Tiếng Khóc Mồ Côi - Dung Saigon

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Tiếng Khóc Mồ Côi - Dung Saigon

Postby tuvi » 12 Sep 2019

Image

Tác giả : Dung Saigon


Chương 1


Tôi được đem ra khỏi cô nhi viện từ năm tôi tám tuổi. Tiếng ba mẹ đầu tiên tôi được gọi kể từ ngày đó. Thật ra trước ngày mẹ nuôi đến viện xin cho tôi ra, tôi cũng đã được gọi một người đàn bà bằng mẹ, mẹ ruột tôi. Tôi gặp mẹ không quá hai lần trong suốt thời gian tôi sống trong viện, nên tiếng mẹ đối với tôi cũng không làm tôi hình dung nổi một thiêng liêng nào hết. Mẹ trong tôi lúc nào cũng vô tình lạnh nhạt. Mẹ sang trọng rực rỡ. Mẹ với tôi là hai thế giới xa vời. Ơi mẹ. Mẹ như thế đó sao? Mẹ lạnh lùng xa vắng. Mẹ có đầy đủ mọi thứ trên đời, nhưng mẹ không có tình thương của con. Tôi cứ nghĩ thế. Trong trí óc non nớt của một đứa trẻ tám tuổi bị bỏ rơi như tôi, tôi đã cảm thấy được những tủi hổ khôn cùng của những ngày sống trong trại mồ côi vất vưởng. Tôi cứ nghĩ thà tôi không còn mẹ - thà tôi mồ côi thật sự như những đứa trẻ khác - thà tôi không được nhìn mẹ một lần nào để trí óc tôi không bị vướng mắc bởi hình dáng mẹ cùng sự lạnh lùng chối bỏ của mẹ đối với tôi. Tự mẹ, mẹ hành hạ trí óc non dại của tôi, mẹ có biết thế không nhỉ? Lần cuối mẹ đến thăm tôi, như một linh tính bất ngờ tôi thấy mẹ đã xa tôi ngàn dặm và tôi thì rụt rè, ngớ ngẩn đứng nhìn mẹ trân trối. Tôi sợ mẹ tan đi, biến đi, tôi sợ sự Ồn ào của tôi làm phiền lòng mẹ. Nhưng rồi mẹ cũng vẫn bỏ tôi lặng lẽ cho tôi đứng sững nhìn theo bóng mẹ lạnh lùng đi trong nắng. Cơn tức tưởi vỡ òa không kềm giữ. Mẹ Ơi! Mẹ là thế đó. Hình ảnh mẹ trong con là thế đó. Con không níu kéo nổi mẹ, con nghĩ thế. Tôi đã nghĩ như thế. Mẹ bỏ tôi mất rồi, tôi chỉ biết nghĩ thế. Lý dó nào mẹ bỏ tôi vào đây tôi không hiểu. Lý do nào mẹ lạnh lùng xa lạ với tôi, tôi không hiểu, và lý do nào người ta xin cho tôi ra khỏi viện tôi cũng không hiểu nốt. Còn nhớ buổi sáng hôm đó tôi được gọi lên phòng Soeur bề trên. Vừa bước vào cửa, tôi bắt gặp một đôi mắt nhìn tôi đằm thắm. Bên cạnh Soeur, người đàn bà còn trẻ, thật trẻ, cười với tôi. Tôi rón rén lại gần Soeur, người đàn bà lúc ấy vẫn nhìn tôi chăm chú, êm ái. Đôi mắt của bà làm tôi thốt nhớ tới những buổi đến thăm Cô Nhi Viện thường xuyên của bà, và bà cũng đã nhìn tôi bằng đôi mắt êm ái. Cái nhìn làm tôi mủi lòng không ít.

- Tuyên, lại đây Soeur bảo.

Tôi đứng ngơ ngác bên Soeur, Soeur chỉ người đàn bà:

- Bà đây muốn xin con về làm con nuôi, con chịu không?

Tôi đứng im không nhúc nhích. Tôi không biết, không biết gì hết. Người đàn bà kéo tôi lại gần, âu yếm hỏi tôi:

- Con tên Tuyên phải không?

Tôi gật đầu:

- Dạ.

- Tuyên về làm con nuôi tôi nhé.

- Dạ.

Tôi dạ thật bất ngờ. Người đàn bà reo lên:

- A! Tuyên chịu rồi, từ nay Tuyên sẽ là con gái của mẹ.

Tôi ngu ngơ không thấymột chút xôn xao nào. Trí óc tôi nhỏ bé quá, nhỏ như sự gầy yếu khổ sở của tôi mà thôi. Tôi chỉ nghĩ đến chuyện được ra. Tôi chỉ nghĩ đến buổi sáng, buổi chiều, buổi tối không phải nhìn thấy nét mặt lạnh lùng nghiêm khắc của các Soeur là được.

Người đàn bà và Soeur bàn tính thì thầm, một lát người đàn bà nắm tay tôi:

- Mẹ đã lo giấy tờ xong cả, Tuyên chào Soeur đi rồi về với mẹ.

Tôi vòng tay chào Soeur,lời nói lí nhí sợ sệt, Soeur cười cởi mở - nụ cười lần đầu tiên tôi nhìn thấy ở nơi Soeur.

- Tuyên có nhớ Soeur không?

Tôi gật đầu trong cái chớp mắt bâng khuâng:

- Thưa Soeur có.

- Từ nay Tuyên có mẹ rồi phải ngoan nhé.

- Dạ.

- Thỉnh thoảng xin phép mẹ đến thăm Soeur nhé.

- Dạ.

Tôi dạ liên hồi, dạ như cái máy. Chưa bao giờ tôi được Soeur hỏi han ân cần âu yếm như hôm nay, chưa bao giờ tôi được dạ, vâng thoải mái như lúc này. Thế mà tôi không cảm thấy sung sướng, tôi không còn trí óc để cảm nổi một điều gì khác. Tôi dại khờ ngơ ngác, tôi ngu đần mờ mịt trước người đàn bà nhận tôi làm con và đang xưng Mẹ với tôi. Ôi, tiếng Mẹ không bao giờ còn làm tôi bồi hồi nữa cả.

Soeur tìm trong ngăn tủ riêng cho tôi mấy bức ảnh màu thật đẹp. Có một bức ảnh Đức Mẹ Maria phóng to, Soeur dặn tôi phải giữ gìn cẩn thận nhất. Tôi hứa với Soeur là tôi sẽ luôn luôn giữ trong người tôi. Ôm những bức hình trong vòng tay, những bức hình làm tôi thấy lưu luyến muốn khóc làm sao ấy.

- Soeur cho con để kỷ niệm.

Lời Soeur nói thật ngọt, tôi òa khóc như vỡ bờ:

- Thôi, con ở lại với Soeur, Soeur ơi.

Nhưng Soeur và người đàn bà đã đẩy tôi ra khỏi cánh cổng Cô nhi vịên. Lúc lên xe, tôi ngưng khóc nhìn dáo dác hai bên đường. Con phố nào cũng ồn ào đông đúc hơn trí tưởng tượng của một con bé con tám tuổi như tôi. Con đường nào cũng làm tôi ngơ ngác, lạ lùng được hết. Tôi ngồi như thế và quên lãng đi tất cả, không còn mang cảm giác đang ngồi bên một người lạ. Một người sẽ là mẹ tôi. Người đàn bà thỉnh thoảng lại vuốt tóc tôi, chép miệng:

- Tội nghiệp, con bé bỏng dại khờ quá đi mất.

Tôi ngồi im trong những vuốt ve êm dịu của bà. Tôi vẫn chưa dám gọi bà bằng Mẹ, nhưng bà thì luôn mồm gọi tôi bằng con. Tiếng con ngọt ngào như đường, ru tôi vào những ước ao nhỏ bé.

Căn nhà ở một khoảng đường vắng, nguy nga và đồ sộ. Tôi choáng người đi vì những đồ vật lạ mắt và không khí lạnh lẽo của căn nhà quá rộng. Người đàn bà nắm chặt đôi tay gầy gò của tôi như thể sợ tôi tan mất đâu đó. Tôi run rẩy đến bàng hoàng lúc bước vào cửa, một con chó trắng nhẩy cỡn lên người tôi và một người đàn bà chạy xổ ra trợn mắt quát chó:

- Mino, không được ồn.

Người đàn bà cười nhẹ nhàng:

- Mino nó mừng con gái cưng của tôi đó, chị Sáu.

Chị Sáu bây giờ mới nhìn đến tôi, ánh mắt của chị làm tôi run rẩy sợ sệt y như lúc còn ở trong viện mỗi lần các Soeur nhìn chúng tôi. Tôi nép sát vào cánh tay người đàn bà. Trong căn nhà lạnh lẽo này, tôi chỉ còn nhận thấy người đàn bà là tôi quen và che chở cho tôi mà thôi. Người đàn bà lại ngọt ngào:

- Sao, chị Sáu, chị đừng làm cho em Tuyên sợ chứ.

Chị Sáu giật mình, cố nở một nụ cười:

- Dạ, không, thưa bà, tôi thấy em Tuyên thật giống...

Chị Sáu ngập ngừng chưa nói hết câu, người đàn bà đã vội lắc đầu:

- Thôi, từ nay tôi giao em Tuyên cho chị săn sóc.

Tôi suýt òa khóc để phản đối lời nói của người đàn bà, nhưng bà đã kéo tay tôi vào một căn phòng nhỏ bỏ trống, bà bảo:

- Đây là phòng của con.

Tôi nhìn căn phòng như nhìn một sự vật lạ lạnh lùng, không nghe một cảm xúc nào hết.

Người đàn bà chỉ tiếp vào tủ quần áo.

- Đây là tủ quần áo của con, mẹ đã may sẵn cả, con mở ra xem.

Tôi mở tung cánh cửa tủ, một con thằn lằn búng mình nhảy tách lên người tôi. Tôi kêu rú lên sợ hãi ngồi phịch xuống đất.

Người đàn bà cuống quít, xanh xám mặt mày:

- Con, con ơi, con ơi, con làm sao thế?

Tôi lắp bắp:

- Không, con... con không sao cả.

Chẳng biết người đàn bà có nghe tôi nói gì không? Mặt bà tái dần đi, chìm vào nét xa vắng lạnh lùng. Tôi rón rén ngồi dậy đến gần bà. Trong khoé mắt dại khờ của bà có hai giọt nước mắt long lanh, tôi gọi nhỏ trong cổ họng:

- Bà ơi, bà làm sao thế?

Nhưng lúc này, người đàn bà - Mẹ nuôi tôi - xa tôi quá chừng. Xa như bà chưa hề nhận tôi làm con và tôi chưa hề gọi bà bằng Mẹ vậy.

Tôi đã bình tĩnh trở lại trong khi Mẹ nuôi tôi vẫn đứng đó im lìm xa vắng. Nhìn đống quần áo xếp ngay ngắn gọn gàng trong tủ, tôi nghe thích thú nồng nàn. Ướm thử một chiếc áo đầm lên người - chiếc áo thật vừa cao nhưng hơi rộng bề ngang - một chút xíu thôi. Gía tôi mập lên chừng một hai ký nữa, hẳn chiếc áo phải vừa vặn vô cùng.

Người đàn bà đã đứng sau lưng tôi. Tôi nhìn thấy bà trong tấm gương lớn trước tủ quần áo. Đôi mắt bà đã mất vẻ xa xăm rồi. Bà hỏi tôi:

- Quần áo Mẹ may sẵn con mặc vừa không?

- Dạ vừa.

- Con thích không?

- Dạ thích.

- Đồ chơi của con ở đằng kia.

Tôi lại bỏ tủ quần áo để theo bà đến tủ đồ chơi. Những cô bé búp bê mắt nhắm mắt mở, mái tóc giả óng ánh bạch kim, bé bỏng, tròn trĩnh chất đầy trong ngăn. Những cô búp bê này rực rỡ dễ thương quá, tôi mân mê mái tóc cô bé, đôi mắt cô bé tròn xoe với hai hàng lông mi dài cong vút. Tôi bế cô bé hôn nhẹ lên đôi mắt rồi để lại chỗ cũ nhẹ nhàng.

- Con gái Mẹ trông cũng dễ thương như những búp bê trong tủ đó.

Người đàn bà nói và vuốt ve những sợi tóc rối của tôi. Mái tóc cong queo chết cứng vì không có bàn tay Mẹ chăm sóc đó hẳn làm bà thương tôi hơn - đã làm tôi thấy ấm lòng hơn. Ôi. Bàn tay Mẹ - bàn tay Mẹ như một phép nhiệm màu biến mái tóc khô cằn của con thành óng mượt thơm tho, biến đôi mắt ngu ngơ của con thành long lanh trong sáng. Người đàn bà này đang đóng vai Mẹ. Tôi đang đóng vai con. Tôi cần Mẹ, tôi bé bỏng dại khờ nên tôi cần Mẹ, cần quá sức, Mẹ Ơi. Bằng tuổi tôi, những đứa trẻ khác còn được vòi vĩnh nhõng nhẽo Mẹ đủ thứ, còn đựơc Mẹ vỗ về âu yếm như một cô công chúa nhỏ hay hờn dỗi. Riêng tôi thì không - riêng những đứa trẻ bằng tôi và nhỏ hơn tôi ở trong Viện thì không. Chẳng bao giờ dám dỗi hờn nhõng nhẽo ai cả. Lúc nào cũng âm thầm nhút nhát, lúc nào cũng lấm lét sợ sệt. Ở trong viện, các bà Soeur nghiêm khắc lạnh lùng như những người không tình cảm, nên có lẽ vì thế mà tôi bị lạnh lùng theo, trí óc tôi sớm khôn hơn những đứa trẻ có đầy đủ gia đình.

Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, người đàn bà gọi tên tôi. Tôi ngước nhìn bà bằng đôi mắt ngơ ngác. Bà nói với tôi:

- Từ nay con sẽ được sung sướng.

Trời ơi, tôi muốn kêu lên cho tiếng kêu của tôi vỡ òa những sợ sệt nhút nhát. Tôi sẽ được sung sướng. Con bé mồ côi như tôi mà sẽ được sung sướng nhỉ? Tôi nghe rưng rưng như mình đã khóc.

Tôi không biết tôi đựơc mang họ mẹ hay họ cha trong người. Tôi chỉ biết tôi họ Hoàng. Các Soeur viết tên tôi là Hoàng thị Ngọc Tuyên. Mấy chị lớn trong Viện mồ côi khen tên Ngọc Tuyên đẹp và có chị còn thầm thì với nhau "chắc mẹ con bé đẹp lắm nên tuy ở trong Viện sống nhem nhuốc mà trông con bé vẫn nổi bật lên giữa đám trẻ nhỏ bị bỏ rơi này". Tôi không hình dung ra được nét đẹp của Mẹ tôi, tôi chỉ nhớ hình như Mẹ tôi có đôi mắt buồn lắm thì phải, và dáng Mẹ thanh thanh sang trọng mỗi lần đến thăm tôi. Tôi nhớ Mẹ có thế thôi. Người đàn bà Mẹ nuôi tôi cũng cùng dáng người như Mẹ, nhưng ánh mắt của bà đôi lúc vẫn làm tôi hốt hoảng vu vơ làm sao đó. Đôi mắt bà đôi khi như không có hồn, như không nhìn thấy ai hết cả vậy.

Mẹ gọi chị Sáu vào lo tắm rửa và sửa soạn quần áo cho tôi. Tôi theo chị bước ra khỏi căn phòng để bắt đầu một cuộc sống mới mẻ.

Bữa cơm chiều có mặt người đàn ông. Thoạt nhìn tôi đã thấy lòng dịu đi vì dáng người và đôi mắt bao dung của ông. Mẹ nắm tay tôi ra đón ông trước cửa, giọng Mẹ hân hoan reo vui như chim non:

- Này mình, đây là con gái cưng của chúng ta.

Rồi bà đẩy tôi:

- Ra chào Ba đi con.

Người đàn ông sựng nhìn tôi không chớp mắt, cử chỉ đó của ông làm tôi sờ sợ.

- Kìa anh...

Mẹ hơi cau mày nhắc khẽ. Người đàn ông chợt cười vang. Mẹ vỗ về tôi:

- Chào Ba đi, đừng sợ, Ba cũng sẽ thương con như Mẹ đã thương con thế.

Tôi ấp úng tiếng Ba mãi không thành lời. Người đàn ông cúi sát mặt tôi, nhìn sâu trong đôi mắt và hôn nhẹ lên mắt tôi:

- Con gái Ba thật là xinh.

Rồi một tay ông dắt tay tôi, một tay ông dìu Mẹ vào nhà.

Bữa ăn tàn theo những tiếng cười không dứt của Ba Mẹ nuôi tôi. Nhìn ánh mắt long lanh và nụ cười tươi tắn của bà, tôi lại nghĩ về Mẹ tôi. Một người vứt bỏ tôi, còn một người đem tôi về đóng khung tôi trong vàng son sung sướng. Chẳng biết điều đó có là diễm phúc của tôi không?

