể đi, nếu không lấy anh mà.
- Thế cô sẽ không lấy tôi thật à? Tại sao cô cứ khăng khăng như vậy chứ?
Thưa bạn đọc, nếu đặt mình vào địa vị của tôi thì bạn đọc có biết sẽ đáng sợ như thế nào khi những con người băng giá như vậy nhồi băng giá vào những câu hỏi của họ không? Có bao nhiêu tuyết sẽ sụt lở trong cơn giận của họ? Và những tảng băng trên biển sẽ tan vỡ như thế nào trong sự không vừa lòng của họ?
- Không, St. John ạ, em sẽ không lấy anh. Nhất định là như thế.
Núi tuyết đã bắt đầu rung chuyển và hơi trào ra một chút, nhưng chưa đổ sập xuống.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

- Tôi hỏi một lần nữa, tại sao cô lại từ chối? - Anh hỏi.
- Trước đây em trả lời là anh không hề yêu em, còn bây giờ em xin trả lời là anh hầu như ghét bỏ em. Nếu em lấy anh, anh sẽ giết em mất. Mà bây giờ anh cũng đang giết em rồi đấy.
Mặt anh bắt đầu biến sắc, trông trắng bệch ra.
- Tôi sẽ giết cô?… Tôi đang giết cô? Cô dùng lời thật không nên, nghe nó thô bạo, thiếu nữ tính và không chính xác chút nào. Nó cho thấy một tâm trạng bối rối, đáng bị chê trách nghiêm khắc và dường như không thể tha thứ được. Nhưng bổn phận của con người là phải tha thứ cho đồng loại, cho dù đến bảy mươi lần đi chăng nữa thì cũng vẫn phải tha thứ.
Thế là hết! Trong khi hăm hở muốn xóa bỏ trong tâm trí anh dấu vết những lời tôi xúc phạm anh bữa trước, tôi đã khắc thêm lên cái bề mặt chai lì ấy một ấn tượng khác sâu sắc hơn nhiều.
- Bây giờ thì anh sẽ ghét em thực sự. - Tôi nói - cố gắng làm lành với anh cũng vô ích. Em thấy đã làm cho anh trở thành kẻ thù vĩnh cửu của mình rồi.
Nhưng lời tôi vừa nói lại gây ra một bất đồng mới, một bất đồng tệ hại, vì nó động chạm tới sự thật. Cặp môi nhợt nhạt thoáng run lên bần bật. Tôi biết mình đã thổi bùng lên cơn giận ghê gớm. Lòng tôi quặn lại.
- Anh đã hoàn toàn hiểu sai câu nói của em. - Tôi nói và vội nắm tay anh - Quả thực là em không có ý làm anh đau khổ hay buồn phiền, em không có ý như vậy.
Anh mỉm cười chua chát bao nhiêu, thì cũng giật bàn tay khỏi tay tôi dứt khoát bấy nhiêu.
- Bây giờ cô đã nuốt lời hứa, và tôi đoán cô cũng sẽ nhất định không sang Ấn Độ nữa, đúng không? - Anh hỏi sau một hồi im lặng khá lâu.
- Không, em vẫn sẽ đi, với tư cách một phụ tá của anh.
Lại một hồi im lặng rất lâu. Tôi không biết bản tính và lòng khoan dung trong anh đã đấu tranh với nhau như thế nào trong khoảng thời gian ấy, chỉ biết trong mắt anh có những tia sáng khôn tả và trên khuôn mặt anh có những nét tối sầm lạ lùng thoáng hiện lên. Cuối cùng thì cũng thấy anh nói tiếp:
- Lần trước, tôi đã nói cho cô thấy sự lố bịch của việc một cô gái chưa chồng tuổi cô đi ra nước ngoài với một người đàn ông chưa vợ ở tuổi tôi. Thiết tưởng tôi đã chứng minh bằng những lời lẽ đủ để khiến cô không bao giờ còn nhắc lại chuyện ấy nữa. Thế mà rồi cô vẫn cứ nhắc lại, tôi thật lấy làm tiếc vì cô.
Tôi ngắt lời anh. Bất cứ một lời khiển trách nào kiểu như vậy cũng lập tức làm tôi thấy can đảm: “Hãy cứ giữ lấy cái xét đoán thông thường của anh, St. John ạ. Có vẻ như anh đang nói toàn những lời vô nghĩa thì phải. Anh làm ra vẻ bị sốc bởi những gì tôi nói, nhưng thực ra anh chẳng choáng váng chút nào, vì với đầu óc hơn người, chẳng thể nào có chuyện anh ngu ngơ đến nỗi hiểu sai ý tôi nói. Tôi xin được nhắc lại nhé, tôi sẽ làm phó của anh nếu anh muốn, nhưng sẽ không bao giờ có chuyện làm vợ anh.”
Khuôn mặt anh lại biến sắc một lần nữa, nhưng cũng như lần trước, anh vẫn hoàn toàn kiểm soát được cảm xúc của mình. Anh nhấn giọng trả lời, nhưng vẫn bình tĩnh:
- Một nữ phó mục sư mà không phải là vợ tôi thì không bao giờ thích hợp với tôi cả. Vậy xem ra cô không thể đi cùng tôi được. Nhưng nếu cô là người trung thực với đề nghị của mình, thì trong thời gian ở lại thành phố, tôi sẽ nói với một nhà truyền giáo mà bà vợ ông đang cần một người phụ việc. Tài sản riêng sẽ giúp cô không cần nhờ đến sự trợ giúp của Giáo hội, như vậy cô có thể không bị mất danh dự vì đã nuốt lời hứa và chối bỏ hàng ngũ mà cô đã cam kết gia nhập.
Như bạn đọc đã biết, đã có lúc nào tôi đưa ra một lời hứa hay một giao ước chính thức nào chưa? Lời nói vừa rồi của anh nghe mà ác nghiệp và cay độc quá! Tôi đáp lại:
- Không thể có chuyện mất danh dự, nuốt lời hay đào ngũ ở đây. Em không hề chịu một sức ép nào để phải sang Ấn Độ, nhất là với những người xa lạ. Với anh, em có đi cũng là vì liều lĩnh mà thôi, bởi em ngưỡng mộ anh, tin tưởng anh và yêu mến anh bằng tình cảm của một người em gái. Dẩu vậy, em vẫn tin rằng dù có đi với ai và đi vào lúc nào thì em cũng chẳng sống lâu được trong cái khí hậu ấy.
- À, thì ra là cô lo cho bản thân mình. - Anh bĩu môi nói.
- Tôi là người thế đấy - Tôi tức mình nói - Chúa ban cho tôi cuộc sống không phải là để vứt đi. Tôi đã bắt đầu nghĩ làm theo ý muốn của anh chẳng khác nào tự sát. Hơn nữa, trước khi quyết định rời khỏi nước Anh, tôi biết chắc chắn đi hay ở sẽ có ích hơn.
- Cô định nói gì?
- Có cố giải thích cho anh cũng chẳng có kết quả gì, nhưng có một điều mà bấy lâu nay tôi vẫn đau đáu hoài nghi trong lòng, và tôi không thể đi đâu được chừng nào chưa biết rõ nỗi hoài nghi đó.
- Tôi biết trái tim cô đang hướng về đâu và đang quyến luyến một điều gì. Song cái điều mà cô đang quan tâm lại trái với pháp luật và đạo lý. Lẽ ra cô đã phải bóp chết nó từ lâu rồi, bây giờ cô nên lấy làm hổ thẹn khi nhắc lại điều đó mới phải. Cô lại nghĩ đến ông Rochester chứ gì?
Đúng thế. Tôi thú nhận bằng sự yên lặng.
- Cô định đi tìm ông Rochester?
- Tôi phải biết hiện ông ấy ra sao.
- Bây giờ tôi chỉ còn biết nhớ đến cô trong những buổi cầu nguyện và hết sức thành tâm cầu Chúa để cô không phải trở thành một kẻ sống sót. Vậy mà tôi cứ tưởng mình đã nhận được ở cô một con người được Chúa lựa chọn. Nhưng Chúa không thấy giống như con người thấy.
Anh mở cổng bước ra, và đi về phía dưới thung lũng. Một lát sau đã không thấy bóng anh đâu nữa.
Trở lại phòng khách, tôi thấy Diana đang đứng bên cửa sổ, vẻ rất trầm ngâm. Diana cao lớn hơn tôi nhiều, cô đặt tay lên vai tôi và cúi xuống nhìn vào mặt tôi:
- Jane này, - cô nói - dạo này trông cô lúc nào cũng có vẻ lo lắng và xanh xao quá. Tôi nghĩ chắc là đang có chuyện gì đây. Hãy cho tôi biết St. John và cô đang bàn chuyện gì đi. Tôi vừa đứng bên cửa sổ nhìn hai người suốt nửa tiếng đồng hồ. Xin cô bỏ qua cho cái thói xấu ấy, nhưng từ lâu tôi cứ đoán già, đoán non mà vẫn chẳng hiểu được điều gì. St. John quả là một người kỳ lạ.
Cô ngừng lại. Thấy tôi không nói gì, cô lại tiếp:
- Tôi nghĩ chắc anh tôi đang ấp ủ một dự định đặc biệt nào đó về cô. Từ trước đến nay, chưa thấy anh ấy quan tâm, chú ý đến ai thế bao giờ. Để làm gì chứ? Hy vọng là anh ấy đã yêu cô, phải không, Jane?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

Tôi đặt bàn tay mát lạnh của cô lên vầng trán nóng bỏng của mình: “Không, Diana ạ, không phải vậy đâu.”
