Gió Lạnh Đêm Hè - Truyện Quỳnh Dao

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Gió Lạnh Đêm Hè - Truyện Quỳnh Dao

Postby tuvi » 16 Sep 2019

Chương 16

Mặc cho những mâu thuẫn xâu xé lòng dạ bà Viễn, những sự kiện khách quan vẫn diễn tiến đều đều...
Sau ngày mãn khóa sĩ quan quân dịch, chẳng bao lâu, Khang Thu Thủy lại trúng tuyển kỳ thi lựa sinh viên xuất ngoại du học. Mọi thủ tục được Tòa Đại Sứ Mỹ và các Bộ Giáo dục, Quốc Phòng, Nội Vụ... thông qua dễ dàng. Và trong thời gian ngắn ngủi chờ ngày lên đường qua Mỹ quốc, Khang Thu Thủy nhắc lại lời hứa của mẹ hắn, để xin bà cho phép cưới Kiều Lê Vân.
Đến lúc này bà Viễn mới thấy hối tiếc. Bà ra điều kiện này nọ; con trai bà vâng chịu hết, và bà đã hứa sẽ cho con cưới cô gái thọt chân, nếu hắn thành công liên tiếp, đáp đúng những điều kiện trên.
Không ngờ, con bà không gặp một thất bại nào, dù nhỏ. Và lúc này bà lại coi những thành công đó của đứa con trai cưng, như cả một thất bại to lớn cho bà.
Thế là bà Viễn đành bóp bụng cho con cưới cô gái thọt chân, và chỉ còn hy vọng mong manh vào phần cuối của mưu kế mà con gái bà đã vạch ra từ trước. Tuy nhiên, bà chưa coi đứa con ruột là kẻ thù, thì bà cũng coi đứa con dâu bất đắc dĩ là kẻ thù. Cho nên, đến phút chót, dù phải nhượng bộ, bà vẫn ngăn cấm những gì bà có thể ngăn cấm. Bà bảo Khang Thu Thủy:
- Được rồi. Muốn lấy nhau thì lấy. Nhưng lấy chỉ có nghĩa là đưa ra Tòa Đô Chánh, ký kết vào sổ hộ tịch, rồi đem nhau về nhà chung sống. Ngoài ra, không có đám cưới, không tiệc mừng cũng không có... báo hỉ với ai hết!
Trước cảnh cư xử cay nghiệt của mẹ. Khang Thu Thủy đau đớn tái tê cả lòng, nhưng tình yêu thương Kiều Lê Vân đã an ủi hắn. Hắn tìm đến nhà họ Kiều, ứa nước mắt kể lể sự tình với ông bà Văn và người yêu. May thay: Cha mẹ người yêu và chính nàng, đều vì thương mến hắn mà gạt lệ chấp nhận.
o0o
Hôm ấy, trong khi ở nhà họ Khang, ông bà Viễn coi cái hôn lễ của con trai sắp diễn ra, như một... tang lễ, thì tại nhà họ Kiều, bầu không khí thật đầm ấm vui tươi. Ông bà Văn trìu mến nhìn con gái, tình thương vô bờ bến dâng lên rạt rào...
Ông Văn hút một hơi thuốc thơm, rồi ôn tồn nói:
- Vân ạ! Con đừng lo buồn gì cả. Trong lúc con với Thu Thủy làm lễ kết hôn, ba má sẽ có mặt bên cạnh con.
Bà Văn tiếp lời chồng:
- Nhất định, chúng mình phải tới đấy rồi.
Và bà quay bảo con:
- Vân ơi! Má với ba hoàn toàn yên lòng trao con cho thằng Thủy.
Kiều Lê Vân nghĩ đến cảnh nhà, khẽ thở dài, nói với cha:
- Ba ơi! một khi con bước chân về nhà người ta rồi, ba nên đi tìm gấp một vài người giúp việc nhé! Con xem má yếu đi nhiều rồi, không nên để má chịu khó nhọc hơn nữa.
Bà Văn tươi cười:
- Con này quá lo xa!... Mặc tao với ba mày!
Ông Văn nói:
- Con yên chí. Rồi ba sẽ mướn người giúp việc.
Kiều Lê Vân còn áy náy nói thêm:
- Má nhớ nghe! Cứ để ba kiếm người làm cho. Má đừng lo tiết kiệm một vài đồng, rủi đau ốm, lại tốn phí một vài trăm!
Bà Văn âu yếm vuốt tóc con:
- Rồi. Má không gắng gượng nữa. Nhưng con ạ, nếu không phải là thằng Thủy má không thể trao con ra khỏi vòng tay má cho bất cứ người con trai nào khác.
Bỗng Kiều Lê Vân lại trở giọng phụng phịu như... con nít:
- Con nghĩ, nếu... con đừng lấy chồng, có phải tốt hơn không!... Như vậy, con sẽ được sống bên ba má mãi mãi.
Ông Văn nói:
- Con gái lớn rồi, ai cũng phải lấy chồng. Thêm nữa, ngày giờ đã được ước định. Sao con còn nói ngang như vậy!
Và ông quay hỏi vợ:
- Mình đã chuẩn bị cho con được những gì rồi?
- Cần nhất là áo quần và tư trang.
Kiều Lê Vân nói ngay:
- Má à! Con không cần tư trang. May cho con hai bộ áo cưới là đủ; bởi con đã có quá nhiều áo quần rồi. Anh Thủy đã dặn đi dặn lại bao lần, mà dặn dò với giọng rất thành khẩn, rằng... anh ấy chẳng cần một thứ gì khác, chỉ cần được con làm vợ là đủ rồi.
- Con ơi, con vui vẻ lấy chồng là tốt rồi. Má hiểu như thế lắm.
Kiều Lê Vân quay ra áy náy về cha:
- Ba ơi! Má mới cho con hay rằng tối qua ba rất khó ở trong mình, phải chăng bệnh gan lại trở lại phải không ba?
- Không phải đâu. Sáng nay ba thấy khỏe như thường rồi, con ạ.
Đến đây, chuông điện thoại reo lên, Kiều Lê Vân nói ngay:
- Chắc anh Thủy gọi tới. Để con nghe xem.
Thật vậy. Đúng tiếng nói của Khang Thu Thủy, Kiều Lê Vân hỏi:
- A lô? Vân đây, anh ở đâu đấy?
Đầu giây bên kia đáp:
- Anh đang ở nhà, đốc suốt người làm quét vôi, sơn cửa. Em Vân ơi! Em thích buồng riêng của chúng mình quét màu gì đây?
- Ờ... ờ... màu phấn hồng.
- Rồi, màu hồng. Em còn ý kiến gì nữa không?
- Ngoài ra, tùy ý anh hết thảy.
- Em có cần đến xem trước chăng?
- Không tiện đâu.
- Nếu vậy, sau bữa tối, em ở nhà đợi anh nhé! Anh sẽ đến đưa em đi phố, xem thử vài mói đồ đạc cần dùng.
- Ấy, ba má em nói muốn mua sắm cho chúng mình đấy.
- Đừng. Em thưa với ba má rằng: Hãy đợi ngày anh xuất ngoại trở về, rồi hãy hay. Vân ơi! Giờ thì anh đã yên chí. Em sắp sửa là vợ anh rồi.
- Hừm!
- Giờ anh đang mắc chỉ vẽ cho người ta làm sơn quét nhà cửa. Thôi, tạm biệt, tối anh đến nhé!
- Vâng, tối gặp nhau.
Gác ống nói, Kiều Lê Vân kể lại những lời Khang Thu Thủy cho cha mẹ nghe. Thấy nói, hắn bảo đợi ngày hắn hồi hương rồi sẽ nhận của hồi môn, ông Văn lẩm nhẩm đoán:
- Phải chăng hắn có ý định: Đến ngày ấy hắn sẽ dọn ra ở riêng, làm một tiểu gia đình?
Bà Văn gật đầu, cho rằng chồng nói đúng.
o0o
Luôn mấy ngày qua, bà Viễn buồn rũ rượi vì phải chấp nhận cho con cưới vợ. Hôm ấy, nhà cửa bị thợ thuyền kéo đến sơn quét, bày biện đê mê, bà cũng chán ngán, cứ ngồi trơ trơ ở nhà trong, con ruồi đậu mép cũng không buồn xua đuổi nữa.
Khang Tiểu Mai cũng chưa đi chơi. Cô gái ngồi ở phòng khách xem báo. Cô có quan tâm gì đến thời cuộc? Cô cũng chẳng ham mấy cái tiểu thuyết ở trang trong. Cô chỉ cần xem mục "điện ảnh kịch trường" và chương trình "cuộc vui tối nay", để còn lựa phim, lựa rạp.
Khang Thu Thủy từ phòng trong bước ra, trông thấy em, vui vẻ hỏi:
- Em ơi! Em có cần quét lại vách tường buồng của em không?
- Không cần. Em đâu có... lấy chồng.
- Quét lại cho nó mới, nó đẹp, nằm trong ấy nghỉ ngơi cho dễ chịu!
- Từ lâu, đã dễ chịu lắm rồi. Chỉ cần một điều là... những lúc em đang đi vào giấc ngủ, anh đừng lôi cây đàn ra mà... cò cưa.
Rồi cô gái như sực nhớ:
- À, má có dặn đấy: Ngoài buồng riêng của anh, anh có quét lại phòng khách thì quét. Ngoài ra, đừng quét phòng nào nữa.
o0o
Lễ kết hôn của Khang Thu Thủy và Kiều Lê Vân thật đơn giản mà cũng thật cảm động. Cha mẹ chú rể dẫu còn sống, mà cũng như đã... chết rồi: Ông bà Viễn không tới tòa Đô Chính dự hôn lễ của con trai! Thật ra ông Viễn đã bàn với vợ: "Nên có mặt trong buổi lễ, để hai đứa khỏi ngờ vực lòng thành thực của chúng mình". Nhưng bà Viễn tức giận nói:
- Trước nay tôi đã giả bộ nhiều rồi; tôi phải đóng kịch nhiều rồi, để thi hành mưu kế phân rẽ chúng nó. Nay chúng nó đã lấy nhau rồi, còn chia rẽ chúng nó làm sao được, mà còn bắt tôi phải đóng kịch, phải giả bộ thêm nữa? Tôi không đi dự!
Chỉ có cha mẹ cô dâu tới dự.
Hai người làm chứng, một nam một nữ, là Diệp Lạc và Khâu Anh Đài. Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm. Mọi người ký vào sổ giá thú trước sự chứng kiến của vị Đại diện Chánh quyền rồi, chú rể Khang Thu Thủy nắm tay cô dâu Kiều Lê Vân dìu ra khỏi tòa đại sảnh, và cùng nhau ngồi vào chiếc xe taxi đợi sẵn.
Đôi vợ chồng mới được các bạn học thân thiết nhất đón đợi sẵn, chúc mừng với những lời lẽ đẹp nhất.
Cuối cùng, ông Kiều Khắc Văn cúi khom xuống, đưa tay vào qua cửa xe, trao cho con gái một tập giấy:
- Đây là một tập "lữ hành chi phiếu", các con giữ lấy, để khi đến nơi xa, có thể mua bán sắm sửa theo ý mình. Ba và má các con vừa mới nghĩ ra việc này hồi sáng sớm.
- Con cảm ơn ba, cảm ơn má.
Khang Thu Thủy tiếp lời Kiều Lê Vân:
- Các con cảm ơn ba má!
Trong những tiếng chào "tái ngộ" sôi nổi của đám đông bạn hữu, chiếc taxi nổ máy, từ từ chuyển bánh, rồi chạy đi... Được chồng choàng vai dìu đỡ, bà Văn đưa khăn chậm nước mắt và lần lượt ngỏ lời cám ơn từng cô bạn, cậu bạn của con và rể. Cuối cùng, bà đứng ngẩn ngơ, cảm thấy như thiếu mất một cái gì vậy.
o0o
Tuần trăng mật chấm dứt. Khang Thu Thủy đưa vợ trở về. Về đến nhà, thì gặp chính cô em gái hắn ra mở cổng. Khang Thu Thủy giả bộ tươi cười:
- A! Anh chị đã về.
Kiều Lê Vân tiến tới một bước nắm tay em chồng, xưng hô rất thân ái:
- Mai à! Mình có đem từ miền Nam về một món quà đặc biệt để tặng Mai đây.
- Cảm ơn chị.
Rồi Khang Tiểu Mai đưa tay nói:
- Để em xách va-li cho nào!
Vân nói giữ kẽ:
- Thôi, cứ để mình xách.
Miệng nói vậy, nhưng lại sợ phụ lòng tốt của cô em chồng, nên nàng để cho cô xách, và nói tiếp:
- Cảm ơn Mai lắm.
Trước cảnh ấy, Khang Thu Thủy vui lòng quá, nên hắn quên cả nỗi oán thầm cha mẹ đã không tới dự lễ cưới; hắn bô bô hỏi em:
- Ba má có nhà đấy chứ?
- Hôm nay lại vừa vặn ở nhà.
Và Khang Tiểu Mai bước nhanh vào trước, lớn tiếng kêu:
- Ba ơi! Má ơi! Anh chị Cả về đây này!
Thấy cha mẹ có mặt ở phòng khách, Khang Thu Thủy mau mắn bước vào, hớn hở chào:
- Thưa ba má! Các con đã về đây ạ!
Khang Thu Thủy dứt lời thì Kiều Lê Vân đã theo vào, thân ái chào:
- Ba ạ! Má ạ!
Ông Viễn mỉm cười, giọng hòa ái:
- À! Tốt lắm. Chắc đã mệt lắm rồi. Các con ngồi nghỉ đi.
Bà Viễn nói:
- Vân à! Con không còn là một người ngoài nữa. Từ này, chẳng cần phải khép nép giữ kẽ, giữ ý làm chi.
- Dạ.
Lúc ấy, Khang Tiểu Mai đã vào buồng mẹ, lấy một cái phong bì bao giấy hồng đem ra. Bà Viễn tiếp lấy, trao cho Vân:
- Đây là món quà ra mắt, ba má đã chuẩn bị sẵn để đón con. Hãy cầm lấy đi.
- Con cảm ơn ba má ạ!
Khang Thu Thủy muốn vợ được cha mẹ thương yêu, nên nói:
- Thưa ba má, Vân nói đi nhắc lại với con, không biết bao nhiêu lần rồi đấy; nói rằng sẽ hết sức chăm nom hầu hạ, hiếu kính ba má, để xứng với lòng ba má thương các on.
Ông Viễn gật đầu khen: "Tốt lắm".
Bà Viễn cũng nói:
- Về điều đó, ba má rất tin tưởng ở anh chị.
Kế đó, Kiều Lê Vân trình bày những món quà mua về biếu cha mẹ chồng, rồi đến món tặng Khang Tiểu Mai, và chị Lưu cũng được tặng một món.
Tuy lòng không tha thiết, nhưng ngoài mặt bà Viễn cũng làm bộ vui thích tiếp nhận:
- Ba má cám ơn anh chị. Thôi, bây giờ hãy vào lo sắp đặt mọi việc riêng của vợ chồng. Còn những chuyện khác hãy để thong thả, mai mốt sẽ nói tiếp:
Khang Thu Thủy và Kiều Lê Vân vâng lời, đem nhau vào buồng riềng. Đôi vợ chồng mới tha hồ tự do sắp đặt đồ đạc, trang trí "tân phòng". Chồng hỏi ý vợ, vợ khen chồng khéọ.. thật tâm đầu ý hợp.
Sau một đêm chăn gối ân ái tại nhà mình, Khang Thu Thủy hôm sau lại xin phép cha mẹ, để đưa vợ về bên nhạc gia thăm ông bà Văn, và ăn uống hàn huyên, sau những ngày xa cách.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $56,924
Posts: 94112
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong

