Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Image

Tác giả: Trang Hạ


Phần 1: Mối tình đầu

Tôi nhớ hôm đó là ngày lễ tốt nghiệp đại học, những sinh viên khoá đầu tiên của khoa cùng xuống sân trường chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm. Tấm ảnh đó tôi đã đánh mất ở Phủ Li, khi chạy trốn người đàn ông bạo dâm.
Sinh viên khoa xã hội học khó kiếm việc. Khoa mới, sinh viên lứa đầu, cả Sài Gòn lổn nhổn những công trình dở, những khúc đường bụi bị đào đắp, xe Honda mù khói, những người xin việc đổi việc đầy đường. Cơ hội của chúng tôi mơ hồ như đi trong khói đen mịt mù các ngã tư kẹt xe.
Bạn bè tản đi, trên đường đi bộ ra bãi xe, tôi xách giỏ đựng áo quần căng phồng, nhớ Đàn.
Tôi đã cúp tiết rất nhiều lần, đi với Đàn rong chơi những buổi chiều đẹp trời. Từ công trình anh qua giảng đường B chỗ Đinh Tiên Hoàng của tôi chừng chục cây. Tôi thường chạy đến đón anh. Đàn không có xe máy. Nhưng anh cao lớn, rắn chắc, da đen sáng hơn đám thợ xây cùng tổ.
Tết, tôi trốn xuống Bến Tre thăm gia đình anh, uống rượu say trốn ra sau vườn nằm. Ba anh ghét tôi từ lần ấy. Mỗi lần đứng trước ông, tôi cứ tưởng trong mắt ông chỉ có hình ảnh một đứa con gái cởi trần bị đè dẹp dưới sự hung dữ bạo liệt của Đàn, giữa khu vườn đầy nắng xuân.
Nhưng tôi vẫn còn trinh trắng, cho đến ngày lễ tốt nghiệp.

Đàn chở tôi tới quán cà phê vườn ở Thủ Đức. Tôi riết lấy anh như trong mơ, hít thở đầy lồng ngực mùi mồ hôi và vị mặn ráp của lớp vải áo cọ vào bờ môi.
- Cưới em đi! - Tôi thì thào - Em theo anh!
Đàn im lặng quài tay ôm siết tôi, nhấc bổng tôi kéo vào lòng anh. Tôi sẽ vĩnh viễn nhớ sự im lặng của Đàn.
Im lặng yêu tôi.
Im lặng trước mọi sự chửi bới can ngăn của gia đình tôi.
Im lặng trước sự nghèo hèn của anh. Im lặng cả những chuyến đi ăn, đi cà phê toàn do tôi trả tiền, những chuyến đi chơi mặc nhiên lúc anh đổ xăng thì tôi móc bóp.
Im lặng khi tôi quyết liệt, cứ gạo nấu thành cơm đi, rồi cả hai gia đình sẽ phải thuận.
Im lặng chiếm lấy đời con gái của tôi trên một chiếc ghế bố.
Sau này, khi bỏ tôi, Đàn cũng im lặng như thế. Đó là tất cả những gì tôi còn nhớ về tình yêu. Khi tôi bỏ xứ ra đi.
Chiếc ghế bố kèo kẽo rên rỉ đi vào ký ức tôi.

Đúng như mong ước của chúng tôi, gia đình tôi buộc phải làm lễ dạm ngõ, hẹn cuối năm làm đám cưới.
Gả đứa con gái xinh đẹp, thông minh, tốt nghiệp đại học cho một thằng phu hồ lương tháng bốn trăm nghìn đồng, mẹ tôi đau lòng lắm. Bà khóc mỗi tối, kể từ khi tôi thông báo tôi đã ngủ với anh.

Việc khóc của mẹ tôi đúng giờ và đều đặn nên tôi không có cảm xúc gì.
Tôi chỉ tràn trề một tình yêu mơ ước, đã vượt qua bao khó khăn để chứng minh tình yêu. Tôi về hội liên hiệp phụ nữ thành phố làm việc. Đàn nhận công trình quanh Tân Bình. Chiều xong việc chở nhau về nấu cơm.
Tôi nghĩ một chiếc xe máy đủ cho một chuyến chơi xa, một tình yêu đủ cho một cuộc đời. Tôi không hề nhận ra rằng những trao gửi một phía, những tận dụng một phía, đã biến Đàn thành người thân thuộc xa lạ nhất đời tôi.
Tôi không nhận ra rằng chiếc xe là của tôi, tình yêu là của tôi, cuộc đời là của tôi. Không có thứ gì trong đời tôi là của Đàn cả. Tôi đang Mất, mà cứ tưởng tôi đang Yêu.
Ngày làm đám hỏi, không ai đến nhà tôi, không có bất cứ tin tức gì của Đàn. Mẹ tôi choáng váng, phải đưa đi viện. Huyết áp vọt lên với bệnh tiểu đường làm bà mê man.
Bác sĩ nói, truyền nước hai hôm là về, không sao đâu.
Tôi nuốt nước mắt nói với mẹ:
- Mẹ để con xuống Bến Tre tìm anh Đàn, chắc có chuyện gì xảy ra!
Chuyến xe đò Thủ Đức - Bến Tre ấy dài hơn bất kỳ chuyến đi nào trong đời tôi sau này.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy người tôi yêu, là lúc Đàn cũng im lặng. Ba Đàn ngồi trên bộ ghế gỗ chỏng lỏn, khinh bỉ:
- Gạo đã nấu thành cơm rồi, thì vội gì. Bữa qua không lên thì bữa mai. Bữa mai không lên thì để bữa khác. Đi đâu mà vội.
Thì ra Đàn đã nói cho gia đình biết việc tôi đã chung đụng cùng anh.
Tôi đi khỏi căn nhà gạch trong khu vườn lúc ấy bỗng dưng không gió. Những tàu lá khô còng quèo tiễn tôi trên đường ra khỏi xã.
Có khu vườn tôi đã chống cự để giữ gìn sự trong trắng cho tình yêu đầu.
Khu vườn mất trinh đã xa hàng trăm cây số, tôi vĩnh viễn không trở lại được.
Tôi đau đớn nếm nhận cảm giác bị giày xéo lên nhân phẩm. Tôi đã trả giá quá đắt cho tình yêu một phía. Mẹ ơi, con ngàn lần xin lỗi.
Con biết, mẹ đẻ con ra đâu phải để người khác chà đạp.
Từ nay, nước mắt mẹ tôi chắc sẽ không chảy theo giờ, mà sẽ tuôn suốt ngày.
Suốt đời.
Tôi đứng ở đường liên xã, nhìn chiếc ba gác chở thân dừa ì ạch chạy qua. Tôi chả biết về đâu, trong cuộc đời này.

Gia đình tôi mắc vào tâm trạng trầm uất tập thể. Ba tôi ngừng cà phê sáng với bác Ba xích lô máy. Mẹ tôi đã tính đưa gia đình về quê Hưng Yên sống. Ai cũng sợ bị người ta hỏi han, đám cưới cô Út bao giờ.
Ba tôi nhậu say chửi vô cùng cay nghiệt:
- Vô phúc. Một đứa chết. Một đứa sống như chết!
Những khi tỉnh rượu, ông chỉ lầm lì.
Để tránh tự sát trong những cơn trầm uất tập thể, tôi kiếm cách tránh phải về nhà. Sau giờ làm, tôi về tiệm sinh tố của Ngà trút những cơn tức tưởi lên đầu nó. Nó nói, học dốt ngu si như tôi lại sướng, khỏi nghĩ ngợi. Năm năm tôi sang được cửa tiệm này, mà bà thì mất cả chì lẫn chài. Thôi bỏ việc về đây với tôi.
Biết đâu giản đơn sống là liều thuốc trái tim. Tôi nói, tao không bỏ việc, nhưng tao sẽ về đây ở với mày.
Tiệm sinh tố từ đấy tôi đứng trông buổi tối. Tối nào vắng khách, hai đứa bắc ghế ngồi giữa cửa nhìn đường phố, chả còn chuyện gì để nói. Thán - chồng tôi, gặp tôi vào một trong những ngày ủ ê ấy.
Mặt Thán gồ lên từng múi thịt, tay chân suôn đuột, tướng người kỳ dị. Thời gian đó Thán được mấy công ty Đài Loan dắt sang thành phố để đặt phong thủy cho nhà máy mới xây. Thán đi bộ từ khách sạn tới quán tôi mất hai phút, nhưng phải mất năm phút mới qua đường được. Xe cộ ở thành phố phi như bò giữa đồng hoang, hung hăng mù quáng.
Nghe nói nghề thiên văn, thầy tướng, phong thủy lắm tiền. Thán hỏi tôi ngày sinh.
Cô coi gia đình quan trọng không kém gì công việc.
Nhưng phu thê cô có nghiệp căn khá nặng.
Cô có tài sắc mấy cũng chỉ gặp đàn ông không ra gì.
Cô cần Phá Quân Thủ Mệnh mới hòa hợp nổi. Tức là một người đàn ông hơn cô tất cả, cứng rắn hơn cô, nhẫn tâm hơn cô, cao tay hơn.
Khi chính cung Phúc của cô cũng chứa Họa.
Tôi không biết đã có ai cầu hôn ai bằng những lời ma mị như thế chưa. Tôi càng không biết có ai đã cầu hôn qua phiên dịch?
Thán nói, tin không, chỉ nội trong một tuần lễ nữa tôi cưới được cô về làm vợ!
Năm đó ông ta bốn mươi tư tuổi, gấp đôi tuổi tôi, đã có ba con trai với bà vợ Đài Loan.
Thán chắc chắn là người đàn ông Phá Quân Thủ Mệnh. Tôi đã nói bao nhiêu cũng không phá tan nổi sự im lặng của Đàn. Thán chỉ nói vài câu, Thán cưới được tôi.
Đám cưới diễn ra cuối năm đúng với thời gian dự kiến. Nhưng chú rể không phải là người tôi yêu. Thật may không có mưa trong ngày cưới.
Sài Gòn bụi mù và tôi không còn lưu luyến gì xứ bụi nữa. Tôi chờ mong hạnh phúc. Đúng hơn là tôi chờ đi khỏi nỗi đau thương.
Tôi nghĩ tôi có học vấn, có lòng tự trọng, tôi tự quyết định lấy vận mệnh của tôi. Đau đớn sướng khổ cũng từ đây.
Ai cũng nghĩ, chỉ gái lục tỉnh nghèo khó mới lấy chồng Đài Loan. Tôi tốt nghiệp đại học, nhà khá giả, vẫn thành cô dâu Việt. Họ tò mò Thán có cần giấy chứng nhận trinh tiết không. Tôi tự hào tôi không bao giờ chấp nhận dạng háng cho người ta xem trinh tiết.
Mẹ tôi hỏi vì sao lại đâm đầu lấy chồng Đài. Tôi chỉ nói, mẹ, con không phải loại gái cởi truồng trong khách sạn cho người ta chọn, vạch hàm ra xem răng. Con có cái giá của con.
Tuy nhiên tôi không nhận ra, tôi đã lụy quá khứ. Không phải vì một quá khứ quá gần mà tôi vội vã lấy chồng ư? Tôi có học nhưng tôi đã không chỉ một lần hành động thua kẻ thất học.
Thôi thì trong Phúc có Họa, giờ mong sau Họa sẽ Phúc.
Và mỗi buổi chợ đêm, tôi luôn nhớ mẹ tôi. Không hiểu sao tôi nhớ mẹ mỗi khi đêm tối. Những ngọn đèn bóng đỏ ngày xa xưa tôi vài tuổi, chỉ nhớ mẹ ở khu kinh tế mới chờ ba tôi về hàng đêm, hàng tuần, hàng tháng, xa lăng lắc. Và mẹ ru tôi "Má ơi đừng gả con xa...".
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong, Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 2: Chồng xứ lạ

Mẹ tôi đã bỏ quê Hưng Yên đi làm dâu một nơi xa lắc, xa bằng những chuyến xe khách hai ngày. Bây giờ tôi chỉ làm dâu xa mẹ ba tiếng đồng hồ máy bay, mà nỗi khắc khoải thương xót như nhân đôi từ đời mẹ truyền lại đời con gái.
Trích bộ ảnh nổi tiếng của Trương Càn Kỳ (Đài Loan) Lưu ý: Ẳnh chỉ có tính minh họa. Nhân vật trong ảnh không phải là nhân vật trong bài ký sự này. Những đôi vợ Việt chồng Đài tại trung tâm môi giới cô dâu tư nhân TPHCM

Chồng tôi có người tình kém ông vài tuổi.
Nửa năm đầu sống ở Đài Loan, tôi tưởng cuộc đời tôi đã sang trang mới, những cuộc dạo bộ sáng sớm, ăn sáng bên nhau, chồng tôi chở đi tham quan khắp miền Trung của đảo.
Thán là một người đàn ông chăm lo chu đáo, ông tìm địa chỉ những gia đình cưới vợ Việt để chở tôi đến chơi cho đỡ buồn. Ông khoe khắp nơi người vợ trẻ, nhấn mạnh là có tốt nghiệp đại học, không phải loại gái lấy qua môi giới, ông không phải mất tiền!
Đôi khi niềm tự hào của Thán là nỗi ngại ngần của tôi.
Ở Việt Nam, tôi chỉ biết học, sang Đài Loan tôi tập làm người vợ, Thán tận tình chỉ dạy cho tôi mọi điều, từ bếp núc tới chợ búa, thu dọn nhà cửa. Việt Nam là một xã hội đàn bà xoay quay cuồng quanh đàn ông, lúc nào cũng sợ mình chạy không kịp với đòi hỏi của nam giới. Cả đời tôi mới lần đầu tiên nhìn thấy có một người đàn ông như Thán lau nhà, đổ rác, đi chợ, nấu cơm, ủi đồ. Ở Đài Loan tôi mới thấy đàn ông đi mua băng vệ sinh cho đàn bà.
Nhưng Thán lại không thích đi mua băng vệ sinh cho tôi, không phải vì ngại, mà bởi ông luôn giục, có bầu đi, có bầu đi em.

Những buổi chợ đêm làm tôi nhớ nhà da diết. Ở đó tôi gặp nhiều đồng hương, đứng nấp sau những quầy hàng lúc lỉu đồ ăn khô, những bình trà lớn bằng thép ứa ra lớp mồ hôi đá lạnh buốt.
Cô dâu Việt Nam quanh khu chung cư Quế Viên tôi chỉ gặp mặt khi đi đổ rác. Bốn giờ chiều xe rác chạy qua, những người đi đổ rác nếu nói giọng Nam chắc chắn là cô dâu Việt, nói giọng Bắc là ô sin.
Không phải giọng nói ngăn cách chúng tôi, mà là thân phận đã làm chúng tôi ngại ngần.
Trong mắt những bà ô sin thường gọi nhau oang oang trước đầu xe rác, cô dâu Việt là những cô bòn tiền chồng, không chịu lao động nặng nhọc.
Trong mắt những cô dâu miền Nam, sự kiêu hãnh và tự trọng của những bà ô sin thật rỗng tuếch và giả dối. Chẳng phải đều cần tiền như nhau, sao còn chia đẳng cấp.
Quen Thúy, tôi phát hiện cô ấy không bao giờ trả lời những câu hỏi của đồng hương nói giọng Bắc, lấy cớ âm điệu khó nghe, nghe hổng ra.
Hoặc giả, chỉ trả lời bằng tiếng Hoa.
Giọng tôi nửa Sài Gòn nửa Hưng Yên. Tôi chới với giữa những định kiến.
Thúy dắt tôi về thăm nhà cô một buổi. Thúy ở trong con ngõ nhỏ cách nhà tôi chừng năm phút đi bộ, phía bên kia công viên giữa phố. Nhà Thúy treo những ảnh gỗ ghép khắp bốn phía tường, những đồ trang trí trong nhà cũng bằng gỗ. Tất thảy màu sơn véc-ni nâu bóng. Nghe nói chồng Thúy cũng mê tín như chồng tôi, ông ta không ưa đồ kim khí.
Tôi nói, vậy nhẫn cưới có bằng gỗ không?
Thúy nói, làm gì có nhẫn cưới dây chuyền, cưới xong bà mối ở Sài Gòn lột hết rồi còn đâu. Nhà Thúy được nhận bốn triệu đồng, coi như xong đời con gái.
Tôi về, Thúy bị chồng tát lật mặt. Chồng Thúy lái taxi, ngoài đường toàn gặp người lạ nên bước vào cửa nhà chỉ chấp nhận người quen. Ai cho cô vợ Việt cái quyền kết bạn mà chưa xin phép chồng?
Thán ngược lại, mỗi lần quen biết ai lấy vợ Việt, Thán thường tìm cách dẫn tôi tới làm quen, trò chuyện hỏi han. Thán thích tám (tán phét) như đàn bà, ông có ưu điểm nổi bật, là không bao giờ đánh vợ.
"Tôi đứng im một lúc để trấn tĩnh, tự nhủ không khóc. Nếu không cả tôi và đứa bé trong bụng sẽ đều ngập ngụa trong nước mắt. Tôi nói, con trai ạ, mẹ quyết định không nạo thai là đúng."
Trong mắt đồng hương, tôi là một kẻ may mắn, họ ít khi tốt nghiệp lớp tám, tôi được học cho tới lúc lấy chồng. Họ bị chồng chọn, tôi được chọn chồng. Mỗi tháng chồng cho 100 đô la gửi về nhà vợ ở Việt Nam đã được coi là may mắn, chồng tôi mỗi tháng cho tôi gấp ba lần, tôi vẫn cất trong tài khoản riêng.
Thế nhưng ngược lại, trong mắt tôi, cuộc sống của một cô dâu Việt bình thường ở quanh tôi lại quá khó hiểu. Được đi học tiếng Hoa không mất tiền tại bất kỳ trường Tiểu học nào, nhưng các cô lại thích ra quán ăn Việt Nam túm tụm mất tiền trên chiếu bạc hơn.
Những buổi chợ đêm Đài Trung náo nhiệt tới bốn năm giờ sáng, chúng tôi đi mỏi chân, thường chọn một quán ăn nhỏ dừng chân ăn bữa đêm. Chồng tôi luôn tìm quán nào có cô Việt Nam đứng bán. Những cô dâu Việt rất dễ nhận ra trong đám đông, bởi làn da kém trắng hơn gái Đài nhưng mượt mà khỏe mạnh, đôi mắt hai mí với gò má cao, và bởi vị trí cố định cắm mặt sau xe hàng ăn.
Người đứng ra phía trước luôn là chồng hoặc mẹ chồng. Nếu không có một trong hai người ấy, tôi đoán cô dâu Việt ấy đã bỏ chồng.

Sau vài năm có quốc tịch Đài Loan, nếu được ra xã hội làm việc hoặc buôn bán, rất ít cô Việt Nam nào còn ở với chồng. Đó là lý do vì sao rất nhiều đàn ông Đài giữ riệt vợ Việt ở trong nhà, như chồng tôi.
Họ không chỉ sợ mất vợ, những người đàn ông ấy còn sợ mất tài sản. Vợ cũng là một trong những tài sản họ tậu được khi trưởng thành.
Và mỗi buổi chợ đêm, tôi luôn nhớ mẹ tôi. Không hiểu sao tôi luôn nhớ mẹ mỗi khi đêm tối, có những ánh đèn bóng đỏ quanh khu chợ. Những ngọn đèn bóng đỏ ngày xa xưa tôi vài tuổi, chỉ nhớ mẹ ở khu kinh tế mới, chờ ba tôi về hàng đêm hàng tuần hàng tháng, xa lăng lắc. Và mẹ ru tôi: "Má ơi đừng gả con xa...".
Mẹ tôi đã bỏ quê Hưng Yên đi làm dâu một nơi xa lắc, xa bằng những chuyến xe khách hai ngày. Bây giờ tôi chỉ làm dâu xa mẹ ba tiếng đồng hồ máy bay, mà nỗi khắc khoải thương xót như nhân đôi từ đời mẹ truyền lại đời con gái.
Tôi không muốn con gái tôi rồi sẽ lại khắc khoải những lúc phương xa, thổn thức "chim vịt kêu chiều" dù quanh đây đâu có con chim nào kêu. Tôi muốn con tôi mạnh mẽ, một người đàn ông, không im lặng, không dị tướng, hài hòa và mãi mãi thuộc về tôi.

