Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Đàn Ông Dễ “Tắt Nguồn”


Khi Patrick bỏ đi, Jennifer bắt đầu thấy có lỗi khi làm anh tổn thương, dù cô không hiểu cô đã làm gì. Cô gõ cửa phòng và nói theo kiểu phụ nữ điển hình, “Em biết anh đang buồn, Patrick. Mình cần nói chuyện. Nói em biết anh đang thấy thế nào?”
Anh trả lời theo kiểu đàn ông điển hình, “Anh không thấy thế nào cả. Anh chỉ muốn ở một mình!”
Jennifer vẫn kiên trì giúp đỡ anh giải tỏa cảm xức, điều mà phụ nữ thường làm với nhau.
“Em biết anh đang giận em,” cô nói. “Không sao mà. Chúng ta nói về vấn đề này đi. Em muốn biết cảm nhận của anh.” Jennifer đang đối xử với Patrick theo cách cô muốn được đối xử.
Tuy nhiên, Patrick cảm thấy bị làm phiền và khó chịu với sự quan tâm của cô. Anh cần không gian riêng còn cô cứ xông vào.
Anh gào lên, “Để anh yên!”
Cuối cùng Jennifer cũng bỏ đi, hoang mang rằng mình không còn được yêu nữa.
Trong thực tế, Patrick không buồn đến mức như Jennifer tưởng. Anh chỉ cần chút thời gian để thư giãn. Jennifer cho rằng có gì đó rất kinh khủng đã xảy ra, bởi cô sẽ trở nên cực kỳ oán giận mới phải “tắt nguồn” như anh vừa làm. Cô không hiểu rằng việc “tắt nguồn” của Patrick có thể xảy ra dù anh chỉ hơi buồn.
Trên thực tế, đàn ông thường “tắt nguồn” hoàn toàn trong khoảnh khắc và sau đó lại “khởi động” nhanh chóng. Phụ nữ không hiểu điều này; một khi họ mở lòng với một người, họ sẽ mất rất nhiều thời gian mới “tắt nguồn” hẳn được.
Vì Patrick và Jennifer không hiểu được sự khác biệt hiển nhiên giũa họ, họ hiểu lầm nhau, tranh cãi và oán giận đối phương. Dù họ rất yêu người kia, họ không biết cách thể hiện sự quan tâm. Vấn đề thực sự là họ không hiểu được nhu cầu khác biệt của nhau.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Phụ Nữ Đánh Mất Giá Trị Bản Thân Ra Sao


Henry và Alise rất yêu nhau. Tuy nhiên, sau sáu năm hôn nhân, Alise bắt đầu nghi ngờ giá trị bản thân và oán hận chồng mình, còn Henry không còn động lực chia sẻ trong mối quan hệ. Anh chỉ về nhà, ăn tối và xem TV, sau đó đi ngủ. Thỉnh thoảng họ cùng đi chơi, nhưng không trò chuyện mấy.
Alise cũng như bao người phụ nữ khác, đều rất mỏng manh khi rơi vào bể tình. Khi Alise được yêu, được thương, và được tôn trọng, cô cảm thấy thỏa mãn; sự thỏa mãn này khiến cô cảm thấy mình có giá trị. Nhưng khi người bạn đời đối xử với cô kém đi, cô không còn thấy được yêu thương, thái độ của cô thay đổi - cô bắt đầu cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương chút nào.
Logic của sự mong manh như sau: “Nếu tôi được yêu và tôn trọng, vậy tôi thấy mình đáng được yêu và tôn trọng. Ngược lại, nếu tôi không được yêu và tôn trọng, vậy hẳn tôi đã làm gì đó sai trái, vì thế tôi không đáng được yêu và tôn trọng.” Để bù lại, logic tiếp tục, “Nếu tôi không nhận được điều tôi cần, vậy chắc tôi phải cho thêm trước khi tôi xứng đáng được đòi hỏi cho nhu cầu của mình.”
Đây chính là cảm nhận của Alise trong mối quan hệ với Henry. Sau năm đầu tiên kết hôn, Henry trở nên tập trung quá mức vào công việc và dần dà bỏ bê cô. Khi Henry tan làm về nhà, anh không nhắc đến vấn đề nào hết. Đó là cách giao tiếp của đàn ông để nói rằng mọi chuyện đều ổn. Tuy nhiên, ngày lại ngày, anh càng lúc càng xa cách. Alise cho rằng mình đã làm gì đó khiến anh tổn thương sâu sắc, khiến anh rút lui và rút lại tình yêu của mình. Cô tưởng tượng rằng anh đang thầm oán cô, bởi với cô, việc trò chuyện để giải quyết nỗi buồn nhìn chung khá quan trọng; nếu bạn không trò chuyện về một vấn đề, bạn không thể loại bỏ nỗi oán hận.
Vượt qua nỗi sợ làm chuyện tồi tệ hơn, Alise cố tỏ ra thật quan tâm và thương yêu Henry. Trớ trêu thay, Henry càng ít đáp ứng nhu cầu của Alise, Alise càng cố gắng làm Henry hài lòng hơn nữa. Điều này khiến Alise thêm sợ hãi. Từ quan điểm của cô, cô đã cố làm mọi điều để níu kéo tình yêu của anh nhưng chỉ thất bại.
Vì Alise nhận ra rằng Henry không thoải mái với cảm nhận và đòi hỏi của cô, cô bắt đầu đè nén mình, cố gắng cư xử thật xa cách, hợp lý và không cảm xúc. Hết lần này đến lần khác, cô lại mất kiểm soát và phản ứng quá mức sầu cảm.
Khi Henry dứt ra, Alise sẽ cảm thấy có lỗi vì mình đã phản ứng quá mức, rồi lại cố gắng hơn để đè nén bản chất phái nữ của mình để phù hợp với điều cô cho là mong muốn của Henry. Khi cảm giác tội lỗi và xấu hổ gia tăng, cô cảm thấy mình phải cho đi nhiều hơn nữa.
Vì điều này lặp đi lặp lại qua nhiều năm, Alise dần đánh mất bản năng phụ nữ của mình. Vì thế, hai người sống chung ổn nhưng cô không hạnh phúc. Thỉnh thoảng Henry tự hỏi vì sao gương mặt cô không còn bừng sáng, đôi mắt cô không còn long lanh. Alise đánh mất giá trị bản thân, còn Henry làm mất cảm xúc yêu đương của mình. Buồn chán và mất động lực trong mối quan hệ này, Henry không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Đàn Ông Đánh Mất Động Lực Cho Đi Thế Nào


