Thoát Ly - Khái Hưng

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Image

Tác giả : Khái Hưng

Phần Thứ I


Chương 1

Xe hai người tới bờ hồ Hoàn Kiếm. Tiếng ồn ào cười nói ở vỉa hè bắt đầu làm cho Hồng chú ý. Nàng vừa bảo Nga được một câu : "Ðông quá, chị nhỉ !" thì còi điện ô tô thét lên khiến anh phu kéo vội né sang một bên và đứng dừng lại. Xe hơi nghiêng, và đầu hai thiếu nữ chạm vào nhau. Hồng nhớn nhác, thở hổn hển bảo bạn :

- Tý nữa thì chết !

Nga cười vui vẻ, đáp :

- Bây giờ tính nết chị đổi khác. Ngày xa đi học trong trường nghịch ngợm liều lĩnh thế, mà này nay chị nhút nhát sợ hãi đến hay !

Hồng chữa thẹn :

- Chị tính xa Hà Nội năm năm còn gì.

Và nàng ngượng ngùng nói tiếp :

- Không thành một cô gái quê mùa đặc là còn khá lắm đấy !... Nhưng... Hà thành thay đổi mau quá, chị nhỉ !

- Chuyện ! nơi nghìn năm văn vật của người ta !

Thấy xe tiến rất chậm và khó khăn giữa đám người mỗi lúc mỗi đông hơn, Nga với Hồng liền xuống đi bộ.

Dãy hàng giải khát chật ních những khách ; các bàn kê gần sát nhau. Người qua lại phải đi rẽ xuống đường, trong khi các cô hàng tranh nhau vươn cổ gào : "Mời hai thầy, mời thầy mời cô vào hàng em xơi nước đã".

Hồng tò mò ngắm một bọn năm thiếu nữ tóc rẽ lệch, hoặc búi lỏng, ngồi cười đùa nói chuyện với ba thiếu niên đầu chải lật, bóng loáng, người nào người nấy lấm tấm dính đầy những hoa giấy tròn nhỏ đủ các màu. Nàng bỗng bước hụt từ trên hè xuống đường và xuýt ngã, làm bọn kia cất tiếng cười rộ. Một thiếu nữ nói bông :

- Tý nữa thì vồ ếch !

Một chàng gật gù đọc, ra vẻ tự đắc lắm :

Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.

Hồng xấu hổ đỏ bừng mặt, kéo Nga rảo bước.

Nàng lẩm bẩm :

- Ðồ vô giáo dục !

Nga ghé tai bạn thì thầm :

- Dở hơi lắm, tức giận như thế thì tức giận đời ! Mặc kệ họ có được không ?

Hồng hậm hực lặng thinh, tai còn nghe vang tiếng cười và những câu chế nhạo. Thấy Nga thích kẻ khuỷu tay vào cạnh sườn, nàng hỏi :

- Cái gì thế, chị ?

- Không nghe thấy mấy tướng khoe tài ném confettis với nhau à ?

- Không, sao chị ?

Nga chưa kịp đáp câu hỏi thì hai thiếu niên vừa vượt qua, đã quay lại. Một người mặt đỏ như say rợu hầm hầm đi thẳng tới mặt nàng. Hồng lo sợ ngắm chàng và để ý ngay đến cái sẹo bóng chạy xiên từ thái dương bên trái lên cái trán gồ và rộng. Mắt chàng cười nheo một cách vô duyên trên ba cái gò thịt sù sì : lưỡng quyền và cái mũi sư tử.

Chàng dang tay toan ném thực mạnh nắm giấy hoa vào mặt Nga, bỗng chàng dừng lại đăm đăm nhìn Hồng rồi phá lên cười.

Hồng bị giấy vụn bay tối cả mắt, đưa tay lên phủi, thì nắm giấy thứ hai lại ném tiếp liền, khiến nàng cuống quít ẩn vào sau lưng Nga.

- Ông Lương giỏi nhỉ !

Nghe gọi đến tên, người kia ngơ ngác nhìn hỏi :

- Thưa cô, cô biết tôi ?... Cô quen tôi ?

Nga mỉm cười :

- Quen thì tôi không có hân hạnh được quen ông, nhưng năm ngoái tôi có được xem ông diễn kịch.

Hồng hỏi :

- Ông mà cũng diễn kịch ?

Chừng cho đó là một câu mỉa mai, Lương ngả mũ chào, rồi cùng bạn đi liền. Nga cười khúc khích hỏi với một câu ranh mãnh :

- Thế năm nay ông có đóng vai gì không ?

- Không !

Một lát sau, trên khoảng đất ven hồ người đứng đông quá, hai thiếu nữ thấy khó lòng tiến lên được. Giữa lúc ấy có tiếng reo ầm ỷ từ phía hội quán "Khai Trí Tiến Ðức" đưa lại. Rồi từ phố hàng Trống rẽ sang một cái ô tô kết bông trắng thành hình cái thuyền trên có tám cô thủy binh, tuổi từ mời bảy tới hai mươi, cầm dựng ngược tám cái mái chèo lấp loáng màu vàng trang kim. Người ngồi cầm lái là một chàng thanh niên đầu đội mũ giấy, mặt đánh phấn, môi thoa son.

Trong làn không khí mờ bụi, ồn ào, đầy tiếng cười và tiếng vỗ tay, những hoa giấy, những giòng giấy ngũ sắc ném tung lên đầu, lên bọn lính thủy xinh xắn và như cố lôi giựt các cô xuống đất. Nhưng chiếc ô tô với hàng răng trắng lớt qua, những sợi dây hồng, dây tím đứt rơi đầy đường.

- Xe trường nào đấy ?

- Trường taxi girls.

Ðáp lại câu tảr lời ngộ nghĩnh, tiếng cười phá lên vang động. Nhưng đã theo liền sau một cái xe do bốn con bò nặng nề kéo. Trên xe đứng xếp hàng hai dãy bộ binh thời cổ, đầu đội mũ đâu mâu, chân đi hài sảo kiểu La Mã tết bằng rơm. Họ luôn luôn múa mộc, khoa giáo hò la như một bọn mọi đen trong phim chiếu bóng. Người đứng xem trầm trồ khen ngợi và bàn tán :

- Trường Mỹ thuật ! Trường Mỹ thuật ! đẹp quá !

- Mỹ thuật lại chẳng đẹp !

- Nhưng phải cái ông kia hơi gầy !

- Ông kia bắp chân hơi nhỏ trông chẳng La mã tí nào !

Trong khi ấy thì hoa giấy, vòng giấy đua bay loạn xạ. Hồng hỏi bạn :

- Họ làm trò gì thế ?

Nga gắt :

- Họ thi xe kết hoa chứ làm trò gì ! Rõ ngớ ngẩn như cô mán rừng ! Hỏi thế không sợ người ta cười cho.

Thì người ta cười thực : đứng sau lưng hai thiếu nữ, một bọn sinh viên đương che miệng cười khúc khích bảo nhau :

- Con bé hay tệ !

- Phải cái răng đen không thì khá lắm.

Hồng quay lại, vừa chưa kịp nhìn, đã bị một nắm giấy vụn bắn toé vào mặt, và một vòng giấy quấn lợn vào cổ. Nàng bẽn lẽn gỡ ra, rồi sợ hãi đứng sát lại Nga.

- Anh Lương, gớm thật.

Lương lơi lả hỏi :

- Hai cô không mua hoa giấy để ném ?

Nga mỉm cười tinh quái hỏi lại :

- Ném ai được mà mua ?

Hồng thấy anh chàng xấu xí ấy cứ theo chân và trêu ghẹo mãi mình, liền cáu tiết nói một câu chua chát cho bõ ghét :

- Chắc hẳn là không phải để ném vào mặt ông.

Dứt lời, nàng lôi bạn đi chỗ khác. Nga thích chí cười ngất :

- Chị vẫn còn nghịch ngợm đáo để như xưa... Kìa chị trông xe trường Thuốc.

Nga vừa nói vừa trỏ một cái ô tô lớn trên có những sinh viên áo trắng dài rộng, ống tay vén đến khuỷu. Hồng hỏi :

- Sao chị biết ?

- Sao tôi biết ? Lại quê mùa rồi ! Chị không nhận thấy rằng đó là những ông đốc tờ à ? Kia kìa ! Họ cầm những ống tiêm thuốc khổng lồ, ai mà không trông rõ ?

Theo liền xe trường Thuốc là xe trường Bào chế, kết thành hình con hạc trắng vỗ cánh đứng trên lưng con rùa vàng. Rồi đến xe trường Luật bài trí rất giản dị, bằng một hàng lan can vây bốn phía, nhưng trang hoàng rất rực rỡ bằng những ông cử luật tương lai dưới bộ y phục trang nghiêm màu đen. Trong số đó lại đứng xen vào một cô Pháp và ba cô An Nam xinh đẹp

- Sự thực những xe của các trường cao đắng được người ta chú ý hơn những xe của các tư gia, tuy trong đám này cũng có nhiều cái trang hoàng rất khéo. Có lẽ hơn kém nhau chỉ ở chỗ trẻ trung và biết vui đùa.

Thoáng nghe mấy câu bình phẩm ở sau lưng, một người đã đứng tuổi quay lại. Người vừa nói vội cất mũ chào :

- Kìa ông đốc !

Ông này cười, nói :

- Ông Trần ! Ông cho thế là trẻ trung, là vui đùa, nhưng tôi, tôi cho thế là lõa lồ, là đĩ thõa. Tệ hại mấy cái ông vô công rồi nghề ngồi vẽ ra những kiểu quần áo mà họ cho là tân thời ông xem họ ăn mặc thế kia thì còn coi công chúng vào đâu nữa ? Sao không cởi trần hẳn ra nhân thể.

Ông ta vừa nói vừa trỏ một thiếu nữ có bộ ngực nở phỡn căng thẳng với cái áo kim tuyến màu hồng.

Bác sĩ hạ giọng nói tiếp :

- Giá ông đến gần mà nhìn
thì ông sẽ thấy rõ gần đủ các thứ ở trong người cô ta.
Mấy tiếng cười kín đáo càng làm cho bác sĩ được thể, nhắc đi nhắc lại mãi :

- Cởi trần ra có hơn không ? Phải, sao không cởi trần hắn ra ? Mà mới cuối xuân, đã nóng bức gì cho cam !

Rồi ông ta kể nhiều câu chuyện để tỏ rằng người Bắc kỳ tiến, tiến đến chỗ suy đồi, mau chóng hơn người Trung kỳ và cả người Nam kỳ.

- Một bà ở Nam kỳ - ông nói - ra đây chơi, bữa nọ đã phải lấy làm kinh ngạc về cách phục sức của các cô ngoài này.

Không ai lu ý nghe những lời chua chát của ông ta nữa, vì một cái xe bò kéo, đương đia qua, trên đứng một lũ mọi đen dữ tợn, dậm chân, khoa giáo và kêu la inh ỏi. Từng tràng vỗ tay. Tiếng hoan hô om sòm. Tiếng cười ầm ý. Vòng giấy bay tua tủa.

- Các ông xì cút đấy ! Các ông xì cút đấy !

- Hay nhỉ !

- Ghê gớm quá !

- Vô lý ! Xe ấy mà bảo là xe hoa ! Hoa gì, hoa nhọ nồi !

Tưởng bác sĩ vẫn đứng đấy, người tiếp chuyện ông lúc nãy nói :

- Ông xúi người ta cởi trần ra, thì người ta cởi trần ra thực kia rồi, lại gần cởi truồng nữa.

Một bà y phục theo kiểu mới những kín đáo hơn, đứng đắn hơn, nhất là kém tha thướt hơn nhiều người khác, vội đáp :

- Thưa ông nhà tôi về rồi.

Người kia ngả mũ chào :

- Xin lỗi bà, tôi vô tình không thấy bà.

- Tha ông tôi cũng vừa đến đây ạ. Tôi đem áo tơi ra cho nhà tôi, sợ về chiều trời lạnh.

Tiếng máy truyền thanh ở cửa "Khai Trí" bắt đầu thét oang oang, khiến những câu truyện gần đấy đều vụt im :

"Thưa các bà, tha các ông, thưa các cô, xin nhớ tối nay lại nhà hát tây coi diễn kịch "Tình lụy". Ðó là một vở kịch rất hay, rất tức cười, rất lương tâm nữa của ông Huỳnh, một sinh viên trường Thuốc, soạn rất công phu, xin các ông, các bà, các cô thế nào tối nay cũng lại nhà hát tây lấy vé vào xem hát. Hay lắm, bỏ lỡ dịp này rất đáng tiếc..." Lời quảng cáo sang sảng, cứ một dịp kéo dài, bất tuyệt. Vì xong câu ấy, kế tiếp liền câu khác quảng cáo thuốc, quảng cáo sách, quảng cáo đủ các thứ hàng hóa.

Hồng vơ vẩn đứng lắng tai nghe. Bỗng nàng đỏ bừng mặt bảo bạn :

- Thô bỉ quá !

Nga hỏi :

- Ðứa nào trêu chị đấy ?

- Không, tôi bảo máy truyền thanh.

- Ồ ! chị nghe làm gì !

Lời quảng cáo khoe khoang đến sự công hiệu của một "môn thuốc thần".

- Ê ! im ngay !

Ðó là câu mắng của một người đàn ông, cùng đi với vợ và hai con nhỏ. Nhưng lời cổ động không im. Ông kia tức tối gọi xe, rồi cùng vợ con đi thắng, để sau lưng những tiếng cười chế nhạo.

- Rõ đạo đức rởm !

Có người cãi lại :

- Ông ấy mắng thế không phải à ? Cũng tùy từng câu quảng cáo chứ.

Ðoàn xe hoa vẫn cái nọ theo cái kia đi vòng quanh như trông đèn cù trên ba con đường Hàng Trống, Bờ hồ và phố Bảo Khánh. Ðến vòng thứ tư, thứ năm thì tiếng gào, tiếng hét cũng những người đứng trên xe đã nhỏ đi và trở nên rời rạc; những giấy, những hoa, những vải, những đồ trang hoàng đã rách, đã sứt mẻ nhiều nơi, để lộ thân xe và giơ cốt xương phên cót ra. Những chuỗi dây hoa quấn đũa bánh xe bò của trường Mỹ thuật kéo lệt sệt dưới đường. Con rắn trong xe trường Thuốc đã đổ siêu và gầy mất đầu. Những nụ cười tươi sáng của các cô Nhật bản trên một chiếc xe tư gia đã mờ xạm vài phần.

Rồi dần dần các xe giải tán, người đi xem bỏ ra về. Còn trơ lại ba con đường sặc sở.

Hồng buồn rầu nhìn mái tóc Nga dính đầy hoa giấy, và hỏi :

- Hết rồi à, chị ?

- Hết rồi.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 2

Khi Hồng cùng Nga và vợ chồng chị về đến căn nhà ở phố chợ Hôm thì đêm đã khuya lắm, hơn một giờ sáng.

Hảo, vợ Căn, mệt nhọc kéo lê đôi giày cao gót trên cầu thang, chiếc thang gỗ sơ sài, đặt sát tường trên cái bệ gạch và ngay sau cái tủ ngăn chia phòng dưới ra hai phần : cửa hàng và phòng ngủ của trẻ con cùng * bõ.

Lên đến gác, nàng ngồi tựa vào một chiếc ghế dựa bằng cói bện, thở hổn hển :

- Ðã bảo không đi, lại cứ lôi người ta đi cho bằng được;

Căn nói mỉa :

- Ban nãy cười như nắc nẻ thì không sao.

Chàng đứng chống tay vào lưng ghế hỏi :

- Mợ có đói không, tôi bảo nó đi mua gì về ăn ?

Sau cái ngáp, Hảo trả lời :

- Bây giờ còn hàng gì mở cửa mà ăn với uống ?

Rồi nàng đứng dậy uể oải bước vào phòng nói tiếp :

- Chẳng ăn gì nữa, đi ngủ đây.

Ðến cửa phòng, nàng quay lại bảo em gái và em chồng :

- Dì với cô cũng đi ngủ thôi, chẳng mệt. Mai còn đưa nhau đi sắm sửa các thứ chứ.

Hồng mỉm cời, đáp :

- Vâng chị cứ để mặc chúng em.

Vẻ mặt Hồng vẫn vui tươi hớn hở. Chờ cho anh rể và chị vào phòng trong, nàng thì thầm hỏi Nga :

- Buồn ngủ chưa ?

- Chưa.

- Vậy ra ngoài kia ngồi chơi mát nhé ?

- Vâng, cũng được.

Cái cửa hẹp ra bao lan vừa mở, một luồng ánh trăng ở phía tay phải chiếu xiên chếch vào sàn. Hồng không giữ nổi một tiếng "à" khoan khoái. Nga xách hai cái ghế mây, đặt gần kín khoảng vuông nhỏ, ba phía có lan can gỗ bao bọc. Rồi nàng rón rén bước vào tắt đèn.

Có tiếng ở trong phòng hỏi :

- Hai cô ngủ rồi đấy chứ ?

Nga cười láu lỉnh, đáp :

- Vâng, chúng em ngủ rồi.

Ra bao lan, nàng khẽ khép cửa lại, bảo Hồng :

- Chị phán chị ấy vừa ở cữ được hơn một tháng nay, nên người còn yếu lắm. Chứ chúng mình thì thức thế đã mùi mằn gì, phải không chị ?

- Vâng, chính thế. ở nhà, nhiều khi tôi thức suốt đêm, sáng dậy cũng chẳng sao.

Nàng thở dài nói tiếp :

- Chỉ những cái khổ về tinh thần mới làm cho người ta gầy mòn khô héo đi, chứ thức đêm mà trong lòng vẫn vui vẻ thì cũng chả sao.

Nga buồn rầu nhìn bạn và an ủi :

- Chị sắp sửa đi ở riêng còn cần gì nữa.

Hồng ngồi im mấy giây cúi nhìn phố vắng, rồi nói lảng sang chuyện khác, chuyện diễn kịch, chuyện nhà hát. Nga lơ đãng nghe Hồng. Chờ khi bạn ngừng, nàng hỏi :

- Người ta vẫn cứ xử tệ với chị như thường ?

Hồng chép miệng :

- Trách người ta làm gì... Chỉ tại thầy tôi chiều người ta quá.

Cho là mình lỡ lời, Hồng cười đánh trống lấp, hỏi Nga :

- À chị có trông thấy cái anh chàng ném hoa không ?

- Có Lương đấy chứ gì. Hắn trơ quá đi mất thôi. Có người bảo tôi rằng chính hắn nhắc mời chúng mình đến bán chương trình đấy.

Hồng cười ngất, nhớ đến những cử chỉ của Lương lúc thi xe hoa và trong khi diễn kịch :

- Hắn học cao đẳng đấy à, chị ?

- Hình như hắn học trường Luật có một hay hai năm gì đó. Nhưng bỏ rồi thì phải.

Nghe đâu bây giờ hắn dạy trường tư.

Sợ Nga gợi đến chuyện gia đình của mình, Hồng rủ bạn đi ngủ. Từ khi được tin chắc chắn sắp sửa về nhà chồng, Hồng không muốn ai nhắc đến người dì ghẻ nữa. Nàng cố quên, quên hết những sự khốn nạn nhỏ nhen trớc khi thoát ly cái gia đình mà nàng cho là một nơi ngục tối.

Nằm bên cạnh Nga, nàng yên lặng vờ ngủ say, bạn hỏi cũng không đáp lại. Và muốn không nghĩ đến nhà, đến cha, đến dì ghẻ, đến lũ em láo xược, đến việc hôn nhân của mình, nàng cố ôn lại những điều mắt thấy tai nghe, những sự xảy ra trong nhà hát. Nàng tưởng như còn văng vắng trong máy truyền thanh tiếng oang oang của người sinh viên trường Luật. Nàng nghĩ thầm : "Lần này là lần đầu mình được trông thấy cái máy truyền thanh. Tiếng to quá, mà chẳng còn giống tiếng người nữa, nghe như tiếng ma tiếng quỷ ấy. " Và nàng mỉm cời nghĩ tiếp : "Chả trách chị Nga bảo mình quê mùa. Thực chẳng oan tí nào."

Rồi nàng nhớ đến nhân vật trong vở kịch. Nàng thấy người đóng vai thi sĩ hơi gàn, chẳng đáng được Thúy Lan yêu. Còn cái anh chàng công tử xinh đẹp, có duyên thì lại bị Thúy Lan coi thường chế giễu nữa. Nàng chua chát tự nhủ : "Ðó là ở trong kịch mà thôi, chứ ở đời vị tất đã thế. "

Tự nhiên hiện ra bức ảnh mà vị hôn phu của nàng gửi từ bên Pháp về mấy tháng trước. Vì Thân, người chồng tương lai của nàng, cũng có cái đầu chải lật giông giống như cái đầu của anh công tử trong vở kịch, tuy không đẹp trai bằng.

Ðiều nàng lấy làm lạ nhất, là những vai trò táo bạo quá. Họ nói với nhau, họ âu yếm nhau như ở chỗ vắng người vậy. Bất giác nàng bật cười thành tiếng.

- Chị chưa ngủ à ?

Nghe tiếng Nga hỏi, Hồng luống cuống đáp :

- Không... tôi vừa thức giấc...

Nga cười khúc khích :

- Chừng nói mê phải không ?

Hồng ghé tai bạn thì thầm :

- Ðể cho anh chị ấy ngủ chứ.

Nga vẫn cười :

- Chà ! anh Căn mà anh ấy đã ngủ say thì dẫu bắn súng bên tai, anh ấy cũng chả thức dậy đâu mà sợ. Còn chị Căn thì mệt nhoài cũng ngủ như chết. Hai người lại nói chuyện. Giữa những tiếng thì thào, thỉnh thoảng điểm một dịp cười to. Gần một người vui tính như Nga, Hồng cảm thấy sự buồn nản trong lòng dần dần tiêu tán. Một luồng tư tưởng lạc quan như vụt thổi vào tâm hồn nàng những sự sung sướng bồng bột, không cỗi rễ. Nàng thấy tương lai hiện ra với đủ các trạng thái sáng lạn. Và thành thực đem những chuyện riêng, những hy vọng ra kể với bạn. Trong lúc sốt sắng yêu đời, nàng trở lại kính mến người cha đã rẻ rúng nàng và sẵn lòng tha thứ người dì ghẻ đã ác nghiệt tàn nhẫn với nàng. Nàng cần gì, chậm lắm là một, hai tháng nữa nàng đã rời bỏ hẳn cái gia đình ấy để về nhà chồng; mẹ chồng dù cay độc đến bực nào cũng không thấm vào đâu với người dì ghẻ của nàng được.

Cần người chồng, nàng biết chỉ đỗ tú tài. Trong buổi kinh tế khủng hoảng này, cái bằng cấp ấy người ta cũng khó lòng mà tìm được việc. Nhưng điều đó nàng không ngại mấy, miễn là thoát ly cái gia đình đầy kẻ thù : vì ở đấy không những nàng bị người dì ghẻ áp chế hành hạ mà còn phải luôn luôn chống lại một đàn em cùng bố khác mẹ. Nàng sẽ hết sức yêu chồng, cùng chồng lập nên một gia đình đầm ấm, quả quyết làm việc giúp đỡ chồng...

Hồng nói rất nhiều, chậm rãi se sẽ. Nàng như say sưa với những sự sung sướng đâu đâu sung sướng không phải vì sắp có một tương lai tất đẹp, nhưng vì sắp rời bỏ được cái hiện tại mà nàng cho là không thể sống nổi.

Nghe tiếng thở đều đều, nàng biết rằng Nga đã ngủ, liền nằm im. Nhưng nàng vẫn tỉnh như vừa uống một chén chè đặc. Nàng cố không nghĩ, song những tư tưởng cứ dồn dập lấn vào tâm hồn và những kỷ niệm cứ kế tiếp hiện mãi ra.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 3

Trí nhớ Hồng đi ngược lên đến thời nàng sáu tuổi : năm ấy như một bức tường ngăn cản ký ức nàng lại. Không phải tuổi lên sáu là cái tuổi con người bắt đầu ghi nhớ, nhưng một sự đau đớn xảy ra làm rung chuyển cân não non nớt của nàng và có ảnh hưởng sâu xa tới đời nàng : Mẹ nàng chết.