An Kỳ đã li hôn. Nhà cô ta ở bên kia chợ đêm Đài Trung. An Kỳ nuôi hai con gái riêng. Chồng tôi đòi cưới nhưng An Kỳ giống như mọi người đàn bà Đài Loan khác, chỉ thích làm người tình, không thích làm vợ. Trong một lần cãi vã, chồng tôi bỏ sang Việt Nam và sau nửa tháng cưới tôi tại Sài Gòn.
Tôi chỉ biết điều đó khi cái thai trong bụng tôi đã được bốn tháng, siêu âm phát hiện ra con trai, chồng tôi như phát điên phát rồ.
Nếu Thán quả thật nhìn thấy được số phận, sao ông vẫn cưới tôi về Đài Loan?
Thán đã có ba đứa con trai với người vợ trước, ông chỉ muốn có con gái. Con gái mang lại phúc lộc cho sự nghiệp thiên văn phong thủy của ông. Phải chăng vì thế mà ông yêu An Kỳ bền bỉ như vậy?
Tôi từ chối phá thai. Sau khi từ bệnh viện trở về, chồng tôi đi suốt đêm. Khi tôi gọi điện, sau năm sáu hồi chuông, An Kỳ nhấc máy.
Tôi ngỡ ngàng: Chồng tôi đâu, chị là ai?
An Kỳ im lặng, chồng tôi chửi to trong đầu kia chiếc điện thoại: Cút đi!
Tôi đứng im một lúc để trấn tĩnh, tự nhủ không khóc. Nếu không cả tôi và đứa bé trong bụng sẽ đều ngập ngụa trong nước mắt. Tôi nói, con trai ạ, mẹ quyết định không nạo thai là đúng.
Nửa năm trăng mật đã kết thúc.
Giờ này năm ngoái tôi còn cầm mũ áo cử nhân tươi cười trong sân trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Giờ này năm nay, tôi bỗng dưng bị bỏ rơi nơi xứ lạ. Thời gian như một kẻ lật mặt, đã bội tín với tôi trong trò chơi hạnh phúc.
Tôi thương hại An Kỳ lúc cô ta khóc lóc vật vã ngày tôi mới về Đài Trung. Có đêm An Kỳ gọi chồng tôi tới chứng kiến cô ta chết, chồng tôi bảo tôi, em ngủ đi, anh ôm em cho em ngủ.
Vì thế tôi càng không thể khóc lóc như người đàn bà kia. Tôi muốn bảo vệ chính tôi và đứa con tôi trong bụng. Đứa con là máu thịt, không phải là một công cụ để đạt tới mục đích nào trong đời, như chồng tôi mong.
Tôi tự cho rằng mình chưa làm gì sai. Cảm ơn ông trời đã cho tôi sự cứng cỏi mạnh mẽ, giờ đây tôi còn quả quyết hơn cả ngày xưa, giây phút cùng Đàn ở Thủ Đức. Tôi cũng trưởng thành và can đảm hơn khoảnh khắc rời khỏi mối tình đầu, đứng ở ngã ba đường, giữa Bến Tre xa lạ, không biết đời mình rồi sẽ về đâu.
Giờ tôi biết, tôi sẽ đi về phía tình mẫu tử, đi về phía đứa con yêu dấu.
Thúy đưa tôi tới bác sĩ gần nhà. Ông bác sĩ kiệm lời không hỏi han nhiều. Chắc ông quen với việc, mỗi bà bầu Việt Nam là một kho tủi hờn, mà ông chẳng muốn thành túi trút những bi kịch ngoại quốc ấy.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 3: Đứa con không mong đợi

Không, giờ tôi không đơn độc, tôi còn đứa bé trong bụng. Con ạ, mẹ con mình từ nay sẽ cùng song hành trước mọi bão táp cuộc đời. Vì mẹ biết mẹ đủ tư cách để có con, nên mẹ mới làm mẹ.
Không thể diễn đạt mọi điều ấy bằng những câu tiếng Hoa sơ sài với những dấu tay, tôi gọi điện về Việt Nam tìm người chị họ biết tiếng Hoa, nhờ chị thương lượng với chồng hộ tôi, nói cho anh ấy hiểu tôi đang nghĩ gì. Tôi hy vọng người đàn ông Đài Loan hiểu, với người phụ nữ Việt, đứa con nào cũng là máu mủ, dù trai hay gái, kể cả có đui què mẻ sứt, thì người mẹ lại càng thương yêu nó hơn, không bao giờ vứt bỏ con.
Chồng tôi nổi giận đùng đùng. Buổi chiều ông về nhà quát tháo, cô là vợ, cô đang sống ở Đài Loan, cô phải nghĩ như người Đài Loan hiểu chưa? Không người ngoài nào có quyền xía vào việc của gia đình.
Chị tôi bị mắng té tát, sợ hãi, không bao giờ dám giúp tôi nữa. Tôi đơn độc đối diện với thực tại.
Không, giờ tôi không đơn độc, tôi còn đứa bé trong bụng. Con ạ, mẹ con mình từ nay sẽ cùng song hành trước mọi bão táp cuộc đời. Vì mẹ biết mẹ đủ tư cách để có con, nên mẹ mới làm mẹ.
An Kỳ giữ chồng tôi ở nhà cô. Chắc cô ta cũng thỏa thuê khóc trên bờ vai chồng tôi.
Tôi không có bố mẹ chồng, không có anh chị em chồng. Từ ngày sang đây tôi chỉ biết có chồng và căn hộ chung cư này. Giờ đây tôi tha thiết cần tìm đồng minh. Nhưng tôi chỉ có một bà vợ cũ với ba thằng con riêng của chồng cao lớn như tây, và một tình địch đang chiếm thế thượng phong.
Những tối muộn, tôi thắp đèn rất khuya, cho tới khi khu chung cư vắng lặng chỉ còn vài ngọn đèn đường đứng soi đơn độc, đường xuống khu đỗ xe không một bóng người.
Cái thai lớn dần trong bụng. Tôi đang sống bằng tiền trong tài khoản. Trước đây, mỗi tháng Thán cho tôi hơn mười nghìn Đài tệ, để tôi gửi tiền về Việt Nam cho gia đình. Nhưng tôi vẫn giữ trong tài khoản. Ba mẹ tôi khá giả, đâu cần tiền bán con như những gia đình cô dâu Việt Nam khác.
Chồng tôi thay đổi thái độ, như chưa từng bao giờ thiện cảm với Việt Nam. Những CD bài hát tiếng Việt bị ông vứt ra khỏi xe ô tô. Thì ra tình cảm của người đàn ông xứ lạ giống một thứ đã được lập trình.
Thán muốn đứa con, Thán sử dụng phần mềm tình yêu.
Giờ đây ông muốn delete (xoá) đứa con không mong muốn ra khỏi tương lai ông.

Và nếu tôi không thuận, chắc Thán sẽ vời nhiều phương cách khác. Tôi sợ ông sẽ gỡ bỏ tôi ra khỏi đời ông dễ dàng như uninstall một phần mềm.
Thán không chuyển tiền vào tài khoản tôi nữa, không đi chợ mua rau thịt về như trước. Tôi tự xoay xở với vốn tiếng Hoa bập bẹ, lo liệu cuộc sống riêng ngày một chật vật trong cái xác nhà.
Mỗi khi về, ông vào phòng riêng đóng cửa ngủ. Lúc tôi ôm lấy Thán, ông đẩy ra và mắng.
Còn một niềm an ủi, những quần áo của Thán tôi giặt sạch, là phẳng phiu cất trong tủ, Thán vẫn lấy mặc. Có lẽ giờ đây, tôi chỉ còn được ông chấp nhận như một chiếc máy giặt.
Tôi cảm nhận sâu sắc tấn bi kịch của mình, như mọi cô dâu Việt Nam khác. Có thể gặp một người chồng ghen, một người chồng bệnh tật, một gia đình khắc kỷ, một cuộc sống lạnh lẽo, hoặc một cuộc sống buông tuồng mang lại cho người vợ Việt sự tự do nhưng không mang lại hạnh phúc.
Bi kịch của chúng tôi là bởi những mục đích hôn nhân thất bại. Thán cần con, tôi cần kết hôn. Cần quá nên thế chấp đời mình vào hôn nhân. Nếu không, thì liệu còn cách giải thích nào khác? Tiền của tôi cạn dần.

Người chồng Đài Loan thường khen, cô dâu Việt Nam ân cần chu đáo và tình cảm. Chờ cơm, nấu ăn, ít đòi hỏi.
Chín mươi chín phần trăm người Đài Loan ăn ba bữa ở ngoài đường. Tất cả những gia đình vợ chồng Đài tôi quen, suốt cả năm chỉ nấu cơm vài bữa. Vì vậy, những bữa cơm chiều nóng hổi chờ chồng thường làm người Đài Loan xúc động. Trong một xã hội lạnh lùng, con người đang cần thêm nước mắt.
Họ vẫn nói, chỉ có người vợ ngoại quốc mới hỏi chồng, anh ăn gì em nấu. Còn người vợ Đài Loan chỉ nói, đã mấy giờ rồi mà chưa có gì ăn!
Vợ Việt: Anh giỏi quá, lương tháng những nghìn đô! Vợ Đài sẽ khinh bỉ, thằng bất tài tháng chỉ có nghìn đô thôi ư? Vợ Việt nói, anh dẫn em đi siêu thị chơi đi! Còn vợ Đài sẽ nói, anh đưa em đi Mỹ chơi nhé!
Vợ Việt Nam đòi, sinh nhật em thì anh tặng em bánh ga tô nhé! Vợ Đài chỉ nhắc, sinh nhật em, nhớ tặng nhẫn kim cương!
"Anh mua cho em cái xắc này nhé!" ý vợ Việt chỉ cái ví ở chợ đêm giá chỉ trăm tệ, còn bà vợ Đài hẳn đang nói về cái túi LV giá khoảng gần nghìn đô. Nếu "cái xắc" thay bằng "cái xe" tức là xe đạp - vợ Việt, ô tô đời mới - vợ Đài.
Và cuối cùng, người vợ Việt trước khi làm gì cũng hỏi ý kiến chồng, còn người vợ Đài sẽ khinh khỉnh: "Tôi làm gì cũng phải báo cáo với anh sao?"
Nhưng giờ đây, chồng tôi không cần tới sự nhu mì, ân cần, chung thuỷ của tôi, càng không cần tới tuổi trẻ nhan sắc hay học vấn của tôi nữa. Thán không cần tôi hy sinh, chờ cơm, cần kiệm nữa.
"Có lúc tôi nghĩ, hay là mình nghe lời chồng bỏ đứa bé đi. Muốn hạnh phúc thì đành phải bỏ lại mọi giá trị cá nhân, những quan điểm riêng mình, mà học lấy cách cư xử như một cô dâu mù chữ và cam chịu."
Những ngày buồn bã, tôi thường vác cái bụng bầu đi bộ ra công viên trước nhà ngồi. Tôi nhìn những chiếc máy bay trôi qua trên trời xanh. Tôi không hiểu sao trời xanh ở Đài Trung xanh và cao tới như thế, thăm thẳm, phẳng lặng. Trên toàn đảo Đài, đi từ Nam lên Bắc, chỉ có Đài Trung khí hậu tuyệt vời nhất.
Mùa đông, ngay cả những ngày rất lạnh, trời vẫn trong veo, nắng đẹp.
Không khí ấy thật tha thiết nếu có một cuộc sống lứa đôi đầm ấm, không lo âu ngày mai.
Trước đây tôi vẫn nghĩ, mình hiểu biết, chủ động đời sống, biết ăn ở, mình sẽ phải hạnh phúc hơn rất nhiều cô dâu Việt Nam khác nếu sang Đài Loan. Đó là những ý nghĩ rất ngây thơ của những người Việt thuần chất. Khi bản chất của cuộc hôn nhân chỉ là, người ta tìm kiếm những thứ người ta cần. Tình yêu, chức phận và nghĩa người chỉ là những phụ gia không đáng giá.
Có lúc tôi nghĩ, hay là mình nghe lời chồng bỏ đứa bé đi. Muốn hạnh phúc thì đành phải bỏ lại mọi giá trị cá nhân, những quan điểm riêng mình, mà học lấy cách cư xử như một cô dâu mù chữ và cam chịu. Chỉ có cách thỏa hiệp đó mới mang lại an toàn cho tôi.
Trong những lúc nghĩ ngợi lẫn lộn ấy, tôi vẫn nhìn lên trời cao, nơi những chiếc máy bay tự do bay qua. Ngửa đầu lên thì nước mắt sẽ sàng bò ngang mặt.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện quay về Việt Nam. Cuộc sống này tôi đã chọn thì tôi phải tự chịu trách nhiệm với đời mình. Không nói được nhiều câu tiếng Hoa, đường sá không rành, tôi chỉ biết đi đến công viên gần nhà. Không biết những người Đài Loan ra công viên chơi mỗi chiều có nhận ra tôi là một phụ nữ mang bầu bị bỏ rơi?

Bụng tôi ngày càng nặng nề, vào thời gian cái thai được hơn bảy tháng, tôi bỗng bị đau bụng. Cơn đau đáng sợ tới mức, tôi đã nghĩ tới những khả năng không hay. Tôi buộc phải gọi điện cho chồng tôi. Đó là cú điện thoại đầu tiên suốt ba tháng nay, từ lần người tình của chồng tôi nghe máy.
- Tôi không phải bác sĩ. Gọi cho tôi làm gì!
Chết điếng, trong giây lát tôi không còn cảm thấy cơn đau từ bụng, vì cơn đau từ tim đã át nó đi.
Thì ra, đứa con trong bụng cũng bướng bỉnh y như tôi, nó không chịu trở đầu, và nó đè lên tim tôi chết điếng. Những đêm tôi không trở mình nổi, bị chuột rút, đau đớn khó chịu, chồng tôi nếu về nhà cũng ôm gối ngủ phòng khác, không ngó ngàng, coi người vợ Việt như một gánh nặng không mong muốn.
Tôi lẩm bẩm và trong cơn đau cố gắng cầu xin thêm lần nữa bằng tiếng Hoa. Tôi sợ trời phật ở đây không hiểu tiếng Việt nên niệm thêm một lần bằng tiếng Hoa những cầu xin thê thảm được mẹ tròn con vuông ấy.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 4: Những ngày đầu làm mẹ

Tôi bước vào đời với vết nhơ nhuốc đầu tiên bị từ hôn. Tôi càng không thể mang bụng bầu quay lại Việt Nam chỉ sau mấy tháng lấy chồng.
Tôi đã để cho bố mẹ tôi chịu quá nhiều xót xa, mang lại nhục nhã cho gia đình một lần rồi. Lý trí và tình cảm, sự tự trọng đã dồn tôi tới bước đường cùng. Tôi buộc phải chấp nhận.
Thúy đưa tôi tới bác sĩ gần nhà. Đây cũng là ông bác sĩ đã khám cho Thúy khi cô mang bầu mấy năm trước. Ông bác sĩ cũng kiệm lời, không hỏi han nhiều. Chắc ông quen với việc, mỗi bà bầu Việt Nam là một kho tủi hờn, mà ông chẳng muốn thành túi trút những bi kịch ngoại quốc.
Ngày hôm sau, bất ngờ Thúy gọi lại cho tôi cầu cứu:
- Ngọc qua đây, giúp tao chở con đi bệnh viện, chồng tao đánh nó rơi từ trên lầu xuống!
Trời, tôi tự tiện đến nhà Thúy, chắc chồng nó lại đánh nó rơi từ trên lầu xuống như con nó thôi. Nhưng tôi vẫn phải đi. Lúc đi bộ xuống cầu thang, tôi gặp Thán đi lên. Tự dưng buổi chiều rảnh rỗi ông về nhà.
Thán giữ tôi lại, kêu lên nhà. Trong lúc cấp bách tôi vội vã:
- Cho em đi một chút, bạn em cần em giúp. Chồng nó đánh con nó bị thương.
- Đã bảo chuyện riêng nhà người ta, không ai có quyền xía vào!
- Em xin anh, cho em đi, bạn em cần em giúp! Cô ấy là cô dâu Việt Nam. Em chỉ đi với nó đến bệnh viện rồi em về ngay.
- Mày không nghe lời tao thì mày đi luôn đi, đừng về nữa!
Trời rét buốt năm độ, đã gần tết âm lịch. Tôi xốc mũ áo lông lên vượt qua ngã tư, đi tắt ngang qua công viên tới nhà Thúy. Thúy đã kêu taxi ôm con vào viện, tôi đứng ở tầng một, không dám gọi chuông cửa nhà Thúy.
Tôi co tay che cái thai trong bụng, như muốn che chở con mình. Nấn ná một lúc, gọi điện cho Thúy hỏi thăm tình hình trong bệnh viện rồi tôi về. Thương nhau thì ít gặp nhau, tránh cớ cho chồng Thúy vũ phu.
Khi tôi quay về, tôi thấy quần áo, va li, đồ đạc của tôi bị vứt tung tóe ngoài đường. Tôi bấm chuông cửa, Thán không cho tôi vào nhà nữa. Trời ơi!
Tôi đứng trước cái bảng chuông treo trên cửa sắt của khu chung cư khóc ngất.
Khóc cho tới khi đêm tối. Những người Đài Loan trong khu chung cư tan sở về, tò mò nhìn tôi. Có người ái ngại hỏi han, có người kêu chồng tôi xuống giải quyết, nói, không sống với nhau nữa thì viết đơn li dị đi! Chồng tôi giận dữ nói với họ từng tràng tiếng Đài mà tôi không hiểu, sau đó bỏ lên lầu.
Tuy nhiên ông không đóng cửa, tôi đi theo. Những người Đài Loan tốt bụng gom quần áo của tôi mang lên cửa nhà trả lại. Họ nói, tôi nên nghỉ ngơi giữ sức khỏe cho em bé, đừng gây sự với chồng nữa.
Nếu biết tôi cưỡng ý chồng, cố đi giúp bạn, chắc họ sẽ khuyên nhủ thêm nhiều nữa. Họ sẽ không thể hiểu những người phụ nữ Việt Nam như tôi đang nghĩ gì.
Những người vẫn mang tâm thế người Việt ra nước ngoài. Nên bỡ ngỡ với xã hội hiện đại đầy quy tắc này.

Trong đêm ba mươi Tết, pháo hoa nở khắp nơi trên đảo Đài Loan. Những người qua đường sung sướng dìu nhau đi ăn, đi tới sân vận động Đài Trung dự lễ hội tất niên.
Tôi ngồi một mình trong công viên lạnh giá, lòng trống rỗng không nghĩ ngợi gì.
Tôi chờ An Kỳ ra khỏi nhà tôi.
Tôi chờ tới năm giờ sáng. Sương rơi xuống ướt đẫm chiếc ghế quanh tôi. Sương của sáng sớm tinh mơ ngày mùng một tết, sao cay đắng. Chua chát như phận đàn bà xa xứ.
Tôi bước vào đời với vết nhơ nhuốc đầu tiên bị từ hôn. Tôi càng không thể mang bụng bầu quay lại Việt Nam chỉ sau mấy tháng lấy chồng. Tôi đã để cho bố mẹ tôi chịu quá nhiều xót xa, mang lại nhục nhã cho gia đình một lần rồi. Lý trí và tình cảm, sự tự trọng đã dồn tôi tới bước đường cùng. Tôi buộc phải chấp nhận.
Tôi ngồi chờ người tình của chồng tôi bước ra khỏi cuộc đời tôi.

Tháng thứ tám trôi qua trong bất an, tháng thứ chín, tôi đã có thói quen tính thời gian bằng tuổi con tôi. Con tôi chín tháng, nó sắp chào đời.
Tôi đã quen nhiều cô dâu Việt Nam hơn, những buổi đi ra ngoài cùng Thúy, chúng tôi không đánh bạc, chỉ ngồi ăn những món Việt Nam ở những quán nhỏ của cô dâu Việt.
"Còn tôi, tôi khốn khổ xoay xở với bản thân mình và đứa bé. Con tôi da nhăn, khóc to và trán rộng.
Tôi lo lắng ngắm con ngủ, cố tìm kiếm trên gương mặt nó có dấu hiệu ngũ quan dị tướng như cha nó không"
Tôi thích món trứng vịt lộn mà chồng tôi ghê sợ. Giờ đây tôi mới thấy, những cô dâu đồng hương mới tình cảm làm sao. Các cô cho con tôi quần áo tã lót, những bọc bỉm chưa dùng hết, bình sữa, sữa bột, những thứ lặt vặt thừa thãi sau khi con cái họ đã lớn hơn.
Ở Việt Nam tôi vẫn coi rẻ những cô gái quê lên thành phố túm tụm ở công viên chờ người xem mặt. Đi qua các đám cưới tập thể ở Đầm Sen của những đôi chồng Đài vợ Việt vẫn cảm thấy xốn xang thương hại và bất nhẫn. Giờ họ lại xốn xang thương hại và bất nhẫn thay cho tôi.
Tôi thấy có những ông chồng Đài Loan dù kinh sợ trứng vịt lộn như sợ xác chết, nhưng vẫn đến mua chục trứng về cho vợ ăn, còn mua thêm mớ rau răm, thứ rau ngay cả nhiều người Đài Loan cũng không biết tên nó là loại rau gì.
Giờ đây tôi đã biết hạnh phúc và cay đắng là thế nào khi ngắm nhìn hạnh phúc của người khác. Những thứ nhỏ nhoi mà vợ với chồng chia sẻ trong cuộc sống.
Câu cửa miệng mà cô dâu Việt Nam khi mới gặp nhau làm quen sẽ là: Mỗi tháng chồng cho bao nhiêu tiền gửi về Việt Nam? Tiền nhiều tức là chồng yêu.
Các ông chồng lấy vợ Việt khi mới gặp nhau làm quen thì lại hỏi: Quê vợ ở tỉnh nào? Chúng ta có đồng -hương- vợ với nhau không? Nếu có tay bắt mặt mừng.
Có một buổi, ông taxi gần khu Đại Nhã thỉnh thoảng chở tôi và Thúy đi đã hỏi tôi, trong một ngày mưa, tôi đi một mình đến quán ăn Việt Nam.
- Chồng cô đâu? Sao chồng cô không chở cô bao giờ? Tôi nói, chồng tôi có bồ. Và chồng tôi không yêu tôi nữa. - Vậy cô định thế nào? Tôi nhìn những gạt nước mỏng manh lướt qua cửa kính trước mũi xe, trầm ngâm. - Đẻ con xong, tôi sẽ đi làm nuôi con tôi. - Vợ tôi đẻ xong đi làm rồi đi mất hẳn!
Tôi nhìn ông lái xe. - Vợ tôi cũng người Việt Nam, quê Cần Thơ.
Tôi nói:
- Chắc cô ấy cũng có nỗi khổ riêng. Người phụ nữ Việt Nam có thể bỏ chồng chứ không thể nào bỏ con.
Tôi vừa bước chân vào quán bỗng dưng thấy đau bụng quá, chợt nghĩ nếu trở dạ bây giờ thì biết xoay xở thế nào. Thấy mặt tôi tái đi đứng tựa cánh cửa kính, chống hai cánh không cho nó khép lại, mọi người trong quán đều quay ra nhìn tôi.
- Lạy trời lạy phật, xin cho hai mẹ con con được mẹ tròn con vuông. Con xin ăn chay hai tháng để tạ ơn trời phật.
Tôi lẩm bẩm, và trong cơn đau cố gắng cầu xin thêm lần nữa bằng tiếng Hoa. Tôi không biết trời phật ở đây có biết tiếng Việt không, có nghe thấu lời tôi cầu xin hay không. Nên tôi cố gắng niệm thêm một lần bằng tiếng Hoa bập bẹ những cầu xin thê thảm ấy.
Chủ quán tên Huệ dặn chồng ở lại rồi dìu tôi ra ngoài vẫy taxi, vừa may, ông taxi ban nãy vừa quay đầu định qua ngã tư ngay trước cửa. Chiếc xe vàng lộn ngay sang phía đường ngược chiều, rồi phóng như bay tới bệnh viện Dung Tổng.