Như hầu hết đàn ông, Henry thường ưu tiên quá mức một số vấn đề nên bị thu hẹp tầm nhìn. Khi công việc có vấn đề lớn, anh thường quên đi nhu cầu của Alise và chỉ có động lực với những vấn đề to tát, bức thiết nhất trước mắt mình. Sau sáu tháng hôn nhân, anh bắt đầu thấy mình đã giải quyết các vấn đề của mối quan hệ này thành công - đàn ông thường cho rằng một khi họ thỏa mãn được phụ nữ, phụ nữ sẽ luôn cảm thấy thỏa mãn - và giờ anh tập trung và dành sức cho công việc. Dần dà, anh không nhận thức được các nhu cầu hiện hữu của người bạn đời.
Không may là vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Phụ nữ có điểm yếu đuối thì đàn ông cũng thế. Sự mong manh của phụ nữ khiến Alise cho đi nhiều hơn khi chỉ nhận được ít ỏi. Sự yếu đuối của đàn ông khiến Patrick cho đi ít hơn khi anh ta lại nhận nhiều.
Logic của sự yếu đuối đàn ông như sau: “Nếu cô ấy hy sinh đến thế cho tôi, hẳn tôi đã làm gì đó xứng đáng, giờ tôi có thể thư giãn và tiếp nhận thêm chút nữa. Nếu tôi tiếp tục nhận được thêm, vậy tôi không cần cho thêm, cho ít đi được rồi.”
Đây chính là một trong những lý do vì sao sau khi giành được hay đạt được tình yêu của một người phụ nữ, đàn ông trở nên lười biếng trong mối quan hệ. Chừng nào cô ấy còn mỉm cười, anh ta sẽ cho rằng anh ta đang cho đi đủ. Anh ta không có động lực cho thêm.
Sau một thời gian, mối quan hệ của Alise và Henry trở nên vô cùng méo mó. Khi Henry cho đi ít, Alise cho đi thêm vì cô muốn thêm. Alise cho rằng việc minh hy sinh cho Henry sẽ tạo động lực để anh cho đi thêm với cô. Tuy nhiên, sự hy sinh của cô đã có tác dụng ngược lại.
Henry không cảm thấy động lực cho đi thêm khi anh vẫn nhận được thêm dù cho đi ít hơn. Cái giá Henry phải trả trong vòng quay này là anh đánh mất sự trân trọng và chấp nhận vốn có của Alise. Cái giá Alise phải trả là cô tự đưa mình vào thế cho đi nhiều hơn và nhận ít hơn.
Mỗi lần Alise cho đi để nhận lại tình yêu của Henry nhưng Henry không hoàn lại, cô tích tụ thêm oán hận trong lòng mình. Dù cô cố gắng đến đâu để được yêu, cô không thể thoát khỏi cảm giác oán thán khi đang cho đi từ sự trống rỗng trong lòng chứ không phải sự toàn vẹn. Từng ngày trôi qua, cô dần đánh mất khả năng trân trọng, chấp nhận và tin tưởng người bạn đời của mình. Cô không thể cho anh tình yêu mà anh cần.
Nói rộng ra, thậm chí Alise cũng không nhận thức được oán hận đang tích tụ trong lòng mình. Hết lần này đến lần khác, nó tăng lên. Trớ trêu thay, nó bùng phát khi bạn ít lường được nhất. Bất cứ khi nào Henry làm gì đó đặc biệt hay tử tế, oán hận tích tụ khiến Alise không thể cảm thấy trân trọng hành động yêu thương của anh được. Hoặc khi cô muốn nhờ giúp đỡ, sự oán hận bùng lên, biến yêu cầu của cô thành mệnh lệnh.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Phụ Nữ, Người Chấm Điểm Tuyệt Vời


Điều Henry không biết là phụ nữ có khả năng cho đi không cần nhận lại phi phàm. Họ có thể cho đi liên tục và tỏ ra hạnh phúc — vì trong lòng họ đang âm thầm chấm điểm. Phụ nữ là người chấm điểm tuyệt vời. Họ có thể tiếp tục cho đi vì họ cho rằng sẽ có ngày điểm số ngang bằng nhau. Họ cho rằng đến một lúc nào đó, người bạn đời sẽ tỏ ra biết ơn và hoàn trả lại đầy đủ sự quan tâm ấy. Khi đó, họ sẽ thả lòng và hưởng thụ quan tâm một thời gian.
Một người đàn ông hầu như không nắm được rằng điểm số trong mối quan hệ thường chênh lệch. Điều này là vì khi anh làm gì cho bạn đời, anh ta luôn mong chờ được hoàn trả trước khi anh ta cho thêm. Một người đàn ông sẽ không bao giờ để điểm số quan hệ chênh lệch. Khi điểm là 3-1, anh ta sẽ cằn nhằn vì mình cho đi nhiều hơn, hoặc đơn giản là không cho nữa.
Một người phụ nữ có thể cho đi tận 20-1 trước khi bắt đầu cằn nhằn. Khi Alise bắt đầu than phiền về bất công, Henry oán hận cô vì anh luôn nghĩ điểm số đang hòa nhau. Anh oán cô vì không còn trân trọng anh, vì anh tưởng rằng hẳn cô vẫn luôn trân trọng anh; nếu không, tại sao cô vẫn tiếp tục cho đi? Anh thấy tổn thương vì bị cô buộc tội. Henry cảm thấy cô nợ mình một lời xin lỗi, trong khi thật ra anh ta cho đi ít hơn trong mối quan hệ này.
Để giải quyết vấn đề khó xử này, người đàn ông cần phải chịu trách nhiệm cho đi thêm bằng cách thấu hiểu nhu cầu của bạn đời mình. Anh ta cũng phải tha thứ cho cô khi không trân trọng anh ta và dồn nén oán hận. Người phụ nữ phải chấp nhận phần hy sinh và cho phép điểm số quá chênh lệch tại đây. Họ có thể cùng nhau xây dựng phiếu chấm điểm mới.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Giá Như Ta Biết