Tôi chưa biết gọi ai bằng Ba - trừ người đàn ông này - nên tiếng Ba mở đầu vừa khó khăn vừa làm tôi cảm động muốn òa khóc. Tôi yêu tiếng Ba ngay từ bây giờ, tôi thương ông như thể ông là thân thích ruột thịt của tôi vậy. Với Mẹ nuôi, tôi chưa cảm thấy nổi một sự thân thiết nào hết. Có lẽ tại Mẹ mà tôi có thành kiến với bà. Vì sự lạnh lùng vứt bỏ tôi mà tôi mang mặc cảm với Mẹ nuôi tôi.

Ăn cơm xong, người đàn ông ngồi trong salon, một bên là Mẹ và tôi được chen vào giữa hai người.

- Con tên gì?

Người đàn ông hỏi thật dịu dàng. Tôi nói nhỏ:

- Dạ, Tuyên.

- Tuyên họ gì?

- Họ Hoàng.

- Hoàng à?

- Dạ.

Tôi thoáng thấy đôi lông mày người đàn ông nhíu lại. Mẹ đỡ lời tôi:

- Con mình tên xinh lắm, Hoàng thị Ngọc Tuyên. Mai mốt anh đi làm giấy khai sinh mới để đổi họ cho con anh nhé.

Người đàn ông gật gù nhìn tôi, một lát ông nâng cằm tôi lên, vuốt ve lên má:

- Từ nay Tuyên mang họ Nguyễn. Nguyễn Đăng Ngọc Tuyên, Tuyên chịu không?

Tôi gật đầu mái tóc lung lay:

- Dạ.

- Con ngoan lắm.

Tôi ngồi lặng thinh. Họ là gì? Họ nào với tôi chả là họ. Họ nào thì tôi cũng chỉ là một con bé mồ côi bị bỏ rơi tàn nhẫn. Họ nào thì tôi cũng không có cha, có mẹ. Từ nay tôi là con chính thức của gia đình họ Nguyễn Đăng rồi.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong

Re: Tiếng Khóc Mồ Côi - Dung Saigon

Postby tuvi » 12 Sep 2019

Chương 2

Tôi mang họ Nguyễn kể từ ngày ba mẹ nuôi khai sinh cho tôi là con chính đến giờ. Đã gần bốn năm rồi tôi sống trong sự săn sóc thương yêu của ba mẹ nuôi tôi. Gần bốn năm trí óc tôi mơ hồ hình ảnh Mẹ. Đôi khi tôi chợt buồn, bâng khuâng nhớ Mẹ. Sống trong sung sướng tôi vẫn còn nhớ đến Mẹ. Nỗi nhớ âm ỉ trong hồn tôi.

Tôi được đi học buổi sáng - buổi chiều tôi có cô giáo dạy kèm. Cô giáo tên Ngạ Tôi không yêu bà mẹ nuôi, dù bà rất thương yêu chiều chuộng tôi, nhưng tôi yêu cô giáo Nga, tôi yêu cô từ ngay buổi đầu cô đến dạy tôi học. Cô có đôi mắt thật buồn và nụ cười thật xinh xắn. Cô Nga ít nói, đôi lúc tôi thấy cô trang nghiêm như một nhà lãnh tụ Cô Nga ít nói chuyện với tôi - điều đó không làm tôi xa cách cô chút nào mà vô hình chung tôi thấy tôi thật gần cô, thật hợp với cô và thật thương cô vậy. Cô Nga có dáng người nhỏ, gầy và cao, mái tóc cúp ôm hai bờ má tròn duyên dáng. Nụ cười cô dễ thương nhưn những cô búp bê trong tủ. Tôi yêu cô, tôi thương cô, tôi mến Mẹ. Trong gia đình này tôi chỉ thật lòng yêu cô và ba mà thôi. Cô Nga không biết tôi là con nuôi. Và chính tôi, đôi lúc tôi cũng quên mình là con bé bị bỏ rơi từ trong Cô nhi viện nữa, tôi cứ tưởng như tôi là con ruột của ba tôi không bằng vậy. Nên với cô Nga, tôi không bao giờ kể cho cô nghe về dĩ vãng buồn khổ của tôi cả. Tôi sợ khi biết tôi chỉ là con bé mồ côi cô Nga không còn thương tôi nữa. Chỉ nghĩ đến đìêu đó thôi mà tôi đã thấy buồn muốn khóc rồi. Tôi sợ quá, lo quá. Ở đây gần bốn năm tôi hoàn toàn lột xác. Tôi đã mập thêm và tròn trĩnh hồng hào. Tôi đã từ một con bé lọ lem biến thành cô công chúa nhỏ ngoan ngoãn của ba mẹ.

Dạo này ba đi vắng liên miên. có khi hai ba ngày tôi mới được gặp ông. Lần nào cũng thế, Ba về, bước chân ông reo vui từ ngoài cổng. Tôi hớn hở cùng mẹ tung tăng chạy ra đón bạ Nụ cười ba thì bao giờ cũng ấm cúng và cởi mở - không bao giờ ba quên hôn lên má tôi và dìu mẹ vào nhà.

Hôm qua, trước khi đi ba dặn tôi:

- Hôm nay mẹ mệt, con phải ngoan và đừng làm ồn ào nghe.

Tôi dạ nhỏ. Ba gọi chị Sáu vào và dặn dò những gì tôi không nghe rõ. Tôi chỉ thấy chị Sáu cúi đầu dạ, vâng luôn miệng. Lúc ba quay đi, chị Sáu ngập ngừng:

- Bà mệt, ông không thể ở nhà vài hôm được à?

Khuôn mặt ba đăm chiêu, đôi mắt ba thoáng nét buồn buồn, ba bảo:

- Tôi thu xếp công việc, ngày mai trở về. Chị nghe lời tôi dặn, lo cho bé Tuyên cẩn thận và săn sóc bà. Sáng mai tôi về.

Tôi vào phòng thăm mẹ lúc ba đi khỏi. Mẹ nằm đọc báo trên ghế dựa, đôi chân mẹ duỗi dài trắng nõn và có những đường gân xanh kéo dài. Nghe tiếng động, Mẹ buông tờ báo thật nhanh, đôi mắt thoáng hớt hải dại khờ. Trong một phút tôi thấy sợ hãi đôi mắt của Mẹ, tôi bước lùi sau cửa một bước. Mẹ vẫy tôi:

- Lại đây, Tuyên.

Tôi rón rén lại gần:

- Ba đi rồi hả?

- Dạ.

- Ba có nói bao giờ ba về không?

- Dạ sáng mai ạ.

- Cô giáo đến chưa?

- Dạ chưa.

Mẹ nhìn bâng quơ ra cửa:

- Hôm nay cô Giáo tới trễ nhỉ?

Tôi vội bênh:

- Thưa Mẹ, chưa đến giờ cô giáo dậy.

- Thế à.

Tôi ngồi xuống mép giường:

- Mẹ khỏe không Mẹ?

Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên:

- Không, Mẹ có sao đâu.

- Con thấy trưa nay Mẹ ăn cơm ít.

Mẹ cười:

- À, à, Mẹ nhức đầu chút xíu. Tuyên con ra nói chị Sáu pha cho Mẹ ly nước cam. Tự nhiên Mẹ nhức đầu quá.

Tôi chạy xuống bếp gọi chị Sáu vang nhà. Lúc trở lên thì cô Nga đã đến. Cô cầm một bông hồng đỏ thật đẹp. Tôi reo lên:

- Trời ơi, cô có bông hồng đẹp quá.

Cô Nga cười, hỏi tôi:

- Tuyên thích không?

Tôi rụt rè:

- Dạ thích.

- Kiếm cho cô cái ly cô cắm để bàn học cho Tuyên.

Tôi dạ vang. Chạy vào phòng Mẹ báo tin cô Nga đã đến. Mẹ gật đầu:

- Ừ, con ra học đi.

Tôi ghé sang phòng tìm cho cô Nga một cái ly đẹp. Cô cắm trong ly một bông hồng đỏ đứng chơ vơ trông ngộ nghĩnh làm sao. Tôi nói với cô Nga:

- Em thích hoa hồng ghê cô ạ.

Cô Nga gật đầu:

- Cô cũng thế, Tuyên biết tại sao không?

Tôi lắc đầu:

- Không

- Để hôm nào co okể cho Tuyên nghe.

Tôi nhõng nhẽo:

- Cô kể bây giờ đi cô.

Cô Nga chớp chớp đôi mắt, nhẹ nhàng:

- Thôi để hôm khác, bây giờ chúng ta bắt đầu học bài.

Toi giở sách vòng tay bên cạnh cô nghe cô giảng bài. Giọng cô thật êm, thật đều đặn. Tôi ngồi nhìn cô và thấy lòng rưng rưng thương nhớ một đìêu gì.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Tiếng Khóc Mồ Côi - Dung Saigon

Postby tuvi » 12 Sep 2019

Chương 3

Sáng nay trời bỗng mưa, cơn mưa kéo dài cho tới trưa vẫn không ngớt. Tan học, tôi đứng chờ chị Sáu đến đón, nhưng chờ mãi, cơn mưa đã ngớt mà chị Sáu vẫn chưa đến. Sân trường vắng hoe, bạn bè về gần hết. Tôi liều băng mưa về một mình. Lần đầu tiên tôi dám liều lĩnh như thế. Con đường từ trường về không xa mấy. Tôi đi bộ mà sao thấy thật mau, thật ngắn, thật tiếc nuối đoạn đường thong thả một mình.

Về đến nhà, tôi thấy chị Sáu đứng ngơ ngác trước cửa. Thấy tôi ướt đẫm chị tròn mắt:

- Mẹ đâu, Tuyên?

Tôi lắc đầu:

- Em không biết.

- Tuyên về một mình à?

- Dạ.

Chị Sáu hốt hoảng:

- Chết, ai cho Tuyên về một mình thế hở?

- Tại chị không đón em.

- Mẹ đón Tuyên hôm nay mà.

- Em không thấy mẹ, chờ lâu quá nên em về trước.

Rồi tôi hồn nhiên đề nghị:

- Từ nay chị khỏi đưa đón em đi học nữa nghe. Em đi và về một mình được rồi.

Chị Sáu hình như không nghe lời đề nghị của tôi mà cứ mãi nhìn ra đường, đôi mắt thoáng vẻ lo lắng ngóng đợi. Tôi phải gọi chị Sáu, chị Sáu hai ba lần chị mới quay lại.

- Từ nay em đi về một mình nghe.

Chị Sáu cau mặt:

- Đứng nói nhảm, vào đây chị gội đầu chọ Mẹ biết Tuyên về một mình thế này mẹ mắng chết.

Tôi theo chị Sáu vào nhà:

- Tại sao hôm nay mẹ đi đón Tuyên thế hở chị Sáu?

Chị Sáu lắc đầu:

- Chị không biết. Mẹ đâu đấy, bệnh Mẹ đã tái phát trở lại.

Tôi tròn mắt:

- Bệnh cũ của mẹ là bệnh gì hở?

- Bệnh...

Chị Sáu chợt ngừng ngang, tôi dục mãi chị mới nói xuôi:

- Ờ, ờ, bệnh đau đầu.

Tôi không hỏi tiếp nữa. Tắm rửa thay quần áo cho tôi xong, chị Sáu bảo tôi:

- Ba về rồi đó, Tuyên lên phòng chào Ba đi.

Tôi reo to mừng vui chạy ào lên phòng. Ba ngồi trầm ngâm trong salon hút thuốc. Tôi đứng bên cạnh mà hình như Ba không biết. Tôi gọi nhỏ:

- Ba...

Ba nhìn tôi, đôi mắt ông thoáng mừng:

- À, con. Mẹ về chưa?

Tôi buồn buồn:

- Dạ chưa.

- Sao chị Sáu nói Mẹ đi đón con.

Tôi lắc đầu và mang cảm tưởng Ba không thương tôi như tôi hằng tưởng,

Ba thương Mẹ.

- Con không biết Mẹ đi đón.

- Con về với ai?

- Dạ, một mình.

Ba đứng vụt đậy nhìn ra cửa lẩm bẩm:

- Chị Sáu thật tệ, đã dặn như thế rồi mà cứ để cho Phượng đi.

Rồi Ba gọi to giọng:

- Chị Sáu.

Chị Sáu tất tả chạy lên:

- Nhà tôi đi từ bao giờ?

- Dạ, bà đi từ lúc 11 giờ hơn.

- Tại sao chị để cho bà đi, chị không thấy trời mưa sao?

- Dạ, tôi có ngăn nhưng bà nhất định mặc áo ra đường, tôi không cản nổi.

Ba ôm đầu khổ sở:

- Chị không nhớ, không biết gì hết sao?

Chị Sáu im lặng như người nhận tội. Tôi đứng im ngơ ngác, lạc lõng không hiểu gì cả. Sự giận dữ của Ba quá bất ngờ đối với tôi. Nét khổ sở lo lắng của ba Khiến tôi vừa thương vừa sợ Ông. Tôi không hiểu tại sao ba lại lo lắng thái quá như thế. Cũng như chị Sáu đã lo lắng từ lúc thấy tôi về một mình giữa cơn mưa mà không thấy Mẹ. Điều gì đã làm cho mọi ngừơi lo sợ. Mẹ đến trường không thấy tôi rồi Mẹ về chứ có sao đâu. Tôi không nghe một chút lo lắng nào cả. Hình như giữa tôi và Mẹ, tôi không cảm thấy một sự liên hệ mật thiết nào. Hình như có một cái gì xa vời ngăn cách không cho tôi đến gần mẹ, không cho mẹ đến gần tôi thì phải. Sự xa cách đôi lúc cho tôi mang cảm tưởng chưa bao giờ mẹ nhìn thật khuôn mặt tôi. Lúc nào bà cũng như người sống trong ảo mộng sao đó. Và, tôi cũng chỉ là cái ảo mộng của bà mà thôi.

Tôi giữ kỹ những điều tôi cảm thấy mà không nói cho ai nghe, kể cả cô Nga là người mà tôi thương mến nhất, rồi đến Ba và chị Sáu.

Có một điều, sống ở đây tôi đầy đủ hết mọi thứ, nhưng tôi không có bạn. Không có một đứa bạn nào hết. Ngoài cô giáo Nga đến với tôi mỗi buổi chiều một vài tiếng, tôi lủi thủi một mình. Lúc nào thì tôi cũng chỉ lủi thủi một mình như thế. Ngày ở trong Viện tôi đã sống câm lặng, cô độc giữa đám trẻ bằng tuổi tôi mặc dù tôi quá nhỏ, quá dại khờ, nhưng những tủi cực đã làm tôi già dặn hơn số tuổi, đã thấy tôi buồn bực khổ sở ngay từ năm Mẹ bỏ tôi không bao giờ đến nữa. Trí óc tôi khôn ra kể từ ngày đó.

- Để tôi đi tìm bà.

Chị Sáu nói, Ba gạt ngang:

- Thôi, chị để tôi.

Và Ba lấy áo mưa xăm xăm bước ra cửa. Tôi nhìn ra đường, gọi giựt Ba:

- Ba.

- Gì con.

- Mẹ về kìa.

Tôi chỉ. Chị Sáu và Ba cùng sáng mắt. Ba chạy bổ ra cửa, tôi chạy theo Ba rồi đến chị Sáu.

- Phượng!

Ba gọi Mẹ, tôi bắt chước Ba chạy lại nắm bàn tay Mẹ gọi rối rít. Nhưng hình như Mẹ không nhìn thấy ai cả. Đôi mắt Mẹ hớt hải vô hồn. Đầu tóc mẹ lấm tấm những giọt nước mưa. Chị Sáu đỡ chiếc áo mưa nơi tay Mẹ, Ba ôm vai Mẹ dỉu vào nhà mà Mẹ vẫn không nói một câu nào hết. Ba nhỏ nhẹ thủ thỉ bên tai Mẹ:

- Trời mưa mà em đi đâu lâu thế?

Mẹ trả lời thật lạc lõng:

- Trời này thật độc, à, con về chưa anh?

- Có, nó về rồi.

Mẹ hỏi mà vẫn không nhìn tôi:

- Con bị cảm hả, đâu, nó đâu?

Ba gọi:

- Tuyên, Tuyên lại gần Mẹ đi.

Tôi đứng sát bên Mẹ, nắm bàn tay lạnh giá của bà:

- Con đây, Mẹ!

Tôi không nghe một lời nói nào của Mẹ cả, đôi mắt Mẹ nhìn bâng quơ ra cửa, tôi thấy buồn tủi làm sao ấy. Sự lạnh lùng này kể từ ngày về làm con trong gia đình tôi mới bắt gặp. Chị Sáu nhẹ nhàng đẩy tôi ra xa trong lúc Ba buồn trông thấy.

- Chị Sáu đưa bà vào phòng nghỉ hộ tôi.

Ba nói, chị Sáu dìu Mẹ vào phòng. Mẹ đi theo như người không phản ứng. Một lát chị chạy ra mếu máo:

- Thưa ông, bà không chịu nằm nghỉ mà cứ ngồi khóc hoài.

- Thôi được, chị để tôi.

Và quay sang tôi, Ba dịu dàng:

- Con bảo chị Sáu dọn cơm ăn trước đi nghe, ba vào thăm Mẹ.