Thật may mắn, chồng tôi vẫn mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho tôi ngay từ ngày đầu tôi bước chân sang Đài Loan, vì thế, lúc lâm bồn, tôi vẫn được hưởng những chăm sóc tốt nhất của bệnh viện và bác sĩ. Tôi phải mổ, vì thai ngôi ngược.
Cũng vì mổ, suốt một tháng tôi không có sữa cho con. Tôi sụt mười bảy ki lô gam, da bọc xương.
Tôi không sao nuốt nổi những món ăn dành cho sản phụ của Đài Loan. Món nào cũng có rượu, có gừng, có thuốc bắc, có thịt đầy, bóng mỡ. Rau hầm nát nhoét và cơm nếp đen sì, ruốc thịt trộn đường.
Những sản phụ Đài Loan rời bệnh viện được đưa tới một nhà chăm sóc y tế tư nhân đặc biệt. Những món ăn cho mẹ mới sinh bé được kê tỉ mỉ với một bảng dinh dưỡng khoa học. Và họ quen với khẩu vị dân gian với những món nồng mùi thuốc bắc của Đài Loan.
Còn tôi, tôi khốn khổ xoay xở với bản thân mình và đứa bé. Con tôi da nhăn, khóc to và trán rộng. Tôi lo lắng ngắm con ngủ, cố tìm kiếm trên gương mặt nó có dấu hiệu ngũ quan dị tướng như cha nó không.
Thán chỉ nhìn mặt con một lần. Lần thứ hai là sau đó hai tuần.
Tôi chỉ vào buồng tắm để tắm gội một lúc, thế mà quay ra đã không thấy con trai tôi đâu. Thán cũng đi mất.
Tôi gào lên, tôi gọi điện cho chồng nhưng chồng tôi không nghe máy, tôi gọi cảnh sát, chỉ mười phút sau cảnh sát Đài Loan đập cửa vào đầy nhà tôi. Họ cho rằng, chắc chồng tôi đã bế con đi.
Buổi tối Thán mới về đến nhà. Chồng tôi cho biết đã lái xe một mạch lên Đài Bắc, mang thằng con lai đỏ hỏn cho một gia đình người bạn quen biết.
- Con tôi đâu? - Tôi chỉ còn biết khóc thảm thiết.
Cảnh sát quay trở lại, yêu cầu chồng tôi ký vào bản tường trình và cam đoan mang con trả lại cho tôi. Chồng tôi sợ bị kiện, đành ký giấy và cam đoan mang con quay lại trong vòng hai tư tiếng.
Quay lại tôi, chồng tôi nói:
- Đem cho nó đi, người ta sẽ cho một số tiền lớn.
- Ông không cần nó nhưng nó là con tôi. Sao ông không mang cho con của bà vợ cũ, bà ấy có những ba đứa. Còn tôi chỉ có một đứa đầu lòng!
- Nếu mày không cần tiền thật, thì tự nuôi con đi, tao sẽ không cho bất kỳ một Đài tệ nào!
Tôi thấy tôi đã cứng rắn hơn, nhẫn tâm hơn, kiên cường hơn. Có điều mỗi lần phải cứng cỏi là một lần có nhát dao vô tình đâm vào tim tôi đau nhói...
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 5: Chuyện nhặt đau lòng

Trong nước mắt nóng đêm ấy, tôi hiểu ra, những cô dâu Việt Nam đó chắc cũng khóc mỗi đêm như tôi, chắc cũng cắn răng để đau đớn nhận ra rằng, không thể mang con theo trong cuộc đời nghèo khó và nhiều bất trắc của một cô dâu ngoại quốc, có lẽ là nỗi đau suốt đời của những cô dâu Việt.

Dáng hình cao nghều dị tướng của Thán phản chiếu cả bóng dáng tâm hồn quái dị của ông ta.
Không hiểu bằng cách gì, sáng hôm sau Thán đã mang con trả lại cho tôi ngay. Ông đi khỏi nhà, đi khỏi hẳn cuộc hôn nhân, không còn gì giữa chúng tôi nữa, ngoài một cái nợ đời lỡ ràng lên nhau.
Con tôi thiếu sữa, hai ngày xa mẹ, nó sụt mất 200 gam. Tôi còn chưa kịp đặt tên cho con.

Tôi đành ôm con về Việt Nam gửi mẹ tôi nuôi, không dám ở lại lâu sợ sẽ đứt ruột vì con, tôi quay trở lại Đài Loan ngay trên chuyến bay hai hôm sau. Hành lý chất chặt mì tôm, tôi chuẩn bị cho một hành trình mới trong đời.
Hai ông bà già nuôi đứa cháu ngoại, bố mẹ còn sống đó, chưa mồ côi mà chắc đã như mồ côi.
Tôi chỉ có một ý nghĩ, quay về Đài Loan đi làm kiếm tiền nuôi con. Bù đắp cho con tôi, sau khi gây dựng một cuộc sống vững vàng sẽ lại đón con tôi sang.
Nghèo, không có gì giải trí, chơi bài là thú tiêu khiển vừa tầm tay nhất. Giống như đàn ông, thấy giá xị đế rẻ nên mới dễ say.
Tôi không ấu trĩ tới mức nghĩ xuất giá phải tòng phu, tôi cũng không còn gì ràng buộc với Thán nữa, ngoài hồ sơ kết hôn được thẩm định và thẻ cư trú. Tôi càng không tham cuộc sống sung túc của xã hội Đài Loan hay cái xác nhà của Thán.
Tôi cắn răng quay lại Đài Loan vì con tôi.
Trong gần một năm ở Đài Loan, tôi đã hiểu cuộc sống của một đứa trẻ ở đây sẽ tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều.
Không khí trong lành, giáo dục cao cấp, điều kiện sống thuận lợi, đầu óc con người cởi mở ít mặc cảm, không ai dè bỉu người li hôn, không ai nhạo báng đứa trẻ không bố hoặc không mẹ.
Và điều quan trọng nhất là bảo hiểm y tế với chế độ điều trị, thuốc thang tốt đảm bảo cho tôi yên lòng về con.
Những người mẹ quê mùa có thể nghĩ, chỉ cần con bú mẹ, mẹ chăm ẵm bế mớm là đủ để con lớn.

Những người như tôi, có hiểu biết, có học thức, từng trải cuộc sống cả ở trong và ngoài Việt Nam rồi, thì hơn ai khác đều hiểu sâu sắc rằng, để con khôn lớn cần bao nhiêu thứ khác ngoài dòng sữa mẹ.
Con tôi cần một trường học tốt, một cô giáo không kỳ thị, một bác sĩ giỏi, một đơn thuốc có lương tâm không bị bóp méo bởi hoa hồng của hãng dược, những món ăn không bị trộn thuốc trừ sâu hay chất formol bảo quản, một con đường cho con đi học bớt bụi bặm khói xe ô nhiễm, và hơn tất cả là một cuộc sống không ai có quyền xúc phạm dè bỉu nó, cười nó không cha.
Mà muốn nuôi con một mình ở Đài Loan, tôi buộc phải có việc, có thu nhập, rồi mới có thể dọn ra khỏi nhà Thán.
Tôi hy vọng chỉ một năm thôi, tôi sẽ thuê nhà, ở riêng, đón con về, nuôi con, cho con một cuộc sống tuy đạm bạc nhưng yêu thương nhất.
Để nó không phát hiện ra thân phận con lai trớ trêu sinh ra không tình yêu, mà nếu ở Việt Nam, nếu cả tôi và nó ở Việt Nam, trước những thị phi dèm pha, rồi cũng sẽ có ngày quá sức chịu đựng.
Tôi thấy tôi đã cứng rắn hơn, nhẫn tâm hơn, kiên cường hơn. Có điều mỗi lần phải cứng cỏi là một lần có nhát dao vô tình đâm vào tim tôi đau nhói.
Đêm đầu tiên trở lại Đài Loan, ngực tôi bỗng rỉ ra một thứ nước đùng đục nhờ nhờ thấm xuống đệm giường. Dòng sữa đầu tiên đã chảy ra.
Giờ này biết đâu con tôi đang khát ở Việt Nam.
Con ơi! Đau lòng mẹ quá! Mẹ không cho con được một giọt sữa.
Tôi khóc thổn thức trong bóng đêm một mình, trong lòng như hàng trăm ngàn mũi kim đâm xuống.
Trước đây, chỉ vài ngày trước đây thôi, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ dứt ruột bỏ con lại nơi xa lạ. Hằng ngày báo chí Đài Loan vẫn nhan nhản những tin cô dâu Việt Nam vứt con lại cho chồng, bỏ trốn về Việt Nam. Hoặc những vụ li hôn thì 99% chồng sẽ nuôi con, cô dâu Việt Nam dứt áo ra đi không ngoái lại.
Tôi vẫn thầm nhiếc móc những người ấy làm xấu hổ cho phụ nữ Việt Nam, là những người mẹ vô lương tâm, thiếu đạo đức.
Chắc là những người ít học, quê mùa, thiếu tình cảm, mới đang tâm bỏ con, thậm chí bỏ hai ba đứa con cho chồng, để ra đi, để về hẳn Việt Nam, có khi cả đời chưa chắc đã quay lại đảo Đài.
Nhưng giờ đây, chính tôi là một người như thế, tôi cũng dứt áo để con tôi lìa mẹ.
Thì ra, nỗi đau mẹ lìa con thì người mẹ mù chữ hay người mẹ tốt nghiệp đại học cũng đau đớn như nhau.
Nước mắt cắt da như nhau.
Thế mà giờ tôi mới cảm nhận hết được. Nếu nói tôi đang đeo đuổi phù hoa, bỏ quên tình mẫu tử cũng đúng, tôi khác gì những cô dâu Việt ấy?
Cho dù tôi biết chắc, tôi có lý do của mình!

Hình như ông lái taxi đã chờ tôi từ lâu. Chiếc xe vàng trờ tới khi tôi vừa ra khỏi nhà, phân vân.
Ông lái taxi tên là Dương Lý Huy. Vợ tên là Lan người Cần Thơ, bỏ đi khi chồng lái xe đêm về, bắt gặp vợ bán dâm. Lan xấu hổ bỏ nhà đi đã hai năm nay.
Thấy tôi tiều tuỵ ông khuyên, đưa con về Việt Nam là quyết định đúng đắn, bao nhiêu đôi vợ chồng Đài Việt thu nhập thấp còn phải gửi con về ngoại, mình cô làm sao xoay xở nổi.
Dương nói, tôi thì khác, tôi tự nuôi con, trả nợ. Có những thời gian đã bán nhà, cho con lên taxi, phơi quần áo qua cửa sổ xe, chạy khắp thành phố bắt khách.
Taxi đi trong trưa nắng, quần áo bay phấp phới, sinh nhật của thằng con ba tuổi suýt nữa trôi qua trên băng ghế sau chiếc taxi. Tôi chỉ đón khách quen, nên nhiều người thông cảm.
Tuy nhiên có một lần, hãng truyền hình cáp ETTV chộp được cảnh bố con Dương lấy nhà làm xe. Đưa lên tin độc quyền, chiếu đi chiếu lại suốt ngày. Và nói, cảnh báo bi kịch của những người đi lấy vợ Việt Nam.
Để giữ thể diện, Dương tìm thuê nhà, tìm nơi gửi con, tiếp tục cày trả nợ trên từng tuyến đường. Tuy nhiên có thêm nhiều khách mới, làm ăn thuận lợi dần. Khách Việt Nam thích gọi xe Dương, có màn hình video chiếu Thúy Nga Paris suốt ngày.
Không ai tưởng tượng nổi từ một người có nhà có xe thành con nợ đầm đìa.
Tôi nói, thì ở Việt Nam cũng vậy thôi, chồng vài xị đế, vợ tứ sắc, bốn mùa. Mở báo ra xem có mẹ bán con gái đi Campuchia làm đĩ lấy tiền ở nhà chơi tứ sắc. Nghe đến đấy Dương thở dài, rất dài.
Tôi giải thích tiếp, cái ác cái xấu xã hội nào cũng có, nhưng nếu một cộng đồng nhỏ có chung nhiều thói xấu, phải xem xét khía cạnh tâm lý và hoàn cảnh sinh sống.
Nếu spa, thẩm mỹ viện gần và rẻ như một tô phở Việt Nam, đảm bảo các cô dâu Việt đi làm đẹp suốt ngày.
Dương nói, anh ta chiều vợ lắm, lúc mang bầu không cho Lan đi làm nhà máy nữa, bắt Lan ở nhà. Dương chạy thêm cuốc xe đêm tích tiền dành cho con đầu lòng.
Có ngày mưa đông khách, xe Dương chạy tới mười sáu tiếng liên tục. Tiền mặt cứ có đủ hai nghìn tệ, Dương đổi ra tiền chẵn, tới máy ATM nào gần nhất nạp vào tài khoản. Ki cóp như hồi sắp đi Việt Nam cưới vợ.
Lan gần sanh, chiều đi làm về Dương để ý thấy xổ số cào xé trắng sân. Lan chỉ bảo, buồn buồn cào chơi, có hôm khoe trúng mấy trăm tệ.
Xổ số không cào nữa thì đi quán ăn Việt Nam tiêu khiển. Con trai chào đời vài tháng sau, Dương mới phát hiện trát của tòa án đòi hoàn nợ cho ngân hàng.
Thì ra ham hố ăn thua, Lan rút sạch tiền tiết kiệm, vay thêm ngân hàng khoảng hơn một trăm nghìn đô la. Tất cả trút hết vào cờ bạc. Mỗi tháng, hóa đơn đòi nợ và báo lãi của ngân hàng gửi tới nhà, Lan giấu chồng xé hết phi tang.
Lan khóc bù lu bù loa rồi mang con về Việt Nam. Rất tình cờ, sáng hôm đó Dương chở khách đi xa, ra sân bay quốc tế, bỗng nhìn thấy vợ đang bế con trong phòng chờ, đã làm xong thủ tục lên máy bay. Người đàn ông Đài Loan đầy râu, đen sạm, cao lớn, khóc nức nở trong nhà chờ số Hai sân bay Đào Viên.
Giằng co lại được đứa trẻ ẵm ngửa, còn cô vợ cắp nách cái ví da bỏ đi thẳng qua cửa hải quan.
Dương Lý Huy nói, tôi chở cô tới xin việc ở nhà máy đóng gói trứng gà, chỗ ngày xưa vợ tôi làm việc. Lương không cao nhưng công việc nhẹ nhàng, mới đẻ con xong, làm ở đấy cũng tốt.
Từ đó, thành phố có thêm người đàn ông có vợ nhưng độc thân, quen tôi có chồng nhưng đơn chiếc.
Mười tám tháng trước, môn Tâm lý học xã hội và Dân tộc học đại cương tôi được 8/10 điểm. Không ngờ những bài tập trong đời sống về sự kỳ thị dân tộc, những xung đột văn hoá, xung đột tâm lý gia đình đã cho tôi điểm thấp nhất của trường đời.

Ngày nghỉ, Thúy dẫn con ra công viên chơi cùng tôi. Thúy đi làm ở quán Trúc Viên, ngày bưng bê mười tiếng đồng hồ được tám trăm đồng Đài tệ. Ba ngày làm bằng tiền chợ cả tháng của mẹ Thúy ở Việt Nam.
Thúy hy vọng làm thêm vài năm, nhập quốc tịch xong có giấy chứng minh thư, cô sẽ vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ trả góp. Và hai mẹ con sẽ sống với nhau, không cần đàn ông.
Thúy nói, chồng tốt mà cục tính, rất ghét tính đàn đúm và hay nói to cười to của mấy cô người Việt. Già rồi mới cưới vợ nên ghen kinh khủng, ghen cả với bạn gái của vợ. Chồng khó tính nên Thúy khóc cũng không dám to.
Nhưng được cái gây sự xong chồng Thúy luôn làm lành trước. Khóc lóc xin lỗi, chở đi chơi, cho đi mua sắm như để chuộc lỗi. Nhưng đi mua sắm thấy người ta khen vợ đẹp, kéo luôn vợ về đóng cửa đập phá.
Chỉ có những thứ đồ gỗ trang trí trong phòng là ông không bao giờ đập phá. Thúy bảo, chị hóa ra không hơn đồ gỗ nhà nó.
Lúc ra đi rời khỏi Thán sao tôi lại không khóc nhỉ? Người đàn bà ngang ngược trong tôi đã giết chết nước mắt từ khi nào?
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 6: Mối tình thứ hai

Tôi ngất xỉu bên dây chuyền lúc mười một giờ trưa, gục lên thùng trứng gà trắng như vôi. Có lẽ hai trăm bữa cơm chay dài dằng dặc đã rút sức lực tôi. Mọi người gọi xe cấp cứu chở tôi vào viện gần nhà. Chiếc dây buộc tóc của tôi rớt lại, trôi theo băng chuyền sang xưởng hai đóng gói.

Mỗi sáng, tôi vội vã dậy, thay đồ, nhìn sang cửa buồng xem Thán có ngủ ở nhà không, hay có còn ở nhà không.
Mỗi sáng, Thán tụt bộ quần áo cũ trước cửa buồng cho tôi giặt dọn. Những bộ quần áo nhằn nhèo là thông điệp duy nhất giữa vợ với chồng. Tiếng Hoa của tôi đã khá hơn, tôi đã biết nói rất nhiều điều, nhưng tôi hình như không còn điều gì để trò chuyện cùng chồng nữa.
Chiếc xe cũ dựng trước cửa nhà, lật cốp xe lấy nón bảo hiểm, tôi đi chừng mười lăm phút tới nhà máy. Tôi thầm cảm ơn thói quen ăn đường uống chợ của người Đài Loan đã không đặt lên vai tôi áp lực của những bữa cơm chiều. Và tiện nhất là giờ đây khi tôi đang ăn chay, tôi tình nguyện thực hiện lời cầu nguyện mấy tháng trước, khi con tôi sắp chào đời.
Nhà máy đã từng có rất nhiều công nhân Việt Nam, nhưng các cô dâu chỉ làm vài tháng rồi nghỉ. Lương thấp nhưng có ăn trưa ăn tối. Chỉ có điều, ngoài kia có hàng trăm công việc thu nhập nhiều hơn mỗi ngày ngồi xếp trứng vào từng kẹp nhựa trong veo, nhàm tẻ.
Khi Dương Lý Huy dẫn tôi tới xin việc, ai cũng nghĩ đấy là chồng tôi. Vì thế, tôi không cần phải viết giấy đảm bảo. Rất nhiều xí nghiệp ở Đài Loan đã buộc cô dâu Việt phải đảm bảo có sự đồng ý của chồng mới nhận vào làm. Thân phận dâu Việt là nhược điểm lớn nhất khi đi xin việc tại đây. Ông chủ không sợ dân Việt, mà sợ ông chồng Đài.
Tôi cũng thế, tôi không sợ chủ bằng sợ chồng.
Cũng không phải vì tôi sợ Thán đánh, tôi không sợ Thán cắt đứt mọi hỗ trợ tài chính vốn đã eo hẹp, tôi càng không sợ bị vứt ra đường. Nhưng không hiểu sao, tôi đứng trước mặt chồng luôn lo âu. Tôi sợ những gì đó vô hình đang ràng chúng tôi lại trong không gian chật hẹp ba mươi lăm chiếu * (1 chiếu = 1,65m2), căn hộ chung cư đường Đại Nhã.
Kéo cánh tủ ra là tấm gương rộng bằng nửa bức tường. Kéo tấm gương ra là những áo quần ngay ngắn xa lạ, lạnh lẽo trắng. Ngày mới về đây, chúng tôi thích yêu nhau trước tấm gương lớn. Bây giờ, gương tủ phản chiếu nét mặt tôi cam chịu, dồn nén, tôi không bao giờ khóc trước gương, nên trong bóng ấy sẽ không bao giờ thấy nước mắt.
Tôi từ lâu đã không còn dám treo quần áo chung với đồ của chồng, chiếc tủ áo lớn và trống một bên, đứng chễm chệ như đang quan sát cuộc sống chung đôi lạc loài này.

Hình như không chỉ là kiệt sức, thiếu dinh dưỡng, cũng không chỉ là huyết áp thấp, cái bệnh xấu máu như mẹ tôi. Tôi được truyền nước, vẫn vừa sốt vừa rét, bác sĩ bảo, gọi chồng vào rồi nhập viện!
Tôi nói:
- Xin cho tôi nằm viện trước, gọi chồng sau!
Ở Việt Nam, hình như người ta gọi đây là bệnh hậu sản? Tôi mới sinh đứa con đầu, không có tí kinh nghiệm gì, chẳng biết hỏi ai.
Chiều tối Thán tới, chẳng mang gì. Tôi nói, sốt quá xin cho em một cốc nước, Thán nói, chờ đó, về nhà lấy. Rồi Thán đi luôn không quay lại. Sáng sau, trước lúc đi làm, Thán đến bệnh viện đưa cho tôi ba nghìn Đài tệ rồi đi thẳng. Chắc ý của chồng tôi là, chỉ được ốm trong khoảng ngần ấy tiền.
Nhưng tôi đã ốm gấp mười lần số tiền đó, tôi nằm viện một tháng. Nhà máy mang trả lương và nói, sa thải cô XiaoYu (Tiểu Ngọc) từ ngày hôm nay.