Những ví dụ trên cho thấy rõ ràng việc không nắm được sự khác biệt có thể đem đến vấn đề trong mối quan hệ của chúng ta như thế nào. Khi đã nhận thức được sự khác biệt giữa hai bên, phụ nữ và đàn ông có thể tìm ra cách giải quyết cho những mâu thuẫn xưa cũ.
Hãy cùng nhìn lại: Patrick có thể học cách quan tâm đến Jennifer bằng việc lắng nghe và tìm hiểu cảm nhận của cô khi cô buồn. Anh sẽ nhận ra rằng anh không thể đối xử với cô như với một người đàn ông, điều đó sẽ làm cô thấy bị phủ nhận và buồn hơn nữa.
Nếu Jennifer hiểu được họ khác nhau, cô sẽ bớt sợ phản ứng đàn ông của anh, vì cô hiểu anh không muốn tỏ ra nhỏ nhen hay định rút lại tình yêu của mình. Jennifer có thể hiểu được và quan tâm đến nhu cầu của Patrick bằng cách tránh xa khi anh đang stress, còn Patrick sẽ biết được cách trấn an Jennifer khi mình đang rút lui. Jennifer sẽ tìm được phương pháp chia sẻ nỗi buồn với Patrick mà không làm anh cảm thấy cô đang buộc tội anh.
Henry và Alise có thể tìm ra cách khác để giải quyết vấn đề. Nếu Alise hiểu đàn ông, cô sẽ biết đàn ông cũng như lính cứu hỏa: nếu có hỏa hoạn, họ sẽ bỏ hết sức lực dập lửa; lúc khác, họ sẽ ngủ thêm để chuẩn bị cho lần tiếp theo. Biết được điều này, cô sẽ biết nếu cô không tiếp tục thể hiện nhu cầu của mình, anh sẽ nghĩ mọi chuyện vẫn ổn và cho đi ít hơn trong mối quan hệ.
Tiếp đó, cô có thể chia sẻ thêm nhu cầu của mình mà không oán hận, để Henry có thể thấu hiểu được.
Nếu Henry hiểu phụ nữ khác đàn ông, anh sẽ nhận ra rằng khi phụ nữ thấy mình không được quan tâm, họ sẽ cho đi đến mức cạn kiệt sức lực. Lần tới, khi Alise bùng nổ, anh sẽ không buộc tội Alise đã ôm đồm quá nhiều nữa. Thay vào đó, anh có thể động lòng và đáp ứng nhu cầu của cô bằng cách lắng nghe.
Alise sẽ hiểu rằng đối mặt với oán hận, đàn ông trở nên thụ động và lười biếng. Lần tiếp theo, khi Henry quá thụ động, thay vì cố cải tạo anh, cô có thể tự giải quyết oán hận của mình, quay về chốn yêu thương và chia sẻ cảm xúc trân trọng về những điều anh đã làm cho cô.
Sau khi giải tỏa được nỗi oán hận, cô sẽ yêu cầu sự quan tâm. Đàn ông thường phản hồi tốt hơn với một lời đề nghị không mang tính chất oán giận, hy sinh hay chịu đựng.
Henry cũng sẽ hiểu rằng phụ nữ thường cho đi nhiều hơn khi họ cảm thấy không được yêu. Lần tiếp theo Alise tỏ ra cực kỳ hào hứng với chuyện của anh, anh có thể hiểu rằng Alise đang vô thức mong muốn anh quan tâm đến chuyện của cô hơn. Anh có thể hồi đáp bằng cách tỏ ra hào hứng.
Lần tới, khi Henry cảm thấy oán giận vì không được trân trọng, anh có thể nhớ ra rằng Alise sẽ cực kỳ trân trọng anh nếu cô không trải qua những chuyện gây tích tụ oán hận. Anh sẽ hiểu rằng cô chỉ cần chia sẻ cảm xúc của mình để lại cảm thấy tình yêu và sự trân trọng.
Lần tới, khi cô oán hận anh, cô có thể nhớ ra rằng anh Henry sẽ cho đi nhiều hơn nếu anh thật sự hiểu nhu cầu của cô. Cô sẽ chịu trách nhiệm giao tiếp về nhu cầu của mình theo cách anh hiểu được. Cô sẽ nhận ra đàn ông không thay đổi phong cách làm việc nhanh như phụ nữ, nhưng khi họ thay đổi, họ hoàn toàn thay đổi. Mặt khác, phụ nữ không thay đổi cảm xúc nhanh như đàn ông. Henry phải học cách kiên nhẫn lắng nghe Alise khi cô nói về tâm trạng của mình.
Một cách để nhen nhóm lại khao khát thấu hiểu bạn đời mà không phán xét chính là tưởng tượng rằng người kia là một người ngoài hành tinh đến từ một nơi xa xôi. Chắc chắn nếu bạn gặp một người ngoài hành tinh đáng yêu, bạn sẽ không cố gắng thay đổi họ. Trong quá trình tìm kiếm sự thấu hiểu, bạn sẽ kiên nhẫn và bao dung. Khao khát thấu hiểu người khác với một thái độ chấp nhận là điều cơ bản cho một mối quan hệ tích cực và giàu yêu thương. Cho người bạn yêu thương cơ hội để khác biệt mở ra những điều mới cho tình yêu nở hoa.
Ở chương tiếp theo, chúng tôi sẽ khám phá bốn yếu tố cơ bản để tạo ra mối quan hệ mang tính hợp tác và hòa hợp.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Chương 2 Xây Dựng Mối Quan Hệ


Có bốn yếu tố quyết định trong việc xây dựng các mối quan hệ đầy quan tâm và khiến ta thỏa mãn:
Giao tiếp có chủ đích — Giao tiếp với mục đích thấu hiểu và được thấu hiểu.
Thấu hiểu đúng vấn đề — Thấu hiểu, trân trọng và tôn trọng sự khác biệt giũa chúng ta.
Loại bỏ thành kiến - Từ bỏ các phán xét tiêu cực về chúng ta và người khác.
Chấp nhận trách nhiệm — Nhận trách nhiệm như nhau cho những gì bạn nhận từ mối quan hệ và học cách tha thứ.
Bốn yếu tố quyết định này mở ra tiềm năng trong chính bạn để tạo ra các mối quan hệ đầy yêu thương cũng như hoàn thiện mơ ước và hy vọng của bạn. Chứng sẽ giúp bạn nhận ra vì sao các mối quan hệ của bạn gặp trục trặc trong quá khứ, và đặt ra nền tảng để xây dựng mối quan hệ bền vững, đời sống phong phú trong tương lai.