Re: Gió Lạnh Đêm Hè - Truyện Quỳnh Dao

Postby tuvi » 16 Sep 2019

Chương 17

Mọi thủ tục xuất ngoại đã được hoàn tất. Khang Thu Thủy sắp sửa phải xa rời cô vợ trẻ mới cưới. Chỉ còn không đầy một tuần lễ nữa, máy bay cất cánh, đưa hắn sang Hoa Kỳ.
Mặc dù tin tưởng ở ý chí chịu đựng của Kiều Lê Vân, hắn vẫn không khỏi áy náy về nàng. Mỗi sáng thức dậy, hắn chú ý quan sát gương mặt vợ, và thường hỏi: "Em khó ở trong người hay sao?" Nàng gượng cười đáp:
- Có sao đâu? Có anh bên cạnh, em còn bệnh hoạn gì nữa!
- Dường như đêm qua em không ngủ?
- Đâu có? Em vẫn ngủ được mà.
- Nhưng sao em có vẻ mệt mỏi? Chắc hẳn em ít ngủ quá...
Nói vậy, rồi hắn lại kiếm chuyện vui, kể cho vợ nghe. Và lần nào nghe xong, Vân cũng cười hồn nhiên thoải mái.
Nhưng rồi đã đến cái ngày mà nàng không thể nào gượng nổi một nụ cười: Buổi tiễn đưa Khang Thu Thủy lên máy bay. Hôm ấy, ông bà Viễn, Khang Tiểu Mai, và ông bà Văn, cùng có mặt ở phi cảng.
Kiều Lê Vân bồi hồi từng phút từng giây... Sau khi nắm tay nhau lần cuối, Khang Thu Thủy quay mặt, bước theo đoàn người đồng hành lên phi cơ, thì Vân cơ hồ muốn khuỵu gối, xỉu người xuống đất. Khang Tiểu Mai thân thiết nắm lấy tay nàng. Mẹ chồng nàng ghé gần an ủi nàng... Và khi chiếc phi cơ lướt bay lên cao, hai hàng nước mắt Kiều Lê Vân tuôn trào như suối... Mọi cảnh vật mờ loạn trước mắt, nàng chỉ còn biết đi theo Khang Tiểu Mai và cha mẹ chồng để ra về.
Trước khi tới phi cảng, nàng đã định bụng: sẽ nói với cha mẹ ruột một vài câu chuyện, sẽ dặn dò đôi lời... mà đến lúc này, nàng quên bẵng đi mất. Ông bà Văn đi về lúc nào, nàng cũng không hay; bởi hồn vía nàng đã bay theo Khang Thu Thủy tới một chân trời xa lạ rồi vậy.
Bữa trưa hôm ấy, nàng bỏ không ăn, bữa tối nàng nuốt không trôi miếng cơm. Bất cứ ngồi ở đâu, đứng ở chỗ nào, nàng cũng ngẩn ngơ như đánh mất vật gì vậy. Từ nhỏ tới giờ Kiều Lê Vân chưa hề bị cô đơn. Trước đây, luôn có mẹ bên cạnh. Gần đây luôn luôn sống bên cạnh chồng. Nhưng đến nay, nỗi cô đơn khiến nàng có lúc phải kinh hoàng tê tái, nhất là khi con người buồn bã, nằm ngồi trơ trọi trong căn buồng vắng lặng.
Tối hôm ấy, nàng ngồi trên giường ngủ, vẻ mặt si ngây giống như một người đau bệnh mới lành, ngước mặt nhìn đăm đăm vào bức chân dung của chồng, do chính tay nàng vẽ; rồi lại quay sang bức hình chụp đôi, hôm làm lễ cưới. Chú rể giờ đã đi xa biền biệt vạn dậm đường. Cô dâu ngồi đây như si như dại. Nàng nằm xuống, cố dỗ giấc ngủ, nhưng mãi không ngủ được, nàng lại ngồi dậy nhìn bức ảnh vợ chồng và bức họa chân dung của chồng.
Cuối cùng, đêm đã khuya, Kiều Lê Vân mệt mỏi nằm xuống.
Nàng ôm lấy cái gối dài, đưa tay nhè nhẹ vỗ về cái khối bông vải vô tri ấy... Biết đến ngày nào nàng mới được ôm và vỗ vào chồng mình như vậy?...
o0o
Sáng hôm sau, điểm tâm xong, Kiều Lê Vân chẳng biết làm gì, mà cũng chẳng có việc gì để làm. Sực nhớ đến lời dặn của Khang Thu Thủy: "Hễ giàn nho sau nhà có quả chín, thì hái mà ăn những quả đầu mùa tươi mát ấy, cho đứa con trong bụng khỏe mạnh, thông minh"... nàng liền bước ra phía sau nhà, nhưng giàn nho còn chưa kết được một trái nào, nói chi trái chín?
Thất vọng, nàng quay vào buồng... Rồi đột nhiên nàng lẩm nhẩm:
- Hãy ngồi viết cho Thủy lá thư!
Nhưng chợt nghĩ lại: Giờ này Khang Thu Thủy đã tới Mỹ Quốc đâu? Biết địa chỉ của chồng là đâu mà gửi?... Thế là nàng không khỏi mỉm nụ cười, tự cười mình ngớ ngẩn. Nàng bước đến phía dưới bức hình của Khang Thu Thủy, ngửng lên nhìn ngắm nụ cười của hắn, và lại lẩm nhẩm:
- Anh Thủy ơi! Anh đi rồi, em buồn bã cô độc quá! Anh có biết không anh?... Thôi, để nguôi bớt nỗi nhớ nhung, giờ em trở về thăm ba má em, anh nhé!
Nghĩ đến đây, Kiều Lê Vân thấy vui vui lên, liền bước ra ngoài xin phép mẹ chồng. Vừa vặn lúc ấy bà Viễn đang ngồi ở phòng khách, Kiều Lê Vân vội tươi nét mặt, chào:
- Má ạ! Thưa, má xơi sáng chưa?
Bà Viễn không đáp, cứ ngồi cầm tờ báo xem, như không nghe tiếng con dâu chào hỏi. Nàng lại nói:
- Để con xuống bếp hấp bánh bao má xơi.
- Thôi, không cần.
Bấy giờ bà Viễn mới khô khan lên tiếng, và có vẻ bực dọc. Nàng ngỏ lời:
- Thưa má, con muốn xin phép về bên nhà chút ạ!
Bà mẹ chồng bỏ tờ báo xuống, nhưng sắc mặt lạnh như tiền, và như không nghe không hiểu gì cả. Bà đưa ánh mắt lạnh lùng nhìn con dâu từ đầu xuống chân, rồi mới lơ đãng hỏi:
- Sao? Chồng ra đi rồi, thì ở đây chẳng còn gì đáng kể nữa phải kkhông?
- Thưa má, không phải như thế. Chỉ vì...
Bà Viễn vẫn giọng mỉa mai:
- Chỉ vì nhà chồng không có món ngon vật lạ như nhà mẹ con?
- Thưa, không phải. Chỉ vì đã lâu rồi, con chưa về nhà. Giờ muốn về thăm qua một chút.
- Thì sáng qua, "cô" mới gặp ông bà thân của cô đó thôi!
- Dạ... vâng!
- Thế mà giờ lại còn phải về nữa?
Kiều Lê Vân cố nhịn nhục, vẫn nhỏ nhẹ ôn tồn nói:
- Con... Thưa má... Con chỉ thăm ba má con một, hai ngày rồi con sẽ trở về ngay mà!
Và để lấy lòng mẹ chồng, nàng ân cần nói tiếp:
- Để con đi pha trà má xơi.
Bà Viễn không buồn nói gì nữa, cũng chẳng từ chối. Bà cứ tiếp tục xem báo. Giờ thì con bà đã xuất ngoại rồi, bà chẳng cần lo nghĩ cho lắm. Thêm nữa, bà còn đang trông đợi cái mưu kế được thực hành dần dần...
Kiều Lê Vân pha trà xong, bưng ra ân cần mời mẹ chồng. Bà Viễn tạm gác tờ báo, đưa tay nâng tách trà lên như sắp uống, nhưng bỗng ngừng lại, nhìn ngó vào màu nước, rồi chau mày chê:
- Dù chẳng phải trà đãi khách, cũng phải chú ý một chút: Xưa nay tôi không uống nước trà đặc quá như vầy bao giờ. Pha trà mà bốc bỏ cả nắm vào ấm, đã phí của, lại nuốt không được.
- Con xin nhớ. Từ nay chỉ bỏ ít trà thôi.
- Thôi, để đấy mặc tôi.
Kiều Lê Vân cụt hứng, bỏ về buồng riêng. Ngồi buồn bã chẳng biết làm gì, nàng lại ngửa mặt ngắm nhìn bức ảnh Khang Thu Thủy...
Lát sau, bỗng thấy chị Lưu vào bảo:
- Mợ Cả! Có điện thoại.
Được có người nói chuyện qua đường dây điện thoại lúc này, là điều vui vẻ nhất cho Kiều Lê Vân, nàng vội vã bước ra nhà khách, nhấc ống nói lên:
- A lô?... Vân đây... Bình đấy hả? Bình ở đâu gọi đến vậy?
Tiếng nàng Hồ Bình từ đầu giây bên kia:
- Mình đang ở nhà ba má mình, Vân à! Anh Lạc xuất ngoại rồi, buồn quá, nên bỏ về đây. Mình chắc Vân cũng vậy, nên gọi đến nói chuyện với Vân cho đỡ buồn. Thế nào? Muốn đi chơi không? Đi xem chớp bóng nhé?
- Hãy đợi ít hôm nữa. Lúc này mình còn mắc bận ít việc.
- Thôi, vậy thì thôi. Nhưng mình phải báo tin này cho Vân biết. Rồi ngày trở về, chúng mình sẽ đi chơi với nhau.
- Bình sắp đi đâu đấy?
- Theo ông bà già xuống miền Nam một thời gian.
- Thật ư?
- Ai nói dối Vân làm gì nhỉ? Có thể chỉ trong vòng ba ngày tới là ra đi.
- Mình sẽ đi tiễn Bình.
- Thật ra, mình vẫn muốn sống ở Đài Bắc. Nhưng Diệp Lạc đi du học rồi, ba má mình càng có lý do, để không cho phép mình ở thêm lại đây nữa. Lúc này mình mới thấy hối tiếc: tại sao lại không xin đi xuất ngoại! Năm tới, nhất định mình phải đi Mỹ: quyết không thể để anh Lạc xa cách mình quá lâu.
- Bình không yên lòng ư?
- Không phải thế. Mình sợ anh ấy buồn vì cô đơn.
- Bình thật là người vợ tốt.
- Này Vân! Thu Thủy đi rồi, sao Vân không về bên nhà ở ít ngày?
- Rồi mình cũng về đấy.
- A! Nhà mình có khách tới, Vân à!... Thôi nhé! Khi nào sắp lên đường, mình lại sẽ quay điện thoại đến cho Vân hay.
- Rồi, tạm biệt.
Đặt ống nói xuống máy, Kiều Lê Vân bước được mấy bước thì nghe tiếng mẹ chồng gọi:
- Cô Vân ơi!
- Dạ? Má gọi con?
Nàng bước đến gần, thì bà Viễn sẵng giọng bảo:
- Này cô ạ, nay chồng cô đã đi ngoại quốc, tôi phải có nhiệm vụ trông nom cô. Vậy từ nay trở đi, cô đừng có ghi số điện thoại của nhà này cho bất cứ ai, nhất là cho những cậu bạn trai.
- Con không làm thế đâu.
Sẵn trớn, bà Viễn tiến thêm một bước:
- Xem ra, ngồi nhàn quá cũng buồn. Từ nay cô hãy giúp đỡ chị Lưu một vài việc trong nhà đi.
- Dạ, được lắm ạ.
Nàng cố lấy giọng ôn hòa xin vâng lời. Bà Viễn lại hỏi:
- Con Mai nó đâu nhỉ?
- Dạ, có thể cô ấy còn chưa dậy.
Và nàng đi về phía buồng Khang Tiểu Mai:
- Để con vào buồng cô ấy xem...
Kiều Lê Vân vào buồng Khang Tiểu Mai, trố mắt nhìn khắp cả, chẳng thấy bóng vía cô em chồng đâu! Nàng bước đến giường ngủ, khẽ vén chăn lên. Chăn mền lạnh như băng. Không hiểu Khang Tiểu Mai đi đâu sớm thế? Nàng trở ra báo mẹ chồng:
- Thưa má, Mai không có trong buồng ạ.
- Gọi chị Lưu lên đây!
Thử hạch sách Kiều Lê Vân lần đầu, thấy nàng ngoan ngoãn chịu phục tùng, bà Viễn được thể, ra mặt thẳng tay sai khiến như sai khiến con sen, đầy tớ vậy. Chị Lưu lên phòng khách, bà Viễn hỏi:
- Chị Lưu! Con Mai đâu? Mới sáng ra, nó đi đâu vậy?
Chị Lưu ấp úng... rồi đành phải nói thật:
- Thưa bà... Cô ấy... Cô ấy đi suốt đêm qua không về.
Bà Viễn giận dữ:
- Không về? Suốt đêm không về!? Thế thì quá lắm! Tại sao chị không cho tôi hay? Chờ xảy ra chuyện gì cho nó ở bên ngoài, rồi chị mới cho tôi biết sao?! Hử? Tức thế này tôi chết mất!
Kiều Lê Vân không nói gì.. Bởi vì tối qua nàng vào buồng riêng đi nằm rất sớm. Chị Lưu cũng chẳng biết nói sao, vì tối qua, trước khi ngủ, chị cũng đã dự tính báo cho bà chủ hay, nhưng rồi sau, không hiểu thế nào, chị ngủ quên mất. Khang Tiểu Mai vốn rất thường đi trễ về khuya, nhưng chưa lần nào đi thâu đêm không về như vậy.
Bấy giờ bà Viễn lại lườm nguýt con dâu:
- Cô Vân! Cô là chị dâu của con Mai. Dù nhiều dù ít, cô cũng phải quan tâm đến nó chứ?! Nếu thế này, thì ra cô ở trong nhà này, chẳng được tích sự gì cả!
- Thưa má, từ nay con xin để tâm coi chừng.
Bà Viễn xua tay thẳng cánh:
- Thôi! Các người ra đi hết đi! Để cho tôi yên thân. Lúc này muốn yên cũng không được nữa.
Kiều Lê Vân và chị Lưu đưa mắt liếc nhau, rồi cùng lặng lẽ bỏ ra khỏi phòng khách.
o0o
Nàng Hồ Bình là bạn chí thiết của Kiều Lê Vân, tình thân như chị em ruột. Thêm nữa, cuộc hôn nhân giữa Khang Thu Thủy và Kiều Lê Vân sở dĩ thành tựu, một phần cũng nhờ ở vợ chồng Diệp Lạc, Hồ Bình. Do đó, bữa hôm Hồ Bình theo cha mẹ dọn xuống một thị trấn ở miền Nam, Vân không thể không ra ga xe lửa tiễn biệt.
Tiễn bạn xong, trở về nhà, thấy mẹ chồng đang ngồi hầm hầm nét mặt như Diêm La Nữ Chúa ở phòng khách, thì tim nàng đập mạnh như nhảy tung trong lồng ngực.
Gượng nụ cười, giả bộ vui tươi, nàng tiến vào:
- Thưa má, con mới về ạ.
- Hừm! Tôi tưởng cô không trở về nữa chứ!
Bà Viễn quắc mắt, dữ dằn hỏi tiếp:
- Chứ cô đi đâu vậy?
- Thưa, có cô bạn học, dọn nhà xuống tận miền Nam ở, nên con phải ra nhà ga tiễn chân ạ.