- Thế tại sao anh ấy cứ nhìn cô chăm chú thế, và lúc nào cũng muốn cô ngồi với mình anh ấy, rồi liên tục giữ cô bên cạnh thế? Cả tôi và Mary đều bảo anh ấy muốn cô lấy anh ấy.
- Đúng thế, anh ấy có hỏi tôi làm vợ.
- Thật đúng với suy nghĩ và hy vọng của chúng tôi! - Diana vỗ tay và reo lên - Thế cô có nhận lời không, Jane? Và thế là anh ấy sẽ ở lại nước Anh.
- Còn lâu mới được như vậy, Diana ạ. Anh ấy muốn lấy tôi chẳng qua là để có một người bạn cần lao có lợi cho công việc của anh ấy ở Ấn Độ mà thôi.
- Cái gì? Anh ấy muốn cô đi Ấn Độ à?
- Vâng.
- Thật điên rồ! - Cô kêu lên - Tôi cam đoan là cô sẽ không sống nổi ba tháng ở cái xứ ấy đâu. Đừng bao giờ nên đi! Mà cô vẫn chưa đồng ý đấy chứ, Jane?
- Tôi đã từ chối lấy anh ấy.
- Và kết quả là anh ấy đã tức giận phải không?
- Rất tức giận. Tôi chỉ sợ anh ấy sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho tôi. Nhưng tôi vẫn ngỏ ý muốn đi cùng anh ấy như một người em gái.
- Làm thế cũng thật là điên rồ, Jane ạ. Hãy nghĩ đến cái việc mà cô định đảm nhận đi, đó là một việc lúc nào cũng mệt mỏi, có thể đánh gục bất cứ một người khỏe mạnh nào chứ nói gì đến một người yểu điệu như cô. Cô biết đấy, thế nào St. John cũng sẽ hối thúc cô những việc không thể làm nổi. Với anh ấy thì đừng hòng được phép nghỉ ngơi những khi trời nóng nực. Khổ một nỗi, như tôi đã để ý, là anh ấy bảo gì cô cũng cứ làm cho bằng được cơ. Thú thực là tôi cũng thấy ngạc nhiên khi cô có can đảm từ chối làm vợ anh ấy đấy. Thế là cô không yêu anh ấy à, Jane?
- Không yêu như một người chồng.
- Nhưng anh ấy đẹp trai đấy chứ?
- Còn tôi thì xấu xí như chị thấy đấy, Diana ạ. Chúng tôi chẳng bao giờ hợp nhau đâu.
- Xấu xí! Cô mà xấu xí ư? Hoàn toàn không phải vậy đâu. Cô quá xinh xắn và tốt bụng để có thể bị đưa sang nướng sống ở Calcutta! - Diana nói và lại tích cực khuyên tôi từ bỏ ý định đi cùng anh cô.
- Quả thực là tôi phải làm như vậy - Tôi nói - Vì vừa mới rồi, khi tôi nhắc lại đề nghị đi theo anh làm người giúp việc, anh ấy đã bị sốc vì sự dứt khoát của tôi. Hình như anh ấy nghĩ rằng tôi đã phạm sai lầm khi đề nghị cùng đi mà lại không lấy anh ấy, cứ như thể tôi không muốn coi anh như một người anh ngay từ đầu và lúc nào cũng coi anh như thế không bằng!
- Nhưng cô căn cứ vào đâu mà bảo anh ấy không yêu cô, Jane?
- Chị nên nghe chính anh ấy nói thì tốt hơn! Lúc nào anh cũng giải thích rằng anh tìm một người bạn đời không phải cho bản thân, mà cho công việc. Anh bảo tôi ra đời là để lao động chứ không phải để yêu. Điều đó thì đúng rồi. Nhưng theo ý tôi, nếu được sinh ra không phải để yêu, thì vì vậy cũng chẳng phải để lấy chồng. Chẳng lẽ lại không có gì nực cười khi suốt đời trói buộc mình với một người đàn ông chỉ coi mình như một công cụ hữu ích ư, Diana?
- Đúng là không thể chịu đựng được… phi tự nhiên… và chẳng còn gì để nói nữa!
- Và rồi, mặc dù bây giờ tôi chỉ có tình cảm của một người em gái đối với anh ấy, nhưng nếu buộc phải lấy anh ấy, tôi có thể hình dung ra một thứ tình yêu không tránh khỏi, một thử tình yêu kỳ cục và giày vò cõi lòng mà tôi sẽ có với anh ấy, vì phải công nhận anh ấy là người có tài, và tôi luôn cảm nhận thấy một cái gì đó thật vĩ đại của một người anh hùng trong ánh mắt, cử chỉ và lời nói của anh. Mà nếu vậy thì phận tôi sẽ đau khổ không thể nói được. Anh ấy không cần tình yêu của tôi, và nếu tôi có bày tỏ tình cảm của mình thì anh ấy sẽ làm cho tôi cảm thấy điều đó là thừa, không cần thiết và cũng chẳng thích hợp với tôi. Tôi biết anh ấy sẽ làm như thế.
- Nhưng St. John là một người tốt. - Diana nói.
- Anh ấy là một người tốt và vĩ đại, nhưng trong khi anh theo đuổi những mục tiêu lớn lao, anh ấy đã nhẫn tâm bỏ qua những tình cảm và nhu cầu của một con người bình thường bé nhỏ. Vì vậy, con người tầm thường vô nghĩa đừng nên cùng đi trên con đường của anh, nếu không sẽ có lần bị anh ấy giẫm chết bẹp. Mà anh ấy đang đến kìa! Diana, tôi về phòng đây.
Nhìn thấy anh ra ngoài vườn, tôi vội vã bước lên cầu thang.
Nhưng tôi vẫn buộc phải gặp lại anh trong bữa tối. Anh vẫn ngồi ăn bình thản như mọi khi. Tôi cứ tưởng anh sẽ khó nói chuyện với tôi và đã từ bỏ ý định lấy tôi, nhưng sự việc sau đó chứng tỏ rằng tôi lầm cả về hai điểm. Anh vẫn trò chuyện với tôi đúng với cung cách thường lệ, hay đúng hơn là cung cách thời gian gần đây, nghĩa là cực kỳ lịch thiệp. Hẳn anh đã cầu xin Chúa Thánh thần kìm chế hộ cơn giận dữ mà tôi đã kích động trong anh, và bây giờ anh tin rằng anh đã tha thứ cho tôi một lần nữa.
Lúc đọc kinh cầu nguyện buổi tối, anh đã chọn đọc chương hai mươi mốt trong sách Khải huyền. Bao giờ tôi cũng cảm thấy thú vị khi được nghe những lời trong Kinh thánh phát ra từ chính miệng anh. Chưa bao giờ giọng anh lại ngọt ngào và âm vang như lúc anh truyền bảo những lời phán dạy của Chúa, và trong cốt cách giản dị cao quý, chưa bao giờ cử chỉ của anh lại mang lại một ấn tượng mạnh như lúc ấy. Và tối nay, giọng nói ấy còn tỏ ra trang trọng hơn, cử chỉ ấy còn ấn tượng hơn nhiều. Anh ngồi ở giữa, chúng tôi ngồi xung quanh (ánh trăng tháng năm chiếu qua ô cửa sổ không buông rèm gàn như lấn át cả ánh đèn cầy đặt trên bàn). Anh cúi đầu xuống cuốn Kinh thánh cũ, mô tả lại theo từng trang sách cái ảo ảnh về thiên đường mới và thế giới mới - nói Chúa sẽ xuống sống chung với con người như thế nào, lau khô những giọt lệ trên mắt họ ra sao, và hứa sẽ không để xảy ra chết chóc, đau khổ, khóc than, hay bất cứ một nỗi cơ cực nào nữa, vì tất cả đều đã qua rồi.
Những câu anh đọc sau đây đã làm tôi xúc động một cách kỳ lạ, đặc biệt là khi giọng anh có một cái gì đó như hối thúc, đầy sức truyền cảm, khiến tôi cảm thấy ánh mắt anh như đang nhìn vào tôi.
“Ai vượt qua sẽ được thừa hưởng tất cả, và ta sẽ là Chúa của nó, còn nó sẽ là con ta. Nhưng (giọng đọc bắt đầu chậm rãi, rành mạch) kẻ hèn nhát, thiếu đức tin,… sẽ bị đày ải xuống hỏa ngục lưu huỳnh, đó sẽ là cái chết lần thứ hai.”
Tôi chợt hiểu St. John đang lo sợ tôi phải hứng chịu một kết cục như thế nào.
Sau buổi đọc kinh, chúng tôi tạm biệt anh. Anh phải đi vào sáng sớm mai. Diana và Mary hôn anh, rồi rời khỏi phòng. Tôi giơ tay bắt tay anh, và chúc anh có một chuyến đi vui vẻ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

- Cảm ơn, Jane. Như tôi đã nói, tôi sẽ đi Cambridge hai tuần, vậy trong khoảng thời gian đó, cô có thể tha hồ cân nhắc. Nếu chỉ nghe theo tính kiêu ngạo của con người thì chắc là tôi sẽ chẳng phải nhắc lại chuyện hôn nhân với cô làm gì nữa, nhưng tôi nghe theo bổn phận và vẫn giữ vững ý định ban đầu, ấy là làm mọi việc vì vinh quang của Chúa. Chúa tôi đã từng chịu nhiều đau khổ nên tôi cũng sẽ như vậy. Tôi không thể để mặc cô rơi vào kiếp khổ ải trầm luân như một con tàu đắm. Hãy biết ăn năn và quyết định dứt khoát trong khi còn chưa muộn. Nên nhớ chúng ta phải làm việc chừng nào ngày còn sáng và nên ý thức là khi “đêm đến, sẽ chẳng có ai làm được việc gì nữa”. Chúa sẽ ban cho cô sức mạnh để lựa chọn cái phần tốt đẹp nhất mà cô sẽ không bị mất!