Giao Tiếp Có Chủ Đích


Giao tiếp rất quan trọng trong quá trình tìm hiểu và tôn trọng sự khác biệt của đối phương. Trong cuốn sách đầu tiên của mình, What You Feel, You can Heal (Tạm dịch: Cảm Nhận Được, Chữa Lành Được), tôi đã đào sâu tầm quan trọng của sự thành thực trong các mối quan hệ, đặc biệt là thành thực về cảm nhận của chính mình. Sự thân mật gia tăng khi bạn giao tiếp thành thực. Nhưng nếu không hiểu được mục đích ẩn sâu của giao tiếp, kể cả những kỹ năng giao tiếp “xịn” nhất cũng sẽ thất bại.
Chủ đích ở đây là gì và nó ảnh hướng đến việc giao tiếp của chúng ta thế nào? Để giải đáp câu hỏi này, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm của chính mình. Tôi và vợ đang đợi ở nhà hàng trong giờ nghỉ trưa tại một trong những buổi hội thảo về mối quan hệ của tôi. Tôi bảo bồi bàn rằng chúng tôi đang vội. Cậu ấy nhanh chóng xếp chỗ, đưa thực đơn để chúng tôi gọi món. Cho đến đây, dường như việc giao tiếp của tôi vẫn ổn.
Khi đang gọi món, một đoàn khác cũng ngồi xuống cạnh bàn chúng tôi. Trong lúc chờ món, chúng tôi nhìn đoàn mới đến thong thả gọi món, và nhận được đồ chỉ sau mười phút.
Dù chúng tôi gọi món trước, đồ của chúng tôi vẫn không thấy tăm hơi.
Tôi bắt đầu thấy bực bội. Sau năm phút nữa, chúng tôi vẫn chưa có đồ, tôi phát cáu.
Tôi bắt đầu tìm cậu bồi bàn, nói thật kiềm chế, “Tôi muốn nhắc cậu là bọn tôi đang vội. Bàn bên cạnh đến sau mà lại nhận đồ rồi.” Tôi buột mồm, “Đồ của chúng tôi đâu?”
Cậu bồi bàn nói, “Đồ của anh đang lên ạ.”
Câu trả lời này vô dụng, vì thế tôi lặp lại, “Bàn cạnh chúng tôi đã có đồ rồi — thế đồ của tôi đâu?”
Cậu ta lặp lại, “Đồ của anh đang lên ạ.”
Khỏi phải nói tôi bực mình thế nào. Tất cả sự cảm thông và tốt tính của tôi bay sạch, cả những kỹ năng giao tiếp nữa. Tôi quay về bàn và muốn bùng nổ. Khi tiếp tục chờ đợi bữa trưa tại bàn mình, chúng tôi thấy bàn bên đã ăn xong và gọi thanh toán.
Đến lúc này thì tôi không chịu nổi nữa. Trong lúc đi tìm quản lý, tôi thấy bồi bàn nên lại gọi cậu ta. Sau khi giải thích việc mình có lịch rất sát giờ, tôi lại hỏi, “Đồ ăn của tôi đâu?”
Cậu ấy trả lời trong hoảng loạn, “Đồ của anh đang lên ạ.”
May quá, sau đó tôi lại hỏi, “Tại sao đồ của tôi lại lâu thế? Tại sao bàn kia lại có đồ trước tôi?” Cuối cùng tôi cũng nhắc đến nguyên nhân khiến mình bực bội.
Lúc này, cậu bồi bàn giải thích, “Thưa anh, bàn đó gọi đồ từ thực đơn sandwich, làm ở bếp khác. Anh gọi đồ từ menu chính ở bếp chính. Dù anh không thấy được nhưng bọn em đang bị quá tải vì bữa tiệc tốt nghiệp ở phòng bên cạnh. Đầu bếp hứa với em là đồ của anh đang lên rồi. Em rất xin lỗi vì để anh chờ quá lâu.”
Trong nháy mắt, sự căng thẳng và phiền muộn của tôi tan biến. Chúng tan biến vì tôi đã hiểu được tình hình. Với sự thấu hiểu này, tôi cảm thấy thông cảm với cậu bồi bàn. Tôi có thể thư giãn và chờ đợi đồ ăn của mình mà không căng thẳng, oán hận và khó chịu. Thật ra, tôi bắt đầu thích thú với khung cảnh nhìn từ bàn mình, và quan trọng nhất là tôi bắt đầu thưởng thức thời gian ở đây với vợ. Bạn thấy chưa, việc giao tiếp của tôi với cậu bồi bàn hoàn toàn vô dụng cho đến khi tôi giao tiếp để tìm kiếm sự thấu hiểu.
Nếu tôi không nghĩ đến việc giao tiếp để thấu hiểu, tôi có thể khiến tình hình tệ hơn bằng cách giao tiếp để điều khiển hoặc thao túng người khác. Tôi đã có thể nói “Tôi không thể tin được chuyện này lại xảy ra; thật đáng hổ thẹn. Tôi muốn nói chuyện với quản lý của cậu” hoặc “Nếu đồ của tôi không lên trong vòng ba phút, tôi sẽ rời nhà hàng này và không bao giờ quay lại đây nữa.”
Khi chúng ta cảm thấy bực bội hay bị đe dọa, việc giao tiếp thường bị trục trặc và cuốn trôi. Khi chúng ta giao tiếp để thị uy, đe dọa, phản đối, làm tổn thương, bắt lỗi hay khiến ai đó cảm thấy có lỗi, chúng ta đã sử dụng sai cách giao tiếp. Chúng ta có thể kiểm soát thành công, nhưng chắc chắn ta sẽ tạo nên sự oán hận. Giao tiếp thực sự và hiệu quả phải theo hướng chia sẻ sự thấu hiểu cũng như chia sẻ sự thấu hiểu của người khác triệt để hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Thấu Hiểu Đúng Vấn Đề


Thật ra, chỉ giao tiếp thôi không đủ để tạo nên mối quan hệ bền vững. Đó chỉ là một công cụ giúp ta thấu hiểu đối phương. Thấu hiểu đúng sẽ vun đắp cho các mối quan hệ, còn hiểu lầm lại phá hủy chúng. Giao tiếp có mục đích cho phép ta thấu hiểu vấn đề hơn.
Đã bao lần bạn tranh luận với người mình yêu thương, để rồi sau đó nhận ra đó chỉ là sự hiểu lầm? Một trong những vấn đề thường gặp trong các mối quan hệ chính là sau khi quen một người nào đó, chúng ta thường có xu hướng tin rằng suy diễn của mình về lời nói và cử chỉ của họ là chính xác. Ta nghĩ ta biết ý họ là gì, nhưng thật ra lại hiểu lầm ý định thật của họ. Điều đó dẫn đến việc chúng ta đưa ra những kết luận sai lầm.
Trong nhiều lần tư vấn cho các cặp đôi, tôi đóng vai trò “người phiên dịch”. Anh nói một đằng và cô nghe thành một nẻo. Cô nói một điều và anh cho rằng cô sai. Ngay lập tức, họ lại cãi nhau. Cứ như thể họ dùng hai ngôn ngữ khác nhau. Tôi nói lại cấu nói của anh ấy theo từ ngữ và biểu cảm mà cô ấy hiểu được, thế là mâu thuẫn được giải quyết.
Tôi nhớ một lần nọ, khi tôi hỏi khách hàng rằng cô ấy cần gì ở một người chồng. Martha hít thật sâu và bắt đầu khóc, “Tôi chỉ cần anh ấy lắng nghe tôi... chỉ lắng nghe thôi. Tôi cảm thấy anh ấy không hề yêu tôi.”
Khi chồng cô, Joe, nghe những lời cô nói, tôi thấy anh ấy bắt đầu lạnh lùng hơn. Sau đó anh lặng lẽ nhún vai. Tôi nhận ra sự thất vọng và bất đồng của Martha tăng lên khi thấy chồng mình lặng lẽ thở hắt.
Tiếp theo, tôi hỏi cô phản ứng của anh ấy có nghĩa là gì. Cô trả lời, “Nó cho thấy anh ấy không quan tâm. Anh ấy bảo rằng tôi sai rồi, rằng tôi đòi hỏi quá, và nếu tôi có gì hay ho để nói thì anh ấy sẽ lắng nghe.”
Joe bắt đầu phân trần rằng cô ấy đã hiểu lầm phản ứng của anh. Tôi bảo anh ngừng lại, hỏi rằng anh thực sự nghĩ gì khi vợ anh thấy rằng cảm xúc của cô cần được lắng nghe.
Anh đáp, “Tỏi thấy thất vọng. Tôi đã nghĩ về những điều mình làm trong tuần này để cô ấy hiểu tôi yêu cô ấy dường nào. Tôi bắt đầu cảm thấy căng thẳng và thất vọng vì không biết phải làm gì. Rồi khi nghe những cảm nhận của cô ấy về phản ứng của tôi, tôi thấy bực và cho rằng cô ấy đã sai.”
Martha đã hiểu nhầm phản ứng xa cách của Joe. Cô ấy cho rằng anh không quan tâm và đang phán xét cô. Trớ trêu thay, việc hiểu lầm này lại khiến anh ta không buồn quan tâm và phán xét thật — dù ngay trước đó, anh đã bắt đầu trả lời nhẹ nhàng hơn để lắng nghe cảm xúc đau buồn của cô. Nếu không có sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn, họ sẽ tiếp tục cãi vã.
Những cảm xúc tích cực, quan tâm và dễ bị tổn thương mà ai cũng có khi mới yêu có thể bị lãng quên nhanh chóng chỉ vì vài điều hiểu lầm nhỏ nhặt và giả định không chính xác. Giả định sai lầm có thể khiến cho những điều mà ban đầu ta tưởng tượng trở thành sự thật.
Hầu hết những căng thẳng cảm xúc trong các mối quan hệ thường xuất phát từ hiểu lầm. Giao tiếp tốt sẽ giảm bớt hiểu lầm và giúp mối quan hệ trở nên tích cực hơn. Bạn có thể học các kỹ năng giao tiếp cơ bản, nhưng để giao tiếp hiệu quả, bạn cần phải thật lòng hướng đến sự thấu hiểu.
Trong một mối quan hệ, có rất nhiều mức độ thấu hiểu cần thiết để giao tiếp thành công. Đó là:
Thấu hiểu sâu sắc hơn về bản thân chúng ta và người khác.
Thấu hiểu sự khác biệt của đàn ông và phụ nữ khi phản ứng với áp lực.
Thấu hiểu về cảm nhận thật sự ẩn dưới lời nói và hành động của chúng ta.
Hiểu rõ ràng điều ta đang thấy không hẳn là sự thực. (Ví dụ: khi bạn đời nhún vai, có lẽ ý nghĩa của điều này khác với khi bạn nhún vai.)
Hiểu rằng có những vấn đề bạn thấy dẻ đặt câu hỏi, nhưng người khác lại thấy khó.
Hiểu rằng có những điều bạn dễ dàng đón nhận, nhưng người khác nghe lại thấy đau lòng.
Hiểu rằng điều bạn cho rằng hữu ích có thể không giúp được người khác — dù nó giúp được bạn.
Hiểu rằng mỗi người có một “ngôn ngữ” khác nhau, có lẽ chỉ nghe giống ngôn ngữ của chúng ta thôi.