- Tôi đâu có cấm cô đi! Nhưng ít nhất, cô cũng nói với tôi một tiếng chứ? Dễ thường, dưới mắt cô, nhà này không hề có một mụ mẹ chồng, là tôi hay sao?
- Thưa má, con dặn chị Lưu rồi.
- Thế, ai là chủ cái nhà này? Chị Lưu là chủ hay sao?
- Vì lúc đó, má đang nghỉ trưa, con sợ làm mất giấc ngủ của má, nên chỉ dặn chị Lưu vậy.
Bà Viễn giằn giọng gay gắt hơn:
- Lý do của cô "xác đáng" lắm! Phải, lỗi ở tôi! Tôi trót lỡ ăn nói xằng bậy khiến cô giận ghét. Xin cô tha thứ cho!
- Thưa má, từ nay mỗi khi đi đâu, dù thế nào con cũng phải xin phép má.
- Ngày nay cô đã là người nhà họ Khang rồi. Tôi mong cô hãy đi ra ngoài ít chứ! Như vậy chúng tôi cũng đủ... Ôi thôi! Chẳng nói làm gì nữa.
Ý bà Viễn muốn nói rằng: Kiều Lê Vân ra ngoài nhiều, làm xấu mặt gia đình bà, vì nàng là người con dâu thọt chân. Bấy giờ Kiều Lê Vân nói:
- Thưa má, con xin phép về buồng.
- Tôi nói cô vài câu, cô lấy làm buồn chán phải không?
- Thưa, đâu có?
- Hãy nhớ cho kỹ: Từ nay tôi cấm cô đi một mình. Cô là con dâu của tôi, lại còn trẻ người non dạ, tôi không thể không giữ gìn cho con trai tôi.
Kiều Lê Vân cúi đầu không nói gì. Nàng muốn khóc lên, nhưng lại nghĩ đến chồng, đành cắn răng nhẫn nhục vậy. Nhưng bà Viễn còn cật vấn:
- Thế nào? Tôi nói vậy, ý cô nghĩ sao?
- Thưa, con không có ý kiến nào khác. Con biết rằng má nghiêm khắc răn giữ chính vì má tốt bụng, muốn cho con khá.
Bà Viễn quay mặt đi, vẫn còn nét bực tức. Bà muốn hạn chế tự do của Kiều Lê Vân từng nấc, từng nấc, để rồi tiến tới trói buộc nàng thật gắt gao, bà cố làm thế nào cho nàng chịu hết nổi, mà phải tự động rời bỏ nhà bà, bỏ luôn con trai bà vậy.
- Đi pha cho tôi chén trà!
Kiều Lê Vân "dạ" rồi vội vã đi pha trà. Nàng nhớ kỹ: lần trước bỏ nhiều trà, mẹ chồng chê đặc chát và gắt gỏng nàng, nên lần này bỏ ít trà thôi...
Nhưng khi bưng nước lên mời, nàng lại bị bà Viễn giận dữ mắng:
- Nhà hết sạch trà rồi sao? Không còn lấy một nhúm đủ pha tách nước hay sao? Hay cô cố ý cho tôi uống tách nước dở trà dở nước sôi? Cô thử nếm một hớp coi! Nếu có một chút hương vị trà, thì tôi cam chịu chết... trong chén trà này!
Kiều Lê Vân còn biết ăn nói ra sao? Nàng ngơ ngẩn nhìn bộ mặt cay nghiệt của mẹ chồng. Lần trước, nàng pha vừa phải, bà chê quá đặc. Lần này nàng phải bớt trà đi chút, thì bà lại mắng là cho bà uống nước sôi nhạt thếch! Nàng phải làm sao để hầu hạ cho vừa ý bà bây giờ?
Đột nhiên, nàng nghĩ ra. Nàng đưa tay nâng lấy tách trà, miệng nói:
- Thưa má, con xin pha lại ấm khác.
Hầu hạ bà Viễn rồi, Kiều Lê Vân trở về phòng riêng ứa nước mắt ràn rụa. Trong cảnh đau khổ nhục nhằn này, nàng chỉ còn biết... nhìn ngắm gương mặt với nụ cười của Khang Thu Thủy ở bức hình treo trên tường; rồi lại nhìn ngắm bức ảnh vợ chồng kề vai nhau trong ngày cưới... Chỉ còn tình yêu của chồng an ủi nàng.
Kiều Lê Vân đang buồn tủi cô đơn, bỗng có tiếng bước chân người nghe càng lúc càng gần, rồi thấy chị Lưu bước vào:
- Mợ Cả ơi! Có áo quần gì cần giặt không?
- Hôm nay chưa có gì, chị à!
Rồi Vân lấy giọng rất thân ái nói:
- Chị Lưu ơi, mỗi khi chỉ có hai chị em mình với nhau, chị cứ gọi tôi bằng "Vân" cho thân mật nhé!
- Nhưng tôi đã quen miệng rồi. Và sở dĩ...
- Thế, tùy chị vậy.
- Cái đó không quan hệ... Giờ tôi có điều muốn khuyên mợ nhé?
Chị Lưu hạ giong thở nhào vào tai Vân:
- Dầu có oan ức đau buồn chuyện gì, mợ cũng gắng nhẫn nhịn, và đừng buồn nghe mợ? Tội gì mà đau buồn trong lòng cho khổ cái thân? Cứ coi như không, là nhẹ mình.
- Không, có gì mà đau buồn? Mẹ chồng răn dạy một vài lời, là muốn cho mình hay...
- Thật hiếm có người tốt nết như mợ. Từ ngày trông thấy mợ lần đầu tiên, tôi đã đoán chắc mợ là con nhà gia giáo phúc đức. Quả nhiên không sai. Tôi vô cùng khâm phục cậu Thủy đã có mắt tinh đời, khi biết lựa chọn mợ.
Hai người cởi mở tâm sự với nhau, không nghi ngại gì cả, vì họ đã hiểu nhau. Vân thì nhận thấy chị Lưu thật thà tốt bụng. Chị Lưu thì bất bình trước thái độ cay nghiệt và cách cư xử tàn nhẫn của bà Viễn đối với Vân... Chị Lưu cho Vân hay:
- Khi ra đi, cậu Cả đã bí mật dặn tôi ở nhà: hãy kiếm cách che chở săn sóc cho mợ. Cậu ấy nói sẽ còn phải học ở bên ấy lâu lâu, để thi lấy bằng thạc sĩ...
Lát sau, bỗng Vân nhớ ra một việc, vội hỏi chị Lưu:
- Cô Mai đâu rồi, chị?
- Đi rồi. (Chị Lưu chau mày nhăn mặt) Lại đi với cái thằng đầu to như cái thúng ấy rồi. Nếu quá mười giờ tối cô nàng chưa về, tôi lại phải báo cho bà hay, kẻo rồi lại...
Nói đến đây, chị Lưu ngao ngán lắc đầu, mỉm nụ cười héo hắt. Nếu không báo cho bà Viễn biết, chẳng những chị Lưu bị mắng chửi, mà cả Kiều Lê Vân cũng bị vạ lây nữa.
o0o
Khang Thu Thủy xuất ngoại đã hơn một tuần rồi, mà Kiều Lê Vân chưa được về thăm cha mẹ ruột. Hôm ấy nàng lựa lời xin phép lần nữa, nhưng vẫn bị mẹ chồng cấm cản:
- Đợi ít ngày sẽ hay. Sao trọn ngày từ sáng đến tối cứ nghĩ đến chuyện bỏ về nhà? Ở đây buồn lắm hả? Cô đứng đây làm gì?... Hãy ra ngoài kia giúp đỡ chị Lưu giặt quần áo chút đi.
Kiều Lê Vân vâng dạ, rồi tìm ra chỗ giặt đồ. Hôm nay trời đẹp, chị Lưu đang giặt thì thấy Kiều Lê Vân bước ra nói:
- Chị ơi, tôi đến giúp đỡ chị đây.
Chị Lưu nhất định không để con dâu chủ nhà phải làm công việc của đầy tớ. Nhưng Kiều Lê Vân lại sợ trái lệnh mẹ chồng thì nguy khốn, nên năn nỉ xin được làm. Cuối cùng, chị Lưu phải lựa vài ba cái áo mỏng, khăn nhỏ, trao cho Kiều Lê Vân giặt, để nàng khỏi đau tay mệt sức. Và trong khi làm việc với nhau, hai người lại trò chuyện tâm sự... Chị Lưu rất thương Vân, nền bầy cho nàng những cách che mắt bà Viễn, và chị hứa sẽ hết sức che chở cho nàng...
Trưa hôm ấy, sau bữa ăn, Vân vào buồng nằm, đang định ngủ lấy chừng mười phút, bỗng nghe tiếng bước chân nhè nhẹ tiến vào... Rồi chị Lưu đẩy cửa, ghé gần khẽ gọi:
- Này mợ đừng vội ngủ. Tôi báo một tin mừng đây!
- Có thư của anh Thủy gởi về, hả chị?
Chị Lưu quay nhìn nhanh về đằng sau, như sợ có ai rình nghe lọt, rồi mới ghé gần thì thào vào tai Vân:
- Không có thư tín gì. Nhưng bà xơi cơm xong có dặn tôi rằng: Xế chiều nay, bà ra đi có việc cần, tối không về ăn cơm nhà. Bà bảo tôi ghi lấy số điện thoại nhà Kinh Lý, để nếu cần thì gọi... Vậy, nhân dịp tốt này mợ hãy về gấp bên nhà, thăm ông bà một chút. Sửa soạn gấp đi. Để tôi ra canh chừng cho.
Rồi chỉ mười phút sau, chị Lưu đã chạy vào giục:
- Bà đi rồi. Mợ về bên nhà đi thôi.
Vân còn e ngại:
- Rủi vạn nhất...
- Rủi bà trở về quá sớm, tôi sẽ nói dối rằng: Ông thân mợ từ bên nhà gọi điện thoại sang, bảo mợ về bên ấy có việc rất quan trọng cần kíp. Cùng lắm, cũng đến bị bà mắng một trận, nhưng mợ được dịp về thăm ông bà. Tội nghiệp ông bà: chắc nhớ mợ vô cùng.
Vân rất cảm động, hết lời cảm ơn chị Lưu. Trước khi bỏ về nhà cha mẹ, nàng còn căn dặn chị:
- Nếu ở nhà có chuyện gì, chị lập tức quay điện thoại báo cho tôi về gấp, nhé!
o0o
Vân về đến nhà cũ thì cha nàng còn đi dạy học chưa về. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau hàn huyên tâm sự. Bà Văn hỏi thăm về tin tức Khang Thu Thủy du học. Vân nói rằng chưa có thư từ gì cả. Nhưng sau khi nàng kể lại hành vi ngôn ngữ của chồng, thì hai mẹ con đồng ý với nhau rằng: Khang Thu Thủy là chàng rể hiền, là người chồng tốt nhất, trên đời hiếm có.
Vân đang áy náy vì chưa có gặp cha, thì bà Văn chợt nẩy ra ý kiến: bảo con quay điện thoại tới trường học. Vân hớn hở làm ngay. Và chỉ dăm phút sau, nàng đã sung sướng bảo mẹ:
- Ba về ngay giờ, má à! Ba nói rằng: Con đã về thăm thì dù có việc "ông trời sai làm", ba cùng tạm bỏ đó, để về với con đã.
Độ nửa giờ sau, ông Văn về đến nhà. Và cái gia đình này lại gồm ba người trong chốc lát như trước. Ông Văn hả hê sung sướng khi nghe con kể tấm lòng quý hóa của con rể. Ông cười nói thật vui vẻ, rõ ra ý tin tưởng ở tương lai hạnh phúc của con gái và con rể ông.
Kiều Lê Vân ân cần thăm hỏi sức khỏe của mẹ, của cha, cùng những công việc trong nhà, kể từ sau ngày nàng về nhà chồng. Nhưng khi ông bà Văn bảo nàng ở lại ăn cơm tối, nàng không dám ở. Nàng nói rằng: phải về nhà chồng gấp, trước bữa ăn tối. Cha mẹ hỏi lý do, nàng phải dấu, không dám nói rõ sự thật.
o0o
Kêu xe vội vã trở về nhà chồng, tim Kiều Lê Vân đập hồi hộp... Về đến nơi, biết mẹ chồng đi chưa về, nàng mới yên tâm. Nhưng chị Lưu cho nàng hay rằng: Có Khang Tiểu Mai ở nhà. Nàng lại chưa về buồng riêng, mà tìm vào phòng cô em chồng trước đã.
Sau những lời nói lấy lòng với những nụ cười thân thiện, Kiều Lê Vân cho Khang Tiểu Mai hay rằng: nàng mới mua một tấm hàng màu lam ngọc để tặng cô, vì nàng biết cô rất thích thứa hàng và màu ấy. Khang Tiểu Mai hứng chí, lập tức bảo chị dâu đem cho ngay, để cô mang ra tiệm cắt theo kiểu mới. Khi tiếp lấy tấm vải, cô gái ngỏ lời cám ơn và khen không tiếc lời. Rồi cô... rủ luôn chị dâu đi tới tiệm may cho vui.
Đo cắt xong, Khang Tiểu Mai lại rủ Kiều Lê Vân đi dạo phố, cho đỡ buồn. Hồi lâu, Kiều Lê Vân vừa toan nhắc nhở em chồng trở về sơm sớm, thì Khang Tiểu Mai đụng ngay một cậu bạn trai. Thế là cô gái bảo chị dâu hãy về trước một mình, và cô cặp tay chàng này đi mất dạng.
Kiều Lê Vân vội vàng kêu xe chạy về nhà và liền bị bà Viễn chất vấn: "Hừm! tôi tưởng cô bỏ đi luôn, không thèm về nhà này nữa chứ! Cô đi vui chơi đã sướng chưa?.. Cô không thèm biết đến tí ti trách nhiệm nào ở cái nhà này cả. Cứ hễ tôi ra khỏi nhà, là cô cũng bỏ đi luôn!".
- Thưa má, Mai đòi con đi cùng, tới tiệm may áo.
- Thế, nó đâu.
- Mai gặp một người bạn, nên đưa nhau đi coi xi nê rồi.
- Bạn trai? Hay bạn gái?
- Dạ... dạ...
- Cứ nói cho thật!
- Dạ, bạn trai.
- Có phải cái thằng có cái nốt ruồi bên má không?
- Dạ phải, ở má bên mặt.
- Trời ôi! Đó là một thằng hư đốn, mất dạy! Mà cô cũng chẳng ra cái quái gì cả! Như thế mà cô coi được ư? Sao cô không ngăn cản con Mai, để cho nó đi với thằng khốn đó? Cô phải nhớ một điều: cô là chị dâu của nó chứ!?
Vân trình bày lý do này, nỗi khó nọ... nhưng đều bị mẹ chồng bác bỏ. Và bà cứ mắng át đi. Bà còn nói xỉa xói vào bộ áo quần chỉnh tề đẹp đẽ của nàng mà mỉa móc: "Chồng đi vắng nhà, mà cô ăn vận đẹp đẽ lộng lẫy thế!"
Last edited by tuvi on 16 Sep 2019, edited 2 times in total.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $56,924
Posts: 94112
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Gió Lạnh Đêm Hè - Truyện Quỳnh Dao