Nàng tưởng như tự trông thấy mình kêu gào gọi mẹ. Người ta nói dối nàng bảo rằng mẹ nàng đi chơi xa, hôm sau sẽ trở về, và sẽ mua quà thật nhiều. Nhưng nàng hiểu chắc rằng mẹ nàng đi không về nữa, vì nếu không thế, sao Hảo, chị nàng, lại khóc lóc thảm thiết và kể lể những câu "Mẹ bỏ chúng con đi. Mẹ để chúng con bồ côi bồ cút ở đời..."

Trong lúc đưa ma mẹ, nàng chỉ nhớ có một điều là hôm ấy trời mưa...

Thế rồi nàng sống ở một tỉnh nhỏ, tỉnh Vĩnh Yên, trong một gia đình thờ ơ buồn tẻ.

Cha nàng ngày hai buổi đi làm, trưa về ăn cơm rồi ngủ. Chủ nhật nếu không đi chơi thì lại mời khách đến nhà đánh tổ tôm, tài bàn. Không mấy khi nàng được cùng cha chuyện trò thân mật âu yếm.

Người gần nàng nhất là người đàn bà mà nàng không hiểu tại sao lại là mợ nàng được. Ngày xưa nàng kêu mẹ là mợ, vậy người này có là mợ nàng đâu mà dám nhận lấy cái tên gọi hiền từ ấy ?

Sau khi mẹ nàng chết, nàng còn được sống bốn năm hơi êm thắm, vì nàng luôn luôn được chị Hảo bênh vực, che chở cho. Nàng nhớ một lần nàng đánh vỡ cái chén Nhật Bản. Người dì ghẻ mắng nhiếc nàng thậm tệ, rồi sấn lại toan tát nàng. Nàng khóc thét lên thì chị Hảo chạy đến bế nàng đi liền.

Nàng kính phục chị Hảo, cho chị Hảo là người can đảm nhất đời, nhiều khi dám cãi lại "mợ" mà mợ vẫn không đánh đập như thường đánh đập mình.

Nhưng năm Hồng mười tuổi thì Hảo về nhà chồng. Nàng khóc thảm thiết hơn khóc mẹ chết, vì nàng hiểu rằng nàng sẽ cô độc, sẽ khổ sở. Chị nàng cũng khóc và ôm nàng vào lòng dặn dò đủ mọi điều để đối phó với "người ta" - khi hai chị em trò chuyện riêng với nhau, Hảo thường dùng tiếng "người ta ‘ để trỏ vợ lẽ của cha.

Từ đấy chị Hảo đi, gần như đi biệt, vì mỗi năm chỉ về thăm nhà một, hai lần, mà mỗi lần chỉ ở nhà một, hai hôm. Hình như chị Hảo với "người ta" không thể chịu đựng được nhau, nên hễ thấy mặt nhau là lườm, là nguýt, là tìm những câu bóng gió nói cạnh, nói mỉa nhau.

Hồng thấy thế lấy làm sung sướng, mong mỏi chị về chơi nhà luôn, để mà kình địch với "người ta", để nàng được thấy "người ta" tức sùi bọt mép và được nghe những tiếng thở dài đau đớn của cậu. Cậu không hẳn là kẻ thù của nàng, nhưng nàng coi cậu như thuộc vào cánh "người ta", một cánh rất đông và rất mạnh, có đủ các chiến tướng lắm mưu, nhiều kế. Ðương đầu với cánh ấy, nàng chỉ một thân trơ trọi. Giá nàng can đảm, liều lĩnh được như chị Hảo ?

Một hôm ở trường về - năm ấy nàng theo lớp nhì trường nữ học - nàng nghêu ngao hát câu ca dao vừa nghe lỏm được, mà nàng cho là hay lắm :

Mấy đời sấm trước có mưa
Mấy đời dì ghẻ có ưa con chồng !

Nàng thấy hai đứa em khác mẹ, thằng Yêm và cái Lan, bĩu môi thì thầm với nhau rất lâu. Bữa cơm chiều "người ta" dữ tợn nhìn nàng, tìm hết mọi cớ để mắng nhiếc nàng, để nói xấu nàng với cậu. Nàng nghĩ thầm : "Nếu phải chị Hảo thì chị ấy đã hát câu ca dao vào tận mặt cho. Không một lúc nào, Hồng không nhận thấy mình sống bên cạnh một bọn thù. Họ luôn luôn chế giễu nàng, xem xét từng cử chỉ, bắt bẻ từng lời nói của nàng, ẩn núp chung quanh nàng để do thám, để đoán việc nàng định làm hay không bao giờ nghĩ tới...

Giữa một bữa cơm sáng, cha nàng hằm hằm tức giận, xỉa xói vào mặt nàng :

- Hồng, mày là một đứa con bất hiếu, mày đã biết chưa ?

Nàng ngồi im, cúi gầm mặt xuống, cố nuốt trôi miếng cơm nghẹn nào trong cuống họng. Cha nàng nói tiếp :

- Mẹ mày chết đi, lúc ấy mày mới lên sáu, mợ mày đây yêu quý mày... nuôi nấng mày... có khác gì mẹ đẻ không ? Ðấy, mày xem thằng Yêm, con Lan, thằng Tý, con Thảo, cái Mùi có được mợ mày đây yêu mến bằng yêu mến mày không ? Không phải là người ta có sợ gì mày mà phải tử tế với mày, người ta chỉ thương hại mày là một đứa con mất mẹ, mày đã hiểu chưa ?

Hồng ngắt lời :

- Nhưng thưa cậu, con có dám gì đâu.

Ông phán dằn cái bát xuống bàn :

- Không dám gì ? Mày còn cãi à ? Tao biết hết, tao đi guốc vào trong óc mày kia. Năm nay mày mới mười bốn tuổi đầu, mày đã tưởng mày khôn ngoan lắm đấy. Úi chà, cô nữ học sinh lớp nhất thông minh lắm đấy, giỏi giang lắm đấy.

Người dì ghẻ vờ cười vui vẻ ngắt lời chồng :

- Cậu lôi thôi lắm, có để cho chị ấy ăn xong bữa cơm đi không. Trời đánh còn tránh bữa ăn kia mà ?

Ông phán gắt :

- Mợ phải để tôi dạy bảo nó mới được chứ. Con gái lớn tuổi rồi. "Dưỡng nữ bất giáo tất như dưỡng chư."

Người dì ghẻ vẫn làm như bênh vực Hồng, kỳ thực chỉ nói để nhắc :

- Thì chị ấy có làm gì đâu ?

- Không làm gì ? Hồng, mày bảo mày không dám hỗn với mợ mày đây, vậy mày kể những gì với con * già ?

Hồng giật mình, sợ hãi. Thì ra trong khi nàng trò chuyện với người * già cũ đến thăm nàng, bọn "mật thám" đã nghe được hết, để đi thuật lại với "người ta". Nhưng nàng im lặng, ăn vội vàng rồi đứng dậy sang phòng bên đóng cửa ngồi khóc. Nàng khóc không phải vì bị cha mắng, nhưng vì nhớ lại những lời của * già. Trước kia nàng chỉ nhận thấy "người ta" tàn nhẫn với nàng, nhưng nay nhờ có * già mách, nàng lại biết thêm một điều ghê gớm hơn nhiều : "người ta" đã giết mẹ nàng. * già bảo nàng :

- Ông lấy cô ta về được ít lâu thì ông coi rẻ hẳn bà. Bà buồn quá sinh ốm đau rồi chết, buồn một phần vì bị ông tình phụ, một phần vì bị cô kia lấn át. Nhất từ khi cô ta sinh con trai đầu lòng, thì cô ta lại càng lăng loàn lắm, đến nơi một lần cô ta dám thụi vào ngực bà. Nghe tới đó, Hồng kêu rú lên, bưng mặt khóc.

* già nói tiếp :

- Chị tính, bà vốn người yếu đuối, sảy đến năm bận rồi, còn gì. Thế mà sức cô ta như voi vâm, cô ta xỉa quả đấm vào ngực, làm gì mà không thối ngực, hộc máu ra.

Luôn mấy hôm sau, Hồng buồn phiền, lúc nào cũng nghĩ đến cái chết của mẹ. Và từ đó, Hồng càng thêm khiếp sợ dì ghẻ như một kẻ sát nhân tàn ác...

Nhưng năm ấy nàng thi đậu tốt nghiệp, và nhờ có chị xin cho, được về Hà Nội, theo học trường Sư Phạm.

Gần hai năm Hồng sống trong không khí dễ thở, bên một người chị thương mến và những bạn trẻ đùa nghịch thẳng thắn. Người bạn hợp tính nhất với nàng là Nga, em chồng chị Hảo. Hai người học cùng lớp, lại cùng ở trọ nhà anh chị, nên tình thân một ngày một thêm khắng khít; Hồng đem hết chuyện nhà ra kể cho bạn nghe, chỉ giấu có một điều là cái chết oan của mẹ về tay người dì ghẻ tai ngược, tuy càng lớn lên, càng biết hơn, Hồng càng tưởng thấy rõ rệt nguyên nhân cái chết thê thảm ấy. Nàng thường nghe các cô giáo khuyên nhủ học trò khi viết đừng tì ngực vào bàn, sợ mắc bệnh lao. Ðến tì ngực vào thành bàn còn có thể mắc bệnh lao được, huống hồ yếu ớt như mẹ nàng mà bị những quả đấm nặng nề của người dì ghẻ và có lẽ cả của người cha nữa.

Hồng giấu kỹ điều ấy là vì nàng sợ nếu biết chuyện thì bạn sẽ cười mẹ mình hiền lành quá nhu nhược quá. Ðối với bạn thân, nàng muốn thành thực kể hết những nỗi đau đớn trong lòng, nhưng nàng vẫn nhút nhát, giữ gìn, che đậy. Hồng nhớ một lần nàng đã bịa đặt một câu chuyện âu yếm, đem trí tưởng tượng tả ra một gia đình êm ấm của nhà mình, để tỏ với bạn rằng khi vắng người dì ghẻ, cha nàng cũng đoái thương nàng.

Sự thực lại không thế. Cha nàng hình như chẳng biết có nàng nữa. Và nàng kinh ngạc, không hiểu sao ở trong tình thế ấy, nàng còn được theo học, được ra Hà Nội với anh chị, còn được vui hưởng những ngày tự do. Có khi nàng ngờ rằng chỉ vì sợ người vợ lẽ mà cha vờ ghét mình, vờ lãnh đạm với mình, chứ trong thâm tâm, cha vẫn yêu quý, vẫn săn sóc, vẫn tha thiết nghĩ đến tương lai của mình. Nàng cố đoán thấy tình phụ tử trong cặp mắt hiền từ... Nhưng cặp mắt ấy không bao giờ để tới cặp mắt sợ hãi của nàng.

Dẫu sao, nàng cũng cố tin như thế để tự an ủi thầm, mỗi khi nàng đến chơi những chị em bạn, trong những gia đình hòa thuận đầy lạc thú. Rồi những tiểu thuyết lãng mạn càng làm cho nàng sống với sự êm đềm mơ mộng, tưởng tượng. Có đêm nàng chiêm bao thấy cha hối hận, đánh đập dì ghẻ rồi gọi nàng đến bảo : "Hồng ơi, thầy thương con lắm, thầy đã ghét oan con, thầy đã hiểu hết cả lòng nham hiểm của người đàn bà ấy rồi. Từ nay thầy sẽ yêu mến con để vong linh mẹ con ở dưới suối vàng được sung sướng."

Khi tỉnh mộng Hồng càng cảm thấy tình cảnh mình đáng thương. Và nàng sụt sùi nằm khóc.

Nhưng cái mộng nàng sợ nhất là cái mộng học tập vì những ngày khoáng đãng sống ở Hà Nội chỉ là một giấc mộng quá đẹp đẽ đối với những ngày ảm đạm, ghê sợ, sống trong gia đình bên một người cha nghiêm khắc, gần một người dì ghẻ xảo quyệt, với lũ em thù ghét.

Mộng ấy mỗi năm hai lần đứt : một lần trong mười hôm vào dịp Nguyên đán và một lần rất dài trong ba tháng nghỉ hè. Nàng sợ hãi gia đình, trốn tránh gia đình, đến nỗi hôm gần được nghỉ tết, nàng dớ dẩn hỏi chị : "Thưa chị, em muốn ở đây ăn tết với anh chị và các cháu, chả biết chị có xin phép cậu được cho em không ?" Hảo buồn rầu bảo nàng : "Như thế không tiện, em ạ. Em chịu khó về thăm cậu, chỉ mười hôm rồi em lại ra đây với chị thôi mà". Hồng ứa nước mắt không nói gì. Tâm trí nàng cảm thấy rõ rệt hết cả cái nghĩa giả dối của người đời, của cả những sự thiêng liêng. Người ta bảo trong mấy ngày tết, cha mẹ, anh em, chị em xum họp vui vẻ. Nhưng, họp thì có xum họp, chứ ở tình cảnh của nàng, nàng còn vui nỗi gì ?

Nàng còn vui sao được, khi liếc thấy vẻ mặt lạnh lùng của cha, và cái cười yên lặng cay độc của dì ghẻ !

Vậy thì sao không để mặc nàng sống mấy ngày nghỉ của nàng gần những người mà nàng thực bụng yêu mến ?

Hồng càng buồn rầu đau đớn khi thấy người ta tết được về nhà, ai cũng sung sướng, chỉ riêng mình nàng là khổ sở. Nàng cố tự an ủi nghĩ đến những người đồng cảnh với nàng, những thiếu nữ mồ côi mẹ trong những gia đình có dì ghẻ ác nghiệt. Tâm, một người bạn học của nàng, còn đáng thương hơn nhiều. Ngồi cùng xe ra ga để về Ninh Bình nghỉ tết, Tâm kể với nàng hết mọi sự nhục nhã đọa đầy sắp phải chịu đựng. Mà người hành hạ Tâm nào phải dì ghẻ cho cam. Ðó chỉ là một người mẹ. Những giọt lệ chảy hai bên má bạn khi bạn thuật chuyện, Hồng có cảm giác như thấm mát dịu tim nàng. Và nàng thấy đỡ khổ. Nhưng một lát sau, khi lủi thủi trên toa xe lửa, Hồng so sánh hai tình cảnh của mình và của bạn, nàng không khỏi thở dài tự nhủ : "Thà là mẹ thì đã đi một nhẽ ?"

Tới nhà vừa chào cậu và "mợ" buông miệng, nàng đã bị dì ghẻ xui xiểm ngay : "Cậu trông cái Hồng nó bêu xấu bêu nhuốc tôi kia. Nó làm như tôi không may mặc cho nó nữa. Ai lại về nhà ăn tết mà tha bộ quần áo bạc thếch bạc thác như thế kia ?" Lúc bấy giờ Hồng mới kịp nhận ra rằng vẫn mang bộ y phục ngày thường và buổi sáng vì buồn phải từ biệt anh chị, quên bẵng cả việc điểm trang. Ông phán lắc đầu đáp : "Tôi đã bảo mợ đừng nói đến cái con khốn nạn ấy với tôi nữa kia mà. Nó muốn đi, muốn về, muốn lành, muốn rách mặc xác nó ?" Thấy thế người dì ghẻ lại khéo lấy lòng nàng bằng một câu tử tế : "Gớm cậu lúc nào mặt cũng hằm lên với các con. Thì cười với nó một tí xem sao nào".



* * * *



Tới đây, trí Hồng bỏ một quãng xa, đến thời nàng không được học "chữ" nữa, phải ở nhà "học làm, học ăn" theo như lời người dì ghẻ.

Cái ý định bắt Hồng thôi học ở miệng cha thất ra, nhưng Hồng thừa biết rằng cha chỉ tuyên cái án mà người đàn bà đã kết.

Nào phải nàng lười biếng hay kém thông minh ? Năm thứ nhất nàng được phần thưởng nhì và năm bị ép bỏ học, nàng chiếm đầu lớp. Vì biết phận không ra gì, nàng vẫn chăm chỉ, ganh đua học tập để có thể tự gây lấy một nền tương lai chắc chắn. Cái ý tưởng sau này ra làm cô giáo để tự nuôi thân không một lúc nào không lởn vởn trong trí nàng.

"Ðến thế này là hết, là hết hy vọng" nàng nghĩ thầm.

Ðược lệnh thôi học có ba hôm trước ngày nhập trường. Hồng không kịp xoay xở, chỉ vào buồng nằm khóc rồi viết thư cho chị biết. Hảo tức tốc về nhà, đôi co với dì ghẻ, cãi lý với cha. Nhưng nàng chỉ làm cho cái ý định của cha thêm phần quả quyết, và cái đời của em từ đấy thêm phần khổ sở mà thôi.

Cha nàng mắng át :

- À mẩy muốn em mày chơi bời lêu lổng, phải không ? Con gái học nhiều để làm gì, để làm đĩ, phải không ?

Hồng có dịp được biết rõ thêm lòng nham hiểm của người dì ghẻ, nhất bây giờ nàng lại đã khôn lớn, biết nghĩ sâu xa hơn trước và không để người ta lừa dối mình một cách quá dễ dàng. Nàng đương buồn rầu ngồi khóc thút thít mà cũng phải bật cười khi nghe dì ghẻ phân trần với cha :

- Chết chửa ! cậu phải để cho nó học nữa chứ, về nhà thì làm nên trò trống gì ?

Cha nàng gắt dì ghẻ :

- Trời ơi ! mợ lại về bè với chúng nó ư ? Mợ định nối giáo cho giặc hay sao ?

Thế là việc học của Hồng đành xếp.

Ðến đây một việc xảy ra trong đời Hồng, một sự an ủi trong những ngày buồn tẻ, ảm đạm. Nhưng đó cũng là nguồn gốc bao sự lôi thới ghen tức, nhỏ nhen.

Hôm ấy nhà Hồng có khách đánh tổ tôm và trong bọn khách có bà án tỉnh Vĩnh Yên, bà phán Trinh, dì ghẻ Hồng, lấy làm tự hào đã mời được đến chơi.

Muốn hãnh diện với một bà quan, bà phán kéo dài tiếng, gọi Hồng ra để bảo sắp cơi trầu và pha ấm trà mạn sen.

- Em chịu khó giúp mợ, chẳng chúng nó không biết pha làm phí cả chè.

Bà án lưu ý ngay đến Hồng, tấm tắc khen thầm cái nhan sắc thùy mị, và cái thông minh kín đáo của một thiếu nữ mới lớn lên. Lúc Hồng đặc chén nước bên cạnh bà, bà đăm đăm nhìn nàng và hỏi bà phán :

- Thưa bà lớn, cô này là con gái đầu lòng của bà lớn ?

Bà kia trả lời bằng một giọng vui vẻ và tự nhiên :

- Bẩm cụ lớn, cháu thứ hai đấy ạ. Chị cả cháu đã lấy chồng làm thơ ký phủ Thống sứ kia ạ. Bẩm cụ lớn, cháu cả đã được hai trai một gái ạ.

Bà án khen :

- Phúc đức nhỉ, bà lớn còn trẻ thế mà đã có cháu rồi. Chả mấy lúc mà có chắt.

Bà cười the thé hỏi tiếp :

- Còn cô này, bà lớn đã sắp cho đi ở riêng chưa ?

Bà phán cũng cười, đáp lại :

-Bẩm cụ lớn, cháu còn nhỏ dại lắm ạ, cháu đã học hết hai năm ở trường Sư phạm. Tôi bảo cậu cháu cho cháu học nữa, nhưng cậu cháu nhất định bắt về nhà học làm học ăn ạ.

Ông phán Trinh nói :

- Bẩm cụ lớn, con gái lớn tuổi mà cho học ở Hà Nội thực là một sự nguy hiểm.

Hồng đứng nghe chuyện, tức uất người, nước mắt chỉ chực ứa ra. Lúc bấy giờ giá bà án hỏi nàng một câu gì thì nàng hẳn nghẹn ngào không đáp lại được. Nhưng may cho Hồng, bà vừa gặp cây bài ù, nên nhãng quên nàng đi.

Hồng căm giận, một phần vì nhớ tới việc bỏ học của mình, nhưng nhất vì thấy người dì ghẻ coi mình như một người con đẻ vậy.

Ngay từ lúc ấy Hồng đã có ý muốn bắt chước anh phán Căn, gọi cậu bằng thầy và đổi tiếng "mợ" ra tiếng "cô" để người ta khỏi tưởng tâm rằng mình là con người dì ghẻ. Nhưng nàng vẫn sợ hãi, rụt rè, cho mãi tới hai năm sau mới dám quả quyết làm theo ý định.

Chắc người dì ghẻ liếc mắt đoán thấy những tư tưởng ấy trên vẻ mặt khinh khỉnh của Hồng, nên tươi cười, trêu tức bảo nàng :

- Kìa em rót nước hầu cụ lớn.

Hồng ngây người đứng nhìn. Bà án tưởng nàng có tính bẽn lẽn lại càng yêu mến lắm.

Cách đó hai tháng, Hồng thoáng nghe * già và thằng nhỏ thì thào bảo nhau, mỗi khi nàng đi qua : "Con dâu cụ án nay mai đấy ?"

Thế rồi tết năm ấy, nàng thấy một cậu trai trẻ đến nhà nàng, với chiếc áo gấm lam, ngoài phủ chiếc áo sa tây...

Mãi khi ăn hỏi, nàng mới biết rằng cậu ta là vị hôn phu của mình. Nàng hơi lo sợ, vì chẳng hiểu tâm tính học lực, hạnh kiểm người ấy ra sao. Nhưng nàng chẳng khỏi mừng thầm khi thấy người dì ghẻ dữ tợn tức tối với mình. Vì luôn luôn Hồng bị dì ghẻ nhiếc móc, nào những "ngữ ấy mà về làm dâu nhà người ta không khéo chỉ vào mùng ba ra mùng bảy thôi. Nó tưởng nó xinh đẹp lắm đấy, thử bỏ phấn sáp ra xem".

Rồi người đàn bà hay ghen ghét, thù lây cả bên thông gia, tuy vẫn được người ta hết sức chiều chuộng và kính nể. Trước mặt Hồng người ấy tìm đủ mọi cớ để nói xấu quan trường, nêu ra những sự ăn tiền làm bậy, đổi trắng thay đen, thuật lại, có khi bịa đặt ra, những chuyện các viên phủ huyện tra khảo, ức hiếp dân quê. Hồng vô tình ngồi lắng tai nghe. Mãi đến sau nàng mới hiểu, khi dì ghẻ kết thúc bằng một câu nói với cha : "Tôi không hiểu sao ông lại nhận lời gả nó cho nhà quan. Ðấy, rồi ông xem, ngữ ấy thời chỉ biết chơi bời lêu lổng".

Hồng mỉm cười nhìn dì ghẻ như đắc thắng nhìn kẻ thất bại.

Trong bốn năm như thế, ngày ngày hai bên địch hầm hè với nhau, cái vui của người này là cái buồn của người kia. Một tin thành công về việc học của Thân làm khổ tâm dì ghẻ bao nhiêu thì Hồng sung sướng bấy nhiêu, tuy không một lúc nào nàng thành thật yêu Thân. Mà nàng yêu sao được. Ăn hỏi xong, Thân sang Pháp ngay, và từ đó, Hồng chẳng nhận được một lá thư của chàng. Ðến vẻ mặt Thân, Hồng cũng chỉ trông thấy một cách lờ mờ trong bức ảnh chàng đứng chụp với những bạn người Âu cùng lớp.

Nàng nghĩ đến, nhớ đến, có khi nói đến vị hôn phu chỉ vì nàng muốn báo thù dì ghẻ.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 4

Ý tưởng ngộ nghĩnh, nhỏ nhen ấy làm Hồng bật cười lên tiếng.

- Chị cười gì thế ?

Nghe bạn hỏi, Hồng mới nhớ rằng mình nằm ở nhà anh chị. Nàng đương mải mơ màng sống với cả một thời dĩ vãng.

- Không, chị ạ... tôi mê ngủ.

Nga cũng cười vui vẻ bảo bạn :

- Mê ngủ gì lại mê ngủ cười được ! Tôi mà động mê ngủ, động chiêm bao, thì toàn gặp những sự khiếp sợ, nên chỉ kêu rú lên... Chẳng hạn gặp hổ đói, gặp người bắt nạt...

Hồng buột miệng ngắt lời :

- Mộng thấy bị bắt nạt còn dễ chịu hơn bị bắt nạt thực.

Nàng vội nói lảng :

- Chị chưa ngủ à ?

- Không, tôi vừa thức giấc.

- Vì tôi cười phải không ?