Anh đặt tay lên đầu tôi khi nói ra những lời cuối cùng. Giọng anh thiết tha và hòa nhã. Nhưng ánh mắt anh quả thực không phải ánh mắt của một người đối với người yêu, mà là của một mục sư kêu gọi con chiên lầm đường trở lại, hay nói đúng hơn là của một vị thần hộ mệnh đang nhìn vào linh hồn được che chở. Tất cả những người có tài năng - dù có tình cảm, cuồng tín, nhiều khát vọng và độc đoán hay không cũng không quan trọng, miễn là họ trung thực - đều có những phút cao thượng như vậy khi họ muốn chinh phục và phán bảo người khác. Tôi cảm thấy tôn kính St. John, một sự tôn kính sâu sắc đến nỗi lực đẩy của nó đã đưa tôi về ngay cái điểm mà tôi tránh được từ lâu. Tôi bị lôi cuốn đến mức muốn từ bỏ ý định đấu tranh với anh và lao vào dòng thác ý chí dẫn đến vực thẳm cuộc sống của anh, mặc cho đời mình chìm nghỉm ở đấy. Tôi lại cảm thấy mình gần như đang bị anh bao vây chặt như đã từng bị một lần, có điều lần này tôi bị vây theo một cách khác. Tôi là kẻ ngu xuẩn trong cả hai lần. Nếu nhượng bộ thì lần trước tôi đã sai lầm về nguyên tắc, còn lần này thì sai lầm về mặt xét đoán. Tôi đã nghĩ như vậy khi nhìn lại cái thời khắc khốn khó ấy nhờ vai trò trung gian lặng lẽ của thời gian. Khi đó tôi không ý thức được sự điên dại của mình.
Tôi đứng yên dưới bàn tay vị giáo chủ của mình. Tôi đã quên những lời cự tuyệt, vượt qua những lo âu. Khả năng đấu tranh của tôi bị tê liệt. Cái Không thể - tức là cuộc hôn nhân của tôi với St. John - đã nhanh chóng biến thành cái Có thể. Mọi sự thay đổi thật chóng vánh. Tôn giáo đã kêu gọi… các Thiên thần đã vẫy tay… Chúa sai khiến… Cuộc sống cuốn lại như một cuộn giấy, các cánh cửa của Cõi chết rộng mở cho thấy cõi vĩnh hằng ở xa xa. Dường như để đổi lấy sự bình yên và hoan lạc ở đó, có thể hy sinh tất cả mọi thứ ở đây trong tích tắc. Căn buồng mờ tối tràn ngập những ảo ảnh.
- Cô có thể quyết định ngay bây giờ không? - Nhà truyền giáo hỏi tôi. Giọng dịu dàng, anh khẽ kéo tôi đến bên anh. Ôi! Cử chỉ dịu dàng ấy còn công hiệu hơn cả sức mạnh bao nhiêu! Tôi có thể chống lại sự tức giận của St. John, vậy mà trước cử chỉ dịu dàng của anh, người tôi cứ mềm như một nhánh sậy. Tuy vậy, lúc nào tôi cũng vẫn ý thức được rằng nếu bây giờ nhượng bộ thì chắc chắn sẽ có ngày tôi phải lấy làm tiếc vì đã không giữ được tính kiên định của mình. Bản chất anh không thể thay đổi chỉ vì một giờ đọc kinh trang trọng, mà nó chỉ được nâng cao lên mà thôi.
- Em chỉ có thể quyết định một khi đã cân nhắc kĩ lưỡng. - Tôi trả lời - Và một khi tin chắc rằng Chúa muốn em phải lấy anh. Chỉ có như vậy em mới có thể nguyện lấy anh vào lúc này, ngay tại đây, bất chấp tương lai ra sao.
- Những lời cầu nguyện của tôi đã được lắng nghe! - St. John thốt lên. Anh khẽ ấn bàn tay xuống đầu tôi, như muốn khẳng định tôi đã thuộc về anh. Rồi anh vòng cánh tay ôm lấy tôi, gần như là yêu tôi vậy (tôi nói gần như - tôi biết có sự khác biệt - vì tôi đã từng có sự cảm nhận về một tình yêu đích thực; nhưng cũng như anh ấy, giờ tôi tạm gạt chuyện tình cảm sang một bên và chỉ nghĩ đến bổn phận). Tôi phải đấu tranh với những đám mây cuồn cuộn mù mờ của nội tâm. Tôi thành thực, tha thiết và nhiệt tình được làm những gì là lẽ phải, và chỉ có thế thôi. “Xin hãy soi đường cho con!” - Tôi khẩn cầu Thượng đế. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bị kích động đến như vậy. Và việc xảy ra sau đó có phải là do tác động của sự kích động ấy không, bạn đọc hãy xét đoán hộ tôi.
Cả ngôi nhà chìm trong yên lặng, vì tôi tin rằng ngoài tôi và St. John, tất cả mọi người đều đã đi ngủ cả. Ngọn nến duy nhất đã tắt ngấm từ lúc nào, căn phòng tràn ngập ánh trăng. Tim tôi đập liên hồi, tôi nghe rõ từng nhịp đập của nó. Nhưng nó bỗng đột ngột dừng lại, do một cảm xúc khó tả trào dâng trong lòng tôi, rồi lan truyền lên đầu và khắp người tôi. Cảm giác ấy không giống một cú điện giật, nhưng cũng mạnh, kỳ lạ, khiến tôi giật mình. Nó tác động lên mọi giác quan của tôi, như thể từ trước đến nay các giác quan của tôi chỉ nằm ì trong một trạng thái trì trệ, bây giờ bỗng bất ngờ được đánh thức dậy. Chúng vùng lên chờ đợi, tai và mắt ngóng trông, trong khi các thớ thịt rung chuyển trên từng đoạn xương cốt.
- Cô đã nghe và trông thấy gì vậy? - St. John hỏi.
Tôi chẳng trông thấy gì cả, mà chỉ nghe thấy ở một nơi nào đó có tiếng kêu: “Jane, Jane, Jane!” Tất cả chỉ có vậy.
“Ôi, lạy Chúa tôi! Có chuyện gì thế này?” - Tôi lẩm bẩm trong hơi thở hổn hển.
Lẽ ra tôi phải nói “Ở đâu vậy?”, vì tiếng kêu ấy hình như không phải ở trong phòng, không phải ở trong nhà hay trong vườn, mà cũng chẳng phải từ không trung, dưới đất hay từ trên đầu tới. Chỉ biết tôi đã nghe thấy nó - còn ở đâu, hay từ đâu thì tôi không thể xác định được. Và đó là giọng nói của một con người, một giọng nói quen thuộc, thân thương mà tôi còn nhớ rất rõ: giọng nói của Edward Fairfax Rochester. Giọng nói ấy được thốt ra một cách hoang dại, huyền bí và gấp gáp từ trong đau khổ.
- Em đến đây! Chờ em với! Vâng, em sẽ đến ngay! - Tôi kêu lên và đi như bay ra cửa, nhìn vào hành lang: chẳng có gì ngoài bóng tối. Tôi chạy ra vườn, nhưng nới đó cũng hoàn toàn vắng vẻ.
- Ông ở đâu? - Tôi kêu lên.
Những ngọn đồi bên kia thung lũng Marsh Glen yếu ớt vọng đáp lại lời tôi - “Ông ở đâu?”. Tôi lắng nghe. Gió khẽ buông một tiếng thở dài giữa những hàng cây linh sam. Tất cả chỉ là sự hiu quạnh của chốn đồng hoang và sự tĩnh mịch của đêm tối.
- Hãy cút đi, đồ dị đoan! - Tôi ra lệnh khi thấy một cái bóng đen sì hiện lên bên hàng cây thủy tùng đen ngòm ở cổng ra vào - Đó không phải là trò lừa gạt hay ma thuật của mày, mà chỉ là một cái bóng của tự nhiên.