Tôi nắm tay ông:

- Con chưa đói, con vào thăm Mẹ với Ba và chờ Ba cùng ăn cơm.

Ba nhìn tôi, ngần ngừ một lát và cho tôi theo ông vào phòng Mẹ. Mẹ ngồi lặng thinh trên ghế dựa, đôi mắt lạc lõng dại khờ, tôi sợ đôi mắt Mẹ những lúc này nhất. Ba đẩy tôi đến gần Mẹ, bà vẫn như không thấy tôi, Ba vỗ nhẹ lên vai bà:

- Em nằm nghỉ cho khỏe nhé!

Mẹ chợt ngước nhìn tôi và nhìn Ba hỏi:

- Anh đem con đi bác sĩ chưa?

Ba nhỏ nhẹ:

- Không, con khỏe mạnh làm sao phải đi bác sĩ.

- Anh lại dấu em rồi, con bị sốt thương hàn nặng như thế mà anh không lo lắng gì cả.

Mẹ nói và thút thít khóc. Tôi ngẩn ngơ theo từng lời nói lạ lùng của Mẹ. Thật tình, tôi không hiểu gì hết, tôi muốn khóc quá đi mất, tôi sợ hãi quá đi mất. Mẹ nói những gì như người không còn trí nhớ, mặt Mẹ tái ngắt, đôi mắt mẹ lửng lờ như không nhìn thấy ai.

- Tuyên, lại đây.

Ba vẫy tôi. Tôi rụt rè đứng trước mặt Mẹ. Bất chợt bà nắm cứng bàn tay tôi hỏi dồn:

- Con tôi, con đây hả?

Tôi cắn răng rơm rớm nước mắt:

- Dạ, Tuyên đây Mẹ.

- Con có làm sao không?

- Dạ không.

- Con có thích gì không?

- Dạ không.

- Con đừng bỏ Mẹ nhé, con nhé. Mẹ chỉ có một mình con thôi, con bỏ Mẹ, Mẹ chết mất. Gật đầu đi con, con cười đi con.

Tôi gật đầu rồi tôi cười. Tôi vẫn không hiểu gì cả. Tôi sợ quá, tôi lo lắng quá. Mặt Ba âm thầm buồn bã khiến tôi mủi lòng hơn. Đôi mắt mẹ lạc lõng trên khuôn mặt tôi. Mẹ không bao giờ nhìn thấy tôi cả. Mẹ như người trong mơ mộng nào đầu không. Tôi nhăn mặt khi bàn tay Mẹ nắm tay tôi quá chặt. Ba gỡ tay tôi ra khỏi tay Mẹ một cách dịu dàng:

- Thôi em, để cho con ra ăn cơm, em nằm nghỉ cho khỏe. Anh gọi chị Sáu pha sữa cho em nhé.

Bàn tay mẹ buông thõng. Tôi lùi lại một bước, Ba bảo tôi:

- Con ra bảo chị Sáu pha sữa cho Mẹ rồi chờ Ba cùng ăn cơm.

Tôi mệt nhọc bước ra khỏi phòng với trăm ngàn ý nghĩ khó hiểu. Với khuôn mặt mẹ ngơ ngác vô hồn. Với nét mặt buồn khổ của Ba cùng sự lo lắng của chị Sáu. Tôi muốn khóc quá sức. Lúc này nhớ cô Nga làm sao. Giá có cô Nga, tôi thấy được an ủi phần nào, tôi đỡ bị lạc lõng một phần nào. Hình như trong cơn mệt bất thường của Mẹ, mọi người bỏ rơi tôi, không còn ai nhìn thấy sự hiện diện của tôi trong căn nhà này nữa. Nỗi buồn tủi bỗng đâu ập đến cho tôi bật khóc một mình.

Buổi trưa tôi không ngủ trong phòng. Ăn cơm xong tôi ngồi ở salon và ngủ gục ở đó. Chị Sáu đánh thức tôi dậy khi cô Nga đến. Tôi nhìn trong mắt cô nỗi hốc hác buồn phiền, tôi chỉ muốn ôm cổ cô mà khóc. Nhưng cô Nga lặng lẽ vào bàn học, và tôi cũng lặng lẽ theo cô, ngồi bên cô, nghe tiếng giảng bài êm ái của cộ Lúc cô ngừng, tôi chợt nao nao bứt rứt khi nhìn trong mắt cô hai giọt nước mắt long lanh. Cô giáo khóc. Tại sao cô khóc thế nhỉ? Tôi thương cô quá. Em thương cô giáo quá, cô giáo biết thế không?

Chị Sáu pha cho cô Nga và tôi mỗi người một ly nước đá chanh. Tôi nói với cô Nga là mẹ đau. Nhưng tôi không nói là mẹ hay lảm nhảm như người điên. Cô Nga vuốt má tôi bảo:

- Tuyên đưa cô vào thăm Mẹ nhé.

Tôi ngập ngừng, cô Nga dục:

- Đi Tuyên, đưa cô vào thăm Mẹ chứ.

Tôi miễn cưỡng đưa cô Nga đi. Ba bỏ cả ngủ trưa để ngồi canh chừng Mẹ. Thấy tôi đưa cô Nga vào, ba kéo ghế mời cộ Cô Nga ngồi khép nép một bên ghế, nhỏ nhẹ:

- Tôi vừa nghe em Tuyên nói bà bị đau, chắc bà đã đỡ rồi ạ.

Ba buồn buồn nói với cô Nga:

- Nhà tôi bị mệt thần kinh nên thỉnh thoảng lại trở bệnh một lần. Kể từ ngày cháu...

Ba chợt im nhìn tôi rồi lảng sang truyện khác:

- Cháu Tuyên dạo này học hành có tấn tới không cô?

- Thưa ông, em Tuyên học khá lắm ạ. thông minh và ngoan lắm.

- Vâng, cháu mến cô nhất, lúc nào cũng nhắc cô Nga không à.

Tôi len lén nhìn cô giáo và bắt gặp cô mỉm cười êm ái với tôi. Tôi dịu đi trong nụ cười đó.

Ra khỏi phòng Mẹ, tôi bỗng có ý định nói cho cô Nga nghe về Mẹ - Mẹ như người dại khờ không trí nhớ - mẹ lảm nhảm như người khùng người điên vậy. Tôi muốn nói cho cô Nga nghe tôi không phải là con ruột của gia đình Nguyễn Đăng. Tôi chỉ là một đứa con nuôi được đem ra từ một Cô nhi viện. Tôi bị mẹ ruột tôi bỏ rơi. Tôi không có tình thương, tôi chỉ là một con bé khốn khổ mà thôi. Nhưng tôi nghẹn lời sao đó nên không nói được. Tôi nhủ lòng là sẽ có một ngày nào đó tôi nói cho cô nghe. Chả hiểu khi biết tôi là một đứa bé mồ côi, cô có còn đến dạy học cho tôi không nhỉ? Tôi không dám nghĩ đến điều khổ sở đó nữa. Cô Nga mà không còn thương tôi, cô Nga mà bỏ tôi chắc tôi buồn đến chết mất.

- Cô Nga ơi!

Tôi gọi bất chợt, cô Nga nhìn tôi dịu dàng:

- Gì thế hở Tuyên?

Tôi ngập ngừng, cô gịuc nhỏ:

- Tuyên gọi gì cô thế. Nói cho cô nghe đi.

Tôi chỉ vào phòng Mẹ:

- Mẹ đau.

- Ừ, Mẹ đau Tuyên buồn phải không?

- Dạ.

- Mẹ đau lâu chưa?

- Em không biết, mới hồi sáng này Mẹ đón em đi học về, rồi Mẹ đau.

- Chắc Mẹ trúng gió. Hồi sáng này trời mưa phải không Tuyên.

- Dạ.

Cô Nga chống tay lên cằm, đôi mắt cô thoáng buồn:

- Tuyên thương mẹ lắm hở?

Tôi lắc đầu. Cô Nga tròn xoe đôi mắt:

- Sao thế? Tuyên ghét mẹ à?

- không.

- Ủa, không thương, không ghét. Thế Tuyên nghĩ gì?

Tôi nói thầm "Em chẳng nghĩ gì hết, em buồn quá, em sợ Mẹ quá đi mất cô Nga ơi".

- Em thương cô.

Cô Nga cười nhẹ thành tiếng:

- Tuyên thương cô hở?

- dạ.

- Thương cô thì phải thương Mẹ nữa chứ. Cô không thích Tuyên ghét Mẹ đâu.

Tôi cãi:

- Em đâu có ghét Mẹ.

- Em phải săn sóc Mẹ, nghe không?

- Dạ.

- Chiều mai cô sẽ mang cho Tuyên một bông hồng khác, bông hồng này tàn rồi.

Tôi ngồi xích lại gần cô Nga, nhõng nhẽo:

- Cô hứa kể chuyện cô thích hoa hồng cho em nghe. Cô kể bây giờ đi cô.

Cô Nga chớp chớp đôi mắt buồn:

- Ừ, ừ! rồi cô sẽ kể.

- Cô cứ hứa rồi cô quên.

- Cô quên bao giờ đâu. Cô hứa là cô nhớ mà.

Tôi ngồi im một lát, và chợt gọi cô:

- Cô ơi!

- Gì nữa Tuyên?

- Mẹ đau bệnh gì thế hở cô?

- Mẹ trúng gió rồi Mẹ cảm.

- Không phải, em thấy Mẹ như người điên.

Cô Nga trợn mắt, la tôi:

- Tuyên nói nhảm nào. Mẹ nghe được là đánh đòn Tuyên đó biết không?

Tôi nói nhỏ rên rỉ:

- Cô ơi, Tuyên không dám nói nhảm đâu vì Tuyên đã cảm thấy như thế. Mẹ không bao giờ nhìn Tuyên mà sao Mẹ cứ con ơi lảm nhảm hoài. Tuyên đến gần, Mẹ không nhìn thấy. Tuyên ngồi cạnh, Mẹ cũng như không haỵ Tuyên buồn quá, Tuyên sợ quá cô à.

Cô Nga cúi đầu, cắn môi như đang suy nghĩ một điều gì đó. Thế là tôi sắp tiết lộ những điều lo lắng của tôi rồi. Cô Nga ơi, em chỉ là một đứa bé mồ côi, vì thế mà mẹ không thương em, mà em cũng không thương Mẹ. Biết em mồ côi, cô có còn thương em không hở cô?

Tôi lo sợ điều đó nên tôi đã kịp ngừng và cô Nga cũng không hỏi thêm tôi điều gì nữa cả. Tôi lặng buồn theo cô...
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Tiếng Khóc Mồ Côi - Dung Saigon

Postby tuvi » 12 Sep 2019

Chương 4

Mấy hôm nay bệnh mẹ trở nặng hơn. Hằng ngày ba mời bác sĩ về tận nhà săn sóc cho mẹ mà bệnh tình bà vẫn không thuyên giảm. Thỉnh thoảng tôi lại nghe bà nức nở, nói năng lảm nhảm. Có lần tôi nghe bà gọi tên Bích Vi Cái tên quá xa lạ với tôi kể từ ngày tôi sống ở đây, chưa bao giờ tôi được nghe ai nhắc đến cả. Lúc đầu tôi cứ ngỡ là nghe lầ, nhưng sau nhiều lần, tôi đoán chắc là Bích Vi có thật. Mẹ đã gọi Bích Vi cả ngay khi có mặt tôi bên bà. Điều đó đâu có thể bảo là tôi lầm lẫn được. Tôi muốn hỏi ba về cái tên Bích Vi xa lạ đó, nhưng từ hôm mẹ đau, ba mất hẳn nét vui tươi hằng ngày nên tôi đâm sợ không dám quấy rầy bạ Sự tò mò khiến tôi không ngủ được. Nửa đêm tôi chợt nghe tiếng mẹ ú ớ ngủ mê gọi con ơi, con ơi rồi bà cười, bà khóc, bà nói năng lảm nhảm. Tôi vùng dậy định bước qua phòng mẹ nhưng chị Sáu đã ngăn tôi.

- Tuyên, về ngủ đi.

Tôi cãi chị:

- Em vào thăm mẹ.

Chị Sáu gắt nhỏ:

- Để cho mẹ yên, Tuyên ngủ đi, không được qua làm rộn mẹ.

Tôi vẫn đứng nguyên một chỗ. Chị Sáu dọa:

- Tuyên có muốn chị mách ba không?

- Nhưng mẹ còn thức, chị không cho em qua thăm mẹ.

- Sáng mai rồi qua, khuya rồi, Tuyên không thấy sao. Mẹ thức nhưng mà mẹ mệt lắm.

Tôi ấm ức quay trở vô phòng, cái tên Bích Vi làm tôi thắc mắc không yên. Tôi gọi chị Sáu lại hỏi:

- Chị Sáu...

Chị Sáu nhăn mặt chực la, tôi nói:

- Chị có nghe mẹ nói gì không?

Chị Sáu lắc đầu. Tôi hỏi tiếp:

- Mẹ hay lảm nhảm gọi tên Bích Vị Bích Vi là ai thế chị Sáu?

Chị Sáu tròn mắt, xua tay:

- Mẹ nói mê đó, Tuyên đừng hỏi nữa.

Tôi dậm chân:

- Em nghe mẹ nói Bích Vi rõ ràng. Tại sao chị lại dấu em, không còn ai thương em cả.

Tôi nói như chực khóc. Chị Sáu dỗ:

- Thôi, đi ngủ đi Tuyên, đâu có ai dấu gì Tuyên đâu. Chị không nghe mẹ gọi Bích Vi thì làm sao dấu Tuyên được.

Tôi ngúng nguẩy dỗi chị Sáu, chị dắt tôi vào phòng, đưa tôi lên giường rồi kéo chăn đắp ngang người cho tôi xong, chị nạt đùa:

- Ngủ đi mai dậy sớm đi học. Tuyên dậy muộn là chị không đưa Tuyên đi đâu nghe.

Tôi giả vờ nhắm mắt cho chị Sáu yên lòng, nhưng tôi không ngủ được. Cái tên Bích Vi ám ảnh đầu óc tôi, sự điên dại của mẹ làm tôi thấy lo âu thái quá như thế. Chỉ khổ thân cho ba, ông thức trắng đêm nay qua đêm khác. Đôi lúc thương ông quá, tôi bảo:

- Ba để con ngồi bên mẹ, Ba đi nghỉ đi.

Nhưng Ba nhìn tôi bằng ánh mắt xót xa lẫn dịu dàng rồi lắc đầu:

- Con thức khuya không đựơc đâu. Con nên ngủ để sáng còn dậy sớm đi học chứ.

- Ba thức hoài không ngủ gì hết.

- Có chứ, chút xíu ba ngủ bây giờ.

Tôi nói nhỏ nhẹ:

- ba cố ngủ nghe. Mấy hôm nay ba gầy quá.

Ba cười buồn, ông vuốt tóc tôi. Nụ cười ba mất vẻ rộn ràng vui tươi rồi, ánh mắt ba đầy những lo ấu mệt mỏi khiến tôi nao nao muốn khóc. Tôi thương ông quá. Thương ông nhất trong đời tôi vì từ lúc sinh ra, tôi chưa được gọi ai bằng ba bao giờ, nên tiếng ba đầu tiên tôi dành cho ông - tôi gọi ông. Như thế, ông đã là Ba tôi rồi đó. Ba thật thương, Ba thật hiền hòa, Ba thật yêu dấu của con! Giữa ba và tôi, tôi mang cảm tưởng Ba là thân thích ruột thịt của tôi vậy. Tôi thương ba quá sức. Tôi cứ nghĩ trong suốt cuộc đời tôi, tôi chỉ biết có một mình ông là ba tôi mà thôi. Vì tiếng ba đã mở đầu cho tôi những yêu thương dầy đặc nhất.

Chị Sáu ra khỏi phòng nhẹ nhàng, chừng như sợ tôi thức giấc. Tôi nhìn theo bóng chị. Một lát lâu lắm, tôi vùng dậy. Khoác chiếc áo len mỏng bên ngoài, tôi rón rén bước ra cửa, nhin chung quanh không thấy bóng chị Sáu tôi yên lòng đi lần theo hành lang sang phòng mẹ. Phòng mẹ còn ánh đèn nhạt, tôi nhìn qua khe cửa và suýt kêu lên kinh ngạc khi thấy bà còn thức. Mẹ ngồi xoay lưng ra phía cửa, đầu cắm cúi chừng như đang viết gì đó. Tôi đứng lặng nhìn Mẹ để đoán xem mẹ viết gì? Nhưng không đoán được. Mẹ ngồi viết như thế lâu lắm, thỉnh thoảng mẹ lại chống tay lên cằm như người đang suy nghĩ. Tôi nín thở nhìn mẹ. Lúc này ở mẹ không còn mang nét gì là bệnh hoạn đau ốm cả, mẹ vẫn hiền hoà thoải mái như những ngày khỏe mạnh trước. Sự kiện nàykhiến tôi lạ lùng không ít. Mới vài tiếng đồng hồ trước đây, Mẹ còn nói năng lảm nhảm vô hồn, mà bây giờ trông mẹ hiền hòa quá sức. Mẹ trở lại những nét ngày đón tôi ra Cô nhi viện. Tôi yên tâm rời phòng mẹ đi dài ra cuối hành lang để vòng ngã sau quay trở về phòng mình.