Thấu hiểu bắt đầu với việc nhận ra mỗi người đều là những cá thể độc lập và độc đáo, vì thế ta rất dễ hiểu lầm người khác. Khi đã biết thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt, chúng ta có thể xây dựng cầu nối gắn kết lẫn nhau.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Nỗi Sợ Khác Biệt


Một trong những lý do chúng ta không nắm được sự khác biệt của nhau chính là vì trong quá trình trưởng thành, khác biệt đồng nghĩa với bị chê cười, bị chối bỏ. Để được yêu thích hay có quyền lực, chúng ta phải trở nên giống một người đã được yêu thích hay có quyền. Là những đứa trẻ, chúng ta rất cố gắng để giống với những đứa trẻ khác.
Kể cả khi giờ đã là người lớn, và kể cả khi ta có bố mẹ thật sự ủng hộ nét độc đáo của mình, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng làm kẻ khác biệt sẻ bị chối bỏ và thất bại. Theo nhiều mức độ, hầu hết mọi người đều cảm thấy bất an khi khác biệt. Chúng ta lo rằng ai đó sẽ xuất hiện và chỉnh sửa chúng ta, hoặc phán xét rằng ta đã sai, ta tồi tệ hoặc ta khiếm khuyết. Thật không may, nỗi sợ này cũng đúng. Những người không tự tin ở khắp mọi nơi và thường sẵn sàng “xâu xé” bất kỳ ai bước ra và thể hiện bản thân mình. Vì thế, sự khác biệt có thể là mối de dọa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Khác Biệt Là Điều Kỳ Diệu


Cũng như nam châm, những người khác nhau thì hút nhau. Khi chúng ta lớn lên cùng sự thấu hiểu, chúng ta có thể bắt đầu trân trọng những khác biệt này.
Những khác biệt thực sự giữa đàn ông và phụ nữ thật ra đều bổ sung cho nhau, để cả hai bên lấy được cân bằng. Nếu tôi quá hung hăng, tôi có thể bị một người biết thư giãn và dễ tiếp thu hơn thu hút. Thông qua giao tiếp với người đó, tôi có thể tìm được sự thư giãn hơn trong vô thức của mình. Những phẩm chất biết thư giãn và biết tiếp thu này sẽ cân bằng, hỗ trợ hoặc bổ sung cho sự hung hăng của tôi. Những nét khác biệt bổ sung lẫn nhau này chính là điều khiến chúng ta bị thu hút lẫn nhau và tạo ra cảm giác bí ẩn mang tên tình yêu.
Sự kỳ diệu của điều khác biệt lại tạo nên mặt khác trong các mối quan hệ yêu đương. Khi ta chấp nhận và trân trọng những khác biệt giữa người với người, ta bắt đầu thấy cả nét tương đồng. Mặc dù từng người chúng ta là duy nhất, xét về mặt nào đó, chúng ta lại cũng giống nhau. Điều tưởng như nghịch lý này dẫn đến một sự thực tuyệt vời về các mối quan hệ: Người có thể chia sẻ cuộc sống với bạn nhìn chung có sự kết hợp giữa các điểm khác biệt bù trừ và điểm tương đồng.
Có nhiều cách để diễn tả sự kết hợp bí hiểm này. Đây là một vài điều tôi được nghe từ những người đang yêu và đang xác định mối quan hệ.
“Chúng tôi rất khác nhau, nhưng điều giữ chúng tôi ở bên nhau là chúng tôi đều rất sôi nổi.”
“Chúng tôi khác nhau rất nhiều: anh ấy sống về đêm, tôi lại thích dậy sớm; anh ấy là người mơ mộng, tôi thực tế; anh ấy không bao giờ lo lắng còn tôi lo lắng về mọi điều. Dù vậy, xét về mặt nào đó, chúng tôi là một. Cứ như thể chúng tôi có cùng bước sóng.”
“Đôi khi tôi thấy yêu cô ấy, có lúc lại thấy thật ghét. Khi tôi không yêu cô ấy, nghĩa là tôi không thể yêu vào lúc ấy; tôi cảm thấy không ổn với chính mình. Từ trong trái tim, tôi biết rằng chúng tôi ở bên nhau là điều thiên kinh địa nghĩa.”
“Chúng tôi có những vấn đề hoàn toàn khác nhau, nhưng điều tương đồng ở chúng tôi chính là cả hai đều có rất nhiều vấn đề! Chúng tôi học cách giúp người kia đối mặt với vấn đề mà không làm người kia cảm thấy tồi tệ hoặc vô giá trị. Tôi nghĩ nếu anh ấy hoàn hảo và không có vấn đề, lúc nào tôi cũng sẽ nghĩ mình đang kéo lùi anh ấy mất.”
“Trong hai năm đầu, hôn nhân của tôi rất hoàn hảo. Sau đó, chúng tôi hết yêu; sự lãng mạn không còn. Một sáng nọ, tôi thức dậy và nhận ra chúng tôi là người rất khác nhau với cực ít điểm tương đồng. Nó thật u uất và thất vọng. Đó là khi tôi bắt đầu học được về tình yêu thật sự. Thông qua việc chia sẻ cảm xúc, giải tỏa oán hận của mình, chúng tôi thật sự hiểu và yêu thương nhau. Tôi bắt đầu yêu con người thật sự của anh ấy, chứ không phải hình mẫu tôi muốn anh ấy trở thành.”
Trong mỗi ví dụ trên, tình yêu được nuôi dưỡng qua thời gian bằng sự chấp nhận và thấu hiểu. Bằng cách này, tình yêu hoàn thiện ý nghĩa của mình để hòa hợp điều khác biệt cũng như tạo nên mối quan hệ tích cực và dài lâu.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Từ Bỏ Sự Phán Xét