Tôi tạm biệt St. John, mặc cho anh bám theo giữ tôi lại. Bây giờ đến lượt tôi làm cao. Các quyền lực của tôi đang trỗi dậy tỏ rõ cái sức mạnh của chúng. Tôi bảo anh đừng hỏi gì cả và tỏ ý muốn anh hãy lui đi, tôi phải ở một mình và sẽ làm như vậy. Anh tuân lời ngay. Tôi về phòng khóa cửa lại, quỳ xuống cầu nguyện theo cách của mình - dù chẳng giống với cái cách của St. John, nhưng nó vẫn có hiệu quả của nó. Dường như tôi đang đến rất gần một Thánh thần vĩ đại, và linh hồn tôi bay lên phủ phục dưới chân Người. Rồi với một tình cảm biết ơn sâu sắc, tôi đứng dậy - quyết định một việc - và ngả mình nằm xuống thanh thản mong ngóng một ngày mới.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

CHƯƠNG 36


Một ngày mới lại bắt đầu. Tôi dậy khi bình minh vừa ló rạng và dành cả tiếng đồng hồ cho việc sắp xếp lại mọi thứ trong phòng, trong ngăn kéo và tủ áo theo trật tự mong muốn. Trong lúc ấy, tôi nghe tiếng St. John rời khỏi phòng anh. Anh dừng lại trước cửa phòng tôi. Tôi chỉ sợ anh gõ cửa, nhưng không, anh chỉ luồn một mảnh giấy qua khe cửa. Tôi nhặt lên xem. Mảnh giấy viết vài dòng:
“Tối hôm qua, cô bỏ tôi đi đột ngột quá. Nếu ở lại thêm một chút nữa thì có lẽ cô đã đặt bàn tay lên cây thánh giá của Cơ đốc giáo và vương miện của thiên thần rồi. Tôi vẫn chờ cô quyết định rõ ràng khi tôi trở về trong hai tuần nữa. Trong thời gian ấy, cô hãy chịu khó cầu nguyện, đừng sa vào con đường cám dỗ. Tôi tin rằng tinh thần cô đã có khát vọng, nhưng thể xác thì vẫn còn yếu đuối. Tôi sẽ không ngừng cầu nguyện cho cô. St. John.”
“Tinh thần tôi chỉ khát khao làm điều hay lẽ phải” - Tôi thầm trả lời - “Còn về thể xác, tôi mong mình cũng đủ sức mạnh để hoàn thành ý muốn của Chúa, một khi tôi được biết rõ ràng ý muốn đó. Nói gì thì nói, nó cũng sẽ đủ sức để tìm tòi, thăm hỏi và mò mẫm tìm ra con đường thoát khỏi đám mây mù hoài nghi này và đến với nguồn sáng của sự vững tâm.”
Ngày mùng một tháng sáu. Buổi sáng, trời u ám và hơi lạnh, những giọt nước mưa thi nhau đập rào rào vào cửa kính phòng tôi. Tôi nghe thấy tiếng cổng trước mở và tiếng St. John đi ra. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy anh bước qua vườn và đi vào con đường dẫn qua cánh đồng hoang mờ sương về hướng Whitcross. Tới đó, anh sẽ đi xe ngựa.
“Chỉ ít giờ nữa thôi, tôi cũng sẽ nối gót anh trên con đường ấy, ông anh họ của tôi ạ” - Tôi nghĩ thầm - “Tôi cũng muốn đáp một chuyến xe ở Whitcross. Tôi cũng có người cần phải hỏi thăm ở nước Anh trước khi đi xa mãi mãi.”
Còn hai tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ điểm tâm. Trong khoảng thời gian đó, tôi tha thẩn đi lại trong phòng, suy nghĩ về cái cảm giác nội tâm mình vừa trải qua, và nhớ lại tiếng gọi tôi đã nghe thấy. Tôi lại tự hỏi nó từ đâu đến, nhưng rốt cuộc vẫn không trả lời được. Hình như đó là tiếng gọi phát ra từ ngay trong tôi, chứ không phải từ thế giới bên ngoài. Phải chăng đó là một sự kích động sâu sắc của thần kinh, một ảo giác? Tôi không thể quan niệm hoặc tin như vậy được, vì có lẽ nó giống một linh cảm hơn. Sự chấn động kỳ diệu của tình cảm xảy ra như vụ động đất làm rung chuyển tận nền móng của nhà tù giam Paul và Silas1. Nó đã mở tung cửa ngục giam giữ linh hồn, đập tan xiềng xích, đánh thức linh hồn khỏi giấc ngủ vùi, khiến linh hồn bừng tỉnh, run rẩy, nghe ngóng và sững sờ. Tiếng gọi kia ba lần vang lên bên tai, dội vào trái tim và tràn qua tinh thần tôi, nhưng không làm cho tinh thần tôi run sợ mà ngược lại, còn làm nó có được niềm vui, có được cảm giác độc lập với cái thể xác nặng nề vướng víu.
1. Hai nhà truyền giáo thoát khỏi cảnh tù đày nhờ một trận động đất (Kinh thánh).
“Chỉ vài ngày nữa thôi” - Tôi nói thầm - “Mình sẽ biết tin về người mà dường như đêm qua đã cất tiếng gọi mình. Nếu mấy lá thư không đem lại kết quả thì tự mình phải đi để hỏi thay chúng.”
Trong bữa điểm tâm, tôi báo cho Diana và Mary biết tôi sẽ có việc phải vắng nhà ít nhất trong bốn ngày.
- Đi một mình à, Jane? - Họ hỏi.
- Vâng, tôi định tới thăm, hay hỏi xem tin tức về một người bạn mà ít lâu nay vẫn làm tôi thấy bồn chồn.
Hẳn họ đang rất muốn nói rằng tôi làm gì có bạn bè ngoài họ ra, vì quả thực tôi vẫn thường nói như vậy, nhưng vì tế nhị nên chẳng ai nói gì thêm, trừ Diana hỏi tôi có đủ sức đi xa không. Cô lưu ý rằng trông tôi xanh lắm. Tôi trả lời tôi chẳng có vấn đề gì ngoài nỗi lo âu mà tôi hy vọng sẽ sớm trút bỏ được thôi.
Tôi dễ dàng thu xếp mọi công việc tiếp theo vì không phải đối đáp với bất cứ một câu chất vấn nào. Sau một lần nghe tôi giải thích rằng hiện giờ tôi chưa thể nói rõ dự kiến của tôi, họ đã tỏ ra nhã nhặn biết điều và tán thành sự kín đáo của tôi. Họ để tôi được tự do hành động - điều mà trong những hoàn cảnh tương tự, tôi cũng sẽ đồng ý với họ như vậy.
Tôi rời Moor House vào lúc ba giờ chiều, và sau bốn giờ chiều đã đứng bên cột chỉ đường Whitcross để chờ xe đến Thornfield xa xôi. Giữa cái không khí tĩnh lặng bao trùm lên những con đường hiu quạnh và những ngọn đồi hoang vắng, tôi nghe thấy tiếng một cỗ xe ngựa đang tiến lại từ rất xa. Lại chính là chiếc xe một năm trước đây đã thả tôi xuống đúng chỗ này vào một buổi chiều mùa hè, mặc cho tôi hoang mang lo sợ trong cảnh thân cô thế cô! Tôi ra hiệu cho chiếc xe dừng lại. Lần này thì tôi không hoàn cảnh đến nỗi phải dốc cả tài sản ra để trả tiền xe. Một lần nữa được đi trên con đường dẫn tới Thornfield, tôi bỗng cảm thấy mình giống như một con chim bồ câu đưa thư bay về nhà.
Cuộc hành trình dài ba mươi sáu tiếng đồng hồ. Tôi rời Whitcross vào chiều thứ ba, và đến sớm thứ năm thì xe dừng lại cho ngựa uống nước ở một cái quán trọ bên đường, giữa một nơi có những bờ giậu xanh mơn mởn, những cánh đồng rộng thênh thang và những đồi cỏ thoai thoải, khiến tôi có cảm giác như được gặp lại một khuôn mặt có những đường nét thân quen. Vâng, tôi đã nhận ra cảnh vật của miền đất này. Tôi tin là mình đang sắp đến đích.
- Từ đây đến Thornfield còn bao xa nữa nhỉ? - Tôi hỏi người coi ngựa.
- Chỉ còn hai dặm, nếu đi tắt qua cánh đồng, thưa bà.
“Cuộc hành trình của mình đến đây là xong” - Tôi thầm nghĩ và đòi xuống xe. Sau khi gửi người coi chuồng ngựa cái hòm cho đến khi tôi trở lại lấy, trả tiền xe, biếu tay xà ích thêm ít tiền uống nước, tôi quyết định đi bộ nốt quãng đường còn lại. Những tia nắng mặt trời chiếu sáng tấm biển có hàng chữ mạ vàng “Rochester Arms” treo ngoài quán. Tôi giật thót người: thì ra tôi đã ở trong lãnh địa của ông chủ tôi. Tim tôi bỗng thắt lại vì một ý nghĩ bất chợt:
“Biết đâu ông ấy lại chẳng vượt eo biển ra khỏi nước Anh rồi, mà nếu ông ấy có ở lại Thornfield thì bên cạnh ông còn có ai nữa mà mi vội đến như vậy? Còn người vợ điên của ông! Như vậy thì mi còn làm gì được, mi sẽ chẳng dám hỏi chuyện hoặc tìm gặp ông. Có đến cũng mất công thôi, đừng đến nữa thì hơn. Hãy quay lại mà hỏi thăm người trong quán trọ trước đi, họ có thể nói cho mi biết đôi điều mà mi muốn biết, họ có thể giải đáp những nghi ngờ của mi ngay. Thử ra hỏi ông kia xem ông Rochester có nhà không?”
Gợi ý ấy quả là rất nên làm, ấy vậy mà tôi vẫn không thể tự thúc ép mình làm được. Tự nhiên tôi lại sự câu trả lời sẽ làm tôi tan vỡ hết hy vọng. Kéo dài sự hoài nghi là kéo dài hy vọng. Mà tôi cũng đang rất muốn nhìn lại tòa lâu đài với vẻ đẹp của nó một lần nữa kia mà. Tôi nhận ra hàng rào trước mặt, rồi những cánh đồng mà tôi đã vội vã đi qua như một kẻ câm điếc và mù lòa, đầu mê muội vì một nỗi căm hờn trong lòng vào cái buổi sáng từ bỏ Thornfield ấy. Chưa kịp nghĩ ra phải làm gì thì tôi đã thấy mình ở ngay giữa những cánh đồng rồi. Không hiểu sao thỉnh thoảng tôi lại đi nhanh đến vậy! Sao tôi cứ ngong ngóng sớm được gặp lại những cánh rừng thân quen đến vậy chứ! Lòng tôi cứ xốn xang cảm xúc khi được gặp lại những thân cây đơn côi thân thiết, và ngọn đồi trơ trọi nằm giữa những thảm cỏ thấp thoáng còn in đậm trong trí nhớ của tôi.