Buổi sáng tôi đi học, Mẹ đã dậy ăn sáng ở phòng ăn như thường lệ. Thấy tôi, bà cười thật dịu dàng:

- Tuyên, lại đây Mẹ bảo.

Tôi len lén nhìn Mẹ xem phản ứng nhưng sự bình thường của mẹ làm tôi yên lòng. Tôi đến gần bà.

- Mấy hôm nay Tuyên vẫn đi học đều chứ hả?

- Dạ.

- Buổi chiều cô giáo Nga vẫn đến dạy học cho con phải không?

- Dạ.

- Tuyên có cần mua thêm sách vở hay giầy dép gì thì cứ ghi vào giấy đưa Mẹ xem rồi Mẹ bảo chị Sáu mua cho nhé.

- Dạ.

Tôi chỉ biết dạ. Bà vuốt tóc tôi:

- Mấy hôm nay Mẹ đau Mẹ có làm Tuyên sợ không?

- Dạ không.

Tôi nói thế mà trong lòng thấy lo âu đủ chuyện.

- Thôi, con đi học đi kẻo muộn.

Suốt buổi học tôi vẫn bị ám ảnh vì sự bất thường của Mẹ. Tan học chị Sáu đón tôi, tôi hỏi chị:

- Mẹ khỏi bệnh rồi phải không chị Sáu?

- Mẹ vẫn còn đau đấy Tuyên ạ.

- Em thấy Mẹ khỏi rồi mà.

- Ừ! Mẹ khỏi rồi lại đau, đau rồi lại khỏi. Bệnh mẹ như thế luôn.

Tôi than thở:

- Mẹ đau nhà buồn ghê chị nhỉ. Nhất là Ba, em thương ba quá.

Chị Sáu dịu dàng:

- Ừ, ba buồn lắm, mai ba đưa mẹ vào nằm nhà thương của bác sĩ Nguyễn.

- Ông bác sĩ vẫn chữa cho mẹ đó hả?

- Ừ.

- Tại sao mẹ lại phải nằm nhà thương?

- Ba bảo để mẹ dưỡng bệnh trong đó. Bác sĩ Nguyễn quen với gia đình mình từ xưa đến giờ, ông ấy nói mới mở một nhà thương tư và đề nghị cho mẹ vào nằm để ông săn sóc.

Tôi ngây ngô:

- Thế mẹ có bằng lòng vào nằm nhà thương không?

- Chắc là có.

- Em sợ mẹ la hét ông bác sĩ cũng chạy dài luôn.

Chị Sáu phì cười:

- Bác sĩ mà sợ gì, Tuyên.

Buổi trưa về nhà không thấy Mẹ. Tôi vào phòng bà và thấy bà nằm ngủ, hơi thở mệt nhọc. Tôi ngồi cạnh bàn, cây bút mở nắp vẫn còn vứt trơ vơ trên bàn. Chắc hẳn Mẹ lại vừa mới viết xong. Tôi thắc mắc không đoán nổi mẹ viết gì? Mẹ viết cho ai? Tôi muốn biết ghê gớm, từ trong thâm tâm tôi tưởng như mẹ đã viết những điều tôi muốn biết trong đó. Và cái tên Bích Vi cũng là trong đó. Cái tên Bích Vi ám ảnh tôi không ít, tôi không thể nào quên nỗi nữa.

Ba về cùng với ông bác sĩ. Thấy tôi, Ba bảo:

- Tuyên, sửa soạn giúp Mẹ để Ba và bác sĩ đưa Mẹ vào nhà thương.

Tôi lui cui dọn dẹp trong tủ Mẹ, xếp dùm Mẹ một vài bộ đồ vào túi. Và, vô tình tôi nhìn thấy quyển sổ nhỏ nằm trong tủ, bàn tay tôi run lên, có lẽ Mẹ đã viết những điều tôi muốn biết trong quyển sổ này. Tôi muốn lật ra xem ghê gớm mà không dám, tôi có ý định lấy trộm đem vào phòng mình đọc nhưng ngại ba và ông bác sĩ đứng đó nên tôi cứ trù trừ một cách khổ sở không muốn rời xa.

- Xong chưa, Tuyên?

- Dạ rồi.

Tôi nói vội vàng và nhẹ khép cánh cửa tủ lại.

- Con mở bàn ngủ lấy mấy lọ dầu gió bỏ vào túi cho mẹ, nhanh lên.

Tôi chưa bao giờ mở ngăn kéo bàn ngủ của mẹ. Ba thẩy cho tôi chùm chìa khóa. Tôi loay hoay tìm tòi đem ra được hai lọ dầu và từ trong đống giấy tờ rớt ra một tấm ảnh. Tôi chụp nhanh lên và nhìn sững - bức ảnh của một cô bé thật xinh, cô bé khiến tôi mường tượng đến cái tên Bích Vi mà mẹ thường gọi trong cơn điên loạn. Tôi lật đằng sau - một hàng chữ nhỏ của mẹ đề lên: Bích Vi, con gái yêu của mẹ. Tôi buông rơi tấm ảnh và đóng nhanh cửa tủ lại. Một nỗi buồn vu vơ vô lối nào đó khiến tôi bứt rứt nôn nao. Bích Vi có thật, Bích Vi là con gái yêu của mẹ. Tôi ngỡ ngàng và bỗng dưng muốn khóc quá. Tôi buồn tủi như những ngày bị bỏ rơi trong Viện mồ côi cũ, ở bất cứ hoàn cảnh nào thì tôi cũng chỉ là con bé mồ côi mà thôi. Không thoát lên được, không lột xác được.

Bỏ những lọ dầu vào túi xách cho Mẹ xong tôi buồn bã bước ra khỏi phòng nhưng Ba đã gọi giật tôi lại:

- Tuyên.

- Dạ.

- Tuyên thay đồ rồi đi với Ba đưa Mẹ vào nhà thương.

- Dạ.

Chẳng biết Ba có nhìn thấy khuôn mặt giận hờn của tôi không, nhưng ba thản nhiên. Nét thản nhiên làm tôi ấm ức muốn khóc được. Tôi giận bạ Nhưng tôi đòi hỏi ở ba nhiều quá. Tại sao tôi lại muốn Ba phải thương tôi cơ chứ, trong lúc tôi chỉ là một đứa con nuôi. Tôi đâu có thể thay thế được Bích Vi trong căn nhà này nhỉ.

Mẹ nằm dưỡng bệnh ở nhà thương riêng của bác sĩ Nguyễn. Buổi sáng tôi vẫn đi học, buổi chiều cô giáo Nga vẫn đến dạy học cho tôi và buổi tối tôi được vào thăm mẹ vài phút với bạ Cuộc sống tiếp nối đều đặn đó vẫn không làm tôi quên nổi Bích Vi và quyển sổ nhỏ trong phòng mẹ. Đã mấy lần tôi định lấy ra đọc nhưng lần nào cũng có chị Sáu quanh quẩn trong phòng khiến tôi không thực hiện được ý định đó.

Một buổi chiều cô Nga đến trễ hơn thường lệ. Tôi ngồi mong cô nôn nóng mong đến bật khóc được. Ý nghĩ bị bỏ rơi cứ ám ảnh tôi khiến với ai tôi cũng hãi sợ điều đó. Cô Nga đến, thấy tôi ngồi buồn so ở bàn, cô vuốt má tôi dịu dàng:

- Tuyên giận cô đó à?

Tôi phụng phịu không nói, cô Nga cười vui:

- Cô xin lỗi, Tuyên muốn cô đền không?

Tôi tròn mắt:

- Ứ ừ! Cô đền Tuyên đi.

- Đền gì?

Tôi ngần ngừ, cô Nga nheo mắt:

- Một bông hồng nhé.

Tôi gật gật đầu, cô Nga rút trong giỏ một bông hồng đỏ thẫm trao cho tôi:

- Vì cô ghé nhà cô bạn để hái cho Tuyên bông hồng này nên mới đến trễ như thế. Ai ngờ.. cô bé hay giận ghê đi. Ghét quá.

Tôi cười che dấu nỗi xôn xao cảm động:

- Cô ơi, em thương cô ghê!

Cô Nga trách đùa:

- Trời ơi, thương cô gì mà cô mới tới trễ có chút xíu đã giận rồi?

- Tại thương cô em mới mong cô chứ bộ.

Tôi nói, cô Nga cười thật xinh, thật duyên dáng. Nhìn cô tôi lại muốn kể lể, tâm sự những điều ấm ức tôi đang mang.

- Mẹ đỡ chưa hả Tuyên?

Cô Nga hỏi tôi, tôi lắc đầu:

- Em không biết.

- Ngày nào cũng vào thăm Mẹ mà không biết. Tuyên hư quá.

Tôi nhăn mặt cãi cô:

- Tại mẹ lúc khỏi lúc bệnh nên em không biết chứ đâu phải tại em không săn sóc mẹ đâu.

Cô Nga chớp chớp đôi mắt, tôi thấy như cô đang buồn, đang muốn khóc vậy.

- Tuyên phải lo lắng, săn sóc cho mẹ nghe chưa, đứng nói nhảm nhí như hôm nọ nữa, cô ghét lắm.

Tôi chợt than với cô Nga:

- Nhưng mà Mẹ không thương em cô Nga ơi!

Cô Nga vuốt tóc tôi:

- Đừng nói nhảm thế Tuyên ạ. Mẹ thì phải thương con chứ, sao Tuyên lại nghĩ kỳ cục như vậy được hở?

Trời ơi! Cô không hiểu gì cả, cô không hiểu Tuyên gì hết đó, cô Nga ơi! Tôi muốn kêu lên như thế, gào lên như thế. Cô Nga làm sao biết được tôi chỉ là con nuôi của Ba Mẹ, cô Nga làm sao hiểu được tôi bị bỏ rơi. Như thế là Mẹ ruột tôi cũng chả thương tôi gì hết. Tôi muốn khóc quá đi, và tôi lại khóc thật sự, khóc tức tưởi trước sự lạ lùng kinh ngạc của cô Nga Mẹ Ơi! Mẹ Ơi, Mẹ!
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Tiếng Khóc Mồ Côi - Dung Saigon

Postby tuvi » 12 Sep 2019

Chương 5

Tôi lẻn vào phòng mẹ buổi tối lúc ba đi vắng và chị Sáu lên nhà thương một mình thăm Mẹ. Tủ quần áo của Mẹ vẫn không khóa và quyển sổ nhỏ vẫn còn y nguyên chỗ cũ. Tôi định tìm lại bức hình của Bích Vi để xem lại cho kỹ hơn, nhưng ngăn kéo bàn ngủ còn khóa nên tôi không mở nổi.

Nhét nhanh quyển sổ vào túi áo, tôi vội vã trở về phòng mình khóa kín lại phía trong. Lúc này tôi yên tâm lật từng trang chữ nhỏ. Những hàng chữ li ti khiến tôi rung rung chưa đọc được gì cả. Nhất định những điều tôi muốn biết phải có trong này. Bích Vi phải có trong này. Tôi lật lại từ đầu trang nhật ký của Mẹ, Mẹ đề tựa: "Những dòng nhật ký này mẹ viết cho Bích Vi, con gái yêu của mẹ".

Ngày... tháng... năm...

Người đàn bà đó đến gặp tôi buổi sáng lúc anh Huân đi làm được vài phút, nhìn bà với đôi mắt thật buồn, với dáng người nhỏ nhắn thanh tao, tôi bỗng có cảm tình ngay dù không biết bà ta đếntìm tôi có việc gì nữa. Tôi gọi chị Sáu đem nước ra mời bà và nghe bà bắt đầu vào câu chuyện... Trời ơi! Tôi không ngờ chồng tôi anh Huân! Anh có thể như thế được sao? Anh có thể bỏ rơi một đứa con bé bỏng dại khờ như thế được sao? Tôi muốn lịm đi với lời kể lể của người đàn bà. Bà nhìn tôi bằng đôi mắt u ám buồn rầu. Bà nói "tất cả chỉ là tại tôi, trước khi lấy bà, tôi và ông Huân đã yêu nhau, nhưng vì những xích mích nhỏ của hai gia đình mà tôi và ông Huân đồng ý bỏ nhau. Lúc đó tôi vừa mang thai nhưng tôi dấu ông Huân kkhông cho ông biết. Ông Huân vô tình không biết đến điều đó. Được gần hai tháng, sau ngày chúng tôi bỏ nhau, thì tôi được tin ông Huân lấy vợ. Tin đó không làm tôi buồn khổ chút nào mà trái lại tôi rất bằng lòng vì đã thật tình dứt bỏ được nhau. Tôi sanh cháu xong và cũng do áp lực của gia đình tôi, phải gởi cháu vào Cô nhi viện. Cho đến hôm nay, gần tám năm rồi, tôi cũng đã có gia đình và sắp phải đi xa trong một thời gian dài cùng với chồng. Tôi nghĩ đến ông bà và có ý định gởi gấm cháu Tuyên cho ông bà, xin bà đừng cho anh Huân biết sự thật về những điều tôi đã nói. Cầu mong ông bà hạnh phúc lâu dài..". Người đàn bà càng nói càng lộ vẻ mệt nhọc xanh xao, tôi bảo bà hãy nằm nghỉ tạm trên ghế, nhưng bà không chịu. Bà bắt tôi hứa sẽ lên thăm Ngọc Tuyên ở Cô nhi viện. Tôi gật đầu cho bà bằng lòng. Lúc đó bà mới nở nụ cười héo hắt, pha chút phiền muộn bâng khuâng. Bà tiết lộ với tôi là bà đang mang một chứng bệnh hiểm nghèo: ung thự Tôi lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng bà chỉ lắc đầu bảo: "Vì thế mà tôi nghĩ đến ông bà có thể thỉnh thoảng đến thăm dùm con gái tôi. Tôi không có đủ bổn phận làm mẹ nữa. Tôi sắp đi xa SàiGòn và không chắc có ngày về. Dù sao, cháu Tuyên cũng là con của ông Huân, nếu lỡ tôi có chết đi thì cháu cũng còn được ở gần cha dù chỉ là ở gần trong tình cha nuôi cũng được". Người đàn bà về rồi mà tôi vẫn còn ngồi yên trong lòng ghế không cử động được. Tôi nghĩ đến anh Huân, chồng tôi, và tự hỏi có nên cho anh biết những điều tôi đã biết không nhỉ? Cuối cùng tôi nhất định giữ im lặng. Tôi sẽ không nói gì cả, tôi sẽ bình thản như suốt tám năm chung sống tràn đầy tình nghĩa yêu thương đến giờ. Tôi đã cảm động thật nhiều về tình yêu của anh Huân cho tôi thì không vì một lý do gì tôi làm xáo trộn tình thương ấy.

... Bích Vi vừa đi học về, thấy tôi ngồi buồn trên ghế, con bé sà ngay xuống bên tôi nói cười ríu rít, nhìn con, tôi quên hết phiền muộn lo âu. Bích Vi, con là niềm vui lớn trong đời mẹ, con là tình thương bao la nhất của mẹ, con có biết thế không? Mẹ yêu con không bút mực nào tả nổi, mẹ lo cho con đủ thứ, đủ đìêu. Bích Vi, Bích Vi ơi...

Ngày... tháng.. năm...

Câu chuỵên của người đàn bà lạ đã bị quên lãng sau ngày Bích Vi bị đau. Tôi như người điên người khùng vì những cơn mê man của con bé. Tôi đã bắt anh Huân xin phép ở nhà với tôi để săn sóc Bích Vi, nhưng bệnh tình con bé càng ngày càng trầm trọng. Tôi lo sợ chỉ biết ngồi tỉ tê khóc trong lúc anh Huân cứ cuống cuồng lên bế con đi hết ông bác sĩ này đến ông bác sĩ khác mà hình như bệnh tình con tôi cũng không thuyên giảm đựơc chút nào hết. Tôi gọi tên con hết giờ này qua giờ khác. Bích Vi ơi, con ơi, đừng bao giờ bỏ mẹ hết nhé, con gái yêu của me...

Ngày.. tháng... năm

Bác sĩ đành bó tay vì Bích Vi, trời ơi! Còn gì đau đớn hơn nữa chứ. Còn gì làm tôi buồn khổ hơn nữa chứ. Tôi chết lịm trong từng phút từng giây hấp hối của con tôi, con bé bỏng của mẹ, con dại khờ yêu quí của mẹ. Tôi dành sự sống cho con tôi bằng từng hơi thở của tôi, nhưng con bé xanh xao, gầy mòn như tàu lá úa. Nhìn con mà tôi muốn điên cuồng, muốn đập đổ tất cả. Tôi muốn gào lên, hét lên. Tôi muốn rú lên những tràng đau đớn. Bích Vi, Bích Vi ơi, Mẹ chết theo con, mẹ đi theo con...

Ngày... tháng... năm...