- Không, quen lệ như thế, hôm nào cũng cứ năm giờ là tôi dậy, cho dẫu đêm hôm trước thức khuya tới một, hai giờ sáng. Vì vậy tôi thường đi ngủ sớm.

Hồng thở dài :

- Chị sung sướng thật ! Ngủ sớm, dậy sớm ! Ước gì tôi được như chị !

Nga thương hại, phàn nàn :

- Chị bận công việc đến thế à ?

- Không tôi chỉ bận nghĩ. Có khí thức suốt đêm để nghĩ vơ vẩn.

Thực vậy, không những sự buồn phiền lo lắng làm cho Hồng nhiều đêm không ngủ được mà có khi vì những sự sung sướng không đâu, nàng cũng rạo rực, băn khoăn trong hàng giờ. Nàng như cái máy mà những kích thích ở ngoài làm rung động và sai lạc, nên chạy một cách thất thường, khi mau quá, khi chậm quá. Nàng nhớ một lần bên nhà chồng chưa cưới của nàng cho đem đến tết nhà nàng những lễ vật hậu hĩ quá, khiến người dì ghẻ tức chảy nước mắt. Ðêm hôm ấy là một đêm đông rét buốt đến xương, thế mà nàng ngồi thâu canh bên ngọn đèn dầu tù mù để đan xong cái áo "len" cho em. Nàng sung sướng quá, không nghĩ đến ngủ nữa, sung sướng không phải vì thấy cái lễ sêu long trọng, mà vì thấy cái lễ sêu long trọng ấy đã làm cho dì ghẻ bỏ mất bữa cơm chiều.

- Dậy đi !

Hồng vội kêu :

- Dậy ! Điên à ! Ðương đêm dậy làm gì ?

Nga cười :

- Ðương đêm ! Bây giờ còn đương đêm ! Ðây này !

Nàng giơ cổ tay dí vào gần mắt bạn nói tiếp :

- Có trông thấy mấy giờ không ?

- Tối mò mò, chẳng thấy gì cả.

- Mắt với mũi ! Ðồng hồ dạ quang của người ta lại ! Năm giờ kém năm rồi. Ánh mặt trời kia kìa.

Thực vậy, đã hiện ra một khoảng sáng mờ ở một góc đình màn vải tây màu đỏ, và cánh màn the màu hồng đào dần dần rõ ra trong cái phòng nhỏ hẹp.

- Hừ ! Chả còn mấy tháng nữa chị Hồng đã nằm trong chiếc màn the hồng mới. Hồng, hồng hay nhỉ !

Nga khoái chí, cười khanh khách. Hồng giọng mỉa mai, hỏi lại :

- Chị thích lấy chồng lắm hay sao ?

Nga cười to :

- Rõ khéo ! mình thích lấy chồng lại còn đổ vấy cho người ta.

Rồi Nga kể cho Hồng nghe cái mộng tương lai : Nàng đương chờ bổ giáo học. Nàng sẽ tự do sống cái đời khoáng đãng của nàng, sẽ dạy dỗ, dìu dắt đàn em, sẽ không cần nhờ vả đến ai hết, và chẳng để ai làm phiền lụy tới mình.

Hồng buồn rầu, ngắt lời bạn :

- Phải, một đời thoát ly ! Ðã bao năm tôi mơ màng cái đời ấy. Bây giờ thành hão huyền cả !

- Hão huyền là tại chị không quả quyết. Sao đương học chị lại bỏ về nhà ! Tại chị đấy chứ !

Hồng thở dài :

- Tại tôi ! Giá chị cũng có một người dì ghẻ như tôi.

Nga vội xin lỗi bạn, và an ủi bằng những lời thành thực.

Rồi hai người lại vui vẻ chuyện trò, cùng nhau ôn lại cái thời kỳ sung sướng theo học ở trường Nữ sư phạm. Mãi lúc ánh sáng chiếu qua các khe cửa chớp, nhuộm hồng cái mái ngói mỏng và thấp, Nga mới giục Hồng dậy để xuống nhà rửa mặt. Các vật trong gian phòng đã hiện ra bề bộn. Trên cái bàn sơn quang dầu màu đỏ kệch, mấy cái độn tóc để lòa xòa bên chiếc dĩa tây đựng bốn cái chén bạch định cáu chè, và cái giỏ ấm bằng mây cũ bóng. Dưới gầm bàn một cái xe rút của trẻ con nằm ngửa cạnh đôi guốc đứt quai. Ở một góc, dưới cái mắc nặng trĩu những áo đen và áo hàng mần, một cái va ly hé nắp để lộ ra những vật trăng trắng. Và trên trốc hai cái hòm da đặt chồng lên nhau, cái thúng khâu đựng đầy giẻ vụn đủ các màu, và một cuộn len đỏ mối sợi rơi lòng thòng xuống sàn gác.

Nga đứng nhìn quanh một vòng rồi ngượng ngùng bảo bạn :

- Cái buồng này trước kia là buồng các cháu. Từ hôm tôi lên Hà Nội, chị Căn mới đưa cháu xuống nhà để nhường cho tôi.

Hồng vừa với cái độn tóc vừa nói :

- Cái nhà trước sao anh chị lại không thuê nữa ? Rộng hơn nhà này nhiều, chứ ?

Nghe câu hỏi, Nga buồn rầu khẽ đáp :

- Chị tính, lương tháng có bảy chục bạc không buôn bán thêm vào sao đủ nuôi hai vợ chồng với bốn con. Cái nhà này chật chội, nhưng tiện chỗ buôn bán. Với lại trước, vì có chúng mình, anh chị mới cần thuê cái nhà rộng rãi mát mẻ.

Hồng cảm động nghĩ đến lòng tất của anh chị đối với Nga và mình. Và trong khoảng mấy phút nàng nhớ lại cả một thời học tập vui vẻ, sung sướng.

Nàng như trông thấy ánh sáng chói lọi cái nhà gác chia làm hai ngăn thuê chung với một bọn học sinh trường Bảo hộ, con một gia đình giàu sang. Phía trước một lối đi lát sỏi, ở giữa hai mảnh vườn vuông nhỏ trồng táp nham nào vạn thọ, nào tóc tiên, nào mào gà. Trong đó có lẫn cả một cây cam không bao giờ nẩy quả và một cây lựu mỗi năm nở một hai bông hoa gầy yếu. Giáp tường và rất đối nhau, hai cây đu đủ cao gần tới nóc nhà. Cây về bên nhà anh chị phán Căn là một cây đu đủ cái, quả mọc đầy chi chít và to béo. Còn cây về bên kia là một cây đực với lòng thòng nở đầu những cuống thực dài lơ thơ vài quả nhỏ không bao giờ chín.

Biết bao chuyện đùa nghịch trẻ thơ ở chung quanh hai cây đu đủ ấy, khiến nay nhớ tới, Hồng không khỏi tiếc cái đời học sinh tự do của mình.

Thời ấy Nga và nàng mới mười lăm tuổi. ở bên láng giềng, bọn học trò con trai cũng suýt soát tuổi ấy. Chiều chiều, hai chị em ra hiên tì lan can nói chuyện, thì bên kia, ba bốn anh cũng ra hiên nô cười, hoặc bá cổ nhau vật, hoặc nhảy lên ngồi trên tường hoa, cúi nhìn vườn mà bô bô bàn luận văn chương như cốt để hai cô nữ học sinh nghe tiếng.

Rồi thế nào, rút cục, hai bên cũng đem cây đu đủ của nhau ra chế giễu, bên có cây cái chê cây đực là cây vô tích sự; bên này chê lại bên kia rằng đem quả chơi cảnh về mà kho tương. Nhưng sự tinh nghịch khó chịu nhất của bọn con trai là hễ cây đu đủ của hai cô nữ học sinh có một hai quả ương ương thì thế nào chờ đêm khuya họ cũng trèo lên lấy cho bằng được. Rồi chiều hôm sau, trước mặt hai cô họ khoe khoang với nhau những tính chất ngon thơm và bổ của các loài đu đủ.

Ðằng sau nhà là hai cái sân đất cát dài cách nhau một bức tường thấp. Người ta đồn rằng vùng ấy xưa kia là bãi tha ma, sở đốc lý bắt dời hài cốt đi nơi khác để mở đường phố, vì thế thỉnh thoảng còn đào được xương người, hoặc một cái xương ống tay, ống chân hoặc một cái xương sọ hay quai hàm.

Bọn học trò quỷ quái lợi dụng ngay tin đồn ấy để dọa Hồng và Nga, bịa đặt ra rằng có khi đào được cả bím tóc của người Tàu. Hai cô sợ xanh mặt, tối đến không dám xuống sân nữa.

Một hôm đi học về, hai cô nhận được một gói người ta vừa gửi đến. Mở ra xem hai cô tái mặt và thét vang nhà, vì trong gói có một cái bím tóc và một bức thư : "Chúng tôi lại vừa đào được một cái bím nữa, xin biếu hai cô dùng làm độn tóc".

Cái tuổi không lo nghĩ ấy mới dễ tin sao ! Hồng chẳng ngờ vực một chút nào, khi nghe Ðiển thuật những câu chuyện gặp ma. Chẳng hạn Ðiển nói đêm khuya xuống sân sau chơi mát bị một thằng bé trần truồng vào khoảng ba bốn tuổi ôm chặt lấy chân, đạp nó ra, nó lại sán đến liền...

Nay nghĩ tới câu chuyện vô lý ấy, Hồng không thể nhịn cười được. Thất nhiên, nàng hỏi Nga :

- Chị còn nhớ Ðiển không ?

- Cái thằng quỷ sứ ấy, ai mà quên được ! Không biết bây giờ nó làm gì ?

Hồng cười :

- Những chuyện ma quỷ hoang đường của nó sao ngày ấy chúng mình cũng tin nhỉ ? Chị có nhớ câu chuyện ma Khách ôm chân không ?

Hai người cùng phá lên cười, khiến Căn phải thức giấc và ú ớ :

- Các cô thích chí điều gì thế ?

Hồng cũng tỉnh giấc mộng xưa.

Kế tiếp những ngày quang đãng ấy, Hồng đã sống biết bao ngày ủ dột giữa một gia đình ủ dột. Nàng buồn chán thở dài, cùng bạn bước xuống thang.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 5

Lúc bấy giờ thằng nhỏ đã tháo dãy cánh cửa bức bàn và bày xong hàng. Hàng, nghĩa là hai cái tủ giẹp bằng gỗ quét qua một nướ sơn xanh nham nhở và khung cánh cửa lồng những miếng kính mờ như bám bụi, tuy sáng nào người ta cũng lau chùi thật kỹ. Hai cái tủ nhỏ ấy bày thước thợ - một cái giáp tường một cái ngăn hàng ra với gian buồng trong - và đựng lơ thơ đủ các thứ tạp hóa : những bao thuốc lá rẻ tiền, những miếng giấy gấp hình tam giác gói một xu thuốc lào, những phong diêm còn nguyên hay bán dở, những hộp lơ, những bánh xà phòng, những dây giầy treo vắt trên sợi gai căng ngang sau kính, những đồ dùng trong lớp học, như bút, mực, sách vở, thước, tẩy, trông lấp loáng nhiều màu sặc sỡ.

Trong cái khoảng thước thợ rộng chừng sáu, bảy thước vuông ấy, và sau một cái giậu lưới thép nhỏ mắt, bày những phễu thủy tình đầy trám, Ô mai và kẹo mứt, những thúng, những quả đen đựng miến, bột, bóng, mực, nấm, mộc nhĩ, những quả đựng đường, trên có đậy cái lồng bàn bằng dây thép. Tuy thế cũng có mấy con ong bình tĩnh bò ở phía trong lồng bàn hay chúc đầu vào đường cát mà chăm chú hút nước ngọt.

Kính tủ hàng phản chiếu tía nắng mặt trời buổi sáng vào mắt hấp háy của hai thiếu nữ vừa ở chỗ tối bước xuống. Nga khum bàn tay che cho khỏi chói và gọi thằng nhỏ bảo buông cái màn nâu xuống, cái màn vá một miếng vụn màu trắng bẩn, làm lấp mất nửa chữ G của cái tên hiệu TÂN HƯNG. Rồi nàng ghé tai Hồng khúc khích cười nói thầm :

- Chị à, hàng với họ trông chán ngắt !

Hồng cũng cười đáp :

- Thế mà chị phán nói mỗi tháng đổ đồng lãi được bốn, năm chục đấy. Hai tháng tết thì lãi tới vài trăm bạc là thường.

Nga nhìn qua một lượt các thứ hàng :

- Ừ chị Phán cũng bảo tôi thế, nhưng tôi không tin chị ạ, nhất gần tháng nay, nhiều hôm tôi ngồi bán hàng cho chị ấy có khi hàng giờ lơ thơ dăm người đến mua xu diêm, xu thuốc vài lạng miến, hay nửa cân đường.

Hồng mơ màng theo đuổi ý nghĩ của mình :

"Thêm mỗi tháng bốn, năm chục bạc thì cũng giúp đỡ cho anh Phán được tiền thuê nhà tiền tiêu vặt vãnh."

Rửa mặt xong, Nga lên gác để trang điểm. Ðứng trước chậu nước đặt trên tường hoa, Hồng vẫn miên man nghĩ tới cái cửa hàng của chị cùng là những phận sự người đàn bà trong gia đình. Nàng sắp về nhà chồng, khi về nhà chồng nàng sẽ làm những gì ? Cố nhiên là nàng không thể hay không đứng chủ trương một cửa hàng con con luộm thuộm như cái cửa hàng của chị. Nhà chồng nàng, nàng đoán chắc là giàu có, sang trọng. Mà Thân lại là con út, nghĩa là người con được cha mẹ yêu mến, chiều chuộng hơn hai anh nhiều, nhất là trong hai anh, một người lại chỉ đậu có bằng thành chung, hiện làm giáo học, còn một người mới theo dở dang đến năm thứ hai trường Bảo hộ, thì phá ngang đi buôn.

Những tin ấy, Hồng biết được là nhờ có Nga mách. Chẳng chuyện nhà ai, Nga không thông tỏ ngõ tường. Hồng đã phải gọi đùa nàng là bà thổ công nước Nam.

Hồng thầm khen cái tính vui vẻ của bạn. Và một sự vui vẻ không đâu thấm vào tâm hồn nàng. Cái chậu men trắng đầy nước trong, im lặng in nền trời xuân tươi sáng. Ðời nàng sao không suông sẻ bằng phẳng tươi sáng như thế ? Hồng cúi mặt trên chậu nước mỉm cười sung sướng. Tương lai ! Chỉ tương lai là đáng kể. Cái thời dĩ vãng buồn tẻ, đầy những thất vọng, chỉ việc quên nó đi.

Tương lai ấy, nàng cho là vững vàng, chắc chắn, là một sự sắp thực hiện rồi chứ không còn mộng ảo gì nữa. Cùng Thân lập gia đình, lập tiểu gia đình, riêng sống với nhau một giang sơn. Có thế thôi, giản dị biết bao ! Nàng chưa yêu Thân, rồi thì nàng yêu, mà nàng chắc sẽ yêu. Sau này, khi nàng thoáng nhớ đến ký vãng, thì còn sự hy sinh, sự nhẫn nhục gì nàng sẽ không chịu nhận lấy để gây hạnh phúc cho gia đình nàng, cho những người sống chung quanh nàng ? Và nàng nghĩ : "Thế nào mình cũng sung sướng hay ít ra cũng không khổ như trước."

- Không rửa mặt đi, rồi lên trang điểm, còn đứng mơ mộng gì thế ?

Hồng giật mình, nhúng vội cái khăn bông vào chậu nước. Nước sóng sánh xóa tan mầu trời trong xanh. Nga cười hỏi tiếp :

- Chị sao thế, chị Hồng ? Hay nghĩ đến đức anh chường phu quân đấy ?

Hồng bẽn lẽn đáp :

- Có thế. Nhưng nghe tiếng chị quát, tôi cứ tưởng là tiếng bà dì ghẻ của tôi.

Nga chau mày, khó chịu về nỗi bạn cứ dai dắng mãi với câu chuyện gia đình.

- Cụ phán nhà đổi về Ninh Giang được bao lâu rồi nhỉ ?

Hồng vừa vắt khăn mặt lên giá thau vừa đáp :

- Gần một năm rồi chị ạ.

- Giá cụ ở Hải Dương, thì chị đi về Hà Nội gần hơn nhỉ ?

Hồng thở dài :

- Gần mà làm gì. Gần cũng chả được về đâu. Chị coi ngày ở Vĩnh Yên cũng như ngày ở Hải Dương, suốt một năm có khi tôi không biết mặt mũi Hà Nội ra sao. Lần này là vì phải sắm sửa các thức... nên mới được phép về đấy.

- Nhưng sao đương ở Hải Dương, cụ lại xin đổi về Ninh Giang ?

- Vì quê tôi ở Ninh Giang. Thầy tôi bảo xin đổi về đấy để đợi hưu trí cho tiện.

Hồng mỉm cười nói tiếp :

- Ấy "cô ta" kỳ kèo thầy tôi mãi về nỗi đương làm thông phán tỉnh lại xin đổi về đại lý. Ở Ninh Giang thầy tôi vừa chữa xong nhà. Rộng rãi, mát mẻ lắm, ở bờ sông, mà lại ngay cạnh tòa Ðại lý.

- Ồ thế thì tiện lắm ? Nhưng Ninh Giang ở về phía nào, thế nhỉ ?

- Không biết Ninh Giang ở về đâu ? Ðịa dư kém thế mà cũng đỗ bằng thành chung được ? Ninh Giang ở trên sông Chanh ấy mà ? Sông Chanh nghĩa là Canal des Bambous biết chưa ? Hôm nào về chơi nhé ?

- Ðược hôm cưới chị thế nào tôi cũng về. Ấy tôi nhận một chân phù dâu rồi đấy nhé ?

Hồng cười gượng, Nga phá lên cười theo.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 6

Hồng về Ninh Giang sau mấy ngày vui vẻ, gần bọn thiếu niên Hà Thành.

Ngồi trên chiếc Ô tô đông ních hành khách, bên cạnh người tài xế và một cặp vợ chồng trẻ, nàng khó chịu về nỗi không nhúc nhích cử động được, nhất là bị người đàn bà béo quàng cái cánh tay nặng ở phía sau cổ, làm cho nàng cứ phải vươn thẳng đầu lên. Xe chạy được một quãng xa, lại thêm cái khó chịu về hơi dầu máy khét lẹt và hun nóng rát hai bàn chân. Hồng cầm che trước mũi chiếc ví da mới vừa mua còn mang cái nhãn giá tiền mà nàng quên chưa rứt đi và ngả đầu, gối hắn vào bắp tay bà láng giềng. Mắt nàng nhắm lim dim, và mỗi lúc xe gặp hố nhảy chồm lên, nàng lại chau mày chép miệng làu nhàu. Lúc đi, nàng cũng ở trong hoàn cảnh ấy, nhưng lòng nàng khoan khoái. Vì nàng mong chóng đến Hà Nội, nên không để ý tới những nỗi bực dọc giữa đường. Hôm nay trái lại, nàng trở về để sống những ngày buồn tẻ trong gia đình.

- Ý chừng cô dự hội Sinh viên về ?

Nghe người đàn bà hỏi, Hồng quay lại :

- Vâng... Tôi đi xem.

Người kia cười :

- Tôi biết là vì thấy áo cô hãy còn dính hoa giấy.

Hồng gượng cười im lặng nhìn ra bên đường. Nàng lấy làm tự thẹn. Sáng nay, thay mặc cái áo nhung cũ để ngồi xe chen chúc được, nàng thấy có dính mấy mảnh hoa giấy mà nàng đã đánh rơi vào va ly lúc xếp áo cất. Nàng ngây người đứng ngắm cái di tích vui, trẻ ấy trong lòng bùi ngùi nhớ tiếc, và trù trừ không nỡ phủi đi. Vì thế, bây giờ mảnh hoa giấy như vô tình còn rực rỡ bám vào cái vạt áo nhung đen nhàu nát của nàng.

Người đàn bà lắng lặng nhặt hết những chấm xanh đỏ vứt xuống chân, rồi như nói một mình :

- Rõ phí ! mỗi lần đùa nghịch chơi bời, họ tiêu tốn có hàng trăm hàng ngàn bạc về tiền giấy vụn ném đi.

Người chồng cười đáp :

- Mặc người ta chứ ! Người ta thừa tiền thì người ta vứt đi, việc gì đến mợ ?

Người vợ gắt lại :

- Cả cậu nữa, hôm nọ các cô ấy mời mà cũng bỏ tiền ra mua được !

Người đàn ông vẫn cười :

- Chuyện ! Người ta mời không mua sao tiện ?

Người đàn bà ngồi im, vẻ mặt hằm hằm, dữ tợn. Hồng liếc mắt thoáng nhìn thấy lại nhớ đến dì ghẻ, và tưởng tượng ra một cảnh gia đình ầm ỹ, hỗn độn, chồng nhiếc vợ, vợ to tiếng với chồng, chửi mắng con cái. Và nàng nghĩ thầm để tự an ủi : "Gia đình nào cũng có những chuyện chẳng ra sao, chứ cứ gì một nhà mình, hay những gia đình có người dì ghẻ tàn ác".

Nàng bỗng vụt trở nên tinh nghịch, bảo bà láng giềng :

- Thưa bà, chính tôi mời ông mua confettis đấy ạ.

- Chính cô ?

- Vâng, chính tôi, tôi bán hoa giấy và kẹo mứt ở Khai Trí, trong động Bồng Lai.

Nàng vừa nói vừa mủm mỉm cười rất có duyên. Bà kia nguýt dài ngoảnh đi, rồi từ đó cho đến Hải Dương, bà ta luôn luôn nói chuyện với chồng về những việc đâu đâu làm như đã quên cô bán hoa giấy trong ngày hội Sinh viên.

Tới Hải Dương Ô tô hàng đỗ ở trước cửa hiệu bán dầu xăng. Vợ chồng người hành khách phải xuống để lấy lối cho Hồng đi ra. Người đàn bà lãnh đạm tỏ vẻ khinh bỉ. Thấy thế, Hồng càn thích chí, nghiêng đầu nói cảm ơn rồi nhờ người làm xe khuân chuyển va ly và cái bồ để ở trên nóc xe xuống.

Nửa giờ sau, nàng đã lên chiếc Ô tô hàng đi Ninh Giang và cũng ngồi bên người lái xe như trước. Chủ xe quen thân với ông phán, nên bọn người làm công ân cần chào hỏi Hồng, rồi kẻ xách va ly, người vác bồ.

Nhưng từ đấy, Hồng bắt đầu lo nghĩ. Xe càng gần nhà, Hồng càng sốt ruột buồn phiền đến nỗi người soát vé hỏi vé hai ba lượt, nàng mới nghe ra, mắt đăm đăm nhìn qua cái kính xe rung chuyển và xộc xệch.

Khi trông thấy nóc đền Chanh, nàng nắm chặt hai bàn tay lại như ghì lấy hết can đảm sắp cần đến để đối phó với bên địch.

Nàng còn đương suy tính, tự đặt ra những câu hỏi của cha, của dì ghẻ, và tự nghĩ trước những câu trả lời để bất thần không bị luống cuống, thì xe đã dừng bên bức bình phong gạch trước cửa nhà Hội đồng.

Hồng thấy chân tay toát mồ hôi lạnh ra, và toàn thân run lên, tuy trời về cuối xuân không còn rét nữa. Nàng cố dềnh dàng kiểm điểm hành lý cho chậm tới phút gặp gia đình.

Ngập ngừng nàng hỏi người tài xế :

- Mấy giờ rồi... bác nhỉ ?

Người kia nhanh nhầu đáp :

- Thưa cô, mười một giờ rưỡi ạ. Cô về vừa vặn đúng bữa cơm.

Rồi người ấy quát :

- Kìa thằng Tíu, mầy không bê bồ lên xe tay cho cô à ?

Hồng đứng lặng, nghĩ đến bữa cơm sắp cùng ăn với gia đình, nghĩ đến những vẻ mặt nghiêm khắc, lãnh đạm. Và nàng mong rằng nhà ăn cơm rồi. Thà nhịn đói một bữa còn hơn vừa về đến nhà đã phải nghe những lời mỉa mai hay mắng nhiếc.

Càng xe đặt mạnh lên vỉa hè. Tức thì Thảo, đứa em bé khác mẹ chạy ra cửa reo lớn :

- À chị Hồng đã về.