Postby tuvi » 16 Sep 2019

Chương 18

Càng ngày bà Viễn càng hành hạ Kiều Lê Vân mạnh tay hơn. Nàng cố gắng ăn ở cho vừa lòng mẹ chồng, nhưng khốn nỗi: một khi mẹ chồng đã chủ tâm hành hạ cho con dâu không thể chịu đựng nổi, mà phải bỏ nhà, bỏ luôn chồng, để về sống với cha mẹ ruột... thì nàng còn làm thế nào cho bà vừa lòng được nữa?
Mỗi khi bị tủi nhục đau đớn, nàng chỉ còn cách duy nhất là... trở về buồng riêng, nhìn bức hình của chồng. Và sau đó, nàng thường được chị Lưu tìm vào an ủi, tâm sự.
Hôm ấy, Kiều Lê Vân đang ngồi ở phòng khách, sau khi dọn dẹp nhà cửa, lau quét đồ đạc... bỗng thấy chị Lưu từ ngoài cổng chạy vào:
- Mợ Cả ơi, mợ Cả!.. Có thư này!... Mà trên phong bì có nhiều chữ Mỹ... thì chắc là thư cậu Cả gửi về đây!
Kiều Lê Vân mừng rỡ xốn xang cả người. Nàng vội đứng dậy tiếp lấy coi qua phong bì, rồi mở ra đọc:
"Em, vợ yêu dấu thiết tha của anh!"
Mới đọc hàng chữa đầu, Kiều Lê Vân đã phải tạm dừng, tay cầm lá thư đặt lên ngực, như để trấn bớt cơn hồi hộp xúc động của trái tim, trong khi đôi má đỏ rần. Nàng đưa mắt nhìn chị Lưu, bẽn lẽn... rồi đọc tiếp:
"Kể từ phút rời xa em, anh càng cảm thấy rằng anh không thể nào rời bỏ em được. Nhưng chẳng còn biện pháp nào khác, anh đã rời xa em rồi!
Vân ơi! Anh không nhớ rõ: anh đã hôn lên tấm ảnh của em bao nhiêu lần rồi? một ngàn lần, một vạn lần hôn ảnh rồi, anh vẫn khao khát được hôn lên đôi môi hồng như cánh hoa anh đào của em.
Vân ơi! Ở nhà, em đã hôn vào bức hình của anh chưa?
Đồi xanh đất đỏ của nước người làm sao bằng hoa thơm cỏ biếc của nước nhà được! Cảnh sầm uất phồn hoa ở đây, đối với anh, chẳng có một sức hấp dẫn nào. Anh chỉ còn biết ngày đêm lo học hành, trông mong sự nghiệp chóng thành, để anh về nước, sống bên cạnh em yêu, và làm việc phục vụ quốc gia.
Anh đang sắp sửa tới trường Đại Học để ghi tên đây. Vân ơi! Thu Thủy này dẫu đi xa tới góc biển chân trời nào, thì cũng vẫn là Thu Thủy của em như cũ. Em cứ yên lòng. Chồng em sẽ mãi mãi trung thành chung thủy với em. Em ơi! Sau khi anh ra đi rồi, ba má và em gái anh đối xử với em vẫn khá chứ? Chỉ mong em nhớ kỹ một điều: Em hãy vì anh hết thảy. Nếu có bị uất ức, hay bất mãn chuyện gì anh cũng xin em hãy cố mà ẩn nhẫn, đợi ngày anh trở về bên em, rồi anh sẽ đền bù cho em..."
Lẩm nhẩm đọc đến đây, Kiều Lê Vân lật giở xuống dưới, thấy còn những ba, bốn tờ giấy nữa. Chị Lưu đứng cạnh, cũng nhận thấy thế, nên chị bảo nàng:
- Cậu viết dài ghê! Thôi, mợ hãy đem vào buồng đọc tiếp cho nhàn nhã thong thả, tội gì đứng ở đây mà đọc?
Vân cảm khích vì lòng tốt của chị, mỉm cười bảo:
- Chị à! Nhất định anh Thủy có lời thăm chị trong này. Để tôi xem hết, rồi sẽ kể lại cho chị nghe.
- Tôi được biết cậu Cả tới Hoa Kỳ bình an, là tôi mừng rồi.
Kiều Lê Vân đem thư của chồng vào buồng riêng, xem tiếp chưa được bao nhiêu thì lại nghe tiếng chị Lưu gọi vào:
- Mợ Cả ơi! Có điện thoại nè!
Vân vội ra phòng khách, nhấc ống nghe lên, thì ra mẹ nàng gọi tới. Bà Văn báo tin cho hay: bà vừa nhận được lá thư của Khang Thu Thủy từ Mỹ gửi về. Thế là hai mẹ con hàn huyên qua đường giây một hồi, và cùng khen ngợi Khang Thu Thủy sốt sắng, chân thành, quí hóa. Kế đó, bà Văn lại khuyên con gái quay điện thoại đến trường học, báo tin cho ông Văn hay...
Tối hôm ấy, ông bà Viễn không ăn cơm nhà. Kiều Lê Vân đợi hoài, đợi đã quá khuya mà vẫn chưa thấy cha mẹ chồng trở về, để nàng báo một tin vui. Nàng không dám bỏ đi ngủ, không dám cất tạm lá thư của Khang Thu Thủy, đến sáng mai mới đem trao cho ông bà Viễn. Nàng cũng không dám trao lá thư cho chị Lưu. Nếu làm thế, nhất định nàng sẽ bị mẹ chồng mắng mỏ.
Thấy Kiều Lê Vân buồn ngủ, mệt mỏi rồi, chị Lưu ái ngại; khuyên nàng cứ đi ngủ đi, để thư đó, chị sẽ chờ ông bà chủ về, trình lên. Nhưng Kiều Lê Vân vẫn không dám.
Cho tới quá nửa đêm, ông bà Viễn mới về. Kiều Lê Vân vội vã báo tin:
- Ba má đã về! Thưa, có thư của anh Thủy gửi về đây ạ!
Bà Viễn vẫn theo thói quen khoe khôn khoe giỏi trước mặt chồng:
- Tôi đã bảo mà: không hôm nay thì cũng chỉ ngày mai, là có thư!
Ông Viễn sung sướng nói:
- Đưa đây cho ba xem! Chắc nó ghi tên nhập học rồi.
Kiều Lê Vân đưa thư cho bố chồng, rồi quay đi pha trà. Việc pha trà cho cha mẹ chồng đã trở thành công việc thường lệ của nàng.
Bấy giờ, ông Viễn xem thư xong, trao cho vợ. Nhưng bà Viễn chưa đọc một dòng chữ nào, đã tỏ ra khó chịu. Bà sẵng tiếng hỏi:
- Phong bì đâu?
- Dạ, thưa ở trong buồng con (Kiều Lê Vân đáp).
- Cô không lịch sự, cũng không biết lễ phép gì cả! Sao chỉ đưa một tờ giấy nhỏ này thôi!
- Để con vào lấy ra.
Kiều Lê Vân vội vào buồng lấy cái phong bì. Nàng không ngờ có chuyện hạch sách này, vì phong bì đề gửi cho nàng.
Trong lúc ấy, bà Viễn nhìn qua tờ giấy, lầm bầm nói:
- Viết thư, mà vỏn vẹn mấy hàng cộc lốc như vầy sao!
Ông Viễn khuyên vợ:
- Mình nên lượng thứ cho con. Nó vừa mới chân ướt chân ráo tới nơi. Có thể lá thư này nó viết trên máy bay nữa cũng nên.
Kiều Lê Vân từ buồng riêng bước ra, giọng nói đã có phần tủi thân:
- Thưa má, phong bì đây ạ.
Bà Viễn thấy ngoài bì đề tên con dâu, thì nổi giận quăng ngay xuống đất. Vân giật mình, lùi lại một bước. Ông Viễn cũng giật mình, chưa hiểu tại sao vợ tức giận.
- Thằng con hư đốn, vô lễ! Trong đầu óc, trước mắt nó, nó chỉ biết có vợ nó, chứ có nghĩ gì đến cha mẹ đâu!
Bà Viễn trỏ tay vào ngực chồng, rồi tiếp:
- Đáng lý ra, trên phong bì kia, nó phải đề tên "anh già" này nè! Anh già thử nhìn coi, nó viết tên ai?
Bấy giờ Kiều Lê Vân mới biết lý do khiến mẹ chồng tức giận. Nàng lượm cái phong bì lên đưa cho bố chồng. Ông Viễn xem rồi bảo vợ:
- Thôi mình à! Nó đề tên Lê Vân cũng được. Có đáng gì mà phải tức giận cho khổ cái thân.
- Ông bảo được, nhưng tôi bảo không được! Ông hãy viết ngay một lá thư gởi cho nó, bảo cho nó biết rằng: từ nay trở đi, viết thư cho vợ thì đề gửi cho vợ. Thư gửi cha mẹ, phải đề gửi cha! Không được "nhét" thư gửi cha mẹ vào trong thư của vợ. Nếu không, đừng có gửi làm quái gì! Không ai thèm nhận đâu!
o0o
Bà Viễn giận con trai coi thường tình thương của bà, thì bà trút hết nỗi oán giận căm tức lên đầu... con dâu! Bà nghĩ rằng: Chỉ vì con bà mê Kiều Lê Vân, mà quên thương yêu cha mẹ. Kiều Lê Vân không được bà coi như con dâu, mà bị bà coi là... kẻ tử thù, gây nên sóng gió tai hại cho gia đình bà.
Thế là bà thẳng tay hành hạ Kiều Lê Vân, ngày càng dữ dội, và tiến đến độ tàn nhẫn.
Một hôm, có hai người khách từ miền Nam lên chơi, Kiều Lê Vân đang ở trong buồng riêng, vừa nghe tin nhà có khách, đang toan tìm ra phục dịch, nhưng chưa kịp đứng dậy, đã thấy mẹ chồng sồng sộc đẩy cửa xông vào buồng. Bà Viễn trợn mắt cật vấn:
- Sao cô cứ nằm liệt giường ở trong buồng vậy? Nhà có khách! Ra ngay làm việc!
Nàng vội vã trình bày lý do, nhưng bà Viễn cứ mắng át đi, không cho nói. Nàng chỉ còn biết bước ra ngoài làm cái việc của con hầu đầy tớ, theo lệnh sai khiến quát tháo của bà.
Trước nay, bà chỉ mới buộc nàng dâu hầu hạ và làm những việc nhẹ, như quét nhà, lau đồ đạc, pha trà, giặt áo... Nay bà bắt phải làm việc thật cực nhọc: Phải xách những thùng nước đầy vào rửa sàn gạch, phải bê thùng tưới thật nặng và tưới cây kiểng, dưới ánh nắng chói chang.
Mới đầu, nàng tuy không được ăn cơm chung bàn với ông bà Viễn và Khang Tiểu Mai, nhưng còn được chị Lưu đưa cơm vào buồng cho nàng ăn. Nay bà mẹ chồng bắt nàng phải ăn cơm thừa canh cặn với chị Lưu ở dưới bếp.
Chị Lưu thấy nàng nuốt không trôi miếng cơm, thì uất ức thay cho nàng. Chị lầm bầm:
- Bà coi mợ không khác gì người ở! Chẳng còn ra con dâu chủ nhà chút nào.
Mỗi lần như thế, nàng đều ngậm đắng nuốt cay, giả bộ thản nhiên, nói:
- Sao lại phân biệt chủ tớ làm chi? chủ cũng là người, tớ cũng là người, ăn chung mâm, cùng giờ với nhau, nào có gì là kỳ lạ?
Chị Lưu từng hằn học nói:
- Mợ à! Tôi căm tức bà chủ, tôi không buồn nhìn mặt nữa. Tại sao bà đối xử tàn tệ như thế? Mợ tay chân học trò, con nhà khá giả, được cưng nuông từ tấm bé; nay về làm dâu bà, sao bà nỡ hành hạ mợ tàn nhẫn độc địa thế?
Kiều Lê Vân nghe nói, muốn ứa nước mắt, nhưng cố nén, bảo chị ở quý hóa nhân từ này rằng:
- Chị đừng nói thế. Mẹ chồng không cưng con dâu là chuyện thường tình. Tuy nhiên, mẹ chồng cũng như mẹ đẻ, phận dâu phải biết kính trọng nhường nhịn. Cố được chồng thương yêu là đủ.
Chị Lưu còn chưa hết giận:
- Mợ à! Lắm lúc tôi muốn xin thôi việc, bỏ phức về nhà, hoặc đi làm cho nhà khác, không thèm ở đây nữa. Nhưng chỉ vì tôi sợ mợ khổ sở hơn, nên tôi phải tiếp tục ở đây. Bở tôi nghĩ rằng: Tôi mà bỏ về, bà sẽ không mướn người khác thay thế đâu. Bà sẽ bắt mợ làm hết thảy mọi công việc, khiến mợ chịu không nổi, mợ phải từ bỏ nhà này!
Kiều Lê Vân thật cực khổ vất vả, nhưng còn được chút an ủi là tình yêu của chồng và tình thương của chị Lưu.
Rồi một ngày kia, sau khi lau rửa xong mấy cái sàn gạch bông của phòng nọ, buồng kia... Kiều Lê Vân xách thùng nước dơ ra sau vườn để đổ xuống cống rãnh; nhưng nàng cứ bước được ba bước, lại phải đặt thùng xuống nghỉ. Rồi vào tới sân trong, cứ hai bước, nàng lai đặt xuống để thở. Thấy nàng thở giốc lên hồng hộc, chị Lưu từ trong bếp chạy ra trách:
- Kìa mợ! Tại sao không kêu tôi đỡ cho? Mợ lau một cái sàn phòng khách cùng đủ mệt người rồi, lại còn xách thùng nước ra đổ nữa!... Thôi hày ngồi yên, tạm nghỉ đây một lát đi.
Kiều Lê Vân thở hổn hển, rồi vẻ mệt mỏi như muốn xỉu, nàng nói với chị Lưu một câu "đặc biệt mới lạ"; nghĩ là trước nay nàng chưa từng nói bao giờ:
- Chị ơi! Quả thật, tôi mệt mỏi vô cùng, và còn cảm thấy lo buồn nữa.
- Ôi! Còn biết làm cách nào hả mợ?
Nhưng rồi đột nhiên thấy Kiều Lê Vân choàng tay bá cổ chị Lưu, ghé miệng vào tai, thì thầm gì đó... Chị Lưu lập tức cúi xuống, áp tai vào ngực nàng nghe ngóng, rồi lộ vẻ nhớn nhác lẫn vui mừng:
- A! Tôi mừng cho mợ!... Mợ có thai rồi.
Thật vậy, cuộc hôn nhân và tuần trăng mật giữa Khang Thu Thủy và Kiều Lê Vân đã có kết quả: Vân sắp được làm "người mẹ trẻ măng" trong một tương lai gần đây!
Chị Lưu, sau khi phát giác vụ này, liền giục giã Kiều Lê Vân:
- Mợ mau viết thư báo tin cho cậu hay đi. Nhất định là cậu ở bên ấy rất vui sướng, dám quên cả ăn à!
Kiều Lê Vân gục đầu và ngực chị Lưu:
- Tôi sợ lắm.
- Việc gì mà sợ? Đàn bà con gái, ai chẳng sinh nở? Nếu mợ sanh được một cháu trai, biết đâu bà chẳng thay đổi hẳn thái độ đối với mợ?
Có chắc như vậy chăng? Kiều Lê Vân ngửng nhìn chị Lưu, ánh mắt lộ vẻ nghi ngờ, nhưng nàng không nói ra miệng.
Sau một hồi khuyên nhủ Kiều Lê Vân giữ gìn sức khỏe để mai mốt sinh đẻ dễ dàng mau chóng... Chị Lưu dìu nàng vào buồng cho nghỉ ngơi. Chị hứa sẽ ra ngoài làm đỡ hết mọi công việc cho Vân, và sẽ quay điện thoại báo tin cho cha mẹ ruột nàng biết nàng đã có thai.
Last edited by tuvi on 16 Sep 2019, edited 3 times in total.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $56,924
Posts: 94112
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Gió Lạnh Đêm Hè - Truyện Quỳnh Dao