Từ bỏ những phán xét tiêu cực là chìa khóa thứ ba để tạo nên mối quan hệ tích cực, là kết quả hiển nhiên của việc thấu hiểu đúng vấn đề. Khi chúng ta có thể hiểu được sự khác biệt của nhau và giao tiếp về cảm xúc, suy nghĩ, khát khao thành công, chúng ta có thể bắt đầu từ bỏ những phán xét tiêu cực của mình.
Những đánh giá tiêu cực về bản thân ta và kết quả hành động của ta ngăn cản ta thể hiện hoàn toàn bản thân mình. Kết quả là những phán xét này khiến ta không thể hoàn toàn tận hưởng điều ta có hay cuộc đời ta nói chung. Phán xét và phê bình là các triệu chứng của thiếu tự trọng.
Khi chúng ta cảm thấy chúng ta không hoàn thiện, chúng ta bắt đầu cảm thấy những gì chúng ta có hay thuộc về ta cũng không hoàn thiện; ví dụ, ta không có đủ thời gian, tiền bạc, tình yêu... Chúng ta bắt đầu cảm thấy bạn bè hay gia đình mình không hoàn thiện. Các phán xét tiêu cực phá hủy mối quan hệ của chúng ta.
Ta sẽ tiếp tục phán xét cho đến khi chúng ta thấu hiểu, trân trọng và coi trọng sự khác biệt giũa người với người. Khi chúng ta có thể yêu thương, chấp nhận, trân trọng và tôn trọng người khác, chúng ta sẽ tự nhiên chấp nhận và trân trọng bản thân mình. Đây chính là bí mật đích thực để từ bỏ thói phán xét. Bằng việc yêu thương người khác, chúng ta có thể yêu thương bản thân mình, và khi yêu thương bản thân mình, ta sẽ yêu thương người khác. Lòng tự trọng và giá trị bản thân ta tăng lên hàng ngày khi chúng ta kiến tạo những mối quan hệ đầy yêu thương.
Khi chúng ta chấp nhận lời phán xét tiêu cực của người khác, đó là triệu chứng của việc tự thù ghét bản thân. Hầu hết các phán xét tiêu cực đều là những ý kiến được tiêm nhiễm vào người khác từ chính tiềm thức của ta về bản thân mình.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Đi Tìm Sự Đồng Điệu


Các mối quan hệ thực sự ra đời từ sự nhận thức và trân trọng điều khác biệt giữa chúng ta. Nhờ lợi ích của sự thấu hiểu và tôn trọng điều khác biệt, chúng ta có thể trân trọng điểm tương đồng của nhau hơn. Nhận ra sự tương đồng giúp ta có những thái độ tích cực hơn, chẳng hạn như cảm thông, đồng cảm, thấu hiểu, bao dung và đồng điệu. Nhận thức được sự khác biệt tạo ra sự hấp dẫn, trân trọng, hứng thú, tôn trọng, mục đích và hứng thú.
Khi ta đã hiểu được đối phương qua sự chia sẻ chân tình và lắng nghe từ tận con tim, chúng ta bắt đầu nhận ra và loại bỏ những phán xét tiêu cực đã ngăn cách chúng ta. Bạn thấy đấy, không phải điều khác biệt ngăn cách ta, mà những phán xét của ta về sự khác biệt đó — những phán xét đến từ sự hiểu lầm.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Chấp Nhận Trách Nhiệm


Chìa khóa thứ tư cho một mối quan hệ hòa hợp là nhận trách nhiệm như nhau cho mọi điều xảy ra trong mối quan hệ và học cách bao dung. Có trách nhiệm trái ngược với cảm giác bạn là nạn nhân. Học cách bao dung là việc gần như không tưởng khi bạn không nhận ra mình cũng phải chịu trách nhiệm như nhau trong mối quan hệ này.
Bạn đã bao giờ cảm thấy “tôi cứ cho đi và cho đi nhưng chưa bao giờ nhận lại gì” hay “tôi đã có một ngày tuyệt vời cho đến khi bạn phá hỏng nó.” Đây chính là quan điểm của nạn nhân, một dấu hiệu cho thấy ta đang không nhận trách nhiệm như nhau.
Nạn nhân nghĩ họ không phải chịu trách nhiệm cho việc đã xảy ra hay cho cảm nhận của họ. Nạn nhân cảm thấy bất lực, không thể tạo ra sự thay đổi. Nạn nhân lờ đi trách nhiệm của mình khi đã kích động bạo lực trong mối quan hệ. Thái độ nạn nhân không chỉ phá hủy mối quan hệ của ta mà còn cả cuộc đời ta.
Nạn nhân không thừa nhận rằng nếu họ chọn cách khác, họ sẽ có kết quả tốt đẹp hơn. Nạn nhân không muốn thừa nhận họ cũng “đổ dầu vào lửa.” Nạn nhân không muốn nhận ra họ đã hiểu sai tình cảnh và làm nó tệ đi như thế nào. Hơn nữa, họ không chịu để trải nghiệm đó tác động tích cực lên mình. Họ níu lấy quá khứ để biện minh cho việc không thành thực với bản thân mình.
Một dấu hiệu của thái độ nạn nhân là cảm giác oán hận và đổ lỗi; đây là việc từ chối trách nhiệm.
Khi chúng ta oán hận, về mặt nào đó, chúng ta đang không muốn tin tưởng và chấp nhận người ta oán. Chúng ta không thể tin tưởng, vì chúng ta không hiểu chúng ta đã kích động hành vi của họ thế nào. Chúng ta không chấp nhận, bởi vì ta đã lầm mong rằng họ sẽ hiểu ta cần gì. Việc đọc tâm trí có thể dễ dàng giữa phụ nữ với nhau, nhưng đàn ông hầu như không thể đọc tâm trí phụ nữ, vân vân...
Khi chúng ta oán hận một người, chúng ta không cân nhắc đúng đắn họ đã làm gì, vì sao lại làm thế. Chúng ta không muốn tìm hiểu vì sao họ lại cảm nhận theo cách đó. Đơn giản là ta cảm thấy ta là nạn nhân, chính vì thế, họ là kẻ phạm tội.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Ta Đã Kích Động Người Khác Thế Nào