Theo liền ngay tiếng quát :

- Làm gì mà rối lên như thế ? Chị ấy về thì mặc kệ chị ấy, có được không !

Thảo sợ hãi chạy thụt vào trong nhà. Hồng lắc đầu thở dài, rồi nhờ anh xe bê bồ hộ, còn mình thì xách va ly đi theo.

Quanh cái bàn ăn trải chiếc khăn sơn màu vàng kẻ dọc và vẽ hoa xanh, gia đình ông phán đang ngồi ăn cơm. Hồng liếc thấy các món ăn đã hầu tàn, và ông phán đã dùng đến món chuối tráng miệng. Nghe tiếng Hồng chào, ông không ngửng đầu lên, thản nhiên hỏi :

- Ðã về đấy à ?

Bà phán gọi Nhài lấy đũa bát :

- Ðể chị ấy ăn cho xong bữa, cả nhà cũng vừa ngồi vào bàn đấy thôi, chị ạ.

Rồi chừng thấy câu nói của mình hơi vô lý, bà bảo lấy tiếp thêm một khúc cá kho và một đĩa dưa. Hồng vẫn chắp tay đứng yên lặng nhìn mọi người.

- Thế nào, chị đã sắm đủ các thứ rồi đấy chứ ?

Bà dùng cả mắt cười nheo, và cặp môi mỏng khít nhách ra hai mang tai để làm tăng cái nghĩa mỉa mai của câu nói mà bà cho là chua chát lắm. Chừng sợ Hồng không hiểu thấu, bà giải thích :

- Các cô bây giờ văn minh quá, đi sắm lấy đồ cưới cho mình. Chứ ngày tôi lấy thầy...

(Bà đã theo các con chồng mà thay tiếng thầy vào tiếng cậu, vì cái danh từ "cậu mợ" tuy có lợi cho bà hơn, nhưng không còn được tự nhiên và thích hợp với cái tuổi khá cao của hai người nữa). Bà liếc mắt nhìn chồng mỉm cười nói tiếp :

- Chứ ngày tôi lấy thầy, ông bà sắm cho hết, tôi chả biết một tí gì về việc cỗ bàn, cưới xin.

Hồng tức nóng bừng mặt. Nàng lạ gì việc cưới xin của dì ghẻ, của người vợ theo ấy. Nàng đã toan đáp lại một câu thực sâu sắc, nhưng một sự tủi cực làm cho nàng ứa lệ đứng im : nàng cảm thấy nàng cô độc quá. Người ta sắp về nhà chồng thì nào cha mẹ, nào chị em săn sóc từng li từng tí, nghĩ đến từng cái chăn, cái màn cho chí cái gương, cái lược, hộp phấn, lọ kem. Còn nàng thì chỉ một mình tự lo liệu lấy. Nàng cũng biết thân biết phận lắm : Sợ khi về nhà người ta nhem nhuốc quá thì sẽ bị người ta chê cười và khinh bỉ, nàng đã hết sức làm ra mặt chiều chuộng và phục tòng dì ghẻ để nhờ dì ghẻ xin cha một món tiền để sắm đồ cưới kha khá một chút. Quả nhiên mưu mô của nàng đã có kết quả : Hôm nàng xin đi Hà Nội, dì ghẻ mở hộp lấy ra ba cái giấy một trăm và nói :

- Tôi đã cố xin cho chị ba trăm, nhưng thầy bảo chỉ có hai trăm thôi. Tôi phải bù vào một trăm tiền riêng của tôi để đủ số ba trăm đấy. Không tin chị hỏi thầy mà xem.

Ông phán ngồi đối diện với vợ, mắng át :

- Mày làm gì mà xin những ba trăm ? Sắm thì cũng sắm vừa vừa thôi chứ. Tao tiền đâu mà để mày trang sức như một bà hoàng được ?

Rồi ông quay sang phía bà phán, chau mày gắt :

- Tôi cho nó hai trăm là đủ lắm rồi, sao bà còn cho riêng nó một trăm nữa ?

Bà phán cười :

- Nhưng chị ấy lại xin những ba trăm cơ !

Vừa nói bà vừa dúi vào tay Hồng ba tờ giấy bạc và tiếp luôn :

- Thôi ông ạ, người ta một đời chỉ có một lần đi ở riêng, ông cũng nên cho nó được rộng rãi một chút.

Hồng cảm động, tuy nàng thừa biết rằng đó chỉ là một lớp kịch khéo diễn.

Hôm nay nghe mấy lời mỉa mai của dì ghẻ, Hồng càng thấy rõ sự giả dối của người ấy đối với mình. Nhưng nàng tự an ủi nghĩ thầm : "Vả lại người ta yêu sao được mình ?" Một câu mắng của ông phán làm nàng giật mình, hết mơ mộng :

- Con kia không ngồi ăn cơm cho xong bữa đi à ? Còn đứng làm gì đấy ?

Hồng sợ hãi khẽ thưa :

- Bẩm thầy, con còn no lắm.

Bà phán bĩu môi, kéo dài từng tiếng :

- Hay chị ấy chê cơm thừa không thèm ăn ? Vậy Thảo bỏ đũa bát xuống bếp dọn mâm khác hầu chị đi con.

- Mặc kệ xác nó, nó chẳng ăn thì đừng ăn !

Ông phán nói câu ấy ra chiều bực tức rồi đứng dậy vào phòng trong để ngủ trưa theo đúng lệ hằng ngày. Bà phán đấu dịu :

- Nới đùa đấy, chứ ăn cho xong bữa đi, con. Cô còn ăn nhiều kia, ngồi xuống cùng ăn với cô cho vui.

Thảo cười ranh quái :

- Bẩm mẹ, chừng chị con đã ăn quà trên xe hàng rồi.

Bà phán cũng cười theo bảo con :

- Có là đồ quạ mổ thì mới ăn quà trên xe hàng như thế, phải không chị Hồng.

Hồng không đáp, lắng lặng bỏ đi. Bà phán gọi giựt lại bảo :

- Hồng, thế mày nhất định không ăn cơm phải không ?

Hồng cáu tiết trả lời buông sõng :

- Không !

Tức thì bà phán dằn mạnh bát xuống bàn, kêu la ầm ỹ :

- À ! Con này giỏi thật ! Nó nói dóng một dóng hai với tôi ! Cho mày đi Hà Nội để mày học lấy những tính nết vô phép vô tắc ấy phải không, con kia ?... Hay cô sắp đi ở riêng ở tây rồi, cô định vượt quyền tôi ngay từ bây giờ đấy ?

Ông phán nằm trong phòng ngủ thét ra :

- Bà cứ để mặc xác nó, có được không ? Hoài hơi mà dạy bảo cái con người rắn mày rắn mặt ấy, cái đồ khốn nạn ấy.

Bà phán được thể gào càng to :

- Nhưng không dạy bảo nó, rồi về nhà người ta nó bêu xấu bêu nhuốc tôi cơ.

Tý và Thảo nghe mẹ mắng chị, vui thích nhìn nhau khúc khích cười.

Trong khi ấy thì Hồng nghiễm nhiên bình tĩnh đứng múc nước vào chậu thau rửa mặt. Những tấn kịch gia đình như thế, nhắc đi lại trong đời nàng đã có tới hàng trăm hàng nghìn lần, và chỉ còn làm cho nàng khó chịu trong giây lát mà thôi, rồi vì thói quen, nàng lạnh lùng quên ngay.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 7

Từ đó, bà phán càng cay nghiệt đối với Hồng. Hình như thấy Hồng sắp thoát ly sự áp chế của mình bà phải cố hành hạ vớt vát kéo lại. Còn mười hôm nữa Hồng sẽ không ở hẳn dưới quyền bà nữa. Chỉ nghĩ tới điều đó, bà cũng đủ tức lộn tiết.

Hồng lại như khiêu khích thêm : "Lúc nào nó cũng nhơn nhơn vác cái mặt tự phụ của nó lên". Câu mắng ấy đủ tỏ lòng căm giận của bà phán và tả được hệt cái thái độ của Hồng trong mấy ngày sau khi ở Hà Nội về. Hồng không tự phụ, nhưng nàng cố nặn sự lãnh đạm, thản nhiên ra. Có khi nàng để bà phán nói luôn trong một giờ, không đáp lại, không cãi lại nửa lời, vẻ mặt tươi cười, hớn hở. Thấy thế bà phán càng uất lên.

Nhưng ông phán đã bắt đầu khó chịu, vì ông đã hơi nhìn rõ sự ức hiếp thái quá của vợ và sự khuất phục hoàn toàn của con. Ðàn ông nông nổi, hiểu sao được lòng thâm trầm của đàn bà : Các dáng điệu, những cử chỉ mà ông phán cho là nhu mì, khuất phục, ông có ngờ đâu rằng đó chỉ là sự khiêu hấn.

Một hôm giữa một tấn kịch náo động như thế ông phán ở tòa về. Vẻ mặt ông mỏi mệt buồn rầu. Lưỡng quyền ông hồng hồng ửng đỏ trên hai cái má gầy và sâu. Cặp mắt ông lờ đờ nhìn thắng khi đi qua phòng khách để vào phòng bên, nhưng không trông thấy bà vợ ngồi chễm chệ trên sập gụ, và tai không nghe thấy tiếng thét bô bô của bà ta.

Thấy cha về, Hồng lặng lẽ xuống nhà sắp cơm, để mặc dì ghẻ ngồi gào một mình.

Ông phán lên tiếng, đó là một sự ít xảy ra :

- Bà ơi ! tôi xin bà đi.

Câu khuyên can của chồng như gáo dầu tưới vào đống lửa : bà phán càng gào to hơn, hai tay đập xuống sập thình thình. Chẳng dừng được, ông phán đến bên vợ thì thầm nói vào tận tai :

- Nó chết rồi !

Bà phán kinh ngạc miệng há hốc :

- Ai ? Ai chết ?

- Thằng Thân ấy mà !

- Thằng Thân ! Thằng Thân nào ?

- Chồng con Hồng, chứ còn ai nữa.

Bà phán không giấu nỗi sung sướng bồng bột :

- Thế à ! Thằng chồng nó chết rồi ! Nào, xem nó có còn làm bộ...

Ông phán thở dài, yên lặng quay đi. Cử chỉ ấy vụt nhắc bà phán nhớ đến lòng thương :

Bà hối hận tự thẹn :

- Khổ ! nó chết về bệnh gì thế, ông ?

- Bệnh thương hàn.

- Sao ông biết ?

- Tôi vừa nhận được giây thép của ông tuần.

- Thương hại nhỉ !

Câu phàn nàn của bà phán chẳng đủ tỏ chút lòng trắc ẩn của bà. Chừng ông phán cũng nhận thấy thế, nên ông bảo vợ :

- Bà đừng mắng mỏ nó nữa nhé !

Bà phán đã dẹp lòng tức giận, nhưng nghe câu ấy, bà lại ầm ầm thét lên :

- À ! Ra ông phải dạy tôi mới biết thương con ông, phải không ? Ðã thế thì gái này chẳng cần nữa... Ðấy, mặc kệ bố với con, cố mà dỗ dành nhau. Ông phán chỉ kịp suýt mấy tiếng khe khẽ. Hồng đã cầm chồng bát và nắm đũa đi theo bếp Kiền bưng mâm lên.

- Hồng ơi... Chị Hồng !

- Dạ.

Nghe vợ gọi con, ông phán lo lắng liếc mắt lắc đầu ra hiệu bảo đừng cho biết tin đau đớn vội. Nhưng bà phán điềm nhiên bảo Hồng :

- Tính cô nóng nảy, chị đừng giận cô nhé !

Hồng cho là trước mặt cha, dì ghẻ đang đóng vai từ mẫu. Và nàng cười lạt. Nhưng bà phán vẫn hớn hở :

- Chị giận cô thì chị giận đời !

Vẻ mặt bà hồng hào lên, mặt bà trở nên hiền lành, môi bà trở nên bớt mỏng, cằm bà bớt lồi : Bà như trẻ lại và sung sướng.

- Thảo, so đũa cho chị. Chị để em, chị ngồi đây.

Bà kéo Hồng xuống chiếc ghế bên cạnh chỗ bà, chiếc ghế mọi bữa của ông phán. Hồng hơi cảm động.

- Cô để mặc con.

- Thì ngồi xuống đây mà lại.

Trong bữa ăn, bà phán luôn luôn gắp tiếp Hồng như tiếp khách. Hồng nghĩ thầm : "Có lẽ cô ta đổi chiến lược chăng. Mình phải cẩn thận đề phòng mới được !... Dẫu sao cũng chỉ còn mấy hôm nữa mình đã thoát ly cái nhà này rồi".

Song nàng không khỏi buồn rầu, khi ngắm nét mặt trầm tư của cha. Cha nàng vẫn có tính ít nói nhưng hôm nay nàng nhận thấy sự im lặng của cha có vẻ phiền muộn, chán nản hơn : "Hay thầy nhận được tin phải về hưu trí ! Không có lẽ vì thầy cũng chẳng nghèo gì, và ít lâu nay, thầy vẫn nhắc luôn và thầy muốn nghỉ... Hay thầy phiền vì thấy dì ghẻ ác nghiệt với mình !" Cái ý tưởng đó làm nàng vui thầm.

Ăn xong buông đũa bát, ông phán vào phòng bên nằm nghỉ liền, quên cả dùng món tráng miệng. Hồng hỏi dì ghẻ :

- Thưa cô, thầy con hôm nay làm sao thế, nhỉ ?

Bà phán nhìn về phía buồng đáp :

- Chừng thầy lại khó ở qua loa đấy thôi, chứ gì.

Rồi bà mỉm cười và tiếp :

- Mặc kệ ! mấy mẹ con ta ăn đét xe với nhau cũng được.

Bà đứng dậy mở cánh cửa tủ khảm lấy lọ mứt mận mà một nhà buôn Trung Hoa ở Ninh Giang biếu ông phán đã lâu, nhưng bà vẫn cất kỹ để chờ khi khách quý sẽ đem ra thết - ăn thôi chị ạ, để dành lâu ngày mất ngon, phí đi.

Bà chia cho Tý và Thảo mỗi đứa ba quả, rồi đẩy lọ mứt trước mặt Hồng :

- Ăn đi chị.

- Vâng, cô để mặc con.

Hồng liếc mắt nhìn dì ghẻ, lòng lo lắng tự nhủ thầm : "Chẳng hiểu sao cô lại bỗng dưng thay đổi hắn tính nết thế này ?"

Nàng toan đứng dậy lên gác thì bà phán lại hỏi :

- Năm nay chị Hồng mười chín hay hai mươi nhỉ ? Tính cô vô tâm thế đấy.

- Thưa cô, mười chín ạ.

Bà phán cười vui vẻ :

- Ồ ! mới mười chín thôi ! Cô cứ tưởng hai mươi. Mười chín thì còn trẻ chán.

Hồng không hiểu thâm ý câu dì ghẻ nên cũng cười theo đáp :

- Thưa cô, cô bảo hai mươi tuổi thì già, phải không ? Vậy sang năm con già rồi còn gì.

Bà phán nghiêm ngay nét mặt lại nói :

- Thế ra chị hơn em Yêm bốn tuổi, em Lan năm tuổi.

- Vâng.


Ông phán nằm ở phòng bên, không sao ngủ được. ông băn khoăn về Hồng, không phải về tương lai, nhưng về cuộc nhân duyên của Hồng. Ðối với Hồng, ông vẫn giữ một thái độ lãnh đạm và không ai hiểu thấu được lòng ông, chẳng biết trong thâm tâm, ông thương hay ghét nàng. Ðã lâu nay, ông không ngỏ ý kiến riêng với ai nữa, cả người vợ mà ông rụt rè e sợ.

Xưa kia ông cũng là người dễ và mau cảm động nhất là hay sốt sắng nghĩ tới việc gia đình thiết tha săn sóc đến vợ và con. Nhưng từ khi, chiều vợ cho nhà cửa được êm thắm, ông phải biểu lộ thù ghét Hảo và Hồng, thì ông đổi hắn tính tình, lúc nào cũng cố giữ một vẻ mặt thản nhiên lạnh lùng, để người ngoài khỏi thấy rõ cách cư xử khác nhau đối với con vợ trước và con vợ bây giờ. Rồi, lâu ngày thành thói quen, ông trở nên một người ít nói, ít cười, ít thân mật với vợ con. Trong đới mắt luôn luôn nhìn thắng, dưới cặp mi đen và rậm, người ta không đoán được những ý muốn của ông, cũng như người không biết rằng ông buồn hay vui Có khi một nụ cười tươi thắng thắn nở trên môi ông giữa lúc người ta chờ một câu gắt hay một lời mắng. Trái lại, lúc ông đương vuốt ria bình tĩnh ngồi nghe vợ con trò chuyện, bỗng ông thất ra một câu giận dữ rất vô lý. Nhưng cái liếc đầy ý nghĩa của bà phán khiến ông dẹp cơn thịnh nộ ngay ; ông im đi để khỏi cãi nhau với vợ, vì không muốn to tiếng, đôi co với ai hết, trừ khi nào người ta để một mình ông nói tự do mà không phản đối lại.

Cùng với tính nhu nhược, nhút nhát ấy, ông lại có tính sợ phiền nhiễu, sợ đau khổ. Bạn ông, người thân của ông ốm nặng hay gặp nguy hiểm, ông cũng mặc, nếu ở xa ông, nếu ông không trông thấy : đừng ai nói đến tai ông, ông chỉ xin thế. Vì nếu ông biết thì ông sẽ khổ sở lắm. Người thân ấy chết rồi, ông coi là một việc dĩ nhiên của thời ký vãng và ông sẽ quên một cách mau chóng, thản nhiên.

Bởi vậy, nhận được tin Thân chết, ông khó chịu. ông khó chịu vì nhiều lẽ. Lẽ thứ nhất là ông sắp thấy Hồng buồn bã khổ sở. Tính ương ngạnh của nàng là đã nhứ cái gai trước mắt ông rồi. Lại thêm một cái gai nữa : sự đau phiền của nàng. ông chưa biết nàng sẽ cư xử ra sao đối với bà phán, nhưng ông chắc rằng sự thất vọng sẽ làm cho nàng liều lĩnh hơn, hỗn xược hơn.

Lẽ thứ hai là cái mừng của ông đã thành một cái mừng hụt. Trong mấy tháng nay, ông mong mỏi chóng tới ngày con gái về nhà chồng : ông sẽ được thoát cái nạn phải nghe những tiếng chửi rủa tục tằn của bà vợ lắm lời. Hồng đi rồi thì bà còn lôi thôi với ai ? Cũng vì thế mà ngày trước, khi có người giạm Hảo, ông cho cưới ngay. Ông yên thân được tới thời Hồng khôn lớn. Nay đến lượt Hồng sắp đi khỏi nhà ông thì cái chết kia bỗng xảy ra.

- Vô lý đến thế là cùng !

Ông thất ra câu ấy, rồi ông tức tối đứng dậy ra nhà ngoài. Bà phán hỏi :

- Ông không ngủ ?

Ông nói dối :

- Có, tôi chợp được năm phút. Cũng dễ chịu.

Thấy cha, Hồng lảng xuống nhà. Không mấy khi nàng muốn gặp cha, người cha mà nàng sợ hãi hơn yêu mến.

- Bà chưa nói gì với nó đấy chứ ?

Bà vợ chau mày hỏi lại :

- Nói gì ?

Ông chồng đấu dịu liền :

- Báo tin thằng Thân chết ấy mà.

- Ai hoài hơi !

Biết mình gắt gỏng vô lý, bà phán tươi ngay nét mặt lại :

- Chưa, ông ạ, vì ông dặn đừng nói cho nó biết vội.

- Phải. Thế phải. Tôi không muốn nó biết tin ấy một tý nào.

Ông ngần ngừ thở dài nói tiếp :

- Khó chịu !... Cái nợ ấy... bao giờ mới lại có người khác rước đi cho ?

Bà phán phì cười :

- Ông muốn tống nó đi lắm, phải không ?

Ông phán yên lặng ngồi xuống sập, hắng dặng để tránh một tiếng thở dài. Thực ra ông chỉ muốn yên thân. Cái tin nhà trai xin cưới đã làm ông mừng rỡ đến nỗi Hồng xin ba trăm bạc để sắm sửa, ông cho ngay chứ không cần tính toán, hay trù trừ tiếc của.

Bà phán vẫn cười ngạo nghễ :

- Con gái ông xinh đẹp, nết na thế thì lo gì chả có người khác giạm ngay.

Rồi bà vờ buồn rầu tiếp luôn :

- Nới thế chứ... cứ theo tục xưa thì phải để tang ba năm cơ ấy... Vì như thế cũng là chồng rồi. Vậy có người giạm, mình cũng phải thong thả, chẳng bên nhà giai họ mỉa cho.

Ông phán vẫn giữ yên lặng. Bà vợ lại nói, nới luôn mồm, hình như lòng bà đương vui thích bồng bột. Bà thuật lại câu chuyện bà đọc đã lâu đăng trên các báo hằng ngày. Một thiếu nữ sắp về nhà chồng thì chồng chết... Người ấy xin cha mẹ cho phép để tang và cho đi đưa đám, rồi từ đó giữ tiết thờ chồng cho tới khi chết. Ðó là một câu chuyện Tàu, bà phán cũng nhớ thế, nhưng bà chủ tâm kể lờ mờ, để chồng có thể tưởng lầm rằng việc đã xảy ra ở nước Nam.

- Bây giờ thì làm gì có hạng thủ tiết như thế. Ðến con đàn rồi mà chồng chết chưa đoạn tang người ta cũng tái giá như thường.

Lại có dịp để bà phán cự chồng :

- Sao ông cứ khinh miệt đàn bà như thế ? Có người tất thì cũng phải có người xấu chứ. Ðàn ông các ông thì hay hớm cả đấy chăng ?

Ông phán cười làm lành rồi nói lảng :

- Khó nhất là làm thế nào để báo cho nó biết cái tin buồn ấy.

Bà vợ càng tức thêm :

- Báo tin ! Rõ khéo bầy vẽ. Việc gì phải báo với trình ! Mỗi cái mặc kệ mẹ nó là xong.

Ông phán bỗng như chợt nghĩ ra :

- Hay thế này này. Bảo nó đi Hà Nội mua thứ gì đó rồi viết thư cho cái Hảo để nó an ủi em nó.

Bà phán đứng phắt dậy, nguýt dài chồng một cái :

- An ủi với chẳng an ủi ! Việc gì phải nhiêu khê thế ? Cứ bảo thắng cho nó biết không được à ?

Ông phán chau mày :

- Thì tôi đã bảo bà rằng tôi không muốn nhìn thấy cái mặt mếu máo, khóc lóc của nó mà lại... Bà cứ nghe tôi, cho nó đi Hà Nội với chị nó... để nó ở chơi với chị nó một tháng cũng được.

Bà phán thủng thỉnh đi xuống nhà dưới, miệng lẩm bẩm :

- Ðấy đi thì đi. Chỉ sợ cho về Hà Nội mãi rồi... rồi lại phễnh ra thôi.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 8

Hai cây đèn măng sông đặt trên giá ở hai đầu tủ chè tỏa khắp phòng một thứ ánh sáng dịu lọc qua một cái chụp vải xanh rủ tua hột bột ngũ sắc.

Bà phán ngồi xếp bằng tròn trên sập đợi khách đến đánh tổ tôm : ban chiều bà đã cho đi mời bà phủ, bà đốc, ông "chủ dây thép" và họ đều nhận lời cả. Bà đã tưởng hai vợ chồng bà ngồi hai chân, nhưng sau bữa cơm chiều, ông phán kêu mệt và đi ngủ liền, nên bà lại phải nghĩ đến một chân thứ năm. Mọi khi bà vẫn mời vợ chồng ông Huấn, nhưng hôm nay ông bà ấy lại đi Hà Nội vắng. Chẳng lẽ cho gọi một thầy trưởng phố ? Chơi với họ mất cả danh giá ! Hay một ông giáo ?... Họ thì làm gì có sẵn tiền !