Cuối cùng thì những mảnh rừng um tùm cây cối cũng đã hiện ra ngay trước mắt tôi. Đó chính là nơi trú ẩn của bầy quạ với những tiếng kêu huyên náo phá tan bầu không khí tĩnh lặng của buổi sáng. Trong tôi trào dâng một cảm giác vui sướng đến kỳ lạ. Tôi dấn bước băng qua một cánh đồng nữa, đi hết một lối nhỏ và bắt đầu nhận ra những bức tường bao quanh sân, rồi đến những căn nhà phía sau lâu đài. Tòa nhà chính vẫn bị cây cối che lấp.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

“Mình phải nhìn thấy mặt tiền lâu đài cái đã” - Tôi thầm quả quyết - “Đó là nơi mình sẽ được gặp lại những lỗ châu mai, và có thể nhìn thấy ô cửa sổ phòng ông chủ mình. Biết đâu ông lại chẳng đang đứng ở đó, vì ông vẫn thường hay dậy sớm mà. Cũng có thể bây giờ ông đang đi dạo trong vườn hay trên sân trước. Ước gì mình nhìn thấy ông, dù chỉ một lát thôi cũng được! Nhưng nếu có nhìn thấy ông, liệu mình có mừng đến nỗi phải chạy nhào đến với ông không? Mình không thể nói trước được. Nếu mình làm như vậy thì… rồi sẽ thế nào nhỉ? Chúa sẽ phù hộ ông! Có ai bị tổn thương nếu một lần nữa mình được tận hưởng cuộc sống nhờ cái nhìn của ông mang lại không? Mình mê muội mất rồi. Có lẽ lúc này ông đang say sưa ngắm mặt trời mọc trên rặng Pyrenees, hoặc trên mặt biển êm đềm ở miền Nam cũng nên.”
Tôi đi dọc theo dãy tường thấp bao quanh vườn cây ăn quả, rồi vòng qua một góc, nơi có một cánh cổng lớn mở ra đồng cỏ, hai bên là hai cột đá có gắn hai quả cầu đá bên trên. Nấp sau một cái cột, tôi có thể tha hồ quan sát toàn bộ mặt tiền lâu đài, các ô cửa sổ, lỗ châu mai. Tôi thận trọng ló đầu ra nhìn xem các phòng ngủ đã vén hết rèm cửa sổ lên chưa.
Bầy quạ nháo nhác bay lượn bên trên như đang theo dõi tôi. Không hiểu chúng đang nghĩ gì nhỉ? Chắc là chúng đang không hiểu tại sao tôi lại lén lút như vậy. Sau một lúc lâu thò đầu quan sát, tôi rời khỏi chỗ ẩn nấp, mạnh dạn bước vào bãi cỏ, và đột nhiên dừng lại ngay trước mặt tòa lâu đài đồ sộ ấy mà ngắm nghía. Hẳn là bầy quạ kia sẽ phải đặt câu hỏi: “Tại sao lúc đầu ả nhút nhát, sau đó lại có vẻ bất chấp đến ngu ngốc thế kia?”
Với một cảm giác vui sướng rụt rè, tôi tưởng mình sẽ được ngắm lại tòa nhà uy nghi đồ sộ. Nhưng kìa, trước mắt chỉ là một cảnh đổ nát đen thui!?
Quả thực là chẳng cần phải ẩn nấp nữa mà làm gì! Cũng đâu cần phải sợ đằng sau các ô cửa sổ có bóng người xuất hiện, phải nghe ngóng tiếng cửa mở, phải tưởng tượng tiếng chân bước trên nền nhà hay trên lối đi rải sỏi! Các thảm cỏ, vườn tược đều bị giẫm đạp tan hoang, cánh cổng lớn mở toang. Mặt trước tòa nhà, như có lần tôi đã nhìn thấy trong một cơn ác mộng, chỉ còn là một bức tường trơ trụi, cao ngất và mong manh, các khung cửa sổ đều bị bung mất kính, mái nhà chẳng còn lỗ châu mai và ống khói lò sưởi. Thực sự là một đống đổ nát!
Bao trùm lên tất cả là một sự câm lặng chết chóc, sự cô quạnh của chốn hẻo lánh. Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao mấy lá thư của tôi đều không có hồi âm. Những hòn đá đen đúa ù lì đã nói rõ tại sao tòa lâu đài này đổ nát. Hỏa hoạn! Nhưng hỏa hoạn như thế nào? Có chuyện gì liên quan đến thảm họa này không? Ngoài đống vôi vữa, gỗ đá, còn mất mát gì thêm nữa không? Còn tính mạng, cũng như tài sản nữa, có bị thiệt hại không? Nếu có thì là ai? Một câu hỏi thật đáng sợ, không ai ở đây để trả lời, cũng chẳng có lấy một dấu hiệu im lặng hay một ký hiệu câm nào.
Đi lang thang quanh những bức tường đổ, nhìn cảnh hoang tàn bên trong, tôi thấy rõ tai họa không phải là mới xảy ra, vì giữa đống gạch đá và kèo gãy nát là những bụi cỏ dại mọc xanh rì. Lạy Chúa! Còn ông chủ bất hạnh của ngôi nhà hiện đang ở nơi đâu? Có được ai chăm sóc không? Tôi thẫn thờ đưa mắt nhìn ngọn tháp trên nhà thờ xám xịt gần cổng và tự hỏi: “Hay là ông đã về với các tiền nhân của dòng họ Rochester trong ngôi nhà cẩm thạch chật hẹp kia rồi?”
Tôi cần phải tìm lời giải cho những câu hỏi này. Và như vậy thì chỉ có cách ra ngoài quán trọ mà hỏi thôi. Tôi lập tức quay trở lại quán trọ. Ông chủ quán đích thân mang bữa điểm tâm đến cho tôi ở phòng khách. Tôi đề nghị ông đóng cửa lại và ngồi xuống cho tôi hỏi vài câu. Nhưng sau đó, tôi lại không biết bắt đầu như thế nào, vì biết đâu ông lại cho tôi những câu trả lời thật khủng khiếp, ông chủ quán là một người đáng kính, tuổi trung niên.
- Chắc ông cũng biết lâu đài Thornfield? - Cuối cùng thì tôi cũng phải lên tiếng.
- Vâng, thưa bà, trước đây tôi đã từng sống ở đó.
- Thế à? - Tôi hỏi lại và nghĩ chắc ông ta không ở đấy vào cái thời có tôi, nên tôi không biết ông.
- Tôi từng là quản gia của ông Rochester quá cố.
Quá cố! Tôi nghe như một tiếng sét đánh ngang tai, một đòn đánh mà tôi đã cố lẩn tránh.
- Quá cố! - Tôi hổn hển nói - Ông ấy chết rồi à?
- Tôi muốn nói đến người thân sinh của ông Edward. - Ông ta giải thích. Chỉ đến lúc này tôi mới lại thở được. Lời ông chủ quán trọ làm tôi hiểu rằng chắc chắn ông Edward - Ông Rochester của tôi (Chúa sẽ che chở cho ông, cho dù ông đang ở đâu!) ít ra cũng vẫn còn sống. Như vậy là tôi có thể vui được rồi! Phần còn lại của câu chuyện có ra sao thì tôi vẫn có thể yên tâm mà lắng nghe. Tôi nghĩ dù biết tin ông đang sống ở đâu đi chăng nữa thì tôi cũng có thể chịu đựng được, miễn là ông không nằm dưới mộ.
- Thế hiện ông Rochester còn sống ở Thornfield không? - Tôi hỏi. Mặc dù có thể đoán trước câu trả lời, nhưng tôi vẫn chưa muốn hỏi thẳng hiện ông đang ở đâu.
- Không, thưa bà, bây giờ thì chẳng còn ai ở đấy hết. Hình như bà mới đến vùng này thì phải, nếu không bà đã biết chuyện xảy ra hồi mùa thu năm ngoái. Lâu đài Thornfield đã bị sụp đổ rồi, nó bị thiêu trụi đúng vào mùa gặt. Thật là một tai họa khủng khiếp! Bao nhiêu tài sản có giá trị thế là đi đời nhà ma, chỉ cứu được một ít đồ đạc thôi. Hỏa hoạn bắt đầu xảy ra lúc gần sáng, đến lúc có người, xe từ Millcote đến cứu thì cả tòa nhà đã biến thành một ngọn lửa khổng lồ rồi. Thật là một cảnh tượng hãi hùng, chính mắt tôi đã được tận mắt chứng kiến mà.
“Lúc gần sáng à!” - Tôi lẩm bẩm. Đúng rồi, đó luôn là cái giờ bất hạnh của lâu đài Thornfield.
- Thế ông có biết nguyên do tại sao không?
- Thưa bà, đấy là họ đoán thế thôi. Nhưng tôi thì tôi cho là đúng, chẳng có gì mà phải nghi ngờ cả. Có lẽ bà không biết, - Ông ta kéo ghế lại gần bàn, hạ thấp giọng xuống nói tiếp - rằng có một người đàn bà, một… một… mụ điên bị nhốt trong ngôi nhà ấy?