Nếu không hiểu rõ sự khác biệt của nhau, chắc chắn ta sẽ vô tình dẫm lên chân người ta hết lần này đến lần khác. Khi đã hiểu hai giới khác nhau như người sao Hỏa với người sao Kim, ta sẽ nhận ra ta đã làm người khác tổn thương thế nào.
Khi ta cẩn thận suy xét về những điều ta đã làm hay chưa làm với điều kiện phải tôn trọng sự khác biệt của nhau, ta sẽ hiểu ra hành vi của chúng ta tác động lên người khác thế nào, cũng như nguyên nhân dẫn đến các phản ứng nhất định. Tuy nhiên, chịu trách nhiệm cho hành vi của mình không phải là tất cả.
Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm cho những điều khó nhận thấy hơn. Cũng như khi hành vi của chúng ta kích động các phản ứng, suy nghĩ và cảm nhận của ta cũng vậy. Rất khó để nhận ra suy nghĩ và cảm nhận của ta kích động người khác như thế nào, nhưng chúng thật sự có ảnh hưởng.
Khi chúng ta âm thầm hay công khai phán xét một ai đó, họ thường sẽ phản ứng ngay tức khắc theo cách ta đang phán xét họ. Nếu ta cho rằng họ không yêu thương, họ sẽ không yêu nữa; nếu ta cho rằng họ không quan tâm, họ sẽ phản ứng bằng cách tỏ ra không quan tâm...
Một người càng quan trọng với bạn thì bạn càng có ảnh hưởng và dễ bị lời phán xét của họ kích động. Khi bạn phụ thuộc vào một người, tác động của bạn lên suy nghĩ và cảm nhận của họ gia tăng. Gần gũi chăn gối với một người cũng gia tăng tác động của họ lên hành vi của bạn.
Ví dụ như, khi một người phụ nữ phán xét một người đàn ông rằng anh ta không yêu thương và quan tâm, anh ta thường sẽ phản ứng tạm thời dúng như thế. Kể cả khi cô vờ rằng cô trân trọng sự quan tâm của anh, nếu cô thầm nghĩ anh không quan tâm, anh cũng sẽ tỏ ra bớt quan tâm đến cô hơn. Trong khoảnh khắc đó, sự quan tâm của anh ấy sẽ phản ứng không quan tâm lấn lướt, vì nó bị những phán xét tiêu cực của cô kích động. Họ càng gắn kết với nhau, anh càng dẽ bị lời phán xét của cô ảnh hưởng, từ đó không còn cảm thấy ấm áp nữa.
Khi một người đàn ông cho rằng người phụ nữ này thật khó chịu và quá đa sầu đa cảm, cô ấy sẽ trở nên khó chịu và đa sầu đa cảm quá mức. Kể cả khi anh ta vờ rằng mình thấu hiểu khi người phụ nữ đang chia sẻ cảm xúc, nếu anh ấy âm thầm nghĩ rằng cô thật vô lý, vậy cô sẽ mất đi sự cân bằng, đánh mất trực giác của mình và trở nên bối rối.
Tuy nhiên, việc ta bị kích động không đồng nghĩa với việc người kích động phải chịu trách nhiệm cho phản ứng của chúng ta. Chúng ta luôn phải chịu trách nhiệm cho hành vi và phản ứng của mình. Đổ lỗi cho người kích động cũng chỉ là một kiểu tỏ ra nạn nhân, không phải lời biện minh hợp lý.
Việc thấu hiểu cách suy nghĩ và cảm nhận của ta khi bị kích động không nhằm mục đích giúp ta bỏ qua hay biện minh cho những hành vi khi bị kích động của mình. Nó chỉ đơn giản cho ta một cách để thấu hiểu hành vi của bạn đời; nó mở đường để ta cảm nhận phản ứng của họ đầy đủ hơn.
Ta còn có thể kích động bạo hành theo một cách kinh khủng hơn. Nếu phán xét kích động rối loạn tạm thời, oán hận sẽ kích động rối loạn liên tục. Một người oán hận cảm xúc của vợ mình có thể khiến cô ấy trở nên mẫn cảm liên tiếp. Một người oán hận thái độ vô tâm của chồng mình có thể khiến anh ấy trở nên thờ ơ liên tiếp.
Việc một người đàn ông về nhà và tràn ngập yêu thương với vợ mình không phải hiếm, và rồi, khi anh gặp vợ, anh đột nhiên trở nên vô tâm. Có lẽ cô đang cư xử rất phù hợp, nhưng sự oán hận ẩn giấu và không được giải tỏa của cô khiến anh muốn tỏ ra vô tâm.
Tương tự như vậy, việc một phụ nữ về nhà và tràn ngập yêu thương với chồng mình không phải hiếm, nhưng khi gặp chồng, lòng cô lại tràn ngập những cảm xúc tiêu cực. Lại lần nữa, hành vi của anh có thể rất hoàn hảo, nhưng nỗi oán hận vô thức của anh kích động cô phản ứng với cảm xúc tiêu cực.
Khi chúng ta oán hận, chúng ta đang giữ chặt những phán xét tiêu cực của mình. Chúng bắt rể sâu cho đến khi ta tìm được sự tha thứ. Khi chúng ta không thể từ bỏ những phán xét của mình, năng lượng kích động của chúng tăng lên. Cho dù bạn nghĩ bạn che giấu sự oán hận tốt đến dường nào, nó sẽ được thể hiện qua hành vi, phản ứng, ngôn từ, cơ thể, ánh mắt và tông giọng của bạn. Nó sẽ lộ ra dù bạn có nhận thấy hay không.
Nếu bạn không có oán hận và bắt đầu phán xét tiêu cực về một người, bạn có thể dễ dàng xóa bỏ nó với phán xét tích cực chỉ trong vài phút. Nhưng khi bạn ngập tràn oán hận, bạn đang ôm lấy lời phán xét, dù là ý thức hay vô thức.
Oán hận không chỉ kích động phản ứng tiêu cực, nó còn làm giảm hiệu quả giao tiếp. Khi bạn chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ với tư tưởng oán hận, người bị oán hận gần như không thể cởi mở với bạn. Một trong những lý do khiến giao tiếp rất dễ dàng khi mối quan hệ vừa bắt đầu, ấy là oán hận chưa tích tụ.
Những oán hận tích tụ lâu ngày sẽ ngăn cản tình yêu phát triển trong một mối quan hệ. Bước đầu tiên để giải tỏa oán hận chính là nhận phần trách nhiệm của mình; thấu hiểu bạn đã kích động phản ứng của đối phương như thế nào. Nhờ thế, với nhiều sự thấu hiểu về người bạn đời và giao tiếp tốt hơn, việc tha thứ sẽ dễ dàng hơn.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Trách Nhiệm Và Oán Hận Bị Đè Nén