Ở phố Ninh Giang xưa nay vẫn chia ra nhiều xã hội cao thấp cách biệt hắn nhau : Xã hội quan thì có quan phủ, quan chủ, quan huấn và quan phán đầu tòa. Kế đến xã hội mô phạm của nhà giáo, "bọn tổ tôm một đồng", cái tên bà phán thường dùng để gọi bọn họ; xã hội trưởng phố rất hách dịch đối với những nhà buôn nhỏ và quá lễ phép, nhiều khi khúm núm nữa đối với những đấng bề trên. Ấy là chưa kể xã hội Khách trú đông đến một phần tư dân số và xã hội tài xế, khách hàng rất trung thành và rất hào phóng của xóm bình khang.

Thường thì những người trong từ hạng đi lại chơi bời với nhau chứ không chịu trộn lẫn vào hạnh khác. Nhưng trong bọn trưởng phố có mấy tay đã nhờ thâu thuế chợ, thuế đò, thuế bò lợn mà trở nên giàu lớn, nên được "các quan" hạ cố tới luôn : Một thầy trưởng phố ngồi vắt chân chữ ngũ hầu tổ tôm góp năm, góp mười ở trong phủ, đó là cảnh quen mắt lắm rồi.

Bà phán cũng như bà đốc vẫn chê ông phủ về điều đó. Bà thường nói : "Không đủ chân thì nhịn, chớ chơi với bọn họ, thì nhất định không chơi ?" Và hôm nay thiếu chân một cách bất thần bà rất lấy làm khó nghĩ. Bà đã toan cho đi mời tạm thím Phồn, một người đàn bà giàu và lễ phép, vợ người khách buôn gạo to nhất Ninh Giang, thì ông phủ bà phủ đẩy cửa bước vào. Bà mừng rỡ reo lên :

- Chân đây rồi !

Và vội chắp tay vái chào :

- Lạy quan lớn, lạy bà lớn !

- Không dám, lạy bà lớn. Thế nào, có những ai đấy ?

- Mẹ đốc với lão chủ.

- Chưa đến kia à ?

- Cũng sắp đến đấy.

- Thế quan lớn đâu ?

- Ông lão nhà tôi ốm đi nằm rồi.

Ngôn ngữ thân mật ở tỉnh nhỏ nhiều khi vẫn phóng túng như thế. Nhưng bà phán chợt nhớ tới sự buồn cần phải có của mình, liền đổi giọng :

- Chả giấu gì quan lớn, bà lớn, chúng tôi vừa nhận được một tin đau đớn, nên nhà tôi...

Ông Phủ giật mình, vội hỏi :

- Thưa bà lớn, tin buồn gì thế ?

- Chúng tôi vừa mất một thằng cháu rể.

Bà phủ run cả chân tay :

- Khổ ! ông phán Hà Nội mới hôm nào...

- Không phả ạ, cháu Thân, con cụ Tuần kia ạ.

- À ! chồng cô Hồng.

- Vâng.

- Thế cô Hồng đâu ?

Bà phán đưa khăn tay lên lau mắt, đáp :

- Ấy chúng tôi vừa cho cháu về Hà Nội chơi với chị phán cháu... Bẩm, chúng tôi còn giấu cháu đấy ạ. Thương hại cháu quá...

Bà nức lên không nói được dứt câu. Bà phủ khuyên giải :

- Thôi, bà lớn cũng chằng nên buồn phiền quá sinh yếu người. Chẳng qua số cậu ta có thế...

- Chia bài ra !

Tiếng thét từ ngoài cửa đưa tới ; bà y sĩ cười nói bước vào. Theo liền sau, ông chủ sự Bưu chính.

Thấy mọi người yên lặng, vẻ mặt buồn rầu bà y sĩ vội ngừng tiếng cười.

Bà ta vốn rất thông minh, thoáng hiểu ngay rằng mình đương đứng trước một sự đau đớn. Liền ghé tai thì thầm hỏi bà phủ :

- Sao thế ?... Cái gì thế ?

Bà kia cũng thì thầm đáp lại :

- Bà phán vừa bỏ mất người rể thứ hai.

- Chồng chị Hồng ?

- Chính phải đấy.

- Ồ ! tưởng gì !

Bà đốc lại vui vẻ cười tiếp. Bà chơi thân với bà phán nên việc gia đình bạn, bà biết rõ như việc nhà. Hơn thế, mỗi khi bạn có việc gì khó xử với chồng, với con chồng vẫn sang vấn kế bà, coi bà như quân sư vậy.

Bà là con một ông phủ về hưu, ăn chơi từ thuở trẻ, từ khi bọn phụ nữ còn chưa dám coi thường dư luận.

Mới mười tám tuổi, bà đã mạnh bạo vấn tóc trần, rẽ đường ngôi lệch, cùng bạn trai đi trong phố. Mười lăm mười sáu năm về trước, người ta cho thế là táo bạo lắm. Và người ta nhao nhao công kích bà trên hết các báo chí.

Ngày nay, trong câu chuyện thù tiếp, bà thường thản nhiên thuật lại những bài đại luận đầy tư tưởng đạo đức ấy. Rồi bà cười một cách ngạo mạn.

Bà có đủ các lối cười, tùy dịp, tùy trường hợp đem ra dùng, hoặc cười vui, hoặc cười buồn, hoặc cười an ủi, hoặc cười trêu tức. Lần này, cái cười của bà rất mỉa mai, như muốn bảo mọi người : "Rõ khéo giở trò hề !"

Bà tiếp luôn một câu để giải nghĩa cái cười của mình :

- Nó chết thì mặc nó, việc gì phải buồn ! Nó mới hỏi chứ đã cưới đâu mà là rể, là con !

Nó chết đã có thằng khác giỏi gấp mười đến hỏi.

Rồi bà gọi :

- Sửu chia bài ra, mày !

Bà lại cười, làm cho mọi người cũng lơ đãng cười theo và quên bẵng cái tin buồn.

- Mời bà lớn ngồi lên cho.

Bà phán hai ba lần mời mọc, bà phủ vẫn không chịu bước lên sập nói xin ngồi ghế cho đỡ mỏi. Bà phủ là con nhà thế phiệt, lấy chồng con nhà dòng dõi, nên bà đã quen với cái lễ phép quá câu nệ, dù khi đối đãi với những người ngang hàng hay bề dưới.

Tuy thế, bà vẫn hách, cái hách dịch lề lối của một mệnh phụ. Hồi ông phán Trinh mới đổi về Ninh Giang, bà khinh bỉ bà phán là lẽ mọn, không thèm đi lại chơi bời, ông phủ khuyên thế nào cũng không được.

Nhưng sau thấy nhiều sự rất khó chịu xảy ra cho bà và cho chồng bà, bà phải hạ mình làm quen với người đàn bà đáng ghét ấy vậy.

Vì bà phán đi đâu cũng kể xấu bà, và chồng bà. Có khi bà ta bỏ hắn ra một ngày để đi rải rắc khắp các nơi một tin đồn phao về những việc không hay mới xảy ra trong nhà bà phủ. Bà này cũng đáo để lắm, nghe người ta thuật lại, chỉ cười và nói nhiếc bắn hơi :

- Các bà tính, hạng vợ lẽ, vợ theo thì họ còn ưa sao được tôi.

Bà cười xòa nói tiếp :

- Những cô hầu của cụ tôi cũng vậy, các cô ấy ghét tôi lắm.

Không biết bà phán Trinh có sợ bà không, nhưng chẳng bao lâu chính bà phải sợ bà phán. Bà này xui xiểm chồng, bắt ép chồng nói xấu ông phủ với ông đại lý mà bà biết là một người rất đa nghi và rất thích ăn lễ... ông phán nghe theo, thuật lại với ông đại một câu phàn nàn hỗn xược của ông phủ. Mấy hôm sau, ông đại lớn tiếng cự ông phủ ở ngay trước mặt dân sự đông đảo.

Một chuyện nhỏ mọn ấy đủ khiến bà phủ hiểu rõ tình thế gay go và nhanh nhẹn kéo cờ hàng.

Chiều hôm ấy, bà đến chơi bà phán, rồi lại đánh tổ tôm cho tới hai giờ sáng. Sự giao du của hai nhà đã bắt đầu và chẳng bao lâu trở nên mật thiết, mật thiết đến nỗi nhiều người ở Ninh Giang đồn rằng bà phủ sắp hỏi cô Lan cho cậu hai, sinh viên lớp nhất trường trung học Pháp.

- Thế nào, bà lớn nhất định ngồi ghế ? Vậy tôi xin vô phép hai bà với hai ngài nhé.

Vừa nói, bà đốc vừa cúi xuống tháo quai dép, rồi bước lên sập ngồi xếp bằng tựa lưng vào tủ chè :

- Còn chỗ ngồi sập nữa ?

- Thôi, xin mời bà phán.

- Ấy ai lại thế, tiền khách hậu chủ chứ lị ! Xin mời quan lớn !

- Thì xin vâng.

Bà phủ đứng dậy đổi chỗ với bà phán và nói :

- Vợ chồng ngồi liền cánh nhau không tiện.

- Vẽ ! Dễ thông lưng được đấy mà sợ !... Hay bà đổi với ông chủ ? Phải đấy, để ông ấy ngồi dưới cánh tôi, tôi chèn cho không có ông ấy ù dữ quá.

- Chà ! bà đốc thì cũng chẳng kém gì bà. Vâng, thì đổi.

Ông chủ sự Bưu chính bệ vệ đi lắc la lắc lư, cái mặt núng nính những thịt. Ông béo lắm, nên ở Ninh Giang, những kẻ ghét ông, thường gọi ông là ông chủ "lợn ỷ". Tuy ghét mà người ta vẫn sợ ông, coi ông như một thanh tra mật thám. Sự thực, người ta chỉ biết rõ có một điều : ông chơi thân với quan đại lắm, chẳng ngày nào không vài dân gọi điện thoại vào tòa, và chẳng mấy chủ nhật không đến chơi nhà riêng quan đại.

Có tin đồn khắp Ninh Giang rằng ông ta thường bóc thư ra xem để tìm những kẻ phản đối chính phủ mà ghi tên vào "sổ đen".

Ngoài việc bóc thư, người ta còn ta tụng cái tài gợi chuyện của ông chủ : Khi nghe người ta tỏ ra người khăng khái yêu nước thương dân, hay thất ra những chữ quá mạnh để chê bai các quan Pháp ở xứ thuộc địa, thì người khôn ngoan phải coi chừng mà mặc cho ông ta nói cho sướng miệng. Nếu không, những câu trả lời của mình sẽ bị ông ta ghi chép liền.

Nhưng ông ta có một nhược điểm : thích tiệc. Mời ông ta ăn luôn, uống luôn, hút luôn thì ông ta cũng châm chước cho mình, khi mình phạm điều gì mà ông ta không thể không ghi "sổ đen" được. Hơn nữa ông ta sẽ tìm dịp để nói tất mình với quan đại. Ðã có nhiều người nhờ ông ta mà tên được xóa trên sổ "đoạn trường" của tòa đại lý. Những người ấy, ta có thể đoán biết rằng đã tiêu thụ tới hàng tá sâm banh của chú "An thái" để thết cơm tây "quan chữ".

Ðối với ông phán, ông chủ sự vẫn bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Ông ta biết ông phán ghét ông ta, và thường tỏ ý khinh ông ta nữa, khinh không phải vì cái tài mật thám, nhưng vì cái thói ăn của ông ta. Còn bà phán thì cũng chẳng ưa gì ông ta. Bà thấy mỗi khi ông ta đến chơi nhà, hộp thuốc lá "ăng lê" của chồng lại khuyết thêm một chỗ hổng lớn. Bà lấy thế làm tức lắm và đã có lần ỡm ờ hỏi :

- Ông chủ dễ không một phút nào không hút thuốc lá đấy nhỉ ? Nhất là thuốc lá "ăng lê".

Ông kia cười khì đáp :

- Vâng, nhất là thuốc lá "ăng lê" của bạn.

Hôm nay, ông chủ gặp dịp báo thù. Nhưng trước khi nói một câu thấm thía, ông còn ngấm ngầm ngồi hưởng thú sắp được thất câu ấy ra. Và ông mủm mỉm cười, sung sướng :

- Thưa bà lớn, cô Hồng là cô thứ hai ?

Bà phán vô tình thắng thắn trả lời :

- Vâng, cháu thứ hai.

- Dễ bà lớn sinh cô Hồng ở Hà Nội ?

Bà đốc và vợ chồng ông phủ đều quay cả về phía ông chủ. Bà phán đánh trống lảng, hỏi bà đốc :

- Có ăn không thì bốc, chứ ?

Rồi sau một hồi lâu suy nghĩ và có lẽ đoán biết rằng ở Ninh Giang không còn ai lạ gì tình cảnh nhà mình, tự nhiên bà phán phân trần kể lể với ông phủ, bà phủ :

- Thưa quan lớn, bà lớn, chả nói giấu gì quan lớn, bà lớn, cháu Hồng là con riêng ông phán nhà tôi đấy ạ, nhưng tôi thương yêu cháu chẳng khác con đẻ, vì tôi nuôi cháu từ ngày cháu mới lên ba.

Ba phủ phỉnh :

- Thưa bà lớn, như thế thì khác gì con đẻ !

Và ông chủ sự vờ kinh ngạc :

- Ỗ ! thế mà tôi cứ tưởng... Xin lỗi bà lớn nhé.

- Có gì mà ông phải xin lỗi ?

Ở tỉnh nhỏ, khi mình cung kính tôn người ta lên địa vị quan lớn, bà lớn, mà người ta cứ kéo miệt mình xuống hàng ông bà, đó là một cách chọc tức ghê gớm lắm, có thể gây ra một cuộc cãi lộn và ẩu đả nếu hai kẻ đương đầu là hai người đàn bà trẻ tuổi hung hăng. Nhưng ông chủ sự là người tất nhịn. Ông làm ra mặt không thèm chấp đàn bà.

Bà phán coi như không có ông ta, vẫn kể lể với bà phủ :

- Thưa bà lớn, cháu mến tôi lắm ạ, mến như mẹ đẻ ấy ạ. Từ hôm bên quan tuần xin cưới mà tôi nhận lời, cháu cứ buồn rượi cả ngày. Cháu chỉ sợ phải xa tôi.

Ông chủ sự lại thêm :

- Thưa bà lớn, thế mà bà lớn phán nghiêm khắc lắm, dạy dỗ đánh mắng luôn chớ có phải nuông con như người ta đâu.

Bà phán nguýt dài một cái :

- Quan lớn tính, chả dạy để nó thô bỉ hay sao ?

Rồi quay sang phía bà phủ, tuy vẫn để ý đến ván bài, và vẫn không bỏ một nước ăn, một nước phỗng :

- Bẩm bà lớn, cháu còn dại lắm ạ, chẳng biết một tí gì, nên ông phán nhà tôi với tôi cứ lo sợ khi về làm dâu người ta, nó không chịu đựng nổi với mẹ chồng nó. Nghe nói bà lớn Tuần đanh thép lắm kia đấy ạ.

Ông chủ sự chẳng chịu bỏ qua một nhát nào :

- Thế thì cậu Thân chết, bà lớn cũng chẳng nên buồn lắm, thêm ốm người.

Bà phủ vội hỏi để át câu khiếm nhã của ông kia :

- Thưa bà lớn, cậu ấy chết về bệnh gì thế ?

Bà phán đáp, giọng nước mắt :

- Bẩm bà lớn, bệnh thương hàn ạ.

Ông chủ bình phẩm :

- Bẩm, bệnh sốt rét thương hàn thì khó chữa lắm. Sách thuốc ta cho là "nội thương, ngoại cảm" đấy ạ. Tài thánh cũng không cứu được.

Bà đốc cãi để tỏ rằng mình am hiểu thuốc tây :

- Làm gì mà chằng chữa được ? Cứ kiêng cơm, ăn sữa thì chẳng sao hết... Nhưng này, năm ván rồi đấy, góp ra thôi chứ ! Tôi ù một lèo, một thông, ba đồng rưỡi, còn phải góp một đồng rưỡi đây.

Vừa nói bà vừa vứt xuống sạp một cái giấy bạc gói năm hào vào trong. Ông chủ sự mỉm cười :

- Còn một ván cúng tổ nữa chứ.

Câu chuyện cứ như thế kéo dài cho tới khi mãn cuộc tổ tôm, lúc buồn rầu, lúc vui vẻ, lúc khôi hài, lúc châm chọc.

Một giờ sáng, bà phán tiễn khách ra về, trong lòng sung sướng, tuy bà thua bốn đồng rưỡi. Bà sung sướng vì đã khéo đóng cái vai từ mẫu đối với con chồng. Bà có ngờ đâu rằng mọi người đều "đi guốc trong bụng bà", vì ở tỉnh nhỏ, còn chuyện riêng nhà ai mà người ta không biết rõ. Có khi buổi sáng, bếp nhỡ nấu phải nồi cháo khê, người ta còn chẳng lạ nữa là chuyện dì ghẻ con chồng to tát kia !
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Phần Thứ II

Chương 9

Từ biệt bác sĩ, Hồng thuê xe về thẳng nhà chị. Nàng vừa cạo răng trắng nên bẽn lẽn, chỉ sợ gặp người quen.

Nàng do dự mãi, nay thì có Nga thúc giục mới dám quả quyết, tuy từ lâu nàng vẫn ao ước thèm muốn "cái cười sáng và tươi" của nhiều chị em bạn. Một lần muốn có cái cười ấy trên tấm hình, nàng đã cắt giấy trắng dán vào răng, trước khi chụp ảnh. Vừa đến nhà, Hồng bước vội lên gác, lấy gương soi, mủm mỉm với bóng, trong lòng hồi hộp, sung sướng.

Nhưng nàng có ngay một cảm giác buồn man mác. Nàng nhớ lại hồi còn theo học trường Nữ cao đẳng tiểu học. Rời nhà trường, nàng hết sức tự do cả những tự do nhỏ nhặt, như cái tự do để răng trắng.

Thôi học được nửa tháng, nàng liền bị cha a dua với dì ghẻ bắt phải nhuộm răng cho bằng được.

Trước nàng còn bướng bỉnh nhất định không vâng lời.

Về sau, muốn được yên thân, nàng miễn cưỡng nghe theo. Rồi qua bữa đầu lạ mắt, nàng ngắm nghía trong gương thấy nàng răng hạt huyền không xấu lắm như nàng tưởng, mà lại có duyên nữa là khác.

Nhưng nay, nàng nhận thấy hai màu trắng đen hơn kém nhau rõ rệt quá. Vả, trái lại với ngày xưa, nay nàng chỉ muốn trêu tức người dì ghẻ và tỏ cho người ấy biết rằng nàng có đủ hết quyền tự do.

Hồng đương mơ màng nhìn bóng, thì một dịp cười dòn ở sau lưng làm nàng giật mình quay lại :

- Ồ chị Nga ! Chị dạy học về ?

Nga vẫn cười :

- Ðấy có phải không ? Cạo răng trắng đẹp lắm mà lại ! Có nham nhở gì đâu ? Cười xem nào !

Hồng mím môi lại cười sằng sặc :

- Cười nhăn răng ra kia chứ ! Ðấy !... Ðẹp thế mà mãi nay mới chịu nghe theo. Trông trẻ đi đến năm, sáu tuổi. Lương mà trông thấy thì đến tự tử mất thôi.

Hồng cau mày cự bạn :

- Chỉ nói bậy !

- Chị còn nhớ Lương không nhỉ ?

Hồng ngẫm nghĩ, đáp :

- Không, Lương nào thế ?

- Người chúng ta gặp năm ngoái trong ngày hội Sinh viên ấy mà !

Hồng như chợt nhớ ra, cười vui vẻ :

- Ồ phải, cái anh chàng ném hoa giấy, mặt xấu như mặt quỷ sứ.

- Thế nó mê tít chị đấy.

Nga thuật cho bạn nghe cái tính nhẫn nại lạ lùng của người thiếu niên. Tuần lễ nào, ít ra chàng cũng một lần đến chơi với Căn mà chàng đã làm quen, làm thân nữa.

- Trước, tôi vẫn tưởng anh chàng muốn chớp chới với tôi. Nhưng một hôm gặp tôi, anh ta thì thầm hỏi : "Thưa cô, cô Hồng bao giờ lại lên chơi Hà Nội ?"

Hồng đỏ mặt :

- Sao chị không mắng cho hắn một chặp.

Nga cười :

- Sao chị hủ thế ? Ở mãi nhà quê có khác ! Người ta hỏi thăm là một sự hân hạnh cho mình, việc gì lại mắng ? Hắn hỏi tôi adresse chị, tôi bảo chớ viết thư cho chị mà làm phiền chị ra vì ở nhà chị gia pháp nghiêm khắc lắm.

Hồng buồn rầu :

- Cảm ơn chị, quả thực thầy tôi và... người ta hà khắc với tôi lắm, nhất từ ngày...

Hồng ngừng lại nhìn Nga, Nga nói gạt :

- Ðã bảo đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa !

Hồng chữa thẹn, gượng cười :

- Chị bảo hắn đừng lôi thôi nữa, nhé ! Thầy tôi mà bắt được thư của hắn ta thì tôi đến chết mất.

- Hắn ta cũng đã ở trong tình cảnh như chị, chắc tôi bảo hắn hiểu ngay. Chị cứ yên lòng.

Hồng kinh ngạc :

- Tình cảnh như tôi ?

- Phải. Hắn cũng dì ghẻ làm khổ... Ấy chính hắn ta kể lể với anh Căn và tôi như thế.

- Bây giờ tôi dạy cùng trường với hắn, chị ạ.

Hồng hơi cảm động :

- Hừ ! gia đình nào cũng vậy, hễ có vợ lẽ là y như tan nát.

Nga cười :

- Tưởng cũng tùy đấy thôi. Thiếu gia đình dì ghẻ con chồng ở với nhau êm thấm vui vẻ, có khi thân yêu nữa.

Hồng thở dài :

- Làm gì có... Mà nếu có thì hẳn là giả dối.

- Vậy chỉ có một cách giản dị...

Hồng cướp lời bạn :

- Là đừng ai lấy vợ lẽ hết.

- Nhưng còn trẻ mà góa vợ và đã có con thì chị cho phép lấy vợ kế không ?

- Không.

Câu trả lời quả quyết của Hồng làm Nga bật cười :

- Nếu thế thì thừa nhiều phụ nữ quá. Trong nhân loại sẽ có bao nhiêu gái già. Tội nghiệp lắm chị ạ !

Hồng cáu kỉnh :

- Xin chị hãy thương hại đứa con mất mẹ như tôi. Ðã bao nhiêu năm sống giữa một gia đình không một ai bênh vực, an ủi ! Ðến khi tưởng thoát ly được cái gia đình ấy để đi lấy chồng, thì cái thằng chồng khốn nạn bỗng dưng lăn ra chết...

Nga cười càng to vì nàng chỉ nhận thấy ý nghĩa khôi hài của
những lời chua chát.
- Sao nó không để cưới xong rồi hãy chết !

- Ðể làm một quả phụ, phải không ?

- Làm quả phụ, hay làm gì thì làm, làm cả một gái giang hồ nữa cũng được, nhưng đừng ở trong một gia đình có một người dì ghẻ của tôi.

Nga dương mắt nhìn, kinh ngạc về những ý tưởng ngộ nghĩnh, quá khích của Hồng.

Nàng chau mày toan cự bỗng ngừng lại, vì thấy hai dòng lệ chảy ướt má bạn.

- Chị khổ lắm, phải không chị Hồng ?

Hồng cười gằn :

- Tôi cũng không hiểu thế có là khổ hay không. Nhưng kẻ thù nhất đời của tôi, tôi cũng không nỡ tàn nhẫn mong cho nó có một người dì ghẻ như dì ghẻ tôi. Rồi nàng cố trấn tĩnh thuật lại với Nga những sự xảy ra trong hơn năm nay.

Ðời nàng là một đời chồng chất những ngày sầu thảm nhưng nàng cho chằng thời kỳ nào sầu thảm bằng trong vòng một năm gần đây. Những nhân vật mới xuất đầu lộ diện, nàng chỉ thầm nhắc đến tên cũng đủ rùng rợn. Vì ngoài dì ghẻ và mấy đứa em khác mẹ, lại hai người đáng ghét nữa mới len vào đời nàng : bà cửu Sót, chị gái bà Phán, và cả Ðiện con trai bà ta.