Bích Vi bỏ mẹ rồi, phải thế không con, môi con không còn hồng, mắt con không còn long lanh xinh xắn nữa, nụ cười con khép kín. Con khép kín luôn nụ cười của mẹ từ đây đó Bích Vi! Bích Vi chết giữa hôm mưa, trời cũng thương con, trời khóc đó Bích Vi ạ. Tôi không còn biết gì nữa. Lúc tôi được đưa từ nhà thương về thì Bích Vi đã đựơc chôn cất xong xuôi cả. Căn nhà thê lương như khuôn mặt từng người trong căn nhà. Không ai nhắc tên Bích Vi với tôi nữa. Cả đến chồng tôi cũng lặng lẽ bên tôi. Ừ, như thế càng hay, tôi không muốn con tôi bị mọi người làm phiền muộn. Tôi ích kỷ muốn đựơc thương Bích Vi một mình. Từ nay mẹ có Bích Vi trong lòng mẹ rồi nhé. Bích Vi yêu quý của mẹ. Con chỉ là của mẹ thôi, phải thế không, con?

Ngày... tháng... năm...

Thế mà Bích Vi bỏ tôi được hai tháng rồi, hai tháng trời tôi như người sống trong mơ với Bích Vi, tôi tưởng như Bích Vi vẫn còn sống và còn ở quanh quẩn bên tôi không dứt, không rời. Đâu đâu tôi cũng nghe tiếng nói líu lo của con bé. Ở đâu, tôi cũng mường tượng ra tiếng cười ròn rã của con tôi, khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu của Bích Vi còn ám ảnh tôi mãi mãi. Không bao giờ tôi quên được. Không bao giờ con chết trong mẹ đâu Bích Vi ơi. Chỉ trong những cơn điên loạn tôi mới cảm thấy gần Bích Vi nhất, khi tỉnh rồi tôi thấy xa Bích Vi vô cùng, vì thế mà tôi không chịu uống thuốc, không đi nằm nhà thương dù anh Huân tìm đủ mọi cách dỗ dành tôi. Hãy để cho tôi được sống gần con tôi. Bích Vi, mẹ chẳng muốn xa con bao giờ...

Ngày... tháng... năm...

Ý định đi thăm Cô nhi viện đến với tôi thật bất ngờ, đến nỗi khi bước chân ra đường rồi tôi cũng chưa nghĩ nổi tại sao mình lại quyết định vội vàng như thế. Theo sự chỉ dẫn của người đàn bà hôm nào, tôi tìm ra con bé Tuyên không khó mấy. Con bé trông gầy yếu xanh xao như mẹ nó. Nhìn con bé, tôi miên man nghĩ đến người đàn bà ấy, không hiểu bây giờ bà ta ở đâu nhỉ? Tội nghiệp con bé và tội nghịêp người đàn bà lạ lùng. Tôi đến thăm con bé lần đầu, vẫn chưa có ý định gì cả. Con bé đứng co ro trong một góc phòng buồn hiu hắt, tôi vẫy vẫy con bé làm quen nhưng hình như con bé không muốn nhìn tôi. Đôi mắt nó tròn to làm tôi chợt thấy thật mến nó. Và điều mà tôi chắc chắn nhất là con bé đã phảng phất giống anh Huân, giống nhất là đôi mắt, đôi mắt làm tôi thốt nhớ đến Bích Vị Con gái của mẹ, con có đôi mắt trong sáng hơn nhiều vì con được sung sướng, vì con có mẹ, con có những săn sóc thương yêu vô bờ của mẹ, phải thế không Bích Vị Tôi ra về trong bâng khuâng nhung nhớ một điều gì đó. Tôi lang thang đến nghĩa trang thăm mộ Bích Vi, đốt một nén hương cho con gái, tôi ngồi thủ thỉ với con gái cho đến tối mới về, lòng tôi bỗng thanh thản kỳ lạ. Buổi tối trước khi đi ngủ tôi còn viết nhật ký cho Bích Vi và xin với con gái tôi cho tôi đem Ngọc Tuyên về. Dù sao Ngọc Tuyên cũng là chị em với Bích Vi chứ đâu phải ai xa lạ. Chả biết có nên cho anh Huân biết sự thật về con anh ấy cùng người đàn bà bệnh hoạn hôm nào không nhỉ?...

- Tuyên ơi, Tuyên.

Chị Sáu đã ở nhà thương về và gõ cửa vang nhà, tôi giật mình nhét vội quyển nhật ký xuống gối vùng chạy ra.

- Làm gì mà ở trong phòng hoài thế? Tuyên biết chị về bao giờ không?

- Tại em ngủ quên.

Tôi nói và nhìn chị Sáu có nghi ngờ gì tôi không. Nhưng chị Sáu không để ý gì cả. Chờ cho chị Sáu đi xuống bếp tôi giả vờ ngáp dài và bảo chị:

- Em đi ngủ nghe chị Sáu. Chút nữa ba về chị nói dùm em.

Chị Sáu lộ vẻ ngạc nhiên nhìn tôi:

- Sao hôm nay Tuyên ngủ sớm quá vậy?

- Ừ! Tại hồi trưa em ngủ ít.

Chị Sáu cười với tôi, tôi bỏ chị chạy vào phòng yên tâm khóa cửa lại và đọc tiếp quyển nhật ký của mẹ. Quyển nhật ký đã làm xáo trộn đầu óc tôi không ít. Tôi đã hiểu một phần nào đó, trong câu chuyện bất ngờ tôi được biết rồi. Tôi đã hiểu vì sao tôi vừa nhìn ba tôi đã cảm thấy thân thiết như ruột thịt rồi. Chỉ vì thế. Tình máu mủ ruột thịt giữa tôi và ba, vì những liên hệ đó nên tôi thương ba, thương từ ngay buổi đầu đón ba về từ ngoài cổng. Ba, Ba ơi, cho đến giờ phút này con mới thật lòng thấy mình vẫn còn một diễm phúc là còn ba, có ba bên con dù trong thâm tâm ba chỉ xem con là con nuôi. Nhưng con không cần điều ấy, con chỉ cần được ở gần ba là con hài lòng lắm rồi, đâu cần ba phải biết con là con ruột của bạ Cũng như mẹ, ngày xưa mẹ không nói gì với ba về đứa con rơi rớt khổ sở này thì bây giờ con sẽ bắt chước mẹ, con lặng thinh mãi mãi để được gần ba mà không hề phải mang mặc cảm khốn khổ nữa.

Tôi lại đọc tiếp những điều mẹ viết.

Ngày... tháng... năm...

Mẹ đã đem đứa bé đáng thương ấy từ Cô nhi viện về, đứa bé trông ngơ ngác, hiền lành đến tội nghiệp. Thú thật là Mẹ không thấy thương gì con bé ấy, nhưng bỗng dưng Mẹ lại có ý định mang con bé về. Dù gì nó cũng là ruột thịt của ba con, của con, Mẹ không nỡ nhẫn tâm im lặng nhìn nó khổ.

Con yêu,

Mẹ đem Ngọc Tuyên về ở trong căn phòng của con, mặc quần áo con, con không giận mẹ đấy chứ! Con của Mẹ bao giờ cũng ngoan ngoãn và nghe lời Mẹ hết phải không nhỉ? Mẹ đang tìm hình bóng thương yêu của con qua Ngọc Tuyên. Xin cho mẹ đựơc thương yêu chị con như Mẹ đã thương yêu con vậy, Bích Vi nhé. Thà rằng mẹ không biết gì về dĩ vãng của ba con cả, thà rằng mẹ không được biết người đàn bà ấy và thà rằng mẹ không đến Cô nhi viện thăm con bé thì mẹ sẽ bình thản được. Nhưng vì Mẹ lỡ biết tất cả nên Mẹ phải đem Ngọc Tuyên về. Mẹ sẽ nhận Ngọc Tuyên là con nuôi. Và Mẹ sẽ giữ kín chuyện này không cho ba con biết.

Ngày... tháng... năm...

Nhìn con bé Tuyên và anh Huân có vẻ quấn quít nhau, tôi cũng cảm thấy buồn buồn, chỉ cảm thấy thế thôi, nhưng không phải vì thế mà tôi ghét bỏ gì con bé cả, tôi đã làm đủ hết bổn phận của tôi, săn sóc cho nó từng ly từng tí một. Tội nghiệp con bé, sau những năm sống buồn khổ trong Cô nhi viện, con bé trở thành nhút nhát quá sức, nó không dám cười ồn ào, không dám khóc ồn ào, không dám vòi vĩnh, nhõng nhẽo gì cả. Suốt ngày chỉ quanh quẩn bên chị Sáu. Tôi đã tìm đủ mọi cách cho con bé vui, nói cười hồn nhiên như Bích Vi, nhưng hình như nó sợ tôi, nó không muốn gần tôi thì phải. Với anh Huân thì trái lại. Tôi thấy nó thương anh ra mặt. Tình ruột thịt đã thúc nó tìm đến ba nó. Nhưng hôm đầu đem con bé về đây, anh Huân đã nhìn sững nó một phút như nhớ về một dĩ vãng đã quạ Tôi phải lên tiếng cho anh trở về với thực tại. Có lẽ anh đã linh cảm thấy sự thân thiết vô bờ giữa anh và con bé. Khiến cho tôi không ghét bỏ, thù hận gì con bé cả, tôi cố gắng thương nó như thương Bích Vi, con gái yêu quý của tôi...

Quyển nhật ký mẹ bỏ trống một khoảng thời gian dài, cho đến ngày mẹ đau trở lại.

Ngày... tháng... năm...

Hình như chứng bệnh cũ của tôi sắp tái phát thì phải, đầu óc tôi choáng váng khó chịu y như hồi Bích Vi đau, tôi định nói cho anh Huân biết, nhưng thấy anh đi làm vất vả tôi lại thôi. Dạo này tôi thường đến thăm mộ Bích Vi buổi chiều, giờ đó anh Huân chưa về, Ngọc Tuyên đang học với cô giáo Ngạ Nghĩa trang buồn lạnh lẽo đến tím người. Bao giờ cũng thế, tôi ngồi thủ thỉ với con gái tôi đủ điều, đủ chuyện, tôi hỏi nó có buồn khi thấy Ngọc Tuyên càng ngày càng lớn, càng xinh đẹp hẳn ra không? Và được anh Huân cưng chiều cũng không khác gì cưng chiều Bích Vi ngày xưa cả. Và tôi cũng thấy thương yêu Ngọc tuyên, Điều đó có làm Bích Vi giận mẹ không hở? Tôi mua chocolat và bánh cho Bích Vi để đầy lên mộ con bé. Mẹ yêu từng ý thích trẻ thơ của con Bích Vi ạ.

Lúc ra về, tôi vẫn không quên mua cho Ngọc Tuyên những món quà tôi đã mua cho Bích Vi, tôi thấy dường như Ngọc Tuyên cũng rất thích chocolat thì phải, ý thích thật đáng yêu biết dường nào...

Ngày... tháng... năm...

Bỗng dưng tôi như người khùng người điên, đang cơn mưa tôi nhớ con gái tôi vô cùng tận. Thay vì đón Ngọc Tuyên tôi lại lên thẳng nghĩa trang thăm Bích Vị Trời ơi, tôi có điên không? Tôi sắp trở lại những ngày bệnh hoạn điên cuồng cũ rồi hay sao đó. Trong cơn mưa buồn tôi mường tượng như Bích Vi hiện ra ngồi bên tôi, tôi đã vuốt tóc nó, tôi đã hôn lên đôi má hồng bầu bĩnh của con gái tôi và tôi gọi tên con luôn mồm luôn miệng, Bích Vi, Bích Vi ơi! Tôi khóc ngất liên hồi trên ngôi mộ ướt đẫm của Bích Vi, tội nghiệp con yêu quý của mẹ, bức hình con cười trông ngây ngô duyên dáng làm sao. Mẹ gào tên con. Mẹ chết vì nhớ thương con, Bích Vi, con biết không? Con có lạnh không? Tôi ghét ông trời quá đi mất, tôi ghét mưa quá đi mất, hôm Bích Vi mất, trời cũng đang mưa buồn như thế này, hôm đó tôi đã thiếp đi trong cơn điên loạn tột cùng buồn khổ của tôi. Bây giờ thì tôi tỉnh, tôi đến với con tôi trong cơn mưa buồn thế này để con tôi ấm áp, để con thấy thật yên lòng có mẹ ngồi bên, nhé Bích Vi...

Ngày... tháng... năm...

Tôi bệnh đau hơn tuần nay, lúc mê lúc tỉnh và thường nằm mơ thấy Bích Vi về. Bích VI hồi này gầy yếu và xanh xao. Tội nghiệp con gái tôi! Tôi nhớ nó điên cuồng. Tôi nhớ như hồi nó còn sống, mẹ con suốt ngày ríu rít bên nhau. Tôi nhớ khi nó ốm nằm dán sát trên giường, đôi mắt sâu chỉ còn lại tia sáng yếu ớt nhìn tôi như van xin cầu cứu, nhưng không ai cứu nổi con yêu quý của mẹ cả, mấy ông bác sĩ vô hồn. Nhà thương vô hồn. Tôi thù ghét tất cả mọi người đã không ai cứu sống nổi con bé bỏng dại khờ của tôi. Con tôi chết, và tôi cũng chết theo con tôi từ ngày đó. Linh hồn tôi đi mất rồi, theo con tôi rồi...

Những lúc mê man điên cuồng, tôi sống với ảo giác có Bích Vi bên cạnh. Những lúc đó là lúc tôi vui và sung sướng nhất. Không còn biết ưu phiền, lo nghĩ là gì cả. Tội nghiệp cho con yêu quý nhất đời của mẹ.

Khi tỉnh dậy, người đầu tiên tôi thấy là chồng tôi. Chồng tôi cũng đau đớn khổ sở không ít vì căn bệnh quái quỉ của tôi. Chắc anh Huân không muốn tôi thương nhớ Bích Vi một cách thái quá như thế. Anh thường an ủi và tránh nhắc tên con gái trước mặt tôi. Những lúc tỉnh trí tôi thương chồng tôi hết sức và thương cả con bé Ngọc Tuyên nữa. Con bé lúc nào trông cũng buồn buồn đến tội nghiệp, không như con gái tôi hồi còn sống, bích Vi ríu rít như chim non cả ngày, quấn quít bên tôi cả ngày. Bích Vi có tuổi hồn nhiên thật vẹn toàn và đầy đủ. Cứ nghĩ như thế tôi lại thương thương con bé Tuyên. Hình như con bé biết khổ sớm nên đôi mắt nó kém trong, nụ cười con bé kém hồn nhiên lí lắc.

Mấy hôm nay tôi thường mê đi, căn bệnh này tái phát hàng năm kể từ ngày bé Bích Vi mất. Điều đó làm cho chồng tôi buồn khổ không ít. Khổ cho anh. Tội cho anh. Tôi có nên nói rõ về Ngọc Tuyên cùng người đàn bà đáng thương nọ cho chồng tôi biết không nhỉ? Tôi phân vân quá nhiều trong sự dấu diếm này... "

Những trang sau của quyển nhật ký toàn là giấy trắng, tôi lặng đi mà thấy mắt mình cay cay, những giọt nước mắt tức tưởi vỡ òa và tôi thiếp đi với những hình ảnh mập mờ khó hiểu đang vây quanh tôi..
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Tiếng Khóc Mồ Côi - Dung Saigon

Postby tuvi » 12 Sep 2019

Chương 6

Buổi tối, ba nói với chị Sáu là bệnh mẹ đã hầu như khỏi hẳn rồi. Bà đã nhớ được hết và thường hỏi han săn sóc đến tôi luôn. Tôi ngồi nghe mọi người nhắc đến tên mình thật cảm động. Tôi muốn khóc làm sao đó.

Mấy hôm nay tôi đến thăm mẹ với ba thật đều. Ngày chủ nhật tôi được ba đưa đi phố mua sắm những thứ lặt vặt cần thiết cho mẹ và mua quà cho các con bác sĩ Nguyễn. Ba nói với tôi là để cám ơn bác Nguyễn đã hết lòng săn sóc cho mẹ. Những lần được đi phố riêng với ba như thế tôi thấy sung sướng vô ngần, sung sướng có thể bật khóc đựơc. Tôi không dám đòi ba mua cái này, mua cái kia cho tôi bao giờ. Chỉ đựơc nắm tay ba đi giữa thành phố đông người ồn ào là tôi vui rồi, tôi đâu cần những thứ khác nữa chứ. Ba thì không bao giờ muốn tôi thiếu thốn, cái gì ba cũng hỏi tôi:

- Tuyên thích con búp bê đó không?

- Tuyên thích quyển sách học vẽ đó không?

Tôi lắc đầu hoài hoài:

- Con có đủ tất cả ở nhà rồi ba.

- Thiếu gì nói ba biết ba mua cho nhé.

- Dạ.