Postby tuvi » 16 Sep 2019

Chương 19

Kiều Lê Vân mệt mỏi quá, lại thêm lo buồn vô hạn, trằn trọc trên giường mãi vẫn chưa ngủ được. Cho đến khi nàng vừa chợp mắt thiu thiu được độ mười phút, lại giật mình bàng hoàng: Có tiếng mở và khép cửa buồng, một sự thể mà nàng rất quen thuộc, rất dễ sợ! Quả nhiên, bà Viễn xuất hiện trước mắt nàng! Nàng vội vàng cất tiếng:
- Má! Má gọi con ạ?
- Cô nằm gì mà lúc nào cũng nằm liệt giường liệt chiếu được vậy? Càng ngày cô càng lười biếng hơn, không buồn mó tay vào công việc gì nữa.
Kiều Lê Vân đã ngồi dậy, vội bước xuống đất và mau miệng xin làm ngay công việc nọ việc kia. Nhưng bà Viễn lại bảo:
- Hãy khoan. Cô hãy ở đây, tôi có việc cần nói với cô đã.
- Dạ, thế ạ? Để con mang ghế vào má ngồi.
Nàng toan đi lấy cái ghế, thì bà ngắt ngang:
- Khỏi cần. Thôi, nghe tôi hỏi...
Bà nhìn lên bức hình của con trai, với ánh mắt bực bội khó chịu, rồi hỏi Vân với giọng nhạt nhẽo lạnh lùng:
- Sao? Nghe nói cô có thai?
- Thưa... Con chỉ mới nói chuyện với chị Lưu về tình trạng sức khỏe và những hiện tượng trong cơ thể của con, và chị ấy kết luận rằng con có thai. Thế thôi!
- Hừm! Không thèm nói cho tôi hay, mà cô chỉ nói với chị Lưu? Vậy, mẹ chồng của cô là ai? Là tôi, hay chị Lưu?
- Mẹ tha thứ cho. Vì con không biết như vầy là có mang.
- Dưới mắt cô, làm gì có mụ già này? Cô không coi tôi làm mẹ chồng cô, cô khinh tôi là kẻ không hiểu biết gì hết.
- Má! Con đâu dám thế? Xin má xét lại và tin lòng con.
- Thôi, lúc này không còn thời giờ để nói chuyện tình nghĩa ấy!
Và bà Viễn giở giọng gian ác, nói không ghê miệng:
- Tôi yêu cầu cô hãy phá cái thai đó đi!
- Trời!
Kiều Lê Vân kinh ngạc vô cùng, thiếu chút nữa bị ngất xỉu vì lời nói bất ngờ của mẹ chồng. Thì ra, bà Viễn không hề đếm xỉa gì đến giọt máu của Khang Thu Thủy? Mặt vẫn lạnh như tiền, bà Viễn kiên quyết nói tiếp:
- Cô phải làm thế mới xong.
Kiều Lê Vân òa lên khóc thảm thiết, rồi van xin:
- Không! Không! Con lạy má! Má tha cho con. Con cần phải có đứa con này. Anh Thủy cũng cần có nó.
- Thằng Thủy nó còn non trẻ, lại là sinh viên du học. Thế nào lại chẳng có một cô gái xinh đẹp và vẹn toàn thân thể yêu thích nó! Lo gì nó không có con!
Nàng vẫn thổn thức, cố nuốt lệ. Bà lại hỏi:
- Cô thử nghĩ coi: Nếu cô lại đẻ ra một đứa con có tật, thì chúng tôi biết làm thế nào?
- Nếu thế, con xin bế đứa hài nhi ra đi, con xin rời bỏ nhà này mà đi thật xa.
- Một lời nói là một đọi máu. Cô nói rồi, cô phải giữ lời.
Tội nghiệp Kiều Lê Vân! Nàng chỉ còn biết gục mặt xuống chiếc gối mà khóc, nghe rất thương tâm. Nhưng, dù nước mắt của nàng có thấm mềm sắt đá, vẫn không làm cho lòng bà Viễn xúc động mảy may. Bà càng bực tức giận dữ:
- Sao mà lắm nước mắt thế? Lúc này đã có ai chết đâu, mà cô khóc? Tôi để yên cho cô sinh đẻ đứa con, ấy là tôi xử tốt với cô lắm rồi.
- Con được đội ơn má nhiều lắm.
- Hừm! Đâu dám nhận lời cám ơn của cô. Chỉ mong rằng đến một ngày mai đây, cô chịu buông bỏ thằng con tôi ra, ấy là tôi cám ơn cô vô cùng.
- Con không thể lìa bỏ, bởi anh ấy yêu thương con. Anh ấy là chồng của con. Nếu quả thật anh ấy không yêu con, con nhất định lìa bỏ. Nhưng lìa bỏ không có nghĩa là không yêu anh ấy.
- Thôi, thôi! Đủ rồi. Đừng lải nhải chuyện yêu đương trước mặt tôi nữa. Có điều tôi cần bảo cho cô biết là: Có mang, có chửa không phải là lý do để cô lơ là công việc trong nhà này! Cô vẫn phải làm mọi việc thường lệ.
- Vâng, con xin làm, con sẽ làm nữa.
- Không làm cũng không xong, nghe cô!
Với một người mẹ chồng nanh nọc độc ác như bà Viễn, thì giọt máu của con trai bà, tức giòng máu nhà bà nằm trong bụng người con dâu mà bà ghét bỏ... nó chẳng có nghĩa lý gì cả. Bà không hề thiết đến giọt máu ấy. Muốn con bà bỏ vợ, thì bà phải làm sao hủy hoại cái sợi giây đang thành hình sẽ ràng buộc đôi trẻ đó. Bà bắt Kiều Lê Vân phá thai, nàng nhất định không chịu phá, tất nhiên bà phải bắt nàng làm lụng thật cơ cực vất vả, khiến cho nàng phải có lúc sa sẩy mà để... tụt cái thai ấy ra, bà mới nghe.
Tuy nhiên, hành động, cơ mưu của bà độc ác như vậy mà miệng lưỡi của bà đối trước thân gia, lại rất tử tế ngọt ngào!...
Bữa hôm tiếp điện thoại của bà Văn gọi tới, bà Viễn niềm nở chào hỏi và xác nhận tin con dâu thụ thai với giọng hân hoan:
- A lô?... A! Thì ra "chị suôi" của tôi! Dạ, thưa đúng như thế ạ. Vân đã có tin mừng. Đây cũng nhờ phúc đức của bà bên nhà nữa vậy. Dạ vâng! Thế thì quý hóa lắm, còn gì hơn?... Mà ông bà quá bộ sang chơi để thăm Vân, là việc rất cần. Vâng, chúng tôi đón đợi ông bà đây ạ!...
Buông ống nói xuống, bà Viễn hối hả gọi chị Lưu sửa soạn mọi thứ, và đi mua thêm thức ăn về làm bữa tiệc, tiếp đãi thân gia...
Rồi hôm ấy, trong khi ông Văn chuyện trò với ông bà Viễn ở phòng khách, thì bà Văn và Kiều Lê Vân ôm nhau ứa lệ nghẹn ngào ở trong buồng riêng của nàng.
Bà Văn đoán biết con gái bị đối xử không ra gì, nhưng không tiện hỏi. Bà hy vọng ngày Khang Thu Thủy trở về, hắn sẽ cứu được vợ ra thoát cảnh khổ đau. Phần Kiều Lê Vân, nàng cũng hy vọng như thế, nên cắn răng giấu nhẹm mọi hành động tàn ác của mẹ chồng, để cha mẹ ruột khỏi đau lòng xót ruột.
Ông bà Văn có muốn đưa thức ăn và đồ uống và thuốc thang đến tẩm bổ cho con, cũng không dám, vì nếu ngỏ lời sẽ chạm đến tự ái của bà Viễn, và rất có thể xích mích giữa hai nhà, gây điều tiếng không hay. Hai bên cha mẹ ruột và cha mẹ chồng xung đột, Kiều Lê Vân sẽ chết kẹt ở giữa. Thêm nữa, trước mặt thân gia, bà Viễn hứa sẽ chăm nom săn sóc con dâu đầy đủ, trông chừng từng giấc ngủ miếng cơm... thì ông bà Văn còn biết nói sao?
Mặc dù vẫn lo buồn đau đớn, nhưng cái ngày hôm ấy là ngày tương đối dễ chịu nhất của Kiều Lê Vân: Nàng được gặp cha mẹ, được mẹ âu yếm săn sóc bên giường, và nhất là bà mẹ chông không dám sai khiến nàng làm lụng một việc gì, dù là việc rất nhẹ.
Ngày vui quá ngắn ngủi, vụt đi như bóng câu qua cửa sổ, rồi những ngày buồn khổ lại diễn ra như cũ như xưa..
o0o
Sáng hôm ấy, Kiều Lê Vân đang xách thùng tưới hoa ở ngoài vường, dưới ánh nắng gay gắt, mồ hôi nhễ nhại đầm đìa... bỗng có tiếng cười nói lanh lảnh phía sau nghe rất quen thuộc.
- Vân ơi! Chà! Yêu hoa thế kia à? Chăm tưới hoa lắm nhỉ?
- A! Thật không ngờ được Lệ đến thăm!
Thì ra Hoa Lệ, một trong bốn cô bạn chí thân của Kiều Lê Vân. Lệ vào nhà, tới phòng khách, thấy chị Lưu nói Vân đang tưới hoa ở ngoài vườn, nên cô gái liền tìm ra.
Không lẽ tiếp bạn ở ngoài vườn, Kiều Lê Vân phải mời Lệ vào phòng khách; và cô bạn vui tính này nói cười tíu tít, chuyện dứt không ra. Cố nhiên, Kiều Lê Vân phải gắng gượng tươi nét mặt để che dấu nỗi cực khổ, và đối đáp đầy đủ mọi câu chuyện, không dám uể oải lơ là...
Khi hai cô bạn học cũ, cách biệt lâu ngày, bỗng gặp lại nhau thì thiếu gì chuyện để nói? Thêm nữa, Hoa Lệ là một thiếu nữ tốt bụng, xuề xòa, rất yêu mến bạn, nên cô hỏi thăm đủ thứ: hỏi về nếp sống hàng ngày của cuộc đời làm vợ, làm dâu; hỏi về tin tức và việc học hành của Khang Thu Thủy ở ngoại quốc; hỏi thăm cha mẹ ruột của bạn... và trăm thứ nữa. Hết thăm hỏi, đến kể lể: Kể chuyện về ba cô bạn Hồ Bình, Vương Nhụy, Khâu Anh Đài; kể lể về việc học hiện tại; kể lể về... những mối tình ngắn ngủi, hoặc dây dưa, chưa biết "ngày mai rồi sẽ ra sao "...
Cho đến khi cô bạn dứt ra đi về, Kiều Lê Vân tiễn chân bạn ra cổng, rồi quay vào nhà, nàng mới sực nhớ tới công việc đang bỏ dở: tưới hoa!
Nàng vội vã chạy ra vườn để tiếp tục công việc nặng nhọc ấy, nhưng đã trễ mất rồi: Nàng thấy bà mẹ chồng đang xách thùng nước tưới từ khóm cây này qua khóm khác. Tim nàng đập dồn dập, sắc mặt tái mét, Kiều Lê Vân bước tới xin lỗi:
- Thưa má, vì có chị bạn học đến thăm, con phải tiếp chuyện.
- Hừm! Nếu không có cái chân thọt, thì cô có thể là bông hoa loè loẹt để trưng bày ở phòng tiếp khách!
Tiếp bạn gái một chốc, mà bị câu mai mỉa sâu cay như thế, nàng cố nuốt nhục im hơi, không dám biện bạch một lời. Bà Viễn quẳng cái thùng tưới nước xuống. Nàng vội xách lên, đi múc thêm nước, lật đật, lảo đảo trở lại tưới hoa. Nhưng chưa hết! Bà mẹ chồng cay nghiệt còn đứng đó mắng nhiếc thậm tệ:
- Ép buộc "mợ" phá thai, tôi ngại phạm pháp, "mợ cả" à! Cho nên ngày đêm tôi chỉ mong mỏi làm sao cho "mợ" sẩy tuột cái của nợ đó ra! Tốt hơn hết là lúc này mợ đẻ non ngay ra vườn hoa này, để cho tôi hết lo lắng ngày đêm; lo sợ rằng mợ sẽ đẻ ra một cái của quái!
Nước mắt tuôn ràn rụa, Kiều Lê Vân không dám ngừng tay làm việc. Trước khi rời khỏi vườn hoa, bà Viễn còn mắng thêm một câu:
- Hừm! cái giống què quặt thì làm sao mà sinh đẻ ra con cái tốt lành cho được!
o0o
Ông bà Viễn không cho Kiều Lê Vân một đồng một chữ để tiêu xài. Ông bà Văn muốn cho nàng, nàng lại không muốn lấy. Bới vì mẹ chồng đã tước đoạt hết tự do của nàng, thì dẫu nàng có tiền, nàng cũng không thể bước chân đi đâu để mua sắm gì được. Nhưng cũng chính vì nàng không chịu giữ tiền bạc trong mình, mà hôm ấy nàng bị một trận nhục nhã, do cô em chồng gây ra.
Trưa hôm ấy, nàng đang sắp sửa chợp mắt ngủ trưa, thì thấy Khang Tiểu Mai đẩy cửa buồng bước vào:
- Chị ngủ đó sao?
- Không. Chỉ nằm nghỉ chút thôi. Cô cần hỏi gì đấy?
- Gần đây, em xài hơi quá tay, nay hết nhẵn tiền, mà ba với má đều nhất quyết không cho đồng nào nữa. Đang cần món tiêu rất gấp, chị cho mượn tạm một ngàn đồng, được chăng?
Kiều Lê Vân giật mình thầm nhủ: "Khang Tiểu Mai mua sắm món gì, mà cần số tiền lớn quá vậy?" Tuy nhiên, nếu như có được số tiền ấy, nàng cũng phải cho cô em chồng vay, để lấy lòng, nhưng ngặt vì không có, nàng đành nói thật:
- Tôi chỉ còn vỏn vẹn ba trăm, định dành để mua tem gửi thư cho anh dần dần. Vậy cô cần quá, thì hãy lấy tạm mà tiêu. Nếu chưa đủ, để tôi gọi điện thoại về hỏi xin má tôi, rồi đưa cô sau.
Đột nhiên, Khang Tiểu Mai trở mặt giở giọng nói:
- Thôi, chẳng cần nữa. Chị không thích cho vay, thì cứ nói thẳng thắn ra. Tôi rất ghét cái lối viện cớ này chuyện nọ để chối khéo.
- Này, cô Mai! tôi không phải hạng giả dối đâu.
- Hừm! Tôi đã biết từ trước. Con người tật nguyền, làm sao lòng dạ tử tế được!
- Này! Cô nên biết...
- Biết gì? "Cô" định đánh tôi chăng?
- Tôi sẽ không khi nào mắng cô một lời, chứ đừng nói là đánh cô. Nhưng cô đòi hỏi, cũng phải cho tôi một thời hạn chứ?
- Thôi, từ nay tôi sẽ không yêu cầu cô việc gì nữa hết! Cô ghê gớm quá. Tôi không dám trêu vào tay cô.
- Cô Mai! Cô đừng nên như thế!
- Tôi nói toạc ra cho cô hay: Anh Thủy tôi ở ngoại quốc, đã có một cô "bồ" học giỏi và đẹp tuyệt rồi!
Câu nói "rung cây" của Khang Tiểu Mai không làm cho Kiều Lê Vân giật mình lo sợ hoặc hoài nghi tức tối, bởi nàng rất tin tưởng ở chồng. Khang Tiểu Mai thấy thế, càng tức, đay nghiến thêm:
- Cô còn nằm lì ở nhà tôi làm gì nữa? Toan chơi trò "đó rách choán chỗ" sao? Hãy nhìn kỹ lại cái chân mà suy ngẫm về giá trị mình. Anh Cả tôi chỉ bồng bột chốc lát, chứ không thật sự yêu thương cô như cô tưởng đâu. Anh ấy chỉ thử chơi cho biết mùi đời chốc lát mà! Cô tưởng anh ấy sẽ yêu mãi mãi sao? Đừng mê ngủ nữa!
- Thôi! Được rồi. Cô đã muốn nói, tôi không thèm cãi nhau với cô. Cô cứ mắng nữa đi. Nhưng mắng nho nhỏ đủ cho tôi nghe là được rồi. Đừng lớn tiếng la thét mà ba má giật mình thức dậy!
Nhưng ông bà Viễn đã giật mình thức dậy rồi. Bà Viễn sồng sộc chạy vào, hùng hổ quát hỏi:
- Chúng mày làm sao thế?
- Cô ả què ấy sỉ nhục con.
Bà Viễn tin ngay lời con gái. Bà giận dữ chửi tàn tệ:
- Con què kia! Dám sỉ nhục con tao? Mày trở mặt phá nhà tao phải không?
Mặc cho Kiều Lê Vân phân bua giải thích, bà Viễn cứ sấn tới, giang thẳng cánh tay, tát vào mặt nàng một tát đổ đom đóm mắt!
Tội nghiệp! Làn da mặt của nàng vốn mịn mềm trắng trẻo, bấy giờ bị một cái tát phũ phàng tàn nhẫn, năm ngón tay bà Viễn in trên đấy đỏ tía, rồi tím bầm rành rành.
Đánh đập nàng rồi, bà Viễn còn chưa thôi, bà còn đứng lại chửi mắng tàn tệ một hồi nữa.
Kiều Lê Vân bị đau đớn ê chề cả thể xác lẫn tinh thần. Nàng như mê đi, không còn biết gì nữa. Cho đến khi bà mẹ chồng tàn ác lui ra, rồi chị Lưu tìm vào an ủi vuốt ve, nàng mới như bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng. Trước cảnh ấy, chị người ở cũng phải động lòng xót xa thay. Chị nhìn ngắm Kiều Lê Vân mang dạ chửa với những ngón tay tàn nhẫn in trên mặt, mà phải thầm thắc mắc: Phỏng một tấm lòng yêu đương của chàng trai Khang Thu Thủy có đủ để đền đáp cho cân xứng với cái thảm họa mà cô gái cưng nhà họ Kiều này phải gánh chịu lấy chăng? Tấm thân ngọc nhà này vốn được cha mẹ cưng nuông như cưng trứng mỏng, chỉ vì yêu, mà phải tự đọa đày, lao đầu vào nhà họ Khang, làm những công việc của kẻ tôi đòi, và chuốc lấy những trận đòn như kẻ cướp!
Làn da băng tuyết trên đôi má nàng, vốn chỉ dành cho cha mẹ mơn trớn hôn nựng, nay chỉ vì yêu, đến nỗi bị bàn tay cục súc của một ác phụ đập vào, in hằn dấu vết năm ngón tay! Ôi! người xưa vẫn nói "tình là giây oan", phải chăng đây cũng là một trường hợp? Nghĩ miên man như vậy, rồi chị Lưu nhỏ nhẹ hỏi:
- Tại sao bị đánh đập như vậy, mợ không phản đối?
Kiều Lê Vân nói như trong giấc mơ:
- Phản đối?... Phản đối liệu có ích gì?
- Ít ra, mợ cũng biện bạch cho rõ phải quấy chứ?
- Tôi... tôi đành chỉ còn cắn răng chịu đựng, chờ ngày anh Thủy hồi hương... chớ còn biết làm cách nào khác?
Thật vậy, nàng chỉ còn mỗi một hy vọng để tiếp tục sống. Đó là tình yêu và đức chung thủy của chồng.
Nhưng, trong những ngày tháng chồng nàng còn chưa về, nàng còn tiếp tục sống kiếp đọa đày thê thảm.
Sau cái tát và trận mắng chửi, nàng lại phải lăn lưng ra làm những việc thường lệ: lau sàn nhà, xách nước tưới khắp vườn hoa, giặt quần áo, quét dọn sân trước, sân sau, và phụ với chị Lưu, lo cơm nước ngày ba bữa.
Một hôm, bị ốm lại phải làm việc mệt mỏi quá sức, Kiều Lê Vân ngất xỉu nằm lăn xuống đất. Chị Lưu hoảng hốt kêu inh ỏi, bà Viễn với Khang Tiểu Mai vẫn bình thản dửng dưng. Chị Lưu hằn học nói giọng trách móc, bà chủ mới mở miệng bảo con gái:
- Mai! Mày phụ với chị Lưu, khiêng nó vào buồng. Nó giả vờ chết, thì cứ để cho nó nằm ở trong ấy mà giả vờ với... bốn bức tường!
Thấy Kiều Lê Vân nằm thở yếu hơi, chị Lưu giục Khang Tiểu Mai đi mời bác sĩ, thì cô gái đanh ác lắc đầu, không nói chuyện mời thầy chạy thuốc gì hết!...
Last edited by tuvi on 16 Sep 2019, edited 3 times in total.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $56,924
Posts: 94112
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Gió Lạnh Đêm Hè - Truyện Quỳnh Dao