Những ngày nằm viện, ngày ngày tôi lại nằm suông ngó lên song cửa, ngoài kia có mây bay qua những tán cây phong lá năm cánh, xanh xanh, xôn xao. Không ai biết tôi đang là ai, đang ở đâu, đang sống cuộc đời thế nào. Cảm giác tự do này sao thanh thản thế. Chỉ cố để không nghĩ đến con và quê nhà.
Cảm giác thanh thản như thể mình sẽ đi vào cõi chết, chả tha thiết gì nữa, không cầu xin gì nữa. Chỉ ngày ngày nhìn lên bầu trời xanh và những tay lá phong xôn xao, thơi thả lay trong gió miền Trung.
Sao ở đây những ngày đẹp trời quanh năm?
Giường bên là bà mẹ họ Tiêu, hình như cắt tử cung hay buồng trứng gì đó, cũng nằm suốt ngày. Bà không biết tiếng Hoa, tôi cũng không biết tiếng bản địa Đài Loan, thành ra hai người nằm nhìn nhau im lặng qua thành giường.
Người mẹ ngày nào cũng được con trai mang cơm tới. Người con trai bà Tiêu mới ba mươi mấy tuổi đã goá vợ sau trận động đất khủng khiếp ngày 21-9 cách đây vài năm.
Con trai bà Tiêu họ Nhan, ban đầu tôi gọi Nhan tiên sinh. Anh là phiên dịch bất đắc dĩ cho tôi và bà Tiêu, anh giúp tôi gọi bác sĩ, giúp tôi mua vài thứ lặt vặt.
Rồi Nhan từ chỗ phải chăm một người bệnh, trở thành hộ lý cho hai người bệnh. Từ ngày đặt chân tới đất Đài Loan đến giờ, tôi mới chỉ biết mỗi chồng tôi. Giờ đây, tôi bỗng có một nỗi ấm áp không thể nào nói ra mỗi khi nghe tiếng chân Nhan đến gần phòng mình, giờ tan sở.

Tôi không biết tôi đã yêu Nhan từ khi nào. Hoặc anh đã chấp nhận tôi vào đời anh từ khi nào.
Tôi không biết tôi bệnh gì, nhưng sau một thời gian quá dài nằm đây, tôi trở nên thông thạo một số từ ngữ chuyên môn y khoa. Lúc nào đỡ mệt, tôi ngồi dậy mang tự điển ra sân ngồi đọc. Cuốn tự điển Trung-Anh bé bằng bao diêm, mua ở cửa hàng Seven-Eleven cùng tấm bản đồ Đài Trung. Đó là thứ duy nhất tôi biết đọc hiểu ở đây.
"Nằm viện như một cái chết tạm thời. Và cơn đau chỉ là một cái cớ để tôi buông xuôi, nhận ra cuộc đời mình bơ vơ không còn ai nương tựa. Cảm ơn cơn đau này giúp tôi khôn ngoan đối diện cuộc đời."
Một tháng nằm viện, tôi học thêm hàng nghìn từ. Biết mặt cả trăm chữ Hán mới. Tấm bản đồ tôi cũng tỉ mỉ xem, đánh dấu những nơi tôi sẽ tới khi nào mạnh khỏe và tự do. Tôi sẽ đến đầm Nhật Nguyệt, đi Phủ Li ăn lẩu nấm, đi thiền viện Trung Hưng lớn nhất Đài Loan.
Tôi không ngờ sau này, những chấm đánh dấu trên bản đồ đó, tôi đã tới, đã ngồi ăn nhà hàng ngon nhất, ở trong khách sạn Hàn Bích Lầu đắt tiền nhất, với thân phận nhơ nhớp của một cô điếm lạc.

Mỗi chiều, Nhan lại mang thức gì đến bệnh viện cho bà mẹ. Cũng có khi vào lúc đêm khuya, đã hơn mười giờ đêm, hành lang vắng tanh, tiếng chân người đàn ông bước mạnh ngoài cửa gây những âm vang đặc biệt còn lưu lại trong tôi.
Không phải gia đình nào cũng tình nghĩa thế. Viện dưỡng lão ở Đài Loan nhan nhản. Hoặc những người già trên phố tôi gặp, đều ngồi trên xe do một cô giúp việc ngoại quốc đẩy dọc công viên. Chỉ có người già và các cô giúp việc ngoại quốc mới đứng bên lề dòng thác quay cuồng kiếm tiền và tiêu tiền của người Đài.

Tôi đã từng bị cuốn vào dòng thác ấy sau khi gửi con về Việt Nam. Tôi khao khát có thật nhiều tiền để thoát ra khỏi những ám ảnh thân phận.
Tôi dùng thời gian để học tiếng, học chữ, và chờ những buổi chiều Nhan vào, trò chuyện, mua nước giúp tôi, sẻ thêm đồ ăn cho tôi, ngồi trò chuyện với hai người đàn bà trong căn phòng vuông vức đầy dây nhợ.
Lần đầu tiên tôi hiểu ra, tình yêu là cảm giác được nương tựa, được yên lòng. Là cảm giác thân hơn một người bạn thân, hơn cả chính mình. Tôi mất một buổi chiều để kể chuyện của tôi cho người đàn ông góa vợ. Nhan chỉ nói ngắn gọn, bảo, nhà tôi nghèo, nhưng nhà tôi quý người.
Mẹ Nhan đồng ý ngồi ăn cơm hộp ở giường bệnh, khi Nhan chở tôi ra ngoài ăn tối. Khi tôi xuất viện, tôi về nhà lấy đồ đạc của tôi. Tôi quyết định đến sống chung với người tôi yêu.
Dương Lý Huy lại chở tôi ra viện. Trên chuyến taxi, Huy nói, trông cô gầy gò quá, nhưng có vẻ khắc nghiệt, hơn lần đầu tôi gặp.
Tôi im lặng cho đến lúc về tới nhà. Lúc dọn đồ, tôi để ý thấy buồng tắm đã có thêm bàn chải và khăn tắm màu hồng, giầy và guốc cao gót quăng sau cửa, quần áo An Kỳ vứt bừa trong nhà. Đồ lót thêu ren nhăn nhúm quanh giường làm tôi thấy lợm, khi tưởng tượng nó được tuột xuống thế nào!
Họ cứ vui sướng ngày hôm nay đi, còn tôi, đã thoát xác để vươn tới một cuộc sống khác.
Tôi bốc điện thoại nhà, gọi vào máy di động của chồng, báo cho Thán biết tôi sẽ đi. Thỏa thuận sẽ không li hôn cho tới khi tôi được nhập quốc tịch Đài Loan. Còn bây giờ, ai lo đời người ấy, tôi trả chìa khóa nhà cho chồng tôi, trên chiếc bàn ăn.
Không thể tưởng tượng đã có lúc ta hài lòng, với cuộc sống trong bốn bức tường, những cuộc tưởng là yêu, những trao đổi giản đơn, mà tưởng đó là đích đến an toàn đời mình.
Lúc ra đi, sao tôi lại không khóc nhỉ? Người đàn bà ngang ngược trong tôi đã giết chết nước mắt từ khi nào?
Hay vì hành lý nhẹ tênh, đi vài bước đã xuống đường, xe Dương Lý Huy đậu im lìm dưới gốc hoa Mỹ Nhân đang bắt đầu nở vài bông cánh đỏ điệu đà. Hoa Mỹ Nhân đẹp quá, năm ngoái khi tôi sang đây, mùa hoa đã tàn.
Có những nỗi đau gọi là mãi mãi không phải trong tâm thức những người vợ ấy mà là trong tiềm thức khi người đàn bà dạt xứ hạnh phúc thì ít, đớn đau thì nhiều.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 7: Chuyện của Vân

Vân ở Đồng Tháp. Bà dì về quê dắt cả chùm hơn chục cô lên Sài Gòn, nói lấy chồng Đài Loan sướng lắm, có nhiều tiền gửi về quê. Vân nói, em thích đi máy bay lắm, em cũng chỉ mơ ước suốt ngày được ngồi xem ti vi, nên đồng ý ngay.

Chồng Vân về ra mắt nhà vợ, chụp cả chục cái ảnh quanh nhà lợp lá, đề rõ chú thích vào dưới ảnh: Nhà vợ khi chưa cưới. Nhà lá, chưa có điện. Đi xuồng rất xa.
Sau này, tôi gặp chồng Vân trên mạng, trong diễn đàn các ông chồng Đài Loan lấy vợ Việt. Tôi nhận ra ngay bởi tấm ảnh cái chòi rơm có chú thích: "Nhà vợ khi chưa cưới, nhà lá, chưa có điện, đi xuồng rất xa". Ngoài cửa có người đàn bà đạp xe ngang dừng lại nhìn, chồng Vân nói, đó là mẹ vợ tôi.
Chồng Vân tên Lý Nghĩa, lúc ra mắt bảo nhà vợ là, tôi giàu lắm, tôi làm giám đốc bên Đài. Buôn bán tốt, ngày nào cũng có khách hàng. Lý Nghĩa cũng tử tế nên đưa hai nghìn đô cho nhà Vân, bảo sửa sang lại nhà cửa chờ ông qua cưới.
Hơn nửa năm sau, Lý Nghĩa mới qua cưới. Thành ra Vân rảnh rang, trong lúc chờ chồng rước, chỉ ngồi sơn móng tay. Cả họ hàng thấp thỏm, ở quê ngày nào cũng hỏi.
Vân sợ chồng, sợ ăn, sợ những hũ cốt đựng tro người chết quanh nhà, sợ mùi ám từ người chồng chưa bén hơi, sợ chiếc xe tang kềnh càng, sợ núi cao vắng người, sợ thức ăn nhiều dầu lắm thịt của người Đài
Tính Vân xởi lởi, hiếu kỳ, ngày đầu vừa từ sân bay về, đi mãi lên núi mới đến nhà chồng, giữa một xóm vài nóc nhà lẻ loi tồi tàn, bước vào thấy nhà cũng lợp ngói, tường gạch xây mộc không trát, Vân đặt vali xuống hỏi chồng, nhà mình đâu?
Chồng bảo, nhà mình đây! Vân té xỉu!
Trong quán ăn, Vân cười ồ ồ bảo tôi, chị ơi em còn xỉu vài lần nữa kia!
Cứ tưởng giám đốc Đài Loan phải giàu sang, nào ngờ rời nhà lá sang ở nhà gạch. Nửa năm mới sang cưới vợ được, vì còn bận đi vay tiền. Chồng em bảo, anh có nói dối em đâu, anh làm giám đốc thật mà. Công ty có hai người, anh và ông anh trai.
Chồng Vân làm giám đốc, anh chồng làm lái xe, một cái xe thoạt trông rất kỳ quặc.
Hôm sau Vân nhất quyết đòi tới công ty. Là một cái nhà chất đầy chai lọ xung quanh.
- Chai lọ gì đây hả chồng?
- Hài cốt với tro người chết không đó!
Thì ra là công ty nhà táng, Vân lại xỉu luôn tại chỗ.
Tỉnh dậy khóc bù lu bù loa.
Thảo nào chồng nói, buôn bán tốt, ngày nào cũng có khách hàng! Ôi trời ơi!
Sợ chết cứng, Vân không để cho chồng chạm vào người mình một cái nào. Cô gái quê nhút nhát thành ra sợ hãi, suốt ngày chỉ dám ngồi trong nhà.
Thế là, ước mơ được suốt ngày ngồi xem ti vi của Vân đã trở thành hiện thực! Cô ru rú trong nhà, bấm hết kênh này tới kênh khác, mệt thì đi ngủ.
Xuống núi đường xa, Vân sợ thế giới ngoài kia.
Tôi nói với Vân:
- Cho chị số điện thoại, chị sẽ gọi lại, kiếm hộ chị một công việc như em!

Vân không còn giúp việc ở quán ăn Việt Nam cạnh ga Đài Trung nữa. Quán ngày càng phát đạt, người Việt Nam đổ sang đây ngày càng đông, có thể cảm tưởng ra đường chạm mặt nói to sẽ thấy người Việt.
Những cuộc họp mặt sau xe rác của các chị ô sin Việt Nam ngày càng đông vui. Một lần, có một người đàn ông Việt Nam đi đổ rác. Hỏi ra biết quê Long An, sang đây làm ô sin đổ bô cho một bà già tám mươi trên tầng hai mươi tư của cao ốc. Ngạc nhiên quá, tôi đứng lại hỏi, anh có thật là khán hộ công giúp việc nhà không anh?
Anh ta ngượng nghịu nói, nộp bốn chục triệu rồi, môi giới bảo sang đây làm gì thì mình làm nấy.
Và anh nói nhỏ. Mai tôi trốn đi. Sang để mà trốn chứ ai chịu đi đổ bô cho bà già. Em biết chỗ nào làm mách với nhé.
Tôi cũng đang tìm việc đây. Người như anh, bán đi cũng được một nghìn đô. Nhưng tôi không cần tiền ấy. Vả lại, biết là mai bỏ trốn, tức là đã có cô dâu Việt Nam nào đó giăng sẵn lưới đón lõng anh rồi.
Buôn người không phải là dắt tay qua biên giới, đưa gái đi làm điếm đâu. Buôn người chỉ là hôm nay đi đổ rác, làm quen với một người tay xách túi rác phân loại cũng như mình. Ngày mai mình cho họ địa chỉ để trốn, mình được năm nghìn tệ. Một túi rác và hai cú điện thoại cũng là buôn người, với chính quyền Đài Loan, và cũng là đổi đời, với chúng tôi.
Giá mà tôi có trong túi một nghìn đô.
Gặp Vân ở công ty bán thẻ điện thoại ở ngay gần quán. Vân bảo, sao chị không gọi điện thoại cho em? Vừa có chỗ làm ngon lắm, đi phát tờ quảng cáo, phát mỗi ngày được một nghìn tệ, còn hơn làm công xưởng.
Tờ rơi quảng cáo màu vàng, của Western Union. Mỗi ngày một nghìn tệ bằng tiền mua sữa cho con tôi một tháng. Làm hai ngày đủ tiền mua bỉm và quần áo. Làm ba ngày đủ tiền nuôi gia đình tôi cả tháng ở Sài Gòn.
Nhưng mẹ tôi chưa bao giờ lấy của tôi một đồng nào, dù tôi gọi điện về hỏi. Mẹ tôi bảo, cháu ngoan lắm, ba tôi cũng bắt đầu yêu cháu, ông bớt uống rượu rồi.
Chiều chiều ông đặt cháu lên xe nôi, đẩy ra giữa ngõ mồ côi

Vân mặc quần ngắn tới bẹn, đi đôi bốt to đùng, thò ra hai cái đầu gối to toàn xương. Vân nói, em sang Đài Loan gầy đi mất sáu bảy ký, là do sợ.
Vân sợ chồng, sợ ăn, sợ những hũ cốt đựng tro người chết quanh nhà, sợ mùi ám từ người chồng chưa bén hơi, sợ chiếc xe tang kềnh càng, sợ núi cao vắng người, sợ thức ăn nhiều dầu lắm thịt của người Đài.
Xuống được núi, chồng dắt Vân vào quán Việt Nam, giờ đến lượt chồng Vân sợ, nôn lấy nôn để khi thấy vợ chọc thìa ăn mấy con vịt con chưa nứt mắt. Dã man quá, giờ đến lượt ổng tránh em ra, ha ha... Chắc ổng luôn tưởng tượng ra con vịt trùi trụi nằm thây lẩy trong bát trứng vịt lộn sũng nước.
Vân dễ tính, xởi lởi, đã kể là không dứt.
- Về sau này cứ thằng nào qua tán tỉnh, em lại dẫn chúng nó đi ăn hột vịt lộn. Ha ha, mấy chàng Đài Loan chạy bán sống bán chết.
Tôi đi ăn trưa với Vân, chúng tôi ngồi trong quán mì mở máy lạnh. Tự rót một ly hồng trà lạnh. Bát mì của tôi còn nguyên.
Vân nói gầy đi mà mặt vẫn cứ mũm mĩm trẻ con.
- Hồi ra văn phòng Đài Bắc phỏng vấn, ông phỏng vấn buồn cười lắm, ổng hỏi em: Đêm qua ngủ với chồng mấy lần!
- Ôi vậy hả?
- Em bảo em chả nhớ, nhưng chồng "làm" lâu lắm, chắc hai lần! Phần ông chồng thì ổng trả lời là, đêm qua ba lần! Chắc "hai lần lâu lắm" cũng gần như "làm ba lần" nên bọn em qua.
Tưởng tượng những gương mặt ngồi chờ được hỏi, ngồi chờ được sang Đài, vợ chồng không nhìn vào mắt nhau.
Tưởng tượng ông viên chức ngoại giao Đài Loan hằng đêm khốn khổ nằm nghĩ xem, mỗi sáng mai hỏi những câu gì mới chứng tỏ mối hôn nhân Việt Đài kia có thật, những người ngồi kia không lừa ông.
Bắt một ông viên chức ngoại giao đi chứng minh một mối tình có thật dẫn tới hôn nhân có thật, khó làm sao.
Ngay cả tôi, thoát khỏi ái tình và hôn nhân, cũng đã không làm sao chứng minh được những điều đó là có thật trong đời mình.
Tôi bảo Vân:
- Có lẽ chị sẽ đi khỏi đây!
- Đi đâu?
- Không biết, nhưng cứ rời Đài Trung rồi tính.
Ở đây có quá nhiều duyên nợ, vấn vương. Một người đàn bà Việt như tôi đã để lại những ngày tháng hạnh phúc đau khổ ở lại đây, bao nhiêu người đàn bà Việt sẽ đến và đi khỏi thành phố này.
Có những nỗi đau gọi là mãi mãi, không phải trong tâm thức những người vợ ấy, mà là trong tiềm thức, khi những người đàn bà dạt xứ hạnh phúc thì ít đau đớn lại nhiều.
Lần đầu tiên tôi thấy Nhan khóc. Nhan nắm tay tôi ngoảnh mặt đi. Tôi rất muốn làm một điều gì đó để an ủi người tôi yêu.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 8: Giông gió cuộc đời

Nhan khắc khoải bởi biết đâu anh chỉ là nơi tạm trú của tôi? Anh ưa yên ổn, chí thú, hiền lành. Anh không thích nghe tôi kể về những sóng gió trong đời tôi, trong tâm hồn. Anh chỉ gần gũi thân thiết với tôi trong hiện tại.
Nhan từ bệnh viện về, đã trả hết viện phí cho tôi. Anh nghỉ việc chiều nay. Nhan nói, ông chủ khó tính lắm, thời gian mẹ anh nằm viện, anh không chịu tăng ca thêm giờ, chủ đã dọa đuổi.

Nhan cao lớn, chu đáo, từ ngày đầu đã coi tôi như người thân. Buổi tối, tôi đi học tiếng Hoa miễn phí ở trường tiểu học cạnh nhà. Lớp xôn xao như một vườn trẻ lớn, con cái cô dâu Việt Nam đánh nhau, khóc lu loa, hoặc chạy huỳnh huỵch.
Tôi lại nhớ đến con tôi.
Tóc tôi dài ra theo nỗi nhớ, những đêm rối bù.
Tôi theo Nhan Bách Bân đi làm xưởng giặt là ở gần chỗ công ty anh. Công việc hơi vất vả, lương ban đầu chỉ được mười tám nghìn Đài tệ. Hai người hai lương chỉ đủ nuôi bà mẹ già và hai đứa con chồng.
Con trai Nhan học tiểu học, béo trùng trục và độc lập, không phiền tôi. Nhưng mỗi lúc làm cơm trong bếp, trong hơi nước sôi buổi tối dưới ánh đèn, tôi luôn tự hỏi, sao mình bỏ con mình để đi chăm con người? Có đáng không?
Có đáng không, cho dù là giữa tình yêu?
Những câu hỏi dắt tôi ra đường, giữa khuya, ngồi im lặng dưới ngọn đèn đường thẫn thờ.
Một đêm, Nhan đến ngồi đầu kia chiếc ghế, cũng trầm ngâm, rồi sát lại ôm vai tôi nói, anh yêu em, em biết vì sao không?
Lắc đầu. Thôi về đi em ạ. Dắt tay tôi.