Thân, chồng chưa cưới của Hồng, chết được ba tháng, thì một giáo viên trẻ tuổi ở Ninh Giang nhờ ông Huấn làm mối hỏi Hồng. Nhưng bà phán xúi chồng từ chối, lấy cớ rằng giáo học lương ít và không có bổng lộc. Hồng chưa từng gặp ông giáo kia bao giờ, mà cũng không biết có ông ta ở Ninh Giang, nhưng chỉ vì bị người dì ghẻ cự tuyệt mà ông ta bỗng được Hồng lưu ý tới. Nàng hỏi thăm biết tên người ấy là Duy, và hai, ba lần qua trước nhà ấy để gặp được mặt mới nghe. Duy rất tầm thường, cả về dung mạo, dáng dấp lẫn trí thức, nhưng Hồng thấy chàng rất đáng yêu.

Hồng mến thầm Duy đến đỗi không ghét Tý nữa, dù, đứa em nhỏ ấy vẫn tàn nhẫn với nàng; vì Tý là học trò Duy. Nàng lấy sách Tý xem luôn, để chỉ bảo điều này, điều khác. Kỳ thực nàng chỉ cất ngắm nghía những chữ đỏ phê và chữa của Duy ở bìa các trang giấy. Một hôm trong bữa cơm Hồng đánh bạo gợi chuyện nói đến Duy với cha. Nàng khen ông giáo dạy lớp Tý giỏi và chăm chỉ. Cha nàng nhìn nàng, hỏi :

- Sao mày biết ?

Nàng thản nhiên trả lời :

- Con xem vở của em Tý.

Bà phán thừa biết ông giáo là ai, nên bà mỉm cười chua chát, làm cho Hồng vừa hổ thẹn vừa căm tức.

Nhưng hết hè, Duy xin được đổi đi nơi khác. Ở một thành phố nhỏ như Ninh Giang mà làm chủ động trong một chuyện không hay, thì chỉ còn một cách rời đi nơi khác, nếu không muốn bị chế giễu, hay nghe thấy những lời bình phẩm khó chịu. Người ta sẽ chỉ trò mình mà thì thào "kìa ông giáo, chồng hụt cô Hồng !" hay "Ông giáo ấy bị ông phán Trinh đá đít đấy !" Tỉnh nhỏ là nơi người ta ít lòng thương.

Cái tin Duy rời Ninh Giang làm cho Hồng đau xót ngấm ngầm trong hơn một tuần lễ, trái hẳn khi Thân chết, nàng rững rưng, không một chút cảm động. Ðể người dì ghẻ không trông thấy nét mặt ảo não của mình, Hồng cáo ốm bỏ cơm luôn hai ngày. Nằm trong phòng, nàng tưởng ngất đi được, nghe tiếng dì ghẻ the thé : "Nó vờ vĩnh đấy chớ, ốm yếu gì ! Hay cô ả ốm tương tư cậu giáo ?"

Cách đó ít lâu lại một người nữa đến hỏi Hồng. Lần này thì Hồng hoàn toàn đồng ý với dì ghẻ, vì biết người kia là một anh nhà quê dốt nát, con của một ông chánh tổng cự phú. Nhưng bà phán xúi chồng từ chối, chẳng phải vì không muốn Hồng có một người chồng ngu si dốt nát. Chỉ vì bà ta không ưng cho Hồng được làm dâu một nhà cực kỳ giàu có.

Rồi ngay tuần lễ sau, mẹ con bà cửu Sót đến chơi. Bà phán mừng rỡ đón tiếp rất long trọng luôn năm, sáu tối mời bà phủ, bà đốc đến đánh tổ tôm. Những hôm ấy Hồng thấy dì ghẻ ân cần săn sóc tới mình, nói với mình những lời dịu dàng, âu yếm nữa.

Hồng đoán hiểu. Vì nàng thấy bữa nào dì ghẻ xếp đặt chỗ cho mọi người cũng để Ðiện ngồi đối diện với nàng. Rồi luôn luôn khen ngợi cháu : "ngoan ngoãn, nết na như con gái", nào "cái mũi kia thì sau này hẳn là làm nên, cái trán rộng mới thông minh chứ ?" Hồng chỉ thấy Ðiện đáng ghét, mà cái cớ thiển cận nhất, là vì Ðiện được người dì ghẻ đáng ghét ca tụng, tâng bốc.

Quả Hồng đoán không sai. Sau khi mẹ con bà cửu Sót về Hà Nội, nàng thường thấy cha và dì ghẻ nhìn nàng, thì thầm nói chuyện. Rồi một hôm thằng Tý gọi đùa nàng là chị Ðiện. Nàng giận cho nó một cái tát thực mạnh, khiến nó khóc, lên mách mẹ. Nàng chắc sẽ bị mắng tàn tệ, nhưng trái hắn, bà phán chỉ cười bảo rằng :

- Em có nói thế đã sao mà chị đánh nó ? Tội nghiệp.

Ý định của bà phán đã hiển nhiên : Bà muốn gả Hồng cho cháu bà. Chẳng thế sao trong hai tháng Ðiện về Ninh Giang chơi những ba lần, lấy nê rằng được nghỉ hè, về thăm chú dì, nhưng kỳ thực, chính bà phán viết thư bảo đến. Bà cho rằng con gái đến tuổi cập kê mà luôn luôn gần gũi con trai thì thế nào cũng bị yêu.

Hồng kể với chị trong một bức thư dài cái dã tâm của dì ghẻ. Hảo liền đi hỏi dò tin tức và biết đích rằng Ðiện là một học trò lười biếng, dốt nát, đã học ba năm lớp nhất một trường tư thục mà vẫn chưa thi đậu nổi cái bằng cơ thủy. Ðược thư trả lời của chị, Hồng càng căm tức dì ghẻ và oán trách cha đem gả mình cho một thằng vô học.

Mỉa mai không ! ngay bữa cơm chiều hôm ấy dì ghẻ lại nhắc đến Ðiện, và khoe khoang rằng chàng đương học để thi bằng thành chung. Hồng không giữ được nữa, bưng miệng cười sằng sặc. ý chừng bà phán hiểu nên mắng át :

- Con nhà mới vô phép chứ, mới mất dạy chứ ! Cười bắn cả cơm ra bàn ăn !

Hồng và vội cho xong bữa, để ra hiên cười thực to. Rồi nàng nói lớn cốt dì ghẻ nghe rõ :

- Học ba năm ở lớp nhất thì thành chung thành chiếc gì !

Từ đó, bà phán không đá động tới Ðiện nữa, mà Ðiện cũng không về thăm dì nữa. Nhưng thôi ! Hồng đừng có mong được yên thân ! Bà sẽ đem hết tâm lực ra mà hành hạ nàng cho bỏ tức. Chiến lược của bà nay khác hắn trước, nhưng ghê gớm gấp mấy. Vì trước kia bị bà mắng nhiếc, thù ghét ra mặt, Hồng còn biết đường mà đối phó lại. Nay trái hắn, bà chỉ yên lặng ngấm ngầm bày mưu làm hại. Một cái nhìn sắc như gươm, một cái cười chứa đầy nọc độc đôi khi thoáng qua mắt Hồng, nhưng đủ khiến nàng rùng mình khiếp sợ.

Mấy tháng gần đây có hai đám đến giạm Hồng và đều là nơi xứng đáng, một người vừa đậu tú tài, một người hiện làm tham tá góa vợ. Bà phán tiếp đãi bà mối rất trọng, thết tiệc linh đình khiến Hồng đã phải cảm động. Nhưng chẳng hiểu bà xử trí ra sao mà Hồng mong mỏi mãi vẫn không có tin tức gì nữa.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 10

Một lớp học huyên náo. Tiếng cười xen lẫn tiếng nói tục, tiếng huýt còi, tiếng ca hát. Một trò lên ngồi bàn thầy giáo cầm thước đập mạnh và gióng giạc thét :

- Silence !

Tức thì ở khắp trong phòng nhao nhao lên những câu phản đối :

- Về chỗ !

- A vo tre place !...

- Làm bộ gì thế, thằng Hạnh ?

Hạnh thét to để cố trùm lấp những tiếng ồn ào :

- Các anh phải biết buồng giấy ông đốc ở ngay bên cạnh.

- Các anh các chị, chứ lị.

Câu trả lời càng gợi những trận cười vang. Giữa lúc ấy, cửa lớp học vụt mở. Ai nấy chạy về chỗ ngồi im tăm tắp. Một vài tiếng cười còn khúc khích, như những pháo xì sau một tràng pháo nổ. Người mới vào hỏi :

- Giờ gì ?

- Bẩm, giờ Annamite ạ.

- Ông Lương, phải không ?

- Bẩm vâng.

Ông đốc - vì người ấy là giám đốc - mở đồng hồ xem giờ, rồi nhún vai, yên lặng khép cửa bước ra ngoài. Tức thì tiếng cười đùa lại nổi lên, đạn giấy và phấn vụn bay tứ tung. Lần thứ hai cửa mở. Theo liền một tiếng "À" thực dài. Lương thong thả bước lên bực gỗ, ngồi xuống ghế, tháo kính ra lau rồi nhìn bảng mỉm cười :

- Chắc lại tác phẩm của anh Trường.

Dịp cười đủ các giọng cao thấp đáp lại. Lương gắt :

- Im ! các anh.

Một cậu học trò ở đáy lớp tiếp luôn :

- Và các chị.

Lương lại thét :

- Im ! các anh không biết xấu hổ ! Học trò năm thứ hai mà nghịch ngợm, mà thiếu kỷ luật như lũ trẻ con lớp đồng ấu. Các anh...

- Oay !

Tiếng hỗn xược ấy ở đáy lớp đưa lên làm Lương ngừng bặt, thở dài, làu nhàu trong miệng những câu phàn nàn, nguyền rủa.

Rồi chàng mở Kiều ra giảng và cùng học trò dịch sang Pháp văn. Trong khi ấy, ở khắp các bàn thì thầm nói chuyện, nếu không cặm cụi tìm tòi giải một bài tính kỷ hà học hay nắn nót viết bức thư về nhà xin tiền cha mẹ.

Lương cũng biết thế, nhưng chàng để mặc. Ðối với bọn học trò không coi kỷ luật nhà trường vào đâu, thì gào thét có phỏng ích ! Chỉ thêm chuốc lấy thù ghét. Ðã có lần chàng xin ông đốc đuổi một người học trò. Nhưng việc ấy không có kết quả gì hết, nên từ đó không những chàng không bàn đuổi ai mà đến những trừng phạt nhẹ chàng cũng không bao giờ dùng đến. Chàng thản nhiên, ngày ngày đến lớp dạy học và làm đủ bổn phận, không hơn, không kém đối với nhà trường và đối với học trò. Nhưng chàng cũng có một cách phạt riêng nếu có thể cho thế là phạt : Gọi một học trò nghịch ngợm hay hỗn xược lên bảng; rồi đọc một câu thực khó, bảo dịch sang chữ Pháp để có dịp tỏ cho hắn biết hết cả cái sức học kém cỏi của hắn. Lớp học sẽ phá lên cười vui vẻ. Vì thế, sợ làm trò cười cho chúng bạn trước mặt mấy nữ học sinh, lắm anh ngồi nghiêm chỉnh vờ chăm chú nghe lời giảng để khỏi bị gọi lên bảng.

Giờ ra chơi, Lương gặp Nga ở hiên gác, lại gần vui vẻ chào hỏi :

- Chị có giờ gì ?

- Tập đọc. Còn anh ?

Lương mỉm cười :

- Tôi vừa từ địa ngục ra. Hai tiếng giờ Annam ở năm thứ hai của tôi, nếu có ai dạy thay, tôi nhường ngay.

- Còn ai thích được ! Những ông mãnh ấy tưởng mình giỏi tiếng mẹ đẻ lắm rồi, chẳng cần học nữa, nên chỉ đến lớp để nô đùa hay làm những việc khác trong giờ tiếng Annam. Thực một nơi địa ngục !

Lương buồn rầu thở dài. Nga an ủi :

- Thôi chịu khó một tí anh ạ, tám giờ tiếng Annam một tháng chẳng ra gì cũng thêm được bảy đồng hai.

Nga nói thế là vì nàng biết Lương nghèo lắm, nghèo đến nỗi không nộp được mấy chục bạc, chàng đã phải bỏ thi cử nhân luật và bỏ luôn cả trường Luật để đi dạy học kiếm ăn. Buổi đầu chàng cậy cục mãi mới được dạy hai giờ một tuần lễ ở một trường tư thục nhỏ với một số lương bảy hào rưỡi một giờ. Cách đó mấy tháng, ông giám đốc một trường lớn nghe thấy học trò tán tụng chàng về môn tiếng Annam liền kéo chàng về trường mình. Nay thì chàng đã kiếm được hơn ba chục một tháng, một số tiền vừa đủ nuôi sống hai anh em (Thiện người em chàng hiện theo học năm thứ tư ở trường chàng dạy).

Ông phủ cha nàng tuy không lấy gì làm giàu lắm, nhưng cũng có một cái gia tài chừng hai vạn bạc. Song cái sản nghiệp ấy đã hoàn toàn bị người dì ghẻ gian ngoan chiếm đoạt. Cha chàng qua đời (mẹ chàng đã mất sớm) chỉ để lại cho chàng mỗi một tòa nhà thờ đồ sộ ở làng mà chàng không thể bán đi được để kiếm cái vốn nhỏ nuôi em ăn học. Câu nói thành thực của Nga khiến chàng nhớ tới cái cảnh bần bách của anh em mình.

Chàng thở dài yên lặng nhìn bầy học trò nhỏ đuổi nhau trong sân trường :

- Chiều nay, mời anh lại chơi nhé !... Anh Căn nhắc anh luôn.

- Thưa chị, chị Căn về quê đã lên chưa ?

- Ðã. Cả Hồng cũng ở Hà Nội.

- Thế à ?

Má Lương dần dần đỏ, mắt chàng chớp nhanh sau đới kính cận thị. Sự sung sướng làm biến hắn những nét thô trên gương mặt trở nên rạng rỡ. Nga mỉm cười :

- Hồng mới cạo răng. Lại mà xem, Hồng trẻ hắn đi.

Lương làm bộ thản nhiên :

- Chị Hồng già gì mà trẻ hẳn đi được.

Rồi chàng cười thực to để giấu cảm động.

- Chị Hồng hỏi thăm anh đấy, chị nhắc luôn đến anh chàng ném hoa giấy ngày hội Sinh viên.

Lương cúi rạp đầu xuống chào và nói :

- Hân hạnh, hân hạnh.

Nga cười sằng sặc. Lương cho rằng nàng cười vì cái chào tuồng của mình, kỳ thực nàng chỉ cười câu nói dối của nàng, nói dối do lòng thương cũng có, nói dối để nói dối cũng có.

Sự thực, Hồng chẳng để ý đến Lương bao giờ. Hơn thế mỗi lần nghe đọc đến tên Lương, Hồng lại chau mày suy nghĩ, tìm tòi và không nhớ ra là ai, trừ khi trong câu chuyện, Nga đặt theo liền tên cái danh từ "anh chàng ném hoa". Anh chàng ném hoa, Hồng cho ở đời chẳng còn có một thiếu niên nào vô duyên hơn, khả ố hơn, xấu xí hơn. Và đối với chàng Hồng tự nhiên có ác cảm sâu xa.

Lương đang muốn gợi chuyện hỏi thăm Hồng thì có chuông vào lớp. Chàng bảo Nga :

- Thôi chào chị. Chiều nay thế nào tôi cũng xin đến hầu chị.

Nga mỉm cười :

- Chả dám.

Giờ thứ hai của Lương là một giờ tập đọc. Chẳng bao giờ chàng giảng hay bằng lần này ; chàng vừa nhận được nguồn cảm hứng ở hình ảnh người yêu.



* * * * *



Buổi chiều, ở lớp học ra, Lương đi xe lại thẳng nhà Căn, thành thử chàng đến trước cả Nga, và phải ngồi ở cửa hàng chờ gần hai mươi phút mới thấy nàng lững thững đi bộ về.

- Chết chửa ! Xin lỗi anh nhé ! Anh hẹn đến chơi mà tôi quên bẵng đi mất. Nếu nhớ thì đã đi xe về tiếp anh. Với lại, tôi cứ tưởng chị Hảo có nhà.

Rồi Nga mời Lương lên chơi phòng riêng ở trên gác. Gặp Hồng ở đấy, Lương vờ ngạc nhiên :

- Ô kìa, chị Hồng ! chị về chơi hôm nào thế ?

Hồng lạnh lùng đáp :

- Tôi về chơi hôm qua.

- Nghe nói chị mới có bộ răng ngà đẹp lắm.

Hồng cười mai mỉa :

- Ông vừa mới hỏi tôi về chơi Hà Nội hôm nào, thế mà ông đã biết tôi có bộ răng ngà. Lạ thực !

Lương ngượng nghịu nhìn Nga cầu cứu.

- Ô chào ! hai người vặn lý nhau mãi ! Mỗi cái Hồng cười đi cho chúng tôi ngắm bộ răng mới xem có xinh không nào !

- Dễ nghe nhỉ !

Hồng hậm hực nói thế. Nhưng dứt lời, nàng phá lên cười liền. Lương ngây người đứng nhìn. Nga bảo chàng :

- Ðó anh coi !

Hồng lườm bạn, vẻ căm tức lộ trên mặt; Nga nói tiếp :

- Nhưng bây giờ thì anh về thôi nhé.

Lương buồn rầu ngơ ngác :

- Chị đuổi tôi đấy à ?

- Vâng. Xin lỗi anh, vì chúng tôi phải đi đằng này bây giờ.

- Vậy tôi xin đi ngay.

Sau một cái nhìn đắm đuối, như gửi linh hồn vào người yêu, Lương ngả đầu chào, rồi vội vàng xuống gác.

Hồng bảo Nga :

- Cảm ơn chị... Gớm ! sao mà chị chịu được hắn ta

Nga, giọng nói đầy tình thương.

- Anh ấy khổ sở lắm, chị ạ. Mà đối với những người khổ sở thì mình tiếc làm gì mấy lời tử tế. Tôi cho đó là một nhiệm vụ của phụ nữ.

Dứt lời, nàng cười
vang, như để làm bớt vẻ trang nghiêm của câu nói hơi đạo mạo.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 11

Lương ở nhà Căn về, trong lòng hồi hộp sung sướng. Chàng thấy sau khi cạo răng trắng, Hồng đẹp lên bội phần. Mà Hồng cạo răng trắng là vì chàng. Ngày hội Sinh viên năm ngoái chàng có lớn tiếng bình phẩm một câu về cái hàm răng đen của Hồng. Thì ra Hồng nghe thấy nên đã làm theo ý muốn của chàng. Lương cho cử chỉ ấy kín đáo và âu yếm quá. Chàng nghĩ thầm : "Bao giờ cũng vậy và khoa tâm lý cũng dạy thế, tình yêu của phái yếu vẫn âm thầm và sâu xa hơn tình yêu của phái khỏe". Chàng mỉm cười nghĩ tiếp : "Âm thầm thì âm thầm thực. Lại bí mật nữa. Như đối với mình, Hồng thường giữ một vẻ mặt lạnh lùng làm như ác cảm mình lắm. Kỳ thực thì trái hắn. Chỉ ngắm đôi con mắt thỉnh thoảng liếc trộm mình cũng đủ hiểu. Trời ơi ! đôi con mắt ! mới tình tứ lắm sao ! Như muốn trao cả linh hồn cho mình. Ðôi con mắt !... đáng giá ngàn vàng, đôi con mắt ấy !"

Cái ý nghĩ càng làm cho Lương buồn rầu : chàng nhớ tới cảnh ngộ, tới thân phận chàng, nếu Hồng đáng giá nghìn vàng, thì sự ước mong của chàng chẳng hóa hão huyền ư ? Vì chàng nghèo. Mà Nga, người bạn thân của Hồng cũng thừa biết chàng nghèo, không có một chút tài sản gì. Thế nào Nga chẳng nói cho Hồng rõ tình cảnh chàng. Lâu nay chàng ngấm ngầm nuôi cái chí quả quyết hỏi Hồng làm vợ. Và đã nhiều lần chàng toan ngỏ lời nhờ Nga giúp nhưng vẫn chưa dám. Nay chàng bỗng thấy cái chí của chàng hơi lung lay "Hỏi Hồng, mình nghèo thế này ai gả ?"

Một tia hy vọng nảy ra trong lòng chàng : chàng nghĩ đến Căn. Căn cũng chẳng giàu mà cũng chẳng ở một địa vị cao sang gì, thế mà Căn lấy được Hảo, chị Hồng. Vậy sao chàng lại không lấy được Hồng ? Kể về trí thức, về học vấn, chàng còn hơn Căn nhiều. Chàng chưa có một địa vị vững vàng, một chức nghiệp chắc chắn, nhưng chàng mới hai mươi bốn tuổi. Tương lai chàng còn dài. Ðời chàng còn nhiều hy vọng. Chàng sẽ học lấy để thi vào một ngạch tây, lương những mấy trăm một tháng. Vả cứ dạy học ở trường tư thục, chàng cũng có thể dần dần xin tăng số giờ lên được. Bạn đồng nghiệp của chàng nhiều người cũng chỉ có bằng tú tài như chàng mà mỗi tháng kiểm nổi trăm rưỡi, hai trăm, thì sao chàng không tới được số lương ấy. Tài dạy học của chàng đã được ông giám đốc biết đến. Và trừ cái ban năm thứ hai ra, học trò các lớp đều mến phục chàng cả.

Nghĩ đến ban năm thứ hai với hai giờ tiếng Annam, Lương lại buồn. Bọn học trò nghịch ngợm, hỗn xược ấy đã có phen làm chàng chán cái nghề dạy học. Chàng lẩm bẩm : "Lũ quỷ sứ". Trong lớp ấy, sự an ủi của chàng là ba cặp mắt đen lay láy hiền lành, đầy tính trắc ẩn của ba nữ học sinh. "Ba con cừu mũm mĩm lạc vào một đàn dê dữ tợn, thô tục", chàng thường nới với Nga thế. Chàng nhớ một hôm, một cặp mắt đen láy đã rớm lệ vì thấy ông thầy dạy tiếng Annam bị bọn "quỷ sứ" trêu tức phải đập bàn gào thét.

Lương cảm động tự nhủ thầm : "Con gái bao giờ cũng có lòng tốt." Và chàng tưởng tới Hồng : "Nếu Hồng biết mình khổ sở thì Hồng chẳng nỡ cự tuyệt mình. Phái yếu họ vẫn giàu tình cảm... "

- Anh đi bộ à ?

Lương ngoảnh nhìn ra đường. Cái xe nhà của Căn trên có Nga và Hồng chạy vượt qua.

Nga quay lại hỏi tiếp :

- Từ đây về tận phố hàng Ðẫy, xa thế mà anh chịu khó cuốc bộ ?

Lương mỉm cười ngượng nghịu :

- Tôi đi cho đói để về ăn cho ngon cơm.

Chàng nhìn theo thấy Nga ra hiệu bảo anh phu xe đỗ lại. Nhưng vừa kìm thì Hồng vội xua tay giục đi. Tình yêu làm cho Lương có những tư tưởng lạc quan. Chàng coi đó là một triệu chứng hay : Hồng bẽn lẽn là vì Hồng đã cảm thấy xiêu lòng vì chàng.

Xe đã xa. Lương còn cao tiếng, hỏi :

- Hai chị đi đâu đấy ?

Nga quay lại đáp. Chàng nghe rõ có hai tiếng "Gô đa".

Ðến cửa nhà Gô đa chàng dừng bước thở mạnh cho tim đập chậm lại vì chàng đã đi mau quá. Chàng sợ hai thiếu nữ sẽ nhận thấy sự hồi hộp. Chàng tự biết rằng khi hồi hộp mình rất vô duyên : mắt ngơ ngác, mồm há ra, lời nói ấp úng. Vào tới bàn trả tiền, Lương gặp Nga và Hồng đi ra. Chàng lúng túng ngả đầu chào.

Nga cười hỏi :

- Anh mua gì đấy ?

Lương ngập ngừng :

- Tôi... vào chơi... cũng chưa định mua gì.

- Vậy chào anh nhé.

Lương cố giữ vẻ mặt tự nhiên :

- Hai chị về vội thế ? Không mua gì à ?

Nga lại cười :

- Có chị Hồng đã mua một cái bàn chải với một hộp phấn đánh răng.

Lương tưởng nên nói một câu khôi hài, quay hỏi Hồng :

- Phấn đen hay phấn trắng đấy, chị ?

Hồng, vẻ mặt trang nghiêm, lạnh lùng đáp :

- Phấn trắng.

Ðoạn, lững thững tiến ra phía cửa, để Nga một mình đứng lại nới chuyện với Lương.