Postby tuvi » 16 Sep 2019

Chương 20

Cái sinh vật bé nhỏ trong bụng Kiều Lê Vân, mà cũng biết thương mẹ, nên nương nhẹ trong cơ thể mẹ, mà thoát lọt ra ngoài một cách dễ dãi như vậy chăng?
Mặc dù sanh con so, và bên mình không có bác sĩ, cũng không có cô mụ gì hết, Kiều Lê Vân vẫn cho ra đời một hài nhi trai rất kháu khỉnh dễ thương. Người đóng vai "cô mụ bất đắc dĩ" để nâng nhấc nàng và cắt rốn, tắm rửa cho con nàng... không ai khác hơn là... chị Lưu, người nữ bộc của gia đình họ Khang, nhưng lòng chỉ biết trung thành với nàng.
Và mặc dù mấy lúc gần đây, bà Viễn đã ngăn cấm chị, không cho đi gửi thư từ, không cho sử dụng điện thoại, mục đích là "phong tỏa", cô lập Kiều Lê Vân với bên ngoài... chị Lưu vẫn kịp thời quay lén điện thoại, báo tin cho ông bà Văn hay, vào cái lúc Kiều Lê Vân bắt đầu trở dạ.
Bà Văn lật đật tìm tới nhà họ Khang, bước vào tới buồng riêng của con gái, thì thấy ông Viễn đã có mặt trong đó, và đang bế đứa cháu nội đầu lòng trên tay.
Ông bà thân gia chào hỏi nhau; rồi cùng cất tiếng cảm tạ ơn Trời Phật, ca ngợi ông bà tổ tiên dành phúc đức về sau, khiến Kiều Lê Vân sanh đẻ dễ dàng, mẹ tròn con vuông như vầy.
Sau khi săn sóc, nâng nhấc, hỏi han con gái... bà Văn để ý liếc nhìn ông Viễn, và nhận thấy ông vui mừng ra mặt. Ông Viễn thì tươi cười ngắm đi nhìn lại đứa cháu nội trên tay, lòng thầm nghĩ: "Con dâu của mình thật có sức chịu đựng phi thường. Nếu không, nó đã gục ngã dưới sự hành hạ, ngược đãi của vợ mình rồi".
Còn bà Văn, khi được ông "suôi gia" trao đứa cháu ngoại cho bế, bà còn gì sung sướng vui mừng hơn?...
Riêng bà Viễn lại khác hẳn. Bà thầm thất vọng trong lòng, vì đã không được trông thấy "sự ra đi của cái con què quặt". Bà đã viện cớ theo "tập tục truyền thống" của ông bà xưa để lại, mà kiêng cử, không cho phép con dâu tới hộ sinh viện. Vậy mà Kiều Lê Vân vẫn sinh đẻ trót lọt, để "báo đời" gia đình bà mãi chưa thôi! Khang Tiểu Mai cũng vì lòng ghét bỏ chị dâu mà đến nỗi đôi mắt như mù quáng, không nhìn ra cái vẻ kháu khỉnh mũm mĩm của đứa hài nhi: đứa bé giống anh ruột của cô như tạc khuôn vậy. Cô gái chỉ nhìn qua một chút, rồi bỏ ra ngoài, miệng lầm bầm chê: "nó giống như con chuột non đỏ hỏn!".
Căn buồng chỉ đông người trong chốc lát ngắn ngủi, rồi lại còn trơ có bà Văn ngồi bên con gái và đứa cháu ngoại sơ sinh.
Bà ở lại săn sóc con từng li từng chút, quên ngủ quên ăn... Cho đến ngày thứ ba, thì mỏi mệt quá sức, bà cứ ngồi ở cái ghế, tựa đầu về một bên mà ngủ gà ngủ gật.
Kiều Lê Vân muốn ngồi lên, đánh thức mẹ dậy, và khuyên mẹ trở về nhà nằm nghỉ cho thoải mái, để lấy lại sức. Nhưng nàng lại nghĩ: Hãy để mẹ "ngủ ngồi" như vậy một hồi, không nên làm cho mẹ mất ngang giấc ngủ...
Kiều Lê Vân sinh cho nhà họ Khang được một đứa con, rồi địa vị, hay ít ra, thân phận nàng có được đổi khác chút nào chăng?...
Chỉ nửa tháng sau, bà Viễn đã tàn nhẫn nói thẳng vào mặt nàng:
- Cô đã nói: đợi sinh đẻ xong, rồi cô ra đi. Vậy lúc này cô nên đi đi thôi. Cô về nhà cha mẹ, cô đi lưu lãng, hay cô đi liều mình ở đâu nữa cũng mặc. Chỉ yêu cầu cô đừng trở lại nhà này nữa là xong.
Nàng cúi mặt, không nói nên lời, cũng không còn nước mắt để khóc. Bà Viễn lại tiếp:
- Nếu không thế, cô hãy kiếm một người chồng khác đi.
Kiều Lê Vân chỉ kêu được một tiếng: "má!... "
- Từ nay trở đi, đừng gọi tôi bằng "má" nữa, bởi tôi đâu có thừa nhận cô!
- Xin hãy đợi ngày anh Thủy hồi hương. Anh ấy về, con sẽ ra đi.
- Đừng mơ ngủ! Con tôi nó không về đâu, mà có muốn về, tôi cũng chưa cho phép về. Yêu cầu cô đi lấy chồng khác, ấy là tôi đối xử nhân từ lắm rồi.
Kiều Lê Vân ù tai hoa mắt, không nhớ rõ bà viễn còn thốt ra bao nhiêu lời lẽ tàn nhẫn nữa. Rồi nàng lại nghe bà nói thêm:
- Nếu như cô cần có một số tiền, cô chỉ việc chịu nhận ly hôn, tôi sẵn sàng cấp cho ngay.
- Không. Con không muốn ly hôn, bởi vì con với anh Thủy yêu thương nhau, phải sống mãi mãi với nhau.
- Hừm! Thân tàn ma dại như thế, cũng còn đòi hỏi quá đáng, mơ ước vô lý hão huyền. Sao không biết xấu hổ!
o0o
Đứa hài nhi, sau ngày đầy tháng được hai hôm, thì bỗng nhiên... mất tích!
Hôm ấy, Kiều Lê Vân thức giấc, vừa nhìn ra cái nôi, nàng đã dựng tóc gáy, lạnh xương sống, bởi linh tính vừa báo cho nàng một tai họa khủng khiếp gì đây... Nàng gào lên như điên như cuồng:
- Chị Lưu ơi! Chị Lưu ơi!
- Tôi đây!... Cái gì thế? Làm sao thế?
Thấy chị Lưu từ ngoài chạy vào, Kiều Lê Vân vồ ngay lấy:
- Con tôi đâu? Chị ơi?
- Cháu vẫn ngủ trong nôi kia hay sao ấy?
- Đâu có? Đâu có thấy? Chị ơi! Mau tìm nó dùm tôi!
- Không hiểu bà có bế nó lên phòng bà không?
Không! Đứa hài nhi không có ở đó, mà bà Viễn cũng biệt dạng biệt tăm đâu mất rồi. Chị Lưu cũng đâm cuống, trố mắt há mồm nhìn quanh, chẳng biết giúp Kiều Lê Vân cách nào! Và Kiều Lê Vân... òa lên khóc như mưa như gió.
Bấy giờ mới thấy Khang Tiểu Mai từ buồng riêng bước ra, bảo rằng:
- Các người đừng tìm kiếm nữa. Má tôi đã bế nó, đem đi cho người ta rồi. Má tôi nói rằng: "Nhà họ Khang này không thể nuôi đứa nhỏ đó được".
Câu nói tàn nhẫn của cô em chồng khiến Kiều Lê Vân kêu rú lên một tiếng, rồi ngất lăn xuống đất. Chị Lưu lại phải lăn lưng vào cấp cứu nàng.
Nàng tỉnh dậy, chị dìu nàng về buồng riêng, nhưng nàng cứ hối hả đòi chạy đi khắp nơi tìm con... Chị phải dỗ dành: "Hãy đợi bà trở về, rồi van xin bà, may ra... Chứ biết đứa nhỏ ở đâu mà đi tìm?"
Gần tối hôm ấy, bà Viễn trở về đến cổng thì thấy Kiều Lê Vân đã ôm cột cổng đứng chờ đó tự bao giờ. Nàng chắp tay van lạy, bà vẫn phớt lờ, đẩy gạt nàng ra một bên mà vào nhà. Nàng theo vào nhà, quì xuống năn nỉ:
- Con lạy má! Tội nghiệp thân con! Má cho con xin đứa con. Không có nó thì con chết, không thể nào sống được...
Và nàng còn kêu van thảm thiết rất lâu nữa, nhưng lòng bà Viễn rất lạnh lùng, trơ trơ như sắt đá. Chị Lưu đứng nhìn cảnh ấy, cũng phải ứa nước mắt như mưa. Cuối cùng, chị lại phải dỗ dành nàng: "Hãy tạm về buồng nghỉ ngơi qua một đêm rồi bà sẽ xét lại..."
o0o
Qua một đêm không ngủ, sáng hôm sau chị Lưu vào buồng tìm Kiều Lê Vân thì thấy nàng đầu bù tóc rối, sắc mặt xanh xao bơ phờ như người mất hồn, hoặc sắp lên cơn điên khùng; đôi mắt đỏ ngầu như ứa máu vì khóc nhiều quá.
Bà Viễn bảo chị Lưu vào gọi Kiều Lê Vân ra phòng khách. bà cho hai người cùng ngồi xuống, rồi lạnh lùng nói vào vấn đề:
- Cô Vân à, cô nghe tôi nói đây... Mặc dù cô đã lấy con tôi rồi, nhưng tôi nói trắng ra cho cô hay rằng: Mãi mãi, không bao giờ tôi ưng chịu cô đâu. Sở dĩ tôi để cho nó lấy cô, là vì tôi muốn lợi ích cho bản thân nó: tôi cho lấy nhưng tôi buộc một điều kiện là phải xuất ngoại du học ngay. Có thế, nó mới yên lòng ra đi.
- Thưa má, chính con trước sau cũng vẫn khuyến khích anh ấy xuất ngoại du học. Và cho đến nay, con vẫn không hề hối tiếc về việc đã cổ võ anh ấy xuất dương.
- Nhưng nay sự thể đã đổi khác. Cô không thể ở đây được nữa. Cô đừng nằm ì ra nhà tôi nữa. Cô còn sống bám vào gia đình này, chắc tôi phát điên phát cuồng đến nơi! Vậy, bây giờ chúng ta hãy bình tĩnh mà điều đình với nhau, để giải quyết sự việc cho êm thấm.
Kiều Lê Vân tê tái cả người, chưa biết mở miệng nói sao, bà Viễn lại tiếp:
- Chính cô, nếu mất đứa con, cô sẽ phát điên phát cuồng phải không?
- Dạ, phải.
- Thì tôi cũng vậy. Nếu mất thằng Thủy, tôi cũng phát điên mà chết. Vậy giờ tôi đưa ra mấy cách này, để tùy ý cô lựa chọn. Thứ nhất: Cô chỉ cần ký tên vào đơn xin ly dị...
- Má! (Kiều Lê Vân kêu ngay lên)
- Hãy để tôi nói hết đã... Cô cứ ký vào đơn ly dị, hoặc thỏa thuận ly hôn đi, là tôi đem đứa bé về trả, cho cô bế ra khỏi nhà này. Tôi lại chu cấp cho cô một số tiền lớn, đủ để nuôi con và giáo dục nó sau này nữa. Cách thứ hai: Nếu cô không chịu ly hôn, cô cứ ở đây, thì phải chịu đựng mọi hành vi đối xử của tôi, nói trắng ra là tôi sẽ ngược đãi cô thẳng tay. Và mãi mãi cô không còn được trông thấy đứa con của cô nữa.
Kiều Lê Vân lại kêu van: "Má! Má ơi!" Bà Viễn lại nói:
- Tôi đã nói hết đâu? Cô hãy nhớ kỹ hai cách đó, suy nghĩ lại cho chín. Tôi chưa buộc cô phải trả lời ngay lúc này, tôi ra hạn cho cô một tháng để suy nghĩ; kể từ hôm nay, tôi tạm ngưng, không ngược đãi cô như trước, để chờ đến hạn kỳ sẽ liệu sau. Tôi nói là tôi giữ lời. Có chị Lưu đây làm chứng.
Và bà quay bảo người tớ gái:
- Chị Lưu nhớ nhé: Hết hạn một tháng này, thì chị cũng thôi việc ở đây. Chị chuẩn bị đi.
Chị Lưu không có phản ứng nào. Chị biết trước, thế nào rồi cũng có một ngày bà chủ cho chị nghỉ việc, để bắt con dâu phải làm lấy hết...
o0o
Tội nghiệp Kiều Lê Vân! Ngày quên ăn, đêm quên ngủ, đã suy nghĩ nát ruột tan hồn suốt một tuần lễ mà chưa quyết định được: nên lựa cách nào trong hai cách do bà Viễn đặt ra?
Người mà nàng cần có ở bên cạnh mình nhất, để cứu nguy cho nàng thì lại ở một nơi chân trời xa thăm thẳm, xa đến nỗi nàng cũng không biết chắc là mấy vạn dậm chim bay!
Đến như người rất yêu thương nàng, và nàng rất thương yêu, lại ở gần nàng, thì lại không thể cứu nàng được: Bà Văn, mẹ nàng dễ gì can thiệp để giúp cho nàng giữ được đồng thời cả chồng lẫn con?
- Thu Thủy!... Cao Sơn!
"Cao Sơn" là tên thằng bé mới sinh ra đời, khúc ruộc đầu của Kiều Lê Vân. Hình ảnh Thu Thủy thì vẫn mỉm cười với nàng đó. Cao Sơn tuy mới lọt lòng nàng, mà trông đã thấy giống Khang Thu Thủy như đúc.
Miên man nghĩ ngợi, với bao hình ảnh trong đầu, rồi Kiều Lê Vân hành động như cái máy: Nàng lấy giấy bút ra viết lá thư:
"...
Anh Thu Thủy yêu dấu,
Thằng Cao Sơn, con của chúng mình, nhờ ơn trời nó được khoẻ mạnh, bụ bẫm và linh lợi lắm anh ạ. Trông ngắm nó, em thấy không một đường nét nào lại không giống hệt như anh...
Kiều Lê Vân mới viết được vài hàng, bỗng cánh cửa mở, một bóng người tiến vào, khiến nàng sực nhớ đến hiện trạng bi đát, gác bỏ tờ giấy mới viết dở dang..
Nàng viết thư để làm gì? Mấy ngày nay, bà Viễn bắt đầu canh chừng từng cử chỉ của nàng. Bà cấm nàng viết thư cho chồng, lấy lý rằng: "Để cho thằng Thủy tĩnh tâm học tập. Nay đọc thư, mai viết thư, hồn vía cứ mơ tưởng về gia đình, thì còn học hành gì được?" Như vậy, nàng làm cách nào gửi được lá thư? Bà lại cấm nàng không cho bước chân ra khỏi nhà. Chị Lưu thì đâu dám cầm lén phong thư đi gửi?
Cho đến cái máy điện thoại trong nhà cũng bị bà Viễn canh chừng rồi. Mỗi lúc chuông reo, Kiều Lê Vân đến cạnh máy, cầm ống nghe, ấy là đã có bà, hoặc Khang Tiểu Mai ở gần đó, lắng nghe xem nàng nói những gì qua đường giây..
Và lúc này nàng lại phải ra phòng khách đế nghe điện thoại vì người vào buồng là chị Lưu. Chị báo cho biết: có mẹ nàng gọi tới.
Đau đớn thay! Trước sự canh chừng nghe ngóng của mẹ con bà Viễn, nàng phải nói dối qua đường dây, với bà Văn:
- Dạ. Thưa má, tại vì mấy ngày qua con bị ốm yếu, mất sức hơi nhiều, "má con" sợ con vất vả thêm vì chăm con so, nên "má con" đem nó đi gửi một bà v ú chuyên nuôi trẻ mướn rồi ạ.
Last edited by tuvi on 16 Sep 2019, edited 2 times in total.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $56,924
Posts: 94112
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Gió Lạnh Đêm Hè - Truyện Quỳnh Dao