Chúng tôi yêu nhau giữa những tâm trạng khắc khoải, không toàn vẹn.
Nhan khắc khoải bởi biết đâu anh chỉ là nơi tạm trú của tôi? Anh ưa yên ổn, chí thú, hiền lành. Anh không thích nghe tôi kể về những sóng gió trong đời tôi, trong tâm hồn. Anh chỉ gần gũi thân thiết với tôi trong hiện tại. Anh lạ lẫm với tôi giằng xé giữa quá khứ và tương lai.
Gần đây, đến lượt Nhan bỏ tôi ra ngồi dưới ngọn đèn đường. Những buổi tối không thấy Nhan đâu, tôi bật kênh Yoyo cho lũ trẻ xem rồi cũng lẻn khỏi nhà tìm đến bên người đàn ông tôi yêu, dựa vai anh. Chúng tôi ngồi canh cho ánh sáng thành phố Đài Trung. Cảm ơn thị trưởng Đài Trung đã không tắt ngọn đèn trước công viên của hai chúng tôi. Một ngọn đèn nhỏ nhoi giữa hàng tỷ watt năng lượng nguyên tử tràn ngập đảo, lại quan trọng với chúng tôi như thế này. Nó chứng kiến lúc chúng tôi lặng im.
Bình yên là một thứ hạnh phúc khó bày tỏ, khó chứng kiến.
Thời gian ấy ngắn tới mức không kịp nhớ, tôi đã bị đẩy vào cuộc đời sóng gió.
Hoặc đời tôi sóng gió tới mức nhận ra, ngọn đèn gia đình sum vầy chỉ sáng lên trong mong ước mà thôi. Còn tôi, số phận tôi gắn với những ngọn đèn đường.
Nhan bị đuổi việc.
Thì ra, những ngày vào viện chăm mẹ ốm, quen tôi, những ngày đón đưa tôi đi làm, anh đã bị cảnh cáo nhiều lần. Chuyến xe ân cần rước tôi đi làm mỗi sáng, đổi lại là quyết định bị đuổi việc. Chân kỹ thuật viên của anh có nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp các trường kỹ thuật của Đài Loan lấp vào, lương khởi điểm thấp hơn lương Nhan, nhưng người làm mới luôn vui vẻ phấn khởi và trẻ trung hơn.
Nhan về nhà ngồi thở dài. Bỗng dưng tôi trở thành tai họa cho cả nhà. Nhưng thê thảm hơn khi bỗng dưng, tôi trở thành người gánh vác cả gia đình năm người.
Tôi mập dần lên, khôi phục lại sức khỏe và sự vui vẻ, nhưng ngược lại với tôi là cảnh nhà Nhan Bách Bân sa sút trông thấy. Bà mẹ lại nằm quay mặt vào tường, tới ngày thứ tư, chúng tôi buộc phải đưa bà vào viện. Vào nằm đúng gian phòng chúng tôi đã quen nhau.
Tôi đứng ở sân bệnh viện, buồn rầu cầm tay Nhan.
- Em yêu anh. Nhưng em phải đi thôi.
Lần đầu tiên tôi thấy Nhan khóc, Nhan nắm tay tôi ngoảnh mặt đi. Tôi rất muốn làm một điều gì đó để an ủi người tôi yêu. Nhưng giá như làm được gì thì tôi đã làm trong suốt những ngày qua, chứ không chờ tới giây phút chia tay.
- Chúng ta có ba đứa con trai. Chúng ta có nhiều gánh nặng, có nhiều mơ ước. Em biết rằng cuộc sống khó khăn, em không muốn cuộc sống của chúng ta ngày càng chật vật đi. Vì thế, em muốn anh sẽ luôn thế này, em cũng sẽ nhớ anh.
Nhan nói:
- Ở đây bắt đầu, ở đây cũng chia tay.
Tôi đi một mình ra cổng bệnh viện, về thu xếp đồ đạc. Tôi muốn kết thúc trong êm dịu, không muốn kết thúc như thể muốn giết nhau, như với người yêu đầu, với người chồng Đài Loan.
Tháng mười sắp hết, con tôi sắp tròn sáu tháng tuổi. Tôi đón nhận mùa đông sắp tới, vui mừng nghĩ nơi con tôi sẽ không biết giá lạnh là gì. Mặt trời Sài Gòn luôn chói.
Đau đớn như thể nửa cuộc đời của tôi đã chôn nốt tại đây, bỏ tôi ở lại với Nhan.
Tôi linh cảm thấy đó là cơ hội hạnh phúc cuối cùng của đời tôi.

Phủ Li cách thành phố Đài Trung một tiếng xe bus, thị trấn nhỏ, những rặng phong mùa thu lá đổi màu dần dà. Ở đây người đi lại thong dong hơn, xe cộ ít ồn ào. Bên ngoài viện dưỡng lão, những con đường hiền lành đón tôi. Ngoái lại thấy sau lưng đầy lá cây xôn xao.
"Tôi không buôn người, tôi chỉ buôn chính mình. Tôi chỉ bán mình cho sự lương thiện. Nếu đi làm nơi khác, lương cao hơn nhưng tiền thuê nhà, ăn ba bữa cũng hết nhiều. Tính đi tính lại, tôi chấp nhận kéo đồ về Lâm Viên. "
Tôi kéo túi đồ vào quán Việt Nam trước cổng trạm xe bus Hohsin. Những người ngồi trong quán quay cả ra nhìn. Có một đôi vợ chồng ngồi ăn với đứa con, một đám đang ngồi bôi kem dưỡng da tán chuyện cũng ngừng cả lại. Tôi kéo ghế ngồi, gọi một bát phở.
Có lẽ giờ này Nhan Bách Bân sắp tan sở. Anh sẽ vào viện thăm mẹ trước khi đi đón con, đi chợ, về lụi hụi nấu ăn. Nghĩ đến người đàn ông ấy, tôi trào nước mắt.
Chắc chắn bát phở giữa đất Đài Loan khó ăn không phải vì nhiều lá húng, loại hôi hôi dùng để kẹp với thịt chó, ở quê mẹ tôi xưa.
Ăn xong tôi hỏi chị chủ quán, chỗ chị có cần người làm công không?

Ai cần người làm công có trình độ đại học? Họ chỉ cần sức người.
Ngay cả mang về làm vợ đi chăng nữa. Họ chỉ cần đàn bà.
Tôi là đàn bà đây, tôi có sức khỏe, tôi cần một chỗ làm việc, trước khi cần một chỗ ngả lưng, chưa dám nghĩ tới chỗ đứng chân. Trong xã hội, chấp nhận mình là ai, thật khó.
Đến tối, sau khi được chị em trong quán gọi điện hỏi giúp, giới thiệu vài nơi, cuối cùng tôi chấp nhận về quán Lâm Viên. Chủ quán nói chỗ rộng, tối có thể lên tầng hai ngủ. Ăn tại quán luôn. Lương tháng mười lăm nghìn.
Mười lăm nghìn tệ tức là chưa bằng một nửa tiền của cô dâu Việt, tay cầm túi rác phân loại, buổi chiều gọi một cú điện thoại, rồi hẹn cô ô sin mới, nói, sáng mai mang quần áo vẫy taxi tới địa chỉ này, tao giúp mày trốn chủ.
Tôi không buôn người, tôi chỉ buôn chính mình. Tôi chỉ bán mình cho sự lương thiện. Nếu đi làm nơi khác, lương cao hơn nhưng tiền thuê nhà, ăn ba bữa cũng hết nhiều. Tính đi tính lại, tôi chấp nhận kéo đồ về Lâm Viên. Ông chủ họ Trương, bốn mươi tư tuổi, bằng tuổi chồng tôi.
Tôi xếp đồ lên tầng hai, phòng nhỏ bên cạnh kho chất những bao những tải hàng gì đó. Ngồi xếp những vật dụng ít ỏi vào tủ gỗ, sạc điện chiếc điện thoại mà pin đã cạn tới vạch cuối cùng. Tôi cầm trên tay tấm ảnh chụp kỷ niệm ngày tốt nghiệp đại học, tôi và bạn bè trong mũ áo cử nhân cười vui sướng với cuộc đời mới phía trước.
Đêm đầu tiên nhớ Nhan kinh khủng. Cả thị trấn hàng vạn máy lạnh chạy rù rì.

Khoảng mười một giờ đêm, vừa thoáng chợp mắt, tôi đã bị đè chặt xuống giường bởi sức nặng cả thân hình cao lớn của ông chủ. Bóp cánh tay tôi đau điếng, người chủ mới hung bạo giật áo ngủ tôi xuống tuột khỏi vai, chà miết bằng tay, bằng mặt, bằng răng, bằng những móng sắc như rạch da thịt khiến tôi thét lên.
Hốt hoảng kinh hãi, tôi cố gắng bật dậy che ngực nhưng không thể cử động nổi. Cả thân thể bị đè xuống giường, cảm nhận được cả lớp vải đệm thô dưới lưng cũng đồng lõa. Nó siết lấy tôi, giữ thân thể tôi lại, từng sợi vải lạnh lùng miết lên phần lưng trần.
Ông chủ bịt miệng, rồi bóp mồm tôi. Đôi môi dầy hôi mùi trầu làm tôi đơ dại vì ghê tởm, như bị một cú giáng ngất đi.
Cảm giác tan vỡ, bất lực, nhục nhã tràn ngập đầu óc, tôi thổn thức xuôi tay, để mặc cho người đàn ông tìm kiếm trên thân thể tôi những gì ông ta muốn...
Mười hai giờ. Cái điện thoại no pin sáng lên báo hiệu. Tôi co người quay sang cầm cái miếng kim loại nhỏ nhấp nháy tín hiệu, nhìn nó chòng chọc, không hiểu đây là cái gì. Nó dùng để làm gì, nó đang sáng lên vì cái gì.
Tôi ở Đài Loan hai năm, tôi cứ tưởng trầu cau là một thứ dấu xăm phân loại thứ bậc trong xã hội Đài Loan. Ăn trầu là được quyền tàn nhẫn.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 9: Nợ trầu cau

Đêm đó tôi đã để quên một thứ, là tấm ảnh hạnh phúc rạng ngời ngày lễ tốt nghiệp đại học, chụp cùng bạn bè trong sân trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn tại TPHCM, trên mặt tủ nhỏ góc phòng. Chạy trốn, tôi phải chạy trốn.

Tôi cầm chiếc máy điện thoại trong tay, nghĩ hoài không ra một ai có thể gọi. Tôi gọi cho ai đây? Cho chồng, cho Nhan, cho Vân hay cho mẹ?
Những cô dâu ở Đài Loan ai cũng biết số điện thoại cầu cứu 119, nhưng thực mấy ai đã bấm hai phím ấy? Đường dây nóng nào hòa giải được số phận? Tổ chức nào của Đài Loan đẩy được sự nhơ nhớp này khỏi đời tôi?
Gọi cho Dương?
Ông lái taxi tốt bụng và thấu hiểu ấy liệu còn nhớ tôi là ai? Tôi bặm môi bấm hú họa, giọng nói vang lên trong đêm, tỉnh táo, như thể đang chờ tôi sẵn: "Xiao Yu, cô đang ở đâu?".
Dương lái xe trong đêm với tốc độ 130 km/giờ đến Phủ Li. Tôi cuống cuồng vơ áo quần, vật dụng nhét vào túi xách, rón rén đẩy cửa sắt bỏ chạy ra khỏi nhà trong đêm.
Cảm ơn những công ty nội thất Đài Loan thiết kế những cánh cửa chống trộm dày đặc khóa nhưng chủ nhà lại dễ dàng mở được bằng tay không, bằng những núm quay từ bên trong.
Đêm đó tôi đã để quên một thứ, là tấm ảnh hạnh phúc rạng ngời ngày lễ tốt nghiệp đại học, chụp cùng bạn bè trong sân trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn tại TPHCM, trên mặt tủ nhỏ góc phòng. Chạy trốn, tôi phải chạy trốn.
Những bước chạy ngày càng chậm lại, đau khủng khiếp, mấy ngày gần như nằm trên giường, lết từ giường ra phòng tắm, giờ bỗng dưng cơ thể tôi rệu rã, như sắp sụp xuống.
Tôi lê bước rồi sụp xuống, trước cửa quán ăn Việt Nam trước ga, chỗ tôi đã dừng chân lúc mới tới đây, và ăn một bát phở đắng.
Bánh xe chiếc taxi phanh sát trước mặt tôi, Dương mở cửa xuống xe, quành về phía tôi đỡ dậy, hỏi:
- Cô sao vậy?
Lúc đó, nước mắt đau đớn nóng bỏng bật ra khỏi tôi như một dòng thác nhỏ.

Ngày hôm sau, Dương Lý Huy chở tôi đi khám, tôi bước đi rất khó khăn, người đau ê ẩm, như muốn sụp xuống. Tôi giấu Dương Lý Huy, không kể chút gì về địa ngục tôi vừa thoát ra, nhưng chắc ông ta cũng đoán biết phần nào.
Cửa các phòng vẫn mở hé, tôi rón rén nằm xuống bên người đàn ông, vô cùng sợ hãi ông sẽ hiểu lầm tôi. Chúng tôi cùng thao thức trong đêm, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau.
Ông không tò mò hỏi làm sao mới một thời gian ngắn tôi đã trở nên cùng kiệt như thế, ông chỉ chở tôi đi khám và đứng đợi ở cửa, nhìn tôi.
Bác sĩ nói tôi bị trật khớp xương hông, phải nghỉ ngơi nhiều.
Bác sĩ nói với Dương Lý Huy, làm chồng thì phải biết nâng niu vợ, yêu tới mức cô ta trật xương hông, ảnh hưởng sức khỏe và cả tâm lý cô ấy nữa.
Rồi bác sĩ còn trách móc một tràng tiếng Đài rất nhanh, làm Dương đỏ mặt sượng trân, dìu tôi ra xe.
Trên đường chạy đi nhà thuốc, Dương Lý Huy im lặng. Tôi ngượng muốn độn thổ, ê chề, bị bóc trần ra bi kịch trong số phận mình, thứ mà tôi đã định sẽ giấu mãi mãi, sống để dạ chết mang theo.
Dương Lý Huy đưa tôi về căn nhà mới mua bằng tiền vay ngân hàng của hai bố con, con trai Dương đi mẫu giáo chưa về, Dương lúi húi nấu mì cho tôi ăn. Tắm xong, Dương ẵm tôi từ buồng tắm vào phòng ngủ.
Tôi nhắm mắt lại, nhưng Dương Lý Huy chỉ ẵm tôi nằm nghỉ, rồi ra ngoài đóng cửa. Ông đi kiếm tiền.
Người đàn ông tế nhị và chu toàn như thế, tại sao lại có số phận chẳng ra gì?

Con trai Dương đã bốn tuổi rưỡi, tên là Dương Lý Thích, hai năm không thấy mặt mẹ. Nó mập mạp chắc khỏe, hứa hẹn lớn lên sẽ cao to như cha. Nước da ngăm đen và đôi mắt hai mí là của mẹ Việt Nam.
Thích nghĩa là Thích Đức, tên đẹp hơn cha.
Nó không thắc mắc gì về sự xuất hiện của tôi từ đêm qua. Ý tứ, tối đó tôi sang phòng ngủ cùng Thích trên tấm đệm rộng rãi trải trên nền nhà.
Thích mân mê say sưa góc chéo gối, một cách cuống quýt và thích thú. Khi chìm vào giấc ngủ, hai ngón tay nó cứ xoa nắn mẩu vải bốn góc gối, ngủ rồi ngón tay còn vần vò khe khẽ. Khi hiểu ra, tôi trào nước mắt.
Tôi phát hiện ra bốn góc vỏ gối bé xíu và tròn trịa làm thằng bé con lai có cảm giác như chạm vào đầu tí mẹ. Không còn cái gì giống hơn và gần gũi hơn. Bốn góc gối mang cho nó cảm giác an toàn, bản năng, làm thỏa cơn thèm khát của một đứa trẻ con, còn mẹ nhưng đã mồ côi từ lâu.
Tôi khóc trong bóng đêm vì những cơn đau trong tim êm đềm, vì số phận đặt tôi trước những con người khác biệt, bị cuộc sống đầu độc, dày vò mà không nhận ra. Vì những ngón tay mân mê ngây thơ của đứa trẻ gợi lên cơn đau của một người mẹ.
Không chịu nổi sự ám ảnh, tôi gượng dậy lần đi sang phòng Dương Lý Huy. Cửa các phòng vẫn mở hé, tôi rón rén nằm xuống bên người đàn ông, vô cùng sợ hãi ông sẽ hiểu lầm tôi. Chúng tôi cùng thao thức trong đêm, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau.
Giữa người đàn ông Đài Loan và người đàn bà Việt cũng có một thứ gọi là tình bạn.

Trên đường đi, Dương Lý Huy thường dừng ở tiệm bán trầu cau ở ngã tư đường Trung Sơn mua hai trăm tệ tiền trầu, và thêm một lon cà phê sữa đá cho tôi. Ông nói, ông nghiện trầu cau khác nào tôi nghiện cà phê, ngày nào cũng phải có, thiếu là không được.
Tôi nói, cà phê là bạn của tôi suốt bốn năm đại học tại Việt Nam. Ông bảo, giá như tôi có một người vợ được học hành tử tế như cô, chắc đời tôi hạnh phúc hơn.
Tôi bảo, hạnh phúc hơn là sao?
Ông bảo, tôi quen vợ tôi khi đi chơi gái tại Campuchia. Khi đó mới hai mươi mấy tuổi, mấy anh em trong đội xe rủ nhau mua tour sang Campuchia du lịch.
Khi vào quán karaoke, tôi thấy một cô trẻ nhất, da đen nhưng mặt trắng bóc một lớp phấn dày, trông vừa quê mùa vừa tội nghiệp. Tôi bỏ tiền ra chuộc cô ấy về làm vợ.
Tôi không cần gái trinh, vì tôi cũng không phải đàn ông đồng trinh nữa. Tôi cần vợ, tôi nghĩ cô ấy từ lầm than sẽ trân trọng tôi.
Nhưng vợ tôi bị mẹ bán sang Campuchia lấy tiền chơi bạc, nên vợ tôi vốn đã có máu bài bạc của gia đình, làm tôi tán gia bại sản. Tôi cứ tưởng tấm lòng thành của tôi thay đổi được tính nết người ta.
Tôi nói, bằng cấp không quyết định hạnh phúc. Tôi thấy đời tôi đau khổ chỉ bởi cầm tấm bằng đại học trong tay, nên đặt mình ở vị trí cao trong đời, không chấp nhận thỏa hiệp với số phận.
Dương nói, không, tôi thấy cô hạnh phúc, ít nhất, cô mong muốn làm chủ đời cô, cô không chịu lệ thuộc ai, cô hiểu giá trị của cô, vì thế cô hiểu được giá trị của người khác.
Tôi mỉm cười, ông quá khen tôi. Chẳng qua là bởi bản thân ông cũng là một người tử tế.
Dương nói, tôi không tử tế đâu. Đêm qua, tôi rất muốn được ôm lấy cô, chỉ ôm thôi cũng được, nhưng tôi không dám.
Dương nói, tôi muốn ôm lấy cô, tôi cần hơi ấm chứ, tôi rất cần có bầu bạn, nhưng tôi sợ mất cô, sợ cô sẽ bỏ tôi mà đi. Sợ cô không còn coi tôi là bạn. Vì tôi biết cô rất tự trọng...
Đấy là chuyến đi chơi cuối cùng của tôi với Dương.

Một cô dâu bạn giới thiệu cho tôi một chỗ bán trầu cau trả lương rất cao, khoảng hai mươi lăm ngàn Đài tệ một tháng, lại bao ăn ở. Tôi xếp dọn đồ đạc vào túi xách, chào từ biệt hai bố con nhà Dương ra đi.
Dương đưa tôi ra tận ga Đài Trung, mua vé tàu cho tôi, và mua thêm một lon cà phê sữa đá. Ông nói, bao giờ quay lại đây, hãy đến thăm ông. Hoặc gọi điện thì ông sẽ ra tận cửa ga đón tôi.
Tôi bảo không cần phải thế đâu. Thời gian qua, ông đã giúp tôi bao nhiêu việc.
Dương nói, cô nên giữ gìn sức khỏe, không phải chỉ để cho cô mà còn phải cho đứa con cô đang ở Việt Nam. Nhớ để dành tiền, gửi vào ngân hàng chứ đừng mang khư khư theo người như thế.
Dương luôn cằn nhằn là tại sao người Việt Nam các cô mang nhiều tiền mặt trong người đến thế. Dương chu đáo quá làm tôi cứ thẫn thờ.
Trên chuyến tàu rời Đài Trung, giữa buổi trưa nắng đẹp, cây bên đường rì rào, những phong cảnh nối tiếp nhau như đang chạy ngược, tôi cầm lon cà phê ướp lạnh cho tới khi nó ấm lên trong đôi bàn tay.
Có lẽ đúng như Thán nói ngày xưa, đường phu thê của tôi nghiệp căn quá nặng, cho nên người đàn ông nào tới với tôi cũng sẽ mang tai họa tới...
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 10: Lại sa chân lỡ bước

Thật may, ông chủ tốt bụng, sạch sẽ và dễ tính, chỗ ở yên ổn, lương cao, tôi dự định sẽ ở đây lâu dài. Tôi không còn biết lâu dài là bao lâu, tôi chỉ biết tôi muốn như thế này mãi mãi. Một ngày, Trương Văn Huy ngỏ lời muốn tôi làm tình nhân của anh ta.