- Tôi cũng có nghe nói về chuyện ấy.
- Thưa bà, mụ ta bị nhốt kín lắm, đến nỗi suốt mấy năm qua, dân tình ở đây vẫn chẳng hay biết gì về mụ. Có ai trông thấy mụ bao giờ chứ! Chỉ biết nghe đồn loáng thoáng rằng ở trong lâu đài có một mụ đàn bà như thế, còn mụ là ai và là người thế nào thì tôi chịu. Họ bảo ông Edward mang mụ từ nước ngoài về, có người còn nói trước kia mụ là người tình của ông ấy. Nhưng cách đây một năm, đã xảy ra một chuyện kỳ quặc, vâng, rất kỳ quặc!
Tôi sự phải nghe chuyện của chính mình, nên cố nhắc ông ta nói đến câu chuyện chính.
- Thế còn người đàn bà kia?
- Thưa bà, thì ra mụ chính là vợ ông Rochester! Câu chuyện bị phát giác đến buồn cười. Có một cô gái còn rất trẻ, một gia sư ở lâu đài, mà ông Rochester phải…
- Nhưng còn chuyện hỏa hoạn? - Tôi gặng hỏi.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

- Vâng, thưa bà, thì tôi cũng sắp kể đây… mà ông Rochester phải lòng. Đám đầy tớ thường bảo với nhau rằng chúng chưa bao giờ thấy ai phải lòng cô ta như ông ấy, lúc nào cũng thấy ông đi theo cô ta. Ông ấy yêu cô ta hơn mọi thứ, và ngoài ông ra, chẳng ai cho cô ta là đẹp cả. Họ bảo cô ta là người nhỏ bé, trông như trẻ con ấy. Tôi thì tôi chưa được trông thấy cô ta lần nào, nhưng đã được một người hầu phòng trong lâu đài tên là Leah kể cho nghe. Chị Leah cũng quý mến cô ta lắm. Ông Rochester đang ở vào khoảng bốn mươi, còn cô gia sư kia thì chưa đến hai mươi tuổi. Bà thấy đấy, người ở độ tuổi ông ấy mà phải lòng con gái thì đúng là bị yếm bùa mê rồi còn gì. Vậy mà ông ấy còn định cưới cô ta làm vợ nữa đấy.
- Chuyện ấy có khi để khi khác đi, còn bây giờ thì vì một lý do riêng, tôi muốn được nghe thuật lại toàn bộ chuyện cháy nhà. Có ai nghi người đàn bà điên, tức là bà Rochester ấy, đã nhúng tay vào chuyện ấy không?
- Bà đoán trúng phóc rồi. Chắc chắn là mụ chứ còn ai vào đây nữa. Có một chị chuyên trông nom mụ tên là Poole, là người được việc và cũng đáng tin cậy, mỗi tội là - cái tội mà đa số * nuôi và hộ lý đều mắc phải - chị ta thường giấu rượu gin để uống, có khi còn uống quá đà nữa. Đã đành là cũng chẳng nên trách cứ chị ta, vì công việc của chị ta quả thật rất khó nhọc. Nhưng nếu cứ thế thì nguy hiểm lắm, vì cứ mỗi lần chị ta tu rượu và nước vào là lại thấy ngủ tí bỉ ngay lập tức. Và y như rằng những lúc đó, con mụ điên ma mãnh như một mụ phù thủy kia lại lén lút móc trộm chìa khóa trong túi chị ta, mở cửa phòng trốn ra ngoài, rồi mò mẫm đi khắp nhà và sẵn sàng làm đủ chuyện tai quái. Nghe nói đã có lần mụ suýt thiêu sống chồng mình trên giường ngủ nhưng tôi không biết chuyện này. Thế rồi vào cái đêm định mệnh ấy, mụ lại lẻn được ra ngoài. Đầu tiên mụ châm lửa đốt béng mấy tấm rèm trong một căn phòng nằm kế phòng mụ, sau đó mụ mò xuống căn phòng mà cô gia sư ngày trước từng ở (cứ như thể mụ cũng loáng thoáng biết chuyện tình cảm giữa cô ta và chồng minh, nên rất căm hận cô ta) rồi châm lửa đốt luôn cái giường nằm, may mà không có ai ngủ ở đấy. Cô nàng gia sư kia đã bỏ đi từ hai tháng trước rồi, khiến ông Rochester phải ra sức tìm kiếm như thể cô ta là vật báu nhất trên đời không bằng. Nhưng rốt cuộc, chẳng ai thấy tăm hơi cô ta đâu cả. Ông ấy thất vọng đến hóa dại. Mặc dù chưa bao giờ là người tàn ác, nhưng tính khí của ông ấy bỗng trở nên rất nguy hiểm kể từ khi mất cô ta. Và thế là ông nhất quyết sống một mình, kể cả bà quản gia Fairfax cũng bị ông đem gửi ở nhà bạn bè nơi xa. Nhưng dù sao thì ông cũng là người ăn ở phải đạo, vì ông vẫn nhận trợ cấp suốt đời cho bà ta. Như vậy là xứng đáng, vì bà ta là người rất tốt. Còn cô con nuôi Adela thì được gửi đến trường nội trú. Ông cắt đứt mọi mối quan hệ xã giao với giới quý tộc trong vùng, đóng cửa ở trong lâu đài và sống như một ẩn sĩ.
- Cái gì? Thế ông ấy vẫn không rời nước Anh à?
- Rời nước Anh ư? cầu Chúa ban phước lành cho bà, không! Đến bước chân ra khỏi cửa ông ấy cũng không cần, trừ những lúc buổi tối ông đi thẫn thờ từ sân ra vườn như một bóng ma, hoặc như một kẻ mất trí ấy. Tôi biết Rochester từ thuở ông còn là một cậu bé kia. Ông ấy vốn là người can đảm, có ý chí lắm, chứ có bao giờ như thế đâu. Chỉ vì cái cô Jane Eyre oái oăm kia mà đến nông nỗi như vậy. Tôi thì tôi chỉ muốn cô ta chết trôi chết nổi ở đâu đó ngay từ khi chưa kịp đến Lâu đài kia.
- Vậy là ông Rochester vẫn ở nhà khi xảy ra hỏa hoạn?
- Vâng, quả thật là như vậy. Trong khi tầng trên, tầng dưới đang bốc cháy phừng phừng thì ông lại đi leo lên tận gác lửng để gọi và giúp đám gia nhân chạy xuống, rồi ông còn lộn lại để cứu người vợ điên ra khỏi phòng mụ. Nghe người ta kêu gào, ông mới biết mụ đang đứng ở trên nóc nhà, tay chân múa may quay cuồng bên lỗ châu mai, miệng hò hét đến cách xa một dặm cũng nghe thấy. Tôi đã tận mắt trông thấy mụ và nghe thấy tiếng mụ gào thét. Mụ quả là người to lớn, tóc dài và đen, chúng tôi đều trông thấy tóc mụ bay phất phơ trong ánh lửa. Tôi và vài người khác đã được chứng kiến cảnh ông Rochester leo qua cửa tò vò để trèo lên mái nhà. Chúng tôi nghe tiếng ông gọi: “Bertha!” rồi ông tiến lại gần mụ. Nhưng Chúa ơi! Mụ lại gào rú lên, rồi bất thình lình nhảy dựng lên khỏi mái nhà, ngã xuống thềm sàn và chết ngay lập tức.
- Chết à?
- Lại còn không chết ư? Cứ gọi là máu me be bét, đầu óc bắn tung tóe trên mặt đá.
- Lạy Chúa tôi!
- Thế đấy, thưa bà, thật là kinh khủng!
Ông ta nhún vai.
- Sau đó ra sao? - Tôi giục.
- Sau đó cả tòa nhà bị thiêu trụi, chỉ còn lại vài mảnh tường hiện vẫn còn trơ ra đó chứ còn sao nữa.
- Còn ai mất mạng nữa không?
- Không, nhưng nếu thêm người mất mạng có khi lại còn hay hơn…
- Ông nói thế là thế nào?
- Tội nghiệp Edward! - Ông ta thở dài - Tôi chẳng bao giờ ngờ lại ra nông nỗi ấy. Có người bảo đó đúng là một phán quyết dành cho ông ấy vì tội đã giấu kín người vợ điên dại, đã thế lại còn định lấy thêm vợ nữa trong khi người kia vẫn còn sống. Nhưng tôi thì tôi rất thương ông ấy.
- Ông bảo ông ấy còn sống? - Tôi sốt ruột thốt lên.
- Vâng, thì đúng là ông ấy vẫn còn sống, nhưng nhiều người nghĩ thà ông cứ chết quách đi còn hơn.
- Sao? Ông bảo sao? - Máu trong người như lại đóng băng lại - Ông ấy đang ở đâu? Vẫn ở nước Anh chứ?
- Ờ… ờ… thì vẫn đang ở nước Anh. Làm sao mà ra nước ngoài được nữa, tôi nghĩ chắc là phải nằm bẹp mãi một chỗ thôi.
Thế có khốn khổ cho tôi không! Dường như người đàn ông này đang định kéo dài nỗi đau của tôi thì phải.
- Ông ấy mù rồi. - Cuối cùng thì ông ta cũng nói ra - Vâng, ông ấy mù rồi… ông Edward ấy.
Thú thực là tôi chỉ sợ một điều tồi tệ hơn. Tôi sợ ông bị điên. Tôi lấy hết sức bình sinh hỏi nguyên do của tai nạn ấy.