Tôi sẽ phải ở trong nhà thương với mẹ suốt ngày chủ nhật. Buổi trưa, để cho mẹ ngủ, bác Nguyễn lại dắt tôi về nhà chơi với các con của bác. Trong số con bác Nguyễn tôi thích chơi với Hoàng hơn với Thủy. Hoàng lớn hơn tôi một tuổi và là anh của Thủy. Thủy có vẻ hay nhõng nhẽo và bắt nạt anh, có lẽ vì thế mà tôi thường nói chuyện với Hoàng, trong bữa ăn hoặc trong những trò chơi nào đó. Và, Hoàng cũng thế. Một lần ba và tôi đi phố mua cho anh em Hoàng chiếc xe lửa chạy bằng điện và một con thỏ mắt nhắm mắt mở trông thật ngộ nghĩnh, lém lỉnh. Tôi đã nghĩ bụng và nói với Ba:

- thế nào Hoàng cũng lấy cái xe lửa, và Thủy con thỏ, ba nhỉ?

Ba cười gật đầu:

- Đúng rồi. Thủy con gái ai lại chơi xe lửa bao giờ?

Thế nhưng lúc đem quà về, trái với điều ước đoán của tôi và Bà, Thủy chịu chiếc xe lửa chạy điện hơn là chú thỏ ngộ nghĩnh. Hai anh em Hoàng dành nhau, cãi nhau chí chóe. Tôi không dám can ra mà chỉ đứng im nhìn anh em Hoàng gây nhau thôi. Hoàng la em:

- Mày là đứa con gái hư.

Thủy được dịp khóc mếu máo gào Mẹ, cuối cùng bác Nguyễn gái phải xuống can thiệp. Thủy mách mẹ:

- Anh Hoàng chửi con, anh Hoàng gọi con là mày.

Bác Nguyễn mắng Hoàng trước mặt tôi:

- Sao con gọi em là mày hả Hoàng? Mẹ không muốn nghe con gọi em như thế nữa nghe chưa?

Hoàng ấm ức:

- Tại con.. con Thủy nó hỗn.

Thủy cãi:

- Hỗn hồi nào đâu?

- Thủy con gái tại sao Thủy dành đồ chơi của con trai chứ.

- Tại Thủy thích chiếc xe lửa hơn con thỏ dễ ghét đó.

- Nhưng bác Huân mua chiếc xe lửa cho Hoàng chứ.

Thủy ngúng nguẩy cầu cứu mẹ. Bác Nguyễn hỏi tôi:

- Tuyên, Bác Huân mua con thỏ cho ai thế cháu?

Tôi nói ngay:

- Dạ, ba cháu định mua cho Thủy vì tưởng Thủy con gái không thích chơi xe lửa nên chiếc xe lửa ấy cho anh Hoàng ạ.

Thủy nhìn tôi sừng sộ:

- Ừ, Thủy không thích con thỏ có cái mặt dễ ghét kia đâu, Tuyên đem về đi.

Tôi lặng đi, trong lúc bác Nguyễn mắng át Thủy:

- Thủy không đựơc nói thế.

Bị mẹ mắng, Thủy vùng vằng cau có bỏ vào nhà, Hoàng phân bua với mẹ:

- Mẹ thấy chưa, Thủy hỗn quá chừng à. Tại sao Thủy không giống Tuyên, Tuyên vừa hiền, vừa ngoan vừa dễ thương nữa.

Tôi hãnh dịên ngầm với lời nói của Hoàng, một thoáng sung sướng đến với tôi, tôi thân Hoàng bởi Hoàng hiểu tôi như thế đó. Trong suốt thời gian lớn, tôi không có bạn thân, nên với gia đình nhà bác Nguyễn tôi cảm thấy thân thiết với Hoàng nhất.

Mẹ đòi về sau gần một tháng điều trị Ở nhà thương. Buổi tối ba dắt tôi đến nhà bác Nguyễn hỏi bác về bệnh tình của mẹ và nói ý định của mẹ cho bác Nguyễn nghe. Bác Nguyễn bằng lòng, bác bảo:

- Bệnh tình chị như vậy là khỏi hẳn, anh có thể cho chị về nhà được rồi, điều cần nhất là tránh cho chị những xúc động mạnh. Thỉnh thoảng anh đưa chị lại tôi, tôi xem lại.

Ba hí hửng cám ơn bác Nguyễn và báo tin cho mẹ.

Buổi sáng khi tôi đi học về thì đã thấy nhà rộn lên tiếng cười tiếng nói ồn ào. Tôi chạy vào phòng mẹ thấy cả nhà xúm xít bên bà, thấy tôi, bà vẫy:

- Tuyên, lại đây với Mẹ.

Tôi đến gần bà, ba cười vui vuốt mái tóc tôi:

- Chiều mai thứ bẩy, ba tổ chức một buổi tiệc nhỏ để ăn mừng mẹ khỏi bệnh, con có muốn mời cô Nga đến dự không?

Tôi nhìn ba gật đầu:

- Dạ, muốn lắm ba.

Ba cười vui:

- Không có cô giáo con đâu có vui, nhỉ?

Tôi cúi đầu che dấu nụ cười nhận chịu. Không có cô giáo tôi không vui thật, tôi thương cô giáo nhất mà.

- Chiều nay gặp cô giáo con mời cô hộ ba nhé.

- Vâng.

- Ba có mời gia đình bác Nguyễn không ba?

Tôi hỏi nhỏ, ba nhìn trong ánh mắt tôi cười tủm tỉm:

- Có chứ, và mời luôn cả đám con bác Nguyễn nữa, con bằng lòng không?

Tôi cười nhỏ theo ba:

- Dạ, bằng lòng.

Mẹ nói:

- Anh chị Nguyễn có mấy cô, cậu con dễ thương ghê anh nhỉ. Nhất là thằng bé Hoàng ngoan ghê vậy đó.

Tôi vội nói với mẹ:

- Hoàng bị Thủy ăn hiếp hoài hà.

Ba nheo mắt:

- Con bé đó đanh đá gớm thôi, đâu có ngoan như con gái ba, phải không?

Tôi cười thầm sung sướng - Con gái ba! - Trời ơi! Tiếng con gái từ miệng ba gọi sao mà thắm thiết đến thế, sao mà đáng yêu đến thế, tôi thấy rộn lên những nôn nao khó tả, những thắm thiết đậm đà. Ba ơi, ba có ngờ con là con ruột của ba không hở ba?

Buổi chiều cô Nga đến, vẫn khuôn mặt chìm vào nỗi buồn không dứt. Như thường ngày, tôi đã sắp sẵn sách vở để ở bàn và cô bắt đầu dạy tôi học. Gần cuối giờ nghỉ, tôi mới nói với cô:

- Mẹ về rồi cô ạ.

- Thế à.

Cô nói và ngồi yên, tôi nói tiếp:

- Ba mẹ mời cô chiều mai đến nhà dự tiệc mừng mẹ khỏi bệnh đó. Cô đến nghe, chiều mai cô cho em nghỉ học.

Cô Nga cười hiền hậu:

- Ừ! cô có nghe ba mời lúc nãy, cô sẽ đến.

- Cô đến sớm.

- Ừ.

Thấy cô Nga có vẻ đang suy nghĩ điều gì, tôi hỏi cô bất chợt:

- Cô ơi, cô có biết Bích Vi không?

- Không, Bích Vi nào thế?

- Bích Vi ở nhà này.

- Thế à, sao cô không thấy bao giờ hết.

- Cô không biết Bích Vi thật à cô?

Tôi hỏi thật ngớ ngẩn, cô Nga nhìn tôi lắc đầu:

- Thật mà, từ ngày dạy học cho Tuyên cô có thấy Bích Vi bao giờ đâu mà biết. Mà Bích Vi đi đâu rồi hở Tuyên?

Tôi nói thật nhỏ, như lời thầm thì riêng với cô Nga:

- Bích Vi chết rồi cô ạ.

Cô Nga tròn mắt:

- Sao thế, tội quá, Bích Vi là gì của Tuyên?

Tôi chợt nghe rưng rưng buồn:

- Bích Vi là con ruột của Mẹ, em là con nuôi.

Cô Nga tưởng tôi nói dỗi, cô gắt khẽ:

- Lại nói nhảm rồi, Tuyên hư quá à.

Tôi cãi cô:

- Không, em nói thật, Bích Vi là con ruột, em là con nuôi, cô không tin em gì hết.

Và, thật bất ngờ tôi đã kể cho cô Nga nghe về cuộc sống buồn khổ của tôi cùng những ngày ở trong Viện Mồ côi cho đến ngày được mang ra khỏi Viện. Tôi kể hết, nói hết, tôi kể tôi đã đọc lén quyển nhật ký của mẹ viết cho Bích Vi và nói về hoàn cảnh của tôi. Tôi kể tôi là một đứa con bị mẹ bỏ rơi, tôi không có tình thương của mẹ. Mẹ tôi không thương tôi như mẹ Bích Vi đã thương Bích Vi quá rộng lớn như thế. Tôi kể cho cô nghe tất cả những ý nghĩ nhỏ dại của tôi về những năm sống sung sướng trong căn nhà đồ sộ này. Tôi đã kể hết, không hiểu nguyên do nào thúc đẩy tôi nói nhiều như thế nữa. Tôi nói cho hả nỗi buồn phiền ray rứt tôi từ bấy lâu naỵ Tôi nói xong và tôi gục đầu lên bàn khóc nức nở.

Một bàn tay mềm mại nhẹ đặt lên đầu tôi và nâng cằm tôi lên. Cô Nga, đôi mắt cô chớp chớp long lanh như chực khóc, cô nói nhỏ:

- Tội nghiệp Tuyên quá.

- Biết em chỉ là con nuôi của mẹ như thế, cô có còn thương em không hở cổ Cô có còn đến dậy cho em mỗi buổi chiều nữa không cô?

Cô Nga gật gật đầu nhìn sâu trong mắt tôi:

- Có, có chứ, biết Tuyên là con nuôi của mẹ, cô còn thương Tuyên hơn nữa, Tuyên ạ. Tuyên biết tại sao không? Tại vì cô cũng không có mẹ như Tuyên, cô cũng mồ côi như Tuyên đó, Tuyên.

Tôi nhìn cô Nga, thật cảm động, thảo nào trông cô lúc nào cũng buồn, lúc nào cũng âm thầm hết cả. Thì ra, những người mồ côi đều như nhau. Lớn lên chắc tôi cũng có khuôn mặt chìm lắng như cô, chắc tôi cũng có nụ cười phiền muộn như cô, chắc tôi cũng sẽ đi dạy học như cộ Cô cũng mồ côi mẹ như tôi, thảo nào mà mới gặp cô lần đầu tôi đã thấy thương cô quá thể rồi, xa cô không nổi nữa.

- Em thương cô ghê, cô Nga ơi.

Tôi nói bất chợt, cô Nga cười nhẹ, đưa tôi sang chuyện khác.

- Ngày mai chắc Tuyên mời bạn bè đến đông lắm nhỉ?

Tôi lắc đầu:

- Em không có đứa bạn nào hết.

Cô Nga nhíu mày:

- Sao thế, Tuyên đi học mà không có bạn à?

- Không.

Chợt nhớ ra con bác Nguyễn tôi reo lên:

- A có cô, em có hai người bạn.

Cô Nga sáng mắt:

- Ừ, phải thế chứ. Tuyên có bạn nhớ dắt đến cho cô gặp với nhé.

- Dạ.

- Bạn Tuyên tên gì?

- Hoàng, Thủy, cô.

- Hoàng con trai hở?

- Dạ, Hoàng là anh Thủy, Hoàng hiền lắm cô ơi, em thân với Hoàng hơn với Thủy, cô biết tại sao không?

Cô Nga nhìn tôi cười tủm tỉm lắc đầu:

- Không, tại sao thế?

- Tại Thủy hay nhõng nhẽo và ăn hiếp anh hoài à. Kỳ lắm. Thủy thích gì là đựơc đó. Ông bà bác sĩ thương Thủy lắm nên Thủy nhõng nhẽo quá, em không thích.

- Con ông bà bác sĩ chữa bệnh cho mẹ đó phải không?

- Dạ.

Tôi với cô Nga mải mê nói chuyện cho đến chiều, lúc ba đi làm về. Thấy cô Nga còn ngồi, ba cười và nói với tôi:

- Sao, Tuyên mời cô giáo chưa?

- Dạ, mời rồi.

Ba nhìn cô giáo nhỏ nhẹ:

- Cháu mến cô còn hơn mến tôi và nhà tôi nữa đó.

Cô Nga cúi đầu lí nhí trong lúc tôi thấy thật vui vì câu nói của bạ Ba nhắc lại với cô Nga:

- Chiều mai cô cho phép cháu Tuyên nghỉ một buổi và mời cô đến dự một bữa tiệc nhỏ với gia đình chúng tôi nhân ngày nhà tôi khỏi bệnh, mong cô nhận lời.

- Vâng, thưa ông, thế nào tôi cũng đến để chúc mừng bà chứ ạ.

- Cám ơn cô.

Ba nói và vuốt tóc tôi rồi đi vào nhà. Gót giầy ba nện trên nền đá như thể tiếng reo vui thoải mái nhất vậy.
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 

Re: Tiếng Khóc Mồ Côi - Dung Saigon

Postby tuvi » 12 Sep 2019

Chương 7

Chị sáu thò đầu vào phòng gọi tôi:

- Tuyên, Mẹ gọi.

Tôi ngoái cổ nhìn chị Sáu, chị mặc áo dài mới, đôi má thoa một lớp phấn hồng và môi son đỏ chói. Trông chị Sáu hôm nay ngộ ngĩnh làm sao ấy, chị mang đôi dép da của mẹ cho chị hôm Tết, đôi dép mà chị nâng niu cất kỹ trên nóc tủ không bao giờ dám đụng đến. Thế mà hôm nay chị dám mang xuống đi. Tôi cười nheo mắt, khen chị.

- Trời ơi, hôm nay chị Sáu diện quá.

Chị Sáu ngượng ngùng cúi mặt:

- Ừ, ừ! Tại hôm nay ngày vui của mẹ chị phải mặc đàng hoàng.

- Mẹ gọi em làm gì thế?

- Chị không biết.

- Mẹ Ở đâu?

- Trong phòng Mẹ.

Tôi chạy ào ra khỏi phòng, đến phòng mẹ. Mẹ đang ngồi trang điểm bên bàn phấn. Mẹ mặc áo nhung vàng, mái tóc bới cao trang trọng và đài các. Trên áo mẹ cài một con bướm trắng rực rỡ, hôm nay mẹ thật trẻ, thật đẹp và thật rạng rỡ. Mẹ quay nhìn tôi:

- Lại đây mẹ cột nơ cho.

Tôi đến gần cho mẹ cài nơ đỏ lên tóc cho tôi, vuốt lại nếp áo đầm của tôi.

Ba đi vào, nhìn Mẹ cười êm ái rồi bảo tôi:

- Mấy đứa con bác Nguyễn đến rồi đó Tuyên.

Tôi định chạy ra, Mẹ ngăn:

- Khoan, để Mẹ bôi nước hoa cho Tuyên đã chứ.

Mùi nước hoa của Mẹ vẫy lên tóc, lên áo tôi thật dịu, thật nhẹ nhàng. Xong Mẹ bảo:

- Thôi, ra đón bạn đi con, cô giáo đã đến chưa?

Tôi lắc lắc mái tóc cột đuôi ngựa:

- Dạ chưa.

- Con ra đón cô giáo luôn hộ ba mẹ nghe.

- Dạ.

Tôi chạy vụt ra ngoài, bước chân reo vui tí tách.

- Tuyên!

Thủy gọi tôi từ bàn ông bà bác sĩ, tôi nhìn thấy Thủy và Hoàng ngồi sát bên bố mẹ. Hoàng giơ tay vẫy tôi và vẫn ngồi yên, Thủy ào đến bên tôi ríu rít:

- Áo Tuyên đẹp quá. Tuyên không đến chơi với Thủy gì cả. Nhớ Tuyên ghê đi.

Thủy líu lo không cho tôi kịp nói một lời nào. Tôi khoác vai Thủy đến chào ông bà bác sĩ thì thấy cô Nga đến. Tôi mừng rú kéo Thủy đến đón cô:

- Cô giáo của Tuyên đến rồi Thủy.

Thủy hỏi:

- Đâu, đâu?

- Đó, đó, cô mặc áo màu tím đó.

thủy nhìn theo tay tôi, cô Nga đang khoan thai bước vào cửa. Thủy chợt kêu lên:

- Trời ơi! Cô giáo của Tuyên đẹp quá đi.

Tôi sung sướng ngấm ngầm, hãnh diện ngấm ngầm bởi lời khen của Thủy. Cô đẹp u buồn. Cô như nàng công chúa phiền muộn vậy.

Tôi dắt THủy đến bên cô Nga khoe:

- Cô ơi, bạn em khen cô đẹp nhất.

Cô Nga nhìn Thủy, cô vuốt lên đôi má bầu bĩnh của cô nhỏ:

- Bạn Tuyên đây hả? Ừ, hai em đều xinh, đều dễ thương cả.

- Xin mời cô giáo vào bàn chứ.

Tôi quay lại, Ba đứng đàng sau chúng tôi tự bao giờ, ông nói với cô giáo:

- Gớm, học trò với cô giáo gặp nhau là khen nhau rối rít.

Tôi nhõng nhẽo:

- Ba, Thủy khen con sướng vì con có cô giáo đẹp đó ba.