Postby tuvi » 16 Sep 2019

Chương 21

Chỉ còn ba hôm nữa là hết hạn một tháng. Mỗi lúc nghĩ đến câu trả lời cần có cho bà Viễn, ruột Kiều Lê Vân lại nóng sôi nóng cháy, và đầu óc càng thêm hoang mang.
Như trước đây, tuy bị bà mẹ chồng ngược đãi hành hạ, nhưng vẫn còn có bữa cơm nàng ăn được ngon miệng vì quá đói, vẫn có những đêm nàng ngủ được yên giấc, vì quá mệt mỏi tinh thần. Nàng lại còn có một niềm hy vọng để sống, là... chờ đợi ngày hồi hương của chồng.
Nhưng đến nay, thì tình cảnh nàng bi đát quá lắm rồi: Chờ chồng, thì có thể chờ lâu, có thể kiên nhẫn chịu đựng nỗi khổ, nỗi nhớ. Chứ còn chờ con, ắt nàng không thể chờ đợi lâu hơn nữa: Đứa hài nhi sơ sinh, khúc ruột thiết tha của nàng còn bị bà Viễn giấu kín ở một nơi nào đó, thì nàng không thể nuốt nổi miếng cơm, không thể dỗ nổi giấc ngủ! Có gì bảo đảm tính mạng cho đứa con nàng? Rủi nó lâm bệnh nặng thì sao? Rủi nó có mệnh hệ nào, thì nàng sống làm sao nổi?
Do đó, có nhiều bữa cơm, chị Lưu cố nài ép, mà nàng vẫn không nuốt được một miếng. Chị tự bỏ tiền ra, mua cho nàng hộp sữa, nàng uống vào lại muốn nôn ra ngay.
Ban đêm, chị bất thần lần mò vào buồng, thấy nàng không ngủ, chị muốn quạt cho nàng được mát, để dễ ngủ hơn, vì tháng 7 (dương lịch) là thời tiết nóng nhất trong một năm, mồ hôi chị thường tuôn đầm đìa nhễ nhại. Nhưng chị mới phe phẩy cây quạt vài cái thì Kiều Lê Vân đã kêu lên:
- Ối, lạnh quá! Lạnh quá!
Chị Lưu đưa tay sờ trán nàng thì thấy nóng ran, thì biết ngay rằng nàng sắp lâm bệnh nặng, vì sức khỏe đã sa sút quá nhiều. Chị Lưu không quạt nữa, Kiều Lê Vân lại khẽ bảo với giọng run run:
- Ôi chao! Chị ơi! Những cơn gió giữa mùa hè sao mà lạnh quá hả chị?!
Những cơn gió lạnh đêm hè!
Chị Lưu càng thương xót Kiều Lê Vân. Chị nghĩ rằng: Nàng quá đau khổ về tinh thần, lại bỏ ăn bỏ ngủ nữa, thì e rằng có thể... chết! Mặc dù đang ở tuổi con gái, nhưng nàng mới sanh con, cơ thể cần phải tẩm bổ mới khỏi lo đau bệnh. Vậy mà, đã chẳng được tẩm bổ, lại còn bỏ ngủ bỏ ăn, thì nàng sống làm sao?
Chị Lưu lo thật sự. Thấy thân thể nàng càng ngày càng gầy rõ, mặt mũi càng bơ thờ hốc hác như người mất hồn, chị phải ứa nước mắt khuyên lơn dỗ dành Kiều Lê Vân, để nàng chịu hớp mỗi giờ vài thìa cháo loãng cầm hơi. Rồi hôm ấy, bỗng chị sực nhớ ra một câu mà nàng đã tâm sự với chị: Nàng cho chị hay, chồng nàng viết thư về dặn nàng "chừng nào giàn nho sau nhà có trái chín, thì hái mà ăn, trước là để cho đứa con khỏe mạnh, sau là để nhớ lại những giờ phút vợ chồng âu yếm nhau dưới giàn nho"...
Thế là chị ra sau nhà, hái những quả nho chín mọng đẹp tuyệt, đem vào khuyên Kiều Lê Vân cố mà ăn. Quả nhiên, nàng chịu ăn những quả nho ấy một cách hài lòng, ngày này qua bữa khác.
Tuy nhiên, nước cốt trái nho dù bổ dưỡng, cũng không thể nào duy trì sức khỏe cho một cơ thể đã quá suy yếu vì ảnh hưởng tinh thần; và nhất là sức tươi mát của nước trái nho không thể nào tưới dịu được ngọn lửa bỏng trong tim óc nàng, mỗi khi nàng nghĩ đến đứa con mất tích!
Và việc phải đến đã đến: Tới ngày chót của thời hạn một tháng, Kiều Lê Vân ngã bệnh nặng, nằm liệt giường!
Trước tình cảnh ấy, bà Viễn đã không mảy may xúc động, bà còn thầm mong cho Kiều Lê Vân chết quách đi cho rồi. Đứa con dâu tàn tật ấy chết đi, ấy là mà rảnh nợ. Nhưng có lẽ số mạng Kiều Lê Vân còn chưa đến ngày tận, nên nàng còn có một cứu tinh, dù chỉ là "cứu tinh bất đắc dĩ": ông Viễn vốn đã không có bụng dạ ác độc như vợ, và thầm thương hại con dâu bị vợ hành hạ quá tay, bấy giờ lại lo ngại Kiều Lê Vân chết trong nhà mình, nên ông "đánh liều" đưa nàng đi bệnh viện trong một lúc bà Viễn vắng mặt. "Mạo hiểm" như thế, dù có bị vợ trở về mắng nhiếc ray rứt, ông cũng cam chịu.
Chị Lưu được ông chủ gọi tới, bảo phụ với ông, vực Kiều Lê Vân ra xe chở đi... Chị thầm phục ông chủ nhân từ, và khi nghĩ đến bệnh viện, chị lại xin nhờ cái máy điện thoại, để quay số gọi tới ông bà Văn, báo tin Kiều Lê Vân đã được đưa vào đây...
o0o
Nhờ sự tận tâm điều trị của bác sĩ và các điều dưỡng viên, lại thêm sự chăm sóc của ông bà Văn và chị Lưu, bệnh tình của Kiều Lê Vân được thuyên giảm lần lần. Nhưng cứ sau một ngày êm êm, lại đến một ngày sôi nổi: Tỉnh táo được đôi chút, Kiều Lê Vân lại khóc đòi con!
Ông bà Văn thật khó nghĩ: Không hứa chắc với con rằng sẽ đòi cho được đứa cháu ngoại về, thì sợ con lên cơn bệnh nặng; mà quyết liệt can thiệp với ông bà Viễn, thì sợ xung đột với thân gia. Thêm nữa, bà Viễn tuy không tìm đến bệnh viện, nhưng có ông Viễn đến thăm con dâu. Ông trấn tĩnh Kiều Lê Vân và ông bà Văn rằng: Đứa bé đang được người * chuyên nghiệp nuôi nấng chăm sóc, chỉ chờ Kiều Lê Vân khoẻ mạnh như cũ, là nó được đưa về trả cho nàng. Ông Viễn cũng bào chữa gián tiếp khéo léo cho vợ; đại ý ông nói để ông bà Văn hiểu rằng: Bà Viễn phải ở nhà trông nom mọi việc, trong khi chị Lưu mắc bận chăm sóc Kiều Lê Vân ở đây, cho nên bà chưa thể đến thăm con dâu được.
Do đó, ông bà Văn chẳng những không tiện thúc giục thân gia đưa cháu ngoại của mình về, mà còn không dám viết thư qua Mỹ, kể rõ tình cảnh con gái cho con rể hay nữa; bởi lẽ ông bà Văn sợ mang tiếng sau này...
Trong tình thế giằng co ấy, Kiều Lê Vân chỉ còn biết khóc lóc than thở với cha mẹ ruột và chị Lưu. Than thân trách phận cho đến khi quá mệt mỏi tinh thần, nàng mới ngủ thiếp đi được một giấc.
Và có những lúc thức giấc, Kiều Lê Vân lại cảm thấy lạnh lùng tê tái cả về thể xác lẫn tâm hồn, vì những cơn gió thoảng giữa đêm hè vắng lặng.
Ông bà Văn và chị Lưu thì buồn phiền thương cảm vô hạn, mỗi khi nghe tiếng Kiều Lê Vân lào thào kêu gọi trong giấc mơ:
- Con tôi đâu? Con tôi đâu rồi? Ai bế con tôi đi đâu? Trả con cho tôi đi! Trời ơi! Má ơi! Trả con cho con đi!...
Trong mấy ngày Kiều Lê Vân nằm bệnh viện, chỉ có một hôm bầu không khí được đổi khác đôi phần, từ âm thầm lạnh lẽo bỗng trở nên rộn rã vui vẻ. Đó là hôm nàng được ba cô bạn tới thăm.
Gần trưa hôm ấy, Kiều Lê Vân đang chuyện trò bàn bạc với mẹ nàng, thì cô y tá đem liều thuốc mới của bác sĩ vào phòng. Bà Văn lập tức đón lấy, rồi đi rót nước cho con uống thuốc. Kiều Lê Vân uống xong, vừa nằm xuống nghỉ, bỗng nghe tiếng cười nói ríu rít từ ngoài vọng vào, rồi những tiếng kêu gọi liên tiếp vang lên, khi cánh cửa mở rộng.
- Vân ơi!
- Vân thức hay ngủ?
- Vân ơi! Bọn tớ tới thăm nè!
Một cuộc thăm viếng hoàn toàn bất ngờ đối với Kiều Lê Vân; nhưng bà Văn thì dường như không lấy làm lạ.
Hoa Lệ, Vương Nhụy và Khâu Anh Đài xinh đẹp, nhí nhảnh như ba đóa hoa tươi được đưa tới tặng người bệnh vậy. ba cô gái chỉ chào bà Văn một tiếng lấy lệ, rồi xúm quanh bên cạnh Kiều Lê Vân. Bà Văn bảo chị Lưu kéo hai cái ghế đến.
Hai cô ngồi ghế, còn một cô ngồi ngay cạnh giường của Kiều Lê Vân. Kiều Lê Vân thò một bàn tay run run từ trong lớp chăn mỏng ra, để các bạn cầm nắm, đồng thời miệng mệt mỏi hỏi:
- Các... các "cậu" do đâu mà biết?
Hoa Lệ nói:
- Sáng sớm hôm nay, mình gọi điện thoại đến, định hỏi chuyện bác gái, thì thấy bác trai trả lời. Bác cho biết Vân đã vào nằm đây. Mình tò mò hỏi thêm nữa, bác mới cho biết lý do Vân phải vào bệnh viện, cùng tình cảnh gia đình nhà chồng và những nỗi cực nhọc mà Vân phải chịu đựng.
- Tại sao ba mình lại quá thật thà như vậy!? Đáng lý cụ không nên nói sự thật ấy ra làm chi.
Vương Nhụy nói giọng tức tối:
- Bọn mình cần phải biết sự thật, sao lại không nên? Bắt đầu từ nay, bọn mình sẵn sàng giúp Vân mọi chuyện.
Khâu Anh Đài vỗ đùi, hăm hở nói:
- Vân thật thà hiền lành quá! Nếu là "tớ"... hừm! Bà ấy đâu dám thế!
Hoa Lệ nói thêm:
- Thời nay đâu có như thời cổ lổ hủ lậu xưa kia? Nàng dâu không xử ức mẹ chồng, ấy là khá rồi. Sao lại còn có chuyện mẹ chồng ngược đãi hành hạ nàng dâu!
- Cách tốt hơn hết: trong khi Thu Thủy còn chưa về nhà, Vân cứ "thèm vào", đừng có trở về nhìn mặt cái mụ mẹ chồng độc ác ấy làm chi!
- Phải đấy!
- Nếu bà ấy không chịu trả con Vân, Vân tố cáo bà ấy trước pháp luật và dư luận. Một mặt viết thư ra ngoại quốc báo tin, và gọi Thu Thủy về giải quyết vụ này.
Ba cô bạn luận bàn sôi nổi, khiến Kiều Lê Vân chẳng biết nói gì nữa. Bà Văn ngồi gần đó, cũng không nói xen vào được lời nào...
Last edited by tuvi on 16 Sep 2019, edited 2 times in total.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $56,924
Posts: 94112
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Gió Lạnh Đêm Hè - Truyện Quỳnh Dao