Ông chủ mới hơn tôi một giáp, cũng mới chỉ ba lăm ba sáu tuổi. Cửa hàng của ông nằm ở góc phố, gần chợ đêm, tầng một vừa bán trầu cau thuốc lá vừa đặt mấy chiếc máy đồ chơi gắp thú nhồi bông, nhạc réo binh boong suốt ngày đêm.
Ông chủ mới to béo bệ vệ, họ Trương, tên là Văn Huy. Ông đã li dị vợ từ lâu, hiện ở một mình trong cửa hàng. Tầng hai là phòng ngủ đặt một chiếc tivi lớn. Tầng ba chất đủ thứ linh tinh vụn vặt, hàng hóa, đồ cũ. Cửa sổ ngách trông sang khu chợ đêm mỗi tối người đi chơi đông kín, sau này khung cửa là người bạn thân thiết nhất của tôi những lúc cô đơn.
Công việc bán trầu cau khá đơn giản, quả cau nhỏ như nụ hoa hồng, được gọt sơ rồi bao quanh bằng lá trầu xanh. Trầu cau được gói vào túi ni lông nhỏ có khóa kéo miệng, đặt gọn trong một chiếc cốc uống nước bằng giấy bé xíu. Người ăn trầu sẽ nhổ nước miếng vào chiếc cốc giấy, vừa tiện vừa vệ sinh. Chiếc cốc giấy vừa vặn với khung đặt cốc nước trên đầu xe ô tô.
Việc của tôi chỉ là ngồi trông quầy, bán hàng xong, tôi đi chợ nấu cơm cho cả hai, nhưng thường thì chúng tôi đều ăn cơm ngoài hàng. Tôi gọi cơm hộp về ăn, vừa ăn vừa trông hàng.
Ngồi làm xong hàng, không có việc gì, tôi săm soi đôi bàn tay. Đôi bàn tay tôi đã có màu hồng hào như đôi má tôi, sau bao nhiêu sóng gió hãi hùng. Tôi xinh đẹp dần lên, tôi dành thời gian rảnh để sơn những chiếc móng tay tôi theo màu tôi yêu.
Chợ đêm bán rất nhiều móng tay giả, những mẫu móng kiều diễm. Tôi phát hiện ra tôi làm móng rất khéo, những chiếc móng tay đẹp nổi bật làm tôi tự tin và tự hào về chính bản thân mình.
Có ai nói, móng tay là thứ cá nhân nhất trong những thứ cá nhân. Ai săm soi móng tay là kẻ đang trong tâm trạng ích kỷ nhất. Có sao, cuộc sống bây giờ tôi chỉ còn sống vì tôi.

Hôm đó là ngày cuối năm, lại là một cuối năm, tôi luôn ngơ ngẩn nghĩ tới quê nhà, những buổi chiều cuối năm ở Sài Gòn, hoa mai rực lên trên dọc đường Lê Lợi, tôi thích đi qua Lê Lợi, qua công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng, sang quận Tư, vòng về quận Một.
Tôi thích đi chợ Tết cùng mẹ tôi, mua rượu cho ba tôi, mua nhang thắp lên bàn thờ cho anh trai tôi.
Anh trai tôi đã chết trong một tai nạn thảm khốc ngày tôi còn nhỏ, ký ức về anh chỉ là một ông anh áo trắng mãi mãi ở tuổi quàng khăn đỏ, nhưng mỗi lần nhớ về anh, tôi lại luôn thấy tôi nhỏ dại, ngồi sau chiếc xe đạp cũ anh chở tôi đến trường, vượt qua ngã tư còi xe máy ồn ào.
"Trương nhào tới giật lấy lọ hoa, đập vào tường vỡ tan, tát tôi ngã sấp xuống giường. Tôi cuống cuồng chồm dậy chạy xuống nhà kêu cứu."
Hình ảnh cuối cùng là một hôm, chiếc xe đạp của hai anh em nát bét ở ngã tư. Ba tôi mang những mảnh xe nát vụn về, vừa đi vừa khóc ngất. Năm ấy nhà tôi không có Tết.
Nên vì sao tôi thèm có anh trai. Cảm giác ban đầu của tôi về Trương Văn Huy gần như thế, có vẻ như Trương giống một người anh, chứ không phải chủ nhà, không phải ông chủ của tôi, cũng không phải là người bạn.
Vì thế, khi Trương đề nghị tôi làm bạn gái, tôi hơi đắn đo. Tôi hỏi, vợ con anh đâu?
Trương chỉ sang quán bán nước giải khát đối diện bên kia đường. Tôi giật mình trợn tròn mắt hỏi, trời ơi có thật không?
Trương nói, chia tay rồi là hết. Vợ cũ của tôi và đứa con tôi mở quán nước bên kia đường, tôi ở bên này bán trầu cau, chẳng ai chiếm khách hàng của ai, cũng không liên quan gì tới nhau nữa, việc ai nấy làm.
Tôi nói, sao tôi không hề nhận ra. Nhưng liệu họ có đánh ghen không?
Anh ta nói, nếu có, thì họ đã gây sự ngay từ khi cô mới tới đây. Vậy mà suốt hai tháng qua, cô thấy chưa, với họ, tôi và ngôi nhà này như thể không còn tồn tại. Vậy cô còn lo sợ gì? Hay cô sợ rằng tôi không nghiêm túc?
Tôi nói, nhưng khi đề nghị tôi làm người yêu của anh, anh lại nói nghiêm túc quá, làm cho tôi nghi ngờ đây không phải là thật.
Trương Văn Huy mỉm cười, nói, tôi thích cô từ lâu.
Từ cảm giác người anh sang cảm giác người tình cũng không xa lắm. Tôi thích Văn Huy vì anh sạch sẽ, sòng phẳng rõ ràng và không ki bo, không khó tính, không xét nét cũng không can thiệp quá nhiều vào đời tôi.
Có lần tôi kể với Văn Huy về chồng tôi, về chuyện tôi đã từng bị cưỡng bức. Nhưng tôi không kể về Nhan, về Dương Lý Huy, hình như những gì êm ái nó nằm co trong góc tim tôi, tôi muốn giữ riêng cho mình.
Văn Huy không bình phẩm gì về quá khứ của tôi. Chắc anh cũng có những quá khứ cần người khác tha thứ.
Chúng tôi chắc vừa có duyên vừa có nợ, như cau với trầu, dù muốn dù không cũng sẽ đi cùng nhau, bị số phận đặt cạnh nhau trên đường đời.
Cho đến lần đầu tiên Trương Văn Huy tát tôi, anh đấm đạp lên người tôi, chém nát đồ đạc của tôi. Khi đó tôi mới tỉnh giấc mộng.

Có lẽ đúng như Thán nói ngày xưa, đường phu thê của tôi có nghiệp căn quá nặng, cho nên người đàn ông nào tới với tôi cũng sẽ mang tai họa tới?
Trương Văn Huy yêu tôi, hoặc anh nghĩ rằng yêu tức là sở hữu. Tôi đã sở hữu về anh, tức là anh không cần trả lương cho tôi nữa, nhưng lại mặc nhiên đòi tôi chăm sóc. Tôi bỗng nhiên trở thành một bà nội trợ, Ô sin không lương, phải bỏ tiền ra đi chợ, cằn nhằn lúc anh say, phục vụ đám đàn em của anh mỗi khi chúng tới nhà ăn uống, và mở cửa chờ chồng mỗi khi anh đi tới khuya không về.
Nhà cạnh chợ đêm, nên đông đúc tới khuya. Nhiều khi tôi đóng cửa tiệm sớm, đứng trên cửa ngách trông xuống chợ đêm huyên náo. Cách một lớp cửa kính, thế giới càng có vẻ xa cách tôi. Tôi đứng ngó xuống đường, chờ chiếc xe máy tay ga cũ kỹ vè vè qua đường tạt vào đỗ trước cửa. Anh thường về từ phía trung tâm thành phố.
Một đêm, khi tôi xuống, anh đã chui ngay vào buồng tắm, quần áo vứt ở cửa dính máu, tôi hoảng hốt đập cửa buồng tắm gọi anh.
Hóa ra đó là máu của người khác. Anh không nói của ai, nhưng anh bảo, anh đi đòi nợ thuê, hôm nay chủ nợ rắn mặt quá.
Trời ơi, tiền của anh đưa tôi thì ra đều là những đồng tiền bạo lực, nợ nần, đen tối nặng nề.
Tôi lên gác, lôi những chi phiếu và thẻ ngân hàng, các sổ tài khoản xuống, vứt ở sa lông tầng hai. Tôi nói, anh Trương, em không thể giữ tiền cho anh được nữa.
Tôi thu dọn quần áo ra đi. Trương Văn Huy bắt kịp tôi ở đầu cầu thang, anh ta lẳng va li quần áo của tôi xuống chân cầu thang, túm tóc tôi đánh túi bụi. Tôi kêu thét lên, vừa chống đỡ vừa né, chạy vào phòng ngủ. Tôi vớ lấy chiếc lọ hoa sứ cao cổ ở góc phòng để tự vệ.
Trương nhào tới giật lấy lọ hoa, đập vào tường vỡ tan, tát tôi ngã sấp xuống giường. Tôi cuống cuồng chồm dậy chạy xuống nhà kêu cứu.
Ở bậc thang cuối cùng, Trương bắt được tôi, xô tôi ngã vào chiếc tủ kính đựng trầu cau. Tất cả hàng hóa đổ xuống, trầu cau lăn lóc, những hộp thuốc lá dở vung vãi, tôi ôm mặt ngất đi giữa đám lá trầu không và cau non giập nát.

Tôi tỉnh dậy khi Trương kéo tóc tôi lôi vào buồng tắm, đổ một chậu nước lên mặt. Quần áo tôi rách bươm, áo rách toạc từ lưng xuống tận nửa người, mặt mũi húp híp. Tôi khóc và nói, em xin anh, anh để cho em đi.
Đôi mắt Văn Huy vằn lên, anh nói, anh không để em đi đâu hết, em muốn đi thì em sẽ chết luôn ở đây!
Huy ra xe, mở cốp xe lôi con dao dài, con dao vẫn còn dính máu. Chắc chắn đây là máu của người đã dính lên áo quần anh ta lúc nãy. Trời ơi, sao tôi lại kết thúc cuộc đời ở đây trong tay một kẻ điên loạn như thế này?
Tôi khóc òa lên đau đớn:
- Hôm nay anh muốn giết thêm một người nữa hay sao?
- Ngọc, em mà đi thì anh cũng chết luôn ở đây. Chẳng thà anh giết em trước!
Nói đoạn, Huy xông ra băm chặt nát bét va li quần áo của tôi. Rồi quay lại nhìn tôi, lăm lăm con dao trong tay, hỏi:
- Em thật sự không còn yêu anh nữa chứ gì?
Tôi làm sao có thể nói không với con dao, tôi khóc ngất, quỳ xuống lạy Huy.
- Hãy để cho em sống, em còn phải nuôi con trai em, nó còn nhỏ quá!
- Nó không phải con tôi!
- Thế thì hãy để cho em mặc áo vào, em không thể chết mà cởi trần!
Tôi lết đến chỗ va li đồ đạc của tôi, lần trong đống rách nát ra một mảnh vải còn tương đối lành, tôi vừa mặc vừa khóc. Con ơi, mẹ đã đặt tên con là Bình Minh, để con không vương vấn gì với đời mẹ. Chao ôi, con có biết mẹ đau đớn không vì mẹ sẽ không được nhìn thấy con lớn, sẽ không được ở bên con nữa.
Tôi không thiết kêu than nữa, tôi gục xuống chân anh, nhắm nghiền mắt lại khi anh vung dao lên.
Máu văng đầy mặt tôi.
Tôi quay xe về nhà, thương con quặn thắt. Cuộc sống yên bình là do mình chọn. Thế thì tại sao tôi lại cứ đi về phía sóng gió.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 11: Giằng xé ở, đi

Tôi đã chín lần bị Trương bắt lại nhà. Tôi hiểu ra sức mạnh của xã hội đen Đài Loan, như một tấm lưới khổng lồ. Có lần đàn em của Trương tìm ra tôi, có lần đích thân Trương đến dụ tôi về. Cũng có lần nhớ quá, qua ngày thứ ba, tôi chủ động gọi điện về cho Trương.

Trương Văn Huy đã cầm dao chém sâu vào cánh tay của chính anh.
Tôi hốt hoảng vơ giẻ rách trên sàn chận lên vết thương máu đầm đìa của anh, thét lên:
- Anh làm cái gì đấy? Anh điên à?
Trương trái lại, giàn giụa nước mắt nhìn tôi nói:
- Anh yêu em! Chém em thì thà anh chém chính anh còn hơn!
Sau buổi tối đầy máu và nước mắt ấy, cuộc sống của tôi thay đổi hẳn.
Tôi không biết phải làm gì nữa. Ra đi thì không cầm lòng, ở lại thì quá khổ sở. Bất kỳ một chuyện gì không vừa ý, Trương đều lôi tôi ra đánh đập.
Khách mua trầu đều là nam giới, trao đổi với khách vài câu anh cũng tát tôi tối tăm mặt mũi. Nhưng ngay sau đó, anh lại quỳ xuống khóc lóc van xin tôi đừng bỏ đi.
Anh mang những chi phiếu rất nhiều tiền về đưa tôi cất giữ, như để tôi thấy anh rất tin cậy tôi. Anh đưa tôi đi mua quần áo đắt tiền, tôi lại có thêm những bộ đồ lót đẹp và những màu sơn móng tay đẹp nhất.

Thế nhưng, hễ tôi mở miệng nhắc tới gia đình ở Việt Nam, anh lại quát lên rằng họ chẳng liên hệ gì tới anh, đừng làm phiền anh như thế. Và anh nhắc đi nhắc lại, anh không thể chia sẻ tôi cho ai thêm lần nào nữa.
Tôi đã bỏ trốn nhiều lần, trên chiếc xe máy cũ kỹ của nhà. Tôi muốn bỏ đi thật xa.
Có lần tôi ra đi tay không, không mang theo gì. Có lần tôi mang theo ít quần áo phòng thân. Cũng có lần tôi chạy xe ra ga, vứt xe tại cổng ga rồi lên tàu, với một chiếc vé vừa mua vội trên máy bán vé tự động, mua chiếc vé của chuyến tàu chạy sớm nhất mà không nhìn xem nơi đến là đâu.
Tôi đã chín lần bị Trương bắt lại nhà. Tôi hiểu ra sức mạnh của xã hội đen Đài Loan, như một tấm lưới khổng lồ. Có lần đàn em của Trương tìm ra tôi, có lần đích thân Trương đến dụ tôi về. Cũng có lần nhớ quá, qua ngày thứ ba, tôi chủ động gọi điện về cho Trương.
Tôi thấy mình như con kiến trong bài ca dao ngày xưa mẹ tôi hát cho tôi nghe, con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào. Bài ca dao ấy là bà ngoại dạy mẹ.
Bỗng nhiên tôi nghĩ tới mẹ. Tôi muốn về Việt Nam.
Lần thứ mười chạy trốn, Trương không tìm ra tôi nữa, vì tôi đã bay về Việt Nam.

Con trai tôi đang mọc răng sữa, nó rúc vào mẹ trong cơn sốt nhưng hoàn toàn không có phản xạ đòi bú, có lẽ bởi nó chưa từng được bú mẹ.
Ba tôi mừng nhưng không nói gì, đi ra đi vào quanh quẩn, bảo tôi có thích ăn gì không thì bảo mẹ đi chợ.
Những giây phút được ôm con vào lòng, ngắm nó ngủ, vui sướng biết bao.
Tiệm sinh tố của Ngà giờ trở thành quán cà phê Trung Nguyên, bàn ghế thay đổi, có mấy nhân viên phục vụ trẻ măng.
Tôi đứng với nó ở cổng bịn rịn, chồng sắp cưới của nó trẻ hơn nó hai tuổi, nhưng rất ra dáng đàn ông. Cũng là dân công trình, ăn to nói lớn, nhưng chiều vợ hết mực.
Nó kêu tôi vào ngồi trong quán, tôi nói, chịu, tao không uống nổi. Ngà dỗi, bảo, tự tay tao pha mà mày chê hả? Hay bây giờ chỉ thèm cà phê Đài Loan, chỉ những cái gì của Đài Loan thì mày mới thấy ngon? Chồng Việt mà mày còn chê nữa là!
Ngắm tôi buồn rầu, Ngà nhận xét:
- Mày không chỉ gầy đi, mày còn già đi nhiều lắm, gái một con mà như nạ dòng, trông sầu đời lắm!
Tôi bảo:
- Thằng bồ tao giá mà nhìn thấy tao đứng nói chuyện với mày, nó sẽ cầm dao rượt tao chạy trối chết.
Ngà trợn mắt không tin vào tai mình. Tôi nói:
- Thật đó, nó sẽ nghĩ tao có thể bị đàn bà con gái dụ dỗ trở thành đồng tính, hoặc nếu quen biết có chỗ dựa thì sẽ bỏ nó mà đi. Nhiều hôm nó đuổi đánh, tao phải chạy đi trốn hết cả đêm, sáng sau mới dám về.
Ngà văng tục, nó bảo, mày không bỏ nó đi mà tại sao lại cứ bắt bồ với nó làm gì rồi về kể khổ, mà nếu thế thì sao mày về đây được?

Tôi nói: Chuyện dài lắm. Tao đã trốn nhiều lần rồi đấy chứ! Ngà nói: Mày về đây phụ tao bán cà phê, đã nhiều đứa lấy chồng Đài Loan quay về Việt Nam rồi, mày về đây mà nuôi lấy con, tao thấy ba má mày mỗi lần đẩy thằng cu ra đây chơi thường thở dài, lau nước mắt. Có khách gọi gì đó, Ngà chạy vào quán rồi lại hối hả chạy ra, bảo tôi:
- Ở đây, thôi đừng đi nữa, chờ tao tí nhá!
- Thôi, tao về đây!
Tôi chạy xe bâng khuâng qua quận Một, qua cổng giảng đường Đinh Tiên Hoàng, mùa tốt nghiệp, sinh viên tấp nập qua, chờ nhau túm tụm trò chuyện trong sân trường.
Tôi ngần ngừ đứng bên này đường. Mới chỉ hơn hai năm, đời tôi đã ra thế này. Còn phải sống bao nhiêu năm nữa mới được bình yên?
Tôi quay xe về nhà, thương con tôi quặn thắt. Cuộc sống yên bình là do mình chọn. Tôi hoàn toàn có thể lựa chọn một cuộc sống khác, thế mà tại sao cứ đi về phía sóng gió?
Tôi mới hai mươi tư tuổi, một chồng, một đứa con, ngủ với bốn người đàn ông, là cô dâu Việt vừa bị bỏ rơi vừa đang chạy trốn.

Tôi vô cùng giàu có, tôi đang có trong tay hơn một tỷ đồng. Một số tiền nằm mơ cũng không thể có. Số tiền này đang nằm trong nhà băng ở Đài Loan.
Tôi không biết có thể rút số tiền này qua chi nhánh ngân hàng Đài Loan tại Việt Nam hay không, dù sao tài khoản cũng mang tên tôi. Tôi đang giữ toàn bộ giấy tờ hợp pháp, sổ gửi tiền, thẻ rút tiền, hộ chiếu và thẻ cư trú của tôi cũng vẫn còn thời hạn.
Nhưng trong số đó, chỉ có vài vạn tệ là của tôi, còn lại tất cả đều là từ số chi phiếu mà Trương đưa cho tôi. Trong đó là tiền dính máu, tiền cờ bạc, tiền đòi nợ thuê, tiền bán ma túy, tiền cầm đồ lãi suất cao, tiền phi pháp.
Tôi không có ý định dùng tiền bẩn của anh ta. Chắc chắn Trương cần tôi hơn số tiền này, nhưng tôi cũng thế, tôi cần chính bản thân mình hơn số tiền này. Tôi nghĩ sẽ kiếm cách trả lại anh ta.
Thế nhưng đã hơn một tháng trôi qua, tôi hoàn toàn không hề có tin tức gì của Trương. Tôi gọi điện sang Hoa Liên hỏi người chị họ đang ở đây, xem Trương có gọi điện không. Trước đây có một lần tôi trốn tới nhà chị ở Hoa Liên, Trương đã lần được theo tìm tôi. Chị nói, Trương không hề gọi điện tìm tôi như mọi lần.
Tôi gọi điện tới quán ăn Việt Nam ở ga Đào Viên, Trương biết chỗ này có người quen của tôi, Trương đã đảo qua đây nhiều lần mỗi khi tôi bỏ trốn. Các chị cho biết, không thấy bóng dáng của Trương hay đàn em.
"Tôi mới hai mươi tư tuổi, một chồng, một đứa con, ngủ với bốn người đàn ông, là cô dâu Việt vừa bị bỏ rơi vừa đang chạy trốn. "
Tôi hoang mang. Tôi không dám làm gì đống tiền đồ sộ này, nhưng tôi không lẽ đã tiêu tan trong đời anh ta như thế? Hay đã có việc gì xảy ra, anh ta đã thật sự cầm dao tự sát như từng doạ?
Một tuần lễ sau, tôi rốt cuộc quyết định gọi điện cho Trương Văn Huy. Huy khóc trong đầu dây nói, hãy quay trở lại đây, anh rất yêu em, anh không biết vì sao nhưng anh không thể thiếu em được, em tin hay không thì tùy.
Tôi nén lòng, nói với đầu dây xa xôi kia:
- Tôi sẽ trả lại tiền cho anh, trả tất cả, anh hãy buông tha cho tôi.
- Tôi chỉ cần em, tôi không cần tiền!
- Tôi cần nuôi con, con tôi cần tôi. Tôi không sang Đài Loan nữa!
- Anh nhớ em lắm, anh đang rất đau đớn, hôm em bỏ trốn, vì vội đi tìm em, anh đã ngã từ đầu cầu thang xuống đất, hiện anh đang bó bột nằm bất động trong bệnh viện.
Thì ra đó là lý do Trương đã không đi lùng sục tôi. Tôi không biết có nên tin hay không.
Một ngày sau, tôi đăng ký vé máy bay sang Đài Loan. Tôi chỉ định sang để xem thực hư và rút tiền chuyển sang tài khoản của Trương trả cho anh thôi. Rồi đường ai nấy đi, tôi sẽ về Việt Nam nuôi con.
Nào ngờ tôi ra đi tới tận ngày hôm nay chưa một lần quay lại Sài Gòn.
Tấm vé khứ hồi quay về thành phố Hồ Chí Minh ấy, tôi vẫn giữ trong tập giấy tờ cá nhân của tôi, một lần vô tình giở nó ra, tôi đã thổn thức khóc.
Dường như có một điều gì đó nếu đã đổ vỡ trong đời rồi thì khó mà hàn gắn lại được nữa. Cho dù thời gian, dù tôi cố gắng, dù tôi thiện lương, những người đến trong đời đều khiến tôi đau đớn.
Trương khỏe lên tức thời gian cãi cọ của chúng tôi nhiều lên. Vào ngày anh tập tễnh đi lại được anh vớ gạt tàn thuốc đập vào đầu tôi, tôi ngất xỉu, máu giàn mặt.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 12: Ngõ cụt

Lúc ra đi, tôi thấy chua chát. Trương biết là lần này thì anh không giữ được tôi nữa. Khi tôi đi, anh nằm quay mặt vào tường, nạng chống hờ bên thành tủ lăn xuống, cốc nước đổ, anh không buồn nhấc lên.