Ta sẽ dễ dàng nhận trách nhiệm hơn khi ta nhận ra việc phát xét sai lầm người khác là sai trái, không trái tim, lầm lẫn hay không đủ tốt, ta đã vô tình khiến họ cư xử chệch hướng.
Dù vậy, việc chấp nhận trách nhiệm của bản thân trong mối quan hệ vẫn gặp một trở ngại nghiêm trọng khác: sự dè nén. Cả đàn ông và phụ nữ đều dễ dàng đè nén nỗi oán hận trong mình. Khi oán hận bị đè nén, chúng ta không nhận ra sự tồn tại của nó. Chính vì vậy, việc chấp nhận rằng ta phải chịu trách nhiệm cho hành vi chệch hướng và bạo hành của đối phương trở nên khó khăn. Trong trường hợp này, bạn càng cố gắng chấp nhận với ý tốt (nên oán hận tiêu cực bị đè nén), chuyện càng tồi tệ.
Nếu một người đàn ông đánh vào đầu vợ mình bằng gậy bóng chày và cô ấy bị chảy máu, việc nhận trách nhiệm về hành vi của anh ấy sẽ rất dễ dàng. Cô có thể buộc lỗi anh và anh ta nhanh chóng nhận lỗi, vì anh ta nhận ra mình đã kích động phản ứng cô ấy như thế nào.
Nhưng nếu nỗi oán hận bị đè nén của anh đánh vào đầu cô, cô bị chảy máu và buộc tội anh, anh sẽ khó chấp nhận được trách nhiệm này. Anh không nhận thấy phản ứng của cô, thế nên việc bạo hành trở nên không công bằng và rất vô lý.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

Re: Hướng Dẫn Sử Dụng Nửa Kia - John Gray

Postby bevanng » 15 Feb 2020

Chỉ Ý Định Tốt Thôi Không Đủ


Có thể bạn ước mình luôn đủ yêu thương — thậm chí bạn đã cố gắng hết sức mình — nhưng tình yêu của bạn không bao giờ đủ thuần khiết trừ phi bạn đã giải tỏa được oán hận hoàn toàn.
Khi chúng ta không còn oán hận, tình yêu không cần phải nỗ lực. Khi chúng ta phải cố gắng hết sức để yêu thương, đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang đè nén oán hận của mình.
Hãy nghĩ lại thời gian bạn hoàn toàn đắm chìm trong tình yêu. Yêu thương khi đó có khó khăn không? Lần đầu gặp vợ mình, chắc chắn tôi không hề phải cố gắng để yêu hay trân trọng cô ấy. Khi con gái tôi còn bé và bị ngã xuống giường, tôi không cần cố gắng tỏ ra quan tâm; từng tế bào trong cơ thể tôi vùng dậy để đỡ lấy và bảo vệ con bé.
Hãy nghĩ về những người bạn cực kỳ tôn trọng, những người đã đạt được rất nhiều thành tựu. Bạn có phải cố gắng tôn trọng họ không?
Nếu thái độ tích cực không đến tự nhiên và nhẹ nhàng, vậy nó là sự giả tạo. Khi ta có oán hận, ta không thể che giấu nó với người nghe. Nó khiến người nghe luôn phải đề phòng để tự bảo vệ họ khỏi lời trách cứ của ta.
Khi đã hiểu ngần này về sự oán hận, ta sẽ dễ dàng nhận trách nhiệm trong mối quan hệ này hơn. Ta sẽ có thể nhận trách nhiệm của mình khi ta nhận ra cách các phán xét tiêu cực, dù được che giấu hay biểu hiện ra ngoài, thực sự kích động sự bạo hành và thờ ơ với ta đến dường nào.
Linda, 38 tuổi, đã kết hôn được mười hai năm. Sau vài năm trị liệu, cô đã nhận ra được trách nhiệm của mình trong cuộc hôn nhân này. Suốt mười hai năm, cô luôn cảm thấy mình là nạn nhân của chồng mình, Bob, khi anh cứ tỏ thái độ né tránh. Cô oán hận rằng anh quá lạnh lùng, vô tâm và thiếu yêu thương. Giờ cô nhận ra rằng nỗi oán hận của cô khiến anh không thể lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của cô. Sao cô lại muốn anh nhiệt tình khi mà anh luôn cảm thấy cô đang âm thầm oán thán?
Linda luôn tin rằng Bob không bao giờ cảm nhận được nỗi cay đắng của cô nếu cô không biểu hiện ra bằng lời hay hành động. Vì thế, từ quan điểm của cô, Bob không có quyền cho rằng cô đang buộc tội anh, bởi cô không hề thể hiện ra ngoài nỗi oán hận của mình. Cô đã cố gắng che giấu bằng mọi cách, kể cả việc chủ động thể hiện tình cảm với Bob. Khi anh ấy không đáp lại, nỗi oán hận lại tăng thêm.
Có lẽ Linda cho rằng sự bực tức của mình đã được che giấu, nhưng anh ấy có thể thấy nó qua hàm răng nghiến chặt và giọng điệu đè nén của cô. Vì thế, mỗi khi cô đề nghị được giúp, anh lại phản ứng thờ ơ và vô tâm.
Qua trị liệu, Linda đã nhận ra mình cũng chịu trách nhiệm tương đương trong vấn đề này. Cô nhận ra rằng mình có thể thay đổi mọi chuyện và đã làm được. Khi cô ngừng tỏ ra là nạn nhân, hôn nhân của cô khác biệt rõ rệt.
Điều này không có nghĩa là Bob không có trách nhiệm. Tại anh tại ả tại cả đôi bên, mâu thuẫn luôn đến từ hai phía. Tuy nhiên, Linda nhận ra rằng cô có trách nhiệm giao tiếp cảm xúc và nhu cầu của mình với thái độ thật sự không oán hận. Cô có rất nhiều điều phải làm: tìm kiếm và giải tỏa oán hận cũ, học cách yêu anh thật sự.
Bằng việc thực hành kỹ thuật được hướng dẫn ở những chương sau, kỹ thuật thư tình, Linda đã có thể hiểu được những cảm xúc ẩn sâu nhất của mình và giải tỏa nỗi oán hận. Khi cô học được cách giao tiếp có trách nhiệm, thể hiện cảm xúc không mang sự oán hận, cô bị bất ngờ vì chồng cô đã thể hiện sự quan tâm anh ấy luôn mong được thể hiện từ trước đến nay. Họ cảm thấy như mình đang trong tuần trăng mật thứ hai.
Khi đã thấu hiểu được triệt để mình phải chịu trách nhiệm cho điều mình nhận được trong các mối quan hệ, ta sẽ dễ dàng giải tỏa được oán hận. Chừng nào ta còn nghĩ mình đang làm đúng nhưng vẫn không nhận được điều mình cần, ta vẫn đang dưng ở thế nạn nhân.
Tri thức là sức mạnh. Khi nhận thức được sự khác biệt, ta có sức mạnh để chấp nhận hơn, thấu hiểu hơn, tôn trọng hơn và trân trọng hơn. Khi ta hiểu được ta bị nỗi oán hận thầm kín kích động thế nào, ta được giải phóng, ta có trách nhiệm hơn với những gì ta nhận được cũng như mở lòng bao dung. Khi đã thấu hiểu hơn về sự khác biệt giữa chúng ta, ta có thể giải tỏa nỗi oán hận đã dồn ép ta thay đổi bạn đời chứ không trân trọng và quan tâm đến họ.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 42 guests