- Tất cả là tại chính lòng can đảm của ông ấy, hoặc nói cách khác là lòng tốt đã mang tai họa đến cho ông. Lúc cháy nhà ngùn ngụt, ông nhất định không muốn thoát thân chừng nào mọi người còn chưa ra hết. Cuối cùng, lúc ông bước xuống cầu thang - sau khi bà Rochester từ lỗ châu mai lao người xuống - đã xảy ra một chấn động dữ dội, và thế là tất cả sụp đổ. Ông được lôi ra khỏi đống đổ nát, vẫn còn sống, nhưng bị thương rất nặng. May cho ông là có một chiếc xà ngang rơi xuống đã che đỡ cho ông một phần, nhưng một con mắt ông bị đâm lòi hẳn ra, một cánh tay bị giập đến nỗi bác sĩ phẫu thuật Carter buộc phải cắt bỏ ngay. Con mắt còn lại của ông sưng vù lên, và cuối cùng chẳng nhìn thấy gì nốt. Bây giờ thì chịu rồi, ông đã trở thành một kẻ vừa mù lòa, lại vừa què cụt nữa.
- Ông ấy đang ở đâu? Hiện ông ấy đang sống ở đâu?
- Ở Ferndean, một điền trang của ông, cách đây ba mươi dặm, một nơi hoàn toàn hẻo lánh.
- Ông ấy ở đấy với ai?
- Với vợ chồng lão John, ngoài ra không còn ai khác. Nghe nói ông ấy chán đời lắm.
- Ông có phương tiện gì đi được không?
- Thưa bà, chúng tôi có một chiếc xe ngựa đẹp lắm.
- Ông cho chuẩn bị xe ngay nhé. Nếu anh xà ích của ông chở tôi đến Ferndean trước tối nay, thì tôi sẽ trả cho cả ông và anh ta số tiền gấp đôi bình thường.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

CHƯƠNG 37


Ferndean là một tòa nhà rất cổ, tầm cỡ vừa phải, kiến trúc bình thường, nằm lọt thỏm trong một cánh rừng mà tôi đã có lần nghe nói đến. Ông Rochester thường kể cho tôi nghe và thỉnh thoảng ông cũng đến đấy. Cha ông đã mua điền trang này vì thích những khu đất có thể đi săn ở xung quanh. Cha ông cũng định cho thuê, nhưng vì vị trí hẻo lánh và khí hậu không tốt nên chẳng có ai buồn thuê. Chính vì vậy mà Ferndean không có ai ở và cũng chẳng có nhiều đồ đạc, trừ vài ba phòng được dùng làm chỗ nghỉ vào mùa săn bắn.
Tôi đến điền trang đó đúng vào lúc trời sắp chạng vạng tối, trời gió lạnh và mưa rơi lất phất, cảnh buồn thê thảm. Dặm đường cuối cùng tôi đi bộ, sau khi đã trả tay xà ích gấp đôi số tiền như đã hứa. Đến rất gần điền trang mà tôi vẫn không thể nhìn thấy gì, vì rừng cây bao quanh đổ bóng tối om. Những cánh cổng sắt giữa hai cột đá hoa cương cho tôi biết đó là lối vào. Bước qua cổng, tôi lọt ngay vào một vùng ánh sáng âm u vì các hàng cây mọc san sát nhau. Một lối nhỏ mọc đầy cỏ dại nằm giữa những thân cây sần sùi, cành lá um tùm. Theo lối nhỏ ấy, tôi tưởng sẽ sớm đến ngôi nhà, nào ngờ nó cứ uốn lượn vòng vo mãi mà vẫn không thấy dấu hiệu của nhà cửa hay vườn tược gì hết.
Tôi nghĩ mình đi sai đường nên bị lạc. Bóng cây đổ xuống như muốn nuốt chửng lấy tôi. Tôi nhìn quanh, tìm một con đường khác, nhưng vô ích, tất cả chỉ là những cành cây đan nhau chằng chịt, những thân cây to như cái cột nhà, những tán lá sum sê… Không có một lối mở nào.
Tôi vẫn cắm cúi đi tiếp, và cuối cùng con đường cũng mở ra với những thân cây thưa đi ít nhiều. Tôi đã trông thấy một hàng rào sắt, rồi một ngôi nhà nhạt nhòa giữa các bóng cây đen sẫm. Đi qua một cánh cổng cài sơ sài bằng một then ngang, tôi bước vào một khoảng đất có bờ giậu bao quanh, cây cối được chặt bớt theo hình bán nguyệt. Không có hoa, cũng chẳng có bồn cảnh, chỉ có một lối dạo bộ rải sỏi vòng quanh một sân cỏ. Mặt trước ngôi nhà có hai hồi nhọn, cửa sổ hẹp đóng kiểu ô mắt cáo. Cửa chính cũng hẹp, có một bậc thềm đi lên. Ngôi nhà quả cũng xứng danh heo hút và tiêu điều. Nó lặng lẽ như một nhà thờ ngày thường, trừ tiếng mưa rơi đều đều đập vào lá rừng.
- Lại có người sống được ở đây sao? - Tôi thầm hỏi.
Vâng, hình như có thì phải, vì tôi nghe thấy có tiếng động. Cánh cửa hẹp mặt tiền hé mở, và một bóng người chuẩn bị bước ra.
Cánh cửa vẫn mở từ từ, bóng người bước ra đứng trên bậc thềm, dưới bóng tối nhá nhem. Đó là một người đàn ông không đội mũ, đang giơ tay ra như muốn xem trời mưa gió thế nào. Dù rất tối, nhưng tôi vẫn nhận ra bóng người ấy, đó chính là ông chủ của tôi. Edward Fairfax Rochester, không phải ai khác.
Tôi dừng bước, ngây người nhìn ông. Dù không bị nhìn thấy, nhưng tôi vẫn nín lặng hồi hộp quan sát ông. Chúa ơi, làm sao ông còn nhìn thấy tôi nữa! Tôi không gặp khó khăn gì để giữ mình khỏi thốt lên một tiếng lòng.
Trông dáng ông vẫn khỏe mạnh như trước, không có vẻ gì suy sụp về thể xác. Vậy là một năm trời với bao nhiêu nỗi đau vẫn không tàn phá được sức lực hay vẻ mạnh mẽ của ông. Nhưng dù vậy, tôi vẫn nhận ra một sự thay đổi trên nét mặt ông, ấy là vẻ tuyệt vọng và u hoài.
Thưa bạn đọc, bạn có nghĩ tôi sợ ông vì cái vẻ mù lòa dữ tợn của ông không? Nếu nghĩ vậy thì bạn hiểu về tôi ít quá rồi. Một cảm giác hy vọng êm dịu lẫn nỗi ưu phiền khiến tôi chỉ mong sớm được đặt một nụ hôn lên vầng trán chai sạn như một phiến đá và cặp môi nghiêm nghị kia. Nhưng chưa, tôi chưa muốn đến bên ông vội.
Ông bước xuống bậc thềm và chậm chạp dò dẫm đi về phía sân cỏ. Đâu rồi cái dáng đi hiên ngang một thuở? Rồi ông dừng lại như không biết nên đi về hướng nào. Ông ngẩng mặt, cố giương to mắt nhìn vô vọng lên bầu trời và những tán lá tối đen xung quanh. Rõ ràng tất cả đối với ông chỉ là bóng tối trống rỗng, ông dang cánh tay phải ra (còn cánh tay trái bị cụt, ông giấu trong lớp áo trước ngực) như muốn sờ soạng để định hình những vật xung quanh, vẫn chỉ là một sự trống rỗng, vì thân cây gần nhất cũng đứng cách chỗ ông đứng vài thước. Ông bất lực khoanh tay lại và cứ đứng lặng lẽ như vậy, mặc cho những giọt mưa mỗi lúc một nặng rơi xuống mái tóc để trần. Lúc đó, bác John chợt từ đâu chạy đến bên ông.
- Thưa ông, ông vịn vào tay tôi rồi vào nhà nhé? - John nói - Trời sắp mưa to rồi.
- Cứ để mặc tôi một mình. - Ông trả lời.
Người đầy tớ già lui vào và vẫn không nhìn thấy tôi. Ông Rochester vẫn cố gắng bước loanh quanh, nhưng vô ích, tất cả đều mơ hồ đối với ông. Cuối cùng, ông đành dò dẫm quay vào nhà và đóng cửa lại.
Chỉ đến lúc ấy tôi mới lại gần gõ cửa. Ra mở cửa cho tôi là vợ bác John. “Kìa Mary, bà vẫn khỏe đấy chứ?” - Tôi hỏi.
Bà giật mình nhìn tôi như nhìn một bóng ma. Tôi phải làm cho bà trấn tĩnh lại. Bà thảng thốt hỏi tôi: “Có đúng là cô không? Tối thế này mà cô vẫn mò được đến tận cái xó này ư?” Tôi nắm tay bà thay vì câu trả lời và theo bà vào trong bếp. Ông John đang ngồi bên bếp lửa. Tôi vắn tắt với họ rằng tôi đã biết hết mọi chuyện xảy ra từ ngày tôi rời bỏ Thornfield, và bây giờ tôi đến thăm ông Rochester, rồi nhờ ông John đi lấy hộ cái hòm tôi để ở chỗ xuống xe. Trong lúc cởi bỏ mũ mão, tôi hỏi Mary xem tôi có thể nghỉ qua đêm trong trang viên không, và khi thấy có thể ở lại được mặc dù việc thu xếp có hơi khó khăn, tôi bảo với bà rằng tôi sẽ ở lại. Vừa lúc ấy có tiếng chuông gọi trong phòng khách.