Tôi tự nguyện quay lại sống bên Trương Văn Huy, chăm sóc khi anh ta bị bó bột, dọn dẹp lại cửa tiệm. Một tay tôi lại cáng đáng hết. Khách đến thưa dần, cửa tiệm kinh doanh khó khăn, chúng tôi quyết định sang nhượng lại cửa tiệm để chuyển tới một phố xa trung tâm hơn.
Cửa hàng mới mở vẫn để tủ trầu cau, nhưng bán hàng giữa phố thì làm sao nhiều khách? Lái xe tải đường dài chỉ ghé quán gần đường lên cao tốc. Khách trong phố thì thích ra ngoại thành hơn, gái bán trầu cau ở ngoại thành cả gan hơn, ăn mặc mát mẻ hơn, trẻ hơn.
Trương khỏe lên tức là thời gian cãi cọ giữa chúng tôi nhiều lên. Vào ngày anh tập tễnh đi lại được, anh vớ gạt tàn thuốc đập vào đầu tôi, tôi ngất xỉu, máu giàn mặt.
Đầu tôi không vỡ mà chiếc gạt tàn thuốc lá bằng thủy tinh vỡ tan tành. Đây là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Tôi trả tiền, toàn bộ tiền trong tài khoản của tôi cho anh, nói, em đến đây là vì đi xin việc, bây giờ em đi, em chỉ lấy đủ số tiền lương em đã làm công cho anh thời gian qua.
Ngày xưa, không bao giờ tôi nghĩ, tôi trả một món tiền tỷ mà điềm nhiên nhẹ nhõm thế.
Tôi bảo, anh hãy kiếm một cô gái khác thay em. Tôi ra đi, trong túi chỉ còn vỏn vẹn hơn năm vạn Đài tệ. Số tiền đó chỉ tương đương khoảng một ngàn bảy trăm đô la.
Sau hai năm ở Đài Loan, tôi quay trở lại xuất phát điểm ban đầu, thế này thì đến bao giờ tôi mới có thể có đủ tiền nuôi con được nữa?
Lúc ra đi, tôi thấy chua chát. Trương biết là lần này thì anh không giữ được tôi nữa. Khi tôi đi, anh nằm quay mặt vào tường, nạng chống hờ bên thành tủ lăn xuống, cốc nước đổ, anh không buồn nhấc lên.

Không biết anh ta nằm thế đến bao giờ. Tôi có đánh anh ta cái nào đâu mà sao anh ta lại có vẻ còn đau hơn tôi?
Tay trắng, xách túi quần áo, tôi đi khỏi thành phố nhỏ nơi tôi đã sống nửa năm qua. Tôi kêu taxi qua quảng trường thành phố, ngồi nhìn mọi người đi qua đi lại trong buổi chiều mùa hè. Tôi nhìn họ ngạc nhiên, mãi sau mới nhận ra rằng hôm nay là chủ nhật, họ được nghỉ làm và được ra ngoài chơi.
Thì ra, tôi đã không để ý thời gian. Thế giới của tôi chỉ có ngày và đêm. Ngày kiếm tiền, đêm nằm mơ lộn xộn mệt mỏi. Vòng quay ấy không có ngày nghỉ.
Tôi vào cửa hàng tạp hóa, lần đầu tiên tìm kiếm một thứ gì đó, một tấm bản đồ. Tôi cần bản đồ chỉ dẫn tôi sẽ đi đâu tiếp. Tôi trải tấm bản đồ lên ghế đá công viên. Gió thổi qua chỗ tôi cũng cô đơn như mùi cà phê đâu đây. Ôi, tôi cần một tách cà phê làm bạn lúc này. Tôi đứng lên, tới tiệm sách gần đó.
Ngồi uống cà phê trong tiệm sách, đã bao lâu rồi tôi mới có được một ly cà phê thong dong nhàn hạ như thế này?
Đời tôi đã thay đổi mà sao cà phê không hiểu?
Tách cà phê hết một trăm tám mươi tệ. Tôi nhẩm đếm số tiền còn trong túi. Với đà ăn tiêu này, tiền thuê nhà nữa, thì một tháng ít ra tôi cũng phải tiêu hết hai vạn Đài tệ. Nếu cứ thất nghiệp thì tôi chỉ còn đủ sống hai tháng nữa mà thôi.
Lúc đó, số tiền ấy thừa đủ cho tôi mua vé về Việt Nam. Nhưng không hiểu sao tôi lại không hề muốn về Việt Nam nữa, tôi như mũi tên đã bắn khỏi cây cung, chỉ còn biết cắm đầu lao về phía trước.
Tôi quên bẵng đi mất rằng, ngay trong túi tôi vẫn còn một chiếc vé khứ hồi, còn một chuyến bay về Sài Gòn nữa.
Đó là cửa cuối của canh bạc cuộc đời, mà tôi, rất lâu sau này, tự dưng nhớ ra, lòng quặn thắt đớn đau.

Đêm ấy, tôi ngủ trên chuyến xe xuống Cao Hùng. Xe đỗ ở khu ga trung tâm Cao Hùng vào lúc bốn giờ sáng. Tôi xách túi ngơ ngác trên đường Kiến Quốc. Tôi ôm túi đi dọc phố, cho đến lúc thấy cổng ga và những cửa hàng ăn buổi sáng bắt đầu mở cửa.
Tôi được người quen giới thiệu tới một quán Việt Nam trên xa lộ liên tỉnh gần sân bay Tiểu Cảng. Các chị em ở đây rất nhiệt tình, mọi người cởi mở và thân thiết như đã quen biết từ lâu. Tôi như chết đuối vớ được phao cứu sinh.
Tôi lại đi bán trầu cau, tôi bán cho một tiệm sát xa lộ, xe cộ rất đông vì là tuyến đường chính ra sân bay. Tôi nhuộm tóc, mặc đồ rất ngắn và đi giày rất cao. Nhưng bù lại, lương cũng khá hơn khi tôi ở Đài Trung.
Một ngày, một người đàn ông chạy xe tới cạnh tiệm trầu của tôi thì xe hỏng. Ông đành vào ngồi chờ hãng xe qua lấy xe về sửa. Ông không ăn trầu, ông cũng không mua gì cả, tôi để ông ngồi ở cửa, chuyện trò đôi câu.
Sau này, ông thỉnh thoảng chạy xe qua đường này vẫn dừng lại vào chào hỏi tôi, nhưng ông cũng không mua gì ngoài vài điếu thuốc, một ít giấy ăn. Tôi nghĩ đây cũng chỉ là một trong những người đàn ông có thiện cảm với mình, nhưng nếu mình không cẩn thận, để họ can dự quá sâu vào đời mình, cái thiện cảm đó sẽ lại mang cho mình tai họa.
"Có thể sau này tôi sẽ phải trả giá, sẽ có lúc chính mình khinh rẻ mình, mình tự giày vò mình. Nhưng bây giờ, tôi chỉ thấy mơ ước có được ngôi nhà riêng đã trở thành sự thật, ngày tôi đón con sang đây đã tới gần"
Mọi việc ổn, cho tới khi mẹ tôi ở Việt Nam nằm viện, con trai tôi cũng nằm viện. Mẹ tôi huyết áp cao, lại tiểu đường nữa, ba tôi cho cháu ăn thế nào mà con trai tôi bị ỉa chảy kéo dài, bị mất nước và phải đưa đi cấp cứu ngay trong đêm.
Tôi cuống cuồng ra quán Việt Nam, gửi ngay một nghìn đô về cho ba tôi. Hai hôm sau, ba tôi gọi điện nói, tình trạng mẹ tôi đã đỡ rồi, mẹ tôi đã đỡ, nhưng con tôi thì chưa ra viện. Và số tiền ấy không đủ.
Tôi hiểu chắc chắn tình hình nghiêm trọng hơn thế nhiều, bởi nếu chỉ đơn thuần là tiền viện phí thì ba mẹ tôi vốn đã có một số tiền dành dụm từ lâu nay. Và tôi cũng thỉnh thoảng gửi về cho mẹ, dặn là tiền dành nuôi con tôi. Hẳn bệnh tình mẹ tôi nặng hơn nhiều, và con tôi hẳn không chỉ tiếp nước là đủ. Nhưng biết làm sao, hỏi thì ba tôi cũng chẳng nói gì hơn.
Tôi đi vay thêm hai nghìn đô nữa gửi về. Đây là số tiền đầu tiên tôi phải đi vay.
Tôi xin thêm việc phục vụ quán ăn đêm để có thêm thu nhập. Và thế là ban ngày tôi bán trầu cau tới bốn giờ chiều. Ban đêm tôi lại đi rửa bát thuê từ tám giờ tối tới bốn giờ sáng. Tôi kiệt sức trong công việc, nhẩm tính khoảng bốn tháng nữa tôi sẽ trả hết nợ, cả vốn lẫn lãi.
Một ngày, một người phụ nữ lái xe hơi qua tiệm tôi mua trầu cau. Chị ngắm tôi rồi nói, ngực đẹp lắm. Chị mua hai trăm tệ và bảo, có muốn đi làm ở quán Karaoke của chị không, lương cao hơn bán trầu cau nhiều. Nghe đến quán Karaoke là tôi từ chối liền. Chị không hỏi gì thêm, đi luôn.

Chị Việt Nam lại đến mua trầu, thực ra hình như để hỏi thăm tôi. Bởi thấy chị nấn ná đứng lại hỏi han thêm vài câu, và có bao giờ phụ nữ đi mua trầu, trừ khi họ ngồi sẵn trong xe một người đàn ông?
Chị không hỏi tôi có đồng ý đi làm chỗ chị hay không, chị chỉ bảo, chỗ chị nhiều cô trẻ giống tôi lắm, nên trông thấy cô dâu Việt Nam vất vả, chị rất thương. Vì chị đã từng phải đi bán trầu thế này rồi, chị biết, người Việt Nam thà cởi hết đồ trong quán mát-xa còn hơn mặc đồ lót hay quần áo khêu gợi ngồi trong chiếc hộp kính bán trầu thế này. Đơn giản là vì chữ thể diện của người Việt Nam quá lớn.
Tôi lại nhớ đến những cô dâu Việt Nam đi đổ rác sau xe rác khu Quế Viên năm ngoái. Họ ít trò chuyện với nhau có lẽ chỉ bởi hai chữ thể diện ngăn họ ở lại trong cộng đồng nhỏ bé có cảnh ngộ giống mình.
Họ sợ bước ra, phải đối mặt với sự thật, với những tên gọi và khái niệm khác biệt. Ở trong cộng đồng của mình bao giờ cũng có cảm giác an toàn hơn.
Vài ngày sau, tôi bấm số của chị Linh, chị cô dâu Việt Nam đã lái ô tô qua quán trầu cau của tôi. Chị Linh hẹn sẽ đến đón tôi vào lúc sáu giờ chiều. Tôi cũng nghĩ, nếu như chị nói, thì tôi cứ làm thử một ngày. Chỉ một ngày thôi xem công việc ra sao rồi mới quyết định. Tôi xin hai ông chủ cho tôi nghỉ làm hai ngày không lương, rồi ăn mặc tươm tất chờ chị Linh ở cổng nhà trọ.
Xe đi không lâu, chừng nửa tiếng, để từ khu tôi sang một chung cư cũ gần ga Cao Hùng, chính là nơi tôi đã xuống chuyến xe đường dài, ngơ ngác lúc bốn giờ sáng hôm nào.
Buổi chiều, người qua lại tấp nập. Quán Karaoke nằm trong phố ngách sau lưng chợ điện tử trung tâm Cao Hùng.
Thang máy đưa lên tầng năm, ở đây có năm phòng được chia nhỏ ngăn ra, sửa lại từ một căn hộ cũ của một gia đình sinh sống. Hình như tầng trên đầu chúng tôi còn một lữ quán rẻ tiền cho khách đi tàu thuê ở tạm một đêm, một quán mát xa chân bình dân của người Thái Lan.
Ngày đầu tiên đi làm, tôi được boa sáu nghìn tệ. Tôi tưởng như đang nằm mơ, một ngày bằng tiền ăn của tôi cả tháng. Tiền nhiều và dễ kiếm đến mức tôi choáng váng. Chỉ hát hò, uống bia, chơi xúc xắc với mấy quân bài và để họ ôm vào lòng, gọi là bạn gái. Tôi không quay lại chỗ cũ xin phép chủ, cũng không thèm quay lại lĩnh nốt phần lương thừa nữa. Tôi ở lại luôn từ hôm đó.
Có sáu cô dâu Việt Nam, thêm tôi là bảy. Bảy người ở chen với nhau trong một phòng ngách nhỏ hơn vốn là bếp của căn hộ được nới ra ban công. Phòng ngủ của chúng tôi chất bừa bãi quần áo và tách trà uống dở, thỉnh thoảng vẫn bị các chị "mượn tạm" để đón một "anh bạn" cũ nào đó. Tôi trẻ nhất và còn nhút nhát nhất.
Những ngày tháng bán trầu cau dù có làm tôi dạn dĩ, nhưng cũng khó có thể một sớm một chiều thoát xác từ một phụ nữ trong gia đình thành một cô gái phong sương giang hồ. Vả lại, tôi cũng chưa có "khách quen", vì thế tôi chưa từng bao giờ phải mượn tạm phòng khóa trái cửa để tâm sự chớp nhoáng với họ.
Tháng đầu tiên, tôi có trong tay hai trăm nghìn Đài tệ. Bằng một trăm triệu đồng Việt Nam, số tiền như trong mơ. Tôi đã từng nhẹ nhàng trả cho Trương Văn Huy tiền tỷ, nhưng tôi lại nâng niu từng đồng do tôi kiếm ra, nhất là khoản tiền lớn đầu tiên này. Nó không chỉ là sức lao động của tôi, nó còn là gánh nặng mà tôi phải mang cả đời.
Tôi chia tay chị Linh chuyển lên quán mát xa Thái Lan ở tầng trên. Lý do rất khó nói. Chị Linh vẫn gợi ý tìm cho tôi khách quen, nhưng tôi làm sao kiếm được "khách quen" khi tôi không chịu ra ngoài "đi chơi" với bất kỳ người đàn ông nào.
Chị Linh đón thêm một cô dâu trẻ về, mới hai mươi tuổi, chưa có con cái, trốn chồng đi làm. Cô ấy rất ngoan ngoãn, nghe lời chị, nên tôi xin ra ngoài, chỗ tôi ngủ, cô ấy dọn đồ vào ở.
Tôi quen một chị trên quán mát xa nên lên đó làm, chị hứa sẽ hướng dẫn tôi làm. Chị cũng nói chủ rất dễ chịu, chủ ở đây không khốn nạn như các quán khác. "Chứ em đi đâu cũng thế thôi, ngoài kia xã hội đen tàn nhẫn lắm. Em gặp chị Linh hay em lên quán mát xa cũng thế, đều là may mắn lắm đó!".
Tôi biết quá rõ về bóng đen ám ảnh của những thế lực phi pháp, nên tôi dễ dàng đồng ý. Tôi không thể quay trở lại rửa bát hàng đêm, rồi lại bán trầu suốt ngày, làm quần quật mà mỗi tháng chỉ để dành ra được hơn vạn tệ.
Tôi chưa từng nói cho ai biết, tôi đã từng là sinh viên tốt nghiệp đại học, tôi biết nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tôi con nhà khá giả tại Sài Gòn. Tôi chỉ bảo, em sang đây bị chồng bỏ rơi, chẳng nghề nghiệp gì, đành phải thế này!
Tôi thấy đời mình sao giống một tiếng thở dài, càng về sau càng trĩu nặng, sầu muộn.
Hình dung nơi đây như con thuyền nhỏ lênh đênh giữa sóng gió đã cứu vớt bao nhiêu người lên thuyền, nhưng cũng đã đẩy bao nhiêu người xuống biển
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần 13: Ánh sáng cuối hầm

Chị Loan gần như là "đại ca", ông chủ lấy bà vợ Thái Lan, mở điểm mát xa này, nhưng lại toàn thuê cô dâu Việt đến làm. Tất cả đều chạy trốn chồng, chỉ có tôi là người duy nhất không chạy trốn chồng mà chạy trốn chính thân phận mình.

Tôi đã có trong tay một lưng vốn khá. Khi chuyển sang quán mát xa Thái, tôi cũng đã cân nhắc.
Từ chỗ bị người ta sờ mó thân thể, chuyển sang chỗ sờ mó thân thể người ta, thì nào khác gì nhau? Còn chần chừ gì nữa?
Chị Loan tình nguyện chỉ dẫn tôi từ bước đầu tiên, chị kêu một con bé người Cần Thơ phải nằm làm "người mẫu" cho tôi thực tập.
Chồng chị Loan từng treo thưởng cho ai bắt được chị mang về. Tôi cũng đã thấy thông báo của ông trên diễn đàn "chú rể Đài Loan", tôi nhận ra là ông bởi vì có đăng kèm ảnh chị Loan, đứng bên chiếc xe máy cũ, trong một buổi đi chợ về. Thông báo tìm người của ông chồng chị Loan có tiêu đề: "Truy tìm ái thê".
"Chồng có lý của người Đài, vợ có lý của người Việt, và vì thế, sự chênh lệch văn hóa mới là kẻ mắc lỗi. Chúng ta đã dùng những thước đo lệch để đo đời nhau. Vì thế, mãi mãi không thỏa nguyện"
Về bố cục và cách thức, "Truy tìm ái thê" gợi nhớ đến những thông báo "Truy tìm chó yêu đi lạc", về nội dung, đều chủ yếu viết là chủ nhân tiếc rẻ, muốn có lại được thứ từng là tài sản của mình.
Những chủ nhân của cô dâu Việt đang tìm kiếm những người vợ ngoại quốc chạy trốn, mà những người vợ ấy chạy trốn lại bởi muốn được là chủ nhân của chính cuộc đời mình.
Khi đó, tôi lên mạng để liên hệ với người chị họ đang ở Hoa Liên. Tôi đã không gặp chị từ khi tôi đang sống với Trương Văn Huy. Chị khuyên giải tôi bỏ hắn không được, đã quyết định mặc kệ tôi xoay xở.
Chị mà biết tôi đang ở đâu, làm gì, chắc chị chết ngất. Mỗi lúc rời quán cà phê Internet về, lòng tôi rã rời, nhớ con, buồn bã, thấy vô vọng.
Có một người khách theo tôi từ quán Karaoke sang quán mát xa Thái, đó là ông Lữ. Ông ngoài năm mươi, người cao lớn, rất cao, hơi có bụng nên dáng đi bệ vệ.
Ông rất thích tôi, ông càng thích hơn khi tôi luôn từ chối đi Motel (nhà nghỉ cao cấp ở đây) với ông. Ông biết tôi không chỉ từ chối ông mà từ chối tất thảy mọi lời mời mọc khác.
Ông Lữ không chỉ đơn giản là phải bấm số thang máy cao thêm một tầng nữa mỗi lần tới tìm tôi. Sự theo đuổi của ông còn nhiều hơn cả về thời gian lẫn vật chất.
Ông boa cho tôi hậu hĩnh, thích nấn ná nói chuyện riêng với tôi, tới mức chị em ở cả hai tầng đều biết ông Lữ thích tôi.
Hôm nào xin được nghỉ một buổi, cả mấy chị em đều tíu tít trên chiếc xe bảy chỗ của ông, chị Loan ưu ái bắt tôi lên ngồi ghế cạnh lái xe. Chị nói, tìm được người Đài không khinh người Việt như ông này, khó lắm.
Không hiểu sao tôi lại thích chiếc xe bảy chỗ hơi cũ của ông Lữ, hơn mọi chiếc bốn chỗ đời mới chực chờ dưới đường. Vì nó gợi lên cảm giác gia đình.
Tôi chìm ngập trong những suy nghĩ của riêng mình trên suốt những chặng đường dài bên ông Lữ. Hoặc đôi khi nhìn xuống đôi bàn tay, tôi không giữ được bộ móng tay đẹp nữa kể từ khi trầm luân, rửa bát gọt trầu, đấm bóp bưng bê.
Cũng có thể coi là kể từ khi không còn ai cầm lấy đôi bàn tay tôi nâng niu, ấp ủ.
Bao lâu rồi nhỉ, mới chỉ mấy tháng nhưng sao tôi thấy dằng dặc như một đời người.
Phải chăng phụ nữ đẹp nhất là khi có người để yêu dấu. Giờ tôi đẹp với ai?