Ba mỉm cười nhìn cô Nga như lời xác nhận. Cô Nga chớp chớp đôi mắt thật là duyên dáng. Ba đưa tôi và bàn trong ngồi kế bên cửa sổ rộng nhìn ra vườn. Mẹ bước ra, đến bàn chúng tôi. Cô Nga chào mẹ, mẹ cười vui vẻ:

- Được cô giáo đến chung vui với chúng tôi và cháu chiều nay là điều vui cho chúng tôi.

Cô giáo nhỏ nhẹ:

- Thưa bà, tôi đến để mừng bà khỏe mạnh và cầu chúc bà tràn đầy niềm vui.

Mẹ cám ơn cộ Ngồi nán lại bàn chúng tôi một lát, Mẹ xin lỗi cô Nga ra tiếp thêm mấy bà bạn mới đến. Tôi đảo mắt nhìn sang bàn ông bà bác sĩ và thấy Hoàng vẫn thản nhiên ngồi cạnh bố mẹ, tôi bỗng thấy ấm ức khó chịu sao đó.

Thủy nhìn tôi nói nhỏ:

- Tuyên nhìn xem anh Hoàng lớn rồi mà cứ bám ba hoài, ghét ghê.

Tôi gật đầu:

- Ừ, ghét Hoàng lắm, không thèm thân với Hoàng nữa, con trai gì đâu cứ bám theo bố mẹ không à.

Cô giáo ăn nhỏ nhẹ như một con mèo nhỏ. Cô chỉ lo gắp thức ăn cho tôi và Thủy mà thôi. Mỗi lần như thế tôi lại dẫy lên:

- Cô ăn ít em giận cô cho xem.

Cô chỉ cười, còn Thủy thì nhõng nhẽo cô quá sức. Nhõng nhẽo là nghề của Thủy mà. Thủy bắt cô cho cái này, đòi cô cho cái kia cứ y như Thủy là học trò của cô từ lâu lắm rồi vậy. Thủy lấn lướt tôi trông thấy, quen như ở nhà vẫn ăn hiếp anh, Thủy tỉnh bơ tôi đi, thủ thỉ với cô Nga:

- Cô ơi, chút nữa cô kể chuyện cho em nghe nha cô, Tuyên bảo cô kể chuyện hay lắm.

- Cô ơi, hôm nào cô đến dạy em học như cô đã dạy Ngọc Tuyên nha cô.

Thủy cứ cô ơi, cô ời suốt bữa tiệc. Cô giáo chịu khó chìu Thủy ghệ Cái gì cũng ừ cũng gật hết. Tôi nghe cô bằng lòng đến dạy học cho Thủy, tôi thấy buồn buồn làm sao ấy. Thấy tủi hờn mất mát ghê gớm. Tôi cứ muốn nói thầm với cô:

- Cô dạy Thủy là Tuyên mất cô.

Từ trong đôi mắt cô Nga, lời nói dành cho tôi nhỏ nhẹ:

- Sao lại mất cô hở Tuyên?

- Vì Thủy không mồ côi như em, vì Thủy sung sướng hơn em.

- Cô thương em hơn.

- Không, em không tin.

- Em phải tin, vì cô và em gần nhau lắm. Gần trong gan tấc thôi Tuyên.

Những lời thì thầm khiến tôi mủi lòng ghê, tôi cứ muốn bật khóc giữa bữa tiệc đông người này cho cô giáo vuốt tóc dỗ dành tôi.

Thủy đòi ăn bánh ngọt, cô Nga cắt bánh cho tôi và Thủy mỗi đứa một miếng thật tọ Thủy nhí nhảnh đẩy đĩa bánh của nó đến bên cô Nga:

- Cô ăn chung với Thủy.

Cô Nga cười, Thủy lấy muỗng xắn bánh và bắt cô Nga ăn chung, cô Nga chiều Thủy cắn một miếng bánh trên muỗng Thủy, con nhỏ cười rúc rích và ăn ngấu nghiến phần bánh còn lại một cách ngon lành.

Buổi tối tiệc tàn, ba mẹ mời cô Nga ở nán lại cùng với gia đình ông bác sĩ, cô Nga tỏ ý sợ tối quá. Ông bà bác sĩ nói:

- Để lát nữa chúng tôi sẽ đưa cô Nga về.

- Dạ, như thế phiền ông bà.

Ông bà bác sĩ lắc đầu:

- Có gì là phiền đâu cô, chúng tôi về cùng đường với cô mà.

Thủy nghe bố mẹ đề nghị thích quá reo lên:

- đúng đó, cô Nga về với Thủy nhé, cô nhé.

Tôi nhìn cô Nga để chờ cô lắc đầu từ chối, song cô lại gật đầu. Tôi nghe tức tối khổ sở quá sức.

Ba mẹ và tôi tiễn ông bà bác sĩ ra tận xe. Ngày mai chủ nhật nghỉ học, tôi không đến trường mà cô Nga cũng chẳng đến dạy học cho tôi, buồn biết mấy, tôi lại lủi thủi ở nhà với những món đồ chơi nhàm chán, với những cô bé búp bê đã cũ. Những thứ ấy không còn là cần thiết đối với tôi nữa.

Tôi nghe bơ vơ lạ lùng.

Trước khi vào xe, Thủy bảo tôi:

- Thỉnh thoảng đến chơi với Thủy nha Tuyên, Thủy có nhiều đồ chơi mới đẹp lắm cơ.

Tôi gật đầu. Thủy nhảy vào ngồi sát bên cô Nga, cô choàng tay qua cổ Thủy âu yếm. Tôi nhìn cô Nga, thấy ấm ức đến muốn khóc quá.

- Thế nào, hôm nay con vui không?

Tôi muốn lắc đầu nhưng không hiểu sao tôi lại gật đầu đáp câu hỏi của ba.

Mẹ nói:

- Con nhỏ Thủy con bác sĩ Nguyễn có vẻ bám cô giáo của Tuyên quá rồi. Chắc Tuyên buồn phải không?

- Dạ không.

Tôi nói mà nước mắt cứ chực trào ra, Ba cúi xuống nâng mặt tôi lên, cười ròn:

- Trời ơi cô nhỏ hờn cô giáo rồi, thôi để mai gặp cô giáo ba bảo cô đừng thương cái con bé hay nhõng nhẽo đó nữa, cô giáo của Tuyên chứ có phải của con bé đó đâu, nhỉ?

Nghe ba nói tôi mủi lòng khóc tấm tức, bỏ chạy vào phòng không nhìn lại nét ngơ ngác của ba mẹ đang nhìn theo tôi.

Cô giáo nói với tôi:

- Chiều mai cô đến dạy học cho bé Thủy.

Tôi buồn buồn:

- Cô dạy cho bé Thủy rồi cô không dạy cho em nữa phải không cô?

Cô giáo tát khẽ lên má tôi:

- Ai nói với Tuyên thế chứ, cô dạy bé Thủy nhưng cũng dạy cho Tuyên nữa chứ bộ.

- Nhưng cô hết thương em.

- Nói bậy, lúc nào cô cũng thương Tuyên nhất.

- Thế tại sao cô lại dạy Thủy học?

- Vì ông bà bác sĩ yêu cầu cô đến dạy học thêm cho Thủy, cô bé đòi quá.

Tôi phân bì:

- Ừ, tại Thủy nó sung sướng hơn em, Thủy được mẹ cưng hơn em, rồi cô cũng cưng Thủy hơn em cho mà xem.

Cô Nga cười cười, nạt đùa tôi:

- Tuyên nói nhảm hết sức, ghét Tuyên quá.

Tôi vùng vằng:

- Thôi, em chả cần cô thương em đâu.

Nói xong tôi òa khóc tức tưởi, cô Nga cuống quýt dỗ tôi, tôi vẫn tỉ tê ngồi khóc ngon lành, khóc sung sướng như chưa bao giờ đựơc khóc như thế. Cô Nga doạ:

- Tuyên khóc hoài cô về đó nghe.

Sợ cô về thật, tôi vội ngẩng đầu lên, cô Nga quệt tay lên má tôi:

- Trời ơi, Tuyên cũng nhõng nhẽo quá chừng đi.

Tôi phụng phịu:

- Tại cô.

- Ừ thì tại cô

- Cô mà không dạy học cho em nữa chắc là em buồn lắm, cô Nga ạ. Ở nhà này em cô đơn hơn bao giờ hết, em không gần mẹ, mà ba thì đi làm suốt ngày, em chỉ còn có cô thôi.

Dường như cô Nga cảm động vì câu nói của tôi, cô chống tay lên cằm nhìn mông lung ra cửa, đôi mắt thật buồn. Bất chợt cô hỏi tôi:

- Nếu vì một lý do gì đó cô không còn đến dạy học cho Tuyên nữa, Tuyên có giận có ghét cô không?

- Tuyên buồn lắm và Tuyên sẽ khóc suốt ngày.

- Tội nghiệp Tuyên.

Cô Nga vuốt ve tôi, chưa bao giờ tôi thấy tôi cần tình thương bằng lúc này, chưa bao giờ tôi thấy thấm thía buồn bằng lúc này. Tôi chợt nhớ đến mẹ ruột tôi. Chẳng biết mẹ bây giờ ở đâu? Mẹ có còn nhớ đến đứa con gái của Mẹ không nhỉ? Tôi nôn nao hình bóng Mẹ, dù sao tôi vẫn không quên nổi Mẹ. Bốn năm làm con nuôi trong gia đình, được sung sướng đầy đủ hết thẩy mọi thứ,tôi vẫn không quên được mẹ. Suốt đời, hình ảnh Mẹ ám ảnh trí óc tôi.

Dạo này tôi không bị gặp những cơn hãi hùng bất chợt do Mẹ gây ra nữa. Cuộc sống trong gia đình trở lại bình thường. Vẫn ngày hai buổi ba đi làm, Mẹ quanh quẩn trong nhà và bà săn sóc tôi nhiều hơn một chút, thân mật với tôi hơn ngày bà chưa đau. Điều đó vẫn không làm tôi gần Mẹ hơn được chút nào dù tôi không ghét Mẹ, tôi kính trọng bà và chưa làm bà phật ý một điều gì hết.

Buổi chiều ba về, tôi thoáng bắt gặp đôi mắt Ba nhìn tôi dịu dàng. Tôi nghe xôn xao làm sao đó. Hình như Ba có điều gì muốn nói với tôi, tôi chờ đợi, song hết bữa cơm mà ba vẫn không nói gì, tôi có ý chờ ba đến tối nhưng sự bình thản của ba khiến tôi thấy mình nghĩ vẩn vơ quá nên tôi vào phòng riêng học bài qua loa, ngồi đùa giỡn với mấy cô bé búp bê rồi đi ngủ.

Tôi mơ màng như có người ngồi bên cạnh tôi, nhẹ vuốt những sợi tóc tôi và thầm thì gọi tên tôi, Ngọc Tuyên! Ngọc Tuyên! Tôi không mở mắt mà cứ ngỡ mình ngủ mê, tưởng tượng bàn tay cô Nga ve vuốt dỗ dành tôi lúc chiều và thiếp dân đi trong nỗi sung sướng nhè nhẹ: "Tội nghiệp con gái tôi, khổ thân con gái tôi!". Hình như tiếng cô giáo thì phải, tôi mở bừng mắt. Ơ kìa! Ba! Tôi bật kêu lên thảng thốt:

- Ba, Ba gọi con?

Tôi hỏi, Ba nhẹ cười, đôi mắt thật dịu, thật buồn:

- Không, Ba tưởng con chưa ngủ, Ba vào thăm con.

Tôi ngồi bật dậy cười vui:

- Con thức rồi đó Ba.

Ba ấn tôi nằm xuống giường:

- Thôi, con ngủ đi để mai đi học sớm.

- Con hết buồn ngủ rồi mà.

Tôi nói, Ba đứng dậy chỉ tay:

- Ngủ tiếp đi, Ba không thích con thức khuya.

Ba nói và bước nhanh ra khỏi phòng tôi. Nhìn theo dáng ba, tôi muốn khóc ghê gớm, tại sao Ba lại đến thăm tôi quá bất ngờ và đột ngột thế nhỉ? Tại sao Ba có vẻ buồn buồn và đôi mắt Ba nhìn tôi khác lạ hơn thường ngày. Hình như Ba có điều gì muốn hỏi tôi mà sao Ba không hỏi. Ba có vẻ đắn đo ngập ngừng đến thế? Tôi không hiểu nổi những gì Ba đang nghĩ nữa. Thương Ba làm sao là thương! Tôi nằm yên nhắm mắt trở lại tìm giấc ngủ mà sao cơn buồn ngủ biến mất, tôi nghĩ đến những ngày sống buồn khổ trong Viện mồ côi cho đến bây giờ. Nghĩ về Mẹ, về cô Nga, về Ba, tôi nghe như mắt mình cay cay và tôi khóc.

Đã hai ngày hôm nay cô Nga không đến dạy tôi học nữa. Hai buổi chiều ngồi mong cô từng giờ từng phút tôi không thiết đến bất cứ một cái gì khác ngoài sự mong đợi cô Nga hiện ra. Buổi chiều ba về thấy tôi ngồi buồn so trước bàn học nhìn ra cổng. Ba xoa đầu tôi:

- Hôm nay cô giáo vẫn chưa đi dạy hả Tuyên?

Tôi không nhìn Ba, lắc đầu buồn bã.

- Tối nay con có muốn đến chơi với các con nhà bác Nguyễn không?

- Dạ không.

- Hình như cô giáo cũng có dạy học cho con bé Thủy nhà bác Nguyễn mà, phải thế không?

Mắt tôi sáng lên khi nghe ba nhắc, tôi nói vội:

- Dạ, có ba, ba cho con đến nhà bác Nguyễn hỏi Thủy xem cô giáo có còn đến dạy học cho Thủy không nghe ba.

Ba cười cười:

- Ừ, ăn cơm xong sửa soạn ba đưa đi.

Ba hỏi tôi bất chợt:

- Tuyên.

- Dạ.

- Con thương cô Nga lắm sao?

Tôi cúi đầu di di gót chân xuống nền gạch:

- Dạ, cô Nga cũng thương con nữa.

- Con thương cô Nga hơn thương Ba?

Tôi ngẩn nhìn Ba và thấy đôi mắt ông nhìn tôi thật đằm thắm, tôi nao nao. Tôi nói nhỏ:

- Con thương Ba và thương cô Nga.

Ba cười buồn:

- Nếu cô Nga không dạy học cho con nữa thì ba sẽ kiếm cô giáo khác cho con, có gì đâu mà con phải buồn.

Tôi lắc đầu, rơm rớm nước mắt:

- Không ba, con chỉ học cô Nga mà thôi. Chỉ có cô Nga là thương con, cô Nga gần con nhất nên con thương cô Nga nhất.

Ba ôm đầu tôi ép vào ngực, Ba dỗ dành:

- Tội nghiệp con, còn Ba cũng sẽ thương con nhất, con không thích thế à?

Tôi nghĩ thầm: Ba thương con bằng tình thương Ba nuôi, con đâu thích thế, suốt đời thì Ba chỉ biết con là con nuôi của ba mà thôi, Ba có bao giờ xem con là con ruột của Ba đâu. Ba có bao giờ xem con như Bích Vi đâu hả ba?

Nghĩ đến Bích Vi tôi lại thấy buồn buồn, Bích Vi cũng như tôi mà sao Bích Vi hơn tôi đủ thứ. Bích Vi đựơc yêu chiều của cả cha lẫn mẹ, Bích Vi đựơc mẹ yêu vượt ra ngoài mơ ước của tôi. Giá tôi được mẹ tôi yêu tôi bằng một phần của mẹ Bích Vi đã yêu Bích Vi như thế, hẳn tôi sung sướng và cảm động đến ngần nào. Tôi đã không phải đi tìm kiếm tình thương ở cô giáo, tôi đã được sống hồn nhiên như Bích Vi, như Thủy con bác sĩ Nguyễn rồi.

Ăn cơm xong Ba rủ Mẹ đi thăm bác sĩ Nguyễn. Ba bảo:

- Để cho bé Tuyên điều tra về cô giáo của nó.

Mẹ cười:

- Cô giáo Nga chắc bị con bé nhõng nhẽo Thủy giữ quá nên không đến dạy học cho Tuyên nữa phải không?

Ba nói đùa Mẹ:

- Em nói thế cô nhỏ nhà mình lại đến nhà bác Nguyễn nằm lăn ra ăn vạ bây giờ.

Mẹ hỏi tôi:

- Tuyên có ăn vạ bắt đền bác Nguyễn trả cô giáo không?

Tôi ấm ức:

- Con ghét Thủy quá à.

Ba phá ra cười:

- Đó, biết ngay mà, hai cô nhỏ dành nhau cô giáo.

- Nhưng cô giáo của con trước.

Tôi gân cổ nói với Bạ Ba gật gù:

- Ừ, thì cô giáo của con trước, BA có nói gì đâu.

- Thế tại sao Thủy nó dành?

- Thì tại Thủy cũng thương cô giáo như con thương vậy.

- Nhưng cô giáo không thương Thủy bằng thương con, Thủy cũng không thương cô giáo bằng con thương cô giáo. Làm sao Thủy dành cô giáo được.