Thấy thế, Nga giơ tay bắt tay bạn đồng nghiệp rồi đi theo ra.

- Hai chị về thực đấy à ?

Nga cười đáp :

- Về thực.

Lương cũng muốn về ngay, nhưng sợ làm như thế mình sẽ tỏ rõ cái chủ tâm vào Gô đa theo đuổi gái. Chàng liền đi lang thang từ gian bán đồng hồ vòng ra gian bán sách, mắt nhìn vơ vẩn thứ nọ thứ kia mà chẳng chủ ý tới một cái gì. Chàng lo lắng, buồn rầu tự nhủ : "Quái ! Hồng như cố ý lánh mặt mình".

Tới gương tủ ca vát, chàng dừng lại nửa giây liếc qua diện mạo. Chàng không dám ngắm nghía lâu, sợ người ta để ý bình phẩm, vì hôm nay nhằm chiều thứ bảy, khách mua hàng rất đông. Nhưng nửa giây ấy cũng đủ cho chàng nhận thấy sự tiều tụy của cái ca vát, đương đeo. Khi thắt nó, chàng cố dấu chỗ sờn rách vào phía trong, đến nỗi kéo bản rộng lên cao quá làm cái nút to ụ giữa hai cánh cổ mềm. Nhưng cái màu bạc của nó thì chàng dấu sao được. Màu ấy trước kia là màu xanh nhạt, nay đã trở thành một màu không tên, không hắn xám, mà cũng không hắn vàng.

Lần này là lần đầu chàng nhận thấy không hay hớm gì cái huy hiệu "người có ca vát độc nhất" mà chàng tự đặt cho mình, như có ý để khoe khoang sự nghèo túng với chúng bạn. Kể thì chẳng cứ gì về ca vát chàng có độc một cái, mà về thứ y phục gì chàng cũng chẳng mấy khi có đến hai. Nhưng cái ca vát lồ lộ ở giữa ngực, người ta trông thấy ngay rằng nó mới hay cũ, nó nhã nhặn hay quê mùa. Cổ áo, đôi giày và ca vát, nhất là ca vát, đó là ba thứ làm tôn hay làm giảm giá trị con người ở trước mặt một thiếu nữ xinh tươi.

Lương vừa đứng chọn ca vát vừa loay hoay với những ý tưởng phức tạp ấy. Bỗng chàng khẽ kêu : "Ừ ! khá lắm !" Và chàng lùi ra một bước ngắm nghía. Cái ca vát ấy nền xanh thẫm có điểm những hình thêu màu đỏ rất nổi. Lương lật vội phía trái ra xem giá, và nhún vai thì thầm "Hơi đắt !"

Kể thì đắt thật, vì cái giá hai đồng rưỡi đối với số ngoài ba chục bạc lương của chàng có lẽ cũng hơi quá. Nhưng Lương không thể rời cái ca vát mà đi được. Tay chàng vân vẻ, mắt lộ vẻ thèm muốn. Rồi chàng mở ví ra soát lại tài sản : trả xong tiền ăn, tiền trọ, tiền giựt tạm, còn lại tất cả tám đồng, thì phải để ra ba đồng trả học phí cho Thiện (nhà trường trừ cho chàng năm mươi phần trăm). Còn có năm đồng vừa tiền xe vừa tiêu vặt suốt tháng của hai anh em.

Lương mỉm cười nghĩ thầm : "Chà mua ca vát cũng là tiêu vặt chứ gì !" Chàng liền quả quyết dõng dạc gọi người bán hàng, vì chàng cho rằng hễ ngần ngại, đắn đo suy tính là không mua được cái gì hết : "Kể thiếu thì mình thiếu nhiều, cứ gì một khoản tiêu vặt hay tiền xe !"

Trước khi người bán hàng đem ra bàn trả tiền, Lương đòi ướm thử ca vát xem có nổi không. Lúc này chàng ta tha hồ tự ngắm nghía trong gương chẳng còn sợ ai dị nghị, vì ai cũng biết chàng chọn ca vát... Chàng thấy chàng có cái trán hơi nhô, nhưng rộng, hàm răng hơi vổ nhưng đã có cặp mắt kéo lại, cặp mắt mà chàng cho là rất thông minh. Cái sẹo bóng ở thái dương phía trái, mái tóc rẽ đường ngôi bên phải cũng che gần kín hắn, nó không lồ lộ như trước kia khi tóc chàng chải lật.

- Vậy ông có ưng không ?

Lương quay ra mỉm cười :

- Ưng, ưng lắm.

Trả tiền xong, Lương hối hận nghĩ thầm :

"Chết chửa, hai đồng rưỡi cái ca vát ! Mình hoang quá !" Nhưng lúc chàng tưởng tới ngày hôm sau, chủ nhật, chàng sẽ đến chơi nhà Căn thì chàng hết hối hận ngay. Và chàng vui vẻ ra cửa thuê xe về nhà vì sợ em đợi cơm.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 12

Sáng hôm sau đứng trước cái gương chữ nhật khung gỗ, Lương tháo đi tháo lại đã ba lần vẫn chưa thắt xong ca vát.

Ngay bên cạnh, trên cái ghế nhựa quang dầu, một người cuộn tròn trong chăn nằm ngủ.

Lương gọi :

- Thiện ! Thiện ơi ! Thiện !

Thiện thò đầu ra ngoài chăn hỏi :

- Cái gì thế anh ?

- Ngủ gì mà ngủ trưa thế, dậy mà ngắm ca vát mới của anh.

Thiện lại thụt đầu vào trong chăn :

- Em biết rồi, cái ca vát của anh đẹp lắm.

Lương chau mày, gắt :

- Thiện, nhất định ngủ trưa à ? Ngủ gì mà ngủ lắm thế, có mụ người đi không ?

Thiện, giọng van lơn :

- Anh để cho em ngủ mười lăm phút nữa thôi. Với lại chủ nhật này không đi chơi xa dậy sớm làm gì, vô ích.

Lương hơi ngượng với Thiện. Hai anh em đã bàn nhau chủ nhật đi bộ sang Gia Lâm, đến chơi nhà một người bạn thân. Bỗng chiều hôm trước, Lương đổi ý kiến nói bận việc không đi được. Sự thực chàng không bận một việc gì hết. Chàng ở lại chỉ vì Hồng. Nghĩ đến Hồng, Lương lại tò mò ngắm nghía cái hình trong gương. Thoạt nhìn, chàng nhận ngay thấy mình không xinh trai, nhưng phân tích ra từng thứ một, chàng cho rằng chàng cũng không đến nỗi xấu quá như chàng tưởng. Chàng tìm sự thông minh ở cái trán rộng, sự thẳng thắn ở cái sống mũi cao, sự chân thật ở cặp môi dầy, sự hiền từ ở đôi con mắt cận thị mà chàng cho là tình tứ. Cả đến cái sẹo thấp thoáng trong món tóc ở thái dương chàng cũng không thấy chướng, mà trái lại còn cho là có duyên nữa;

- Thế Thiện nhất định ngủ lại đây ?

Không thấy trả lời, và tưởng em đã ngủ lại, chàng nhún vai nói tiếp :

- Sao mà nó ngủ dễ thế ? Sung sướng quá những người có tâm hồn bình tĩnh.

Một tiếng cười to phá lên :

- Vì những người ấy không mắc vào lưới ái tình.

- Chưa ngủ à ?

Thiện tung chăn ngồi dậy :

- Thôi, không ngủ nữa. Ði chơi đi anh !

Lương ngần ngừ nhìn em :

- Anh hơi bận chút việc, em ạ.

Thiện mỉm cười láu lỉnh :

- Anh lại đến đằng ông đốc đánh tổ tôm chứ gì ?

- Em đoán đúng đấy. Tổ tôm góp có một đồng thôi ấy mà.

- Vậy cho em ngồi chầu rìa nhé ? Ồ, thích nhỉ, em đi mặc quần áo đây.

Thiện nhảy xuống sàn vui vẻ múa hai tay lên, hát nghêu ngao. Kỳ thực lòng chàng buồn rượi. Từ khi thấy anh ngơ ngẩn nhớ nhung, chàng sinh ra ghen. Không phải lòng ghen ghét của kẻ không yêu đối với người có ý trung nhân, nhưng tình ghen tuông, như vợ chồng ghen nhau, ghen bóng ghen gió.

Cha chết đi, Lương và Thiện sống trong sự cô độc mênh mang, tuy thời còn cha, hai người cũng đã cảm thấy cô độc rồi. Vì thế chúng quyến luyến săn sóc đến nhau, thân yêu nhau hơn là trong tình anh em. Thiện coi Lương như một người mẹ, và Lương chăm nom, bảo ban Thiện như một người chị gái đối với em.

Mỗi lần Lương có một bạn thân mới, Thiện lại buồn phiền, và hơn thế nữa, tỏ vẻ tức tối căm hờn đối với người bạn của anh, dù khi người ấy trở nên bạn thân của mình. Thiện muốn giữ hoàn toàn tình yêu của anh như người vợ muốn chiếm lấy một mình sự thương mến của chồng không để ai san sẻ. Nay Thiện biết sự nguy hiểm có phần hệ trọng hơn mọi lần. Mọi lần chàng chỉ đương đầu với tình bằng hữu, lần này chàng đoán như không phải tình bằng hữu nữa. Trong sự băn khoăn, trên vẻ mặt bần thần của anh, Thiện nhận thấy tình yêu của một người đàn bà. Chàng đã cố tìm biết xem người đàn bà ấy là ai, và một dạo đã ngờ vực, thù ghét và đặt điều nói xấu Nga, vì tưởng Nga là ý trung nhân của anh.

- Thế nào, anh có ưng để em cùng đi với không ?

Lương ngẫm nghĩ đáp :

- Không. Em chả nên bén mảng đến nơi cờ bạc làm gì. Em cần học tập để sắp thi.

- Còn anh ?

Mắt em nhìn thẳng vào mắt anh, khiến Lương ngượng ngùng cúi mặt. Chàng lấy làm tự thẹn đã nói dối em. Bỗng chàng ngửng đầu lên cười :

- Năm nay em mới mười tám tuổi !

Thiện khôi hài ngắt lời :

- Mười tám tuổi ta thôi đấy.

- Vậy chắc em chưa hiểu tình yêu là gì, vì em chưa yêu ai.

Thiện thản nhiên đáp :

- Có em yêu anh.

Rồi cười lớn để cố làm cho câu trả lời thành thực của mình có vẻ hài hước :

- Vâng, em chỉ yêu có anh, yêu trong linh hồn trong lý tưởng.

Thiện lại cười :

- Và em muốn mãi là người tình của anh, có được không anh ?

- Sao lại không được... Nhưng thực ra thì không được đâu, em ạ, vì nay...

Lương suy nghĩ, trù trừ.

- Vì sao, anh ?

- Vì anh đã phụ tình em rồi.

Thiện vẫn cười :

- Thực à ?

- Thực, anh yêu, mà yêu thực kia.

- Thế còn yêu em là yêu giả đấy ?

- Không phải... Nhưng lần này anh yêu nghĩa là... yêu một thiếu nữ...

Thiện vỗ tay reo :

- Thế à ? Ồ thích nhỉ !

Nhưng buồn man mác đã hiện trên vẻ mặt Thiện. Bỗng chàng ngừng cười, tàn ác hỏi :

- Anh yêu thực à ? Nhưng người ta có yêu anh không đã chứ ?

Lương đem chuyện gặp Hồng kể cho em nghe không giấu một tí gì, cả nỗi băn khoăn không lấy được Hồng.

Chàng nói tiếp :

- Hồng thì anh không sợ lắm, anh chỉ sợ nhà Hồng, vì em phải biết anh chẳng giàu có gì.

Thiện mỉa mai :

- Chẳng giàu ? Nghèo hắn ấy chứ lị.

- Nhưng anh không nghèo mãi đâu. Anh sẽ giàu... nghĩa là anh sẽ không nghèo. Mà anh muốn thế, thì sẽ được thế.

- Ðể cưới Hồng phải không ?

Lương mê man với cái chí làm giàu, không để ý đến câu chua chát của em. Chàng nói cho Thiện biết cái mộng tương lai rực rỡ của chàng. Bỗng rút đồng hồ xem chàng kêu :

- Chết ! gần chín giờ. Không khéo họ đi Gô đa mất rồi !

Giơ tay hôn gửi em, chàng vội vàng, hấp tấp xuống thang gác. Tới nhà Căn, Lương gặp Hảo ngồi ở hàng, còn Căn, Hồng và Nga thì đương nói chuyện ở trên gác.

Căn vui vẻ bắt tay chàng :

- Ông giáo ! Hôm nay chủ nhật ông không đi chơi đâu ?

Lương đáp :

- Thưa ông, tôi toan hỏi ông câu ấy.

Nga cười :

- Người ta đến thăm mình, lại bảo người ta không đi chơi đâu.

Căn chữa :

- Anh bảo đi chơi là đi chơi xa kia, chứ đến đây thì ngày ngày ông giáo thường đến rồi, còn hỏi làm gì.

Câu nói làm cho Lương hơi ngượng. Thấy thế Nga đánh trống lảng :

- Sao các anh cứ gọi nhau bằng ông thế ? Ông giáo với ông phán rõ kiểu cách quá ! Gọi nhau bằng anh Căn với anh Lương có giản dị và dễ nghe hơn không ? Có phải không Hồng ?

Hồng không đáp, chỉ mủm mỉm cười. Nhưng trong cái mủm mỉm ấy, Lương tưởng có ẩn một tình cảm sâu xa đối với mình.

Câu chuyện xoay về phạm vi dạy học, Lương kể những cách khôn khéo của mình để bắt những trò gian lận trong các kỳ thi tam cá nguyệt. Căn và Nga cười rất vui vẻ. Lương cố moi óc tìm những câu khôi hài ý vị để làm Hồng cười mà không được. Chàng nghĩ thầm : "Kín đáo, bí mật quá !" Và chàng sinh ra tức tối khó chịu. Nếu chàng biết Hồng đã quen nghe chuyện với một vẻ mặt thản nhiên như thế trong những bữa cơm gia đình, thì chàng đã không khổ tâm về cái thái độ lạnh lùng của Hồng. Sau cùng Hồng cũng phê bình một câu :

- Học trò trường tư vẫn nghịch ngợm hơn học trò trường công.

Nàng nói trống không, nhưng Lương cho rằng nàng nói với mình, liền quay lại đáp :

- Vâng, chính thế. Nhưng cũng có nhiều lớp, học trò biết điều, chăm chỉ và lễ phép.

Hồng nhìn Nga như để phân trần : "Tôi có nói với ông ấy đâu !"

Ðến đây, Căn đứng dậy bảo Lương :

- Mời ông ngồi chơi, tôi xin phép đi đằng này có chút việc cần.

Lương yên lặng bắt tay rất mạnh, hai con mắt lấp lánh sự cảm ơn.

Quả khi Căn đi rồi, câu chuyện trở nên thân mật hơn, tự do hơn. Và có lúc Hồng đã để tai chăm chú nghe những lời run rung vì cảm động của Lương.

Rồi Nga bàn "tổ chức một cuộc" đi chơi Gô đa. Nhưng Hồng thoái thác nhức đầu, xin ở nhà. Biết rằng ngồi dốn lại không tiện, Lương đứng dậy ngả đầu cáo từ xin về.

Qua cửa hàng Lương dừng lại hỏi Hảo mấy lời vấn an, và như mọi lần chàng nhắc tới câu khuyên bảo :

- Thưa bà, bà phải tĩnh dưỡng, chả nên làm việc quá nhiều hại sức khỏe lắm.

Rồi chàng cúi chào, vội vàng ra đi.

Tới hồ Hoàn Kiếm, Lương dạo quanh một vòng ngắm cái cảnh tươi đẹp của Hà thành, mà hôm nay chàng thấy tươi đẹp bội phần. Cái tháp nhỏ giữa hồ dưới ánh nắng buổi sáng, hiện ra như một khối vàng trên làn nước màu ngọc thúy.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 13

Hồng buồn rầu đứng xếp các thức vào cái va ly con : nàng sắp phải về nhà, xin phép đi Hà Nội có bốn ngày mà hôm nay đã là hôm thứ năm rồi. Nghe thấy tiếng lách cách, Nga thức giấc hỏi :

- Chị dậy sớm thế ?

- Còn sớm gì nữa ! Gần năm giờ rồi.

- Nhưng mãi sáu giờ năm mươi mới có xe hỏa kia mà !

- Thế à ?

Hồng hỏi lại, vớ vẩn, không nghĩ ngợi vì lòng đương lo phiền. Nàng như trông thấy cha cùng dì ghẻ ngồi trước mặt và như nghe thấy rít lên cái giọng mỉa mai của người đàn bà ác nghiệt : "Giời ơi ! lại cạo răng trắng nữa cơ đấy !"

- Chị Nga, dậy ngồi nói chuyện cho vui đi !

Nga cười :

- Thì cứ nói chuyện đi. Tôi nằm mà không tiếp được chuyện chị hay sao ? Vậy có chuyện gì vui thì kể cho tôi nghe nào ! Có phải...

Một tiếng thở dài của Hồng làm Nga ngừng bặt, ngồi nhỏm dậy hỏi :

- Sao thế ? Hồng sao thế ?

Hồng lãng ngay sang chuyện khác :

- Chết chửa ! Mãi sáu giờ năm mươi mới có xe hỏa mà tôi cứ tưởng sáu giờ mười lăm, thành ra dậy sớm vô ích quá nhỉ ?

- Còn những một giờ nữa. Từ đây ra ga mất độ mười phút. Vậy còn kịp pha chè tàu uống đã.

Nga sang buồng anh lấy cái bếp dầu tây, rồi gọi * già đem ấm nước bắc lên đun. Nàng hơ tay bên ngọn lửa xanh bốc phùn phụt và bảo Hồng :

- Lửa cháy kêu vui nhỉ ? Mà ấm quá !

Như không để ý đến lời nói của bạn, Hồng cười hỏi :

- Chị trông hàm răng tôi có chướng không chị ?

Nga cũng cười :

- Sao lại chướng ! Ðẹp hắn đấy chứ lị ! Chị không thấy Lương nó nhìn chị bằng con mắt khen ngợi và cảm ơn đấy ư ?

Hồng rầu rầu nét mặt :

- Chị cứ nói bậy !

Nga vẫn cười :

- Lại bậy nữa !

- Cái anh chàng khả ố quá ! Sao mà tôi ghét hắn thế !

Nga cười to đến nỗi Căn phải thức giấc ở buồng bên hỏi vọng sang :

- Hai cô có điều gì thú thế ?

Nga đáp vội vàng "Không ạ" rồi hạ giọng nói tiếp bảo Hồng :

- Hắn ta gàn thực, chị ạ. Chỉ được cái tốt bụng mà thôi. Tôi nói câu chuyện này, chị đừng giận nhé.

Hồng vẫn ngồi im nhìn ngọn lửa.

- Chị Hồng ạ, Lương nó cứ tưởng... tượng chị yêu nó.

Hồng cau mày gắt :

- Ồ ! Chị nói bậy quá !

- Không yêu thì thôi, chứ sao. Người ta chỉ thuật một câu chuyện buồn cười thôi cơ mà... Hai tháng trước, Lương đã ngỏ lời với tôi nhờ ướm hỏi ý chị trước, anh ấy sẽ lo liệu nhờ đến mối manh. Tôi thấy chị chả ưa gì Lương nên bỏ bẵng không nói với chị, nhưng cũng không bảo cho Lương biết. Chị tính, bảo làm gì phải không chị ? Cứ để cho người ta hy vọng thì đã sao ? Người ta sống về hy vọng, sung sướng về hy vọng thực. Bỗng hôm qua gặp tôi ở trường, Lương ghé tai thì thầm :

"Chị đừng hỏi dò ý tứ chị Hồng nữa."

Hồng ngửng đầu lên, mắt căm tức nhìn bạn, Nga như đọc được ý tưởng của nàng, vội tiếp :

- Không, Lương còn yêu chị như thường...

Hồng gắt :

- Ồ ! Chị mới hay chứ !

Nga vẫn trân trân ra cười :

- Ðã bảo chỉ là một câu chuyện vui thôi mà. Vậy cứ ngồi im mà nghe có hơn không... Ðây này ! anh Lương anh ấy bảo em anh ấy ghen với chị... Ngộ không ?

Hồng đỏ bừng mặt, đôi mày nhíu lại.

- Thì thực thế mà !

Và Nga kể : Hôm Lương tới chơi nhà Căn trở về, gặp em trùm chăn nằm ngủ. Lương hát nghêu ngao, chân dẫm thình thình mà Thiện vẫn nằm lì. Chàng liền kéo chăn mắng :

- Ðồ lười biếng, gần bữa cơm rồi mà hãy còn ngủ được.

Bỗng chàng đứng ngây người nhìn em. Thiện bưng mặt khóc thút thít. Chàng ôn tồn hỏi ba, bốn lần : "Em sao thế ?", Thiện vẫn lặng thinh không đáp. Chàng ôm Thiện ngồi dậy âu yếm như một người mẹ :

- Em giận anh phải không ?

Thiện nức nở :

- Bây giờ... Anh có nghĩ gì... đến em nữa đâu, anh chỉ nghĩ đến cô Hồng thôi.

Lương vờ hỏi :

- Cô Hồng nào ?

- Cô Hồng mà anh khoe với em rằng sắp cưới làm vợ, chứ còn cô Hồng nào nữa.

Thì ra Thiện ghen, Thiện yêu anh như một người con gái yêu tình nhân. Vắng tình mẫu tử, tình huynh đệ đã trở nên mật thiết sâu xa hơn hết mọi thứ tình yêu khác. Lâu nay, Thiện đã quen coi anh là một người bạn, là một người thân độc nhất trên đời, tưởng mất anh thì mình sẽ không có đủ nghị lực và can đảm để sống nữa. Thiện cho rằng Lương yêu người khác, thì chẳng bao lâu, sẽ quên hẳn mình.

Trước Lương còn mắng em gàn dở. Sau cảm động vì tình yêu chân thật và ngây thơ của em, chàng hứa liều rằng khi nào em thành gia thất, chàng mới sẽ nghĩ đến lấy vợ.

Thiện cười gượng bảo Lương :

- Thế thì chả bao giờ anh lấy vợ, vì em nhất định không lấy ai.

Lương cũng cười đáp :

- Em nói thế là vì em chưa gặp người em yêu đấy.

Nga ngừng lại để cười, rồi nói tiếp :

- Anh chàng giữ lời hứa với em, nên hôm qua bảo tôi đừng hỏi dò ý tứ chị nữa, vì anh ấy chưa muốn lấy vợ, mà đối với chị thì anh ấy chỉ có thể yêu như một người vợ đoan chính được thôi.

Hồng không ngắt lời và kháng cự bạn nữa. Nàng ngồi ngây, lắng tai nghe.

Cả hai cùng mải miết vào câu chuyện đến nỗi nước sôi từ bao giờ mà vẫn không biết. Một luồng khói trắng bay phụt qua vòi ấm, cái vung đồng bị nâng lên hạ xuống, rung động kêu lách cách khe khẽ và thỉnh thoảng lại để trào ra tia nước làm cho ngọn lửa bùng lên : một cảnh tượng êm ấm của những buổi sáng mùa đông rét mướt.

Bỗng Hồng vui vẻ bảo Nga :

- Pha nước uống đi ?

- Ừ nhỉ, tôi quên bẵng ấm nước.

Hồng vừa nhanh nhảu rót nước vào ấm tra, vừa nói :

- Hai người con trai, hai người con gái có thể yêu nhau được không nhỉ ? Tôi thì chưa yêu ai, như anh em anh Lương yêu nhau, kể cả chị Căn và chị, hai người tôi yêu nhất trên đời.

Rồi như nói một mình :

- Yêu nhau đến nỗi ghen với người anh yêu, yêu em đến nỗi... hy sinh ái tình...

Nàng vội tiếp luôn vì biết mình nói hớ :

- Tuy chỉ là ái tình tưởng tượng. Thú nhỉ !

Nga cười :

- Gàn đến thế là cùng ! Anh gàn, em gàn... ừ không biết anh chàng căn cứ vào đâu mà cho rằng chị yêu hắn ?

Má Hồng ửng đỏ. Nàng cũng cười thắng thắn đáp lại :

- Có lẽ anh ta căn cứ vào lòng tốt của anh ta. Anh ta yên trí rằng mình tốt thì ai ai cũng phải yêu.