Chị Loan đi làm gái chỉ vì cần tiền, thật nhiều tiền. Chị nói giá như chị có duyên với khách như ông Lữ, chắc chị đã gật đầu từ lâu rồi.
Chị cần tiền để chữa bệnh liệt giường cho ông anh trai. Anh trai chị vừa tốt nghiệp Đại học Kiến trúc thành phố. Anh là hy vọng của cả gia đình. Chị đi lấy chồng Đài Loan để có tiền phụ ba mẹ nuôi anh học đại học.
Anh trai chị Loan bị xe khách kéo lê chục mét ngoài ngã tư giao lộ gần công ty anh, nơi anh mới đi làm được bốn tháng. Anh trở thành tàn phế, một người sống thực vật, không nhận thức được gì nữa.
Một đêm, tôi đã khóc rất lâu cùng chị Loan. Tôi thấu hiểu nỗi đau của chị tới tận tâm can, vì ký ức tôi từng có những mẩu xe đạp nát bét dính máu anh trai, tôi biết có những thứ tôi sẵn sàng chết để đánh đổi lại số mệnh nhưng không được.
Tôi tin chị Loan chạy trốn chồng không phải vì chồng chị tồi tệ, chị đi làm gái vì tham tiền nhưng không phải là tiền cho bản thân mình.
Tiếc thay, những người tốt lại thường không được báo đáp. Một cô dâu ở chỗ tôi đã nhận xét, bà nào tử tế thì sẽ gặp ông chồng Đài Loan chẳng ra gì, còn vô số ông chồng Đài Loan tử tế lại gặp phải bà vợ Việt Nam chẳng ra gì, đời nó thế!
Tôi nghĩ khác, tôi nghĩ ai cũng có lý. Chồng có lý của người Đài, vợ có lý của người Việt, và vì thế, sự chênh lệch văn hóa mới là kẻ mắc lỗi. Chúng ta đã dùng những thước đo lệch để đo đời nhau. Vì thế, mãi mãi không thỏa nguyện.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận lời làm gái bao. Ông Lữ cho đến giờ nhìn lại, có lẽ là người đàn ông Đài Loan tử tế nhất mà tôi gặp. Ông tử tế bởi vì ông sòng phẳng với tôi.
Cho đến lúc chia tay, ông không nợ gì tôi, ông cũng không làm tôi nợ nần vấn vương gì ông, chia tay thanh thản như một người bạn.
Tôi có nghĩ tới Nhan Bách Bân, anh yếu đuối tới mức không bảo vệ được tôi, càng không mang lại cho tôi cái gì ngoài những ảo tưởng về tình yêu.
Tôi nghĩ tới Dương Lý Huy quá lịch sự, quá đời nhưng luôn giữ khoảng cách với tôi, làm cho tôi thấy mình chẳng có được bất cứ mối ràng buộc nào với ông để có thể an tâm.
Tôi cũng nghĩ tới Trương Văn Huy, đối xử với tôi rất tồi tệ, là một thằng đểu đã lấy tình yêu ra làm cớ để khỏi phải trả tiền chơi đĩ.
Và những kẻ như chồng tôi, như ông chủ quán đã hãm hiếp tôi, họ chỉ coi tôi là công cụ, không hề coi tôi là người.
Nếu thực sự có tình cảm, thì phải hành động, họ không đáng được so sánh với ông Lữ.
Ông Lữ cũng là người khách đầu tiên tôi ngủ cùng, chỉ là bởi tôi cô đơn mà thôi. Trong ái ân, tôi không tìm lạc thú, mà tôi tìm nơi ký thác những gì sâu kín và thiêng liêng hơn, tôi tin ông Lữ cũng không chỉ đi tìm kiếm cảm giác, bởi nếu thế, thì ông có thể có bao nhiêu lựa chọn, ngoài tôi.
Ông Lữ thích nói chuyện, tôi thích lắng nghe ông. Ông cũng lắng nghe tôi một cách bao dung. Tôi chỉ nhỏ bằng tuổi con gái lớn của ông mà thôi.
Còn một ý nghĩ chua chát khác làm tôi bật khóc, làm gái bao thực ra cũng chỉ khác làm gái mát xa ở một điểm thôi, đó là phải xoa bóp thêm một chỗ nữa trên cơ thể khách hàng, chỉ thế thôi.
Gần lắm với bỏ trốn là chạy trốn, gần lắm với bỏ chồng là li thân tự lo, gần lắm với làm thuê lấy tiền là ngủ thuê lấy tiền, gần lắm với bị hiếp là để cho hiếp, gần với khoe thân thể bán trầu cau là khoe thân thể bán thân thể, cũng như gần lắm với mát xa là vuốt ve làm tình.
Thế mà tôi lại thấy, tôi luôn lựa chọn thứ tốt hơn trong những khả năng có thể, thế mà lúc nhìn lại, sao thấy tôi đã đi quá xa khỏi ngày đầu tiên, tôi đã quá xa với tôi ngày xưa.
Trời ơi, tôi đã làm gì đời tôi thế này?
Tôi gặp lại Dương Lý Huy chính trong thời điểm này. Một tối thứ sáu trời mưa, tôi và ông Lữ ngồi uống rượu trong một quán bar sang trọng, ông cho tôi một túi tiền nặng.
Lễ vật của ông Lữ dành cho tôi là một túi giấy xi măng đựng tiền nặng tay, những tờ một nghìn Đài tệ lấp lánh lên màu xanh. Nhìn là biết nó đi thẳng từ máy đếm tiền ngân hàng ra, chưa hề qua tay ai.
Đầm Nhật Nguyệt đêm ấy nổi gió giông đầy trời, mây kéo đen kịt, gió như quét hết những bụi bặm trên trần gian lên trời, để lại cõi không lạnh lùng, bụi trần vốn là thứ giữ hơi ấm quanh con người, giờ như thể chưa từng tồn tại.
Say quá, ông Lữ kéo tôi về trên một chuyến taxi chạy ngang, ông bỏ xe lại trong bãi đỗ xe của quán bar này.
Tôi vừa xách túi tiền vừa dìu ông Lữ lên xe. Cửa xe mở, Dương Lý Huy nhìn tôi trừng trừng kinh ngạc. Chỉ một thoáng thôi, rồi ông ân cần giúp tôi đưa ông khách cao to và nặng nề lên xe.
Trên xe, ông Lữ say quá, tuột áo tôi bắt làm tình ngay trên băng ghế sau. Tôi bị ép dựa ngửa vào bao tiền, một cọc giấy bạc một nghìn tệ rơi ra qua miệng bao buộc không kín, lăn xuống sàn xe.
Khi dừng ở ngã tư đèn đỏ, tôi không biết nên kéo lại vai áo hay cúi xuống nhặt tiền rơi dưới sàn xe. Tôi chỉ biết nhìn chằm chằm vào gáy Dương Lý Huy, cay đắng và muốn bật khóc. Không có tính từ nào tả lại được cảm giác của tôi lúc đó. Giá như tôi đừng sinh ra trên đời này.
Qua gương chiếu hậu, Dương Lý Huy căng thẳng và đờ đẫn nhìn thẳng về phía trước, như thể không để ý tới phía sau, không nhìn gương chiếu hậu. Hoặc giả như thể quen thuộc với cảnh này.
Tôi sợ cứ đi thế này, ông sẽ đâm xe vào một vực sâu bên đường để kết thúc tất cả.
Xe chạy tới Hàn Bích Lầu. Ông Lữ có thẻ VIP của rất nhiều câu lạc bộ và sân Golf, không biết ông có phải là VIP của Hàn Bích Lầu không. Nơi đây tôi từng chấm một dấu chấm đánh dấu ngày tôi còn nằm viện trong cơn đau chia lìa ở thành phố Đài Trung, ngày tôi còn chưa là gì của Nhan Bách Bân.
Từ khi là một chấm trên bản đồ, tới khi dựa cửa nhìn ra mặt hồ gió động, đã bao thăng trầm đời tôi, được trả bằng nước mắt, thời gian và sự tan vỡ tâm hồn.
Tôi còn giữ lại được sự thiện lương, như thứ bấu víu cuối cùng, là điểm cứu rỗi để sau này tôi còn tư cách để làm mẹ của con trai tôi.
Giật mình, tôi tự hỏi, vì sao lâu nay tôi chưa bao giờ dính bầu? Một nỗi lo lắng mơ hồ dâng lên trong tim tôi.
Tôi đang theo học lớp làm móng tay. Học mất hai tháng, ông Lữ cho tôi toàn bộ tiền học phí hơn ba nghìn đô, tôi thành thạo và đã rất có năng khiếu lại có duyên với khách hàng. Bà chủ tiệm dạy nghề đề nghị tôi ở lại làm nhân viên cho bà.
Tôi từ chối, vì tôi đã có ông Lữ lo cho tôi tất cả mọi thứ tiền nong, tôi đâu cần phải kiếm sống. Bây giờ, cái điều tôi muốn làm nhất là quay trở lại quán Karaoke, làm tặng cho mỗi chị em một bộ móng tay tuyệt đẹp, với móng giả của Nhật, sơn màu nước của Hàn Quốc, sơn bóng của Pháp. Tôi muốn cảm ơn họ đã giúp đỡ tôi trong những ngày gian khó.
Khi tôi đến, phát hiện ra quán tầng năm và tiệm mát xa tầng sáu đều đã bị cảnh sát Đài Loan dẹp từ bao giờ. Chủ quán, chị Linh, chị Loan, các chị em khác đã bị bắt về giam tại trại thu dung. Họ phát hiện tất cả đều là cô dâu chạy trốn, có hoạt động mại dâm.
Hình dung nơi đây như con thuyền nhỏ lênh đênh giữa sóng gió, đã cứu vớt bao nhiêu người lên thuyền, nhưng cũng đã đẩy bao nhiêu người xuống biển.
Đều là phụ nữ Việt, đến hay đi hẳn đều trong lúc bất đắc dĩ.
Trong cầu thang máy đi xuống, tôi có một cuộc gọi nhỡ. Khi gọi lại cho ông Lữ, ông nói, tôi đừng về nhà nữa. Vợ và hai đứa con ông đang ở đó chờ tôi về gây sự.
Trong một phút đau đớn, tôi nhắn tin về cho Ngà: "Ngà ơi, nếu một ngày nào đó tao chết, tao xin mày giúp tao một việc cuối cùng. Rải tro của tao ra biển Đông nhé!".
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Thuvang

Re: Chuyện Kể Dưới Ngọn Đèn Đường - Trang Hạ

Postby tuvi » 12 Oct 2019

Phần kết: Số phận những nhân vật của tôi

Những đường đời đã trải, không như cuốn phim quay lại. Những vai đã đóng, mãi mãi là thân phận mình cả đời. Mà cho dù chúng tôi có bỏ chồng, chúng tôi cũng vĩnh viễn là cô dâu Việt.
Chúng tôi có quay về quê hương, thì những năm tuổi trẻ và bao khao khát mơ ước vẫn ở lại mảnh đất này.

Tôi là cái cây đã bị bốc lên khỏi gốc rễ, giờ phiêu bạt bốn phương trời cũng là số mệnh. Tôi hiểu ra vì sao có những chị em bị bán ra nước ngoài, bị ép làm vợ những người Trung Quốc, sống trong nghèo đói, đau khổ tăm tối, những tưởng sau khi họ tìm cách về được Việt Nam thăm lại gia đình, họ sẽ ở lại luôn.
Thế mà không, họ ở lại Việt Nam vài ngày, rồi quày quả quay lại nơi tăm tối mà họ đã bao năm, bao chục năm, mong thoát ra ấy.
Đó là cảm giác của một cái cây đã bị bứng khỏi đất mẹ, phải đi nốt chặng đường số mệnh.
Như thế, quay về nào còn ý nghĩa gì, ngoài việc may ra sẽ được chôn cạnh mộ cha sau này?
Trong một phút đau đớn, tôi nhắn tin về cho Ngà: "Ngà ơi, nếu một ngày nào đó tao chết, tao xin mày giúp tao một việc cuối cùng. Rải tro của tao ra biển Đông nhé!".
Cuộc đời tôi đã chia đôi giữa Việt Nam và Đài Loan, lúc chết, tôi nghĩ chỉ có cách ấy tôi mới không cô đơn nằm lại chỉ một nơi.
Ngà khùng lên, nó gọi điện thoại quốc tế chửi tôi tối tăm mặt mũi, nói tôi khùng, tôi gở mồm, tôi thần kinh bậy bạ.

Vào lúc chơi vơi, tôi ngồi ngoài đường, bấm bừa các số di động trong máy. Thấy trong máy điện thoại còn lưu số của một người đặc biệt, người mà năm ngoái hỏng xe đã ghé tiệm trầu cau của tôi ngồi trò chuyện. Tôi bấm thử số máy của ông, đầu kia nghe máy sau một hai tiếng tút dài, tự dưng tôi thấy hồi hộp.
Tôi bảo, chào ông, ông còn nhớ tôi không, tôi là cô dâu Việt Nam bán trầu cau trên đường ra sân bay ngày xưa đây, xe ông ngày đó bị chết máy, ông đến ngồi ở bậc thềm của tiệm tôi.
Ông nói, tôi nhớ chứ, tôi có đi qua đó nhưng người ta bảo cô bỏ việc lâu rồi.
Chúng tôi hẹn nhau tại quảng trường Ánh sáng của Cao Hùng. Ông vẫn lịch thiệp như thế, ông hiểu ngay vấn đề của tôi chỉ sau vài lời tường thuật.
Người đàn ông ghi cho tôi một mảnh giấy nhỏ, rồi đưa cho tôi:
- Cô đã có chứng chỉ nghề, cô cũng có khả năng giao tiếp tốt, tự kiếm tiền sinh sống được. Vậy đây là địa chỉ, cô có thể tới đây ở. Cô có thể ở tạm, nếu cô muốn ở hẳn, cũng không có vấn đề gì, với điều kiện cô hứa rằng cô sẽ sống đàng hoàng.
Sống đàng hoàng tức là mở tiệm, làm ăn hợp pháp, không buôn bán hàng phi pháp, không đánh bạc.


Chắc chắn ông không biết sống đàng hoàng với tôi mang định nghĩa khác, giờ đây, đối với tôi tức là không đi khách nữa, không làm gái bao nữa.
Tôi không rõ, tôi rời ông Lữ nhẹ nhõm như thế, không ai hận ai cả. Người đàn ông tốt bụng họ Lưu cũng chính là người sau này đã giúp tôi mở tiệm.
Tôi trở thành bà chủ trong tình cảnh trớ trêu ấy. Một cô gái bao trở thành chủ của tiệm làm đẹp, sơn móng tay, đắp mặt nạ, trang điểm thuê, vẫn bằng tiền của đàn ông, nhưng không bằng cách đánh đổi thân xác.
Sau bao năm, ông Lưu là người đàn ông đầu tiên làm cho tôi thấy, đứng trước mặt ông, tôi là một con người, nên tôi đủ tư cách để ngẩng đầu nhìn thẳng.
Gương mặt tôi nhìn thẳng trông xinh đẹp hơn lúc cúi đầu. Có vẻ cương nghị buồn rầu, tôi thay màu tóc khác, màu nâu nhạt, tóc uốn nhẹ ôm lấy bờ vai, nữ tính và thảnh thơi. Tôi thấy sợ mái tóc vàng điên rồ và đôi mắt thất thần của chính mình ngày xưa.

Tôi thường dành riêng tối cuối tuần để đi chợ đêm, đi ăn với ông Lưu. Chúng tôi đã bàn kế hoạch đưa con trai tôi sang Đài Loan sống cùng mẹ. Ông Lưu cho rằng, nếu thế thì tôi nên chuyển sang làm cái gì ở nhà kết hợp trông con, chứ đừng đi lại nhiều. Ông cũng tình nguyện làm người lãnh dưỡng để đưa con tôi sang, nếu tôi cần.
Ông ngỏ ý sẽ để lại cho tôi căn hộ nhỏ này, nếu thu nhập của tôi cứ giữ ổn định thế này, và người chồng chính thức của tôi không đến gây sự.
Tôi đặt một máy điện thoại đăng ký gọi dịch vụ quốc tế giá rẻ. Rất nhiều chị em đã đến quán tôi chỉ để gọi điện về gia đình.
Nhiều câu chuyện kể bên máy điện thoại, nhiều cô dâu đã bắt đầu chen nhiều tiếng Hoa, tiếng Đài Loan vào câu chuyện, bất kể đầu dây bên kia người nhà Việt Nam có hiểu hay không.
"Sau bao năm, ông Lưu là người đàn ông đầu tiên làm cho tôi thấy, đứng trước mặt ông, tôi là một con người, nên tôi đủ tư cách để ngẩng đầu nhìn thẳng"
Hôm ấy cũng là chủ nhật, trời nắng đẹp, quán rất đông chị em dắt con tới chơi. Một người khách lạ mở cửa, cố để đẩy cửa kính sang hai bên. Một tay ôm bụng một tay vừa đẩy vừa níu cánh cửa tiệm.
Một cô gái đã đến ngày sinh nở rồi, đang chới với không biết định bước ra hay đi vào.
Ngay trong khoảnh khắc ấy, vụt trở về trong tâm trí tôi hàng ngàn ngày đêm đau khổ đã qua, những giây phút bị giày vò, hạnh phúc được làm mẹ và nỗi đau khổ phải làm mẹ một mình, chuyến taxi đêm bên đầm Nhật Nguyệt, tấm gương lớn trong nhà Thán, màu trời xanh qua cửa sổ bệnh viện Đài Trung, gương mặt yêu dấu của Nhan, sân ga lạnh lẽo trong đêm ở Phủ Li. Tôi kêu lên, giọng nghẹn lại:
- Đừng làm thế, em ơi!
Nói với cô ấy mà tôi như thể nói với chính cuộc đời mình.
Những chị em trong quán lao xao, chạy ra đỡ sản phụ.

Ngọc cho đến giờ vẫn làm nghề sơn móng chân cho những cô gái làm nghề mát xa, phục vụ quán ăn, vũ trường quanh huyện Đài Bắc. Cô chỉ mong sao kiếm đủ tiền để sinh sống lương thiện và nuôi đứa con trai ở thành phố Hồ Chí Minh, chờ con lớn hơn một chút sẽ đón con sang Đài Loan cho nó ăn học tử tế.
Ngọc từng viết thư kể chuyện mình cho độc giả báo Bốn Phương tại Đài Loan biết, nhưng cô giấu kín thân phận, chỉ tiết lộ mình là ai với tôi và chủ biên báo Bốn Phương. Chúng tôi cũng chỉ được liên hệ với cô qua điện thoại. Cô không muốn gặp mặt ai nhưng cô khao khát muốn được chia sẻ.
Vân mỗi năm giận lẫy chồng vài lần, thỉnh thoảng xách đồ bế con về Việt Nam. Lâu dần chồng Vân quen tính vợ, mặc kệ không còn về nước đón nữa, hết tiền, Vân lại lục tục bế con sang Đài.
Hiện, Vân đang mở một xe bánh mì Việt Nam tại thành phố Trung Hòa, kề thắng cảnh nổi tiếng là ngôi chùa trên núi Hồng Lô Địa, chỉ bán bánh mì từ 6 đến 7 giờ sáng nhưng đã kiếm đủ tiền dư dật để chi tiêu riêng. Vân hy vọng đưa em trai sang học nghề thuốc Đông y tại Đài Loan để em có thể kiếm tiền tại Việt Nam nuôi bố mẹ cô sau này.
Lan, vợ Dương Lý Huy đã quay lại Đài Loan sống với chồng. Lần cuối cùng tôi gặp Dương Lý Huy là khi tình cờ bắt gặp ông đưa vợ con về thăm Việt Nam tại sân bay Đào Viên, chúng tôi ngồi cùng chuyến máy bay nhưng trước mặt vợ, ông ngại ngùng làm như không quen tôi. Vì có thể ông giữ thể diện cho người vợ, hoặc ông sợ tính ghen tuông dữ dội của người vợ đanh đá.
Trong câu chuyện, từng có lần Dương Lý Huy kể, vợ ông đã vô cớ sỉ nhục dữ dội một phụ nữ Việt Nam khác gọi điện đến đặt xe taxi của ông đi một chuyến đường xa. Chúng tôi kín đáo nhìn nhau, không chào hỏi.
Bà môi giới đưa Ngọc đi bán trầu cau không chỉ đã "giúp" Ngọc mà còn giúp rất nhiều cô dâu Việt Nam khác trong lúc khó khăn. Cách bà giúp (hoặc rủ rê, lôi kéo họ) có thể gọi là xấu xa, bản chất là môi giới phạm tội, nhưng cũng được coi là lối thoát cho nhiều cô dâu Việt Nam khỏi hoàn cảnh bất đắc dĩ, trong đó có Ngọc.
Loan, gái nhảy bạn nghề của Ngọc sau khi bị bắt đã được chồng tìm cách giải thoát. Chồng Loan đã đến bảo lãnh cho vợ. Người chồng giúp Loan trốn về Việt Nam, mang hai đứa con về cho vợ chăm sóc, ông gửi tiền nuôi vợ con và thỉnh thoảng bay về Việt Nam thăm con.
Ông không hề khinh ghét vợ, chỉ mong Loan hết hạn quản thúc cấm nhập cảnh 5 năm để đưa vợ quay trở lại Đài Loan đoàn tụ gia đình. Loan là một trong những cô dâu nhờ tôi tư vấn hỗ trợ, bởi cô chân thành muốn được sớm quay trở lại Đài Loan để tiếp tục làm cave kiếm tiền giúp gia đình ở Việt Nam. Vì mục đích đó nên dù tôi rất thương cô nhưng tôi không thể giúp đỡ cho cô toại nguyện.
Thúy là bạn của Ngọc, về sau này hai mẹ con Thúy không có tin tức gì nữa.
Vợ ba của Văn Huy là một cô dâu Việt Nam điển hình, không biết gì về quá khứ của chồng cũng như không thật hiểu hết tâm tư của chồng. Cô hồn nhiên làm vợ và hết sức trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình, cô nghe lời chồng, hài lòng với hiện tại. Có lẽ người như cô là kiểu người ít sóng gió nhất nên ít thứ để kể nhất trong tiểu thuyết này.
Cảm ơn những nhân vật có thật của tôi.

Hết
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,156
Posts: 95738
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong, Thuvang


Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 45 guests