Ba cười vỗ nhẹ lên đầu tôi:

- Ừ thì con thương cô giáo và cô giáo cũng thương con nhất nhất. Thôi vào nhà sửa soạn rồi Ba đưa đi tìm cô giáo.

Ba Mẹ và tôi đến bác Nguyễn cả nhà đang ngồi xem tivị Thấy chúng tôi, bác Nguyễn gái đon đả:

- Kìa bác, mời hai bác vào chơi. Hoàng, THủy có Tuyên đến kìa.

Hoàng chạy vụt ra nắm cánh tay tôi kéo đến bên tivi trong lúc Ba Mẹ và Ba Mẹ Hoàng ngồi salon nói chuyện. Hoàng ríu rít:

- Sao lâu Tuyên không đến chơi với bọn Hoàng?

Thủy ngồi yên không mừng Tuyên, nghe anh hỏi, con bé nói dỗi:

- Tuyên có cô giáo rồi đâu cần chơi với bọn mình nữa anh Hoàng ơi.

Tôi thấy tức Thủy lạ lùng.. Con bé dễ ghét làm sao ấy. Tôi chưa hỏi Thủy về cô giáo của tôi thì thôi tại sao Thuỷ lại dỗi tôi như thế chứ. Cô giáo đã bỏ tôi để đến dạy học cho Thủy, Thủy chưa vui à?

Thấy tôi ngồi lặng thinh khó chịu, Hoàng chạy vụt vào nhà đem cho tôi bức tranh vẽ một con bé búp bê có hai con mắt tròn to và mái tóc cong cong ngộ ngĩnh:

- Cho Tuyên đó.

- Ai vẽ thế Hoàng?

Tôi hỏi, Hoàng khoe:

- Hoàng vẽ đó, Hoàng mới học vẽ xong, chiều nào cũng có ông thầy đến dạy vẽ cho Hoàng hết.

Tôi reo lên:

- Thích nhỉ? Thế Thủy có học không?

Thủy bĩu môi:

- Ứ, Thủy không thèm học vẽ với anh Hoàng. Mẹ nói sẽ kiếm cô dạy vẽ cho Thủy cợ Mà cô phải dễ thương như cô giáo Nga, Thủy mới học.

Rồi Thủy chợt cười:

- Đố Tuyên, anh Hoàng vẽ ai đó?

Tôi nghiêng nghiêng mái tóc ngắm tác phẩm của Hoàng, cười:

- Vẽ con búp bê.

Thủy trợn mắt:

- Đâu phải, vẽ Tuyên chứ.

Tôi ngạc nhiên nhìn lại bức hình:

- Ư! đâu có giống Tuyên?

- Ừ, thế mà anh Hoàng cãi với Thủy là giống Tuyên y hệt à. Phải không anh Hoàng?

Hoàng mắc cỡ đỏ mặt, Thủy trêu anh:

- Đó, anh Hoàng cãi đi, Thủy bảo anh Hoàng vẽ con búp bê của Thủy mà anh Hoàng cứ nói vẽ Tuyên. Đâu có giống Tuyên đâu.

Hoàng gân cổ cãi:

- Giống Tuyên chứ sao, tại Hoàng mới học vẽ thì giống ít, mai mốt Hoàng học giỏi sẽ vẽ giống Tuyên nhiều.

- Nhưng tóc Tuyên đâu có cong cong thế này.

Tôi nói, Thủy chêm thêm:

- Ừ, miệng Tuyên đâu có méo thế này, tay Tuyên đâu có bự thế này..

Thủy đang định chê tiếp, Hoàng bỗng giựt mạnh bức hình chạy vụt vào trong nhà xé nát, tôi nhìn Hoàng ngơ ngác, mặt Hoàng đỏ bừng tức tối, lẩm bẩm:

- Chê thì thôi, từ nay không thèm vẽ nữa.

Tôi gọi Hoàng:

- Hoàng, tại sao Hoàng xé bức hình đi.

Hoàng vùng vằng:

- Tại Tuyên chê.

- Đâu có, Tuyên thích lắm.

Tôi nói thế mà Hoàng vẫn không nguôi giận, hầm hầm bỏ vào nhà trong, cho đến lúc tôi về Hoàng mới ló đầu ra nhìn tôi không nói gì hết.

Trên đường về, Ba hỏi tôi:

- Con biết tin cô Nga rồi chứ?

Tôi giật mình, lắc đầu:

- Chưa ba, con quên hỏi Thủy?

Ba cười:

- Cô Nga nghỉ dạy học cho Thủy lâu rồi.

Tôi reo lên mừng rỡ:

- Hèn gì lúc nãy Thủy bảo con có cô Nga rồi nên không thèm đến chơi với anh em Thủy nữa. Con biết mà, cô Nga đâu có thương Thủy, cô Nga thương con nhất mà thôi.

- Từ nay hết ghét cái con nhỏ Thủy nữa nhé.

Ba nói đùa, tôi cười cười:

- Chiều mai cô Nga đến, con hỏi cô tại sao không dạy học cho Thủy nữa. Chắc tại Thủy nhõng nhẽo cô quá, cô ghét đó Ba.

Ba ừ ừ, rồi quay sang thì thầm với Mẹ. Tôi quay nhìn mông lung ra đường. Buổi tối, thành phố buồn như đôi mắt cô Nga vậy, tôi thấy nhớ cô Nga làm sao...

Đến lúc mà tôi không mong đợi nữa thì cô Nga đến. Tôi mừng rú gọi cô Nga, cô Nga rối rít, cô Nga cười với tôi, nụ cười héo hắt. Tôi sà đến bên cô, nắm bàn tay nhỏ nhắn của cô:

- Sao cô không đến dạy Tuyên, hở cô?

Cô Nga ngồi xuống ghế, khuôn mặt xanh xao, cô mệt nhọc nói với tôi:

- Cô đau Tuyên ạ.

Tôi kêu lên:

- Cô đau sao thế cô?

- Cô cảm thôi, nhưng cô đến đây để nói với Tuyên một chuyện.

Tôi hỏi nhanh:

- Chuyện gì thế hở cô?

- Ba Mẹ có nhà không?

- Có Mẹ, còn Ba chưa về.

Cô Nga nhìn đồng hồ:

- Chắc Ba cũng sắp về rồi đó, cô ngồi chờ Ba, Tuyên rót cho cô xin ly nước.

- Để Tuyên pha nước chanh cho cô.

Tôi nhanh nhẹn đứng dậy. Lúc bưng ly nước đến cho cô thì Ba về, thấy cô Nga, Ba vui mừng:

- A, chào cô giáo.

- Chào ông.

Cô Nga lí nhí. Ba ngồi xuống bên cạnh tôi đối diện cô Nga, Ba đùa đùa:

- Mấy ngày cô giáo nghỉ, bé Tuyên khóc hoài, nhắc cô giáo luôn miệng. Hôm nay cô giáo đến lại rồi, Tuyên có còn bắt đền cô nữa không?

Tôi nắm tay cô giáo:

- Cô đừng nghỉ nữa nghe cô, chiều mai cô lại đến dạy học cho Tuyên nghe?

Cô Nga lắc đầu, cái lắc đầu của cô khiến tôi và Ba đều ngạc nhiên, tôi nói như khóc:

- Sao thế cổ Cô giận em à?

Cô giáo vuốt tóc tôi:

- Không, cô có giận gì Tuyên đâu.

- Thế tại sao cô không đến dạy học cho Tuyên chiều mai, cô còn đau hả?

Cô Nga buồn buồn:

- Vì cô phải đi xa cùng với gia đình.

Ba cũng có vẻ buồn khi nghe cô giáo nói phải đi xạ Tôi nhìn Ba như cầu cứu Ba giữ cô Nga ở lại. Nhưng Ba vẫn cúi đầu trầm ngâm như đang suy nghĩ một điều gì đó, một lát Ba ngẩng đầu nhìn cô Nga:

- Cô đi chắc cháu Tuyên buồn lắm. Cháu mến cô quá nhiều, cô cũng thấy điều đó chứ?

- Vâng, thưa ông, tôi biết. Nhưng rồi có nhiều cô giáo khác, Tuyên sẽ vui lại ngay...

Tôi cướp lời cô Nga:

- Tuyên không thích cô giáo khác. Tuyên chỉ thích học cô thôi. Cô đừng bỏ Tuyên nha cô.

Cô Nga chớp chớp mắt:

- Cô không thể ở lại đựơc Tuyên ạ! Cô phải đi theo gia đình.

- Cô đi đâu?

- Ra miền trung.

Tôi nói như hét lên:

- Tại sao cô phải đỉ Cô nói với Tuyên cô mồ côi như Tuyên mà, cô gần Tuyên nhất cơ mà, có phải cô hết thương Tuyên rồi phải không?

Tôi nói và bật khóc, cô Nga ngồi im câm lặng. Ba cũng ngồi im không hề lên tiếng. Tôi buồn quá, tôi bơ vơ quá. Thôi từ nay không còn cô để kể lể tâm sự, không còn cô để gần gũi dỗi hờn cho cô vuốt ve mái tóc tôi thương mến nữa. Không còn cô để khoe con búp bê có đôi mắt tròn to, để kể cho cô nghe chuyện Thủy hay nhõng nhẽo ghen tị với tôi có cô giáo đẹp, kể bức tranh Hoàng mới học vẽ tặng tôi. Tất cả đi theo cộ Nhớ cô Nga quá cô Nga ơi!

- Cô về, Tuyên.

Cô Nga đứng bật dậy, tôi đứng bật dậy theo hốt hoảng:

- Cô!

- Tuyên sẽ có cô giáo khác, nếu Ba và Tuyên muốn, cô sẽ giới thiệu một người bạn đến dạy cho Tuyên cũng với giờ thường ngày. Tuyên nghĩ sao?

Tôi lắc đầu, nước mắt chan hòa. Ba xoa đầu tôi âu yếm, đưa cô Nga ra tận cửa, cô Nga chào Ba và vuốt má tôi thầm thì:

- Cô sẽ viết thư cho Tuyên, đừng buồn nữa. Cô tin chắc Tuyên sẽ hết buồn vì Tuyên đã có Bạ Tuyên sẽ gần Bạ Không bao giờ Ba bỏ Tuyên đâu. Chúc Tuyên tìm lại nụ cười trẻ thơ đã vội mất và vui thật vui. Nhưng không đựơc quên cô đấy nhé. Có gì vui viết thư cho cô với.

Cô Nga vội vã quay đi. Tôi đứng lặng nhìn cô, tà áo dài buồn muôn thuở bay bay trong buổi chìêu sắp tắt nắng, trông cô thanh thoát nhẹ nhàng làm sao, u buồn làm sao! Hình ảnh cô khiến tôi tìm thấy hình ảnh ngày cuối cùng mẹ bỏ tôi đi cũng thế. Tà áo mẹ cũng bay bay trong nắng như thế! Dáng mẹ cũng yếu ớt gầy còm như thế! Tôi chợt kêu lên tức tưởi không kìm hãm:

- Mẹ Ơi! Mẹ!

Một bàn tay mát lạnh ôm tôi vào lòng. Tiếng Ba buồn như tiếng khóc:

- Tuyên, Ba biết con là con của Bạ Tuyên nhìn xem, có nhớ ai đây không?

Tôi nhìn bức ảnh trên tay ba, bức ảnh của một người đàn bà còn trẻ, người đàn bà mà mới nhìn, tôi đã nhận ra Mẹ tôi. Đôi mắt mẹ không bao giờ tôi quên được, đôi mắt thật dịu, thật hìên, như mắt cô Nga, tôi cũng không thể nào quên nổi mắt cộ Tại sao trông mẹ hiền hậu như thế mà Mẹ không thương con nhỉ? Lẽ ra Mẹ phải có một tình thương rộng lớn bao la mới phải. Như cô Nga, cô có một tình thương dành cho tôi quá rộng nên tôi thương cộ Vì thiếu mẹ nên bao nhiêu tình thương trong tôi, tôi đều dành hết cho cộ Thế mà cô cũng bỏ tôi. Nghĩ đến cô Nga, tôi thút thít khóc. Ba đem thêm những bức ảnh khác cho tôi xem. Những bức ảnh chụp chung của Ba và Mẹ.

Tôi tưởng mình nghe lầm. Không! Ba không biết, Ba làm sao biết được con là con của Ba, hở Ba?

- Tuyên, vào đây Ba cho con xem cái này.

Ba nói và dắt tay tôi vào phòng Bạ Để tôi ngồi vào ghế dựa bên bàn, Ba mở tủ tìm tòi một lát, Ba đi lại gần tôi:

- Tuyên nhớ ai đây không?

Ba hỏi tôi lần nữa. Tôi nói trong tiếng khóc nhỏ:

- Mẹ!

Ba nhẹ cười:

- Mẹ nào?

- Mẹ của con.

Ba nhìn tôi thật lâu:

- Con thương Mẹ không?

Tôi định lắc đầu song tôi lại yên lặng. Ba ôm đầu tôi:

- Tội nghịêp con. Ba biết con là con của Ba nhờ cô giáo. Nếu cô giáo không nói thì chẳng bao giờ ba biết đựơc sự thật hết. Tại sao con dấu Ba, hả?

Tôi rúc vào ngực Ba nói trong niềm sung sướng vô biên:

- Tại Mẹ dấu, Mẹ không muốn cho Ba biết.

- Thế mà con lại kể cho cô giáo nghe?

Tôi không biết nói sao cho Ba hiểu tình thân thiết của tôi đối với cô Nga đậm đà đến chừng nào, thì làm sao tôi có thể dấu được cô cơ chứ. Cô Nga là điểm tựa của tôi. Tôi cần cô! Tôi cần cô vô chừng thôi! Không có tình thương của Mẹ nên tôi cần cô như thế đó - Dù gì thì tôi cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ con còn quá bé, đang trong tuổi cần được thương yêu ve vuốt dịu dàng của một người mẹ, với cô Nga tôi mới đựơc hưởng những thứ đó nên vô hình chung cô Nga đã thay thế được người mẹ trong lòng tôi rồi. Cô cho tôi đủ thứ hết. Ở bên cô, tôi sống trẻ thơ hoàn toàn. Tôi hay nhõng nhẽo cô, kể cho cô nghe chuyện trong lớp học, chuyện bạn bè hoặc kể lể với cô những ấm ức nhỏ nhặt. Với tôi, cô Nga là nhất - không ai thay thế được cô trong lòng tôi nữa cả.

- Bây giờ có Ba ở bên con rồi, con không còn buồn nữa chứ?

Ba vừa nói vừa vuốt những sợi tóc cong queo của tôi. Tôi ôm cánh tay ba nói nhỏ:

- Nhưng con nhớ cô giáo.

- Ba sẽ kiếm cho con một cô giáo khác.

Tôi buồn buồn:

- Cô giáo nào cũng không bằng cô Nga, Ba ạ.

- Ba biêt con thương cô Nga nhiều lắm, cô Nga cũng thế, cô thương con thật lòng.

Tôi vẫn còn thắc mắc sự ra đi đột ngột của cô Nga và lý do gì đã khiến cô nói cho Ba nghe tôi là con của ông. Nếu thật tình vì muốn cho tôi được gần Ba mà cô xa tôi, tôi cũng chẳng thấy một chút vui sướng nào. Tôi hỏi Ba:

- Tại sao cô Nga nói với Ba con là con ruột của Ba, hở Ba?

- Vì cô Nga sợ con buồn khi biết cô không còn dạy học cho con nữa, con sẽ tủi.

Tôi cúi đầu nghe rưng rưng nhớ đôi mắt đẹp u buồn của cô Nga:

- Con biết cô Nga thương con nhất mà.

Ba thở dài, nhẹ nhấc tôi đứng dậy:

- Thôi con, bây giờ con còn Ba, không bao giờ Ba để cho con gái Ba phải cô đơn nữa. Lúc nào Ba cũng gần gũi bên con. Con quên đi, quên tất cả. Ba con mình bắt đầu những ngày tháng mới kể từ hôm naỵ Con bằng lòng không?

Tôi nhìn Ba bằng ánh mắt thương mến ngập hồn tôi. Ba đâu biết con đã gần Ba ngay từ ngày đầu tiên từ Viện mồ côi về, dù ngày đó con không biết Ba là Ba ruột của con. Có một thiêng liêng nào khiến con gần Ba như thế? Bây giờ con mới hiểu. Đó là thiêng liêng của tình ruột thịt cha con. Như ánh mắt Ba đã nhìn con hôm đó bằng một thoáng ngỡ ngàng thân thiết. Phải thế không Ba?

- Vào thăm Mẹ rồi sửa soạn ăn cơm, Ngọc Tuyên. Tối nay Ba con mình đi xem ciné, nhé?

- Cả Mẹ nữa.

Tôi nhí nhảnh đề nghị. Ba cười, kéo tay tôi âu yếm. Lúc đi sang phòng Mẹ, ngang bàn học của tôi với cô Nga mỗi buổi chiều, bỗng dưng toi nhớ cô lại muốn khóc òa...

Hết
User avatar
tuvi
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $57,250
Posts: 96097
Joined: 29 Apr 2006
Location: FRANCE
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng tuvi từ: Que Huong


Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 82 guests