- Khi vào, - tôi dặn - bà nhớ bảo ông chủ hộ tôi là có người muốn nói chuyện với ông, nhưng đừng nói tên tôi nhé.
- Tôi nghĩ ông ấy sẽ chẳng chịu gặp cô đâu, vì lâu lắm rồi ông không muốn tiếp ai cả.
Lúc bà quay trở ra, tôi hỏi ông nói thế nào.
- Cô phải nói rõ tên tuổi và lý do đến gặp ông ấy. - Bà trả lời, rồi đi rót một cốc nước đặt lên một chiếc khay cùng với mấy cây nến.
- Ông ấy bảo bà lấy những thứ này à? - Tôi hỏi.
- Vâng dù đã bị mù lòa, nhưng cứ tối đến là ông ấy lại bảo tôi mang cho mấy ngọn nến.
- Vậy thì bà cứ đưa cho tôi cái khay, tôi sẽ mang vào.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Jane Eyre - Charlotte Bronte

Postby bevanng » 14 Feb 2022

Tôi đỡ chiếc khay, rồi đi vào phòng khách theo sự chỉ đường của bà. Cái khay cứ run run trong tay tôi, khiến nước trào cả ra miệng cốc. Trống ngực tôi đập thình thịch vì hồi hộp, xao xuyến. Mary mở cửa cho tôi rồi khép lại.
Phòng khách trông thật tối tăm và buồn thảm. Nguồn sáng lúc này chỉ là ánh lửa nhợt nhạt hắt lên từ đáy lò sưởi. Người chủ mù lòa đang cúi đầu, ngồi dựa vào một bên lò sưởi. Con chó già Pilot của ông nằm co rúm một bên xa hẳn lối đi, như thể sợ bị người vô ý giẫm phải. Lúc tôi bước vào, nó dựng ngược tai lên nghe ngóng, rồi ngóc đầu dậy rít lên một tiếng ư ử, và cứ thể rên rỉ, cuống quýt chạy đến với tôi, khiến tôi suýt làm rơi cả cái khay. Tôi đặt khay lên bàn, rồi vỗ về nó và khẽ bảo: “Nằm xuống đi nào”, ông Rochester quay lại như một cái máy để nhìn xem có chuyện gì, nhưng vì không trông thấy, nên ông lại quay đi và buông một tiếng thờ dài.
- Đưa nước cho tôi nào, Mary. - Ông nói.
Tôi đến bên ông với cốc nước chỉ còn một nửa. Pilot chạy theo tôi, nó vẫn chưa hết mừng rỡ.
- Có chuyện gì thế? - Ông hỏi.
- Nằm xuống đi, Pilot! - Tôi lại nói.
Đang đưa cốc nước lên môi, ông chợt dừng lại như để nghe ngóng. Ông uống, rồi đặt cốc xuống, hỏi: “Có phải bà Mary đấy không?”
- Bà Mary đang ở trong bếp. - Tôi trả lời.
Ông vội vàng giơ tay ra, nhưng vì không nhìn thấy tôi đang đứng ở chỗ nào nên không chạm được vào người tôi. “Ai đấy? Ai đấy?” - Ông hỏi và cố mở to đôi mắt mù lòa ra nhìn. Quả là một cố gắng vô ích và đau đớn! “Trả lời tôi đi, nói nữa đi!” - Ông nói như ra lệnh, giọng dằn xuống.
- Ông có muốn uống thêm ít nước nữa không, thưa ông? Em làm đổ mất nửa cốc của ông rồi. - Tôi nói.
- Ai đấy? Cái gì đấy? Ai đang nói đấy?
- Con Pilot đã nhận ra ở em, cả ông bà John cũng biết em ở đây. Em chỉ vừa đến vào lúc chiều tối. - Tôi trả lời.
- Lạy Chúa vĩ đại! Lại có ảo giác nào đến với tôi thế này? Cơn điên ngọt ngào nào lại xâm chiếm lòng tôi thế này?
- Không phải ảo giác, cũng chẳng phải cơn điên nào hết, thưa ông. Ông đang quá tỉnh táo để có thể bị ảo giác chi phối, và cũng còn quá khỏe mạnh nên chẳng thể mơ hồ được.
- Vậy người đang nói đứng ở chỗ nào? Phải chăng đó chỉ là một tiếng nói! Ôi, tôi không thể nhìn thì cũng phải cảm thấy chứ, nếu không trái tim ta sẽ chết tắc và đầu óc ta sẽ nổ tung ra mất. Dầu ngươi là ai hay là cái gì… thì cũng làm ơn cho tôi sờ một chút, nếu không tôi sẽ không thể sống nổi đâu!
Ông nói và đưa tay quờ quạng. Tôi đưa cả hai tay ra nắm lấy bàn tay ông.
- Đúng là những ngón tay của nàng rồi! - Ông thốt lên - Những ngón tay nhỏ nhắn, mảnh mai! Nếu vậy thì chắc hẳn phải có nhiều hơn thế.
Ông giằng bàn tay gân guốc về và rờ rẫm nắm lấy cánh tay, vai, cổ và người tôi. Rồi ông kéo tôi, ghì chặt tôi vào bên mình.
- Có phải Jane đây không? Cái gì đây nhỉ? Đúng là hình bóng nàng… vóc người nàng rồi…
- Và đây là giọng nói của cô ấy. - Tôi thêm vào - Cô ấy đang ở đây, trái tim cô ấy cũng đang ở đây. Cầu Chúa phù hộ cho ông! Em rất sung sướng khi lại được gần ông như thế này.
- Jane Eyre! Jane Eyre! - Đó là tất cả những gì ông thốt nên lời.
- Ồng chủ yêu dấu ơi, em là Jane Eyre đây. Em đã tìm thấy ông, đã trở lại với ông đây.
- Có đúng đây là sự thực không?… Có đúng bằng xương bằng thịt đây không? Em Jane còn sống của tôi?
- Thưa ông, ông đã sờ vào người em, đã ôm em rất chặt. Người em không lạnh toát như một thây ma, cũng không trống rỗng như không khí, có đúng vậy không nào?
- Người tình của tôi vẫn còn sống! Đúng là chân tay và những đường nét của em đây rồi. Nhưng làm sao tôi được hưởng diễm phúc này sau bao đau khổ chứ. Đây là một giấc mơ, cũng như bao lần tôi mơ được hôn em, được ôm em vào lòng như tôi đang làm đây, và cảm thấy em cũng yêu tôi, và tin rằng em sẽ không rời bỏ tôi.
- Kể từ hôm nay, em sẽ không bao giờ rời bỏ ông nữa.
- Có đúng là ảo ảnh vừa nói với tôi là “không bao giờ nữa” không? Nhưng lúc nào bừng tỉnh tôi cũng thấy rằng đó chỉ là một sự mỉa mai trống rổng, rồi tôi lại thấy mình bị bỏ rơi, bị cô đơn; cuộc đời tôi lại chìm vào tăm tối, đơn độc và vô vọng; tâm hồn tôi khát hạnh phúc mà không được uống; trái tim ta đói khổ cùng cực mà không bao giờ được thỏa mãn. Giấc mơ êm đềm đang náu trong vòng tay ta ơi, rồi ngươi sẽ lại bay đi như những giấc mơ trước thôi, nhưng làm ơn hãy hôn tôi một lần trước khi bỏ đi nhé… ôm tôi đi, Jane.
- Đây, thưa ông… và đây nữa!
Tôi đặt làn môi lên đôi mắt đã một thời sáng như sao của ông, rồi gạt mớ tóc phủ trên trán ông và đặt tiếp lên đó một nụ hôn nữa. Ông chợt như bừng tỉnh và tin chắc rằng tất cả đều là sự thật.
- Đúng là em, phải không Jane? Vậy là em trở về với tôi?
- Vâng, em đã trở về.
- Thế ra em không chết dưới một con kênh, hay một dòng suối nào ư? Em không bị ruồng rẫy, héo hon giữa những kẻ xa lạ ư?
- Không, thưa ông, giờ em đã là một phụ nữ độc lập.
- Độc lập! Em định nói gì vậy, Jane?
- Ông chú ở Madeira của em đã chết, và ông ấy có để lại cho em năm ngàn đồng bảng.
- À, vậy thì đúng là thực tế rồi!… Đúng là chuyện có thật rồi!… Tôi sẽ chẳng bao giờ có được giấc mơ như vậy. Mà đây đúng là giọng nói chỉ riêng em mới có, một giọng nói tràn đầy sinh khí, mượt mà, thổi sức sống vào con tim héo hắt của tôi, khiến nó vui lên. Thật vậy ư, Jane? Em đã trở thành một phụ nữ độc lập rồi ư? Em đã giàu có rồi ư?
- Thật giàu, thưa ông. Nếu ông không đồng ý cho em được sống với ông, thì em có thể xây riêng một ngôi nhà sát ngay cửa nhà ông, và tối tối, ông có thể sang ngồi chơi ở phòng khách của em những khi ông cần người hầu chuyện.
- Nhưng Jane ạ, khi đã giàu rồi thì chắc chắn em sẽ chẳng thiếu gì bạn bè ngưỡng mộ, và chắc gì họ chịu để em hy sinh vì một kẻ mù lòa, què quặt như tôi, đúng không?
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 36 guests