Rồi nàng cảm động hỏi lại bạn :

- Hình như chị đã bảo cho tôi biết rằng anh ấy cũng có một người dì ghẻ ác nghiệt.

- Ác nghiệt thì không ác nghiệt, nhưng gian dối, man trá, cướp mất cả gia tài của hai anh em Lương.

Hồng như tò mò muốn biết truyện nhà Lương, hỏi thăm hết điều này, điều khác.

Mãi sáu giờ rưỡi, Nga mới chợt nhớ ra, bảo Hồng :

- Có lẽ gần đến giờ rồi đấy.

Hồng lạnh lùng đáp :

- Không cần về vội, chị ạ. Chiều hôm nay thứ năm chị được nghỉ, tôi ở lại chơi với chị rồi mai về cũng chẳng sao.

Nga vui mừng :

- Thế thì còn nói gì nữa !

Hồng chép miệng :

- Chà ! Một liều ba bảy cũng liều ! Rồi muốn ra sao thì ra.

Nàng cười gượng đứng dậy xuống nhà nói tiếp :

- Vậy mười một giờ tôi đến trường đón chị nhé ?

- Thế thì ngoan lắm rồi.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 14

Hồng đến nơi thì lớp học chưa tan. Nàng vừa trả tiền xe vừa chau mày lẩm bẩm nói một mình :

"Cái đồng hồ của anh Căn nhanh đến nửa giờ ?"

Những xe nhà, cái sơn vàng, cái sơn đen đặt sát liền nhau thành một hàng dài, càng ghếch lên hè. Thỉnh thoảng mới xen lẫn vào một cái xe hàng, xộc xệch, cũ kỹ, mui bạc phếch, hay nhem nhuội như cái tã bẩn.

Có anh phu kéo ngồi khểnh trong xe, phì phèo hút điếu thuốc lá quấn vừa mua nơi hàng nước bày bán trong hành lang, lối đưa vào các lớp. Có anh khoác áo tơi xe lên vai cho được ấm, ngồi co ro ở một góc trường. Một bọn sáu anh quây quần nói chuyện phiếm : luôn luôn thất ra những lời tục tĩu, kế tiếp liền những dịp cười ngây ngô.

Thấy Hồng đến, họ tò mò ngửng lên nhìn. Một người lại gần hỏi :

- Thưa cô, mấy giờ rồi ạ ?

Hồng trù trừ đáp :

- Có lẽ gần mười một giờ. Tôi cũng không có đồng hồ.

Rồi nàng rảo bước đi vào hành lang. Bên cạnh đó, tiếng một ông giáo oang oang giảng bài tập đọc, vụt nhắc Hồng, trong giây lát, nhớ lại cả cái thời học sinh sung sướng của mình. Nàng đứng lắng tai nghe : ông giáo đương giảng nghĩa một điển tích trong một bài ngụ ngôn La Fontaine. Và ông pha trò có duyên quá khiến cả lớp phá lên cười từng trận.

Hồng rét run vì gió lùa. Lúc ra đi, nàng vội vàng không kịp mặc áo len đan. Nàng vẫn tưởng đến chậm quá, không ngờ lại quá sớm. Nghĩ lẩn thẩn nàng toan quay về trước, không đứng chờ Nga vì nàng bỗng nhận thấy cử chỉ của mình không tự nhiên.

Buổi sáng nghe chuyện gia đình Lương, nàng sung sướng tự phụ được đóng vai chính trong câu chuyện cảm động ấy. Nàng không ngờ ở đời lại có một tình yêu lạ lùng như thế ! Hai anh em hai người đàn ông yêu nhau khăng khít quá tình nhân. Yêu đến ghen được với người yêu của anh. Yêu đến vứt bỏ được người yêu trong mộng. Tình anh em sâu xa đến thế ư ?

Tự nhiên nàng thấy Lương không tầm thường nữa, Lương mà nàng vẫn ghét cay ghét độc vì dung mạo xấu xí, nhất vì cái tính si ngốc của chàng. Trước khi về Ninh Giang, nàng muốn gặp mặt người ấy lần cuối cùng, nói với người ấy một vài câu dịu dàng để chuộc lại cái tội đã khinh bỉ người ấy trong bao lâu nay. Nàng nghĩ thầm : "Ở đời này không nên khinh ai tâm lý". Nhớ tới dì ghẻ : nàng mỉm cười chua chát, sửa đổi lại ý nghĩ : "Không nên khinh ai nếu mình chưa hiểu rõ người ta rất đúng, và một đới khi đã rõ biết".

Chỉ vì thế mà nàng không ra ga sáng hôm nay. Chỉ vì thế mà bây giờ nàng đến trường đón Nga. Nhưng tới phút này nàng lo ngại : Nàng lờ mờ cảm thấy rằng hình như nàng không được đoan chính. Và nàng toan quay về ngay...

Bỗng Hồng giật mình : mấy tiếng chuông lanh lảnh vang lên. Tiếp liền tiếng học trò cười nói ồn ào. Rồi ở các lớp bên hành lang, một bọn trò nhỏ ùa ra... Thấy Hồng, chúng ngây người tò mò nhìn hay nói lớn với nhau những ý nghĩ của mình :

- Dễ vợ ông giáo Hy đấy !

- Bậy ! Vợ ông giáo Hy tao còn lạ gì. Già hơn.

- Hay "elle" đến xin vào học ban tú tài,

- Mày thử hỏi "elle" xem.

Một cậu ghé tai bạn nói thầm một câu, tức thì có tiếng reo :

- Ừ phải đấy, dễ thường vợ ông giáo Lương.

Và cả bọn phá cười lên, khiến Hồng xấu hổ đỏ bừng mặt.

- Im ! Vô phép thế à ?

Một ông giáo quát mắng học trò, rồi lại gần chỗ Hồng, nghiêng đầu chào :

- Thưa... thưa cô, cô hỏi ai ?

Hồng chào lại, đáp :

- Thưa ông, tôi đến tìm chị Nga.

- À cô Nga, cô Nga dạy première année ở trên gác. kìa, cô ấy đã xuống đó.

Rồi ông giáo nghiêng đầu chào một lần nữa, từ biệt Hồng.

- Chị Nga !

Hồng cất tiếng gọi. Nga ngơ ngác nhìn quanh, vì mới ở chỗ sáng đi vào lối hành lang hơi tối, nàng trông không rõ ai. Hồng vội chạy lại, cầm lấy tay bạn :

- Tôi đến đón chị đây ;

Nga cười :

- Cảm ơn chị. Chị làm tôi lại nhớ thời còn bé học trường hàng Cót, ngày hai buổi mẹ tôi cho * già đến cửa trường đón tôi. Rồi * già với tôi đi bộ về nhà.

Hồng cũng cười :

- Vậy ta đi bộ về nhé ?

- Trời ơi ! đi bộ từ đây về chợ Hôm ?

- Sao không được ?

Ai hỏi ở sau lưng :

- Vậy hôm nay chị không đi xe điện ?

Hồng quay lại nhìn và nhận ngay được Lương, liền mỉm cười gật chào. Lương kính cẩn cúi đầu chào hai má ửng hồng vì sung sướng. Nga bảo Lương :

- Nếu chúng tôi đi bộ về thì anh Lương đi hộ giá cả nhé ?

- Xin vâng. Hân hạnh cho tôi lắm lắm.

- Vậy đi.

Hồng ngập ngừng hỏi :

- Ði bộ thực à ?

- Lại chả thực !

Ba người ra đường. Mấy anh học trò lớn liếc nhìn Lương rồi khúc khích cười, thì thầm nói chuyện. Lương để hết cả tinh thần vào Hồng. Ngoài Hồng ra, chàng không trông thấy gì nữa. Nhưng Hồng thoáng nhận thấy sự chế nhạo của bọn học trò, và nàng nghĩ ngay đến những giờ dài đằng đẵng của Lương trong lớp ồn ào, mất trật tự, giữa một đám học trò hỗn xược tàn ác. Nàng ngước nhìn Lương, thương hại : hai cặp mắt gặp nhau, một luồng điện cảm tình làm đôi my Hồng rung động và tim Hồng đập mau.

- Sao chị lại đi về phía ấy ?

Nghe Lương hỏi, Nga cười đáp :

- Tôi cứ quen đường ra chỗ chờ xe điện. Vậy đi bộ thực nhé ?

Hồng có vẻ e ngại :

- Ði bộ... có tiện không nhỉ ?

Hồng quen ở tỉnh nhỏ không bao giờ thấy cái cảnh nam nữ đi song song ở ngoài phố. Chừng Nga cũng hiểu thế, nên bảo bạn :

- Ở Hà thành người ta không dị nghị bép xép như ở Ninh Giang nhà chị đâu mà sợ.

Hồng ngượng với Lương, chữa thẹn, cãi lại :

- Ô hay, tôi có sợ gì đâu. Hay nói cho đúng, tới chỉ sợ đi bộ về muộn làm anh phán, chị phán phải chờ cơm.

- Chà ! Để anh chị ấy chờ, đói ăn càng ngon.

Tới hồ Hoàn Kiếm, thấy hai thiếu nữ đi chậm lại Lương hỏi :

- Hai chị mỏi chân rồi ?

Hồng lắc đầu :

- Chưa. Nhưng đi thong thả để ngắm hồ.

Nga cười :

- Có chị ở nhà quê ra Hà thành thì thích ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm, chứ đối với chúng tôi cảnh ấy trở nên tầm thường quá rồi.

Lương cãi :

- Thưa chị, không có lý nào thế. Hồ Hoàn Kiếm của chúng ta biến hóa trăm hình vạn trạng mỗi lúc đẹp một khác, không bao giờ ngắm chán mắt được.

Hồng tấm tắc khen :

- Hồ Hoàn Kiếm đẹp thực !

- Vâng, thưa chị, thực là một viên kim cương nạm trong khối ngọc thúy.

Nga lại cười :

- Thi sĩ không !

Rồi bảo Hồng :

- Xin giới thiệu chị nhà thi sĩ Ba X... thường gửi tác phẩm đăng trên các tuần báo.

Hồng vui vẻ hỏi :

- Sao ao lại Ba a X... ?

- Vì anh Lương ký tên Trois X (XXX).

Lương nhún mình :

- Lúc nhàn rỗi làm thơ cho đỡ buồn, chứ thi sĩ thi xiếc gì !

- Anh cũng có khi buồn kia à ?... Chiều nay, thứ năm nhàn rỗi, hắn anh làm thơ cho đỡ buồn.

- Chiều nay thì tôi không nhàn rồi, vì tôi đã nhận lời đến đánh tổ tôm đằng ông Phi.

Nga cười vui vẻ, Lương hiểu ý nghĩa cái cười ấy nên cũng cười theo. Những cuộc tổ tôm góp một hai đồng ở nhà ông giám đốc buổi trưa hôm thứ năm và chủ nhật đã thành một thói quen trong đám giáo sư trường Ðông kinh. Và cái vẻ mặt nhanh nhẹn, những cử chỉ ngôn ngữ hồn nhiên sỗ sàng của bà đốc chẳng ai còn lạ ! Buổi dạy học sáng thứ năm, anh em thường hỏi nhau : "Hôm nay Phi có mời anh đến đánh tổ tôm không ?" Rồi họ mỉm cười, cái mỉm cười rất nhiều ý nghĩa.

- Ông thích đánh tổ tôm lắm ?

Lương đang cười, ngừng bặt để đáp lại Hồng :

- Không, tôi có thích tổ tôm đâu ! Nhưng nể ông Phi quá, nên thỉnh thoảng cũng phải nhận lời đến đánh.

- Tưởng không thì trưa nay đưa chúng tôi đi xem phòng triển lãm của anh Gia. Chị Hồng chắc chưa đến phòng triển lãm nhỉ ?

- Chưa.

Lương vội đáp :

- Vậy tôi xin đi với hai chị, tôi cũng chưa xem.

Hồng mỉm cười :

- Nhưng ông đã nhận lời đến đánh tổ tôm...

- Không sao ạ, tôi lại xin kiếu nhé.

Chàng ngả đầu chào hai thiếu nữ :

- Xin tạm biệt, đúng hai giờ tôi lại tìm hai chị.

Rồi không chờ hai người chào lại, hay nói một câu trả lời chàng đi thẳng.

Hồng thì thầm bảo Nga :

- Anh ấy không sợ em anh ấy giận à ?

Nga phá lên cười khanh khách.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Thoát Ly - Khái Hưng

Postby tuvi » 19 Sep 2019

Chương 15

Mãi năm hôm sau Hồng mới về Ninh Giang.

Trong năm hôm ấy, ngày hai buổi Hồng lo lắng chờ nhận thư nhà, lá thư mà nàng chắc chắn sẽ viết toàn bằng những chửi mắng, hay mát mẻ. Nhưng thư vẫn không tới và nàng vẫn nấn ná ở lại. Ðã có lần nàng chua chát nghĩ thầm : "Mình đi vắng thì họ mừng, chứ họ cần gì ! Mình như cái gai trước mặt họ. Họ không nhổ được đi hẳn, thì thỉnh thoảng mình xa họ cũng là tự tạm nhổ đi cho họ ít ngày. Thế thì họ còn mong đợi gì mình mà viết thư viết từ."

Hồng cảm thấy ngay rằng tư tưởng ấy hơi hỗn xược. Vì dù nàng không có chủ tâm ám chỉ, chữ "họ" vẫn như gồm cha vào trong. Cha nàng, nàng hiểu thấu thâm tâm, và như có tình cảm báo cho nàng biết rằng cha nàng không ghét nàng. Hơn thế, có khi thương hại nàng nữa : "Tình phụ tử ai nỡ !" Nàng luôn luôn tự nhủ thế, và nàng cố ghép một ý nghĩa trắc ẩn, liên tuất, thân ái vào những lời nói rất bình thường, những cử chỉ rất thản nhiên của cha. Bị cha mắng nhiếc tàn tệ, nàng tự an ủi bằng một tư tưởng lâu ngày đã hầu thành như khắc sâu vào khối óc bị thương của nàng : "Thầy mắng mình ở trước mặt cô ta cho cô ta vui lòng và để mình được yên thân". Và nàng ngầm đáp lại cha bằng cái mỉm cười để tỏ với cha rằng mình hiểu cha lắm. Cái mỉm cười ấy, nhiều khi người dì ghẻ có ác tâm cho là rất khinh mạn đối với ông phán và không ngần ngừ, bà bảo thẳng với chồng.

Nhớ lại những cảnh thường xảy ra, Hồng lấy làm ái ngại cho cha. Và khi xa nhà, nàng đinh ninh sẽ sửa đổi tính nết, sẽ cố nhẫn nhục để khỏi làm phiền lòng cha, để gia đình được yên ổn. Nhưng chỉ những thiện ý mà thôi. Ðến lúc gặp mặt người dì ghẻ, lòng căm tức của nàng lại vụt sôi lên sùng sục khó thể dẹp nổi.

Hôm nay, Hồng cũng đương có tâm trạng ấy. Lúc đẩy cửa bước vào trong nhà, nàng bình tĩnh như quên hết những nỗi lo lắng, băn khoăn về cái lỗi đã ở hơn mười ngày trên Hà Nội tuy chỉ xin phép có ba hôm. Nàng tự nhủ : "Chà ! Thì mình bị chửi mắng đã hầu như cơm bữa, can chi còn phải bận lòng. Cứ đem sự yên lặng, nhịn nhục mà đáp lại là hơn hết".

Hồng thản nhiên mỉm cười khi biết cha và dì ghẻ đều ngủ trưa. Mùi chạy ra đón nàng.

Trong lúc sốt sắng sửa đổi cách xử trí đối với mọi người, nàng vui mừng bế bổng em lên hôn chụt hai bên má.

- Trời ơi, chị thơm quá.

- Thế à, em ?

Rồi nàng nhe răng ra cười. Mai vỗ tay reo :

- Ồ ! Răng chị trắng quá ! Chị mới cạo đấy à ?

Hồng vuốt tóc em, ngượng nghịu :

- Ừ chị mới cạo... Răng chị nhuộm vụng quá cạo quách đi cho khỏi cải mả.

Mùi láu lỉnh :

- Không rồi ! Răng chị đen dòn thì có. Cạo thế trông như vợ tây, chị ạ.

Hồng chau mày lườm Mùi :

- Ai bảo Mùi thế ?

- Em thấy mẹ vẫn bảo chị Bình bên bà phủ để răng trắng nhởn như vợ tây. Em thì em thấy...

Hồng ngắt lời hỏi lảng sang chuyện khác :

- Chị Thảo đâu, em ?

- Chị Thảo với anh Tý đi học tư đằng thầy giáo Nhì cơ mà !

- Ừ nhỉ !

Một tiếng kẹt cửa ở buồng bên, Hồng quay lại, bà phán rón rén bước ra, mắng con :

- Cái Mùi không đi học bài, đứng đấy mà nheo nhéo mãi.

Bà làm như không trông thấy Hồng, tuy Hồng đã chắp tay chào một câu lí nhí trong miệng.

Bao nhiêu ý định làm vụt biến mất. Chỉ còn lại một lòng căm tức : Hồng đăm đăm nhìn dì ghẻ như để thách. Cái trán bóp lại dưới vành tóc vấn trần mỏng mảnh vì không độn, đôi mắt lim dim không nhìn, như còn ngái ngủ, cặp môi mỏng như căng thẳng ra do một cái văng cài phía trong mồm. Những sự nhận xét hằng ngày ấy nay Hồng càng thấy rõ rệt và ngạo nghễ mỉm cười.

Mùi chạy lại gần mẹ, mách :

- Mẹ ơi, chị Hồng chị ấy cạo răng trắng như vợ tây ấy.

Một cái tát kêu in vết bốn ngón tay lên má Mùi :

- Tao đã bảo không được nói động đến nó cơ mà ! Nó làm gì mặc kệ nó, đã hiểu chưa ?

Mùi sợ hãi lảng xuống nhà. Hồng cũng xách va li vào buồng trong. Nàng ngả lưng trên giường nằm nghĩ đến mấy ngày gần đây ở Hà Nội. Một mối tình mới mẻ kỳ dị chiếm lấy cả tâm hồn nàng và khiến nàng lại dửng dưng với câu chuyện vừa xảy ra. Tuy Lương và nàng chưa ngỏ với nhau một lời thân ái, nàng đã coi như hai người đã ngầm hiểu nhau rồi : cái nhìn thoáng qua của hai cặp mắt biểu lộ bao tình tứ, và rõ rệt và âu yếm hơn tất cả những lời nói.

Hồng lấy làm lạ rằng một người như Lương mà trước kia nàng ghét được. Có lẽ chỉ vì cái duyên thầm của Lương ẩn trong những cử chỉ vụng về, những ngôn ngữ vụng về. Hồng tin thế, vì nàng chẳng thấy lúc nào Lương dễ thương bằng lúc Lương cuống quít, lúng túng dưới cái nhìn tươi cười của nàng. Hôm chàng đưa hai thiếu nữ đi xem phòng triển lãm, chàng cố giở hết tài phê bình mỹ thuật của chàng ra để giảng cho biết những cái đẹp của một bức tranh. Nhưng hễ mắt chàng gặp đới mắt chăm chú của Hồng thì chàng lại im rồi đưa vội hai người đến xem bức tranh khác.

Tiếng quát gọi đầy tớ của bà phán ở phòng khách làm Hồng đứt dòng tư tưởng và nhớ tới thực tại. Hồng đứng dậy lắng lặng sang chào ông phán vì vừa nghe thấy một cái ngáp của cha xen lẫn trong lời nói oang oang của dì ghẻ. Và nàng quả quyết can đảm nhận lấy những lời quở mắng nghiêm khắc.

Ông phán ngồi ở sập, uể oải vò cái khăn bông trong chậu nước nóng bốc khói đặt trên cái dá gỗ. Nghe tiếng Hồng, ông hơi ngửng nhìn và sẽ gật một cái rồi thong thả đưa khăn lên vuốt tóc, vuốt râu. Hồng đứng chắp tay, cúi đầu chờ. Nhưng thấy ông vẫn yên lặng, nàng toan lui vào trong nhà. Ngồi đối diện ông phán cánh tay phải tỳ mạnh xuống gối xếp, bà phán đưa mắt dữ tợn lườm chồng để nhắc ông nói một điều gì. Chừng ông phán hiểu, nên vội hỏi Hồng :

- Mày ở Hà Nội làm gì lâu thế ?

Ðã xếp sẵn câu trả lời từ trước, Hồng đáp trơn tru, giọng rất bình tĩnh :

- Bẩm thầy, con đi lị mất mấy hôm, chị con giữ ở lại uống vài chén thuốc.

Bà phán như nói một mình :

- Hừ ! Đi lị mà còn cạo răng trắng được !

Ông phán trừng mắt đăm đăm nhìn con :

- Mấy cạo răng trắng ?

Hồng cúi đầu khẽ đáp :

- Bẩm vâng.

Ông phán ném cái khăn mặt vào chậu thau, nước bắn tung tóe cả ra sập :

- Thế thì giỏi thực ! Thế thì mày giỏi thực !... Mày cạo răng để làm gì, hừ con kia ? Ðể đánh đĩ, phải không ? Ông quay lại nói với bà phán :

- Ngữ này hỏng !... Nó đến làm điếm nhục gia phong mất thôi.

Hồng đứng im để mặc cha quát tháo.

- Tao không ngờ mày hư đến nước ấy !... Mà cái con Hảo sao nó để mày càn rỡ như thế ông quay lại nói với bà phán :

- Bà cứ để nó về Hà Nội tự do thì có ngày... thì nguy hiểm lắm.

- Tôi giữ sao nổi chị ấy... Giữ gìn cho chị ấy, để chị ấy oán rằng tôi ác nghiệt cấm đoán chị ấy nhé !

- Không cấm đoán để nó trát tro trát trấu lên mặt cho !

Rồi ông thét :

- Muốn sống nhuộm lại răng đi... Mày xéo ngay đừng đứng đấy, gai mắt tao lắm !

Hồng thản nhiên lui vào phòng trong, ngồi lắng tai nghe cha và dì ghẻ bàn tán đến mình. ông phán bảo bà phán :

- Bà xem có đám nào hỏi thì gả phắt đi thôi. Ðể cái nợ ấy ở nhà, có ngày đến mang tai mang tiếng vì nó.

Bà phán vẫn một giọng cười tàn ác :

- Ông tưởng nó dễ dàng thế đấy. Nó còn kén chọn chứ ! Nó phải lấy ông hoàng mới xứng đáng... Hừ, tính chả có, có tướng !

Hồng vội đưa tay lên bịt chặt lấy tai.

Từ đó luôn mấy ngày, bữa cơm nào Hồng cũng bị cha mắng nhiếc, và dì ghẻ nói những câu mỉa mai đau đớn. "Chỉ vì cái hàm răng trắng !" Hồng nghĩ thầm. Nhưng nàng nhất định không nhuộm lại, dù cha theo lời xúi giục của dì ghẻ, bắt ép nàng làm việc ấy.

Một hôm, Tý bảo Hồng :

- Chị cạo răng trông đẹp lắm. Thế mà thầy cứ bắt chị nhuộm răng đen.

Hồng nhìn em tỏ ý cảm ơn. Rồi hé hàm răng soi gương ngắm nghía, quả nàng thấy vẻ mặt mình xinh đẹp hơn trước nhiều. Nàng cho là dì ghẻ tức tối bởi lòng ghen ghét. Cái hàm răng trắng của Hồng làm đầu đề câu chuyện cho bà phán trong gần một tháng. Mỗi bữa cơm, bà lại nói đến nó, mỗi thứ bảy có khách đến chơi đánh tổ tôm, bà lại gợi chuyện để bàn tới vấn đề răng trắng răng đen. Không muốn mất lòng bà phủ, vì bà ta cũng có con lớn để răng trắng, bà phán nói :

- Ðể răng trắng cũng phải tùy từng người. Người ta xinh đẹp mà lại giàu sang, có nhiều tiền sắm sửa quần áo lịch sự thì bộ răng trắng mới nổi, chứ ở cái xó Ninh Giang này mà cũng để răng trắng thì chả còn gì lố lăng hơn.

Nhưng lâu dần, cái hàm răng trắng cũng quen nhìn. Quen cả cái biệt hiệu "Cô răng trắng" mà bà phán đã đặt cho Hồng.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Next

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 99 guests