Postby tuvi » 16 Sep 2019

Chương 22

Kiều Lê Vân nằm bệnh viện đã được một tuần. Hôm ấy, sau giấc ngủ trưa, nàng vừa tỉnh dậy, đôi mắt còn lim rim, chưa cất tiếng thăm hỏi cha mẹ nàng. Ông bà Văn có mặt tại đấy, cũng đang im lặng, chưa biết con gái đã thức dậy hay chưa... Đột nhiên, mọi người nghe tiếng chân chạy rầm rập từ ngoài vào, và có tiếng chị Lưu kêu rối rít:
- Mợ cả ơi! Mợ cả! May lắm rồi! Thật là phúc đức quá rồi, mợ ơi! Cậu cả đã về đây này!
- A! Chị Lưu! Chị nói gì vậy?
Kiều Lê Vân ngơ ngác hỏi, vì nàng chưa tin ở lỗ tai mình. Chị Lưu bước vào, ghé đến gần, nói xác nhận:
- Cậu cả đã về ngoài kia kìa! Cậu đang trả tiền taxi ở ngoài cổng bệnh viện!
Kiều Lê Vân gắng dùng sức, hất tung cái chăn mỏng đắp trên người, rồi nàng lồm cồm ngồi dậy, toan bước ngay xuống đất:
- Tôi phải ra đón anh ấy!
Nhưng vừa vặn lúc ấy, Khang Thu Thủy đã xuất hiện ở cửa phòng bệnh viện:
- Vân! Vân em!
- Anh! Anh Thủy!
Đôi trẻ quá xúc động bồi hồi, như tối tăm cả mắt lại, không còn để ý đến cha mẹ ngồi trong phòng. Và họ ôm chầm lấy nhau, hai miệng cùng nói, hai trái tim cùng đập mạnh; họ nói ríu rít như muốn kể lể hết thảy những chuyện xảy ra từ chín, mười tháng qua, trong một vài tiếng đồng hồ vậy.
Ông bà Văn, chị Lưu tuy không nói ra, mà như hoàn toàn đồng ý rằng: trước cảnh tái ngộ đầy xúc động giữa cặp vợ chồng trẻ nàng, mọi người nên tạm hãy lui ra, có chuyện gì, lát nữa sẽ nói sau... Và cả ba lặng lẽ bước ra khỏi căn phòng bệnh viện.
Ôm chồng chốc lát, khi buông tay ra, mặt Kiều Lê Vân đã ràn rụa nước mắt, nhưng lòng nàng thư thái nhẹ nhõm hẳn đi. Tâm hồn càng lúc càng bớt sầu đau, để chuyển dần qua vui vẻ. Tâm trạng Khang Thu Thủy cũng y hệt như vợ.
- Anh Thủy! Sao tự dưng anh đột ngột bỏ về?
- Thôi, em ơi! Em đừng giấu diếm anh nữa.
- Anh... Anh bảo em giấu...
- Ồ! Anh tiếp được lá thư do chị Lưu đứng tên...
- Chị Lưu...
- Cố nhiên là do một người khác viết dùm chị ấy! Anh đọc xong lá thư, anh rõ hết sự thể ở nhà, và anh lập tức thu xếp, ra về ngay.
Kiều Lê Vân bàng hoàng xúc cảm vì hành động "bí mật" của người làm công nhân từ phúc đức, đã trở thành ân nhân cao quí của nàng.
Nàng kêu như lạc cả giọng:
- Chị Lưu ơi! Chị Lưu ơi!
Đang đứng nghe ngóng ở ngoài cửa, chị Lưu bước vào:
- Tôi đây, mợ gọi gì?
- Chị ơi! Chính chị đã viết thơ cho anh Thủy đó sao? Viết vào lúc nào, mà lại giấu cả tôi vậy?
- Phải, chính tôi gửi thư báo tin cho cậu Cả. Nhưng chẳng phải tôi viết, vì tôi đâu có biết chữ? Tôi chỉ... "lấy trộm" cái phong bì của mợ, trên đó mợ đã viết sẵn tên và địa chỉ của cậu, rồi tôi bỏ vào phong bì; dán tem gửi đi...
- Chị ơi! Chị đã cứu tôi.. Tôi biết tạ ơn chị cách nào cho xứng đây?
- Ồ! Tạ với đáp làm gì? Chúng mình thương nhau như chị em bấy nay mà! Tôi cũng buồn đau trước cảnh tình đau khổ của mợ. Cậu về là êm ấm hết, khỏi còn lo gì nữa mợ ạ! Hãy vui lên đi, cho sức khỏe hồi phục mau chóng.
Kiều Lê Vân ân cần nói lời cảm ơn chị Lưu lần nữa, rồi gục đầu vào ngực chồng. Khang Thu Thủy thở dài:
- Vân ơi! Anh rất có lỗi vì đã để cho em phải chịu biết bao đau đớn nhục nhằn. Đáng lý, anh không nên rời xa em mới phải.
- Anh không thay lòng đổi dạ, ấy là niềm an ủi lớn lao cho em rồi
Nói rồi, hắn đưa tay vuốt tóc vợ, dáng điệu vô cùng thiết tha, như ân hận không có cách gì để đền đáp cho nàng, sau những ngày cơ thể nàng bị mẹ hắn hành hạ, như cắt da xẻo thịt vậy.
Thỏ thẻ tâm tình mấy câu nữa, rồi nàng trở lại vấn đề thực tế:
- Anh Thủy, anh học hành đang còn dở dang, rồi làm thế nào?
- Trừ phi chuyến này thu xếp cho em được yên ổn, gia đình được êm đẹp, anh sẽ tính sau. Nếu không, anh không thèm xuất ngoại tiếp tục học làm chi nữa. Anh quyết không để em phải chịu khổ một lần thứ hai.
- Anh phải qua bên ấy học tiếp mới được. Anh đi rồi, em trở về sống ở bên nhà với ba má là em yên.
- Thôi, hãy tạm gác vấn đề ấy lại. Em hiện còn là một bệnh nhân. Hãy nằm xuống nghỉ ngơi kẻo mệt.
Hắn toan đỡ nàng nằm xuống, nhưng nàng phấn chấn tinh thần, lắc đầu:
- Không! Em hoàn toàn lành mạnh rồi. Em đang chuẩn bị rời bệnh viện, thì anh về.
- Để anh hỏi lại bác sĩ, cho chắc đã.
Đột nhiên, Kiều Lê Vân lại gục đầu vào vai chồng sụt sịt khóc.
- Ủa? Sao thế hả em?...
- Thằng con của chúng ta...
- A! Chị Lưu đã cho anh biết hết rồi. Em đừng quá nôn nóng, khổ thân vô ích. Anh sẽ đi ẵm con về cho em.
- Má sẽ...
- Cả hai "ông bà" đều chưa biết anh bỏ học trở về.
- Không ai có nhà cả sao? Cả Tiểu Mai nữa?
- Không ai có mặt ở nhà hết. Lúc anh về, chỉ thấy có chị Lưu ở nhà. Vừa nghe chị ấy nói em nằm bệnh viện, anh không kịp bước chân vào phòng, lập tức thúc giục chị ấy dẫn anh đến đây.
Thấy chồng rời bỏ Mỹ Quốc, vội vã hồi hương, bỏ cả việc học hành, chỉ vì mình, Kiều Lê Vân xúc động vô cùng. Nếu nơi đây chẳng phải là bệnh viện, nàng đã ôm lấy chồng mà hôn cả trăm ngàn cái rồi. Bấy giờ, thấy nàng ứa lệ ròng ròng, Khang Thu Thủy đưa khăn lau mắt cho nàng và trấn tĩnh:
- Vân ạ, em yên chí đi. Anh đã có biện pháp khiến má anh phải trao trả đứa con cho anh.
- Dù má có điều khắt khe không tốt, anh cũng đừng oán giận má, anh ạ.
- Em thật tốt bụng.
- Em thật không ngờ. Em cứ tưởng: dẫu trong giấc mộng đi nữa, em cũng không dễ gì được thấy anh trở về kịp thời như ngày nay.
- Giờ phút này chúng ta được nhìn mặt cầm tay nhau, là nhờ ơn chị Lưu.
Vợ chồng ríu rít bên nhau một hồi nữa, rồi Khang Thu Thủy như sực nhớ ra:
- Vân ơi! Chứ... ba má ở đâu nhỉ?
- Có lẽ đang đứng ở ngoài kia?
- Để anh ra xem.
Quả nhiên ông bà Văn đang đứng ngoài hiên bệnh viện. Khang Thu Thủy vội chạy tới, thành khẩn tạ lỗi:
- Ba! Má! Tha tội vô lễ cho con.
- Không, không sao mà.
- Hãy trở vào trong ấy, ta nói chuyện.
Ông bà Văn cùng an ủi chàng rể như vậy, rồi cả ba cùng quay vào phòng bệnh với Kiều Lê Vân. Nàng nói chữa thẹn:
- Chúng con tưởng ba má về rồi.
Ông Văn nói:
- Về làm sao được? Còn phải hỏi chuyện anh Thủy đã chứ!
Khang Thu Thủy nói với giọng thành khẩn, cảm động:
- Thưa ba, thưa má, thật lỗi tại con: con đã để cho Vân phải chịu đựng biết bao nhiêu khổ cực ở nhà. Xin ba má hãy trách mắng con đi, cho con vơi bớt nỗi ân hận hối tiếc trong lòng.
Ông Văn khoan hòa nhỏ nhẹ:
- Ba má không hề trách oán con gì cả. Đừng thắc mắc điều đó.
Bà Văn nói tiếp với giọng nhân từ:
- Con nết na tốt bụng như thế, ba má làm sao giận trách con cho được? Chỉ riêng cái tình thương sâu xa chân thành của con đối với em Vân, cũng đủ khiến ba má cảm động rồi.
Kiều Lê Vân vẫn nóng nảy ra về, nên thúc giục:
- Ba má ơi! Con muốn về ngay giờ. Bác sĩ cho biết: con đã có thể xuất viện được rồi. Ba ơi! Ba làm mọi thủ tục cho con về đi! Má, chị Lưu đâu rồi?
Bà Văn nói:
- Chị ấy về nhà rồi.
Khang Thu Thủy bảo vợ:
- Vân ạ, để sáng mai, rồi hãy về. Sáng mai, anh sẽ bế thằng Cao Sơn đến đón em.
Ông Văn muốn nén nỗi thắc mắc, nhưng không được:
- Anh chắc chứ?
- Ba yên lòng. Con đã có biện pháp này, chắc chắn là phải được.
Khang Thu Thủy nói với giọng cương quyết, khẳng định, khiến ông bà Văn yên tâm, và Kiều Lê Vân sung sướng mừng rỡ.
Bà Văn bảo chồng:
- Anh Văn à, chúng mình hãy về trước, để Thủy ở đây với con. Đến tối chúng mình lại vào, cho Thủy về.
- Phải lắm! Mình bàn rất phải.
Ông Văn đáp lời vợ, vào đảo mắt nhìn về cô con gái cưng. Khang Thu Thủy tiễn chân cha mẹ vợ ra cổng bệnh viện. Khi ông bà Văn lên taxi rồi, hắn mới quay vào phòng bệnh:
- Vân ơi! Ba má về rồi.
- Ba má thật đã quá mệt mỏi, cần nghỉ ngơi lắm rồi, nhất là má.
- Chung qui chỉ lỗi tại anh. Nếu anh không rời bỏ em ra đi, thì chẳng xảy ra việc gì hết.
- Thôi, đừng nhắc lại và tự trách như thế nữa anh ạ.
- Em ơi! Kể từ lúc tiếp được thư, anh vội vã thu xếp, lật đật lên máy bay, cho tới khi về đến đây, ruột anh rối lên như mớ bòng bong, thành thử quên hết mọi việc khác. Chẳng mua được chút quà cáp gì về cả...
- Chẳng cần anh tặng cho gì hết. Anh giữ nguyên vẹn tấm lòng về đây với em, ấy là hơn hẳn hết thảy quà cáp quí vật trong trời đất rồi.
Khang Thu Thủy tươi cười bảo vợ hãy nằm xuống như mọi người bệnh trong nhà thương, để hắn ngồi cạnh chăm sóc.
Thôi thì sau nhiều tháng xa cách nhung nhớ, nay được tái ngộ xum vầy, đôi vợ chồng trẻ nỉ non tâm sự, tưởng có thể nói cả tháng liền chưa hết.
Hôm sau, mọi thủ tục xuất viện đã được cha làm xong, Kiều Lê Vân đang ngóng đợi chồng, bỗng thấy gian phòng như sáng rực lên vì cánh cửa mở rộng: Khang Thu Thủy xuất hiện sừng sững đó, tay bồng đứa con trai sơ sinh, đồng thời có tiếng bà Văn sung sướng lẫn cảm động:
- Vân ơi! Chồng con bế con của con, đến đón con về đây này!
- A! Anh Thủy! Đưa thằng Sơn đây cho em!
Khúc ruột bị người ta cắt đứt đem đi mất, giờ lại trở về với nàng, Kiều Lê Vân hồi hộp xúc động, ôm lấy đứa con từ tay chồng. Nàng kề sát má nó vào má mình, như để lắng nghe tiếng động của hai trái tim. Đứa hài nhi mở lớn cặp mắt trong sáng, có cái miệng tươi lên như cười với mẹ nó. Có lẽ nó cũng có cảm giác sung sướng khi được nằm trở lại vào đôi cánh tay mềm dịu của Kiều Lê Vân?
Bấy giờ, chỉ có ông bà Văn và con rể nói chuyện với nhau. Nàng chỉ mải mê ôm ấp cưng nựng đứa con trên tay, như quên cả mọi người có mặt trong phòng vậy.
Khang Thu Thủy hỏi cha vợ:
- Thưa ba, thủ tục xuất viện làm xong chưa ạ?
- Xong cả rồi.
Ông Văn gật đầu với con rể. Bà Văn quay bảo con gái:
- Vân à! Má đã dọn dẹp cái buồng, chuẩn bị đầy đủ cho con rồi đấy.
Kiều Lê Vân chỉ đáp: "cảm ơn má", mà không nhìn lại. Đôi mắt nàng không phút nào rời đứa con trên tay. Ông Văn nghĩ rằng cũng nên nói một câu lấy lệ với con rể:
- Anh Thủy à, ba má nghĩ kỹ rồi: Lúc này cần phải đưa Vân về nhà ở đã, rồi sau sẽ hay.
Khang Thu Thủy lập tức nói:
- Con hoàn toàn muốn như thế! Con rất cảm ơn ba má.
Kiều Lê Vân lúc ấy chỉ biết hôn nựng vuốt ve con, như chẳng nghe chẳng thấy gì ở chung quanh nàng cả. Mọi người phải nhắc nhở nàng sửa soạn để về nhà. Mọi người vui cười sung sướng, cùng nhau rời gian phòng bệnh. Ra đến cổng bệnh viện đã thấy chiếc taxi khác tiến tới, đậu lại; rồi thấy chị Lưu mở cánh cửa bước ra, vai mang tay xách đủ thứ, áo quần vật dụng lỉnh kỉnh... Mọi người thấy thế, đều ngạc nhiên. Kiều Lê Vân vội trao con cho chồng bế, rồi mau mắn bước đến trước mặt người làm công nhân đức trung thành:
- Chị Lưu! Chị định...
- Mợ cả à, tôi được biết sáng nay mợ ra về, tôi đến thăm mợ chút nữa...
Rồi đôi mắt ứa lệ, chị Lưu nói tiếp:
- Bây giờ mọi sự tốt lành êm ả rồi. Cậu mợ và cháu bé đã được đoàn tụ một nhà; tôi cũng vui mừng khôn xiết. Vậy, cậu mợ cứ yên lòng nhé! Bị bà cho thôi việc, tôi vẫn không buồn một mảy may nào, mặc dù tôi đã làm lụng đủ công việc trong nhà, gần hai mươi năm qua, kể cả việc chăm sóc cậu cả từ tấm bé đến lớn khôn.
Khang Thu Thủy tay bế con, chân bước vội tới:
- Chị Lưu! Chị không nên rời bỏ chúng tôi! Vân với cháu bé đang còn cần có chị nhiều lắm.
- Má! Chúng ta...
Không để con gái nói hết, bà Văn bước tới gọi ngay:
- Chị Lưu ơi! Chị về nhà tôi đi! Chúng tôi với các em sẽ không coi chị như một người * tầm thường đâu, chị ạ.
- Tôi... Tôi...
Thấy chị còn ngập ngừng, ông Văn nói tiếp:
- Đừng do dự nữa chị à! Được chị đến sống chung dưới mái nhà nho nhỏ của gia đình, ấy là chúng tôi rất vui thích.
Kiều Lê Vân đưa tay đẩy chị vào xe taxi:
- Lên xe đi, chị! Lên xe đi nào!
Hai chiếc taxi chuyển bánh, rời cổng bệnh viện, để chạy về nhà họ Kiều. Trên không trung, vầng mặt trời ban mai vừa ló ra khỏi đám mây dầy, tỏa ánh sáng tươi đẹp và ấm áp xuống, như thầm chúc mừng hạnh phúc cho cái đại gia đình ấy.
Như Quilliam Shakespeare đã nói:
- "Trong những ngày đen tối, chúng ta đừng để cho cái số phận hẩm hiu tàn khốc nó mừng thầm. Số phận đã đến lăng nhục chúng ta, thì chúng ta cứ giữ thái độ thản nhiên bất cần đời, tức là trả thù nó vậy!"

Hết
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $56,924
Posts: 94112
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong

Previous

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 36 guests